Xin xem tiếp phần khai thị của thiền sư Trung Phong. Ngày hôm qua giảng đến “tâm, Phật, chúng sanh”. Về Tâm, giảng đến Duyên Lự Tâm và Linh Tri Tâm. Những danh từ này rất quan trọng, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của những danh từ ấy. Vũ trụ vạn hữu, những hiện tượng ấy do đâu mà có? Hư không do đâu mà có? Pháp giới do đâu mà có? Sát-độ (ksetra), nay chúng ta gọi là rất nhiều “tinh cầu” trong không gian (trong kinh Phật gọi vô lượng vô biên tinh cầu và tinh hệ ấy là “sát-độ”) do đâu mà có? Chúng sanh do đâu mà có? Hữu tình chúng sanh và vô tình chúng sanh do đâu mà có? Chúng ta gọi cái có thể sanh ra vạn vật, hư không, sát-độ và hết thảy chúng sanh là Tâm.
Vì thế, Tâm ấy chẳng phải là tâm tạng (quả tim) trong thân thể chúng ta, tâm tạng chẳng thể sanh ra trời đất vạn vật được. Kinh Phật gọi “có thể sanh” (năng sanh) là “có thể hiện” (năng hiện), không gọi là Sanh mà gọi là Hiện. Nói Hiện có ý nghĩa hay hơn Sanh, bởi lẽ, chúng ta đều lầm tưởng Hữu Sanh Hữu Diệt là thật; Năng Hiện là hư huyễn. Giống như chúng ta xem phim, cái màn bạc có thể hiện ra tướng, gọi là “hiện tướng”, chứ không gọi là “sanh”. Vì thế, “hiện” có ý nghĩa hay hơn. Năng Hiện, hoặc như ta gọi là Năng Sanh, những danh từ ấy đều có thể gọi là Tánh. Lại còn có Năng Biến, hiện tượng thiên biến vạn hóa, Năng Biến là gì vậy? Chúng ta gọi Năng Biến là Thức.
Thức và Tâm là một chuyện. Tâm không đèo thêm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì gọi là Tâm; nếu kèm thêm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì gọi là Thức. Trong Phật pháp cũng thường nói đến chân tâm và vọng tâm. Chân tâm không kèm thêm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; còn thức tâm xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên gọi là vọng thức. Phải hiểu rành rẽ, rõ ràng sự việc này thì mới biết được chân tướng sự thật của vũ trụ và các pháp, kinh gọi sự thật ấy là “chư pháp Thật Tướng” (Thật Tướng của các pháp), tức chân tướng của vũ trụ vạn hữu, chúng ta phải hiểu rõ ràng. Vì thế, ở đây thiền sư nêu lên
một tổng kết:
Thị dĩ Phật tức chúng sanh, chúng sanh tức Phật.
是以佛即眾生。眾生即佛。
(Do vậy, Phật chính là chúng sanh, chúng sanh chính là Phật).
Nói như vậy nghĩa là sao? Tâm chính là Thức, Thức chính là Tâm. Thức và Tâm là một, không phải hai, lúc mê gọi là Thức, lúc ngộ gọi là Tâm. Ở đây chỉ có mê và ngộ, ngoại trừ mê và ngộ ra, cái gì cũng không có. Vì thế, ở đây mới nói: “Chư Phật ngộ chi, giả danh duy tâm, chúng sanh mê chi, tiện thành vọng thức. Thị dĩ Phật tức chúng sanh, chúng sanh tức Phật” (Chư Phật ngộ nên giả gọi là duy tâm; chúng sanh mê bèn thành vọng thức. Do vậy, Phật chính là chúng sanh; chúng sanh chính là Phật). Chữ “chúng sanh” ở đây chỉ hữu tình chúng sanh, nhưng sau đó lại nói:
Thả tâm ngoại vô Phật, diệc vô chúng sanh.
且心外無佛。亦無眾生。
(Nhưng ngoài tâm không có Phật, cũng không có chúng sanh).
Phạm vi của “chúng sanh” rất rộng. Chữ “chúng sanh” này bao quát tất cả hết thảy những hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi, những hiện tượng ấy đều được gọi là “chúng sanh”. Ngay cả hư không cũng là chúng sanh. Phạm vi của các hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi rất lớn. Vì thế, chúng ta phải hiểu cách sử dụng danh từ này: Tên gọi tương đồng, danh từ tương đồng, nhưng tùy mỗi chỗ lại giải thích khác nhau, phạm vi bao quát của danh từ ở mỗi chỗ khác nhau.
Duy mê ngộ chi hữu gián.
唯迷悟之有間。
(Chỉ do mê hay ngộ mà có sai biệt).
“Gián” (間) là sai biệt, gián cách (間隔) là sai biệt. Nói thật ra, do mê hay ngộ mà có sai biệt.
Cố phàm thánh nhi huýnh dị.
故凡聖而迥異。
(Vì thế, phàm - thánh sai khác vời vợi).
Do vậy mới nói đến phàm và thánh. Mê là phàm, ngộ là thánh. Phàm và thánh là một, không hai, vẫn chỉ là một người mà thôi. Nay chúng ta vẫn chưa ngộ thì gọi là phàm; ngày nào đó mình giác ngộ thì gọi là thánh. Ngộ là người nào thì mê cũng là người ấy. Vì vậy, trong hết thảy cảnh duyên không có mê hay ngộ. Mê hay ngộ là do con người, con người có mê - ngộ, cảnh giới bên ngoài chẳng có mê lẫn ngộ. Nếu nói thân thiết hơn một chút (ý nghĩa này lại càng sâu hơn, nói thật ra không dễ hiểu gì), mê hay ngộ tại mình, chẳng do người khác, chỉ do mỗi một mình ta mà thôi. Cảnh giới bên ngoài chẳng những vô tình chúng sanh không có mê hay ngộ, mà ngay cả hữu tình chúng sanh đối với ta mà nói thì cũng chẳng mê hay ngộ. Mê hay ngộ là chuyện của người ta, đối với chúng ta mà nói thì cũng chẳng có mê hay ngộ. Đạo lý này rất sâu. Đó là chân tướng sự thật, hãy chú tâm quan sát, mong rằng quý vị sẽ hiểu thấu suốt chân tướng sự thật này.
Khởi tri tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt.
豈知心佛眾生。三無差別。
(Há biết tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ không sai biệt).
Câu này nêu rõ quan hệ giữa tâm, Phật và chúng sanh. Quan hệ gì vậy? Một mà ba, ba nhưng một. Tâm có thể hiện, có thể biến (năng hiện, năng biến), chúng sanh và Phật là cái được hiện, cái được biến (sở hiện, sở biến). Năng và Sở là một, không hai. Trong Năng Hiện không có mê hay ngộ, phải biết điều này. Trong Năng Hiện đã không có mê hay ngộ thì trong Sở Hiện cũng không có mê hay ngộ; nhưng Năng Biến, Sở Biến lại có mê và ngộ. Năng Biến, Sở Biến là vọng tâm, vọng cảnh. Năng Hiện, Sở Hiện là Nhất Chân pháp giới. Phải hiểu rõ điều này thì sau đấy chúng ta tu hành mới biết phải nên tu những gì? Xa lìa Năng Biến và Sở Biến như thế nào? Làm thế nào để gìn giữ Năng Hiện và Sở Hiện? Công phu là ở chỗ này.
Thực sự khế nhập cảnh giới rồi thì Năng - Sở không hai, Năng Hiện - Sở Hiện không hai, Năng Biến - Sở Biến không hai, Năng Hiện - Năng Biến bất nhị, Sở Hiện - Sở Biến bất nhị. Chúc mừng quý vị đã nhập pháp môn Bất Nhị, đây là cảnh giới của Pháp Thân Bồ Tát, là cảnh giới Hoa Nghiêm, là cảnh giới vô chướng ngại chẳng thể nghĩ bàn, Lý vô ngại, Sự vô ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Vì sao Sự vô ngại? Sự là hư huyễn, không thật, hết thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng; bởi thế, không có chướng ngại. Kết luận cuối cùng cho chúng ta là: “Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt” (Tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ không sai biệt). Đây là tánh bình đẳng hiện tiền, cảnh giới không chướng ngại hiện tiền.
Vĩnh Gia vân:
永嘉云。
(Ngài Vĩnh Gia nói).
Trong Chứng Đạo Ca của thiền sư Vĩnh Gia có hai câu:
Mộng lý minh minh hữu lục thú,
Giác hậu không không vô đại thiên.
夢裡明明有六趣。
覺後空空無大千。
(Trong mộng rành rành bày sáu nẻo,
Giác rồi ba cõi rỗng toang hoang).
Lúc mê thì Duy Thức Sở Biến, giống như cảnh mộng; giác rồi bèn hiểu rõ, hoảng nhiên đại ngộ, giống như tỉnh giấc mộng. Tỉnh giấc rồi, những cảnh giới trong mộng không còn nữa. Nếu đã tỉnh rồi thì chẳng những sáu nẻo không còn nữa, mà mười pháp giới cũng không còn! Lục đạo và mười pháp giới đều là cảnh mộng, không thật, do vọng thức biến ra, Thể của nó là Nhất Chân pháp giới, Thể của nó là nhất tâm bất loạn. Vì thế, Tịnh Độ Tông (tức Tịnh Độ Giáo) nói: “Nhất tâm bất loạn là giác ngộ, tam tâm nhị ý là mê hoặc”. Thật Tướng của các pháp rốt cục là như thế đó, nói đại lược như vậy. Dẫu nói không nhiều, nhưng giảng rất rõ ràng, rất minh bạch, chúng ta không dễ gì thấu hiểu, ý nghĩa sâu xa quá!
Chẳng thể thấu hiểu cũng không sao, ngày ngày đọc, ngày ngày có cơ hội nghe đến, một thời gian lâu sau, tâm quý vị định lại. Quan trọng nhất là tâm định thì trí huệ sẽ khai phát, sẽ nghe hiểu. Tâm chao động thì nghe chẳng hiểu. Tâm phải thanh tịnh thì mới có thể nghe hiểu, mới có thể thấu hiểu: Tịnh có thể sanh ra Huệ. Cổ nhân nêu tỷ dụ ngọn đèn: Nếu ngọn đèn bị lay động thì chiếu vật gì cũng không rõ ràng; nước nếu không có sóng gợn sẽ soi bóng cảnh giới bên ngoài chi li, tường tận. Vì
thế, chữ Tịnh hết sức quan trọng!
Làm thế nào để giữ cho lục căn của chính mình như như bất động đối với cảnh giới lục trần? Như như bất động là sử dụng chân tâm. Điều này phải rèn luyện, rèn luyện chính là tu hành, phải thực sự thực hiện! Cách thực hiện như thế nào? Luyện sáu căn nơi cảnh giới sáu trần, luyện chẳng khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Pháp Tướng Tông gọi phương pháp này là “chuyển tám Thức thành bốn Trí”. Chuyển bằng cách ấy, học sao cho không khởi tâm, không động niệm. Không khởi tâm, không động niệm là không dùng thức thứ tám; không phân biệt là không dùng thức thứ sáu; không chấp trước là không dùng thức thứ bảy. Chỉ cần quý vị không dùng đến chúng thì rõ ràng là ngay lập tức chân tâm được sử dụng.
A Lại Da Thức biến thành Đại Viên Kính Trí, trí huệ chân thật, rõ ràng, rành rẽ, hiểu thấu suốt. Thức thứ bảy biến thành Bình Đẳng Tánh Trí, không chấp trước, vạn pháp bình đẳng. Thức thứ sáu biến thành Diệu Quan Sát Trí, [các thức] bị chuyển đổi đi, cách chuyển như thế đó! Hễ khởi tâm động niệm là xong, lại rớt vào hai ba (tam tâm, nhị ý), lại biến thành chúng sanh. Phật và chúng sanh khác nhau ở chỗ này. Phật và Pháp Thân Bồ Tát có năng lực ấy, chắc chắn chẳng rớt vào hai hay ba. Không rớt vào hai hay ba thì chắc chắn sẽ chẳng khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước. Khởi tâm động niệm thuộc về vọng tưởng.
Ký nhiên như thị, tắc kinh vân: “Tùng thị Tây Phương, quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc. Kỳ độ hữu Phật, hiệu A Di Đà, kim hiện tại thuyết pháp”.
既然如是。則經云。從是西方。過十萬億佛土。有世界名曰極樂。其土有佛號阿彌陀。今現在說法。
(Đã là như vậy thì như kinh nói: “Từ đây đi về phương Tây qua khỏi mười vạn ức cõi nước, có một thế giới tên là Cực Lạc. Cõi ấy có Phật, hiệu là A Di Đà nay đang thuyết pháp”).
Đây chính là những điều kinh Phật đã nói. Đoạn kinh này giảng về Sự. Sự và Lý nhất định phải tương ứng, Sự chẳng trái nghịch Lý, Lý nhất định không trở ngại Sự. Lý - Sự bất nhị. Có Lý đương nhiên có Sự, có Tánh đương nhiên có Tướng. Quý vị hiểu rõ ràng điều này rồi thì mới hiểu được những tướng được hiện ấy.
Tổng bất xuất duy tâm Tịnh Độ, bản tánh Di Đà dã.
總不出唯心淨土。本性彌陀也。
(Nói chung, chẳng ngoài duy tâm Tịnh Độ, bản tánh Di Đà).
“Bản tánh” chính là tự tánh. Như vậy, Tây Phương Cực Lạc là Tịnh Độ, là do chân tâm của chúng ta hiện ra. A Di Đà Phật ở thế giới Cực Lạc là do tự tánh của chúng ta hiện ra. Cõi nước được hiện bởi tự tánh, đức Như Lai được hiện bởi tự tánh, lẽ nào chúng ta không thể thân cận được, chúng có quan hệ quá mật thiết đối với chúng ta. Vì thế, quý vị nhất định phải tin tưởng ta có phần vãng sanh. Ở phần trên, đại sư đã bảo chúng ta hãy tin tưởng: Tin thực sự có Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thứ hai, phải tin trong Tây Phương Cực Lạc thế giới quả thật có A Di Đà Phật phát nguyện tiếp dẫn chúng sanh hữu duyên trong mười phương. Thế nào là hữu duyên? Có thể tin, có thể nguyện, có thể chấp trì danh hiệu, đó là hữu duyên. Nay chúng ta tin, ta có thể tin, ta phát nguyện, ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật tức là ta hữu duyên, khẳng định ta phải có phần vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Do thị nhi tri, tức kim hiện tiền.
由是而知。即今現前。
(Do vậy biết rằng: Ngay trong hiện tiền đây).
Dựa trên những đạo lý ấy, chúng ta nên hiểu rõ:
Vong linh, kỳ sanh dã liên hoa đóa đóa, kỳ một dã hàng thụ trùng trùng.
亡靈,其生也蓮華朵朵。其歿也行樹重重。
(Vong linh sống thì hoa sen đóa đóa, thác thì hàng cây tầng tầng).
Hai câu này nghĩa là sao? Sống lẫn chết đều chẳng lìa thế giới Cực Lạc, thực sự không tách lìa. Vấn đề là ở chỗ nào? Vấn đề là giác hay mê. Nếu quý vị giác là được, ngay nơi này chính là Cực Lạc. Nếu mê thì Tây Phương Cực Lạc thế giới tìm không ra. Ngộ thì ngay nơi này chính là Cực Lạc.
Vô nhất thời bất đạt liên bang, vô nhất niệm bất y từ phụ.
無一時不達蓮邦。無一念不依慈父。
(Không lúc nào chẳng đến cõi sen, không niệm nào chẳng nương từ
phụ).
“Liên bang” là thế giới Cực Lạc, “từ phụ” là A Di Đà Phật. Chúng ta ngày nay khẩn thiết cầu mong, tức là cầu mong sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân cận A Di Đà Phật. Xưa kia, thiền sư Tử Tâm tức ngài Triệt Ngộ, những đồng học tu Tịnh Độ chắc không ít vị đã đọc cuốn Triệt Ngộ Thiền Sư Ngữ Lục, tôi đang nói đến vị này. Ngài đại triệt đại ngộ nơi Thiền Tông xong, khuyên những ai học Thiền phải niệm A Di Đà Phật. Ngài nói người tham Thiền tốt nhất nên niệm Phật, vì nguyên nhân nào? Sợ rằng cả một đời này không có cách gì đại triệt đại ngộ được. Nếu Thiền không đại triệt đại ngộ, sẽ không ra khỏi lục đạo, vẫn phải sanh tử luân hồi, là hỏng rồi! Vì thế phải nương vào nguyện lực của A Di Đà Phật tiếp dẫn vãng sanh.
Ngài nói nếu chịu niệm Phật, có thể tin, có thể nguyện, có thể niệm Phật mà nếu chẳng sanh về Tịnh Độ thì “lão tăng đương đọa Bạt Thiệt địa ngục” (lão tăng sẽ đọa vào địa ngục bị quỷ sứ kéo lưỡi tội nhân ra cho trâu cày). Ngài bảo đảm như vậy, pháp môn này đúng là “vạn người tu, vạn người về”. Hiện tại, vì sao người niệm Phật rất đông, người vãng sanh lại ít? Vì họ niệm không đúng như pháp! Căn bản là họ không hiểu được đạo lý và phương pháp niệm Phật. Họ không hiểu, cho nên miệng có, tâm không, chẳng tương ứng. Nếu đối với những đạo lý, cảnh giới ấy quý vị đều hiểu rõ, đều thấu suốt, đúng lý, đúng pháp, chẳng để sót một điều gì thì đúng là vạn người tu, vạn người vãng sanh. Đến đây cũng là hết một đoạn khai thị, chúng ta xem tiếp phần sau, ngài Trung Phong lại tổng kết:
Thẩm như thị, thả đạo: Ly thử tâm Phật chúng sanh ngoại, biệt hữu thương lượng xứ dã vô.
審如是。且道。離此心佛眾生外。別有商量處也無。
(Xét như thế, nên nói: Lìa tâm, Phật, chúng sanh này ra, còn có chỗ thương lượng nào khác hay không?)
“Thẩm” (審) là thẩm sát (xem xét, suy xét) kỹ càng, cũng có nghĩa là quan sát. Những Sự - Lý vừa nói trên đây, nếu quý vị đều hiểu rõ, đều thấu suốt, thì nay phải hỏi: “Thả đạo: Ly thử tâm Phật chúng sanh ngoại, biệt hữu thương lượng xứ dã vô” (Nên nói: Lìa tâm, Phật, chúng sanh này ra, còn có chỗ thương lượng nào khác hay không?): Lìa ngoài tâm, Phật, chúng sanh ra, còn có gì hay không? Một câu này đã nói hết sạch. Tâm, Phật, chúng sanh bao quát hết thảy vạn sự vạn pháp trong toàn bộ vũ trụ. Ở đây thiền sư dùng phương cách trong Thiền Tông để hỏi: “Ngươi hiểu chưa?” Một phen giảng cho các ngươi đại đạo lý này, các ngươi nghe rồi đã hiểu hay chưa? Các ngươi có hiểu thấu hay chăng? Các ngươi thực sự rõ thấu hay chưa? Tiếp đó, thiền sư lại nói một bài kệ:
Đại viên kính lý tuyệt tiêm ai.
大圓鏡裡絕纖埃。
(Nơi gương tròn lớn sạch tinh khôi).
“Đại viên kính” là tâm tánh. Trong tâm tánh không có vật gì. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đã nói rất hay: “Bổn lai vô nhất vật” (vốn không có một vật). Đại viên kính là chân tâm, trong chân tánh vốn chẳng có một vật nào. “Ai” (埃) là trần ai (塵埃: bụi bặm), “tiêm” (纖) là rất nhỏ. Một mảy trần ai cũng không có, chân tâm mà! Câu này giảng về Thể, về Lý, chân tâm, bản tánh. Câu tiếp theo luận về Sự, tức những tướng được hiện. Hễ có Lý nhất định phải có Sự. Có Tánh nhất định có hiện tướng. Hiện những tướng nào?
Bích ngẫu hoa trung hữu thánh thai.
碧藕華中有聖胎。
(Xanh biếc giò sen nẩy thánh thai).
Câu này nói về ao sen bảy báu nơi thế giới Tây Phương. Bốn câu kệ này nhằm dạy chúng ta; trong hai năm gần đây, chúng tôi đặc biệt đề cao “thuần tịnh, thuần thiện”. Tâm chúng ta phải thuần tịnh, hạnh của chúng ta phải thuần thiện. “Thuần tịnh, thuần thiện” tương ứng với tánh đức, tương ứng với Di Đà, tương ứng Tịnh Độ. Câu kệ này nói đến ao sen bảy báu nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới, “bích ngẫu hoa trung hữu thánh thai” (trong đóa sen biếc có thánh thai). Ở đây, chúng ta vừa phát tâm, trong ao bảy báu mọc lên một búp sen, trên hoa ghi tên họ của chúng ta. Chúng ta niệm Phật công phu càng siêng năng, hoa sen ngày càng to. Khi nào tâm quý vị lui sụt, hoặc đổi sang tu pháp môn khác, hoa ấy bèn khô héo, không còn nữa!
Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, hết thảy các pháp đều bất sanh bất diệt, chỉ riêng hoa sen trong ao bảy báu có hiện tượng sanh diệt. Quý vị thấy hoa sen liền biết có một người phát tâm chân chánh, muốn sanh về thế giới Cực Lạc. Mấy bữa sau, thấy hoa sen không còn nữa, biết người ấy đã ngã lòng, thay đổi ý niệm. Lúc nào phát tâm, lúc ấy đóa sen bèn trổ. Câu kệ này đúng như kinh đã nói: “Tịnh cực quang thông” (Tịnh đến cùng cực thì sẽ chiếu sáng thông suốt), tướng báu thanh tịnh được hiện ra. Thật đấy! Chính chúng ta có thể làm được điều này, chớ bỏ mất. Chuyện gì trong thế gian này cũng đều là giả, chỉ có mình chuyện này là thật. Vì thế, quý vị phải biết buông cái giả xuống, phải biết buông bỏ. Riêng chuyện này là thật.
Dao vọng kim sa trì chiểu ngoại.
遙望金沙池沼外。
(Cát vàng ao báu ngoài xa ngắm).
Tây Phương Cực Lạc thế giới cách chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Nay chúng ta là phàm phu chưa đạt đến cảnh giới ấy; vì thế, không gian vẫn còn xa - gần, đạt đến cảnh giới nào thì sẽ không còn xa - gần nữa? Khi kiến tánh thì sẽ không còn nữa, khi minh tâm kiến tánh thì xa - gần không còn nữa. Chúng ta chưa đạt đến cảnh giới ấy, “dao vọng kim sa trì chiểu ngoại” là phía ngoài ao sen bảy báu. Trong ao bảy báu ấy, có nước tám công đức, có hoa sen.
Bảo quang thường chiếu ngọc lâu đài.
寶光常照玉樓臺。
(Bảo quang chiếu mãi ngọc lâu đài).
Phía ngoài ao bảy báu là nơi hoạt động của những người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới hoa nở thấy Phật, họ tự hành, hóa tha, thân cận Như Lai, rộng độ chúng sanh. Thiền sư dùng từ ngữ “ngọc lâu đài” để hình dung. Phần sau là nói đến chuyện Chánh Tu. Đoạn khai thị này nhằm lay tỉnh mọi người đang mê chấp hãy thực sự tỉnh ngộ, hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước tự nhiên buông xuống. Buông xuống rồi thì công phu của chúng ta mới đắc lực. Một tiếng Phật hiệu, một tiếng lòng, một niệm tương ứng một niệm Phật, phải niệm Phật liên tục. Nay chúng ta quen thói lúc nhiễu Phật bèn vừa đi nhiễu vừa niệm Phật một ngàn câu, đấy là Chân Tu.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật.
南無西方極樂世界。大慈大悲。阿彌陀佛。
Niệm một ngàn tiếng là chánh xác, tiêu chuẩn đấy! Tiếp đó, niệm ba lần “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát, nam-mô Đại Thế Chí Bồ Tát, nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát”, mỗi danh hiệu ba lần. Phật sự ấy hoàn tất, tức niệm Phật xong xuôi, tiếp đó lại khai thị lần thứ hai, đúng là rát miệng xót lòng. Pháp Sự này có Sự, có Lý, hỗ trợ nhau, hoàn thành cho nhau, niệm Phật thành tựu tam-muội, khai thị nhằm khải phát trí huệ. Vì thế, pháp sự này là học Định lẫn Huệ một cách quân bình, phước huệ song tu, hết sức thù thắng, nhất định phải thành tâm thành ý tu tập. Xin xem phần Khai Thị tiếp theo, cũng là phần phát nguyện, khai thị bằng cách phát nguyện.
22. Phát nguyện
Thập phương tam thế Phật,
A Di Đà đệ nhất.
十方三世佛。
阿彌陀第一。
(Mười phương tam thế Phật,
A Di Đà bậc nhất).
Từ kinh Vô Lượng Thọ chúng ta có thể thấy được điều này. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn khen ngợi A Di Đà Phật, khen A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (ánh sáng tôn quý nhất, vua trong chư Phật). Thích Ca Mâu Ni Phật xưng tán A Di Đà Phật như vậy, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai cũng giống hệt như Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật thay mặt cho hết thảy chư Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán như thế chính là mười phương ba đời hết thảy chư Phật tán thán. Chúng ta nhất định khẳng định được điều này.
“Thập phương tam thế Phật, A Di Đà Phật đệ nhất” (mười phương tam thế Phật, A Di Đà bậc nhất): Lời này nào phải tùy tiện nói! Không phải là chúng ta tu Tịnh Độ rồi cố ý tán thán Tịnh Độ. Không phải vậy, mà là sự thật đấy nhé! Vì sao phải tán thán như thế? Trong những bộ kinh to luận lớn cũng tán thán rất nhiều. Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư cũng nói hết sức rõ ràng: Cõi thù thắng nhất của A Di Đà Phật không phải là cõi Thật Báo, cũng không phải cõi Phương Tiện, mà là Phàm Thánh Đồng Cư độ. Ngài thiết lập cõi Phàm Thánh Đồng Cư độ quá khéo, khiến cho hết thảy những chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng đều có thể đới nghiệp vãng sanh. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, được bốn mươi tám nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, khiến những người ấy được thọ dụng hoàn cảnh tu học bằng với hàng Thất Địa Bồ Tát. Vì thế, họ đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Mười phương hết thảy các cõi Phật đều chẳng có được điều này, chỉ riêng thế giới Cực Lạc là có, nên hết thảy chư Phật đều xưng tán Ngài.
Trong hết thảy các cõi Phật đều có lục đạo chúng sanh, lục đạo chúng sanh chẳng dễ gì được thành tựu. Vì thế, hết thảy chư Phật Như Lai đều giảng Tịnh Độ tam kinh, đều khuyên lục đạo chúng sanh trong những cõi ấy hãy niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật. Vì vậy, thế giới Cực Lạc giống như một đại học Phật giáo do hết thảy chư Phật cùng lập ra, chư Phật gởi các đệ tử của chính mình đến trường đó học, A Di Đà Phật là hiệu trưởng của trường ấy. Vị hiệu trưởng ấy giỏi giang, khéo dạy, nên tất cả hết thảy chư Phật đều tôn kính Ngài, đều bội phục Ngài. Quý vị hãy từ tỷ dụ này mà thấu hiểu, mới biết lời xưng tán này không phải là hư giả.
Cửu phẩm độ chúng sanh,
Oai đức vô cùng tận.
九品度眾生。
威德無窮盡。
(Chín phẩm độ chúng sanh,
Oai đức không cùng tận).
Trước kia, có kẻ nói Tây Phương Cực Lạc thế giới không thể đới nghiệp, chỉ có thể tiêu nghiệp vãng sanh, chứ không thể đới nghiệp vãng sanh. Những lời lẽ ấy gần như khiến cho toàn bộ những người niệm Phật trên thế giới bị chấn động, gây ra một phen hoang mang, không biết phải làm sao: “Không đới nghiệp thì biết làm sao đây? Chúng ta tu pháp môn này cũng như không!” Nói thật ra, trong thời Mạt Pháp hiện tại, nếu không đới nghiệp vãng sanh, bất luận tu học pháp môn nào cũng không ai có thể thành tựu được. Vì sao? Vì không tiêu được nghiệp chướng tập khí, trong ức vạn người khó có được một ai. Vì vậy, không đới nghiệp vãng sanh sẽ chẳng thể phổ độ chúng sanh. Quý vị thấy “cửu phẩm độ chúng sanh” (chín phẩm độ chúng sanh) thì là đới nghiệp hay là không? Nếu không đới nghiệp thì chín phẩm do đâu mà có? Chín phẩm há chẳng phải là do đới nghiệp nhiều hay ít khác nhau hay sao? Cho dù chưa đoạn được một phẩm phiền não nào mà niệm Phật vẫn được vãng sanh, sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư độ.
Vì thế, đem so thế giới Tây Phương với hết thảy các cõi Phật thì Phàm Thánh Đồng Cư độ của Cực Lạc thù thắng khôn sánh, qua kinh luận chúng ta đã đọc thấy rất nhiều. Tây Phương Tịnh Độ sanh về một là sanh về hết thảy, ở trong Phàm Thánh Đồng Cư độ, quý vị có thể thân cận Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, những bậc Pháp Thân đại sĩ như thế. Trong những Tịnh Độ các phương khác, những vị đại sĩ đó trụ trong Thật Báo Trang Nghiêm độ, quý vị không tiến vào Thật Báo Trang Nghiêm độ sẽ không thể gặp những vị ấy. Thế nhưng tại Phàm Thánh Đồng Cư độ của Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn có thể suốt ngày từ sáng đến tối ở cùng một chỗ với các Ngài, thù thắng khôn sánh! “Cửu phẩm độ chúng sanh, oai đức vô cùng tận” (chín phẩm độ chúng sanh, oai đức không cùng tận). Sự thù thắng ấy do oai đức từ bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật gia trì.
Ngã kim đại quy y,
Sám hối tam nghiệp tội.
我今大歸依。
懺悔三業罪。
(Con nay đại quy y,
Sám hối tội tam nghiệp).
Nay chúng ta gặp được duyên này, kinh Di Đà dạy: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức, nhân duyên để được sanh về cõi ấy). Chúng ta ngày nay gặp được duyên này, thiện căn là gì? Có thể tin, có thể phát nguyện, mong cầu vãng sanh, đấy là thiện căn. Phước đức là gì? Phước đức là niệm Phật, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối. Đấy là phước đức. Vậy thì chúc mừng quý vị, quý vị thoát ly lục đạo luân hồi, thoát ly mười pháp giới, về Tây Phương Cực Lạc thế giới làm Phật. Đối với chúng sanh trong chín pháp giới, chẳng những pháp môn này độ được người, mà còn độ được cả súc sanh đạo. Quý vị thấy trong Tịnh Tông có cuốn sách Vật Do Như Thử (loài vật còn như thế)[1] chuyên ghi chép những chuyện súc sanh niệm Phật vãng sanh, ngạ quỷ niệm Phật vãng sanh, thậm chí còn có chuyện địa ngục niệm Phật vãng sanh. Đúng là phổ độ chúng sanh. Nay chúng ta gặp được [pháp môn Tịnh Độ], đã gặp thì phải nên phát tâm, “đại quy y”.
“Sám hối tam nghiệp tội” giống như trong bài kệ Sám Hối của Phổ Hiền Bồ Tát đã nói trong phần trên. Sám hối phải phát xuất từ nội tâm, thực sự sám hối. Trong tam nghiệp tội thì tội gì nặng nhất? Thưa cùng quý vị: Không phải là sát sanh, trộm cắp, hay dâm dục, không phải những tội đó, tội lớn nhất là không tin vào Tịnh Độ. Vì sao? Vì chẳng thể vãng sanh, bỏ lỡ mất cơ hội này. Quý vị nên biết: Qua kinh luận, đức Phật dạy chúng ta, Ngũ Nghịch Thập Ác tội nặng đến đâu? Giết cha mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng, những tội nặng nề! Nếu như sám hối, quay đầu niệm Phật thì đều được vãng sanh. Như vậy, tội lỗi nặng nhất khiến cho quý vị chắc chắn chẳng thể vãng sanh chính là vì quý vị hoài nghi, không tin tưởng, tội lỗi ấy quá nặng. Ngày nay chúng ta “sám hối tam nghiệp tội” phải chú trọng điều này, không chịu niệm Phật, không tin vào niệm Phật. Hiện tại chúng ta có cái tội này hay không? Mỗi người hãy tự phản tỉnh!
Chúng tôi thường nghĩ đến lời giáo huấn của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát, những lời dạy ấy được ghi trong tập sách nhỏ [mang tựa đề] Tây Phương Xác Chỉ. Ngài dạy chúng ta niệm Phật “không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”. Chúng ta không làm được những điều ấy là có tội! Những tội nghiệp ấy khiến cho chúng ta trong một đời này chẳng thể thành tựu. Khi sám hối tam nghiệp tội, chúng ta phải đặt chuyện này lên đầu. Thực sự không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Chúng ta niệm Phật, câu niệm Phật nơi miệng có thể gián đoạn, nhưng niệm Phật nơi tâm không được gián đoạn. Miệng niệm thì phải coi mình đang ở nơi đâu, có những chỗ không thuận tiện niệm [ra tiếng], nhưng Phật hiệu trong tâm chưa hề bị gián đoạn.
Trong đời này, tôi đã thấy một người từ trước đến nay chưa hề thấy có lúc gián đoạn, gây ấn tượng rất sâu cho tôi, người ấy chính là Chương Gia đại sư. Lão nhân gia không niệm Phật mà trì chú, Ngài trì chú theo cách Kim Cang Trì. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chẳng trở ngại người khác, miệng Ngài động, tay lần xâu chuỗi; tay động, miệng động nhưng không phát ra âm thanh. Chúng tôi đến gặp lão nhân gia, Ngài cùng tôi trò chuyện, lúc đang trò chuyện, chúng tôi thấy rõ tay lần chuỗi không động, tay cầm xâu chuỗi không động. Ngài nói chuyện với quý vị, nói xong, ngay lập tức lại lần chuỗi tiếp. Từ trước đến nay chưa hề thấy Ngài thay đổi cách ấy, đúng là đã thành thói quen, tâm Ngài định, tâm thanh tịnh.
Thầy Lý từng thân cận đại sư, lúc tôi đến Đài Trung thân cận thầy Lý, nhắc đến chuyện ấy, [tôi thưa với thầy Lý là] trong quá khứ tôi chỉ có một vị thầy là Chương Gia đại sư dạy tôi ba năm. Thầy Lý đối với Chương Gia đại sư rất khâm phục, thầy nói chúng ta là phàm phu không thể suy lường nổi cảnh giới của Chương Gia đại sư. Thầy nói nhìn vào cách hành trì của đại sư, bất luận quan sát bất cứ khi nào, đại sư luôn đang ở trong Định. Thầy nói không biết đại sư đã khai ngộ hay chưa, nhưng đại sư đã đắc tam-muội, thật đấy, không giả đâu! Quả thật đại sư đi, đứng, nằm, ngồi đều trong Định. Công phu của đại sư (chúng tôi không biết Ngài ngủ như thế nào), bất luận trong trường hợp nào mỗi khi quý vị quan sát đại sư, quý vị quan sát kỹ thấy đại sư công phu không gián đoạn, chẳng bị khuấy nhiễu. Bất luận trong hoàn cảnh nào, dù là thiện duyên hay ác duyên, nghịch cảnh hay thuận cảnh, chẳng mảy may liên can đến Ngài. Ngài lần chuỗi, niệm chú không ra tiếng. Đấy là sám hối chân thật.
Sám hối phải thể hiện bằng hành động. Không phải là đối trước Phật, Bồ Tát cầu xin, van vái, nói: “Con sám hối, cầu Phật Bồ Tát tha tội!” Không hề mang ý nghĩa ấy, làm như vậy sẽ chẳng sám hối được, nhất định phải hiểu lý! Chương Gia đại sư chỉ cho chúng ta cách tu sám hối, cách tu như thế nào? Sau này không làm nữa, đó mới thực sự là sám hối. Niệm Phật là sám hối rốt ráo. Trong mười hai thời, từ nay trở đi Phật hiệu trong tâm không gián đoạn. Quý vị chẳng có vọng tưởng thì khuất phục được phiền não. Phật hiệu vừa đoạn thì vọng niệm bèn khởi. Vọng niệm là tội nghiệp, quý vị tạo nghiệp nơi ý. Ý tạo nghiệp, thân khẩu tự nhiên sẽ tạo nghiệp theo. Do vậy, pháp sám hối rốt ráo chính là “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp). Đấy mới là cách sám hối rốt ráo. A! Nay đã đến giờ rồi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa