Pháp sư

[TẬP 77]: Pháp Môn Tịnh Độ Là Pháp Khó Tin.


Chư vị đồng học!

Hôm nay chúng ta xem đến đoạn cuối cùng của kinh văn này:

 

Phật thuyết thử kinh dĩ, Xá Lợi Phất cập chư tỳ-kheo, nhất thiết thế gian, thiên, nhân, A Tu La đẳng, văn Phật sở thuyết, hoan hỷ tín thọ, tác lễ nhi khứ.

佛說此經已。舍利弗。及諸比丘。一切世間天人阿修羅等。聞佛所說。歡喜信受。作禮而去。

(Phật nói kinh này xong, Xá Lợi Phất và các tỳ-kheo, hết thảy thế gian, trời, người, A Tu La v.v… nghe lời Phật dạy, hoan hỷ tin nhận, làm lễ mà lui).

 

Đây là đoạn cuối cùng của kinh này, đoạn này nói thính chúng nghe kinh đạt được lợi ích, chính là đoạn tổng kết của cả bản kinh. Chúng tôi đặt tiểu đề cho đoạn này là “đại chúng đắc ích, kết khuyến”.

“Văn Phật sở thuyết” (nghe lời Phật dạy), ý nói: Đức Phật giới thiệu kinh này đã hoàn tất, bọn họ được lợi ích. Nói chung, lợi ích gồm bốn loại:

1) Thứ nhất là hoan hỷ: “Thân tâm di duyệt, tâm khai ý giải” (Thân tâm vui sướng, tâm khai ý giải). Thật ra, không có cách nào hình dung sự hoan hỷ này! Trong các pháp thế gian lẫn xuất thế gian, pháp này thực sự khó gặp gỡ. Trong một đời này, có thể vượt thoát tam giới, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Không chỉ như vậy, mà còn đúng như đức Thế Tôn đã nói trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo: “Năng ly nhất thiết thế gian khổ” (có thể lìa hết thảy nỗi khổ thế gian). So với kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, kinh này càng thù thắng hơn! Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo giảng về tự lực cảm động Phật, Bồ Tát gia trì; còn kinh này dạy chúng ta chấp trì danh hiệu nếu viên mãn bèn được bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, đồng thời được mười phương hết thảy chư Phật Như Lai hộ niệm, không có pháp môn nào thù thắng như thế! Chúng ta nghe thấy, sao không hoan hỷ? Nếu chú tâm quán sát, tư duy, sẽ thấy mọi pháp thế gian và xuất thế gian không có pháp nào sánh bằng được niềm hoan hỷ ấy.

“Thân tâm di duyệt” (thân tâm vui sướng) tức là pháp hỷ sung mãn, niềm hoan hỷ ấy từ tự tánh lưu lộ. Đây là nói về quả, do nguyên nhân nào mà quý vị có được pháp hỷ thù thắng như vậy? Do “tâm khai ý giải”. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “mao tắc đốn khai” (cái nút bấc được mở ra nhanh chóng, ý nói: Đột nhiên minh bạch), còn nhanh gì bằng! Nếu nay ta dùng cái nút bấc (cork) để làm tỷ dụ, từ vô thỉ kiếp đến nay giống như cái nút bấc đậy chặt, chưa hề có cách mở ra, nay nghe Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên nói pháp môn này, [cái nút bấc ấy] bèn nhanh chóng bật tung ra. Quý vị nghĩ xem, điều này có ý nghĩa gì? Đồng thời lại phải nghiêm túc phản tỉnh, chúng ta nghe kinh này xong, có thực sự tâm khai ý giải hay không? Nếu quả nhiên tâm khai ý giải, chắc chắn quý vị buông xuống vạn duyên, chắc chắn cũng lập tức bỏ ngay vọng tưởng, phân biệt, khai ngộ nhanh bèn buông bỏ nhanh, bỏ nhanh nên khai ngộ nhanh. Nếu vẫn không buông xuống được thì cái nút chai của quý vị vẫn chưa mở được! Dẫu đã đượm một chút hơi ấm[5], cái nút ấy vẫn không nhúc nhích chút nào! Nói theo Phật pháp là nghiệp chướng của quý vị trì kéo quá nặng!

Có cứu được hay chăng? Thiện Đạo đại sư nói: “Tổng tại ngộ duyên bất đồng” (nói chung do gặp duyên khác nhau). Duyên phải cậy vào chính mình. Duyên gì? Nghe nhiều. Nay quý vị đã nghe kinh này một lần thì nghe lần nữa, nghe thêm lần nữa. Cổ nhân Trung Quốc nói rất hay: “Độc thư thiên biến, kỳ nghĩa tự kiến” (Đọc sách ngàn lần, tự thấy được nghĩa). Hiện tại, quý vị muốn nghe một ngàn lần sẽ không khó! Trước kia, không dễ gì, ai chịu giảng cho quý vị nghe đây? Nay chúng ta có băng thâu âm, băng thâu hình, quý vị muốn nghe cả ngàn lần thực sự chẳng khó. Như mấy năm trước đây, lão cư sĩ Trần Quang Biệt ở Tân Gia Ba một ngày nghe suốt tám tiếng, thật giống như thời Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế giảng kinh thuyết pháp. Lúc Phật tại thế, mỗi ngày giảng kinh hai thời, hai thời bằng với tám tiếng đồng hồ hiện thời. Tám tiếng đồng hồ giảng kinh, nghe kinh; tám tiếng đồng hồ niệm Phật. Nếu quý vị thực sự làm được như vậy, làm chừng mười năm, hai mươi năm, những thiện căn chứa đựng trong A Lại Da Thức của quý vị không đủ sẽ đều được bổ sung đầy đủ hết. Chắc chắn quý vị đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên viên mãn, chúng tôi tin là không những quý vị vãng sanh mà còn là vãng sanh bậc thượng. Vì sao? Thực sự tâm khai ý giải!

Tôi đã thưa cùng quý vị rất nhiều lần, tôi là kẻ căn tánh trung hạ. Thầy khuyên tôi tu pháp môn này, tôi vẫn rất hoài nghi, hoài nghi suốt nhiều năm, rất khó tiếp nhận. Đúng là như kinh này nói, pháp này khó tin. Một đời này, thiện căn, phước đức, nhân duyên được bổ sung đầy đủ. Bổ sung đầy đủ bằng cách nào? Ngày ngày giảng kinh. Ngày ngày thân cận Phật, Bồ Tát, năm mươi hai năm! Năm mươi hai năm, cả một thời gian như thế để bổ sung cho đủ! Không có thời gian dài như vậy, ắt không xong! Vì thế, học Phật, từ kinh nghiệm cả một đời tôi nhận ra, nếu quý vị muốn thực sự thành tựu, nói thật ra, trong thời kỳ Mạt Pháp, thiện căn, phước đức, nhân duyên thực sự không nhiều, chẳng đạt được những tiêu chuẩn như kinh đã nói. Tiêu chuẩn theo kinh dạy là “bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức, nhân duyên để được sanh về cõi ấy). Nói cách khác, phải có nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên, lời ấy nói vô cùng hợp lý. Trong một đời này, gặp được pháp Tịnh Độ, có thể vãng sanh hay không, có thể nâng cao phẩm vị hay không thì lời khai thị này là mấu chốt!

Người đọc kinh Di Đà, người tu Tịnh Độ, thậm chí người giảng kinh Di Đà có xem trọng câu nói ấy hay không? Mấu chốt nằm trong câu nói ấy! Phải biến ít thiện căn, ít phước đức, ít nhân duyên của bản thân chúng ta thành nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên thì vấn đề được giải quyết. Chuyển biến như thế nào? Ngày ngày thực hiện, nắm chắc không bỏ. Đương nhiên, lúc mới học, chưa buông vạn duyên xuống được. Nếu thực sự làm được, làm trong mười năm, hai mươi năm, nếu đạt đến tâm khai ý giải thì hết thảy vạn duyên không kêu quý vị bỏ xuống, quý vị cũng tự nhiên buông xuống, đâu cần ai phải khuyên! Vì sao? Giống như chúng ta đi đường xa, tay cầm túi xách quá nặng, những thứ lặt vặt tạp nhạp chứa trong túi xách ấy đều trở thành vô dụng, đều có thể vứt đi hết. Đến khi tâm khai ý giải, ta có còn phải làm gì nữa hay không? Thảy đều bỏ sạch rồi! Tự nhiên buông xuống được, thân tâm vui sướng.

Do vậy, khi giảng kinh tôi cũng thường nói: Mọi người học Phật vì sao công phu chẳng thể tiến bộ? Là vì quý vị không có pháp hỷ, tôi cũng thường nêu tỷ dụ: Quý vị không nếm được pháp vị. Giống như ăn uống trong thế gian, quý vị không thưởng thức được mùi vị. Đã nếm được hương vị ấy, bất cứ vị nào trên cõi trời hay trong nhân gian cũng không thể sánh bằng vị này. Do vậy, tự nhiên quý vị bỏ được, bỏ sạch sành sanh. Sách Di Dà Kinh Yếu Giải là vô thượng pháp bảo! Lời Ấn Quang đại sư không quá mức chút nào cả! Tôi hoàn toàn đồng ý với lời tán thán của lão pháp sư.

2) Có hoan hỷ thì mới có thể “tin nhận”; như vậy, hiện thời nói “tin nhận”, thật ra, rất miễn cưỡng. Vì sao? Vì tâm hoan hỷ chưa sanh khởi. Tâm hoan hỷ thực sự sanh khởi sẽ thực sự tin tưởng, thực sự tiếp nhận. “Hào vô nghi nhị, lãnh nạp bất vong” (không nghi ngờ mảy may, lãnh nhận chẳng quên). Đoạn sạch nghi hoặc, sanh tín tâm thanh tịnh, tín tâm kiên định; đã có tín tâm thì nguyện tâm nhân đó bèn sanh khởi, ta còn nghĩ gì nữa không? Mục tiêu và phương hướng chỉ có một, ta nghĩ đến thế giới Cực Lạc, ta nghĩ đến A Di Đà Phật. Trong vũ trụ, rất nhiều cõi Phật, ta chỉ cầu thế giới Cực Lạc. Chư Phật Như Lai rất nhiều, ta chỉ cầu thân cận A Di Đà Phật. Ta rất thanh tịnh, rất minh bạch, thân cận A Di Đà Phật là thân cận hết thảy chư Phật Như Lai, kinh giảng rất rõ ràng!

Trong kinh này, đức Phật dạy chúng ta: “Kỳ độ chúng sanh, thường dĩ thanh đán, các dĩ y kích, thịnh chúng diệu hoa, cúng dường tha phương thập vạn ức Phật” (Chúng sanh cõi ấy thường vào sáng sớm, mỗi người dùng lẵng hoa đựng những thứ hoa mầu nhiệm, cúng dường mười vạn ức Phật ở các phương khác). Đối với câu này, trong chú giải của các vị đại sư như Liên Trì và Ngẫu Ích đều nói “mười vạn ức”không phải là con số mà nhằm biểu thị pháp. Vì sao biểu thị pháp lại dùng chữ “mười vạn ức”? Có hai nghĩa. Vì khoảng cách giữa Tây Phương Cực Lạc thế giới và thế giới Sa Bà là mười vạn ức cõi Phật nên đặc biệt dùng câu này để thuyết minh: Đến Tây Phương Cực Lạc rồi có thể thường trở về thế giới Sa Bà, hằng ngày đều có thể trở về được, có ý nghĩa như vậy. Ý nghĩa thực sự là vô lượng vô biên các cõi Phật trong mười phương, hằng ngày quý vị đều có thể đến được những nơi ấy. Do vậy, trong bản chú giải của Ngẫu Ích đại sư, ở phần trên chúng ta đã đọc rồi đó, có nói: Sanh về thế giới Cực Lạc là sanh về hết thảy thế giới của chư Phật, thấy A Di Đà Phật là thấy hết thảy chư Phật Như Lai, chúng ta phải hiểu đạo lý này, trong các pháp môn khác không có đạo lý ấy. Thực sự sanh khởi tín tâm, sanh khởi nguyện tâm. “Thọ” (受) là hành, y giáo phụng hành. Như vậy, ý nghĩa của hai chữ “tín thọ” (信 受) là tín nguyện trì danh, trọn đủ ba tư lương!

Bằng một hội này, không biết đức Phật đã độ bao nhiêu chúng sanh! Thích Ca Mâu Ni Phật một đời thị hiện, giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm, hội nào độ chúng sanh nhiều nhất? Một hội Di Đà độ chúng sanh nhiều nhất, độ chúng sanh triệt để nhất, viên mãn nhất, rốt ráo nhất! Chúng ta phải hiểu như vậy! Hội Hoa Nghiêm nhằm độ Pháp Thân đại sĩ, chứ không độ kẻ bình phàm, chúng sanh trong chín pháp giới không có năng lực tham dự pháp hội Hoa Nghiêm của đức Thế Tôn. Vì sao? Pháp hội Hoa Nghiêm được giảng trong Định, vì thế, pháp Tiểu Thừa không thừa nhận [kinh Hoa Nghiêm]. Pháp Tiểu Thừa cho rằng đức Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thuyết pháp lần đầu tiên tại Lộc Dã Uyển độ năm tỳ-kheo, khởi đầu từ đó. Dưới cội Bồ Đề, [đức Phật] ngồi nhập Định, bọn họ không biết điều này, nhưng Thích Ca Mâu Ni Phật ở dưới cội Bồ Đề, nhập Định mười bốn ngày tuyên giảng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, người nghe là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ. Chúng ta cũng thấy trong kinh ấy có nhiều nhân chúng, thiên chúng, quỷ thần chúng, chẳng phải là rất nhiều [loại thính chúng] đó sao? Những vị ấy là ai? Họ đều là Pháp Thân đại sĩ ứng hóa trong lục đạo, không thực sự là phàm phu. Do vậy, quý vị thấy thần núi, thần cây, thần sông, thần biển, thần thảo mộc chính là chư Phật Như Lai hay Pháp Thân Bồ Tát ứng hóa chẳng thể nghĩ bàn! Phàm phu không có cách gì tham dự pháp hội này!

Nếu quý vị chú tâm quán sát pháp hội ấy sẽ thấy mầu nhiệm đến cùng cực! Cuối kinh, Văn Thù, Phổ Hiền “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”; do vậy, hội Hoa Nghiêm nhằm độ Pháp Thân đại sĩ vãng sanh Cực Lạc. Bởi thế, quý vị hiểu kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ nhằm độ chúng sanh trong chín pháp giới, tín nguyện trì danh cầu sanh Tịnh Độ. Đại sự nhân duyên “độ chúng sanh thành Phật đạo” của Thích Ca Mâu Ni Phật và mười phương tam thế hết thảy chư Phật Như Lai đến đây viên mãn rốt ráo. Hết thảy những kinh luận khác đều là đức Phật đại từ đại bi đối với những ai mà nói? Đối với những kẻ ít thiện căn, ít phước đức, ít nhân duyên mà nói. Vì sao? Họ chẳng thể thành tựu trong một đời, họ chẳng thể tiếp nhận pháp môn này. Do vậy, đức Phật từ bi, quý vị thích tiếp nhận pháp môn nào, đức Phật liền vì quý vị giảng pháp môn ấy. “Tùy chúng sanh tâm, ứng khả tri lượng” (thuận lòng chúng sanh, ứng theo khả năng hiểu biết của họ). Rốt ráo viên mãn là hai bộ kinh này.

Chúng ta học Phật, hằng ngày nghiên cứu kinh giáo, nếu đối với mật nghĩa, đối với ý nghĩa này của Thích Ca Mâu Ni Phật mà không thể nhìn ra, tức là học uổng công. Như vậy, hàng hậu học chúng ta là kẻ làm học trò, phải bắt chước thầy, hiểu được ý thầy, hiểu phương tiện thiện xảo của thầy, chúng ta phải biết làm như thế nào đối với chúng sanh đông đảo trong xã hội hiện tại. Chúng ta phải làm sao để giúp đỡ họ? Phải làm thế nào để thành tựu họ? Giúp đỡ họ, thành tựu họ thì hãy nhớ kỹ: Trước hết chính mình phải thành tựu, tối thiểu là chính mình phải trọn đủ hoan hỷ và tín thọ. Nếu quý vị không hoan hỷ, tín thọ, làm sao có thể giúp người khác hoan hỷ, tín thọ cho được?

3) “Tác lễ” nhằm biểu lộ lòng cảm ơn, “cảm đại ân đức”. Cảm ơn tuyệt đối chẳng thể chỉ biểu đạt bằng ngôn ngữ, mà phải có hành động, hành động là “đầu thân quy mạng” (gieo thân quy mạng). Toàn thể thân tâm quy y A Di Đà Phật, quy y Tịnh Độ, chẳng những hết một đời này, mà đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn không rời A Di Đà Phật, vĩnh viễn chẳng lìa Tịnh Độ. Đó là thực sự cảm ân! Giúp đỡ A Di Đà Phật, giúp đỡ hết thảy chư Phật Như Lai phổ độ chúng sanh. Trong kinh giáo, đức Thế Tôn thường dạy chúng ta phương thức phổ độ: “Thọ trì đọc tụng, diễn nói cho người khác”. Đặc biệt xem trọng Diễn. “Diễn” (演) là biểu diễn, là làm gương cho người khác thấy, người khác trông thấy ắt cảm động. Nếu người khác không cảm động là do quý vị làm chưa tốt, tâm không đủ chân thành, chí thành cảm thông mà! Vì sao người khác không cảm động? Do quý vị không đủ thành ý. Nếu thành ý trọn đủ, tự nhiên sẽ cảm động. Cổ nhân nói thật chính xác, nói thật đúng: “Tinh thành sở chí, kim thạch vị khai” (Lòng tinh thành đến cùng cực, vàng đá còn phải nứt). Vàng, đá là khoáng vật, không phải là thực vật; quý vị chân thành đến mức cùng cực thì ngay cả đá cũng phải cảm động.

Trong nhà Phật chúng ta có một công án: “Sanh công thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu” (ngài Đạo Sanh thuyết pháp, đá phải gật đầu), đó là một ví dụ về chuyện “kim thạch vị khai”, có thể như vậy được hay không? Nay chúng ta đã biết, chuyện này chắc chắn có thể xảy ra. Vì sao? Thực vật và khoáng vật có Pháp Tánh, đặc chất của pháp tánh là có linh tri, hay có thể nói là thấy - nghe - hay - biết. Chẳng qua sự thấy - nghe - hay - biết của chúng hết sức chậm chạp, quý vị tinh thành đến cùng cực thì cũng cảm động được chúng, chúng cũng sanh ra những đáp ứng thuận theo tâm ý của quý vị. Tiến sĩ Giang Bổn Thắng nghiên cứu nước kết tinh, nước cũng là khoáng vật, đem so với đá, chúng ta cảm thấy rất rõ nước nhạy bén, đá chậm chạp. Bùn, cát, đá đem so với nước sẽ chậm hơn nhiều lắm. Do đó, quán sát nước dưới kính hiển vi, thấy nó phản ứng rất nhanh, rất rõ rệt. Cùng một đạo lý ấy, chúng ta tin rằng: Đối với bùn, cát, đá nếu chân thành đến cùng cực thì chúng cũng phản ứng rất nhanh, rất rõ ràng, y báo chuyển theo chánh báo mà!

Thế nhưng hữu tình chúng sanh lại có cái phiền, phiền phức ở chỗ nào? Nghiệp chướng! Họ có nghiệp chướng rất sâu, có lúc còn khó khăn hơn đá nữa. Quý vị giảng kinh, đá cứng còn có thể gật đầu, chứ con người không gật đầu. Kẻ ấy đã nhiễm phải tà tri tà kiến, so ra khó hóa độ hơn tảng đá. Độ tảng đá còn dễ, độ một kẻ tối tăm, ương ngạnh, không nhanh nhạy, tà tri, tà kiến khó lắm! Nói chung, hễ có tâm chân thành, tốn thời gian dài thì không một ai chẳng thể cảm hóa. Như vậy, tự độ, độ người, điều kiện tiên quyết là phải khẳng định: Hết thảy hữu tình chúng sanh đều có Phật Tánh, hết thảy vô tình chúng sanh đều có Pháp Tánh. Nho gia bảo “con người tánh vốn lành”, đấy là khái niệm cơ bản, khẳng định hết thảy chúng sanh tánh thiện, bản tánh là chí thiện.

Như Mạnh Tử giảng về tánh thiện, Tuân Tử giảng tánh ác; khi xưa, tôi ở Hương Cảng, đài truyền hình Á Thị ở Hương Cảng đến phỏng vấn tôi. Người phỏng vấn hình như là tiên sinh Hà Thủ Tín. Ông ta nêu câu hỏi như thế này:

- Cổ nhân bảo “con người tánh vốn ác”, thấy trong xã hội này, tâm con người trên thế giới là ác, không thiện, trong xã hội này làm sao tìm được những người lành? Dẫu ta hành thiện, người ta đều hoài nghi ta đang ấp ủ ý định gì? Đại khái là mang lòng bất hảo.

Tôi bảo ông ta:

- Mạnh Tử bảo là tánh thiện, Tuân Tử bảo là tánh ác, không phải là bản tánh, mà là tánh gì? Tập tánh! Đó là “cận châu giả xích, cận mặc giả hắc” (gần son thì đỏ, gần mực thì đen), tập tánh đấy! Tập tánh có thiện và ác, bản tánh không có. Không có thiện - ác thì mới là chân thiện, mới là chí thiện. Vì sao? Có thiện, có ác là rớt vào hai, là rớt trong hai - ba.

Chân Như bản tánh gọi là Nhất Chân, trong Nhất Chân không có đối lập. Thiện - ác là đối lập, không có thiện - ác, không có sanh - tử, không có xa - gần, không có lớn - nhỏ, không có Bồ Đề, Niết Bàn, tất cả hết thảy đối lập đều không tồn tại. Đó là nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn có thể chứng, nói theo nhà Phật là “có thể hiện, có thể biến”, Nhất Chân pháp giới là cái được hiện, cái được biến. Khi nào quý vị sẽ khế nhập Nhất Chân pháp giới? Khi nào quý vị dùng phương pháp Niệm Phật thực sự niệm đến mức nhất tâm bất loạn, Nhất Chân pháp giới sẽ hiện tiền. Nhất Chân pháp giới ở tại đâu? Như trên đã nói, khi quý vị buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống thì chính là nó đấy!

Quý vị hãy suy nghĩ, một câu A Di Đà Phật quả thật là đức hiệu của Nhất Chân pháp giới. Do vậy, cảm ơn thì phải biểu hiện bằng hành động, chứ không phải là miệng nói xuông. Trong xã hội hiện thời, mọi người quên sạch luân lý đạo đức, không ai nhắc đến. Bởi thế, xã hội động loạn, nhân tâm bất an, chúng ta thường nói: “Không có cảm giác an toàn”. Thực sự an toàn là phải ngộ từ giáo huấn của bậc thánh hiền, như trong phần trên đã nói: “Thân tâm di duyệt, tâm khai ý giải” (Thân tâm vui sướng, tâm khai ý giải), từ nơi ấy mà được, đó là thật, không phải giả.

4) “Nhi khứ” (mà đi), làm lễ mà đi. Đi không phải là hết chuyện, đi làm gì? Đi y giáo phụng hành. Do đó, “y giáo tu trì, nhất vãng bất thoái” (theo lời dạy tu trì, một mực không lùi bước), đó là “nhi khứ”.Quý vị thấy mấy câu sau cùng: “Hoan hỷ tín thọ, tác lễ nhi khứ”, ý nghĩa rất phong phú. Tuyệt đối chẳng phải như người hiện tại chúng ta đi nghe kinh, nghe xong, làm lễ lui ra, ra khỏi rồi bèn làm gì? Ra khỏi cửa bèn suy nghĩ lung tung, làm càn, làm bậy, quên tuốt luốt những điều mới được nghe nơi giảng đường. Thực sự nghe hiểu, thực sự nghe thấu triệt, sẽ đoạn nghi sanh tín, khai phát nguyện tâm. Mọi người làm lễ là cảm ân, thân tâm quy nhất; “nhi khứ” là đi “thọ trì đọc tụng, vì người khác diễn nói”, thực sự làm! Cuối cùng, chúng tôi dẫn mấy câu trong tác phẩm giảng nghĩa cuốn A Di Đà Kinh của pháp sư Viên Anh Yếu Giải, cuối sách Sư viết mấy câu cổ vũ chúng ta:

“Tùng kim nhật khởi, thế gian danh lợi, phao khứ, phiết khứ, thiết mạc tẩu hướng kỳ tha lộ khứ” (Từ nay trở đi, danh lợi thế gian vứt đi, bỏ đi, chớ đi theo con đường nào khác nữa). Ngài nói năm câu, đây là câu thứ nhất. Danh lợi trong thế gian là giả, không thật. Tham chấp danh lợi thế gian, cái tâm ấy là tâm luân hồi, quý vị khởi tâm động niệm, nói năng, tạo tác là nghiệp luân hồi. Tâm luân hồi là mê hoặc, nghiệp luân hồi là nghiệp bất thiện, quả báo là luân hồi trong lục đạo. Người thực sự hiểu rõ, giác ngộ, phải buông xuống những thứ ấy. Danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, hưởng thụ ngũ dục, lục trần phải buông xuống, trong cuộc sống thường ngày bèn tùy duyên, quyết định không được so đo. Người ta cho gì ăn nấy, ăn ngon rất tốt, ăn dở cũng xong; từ đây, cái tâm phân biệt xấu - tốt đã đoạn, tâm bình đẳng sẽ hiện tiền.

Nhưng phải nhớ kỹ, nếu chúng ta cúng dường người khác, phải tận tâm tận lực chọn cái tốt nhất, vì sao? Nhằm thể hiện lòng cung kính. Khi tiếp nhận vật của người khác cho, quyết định không có tâm phân biệt, thành tựu đức của chính mình. Cúng dường người khác là thành tựu phước báo của chính mình, tu phước báo cho chính mình. Do vậy, niệm niệm nghĩ thật viên mãn cho người khác, không cần nghĩ đến mình. Tự mình tiếp nhận người khác cúng dường, quyết định không có tâm phân biệt. Chúng ta tu hành ở chỗ này! Cái gì cũng đều mong cầu thì quý vị không thể ra khỏi lục đạo luân hồi. Thực sự lìa khỏi lục đạo luân hồi thì trong cuộc sống thường ngày, nhất định chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không có những thứ bất hảo như thế, mọi thứ đều tốt. Có như vậy mới hòng dưỡng được cái tâm thanh tịnh cho chính mình, dưỡng lòng từ bi của chính mình.

Nhiếp thọ hết thảy chúng sanh thì phải nhớ kỹ, “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, đức Phật dạy chúng ta Tứ Nhiếp Pháp. Vậy thì vì sao đạo tràng phải trang nghiêm dường ấy? Chẳng phải để tự mình thọ dụng, điều này rất quan trọng. Nay đạo tràng trang nghiêm để chính mình thọ dụng, chứ không phải để người khác thọ dụng, là sai rồi! Quý vị thấy thời cổ, các tự viện, tùng lâm xây cất choáng lộn, huy hoàng, rồi lại nhìn vào liêu phòng của người xuất gia, nhìn rồi sẽ hiểu, họ vẫn thực sự tu hành. Ngay cả vị phương trượng hòa thượng, cái phòng Ngài ở được gọi là Phương Trượng. Phương Trượng to bao nhiêu? Vuông vức mỗi bề một trượng. Trong ấy chỉ có thể kê được một cái giường nhỏ, đặt một cái tủ nhỏ, kê một cái bàn nhỏ là chật ních. Đúng là Phương Trượng! Phòng của các vị chấp sự rất nhỏ, đại chúng cùng ở gian nhà chung (quảng đơn). Những kiến trúc lộng lẫy, huy hoàng để mọi người đến lễ bái, đến tham học, khiến cho người khác sanh lòng hoan hỷ, nhằm cúng dường đại chúng, chứ không phải để cung phụng chính mình. Vì chúng sanh như thế nào? Vì chính mình thì sao? Chính mình không mong cầu hưởng thụ, làm như vậy nhằm biểu diễn cho chúng sanh thấy, đó là người tu hành chân chánh, cuộc sống vật chất hết thảy đều đơn giản!

Đối đãi người khác thì phải tận tâm tận lực. Pháp thứ nhất trong Tứ Nhiếp Pháp là Bố Thí. Sự bố thí ấy chúng tôi thường giảng là mời khách nhiều, biếu tặng nhiều, cúng dường nhiều. “Ái ngữ” là thực sự quan hoài, thành tâm thành ý quan hoài. “Lợi hành”: Hết thảy hành vi của ta đối với chúng sanh nhất định là hữu lợi vô hại, có như vậy thì mới có thể nhiếp thọ hết thảy chúng sanh. Đối với bản thân, đối với yêu cầu của chính mình thì phải đơn giản, khắc khổ, tương ứng với pháp, đối với thế gian này không lưu luyến. Đối với người khác thì trọng hậu, khiến cho người khác sau khi cảm nhận, họ có thể cảm ân, họ cũng có thể quy y Tam Bảo, gieo thân quy mạng. Ý nghĩa là đây, đó là tiếp dẫn chúng sanh. Tự hành như thế nào? Hóa tha như thế nào? Đức Phật đều đã nêu gương cho chúng ta thấy. Điều đầu tiên là phải bỏ danh văn, lợi dưỡng.

Điều thứ hai là “tùng kim nhật khởi, nhất thiết Hoặc nghiệp, hưu khứ, hiết khứ, thiết mạc tẩu hướng kỳ tha lộ khứ” (từ nay trở đi, hết thảy hoặc nghiệp phải ngưng đi, dứt đi, chớ đi theo con đường nào khác nữa). “Hoặc” (惑) là mê hoặc. Tham - sân - si - mạn - nghi trong tâm là mê hoặc; danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần bên ngoài đều là mê hoặc. Mê mất cái tâm, mê mất cái trí, chẳng thể tách rời những thứ ấy! Tôi thường khuyến khích các đồng học, ngày nay bản thân tôi có chút thành tựu, đắc lực là nhờ sự giáo huấn của thầy, tức Chương Gia đại sư dạy dỗ. Lão nhân gia dạy tôi buông xuống, thấy thấu suốt, buông xuống tự tư tự lợi, buông xuống danh văn, lợi dưỡng, buông xuống tham - sân - si - mạn, tôi thực sự làm nên mới có một chút thành tựu như vậy. Làm được nhưng chưa đủ, mỗi ngày vẫn cứ phải tích cực nỗ lực thực hiện. Nay tôi rất có tín tâm, rất nắm chắc, tiến bộ hết sức nhanh chóng.

Trong tu học Phật pháp, sự tiến bộ ban đầu rất chậm, đặc biệt là trong mười năm đầu, bởi có thể nói là giống như quý vị phải chiến đấu với tập khí vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, hết sức cực nhọc. Nếu quý vị quả thật khắc phục được thì sau đấy sẽ thuận buồm xuôi gió, mười năm đầu quả thật là mấu chốt. Nếu quý vị duyên không rất thù thắng, phiền não tập khí quá nặng, thời gian mười năm sẽ không đủ, tâm chưa định được, nói chung phải hai mươi năm, ba mươi năm. Nhưng quý vị phải nhớ: Dẫu cho ba mươi năm đi nữa, so với vô lượng kiếp luân hồi vẫn là quá ngắn, ba mươi năm ấy qua nhanh lắm. Sau đấy dần dần trở thành tự nhiên, tự nhiên buông xuống, mảy may miễn cưỡng cũng không có, như vậy quý vị bèn tự tại.

Thế nhưng nhân duyên đầu tiên là quý vị có thành tựu nơi mấu chốt ấy hay không. Nhân duyên ấy là ở nơi thầy. Đối với thầy, quý vị có lòng tin thực sự hay không? Đấy là mấu chốt bậc nhất. Tôi tôn kính thầy, tin tưởng thầy, thầy dạy tôi những gì tôi thực sự làm theo, đó là cái ải đầu tiên. Nếu như hoài nghi thầy, quý vị sẽ không có cách gì hết. Đừng nói là ba mươi năm, ba trăm năm quý vị cũng không thể tiến bộ được. A! Nay đã hết giờ rồi!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa