Chư vị đồng học!
Chúng ta lại xem tiếp phần Khai Thị của thiền sư Trung Phong.
Trong buổi trước, chúng ta đã đọc đến:
Ngã kim đại quy y,
Sám hối tam nghiệp tội.
我今大歸依。
懺悔三業罪。
(Con nay đại quy y,
Sám hối tội tam nghiệp).
Đối với người niệm Phật mà nói thì câu này là xưng niệm sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô là Quy Y, A Di Đà Phật là chân chánh sám hối diệt tội. Trong quá khứ, Phật môn đặc biệt là Tịnh Độ Tông yêu cầu học nhân trong từng niệm tâm phải luôn có A Di Đà Phật, phải dưỡng thành thói quen. Bình thường tiếp xúc người khác, thậm chí người ta gọi tên mình, phải trả lời như thế nào? Đều trả lời: “A Di Đà Phật”. Dưỡng thành thói quen đó, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoại trừ A Di Đà Phật ra, cái gì cũng không có, gần như biến thành một loại quy củ trong nhà Phật.
Người có tâm cầu vãng sanh niệm một câu A Di Đà Phật, phước huệ tăng trưởng. Không có ý nghĩ mong vãng sanh, thậm chí không muốn học Phật pháp thì niệm một câu A Di Đà Phật sanh phước báo, diệt tội sanh phước, vô lượng vô biên công đức. Vô cùng đáng tiếc, người ấy không hiểu, mà cũng không biết, cho nên trong cuộc sống thường ngày không biết tu. Vì nguyên nhân nào vậy? Vì mê hoặc, vì mê mất. A Di Đà Phật là đức hiệu của tự tánh, là tên gốc của Chân Như Bản Tánh, trong những phần trên chúng tôi đã giảng rồi, A Di Đà Phật là tên gốc của hết thảy chư Phật, chẳng thể nghĩ bàn!
Ngay trong số những người tu Tịnh Độ chúng ta, số người biết [điều này] cũng không nhiều. Nếu thực sự biết, sẽ quý trọng một câu [danh hiệu] này, sẽ coi một câu danh hiệu này là vô thượng trân bảo, không có một pháp thế gian hay xuất thế gian nào có thể sánh bằng! Quý vị chỉ cần một mực niệm, đúng như Chương Gia đại sư đã nói trước đây: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng). Quý vị muốn cầu vãng sanh, muốn cầu thành Phật, đều dễ dàng đạt được, huống chi tất cả hết thảy những pháp thế gian? Thực sự là “hữu cầu tất ứng”. Vấn đề là phải niệm đến mức độ nào? Phải niệm đến khi không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Trong một đời này (thế giới hiện tại đúng là quá nhiều tai nạn), gặp hung hóa cát, gặp nạn thành lành, chuyện gì cũng xứng tâm như ý. Mỗi câu tôi vừa nói đều là lời chân thật, hiện tại quý vị được hết thảy chư Phật hộ niệm, hết thảy các thiện thần ủng hộ. Hai câu trên đây lợi ích vô biên, sâu rộng không ngằn mé, nhưng những người học Phật thường coi thường, thuận tiện như thế mà bỏ qua, đúng là vì nghiệp chướng sâu nặng mà thành ra như vậy. Tiếp đó nói:
Phàm hữu chư phước thiện,
Chí tâm dụng hồi hướng.
凡有諸福善。
至心用回向。
(Bao phước thiện đã có,
Chí tâm đem hồi hướng).
Trong cuộc sống thường nhật, làm được những “phước thiện”, khởi thiện tâm, thiện niệm, thiện hạnh, vì xã hội, vì đại chúng tu phước. Tuy vậy, phải nhớ rõ: Chớ tự mình hưởng thọ phước báo, tự mình sống khổ sở một chút. Tốt ở chỗ nào? Đối với thế gian này không có tâm lưu luyến, thường có tâm xuất ly, chẳng khởi tham ái đối với thế gian này. Vì thế, có phước báo phải chia cho chúng sanh hưởng, phải giúp đỡ chúng sanh khổ nạn. Trong khi giúp đỡ thì quan trọng nhất là giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, điều này quan trọng hơn bất cứ gì khác. Bởi lẽ, phá mê khai ngộ thì người ta mới có thể đoạn ác tu thiện, mới có thể thoát sanh tử, xuất tam giới, triệt để vượt thoát hết thảy khổ nạn, các phương pháp khác làm không được. Đó gọi là Phật sự. Phật sự là việc của bậc đại trí đại giác, không phải là chuyện nhỏ!
Nếu có phước báo mà tự mình hưởng thụ, rất dễ bị mê hoặc. Một người hưởng phước bèn mê, bèn điên đảo, bèn tạo ác nghiệp, bèn đọa lạc; phước báo nên dành cho mọi người hưởng. Tự mình mỗi ngày ăn không cầu no, chớ ăn quá no. Ăn quá no sẽ hôn trầm, trọn chẳng tham cầu ăn uống. Ăn uống nhằm bù đắp thể lực, bù đắp năng lượng cho thân thể của chính mình, vừa đủ là tốt rồi, cũng đừng quá phận, hết thảy tùy duyên. Nghĩ đến đức Thích Ca Mâu Ni Phật khi còn tại thế ôm bát đi khất thực, người ta cho thứ gì ăn thứ nấy; có thứ gì vui thích hay không vui thích chăng? Không có! Trong tâm vẫn là một câu A Di Đà Phật. Ăn ngon, A Di Đà Phật; khó nuốt cũng là A Di Đà Phật. Như vậy mới tốt! Tiêu nghiệp chướng, tăng phước huệ.
“Chí tâm dụng hồi hướng”: “Chí tâm” là tâm chân thành, thành tâm thành ý hồi hướng. Trong phần giảng về mười nguyện Phổ Hiền trước đây, chúng tôi đã nhắc đến hồi hướng Bồ Đề, hồi hướng chúng sanh, hồi hướng Thật Tế. Nay chúng ta hồi hướng chúng sanh, hồi hướng thế giới Cực Lạc, nguyện đem công đức này trang nghiêm Tịnh Độ Phật, niệm niệm chẳng quên cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, niệm niệm chẳng quên thân cận A Di Đà Phật.
Nguyện đồng niệm Phật nhân,
Cảm ứng tùy thời hiện.
願同念佛人。
感應隨時現。
(Nguyện người cùng niệm Phật,
Cảm ứng tùy thời hiện).
Chỉ cần chân thành, thầy Lý truyền cho tôi bốn chữ “chí thành cảm thông”. Chân thành đến cùng cực, đó là Năng Cảm, chư Phật, Bồ Tát bèn Ứng. “Cảm ứng tùy thời hiện”, thế tục thường gọi chuyện này là “Phật, Bồ Tát gia trì, Phật, Bồ Tát bảo hựu[2]”. “Tùy thời hiện”: Trong hết thảy thời, hết thảy nơi chẳng lìa Phật, Bồ Tát, trong tâm chúng ta chỉ có A Di Đà Phật, trong hết thảy thời, hết thảy xứ, chẳng tách lìa, trong hết thảy thời, hết thảy xứ, Phật, Bồ Tát thường chiếu cố.
Lâm chung Tây Phương cảnh,
Phân minh tại mục tiền.
臨終西方境。
分明在目前。
(Lâm chung cảnh Tây Phương,
Hiện rõ ràng trước mắt).
Ở Trung Quốc, người đầu tiên đề xướng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là Huệ Viễn đại sư thuộc thời đại Đông Tấn. Ngài dựng Niệm Phật Đường tại Lô Sơn, tập hợp một trăm hai mươi ba người chí đồng đạo hợp, không xuống núi, lấy Hổ Khê làm giới hạn, chí đồng đạo hợp niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Trong suốt một đời Ngài, ba lần thấy thế giới Cực Lạc, thấy trong Định, nhưng từ trước đến nay chưa hề kể với người khác, giấu kín không nói. Ngài thấy tình trạng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới giống hệt như kinh Vô Lượng Thọ đã nói. Trước khi vãng sanh bảy ngày, A Di Đà Phật hiện ra trước mặt, bảo Ngài: “Tịnh nghiệp của ông đã chín muồi, bảy ngày nữa ông sẽ vãng sanh thế giới Cực Lạc”. A Di Đà Phật đến tiếp dẫn Ngài. Đến ngày thứ bảy, quả nhiên A Di Đà Phật đến tiếp dẫn. Ngoài Quán Âm, Thế Chí, lại còn có mấy người thuộc liên xã đã vãng sanh trước Sư cũng đứng gần bên A Di Đà Phật. Ngài Huệ Viễn bảo với mọi người như thế; nói xong, Ngài ngồi ngay nơi đó, viên tịch, không sanh bệnh.
Một trăm hai mươi ba người thuộc Liên Xã khi ấy gần như đều vãng sanh hết, chẳng thể nghĩ bàn! Là vì mọi người lúc sơ phát tâm không giống nhau, Viễn Công từ nhỏ đã thông minh tuyệt đỉnh. Truyện ký chép lúc Ngài còn bé, sáu kinh[3] của Nho Gia đọc rất nhuần, không những đọc nhuần nhuyễn còn hiểu được ý nghĩa. Năm mười mấy tuổi, dường như là năm mười ba tuổi, nghe biết Phật pháp, thân cận vị thầy đương thời là pháp sư Đạo An[4], nghe pháp sư Đạo An giảng kinh Bát Nhã bèn khai ngộ. Khai ngộ rồi bèn phát tâm xuất gia. Về sau, Ngài lập đạo tràng tại Lô Sơn, trở thành tổ đời thứ nhất của Tịnh tông, thành khai sơn tổ sư. Bốn câu kệ trên nếu áp dụng vào Niệm Phật Đường ở Lô Sơn quả thật hoàn toàn tương ứng. “Nguyện đồng niệm Phật nhân, cảm ứng tùy thời hiện, lâm chung Tây Phương cảnh, phân minh tại mục tiền” (Nguyện người cùng niệm Phật, cảm ứng tùy thời hiện, lâm chung cảnh Tây Phương, hiện phân minh trước mắt).
Từ xưa những vị đại đức, đặc biệt là các tổ sư đại đức của Tịnh Độ tông cho đến những bậc đại đức trong hàng cư sĩ tại gia, đã nêu những tấm gương vô cùng tốt đẹp. Chúng ta thấy trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục hay Vãng Sanh Truyện, chỉ cần là người thực sự niệm Phật, thực sự thực hiện được hai câu kệ ở phần trên: “Ngã kim đại quy y, sám hối tam nghiệp tội” (con nay đại quy y, sám hối tội tam nghiệp), một câu A Di Đà Phật chết lòng[5] niệm, quyết định chẳng còn xen tạp những pháp môn nào khác, nhất tâm niệm thì không ai chẳng được vãng sanh.
Nay Ấn Quang đại sư dạy chúng ta, Ngài nói rất hay: Dựng đạo tràng trong thời hiện tại, đạo tràng dù nhỏ vẫn là đạo tràng thập phương. Nếu ai không có tâm riêng tư, nếu không tự tư, tự lợi, bất luận từ địa phương nào đến, cốt sao chí đồng đạo hợp, thực sự tu Tịnh Độ thì chúng ta đều hoan nghênh dự vào đạo tràng chuyên tu Tịnh nghiệp. Chúng thường trụ trong đạo tràng không được vượt quá hai mươi người, đạo tràng ấy không hóa duyên[6], không làm pháp hội, không truyền pháp, không thâu đồ chúng, không truyền giới, không làm những Phật sự kinh sám thù tạc, mà chuyên nhất niệm Phật, công khóa mỗi ngày giống như Phật thất phổ biến vậy.
Nay chúng tôi đề xướng, Ấn Quang đại sư dạy không giảng kinh, nay chúng tôi lại đề xướng phải nghe kinh, vì sao? Là vì con người hiện thời không hiểu Lý. Giảng kinh hạn cuộc trong năm kinh một luận Tịnh Độ, trừ những thứ ấy ra thì không giảng. Có thể giảng năm kinh một luận của Tịnh Độ, hoặc ngữ lục của những tổ sư Tịnh Độ tông, đặc biệt là ngữ lục của Liên Trì đại sư, Ngẫu Ích đại sư, Ấn Quang đại sư, chúng ta rút gọn lại trong phạm vi nhỏ như vậy. Mọi người hiểu lý minh bạch, rành rẽ phương pháp, chất phác niệm, chắc chắn thành tựu. Vì thế, đạo tràng tốt nhất phải có giảng đường, có Niệm Phật Đường. Giảng đường để nghe kinh, không hạn chế. Quý vị thích nghe thì nghe, quý vị không thích nghe thì đi niệm Phật. Lấy Niệm Phật Đường làm chủ, dùng giảng đường để phụ trợ, giải hạnh tương ứng, Định lẫn Huệ được học cân bằng, đó là đạo tràng đúng pháp. Chúng ta lại xem đoạn văn tiếp theo:
Kiến văn giai tinh tấn,
Đồng sanh Cực Lạc quốc.
見聞皆精進。
同生極樂國。
(Thấy, nghe đều tinh tấn,
Cùng sanh cõi Cực Lạc).
Đây là đoạn văn mở đầu phần hồi hướng, phát nguyện.
Kiến Phật liễu sanh tử,
Như Phật độ nhất thiết.
見佛了生死。
如佛度一切。
(Thấy Phật hết sanh tử,
Độ hết thảy như Phật).
Đây là nguyện vọng duy nhất của chúng ta: Chúng ta nhất định phải thấy A Di Đà Phật, tu hành trong thế giới Cực Lạc, đoạn xong hai thứ Biến Dịch và Phần Đoạn sanh tử. Quyết định phải chứng được Phật quả rốt ráo thì mới có thể phổ độ chúng sanh trong mười phương pháp giới. Tiếp theo:
Vô biên phiền não đoạn.
無邊煩惱斷。
Đây chính là “phiền não vô biên thệ nguyện đoạn”.
Vô lượng pháp môn tu.
無量法門修。
Đoạn phiền não, thành tựu đức năng cho chính mình, bèn học pháp môn để thành tựu học vấn của chính mình, sau đấy mới có thể thực hiện ý nguyện độ chúng sanh.
Thệ nguyện độ chúng sanh.
誓願度眾生。
Câu tiếp theo sau câu này có phạm vi rất lớn, nguyện cho hết thảy chúng sanh đều thành Phật đạo.
Tổng nguyện thành Phật đạo.
總願成佛道。
(Nguyện cùng thành Phật đạo).
So với Tứ Hoằng Thệ Nguyện, cảnh giới của nguyện này càng rộng hơn nữa. “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” của Tứ Hoằng Thệ Nguyện chỉ nói về chính mình, còn ở đây nói đến tất cả hết thảy chúng sanh, “tổng nguyện thành Phật đạo” (nguyện đều thành Phật đạo).
Hư không hữu tận,
Ngã nguyện vô cùng.
虛空有盡。
我願無窮。
(Hư không có thể tận,
Nguyện của tôi khôn cùng).
Phải phát đại nguyện lớn lao như thế mới tương ứng với nguyện của Như Lai, không có mảy may tự tư, tự lợi nào. Ta đoạn phiền não là vì chúng sanh, ta học pháp môn cũng là vì chúng sanh. Ta thành Phật đạo vẫn là vì chúng sanh. Vì chúng sanh mới chính là thực sự vì mình, vì riêng mình chính là tự hại mình. Phải hiểu đạo lý này! Chúng ta có phước trao cho hết thảy chúng sanh hưởng thì quý vị thực sự có phước, phước vĩnh viễn chẳng hưởng hết. Nếu phước báo để chính mình hưởng, dẫu là phước báo tích tập nhiều đời nhiều kiếp, thường chỉ hưởng trong một đời, hai ba mươi năm là hết. Sự tình này nếu quý vị chú tâm quan sát những đế vương trong lịch sử [sẽ thấy]: Kẻ làm vua chúa, phước báo không phải do tu được trong một đời, hai đời, mà là do tu tập tích tụ phước đức từ nhiều đời, sanh vào nhân gian hưởng phước, nên mới được làm đế vương. Họ hưởng được bao nhiêu năm?
Trong số đế vương các đời, người có thể sống đến tuổi sáu mươi rất hiếm. Chúng ta chú tâm quan sát lịch sử, có rất nhiều vua chúa mới ba, bốn mươi tuổi đã mạng chung. Dẫu cho họ sanh trưởng trong nhà đế vương, từ nhỏ đã hưởng thụ phú quý, về sau kế thừa ngôi vua; ba bốn mươi tuổi đã chết rồi. Quý vị nghĩ xem nhiều đời nhiều kiếp tu tập, tích tụ phước đức cũng không quá ba, bốn mươi năm là hết, kể cả thời gian làm vương tử. Thực sự làm đế vương thì có rất nhiều kẻ làm vua chưa đầy mười năm! Có vậy quý vị mới hiểu phước đức mình tích tụ để cho chính mình hưởng sẽ bị hết đi rất nhanh. Nếu cấp cho mọi người hưởng, phước báo ấy sẽ cuồn cuộn đưa tới, vĩnh viễn không gián đoạn, đấy mới là tốt, đúng là đại phước báo. Vì thế, nguyện của chúng ta phải lớn, phải giống với chư Phật, Bồ Tát, “hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng” (hư không dẫu có tận, nguyện của tôi vô cùng). Tiếp theo đây là bài kệ Hồi Hướng, cũng là bài kệ Hồi Hướng của những người chuyên tu Tịnh Độ chúng ta:
23. Hồi hướng
Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung,
Thượng phẩm liên hoa vi phụ mẫu.
願生西方淨土中。
上品蓮華為父母。
(Nguyện sanh trong Tây Phương Tịnh Độ,
Hoa sen thượng phẩm là cha mẹ).
Thế giới Cực Lạc không có cha mẹ, chẳng có thai sanh mà là liên hoa hóa sanh, nên ví hoa sen như cha mẹ, chứ không phải là cha mẹ thật. “Thượng phẩm liên hoa” là Thượng Phẩm Thượng Sanh. Con người phải có chí khí, chúng ta đã tu Tịnh Tông, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, vì sao không cầu Thượng Phẩm Thượng Sanh? Vì sao Hạ Hạ Phẩm là đã mãn nguyện rồi? Những thứ khác đều buông xuống, chỉ yêu cầu mỗi một điều sau đây. Cầu điều gì? Cầu sớm thành Phật đạo, thành sớm một ngày sẽ giúp chúng sanh khổ nạn, vẫn là vì chúng sanh, chứ không vì chính mình. Nếu vì chính mình chứ không vì chúng sanh thì nói thật ra, quý vị không thể vãng sanh được đâu! Vì sao? Nguyện ấy khác với nguyện của A Di Đà Phật, không giống với nguyện của tất cả các thượng thiện nhân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, trái nghịch với họ, nên không vãng sanh được. Hết thảy vì chúng sanh, đoạn phiền não vì chúng sanh, thành Phật đạo vì chúng sanh, cầu Thượng Phẩm Thượng Sanh vẫn là vì chúng sanh.
Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh,
Bất thoái Bồ Tát vi bạn lữ.
華開見佛悟無生。
不退菩薩為伴侶。
(Hoa nở thấy Phật ngộ Vô Sanh,
Bất thoái Bồ Tát là bè bạn).
Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, liên hoa hóa sanh, thượng phẩm thượng sanh, đến nơi ấy hoa nở rất nhanh. “Hoa nở” tượng trưng cho điều gì? Tượng trưng cho chính mình, không phải do A Di Đà Phật gia trì, mà do công phu tu hành của chính mình đã đạt đến Lý nhất tâm bất loạn. Chúng ta vãng sanh đại đa số là công phu thành phiến, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới ở trong hoa sen, hoa sen chưa nở. Đến lúc nào hoa mới nở? Đến khi nào chứng được Lý nhất tâm bất loạn, cũng tức là đã đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Do vì quý vị ở trong hoa sen, Phật đến dạy quý vị, chư Phật, Như Lai đến giảng kinh thuyết pháp cho quý vị, quý vị thích tu pháp môn nào đều có thể học pháp môn ấy.
“Bất Thoái Bồ Tát”: Các vị Bồ Tát viên chứng ba thứ Bất Thoái từ Thất Địa trở lên là đồng tham đạo hữu của quý vị, là đồng học của quý vị, là bằng hữu ở cùng một chỗ với quý vị. Nhiều đồng tham đạo hữu tốt lành đến như thế, lại có chư Phật Như Lai tới dạy dỗ, quý vị nghĩ thử xem: Khai ngộ rất nhanh chóng! Đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, hoa sen bèn nở. Vì thế, hoa sen vừa nở thì đó là cảnh giới nào? Là Thật Báo Trang Nghiêm Độ! Trong hoa sen là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, là Phương Tiện Hữu Dư Độ. Hoa nở rồi là Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Đấy là cảnh giới quý vị đích thân chứng được.
Tất cả hết thảy khai thị, tán tụng, phát nguyện, không gì chẳng nhằm
hiển thị y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng khôn sánh. Chúng ta nghe xong, thấy xong, hãy nên phát nguyện vãng sanh cõi Phật. Duyên ấy đúng là “bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ” (trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ). Cư sĩ Bành Tế Thanh nói rất hay: “Vô lượng kiếp lai, hy hữu nan phùng chi nhất nhật” ([ngày được gặp gỡ, nghe nói pháp môn Tịnh Độ] là một ngày hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay). Ngày hôm nay chúng ta đã gặp. Tiếp đến là phần tán thán Pháp Bảo trong phần tán thán Tam Bảo. Ở trên, chúng ta đã đọc qua về phần tán thán Phật Bảo. Ở đây là tán thán Pháp Bảo trong thời thứ hai:
24. Tam Bảo tán – tán thán Pháp Bảo
Pháp Bảo thực nan lượng.
法寶實難量。
(Pháp Bảo thật khó lường).
“Lượng” (量) là đo lường, suy lường. Nói cách khác, “Pháp Bảo thực nan lượng” nghĩa là Pháp Bảo quả thật chẳng thể nghĩ bàn. Không cần phải xem kinh luận nào khác, nay chúng ta chỉ đọc mình Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự này thôi, quý vị thấy kinh Di Đà, chú Vãng Sanh, lại còn tán Phật, phát nguyện, khai thị, nhìn vào một chút nhỏ nhặt dường này mà đã [thấy Pháp Bảo] chẳng thể nghĩ bàn, huống chi cả một Đại Tạng Giáo, quả thật khó nghĩ khó bàn, chẳng thể nghĩ bàn!
Như Lai kim khẩu tuyên dương.
如來金口宣揚。
Chữ “kim khẩu” (miệng vàng) hàm ý xưng tán. Nhìn từ mặt Sự, Phật là kim sắc thân, [nghĩa là] thân Phật màu vàng ròng, bởi thế chúng ta nói mặt Phật là “kim diện” (mặt vàng), gọi miệng Phật là “kim khẩu”. Nếu luận theo Lý thì trong bảy báu, vì sao vàng được mọi người coi trọng đến thế? Vì vàng chẳng biến đổi, những thứ khác như bạc chẳng hạn có thể bị “dưỡng hóa” (oxidize: ốc-xít hóa), biến thành màu đen. Riêng màu vàng của vàng trong bất cứ tình huống nào cũng vẫn giữ được bản sắc, nên trong những thứ kim loại, mọi người đều quý vàng. Chữ “kim khẩu” ý nói những lời Như Lai nói đều là vĩnh hằng bất biến, chữ Kim có ý nghĩa như vậy, biểu thị ý nghĩa này. Hết thảy pháp do từ miệng vàng của đức Như Lai tuyên dương.
Long cung hải tạng tán thiên hương.
龍宮海藏散天香。
(Cất tại cung rồng trong biển cả, rải hương trời)
Lúc đức Thế Tôn thuyết pháp, nói xong, Đại Long Bồ Tát thâu thập lại, cất giữ trong thư viện của mình, cất giữ trong cung rồng. Câu này chỉ kinh gì vậy? Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Lúc đức Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện mới thành Phật, ở dưới cội Bồ Đề, đức Phật nói kinh này trong Định, thời gian không dài, trong hai tuần, có chỗ nói là ba tuần. Nói cách khác, tính là ba tuần thì mới là hai mươi mốt ngày, đức Phật giảng kinh trong Định. Phàm phu chẳng có phần, chẳng thể tham dự pháp hội trong Định của Như Lai, bởi lẽ, đại chúng tham dự pháp hội là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ. Chúng tôi thường nói: “Phá một phẩm vô minh, chứng một phần Chân Tánh”. Người như vậy mới đủ tư cách tham dự pháp hội Hoa Nghiêm, nghe đức Phật giảng kinh Hoa Nghiêm, đi vào trong Định của Như Lai. Cũng có nghĩa là người trong mười pháp giới chẳng có phần.
Trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy có rất nhiều thiên chúng, thần chúng, vì sao họ cũng tham dự được? Phải biết: Những loại chúng quỷ thần ấy đều là chư Phật hay Pháp Thân Bồ Tát thị hiện trong chín pháp giới, không thực sự là phàm phu. Nếu thực sự là phàm phu, họ làm sao có thể tham dự pháp hội ấy được? Vì thế, trong số các quỷ thần cũng có chư Phật, Bồ Tát ứng hóa, họ là ứng hóa nên có thể tham gia. Họ tham gia cũng như đại diện cho một loài chúng sanh, chứ không phải là phàm nhân, mà toàn là Pháp Thân Bồ Tát.
Trong thời gian ngắn ngủi như thế, đức Phật giảng bao nhiêu? Giảng quá ư là nhiều! Đức Phật diệt độ sáu trăm năm, Long Thọ Bồ Tát sanh ra. Ngài Long Thọ là Sơ Địa Bồ Tát, đi vào long cung, thấy Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh lớn đến chừng nào? Ngài nói: “Mười đại thiên thế giới vi trần kệ, một tứ thiên hạ vi trần phẩm”. Trong thế gian này không có ai có thể đọc hết nổi! Lại xem có bản nào đơn giản hơn hay không? À! Lại coi đến Trung Bổn, người thế gian chúng ta vẫn không thể lãnh thọ được nổi, vì phân lượng quá lớn. Cuối cùng, còn có thứ nào đơn giản hơn hay chăng? Đại Long Bồ Tát liền đưa phần mục lục đề yếu của Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh cho ngài Long Thọ xem. Giống như Tứ Khố Toàn Thư của chúng ta vậy. Quý vị thấy bộ Tứ Khố Toàn Thư ở giảng đường chúng ta, nay là bản in chữ rút nhỏ lại, tổng cộng một ngàn năm trăm tập. Bộ sách này có bản Mục Lục Đề Yếu đơn giản nhất, in thành năm tập; phần này do Kỷ Hiểu Lam biên soạn: Mỗi một cuốn sách, tựa đề, tác giả, sáng tác trong niên đại nào, nội dung nói những gì, đều được giới thiệu đơn giản. Những thứ này trước đây được soạn cho vua Càn Long xem. Hoàng đế Càn Long không có thời gian xem nhiều sách đến thế, do vua muốn hiểu nội dung mỗi cuốn sách như thế nào, nên [Kỷ Hiểu Lam] đặc biệt soạn tóm tắt cho vua xem.
Ngày nay chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm, chính là mục lục đề yếu của kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh. Quý vị mới hiểu đức Thế Tôn nhập Định, quý vị phải biết là thời gian trong Định đem so với thời gian hiện tại của chúng ta phải có sai biệt. Kinh Đại Thừa thường nói: “Một niệm có thể mở rộng thành vô lượng kiếp, vô lượng kiếp có thể rút gọn thành một niệm”. Niệm và kiếp viên dung. Vì thế, đức Phật có thể trong khoảng một niệm giảng vô lượng vô biên Phật pháp, biến thành vô lượng kiếp. Đấy chính là ý nghĩa của câu “long cung hải tạng tán thiên hương”. Đại Long Bồ Tát thâu cất trong cung rồng. Bản Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh do Long Thọ Bồ Tát truyền ra gồm mười vạn kệ[7], bốn mươi phẩm, đều là phần mục lục đề yếu.
Giác giả tụng lang hàm.
覺者誦琅函。
(Bậc giác ngộ đọc kinh văn).
Chỉ có người thực sự giác ngộ mới hiếu học, mới thích thú, thích thọ trì, đọc tụng. Từ ngữ “lang hàm” (琅函) ngày nay cũng ít người hiểu. Lang Hàm là gì vậy? Lang Hàm là cái hộp chứa đựng sách thời cổ. Như nay quý vị thấy những cuốn sách in theo lối cổ, bên ngoài có một cái hộp đựng để bảo vệ. Câu này có ý nghĩa là đọc quyển kinh, nói theo cách bây giờ là đọc bản kinh.
Ngọc trục, hà điều, kim tả tự.
玉軸霞條金寫字。
(Trục ngọc, lụa màu ráng trời, viết chữ vàng).
Những bản kinh xưa kia, những bản kinh cổ nhất được viết trên lụa, giống như thư họa hiện tại. Vì thế gọi là một Quyển (卷: cuộn lại). Quyển ấy viết xong, cuộn lại, gắn trục, trục được làm bằng ngọc. Dùng lụa loại tốt nhất nhằm tôn trọng kinh điển, coi kinh điển như của báu vô thượng. Kinh quyển thời cổ như thế – nói theo cách bây giờ là “trang hoàng” – dùng cách trang hoàng kinh điển đẹp đẽ, quý trọng nhất, chữ viết bằng vàng. Hiện tại quý vị có thể thấy những quyển kinh như thế trong những viện bảo tàng, có loại viết chữ vàng, có loại viết chữ bạc; dùng [bột] vàng hay bạc [hòa vào mực hay chất son] để viết.
Tự bài thu nhạn thành hàng.
似排秋雁成行。
(Như chim nhạn bay thành hàng trong mùa Thu).
Câu này có ý chỉ Phạn văn, cũng có thể hiểu là thư pháp viết hết sức đẹp đẽ, thư pháp tinh xảo, tề chỉnh. Phạn văn được viết theo hàng ngang, còn Hán văn viết theo hàng dọc. Văn tự Tây Tạng là biến thể trực tiếp của văn tự tiếng Phạn, giống như văn tự Nhật Bản do học từ Trung Quốc rồi biến đổi đi, có quan hệ hết sức mật thiết. Nay chúng tôi đến Nhật Bản, nói thật ra, không khác gì ở Trung Quốc cả, dẫu ngôn ngữ không thông, nhưng văn tự xem đến liền hiểu được. Chúng tôi đọc tên mỗi đường phố đều hiểu, dù âm đọc khác nhau, nhưng nhận biết được mặt chữ, hiểu được ý nghĩa. Câu này chúng ta có thể giải thích là văn tự chỉnh tề, lối chữ khéo léo, ngay ngắn, chỉnh tề, đều hàm ý tôn trọng Pháp Bảo.
Tích nhân tam tạng thủ lai Đường.
昔因三藏取來唐。
(Xưa nhờ Tam Tạng đem qua Trung Hoa).
Mọi người vừa đọc đến câu này, thấy từ ngữ “Tam Tạng” bèn nghĩ ngay đến pháp sư Huyền Trang, tức Đường Tam Tạng. Trên thực tế, câu này mang ý nghĩa rất rộng. Thời cổ, rất nhiều pháp sư từ Trung Quốc qua Ấn Độ thỉnh kinh, học tập. Cao tăng đại đức Ấn Độ mang theo tượng Phật, kinh sách đến Trung Quốc cũng không ít. Vào thời đó, những pháp sư phiên dịch kinh điển đều gọi là “Tam Tạng pháp sư”. Kinh Phật [dịch sang tiếng Hán] bắt đầu từ thời Hán, vào đời Hậu Hán[8] kinh Phật được chánh thức truyền sang Trung Quốc, truyền sang rồi mới bắt đầu phiên dịch, nhưng kinh được phiên dịch nhiều nhất là vào đời Đường. Vì thế, vào đời Đường, mười tông phái Đại Thừa và Tiểu Thừa[9] của Phật giáo Trung Quốc được thành lập, có thể nói là Phật pháp Ấn Độ đã di thực[10] hoàn toàn đến Trung Quốc. Vào đời Đường có thể nói là [Phật giáo] đã di thực hết sức viên mãn, biến thành một bộ phận của văn hóa Trung Quốc, ảnh hưởng hết sức rộng lớn. Có rất nhiều thuật ngữ trong cuộc sống thường ngày của chúng ta phát xuất từ Phật giáo. Vì vậy, lão cư sĩ Triệu Phác Sơ từng nói rất hay; cụ nói: “Nếu chúng ta vứt bỏ Phật giáo sẽ không thể nói năng gì được nữa!” Cụ nói như vậy là đúng đấy, nhưng người hiểu được câu nói ấy không nhiều. Trong những thuật ngữ thường dùng hằng ngày của chúng ta có rất nhiều từ ngữ lấy từ kinh Phật.
Vạn cổ vị phu dương.
萬古為敷揚。
(Phô diễn đến muôn đời).
Tức là đời đời truyền tụng, lưu thông muôn đời, lợi ích rộng rãi
chúng sanh. Đây là đại ý của bài tán Pháp Bảo.
Trong Phật sự có xướng niệm, do vậy thời gian làm Phật sự phải dài. Nếu rất nghiêm túc, rất chân thành làm Phật sự thì một buổi Phật sự phải mất ba tiếng. Ba tiếng đồng hồ, sức lực ai nấy đều kém đi một chút, cảm thấy mỏi mệt. Bởi thế, trong Phật sự phải có âm nhạc, phải có xướng tụng, có nhiễu Phật, có hoạt động. Phối hợp rất nhiều phương tiện thiện xảo lại, khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, rất nhanh chóng, không biết là thời gian kéo dài, cũng không cảm thấy nhọc nhằn. Tâm chân thành thực hiện được một buổi Phật sự viên mãn, cõi âm lẫn cõi dương cùng được lợi. Nói thật ra, người làm Phật sự chúng ta được lợi ích lớn nhất. Kinh Địa Tạng dạy không sai, bảy phần công đức thì bản thân chúng ta được hưởng sáu phần, vong linh, quỷ thần được hưởng một phần bảy.
Thế nhưng Phật sự ấy có lợi ích rất thù thắng đối với vong linh. Do nguyên nhân nào? Người làm pháp sự rất đông, chẳng phải chỉ là mấy vị pháp sư làm, không phải thế, mà là đại chúng đều có thể tham dự. Vì vậy, nay chúng ta thường làm Phật sự Tam Thời Hệ Niệm; tại Đài Loan, tại Trung Quốc, có đến hơn cả trăm người tham dự, thậm chí có khi đến hơn ba trăm người, quý vị nói xem công đức ấy lớn đến đâu! Lợi ích ấy rất lớn. Từ báo cáo nước kết tinh, chúng ta có thể hiểu được đạo lý này: Tập hợp sức mạnh của đại chúng, công đức thù thắng! Nhất là tập hợp những người thực sự có tu hành, những người tâm địa thanh tịnh, tâm địa thiện lương, những người ấy tâm ít nhiều tương ứng cùng kinh giáo. Trong khi làm Phật sự, họ có thể buông xuống vạn duyên, tối thiểu là trong lúc làm pháp hội, trong thời gian ngắn ngủi, buông xuống hết thảy tạp niệm, chuyên tâm thực hiện buổi công khóa ấy. Người [tham dự] lại đông ngần ấy, có pháp sư dẫn đầu; do vậy, Phật sự như vậy thù thắng hơn những Phật sự khác quá nhiều! Ví như nói Lương Hoàng Sám, người tham dự không đông được như thế; thực sự làm pháp sự chỉ có vài vị pháp sư, chứ đại chúng không thực sự tham dự; nhưng Tam Thời Hệ Niệm là thực sự tham dự, khác hẳn. A! Bây giờ đã hết giờ rồi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa