Chư vị đồng học!
Xin xem tiếp vị Phật thứ năm trong đoạn thứ sáu của phần Mười Phương Phật.
Pháp Tràng Phật.
法幢佛。
“Biểu thị vì chúng sanh làm con mắt chọn lựa pháp, dựng tràng pháp, lập tông chỉ, giáo hóa thịnh hành, phước độ chúng sanh”. Đó là ý nghĩa của danh hiệu này. Tràng (dhvaja) là một loại cờ xí, chúng ta thường nói là “tiêu chí” (biểu hiệu). Tràng có hình tròn, hơi giống bình nén khí ở phi trường, hơi giống hình dạng ấy. Tại Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta vẫn thường thấy những cái tràng tại các tự viện lớn.
Thời cổ, khi chùa chiền giảng kinh, thuyết pháp, nay chúng ta gọi là “lên lớp”, làm thế nào để thông tri cho người khác biết mà đến nghe, đến cùng học tập? Phật pháp là đạo thầy trò, người Hoa hết sức coi trọng và tôn kính thầy. Bởi vậy “chỉ văn lai học, vị văn vãng giáo” (chỉ nghe nói có kẻ tới xin học, chứ chưa nghe nói thầy phải đi tới chỗ trò để dạy). Học là cầu học, quý vị phải đến chỗ thầy để cầu học, chứ thầy không phải đến dạy cho mình. Thầy hết sức khiêm hư, trọn chẳng dám chèo kéo quý vị, nay ta nói “chiêu sinh”, chứ xưa kia không dám bảo là chiêu sinh. Nói “chiêu sinh” là rất cuồng vọng, anh có đức hạnh gì mà dám dạy người khác, người càng đạo đức lại càng khiêm hư. Làm cách nào đây? Bèn dùng tràng phan, dùng phương pháp ấy để thông báo cho mọi người biết: Bữa nay trong đạo tràng của chúng tôi có giảng kinh, dạy học, chúng tôi treo tràng trên cột cờ. Mọi người xa gần trông thấy cột cờ của đạo tràng có treo cái tràng hình tròn, liền biết hôm nay pháp sư sẽ giảng kinh, thuyết pháp, người thích nghe kinh sẽ tự đến. Vì thế, không chiêu sinh, mà là thông tri, quý vị thích thì đến, không thích thì thôi. Dùng phương pháp ấy, hoàn toàn tự động, khiêm hư mà!
Trong thời đại hiện nay lại khác hẳn, trong thời đại hiện tại đã bước vào giai đoạn kỹ thuật cao, chúng ta không dùng tràng nữa, vì với khoảng cách rất gần dùng tràng thì được, chứ với khoảng cách xa thì không có hiệu quả. Nay chúng ta đem thời gian, băng tần [của đài truyền hình hay đài phát thanh] giảng kinh in ra như quảng cáo để giới thiệu cùng hết thảy đại chúng, khiến cho mọi người đều biết. Nếu quý vị thích nghe kinh, thích nghe kinh gì, vào lúc nào, ở làn sóng nào thì đến lúc đó quý vị tự mở lên, hoàn toàn có cùng ý nghĩa với tràng phan.
Vì thế, giới thiệu cho người khác nghe kinh, nay có thể không cần phải gởi tặng kinh sách, băng thâu hình, băng thâu âm, đều không cần đến nữa, tốt nhất là in những tấm cạc (card), to bằng tấm danh thiếp, in những thông tin [giảng kinh] trên đó, tặng cho bạn bè thân thiết và người quen biết. Họ thích nghe thì dựa theo những thông tin đó, vào lúc nào, trên làn sóng nào, họ đều có thể thâu được, hoặc là nối vào Internet, hoặc là xem truyền hình, truyền hình vệ tinh. Vậy là tốt! Những việc ấy có cùng ý nghĩa như treo tràng phan, giới thiệu người khác nghe kinh nghe pháp. Treo phan thì quá nửa là pháp hội, thông tri nếu quý vị có thời gian thì đến cùng tu. Pháp hội cộng tu dùng phan; pháp hội giảng kinh dùng tràng, gọi là “pháp tràng”.
Dạy học, giảng kinh là “vì chúng sanh làm con mắt chọn lựa pháp”, đặc biệt là đối với kẻ sơ học, đúng là Phật pháp bảng lảng như khói trên mặt biển, pháp môn nhiều như thế, kinh điển ngần ấy, ta học pháp môn nào đây? Pháp môn nào thích hợp cho mình? Bởi thế, bản thân pháp sư có kinh nghiệm tu hành và giảng dạy, có thể giúp mọi người chọn lựa pháp môn, nêu ra những phương pháp tu học cho người ấy tham khảo. Đó là “làm con mắt pháp”, giúp mọi người chọn lựa pháp môn. Chuyện này cần phải có trí huệ, nhất là pháp sư truyền pháp. Truyền pháp là giảng kinh, thuyết pháp, truyền đạo, trong các tôn giáo khác thường gọi là “nhà truyền giáo”. Người ấy nhất định phải hiểu thực trạng xã hội, con người thường suy nghĩ những gì? Nói năng những gì? Làm những gì? Phải chú tâm quan sát! Có như vậy quý vị mới dạy học, mới thuyết pháp khế cơ, những gì quý vị đề xuất đều khớp với những nhu cầu bức thiết của người ta, có như vậy người ta mới hoan hỷ, mới bằng lòng học tập.
Hiện tại xã hội động loạn, nhu cầu bức thiết nhất của con người là xã hội an định, thế giới hòa bình, con người đối xử hòa thuận với nhau, hợp tác cùng nhau, đấy chính là nhu cầu bức thiết trong hiện tại. Khóa trình dạy học của chúng ta phải lấy những điều ấy làm trung tâm, trọng điểm. Đối với mỗi cá nhân, sự lợi - hại, được - mất của người ấy quan trọng hơn bất cứ gì khác. Những chuyện lợi - hại, được - mất, nói chung, chẳng ngoài ba loại: Thứ nhất là cầu giàu có, thăng quan, phát tài; thứ hai là cầu trường thọ, mạnh khỏe, sống lâu. Những điều ấy đều là nhu cầu bức thiết. Từ hai nhu cầu này, chúng ta nêu ra khóa trình thứ ba là trí huệ, cầu trí huệ. Vì sao? Quý vị muốn thăng quan, phát tài, muốn cầu sống lâu, khỏe mạnh, đều cần phải có trí huệ, không có trí huệ sẽ chẳng thể làm được!
Theo thứ tự của nền giáo học nhà Phật, trí huệ được xếp vào hàng đầu. Con người hiện thời xếp trí huệ xuống cuối, cái họ mong muốn đầu tiên là phát tài, kế tiếp là mạnh khỏe, sống lâu, điên đảo như thế đó! Trong sự giáo học và tu hành của Phật pháp, điều đầu tiên là trí huệ, phải cầu trí huệ. Thứ hai là mạnh khỏe sống lâu, phát tài là chuyện cuối cùng, không đáng coi là quan trọng. Có trí huệ thì vấn đề nào chẳng thể giải quyết được! Vì thế, từ đầu đến cuối, sở cầu của Phật pháp là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nếu nói theo cách bây giờ thì là “trí huệ viên mãn rốt ráo”. Phật pháp là phương pháp trí huệ, Phật học là học vấn trí huệ, phá mê khai ngộ mà! Đó là Phật pháp. Chữ Phật là tiếng Phạn, có nghĩa là trí huệ, là giác ngộ; vì thế, theo mặt chữ dịch ra thì Phật pháp là phương pháp trí huệ, là phương pháp giác ngộ. Quý vị mới thực sự có năng lực, có trí huệ vì hết thảy chúng sanh chọn lựa phương pháp tốt nhất khiến cho họ học được không khó khăn, lại còn đạt được lợi ích thù thắng.
Câu thứ hai: “Dựng pháp tràng, lập tông chỉ”. Nói như bây giờ, “dựng pháp tràng” là tạo lập đạo tràng. Đạo tràng trong hiện thời chẳng thể không tuân thủ lời Ấn Quang đại sư dạy. Lão nhân gia dạy chúng ta, từ thế kỷ hai mươi trở đi, đạo tràng theo quy mô nhỏ; thời đại đã khác với thời quân chủ, xã hội nông nghiệp trước kia. Vì thế, đạo tràng không thể giống như trước được. Đạo tràng hiện tại phải có quy mô nhỏ, tổ sư dạy chúng ta: Chúng thường trụ lấy hai mươi người làm giới hạn, chẳng được vượt quá hai mươi người, tự mình lo liệu cuộc sống của chính mình. Đạo tràng quy mô nhỏ không cần phải hóa duyên, người thực sự tu hành sẽ được cúng dường, cuộc sống thanh bần một chút là tốt. Vì sao? Cuộc sống thanh bần sẽ kích phát đạo tâm, khiến cho quý vị chẳng lưu luyến thế gian này, không tham ái, không lưu luyến, tâm cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ sẽ khẩn thiết.
Đạo tràng xây cho to, giàu có, choáng lộn, nguy nga thì con người không có đạo tâm. Vì sao? Khởi tham - sân - si, tham luyến hoàn cảnh ấy, không muốn vãng sanh, tâm phan duyên bèn sanh khởi, đều là chướng đạo! Tổ sư suy nghĩ rất hợp lý. Đạo tràng nhỏ, vài người chí đồng đạo hợp cùng nhau tu hành, tốt quá! Chẳng làm pháp hội, quyết định chẳng làm kinh sám Phật sự, thuần túy là đạo tràng niệm Phật. Tổ dạy không thâu đồ đệ, không truyền giới, không làm pháp hội, ngay cả kinh cũng không cần giảng, thật thà niệm Phật. Công khóa mỗi ngày giống như Phật thất thông thường, hai mươi người cùng tu một chỗ. Nay chúng tôi quan sát tình hình xã hội trong hiện tại, nhận thấy cách nghĩ của tổ sư tuyệt đối chính xác; nhưng trong tình hình xã hội hiện tại, phải nghe kinh! Vì sao? Không nghe kinh, quý vị sẽ không hiểu lý. Không hiểu lý thì niệm Phật là tu mù luyện đui! Trong thời đại xưa kia thì được, chứ trong thời đại hiện thời chẳng được! Chúng ta phải hiểu rõ tình trạng hiện tại để tuân thủ nguyên tắc do tổ sư đã chỉ dạy.
Hiện tại, cái đạo tràng nhỏ này của chúng ta phải nghe kinh, một ngày tối thiểu là nghe kinh hai giờ, có thể dùng thời gian còn lại để niệm Phật. Mỗi ngày nghe kinh chớ để gián đoạn! Nghe kinh không những khiến quý vị hiểu rõ lý, mà mỗi ngày nghe giáo huấn của Phật, sẽ kiên định tín nguyện của chính mình, hóa giải những phiền não, vọng tưởng, tập khí. Nghe kinh sẽ hóa giải [những thứ ấy] dễ dàng, giải hạnh tương ứng. Nếu là sơ học, phiền não tập khí nặng nề, tốt nhất là mỗi ngày nghe kinh bốn tiếng đồng hồ, niệm Phật trong Niệm Phật Đường mười hai tiếng đồng hồ. Tu như vậy không ai chẳng thành công, thực sự thực hành mà! Đạo tràng ấy chắc chắn được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ.
Còn như hoằng dương Phật pháp, lợi ích chúng sanh thì dùng Internet, dùng truyền hình vệ tinh; vì thế, trong đạo tràng nhỏ này lập thêm một studio [để thâu phát những buổi giảng kinh] là đủ. Đó là đối ngoại hoằng pháp. Đối ngoại hoằng pháp tự nhiên có người, bản thân chúng ta không cần bận tâm, chúng ta chỉ cần đem bài giảng (tức là giảng kinh nội bộ mỗi ngày hai hay bốn tiếng đồng hồ) thâu âm hay thâu hình lại, có những tín đồ rất nhiệt tâm, để cho họ truyền bá là được rồi, chẳng cần phải bận tâm chút nào. Tốt nhất là ít tiếp xúc ngoại cảnh, càng ít càng tốt, tâm chúng ta an định. Đương nhiên sẽ có những cư sĩ nhiệt tâm hộ trì đạo tràng nhỏ ấy, chuyện lưu thông Phật pháp để cho họ làm. Như vậy, thân tâm hoàn toàn yên định, vậy là tốt! “Dựng pháp tràng” chính là lập đạo tràng.
“Lập tông chỉ”, tông chỉ là cương lãnh và phương châm tu hành. Như pháp sư Ấn Quang đã dạy chúng ta chuyên tu Tịnh nghiệp, đấy chính là “lập tông chỉ”. Đạo tràng này của chúng ta chuyên tu Tịnh tông, chẳng xen tạp các pháp môn khác, thuần túy là tịnh nghiệp đạo tràng. Những kinh luận được học tập ở đây chỉ là năm kinh một luận, đó là khoa mục chủ tu, không cần phải mở rộng ra bên ngoài. Nay chúng tôi kiến lập học viện tại đây, học viện đương nhiên phải bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp cũng dùng phương pháp ấy, giải và hạnh cùng tiến. Theo lộ trình, chúng ta cũng dùng phương pháp này, thực sự làm!
Thế nhưng, trong xã hội hiện tại, mỗi cá nhân đều chăm chút cái thân của chính mình, tự tư tự lợi, thậm chí vong ân phụ nghĩa, không có tâm từ bi, không có sự lễ kính chư Phật như trong mười nguyện Phổ Hiền, không có tâm lễ kính. Nhằm báo ân thí chủ, chúng tôi cũng mở lớp Phật học ngắn hạn. Một năm bốn quý chúng tôi mở bốn lần, mỗi khóa học ngắn hạn kéo dài bảy mươi ngày, tức mười Phật thất để các đồng học chúng ta có cơ hội luyện tập giảng kinh, dạy học; đồng thời để cho các thí chủ đàn-việt hộ trì có thể trông thấy thành tích tu học của chúng ta tại nơi đây. Chúng ta phải dùng thành tích để báo đáp ân thí chủ, khiến cho họ cùng sống với chúng ta hai tháng, đến xem thành quả giải hạnh của chúng ta có đáng cho họ tiếp tục hộ trì hay không. Nếu sau khi xem xét, họ rất không vừa ý, từ đó về sau họ không đến hộ trì nữa, như vậy là chánh xác, là đúng. Tông chỉ phải rõ ràng.
“Giáo hóa thịnh hành”, ở đây quý vị làm tốt, chỗ khác có người phỏng theo, mong rằng đạo tràng quy mô nhỏ thực sự tu Tịnh nghiệp này các nơi đều có. Đều có những vị pháp sư hoặc là trưởng giả, cư sĩ tốt đẹp đến lãnh đạo. Số người quả thật không cần nhiều, đấy mới là “phước độ chúng sanh”. Vị Phật cuối cùng là:
Trì Pháp Phật.
持法佛。
Đây là vị Phật thứ sáu, Trì Pháp, “biểu thị tự - tha y giáo tu hành thật chứng, Phật pháp từ đầu đến cuối coi trọng thực tiễn”. “Trì” là gìn giữ, là thọ trì. Chúng ta tiếp nhận lời giáo huấn của Như Lai, vĩnh viễn gìn giữ, y giáo phụng hành, đó là Trì Pháp. Ở đây, đức Phật làm gương cho chúng ta. Chúng ta mong mỏi hết thảy chúng sanh có duyên cùng Phật, đều có thể “thọ trì, đọc tụng, vì người khác diễn nói”. Y giáo phụng hành thì chính mình phải tự làm trước, tự mình không làm được lại mong người khác làm thì đó là chuyện không thể được! Chư Phật Như Lai, tổ sư đại đức, thậm chí bậc thánh hiền, quân tử trong thế gian trong thời cổ đều là tự mình làm được rồi mới khuyên người khác, sau đó mới dạy dỗ người khác. Đó là trình tự nhất định, tự mình phải làm trước, tự mình đạt được lợi ích, bất luận tư tưởng, kiến giải, ngôn hạnh đều không do dự, không hoài nghi, vì sao? Tự mình làm được là đã trải qua thực chứng: Pháp môn này không sai, tôi thực sự hưởng lợi ích; khi ấy khuyên người, người ta mới tin.
Như vậy, hoằng pháp có hai giai đoạn: Trước hết, để khuyến cáo mọi người thì chính mình phải có đức hạnh, phải có tiếng tăm, rồi mới giáo hóa chúng sanh. Đến khi nào khuyên dạy trở thành chỉ dạy? Trong phần trên chúng tôi đã nói rồi, phải là Thượng Tọa mới có tư cách giáo hóa chúng sanh. Chúng tôi dùng thí dụ giảng kinh để luận về Thượng Tọa: Quý vị phải lên đài giảng kinh trọn ba mươi năm. Mười năm là Hạ Tọa, hai mươi năm là Trung Tọa, ba mươi năm là Thượng Tọa. Nói cách khác, chưa đủ ba mươi năm thì chỉ khuyên dạy. Đủ ba mươi năm thì đại khái niên kỷ của chính mình cũng không chênh lệch mấy. Hai mươi tuổi ra giảng kinh, giảng đến ba mươi năm là năm mươi tuổi. Xưa kia, người ta thấy người như vậy bèn gọi là “lão pháp sư” vì đã năm mươi tuổi rồi, bởi thế, lúc đó có thể chỉ dạy. Đều là chính bản thân phải làm trước. Quý vị muốn dạy người khác, mà chính mình không làm, làm sao dạy được ai?
Có lần, tôi qua Đài Loan, dẫu thời gian chỉ vỏn vẹn năm ngày, tôi được gặp gỡ nhiều đồng tu. Có vài vị đồng tu bảo tôi: Chúng con ở nhà dạy con cái, con còn nhỏ dạy chúng đọc sách Đệ Tử Quy. Trẻ nhỏ đọc xong, hỏi cha mẹ: “Ba má chưa làm được như vậy!” Ba má chúng nó không biết nói sao, [trẻ nhỏ bắt bẻ]: “Ba má chưa làm được, sao kêu con làm?” Giáo dục thời cổ, cha mẹ thực sự làm được, kêu con học tập, con cái ngoan ngoãn học, không nghi ngờ gì. Nay khó lắm! Vì sao? Làm thân cha mẹ, lúc nhỏ không có người dạy, nay mới thấy những điều [dạy trong sách Đệ Tử Quy] tốt đẹp, muốn dạy con cái của chính mình, nhưng tự mình chưa thể làm được, tự mình không thể lấy thân mình làm gương, giáo dục gia đình thật chẳng dễ! Muốn dạy con cái phải lấy chính thân mình làm gương. Trường học cũng thế, thầy dạy học trò, thầy phải lấy chính thân mình làm gương thì mới dạy tốt được. Nếu chính mình chẳng thể làm gương, làm sao dạy học sinh cho được?
Cùng một đạo lý đó, người lãnh đạo quốc gia, xã hội, nếu chẳng thể dùng thân mình làm gương, làm sao quý vị giáo hóa toàn dân trong nước? Làm sao giáo hóa dân trong cả một thành phố? Quý vị làm thị trưởng, tức là làm vua, làm cha mẹ, làm thầy! Quý vị phải là tấm gương tốt nhất cho đô thị, cho khu vực, cho quốc gia ấy. Trước kia, quả thật là như vậy. Nếu quý vị là người lãnh đạo một nước mà vua không ra vua (vua là người lãnh đạo một nước), chẳng giống như một người lãnh đạo quốc gia, nhân dân sẽ bị khổ. Nhân dân bị khổ sẽ không cam lòng, sẽ lật đổ chánh quyền, sẽ làm cách mạng.
Do vậy, trước kia, khi giảng kinh ở Tân Gia Ba, lúc ấy tôi vẫn chưa ở lâu dài tại Tân Gia Ba, mỗi năm qua đó một tháng, giảng kinh một tháng. Pháp sư Diễn Bồi đối với tôi hết sức tốt, có lần Ngài mời tôi dùng cơm tại đạo tràng của Ngài, hỏi tôi một câu:
- Pháp sưTịnh Không ! Ông tán thành quân chủ hay tán thành dân chủ?
Tôi thưa:
- Tôi tán thành quân chủ.
Ngài hỏi:
- Tại sao?
Tôi nói:
- Quân chủ tốt hơn dân chủ.
Ngài nói:
- Đầu óc ông cổ hủ quá, không hợp thời!
Tôi nói:
- Tôi không bận tâm hợp thời hay không hợp thời, tôi chỉ dùng sự luận sự: Điểm tốt của quân chủ là gì? Đế vương muốn đời này truyền cho đời kia, muốn con cháu đều làm hoàng đế, điều ấy dẫu là có lòng riêng tư, nhưng chỉ cần đối xử tốt với nhân dân là được rồi! Vì thế, vua phải bồi dưỡng những người kế vị đất nước, thực sự dụng tâm! Mời những vị học giả đức cao trọng vọng bậc nhất trong toàn quốc, phẩm đức, học vấn, tài nghệ đều bậc nhất làm thầy dạy thái tử, vương tử. Đấy đều là những người thừa kế quốc gia xã hội trong tương lai, bọn họ phải hưởng sự giáo dục tốt nhất. Bởi thế, khi họ nối ngôi chẳng đến nỗi đại loạn vì nhận sự giáo dục của thánh hiền, đọc sách hiểu lý! Nếu họ không tuân thủ giáo huấn của thánh hiền, không tuân thủ pháp tắc tổ tông đã lập, [tuân theo] điển chế và pháp lệnh do tổ tông đã lập, họ muốn phá hoại, không tuân thủ sẽ khó thể giữ nổi chánh quyền, sẽ bị người khác nổi lên lật đổ, thay đổi triều đại. Vì thế, kẻ làm đế vương chẳng thể không lo lắng, dè dặt thì mới hòng giữ được ngôi.
Những hoàng đế cuối cùng, nói trắng ra, là kẻ trái nghịch lời thầy giáo huấn, trái nghịch lời cha mẹ răn dạy. Đến khi họ nắm quyền, làm xằng, làm bậy, tham cầu hưởng thụ, mặc kệ nhân dân sống chết, lập tức bị người ta lật đổ! Chúng ta có thể thấy những chuyện này từ lịch sử Trung Quốc. Còn những người lãnh đạo do dân bầu lên có phải là người được hưởng sự giáo dục tối hảo hay không, rất khó nói! Họ có phải là người có trách nhiệm, thực sự thương yêu trăm họ, quan tâm trăm họ, vì trăm họ giải trừ khổ nạn, khiến cho trăm họ được thực sự hưởng hạnh phúc mỹ mãn, rất khó xác định! Vì sao? Nhiệm kỳ hữu hạn, nói thật ra, cảm giác trách nhiệm không bằng đế vương.
Quý vị hãy khéo chú tâm, chú ý quan sát, thể hội: Dẫu chế độ quân chủ có khuyết điểm, nhưng so với chế độ dân chủ thì ít khuyết điểm hơn. Nói trên phương diện giáo dục, thời đại quân chủ hết sức coi trọng giáo dục. Rất nhiều chế độ hết sức tốt, ngăn ngừa những cái nhỏ nhặt, chấm dứt những cái sẽ lần lần xảy ra. Quý vị thấy trong lịch sử Trung Quốc, bậc đế vương thực sự có trách nhiệm rất nhiều, kẻ không trách nhiệm cực ít. Ai vậy? Những vua chúa cuối trào. Những vua chúa mất nước là kẻ vô trách nhiệm, bởi thế, họ bị kẻ khác diệt trừ rất nhanh. Quý vị phải nhìn vào những vị vua mở nước, đừng nhìn vào những vua cuối trào; nhìn vào những vị vua khai quốc, nhìn vào những thời kỳ triều đại cường thịnh, sẽ thấy khác hẳn.
Tu học, giáo học Phật pháp, từ đầu đến cuối coi trọng thực tiễn nhất; bởi thế, Phật pháp trọng thực chất chứ không trọng hình thức. Hình thức là nhằm để giáo hóa chúng sanh, đương nhiên cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng nhất lại chính là thực chất. Nếu quý vị không thật tu, chỉ tu hình thức thì hình thức chẳng thể lợi ích xã hội, chẳng thể lợi ích chúng sanh, nhất định phải chân tu! Chân tu chính là phải y giáo phụng hành! Trong những khóa giảng, chúng tôi thường khuyến khích, cổ vũ các đồng học: Người chân tu phải buông xuống những thành kiến của chính mình, buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình, phải tùy thuận những điều được giảng dạy trong kinh luận. Kinh luận chính là giáo huấn của Phật, Bồ Tát, phải hoàn toàn thực hiện những giáo huấn trong kinh luận, biến chúng thành hành vi sinh hoạt của chính mình trong thực tế, đó gọi là chân tu!
Vừa khởi lên một ý niệm, phải nghĩ trong kinh giáo đức Phật có chấp thuận ý niệm ấy hay không. Ý niệm được Phật hứa khả chắc chắn là thiện niệm, nhất định lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội, ý niệm ấy tốt. Nếu đức Phật không hứa khả thì ý niệm ấy nhất định là tự tư, tự lợi, nhất định là tổn người, lợi mình. Chẳng được khởi ý niệm “tổn người, lợi mình”, vì đó là tạo nghiệp. Thực sự dốc công phu nơi khởi tâm động niệm, đó là tu từ căn bản. Ngôn ngữ, tạo tác thời thời khắc khắc đều phải nghĩ đến những gì kinh luận đã giáo huấn. Vì sao phải dạy quý vị thực hiện khóa sáng và khóa tối?
Về thực chất, dụng ý của khóa sáng là nhằm cảnh tỉnh chính mình, ngày hôm nay mình phải tuân thủ lời Phật, Bồ Tát giáo huấn, không được trái nghịch. Khóa tối để phản tỉnh, lúc ấy phải nghiêm túc phản tỉnh những tư tưởng, kiến giải, ngôn hạnh của chính mình trong ngày hôm nay có trái nghịch giáo huấn của Phật, Bồ Tát hay không? Hễ có trái nghịch phải gấp sám hối, phải sửa lỗi, ngày mai chẳng dám trái phạm nữa. Những tư tưởng, hành vi hoàn toàn tương ứng giáo huấn của Phật, Bồ Tát thì ngày mai phải tiếp tục giữ gìn, đừng để mất đi. Đó là thực sự thực hiện công khóa sáng tối, đấy mới là chân chánh tu hành! Khóa tụng sáng tối không phải là hình thức, đọc cho Phật, Bồ Tát nghe; Phật, Bồ Tát không cần nghe! Chính là niệm cho tự mình nghe đấy! Phải hiểu đạo lý mà Trì Pháp Phật đã dạy cho chúng ta ở đây. Lại xem tiếp thượng phương Phật, chúng tôi đọc kinh văn một lượt:
Xá Lợi Phất! Thượng phương thế giới hữu Phạm Âm Phật, Tú Vương Phật, Hương Thượng Phật, Hương Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân Phật, Sa La Thụ Vương Phật, Bảo Hoa Đức Phật, Kiến Nhất Thiết Nghĩa Phật, Như Tu Di Sơn Phật.
舍利弗。上方世界有梵音佛。宿王佛。香上佛。香光佛。大燄肩佛。雜色寶華嚴身佛。娑羅樹王佛。寶華德佛。見一切義佛。如須彌山佛。
(Xá Lợi Phất! Thế giới phương trên có Phạm Âm Phật, Tú Vương Phật, Hương Thượng Phật, Hương Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân Phật, Sa La Thụ Vương Phật, Bảo Hoa Đức Phật, Kiến Nhất Thiết Nghĩa Phật, Như Tu Di Sơn Phật).
Ở phương trên, đức Thế Tôn nêu tên mười vị Phật. Trong phần trên, ở phương Tây chúng ta thấy kể tên bảy vị Phật, con số Bảy biểu thị viên mãn, con số Mười cũng biểu thị sự viên mãn; kinh Hoa Nghiêm dùng số Mười để biểu pháp. Ở chỗ này, trong bút ký[5] ghi: “Phương trên nêu đại lược mười danh hiệu Phật, biểu thị giác hạnh viên mãn, một đời thành Phật”. Mọi thứ đều biểu thị pháp môn này. Đoạn kinh văn này có ý nghĩa rất sâu, nhà Phật gọi là “mật nghĩa”. Mật ở đây không phải là bí mật, mà có nghĩa là ý nghĩa sâu kín, rất sâu. Những đồng học chúng ta học Đại Thừa hãy nên thấu hiểu! Ý nghĩa ấy thực sự rất rõ ràng giống như kinh Hoa Nghiêm vậy, chẳng khác gì cả! Nhằm biểu thị ý nghĩa ấy! Nếu quý vị chú tâm quan sát danh hiệu mười vị Phật này, thấu hiểu những danh hiệu ấy thì ý nghĩa của những danh hiệu ấy lại càng rành rành.
Chúng ta hãy xem vị Phật đầu tiên, Phạm Âm Phật. “Phạm” (梵) nghĩa là thanh tịnh, “Âm” là âm thanh. Đây chính là chư Phật thị hiện giáo hóa chúng sanh trong thế giới Sa Bà này. Chúng sanh trong thế giới Sa Bà căn tai nhạy bén nhất. Văn Thù Bồ Tát vì chúng ta chọn lựa pháp viên thông, [đã nói]: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn” (Giáo thể thực sự của phương này, thanh tịnh nơi nghe tiếng). Giúp đỡ hết thảy chúng sanh bằng phương cách nào? Bằng dạy dỗ, bằng thuyết pháp. Âm thanh ấy là âm thanh thanh tịnh, từ chỗ nào mà thấy là thanh tịnh? “Xả Tứ Tướng, Tứ Kiến, thuyết pháp thanh tịnh, không nhiễm trước”. Đấy là chân chánh phát tâm giống như chư Phật, Bồ Tát, đến trong thế giới này, thừa nguyện tái lai. Lúc chúng ta đến đây là phàm phu, mê hoặc, điên đảo, nhưng sau hai mươi, ba mươi năm học tập, un đúc, cũng có thể chuyển phàm thành thánh.
Người thượng căn thì mười năm là chuyển được, chuyển phàm thành thánh, thực sự làm được! Bắt đầu từ đâu? Kinh Kim Cang dạy: Phá Tứ Tướng, phá Tứ Kiến. Tứ Tướng là ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Tứ Kiến chính là điều được nửa phần sau kinh Kim Cang nói đến, tức Ngã Kiến, Nhân Kiến, Chúng Sanh Kiến, Thọ Giả Kiến. Vì thế, chúng tôi thường khuyên lơn đồng học: Chúng ta tu hành phải dốc công nơi đâu? Phá Tứ Tướng! Phá Tứ Tướng bằng cách nào? Buông tự tư tự lợi xuống, buông danh văn, lợi dưỡng xuống, buông ngũ dục, lục trần xuống, buông tham - sân - si - mạn xuống, đó chính là phương pháp thực tế để phá Tứ Tướng. Trong sinh hoạt thường nhật hằng ngày phải làm như vậy, nghiêm túc thực hiện, người căn tánh thượng đẳng thì mười năm sẽ chuyển phàm thành thánh. Vì sao? Tứ Tướng, Tứ Kiến đã phá rồi, trong Đại Thừa, quý vị tối thiểu là bậc Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín của Viên Giáo; trong Tiểu Thừa phải là quả Tu Đà Hoàn, thực sự thành tựu. Đó là bậc thượng căn. Trung căn thì hai mươi năm, hạ căn ba mươi năm sẽ chuyển phàm thành thánh.
Lúc ấy, quý vị thuyết pháp đương nhiên thanh tịnh, vô ngã mà! Khởi tâm động niệm đều vì hết thảy chúng sanh, họ được lợi ích chứ không phải mình lợi ích, niệm niệm xả kỷ vì người khác, không nhiễm trước mảy may. Nhiễm trước là gì? Tự tư tự lợi là nhiễm trước, [nếu thấy] chúng ta có chỗ nào tốt đẹp hả? Nhiễm trước mất rồi! Không có ta đâu nhé!
Bởi thế, lúc chúng ta đến đây, tức lúc chúng ta đến đầu thai trong thế giới này là do nghiệp lực mà đến. Học Phật rồi sẽ chuyển nghiệp lực thành nguyện lực. Cái thân nghiệp lực đã chết, cái thân hiện tại là thân nguyện lực. Thân nguyện lực [của chúng ta] không khác gì chư Phật, Bồ Tát thừa nguyện tái lai. Nay sống trong thế gian này là vì hết thảy chúng sanh khổ nạn, chẳng phải vì tự mình. Nếu vì mình thì sẽ vãng sanh bất cứ lúc nào, chuyện của chính mình đã làm xong rồi. Kinh luận thường nói: “Sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu” (Việc làm đã xong, không còn phải chịu lấy thân sau), “bất thọ hậu hữu” là vĩnh viễn không bị đọa trong luân hồi, công việc của chính mình đã giải quyết ổn thỏa. Thân thể này vẫn trụ trong thế gian để làm gì? Há chẳng phải rất bất tịnh, rất kém minh bạch ư? Vì chúng sanh, vì Phật pháp, vì chánh pháp tồn tại lâu dài, vì rộng độ chúng sanh, vì những lẽ như vậy chứ nào phải vì chính mình; thực sự chuyển được rồi! Hễ còn tự tư tự lợi là chưa chuyển được. Phải hiểu cho rõ ràng, minh bạch điều này. Bây giờ hết giờ rồi!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa