Chư vị đồng học!
Chúng ta xem tiếp lời khai thị sau cùng của pháp sư Viên Anh. Ngài nói năm câu, câu thứ nhất là “tùng kim nhật khởi, thế gian danh lợi, phao khứ, phiết khứ, thiết mạc tẩu hướng kỳ tha lộ khứ” (từ nay trở đi, danh lợi thế gian vứt đi, bỏ đi, chớ đi theo đường nào khác nữa). Câu thứ hai là “tùng kim nhật khởi, nhất thiết Hoặc nghiệp, hưu khứ, hiết khứ, thiết mạc tẩu hướng kỳ tha lộ khứ” (từ nay trở đi, hết thảy Hoặc nghiệp phải ngưng đi, dứt đi, chớ đi theo đường nào khác nữa).
Hai câu này quả thật bọn chúng ta tu hành, học Phật, đặc biệt là cầu sanh Tịnh Độ, vĩnh viễn thoát khỏi lục đạo sanh tử luân hồi, không thể không nỗ lực học tập. Bởi lẽ, [những điều được nói trong hai câu ấy] chính là chướng ngại căn bản đối với hết thảy thành tựu và sự vãng sanh Tịnh Độ của chúng ta. Nếu không thể đột phá những chướng ngại ấy thì trong một đời này, bất luận nỗ lực tu học như thế nào đi nữa, chỉ là gieo một chút thiện căn trong A Lại Da Thức, trở thành tư lương để đắc độ trong tương lai, chứ trong một đời này, chắc chắn không thể thọ dụng được! Do vậy, nếu muốn thành tựu thì đối với đạo lý này, đối với chân tướng sự thật này, chẳng thể không triệt để hiểu rõ. Triệt để hiểu rõ thì gọi là “khán phá” (thấy thấu suốt), thực sự thấy rõ ràng, thấy minh bạch. Thấy thấu suốt rồi mới có thể buông xuống, mới có thể đạt được tâm thanh tịnh, không nhiễm trước mảy may, đó chính là công phu chân thật của các đồng học Tịnh Tông chúng ta.
Những năm gần đây, chúng ta đã nắm được cương lãnh tu tập. Chúng ta tu tâm thì phải lấy chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi làm mục tiêu. Nói cách khác, chúng ta phải chuyển hư ngụy thành chân thật. Phật tâm chân thật, phàm tâm hư giả. Chẳng được dùng cái tâm hư giả, không được dùng nó! Đừng sợ thua thiệt, đừng sợ bị lừa, đừng sợ khổ, đừng sợ khó, đừng sợ chết, chúng ta chỉ cầu sanh về thế giới Cực Lạc, chỉ mong mỏi thân cận A Di Đà Phật thì phải dùng cái tâm chân thành. Phải chuyển hết thảy phân biệt, chấp trước thành tâm thanh tịnh, buông xuống hết thảy nhiễm ô. Nhiễm ô là [nhiễm ô nơi] Ý, đặc biệt là thức thứ bảy, tức Mạt Na, nhiễm ô Ý [nặng nề nhất]. Hãy chuyển cái tâm nhiễm ô thành tâm thanh tịnh, chuyển cái tâm kiêu căng ngạo mạn thành tâm bình đẳng. Ngã mạn là phiền não rất nghiêm trọng.
Chúng ta thấy ở phần trên đã nói đến Phiền Não Trược. Đức Thế Tôn quy nạp phiền não thành năm loại căn bản: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi. Tham và Sân là nhiễm ô, Mạn là kiêu căng ngạo mạn, tự cho mình là đúng, trong mắt không người. Đây đều là những thứ chướng đạo nghiêm trọng. Phải chuyển ngạo mạn thành bình đẳng, chuyển ngu si thành trí huệ, chánh giác là trí huệ. Quý vị thấy chẳng phải mọi thứ đều bị chuyển hay sao? Chuyển nghi hoặc thành chân thành, chuyển tự tư tự lợi thành đại từ đại bi, đó gọi là tu tập công phu thực sự! Chuyển trong cuộc sống thường nhật, chuyển trong công việc, chuyển trong xử sự, đãi người, tiếp vật.
Người khác đối đãi với mình bằng hư ngụy, bằng nhiễm ô, bằng cao - thấp, bằng tự tư tự lợi, ta không đối xử với họ như thế. Nhất định ta phải dùng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi để đối đãi họ, ta nhất định phải giống như Phật, Bồ Tát. Phật, Bồ Tát đối xử với chúng sanh như thế nào? Rồi chúng ta nghĩ xem chúng sanh đối với Phật, Bồ Tát như thế nào? Đối với Phật, Bồ Tát, chúng sanh còn lừa dối thì đối với ta còn gì để nói nữa! Ngay cả Phật, Bồ Tát mà họ còn dối gạt, họ kiêu căng ngạo mạn đối với Phật, Bồ Tát thì đối với ta họ coi ra chi! Thế nhưng chúng ta hãy suy nghĩ, Phật, Bồ Tát đối với chúng sanh như thế nào? Điều này rất quan trọng. Nay chúng ta phải học theo Phật, Bồ Tát, chớ học theo phàm phu, sẽ chuyển biến một trăm tám mươi độ, chúng ta hoàn tất ngay trong một đời này, một đời này vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi trong lục đạo. Bọn họ vẫn cứ luân hồi trong lục đạo, ta không như vậy, ta muốn hoành siêu, muốn vượt thoát. Thực sự thấy thấu suốt lục đạo luân hồi, vở tuồng ấy đã diễn từ vô lượng kiếp cho đến ngày nay, đủ rồi, không diễn nữa! Vì vậy, buông xuống vạn duyên, hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian không gì chẳng buông xuống. Thân tâm quy mạng Tịnh Độ, quy mạng Phật Di Đà, như vậy là đúng!
Thông đạt, hiểu rõ pháp thế gian và xuất thế gian, tức là thấy thấu suốt. Không nhiễm trước mảy may là buông xuống. Hết thảy Hoặc nghiệp (những chuyện điên đảo mê hoặc) chúng ta đều hiểu rõ. Hiểu rõ là thông suốt, là huệ. Chẳng thể không tiếp xúc, nhưng tiếp xúc rồi vẫn như như bất động, có thể nói là như vậy. Chắc chắn chẳng khởi tham - sân - si - mạn - nghi, tiếp xúc xong, niệm niệm đều có thể tương ứng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Đó là Bồ Tát đạo, là con đường thành Phật. Chúng ta đi theo con đường thành Phật, ngàn vạn phần chẳng được bận lòng đến người khác, chẳng cần suy tưởng đến người khác[6]. Hễ nghĩ bèn đọa lạc. Chẳng cần bàn luận chuyện người khác, hễ bàn luận bèn tạo nghiệp!
Đối với người thiện căn, phước đức, nhân duyên thì có thể cùng họ trò chuyện, chúng tôi gọi là đối thoại, cổ vũ lẫn nhau. Đối với những kẻ chẳng thể tiếp nhận, thành kiến quá sâu, phiền não tập khí quá nặng thì chắp tay hoan hỷ. Họ nói với mình, nói nhiều đến đâu đi nữa, ta vẫn giữ thái độ cung kính lắng nghe, trong tâm thầm niệm A Di Đà Phật, mong Phật, Bồ Tát dùng thần lực đại từ đại bi gia trì người ấy, mong mỏi người ấy sớm có ngày giác ngộ, sớm ngày quay đầu. Chúng ta đạo đức, trí huệ, năng lực không đủ, không có cách gì độ người ấy được, chúng ta cầu Phật lực gia trì, chúng ta có thể làm được chuyện này.
Câu thứ ba: “Tùng kim nhật khởi, nhất thanh A Di Đà Phật tử tâm niệm khứ, tu khứ, thiết mạc tẩu hướng kỳ tha lộ khứ” (Từ ngày nay trở đi, một tiếng A Di Đà Phật hãy chết sạch tấm lòng [mong ngóng, chụp giựt] mà niệm đi, tu đi, chớ đừng đi theo con đường nào khác nữa). Hai câu trên đây được kiến lập trên Tín và Nguyện. Đã có Tín, Nguyện thì Hạnh rất quan trọng. Trong pháp môn này, Hạnh là chấp trì danh hiệu, mục đích là nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo. Nhất tâm bất loạn bèn nhập cảnh giới Phật.
Trước kia, chúng tôi giảng kinh Di Đà, đã nhiều lần bảo cùng quý vị, nhất tâm là năng chứng, Nhất Chân là sở chứng. Nếu chúng ta muốn chứng được Nhất Chân pháp giới thì quý vị phải biết: Tây Phương Cực Lạc thế giới là Nhất Chân pháp giới, thế giới Hoa Tạng là Nhất Chân pháp giới. Thật Báo Trang Nghiêm độ của hết thảy chư Phật đều là Nhất Chân pháp giới. Làm thế nào để chứng đắc? Nhất tâm bèn chứng đắc. Tu nhất tâm từ đâu? Tu nhất tâm trong cuộc sống thường nhật. Thế nào là nhất tâm? Trong hết thảy cảnh duyên (cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là quan hệ giữa con người với nhau), không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, lúc ấy gọi là “nhất tâm”. Vừa khởi tâm động niệm thì cổ nhân nói đã rớt vào hai - ba, không còn là nhất tâm nữa. “Hai, ba” có nghĩa là gì? Hai là phân biệt và chấp trước, tức là thức thứ sáu và thức thứ bảy. Hai là hai ý. Thức thứ bảy là Ý Căn, thức thứ sáu là Ý Thức; đó là hai ý. Ba là gì? Ba là hai thức trên đây, thêm vào A Lại Da Thức thành ba. Tam tâm nhị ý đấy! Tam tâm là thức thứ tám, thức thứ bảy và thức thứ sáu, gọi chung là “tam tâm”. Nhị ý là thức thứ bảy và thức thứ sáu. Quý vị vừa động một niệm bèn rớt vào hai, ba. Nói cách khác, từ chân tâm bèn lập tức rớt vào vọng tâm.
Nếu trong hết thảy cảnh duyên, hết thảy pháp thế gian hay xuất thế gian, quý vị đều có thể gìn giữ chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, quý vị sẽ vĩnh viễn giữ được nhất tâm. Ai không có nhất tâm? Ai nấy đều có nhất tâm, cổ đại đức nói rất hay: “Niệm thứ nhất là nhất tâm, niệm thứ hai bèn rớt vào hai, ba”. Do vì quý vị không giữ được cái niệm thứ nhất ấy, dù có, nhưng không giữ được, mà rất nhanh chóng rớt vào hai, ba. Do vậy, [tâm của] quý vị bèn là vọng tâm, để phiền não tập khí làm chủ. Trong A Lại Da Thức là những chủng tử tập khí phiền não từ vô lượng kiếp đến nay, chủng tử gặp duyên bèn hiện hành. Duyên từ đâu mà có? Do năm thức đầu (Nhãn Thức, Nhĩ Thức v.v...) tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, đó là duyên. Vừa tiếp xúc, thức thứ sáu bèn dấy lên vọng tưởng, thức thứ bảy là hư vọng chấp trước bèn lập tức sanh khởi. Đó là ranh giới giữa phàm và thánh; thánh nhân chẳng có gì khác, các Ngài có thể giữ được cái niệm thứ nhất, vĩnh viễn để cái niệm thứ nhất làm chủ, tám thức, năm mươi mốt Tâm Sở chẳng làm chủ. Đó là chư Phật Như Lai, chúng ta phải học theo, học được bản lãnh ấy thì mới thực sự được thọ dụng.
Thuận hay nghịch đều là Tăng Thượng Duyên, trong hội Lăng Nghiêm, Văn Thù Bồ Tát giảng: “Thuận nghịch giai phương tiện” (Thuận hay nghịch đều là phương tiện). Câu nói này không sai một tí nào, đối với người thực sự có trí huệ, thuận cảnh hay nghịch cảnh không gì chẳng phải là phương tiện thiện xảo để thành tựu đức hạnh của chính mình, thành tựu cơ duyên thù thắng cho hết thảy chúng sanh. Thuận hay nghịch đều là phương tiện. Thế nhưng, nếu không phải là người đã đạt nhất tâm thì thuận hay nghịch đều là tạo nghiệp. Trong thuận cảnh khởi tham si, nơi nghịch cảnh khởi sân khuể, không gì chẳng tạo nghiệp. Do đây biết đúng là như Ngẫu Ích đại sư đã nói: “Cảnh duyên vô hảo xú, hảo xú tại ư tâm” (cảnh duyên không tốt - xấu, tốt - xấu chỉ do tâm). Tâm thiện thì hết thảy cảnh giới đều thiện; thuận hay nghịch đều là thiện. Tâm bất thiện, hết thảy cảnh giới thuận hay nghịch đều bất thiện, cảnh chuyển theo tâm mà! Đó là chân lý, phải thông đạt, phải thấu hiểu đạo lý này!
Vậy thì chúng ta tu bằng cách nào? Phật, Bồ Tát dạy chúng ta một câu A Di Đà Phật. Niệm một câu A Di Đà Phật ấy như thế nào? Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài bèn khởi tâm động niệm, cổ nhân thường nói: “Bất phạ niệm khởi, chỉ phạ giác trì” (Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ biết chậm). Niệm ấy vừa khởi bèn lập tức “A Di Đà Phật” để đánh tan cái niệm ấy đi. Câu A Di Đà Phật này là giác, dùng một câu chánh giác, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác này để đánh tan hết thảy vọng niệm. Một câu A Di Đà Phật vốn tốt lành, khởi tâm động niệm đều là tập tánh, đó là bản tánh. Dùng bản tánh để hoàn toàn khống chế tập tánh, đó là có công phu, công phu thực sự! Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác đều biết dùng công phu này, đều có thể giữ vững chánh giác, đều có thể giữ không lui sụt.
Bình thường, Phật, Bồ Tát dạy quý vị niệm một câu A Di Đà Phật trong từng niệm, các Ngài dạy chúng ta đừng hoài nghi, đừng xen tạp, đừng gián đoạn. “Không gián đoạn” có rất nhiều cách giải thích. Đối với kẻ sơ học chúng ta, một câu Phật hiệu phải miên miên mật mật, chẳng được gián đoạn. Vì sao? Vừa gián đoạn, vọng tưởng liền khởi lên, tập khí phiền não bèn trùm lấp. Không gián đoạn nhằm khống chế tập khí phiền não, chẳng cho nó khởi hiện hành. Nhất định phải nhớ kỹ, sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đó là tu tập nhất tâm. Tổ sư đại đức thường chỉ dạy chúng ta “nhất tâm xưng niệm”, quý vị phải hiểu thế nào là nhất tâm. Còn khởi tâm động niệm, còn có phân biệt, chấp trước thì đó là vọng tâm. Quý vị vọng tâm niệm Phật thì chẳng phải là niệm Phật. Trong bản dịch của Huyền Trang đại sư có nói đến điều này, nhưng Ngài không dịch là “nhất tâm bất loạn” mà là “nhất tâm hệ niệm”.
Quý vị hãy suy nghĩ: Trong kinh điển, đức Phật dạy chúng ta niệm Phật như thế nào? Trừ A Di Đà Phật ra, trừ thế giới Cực Lạc ra, cái gì cũng không nghĩ đến. Phương pháp đơn giản nhất là ngay cả thế giới Cực Lạc cũng không nghĩ đến, chuyên tưởng A Di Đà Phật. Vì sao? Thấy A Di Đà Phật không phải là sanh về thế giới Cực Lạc hay sao? Nghĩ đến thế giới Cực Lạc vẫn còn là phiền phức lắm! Mười Sáu Phép Quán là nghĩ đến thế giới Cực Lạc. Trong bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của cụ Hạ Liên Cư, phẩm thứ bốn mươi tám là tưởng thế giới Cực Lạc, giảng về thế giới Cực Lạc. Nếu quý vị vẫn quán tưởng, tức là tưởng thế giới Cực Lạc, đâu có thuận tiện bằng một câu A Di Đà Phật? Người thực sự thông minh, ngay cả thế giới Cực Lạc cũng không nghĩ đến, chuyên tưởng A Di Đà Phật, chuyên niệm A Di Đà Phật, lẽ đâu không thành tựu? A Di Đà Phật là chỗ chân chánh cho thân và tâm của chúng ta quy mạng. Vì thế, mới bảo chúng ta: “Tử tâm niệm khứ, tu khứ” (Chết lòng niệm đi, tu đi!) Tu là tu chứng, tất cả vọng tưởng thảy đều buông xuống, đó là Tu.
Một câu A Di Đà Phật phải khéo niệm, cốt sao phải đạt đến tiêu chuẩn của Đại Thế Chí Bồ Tát: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối). Đó chính là bí quyết dụng công thành tựu của Đại Thế Chí Bồ Tát lão nhân gia chỉ dạy chúng ta. Ý nghĩa của “nhiếp trọn sáu căn” không phải là buộc quý vị mắt không nhìn, tai không nghe, không có nghĩa như vậy; mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, mũi vẫn ngửi, lưỡi vẫn nếm, nhưng nhất định không giữ lại ấn tượng! Cũng có nghĩa là quyết định không vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, quyết định không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Dẫu cho nhìn khắp tất cả, nghe khắp tất cả, nhưng quả thật chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, chẳng có khởi tâm, chẳng có động niệm. Niệm niệm A Di Đà Phật miên miên mật mật, chẳng bị cảnh giới bên ngoài ảnh hưởng mảy may. Người minh tâm kiến tánh trong Tông Môn thường nói Cảnh giới ấy là “bách hoa tùng trung quá, phiến diệp bất triêm thân” (qua rừng trăm hoa nở, mẩu lá chẳng dính thân), cảnh giới như vậy đấy! Họ dùng phương pháp tham cứu đạt đến cảnh giới này, Tịnh Tông dùng Niệm Phật, dùng phương pháp chấp trì danh hiệu để đạt đến cảnh giới này. Trong tâm quả thật chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoại trừ A Di Đà Phật ra, cái gì cũng đều chẳng có. Chẳng thể nghĩ bàn! Đó mới đúng là “một câu A Di Đà Phật hãy chết lòng niệm đi, tu đi”.
Thế nào là “chết lòng”? Đối với hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian, hết thảy người, sự, vật, chẳng còn bận tâm, chẳng còn khởi tâm, không động niệm, đó là cõi lòng thực sự chết rồi. Chẳng phải là cảnh giới không tồn tại, cũng không phải là chẳng tiếp xúc cảnh giới, mà là cảnh giới nhất định chẳng phương ngại tâm mình, cũng nhất định chẳng bị nó lôi kéo mà khởi vọng tâm, quý vị vĩnh viễn dùng chân tâm, người như vậy mới là biết niệm! Tông Môn thường nói là “biết chăng?” Tịnh tông chúng ta cũng có thể nói là “quý vị biết cái gì?” Quý vị có biết niệm hay không? Nếu biết niệm thì tuyệt lắm! Cao hơn Thiền nhiều! Đó là thực tại quý vị phải tin tưởng. Trong kinh Đại Tập, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trì danh niệm Phật là thượng thượng thâm diệu Thiền, quý vị phải thực sự hiểu được câu nói này của Thích Ca Mâu Ni Phật. Câu tiếp theo, đại sư dạy chúng ta:
“Tùng kim nhật khởi, cầu sanh Cực Lạc ngũ thanh Tịnh Độ khứ, thiết mạc tẩu hướng kỳ tha lộ khứ” (Từ nay trở đi, hãy cầu sanh cõi Cực Lạc có năm điều thanh tịnh, chớ đi theo đường nào khác nữa).Chúng ta phải đi theo con đường nào? Con đường lớn dẫn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Con đường lớn ấy được gọi là “cõi có năm điều thanh tịnh”. Sư dùng danh từ ấy để đối ứng với “ngũ trược ác thế” của thế gian này, Sư gọi cõi kia là “ngũ thanh tịnh độ”. Vì sao? Ở bên này là Kiếp Trược, tức là thời đại không tốt; trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật mới thành Phật mười kiếp, Phật và tất cả nhân dân trong thế giới Cực Lạc đều là vô lượng thọ. Đã vô lượng thọ mà thế giới ấy mới thành tựu mười kiếp, tức là nhằm thời đại quá tốt đẹp. Chúng ta ở trong Kiếp Trược, còn bọn họ là Kiếp Thanh, thanh tịnh.
Chúng sanh tại nơi này có Kiến Trược, tà tri, tà kiến, mê hoặc, điên đảo, còn Tây Phương Cực Lạc thế giới là chánh tri, chánh kiến. Trong thế gian của chúng ta, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng, kinh Lăng Nghiêm nói như vậy. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chư Phật Như Lai thuyết pháp, số lượng ấy dù có dùng số cát sông Hằng để tỷ dụ cũng không có cách gì sánh ví được, [chư Phật thuyết pháp trong Tây Phương Cực Lạc thế giới] nhiều như số vi trần trong tam thiên đại thiên thế giới. Số cát trong sông Hằng làm sao có thể sánh ví được? Kiến giải thanh tịnh mà! Chúng ta ở đây phiền não, tập khí rất nặng; chúng sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới mỗi ngày nghe kinh, nghe pháp, cúng dường chư Phật, cúng dường hết thảy chúng sanh trọn khắp pháp giới hư không giới. Quý vị hãy nghĩ đi: Người bên đó đừng nói chi nhiều, phước huệ họ tu trong một ngày ước chừng bằng với phước huệ chúng ta phải tu trong vô lượng kiếp. Họ tu xong trong một ngày. Bọn chúng ta ở đây có phiền não, còn bên thế giới của người ta, ai cũng có trí huệ, chuyển tám thức thành bốn trí, chuyển phiền não thành Bồ Đề, đó là thế giới có năm thứ thanh tịnh.
Trong thế gian này có Chúng Sanh Trược, sao gọi là Chúng Sanh
Trược? Là vì cư dân trong thế gian này kiến giải, tư tưởng thác loạn, hết thảy chúng sanh vô tình lẫn hữu tình đều bị nhiễm ô, biến Nhất Chân pháp giới thành thế gian trược ác. Trái lại, con người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới tâm thiện, tư tưởng thiện, ngôn hạnh thiện, nên cảm được thế giới Cực Lạc, chứ không là ngũ trược ác thế. Trong thế gian này, chúng sanh thọ mạng rất ngắn; người bảy mươi tuổi xưa nay hiếm hoi, từ sáu mươi tuổi trở lên đã thuộc lớp tuổi vãn niên rồi!
Tôi nhớ lúc cầu học tại Đài Trung, thầy Lý dạy chúng tôi Cổ Văn, giảng đến bài Thu Thanh Phú (bài phú Tiếng Thu), cảm thán bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông biến hóa, đời người cũng có bốn thời: Trước năm hai mươi tuổi là mùa Xuân, hai mươi đến bốn mươi là mùa Hạ của đời người, từ bốn mươi đến sáu mươi là mùa Thu của đời người, sáu mươi tuổi trở đi là mùa Đông. Thầy giảng thiên văn chương ấy, cảm khái vô hạn. Người thế gian muốn sống qua được mùa Đông lạnh lẽo, thì ba mùa Xuân, Hạ, Thu phải chuẩn bị sẵn; nhưng có mấy ai biết cách sống qua tuổi già? Người thế gian mê hoặc điên đảo nhiều, thanh xuân trẻ khỏe hưởng phước, quên sạch chuyện tuổi bóng xế. Lúc tuổi già xộc tới, dẫu hối cũng không kịp; không biết tu phước, tích đức lúc trẻ khỏe.
Giáo dục Trung Quốc thời cổ rất coi trọng vấn đề này. Thanh thiếu niên chú trọng giáo dục đạo đức, đó là bám chắc rễ trước khi tròn hai mươi. Từ hai mươi đến bốn mươi bèn phục vụ xã hội, tạo phước. Từ bốn mươi đến sáu mươi, bồi dưỡng người kế tục. Sáu mươi tuổi trở đi lui về hưu, hưởng phước! Như vậy là biết cách sống qua mùa Đông. Đấy chính là giáo dục tư tưởng, hoàn toàn khác với người Tây phương; người Tây phương điên đảo. Trong một đời người, lúc nào mới hưởng phước? Tuổi nhi đồng. Vì thế, mọi người tại ngoại quốc thường nói: “Tuổi nhi đồng là thiên đường. Tuổi trung niên là chiến trường, tuổi già là phần mộ”. Nói nghe sao bi ai quá đỗi! Không như tư tưởng Trung Quốc. Tư tưởng, lý luận của Trung Quốc khác hẳn bọn họ. Tuổi thanh thiếu niên rất cay đắng thì mới phát phẫn, nỗ lực học tập, theo kịp bước tiến của xã hội, vì xã hội tạo phước. Tuổi già hưởng phước, tuổi già không phải là mồ chôn, tuổi già là hưởng phước. Trong tư tưởng của người ngoại quốc, phước báo hưởng hết trong mười mấy năm trẻ trung, phước báo cả đời đã hưởng xong, họ lại không biết tu phước, tuổi già sao không rất khổ?
Chúng ta thấy điều tốt đầu tiên của Tây Phương Cực Lạc thế giới là vô lượng thọ! Vô lượng thọ ấy chẳng phải là vô lượng có số lượng, mà thực sự là vô lượng một cách vô lượng. Chuyện này là như thế nào? Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi, quyết định trong một đời chứng đắc viên mãn Vô Thượng Bồ Đề. Chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề là thực sự vô lượng thọ, không giả đâu, vì sao? Đừng nói đến Vô Thượng Bồ Đề, chỉ nói đến Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, chứng một phần Pháp Thân, trong cảnh giới này không còn sanh diệt nữa. Sanh diệt không còn tức là bất sanh bất tử, Phật pháp gọi đó là Đại Niết Bàn. Đại Niết Bàn là bất sanh bất diệt, bất sanh bất diệt là vô lượng thọ thực sự! Đó là mục tiêu tu hành chân chánh của Phật pháp Đại Thừa.
Tiểu Thừa Tứ Quả A La Hán cũng chứng đắc Niết Bàn, nhưng Niết Bàn của họ không phải là thật. Nói theo cách thông thường, các Ngài chỉ đạt tương tự Niết Bàn, không phải chân thật Niết Bàn. Các vị ấy chưa kiến tánh, cho nên Phật gọi [cảnh giới Niết Bàn của Tiểu Thừa] là “thiên chân Niết Bàn”. Chỉ có Đại Thừa Bồ Tát mới chứng đắc Niết Bàn chân chánh, tức đại Niết Bàn. Sơ Trụ Bồ Tát của Viên Giáo đã chứng đắc, nhưng không viên mãn, muốn viên mãn phải thuộc vào Như Lai quả địa, đấy mới là chứng đắc đại Niết Bàn viên mãn rốt ráo. Cái hay nhất của Tây Phương Cực Lạc thế giới không chỉ là vô lượng thọ, mà còn là “viên chứng ba thứ Bất Thoái”, thật phi phàm, thật khó tin! Bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo chứng được ba thứ Bất Thoái, nhưng chưa viên mãn. Viên chứng ba thứ Bất Thoái, nói thật ra, bậc thực sự viên chứng là Đẳng Giác Bồ Tát. Chúng ta hạ thấp tiêu chuẩn một chút, không cần phải nâng cao như thế thì viên chứng ba thứ Bất Thoái trong kinh thường gọi là A Duy Việt Trí Bồ Tát. A Duy Việt Trí thuộc đẳng cấp nào? Từ Thất Địa trở lên, được oai thần và bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, chứ không phải do chính mình thực sự có năng lực chứng đắc.
Dù được Phật gia trì, chính mình vẫn phải nghiêm túc tu học. Tu học thì công phu của mỗi người tiến triển khác nhau. Có người tiến bộ nhanh chóng, có người tiến bộ chậm chạp hơn, nhưng người ấy chắc chắn không thoái chuyển. Mức học tập tiến bộ có nhanh, có chậm, thật đấy. Kẻ nhanh thì sớm có ngày tự mình thực sự chứng đắc viên mãn ba thứ Bất Thoái. Dù chưa chứng đắc, nhưng được A Di Đà Phật gia trì, nên thọ dụng, trí huệ, đức năng cũng chẳng khác gì lắm. Chuyện thù thắng này mười phương các thế giới Phật thảy đều không có.
Như vậy, ở đây đại sư khuyến khích chúng ta, từ ngày nay trở đi, nhất định phát nguyện cầu sanh cõi nước Tây Phương Cực Lạc có năm thứ thanh tịnh, chúng ta phải lấy đó làm tông chỉ tu học cho bản thân. Điều cuối cùng vô cùng trọng yếu, nhất định tiến đến Phật quả viên mãn rốt ráo, đây cũng là câu cuối cùng trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, quý vị mới thực sự đạt được viên mãn rốt ráo, chứng được Phật quả viên mãn rốt ráo.
Do vậy, “tùng kim nhật khởi, tật thú A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề khứ, thiết mạc tẩu hướng kỳ tha lộ khứ” (từ ngày nay trở đi, nhanh chóng tiến đến A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, chớ đi theo đường nào khác nữa). Con đường khác là gì? Là danh văn lợi dưỡng thế gian. Phải tranh giành những phẩm hàm gì, phải tranh giành những địa vị gì, phải tranh giành những quyền lợi gì, lầm hết! Chúng ta hãy chú tâm suy tưởng, chú tâm quán sát: Thích Ca Mâu Ni Phật đã nêu gương gì cho chúng ta? Ngài là vương tử, lẽ đương nhiên sẽ kế thừa ngôi vua. Ngôi vua cũng không cần, đức Phật đã biểu diễn cho chúng ta thấy, chúng ta còn phải giành làm gì nữa đây? Nay chúng ta muốn giành lấy một địa vị, nếu nghĩ đến Thích Ca Mâu Ni Phật ở bên cạnh chúng ta, Ngài sẽ nghĩ như thế nào? Đức Phật dạy chúng ta như thế nào? Đức Phật không cần! Không cần danh, không cần cái danh đế vương, cũng không cần địa vị đế vương, cũng không cần quyền lợi của đế vương, mọi thứ đều buông bỏ hết, cũng chẳng hưởng thụ phú quý. Những hưởng thụ vật chất trong cuộc sống đế vương Ngài đều bỏ hết, bỏ sạch sành sanh.
Ngài là kẻ bình dân, thân phận gì cũng không có, chức tước gì cũng không có, được người khác tôn kính, mọi người gọi Ngài là Thế Tôn. Thế Tôn nghĩa là gì? Nói như bây giờ, đặc biệt rất thông dụng tại Trung Quốc là tôn kính. Nếu nói theo cách bây giờ là “đức Thích Ca Mâu Ni Phật tôn kính”. Đức Phật là thánh nhân. Người Trung Quốc gọi là “thánh nhân”, người Ấn Độ gọi là Phật, Phật có nghĩa là người có trí huệ, có đạo đức, bậc giác ngộ. Đối với danh hiệu của Ngài, chúng ta thêm vào chữ “tôn kính”, bậc thánh nhân Thích Ca Mâu Ni tôn kính, hoặc là Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Mâu Ni Giác Giả, đối với bậc giác ngộ, xưng hô như vậy đó!
Những việc suốt một đời lão nhân gia thực hiện, chúng ta phải học tập: Đó là giáo học. Chính mình phải ngày ngày không ngừng học tập, mỗi ngày không ngừng dạy người khác. Do vậy, nếu quý vị chú tâm quan sát, dùng thuật ngữ hiện tại để nói về Ngài thì cả một đời Ngài theo đuổi sự nghiệp giáo dục. Nếu dùng thuật ngữ hiện tại để mô tả Ngài thì đức Phật là một nhà giáo dục đa nguyên văn hóa. Những hành động suốt đời Ngài là thực hiện công tác nghĩa vụ giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, bởi lẽ, Ngài dạy học không thâu học phí, không tiếp nhận cúng dường, mỗi ngày sống đơn giản nhất, cầm bát khất thực, ngày ngày ra ngoài khất thực. Ôm bát đi xin, ai cho gì ăn nấy, quyết định không phân biệt, mà đều là tâm cảm kích. Quý vị cúng dường một bát cơm rất ngon, Ngài rất cảm kích, cảm ân; quý vị cúng dường cơm không dễ nuốt, Ngài vẫn bình đẳng cảm ơn. Vì sao? Người cúng dường đã tận tâm. Mỗi cá nhân giàu hay nghèo khác nhau, trạng huống sinh hoạt khác nhau, đến xin ở chỗ nghèo cùng, họ ăn những thứ rất dở, họ cúng dường cho quý vị những thứ tốt nhất rồi đó. Vì vậy, chư Phật, Bồ Tát đều bình đẳng cảm ơn.
Chúng ta học Phật, học Phật chính là học theo Thích Ca Mâu Ni Phật, học theo tấm lòng của Ngài, học hỏi cuộc đời của Ngài, học theo cách Ngài đãi người tiếp vật, học tập cách Ngài từ bi giáo hóa hết thảy chúng sanh. Đức Phật biết chuyện trọng yếu nhất trong việc từ bi tế thế là giúp cho chúng sanh giác ngộ, phá mê khai ngộ, có như vậy mới thực sự lìa khổ được vui. Vui do đâu mà có? Vui do giác ngộ mà có. Khổ do đâu mà có? Khổ do mê hoặc mà có. Chỉ có phá mê khai ngộ mới thực sự lìa khổ được vui. Thích Ca Mâu Ni Phật hiểu đạo lý này, liễu giải chân tướng sự thật này, cả đời giúp người khác, giúp người khác lìa khổ được vui. Ngài giảng về nhân để giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, để rồi chính họ lìa khổ được vui.
A! Kinh A Di Đà trong Hệ Niệm Pháp Sự chúng tôi giới thiệu đến đây thôi. Đoạn sau là Vãng Sanh Chú, bài chú Vãng Sanh này chúng tôi cũng cần phải giảng. Phải có nhận thức, phải hiểu rõ bài chú ấy. A! Bây giờ hết giờ rồi.
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký,
Phần 13 hết
[1] Bát (撥) có nghĩa là bài bác.
[2] Sanh trưởng tự nhiên, không qua đột biến gene, cũng không dùng hóa chất, phân bón hóa học để kích thích tăng trưởng.
[3] Hậu di chứng: Những hậu quả bất lợi nẩy sanh sau đó.
[4] Thích (螫): Côn trùng như ong kiến châm đốt thì gọi là Thích. Ở đây, phiền não khiến con người ta đau đớn, bứt rứt, vật vã như bị ong đâm kiến đốt nên mới dùng chữ Thích để tỷ dụ.
[5] Đây là dùng cách mở nút chai bằng cách hơ nóng cổ chai để làm tỷ dụ. Nghe pháp môn này mà không buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước được thì cũng giống như nút chai bị hơ chưa đủ nóng, nút chai không bung ra được!
[6] Xin đừng hiểu lầm ý của Hòa Thượng trong đoạn này: Đừng hiểu là Hòa Thượng dạy chúng ta vô cảm, không quan tâm tới người khác, mặc kệ người khác sống chết không cần biết đến. Nói “đừng quan tâm tới người khác, chẳng cần suy tưởng đến người khác” có nghĩa là đừng lo tìm kiếm, suy xét khuyết điểm của người khác, điều khiển người khác theo ý kiến của riêng mình v.v... Nói chung là phải phá được Ngã Kiến, Nhân Kiến, Chúng Sanh Kiến và Thọ Giả Kiến.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa