Chư vị đồng học!
Mở đầu Hệ Niệm Pháp Sự là Hương Tán, tiếp đó là tụng kinh, tức là tụng Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Theo sau tụng kinh là niệm chú, “Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni”, niệm chú ba lần. Rồi đến phần khai thị của thiền sư Trung Phong. Mở đầu phần khai thị lại niệm ba lần:
Nam mô Liên Trì Hội Bồ Tát Ma Ha Tát.
南無蓮池會菩薩摩訶薩。
Trước lúc tụng kinh, niệm ba lần Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát. Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát và Liên Trì Hội Bồ Tát Ma Ha Tát ở đây có sai khác gì chăng? Nếu không sai khác, sao không dùng Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát? Vì sao không dùng thống nhất? Đã xưng tán hai cách, đương nhiên ý nghĩa khác nhau. Dù có thể nói là ý nghĩa tương đồng, nhưng cũng có thể nói là có chút sai khác, đại đồng tiểu dị. Nói Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát thì là hải hội rộng lớn, có thể bao trùm khắp pháp giới hư không giới mười phương vô lượng vô biên các cõi Phật, hết thảy chư Phật Như Lai đều ở trong ấy tuyên nói pháp môn Trì Danh Niệm Phật vãng sanh thành Phật. Chúng ta có thể nói: Liên Trì Hải Hội bao gồm trọn khắp hư không pháp giới, rất lớn lao!
Mỗi một người niệm Phật đều thuộc trong Liên Trì Hải Hội, thậm chí trong xã hội hiện thời, những kẻ phản đối niệm Phật, bài xích người niệm Phật, hủy báng người niệm Phật, thậm chí những kẻ phát tâm muốn tiêu diệt pháp môn Niệm Phật cũng đều thuộc trong Liên Trì Hải Hội. Nguyên nhân gì vậy? Danh hiệu A Di Đà Phật vừa lọt qua tai vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo. Nay kẻ ấy bài xích là vì mê hoặc, sau khi chịu quả báo xong, nhân duyên chín muồi, vẫn là vì chủng tử A Di Đà Phật trong A Lại Da Thức của kẻ ấy chín muồi! Nói cách khác, nhất định vãng sanh Cực Lạc. Sợ nhất là gì? Sợ nhất là trong một đời này quý vị hoàn toàn không có duyên phận nghe đến, đó mới thực sự là khổ. Nghe rồi phản đối không sợ! Tạo ác nghiệp cũng không sợ! Thiện căn ấy (tức là thiện căn được nghe danh hiệu A Di Đà Phật) là chủng tử kim cang, vĩnh viễn bất hoại. Do vậy, pháp môn này là pháp môn chẳng thể nghĩ bàn, Liên Trì Hải Hội.
Ở đây nói Liên Trì Hội Bồ Tát Ma Ha Tát, không thêm chữ Hải Hội, ta có thể nghĩ [Liên Trì Hội] là bổn độ (cõi chính, tức chỉ riêng mình cõi Cực Lạc) Tây Phương Cực Lạc thế giới, chứ không phải là trọn khắp pháp giới hư không giới. Nếu trọn khắp hư không giới pháp giới, ta phải thêm chữ Hải Hội thành Liên Trì Hải Hội. Như vậy, giống nhau và khác nhau, sai biệt ở chỗ này. Ở đây là nói riêng về thế giới Cực Lạc.
Bồ Tát: Những vị thuộc Địa Tiền (chưa chứng nhập địa vị từ Sơ Địa trở lên) đều gọi là Bồ Tát. Hạ Hạ Phẩm vãng sanh là những người đới nghiệp vãng sanh, phiền não tập khí dẫu một phẩm cũng chưa đoạn, vẫn là Bồ Tát. Là hạng Bồ Tát nào vậy? Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín! Pháp môn này là Đại Thừa Viên Giáo, chí viên, chí đốn. Trong quá khứ, tổ sư đại đức nói pháp này ngang bằng Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Đấy chẳng phải là tuyệt diệu ư? Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín trong Viên Giáo nhất định phải đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc, còn người đới nghiệp vãng sanh chúng ta một phẩm trong tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc cũng chưa đoạn, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát, thật chẳng thể nghĩ bàn! Bởi vậy, trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói: Người đới nghiệp vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thể gọi là Bồ Tát, vì sao? Vì kẻ ấy chưa đoạn một phẩm Hoặc nào, nhưng cũng chẳng thể nói kẻ ấy là phàm phu. Vì sao? Kẻ ấy cũng là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Do vậy, Ngẫu Ích đại sư nói thân phận của người Tây Phương Cực Lạc thế giới rất lạ lùng, hết thảy đều không phải, mà hết thảy đều là phải, là thân phận chẳng thể nghĩ bàn. Nếu chúng ta nói miễn cưỡng thì: Do kẻ ấy chưa phá một phẩm phiền não nào, ta có thể bảo kẻ ấy là Tương Tự Vị Bồ Tát, chưa phải là Bồ Tát thật, chỉ tương tự. Rất giống Bồ Tát, nhưng lại chẳng phải là Bồ Tát, Phàm Thánh Đồng Cư độ mà! Chưa đoạn một phẩm phiền não nào!
Đương nhiên sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi thì có cần đoạn phiền não hay chăng? Phải đoạn chứ! Phải đoạn sạch sành sanh mới có thể viên thành Phật đạo. Như vậy, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để tu hành, nơi đó là hoàn cảnh tu hành thù thắng nhất. Chúng ta tu hành ở thế giới này có người, có sự, có vật khuấy nhiễu. Hoàn cảnh tu hành và tu học của tiền nhân thù thắng hơn chúng ta. Bao nhiêu người tu hành tìm lấy một hoàn cảnh thanh tịnh, u nhã, dựng một cái lều tranh nhỏ, mấy chục năm không xuống núi, rất dễ thành tựu. Thế nhưng rốt cuộc người thành tựu vẫn là thiểu số, vì nguyên nhân nào? Tâm địa thanh tịnh, họ đạt được điều kiện ấy; nhưng thầy giỏi và đồng tham đạo hữu cũng chẳng dễ gì gặp được. Vì thế, phải tầm sư phỏng đạo, phải đi tham học khắp nơi. Nghi hoặc hoàn toàn đoạn trừ, thực sự giác ngộ, hiểu rõ, lại tìm một hoàn cảnh u tịnh để dưỡng đạo, xa lìa hết thảy cảnh duyên. Trụ trong núi sâu hiếm dấu chân người lui tới để dưỡng đạo.
Chúng ta thấy tổ sư đại đức bất luận tông phái nào trong các đời được thành tựu [là do thân tâm thanh tịnh], ngay cả Tịnh Độ Tông cũng không ngoại lệ. Vào thời đại Đông Tấn, Huệ Viễn đại sư dựng Niệm Phật Đường đầu tiên ở Lô Sơn, một trăm hai mươi ba người lấy Hổ Khê làm giới hạn, chẳng ra ngoài giới tuyến ấy, thân tâm thanh tịnh, nên ai nấy đều có thành tựu. Hoàn cảnh hiện thời khó khăn lắm, dẫu quý vị ở trong núi thẳm, nhưng hiện thời giao thông thuận tiện, khách khứa vẫn rất nhiều. Khách đến thăm, quý vị chẳng thể không tiếp đãi. Tiếp đãi, xã giao quá nhiều, thị phi xảy ra, cái hay của họ Trương, cái dở của họ Lý chẳng thể không nghe, những thứ ấy không gì chẳng phải là nhiễm ô. Nếu chính mình chẳng cam lòng chịu tịch mịch, lại gắn truyền hình Internet (online TV) chi đó thì phiền phức càng lớn hơn nữa, dẫu ở trong núi thẳm vẫn không thoát ly xã hội bên ngoài.
Vì thế, tu hành trong hiện tại, luận về hoàn cảnh, thật rất kém xưa kia, nhưng hiện thời cơ hội nghe kinh, cơ hội đồng tham đạo hữu cùng tu học so thuận tiện hơn xưa. Đó là do giao thông và truyền thông thuận tiện, nhanh chóng, khoa học kỹ thuật tiến bộ. Như vậy, xưa kia và hiện nay đều có những điểm thuận lợi lẫn tệ hại. Làm thế nào để giữ điều lợi, bỏ điều tệ? Đó là trí huệ, là phương tiện thiện xảo. Ngày nay chúng tôi chọn ở nơi này vì đây là một thành phố nhỏ của Úc Châu, cư dân chỉ có tám vạn người, từ Bố Lý Tư Bản (Brisbane) lái xe đến đây mất hai tiếng đồng hồ. Bản thân tôi vẫn ở chốn làng quê, nói chung là mong xa lìa phiền phức, mong mỏi thân tâm thanh tịnh, có nhiều thời gian đọc kinh, niệm Phật. Mỗi ngày chúng tôi ở tại studio phát hình bốn tiếng đồng hồ để báo ân: Trên báo ân chư Phật, ân tổ sư đại đức, ân hộ pháp, dưới báo ân hết thảy chúng sanh. Cuộc sống càng đơn thuần càng tốt.
Tại nơi đây, những bậc hiền giả, hiển đạt trong xã hội, những lãnh tụ tôn giáo đều hết sức quan tâm đến những tai nạn trong thế gian, cầu nguyện thế giới hòa bình, các sắc dân khác nhau, các nền văn hóa khác nhau đều đối xử hòa thuận với nhau. Mọi người luôn mở rộng tâm lượng, bao dung, tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, đối xử hòa thuận. Đây là một chuyện tốt, đúng là đường lối để tiêu tai tránh nạn. Bọn họ đến tìm tôi, mời tôi tham dự. Chuyện này là chuyện vì nghĩa chẳng thể chối từ, tôi phải tận hết sức giúp đỡ họ thành tựu thiện nguyện. Thế nhưng đối với việc thanh tu của chính mình vẫn là bị phiền nhiễu, tốt đẹp đôi bề chẳng dễ!
Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới là tốt nhất, vì sao? Có khả năng phân thân, đó mới thực sự là đúng. Đừng nói tốt đẹp đôi bề, mà vạn bề đều tốt đẹp. Bất cứ chuyện gì cũng có thể tham dự, phân thân là xong! Một thân có thể biến thành vô lượng thân đến tham dự những chuyện tốt đẹp của hết thảy chúng sanh, bản thân ta vẫn trụ trong thế giới Cực Lạc y như cũ, ở trước mặt A Di Đà Phật, không hề tách rời. Tự hành hóa tha thảy đều thực hiện viên mãn, đó không phải là chuyện lý tưởng mà là sự thật. Nếu quý vị biết sự thật ấy thì quý vị mới thực sự phát nguyện, gấp rút cầu sanh Tịnh Độ hòng mãn hoằng nguyện chân thật của chính mình.
“Ma Ha Tát” là đại Bồ Tát, đã chứng địa vị Bồ Tát. “Bồ Tát” là Tam Hiền Bồ Tát. Mười địa vị thuộc Thập Tín đều gộp trong Tam Hiền, ngay cả địa vị tương tự như chúng ta (vẫn chưa thể tính là địa vị Sơ Tín, mới là Tương Tự mà thôi) đều được tính gộp vào đây. Đó là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn trong thế giới Cực Lạc.
8. Khai Thị
Tiếp theo đây, trước phần khai thị của đại sư, chúng ta hãy đọc một
bài kệ như sau:
Thế giới hà duyên xưng Cực Lạc?
Chỉ nhân chúng khổ bất năng xâm,
Đạo nhân nhược yếu tầm quy lộ,
Đản hướng trần trung liễu tự tâm!
世界何緣稱極樂。
只因眾苦不能侵。
道人若要尋歸路。
但向塵中了自心。
(Tạm dịch:
Thế giới duyên gì tên Cực Lạc?
Chỉ vì các khổ chẳng hề xâm,
Nẻo về nếu muốn tìm cho được,
Hãy đối trần lao tự hiểu tâm).
Chúng ta biết thiền sư Trung Phong là Pháp Thân Bồ Tát, chứ không phải là kẻ tầm thường, cũng có thể nói Ngài quả thực là bậc minh tâm kiến tánh. Hễ minh tâm kiến tánh thì mức độ thấp nhất sẽ là bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo, đó là mức độ thấp nhất. Ngài là bậc Đồng Sanh Tánh với chư Phật Như Lai, chứ không phải là Dị Sanh Tánh. Cũng có thể nói là trong cuộc sống thường ngày, Ngài dùng bốn trí Bồ Đề, chứ không dùng tám Thức, năm mươi mốt Tâm Sở. Chúng ta dùng tám Thức, năm mươi mốt Tâm Sở, còn Ngài dùng bốn trí Bồ Đề. Do đâu biết được điều ấy? Từ lời khai thị này mà biết. Nếu chưa kiến tánh, Ngài chẳng thể nói được những câu như vậy.
Hai câu đầu dễ hiểu, không khó lắm. Vì sao? Đọc kinh Di Đà nhuần nhuyễn rồi, quý vị hiểu ngay. Thế giới kia vì sao gọi là thế giới Cực Lạc? Trong kinh Di Đà, chẳng phải Thích Ca Mâu Ni Phật đã bảo rất rõ ràng cùng tôn giả Xá Lợi Phất đó ư? “Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh, vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc” (Cõi ấy vì sao tên là Cực Lạc? Chúng sanh cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng các điều vui, nên tên là Cực Lạc). Chẳng phải là giải đáp rất rõ ràng hay sao? Vì thế, hai câu đầu trong bài kệ không có vấn đề gì, chúng ta cũng có thể nói được như vậy.
Nhưng hai câu kệ sau chúng ta không thể nói được, nhất là câu cuối cùng. “Đạo nhân nhược yếu tầm quy lộ” (đạo nhân nếu muốn tìm đường trở về), “đạo nhân” là người tu hành, “quy lộ” là đường nào? Là con đường thành Phật. Con đường này không dễ, tìm ở đâu đây? Nay chúng ta nói chúng ta đã tìm ra, chúng ta tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ, chính là con đường thành Phật, không sai, mọi người chúng ta đều có thể nói như thế; nhưng thiền sư Trung Phong không nói như vậy, Ngài bảo: “Đản hướng trần trung liễu tự tâm” (Chỉ hướng vào trong trần lao mà liễu ngộ tự tâm), người bình phàm chẳng thể nói như vậy được. Nếu là chúng ta ắt sẽ nói: “Đạo nhân nhược yếu tầm quy lộ, tín nguyện trì danh cầu vãng sanh”, nhất định chúng ta sẽ nói như vậy, chúng ta chẳng thể nói “đản hướng trần trung liễu tự tâm”.
Người kiến tánh rốt ráo minh tâm kiến tánh, khác với phàm phu thuộc chín pháp giới. “Trần” (塵) là trần lao, nay chúng ta gọi là hoàn cảnh sinh hoạt hiện thực, “liễu” (了) là minh liễu (hiểu thấu suốt), “tự tâm” là tâm tánh của chính mình. Như vậy một câu này có thiền vị rất sâu. Nói cách khác, “liễu tự tâm” là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Vị Phật này là “Phần Chứng Vị Phật” (Phật thuộc địa vị Phần Chứng), không phải là địa vị tương tự. Bốn thánh pháp giới là địa vị tương tự, Thiên Thai đại sư gọi [các địa vị] đó là “Tương Tự Tức Phật”, còn minh tâm kiến tánh là thật, là “Phần Chứng Tức Phật”. Trong lục đạo luân hồi mà tu hành giỏi giang, chưa đoạn được Kiến Tư phiền não, thì gọi là “Quán Hạnh Tức Phật”, chưa đoạn phiền não. Đoạn được phiền não, đoạn được Kiến Tư Phiền Não thì gọi là Tương Tự Tức Phật. Đó là Tương Tự Tức Phật của Tứ Thánh Pháp Giới; còn Nhất Chân pháp giới là Phần Chứng Tức Phật. Minh tâm kiến tánh đạt đến Nhất Chân pháp giới, chẳng những vượt thoát lục đạo, mà còn vượt khỏi mười pháp giới. Thiền sư biết rằng: Nhất định phải cầu minh tâm kiến tánh trong cuộc sống thường nhật, nếu nói theo cách thuyết pháp của Bát Nhã thì là “hiểu thấu Thật Tướng của các pháp”. Hiểu thấu Thật Tướng của các pháp là minh tâm kiến tánh. Đối với chân tướng của nhân sinh vũ trụ mà quý vị thông đạt, hiểu thấu, không còn nghi hoặc, thì quý vị đã đạt đến Nhất Chân pháp giới; đó là “quy lộ” (đường về).
Như vậy, học Phật theo Đại Thừa Phật pháp, bất luận tông phái nào, bất luận pháp môn nào, mặc kệ phương pháp sai biệt, mặc kệ [những pháp môn ấy] dựa theo những kinh giáo khác nhau, phương hướng, đường lối và mục tiêu vẫn hoàn toàn tương đồng, là gì vậy? Là minh tâm kiến tánh. Thiền cũng thế, Giáo cũng thế, Mật cũng thế, Tịnh cũng thế! Tịnh Độ của chúng ta cũng là minh tâm kiến tánh. Lý nhất tâm bất loạn chính là minh tâm kiến tánh, Giáo Hạ gọi [minh tâm kiến tánh] là đại khai viên giải. Như vậy, với bài kệ mở đầu này, quý vị thấy Ngài đã giãi bày hết cả ra, không giấu diếm mảy may, đem kinh nghiệm tu hành chứng quả của chính mình phô bày trọn vẹn.
Hai câu kệ đầu khuyên chúng ta tu Tịnh Độ, thế giới ấy không có các sự khổ. Không có các sự khổ chính là cực lạc (rất vui). Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đức Phật dạy chúng ta: “Bồ Tát hữu nhất pháp, năng ly Nhị Thừa thế gian khổ” (Bồ Tát có một pháp có thể lìa được hết thảy nỗi khổ thế gian). Pháp ấy là “thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp”. Trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, muốn thực sự đạt được tâm lành, tư tưởng lành, quán hạnh lành chẳng phải là chuyện dễ, khó lắm! Thế nhưng nếu quý vị thực sự phát tâm tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, vĩnh viễn thoát khỏi hết thảy các khổ, so với tu mười thiện đạo dễ hơn nhiều. Tu viên mãn mười thiện nghiệp đạo bèn thành Phật, trong những buổi giảng chúng tôi đã nhiều lần giảng cặn kẽ. Lại xem đoạn văn kế tiếp đó:
Tâm tâm tức Phật.
心心即佛。
(Chân tâm và vọng tâm đều là Phật).
Câu này là thuyết pháp, hai câu sau đó tỷ dụ:
Đề hồ, tô, lạc, hàm tự nhũ sanh.
醍醐酥酪。咸自乳生。
(Đề hồ, tô, lạc đều sanh từ sữa)
Đề hồ, tô, lạc đều là những chế phẩm từ sữa. Nay chúng ta nói những chế phẩm của sữa đều tinh luyện từ sữa, càng luyện càng thù thắng. Như vậy, từ sữa luyện thành Lạc, từ Lạc luyện thành Tô, Tô lại luyện kỹ hơn thành Đề Hồ. Đề Hồ là chế phẩm tinh hoa của sữa, vị nó ngon lành nhất. Nhà Phật thường dùng Đề Hồ để tỷ dụ Phật, Bồ Tát, hoặc tỷ dụ cảnh giới thù thắng nhất. Đề Hồ thực sự ra chính là gì vậy? Hiện tại có hay không? Có chứ! Rất bình thường, nó là thực phẩm ngon nhất trong cuộc sống thường ngày.
Lúc chúng tôi mới học Phật, lão hòa thượng Đạo Nguyên có lần theo phái đoàn sang Ấn Độ triều bái thánh địa, qua Ấn Độ ngắm cảnh, du lịch, thăm viếng. Do Ngài là pháp sư giảng kinh, kinh thường nhắc đến Đề Hồ, nhắc đến Am Ma La quả, Ngài đều không thể giảng rõ Đề Hồ là gì? Quả Am Ma La là quả gì? Đến Ấn Độ, Ngài đặc biệt tìm người Ấn Độ hỏi: “Hãy đem Đề Hồ cho tôi coi, đem trái Am Ma La cho tôi xem”. Người ta đem trái Am Ma La đến, hóa ra là trái Ba Lạc (trái xoài). Ngài vừa thấy bèn cười, Đài Loan cũng có, rất nhiều nữa cơ! Đề Hồ là gì? Họ đem lại, nó vốn cũng rất bình thường, đều là thứ mình thường ăn. Hiện tại gọi là phó-mát[9] (fromage, cheese), người ngoại quốc gọi là “phó-mát”, kinh Phật gọi là Đề Hồ. Đến lúc đó, Ngài mới hiểu rõ, sau này giảng kinh thường kể cho chúng tôi nghe. Trước kia vì sao không có cách nào phiên dịch được? Vì Trung Quốc không có, Trung Quốc không có loại thực phẩm ấy. Do đây biết rằng, ba ngàn năm trước Ấn Độ đã chế luyện được một loại thức ăn ngon như thế.
“Tâm tâm tức Phật”, vì sao Ngài dùng đến hai chữ Tâm? Một chữ Tâm không được hay sao mà phải dùng đến hai chữ Tâm? Dùng hai chữ nhất định phải có hai ý nghĩa, nhưng ý nghĩa gì vậy? Chúng tôi hiểu là chân tâm và vọng tâm. Quả thật chân tâm là Phật, mà vọng tâm cũng là Phật. Có như vậy đức Phật mới nói hết thảy chúng sanh đều là vị lai Phật. Hết thảy chúng sanh hiện đang dùng vọng tâm, vọng tâm do đâu mà có? Vọng tâm vẫn là chân tâm bị mê, chân tâm khi bị mê thì gọi là vọng tâm. Như vậy, cái Thể của vọng tâm là chân tâm. Lìa khỏi chân thì vọng do đâu mà có? Chân và vọng không hai, chân và vọng là một. Do vậy, tỷ dụ này rất hay, dùng Đề Hồ tỷ dụ chân tâm; lấy Tô và Lạc ví với vọng tâm. Tất cả những thứ này đều do sữa chế luyện thành, không thứ gì rời khỏi sữa, đều là chế phẩm của sữa. Chân và vọng bất nhị.
Nếu từ chỗ này, quý vị thực sự giác ngộ toàn thể vũ trụ là một, không hai, thì quý vị thực sự khai ngộ. Chân - vọng bất nhị, mê - ngộ bất nhị, thánh - phàm bất nhị, sanh - tử bất nhị, phiền não - Bồ Đề bất nhị, đó là nhất tâm! Nhất tâm bất loạn. Là cảnh giới nào? Là cảnh giới Nhất Chân pháp giới. Ở nơi đâu? Ngay trong hiện tiền. Nếu quý vị không nhập Bất Nhị, sẽ không thấy được. Nói cách khác, quý vị không đắc nhất tâm sẽ không thấy Nhất Chân, vẫn thuộc trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là mê không giác. Lời khai thị của đại sư “mở cửa thấy núi”, ngay câu đầu tiên đã hiển thị chân tướng vũ trụ nhân sinh cho quý vị thấy. Vấn đề là quý vị có hiểu hay không, hiểu được hay không vậy? Câu thứ hai nhắc lại ý nghĩa này:
Phật Phật duy tâm.
佛佛惟心。
Ở trên là “tâm tâm tức Phật”, còn ở đây là “Phật Phật duy tâm”, nói đến hai chữ Phật. Hai chữ Phật cũng có ý nghĩa, có thể hiểu là hết thảy chư Phật, hoặc kim Phật (Phật hiện tại) và cổ Phật (Phật quá khứ). Hai chữ “Phật Phật” tượng trưng cho mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Phật là gì? Phật chính là tâm, tâm chính là Phật. Tâm này là chân tâm, ai chẳng có chân tâm? Ai nấy đều có chân tâm, chân tâm ở đâu? Chân tâm ở ngay trước mặt, từ trước đến nay quý vị chưa hề rời khỏi chân tâm. Không riêng gì quý vị có chân tâm, mà hết thảy hữu tình chúng sanh, nay chúng ta gọi là động vật, tất cả động vật đều có chân tâm. Không riêng gì động vật có chân tâm, mà thực vật, khoáng vật, cho đến hư không [đều có chân tâm]. Vì sao? Chân tâm là bản thể của hết thảy các pháp, Thể là chân tâm.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Pháp Tánh biến tại nhất thiết xứ” (Pháp Tánh trọn khắp hết thảy các nơi); hết thảy các nơi bao gồm cả hư không. Rời khỏi Pháp Tánh thì hư không từ đâu mà có? Hư không do Pháp Tánh biến hiện ra, hư không thuộc về Tướng Phần. Các nhà khoa học cận đại đã dần dần hiểu rõ chân tướng sự thật, họ nói không gian và thời gian chẳng thật. Dưới một điều kiện nào đó, không gian và thời gian bằng zéro, không còn nữa! Không có thời gian, không có không gian, không gian cũng là từ “vô trung sanh hữu” biến hiện ra. Đấy chẳng phải là có cùng một ý nghĩa với những điều đã nói trong kinh Hoa Nghiêm hay sao? “Pháp Tánh biến tại nhất thiết xứ, nhất thiết chúng sanh cập quốc độ, tam thế tất tại vô hữu dư” (Pháp Tánh trọn khắp hết thảy nơi, hết thảy chúng sanh và cõi nước, ba đời đều bao gồm trong ấy chẳng còn sót), hết thảy chúng sanh và cõi nước là không gian, ba đời là thời gian, “diệc vô hình tướng nhi khả đắc” (cũng không có hình tướng để có thể đạt được). Đấy chính là như kinh Bát Nhã đã giảng: Hết thảy các pháp (kể cả hư không), chân tướng của chúng là gì? Chân tướng là vô sở hữu, là rốt ráo không, là bất khả đắc. Nói ra chân tướng sự thật như vậy. “Phật Phật duy tâm” là câu thuyết pháp, hai câu tiếp đó là tỷ dụ:
Thoa, xuyến, bình, bàn, tận tùng kim xuất.
釵釧瓶盤。盡從金出。
(Thoa, xuyến, bình, mâm đều chế từ vàng).
Dùng Vàng để ví cho tự tánh, lấy những món bằng vàng [để tỷ dụ]: Thoa làm bằng vàng, Xuyến (vòng đeo tay) cũng làm bằng vàng, bình và mâm là những vật dụng trong cuộc sống thường ngày, đều do hoàng kim chế ra. Dù các đồ vật khác nhau, cách sử dụng cũng sai khác, nhưng thể tánh của chúng là một, không hai. Kim Phật và cổ Phật chẳng rời tự tánh. Hai câu này giảng về quan hệ, tánh chất của Tánh và Tướng rất rõ ràng, minh bạch. Nếu hoàn toàn thông đạt hai câu này thì chính là Pháp Thân Bồ Tát, quý vị sống trong thế gian này, tư tưởng, kiến giải, ngôn hạnh, sinh hoạt, xử sự, đãi người, tiếp vật chắc chắn khác với mọi phàm nhân, vì sao? Quý vị đang sống như Phật, Bồ Tát, đang hành Bồ Tát đạo, quả thật đã nêu tấm gương tốt nhất cho hết thảy chúng sanh: Cuộc sống của bậc giác ngộ, hành vi của bậc giác ngộ. Đây là đoạn thứ nhất của lời khai thị, nêu lên tổng nguyên tắc và tổng cương lãnh. Hãy xem tiếp đoạn dưới, Ngài dạy chúng ta như thế nào:
Thập vạn ức trình, Đông Tây bất cách.
十萬億程。東西不隔。
(Đường xa mười ức cõi Phật, Đông Tây há đâu xa cách)
“Thập vạn ức trình” do chính kinh Di Đà nói ra. Ở phương Tây của thế giới Sa Bà, qua khỏi mười vạn ức cõi Phật có một thế giới là thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. “Thập vạn ức trình” là nói về khoảng cách, tức mười vạn ức cõi Phật. Mỗi một cõi Phật là một tam thiên đại thiên thế giới. Quý vị nghĩ xem cái khoảng cách mười vạn ức tam thiên đại thiên thế giới to lớn lắm! Một câu “Đông Tây bất cách” đã nói lên điều gì? Không có khoảng cách về mặt không gian, xa - gần bất nhị, trong khoảng khảy ngón tay, trong một sát-na bèn đến được.
Nhị lục thời nội.
二六時內。
(Trong mười hai thời).
Đây là nói về thời gian. Nói “mười hai thời” là theo cách nói của người Hoa, người Ấn Độ chỉ nói “đêm ngày sáu thời”, người Hoa nói mười hai thời. “Nhị lục” tức là mười hai “thời thần”. Thời xưa người Hoa tính giờ giấc bằng Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Đó là mười hai thời thần. Dùng cách tính thời gian này cho mãi đến cuối đời Thanh, lúc Dân Quốc thành lập mới không sử dụng nữa, mà dùng theo cách tính hai mươi bốn giờ của Tây phương, cho nên [mỗi một giờ trong hai mươi bốn giờ] gọi là “tiểu thời”. Vì sao gọi là “tiểu thời”? Vì nhỏ hơn cách tính giờ [theo lối “thời thần”] của người Hoa. Một giờ của Trung Quốc [theo lối cổ] bằng hai giờ hiện thời, cho nên gọi là “nhị tiểu thời”. Nguồn gốc của chữ “tiểu thời” là như vậy. Giờ Ấn Độ so với giờ Trung Quốc còn lớn hơn nữa, một giờ Ấn Độ bằng hai giờ Trung Quốc, nói theo giờ giấc hiện thời là bốn tiếng đồng hồ. Vì thế, trong kinh thường nói “nhị thời giảng kinh” thì có nghĩa là bằng với tám tiếng đồng hồ hiện thời.
Qua kinh điển, chúng ta biết lúc Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, Tăng đoàn mỗi ngày học tập tám tiếng đồng hồ. Hết sức quan trọng, đây là thị hiện cho chúng ta thấy. Vì sao ngày nay chúng ta công phu không đắc lực? Không đắc lực cũng không bận lòng, cứ ngày ngày khởi vọng tưởng, niệm niệm đều tạo nghiệp, thật là đáng sợ! Làm thế nào để xa lìa vọng tưởng, không còn tạo nghiệp nữa? Đức Phật thị hiện cho chúng ta thấy chỉ có một phương pháp, lên lớp. Giảng kinh, nghe kinh, lên lớp mỗi ngày tám tiếng đồng hồ, hằng ngày không gián đoạn. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện như vậy suốt bốn mươi chín năm, mỗi ngày lên lớp tám tiếng. Như vậy mới lìa vọng tưởng. Xa lìa vọng tưởng thì thân khẩu chẳng tạo nghiệp, có thể khôi phục bình thường. Hành vi sinh hoạt bình thường, đúng mức thì là Phật, Bồ Tát, đó gọi là học Phật chân chánh, thực sự được thọ dụng nơi Phật pháp, chúng ta phải hiểu rõ!
Như vậy, không đọc kinh, không nghe kinh, há có được chăng? Phật giáo ngày nay suy đồi là vì tứ chúng tại gia và xuất gia không nghe kinh, không chịu học tập. Hễ không nghe kinh, không học tập, nhất định quý vị sẽ tùy thuận tập khí phiền não của chính mình. Tùy thuận tập khí phiền não của chính mình thì sinh hoạt cũng vậy, làm việc cũng vậy, đãi người, tiếp vật cũng vậy, không gì là chẳng tạo nghiệp. Đúng là như kinh Địa Tạng đã dạy: “Diêm Phù Đề chúng sanh, khởi tâm động niệm, vô phi thị nghiệp” (Chúng sanh trong Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm không gì chẳng phải là nghiệp). Đáng sợ quá! Nghĩ mình tạo nghiệp nhất định có quả báo, chẳng thể nói tạo nghiệp rồi thôi. Ở những phần trên, chúng tôi đã giảng rất rõ ràng, Hoặc - Nghiệp - Khổ. Trong ba chướng, Phiền Não Chướng, Nghiệp Chướng, Báo Chướng thì Báo là khổ báo
trong tam đồ, quý vị có biết hay chăng?
Thưa cùng quý vị! Quý vị nghe như vậy dường như cảm động, nhưng thời gian cảm động ngắn ngủi lắm. Độ mấy giây thôi, lại y chang như cũ, phiền não tập khí lại hiện hành. Vì nguyên nhân gì vậy? Là vì sức lực của phiền não tập khí quá lớn mạnh, năng lực tu học Phật pháp của chúng ta quá mỏng yếu, chống cự không nổi! Chống cự không nổi thì làm cách nào? Đức Phật dạy chúng ta: Thâm nhập một môn, trường thời huân tu. Nếu quý vị làm được, hiểu được câu ấy thì khống chế phiền não tập khí của chính mình có mất nhiều thời gian hay chăng? Thường là từ ba năm đến năm năm, tiêu chuẩn thời cổ là từ ba năm đến năm năm. Hiện tại thì ba năm, năm năm không đủ, vì sao? Phiền não tập khí bên trong quá nặng, sức dẫn dụ bên ngoài quá mạnh. Vì thế, hiện tại chúng ta sống trong thế giới này, hằng ngày đọc kinh, hằng ngày nghe kinh, hằng ngày giảng kinh, từ ba mươi năm đến năm mươi năm, đó là kinh nghiệm của tôi. Tôi học Phật đến nay là năm mươi hai năm rồi, tôi mới có thể khống chế được, tôi mới chẳng bị xã hội dụ hoặc. Ngày ngày phải hành, không hành không được!
Nói cách khác, trong thời đại này, không những là thiện căn, phước đức, nhân duyên trong đời quá khứ phải sâu dầy, nếu quý vị muốn thành tựu thì điều kiện đầu tiên là thọ mạng! Nếu quý vị không có thọ mạng dài lâu như thế, công phu tu hành còn chưa đủ, thọ mạng đã hết rồi! Thọ mạng hết bèn luân hồi, hễ luân hồi thì sẽ mê khi cách ấm. Dẫu tu hành khá lắm, đời sau lại được làm thân người thì đã quên sạch sành sanh những gì ta tu trong đời trước, phải làm lại hết thảy từ đầu, rất đáng sợ! Bắt đầu lại từ đầu, chẳng đảm bảo không bị dụ dỗ, mê hoặc. Nhưng trong xã hội này, từ lịch sử chúng ta thấy diễn biến ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, thói đời ngày càng tệ, đời sau kém hẳn đời trước. Do vậy, biện pháp đáng tin cậy nhất là trong một đời này nhất định sanh về Tịnh Độ, quyết định chẳng luân hồi nữa. Hai câu nói trên của đại sư dạy chúng ta việc ấy. Nay đã hết giờ rồi!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa