Xin mở cuốn Khoa Chú, quyển Hạ trang chín mươi sáu, và xem kinh văn hàng thứ nhất:
Lâm đọa thú trung hoặc chí môn thủ, thị chư chúng sanh nhược năng niệm đắc nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh, nhất cú nhất kệ Ðại Thừa kinh điển, thị chư chúng sanh nhữ dĩ thần lực phương tiện cứu bạt, ư thị nhân sở hiện vô biên thân vi toái địa ngục, khiển lịnh sanh thiên thọ thắng diệu lạc.
臨墮趣中或至門首。是諸眾生若能念得一佛名。一菩薩名。一句一偈大乘經典。是諸眾生汝以神力方便救拔。於是人所現無邊身為碎地獄。遣令生天受勝妙樂。
Lúc sắp bị đọa ác đạo hoặc vừa đến ngưỡng cửa, nếu những chúng sanh đó có thể niệm được danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, cùng một câu kinh một bài kệ của kinh điển Đại Thừa, thì ông hãy dùng thần lực, phương tiện để cứu vớt các chúng sanh đó; ở chỗ của các người đó hiện thân vô biên, vì họ mà phá tan địa ngục, làm cho họ được sanh thiên, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
Ðoạn này nói người cõi trời, người thời Mạt pháp tạo tội nghiệp sẽ đọa vào ác đạo. Thời điểm và nhân duyên tốt nhất để Bồ Tát cứu vớt chúng sanh là lúc họ chưa đọa lạc, cũng là nói lúc họ lâm chung chưa tắt thở, đầu óc còn tỉnh táo, lúc này cứu vớt là thích hợp nhất. Trong kinh Vãng Sanh chúng ta thấy người tạo tội cực nặng khi lâm chung có thể hối lỗi đều có thể vãng sanh. Nhiều người nghe tới việc này rất bực bội, vì có người cả đời chẳng phạm lỗi lầm, cả đời niệm Phật còn không thể vãng sanh, người tạo tội nghiệp mang tội đầy mình, lúc lâm chung chỉ niệm vài câu Phật hiệu liền có thể vãng sanh, như vậy hình như không công bình cho lắm. Ðây là kiến giải của phàm phu, trên thực tế thì họ không hiểu đạo lý này, tại sao lại như vậy? Cảnh giới biến đổi từng sát na, phàm phu nói thật ra quá sơ ý, chúng ta chẳng quan sát được, người có công phu định lực cao sâu nhìn thấy rất rõ ràng, cảnh giới trước mắt bao gồm thân tướng của chính chúng ta đều biến đổi từng sát-na. Vả lại sự chuyển biến này rất lớn, thay đổi tùy theo tâm niệm, trong tâm khởi lên sự thay đổi to lớn, thân tướng và hoàn cảnh sinh hoạt cũng thay đổi rất nhiều.
Chúng ta không cảm thấy, không nhận biết được vì chúng ta khởi tâm động niệm biến đổi quá nhỏ, chẳng chuyển đổi thật lớn cho nên mức độ, cảnh giới biến đổi cũng rất nhỏ, nếu có thể hồi tâm chuyển ý ngay lúc đó, một lòng niệm Phật thì sự biến đổi sẽ rất lớn! Cảnh giới cũng sẽ thay đổi với mức độ thật lớn, đạo lý là như vậy. Người tạo tội nghiệp có thể chuyển, tại sao chúng ta không thể chuyển? Chúng ta cũng có thể chuyển giống họ, họ chịu chuyển nhưng chúng ta không chịu chuyển, như vậy thì không có cách chi hết. Chuyện này tuyệt đối không thể nói công bình hay không công bình, chẳng có ý này, đây đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của phàm phu chứ không phải chân tướng sự thật. Cho nên hiểu được đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật này, chuyển phàm thành thánh chỉ là việc trong vòng một niệm, chuyển địa ngục thành Cực Lạc thế giới cũng trong vòng một niệm, vấn đề là một niệm này của bạn có thật sự triệt để quay về hay chưa? Then chốt là ở chỗ này. Cho nên lời đại sư Thiện Ðạo nói chẳng sai ‘hết thảy đều phải làm từ tâm chân thật’, tâm bạn chân thật thì chuyển biến sẽ rất thuận tiện, rất suông sẻ, chuyển biến nhanh chóng. Nếu bạn không dùng chân tâm thì sẽ rất khó, Phật, Bồ Tát cũng không giúp được gì.
Câu ‘lâm đọa thú trung’ ở đây, ‘thú’ là ác thú, ‘hoặc chí môn thủ’, đến cửa của ác đạo nhưng chưa bước vào, bước vào thì sẽ rất phiền phức, sẽ chẳng chuyển dễ dàng, lúc chưa bước vào là cơ hội tốt nhất. ‘Thị chư chúng sanh, nhược năng niệm đắc nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh’ (nếu những chúng sanh đó có thể niệm được danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát), hoặc là ‘nhất cú nhất kệ Ðại Thừa kinh điển’(cùng một câu kinh một bài kệ của kinh điển Đại Thừa), lúc này chữ ‘niệm’ phải nhớ lời nói trong đoạn trước là phải ‘chí tâm xưng niệm’ thì mới có hiệu quả, mới chuyển cảnh giới được. Nếu không phải là chí tâm xưng niệm thì sẽ không dễ đâu. Tâm người ta đến lúc lâm chung đích thật thường thành khẩn thiết tha hơn lúc bình thường, đây là lúc quan trọng cấp bách đến tánh mạng, tâm lúc đó chuyển đổi, tâm ấy chân thành nên sẽ chuyển biến dễ dàng, nhanh chóng. Câu này nói thiện căn phước đức của chúng sanh này, họ có thể niệm, người đó có thiện căn, có phước đức, như đã nói ở đoạn trước là phải chí tâm xưng niệm, hoặc là nhất tâm xưng niệm, ‘nhất tâm’ là thiện căn, ‘xưng niệm’ là phước đức.
Câu sau là lời đức Phật dặn dò Bồ Tát ‘Nhữ dĩ thần lực phương tiện cứu bạt’, (ông hãy dùng thần lực, phương tiện để cứu vớt các chúng sanh đó) đây là nhân duyên. Ba điều kiện thiện căn phước đức, nhân duyên đều đầy đủ, họ có thể xa lìa tai họa, được phước lành. Ư thị nhân sở, hiện vô biên thân’ (ở chỗ của các người đó hiện thân vô biên), đây là Bồ Tát hiện thân đến thuyết pháp cho họ, khuyên nhũ họ, họ được Bồ Tát khuyên dạy nên chuyển đổi tâm niệm, cảnh giới địa ngục liền biến mất. Rời khỏi địa ngục họ liền có thể sanh tới cõi lành, nếu có thể niệm Phật thì nhất định được sanh Tịnh Độ. Bạn hãy coi kinh văn ‘khiển lịnh sanh thiên’ (làm cho họ được sanh thiên), chữ này phải là chữ khiển[1] (sai khiến). Những chuyện này có ghi trong Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục, Trương Thiện Hòa đời Ðường là một chuyện [rõ ràng nhất]. Lúc Trương Thiện Hòa lâm chung, tướng địa ngục hiện ra, ông may mắn gặp được một vị xuất gia, lúc ông đang kêu cứu mạng thì vị xuất gia này bước vô, nhìn thấy tình hình như vậy nên đốt một cây nhang cho ông Trương, kêu ông mau niệm A Di Ðà Phật cầu sanh Tịnh Độ; ông niệm được mấy tiếng liền nói người đầu trâu biến mất rồi, ông Trương Thiện Hòa vốn làm nghề mổ trâu. Ông nhìn thấy rất nhiều người đầu trâu đến đòi mạng, đó là tướng địa ngục hiện ra; ông niệm được vài tiếng thì người đầu trâu biến mất, sau đó thấy A Di Ðà Phật đến tiếp dẫn, từ đầy mới biết tâm niệm cầu cứu của ông vô cùng chân thành! Chúng ta phải hiểu đạo lý này, từ đó mới dứt được tâm nghi hoặc. Xem tiếp đoạn kinh sau đây, phần kệ tụng:
Nhĩ thời Thế Tôn, nhi thuyết kệ ngôn:
Hiện tại vị lai thiên nhân chúng,
Ngô kim ân cần phó chúc nhữ:
Dĩ đại thần thông phương tiện độ,
Vật lịnh đọa tại chư ác thú.
爾時世尊而說偈言。
現在未來天人眾
吾今殷勤付囑汝
以大神通方便度
勿令墮在諸惡趣
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Hiện tại, vị lai chúng thiên, nhân,
Nay Ta ân cần dặn bảo ông:
Dùng đại thần thông phương tiện độ,
Chớ để đọa vào các ác đạo.
Phía trước Thế Tôn đã dặn dò hai ba lượt, tới đây lại dùng kệ tụng lập lại, chúng ta thấy đức Phật quan tâm lo lắng chăm sóc cho chúng sanh khổ nạn trong lục đạo đến mức cùng cực. Nếu chúng ta không đọc kinh Ðịa Tạng thì sẽ không biết đức Phật từ bi thương yêu bảo hộ chúng ta như thế nào, sau khi đọc xong mới biết, đức Phật lo lắng cho chúng ta còn hơn cha mẹ, thật là niệm niệm đều chẳng quên, trước khi nhập Niết Bàn còn dặn dò và giao việc này cho Ðịa Tạng Bồ Tát. Việc Ðịa Tạng Bồ Tát độ chúng sanh như thế nào đều được ghi rõ trong bộ kinh này, lý luận, phương pháp, và quả báo đều nói rõ ràng, rành mạch.
Nhĩ thời Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát! Hồ quỵ hiệp chưởng bạch Phật ngôn: ‘Thế Tôn! Duy nguyện Thế Tôn bất dĩ vi lự.
爾時地藏菩薩摩訶薩。胡跪合掌白佛言。世尊。唯願世尊不以為慮。
Bấy giờ Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát quỳ gối, chắp tay bạch cùng Đức Phật rằng: ‘Bạch Đức Thế Tôn! Cúi xin Đức Thế Tôn chớ lo.
Ðịa Tạng Bồ Tát vô cùng kiền thành tiếp nhận lời dặn dò của Thế Tôn, gánh vác sứ mạng độ hóa chúng sanh trong suốt đời Mạt pháp mãi đến trước khi ngài Di Lặc ra đời.
Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, ư Phật pháp trung nhất niệm cung kính, ngã diệc bách thiên phương tiện độ thoát thị nhân, ư sanh tử trung tốc đắc giải thoát.
未來世中。若有善男子善女人。於佛法中一念恭敬。我亦百千方便度脫是人。於生死中速得解脫。
Trong đời vị lai, nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào đối với trong Phật Pháp mà có một niệm cung kính, con cũng dùng trăm ngàn phương tiện để độ thoát người đó, làm cho mau được giải thoát trong đường sanh tử.
Ðoạn này quan trọng nhất là ‘nhất niệm cung kính’, chúng ta chú trọng hai chữ ‘nhất niệm’, hai chữ này rất khó làm được. Phần đông tâm niệm người ta tạp loạn nên sức cảm ứng rất yếu ớt. Nếu là một niệm, một niệm chuyên tâm, chuyên nhất, đó chính là ‘tịnh niệm nối tiếp’ nói trong kinh Lăng Nghiêm, nhất niệm là tịnh niệm, chẳng có nghi hoặc, chẳng có xen tạp, ‘nhất niệm cung kính’ là chí tâm cung kính, chân tâm cung kính. Chữ ‘Phật pháp trung’, chữ ‘Phật pháp’ ở đây là nghĩa rộng, chẳng có nghĩa hẹp. Có rất nhiều người chẳng học Phật, thậm chí tín ngưỡng tôn giáo khác, giải thích ‘Phật pháp trung’ nghĩa là trong những pháp giác ngộ, họ hiểu rõ, họ giác ngộ rồi, hiểu rõ việc gì? Hiểu rõ thiện ác quả báo ngay trước mắt, hiểu rõ đạo lý này ở trong Phật pháp, cho nên người đó không nhất định phải là người học Phật. Chỉ cần họ giác ngộ, dùng một niệm chân thành cầu cứu, sám hối, cầu cứu Ðịa Tạng Bồ Tát thì Ngài nhất định sẽ giúp đỡ họ. ‘Trăm ngàn phương tiện’ tức là tùy loại hóa thân, nên dùng thân phận gì giúp họ, Bồ Tát sẽ thị hiện thân phận đó. Bồ Tát thị hiện trong các tôn giáo, trong đại kinh chúng ta thấy có rất nhiều, trong kinh Hoa Nghiêm các Ngài thị hiện thân Bà La Môn, thị hiện thân ngoại đạo, ngày nay chúng ta gọi những người này là các lãnh tụ tôn giáo, nhà truyền giáo trong các tôn giáo; nên dùng thân phận nào để xuất hiện thì Phật, Bồ Tát sẽ thị hiện thân phận ấy, khuyên họ đoạn ác tu thiện, quay đầu là bến bờ.
Trong kinh này chư vị cũng thấy phía trước có nói ‘khiển lịnh sanh thiên, thọ thắng diệu lạc’, tại sao không nói ‘khiển lịnh vãng sanh, bất thoái tác Phật’? Tại sao không nói câu đó? Nghĩa là nói rõ người sám hối này, người cầu cứu này chưa chắc tin Phật, nếu họ tin thì Phật, Bồ Tát nhất định sẽ khuyên họ vãng sanh Cực Lạc thế giới. Nếu họ tin Cơ Ðốc Giáo, tin Thiên Chúa Giáo thì phải làm sao? Khuyên họ sanh lên trời. Bạn mới thấy ý nghĩa trong kinh này rộng dường nào, phổ độ hết thảy chúng sanh. Những chúng sanh tạo tội nghiệp trong lục đạo, nói thật ra lục đạo chúng sanh được gặp Phật pháp, người biết học Phật ít, không gặp Phật pháp tạo tội nghiệp đọa tam đồ nhiều, không lẽ đời trước chẳng nghe Phật pháp thì không cứu họ hay sao? Ðâu lẽ nào như vậy. Do đó chúng ta thấy trong kinh Ðịa Tạng thường nói giúp người ta sanh lên trời.
Nhiều người không học Phật đều tin có cõi trời, hầu như mục tiêu chung cực của các tôn giáo đều là muốn sanh lên trời, chúng ta phải hiểu ý này. Chúng ta phải mở rộng tâm lượng, không thể nói họ không tin lời Phật dạy thì mình sẽ chống đối họ, vậy là sai rồi, hoàn toàn sai lầm. Phật độ chúng sanh là phổ độ hết thảy chúng sanh, chúng ta phát nguyện ‘chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’, nguyện này viên mãn, tuyệt đối không thể nói những người tin tôn giáo khác thì ngoại lệ, mình không độ họ, đâu lẽ nào như vậy, vậy là chẳng tương ứng với bổn nguyện của bạn, do đó tâm lượng nhất định phải mở rộng. Chúng sanh đối với chúng ta có phân biệt, có chấp trước, chúng ta đối với hết thảy chúng sanh chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, nhất định phải dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi, dốc hết tâm lực để giúp đỡ họ.
Khi giúp đỡ họ phải chú ý, nếu họ không hiểu Phật pháp, không nhận biết Phật pháp, thậm chí hiểu lầm Phật pháp thì tuyệt đối đừng khuyên họ học Phật, chúng ta phải biết đạo lý này. Họ tin Cơ Đốc Giáo thì nhất định phải khuyên họ trở về với Thượng Đế, cách nói này của chúng ta có sai lầm không? Không sai lầm. Chúng ta từ lý luận và phương pháp dạy trong kinh điển của họ [có thể biết] đại khái Thượng Đế của họ ở cõi trời Đao Lợi. Khi họ thật sự sanh đến trời Đao Lợi, Thiên Chủ trời Đao Lợi thường lễ thỉnh Phật, Bồ Tát đến thiên cung thuyết pháp, do đó nhân duyên học Phật của họ đời này không thành thục, khi sanh lên trời sẽ thành thục. Chư Phật, Bồ Tát độ chúng sanh không gấp gáp phải độ ngay bây giờ, đời này duyên chưa chín muồi thì đợi tới đời sau; đời sau chưa chín muồi thì đợi tới đời sau nữa. Đời đời kiếp kiếp nhất định sẽ giúp họ xa lìa khổ nạn, bố thí ân đức, làm cho họ có duyên với Phật cho nên chúng ta phải hiểu đạo lý này. Bạn dùng thái độ như vậy, dùng phương tiện khéo léo tiếp dẫn chúng sanh, giáo hóa chúng sanh, hết thảy chúng sanh đều hoan hỷ. Đặc biệt là ngày nay mọi người đề ra văn hóa đa nguyên, chúng ta phải hiểu ý nghĩa này. Đối với bất cứ chủng tộc nào, bất cứ tôn giáo, học phái nào, chúng ta đều chân thành cung kính, noi gương Phổ Hiền Bồ Tát lễ kính tán thán cúng dường, đó là kết duyên với họ. Tương lai khi mình thành Phật thì những chúng sanh có duyên này nhất định sẽ được độ; khi chưa thành đạo thì hãy kết pháp duyên trước, duyên phải kết cho rộng và tuyệt đối không phân biệt chấp trước. Họ có một niệm cung kính thì có thể tiếp nhận lời khuyên thiện lành của bạn, nếu chẳng có tâm cung kính thì họ không thể tiếp nhận lời khuyên thiện lành của bạn, đạo lý là như vậy. Chỉ cần họ có một niệm cung kính, họ hiểu rõ giác ngộ thì có thể khuyên họ đoạn ác tu thiện. Phần kinh văn tiếp theo nói:
Hà huống văn chư thiện sự niệm niệm tu hành, tự nhiên ư Vô Thượng Đạo vĩnh bất thoái chuyển.
何況聞諸善事念念修行。自然於無上道永不退轉。
Huống nữa là nghe các thiện sự rồi niệm niệm tu hành, thì sẽ tự nhiên ở nơi Đạo Vô Thượng vĩnh viễn không còn thoái chuyển.
Phía trước nói người có tâm giác ngộ, chân tâm quay lại hối cãi, Bồ Tát sẽ giúp đỡ. ‘Huống chi là nghe các thiện sự rồi niệm niệm tu hành’, đoạn này nói người học Phật, người nói ở phần trước chưa chắc là người học Phật. Chỗ quý báu của người học Phật là ở chỗ ‘niệm niệm tu hành’, trong mỗi niệm đều sửa những hành vi sai lầm của mình. Lúc chưa chứng đạo, tiêu chuẩn của sự ‘chứng đạo’ trong nhà Phật là minh tâm kiến tánh, trong đại kinh thường gọi là ‘phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh’, hoặc là nói ‘chứng một phần pháp thân’, trong kinh Hoa Nghiêm đó là Bồ Tát Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên, đó gọi là chứng quả. Từ bậc này trở xuống đều có lỗi lầm, sau khi kiến tánh thì có thể nói là không còn lỗi lầm, tại sao vậy? Họ dùng chân tâm, trước đó đều dùng vọng tâm. Nếu y theo Tướng tông thì chúng ta dùng tâm gì? Tám Thức, năm mươi mốt Tâm Sở, chúng ta dùng tâm này, nếu dùng tâm này thì đâu lẽ nào không có lỗi lầm cho được? Chúng sanh nào dùng tâm này? Chúng sanh trong mười pháp giới, trong phạm vi này chúng sanh đều dùng tám Thức, năm mươi mốt Tâm Sở. Trong Bách Pháp Minh Môn Luận chư vị có thể thấy danh từ ‘Dị Sanh Tánh’, mười pháp giới là ‘Dị Sanh Tánh’, Nhất Chân pháp giới là ‘Đồng Sanh Tánh’. ‘Đồng’ nghĩa là giống với Phật, đức Phật dùng chân tâm, Bồ Tát bậc Sơ Trụ cũng dùng chân tâm, giống với Phật nên gọi là ‘Đồng Sanh Tánh’. Chúng sanh trong mười pháp giới dùng tám Thức, năm mươi mốt Tâm Sở nên khác với Phật, gọi là ‘Dị Sanh Tánh’, lẽ nào không có lỗi lầm?
Hiểu rõ đạo lý này, chúng ta mỗi ngày phải phản tỉnh, phải kiểm điểm, tìm lỗi lầm của mình, chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều có lỗi lầm. Bạn có thể tìm ra lỗi lầm của mình, biết mình có lỗi thì trong Phật pháp gọi là giác ngộ, khai ngộ là như vậy. Giác ngộ chính mình có lỗi, sửa lỗi lầm của mình gọi là tu hành, niệm niệm đều tu hành, mỗi ngày đều sửa lỗi, mỗi ngày tự phản tỉnh. Nếu một người thật sự phát tâm, khắc phục phiền não tập khí của chính mình, không cần nhiều, mỗi ngày sửa một lỗi là được rồi, mỗi ngày đều sửa, không ngừng sửa đổi, ba năm sau bạn sẽ siêu phàm nhập thánh, bạn sẽ chẳng là phàm phu nữa. Lúc đó bạn sẽ thật sự là Bồ Tát, chẳng phải là Bồ Tát giả. Bồ Tát khác với phàm phu, phàm phu mê chẳng biết mình có lỗi, thì đương nhiên họ không thể sửa lỗi. Bồ Tát khác phàm phu [ở chỗ] Bồ Tát biết mình có lỗi lầm, mỗi ngày đều sửa lỗi, không ngừng sửa lỗi. Đến lúc nào mình không có lỗi lầm? Đến lúc viên mãn thành Phật. Đẳng Giác Bồ Tát còn một phẩm Sanh Tướng Vô Minh chưa trừ, vẫn còn lỗi lầm. Do đó chúng ta biết họ đều là Đẳng Giác Bồ Tát nhưng họ cũng không bình đẳng. Mỗi người phạm lỗi chẳng giống nhau, đương nhiên lỗi của Đẳng Giác Bồ Tát vô cùng nhỏ bé, chúng ta không có cách chi nhận biết được, Phật có thể biết được, các Ngài có thể nhận biết được, những vị Bồ Tát thấp hơn Phật nhất định sẽ không nhận ra, cho nên tới quả vị Phật mới bình đẳng, Phật Phật đạo đồng; phiền não tập khí đoạn dứt hết, đến lúc đó mới hoàn toàn giống nhau. Dụng ý quan trọng nhất của những lời này là để nhắc nhở bản thân chúng ta, nhất định phải biết tự mình có lỗi lầm, nhất định phải phản tỉnh, sửa lỗi, trên đường Bồ Đề chúng ta mới có thể dũng mãnh tinh tấn, chẳng thoái chuyển.
Thuyết thị ngữ thời, hội trung hữu nhất Bồ Tát danh Hư Không Tạng.
說是語時。會中有一菩薩名虛空藏。
Lúc nói lời ấy xong, trong Pháp Hội có một vị Bồ Tát tên là Hư Không Tạng.
Hư Không Tạng là một vị Bồ Tát các đồng tu học Phật đều rất quen thuộc. Trong chú giải, pháp sư Thanh Liên giải thích đơn giản cho chúng ta, chúng ta coi chú giải hàng thứ nhất, từ câu thứ ba bắt đầu ‘thử kinh thỉ Văn Thù phát vấn, vị phi đại trí mạc thức Địa Tạng đoan nghê’(Kinh này được bắt đầu bằng ngài Văn Thù nêu câu hỏi, có nghĩa là chẳng phải là bậc đại trí sẽ không thể nào thấu hiểu cội nguồn và phẩm đức của ngài Địa Tạng được), kinh này câu đầu tiên mở đầu là do ai nói? Dụng ý này rất sâu. ‘Chung Không Tạng thâu khoa’ (kết thúc bằng ngài Hư Không Tạng Bồ Tát tổng kết những pháp đã giảng dạy), kinh này tới cuối cùng người nào tổng kết, ‘thâu khoa’ hiện nay chúng ta gọi là tổng kết. ‘Dĩ phi thái hư an mẫn đại sĩ hóa tích nãi nhiếp hữu quy không, toàn giả tức không ý dã’ (chẳng phải là hư không sẽ chẳng thể nào chứa đựng được hết những sự thị hiện hóa độ của Đại Sĩ, lại còn có ý nhiếp Hữu về Không, toàn thể Giả[2] chính là Không vậy), ý nghĩa này rất sâu. Chữ ‘thái hư’ và chữ ‘không’ ở đây đều có nghĩa là bản tánh Chân Như, nói cách khác đến cuối cùng đều tiêu quy tự tánh [3], ý nghĩa này rất sâu. Sau đó nói ‘nhi Không Tạng vấn phước lợi giả, nãi tùng không đàm hữu, toàn không tức giả ý dã. Không giả bất nhị, đương thể tức trung, viên dung diệu hạnh, đồng quy mật tạng, cố chung hồ hư không tạng giả’ (Nhưng phước lợi được đức Phật nói ra để trả lời câu hỏi của ngài Hư Không Tạng là từ Không mà nói đến Có, mang ý nghĩa toàn thể Không chính là Giả vậy. Không và Giả chẳng hai, bản thể của nó chính là Trung, viên dung diệu hạnh, cùng quy vào tạng bí mật, vì thế, kinh được kết thúc bằng ngài Hư Không Tạng)[4], đây là dùng Hư Không Tạng Bồ Tát để kết thúc toàn bộ kinh, nói rõ ra ý này cho chúng ta. Cũng có nghĩa như câu thường nói là ‘hết thảy tiêu quy tự tánh’, đó mới là thật sự viên mãn. Phần sau trong chú giải chư vị có thể tự xem, [phần sau] giới thiệu duyên do của Ngài.
Bạch Phật ngôn: ‘Thế Tôn! Ngã tự chí Đao Lợi ,văn ư Như Lai tán thán Địa Tạng Bồ Tát oai thần thế lực bất khả tư nghị.
白佛言。世尊。我自至忉利。聞於如來讚歎地藏菩薩威神勢力不可思議。
Bạch cùng Đức Phật rằng: ‘Bạch Đức Thế Tôn! Con đến cung trời Đao Lợi nghe Đức Như Lai ngợi khen oai thần thế lực không thể nghĩ bàn của Bồ Tát Địa Tạng.
Bồ Tát trình bày, Thế Tôn tại cung trời Đao Lợi mở pháp hội, Bồ Tát biết được nên lập tức đến tham dự pháp hội này, Ngài nghe đức Thế Tôn không ngừng khen ngợi các công đức của Địa Tạng Bồ Tát oai đức thần lực, độ hóa chúng sanh đều chẳng thể nghĩ bàn.
Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, nãi chí nhất thiết thiên long văn thử kinh điển, cập Địa Tạng danh tự, hoặc chiêm lễ hình tượng đắc kỷ chủng phước lợi.
未來世中。若有善男子善女人。乃及一切天龍聞此經典。及地藏名字。或瞻禮形像得幾種福利。
Trong đời vị lai, nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào, cho đến tất cả hàng trời, rồng, nghe kinh điển này cùng danh tự của Ngài Địa Tạng, hoặc chiêm lễ hình tượng, thì sẽ được bao nhiêu điều phước lợi?
Công đức của Địa Tạng Bồ Tát thù thắng như vậy, không những đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi, trong kinh này đức Phật nói rất rõ ràng, rất rành rẽ, dù mười phương hết thảy chư Phật Như Lai cùng khen ngợi, trong suốt một kiếp cũng chưa hết. Vì công đức của Bồ Tát xứng tánh, tánh đức chẳng có biên giới, cho nên khen ngợi không hết. Hư Không Tạng Bồ Tát ở đây thay mặt chúng ta thỉnh pháp, những việc này không lẽ Ngài không biết, Ngài cũng là Đẳng Giác Bồ Tát. Đặc biệt là vì đời vị lai, chữ ‘đời vị lai’ bao gồm chúng ta trong đó, Ngài thay mặt chúng ta thưa thỉnh, việc này chứng tỏ lòng quan tâm, thuơng mến của Bồ Tát đối với chúng ta. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, phía trước nói về ‘một tâm niệm thiện’. Không những là người, ngoài người ra còn có chúng sanh trong lục đạo, ‘nhất thiết thiên’, thiên là chư thiên, ‘long’ tượng trưng cho những thiên thần hộ pháp, ‘long’ cũng đại biểu cho loài súc sanh, tuy chẳng nói tam ác đạo, dùng ‘long’ để thay mặt; ‘thiên long’ bao gồm hết năm loài còn lại. Cộng lại là hết thảy chúng sanh trong lục đạo. ‘Nghe được kinh này, cùng danh hiệu ngài Địa Tạng’, đức hiệu của Địa Tạng Bồ Tát, hoặc là chiêm lễ hình tượng, sẽ được bao nhiêu điều phước báo và lợi ích?
Chúng ta hãy đọc lời giảng trong sách chú giải: “Chuẩn Địa Trì” (dựa theo lời Địa Trì Bồ Tát), tức là căn cứ trên lời Địa Trì Bồ Tát nói, “phước tức bố thí, trì giới, nhẫn nhục, y thiền, y tinh tấn, tu hành thí giới tứ vô lượng đẳng, thị danh phước phần” (Phước chính là bố thí, trì giới, nhẫn nhục. Nương vào Thiền, nương vào Tinh Tấn để tu hành bố thí, trì giới, tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) v.v... thì gọi là phước phần[5]), đây là nói về việc tu phước. Phàm phu lục đạo chưa kiến tánh, tuy trong tự tánh đầy đủ vô lượng công đức, nhưng công đức đó không thể khởi tác dụng, chẳng thể hiện tiền, phước báo phàm phu lục đạo đều phải nhờ chính mình tu mới có. Tu những việc gì là phước? Ở đây nêu ra cho chúng ta, đây là Lục Độ của Bồ Tát. Trong Lục Độ, trừ Bát Nhã ra, năm độ đầu đều tu phước, Bát Nhã là tu huệ, khi thành Phật, chúng ta tán thán Phật là Nhị Túc Tôn. ‘Nhị’ là phước và huệ, ‘túc’ là viên mãn, cả hai phước và huệ đều viên mãn. Phật có phước huệ viên mãn nhất, do đó Phật tôn quý nhất. Học Phật thì làm sao không tu phước được? Nếu không có phước báo thì tu hành sẽ bị chướng ngại, quần áo thức ăn không đầy đủ thì tu đạo rất khó khăn, không có phước báo thì bạn không thể độ chúng sanh. Phật dạy chúng ta độ chúng sanh, kết duyên với chúng sanh, lúc tiếp xúc với chúng sanh phải làm việc gì trước hết? Phải bố thí. Nếu bạn không tặng một chút lễ vật với họ, kết thiện duyên với họ thì rất khó độ họ. Do đó ‘Bố Thí’ vô cùng quan trọng. Đặc biệt là tài bố thí, khi tiếp xúc với hết thảy chúng sanh việc đầu tiên phải làm là tài bố thí, họ sẽ sanh lòng hoan hỷ, sau đó là pháp bố thí, vô úy bố thí. Họ có ấn tượng tốt với bạn, biết bạn có thiện tâm, có thành ý thì họ sẽ chịu tiếp nhận sự dạy dỗ của bạn, tiếp nhận lời khuyên của bạn. Do đó phước vô cùng quan trọng.
Sau đó lại nói ‘Cái thiện danh phước lợi’ (Do vậy, Thiện được gọi là phước lợi), lợi là lợi ích, thiện chính là lợi ích chân thật, ‘cảm báo điềm du’ (cảm báo yên vui), nghĩa là bạn cảm được quả báo được xứng tâm vừa ý. Hiện nay người này đã đọc kinh nghe danh, chiêm ngưỡng hình tượng Địa Tạng Bồ Tát, họ nhất định có được phước lợi, nhưng chẳng biết sẽ được bao nhiêu điều lợi ích, phước lợi bao lớn, đây là Bồ Tát thay chúng ta thỉnh giáo Thế Tôn. Hai câu trong Chú giải là nói từ mặt Lý, chúng ta phải hiểu ‘phải biết phước lợi do tâm, tâm có thể tạo phước’, hai câu này rất quan trọng! Nhất định phải tin tưởng. Lần này Cư Sĩ Lâm, cư sĩ Lý Mộc Nguyên phát tâm xây làng Di Đà, muốn tổ chức Phật Học Viện, vả lại hoàn toàn không thâu học phí, ai dám làm? Hiện nay họ đang vẽ họa đồ cho làng Di Đà, tương lai có thể cho trên một ngàn người ở trong đó, trên một ngàn người mỗi ngày phải ăn cơm, không thâu lệ phí thì tiền từ đâu tới? Ai cũng không dám phát tâm này, ông ta dám. Ông ta dựa vào gì mà dám làm? Ông ta hiểu được đạo lý này, ‘phước lợi do tâm, tâm có thể tạo phước’, ông ta dựa vào câu này. Người thường tuy đọc kinh Phật đọc mấy câu này cũng không thể tin tưởng. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên tin tưởng, cho nên hai chữ ‘tin Phật’ này cũng chẳng dễ làm được! Ông ta thật sự tin tưởng. Tin thì sẽ có cảm ứng, cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn.
Có một lần ông ta nói với tôi rằng rất nhiều viện dưỡng lão ở Tân Gia Ba, viện dưỡng lão là viện cứu tế, cứu giúp những người già cô đơn, đau khổ chẳng có nơi nương dựa, viện dưỡng lão nhận nuôi họ. Trong đó có người phát tâm tới chăm sóc cho người già, những người niệm Phật chúng ta ngược lại chẳng có phước báo, chẳng sánh bằng người trong viện dưỡng lão, nói như vậy chẳng phải là quá lố! Lời của ông ta nói rất đúng. Người thật sự phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ chắc chắn sẽ được người cúng dường, người ta không cúng dường thì thiên thần sẽ đến cúng dường, tại sao vậy? Người ta không biết đó là phước báo to lớn, ruộng phước to lớn, người cõi trời biết được. Trong sách xưa chúng ta đọc thấy luật sư Đạo Tuyên ở núi Chung Nam đời Đường trì giới rất nghiêm cẩn, lão pháp sư mỗi ngày ăn một bữa trưa, ai tới cúng dường cho Ngài? Người cõi trời tới cúng dường, mỗi ngày cúng cho Ngài một bát cơm, Ngài là một người trì giới thanh tịnh. Ngày nay trong Niệm Phật Đường có nhiều người như vậy, tuy không thể nói là mọi người đều vãng sanh, chỉ cần có một hai người vãng sanh thành Phật thì mọi người đều thơm lây. Phật, Bồ Tát, thiên long thiện thần đến cúng dường, không thể nói chỉ cúng dường hai người này, còn những người khác thì không chiếu cố tới, đâu lẽ nào như vậy, mọi người đều được hưởng. Tuyệt đối sẽ có chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần chăm sóc, cư sĩ Lý Mộc Nguyên tin tưởng nên ông ta can đảm làm. Tương lai Phật Học Viện cũng có thể sẽ không thâu học phí, không những không thâu học phí, mà còn cúng dường thức ăn, y phục, nơi cư trú nữa, những việc này cũng cùng một đạo lý. Vun bồi những pháp sư trẻ tuổi hoằng pháp lợi sanh, tiếp nối huệ mạng Phật, đương nhiên những người này cũng sẽ được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ giống như vậy, chỉ cần bạn phát tâm chân thành đi làm, nhất định sẽ có thể làm được thành công, đạo lý là như vậy. Hai câu sau này là Lý, Lý này rất sâu, ‘tâm thượng bất khả đắc’ (tâm còn không thể được)[6], kinh Kim Cang nói ba tâm không thể được, ‘phước lợi hề tồn?’ (phước lợi làm sao tồn tại), phước lợi ở đâu? Đây là nói về Lý. Nói rõ tuy được phước lợi, không chấp trước phước lợi, thì phước lợi đó mới chân thật. Sau đó là lời thỉnh cầu:
Duy nguyện Thế Tôn vị vị lai hiện tại nhất thiết chúng đẳng lược nhi thuyết chi’.
唯願世尊為未來現在一切眾等略而說之。
Cúi mong Đức Thế Tôn vì tất cả chúng sanh ở hiện tại và vị lai mà lược nói việc ấy cho’.
Không cầu Phật nói rõ ràng, đại khái nói sơ sơ với chúng ta là được. Ngài cũng lo lắng cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không muốn cho Ngài quá mệt mỏi, vì lúc bấy giờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã lớn tuổi, sau khi từ cung trời Đao Lợi trở về chúng ta biết đức Phật giảng kinh Đại Niết Bàn một ngày một đêm xong thì đức Phật nhập diệt. Xin xem kinh văn, trang một trăm lẻ một hàng cuối:
Phật cáo Hư Không Tạng Bồ Tát: ‘Đế thính! Đế thính! Ngô đương vị nhữ phân biệt thuyết chi’.
佛告虛空藏菩薩。諦聽諦聽。吾當為汝分別說之。
Đức Phật bảo Bồ Tát Hư Không Tạng: “Lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông mà nói rõ’.
Bồ Tát khải thỉnh, Phật nhất định sẽ nói, trước khi thuyết pháp đức Phật nhất định căn dặn phải lắng nghe, ‘đế thính’ dùng cách nói hiện nay nghĩa là ‘lắng nghe kỹ càng’, thâm ý của nó cũng chẳng thể nghĩ bàn. Hàng thứ nhất trong chú giải vừa mở đầu liền nói ‘Phù thiện thuyết pháp giả, vô thuyết, vô thị, thiện thính pháp giả, vô đắc, vô văn’ (Phàm người khéo thuyết pháp thì không nói, không dạy, người khéo nghe pháp thì không có gì để được, không nghe gì) đó là thật sự lắng nghe, đây chẳng phải là cảnh giới của chúng ta, mà là cảnh giới của Pháp Thân đại sĩ, chúng ta chỉ cần lắng nghe là được rồi. Sau đó là lời khai thị của Phật:
Nhược vị lai thế hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, kiến Địa Tạng hình tượng cập văn thử kinh, nãi chí độc tụng, hương hoa ẩm thực, y phục trân bảo, bố thí cúng dường, tán thán chiêm lễ, đắc nhị thập bát chủng lợi ích.
若未來世有善男子善女人。見地藏形像及聞此經。乃至讀誦。香華飲食。衣服珍寶。布施供養。讚歎瞻禮。得二十八種利益。
Vào đời vị lai, nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào trông thấy hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng cùng nghe Kinh này, cho đến đọc tụng, dùng hương hoa, đồ ăn thức uống, y phục, châu báu, mà bố thí cúng dường, ngợi khen chiêm lễ, thì sẽ được hai mươi tám điều lợi ích.
Đoạn này nói sơ lược về phương pháp tu hành, làm thế nào tu phước. Đoạn này chẳng dài, chỉ có hai hàng, trong đó có vài chữ quan trọng, chúng ta nhất định phải chú ý. Thứ nhất là ‘thiện’, thiện nam tử, thiện nữ nhân, tiêu chuẩn thấp nhất của chữ ‘thiện’ là háo thiện háo đức, đây là điều kiện nhất định phải có đủ, người như vậy nhìn thấy hình tượng Địa Tạng Bồ Tát, cúng dường hình tượng Bồ Tát tuyệt đối chẳng phải là mê tín. Tại sao cúng dường hình tượng? Nhìn thấy hình tượng liền nhắc nhở chúng ta lời dạy của Bồ Tát, là có ý nghĩa như vậy. Nếu không nghe danh hiệu, không thấy hình tượng, thì rất dễ quên mất lời dạy của Bồ Tát. Cho nên ý nghĩa quan trọng nhất của danh hiệu và hình tượng là từng giờ từng phút đều nhắc nhở chính mình, phải biết noi gương Địa Tạng Bồ Tát, học theo Địa Tạng Bồ Tát thì phước báo của bạn sẽ lớn. Sau đó ‘hương hoa, thức ăn, quần áo, trân bảo, bố thí cúng dường’, phía trước đã nói tường tận về ý nghĩa này rồi, tất cả đều tiêu biểu lòng cung kính của mình, đều tiêu biểu cho sự phát tâm, phát nguyện mình sẽ y giáo phụng hành. Do đó cúng dường chẳng ở trên những hình thức này, hình thức đều dùng để biểu thị pháp, cúng dường nhất định phải biết cúng dường bằng cách y giáo tu hành, đây là kỳ vọng của Thế Tôn nơi chúng ta. Trong Hạnh Nguyện Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta hết thảy phẩm vật cúng dường chẳng sánh bằng pháp cúng dường, vô lượng vô biên bố thí cúng dường chẳng bằng pháp cúng dường. Trong pháp cúng dường gồm có bảy điều, điều thứ nhất là ‘cúng dường bằng cách y giáo phụng hành’, chúng ta noi theo lời dạy trong kinh điển mà làm, đó mới là cúng dường thật sự.
Cho nên trên mặt Sự, cúng dường là biểu thị pháp, hương biểu thị lòng tin, biểu thị Giới, Định, hoa biểu thị ‘nhân’, thức ăn biểu thị sự tiếp nối huệ mạng Phật, quần áo biểu thị nhẫn nhục, trân bảo biểu thị phước lợi, tất cả đều dùng để biểu thị pháp, tuyệt đối chẳng phải mê tín. Tán thán là giới thiệu pháp môn này, kinh điển này cho người ta biết, vì người diễn nói, giới thiệu cho người ta biết, như vậy gọi là tán thán. Ngôn giáo, dùng ngôn ngữ để tuyên truyền là tán thán; ‘chiêm lễ’ là thân giáo, thực hiện cho người ta coi, như vậy mới thật sự gọi là tu phước. Sau đó mới được hai mươi tám điều lợi ích, nhân quả nhất định sẽ tương ứng. Nhưng có nhiều người đọc kinh này xong rồi thỉnh một tượng Địa Tạng Bồ Tát về nhà thờ cúng, mỗi ngày đốt hương cúng hoa, sáng tối cúng thức ăn chẳng được quả báo, một trong hai mươi tám điều lợi ích này đều chẳng được. Sau đó họ mắng Phật, nói kinh này không linh, chẳng đáng tin. Tại sao họ không cảm được quả báo? Vì họ hiểu sai ý nghĩa hoàn toàn, chỉ chú trọng vào hình thức, trong tâm vẫn tham, sân, si, mạn y như cũ, như vậy thì làm sao cảm được quả báo? Chúng ta phải hiểu rõ ràng hiểu rành mạch từng chữ, từng câu trong đoạn văn này, từ đó tu nhân mới cảm được quả. Đây là lời đức Thế Tôn đích thân nói ra, chắc chắn là ngài không vọng ngữ, không quá đáng, nếu bạn thật sự có thể noi theo kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện mà tu hành thì bạn sẽ được [hai mươi tám điều] lợi ích:
Nhất giả thiên long hộ niệm;
一者天龍護念。
Một là thiên long thường hộ niệm;
Thiên long là thần hộ pháp, nhà Phật gọi là thiên long bát bộ, thần hộ pháp, họ hộ niệm bạn, chúng ta thường nói là họ bảo hựu bạn.
Nhị giả thiện quả nhật tăng;
二者善果日增。
Hai là thiện quả ngày càng tăng;
Chúng ta có thể tưởng tượng được, người này tâm thiện hạnh thiện, nhìn thấy tượng, nghe kinh đọc tụng cúng dường là hạnh thiện, lại có thể diễn nói cho người khác; ở đây chẳng có nói ‘diễn nói cho người khác’, Ngài dùng chữ ‘tán thán chiêm lễ’ chính là diễn nói cho người khác. Trong những kinh thông thường đức Phật dặn dò chúng ta ‘thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói’, đây là lời Phật thường dạy. Kinh Kim Cang rất ngắn chỉ hơn năm ngàn chữ, nhưng trong đó đức Phật lập lại câu này bao nhiêu lần! Tụng một quyển kinh Kim Cang bạn không nhớ những chữ khác, nhưng bạn sẽ nhớ những chữ này vì số lần nó lập đi lập lại quá nhiều. ‘Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói’, chư vị hãy coi đoạn này có ý nghĩa như vậy hay không? Đó là thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói, tán thán là nói, chiêm lễ là diễn, hợp lại là diễn nói. Do đó thiện quả của họ đương nhiên mỗi ngày sẽ tăng thêm. Thiện gia tăng thì ác sẽ giảm bớt, nói cách khác người tu hành noi theo lý luận phương pháp của kinh này sẽ được mỗi ngày nghiệp chướng tiêu trừ, thiện lực tăng trưởng.
Tam giả tập thánh thượng nhân;
三者集聖上因。
Ba là tích tập các nhân thánh thượng;
‘Thánh thượng nhân’ là nhân thành Phật, hiện nay bạn đang tu nhân này.
Tứ giả Bồ Đề bất thoái;
四者菩提不退。
Bốn là tâm Bồ Đề không thoái chuyển;
‘Bồ Đề’ là tâm Bồ Đề, cách giải thích tâm Bồ Đề đơn giản nhất là tâm giác ngộ chẳng thoái chuyển, trong đời sống hằng ngày người này đối người, đối sự, đối vật chẳng mê hoặc, chẳng điên đảo, họ giác ngộ, bất cứ lúc nào cũng có cảnh giác cao độ.
Ngũ giả y thực phong túc;
五者衣食豐足。
Năm là y phục, thực phẩm đầy đủ;
‘Phong túc’ chẳng có nghĩa là ‘rất nhiều’ như chúng ta thường nghĩ, hiểu vậy thì sai rồi. ‘Phong túc’ nghĩa là chắc chắn sẽ không thiếu thốn, người tu đạo biết đủ thì thường vui (tri túc thường lạc), đó mới thật sự là phong túc; họ sẽ không thiếu thốn, có cần gì thì họ đều đạt được, đều có được.
Lục giả tật dịch bất lâm;
六者疾疫不臨。
Sáu là dịch bịnh không đến nơi thân;
Có thể xa lìa tật bịnh. Hai chữ này là tật bịnh, hiện nay chúng ta gọi là bịnh truyền nhiễm, họ sẽ không gặp. Tại sao vậy? Tâm thanh tịnh, tâm từ bi, tâm hiền lương thì sẽ không gặp những bịnh này, những bịnh này có quan hệ mật thiết với tâm địa con người.
Thất giả ly thủy hỏa tai;
七者離水火災。
Bảy là xa lìa các tai nạn về nước và lửa;
Bạn sẽ không gặp những tai nạn này, bạn có thể tránh được.
Bát giả vô đạo tặc ách;
八者無盜賊厄。
Tám là không bị tai ách trộm cướp;
Đây là tai hại do người tạo ra, kẻ cướp giựt đồ, kẻ ăn cắp vặt bạn cũng không gặp phải. Bạn sẽ tránh khỏi những chuyện này, nghĩa là một lúc nào đó trong mạng bạn vốn sẽ gặp những chuyện này nhưng bạn có thể tránh khỏi, đó mới là lợi ích thật sự. Trong mạng của bạn không có những chuyện đòi nợ, trả nợ với người ta thì không tính; còn trong mạng của bạn vốn có, vốn sẽ gặp phải chuyện này, nhưng bạn sẽ tránh khỏi, như vậy mới là do công đức tu hành của bạn chuyển đổi được cảnh giới.
Cửu giả nhân kiến khâm kính;
九者人見欽敬。
Chín là người khác thấy đều cung kính;
Một người tu hành, người tu hành chân thật, tâm địa hiền lương từ bi, đối đãi người đều thành khẩn, hòa nhã, người ác nhìn thấy cũng cung kính ba phần, đây là đạo lý nhất định.
Thập giả thần quỷ trợ trì;
十者神鬼助持。
Mười là quỷ thần đều hộ trì.
Giống như lời của Kiên Lao địa thần đã nói ‘người chân chánh tu hành y theo lời dạy thì quỷ thần cũng hộ vệ’, luôn luôn bảo hựu bạn.
Thập nhất giả nữ chuyển nam thân;
十一者女轉男身。
Mười một là thân nữ chuyển thành thân nam;
Thân nữ khổ nhiều hơn thân nam, nếu không chịu thọ thân nữ muốn chuyển thành thân nam, có thể chuyển hay không? Có thể chuyển. Nhưng cũng có người chịu làm thân nữ, sau đó nói:
Thập nhị giả vi vương thần nữ;
十二者為王臣女。
Mười hai là làm con gái hàng vương giả, đại thần;
Quốc vương đại thần, sanh vào nhà phú quý đều có thể đạt được. Phát tâm này hơn phân nửa đều là Bồ Tát, họ dùng thân phận này để độ hóa chúng sanh, đem lại lợi ích cho xã hội.
Thập tam giả đoan chánh tướng hảo;
十三者端正相好。
Mười ba là tướng mạo đoan chánh, tốt đẹp;
Chúng ta thường nói ‘tướng chuyển theo tâm’, tâm tốt thì tướng sẽ tốt.
Thập tứ giả đa sanh thiên thượng;
十四者多生天上。
Mười bốn là phần nhiều được sanh lên cõi trời;
Đây là do bạn tu phước, phước đó rất lớn, phước lớn cõi người không có chỗ để hưởng thọ nên phải lên trời để hưởng.
Thập ngũ giả hoặc vi đế vương;
十五者或為帝王。
Mười lăm là có thể làm bậc đế vương;
Chúng ta biết những vị vua đời xưa, hiện nay những vị lãnh đạo quốc gia đều là người đời trước tu phước báo to lớn nên mới cảm được quả báo làm vua. Người chẳng có phước báo sẽ chẳng bao giờ được quả báo ấy, không những đạt không được cho dù có người tặng cho họ, họ cũng chẳng nhận nổi. Điều này đúng như câu ‘một miếng ăn, một hớp nước đều được định trước’, trong mạng của bạn có thì nhất định sẽ có, trong mạng không có thì cầu cũng không được. Phía trước tôi đã từng nói với quý vị, người không có phước báo lớn như vậy, quan tước cấp trên ban cho họ, chưa nhận được thì họ đã chết mất. Việc này tôi thấy xảy ra rất nhiều. Họ chỉ có chức tước như vậy, vừa được thăng chức, chưa nhận chức thì người ấy đã chết. Cho nên nói công danh lợi lộc thế gian đều do đời trước hoặc đời này tu được, đa số đều do đời trước tu được, đời này bạn gặp thiện tri thức chỉ dẫn, đời này tu thì đời này có thể chuyển nghiệp. Như ông Liễu Phàm mà quý vị ai cũng quen thuộc, những gì được dạy trong cuốn ‘Bốn lời giáo huấn gia đình của Viên Liễu Phàm’, ngay đời này ông ta có thể chuyển đổi vận mạng, trong đó đều có đạo lý rõ ràng.
Thập lục giả túc trí mạng thông;
十六者宿智命通。
Mười sáu là biết rõ việc đời trước;
‘Túc trí mạng thông’ cũng như hiện nay chư vị đều quen thuộc với danh từ ‘công năng đặc biệt kỳ lạ’, đây là do đời trước tu được. Mấy bữa trước có người tặng một CD cho tôi, tôi cũng không biết ai tặng, hôm qua tôi coi thử, trong đó có một em nhỏ bốn tuổi biết viết thư pháp, viết rất đẹp, chữ của một em bé bốn tuổi viết được khắc vào bia, viết đẹp như vậy. Đây là thiên tài! Đó là ‘túc trí mạng thông’, chẳng phải do đời này, mà nhờ đời trước mới có, những chuyện giống như vậy rất nhiều.
Thập thất giả hữu cầu giai tùng;
十七者有求皆從。
Mười bảy là có mong cầu thì đều được toại ý;
Đây chính là ‘có cầu ắt ứng’. Tại sao họ có cầu đều được ứng? Vì nghiệp chướng của họ đã bị tiêu trừ, chẳng có chướng ngại, cho nên có cầu ắt ứng.
Thập bát giả quyến thuộc hoan lạc;
十八者眷屬歡樂。
Mười tám là quyến thuộc an vui;
Đây là điều mà nhà Nho nói: ‘tự mình thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, cả nhà sẽ được vui vẻ’, rất có lý.
Thập cửu giả chư hoạnh tiêu diệt;
十九者諸橫消滅。
Mười chín là các hoạnh sự đều dứt sạch;
Trong mạng có tai nạn, chúng ta gọi là tai nạn ngoài ý muốn, hoạnh sự là tai nạn ngoài ý muốn, trong mạng vốn có hoạnh sự, vốn sẽ gặp, lúc này sẽ bị tiêu trừ, nghiệp chướng tiêu trừ.
Nhị thập giả nghiệp đạo vĩnh trừ;
二十者業道永除。
Hai mươi là các nghiệp đạo đều trừ hẳn;
Nghiệp đạo là ác đạo, họ vốn có tội nghiệp phải đọa ác đạo, bây giờ nhất định sẽ không bị đọa ác đạo.
Nhị thập nhất giả khứ xứ tận thông;
二十一者去處盡通。
Hai mươi mốt là đi đâu cũng tới nơi cả;
‘Khứ xứ’, sau khi chúng ta chết, mười pháp giới là mười con đường bày ra trước mặt, phàm phu thông thường bị nghiệp lực dẫn dắt, tự mình chẳng có cách gì lựa chọn, như vậy rất khổ, bị nghiệp lực lôi kéo. Người giác ngộ, người có trí huệ có thể tự mình chọn lựa thì sẽ tự tại, bất luận chọn đường nào cũng thông suốt, cũng không bị chướng ngại. Cõi trời Dục Giới, Sắc Giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều do chính mình chọn lựa.
Nhị thập nhị giả dạ mộng an lạc;
二十二者夜夢安樂。
Hai mươi hai là đêm nằm mộng được an ổn, vui vẻ;
Phàm phu ai cũng nằm mộng, bạn sẽ không bị ác mộng nữa, người thường có ác mộng thì phải cảnh giác, tại sao lại bị ác mộng? Vì tâm niệm ác nhiều, tập khí ác nhiều nên mới bị ác mộng, cho nên từ việc nằm mộng cũng có thể biết tự mình tu hành có tiến bộ hay không?
Nhị thập tam giả tiên vong ly khổ;
二十三者先亡離苦。
Hai mươi ba là tổ tiên đã mất được lìa khổ;
Những người nhà quyến thuộc đã mất nhờ phước của bạn, bạn tu hành giỏi, tu có công đức nên họ được phước lây, có thể thoát ra khỏi ác đạo, có thể giảm bớt đau khổ.
Nhị thập tứ giả túc phước thọ sanh;
二十四者宿福受生。
Hai mươi bốn là nhờ phước đời trước mà thọ sanh;
Tương lai bạn đi đầu thai nhờ vào phước báo này, bạn nhất định sẽ sanh tới phước địa, sanh tới nhà có phước.
Nhị thập ngũ giả chư thánh tán thán;
二十五者諸聖讚歎。
Hai mươi lăm là chư thánh đều khen ngợi;
‘Chư thánh’ là chỉ Phật, Bồ Tát.
Nhị thập lục giả thông minh lợi căn;
二十六者聰明利根。
Hai mươi sáu là căn tánh thông minh, lanh lợi;
Thông minh lợi căn là quả báo có được từ việc bố thí pháp, trong đó có khen ngợi, chiêm lễ.
Nhị thập thất giả nhiêu từ mẫn tâm;
二十七者饒慈愍心。
Hai mươi bảy là giàu lòng từ mẫn;
Tâm từ bi của bạn, tâm thương xót hết thảy chúng sanh sẽ tăng lên.
Nhị thập bát giả tất cánh thành Phật.
二十八者畢竟成佛。
Hai mươi tám là rốt ráo thành Phật.
‘Rốt ráo thành Phật’ là nói sau cùng, đời này không phát nguyện vãng sanh bất thoái thành Phật, tương lai cũng sẽ có duyên này. Duyên này không nhất định là ở đời sau, hay là ở đời sau nữa sẽ gặp được; vì thường được chư Phật hộ niệm, có Địa Tạng Bồ Tát gia trì. Đây là nói bạn sẽ được nhiều lợi ích như vậy. Đoạn này pháp sư Thanh Liên có chú giải rất hay, chư vị có thể tham khảo. Xem tiếp đoạn kinh kế tiếp, ở trang một trăm lẻ bảy:
Phục thứ Hư Không Tạng Bồ Tát! Nhược hiện tại vị lai, thiên long quỷ thần văn Địa Tạng danh, lễ Địa Tạng hình, hoặc văn Địa Tạng Bổn Nguyện sự hạnh, tán thán chiêm lễ.
復次虛空藏菩薩。若現在未來。天龍鬼神聞地藏名。禮地藏形。或聞地藏本願事行。讚歎瞻禮。
Lại nữa, này Hư Không Tạng Bồ Tát! Như hàng trời, rồng, quỷ thần ở hiện tại và vị lai, nghe danh hiệu của Địa Tạng, lễ bái hình tượng của Địa Tạng, hoặc nghe các việc về bổn nguyện tu hành của Địa Tạng, mà ngợi khen chiêm lễ.
Câu trả lời của Thế Tôn chia thành hai đoạn, đoạn trước nói về hai mươi tám thứ phước lợi, đây là đối với thiện nam tử, thiện nữ nhân đời Mạt pháp tu hành y theo lời dạy. Đoạn này ở đây, vì câu hỏi của họ bao gồm chúng sanh trong sáu nẻo, trong đó người tu hành y theo lời dạy sẽ được hai mươi tám điều lợi ích; vậy còn năm nẻo kia thì sao? Chư thiên, quỷ thần, đức Phật cũng nói rõ ý nghĩa này. Chữ quan trọng trong đoạn này là ‘văn Địa Tạng danh’ (nghe danh hiệu Địa Tạng), chữ ‘văn’ này rất quan trọng! ‘Lễ Địa Tạng hình’, trong chữ ‘lễ’ bao gồm tu hành, lễ kính, tán thán, đây là nói thiên long quỷ thần hiện tại và vị lai. Chúng ta đọc kinh có thiên long quỷ thần đến nghe, mắt thịt chúng ta nhìn không thấy nhưng có thể cảm nhận được; tâm bạn càng thanh tịnh thì càng dễ cảm nhận. Dù chỉ có một người đọc kinh, người đó ở trong phòng đọc kinh chẳng có ai nhìn thấy, có thiên long quỷ thần đến, nhiều khi chúng ta sẽ ngửi được mùi hương lạ, đây là việc thường gặp nhất. Hương này từ đâu đến? Lúc chúng ta đọc kinh, đặc biệt là lúc bắt đầu học, lúc đó chẳng biết đốt hương. Cổ đức nói với chúng ta, có thiên thần đi ngang gặp lúc bạn đọc kinh, họ sẽ dừng lại chắp tay cung kính tán thán, trên thân họ có mùi hương, do đó bạn ngửi được mùi hương lạ này. Đôi lúc vài người cùng nhau thảo luận kinh điển, tâm địa cũng rất thanh tịnh, lúc đó tâm địa từ bi, hiền thiện, lúc bạn nghiên cứu thảo luận như vậy, có thiên long quỷ thần đi ngang nhìn thấy họ cũng sẽ dừng lại, sẽ chắp tay cung kính chào. Lúc đó những người này cũng sẽ ngửi được mùi hương lạ, chuyện này chúng ta thường nghe nói tới, chính chúng ta cũng từng trải qua. Cho nên chúng ta đọc kinh, nghiên cứu thảo luận tu hành, đừng tưởng là không có ai nhìn thấy, mắt thịt chúng ta nhìn không thấy [chứ thật ra có rất nhiều thiên long quỷ thần này đang ở chung quanh].
Bạn hiểu được đạo lý và sự thật này thì phải giác ngộ, khi chúng ta khởi một ác niệm, làm một việc xấu đừng tưởng là không có ai biết, thiên long quỷ thần đều biết. Bạn có thể gạt người chứ không thể gạt quỷ thần, đúng như câu nói ‘trên đầu ba thước đều có thần minh’, lời này là thật chẳng phải giả. Họ ‘văn Địa Tạng Bổn Nguyện sự hạnh’ (nghe chuyện và hạnh nguyện của Địa Tạng), họ làm sao nghe được? Nhờ chúng ta đọc kinh nên họ nghe được, chúng ta đọc ra tiếng, không ra tiếng cũng không sao, đọc ra tiếng dĩ nhiên càng tốt, đọc không ra tiếng thì cũng đọc từng chữ, từng chữ cho tới hết, như vậy cũng có cảm ứng. Chúng ta cảm ứng đạo giao với thiên địa quỷ thần, hết thảy chúng sanh đều là tác dụng của tâm, phía trước đã nói với chư vị rồi, khi tâm khởi niệm thì sẽ phát ra sóng, sóng vô cùng nhỏ bé, quỷ thần có thể khởi cảm ứng, [sóng này] có thể cảm ứng với sóng của họ, nhờ vậy họ sẽ biết, sẽ nhìn thấy, nghe thấy, cho nên họ ‘tán thán chiêm lễ’, chiêm lễ là cung kính tột cùng.
Đắc thất chủng lợi ích.
得七種利益。
Thì sẽ được bảy điều lợi ích.
Lúc cung kính tán thán chiêm lễ họ cũng được lợi ích.
Nhất giả tốc siêu thánh địa;
一者速超聖地。
Một là mau vượt thánh địa;
‘Thánh’ là chỉ quả vị Bồ Tát, có thể giúp họ nâng cao cảnh giới. Nếu là những việc thiện thông thường trong thế gian, đối với việc thiện của thế gian thì chữ ‘thánh địa’ là chỉ chư thiên. Bạn hãy coi nhà Nho, trong tiểu thuyết hay bút ký của người xưa có thể thấy những người đọc sách Nho, đọc sách đạo Lão, thậm chí người đọc kinh điển của các tôn giáo khác cũng có thể cảm được thiên long quỷ thần nghe danh lễ kính, nói ‘mau vượt thánh địa’ nghĩa là sanh lên trời; vì những điều họ nghe khác nhau [nhưng nói chung đều là sanh lên trời]. Kinh điển nhà Phật có thể giúp họ siêu phàm nhập thánh, chúng ta đọc kinh không những có thể độ người mà cũng độ chúng sanh trong lục đạo.
Nhị giả ác nghiệp tiêu trừ;
二者惡業消滅。
Hai là ác nghiệp được tiêu trừ;
Những quỷ thần này là phàm phu, chẳng phải thánh nhân, họ còn trong lục đạo, chưa ra khỏi lục đạo, phiền não tập khí của họ còn rất nặng, thường thường nghe pháp, được Phật pháp hun đúc, hạt giống ác nghiệp dần dần tiêu diệt. Quỷ thần như vậy thì chúng ta đâu lẽ nào ngoại lệ? Chúng ta muốn công phu của mình được đắc lực, cho nên Phật dạy chúng ta, trong Tam Phước, đức Phật khuyên chúng ta ‘đọc tụng Đại Thừa’, phải niệm kinh mỗi ngày. Không những phải niệm, tốt nhất là mỗi ngày đều giảng, giảng là gì? Giảng là khuyên người ta, khuyên người cũng là khuyên mình, thật sự được lợi ích là chính mình. Chúng ta giảng một bộ kinh cần có thời gian rất dài, giảng bộ kinh này từ đầu đến cuối kẻ được lợi ích lớn nhất chính là mình, thính chúng có khi không rảnh rỗi thì họ sẽ không đến nghe, có nhiều buổi giảng họ sẽ không nghe được, còn người giảng không thiếu sót ngày nào, người nghe thì thường nghe thiếu sót, cho nên người giảng được công đức viên mãn, người nghe chưa chắc được viên mãn, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Khi chúng ta còn chưa thành tựu, giảng kinh là tự lợi, cho nên chúng ta đứng trên giảng đài, tôi đã nói với các vị đồng tu rất nhiều lần, chúng ta dùng thái độ của học sinh trên giảng đài để thực tập báo cáo, những người ngồi ở dưới đều là thầy giáo của mình, họ đều là người giám sát chúng ta; trên giảng đài chúng ta báo cáo những gì chúng ta học được, tu được cho thầy giáo, giám học, gia trưởng mà thôi. Chúng ta dùng thái độ như vậy thì chính chúng ta được lợi ích viên mãn. Ngày nào đó chúng ta thật sự minh tâm kiến tánh, thừa nguyện tái lai thì mới có thể nói là mình giảng kinh thuyết pháp cho người khác nghe. Khi chưa kiến tánh, chưa thành tựu là giảng cho chính mình nghe, khuyến khích chính mình, mọi người cùng nhau khuyến khích, được vậy thì ác nghiệp tập khí làm sao không tiêu trừ được? Do đó phải giảng không ngừng. Có nhiều người nói tôi thích giảng kinh, chẳng phải là tôi thích giảng kinh, mà là tôi phải tiêu nghiệp chướng, tôi dùng phương pháp này để tiêu trừ nghiệp chướng rất có hiệu quả, cho nên nói thật ra nếu ba tháng không giảng kinh thì tập khí lỗi lầm gì cũng hiện ra. Mỗi ngày giảng là mỗi ngày khuyên nhủ, mỗi ngày đè nén, hàng phục [lỗi lầm của mình]. Mở kinh ra là đối diện với Phật, Bồ Tát, tiếp nhận lời dạy của Phật, Bồ Tát, chúng ta phải hiểu đạo lý này.
Tam giả chư Phật hộ lâm;
三者諸佛護臨。
Ba là chư Phật đến ủng hộ;
‘Hộ’ là hộ niệm, ‘lâm’ là cảm ứng, cảm được Phật đến hộ niệm.
Tứ giả Bồ Đề bất thoái;
四者菩提不退。
Bốn là Bồ Đề không thoái thất;
Thường thường có thể giữ được tâm Bồ Đề, tâm giác ngộ, tâm ưa việc thiện, tâm làm lợi ích cho chúng sanh, đó chính là tâm Bồ Đề.
Ngũ giả tăng trưởng bổn lực;
五者增長本力。
Năm là bổn lực được tăng trưởng;
‘Bổn’ là vốn có, trong tự tánh vốn đầy đủ, vốn đầy đủ lực gì? Lực đó chẳng thể nghĩ bàn. Trong kinh đức Phật thường nói ‘Quyền Thật nhị trí’, đây là nói nhiều nhất, tăng trưởng Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, trong kinh Đại Thừa gọi là ‘Tam Muội Chánh Thọ’, ý này cũng vô cùng sâu rộng. Căn Bản Trí rất khó đạt được, ngày nay chúng ta chỉ có thể đạt được mức tương tợ, chẳng phải thật. Pháp Thân đại sĩ mới có Căn Bản Trí thật sự, chúng sanh trong mười pháp giới đều không có, Tứ Thánh pháp giới trong mười pháp giới là ‘Tương Tự vị’, lục đạo phàm phu tu giỏi cách mấy cũng là Quán Hạnh Vị, chúng ta phải hiểu rõ việc này. Tại sao vậy? Tâm thanh tịnh không đạt tới mức này. Ngày nay chúng ta nói thanh tịnh [nhưng] nghiệp lực tập khí phiền não vẫn còn khởi lên, đó nghĩa là thị phi nhân ngã, tham sân si mạn cũng vẫn còn khởi lên mà mình không biết. Căn Bản Trí từ đâu tới? Căn Bản Trí là thanh tịnh bình đẳng, tâm thật sự được thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì sẽ không khởi phiền não, bình đẳng là tuyệt đối không có phân biệt, như vậy mới đạt được bình đẳng. Tâm thanh tịnh bình đẳng chính là Căn Bản Trí. ‘Trong kinh Bát Nhã gọi là Bát Nhã Vô Tri, đó chính là Căn Bản Trí. Lúc nó khởi tác dụng thì sẽ ‘vô sở bất tri’ (chẳng có gì không biết), ‘Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri’.
Ngày nay chúng ta có ‘tri’ (biết), có ‘tri’ thì sẽ ‘sở hữu bất tri’ (có việc mình không biết), chúng ta trở thành cái gì cũng không biết. [Sau khi] học tập cứ cho rằng đó là ‘tri’, đó chưa chắc là cái biết chính xác, có khi sẽ lầm lẫn, hiểu sai, hiểu không đúng. Do đó phải nương vào kinh điển của Phật, lời Phật nói là chánh tri chánh kiến, chúng ta đối chiếu những gì chúng ta hiểu được với kinh điển, nếu những gì chúng ta hiểu được giống lời dạy trong kinh Phật, vậy thì kiến giải, tư tưởng của chúng ta mới chính xác. Nếu những gì chúng ta hiểu được khác lời dạy trong kinh điển, vậy thì chúng ta phải phản tỉnh, phải kiểm điểm, chúng ta sai rồi, kinh Phật chẳng sai. Noi theo tiêu chuẩn trong kinh Phật thì sửa đổi tư tưởng, kiến giải của chúng ta gọi là tu tâm, gọi là tu từ căn bản. Tâm địa thanh tịnh sẽ sanh trí huệ, trí huệ đó chính mình có thể thọ dụng, và cũng có thể đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sanh, đó gọi là ‘Hậu Đắc Trí’, chẳng có gì không biết. Do đó nói là ‘tăng trưởng bổn lực’. Trong chú giải có nói tới ‘thâm hạnh Bồ Tát, cụ túc bi trí nhị tăng’ (hành sâu hạnh Bồ Tát, đầy đủ Bi Trí cả hai đều tăng trưởng), cách nói này cũng tốt. Ngoài hai thứ ‘Trí’ nói trên, còn nói tới từ bi. Trí và Bi hiện tiền, tâm từ bi nhất định sẽ khởi lên, trí huệ càng rộng lớn, thì tâm từ bi càng rộng lớn, đây là đạo lý nhất định.
Lục giả túc mạng giai thông;
六者宿命皆通。
Sáu là việc đời trước đều rõ biết;
Chúng ta gọi đó là thần thông. Trong kinh đức Phật nói thần thông ‘dựa vào định lực mà hiện ra’. Thần thông là bản năng, tại sao bản năng ấy mất đi? Vì tâm tư rối loạn nên bản năng không thể hiện ra. Lúc trước tôi ở Mỹ, có một vị đồng tu gặp một người có khả năng đặc biệt kỳ lạ từ Trung Quốc đại lục, người đó dùng mắt thịt có thể nhìn thấu nội tạng của người ta, người đó có khả năng như vậy, họ gọi đó là nhãn quang X. Có một vị đồng tu cho ông đó coi để trắc nghiệm [khả năng của ông ta], coi xong ông nói bà lúc trước bị bịnh lao phổi, hiện nay đã lành bịnh rồi, vẫn còn một vết thẹo ở đâu đó trên thân bà, bà này nghe xong hết hồn hết vía. Lúc trước đích thật là bà đã bị bịnh này, từ trước tới giờ không có ai biết hết, đã lập gia đình nhiều năm rồi ngay cả chồng bà cũng không biết, ông này vừa nhìn liền thấy, thật là quá tài giỏi. Sau đó bà hỏi: ‘Khả năng này của ông có thể mất hay không?’. Ông ta nói ‘Cũng có thể’. ‘Tại sao lại bị mất?’ ‘Khi biết nhiều việc quá, đầu óc phức tạp quá thì sẽ mất’. Do đó những người này rất ít tiếp xúc với [xã hội] bên ngoài, để giữ gìn tâm thanh tịnh của họ, [nói như vậy] rất hợp với [cách giải thích của] Phật pháp. Do đó khả năng, trí huệ đều sanh ra từ tâm thanh tịnh; tâm bạn càng thanh tịnh thì trí huệ, đức năng của bạn càng mạnh, đạo lý là như vậy. Tâm càng phức tạp thì càng tệ, thị phi nhân ngã, tham sân si mạn càng ít càng tốt. Trí huệ, đức năng từ trong tự tánh của bạn sẽ thấu ra ngoài, các thứ thị phi nhân ngã, tham sân si mạn này là chướng ngại to lớn! Tâm mình nhất định phải thanh tịnh, phải hiểu rõ ràng. Đặc biệt là chúng ta muốn học Giáo, tương lai muốn tạo lợi ích cho chúng sanh [thì phải đọc kinh, nghiên cứu giáo lý], kinh điển là trí huệ rốt ráo viên mãn, khi chúng ta mở kinh ra nếu bạn dùng tâm phiền não, tâm loạn thì nhất định sẽ không đạt được lợi ích, không thể hiểu được nghĩa trong kinh. Nếu chư vị đồng tu muốn giảng kinh cho hay, giảng rất viên mãn, thì không cần gì khác ngoài tâm thanh tịnh mà thôi. Xa lìa danh văn lợi dưỡng, xa lìa ngũ dục lục trần, thì khi mở kinh ra bạn sẽ hiểu rõ ý Phật. Tại sao hiểu được? Ý tứ của Phật chính là tánh đức của chính mình cho nên bạn mới có thể hiểu rõ, đều từ tánh đức của chính mình mà ra. Đó là ‘việc đời trước đều rõ biết’.
Thất giả tất cánh thành Phật.
七者畢竟成佛。
Bảy là rốt ráo thành Phật.
Vì sách bạn đọc là kinh Phật, bất cứ một cuốn kinh Phật nào đoạn cuối đều dẫn về một chỗ giống nhau, nhất định sẽ quy về Vô Thượng Bồ Đề, cho nên ‘rốt ráo thành Phật’. Đây là nói bảy điều lợi ích. Chúng ta coi tiếp đoạn kinh cuối cùng:
Nhĩ thời thập phương nhất thiết chư lai, bất khả thuyết, bất khả thuyết chư Phật Như Lai, cập Đại Bồ Tát, thiên long bát bộ.
爾時十方一切諸來。不可說。不可說諸佛如來。及大菩薩。天龍八部。
Bấy giờ không thể nói hết không thể nói hết tất cả chư Phật Như Lai cùng Đại Bồ Tát, Thiên Long Bát Bộ.
Đại hội ở cung trời Đao Lợi kết thúc, ở đây chúng ta đặc biệt phải biết lúc đại hội vừa bắt đầu mười phương hết thảy chư Phật đều đến, chư Phật Như Lai trong hội này chẳng có một ai bỏ đi giữa chừng, chẳng có. Các ngài đều lưu lại đến lúc pháp hội kết thúc viên mãn, điểm này rất thù thắng, chẳng thể nghĩ bàn, chúng ta chưa từng thấy trong tất cả kinh điển. Có khi nào đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh mà nhiều vị Phật đến nghe như vậy, chưa có bao giờ. Trong hội giảng kinh Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ chúng ta cũng thấy mười phương Bồ Tát đến dự chứ chẳng thấy Phật đến dự. Khi đức Phật giảng tới chỗ quan trọng, chư Phật mới đến chứng minh, đến thị hiện một lát. Đâu có như pháp hội này từ đầu tới cuối mười phương hết thảy chư Phật đều đến dự chẳng sót một ai, từ điểm này bạn mới biết tầm quan trọng của pháp hội này. Cho nên pháp này là pháp căn bản của nhà Phật, trong pháp Đại Thừa bất luận là tu học pháp môn nào, kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện chính là cơ sở, là căn bản, lìa khỏi cơ sở này thì tu học bất cứ pháp môn nào chắc chắn cũng chẳng thành công, cho nên pháp hội này quan trọng phi thường!
Văn Thích Ca Mâu Ni Phật xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ Tát đại oai thần lực, bất khả tư nghị, thán vị tằng hữu.
聞釋迦牟尼佛稱揚讚歎地藏菩薩大威神力。不可思議。歎未曾有。
Ở mười phương nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngợi khen tuyên bày sức đại oai thần không thể nghĩ bàn của Địa Tạng Bồ Tát, đều khen là việc chưa từng có.
Câu này là lời chư Phật Như Lai tán thán Thích Ca Mâu Ni Phật, chư Phật tán thán nghĩa là chứng minh cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni, những lời đức Phật Thích Ca nói đều chân thật, chư Phật đến chứng minh.
Thị thời Đao Lợi thiên,
是時忉利天。
Lúc đó, tại cung trời Đao Lợi,
Đây là nói về đạo tràng.
Vũ vô lượng hương hoa, thiên y, châu anh,
雨無量香華。天衣。珠瓔。
Mưa xuống vô lượng hương hoa, thiên y, châu báu,
‘Châu’ là châu báu, ‘anh’ là anh lạc, đây là điềm lành của trời đất.
Cúng dường Thích Ca Mâu Ni Phật cập Địa Tạng Bồ Tát dĩ, nhất thiết chúng hội câu phục chiêm lễ, hiệp chưởng nhi thoái.
供養釋迦牟尼佛及地藏菩薩已。一切眾會俱復瞻禮。合掌而退。
Để cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Địa Tạng. Xong rồi, tất cả đại chúng trong pháp hội đều lại chiêm lễ, chắp tay mà lui ra.
‘Tất cả đại chúng trong pháp hội’ bao gồm chư Phật Như Lai. Chiêm lễ thêm lần nữa quyến luyến chẳng muốn về, sau đó mới giải tán. Chúng ta thấy đoạn kết trong kinh này khác với những kinh khác, những kinh khác đoạn kết có câu ‘y giáo phụng hành’, còn kinh này dùng chữ ‘hiệp chưởng nhi thoái’ (chắp tay rồi lui ra), tại sao vậy? [Vì những người tham dự phần đông là] chư Phật Như Lai. Hội giảng kinh này vô cùng khác thường! Pháp sư Thanh Liên chú thích rất hay, chư vị có thể coi cặn kẽ. Hôm nay chúng tôi đã giảng xong kinh này, lần này là vì đạo tràng ở Cửu Hoa Sơn, pháp hội năm nay khải thỉnh giảng kinh này, và cũng vì thời gian hạn chế, có nhiều chỗ không thể nói kỹ hơn, do đó chúng tôi nghĩ tuần sau bắt đầu giảng lại kinh này thêm lần nữa, lần này chúng tôi không có giảng về Huyền Nghĩa, tuần sau sẽ bổ túc phần Huyền Nghĩa này.
Tốt lắm, hôm nay pháp hội kết thúc viên mãn, xin cám ơn quý vị.
Trong quá trình chuyển ngữ chắc không tránh khỏi thiếu sót, xin các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho.
Xin thành thật cám ơn.
Nhóm Diệu Âm, ngày 4 tháng 9 năm 2010
[1] Chữ 遺 (di) trong chánh kinh (trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh), có nghĩa là “bỏ sót, làm mất vì vô ý”, chữ này chép sai, vì thế hòa thượng mới bảo chữ này phải là chữ 遣 (khiển) (vì thế, trong phần chánh kinh ở đây, đã sửa thành chữ Khiển (sai khiến).
[2] Tam Quán của tông Thiên Thai gồm Giả, Không, và Trung. Giả là Tục Đế, Không là Chân Đế, Trung là Đệ Nhất Nghĩa Đế.
[3] Tiêu quy tự tánh : Từ sự tướng thấy được tự tánh nên gọi là “quy”, do đã thấy tự tánh không còn chấp trước vào hình tướng nên hình tướng dẫu có mà cũng như không, giống như đã tiêu mất hết, không còn gì nữa nên nói là “tiêu”.
[4] Đây là một câu giảng rất hay, dùng Tam Quán để thuyết minh toàn bộ diễn biến của pháp hội Địa Tạng Bồ Tát. Danh hiệu của Địa Tạng và Hư Không Tạng có thể nói là một, vì chỉ nhìn theo chiều dọc hay chiều ngang mà thôi. Địa Tạng có thể nói là về phương diện thời gian vì đất có biến đổi hình dạng, nhưng phẩm đức không mất, bất biến, tức là trong Sự hàm chứa Lý, Hư Không vĩnh viễn không biến đổi, nhưng vẫn có thể dung chứa vô lượng vạn pháp, tức là Lý có thể hóa hiện Sự. Nói cách khác, Địa Tạng là nói về phương diện Chiếu mà Tịch (vì đất có thể sanh trưởng muôn vật, hàm chứa muôn vật, nhưng luôn bất động), Hư Không Tạng là Tịch mà Chiếu vì hư không rỗng tuếch, bất động, nhưng không gì ra ngoài hư không.
Lại nữa, những câu hỏi của ngài Hư Không Tạng lại hoàn toàn nói đến những phước lợi về mặt sự tướng, nhưng những phước lợi ấy đều nhằm giúp hành nhân thuận lợi chứng đạo, tức là từ Không (bản thể của vạn pháp) nói đến hình tướng. “Toàn Không tức Giả”, Không chính là Giả, tức là nói đến bậc Bồ Tát chứng ngộ Chân Đế trở vào Tục Đế độ sanh (tông Thiên Thai gọi là từ Không nhập Giả). Giả và Không chỉ là hai danh từ khác nhau của cùng một bản thể Nhất Như (Trung), tạng bí mật ở đây chính là Chân Như Bản Tánh.
Hơn nữa, kinh được mở đầu bằng ngài Văn Thù tức là từ Căn Bản Trí, thể hiện qua những đời quá khứ phát nguyện của Địa Tạng Bồ Tát, nhằm nói lên ý “từ Tánh khởi Tu”, từ Không nhập Giả, được nối kết bằng những vị Bồ Tát như Phổ Hiền, Phổ Quảng, Vô Độc Quỷ Vương, Đại Biện Trưởng Giả, Quán Thế Âm v.v... đều là Sai Biệt Trí, rồi kết thúc bằng Hư Không Tạng, tức là từ Giả nhập Không để chứng thấu triệt trung đạo, tức là Căn Bản Trí và Sai Biệt Trí hợp nhất vào Thật Trí.
[5] Trong Lục Độ, ba độ đầu thuộc về Phước, còn ba độ sau thuộc về Huệ. Hoặc nói chính xác hơn ngay cả Định và Tinh Tấn cũng thuộc phước, vì vẫn còn nằm trong vòng sự tướng. Điều đáng nhấn mạnh ở đây là tu phước bằng Định, tức là tu phước đến mức tam luân thể không.
[6] hai câu này là lời giảng trong sách Chú Giải của pháp sư Thanh Liên.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.