Pháp sư

[TẬP 87]: Phật Pháp Trọng Thực Chất Chứ Không Trọng Hình Thức.


Chư vị đồng học!

Xin xem tiếp phần khai thị của thiền sư Trung Phong trong thời thứ nhất. Chúng tôi đã đọc đoạn sau đây:

 

Cố chư Phật ư nghiễm nhiên sanh diệt trung, duy kiến vô sanh; chúng sanh ư trạm nhiên vô sanh trung, duy kiến sanh diệt.

故諸佛於儼然生滅中。唯見無生。眾生於湛然無生中。唯見生滅。

(Vì thế, chư Phật đối với sự sanh diệt đành rành, chỉ thấy vô sanh; chúng sanh đối với vô sanh trạm nhiên chỉ thấy sanh diệt).

 

Hai câu này tôi đã giảng rồi. Thiền sư Trung Phong quả thật đã dùng lời giải thích trực tiếp, thích đáng nhất để thuyết minh chúng sanh khác với Phật ở chỗ nào. Chúng ta hãy xem đoạn văn khai thị tiếp theo đó:

 

Chỉ nhân mê ngộ chi hữu sai, toại trí hiện lượng chi bất nhất; thật nãi sanh vô tự tánh, vô sanh diệc vô tự tánh, ngộ tắc sanh diệt giai vô sanh, mê tắc vô sanh giai sanh diệt. Sở dĩ, ly thử biệt vô, thị nãi nhất thể nhi dị danh dã.

只因迷悟之有差。遂致現量之不一。實乃生無自性。無生亦無自性。悟則生滅皆無生。迷則無生皆生滅。所以離此別無。是乃一體而異名也。

(Chỉ do mê - ngộ sai khác mà đến nỗi hiện lượng[8] khác nhau, chứ thật ra, sanh không có tự tánh, vô sanh cũng không có tự tánh. Hễ ngộ thì sanh diệt đều là vô sanh, còn mê thì vô sanh đều thành sanh diệt. Do

vậy, lìa khỏi cái này thì không còn gì khác, đấy chỉ là một Thể mà tên gọi khác nhau).

 

Chúng ta đọc đến đoạn này. Trong đoạn trên, đại sư đã vì chúng ta thuyết minh tỉ mỉ: Chúng sanh và Phật sai biệt ở chỗ nào? Sai biệt ở chỗ mê hay ngộ, mê thì gọi là chúng sanh, giác ngộ thì gọi là Phật. Vì vậy, ở đây, thiền sư nói: “Chỉ nhân mê ngộ chi hữu sai” (Chỉ do mê hay ngộ mà có sai khác). Mê hay ngộ là quý vị thấy cảnh giới bên ngoài, tức sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, mắt thấy, tai nghe, thân thể tiếp xúc, cho đến tất cả hết thảy cảm thọ đều khác nhau. Những đạo lý như vậy nếu giảng giải một cách nông cạn thì không đến nỗi khó hiểu lắm. Ví như chúng ta cùng sống trong thế gian này như nhau, nhưng do trình độ văn hóa khác biệt, sự tu dưỡng sai khác, thấy cảnh giới bên ngoài – tức là đối với hết thảy người, sự, vật – mỗi người cảm nhận khác nhau. Đấy là một sự thật rất rõ ràng. Ngoài ra, cũng có thể nêu một thí dụ khác: Như khi mỗi một người chúng ta đang vui vẻ, thấy hết thảy người, sự, vật đều cảm thấy vui thích; nếu khi chúng ta đang lo buồn, phiền não, nhìn vào hết thảy người, sự, vật, ắt cảm thấy chán ghét, đều không đáng ưa.

Do vậy, biết rằng: Cảnh giới bên ngoài là một, tùy theo mức tu dưỡng, tùy theo tình cảm của chúng ta, sau khi ta tiếp xúc, trong sự cảm nhận của ta cảnh giới sẽ bị biến đổi rất lớn. Ngay từ bản thân mỗi người chúng ta, hoặc là từ giữa chốn bạn bè thân thiết, mọi người cùng tụ hội, dễ thấy chuyện này rõ rệt nhất. Từ đây chúng ta có thể suy đoán là bọn phàm phu chúng ta và Phật khác biệt rất lớn. Sự khác biệt trong việc nhận biết vũ trụ và nhân sinh là rất lớn. Chư Phật thấy được chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, chúng ta chỉ thấy vọng tướng của nhân sinh và vũ trụ. Vì sao chúng ta thấy hư vọng? Chỉ vì chúng ta mê mất chân tướng. Mê như thế nào? Trong phần trên đã nói rồi đó: Phật, Bồ Tát giác ngộ, triệt để giác ngộ, viên mãn giác ngộ; bởi vậy, các Ngài trông thấy chân tướng của vũ trụ và nhân sinh.

Ở đây, thiền sư dạy chúng ta: “Chỉ nhân mê ngộ chi hữu sai, toại chí hiện lượng nhi bất nhất” (Chỉ vì mê ngộ sai biệt, đến nỗi hiện lượng khác nhau) – cách thấy của chúng ta và cách thấy của Phật khác nhau. Cách thấy của chúng ta là đối với cảnh giới bèn sanh khởi vọng tưởng, bèn khởi tâm động niệm, bèn phân biệt, chấp trước. Sáu căn của Pháp Thân Bồ Tát và chư Phật Như Lai tiếp xúc cảnh giới sáu trần chẳng khởi tâm động niệm, không phân biệt, chấp trước. Khởi tâm động niệm là vô minh; vọng tưởng và chấp trước là tạo nghiệp. Trong hết thảy cảnh duyên, Phật, Bồ Tát không mê hoặc, không tạo nghiệp, đắc đại tự tại! Sai biệt ở chỗ này, ngoài điều này ra, sai biệt gì cũng chẳng có. Vì thế, tiếp theo đó, thiền sư lại nói:

“Thật nãi” nghĩa là nói thật ra, “sanh vô tự tánh” (sanh không có tự tánh). Sanh là hiện tướng của hết thảy vạn vật. Hết thảy vạn sự, vạn vật sanh khởi, kể cả hư không, hư không vốn cũng chẳng có, hư không sanh khởi như thế nào? Nếu nói hư không chẳng có, ắt mọi người cảm thấy rất lạ lùng; thế nhưng qua tỷ dụ sau đây, có lẽ quý vị sẽ lãnh hội được. Ví như nằm mộng, trong mộng có hư không hay chăng? Có! Vậy tôi hỏi quý vị: “Hư không trong mộng do đâu mà có?” Lúc quý vị nằm mộng, hư không hiện hữu, lúc tỉnh dậy, cái hư không trong mộng không còn nữa. Như vậy, nếu quý vị chú tâm quan sát: Hiện tướng ấy thực sự tồn tại, hư không có sanh diệt, cái hư không trong giấc mộng của chúng ta có sanh diệt.

Đương nhiên, hết thảy hiện tượng, thế giới, vi trần, chúng sanh được hiện trong cái hư không đó, những cảnh giới vốn có trong mộng tợ hồ hiện hữu đối với chúng ta, chúng có sanh, có diệt. Nay cái hư không, thế giới, núi, sông, đại địa, chúng sanh lăng xăng đang hiện diện này do đâu mà có? Đúng là từ hư không sanh, hư không là Không, trong Không sanh ra Có. Hiện tại, khoa học đã phát hiện: Quả thật trong Không sanh ra Có, đã thế lại còn nhất thời đốn hiện, hoàn toàn giống với những gì kinh Đại Thừa đã nói, nhưng không diễn giải được tường tận như trong kinh điển.

“Sanh vô tự tánh” (Sanh không có tự tánh), tự tánh ấy chính là tự thể, sanh không có tự thể. Vì không có tự thể nên mới gọi là vọng, nó không phải là chân. Kinh Lăng Nghiêm giảng rất khéo: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Từ đâu sanh ra thì cũng chính từ ngay đó mà diệt). Tốc độ sanh diệt rất nhanh, không có cách gì hình dung được nên đức Phật bảo là “chẳng thể nghĩ bàn”, tức là không có cách gì để hình dung tốc độ nhanh chóng ấy. Trong những buổi giảng, chúng tôi thường dùng chuyện chiếu bóng làm tỷ dụ, tấm phim lọt vào ống kính của máy chiếu phim khi nó mở ra, chẳng phải là hình ảnh bèn được chiếu ngay lên màn bạc hay sao? Đó là Sanh. Ống kính đóng lại, hình ảnh ấy không còn nữa. Đó là Diệt. Ống kính lại mở ra, tấm ảnh thứ hai lại xuất hiện, đó lại là Sanh; rồi lại đóng vào, bức ảnh thứ hai lại diệt. Đó là sự sanh diệt quý vị trông thấy rất rõ ràng. Sự sanh diệt ấy là nhất thời đốn hiện, Sanh là nhất thời đốn sanh, không có trước sau; Diệt cũng là nhất thời đốn diệt, cũng không có trước sau. Đấy chính là như kinh Lăng Nghiêm đã giảng: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Từ đâu sanh ra thì cũng chính từ ngay đó mà diệt).

Thế nhưng sự sanh diệt do ống kính của máy chiếu phim đóng hay mở trong một giây chỉ là hai mươi bốn lần. Những hiện tượng hiện đang ở trước mắt, kể cả thân thể chúng ta, kể cả những gì chúng ta cảm nhận, những gì chúng ta có thể thấy được, nghe được, suy nghĩ, tưởng tượng đều được tính gộp trong đó. Trong một giây, những hiện tượng ấy sanh diệt bao nhiêu lần? Kinh Nhân Vương bảo một cái khảy ngón tay là sáu mươi sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Chiếu theo đó, trong một giây tối thiểu chúng ta khảy ngón tay được bốn lần, bốn lần sáu mươi nhân chín trăm gần bằng hai mươi vạn tám ngàn, tức là hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần sanh diệt. Không [chậm] như tốc độ của ống kính trong máy chiếu phim mà nhanh như thế nào? Một giây không phải là hai mươi bốn lần mà là hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần, làm sao quý vị biết [những tướng được biến hiện] là giả cho được!

Tôi cho rằng trong kinh Nhân Vương, đức Thế Tôn giảng như vậy chỉ là nói một cách phương tiện, chứ chưa phải là đã nói sự thật. Vì sao? Sự thật, tốc độ còn nhanh hơn thế nữa, không có cách gì tưởng tượng được. Tợ hồ nhanh đến mức độ nào? Gần như sanh diệt đồng thời. Bởi vậy, kinh Phật thường bảo là “bất sanh, bất diệt”, bất sanh bất diệt là sanh diệt đồng thời, vừa nói sanh thì đã diệt, vừa nói diệt bèn lại sanh, nhất thời đốn hiện. Nhất thời đốn hiện là ngay trong cùng một thời, tính như thế nào là “một thời”? Trong một thời sanh, lại diệt trong cùng một thời ấy, sanh diệt đồng thời. Bởi thế, sanh không có tự tánh, vô sanh cũng chẳng có ự tánh.

“Ngộ tắc sanh diệt giai vô sanh” (Hễ ngộ thì sanh lẫn diệt đều là vô sanh): Chư Phật, Bồ Tát giác ngộ, biết sanh và diệt đều là bất sanh, hết thảy pháp không sanh, không sanh thì làm sao có diệt? Đấy mới là chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Do vậy, chư Phật, Bồ Tát đối với những hiện tượng này từ trước đến nay chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, hoàn toàn tương ứng với chân tướng. Do vậy, Thanh Lương đại sư khi chú giải kinh Hoa Nghiêm đã bảo: Chư Phật, Bồ Tát thuộc về vô ngại pháp giới, tức Lý vô ngại, Sự vô ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, pháp giới không chướng ngại.

Pháp giới không chướng ngại ở đâu? Ở ngay trước mặt chúng ta. Vì sao chúng ta không thấy? Vì chúng ta đã mê rồi! Hình dáng của mê là gì? Hình dáng của mê là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, quý vị khởi lên những thứ ấy là bị phiền phức rồi! Như thế gọi là “khởi Hoặc, tạo nghiệp”. Tạo nghiệp chính là quý vị đã bóp méo những tướng được biến hiện của vũ trụ và nhân sinh, những tướng ấy cũng là được hiện bởi tâm. Những hiện tướng ấy vốn là thế giới Cực Lạc, là Nhất Chân pháp giới, là thế giới Hoa Tạng rốt ráo viên mãn, không khiếm khuyết mảy may nào. Sau khi bị bóp méo, cảnh giới bên ngoài bèn nảy sanh biến hóa, biến thành mười pháp giới, biến thành sáu nẻo, biến thành tam đồ, biến hóa như vậy đó!

Thế nhưng nếu quý vị hiểu biết thì chủ thể gây ra sự biến hiện (năng biến) ấy chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Do vậy, cái cảnh giới được biến hiện do cái năng biến này (cái được biến là lục đạo, tam đồ) sanh ra cũng chẳng phải là thật. Tuy không thật, nhưng quý vị chẳng giác; do bất giác nên phải gánh chịu, phải chịu khổ, chịu nạn trong ấy, khác nào quý vị nằm mộng trong khi đang mộng. Quý vị gặp ác mộng, gặp ác mộng rất khó chịu! Có lúc sợ đến nỗi mướt mồ hôi lạnh khắp thân, tỉnh phắt dậy, sợ điếng người. Kết quả chỉ là một cơn mộng. Nay chúng ta đang luân hồi trong lục đạo cũng là đang mơ một giấc mộng lớn trong mười pháp giới. Cơn mộng ấy từng giấc nối tiếp nhau, nằm mộng trong khi đang mộng, vĩnh viễn không tỉnh được, có phải là phiền phức quá hay chăng? Phật, Bồ Tát không dạy chúng ta điều chi khác cả, chỉ là nhằm đánh thức chúng ta khỏi giấc mộng đó thôi.

Vì thế, câu này nói rất khéo, rất thật: “Sanh vô tự tánh, vô sanh diệc vô tự tánh” (Sanh không có tự tánh, vô sanh cũng không có tự tánh). Đối với người giác ngộ, sanh lẫn diệt đều là vô sanh, họ thấy rất rõ ràng, rất minh bạch; người mê không vậy, “mê tắc vô sanh giai sanh diệt” (mê thì vô sanh đều là sanh diệt). Người mê chấp trước, phân biệt, trong sự cảm nhận của họ, tất cả hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều có sanh, có diệt.

Mỗi khi đức Phật giảng kinh, chúng ta biết Ngài căn cứ trên Nhị Đế. Nhị Đế là gì? Thứ nhất là thuận theo cảnh giới do chính mình đã chứng đắc, đó gọi là Chân Đế. Giảng cho quý vị những điều chân thật: Những kinh như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa là những bộ kinh lớn giảng về lẽ chân thật, giảng về cảnh giới của Phật, Bồ Tát, bọn lục đạo phàm phu chúng ta rất khó tiếp nhận, rất khó thấu hiểu. Vì sao? Đó chẳng phải là cảnh giới của chúng ta, hoàn toàn khác với cảnh giới của chúng ta. Vì vậy, ngoài ra đức Phật còn thuyết pháp thuận theo chúng sanh, tùy thuận chúng sanh chính là Tục Đế. Tùy thuận Tục Đế thì đức Phật giảng có sanh - lão - bệnh - tử, động vật có sanh - lão - bệnh - tử, thực vật có sanh - trụ - dị - diệt, khoáng vật như tinh cầu thì có thành - trụ - hoại - không. Những điều này chúng ta hiểu, chúng ta đồng ý, thừa nhận những cách giảng như thế, không sai chút nào. Đó là thế giới theo cảm nhận của phàm phu, đức Phật cũng thường giảng như thế. Vì sao? Quý vị chưa giác ngộ; nếu giảng sự thật, quý vị sẽ không hiểu được, giảng điều giả thì quý vị hoàn toàn đồng ý, đấy chính là “mê tắc vô sanh giai sanh diệt” (hễ mê thì vô sanh đều là sanh diệt). Kiến giải của Phàm và Thánh bất đồng, chứ thật ra Lý và Sự chẳng hai!

Tôi thường nói tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bản đã dùng phương pháp khoa học [để chứng minh] đạo lý này, tức là dùng nước làm thí nghiệm (nước là khoáng vật), phát hiện nước có thể thấy, có thể nghe, có thể hiểu được ý nghĩ của con người. Dùng thiện ý đối với nó, nó kết tinh rất đẹp đẽ. Dùng ác ý đối với nó, nó kết tinh hết sức xấu xí. Những điều này chứng minh lời Phật đã giảng: Nước có khả năng thấy - nghe - hay - biết, thấy - nghe - hay - biết là Pháp Tánh. Nó không phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, nhưng nó có thể bị ảnh hưởng bởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của những thứ khác mà biến dạng, tướng trạng của nước bị biến dạng.

Từ thí nghiệm này, chúng ta có thể nhận hiểu một điều: Nước nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới, nước trong thế giới Hoa Tạng nhất định không hề bị thiếu khuyết mảy may, hết sức viên mãn, thực sự đầy đủ “chân thiện mỹ huệ” như ta thường nói. Vì sao? Người trong những thế giới ấy toàn là bậc giác ngộ. Thế giới Hoa Tạng toàn là Pháp Thân đại sĩ, không có phàm phu. Mức thấp nhất đều là hàng Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, cho đến hàng Đẳng Giác, cho đến quả địa Như Lai. Vì vậy, nơi ấy không có người mê hoặc, mà toàn là người thực sự giác ngộ. Tất cả hết thảy vật chất đều biến thành hoàn mỹ nhất, nên gọi là Nhất Chân. Địa cầu của chúng ta đây vốn vẫn là Nhất Chân, vì sao lại biến ra nông nỗi này? Cư dân trên địa cầu mê không giác, suốt ngày từ sáng đến tối khởi vọng tưởng, những điều suy nghĩ, tâm niệm, lời lẽ, việc làm đều hoàn toàn trái nghịch Pháp Tánh. Do vậy, núi, sông, đại địa, tất cả hết thảy vật chất nơi đây đều bị biến đổi theo tâm tưởng của chúng ta, biến thành hết sức xấu xí.

Núi, sông, đại địa nơi cõi này và núi, sông, đại địa cõi Cực Lạc giống hệt nhau, vì sao bên họ đẹp đẽ dường ấy, ở chỗ chúng ta lại xấu tệ đến thế? Không có gì khác cả, tướng chuyển theo tâm! Tâm chúng ta bất thiện, nó bèn phản ứng bất thiện; tâm chúng ta thiện thì ngay lập tức nó phản ứng tốt lành! Do vậy, chúng ta bèn hiểu được rằng: Nếu như tất cả cư dân trên thế giới này buông hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống được thì thế giới của chúng ta chính là thế giới Cực Lạc. Vì sao? Tất cả hết thảy vật chất lập tức biến đổi. Từ thí nghiệm nước kết tinh, chúng ta thấy rằng nếu dùng ác ý đối với nước, nó sẽ kết tinh hết sức xấu xí. Chúng ta thay đổi ý niệm, dùng ý niệm tốt lành nhất đối với nó, ngay lập tức sự kết tinh của nước bèn biến đổi, biến hiện những kết tinh rất đẹp cho ta thấy, biến đổi theo ý niệm của chúng ta.

Tiến sĩ Giang cho biết: Trong suốt tám chín năm, ông ta chưa hề thấy có hai mẫu kết tinh nước hoàn toàn giống nhau, chúng tôi có thể khẳng định điều này. Vì sao? Mỗi ý niệm của quý vị khác nhau, nước phát sanh những biến hóa theo từng ý niệm. Quý vị không có hai ý niệm hoàn toàn tương đồng nên chẳng thể xuất hiện hai kết tinh hoàn toàn giống nhau, đạo lý là vậy!

Hy hữu thay! Khoa học đã phát hiện được điều này, coi như là đã bước đầu chứng thực được chân tướng vũ trụ (nói theo thuật ngữ nhà Phật là “Thật Tướng của các pháp”) như trong kinh đã nói. Phật và các đại Bồ Tát chẳng cần đến những máy móc khoa học, các Ngài tận mắt thấy, dùng phương pháp gì vậy? Thiền Định rất sâu. Cũng có nghĩa là: Hoàn toàn buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống thì chân tướng phơi bày lồ lộ. Tướng giác ngộ, tướng mê hoặc, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới thấy rất rõ ràng, minh bạch, rốt cuộc là nguyên nhân gì, là duyên do nào cũng đều rất rõ ràng minh bạch.

“Sở dĩ, ly thử biệt vô, thị nãi nhất Thể nhi dị danh dã” (Do vậy, lìa khỏi cái này thì không còn gì khác, chỉ là cùng một thể mà tên gọi khác nhau). Thế nào là “dị danh” (tên gọi khác nhau)? Tướng khác nhau, nhưng vốn cùng một Thể. Phải biết địa cầu của chúng ta, tức địa cầu của thế giới Sa Bà, tinh cầu của thế giới Cực Lạc, và tinh cầu của thế giới Hoa Tạng đều là một Thể, giống hệt nhau, đều là vật chất. Các nhà khoa học hiện thời bảo chúng đều do những nguyên tố [giống nhau], nhưng được tổ hợp khác nhau, nay ta thường nói là công thức cấu tạo khác nhau. Vì sao kết cấu khác nhau? Kết cấu do ai chủ trì? Ý niệm! Tâm quý vị thanh tịnh, những nguyên tố cảm nhận được, nó thấy - nghe - hay - biết mà! Đó là bản năng của Pháp Tánh chẳng bị tiêu mất, bất sanh, bất diệt, không có hình tướng, nhưng hiện hữu trong hình tướng. Vì thế, bất cứ hình tướng nào, bất cứ vật chất nào cũng đều có khả năng thấy - nghe - hay - biết, thuận theo hữu tình chúng sanh mà biến hóa. Hữu tình chúng sanh thiện thì chúng biến hóa rất tốt, hữu tình chúng sanh bất thiện thì chúng cũng biến hóa rất tồi tệ. Bởi thế, “chỉ cùng là một thể mà tên gọi khác nhau”, bởi nó chỉ cùng một Thể mà hình tướng khác nhau. Tiếp đó, đại sư giảng mấy câu về lẽ thực tế.

 

Thẩm như thị.

審如是。

(Xét như vậy).

 

“Thẩm như thị”: Thẩm (審) có nghĩa là xem xét kỹ càng, rất nghiêm túc, rất chú tâm xem xét vấn đề này thật minh bạch, rõ ràng. Chữ “như thị” chỉ những điều đã nói ở phần trên.

 

Tắc A Di Đà Phật tức thị ngã tâm, ngã tâm tức thị A Di Đà Phật.

則阿彌陀佛即是我心。我心即是阿彌陀佛。

(Thì A Di Đà Phật chính là tâm ta, tâm ta chính là A Di Đà Phật).

 

Quý vị bèn có thể khẳng định, A Di Đà Phật từ đâu mà có? Từ tâm hiện, thức biến. Tâm của ai? Chính cái tâm của chúng ta. Quý vị phải hiểu cái tâm này là cùng chung, thức cũng là của chung, chân tâm là của chung, còn vọng tâm bất đồng. Vọng tâm của tôi khác với vọng tâm của anh, cũng có thể nói là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mỗi người mỗi khác, nhưng chân tâm giống nhau. Chân tâm: Lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là chân tâm.

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật có nêu một tỷ dụ, từ tỷ dụ này chúng ta có thể hiểu được [chân tâm]. Đức Phật nói chân tâm giống như cái gì? Biển cả! Biển cả là chân tâm. Vọng tâm là gì? Vọng tâm là một bọt nước trong biển cả. Biển cả là một, nhưng các hoa sóng xuất hiện do sóng vỗ thì vô lượng vô biên, mỗi một bọt nước giống như vọng tâm của những chúng sanh chúng ta, ta chấp trước vọng tâm là chân tâm của chính mình, quên mất chân tâm thực sự. Chân tâm là biển cả kia mà! Khi nào cái bọt nước ấy bị vỡ tan, tan đi sẽ dung hợp với biển cả thành một Thể. Chân là một, vọng là hai, ba, là vô lượng vô biên.

Vì thế, kinh Đại Thừa thường nói: “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất Pháp Thân, nhất tâm, nhất trí huệ, lực, vô úy diệc nhiên” (Mười phương tam thế, cùng chung một Pháp Thân, một tâm, một trí huệ, lực, vô úy cũng thế). Do vậy, chân tâm là một, không phải hai. A Di Đà Phật chỉ do tâm hiện, chỉ do thức biến. Ngã ở đây là Chân Ngã, chứ không phải là Ngã nơi cái thân xác thịt, xác thịt không phải là Ngã. Kinh Phật thường nói Vô Ngã, Vô Ngã là nói về nhục thân, nơi nhục thân không có Ngã (vô ngã), nhưng quý vị có Chân Ngã. Nhà Phật nói đến bốn tịnh đức Thường - Lạc - Ngã - Tịnh, đó là thật. Trong Pháp Tánh có Ngã, Pháp Tánh có Thường - Lạc - Ngã - Tịnh, Pháp Thân có Ngã, Pháp Thân có Thường - Lạc - Ngã - Tịnh. Mười phương tam thế Phật cùng chung một Pháp Thân, Pháp Thân gì vậy? Pháp Thân chính là Pháp Tướng. Chân tâm, Chân Ngã là Pháp Tánh, tướng được hiện bởi Pháp Tánh gọi là Pháp Tướng. Pháp Tướng là gì? Hư không, thế giới, hết thảy chúng sanh là Ngã! Chuyện này rất khó hiểu, rất khó lãnh hội.

Tôi lại dùng chuyện mộng để tỷ dụ, chúng ta ai cũng có kinh nghiệm nằm mộng. Tôi hỏi quý vị nhé: Trong khi quý vị đang nằm mộng, nếu quý vị bất chợt giác ngộ: “Mình đang nằm mộng mà!” thì mộng ấy từ đâu mà có? Con người hiện thời nói mộng do tâm ý thức biến hiện, tâm ý thức biến hiện thành cảnh giới trong mộng. Trong mộng có hư không, trong mộng có núi, sông, đại địa, trong một có rất nhiều nhân vật. Vậy thì quý vị phải hỏi: Có cái gì trong mộng không phải là quý vị hay chăng? Mộng do tâm ý thức của ta biến hiện, thứ gì cũng đều là ta; quý vị bèn hiểu rõ: Không gì chẳng phải là ta. Lúc ấy, quý vị mới thực sự hiểu lời Phật đã nói: “Đồng thể đại bi, vô duyên đại từ”.

Vì sao đức Phật phải yêu thương, che chở hết thảy chúng sanh, phải độ chúng sanh khổ nạn? Không có gì khác cả! Vì cùng chung một Pháp Thân. Ta có cái thân này, thân của hết thảy chúng sanh cũng là thân của ta, núi, sông, đại địa cũng là cái ta có, thậm chí hư không cũng là cái ta có. Chúng ta nói đến người một nhà, người một nhà vẫn chưa thân thiết, thân thiết nhất chính là “cùng chung một Pháp Thân”, lẽ đâu không yêu thương, che chở? Do vậy, trông thấy hết thảy chúng sanh chịu khổ chính là bản thân ta chịu khổ, thấy hết thảy chúng sanh hưởng vui chính là tự mình hưởng vui. Chúng sanh và Phật không hai, chúng sanh và Phật là một, không phải hai. Chúng sanh và ta không hai, ta và chúng sanh là một Thể. Không chỉ cùng một thể với hữu tình chúng sanh, kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên Chủng Trí” (Tình và vô tình cùng viên mãn Chủng Trí). Ta và cây cối hoa cỏ, núi, sông, đại địa, hư không rộng lớn có cùng một thể. Đạo lý này sâu xa lắm, chỉ có kinh Đại Thừa mới giảng thật rõ ràng, thật thấu triệt. Đó là Thật Tướng, là chân tướng sự thật, vốn sẵn là như thế.

Mười pháp giới là một Thể nhưng khác tên, thực sự là một Thể. Chúng ta nói đến Phật pháp giới, Bồ Tát pháp giới, Thanh Văn pháp giới, Duyên Giác pháp giới, thiên pháp giới, nhân pháp giới, ngạ quỷ pháp giới, súc sanh pháp giới, địa ngục pháp giới, một Thể nhưng khác tên. Vì sao khác tên? Do khác tướng, tướng không giống nhau, nhưng quả thật là một Thể. Vốn chỉ là một tướng, tướng bị sai khác là vì chúng sanh khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bóp méo tướng ấy. Tướng bị bóp méo khác nhau, nên mang tên khác nhau, chứ thật ra chỉ là một Thể. Có thể khôi phục tướng ấy thành giống hệt nhau hay chăng? Được chứ! Chỉ cần lìa được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, hết thảy tướng sẽ biến thành một tướng. Một tướng có nghĩa là núi vẫn là núi, nước vẫn là nước, cây vẫn là cây, hoa vẫn là hoa, nhưng biến thành tướng đẹp đẽ nhất!

Giống như trong kinh Phật đã giảng: Trong các cõi Phật, cây cối, hoa, cỏ vĩnh viễn không điêu tàn, vĩnh viễn xanh tươi, thật lạ lùng! Nói cách khác, thực vật không có sanh - trụ - dị - diệt, động vật không có sanh - lão - bệnh - tử, khoáng vật không có thành - trụ - hoại - không, chẳng thể nghĩ bàn! Con người thọ vô lượng, cây cối, hoa, cỏ cũng thọ vô lượng, núi, sông, đại địa cũng thọ vô lượng, chúng ta thấy đó: Cảnh giới của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn! Cảnh giới của chư Phật là thật, bị biến thành nông nỗi này là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nơi bản thân chúng ta biến hiện ra, lầm lẫn chịu khổ chịu nạn trong ấy. Vạn pháp có cùng một Thể nhưng tên khác biệt, một Thể là Pháp Tánh. Chúng ta lại thấy: Ở đây, đại sư lại nói A Di Đà Phật chỉ do tâm hiện, chỉ do Thức biến, lại xét đến y báo:

 

Tịnh Độ tức thử phương, thử phương tức Tịnh Độ.

淨土即此方。此方即淨土。

(Tịnh Độ chính là phương này, phương này chính là Tịnh Độ).

 

Quả địa cầu của chúng ta đây và Tây Phương Cực Lạc thế giới là một không hai, không khác gì nhau. Tây Phương Cực Lạc thế giới trang nghiêm như thế đó, tốt đẹp như thế đó. Đức Thế Tôn dạy chúng ta: Mặt đất của Tây Phương Cực Lạc thế giới không phải là đất cát, không phải là sình lầy mà là gì? Là bảy báu. Đại địa là lưu ly, người thế gian chúng ta gọi lưu ly là Phỉ Thúy, tức một loại ngọc có màu xanh lá cây trong suốt. Như vậy đại địa của Tây Phương Cực Lạc thế giới trong suốt, từ trên mặt thấy thấu tận đáy, thuần sắc xanh tuyền. Bảy báu trong thế giới của chúng ta rất cứng rắn như đá tảng vậy, rất cứng nên chỉ có thể làm những món châu bảo, làm đồ công nghệ, làm thành sản phẩm nghệ thuật để thưởng thức. Bảy báu của Tây Phương Cực Lạc thế giới mềm mại, đại địa rất mềm, ta bước lên giống như đi trên một cái mền bằng đất rất dầy, đi lên đó rất dễ chịu, không cứng chắc.

Ở chỗ chúng ta đây, làm đường bằng nhựa đường, phủ nhựa đường hoặc tráng xi-măng. Đường sá ở Tây Phương Cực Lạc thế giới bằng vàng ròng, quý vị hiểu vàng ròng biết là bao nhiêu, vàng ròng đem lót đường. Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, phần lớn những thứ quý báu ấy được dùng làm vật liệu xây dựng. Vì sao trong thế giới chúng ta, những thứ này bị biến thành đất sét, cát, đá, đều bị biến thành những thứ như vậy? Không có gì khác cả, hoàn toàn giống như phản ứng kết tinh của nước! Người sống nơi này tâm bất thiện, bởi thế, phản ứng kết tinh bèn biến thành những thứ ấy. Người Tây Phương Cực Lạc thế giới hiền lành, vật chất bèn phản ứng, biến thành vô lượng trân bảo, chứ thật ra, chúng chỉ là một thứ, không khác gì nhau! Bởi thế, “Tịnh Độ tức thử phương, thử phương tức Tịnh Độ” (Tịnh Độ chính là phương này, phương này chính là Tịnh Độ).

 

Khởi phi mê ngộ chi tự thù, hà hữu thánh phàm nhi bỉ thử.

豈非迷悟之自殊。何有聖凡而彼此。

(Há chẳng phải do mê ngộ nên tự khác nhau, nào có thánh phàm sai biệt!)

 

Phàm hay Thánh bất quá chỉ là danh từ mà thôi, tên gọi khác nhau, nguyên nhân thực sự gây nên những hiện tượng bất đồng chính là mê hay ngộ. Người Tây Phương Cực Lạc thế giới giác ngộ, tất cả hết thảy vạn vật, cảnh giới biến hiện theo cái ngộ đó đều là tốt đẹp chẳng thể nghĩ bàn. Con người trong thế gian chúng ta hiện thời tâm hạnh bất thiện, cho nên tất cả hết thảy vạn vật ở nơi đây biến thành xấu tệ, đạo lý là như vậy. Do đó, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới chính là những hình ảnh biến hiện từ chính cái tâm của chúng ta. Kinh Kim Cang dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh” (Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng), chúng là những hình tướng do cái tâm của chúng ta biến hiện. Chúng ta phải biết rõ ràng, phải thấu suốt, phải hiểu rõ đạo lý và chân tướng sự thật này. Như vậy, phải sửa đổi từ nơi đâu? Từ ngay nơi cái tâm chúng ta, đó là thực sự tu đấy.

Chân tu không phải là hình thức, mà cốt ở thực chất. Thực chất là gì?

Khởi tâm động niệm. Thoạt đầu, Chương Gia đại sư dạy tôi câu này: “Phật pháp trọng thực chất chứ không trọng hình thức. Tâm anh biến thành thiện thì không gì chẳng thiện”. Đầu tiên là tướng mạo chuyển biến, tướng chuyển theo tâm, tướng mạo trang nghiêm; tiếp đến là thể chất, thân thể mạnh khỏe, không có bệnh tật. Đó là vật chất gần mình nhất. Chúng ta khởi tâm động niệm, tất cả hết thảy vật chất đều có phản ứng, giống như nước kết tinh vậy. Vì thế, tâm quý vị lành, tư tưởng lành, ngôn ngữ, hành vi lành thì mỗi tế bào khắp toàn thân, mỗi một khí quan đều tốt lành, mọi thứ đều tốt lành cả, lẽ nào quý vị không khỏe mạnh cho được, làm sao sanh bệnh cho được!

Nói cách khác, nếu quý vị sanh bệnh, có bệnh tật gì thì bệnh do đâu sanh ra? Chủ yếu là do ý niệm bất thiện tạo thành. Đương nhiên vẫn còn có những nhân tố khác, những nhân tố khác là ăn uống, khí hậu, bị hoàn cảnh bên ngoài công kích, nhưng quan trọng nhất vẫn là tâm tư của chính mình. Nay y giới cũng đang nghiên cứu sức khỏe tâm lý, người tâm lý khỏe mạnh dẫu bị bệnh vì nhiễm lạnh, trúng gió cũng rất dễ chữa trị, rất mau lành, khôi phục bình thường. Nếu tâm lý không khỏe mạnh, ắt phiền toái vô cùng, rất dễ bị virus bên ngoài công kích, lại còn khó lành bệnh, tâm lý không khỏe mạnh mà! Hiện tại, các bác sĩ thường nói như thế, nhưng chưa biết được tiêu chuẩn của tâm lý khỏe mạnh là gì, còn trong Phật đã nói về điều này rất rõ rệt.

Lần thứ nhất chúng tôi được nghe câu: “Phật pháp trọng thực chất chứ không trọng hình thức” là từ Chương Gia đại sư dạy. Lần thứ hai được nghe câu này ở Tân Gia Ba, Tổng Thống Nạp Đan (Sellapan Rama Nathan) bảo tôi như vậy. Ông ta theo Ấn Độ Giáo (Hinduism), cho biết bản thân hết sức tôn trọng Phật giáo, ông ta bảo: “Phật giáo trọng thực chất chứ không trọng hình thức”. Tôi nghe xong cảm thấy hết sức kinh ngạc, bởi lẽ, sau khi tôi được nghe câu nói này từ Chương Gia đại sư, trong mấy mươi năm chưa có ai nói câu này trước mặt tôi. Chẳng phải là người nội hạnh (có công tu dưỡng thực sự bên trong, người thông hiểu sâu sắc một lãnh vực nào đó) chẳng thể nói nổi câu này.

Cái “thực chất” đó chính là khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, và hành vi nhất định phải tương ứng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, không gì là bất thiện. Chúng ta xử sự, đãi người, tiếp vật, nhất là đối với những người hiểu lầm, hủy báng, tổn hại chúng ta, chúng ta phải dùng lòng chân thành đối với họ, dùng tâm thanh tịnh, bình đẳng đối với họ, dùng tâm chánh giác từ bi đối với họ, chân tâm! Quyết định chẳng được nói gã đó chơi xấu mình, cần gì phải xử tốt với hắn? Nếu vậy là quý vị trật rồi! Kẻ ấy đọa địa ngục, vì sao ta không đọa địa ngục? Nói vậy chẳng phải là nói lời ngốc nghếch hay sao? Kẻ ấy gây tạo lục đạo, vì sao ta không gây tạo lục đạo? Nay ta cùng kẻ ấy chẳng đi cùng một đường; kẻ ấy theo con đường lục đạo, chúng ta theo con đường thành Phật. Con đường họ đi là mê không giác, con đường nay chúng ta đang đi là giác chứ không mê, khác nhau! Như vậy nếu cảm thấy bị thua thiệt, vẫn còn lòng giận hờn, vẫn có tâm báo thù, há chẳng phải là lầm lạc quá đỗi ư? Chẳng những người ta sai lầm, mình cũng lầm luôn! Đoạn khai thị này là đại đạo lý, cũng chứa đựng chân tướng sự thật. Nói xong, trong tiểu đoạn cuối cùng, thiền sư dạy chúng ta:

 

Nãi tri hiện tiền chúng đẳng.

乃知現前眾等。

(Vậy thì hiện tiền đại chúng).

 

Chúng ta hiện đang ở cùng một chỗ làm pháp sự này, làm pháp sự này để cùng học tập, cùng tu hành.

 

Dĩ tự tánh A Di Đà Phật.

以自性阿彌陀。

(Hãy đem A Di Đà Phật nơi tự tánh).

 

Hiểu rồi thì A Di Đà Phật chính là tự tánh.

 

Dữ đại chúng thiệt căn.

與大眾舌根。

(Cùng với cái lưỡi của đại chúng).

 

“Cái lưỡi của đại chúng” ý nói chúng ta hãy xưng niệm A Di Đà Phật.

 

Phổ đồng vận chuyển căn bản pháp luân.

普同運轉根本法輪。

(Cùng xoay chuyển rộng khắp căn bản pháp luân ).

 

“Căn bản pháp luân” chính là Nhất Chân pháp giới; y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều là những hình ảnh do tự tánh hiện, do thức biến. Đó là “căn bản pháp luân”. Việc này chỉ có chư Phật Như Lai, Pháp Thân đại sĩ thấu hiểu, thông suốt. Ngày nay chúng ta có tín tâm, tin rằng chư Phật không nói dối, Phật chẳng lừa dối chúng sanh, Phật nói ra câu nào cũng chân thật, chúng ta nghe lời Phật chắc chắn không bị lầm lạc. Chúng ta chẳng phải chỉ nghe xong lời Phật dạy rồi thôi, không phải vậy, nghe xong phải chiếu theo những lời dạy ấy để tu học, sau đấy tự mình đích thân chứng đắc cảnh giới. Đấy chính là chỗ phi thường của đức Phật, Ngài yêu cầu chúng ta phải tự mình chứng minh được những điều đức Phật đã giảng, chứng thực vũ trụ nhân sinh có đúng như vậy hay không, nhất định chúng ta phải đích thân chứng đắc. Cái “phổ đồng căn bản pháp luân” ở đây theo chúng tôi hiểu trên mặt Sự chính là mọi người hãy cùng xưng niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật.

 

Chư nhân hoàn ủy tất ma?

諸仁還委悉麼。

(Các nhân giả còn gì vướng mắc nữa chăng? Hiểu thấu chăng?)

 

“Chư nhân” nghĩa là gọi mọi người bằng danh xưng“nhân giả” (bậc nhân từ), “nhân giả” là từ ngữ xưng hô cung kính đối với Bồ Tát, nghĩa là người nhân từ, “chư nhân” nghĩa là các vị nhân từ. “Hoàn ủy tất ma”: Ủy (委) là ủy khuất (vướng mắc, ép uổng). Có điều gì xử ép quý vị chăng, quý vị đã hiểu thấu hay chưa? “Tất ma” là thấu hiểu hay chưa! A! Bây giờ đã hết giờ rồi, chúng ta nghỉ một lát.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa