Chư vị đồng học!
Xin hãy xem tiếp đoạn lớn cuối cùng của kinh A Di Đà “khuyến nguyện khuyến hành lưu thông”. Chúng tôi đọc kinh văn một lượt:
Xá Lợi Phất! Nhược hữu nhân dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương phát nguyện, dục sanh A Di Đà Phật quốc giả, thị chư nhân đẳng giai đắc bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, ư bỉ quốc độ, nhược dĩ sanh, nhược kim sanh, nhược đương sanh.
Thị cố Xá Lợi Phất! Chư thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ!
舍利弗。若有人已發願。今發願。當發願。欲生阿彌陀佛國者。是諸人等。皆得不退轉於阿耨多羅三藐三菩提。於彼國土。若已生。若今生。若當生。是故舍利弗。諸善男子善女人。若有信者。應當發願。生彼國土。
(Này Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, nay phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh trong cõi nước của A Di Đà Phật, thì những người ấy đều được chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với cõi nước ấy hoặc là đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc
sẽ sanh.
Vì thế, này Xá Lợi Phất! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân, nếu có ai tin tưởng, hãy nên phát nguyện sanh về cõi ấy).
Đoạn này là khuyến nguyện, tức “khuyến nguyện lưu thông”. Chúng ta đọc kinh văn đến chỗ này, vẫn phải chia thành mấy tiểu đoạn để học tập. Tiểu đoạn thứ nhất là “khuyến nguyện vãng sanh”. “Dĩ phát nguyện” là đã vãng sanh rồi, “kim phát nguyện” là hiện tại, hiện tại phát nguyện, hiện tại niệm Phật nhất định được vãng sanh Tịnh Độ. “Đương phát nguyện” là nói đến vị lai; sau này những ai có duyên phận gặp được pháp môn này, gặp được kinh điển này, thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ, trong tương lai họ phát nguyện, nhất định được vãng sanh. Đây chính là quá khứ, hiện tại, vị lai: “Dĩ phát nguyện” là quá khứ, “kim phát nguyện” là hiện tại, “đương phát nguyện” là vị lai, “giai đắc bất thoái Bồ Đề” (đều được bất thoái Bồ Đề); bởi lẽ “đã phát nguyện” là đã vãng sanh, “nay phát nguyện” là hiện tại vãng sanh, “sẽ phát nguyện” là tương lai vãng sanh. “Nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện” (Nếu có lòng tin tưởng, hãy nên phát nguyện): Trong kinh này đức Phật khuyên chúng ta phải phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ!
“Tín nguyện vãng sanh, chánh hiển sở phát chi nguyện vô hư dã” (Tín nguyện vãng sanh, chính là nhằm chỉ rõ nguyện đã phát không hư huyễn). Người phát ra nguyện ấy nhất định thực hiện, nhất định chẳng để nguyện ấy trở thành chuyện xuông. Trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư nói: “Được vãng sanh hay không là do có tín nguyện hay không quyết định”. Quý vị có tin, có nguyện thì mới được vãng sanh. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới phẩm vị cao hay thấp, chúng ta biết trong kinh nói đến ba bậc chín phẩm trong bốn cõi Tịnh Độ; đại sư bảo chúng ta: “Phẩm vị cao hay thấp là do công phu trì danh sâu hay cạn”. Chúng ta dùng lời lão nhân gia khai thị để luận định những thân nghiệp báo trong lục đạo. Đức Phật dạy trong lục đạo, xả thân thọ sanh có Dẫn Nghiệp và Mãn Nghiệp. Dẫn Nghiệp hướng dẫn quý vị đầu thai trong một đường nào đó, chúng ta cũng coi Tây Phương Cực Lạc thế giới như một đường. Hướng dẫn chúng ta sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới là Tín - Nguyện. Tín Nguyện là Dẫn Nghiệp, niệm Phật là Mãn Nghiệp. Mãn Nghiệp là sau khi sanh vào chỗ nào đó, quý vị sẽ được hưởng phước báo và lợi ích khác biệt nhau. Có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm khác nhau là do công phu niệm Phật của quý vị sâu hay cạn.
Do đây biết rằng: Niệm Phật rất quan trọng, quan trọng hơn bất cứ gì
khác. Quý vị muốn vãng sanh trong phẩm vị cao thì phải chăm chỉ niệm Phật, chớ nên lãng phí thời gian, chẳng được lãng phí tinh thần, phải tranh thủ đại phước báo Tây Phương Cực Lạc thế giới, nâng cao phẩm vị. Thế nhưng Tây Phương Cực Lạc thế giới và mười phương thế giới chư Phật thật ra chẳng khác nhau. Mười phương thế giới đặc biệt là trong lục đạo như chúng ta, phước báo sai khác rất lớn! Phú quý và bần tiện sai khác nhau thật lớn; vậy mà Tây Phương thế giới tợ hồ không sai biệt. Vì sao?
Chúng tôi lại dùng tỷ dụ để diễn tả: Nếu Mãn Nghiệp của quý vị, tức là công phu niệm Phật thật tốt, niệm đến Lý nhất tâm bất loạn, sanh vào Thật Báo Trang Nghiêm độ của Tây Phương Cực Lạc thế giới, Thượng Thượng Phẩm vãng sanh, hoa nở thấy Phật, đạt đến địa vị A Duy Việt Trí Bồ Tát, quý vị thực sự đạt được, đó là do chính mình tu được; còn những người khác không tu thành công như vậy thì sao? Chỉ cần có tín nguyện, công phu niệm Phật rất cạn, có thể là chỉ niệm Phật mấy ngày, thậm chí như trong lời nguyện thứ mười tám đã nói: “Lâm mạng chung thời, niệm thập thanh Phật hiệu” (Lúc lâm chung niệm mười tiếng Phật hiệu), thậm chí còn chưa niệm được mười tiếng, chỉ niệm một, hai tiếng, công phu niệm Phật rất mỏng, người ấy sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, đương nhiên sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư độ. Thế nhưng sự hưởng thụ trong Phàm Thánh Đồng Cư độ thể hiện trí huệ, tướng hảo, quang minh, thần thông tợ hồ không khác Bồ Tát trong cõi Thật Báo, chuyện này là như thế nào vậy?
Trong đây có đạo lý: Chính là do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, chứ không phải do chính người ấy tu được! Giống như tôi đã từng nói: Chúng ta có một người bạn phú quý, bản thân mình rất nghèo, cái gì cũng không có, đến nhà người ta làm khách, sống trong nhà đẹp của người ta, ra khỏi cửa cũng có xe, ăn uống, sinh hoạt giống hệt người ta, hưởng thụ đều giống hệt, người ta có phước mà! Chúng ta hưởng phước của chủ nhân, chứ không phải do phước báo của chính mình. Ra khỏi cửa cũng có xe, xe không phải của mình, toàn là phước báo của người, ta hưởng, nhưng chúng ta hoàn toàn không có quyền sở hữu. Sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư hay cõi Phương Tiện Hữu Dư của Tây Phương Cực Lạc thế giới đều giống như vậy. Mãn Nghiệp của chính mình không đủ, nhưng có đủ Dẫn Nghiệp để sanh về thế giới Cực Lạc thì phước báo, trí huệ, phước đức được hưởng hết thảy đều chẳng khác với A Di Đà Phật cho mấy, tợ hồ bình đẳng với các Bồ Tát thuộc cõi Thật Báo Trang Nghiêm. [Phước báo của] Bồ Tát trong cõi Thật Báo là do tự tu mà được, còn [phước báo trong] cõi Phàm Thánh Đồng Cư và cõi Phương Tiện Hữu Dư là do Phật gia trì, thảy đều hưởng phước báo của A Di Đà Phật. Duyên do là như vậy đó!
Một mặt hưởng phước của A Di Đà Phật, một mặt chính mình vẫn phải tu phước huệ, trọn chẳng thể ở mãi trong cõi Đồng Cư, chẳng thể ở mãi nơi cõi Phương Tiện. Tự mình phải nâng cao, vì thế, ở nơi đó phải tu học, tu học để đạt đến cõi Thật Báo là do chính mình tự tu thành. Chính mình không tu thành cũng chẳng sao, hưởng phước của A Di Đà Phật. A Di Đà Phật có vô lượng vô biên phước báo cúng dường đại chúng, có phước cho mọi người cùng hưởng, chẳng riêng một ai hưởng, từ bi đến cùng cực. Bởi thế, đây là chuyện chẳng thể nghĩ bàn, là pháp khó tin. Trong hết thảy thế giới chư Phật không đâu được như vậy, tự bản thân quý vị chẳng thể đạt đến cảnh giới có loại thần thông, phước báo như vậy; nhưng Tây Phương Cực Lạc thế giới lại khác, A Di Đà Phật gia trì, dẫu chính mình không tu cũng được hưởng, cũng có thần thông, cũng có phước báo. Ngẫu Ích đại sư giảng là do tín nguyện và trì danh, còn chúng tôi giảng là Dẫn Nghiệp và Mãn Nghiệp, quý vị phải hiểu cho kỹ. Đoạn tiếp theo:
“Bổn kinh tam khuyến phát nguyện” (kinh này ba lần khuyên phát nguyện). Chúng ta hãy xem kỹ một lượt. Lần trước chúng tôi giảng Hệ Niệm, phần giảng kinh A Di Đà trong đó chỉ giới thiệu rất giản lược, không nói tường tận; nhưng khi xem kỹ, kinh này đúng ra bốn lần khuyên chúng ta hãy nên phát nguyện vãng sanh. Lần thứ nhất, là “chúng sanh văn giả, ưng đương phát nguyện, nguyện sanh bỉ quốc” (chúng sanh nghe được, hãy nên phát nguyện, nguyện sanh về cõi ấy), rồi đến “sở dĩ giả hà? Đắc dữ chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (vì cớ sao vậy? Được cùng các thượng thiện nhân ở cùng một chỗ). Đấy chính là lần thứ nhất khuyên nên phát nguyện. Lần thứ hai thì chúng tôi cũng đã nói qua: Chính là đoạn Phật gọi ngài Xá Lợi Phất, “ngã kiến thị lợi, cố thuyết thử ngôn: Nhược hữu chúng sanh, văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ” (ta thấy điều lợi ấy, nên nói như thế này: Nếu có chúng sanh nghe nói như vậy, hãy nên phát nguyện, sanh về cõi ấy). Đó là lần thứ hai. Lần thứ ba nằm trong ngay đoạn kinh văn chúng tôi vừa đọc trong giờ giảng trước: “Thị cố Xá Lợi Phất! Nhữ đẳng giai đương tín thọ ngã ngữ, cập chư Phật sở thuyết” (Vì thế Xá Lợi Phất! Các ông hãy nên tin tưởng lời ta và lời chư Phật đã nói). Đó là lần thứ ba. Lần thứ tư là: “Xá Lợi Phất! Chư thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ” (Xá Lợi Phất! Chư thiện nam tử, thiện nữ nhân, nếu có ai tin hãy nên phát nguyện sanh về cõi ấy), bốn lần khuyên! Một rồi ba, ba rồi bốn.
Ở đây, chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật đại từ đại bi, đặc biệt khẩn thiết, chẳng ngại phiền bốn lượt khuyến cáo. Chúng ta đọc kinh văn, nghe giảng giải, nếu chẳng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đúng là cô phụ Phật ân. Ở chỗ này, chúng tôi cũng viết mấy câu: “Thích Ca bi tâm đặc biệt khẩn thiết, chẳng ngại trùng lập, bốn lượt khuyến dụ. Nếu chẳng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, chính là cô phụ ơn Phật quá đáng!” Ở chỗ giống như thế này, nhất định phải chú tâm thấu hiểu ân sâu của Phật, thấu hiểu tâm ý của Phật.
Phát nguyện thì phải phát như thế nào? Cổ đức thường khuyên chúng ta: “Nguyện phải y theo Tứ Hoằng Thệ”. Ai nấy đều biết Tứ Hoằng Thệ Nguyện, tức là bốn điều nguyện tổng quát của chư Phật, Bồ Tát. Ngay cả bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, bốn mươi tám nguyện ấy quy nạp lại sẽ chẳng ra ngoài bốn hoằng thệ nguyện. Bốn hoằng thệ nguyện mở rộng ra chính là bốn mươi tám nguyện, bốn mươi tám nguyện quy nạp lại thành ra bốn hoằng thệ nguyện.
Nguyện thứ nhất là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Nói thật ra, trong bốn nguyện, nguyện thứ nhất này trọng yếu nhất, nó là chánh nguyện, ba nguyện kia đều nhằm hoàn thành nguyện này. Khắp pháp giới hư không giới, trong hết thảy các cõi Phật, nhiều cõi có lục đạo, những cõi không có lục đạo rất ít. Tây Phương Cực Lạc thế giới không có lục đạo, rất hiếm! Xem kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy rất nhiều thế giới thực sự có lục đạo, có chín pháp giới rất nhiều. Những cõi không có lục đạo, không có chín pháp giới, thuần nhất thanh tịnh như thế giới Cực Lạc chỉ là thiểu số, không phải là không có, nhưng không nhiều.
“Độ” (度) là giúp đỡ, nói theo cách bây giờ thì “hộ niệm” là quan hoài, chiếu cố, giúp đỡ, chữ Độ bao gồm nhiều ý nghĩa như vậy. Hãy hỏi chính mình có phát được cái nguyện ấy hay không? Có thời thời, khắc khắc, niệm niệm nghĩ giúp đỡ hết thảy chúng sanh khổ nạn hay không? Nếu quả thật trong mỗi niệm đều mang ý niệm ấy thì quý vị đã thực sự phát nguyện. Mình yêu thương, che chở hết thảy chúng sanh, quan hoài hết thảy chúng sanh, chiếu cố hết thảy chúng sanh, giúp đỡ hết thảy chúng sanh, tận tâm, tận lực chẳng phân biệt chúng sanh thuộc chủng loại nào, thuộc tộc loại nào trong chín pháp giới, người cũng được, trời cũng được, quỷ cũng được, quái cũng được, yêu cũng được, ma cũng được, súc sanh cũng được, địa ngục cũng được, quan hoài hết tất cả, chiếu cố hết tất cả, giúp đỡ hết tất cả! Chỉ cần ta có thể giúp đỡ họ chỗ nào, ta trông thấy, ta nghe thấy, nhất định sẽ đưa tay giúp đỡ, thực sự có thể bỏ mình vì người.
Tâm nguyện của ta là như thế. Nếu không đủ năng lực, giúp người còn được, giúp súc sanh đạo có khi mình còn làm được, còn quỷ thần mình không trông thấy, thiên thần mình lại càng không thấy, làm sao giúp họ được? Tâm, nguyện thấu suốt! Quý vị muốn giúp đỡ chúng sanh trong chín pháp giới thì phải hội đủ điều kiện. Hội đủ điều kiện gì? Qua lại giao tiếp với họ, phải hội đủ điều kiện ấy. Những nhà khoa học trong hiện tại gọi điều kiện ấy là “những chiều không gian khác nhau”. Quý vị muốn đột phá những chiều không gian khác nhau để có năng lực giao tiếp với chúng sanh trong chín pháp giới ư? Phải đoạn phiền não!
Do vậy, điều nguyện thứ hai là “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Vì sao? Bản năng (những năng lực sẵn có trong tự tánh) của chúng ta bị phiền não che lấp, chỉ cần không còn phiền não nữa, bản năng sẽ hiện tiền. Người ta thường gọi bản năng là “thần thông”. Mắt chúng ta thấy vượt khỏi những chiều không gian không bị chướng ngại, thấy được thiên thần, thấy được quỷ thần, thấy được địa ngục, thấy được hết thảy chúng sanh trong những chiều không gian bất đồng. Chúng ta có thể nghe được, thấy được, và cũng có thể thực sự giúp đỡ họ, bởi lẽ, đoạn phiền não sẽ khôi phục bản năng. Đoạn phiền não là tam-muội, là Thiền Định. Thiền Định hiện thần thông, phiền não không có, tâm địa thanh tịnh. Trong cái tâm thanh tịnh ấy, trí huệ, đức năng, tướng hảo thảy đều hiện tiền, đó chính là thần thông.
Như vậy, thần thông không có gì là kỳ quái cả, ai nấy đều có, chỉ là hiện thời thần thông của mình chưa hiện tiền vì phiền não quá nặng, phiền não gây chướng ngại. Thần thông là cái hết thảy chúng sanh vốn có, ai nấy đều bình đẳng, [thần thông] to như nhau, trọn chẳng thể nói thần thông của người này to, thần thông của người kia nhỏ, không hề có! To như nhau cả! Lớn, nhỏ sai khác là do đâu phát sanh? Là do phiền não nhiều hay ít mà phát sanh [hiện tượng thần thông sai khác ấy]. Phiền não nhiều, thần thông rất nhỏ; phiền não nhẹ đi, thần thông sẽ lớn hơn. Đoạn sạch phiền não thì năng lực thần thông chẳng khác gì chư Phật Như Lai. Bởi lẽ, thần thông là bản năng, không phải do tu mà có, không do học mà đạt, vốn đã sẵn đủ trong tự tánh của quý vị. Phải hiểu rõ, phải thấu đáo điều này!
Thần thông, đức năng khôi phục thì tướng hảo cũng khôi phục. Nếu chúng ta không có trí huệ là không xong; không có trí huệ [thì khả năng] giúp người rất hữu hạn. Do vậy vẫn phải học: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, học pháp môn nhằm khai trí huệ. Phiền não đoạn sạch rồi, nhà Phật nói là Căn Bản Trí hiện tiền, lúc nó khởi tác dụng thì gọi là Căn Bản Trí. Tiếp xúc vô lượng vô biên chúng sanh, vừa tiếp xúc bèn hiểu rõ, bèn khai trí huệ, đó gọi là Hậu Đắc Trí. “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” chính là thành tựu Hậu Đắc Trí. Giống như trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học với năm mươi ba vị thiện tri thức. Ở chỗ thầy mình là Văn Thù Bồ Tát, trong pháp hội của thầy, Thiện Tài đã thành tựu hai điều nguyện đầu: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, Ngài đã phát được nguyện ấy; “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, Ngài đã làm được điều ấy. Do vậy, Ngài đã đạt Căn Bản Trí. Đạt được hai điều ấy rồi, thầy bèn dạy Ngài đi tham học, giống như bảo Ngài ra thi thố, ra lăn mình vào xã hội, đi tham phỏng rất nhiều thiện tri thức để thành tựu Hậu Đắc Trí.
Hậu Đắc Trí là không gì chẳng biết, nếu không tham học làm sao đạt được Hậu Đắc Trí? Căn Bản Trí không cần tham học cũng đạt được, còn Hậu Đắc Trí thì chẳng thể như vậy! Không có Hậu Đắc Trí, chẳng thể giáo hóa chúng sanh! Vì sao? Căn Bản Trí khế lý, Hậu Đắc Trí khế cơ. Nếu quý vị không có Hậu Đắc Trí sẽ khế lý nhưng chẳng khế cơ, chẳng độ chúng sanh được, không có cách gì giúp đỡ họ. Khế cơ nhưng không khế lý cũng chẳng độ được chúng sanh. Đức Phật dạy chúng ta phải vừa khế cơ vừa khế lý, nên tham học rất quan trọng. Tham học là “quảng học, đa văn” (học rộng nghe nhiều). Trong năm mươi ba lần tham học, chúng ta thấy đối tượng tham phỏng của Thiện Tài gồm già, trẻ, trai, gái, đủ mọi ngành nghề, có quốc vương, đại thần, có hạng bình dân, lại còn nhiều nhà tôn giáo như Bà La Môn, như ngoại đạo Biến Hành, không ai chẳng tiếp cận, nên thành tựu viên mãn Hậu Đắc Trí. Đó mới thực sự là giúp đỡ, lợi ích hết thảy chúng sanh, Ngài có năng lực như thế.
Vì vậy, học Phật, sau khi Căn Bản Trí hiện tiền, phải nhớ kỹ là quý vị phải tham học! Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta thị hiện, quý vị thấy đó, trước khi thị hiện thành Phật dưới cội Bồ Đề, Ngài cũng tham học khắp Ấn Độ. Tham học xong trở về, dưới cội Bồ Đề thị hiện đại triệt đại ngộ, thành tựu Phật đạo. Đấy chính là thệ nguyện cuối cùng trong bốn Hoằng Thệ Nguyện: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Như vậy, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành chính là phải thành tựu hai điều kiện trước đó là phiền não vô tận thệ nguyện đoạn và pháp môn viên mãn rồi mới có thể thành tựu Phật đạo. Nếu quý vị chỉ đoạn hết phân biệt, nhưng không chịu học pháp môn, chẳng chịu tiếp xúc chúng sanh trong chín pháp giới thì vĩnh viễn chẳng thể thành Phật đạo. Phải hiểu đạo lý này! Có những đồng học giữ quan niệm sai lầm, cho rằng học Phật chỉ là thật thà học Phật, nhất định chẳng được qua lại với những kẻ không học Phật, càng chẳng được qua lại với những tôn giáo khác. Như vậy sẽ vĩnh viễn chẳng thể thành Phật đạo, vĩnh viễn không có cách nào độ sanh, chẳng thể rộng độ chúng sanh. Phật pháp sống động, không phải đã thành rồi bèn bất biến!
Lúc mới học, thầy quy định những quy củ hết sức nghiêm khắc, là vì sao? Nhằm giúp quý vị đoạn phiền não, Giới Luật nhằm giúp quý vị đoạn phiền não, giúp quý vị đạt tâm thanh tịnh, giúp quý vị mở mang Căn Bản Trí. Quý vị định rồi, do Giới đắc Định, đã đạt được Định rồi, Định là gì? Chẳng chấp lấy tướng, như như bất động, ngoài không chấp tướng, trong tâm bất động, thực sự thành tựu tam-muội. Sau khi thành tựu thì phải tham học, “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Ai thực sự đạt được “ngoài không chấp tướng, trong tâm bất động” thì không pháp môn nào chẳng phải là Phật pháp. Pháp Đại Thừa thường nói: “Pháp nào chẳng phải là Phật pháp?”
Phật, Bồ Tát là Phật pháp, yêu ma quỷ quái cũng là Phật pháp. Nghĩa là sao? Nay quý vị phải hiểu hai chữ “Phật pháp” nghĩa là gì. Phật là giác, giác chứ không mê. Quý vị ở trong mười pháp giới, ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, mà quý vị giác chứ không mê thì địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh há chẳng phải luôn luôn là Phật pháp ư? Nếu quý vị không giác, mê chứ không giác, thì ngày ngày ở cùng một nơi với Phật, Bồ Tát, cũng vẫn là pháp thế gian, vẫn chẳng phải là Phật pháp. Vì sao? Vì quý vị mê chứ không giác, bất giác! Tà chứ không chánh, nhiễm chứ không tịnh, quý vị làm chuyện mê - tà - nhiễm, không phải là giác - chánh - tịnh. Giác - chánh - tịnh là Phật pháp, mê - tà - nhiễm là pháp thế gian, là pháp chúng sanh. Nói khó nghe hơn một chút là pháp luân hồi, không phải là Phật pháp!
Quả thật, chúng tôi thấy có những người học Phật không ít năm, mê nơi Phật pháp, mê chứ không giác, hết sức đáng tiếc! Do vậy, giáo học thế gian lẫn giáo học nhà Phật đều nói phải cầu “ngộ tánh”, Phật pháp hết sức coi trọng điều này, pháp thế gian cũng thế. Trung Quốc thời cổ, dạy học tại các trường tư, quý vị thấy thầy giáo phải quan sát học trò, biết đứa nào có ngộ tánh. Có ngộ tánh thì căn tánh ấy viên dung, tương lai sẽ rất hữu dụng! Đối với xã hội, đối với quốc gia, đối với chúng sanh sẽ có cống hiến rất lớn. Người không ngộ tánh khổ hơn, chẳng thể phát huy, những gì họ học trở thành chết cứng, người đọc sách thường gọi là “kẻ cuồng sách”. Dẫu kẻ ấy là người tốt, có quy củ, nhưng kẻ ấy không hấp thụ được những gì đã học, không tiêu hóa được, không biến thành dưỡng chất được! Không tiêu được sẽ tích trong bụng, biến thành bệnh.
“Ngộ” là tiêu hóa, nhà Phật thường nói “tiêu quy tự tánh” nghĩa là hoàn toàn tiêu hóa, trở về tự tánh, tự tánh có vạn đức vạn năng. Vì thế, thành tựu đức hạnh, Căn Bản Trí hiện tiền thì phải nhớ kỹ: Pháp môn vô lượng thệ nguyện học! Pháp môn bao gồm những tôn giáo bất đồng, tộc loại bất đồng, học thuật bất đồng khắp pháp giới hư không giới, quý vị đều phải tiếp xúc hết tất cả, không thứ nào chẳng biết, giống hệt như đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện. Trong cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật, không có ai đến hỏi câu nào, đem bất cứ nghi nan tạp chứng nào đến hỏi mà Ngài không biết, đó là học rộng nghe nhiều. Ngài đã từng thấy, từng học qua rồi!
Phát bốn nguyện này, quý vị thấy đó: Đoạn phiền não, thành tựu đức hạnh, thành tựu Căn Bản Trí; học pháp môn thành tựu Hậu Đắc Trí, thành tựu “không gì chẳng biết, không gì chẳng thể”; cuối cùng, thị hiện thành Phật đạo, vì sao? Chỉ có thành Phật đạo, là địa vị Phật thì mới có thể độ Đẳng Giác Bồ Tát. Nếu không, thuộc địa vị Bồ Tát thì quý vị chỉ có thể độ những hạng thấp hơn, chẳng thể độ những địa vị cao, chẳng thể độ những người cùng hàng với mình. Vì vậy thành Phật nhằm phổ độ, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, thực hiện viên mãn cái nguyện ấy.
Do vậy, những bạn đồng tu thuộc học viện chúng ta muốn phát tâm hoằng pháp độ sanh trong tương lai, chúng sanh vô biên thệ nguyện độ thì quý vị hãy suy nghĩ: Phải đoạn phiền não, phải học pháp môn. Thứ tự của việc đoạn phiền não, học pháp môn chúng tôi vừa mới giảng, quý vị phải nhớ nhé: Trước hết, đoạn phiền não, chứ không phải là học pháp môn trước, mà trước hết là phải đoạn phiền não. Nay buộc quý vị học một bộ kinh, học một bộ luận, quý vị phải chuyên đổ công nơi bộ kinh hay luận ấy để làm gì vậy? Để giúp quý vị đoạn phiền não. Do vậy, phải thâm nhập một bộ kinh hay luận. Quý vị phải hiểu đây là phương pháp do chư tổ truyền cho nhau, chúng tôi vẫn dùng phương pháp cổ xưa, vì phương pháp này đáng tin cậy. Mấy ngàn năm qua, người khai ngộ, chứng quả, vãng sanh, tu hành có thành tựu, bất luận tại gia hay xuất gia đều nhờ phương pháp cũ kỹ này. Như vậy, phương pháp xưa cũ, nhưng vẫn đáng tin cậy, chúng tôi chẳng thể nêu cách mới, lập dị được. Dạy lầm chúng sanh tội lỗi không nhẹ, chính mình lầm lạc còn có thể tha thứ, chứ lầm lạc chúng sanh không thể tha được. Do vậy, chúng tôi vẫn theo lối cũ, sử dụng quy củ, biện pháp xưa. Một bộ kinh, một bộ luận giúp quý vị đoạn phiền não, định tâm, thâu nhiếp tâm. Nếu chúng ta không học tập kinh giáo, sẽ suy nghĩ lung tung. Suy nghĩ lung tung ắt tạo nghiệp luân hồi. Tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, quyết định chẳng thể thoát khỏi luân hồi trong lục đạo.
Như vậy, hiện tại chúng ta phải nghĩ như thế nào? Nghĩ đến một bộ kinh, ta học bộ kinh ấy, ngày ngày nghĩ đến nó, không nghĩ chi khác. Hết thảy đều buông xuống, chuyên tâm suy nghĩ những ý nghĩa trong kinh ấy, quý vị sẽ dễ dàng nhiếp tâm, nhiếp trọn sáu căn! Tịnh niệm tiếp nối, tịnh niệm của chúng ta là suy nghĩ nghĩa lý trong kinh, như thế vọng niệm dần dần giảm thiểu, tam-muội hiện tiền. Chúng ta học kinh Di Đà liền nhập Di Đà tam-muội, học kinh Vô Lượng Thọ bèn nhập Vô Lượng Thọ tam-muội, đó là “nhất tâm bất loạn” như kinh Di Đà đã nói. Tam-muội có cạn, sâu: Cạn là công phu thành phiến, sâu là Lý Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu chứng được Lý Nhất Tâm Bất Loạn rồi thì ngay lập tức tiến nhập khóa trình kế tiếp, khóa trình ấy là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Chưa đạt Lý Nhất Tâm Bất Loạn thì chưa được, vẫn phải “một môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Đạt đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn thì Căn Bản Trí hiện tiền. Căn Bản Trí hiện tiền sẽ lập tức triển khai tu Hậu Đắc Trí. Hậu Đắc Trí là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.
Ngày nay chúng ta phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ “nguyện nương vào bốn Hoằng Thệ”, hai nguyện đầu “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” là chán nhàm Sa Bà. “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”: Sanh về thế giới Cực Lạc sẽ hoàn thành hai nguyện ấy, trong thế gian này ta chưa làm được. Trong thế gian này, chúng ta chỉ có thể phát nguyện độ chúng sanh, nhưng năng lực độ sanh rất nhỏ bé; bởi thế, nhất định phải cầu sanh thế giới Cực Lạc. Cầu sanh thế giới Cực Lạc mới có thể thực sự đoạn sạch phiền não, mới có thể hoàn toàn học pháp môn; sau đó, mới thả chiếc bè Từ, trở vào chín pháp giới, độ hết thảy chúng sanh. Thả chiếc bè Từ chính là Pháp Thân Bồ Tát, cao hơn La Hán, cao hơn Quyền Tiểu Bồ Tát nhiều lắm. Huống chi lại được oai thần của A Di Đà Phật gia trì, lúc ấy, vào chín pháp giới độ chúng sanh, không khác gì chư Phật Như Lai. Phải phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là vì đạo lý này.
“Cố đắc bất thoái chuyển ư Đại Bồ Đề” (Vì thế, được bất thoái chuyển nơi đại Bồ Đề). Như vậy, trong mười phương thế giới, độ hết thảy chúng sanh nhằm giúp cho chúng ta mau chóng thành tựu Phật quả rốt ráo viên mãn, chúng ta chẳng thể không biết điều này. Lại xem tiếp đoạn kế, chính là đoạn khuyến nguyện cuối cùng:
“Nhất niệm tương ứng nhất niệm sanh, niệm niệm tương ứng niệm niệm sanh, diệu nhân, diệu quả, bất ly nhất tâm, hà sĩ Sa Bà báo tận, chỉ kim tín nguyện trì danh, liên ngạc quang vinh, kim đài ảnh hiện, tiện phi Sa Bà thế giới nội nhân dã” (Một niệm tương ứng một niệm sanh, niệm niệm tương ứng niệm niệm sanh, diệu nhân, diệu quả, chẳng lìa nhất tâm, nào đợi Sa Bà báo tận, chỉ là hiện nay tín nguyện trì danh, búp sen sáng ngời, đài vàng hiện bóng, đã không còn là người trong thế giới Sa Bà nữa). Trong mấy câu này, chúng ta thấy điều quan trọng trước nhất là “tương ứng”, khó nhất cũng là một câu tương ứng! Thế nào là tương ứng? Trong các buổi giảng, chúng tôi thường nói, thường khuyên các đồng học, thực sự tương ứng chúng ta làm chưa được! Vì sao? Thực sự tương ứng thì phải kiến tánh, có như vậy mới thực sự tương ứng. Chưa kiến tánh chỉ có thể tương tự tương ứng. “Tương tự tương ứng” là như thế nào? Chúng tôi thường nói: “Tâm đồng Phật tâm, nguyện đồng Phật nguyện, ngôn đồng Phật ngôn, hạnh đồng Phật hạnh”. Đó chính là tương ứng. Thực hiện như thế nào? Cách thực hiện chính là câu cuối cùng trong mỗi bộ kinh “tín thọ phụng hành” (tin nhận, vâng làm). Cuối mỗi bộ kinh đều có bốn chữ ấy, đó là tương ứng.
Trong kinh, đức Phật giảng những đạo lý, phương pháp, cảnh giới, phải thực sự tin, không hoài nghi tí ti nào! Thực sự phát nguyện, thực sự mong mỏi sanh về thế giới Cực Lạc càng nhanh càng tốt, thực sự mong được bái A Di Đà Phật làm thầy, hằng ngày nghe Ngài dạy dỗ. Có rất nhiều đồng học than: “Tôi đúng là như thế đó, nhưng không có chút tin tức gì!” Không sai! Tôi cũng biết quý vị thực sự có mong ước ấy, nhưng tâm quý vị chưa thật. Vì sao nói là tâm chưa thật? Quý vị có tâm chân thành hay không? Có tâm thanh tịnh hay không? Có tâm bình đẳng hay không? Có tâm chánh giác hay không? Có tâm từ bi hay không? Cho nên trong cuộc sống thường ngày phải vun vén cái tâm ấy, tâm như vậy là chân tâm. Chân tâm vốn có đủ năm đặc tánh:
a) Chân thành: Quyết định không hư ngụy; đối người, đối sự, đối vật quyết định không hư ngụy.
b) Quyết định không sanh nhiễm ô là thanh tịnh.
c) Quyết định không có cao thấp. Không có cao thấp là bình đẳng.
d) Quyết định không mê. Không mê là chánh giác.
e) Quyết định không tự tư. Không tự tư mới là từ bi.
Như vậy, chúng ta niệm Phật không linh là vì đâu? Vì không tương ứng!
Do đó, cổ nhân thường nói: “Khẩu niệm Di Đà tâm tán loạn, hãm
phá hầu lung dã uổng nhiên” (Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, hét rách cổ họng uổng công thôi). Nếu quý vị dùng cái tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, chánh giác, không chỉ niệm Phật, niệm kinh bằng cái tâm ấy, mà trong xử sự bình thường, đãi người, đãi vật đều bằng cái tâm ấy. Chẳng được đối với Phật bằng chân tâm, còn đối với người khác bèn dùng vọng tâm. Đấy chẳng phải hạng người có chân tâm, té ra kẻ ấy vẫn dùng vọng tâm đối với Phật, vì sao? Có phân biệt, có chấp trước, nên không bình đẳng. Khó! Điều này khó lắm!
Do vậy, chúng ta phải thực sự thấy thấu suốt, thấy thấu suốt là gì? Quý vị phải thực sự hiểu rõ chân tướng của sự thật, rồi mới thực sự buông xuống. Buông xuống sự hư giả, chân thành hiện tiền; buông xuống hết thảy những nhiễm ô, thanh tịnh hiện tiền, buông xuống kiêu căng, ngạo mạn, bình đẳng hiện tiền; buông xuống ngu mê, chánh giác hiện tiền; buông xuống tự tư, tự lợi, từ bi hiện tiền. Lúc ấy, quý vị niệm Phật thì một niệm tương ứng một niệm sanh, niệm niệm tương ứng niệm niệm sanh, bất cứ đường nào thông sang Cực Lạc đều thông suốt, vô ngại, quả thật tâm tâm tương ứng với Phật Di Đà, tâm là tâm Phật, nguyện là nguyện Phật, hạnh là hạnh Phật, ngôn ngữ là ngôn ngữ Phật, quý vị nghĩ coi: Quý vị được vãng sanh hay không? Thực sự nắm chắc! Bởi thế, phải hiểu như thế nào là tương ứng, thế nào là không tương ứng! Chẳng thể sai lầm chút xíu nào!
Do lẽ này, Ấn Quang đại sư dạy chúng ta trong thời kỳ Mạt Pháp, những người cùng tu với nhau không được quá hai mươi người, chuyên lấy niệm Phật làm chánh, công khóa mỗi ngày giống như Phật thất thông thường, chẳng làm pháp hội, không hóa duyên, không quyên góp, không làm kinh sám Phật sự, không truyền giới, không thâu đồ đệ, một mực chất phác niệm Phật, ngay cả kinh cũng không giảng. Như tôi đã nói, những điều khác tôi đều tuân thủ lời Tổ Sư răn dạy, nhưng cần phải giảng kinh. Tổ Sư dạy không cần giảng kinh, trước kia thì được; xã hội, lòng người thuần hậu, thiện nhiều, ác ít, ai nấy đều hiếu thuận, tôn sư; dạy họ niệm Phật, họ sẽ thật thà niệm Phật, nên có thể thành tựu!
Nay thì không thể, xã hội hiện tại ác nhiều, thiện ít, chúng ta nghi lự trùng trùng, lại còn tà tri tà thuyết lúc nào cũng có thể tiếp xúc, luôn luôn phá hoại tín tâm của chính mình, chướng ngại nguyện vọng của chính mình; bởi thế, chẳng thể không giảng kinh. Mục đích giảng kinh không có chi khác cả: “Đoạn nghi, sanh tín, kiên định tín nguyện”, chỉ như thế mà thôi! Kinh không cần giảng nhiều, giảng kinh Tịnh Độ là được rồi, học một hai loại là đủ, chắc chắn có thành tựu. Như vậy, giảng kinh nhằm mục đích giúp chúng ta tương ứng, chứ không có mục đích nào khác, đoạn nghi, sanh tín, niệm niệm tương ứng thì mục đích giảng kinh của chúng tôi đã đạt. A! Nay đã hết thời gian rồi!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa