Pháp sư

[TẬP 89]: Cách Sám Hối Chú Trọng Là Phát Lộ.


Chư vị đồng học!

Xin xem tiếp phần sám hối trong phần Khai Thị của thời thứ nhất. Xem từ nguyện thứ tư của mười nguyện Phổ Hiền.

 

Tứ giả sám hối nghiệp chướng.

四者懺悔業障。

(Bốn là sám hối nghiệp chướng)

 

Cổ nhân thường nói: “Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá, quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên” (Con người chưa phải thánh hiền, ai mà không lầm lỗi. Có lỗi biết sửa, còn gì tốt lành hơn được nữa). Như vậy, có thể nói cách tu Sám Hối này phổ biến trong mọi thánh giáo dù là thế gian hay xuất thế gian. Chúng ta xem khắp những tôn giáo trên thế giới, những vị giáo chủ, tiên tri, thầy truyền giáo của họ không ai chẳng dạy con người phải thường hối cải. Hối (悔) là sám hối, Cải (改) là sửa lỗi. Trong nhà Phật, hai chữ Sám Hối là hợp dịch cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hoa. Sám là Sám-ma (ksama), là tiếng Phạn, Hối là hối cải (hối lỗi, sửa mình), đây là ý nghĩa tiếng Hán [của chữ sám-ma]. Do ý nghĩa chữ Sám-ma của tiếng Phạn và chữ Hối Cải của tiếng Hán ý nghĩa gần giống nhau, nên ghép chung lại gọi là Sám Hối.

Cách sám hối chú trọng phát lộ. Phát lộ là gì? Lộ (露) là bày rõ ra. Ta có lầm lỗi, làm bậy, chẳng được giấu diếm, phải báo cùng đại chúng, nay gọi là “thản bạch” (坦白: nói thẳng thắn). Ở trước đại chúng nói ra lầm lỗi của chính mình, chịu đựng đại chúng quở trách, giáo huấn, sau đấy, đổi mới, sửa lỗi, về sau không còn tái phạm. Sám hối như vậy thực sự có công đức, sau này không còn tái phạm nữa! Trước kia, tôi thân cận Chương Gia đại sư, Chương Gia đại sư dạy dỗ tôi. Khi ấy, tôi vừa mới được tiếp xúc Phật pháp, trong Phật pháp có những quy củ, nghi thức tôi không biết một điều nào hết. Đại sư hết sức từ bi, bảo tôi Phật pháp trọng thực chất, chứ không trọng hình thức, trong Phật pháp, sám hối hết sức quan trọng. Thế nào là sám hối? Biết lỗi, sửa được lỗi, sau này không tái phạm nữa, đó là sám hối chân chánh. Ngài nói nghi thức không quan trọng, đối với tôi là kẻ sơ học mà nói như vậy, tôi được rất nhiều lợi lạc.

Sám hối quan trọng nhất là tự mình phải biết lỗi của chính mình. Từ khi tôi học Phật mãi đến khá nhiều năm sau này, tôi mới thực sự hiểu thế nào là khai ngộ như nhà Phật thường nói. Khai ngộ là gì? Chúng ta nghe nói “khai ngộ” thấy rất huyền diệu; sau này, khi được tiếp xúc kinh giáo đã nhiều, tôi mới thực sự thấu hiểu thế nào là khai ngộ? Biết lỗi lầm của chính mình, ấy là khai ngộ! Sửa đổi lỗi lầm là sám hối. Sám hối là công phu tu hành chân chánh. Trong phương pháp tu học này, khó nhất là biết lỗi của chính mình. Ai biết được lỗi của chính mình, người ấy chẳng mê, người ấy giác ngộ.

Lỗi lầm vô lượng vô biên, từ khởi tâm động niệm cho đến ngôn ngữ, hành vi. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói: “Diêm Phù Đề chúng sanh khởi tâm động niệm vô phi thị tội” (chúng sanh Diêm Phù Đề (nói đơn giản là chúng sanh trên quả địa cầu này) khởi tâm động niệm không gì chẳng phải là tội). Kẻ mới học Phật chúng ta nghe được lời ấy, tưởng như kinh Phật nói quá đáng. “Khởi tâm động niệm, vô phi thị tội” (Khởi tâm động niệm không gì chẳng phải là tội), chưa chắc! Có những người khởi tâm động niệm là thiện, chẳng lẽ cũng là tội hay sao? Vì thế sanh tâm kính ngưỡng đối với Phật pháp, nhất là đối với Đại Thừa Phật pháp quả thật khó khăn lắm!

Đức Phật thuyết pháp, tiêu chuẩn bất đồng, bất luận cá nhân nào thiện niệm hay ác niệm; thiện hạnh vẫn là ác hạnh nếu không thể vượt khỏi lục đạo luân hồi; trong mắt của chư Phật, Bồ Tát, và bậc đại triệt đại ngộ, [những thiện hạnh như thế] đều không phải là chân thiện. Cái thiện thực sự sẽ như thế nào? Cái thiện chân chánh nhất định phải vượt thoát luân hồi, vượt thoát mười pháp giới; không thể vượt thoát luân hồi nếu chẳng phải là tội thì sẽ là gì đây? Nhìn từ mức độ này, quý vị mới hiểu kinh Phật nói không sai.

 Chúng sanh trong lục đạo luân hồi, tâm địa thiện lương, chẳng vì chính mình, mà vì quốc gia, vì dân tộc, vì hết thảy chúng sanh là tốt lắm! Khó có, [người như vậy] là bậc thánh nhân trong thế gian! Nhưng như thế nào? Chẳng đoạn Kiến Tư phiền não, danh văn, lợi dưỡng có thể nhạt một chút, nhưng không nhổ được tận rễ, chuyện bỏ mình vì người vẫn còn có giới hạn. Dẫu là “sát thân thành nhân, thành nhân thủ nghĩa” (hy sinh thân mình để hoàn thành điều nhân, thành tựu điều nhân, giữ được điều nghĩa), nhưng vẫn còn phân biệt chấp trước, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước này là nhân, kia là nghĩa: “Ta phải làm người có nhân, ta phải là người có nghĩa”, không ra khỏi tam giới được! Lý này rất sâu, nếu không thâm nhập kinh tạng, khế nhập Đại Thừa và rất nhiều ngôn luận của Phật, Bồ Tát, thật chẳng dễ gì thấu hiểu được! Không dễ hiểu vẫn còn chưa sao, có rất nhiều chỗ ta hiểu lầm ý nghĩa, đúng là “sai chỉ hào ly, lầm cả ngàn dặm”. Điều này khiến chúng tôi mỗi khi đọc câu kệ Khai Kinh “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa” cảm thấy câu này không dễ gì đọc lên.

“Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa” là chuyện khó khăn hết sức. Xưa kia, thầy Lý từng bàn luận với tôi về câu này trong bài kệ Khai Kinh. Cụ nói: “Chúng ta ý nghĩa này nọ đều không biết, làm sao có thể hiểu được nghĩa chân thật của Như Lai?” Chúng tôi suy nghĩ: Không sai! Ai có thể hiểu được nghĩa chân thật của Như Lai? Chúng ta hạ mức độ xuống thấp nhất thì cũng phải là đoạn được Kiến Tư phiền não, đoạn được Trần Sa phiền não, cũng như phá được một hai phẩm vô minh thì quý vị mới có thể hiểu nghĩa chân thật của Như Lai. Phiền não tập khí chưa đoạn, quý vị làm sao có thể hiểu nghĩa chân thậtcủa Như Lai? Nghĩa chân thật của Như Lai là từ tâm tự tánh thanh tịnh viên mãn hiển lộ, chúng ta hoàn toàn mê mất cái tâm thanh tịnh nơi tự tánh, đạo lý là như thế đó. Chúng tôi hiểu được đạo lý này, chúng tôi gật đầu, đúng là không thể hiểu được nghĩa chân thật của Như Lai.

Nếu như nay chúng ta nỗ lực thực hiện, trước hết phải đoạn Kiến Tư phiền não. Bắt đầu đoạn từ đâu? Điều này chúng tôi thường nói, thường khuyến khích các đồng học, tôi cũng nghiêm túc nỗ lực học tập: “Chúng ta phải buông tự tư tự lợi xuống, buông danh văn, lợi dưỡng xuống, buông sự hưởng thụ ngũ dục, lục trần xuống, buông tham - sân - si - mạn xuống!” Đấy là cái ải đầu tiên. Nếu vẫn còn những thứ này thì ngay cả ngoài rìa pháp Đại Thừa chúng ta cũng chẳng sờ đụng được! Làm tới, làm lui cũng vẫn là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Làm thế nào để không mắc lầm lỗi? Phải thực sự buông xuống được, buông xuống rồi quý vị mới có thể thấy thấu suốt. Thấy thấu suốt thì trí huệ hiện tiền, hoảng nhiên đại ngộ. Đại ngộ có nhiều mức độ; “hoảng nhiên đại ngộ” nói thật ra chỉ là ngộ một chút. Qua mấy ngày, hoặc mấy tháng, lại có một lần hoảng nhiên đại ngộ khác, lại ngộ nhiều hơn một tí. Cổ đức thường nói: “Chúng ta tích tiểu ngộ thành đại ngộ, tích đại ngộ thành đại triệt đại ngộ”.

Nếu quý vị muốn khai ngộ mà không buông phiền não tập khí xuống

được thì quý vị không thể ngộ nổi. Những gì Phật, Bồ Tát nói trong kinh điển, chúng ta nghe xong, nói thật ra dường như hiểu mà không phải hiểu, chứ không thực sự hiểu. Thực sự hiểu thì tư tưởng, kiến giải, ngôn ngữ, và hành vi của chúng ta sẽ biến đổi, khác với lúc chưa hiểu, hoàn toàn khác hẳn. Khi chưa hiểu, quý vị là phàm phu; thực sự hiểu thì quý vị là thánh nhân, siêu phàm nhập thánh, phá mê khai ngộ. Tâm tư, hành vi và biểu hiện của thánh nhân là bỏ mình vì người. Quý vị hãy chú tâm quán sát [sẽ thấy] khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, hành vi của các Ngài hoàn toàn tương ứng với những gì kinh điển đã nói. Quý vị hãy chú tâm quan sát những lời các Ngài nói, những điều các Ngài làm được kinh điển gọi là sở hạnh của Phật, Bồ Tát. Thế thì chúng ta hãy chú tâm quan sát Thích Ca Mâu Ni Phật, thấy hạnh nghiệp cả một đời Phật có giống với những gì đã giảng trong kinh hay không?

Phàm là bậc giác ngộ, biểu hiện cả một đời, bất luận là trong sinh hoạt, trong công việc, trong xử sự, đãi người, tiếp vật, cứ lấy kinh luận làm tiêu chuẩn để đo lường, chắc chắn tương ứng, ấy là “thực sự học Phật”. Thực sự sám trừ sạch nghiệp chướng của chính mình, sám hối là đặc biệt nói về nghiệp chướng. Ở phần trên chúng tôi đã giảng về nghiệp chướng, trong bài kệ Hồi Hướng thường niệm câu: “Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não”, câu ấy chính là sám hối nghiệp chướng. Phía trước của Nghiệp Chướng là Hoặc Chướng, tức mê hoặc, phía sau của Nghiệp Chướng là Báo Chướng, báo là quả báo. “Hoặc” (惑) là vô minh. Nghiệp là phân biệt, chấp trước. Chúng tôi nói theo cách kinh Hoa Nghiêm đã giảng. Còn nếu theo các kinh Đại Thừa, theo thuật ngữ đức Phật đã dùng, thì Hoặc Chướng là vô minh phiền não, Nghiệp Chướng là Trần Sa phiền não, Kiến Tư phiền não, đều thuộc về nghiệp. Báo Chướng là lục đạo luân hồi, lục đạo luân hồi là quả báo. Đó là Tam Chướng. Trong Tam Chướng có nhân, có quả, nếu nói tỉ mỉ, có nhân, có duyên, có quả. Nghiệp là nhân, Hoặc là duyên, y báo và chánh báo trang nghiêm trong lục đạo chính là quả, là nỗi khổ trong lục đạo.

      Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta: “Tam giới thống khổ” (tam giới đều khổ). Trong Dục Giới thì ba loại khổ lớn là Khổ Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ ta đều phải hứng chịu hết, không cách gì tránh khỏi được. Bất luận quý vị làm thiện hay tạo ác, cũng đều phải hứng chịu. Trời Sắc Giới có công phu Thiền Định, đè nén được một phần tập khí phiền não nên không có Khổ Khổ, chỉ có Hoại Khổ và Hành Khổ. Đến Vô Sắc Giới là cao rồi, ngay cả thân thể cũng không có. Chúng ta thường gọi Vô Sắc Giới là “linh giới”, họ không có sắc tướng, nên không có Hoại Khổ, nhưng có Hành Khổ. Vì thế, đức Phật bảo tam giới đều khổ, tam giới là nhà lửa. Chúng ta chỉ có cách sám hối nghiệp chướng, thực sự trừ sạch nghiệp chướng mới vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, đó mới là chân thiện.

Vì thế, nhìn từ góc độ này, những lời kinh Địa Tạng đã giảng là đúng, không giả: “Diêm Phù Đề chúng sanh, khởi tâm động niệm, vô phi thị tội” (Chúng sanh Diêm Phù Đề, khởi tâm động niệm không gì chẳng phải là tội), ý nghĩa rất sâu xa. Ngài lấy Pháp Thân Bồ Tát làm tiêu chuẩn, dùng cái thiện của Pháp Thân Bồ Tát làm tiêu chuẩn để nhìn chúng sanh trong lục đạo luân hồi. Cho đến thiên đạo vẫn chưa phải là thiện, chưa ra khỏi luân hồi! Hưởng hết phước trời, trong A Lại Da Thức vẫn còn có chủng tử của tập khí ác, vẫn phải đọa xuống, không thể tính là thiện được! Nếu là thiện thực sự, sẽ vĩnh viễn không đọa lạc nữa. Vậy thì chỉ có vượt thoát, ngoại trừ vượt thoát ra, không còn cách nào khác nữa! Vượt thoát lục đạo, đạt đến bốn thánh pháp giới, bốn thánh pháp giới được tính là thiện, nhưng là tiểu thiện chứ chưa phải đại thiện, chưa phải là cái thiện viên mãn rốt ráo. Thiện viên mãn rốt ráo là trong Nhất Chân pháp giới; do vậy, quý vị vẫn còn phải vượt thoát Tứ Thánh.

      Nói cách khác, trong nhà Phật từ Sơ Phát Tâm cho đến Đẳng Giác Bồ Tát không ai lìa khỏi pháp sám hối được. Đẳng Giác Bồ Tát vẫn phải tu sám hối nghiệp chướng, Ngài có những nghiệp chướng nào? Ấy là một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, đó là nghiệp chướng của Ngài. Như vậy, quý vị phải hiểu: Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, Đẳng Giác Bồ Tát vẫn là đới nghiệp vãng sanh, nhưng Ngài mang theo nghiệp ít nhất, chỉ mang theo một phẩm sanh tướng vô minh. Pháp môn Tịnh Tông chẳng thể nghĩ bàn, trong các tịnh độ của chư Phật Như Lai thì đới nghiệp chỉ là đới vô minh nghiệp, chắc chắn không mang theo Kiến Tư, quyết định không mang theo Trần Sa. Chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới là tịnh độ của Phật Di Đà, là có thể mang theo Trần Sa phiền não, có thể mang theo Kiến Tư phiền não, trong tất cả các cõi Phật khác, không tìm đâu được một cõi giống như vậy.

      Tu các pháp môn khác, quý vị sám hối nghiệp chướng giống như điểm số học tập của quý vị trong trường học, nói chung phải đạt đến năm mươi điểm thì mới coi là trúng cách; còn Tây Phương Cực Lạc thế giới khác hẳn, tiêu chuẩn của Tây Phương Tịnh Độ thấp nhất, sám hối nghiệp chướng chỉ chừng năm phần bèn được vãng sanh. Các pháp môn khác, các cõi Phật khác đòi hỏi năm mươi điểm mới hòng vãng sanh, ở những nơi đó đặt ra tiêu chuẩn: Phải đạt năm mươi điểm mới được; còn ở đây lấy tiêu chuẩn đạt năm điểm là được rồi. Đối với bọn phàm phu nghiệp chướng sâu nặng chúng ta mà nói, chúng ta phải nỗ lực mãi, sao cho nghiệp chướng tiêu trừ được một chút mới hòng vãng sanh. Điều này chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta phải hiểu điều này cho rõ ràng, hiểu rõ rồi mới chịu thực sự khẳng định, ngoài pháp môn này ra, chúng ta tu học bất luận pháp môn nào khác đều chẳng thể thành tựu. Ấy là vì chính mình không có năng lực sám hối nghiệp chướng với một mức độ lớn lao, nên chẳng làm được!

      Phương pháp thực hiện là mỗi ngày phải phản tỉnh, mỗi ngày phải nghĩ đến lầm lỗi của chính mình. Chúng ta tụng niệm công khóa sáng tối, vì sao phải thực hiện công khóa sáng tối? Thực hiện công khóa sáng tối có gì tốt? Công khóa sáng tối chẳng phải là làm cho Phật, Bồ Tát, mà làm vì chính mình, nhất định phải hiểu rất rõ ràng, rất minh bạch ý nghĩa này, khóa tụng sáng tối nhằm tu pháp môn sám hối! Khóa sáng lay tỉnh chính mình, vì thế, chúng tôi chọn kinh văn để đọc là bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, nhằm cảnh tỉnh chính mình, hy vọng cách suy nghĩ, tư tưởng và hành vi của chúng ta ngày hôm nay sẽ tương ứng với bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật. Mỗi ngày tụng khóa sáng để cảnh tỉnh chính mình. Khóa tối là phản tỉnh, ta tương ứng lời Phật răn dạy là tốt, ngày mai cứ làm như thế, ngày mai phải giữ gìn, chớ nên để mất đi. Điều gì không làm được, phải sanh tâm hổ thẹn, nhất định phát tâm sửa lỗi, ngày mai ta nhất định phải làm cho được. Công khóa sáng tối như thế ắt có công đức, giúp quý vị sám hối, giúp quý vị phát hiện lầm lỗi, giúp quý vị sửa đổi lầm lỗi, đó là tu hành.

Tu hành là sửa cho đúng những tư tưởng sai quấy, những hành vi lầm lạc, những ngôn ngữ sai trái. Ngôn ngữ và hành vi đều sanh từ ý niệm. Bởi thế, tư tưởng lầm lạc hơn bất cứ điều gì khác. Do vì cách nghĩ sai lầm mới dẫn đến hành vi và ngôn ngữ sai lầm. Do vậy, tu hành ý nghiệp quan trọng hơn bất cứ gì khác! Sửa đổi cho đúng những tư tưởng lầm lạc của chúng ta, mong có được chánh tri chánh kiến, trong giai đoạn này, ngoại trừ đọc kinh, nghe kinh ra, không còn có phương pháp thứ hai nào! Đọc kinh, nghe kinh, lấy kinh làm chủ. Quý vị hãy nhớ kỹ, trước khi đức Thế Tôn nhập diệt, Ngài chỉ dạy chúng ta pháp Tứ Y: “Y Pháp, bất y nhân” (Nương vào Pháp, không nương theo người). Đối với những điều người ta nói, ta phải tìm cho ra căn cứ lý luận từ kinh điển. Bởi lẽ, hết thảy những gì người ta nói, chúng ta chỉ có thể dùng để tham khảo mà thôi, rốt cuộc người ấy nói đúng hay không chúng ta phải có trí huệ phân biệt, chẳng thể mù quáng hùa theo. Mù quáng hùa theo là ngu si, là đi vào con đường lầm lạc. Bởi thế, phải có trí huệ quyết định, chọn lựa. Chuyện này đâu phải là chuyện dễ!

Chúng sanh căn tánh bất nhất, tùy theo căn tánh của mỗi loại mà đức Phật có từng cách thuyết pháp. Ví dụ rõ ràng nhất là đối với kẻ chấp trước Có, đức Phật giảng Không. Giảng Không nhằm ý nghĩa gì? Phá cái chấp Có của kẻ đó. Thế nhưng đối với hạng người chấp Không, đức Phật bèn giảng Có, để phá cái chấp Không. Đức Phật thuyết pháp nhằm phá chấp trước, phân biệt, vọng tưởng của chúng sanh. Chúng sanh vọng tưởng, chấp trước khác nhau, đức Phật dùng phương pháp thiện xảo phương tiện khác nhau. Chúng sanh không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì đức Phật không có pháp nào để nói cả. Không có pháp nào để nói mới là thực sự thuyết pháp. Ai hiểu? Chỉ có Pháp Thân Bồ Tát, những vị Pháp Thân Bồ Tát thuộc địa vị sâu mới hiểu được, đừng nói là lục đạo phàm phu không hiểu, ngay cả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát trong chín pháp giới cũng không hiểu. Vì thế chuyện này thật khó khăn lắm!

Thế nhưng có một nguyên tắc chung, nếu chúng ta nắm được nguyên tắc chung ấy, đối với các cách thuyết pháp bất đồng của chư Phật, Bồ Tát, trong tâm sẽ lãnh hội được một ít. Thế nào là tổng nguyên tắc? Đó là khế cơ, khế lý khế cơ. Khế cơ là thích hợp với nhu cầu hiện tại của người đó, đối với người đó có lợi lạc, có lợi ích, đó là khế cơ. Về Lý thì quyết định chẳng được trái lý. Khế cơ, khế lý là đúng. Đấy là tổng nguyên tắc, tổng cương lãnh để hết thảy chư Phật, Bồ Tát độ chúng sanh trong khắp pháp giới, hư không giới. Danh hiệu của tổng nguyên tắc, tổng cương lãnh trong Đại Thừa Phật pháp gọi là một câu A Di Đà Phật. A Di Đà Phật là tên gốc của tánh đức, là tên gọi của năng lực sẵn có trong tự tánh của mỗi chúng sanh. Trì danh niệm Phật, hết thảy chư Phật đều dạy chúng ta như thế, dùng danh hiệu này để đánh thức tánh đức của chính mình, gọi nó trở về, ý nghĩa là như vậy đó!

Cần phải nhận thức rõ ràng Phật và Phật giáo. Phật là gì? Pháp Đại Thừa giảng về Phật rất nhiều, Phật là chân tâm, không phải là bên ngoài, tự tánh chân tâm gọi là Phật. Tiếng Ấn Độ gọi là Phật, là tánh, là “bản lai diện mục” (diện mạo sẵn có). Hiểu rõ ý nghĩa những danh từ ấy, có hiểu thấu suốt thì mới lãnh hội chút ít những danh từ thuật ngữ ấy. Tin Phật là tin mình có chân tâm, tin mình có bản tánh. Quý vị xem kinh, như trong phần trước chúng ta đã đọc thấy: “A Di Đà Phật tức thị ngã tâm” (A Di Đà Phật chính là tâm ta). Tin A Di Đà Phật là tin vào cái tâm của chính mình, niệm A Di Đà Phật là niệm cái tên gốc của chính tâm mình. Ta không tin Phật là không tin vào chân tâm của chính mình, không tin vào cái tên gốc của chính mình, vậy là sao? Là mê hoặc, điên đảo! Thiền sư Trung Phong giảng rất rõ ràng: “A Di Đà Phật tức thị ngã tâm, ngã tâm tức thị A Di Đà Phật. Tịnh Độ tức thử phương, thử phương tức Tịnh Độ” (A Di Đà Phật chính là tâm ta, tâm ta chính là A Di Đà Phật. Tịnh Độ chính là phương này, phương này chính là Tịnh Độ).

Hết thảy chư Phật đều nói pháp này là pháp khó tin, vì sao? Con người mê rồi. Họ tin tưởng điều gì? Tin vào phiền não tập khí của chính mình, cho tham - sân - si - mạn, danh văn, lợi dưỡng là Ngã. Bởi thế, họ bèn luân hồi trong lục đạo, khởi tâm động niệm tạo vô lượng vô biên nghiệp, nghiệp cảm luân hồi, trong luân hồi thọ khổ thọ nạn rất oan uổng! Họ vốn là Phật, vốn rất tự tại, có vô lượng vô biên trí huệ, vô lượng vô biên đức năng, vô lượng vô biên tướng hảo, nay đều mê mất hết.

Chư Phật, Bồ Tát cũng như những bậc tái lai là những vị giác ngộ, các Ngài đem kinh nghiệm và phương pháp giác ngộ, khôi phục của chính mình ban cho chúng ta, để chúng ta thuận tiện đối chiếu học theo; chiếu theo những phương pháp ấy mà tu học sẽ đỡ mất công nhiều lắm. Nếu chúng ta thực sự hiểu được, thực sự thấu suốt, trong một đời này khéo tu học, thì trong một đời này quý vị nhất định chứng đắc. Nếu quý vị hỏi chứng đắc điều gì ư? Xin thưa cùng quý vị một chuyện hiện thực nhất: Chứng đắc rõ ràng nhất là tướng mạo quý vị càng ngày càng tốt đẹp, càng ngày càng trẻ ra, càng ngày càng mạnh khỏe. Trong một đời này, có thể đạt được thân Kim Cang bất hoại, vĩnh viễn không đổ bệnh, vĩnh viễn không suy lão, vĩnh viễn vui sướng. Bất luận làm chuyện gì, việc gì cũng thuận lòng, việc gì cũng như ý, trong nhà Phật có cầu ắt ứng. Những chuyện tốt ấy quý vị đều có thể đạt được, đấy là nói về chuyện hiện thực nhất, không có chút xíu gì huyền diệu cả! Nếu quý vị không làm được là vì quý vị chưa hiểu đạo lý này, không hiểu phương pháp này, quý vị học sai mất rồi!

Nếu thực sự hiểu được lý luận này, hiểu được phương pháp này, tu học không sai lầm chút nào, chắc chắn quý vị đạt được những quả báo nói trên. Phải mất bao lâu quý vị mới cảm thấy có hiệu quả? Ba tháng, từ ba tháng đến nửa năm, quý vị sẽ nhận biết hiệu quả, quý vị sanh lòng tin. Tư tưởng và hành vi bèn biến đổi. Sự biến đổi ấy quý vị thực sự làm được. Từ tướng mạo, thể chất, tâm tình thái độ xử sự đãi người tiếp vật, quý vị có thể thấy được sự biến đổi ấy rất rõ rệt: Quý vị thực sự làm được, quý vị thực sự dụng công. Nếu giả thì không được rồi, người ta nhìn qua một cái là thấy ngay, vì sao? Quý vị chẳng có biến hóa gì cả!

Đạo lý này khoa học hiện thời đã  chứng  minh. Bởi  thế, lần này chúng tôi mời tiến sĩ Giang Bổn Thắng đến thăm nơi đây. Rất tiếc là ông ta đến thăm nhằm lúc tôi đi thăm Tây Tạng, lịch trình bị kẹt không thể tiếp đãi ông ta được. Chậm nhất là tháng Giêng năm sau tôi sẽ đến Đông Kinh dự hội nghị, đi họp ở Nhật Bản, tôi có thể đến thăm ông ta. Ông ta dùng phương pháp khoa học chứng thực: Chúng ta dùng thiện ý, lấy nước để thí nghiệm, dùng thiện ý đối đãi nước thì nước bèn kết tinh rất đẹp! Chúng ta dùng ác ý đối với nó, nước bèn phản ứng hết sức xấu xí. Đây chính là chứng minh rõ ràng nhất!

Vì sao nói quý vị thực sự tu hành, tướng mạo của quý vị sẽ thực sự biến đổi rất đẹp? Vì quý vị tu hành là đem tất cả hết thảy ý niệm bất thiện đổi thành những ý niệm tốt lành nhất. Tâm quý vị thiện, tư tưởng thiện, hành vi thiện, thì phản ứng đầu tiên là gì? Những bộ phận và tế bào trên thân sẽ có phản ứng ban đầu giống như phản ứng của nước. Mỗi một bộ phận đều biến đổi hết sức đẹp đẽ, mạnh khỏe nhất. Mỗi một tế bào cũng biến đổi hết sức tốt đẹp, nên quý vị bèn trẻ ra, đạo lý là như vậy.

Trong quá khứ, chúng tôi chỉ nghe theo những gì kinh Phật đã giảng, thật thà chất phác y giáo tu hành, cũng không nghĩ gì đến tướng hảo gì hết, thân thể khỏe mạnh, không nghĩ đến những chuyện đó, đó là quả báo. Chúng tôi chỉ nghe lời thầy giáo huấn, đúng là tâm lý biến đổi một trăm tám mươi độ. Quả nhiên, sự biến đổi ấy bèn khởi tác dụng, chúng tôi chưa tự mình nhận biết tác dụng nhưng người khác đã nhận ra. Người khác nhận thấy tướng mạo khác đi, tướng mạo hiện thời so với tướng mạo xưa kia tốt hơn nhiều lắm, khí sắc khác hẳn, sức khỏe khác hẳn, trước kia hay bệnh, nói chung là eo nhức, lưng mỏi, nay không còn nữa. Xưa kia, thỉnh thoảng còn bị cảm mạo đôi chút, mấy năm nay không còn nữa. Chú tâm quan sát, chúng tôi tự mình chú tâm quan sát phản tỉnh, đó là gì vậy? Chính là hiệu ứng của nghiệp chướng tiêu trừ.

Xưa kia, Chương Gia đại sư dạy tôi: Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng. Ngày dạy tôi cầu Phật, dạy tôi chớ cầu nơi người. Ngài nói cầu nơi người, người ta không đáp ứng, mình chẳng sanh phiền não sao? Tôi nói không sai, quả nhiên sanh phiền não! Vì thất vọng, bị ngăn trở, trong tâm khó chịu. Ngài nói cầu Phật, Bồ Tát; cầu Phật, Bồ Tát không có cảm ứng là vì nguyên nhân nào? Do chính mình có nghiệp chướng. Sám trừ nghiệp chướng rồi thì cảm ứng bèn hiện tiền. Đúng là có cầu ắt ứng. Cái cầu ấy đúng pháp, đúng lý, quyết định chẳng vì mình hưởng thụ, quyết định chẳng vì chính mình, vì cá nhân. Danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần trong thế gian này, quyết định chẳng được cầu những thứ ấy. Cầu những thứ ấy là tăng trưởng tham - sân - si, Phật, Bồ Tát đại từ đại bi tuyệt đối chẳng thể tăng trưởng tham - sân - si - mạn của quý vị; Phật, Bồ Tát từ bi giúp cho chúng ta tiêu trừ tham - sân - si - mạn.

Nếu sám trừ được tham - sân - si - mạn, niệm niệm mong chánh pháp tồn tại lâu dài, tiếp nối huệ mạng của Phật, vì giúp cho hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, thì hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều hộ niệm quý vị, đều giúp đỡ quý vị. Vì sao? Quý vị và các Ngài đồng tâm, đồng chí, đồng hạnh. Chư Phật, Bồ Tát là như thế đó, quý vị giống như các Ngài thì sức mạnh của các Ngài mới gia trì cho quý vị được! Ở đây, thiền sư Trung Phong khuyên chúng ta nên phát nguyện, hy vọng chúng ta nguyện nào cũng tương ứng với bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, có như vậy quý vị mới được gia trì viên mãn. A Di Đà Phật gia trì quý vị, mười phương hết thảy chư Phật đều gia trì quý vị, làm sao quý vị không tự tại? Làm sao quý vị không vui sướng? Mười phương hết thảy chư Phật gia trì, thì xin thưa với quý vị, mười phương hết thảy thiện thần đều gia trì quý vị, tâm - nguyện - giải - hạnh của họ đều tương đồng. Vì thế, chúng ta phải hết sức coi trọng cái nguyện này.

Đối với người khác, chúng ta thiếu lễ độ, kiêu căng, tự đại, không để ai vào mắt, đấy đều là nghiệp chướng. Bởi thế, lễ kính chư Phật là sám hối nghiệp chướng, xưng tán Như Lai cũng là sám hối nghiệp chướng. Nghiệp chướng lớn nhất là ganh ghét, ganh ghét gây chướng ngại. Chúng ta thấy người khác có chuyện tốt, miệng trọn chẳng đề cao, người khác có lúc bất thiện, mình bèn suốt ngày từ sáng đến tối rêu rao, khen mình, chê người. Xưng tán Như Lai cũng nhằm sám hối nghiệp chướng ấy. Rộng tu cúng dường cũng là sám hối nghiệp chướng, tâm lượng của bản thân chúng ta nhỏ nhen, tự tư tự lợi, chẳng thể bỏ mình vì người, làm sao rộng tu cúng dường cho được? Quý vị hãy nghĩ xem đấy có phải là sám hối nghiệp chướng hay không? Sau đấy, quý vị thấy mười nguyện Phổ Hiền, không nguyện nào chẳng phải là sám hối nghiệp chướng.

Như vậy, trong mười nguyện, sám hối nghiệp chướng là nguyện tổng quát. Chúng ta cũng có thể nói là Bồ Tát đạo từ Sơ Phát Tâm đến địa vị Như Lai tu điều gì? Chính là tu sám hối nghiệp chướng. Nếu nghiệp chướng nào cũng đều sám được sạch sành sanh, không còn mảy may nào thì quý vị đã viên thành Phật đạo. Ở phần trên, chẳng phải tôi đã từng nói đó ư? Đẳng Giác Bồ Tát vẫn còn mang theo một phẩm sanh tướng vô minh, đó chính là nghiệp chướng của họ. Họ vẫn phải sám hối cho hết một phẩm sanh tướng vô minh mới chứng đắc Phật quả viên mãn. Vì thế, chúng ta nhất định phải chịu sám hối nghiệp chướng sâu nặng của chính mình, hằng ngày phải phát hiện nghiệp chướng của chính mình. Hằng ngày phải sám trừ nghiệp chướng của chính mình thì mới hòng tiến bộ trên đường Bồ Đề.

 

Ngũ giả tùy hỷ công đức.

五者隨喜功德。

(Năm là tùy hỷ công đức).

 

Điều này hết sức quan trọng, nhằm đối phó điều gì? Đối trị ganh ghét, chướng ngại. Chúng ta thấy những người khác làm việc tốt, trong tâm không vui thú. Nghiêm trọng nhất là nghĩ cách gây chướng ngại, không mong chuyện tốt đẹp của người ấy thành công. Trong một đời này, không biết chúng tôi gặp phải bao nhiêu lần. Năm 1999, kỷ niệm năm mươi năm lập quốc của Trung Quốc[11], tôi được mời tham dự lễ ngũ thập chu niên đại khánh. Tôi ở Bắc Kinh viếng thăm kinh khắc đá ở Phòng Sơn[12], hết sức hoan hỷ, nhằm đúng ngay lúc đó, có một vị cư sĩ tặng tôi một món tiền, số tiền cũng không ít, để in số kinh khắc đá ở Phòng Sơn.

Tôi đến Bắc Kinh, được cục trưởng cục Tôn Giáo nhà nước họ Diệp

tiếp đãi, tôi nêu lên chuyện ấy. Tôi nói tôi hy vọng in lại một ngàn bộ kinh khắc đá để gởi tặng nước nhà, chứ bản thân tôi không cần. Hy vọng nhà nước sẽ gởi tặng các thư viện quốc gia trên toàn thế giới hòng bảo tồn vĩnh viễn, đó là nghệ thuật phẩm cao cấp. Tất nhiên bọn họ in, nhưng in chữ quá nhỏ, đọc không được, chỉ có thể dùng làm tài liệu. Bởi thế, chúng tôi hy vọng in chữ to hơn, in chữ to thì đương nhiên là số tập sẽ nhiều hơn, phân lượng lớn hơn, giá thành phải cao. Không sợ giá thành cao, cốt in cho đẹp đẽ, tinh xảo, khiến ai trông thấy cũng đều sanh tâm hoan hỷ. Khi ấy, nhà nước cũng đồng ý, cấp cho tôi một tờ giấy phép. Về sau, chướng ngại rất nhiều, việc ấy không thành, đáng tiếc quá! Họ chẳng thể tu tùy hỷ công đức, không thể cho phép được.

Năm ngoái, tại Đài Loan bàn đến chuyện in Tứ Khố Hội Yếu, nhân vì số tiền kia vẫn còn, tôi nghe như vậy rất hoan hỷ. Nếu như tôi có được bản quyền Tứ Khố Hội Yếu, tôi cũng mong in một ngàn bộ, gởi tặng thư viện các đại học nổi tiếng và các thư viện quốc gia trên toàn thế giới. Dường như cũng có mấy người tranh giành, chèo kéo không buông, việc ấy cũng hỏng luôn. Không biết học tùy hỷ công đức, ai nấy đều tranh giành, công đức này tôi làm, kẻ kia muốn tranh làm, mấy người đều muốn tranh, thế là xong luôn, hết chuyện, không làm được gì hết! Bao nhiêu chuyện tốt đẹp muốn phát tâm làm đều bị phá hoại như thế cả. Mỗi cá nhân đều muốn tranh công, rất đáng tiếc. Đây là chúng sanh thiếu phước, chúng tôi muốn làm, mà làm không thành công. A! Nay hiện tại đã hết giờ rồi!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa