Xin mở Khoa Chú, quyển Hạ trang tám mươi hai, hàng thứ hai đếm ngược lại:
Dục tu Vô Thượng Bồ Ðề giả,
Nãi chí xuất ly tam giới khổ,
Thị nhân ký phát đại bi tâm,
Tiên đương chiêm lễ Đại Sĩ tượng,
Nhất thiết chư nguyện tốc thành tựu,
Vĩnh vô nghiệp chướng năng già chỉ.
欲修無上菩提者
乃至出離三界苦
是人既發大悲心
先當瞻禮大士像
一切諸願速成就
永無業障能遮止
Bồ Đề Vô Thượng muốn tu hành,
Thậm chí lìa xa khổ Tam Giới,
Người này đã phát đại bi tâm,
Trước nên chiêm lễ tượng Đại Sĩ,
Hết thảy nguyện ước chóng thành tựu,
Nghiệp chướng vĩnh viễn chẳng ngăn đặng.
Ðoạn này [theo sách Khoa Chú] có tựa đề là ‘Tụng thành độ sanh’. ‘Dục tu vô thượng Bồ Ðề giả’ (Người muốn tu Vô Thượng Bồ Ðề), đây là Bồ Tát phát tâm, vô thượng Bồ Ðề chính là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, ‘xuất ly tam giới khổ’ (thoát ra khỏi nỗi khổ trong tam giới), người Tiểu Thừa cũng làm được, trong Phật pháp gọi là người chân chánh giác ngộ. Nỗi khổ trong tam giới, nói thật ra là nỗi khổ chẳng ai chịu nổi, người chân chánh giác ngộ nhất định sẽ muốn vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Tam giới tức là lục đạo, tam giới là Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Xem kinh Phật giải thích về cõi Tứ Thiền thì chúng ta có thể hiểu được, trên đỉnh của một đơn vị thế giới là cõi Sơ Thiền, trên đỉnh của một tiểu thiên thế giới là cõi Nhị Thiền, trên đỉnh của một trung thiên thế giới là cõi Tam Thiền, trên đỉnh của một đại thiên thế giới là cõi Tứ Thiền, cho nên bạn sẽ hiểu ý nghĩa của Tam Giới giống như Lục đạo. Khu vực giáo hóa của một vị Phật gọi là một Ðại Thiên thế giới, chư vị phải biết chỉ có một cõi Tứ Thiền thiên, có một ngàn cõi Tam Thiền thiên, những gì nói trong kinh chúng ta phải biết đại khái. ‘Dục tu Vô Thượng Bồ Ðề’, không những là siêu việt Lục đạo, siêu việt Thập pháp giới, mong cầu quả vị Phật cứu cánh viên mãn, đây là người có chí nguyện, nhãn quang to lớn. Mong vượt thoát tam giới thì nhãn quang đó còn nhỏ, nhưng cũng là vô cùng hiếm có. Người ấy đã phát tâm đại bi thì làm thế nào có thể mãn nguyện? Tiên đương chiêm lễ Ðại Sĩ tượng’, tức là trước hết phải tự thành tựu cho chính mình, ý nghĩa của chữ ‘chiêm lễ’ phía trước đã nói rất nhiều rồi, ở đây không lập lại nữa, quan trọng là phải y giáo phụng hành.
Kinh Hoa Nghiêm nói về hộ pháp, hộ trì chánh pháp, y theo tiêu chuẩn của kinh Hoa Nghiêm mà nói thì hiện nay người hộ pháp hiếm hoi. Pháp là gì? Pháp là ‘Giáo, Lý, Hạnh, Quả’, bốn thứ pháp này đều phải hộ trì cho viên mãn thì mới gọi là thật sự hộ pháp, đó mới là tiêu chuẩn của Phật đã nói. Khi chúng ta nói “hộ trì đạo tràng, hộ trì vị pháp sư nào”, vậy thì không được, so sánh với tiêu chuẩn của Phật thì đó không phải là hộ pháp. Cho nên những gì Phật nói trong kinh chúng ta nhất định phải hiểu kha khá thì sẽ biết làm thế nào mới đúng như pháp. Phật dạy chúng ta về ‘Giáo’, Giáo có bốn thứ Giáo, Lý, Hạnh, Quả, chúng ta làm sao tu? Tín, Giải, Hành, Chứng, chúng ta phải tin Giáo, tin lời Phật dạy, phải hiểu rõ Lý, phải tu Hạnh, phải chứng Quả, tự chúng ta phải làm được Tín, Giải, Hành, Chứng. Hai câu cuối cùng ‘nhất thiết chư nguyện tốc thành tựu, vĩnh vô nghiệp chướng năng già chỉ’ (hết thảy các điều nguyện đều nhanh chóng thành tựu, vĩnh viễn chẳng có nghiệp chướng ngăn chận), hai câu này nói sau khi mình thành tựu, giáo hóa hết thảy chúng sanh. Chư Phật Như Lai thị hiện trong thế giới chúng sanh, thường cũng thị hiện có nghiệp chướng. Chư vị phải biết nghiệp chướng đó là thị hiện, đều là phương pháp giáo hóa của các Ngài, là nghi thức giáo học chứ chẳng phải thật. [Các Ngài thị hiện như vậy nhằm] giúp phàm phu chúng ta cảnh giác đến việc nhân quả rất đáng sợ. Thánh nhân thế gian, Khổng Lão Phu Tử, trong Truyện Ký chúng ta đọc thấy ‘Khổng Tử tuyệt lương ở đất Trần’ Ngài cũng phải chịu đói. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng bị quả báo phải dùng lúa cho ngựa ăn hết ba tháng, đã từng đi khất thực nhưng không có người cúng dường. Việc này chứng tỏ cái gì? Chứng tỏ nhân quả, dù đã thành Phật, thành thánh cũng không thể thay đổi nhân quả.
Hồi xưa đại sư Bách Trượng đã nói rất hay ‘người đại tu hành không lầm nhân quả’, [nói không lầm] chứ chẳng nói không có nhân quả. Không lầm nhân quả là như thế nào? Họ hiểu rõ ràng nhân quả nên lúc chịu quả báo thì họ vui lòng thọ nhận, họ biết là họ đã tạo nhân gì trong quá khứ nên ngày nay phải thọ nhận quả báo này, họ biết thật rõ ràng, thật rành rẽ. Khác với người thế gian khi thọ quả báo khổ họ không biết, không biết là do nguyên nhân gì, cứ cho rằng do người khác tạo ra, oán trời trách người, lúc thọ báo lại tạo thêm tội nghiệp, cứ như vậy nhân quả xoay vần, càng ngày càng tệ, càng ngày càng đi xuống; người hiểu rõ [nhân quả] thì khi thọ nhận quả báo sẽ không đọa lạc, họ có thể nâng cao [cảnh giới của họ]. Họ thật sự hiểu câu ‘một miếng ăn một thức uống đều do tiền định’. Dù gặp người ta phá hoại, gây tổn hại cho chúng ta, tất cả đều là vì đời trước mình đã gây tổn thương cho họ, ngày nay họ tới hại chúng ta, đó là báo ứng. Mình hiểu rõ, mình nhận chịu, vui vẻ tiếp nhận, chẳng oán trách, chẳng oán hận thì gút mắt ấy sẽ được cởi mở, khi gặp gỡ lần sau sẽ vui vẻ, chẳng còn oán hận. Như vậy có thể giải quyết vấn đề. Tuyệt đối không thể dùng tâm trả thù để giải quyết vấn đề, chư vị phải biết trả thù không thể nào giải quyết được. Nếu trả thù, bạn giết người đó, diệt hết dòng họ của người đó, đời sau họ sẽ giết hết dòng họ của bạn, nhân quả sẽ xoay vần, càng ngày càng tàn khốc. Nói cách khác càng đọa càng sâu, làm vậy không phải là cách giải quyết vấn đề!
Thật sự giải quyết vấn đề là phải tháo gỡ gút mắt, tháo cái gút ra, hết thảy những quả báo bất thiện đều phải nhẫn chịu thì bạn mới có thể hóa giải. Trên đường Bồ Đề bất luận là chính mình tu hành, hay hoằng pháp lợi sanh thì chướng ngại đều được dẹp hết. Chư Phật, Bồ Tát thị hiện nhiều hình tướng khác nhau đều có mục đích giúp cho chúng ta giác ngộ, làm cho chúng ta hiểu rõ, cũng là nhằm dạy cho chúng ta nên làm như thế nào. Nói thật ra đây chính là đời sống, Phật dạy cho ta cách sinh sống, cách xử thế, cách làm người. ‘Chiêm lễ Ðại Sĩ tượng’ quan trọng nhất là hiếu kính, hiếu kính phải mở rộng tới đâu? Tới hết thảy người ác, hết thảy kẻ có oán thù với mình đều phải dùng tâm hiếu kính [đối xử với họ]. Nguyện thứ nhất của Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta ‘Lễ Kính Chư Phật’, ‘kính’ tức là hiếu kính, tuyệt đối không có phân biệt, không có sai khác, như vậy mới là thật sự tu hành, thật sự chuyển nghiệp; nghiệp chuyển được rồi thì quả báo cũng sẽ chuyển. Xin xem tiếp đoạn sau:
Hữu nhân phát tâm niệm kinh điển,
Dục độ quần mê siêu bỉ ngạn,
Tuy lập thị nguyện bất tư nghị.
Toàn độc toàn vong đa phế thất,
Tư nhân hữu nghiệp chướng hoặc cố,
Ư Ðại Thừa kinh bất năng ký.
有人發心念經典
欲度群迷超彼岸
雖立是願不思議
旋讀旋忘多廢失
斯人有業障惑故
於大乘經不能記
Có người phát tâm tụng kinh điển,
Muốn độ quần mê vượt bỉ ngạn,
Dầu lập thệ nguyện chẳng nghĩ bàn,
Đọc rồi liền quên, luôn sót mất.
Người này nghiệp chướng khiến u mê,
Học Đại Thừa kinh chẳng nhớ được.
Ðoạn thứ tư nói về việc cầu trí huệ, đoạn này khá dài. Trước hết nói tại sao bạn không có trí huệ, vì bạn có nghiệp chướng từ đời trước, nghiệp chướng đó chướng ngại trí huệ của bạn. Tuy gặp Phật pháp, gặp thiện hữu, bạn đã hiểu rõ, bạn đã phát tâm, phát tâm rất tốt, phát tâm nghiên cứu giáo lý, học kinh, mục đích là muốn cho hết thảy chúng sanh khai ngộ, giúp hết thảy chúng sanh lìa khổ, đó là tâm Bồ Ðề. Thông thường khi phát tâm như vậy, bạn sẽ được chư Phật hộ niệm, đây là thật. Tuy được chư Phật hộ niệm nhưng trí huệ của mình vẫn không mở mang y như cũ, đó là vì chúng ta có nghiệp chướng, chư Phật Như Lai chẳng có cách chi tiêu nghiệp chướng của chúng ta, mọi người phải hiểu đạo lý này. Không phải là Phật, Bồ Tát không bảo hựu bạn, không chăm sóc bạn, thật sự Phật, Bồ Tát có bảo hựu, có chăm sóc, nhưng nghiệp chướng mà bạn đã tạo thì Phật, Bồ Tát cũng đành bó tay, nghiệp chướng nhất định phải do chính mình tiêu trừ. Phật, Bồ Tát dạy phương pháp, dạy những đạo lý này cho bạn, bạn hiểu được những đạo lý dạy trong kinh điển, bạn tin tưởng lời dạy của đức Phật, bạn làm theo phương pháp đó, như vậy mới gọi là tu hành, mới có thể tiêu nghiệp chướng. Phương pháp tiêu nghiệp chướng căn bản nhất, có hiệu quả nhất chính là ‘Hiếu’, do đó kinh Ðịa Tạng cũng là kinh căn bản, đạo lý là như vậy. Chúng ta có thể hiếu thuận cha mẹ, hiếu thuận hết thảy chúng sanh, tôn kính cha mẹ, tôn kính hết thảy chúng sanh thì nghiệp chướng gì cũng có thể tiêu trừ. Thật sự có tâm hiếu kính còn tạo tội nghiệp nữa sao? Còn có ác ý đối xử với hết thảy chúng sanh hay sao? Không thể nào, đó là thật sự đoạn hết thảy điều ác, tu hết thảy điều thiện, do đó bạn mới biết hiếu kính là căn bản. Tại sao trong kinh này đức Phật dạy chúng ta ‘trước hết nên chiêm lễ tượng Ðại Sĩ’, đạo lý là như vậy. Cho nên nguyện rất tốt, Phật, Bồ Tát cũng chăm sóc bạn, nhưng bạn đọc kinh vừa đọc liền quên, cho dù nghe nhiều cũng không thể khai ngộ, người đó có nghiệp chướng, mê hoặc, cho nên chẳng thể đọc tụng, ghi nhớ kinh Ðại Thừa. Sau đó đức Phật dạy chúng ta phương pháp:
Cúng dường Ðịa Tạng dĩ hương hoa,
Y phục, ẩm thực chư ngoạn cụ.
供養地藏以香華
衣服飲食諸玩具
Cúng dường Địa Tạng với hương hoa,
Y phục, uống ăn, cùng ngoạn cụ,
Ðoạn trước trong phần trường hàng đã nói, đã dạy cho chúng ta phương pháp tu hành. Việc cúng dường, chư vị nghĩ coi nếu không có hiếu kính thì làm sao cúng dường? Trong mười nguyện Phổ Hiền, mỗi nguyện sau đều phải dựa trên nguyện trước. Giống như chúng ta xây nhà, nguyện thứ nhất là tầng trệt, nguyện thứ hai là lầu hai, tầng thứ nhất chưa xây xong thì làm sao xây tầng lầu thứ hai? Hai tầng xây xong thì mới xây tầng thứ ba được, đó là đạo lý. Cho nên nguyện sau đều xây dựng trên cơ sở của nguyện trước. Từ đây mới biết pháp môn Ðịa Tạng là cơ sở, là nền tảng của sự tu hạnh Bồ Tát; Quán Âm là từ bi, từ bi là từ cơ sở, từ căn bản Ðịa Tạng mà khởi lên, nếu bạn không có hiếu kính thì từ bi khởi lên từ đâu được? Từ bi chẳng có hiếu kính là từ bi giả, người như vậy nhất định là có ý đồ, có mục đích. Một người không hiếu thuận cha mẹ mà đi hiếu thuận kẻ khác, đâu lẽ nào như vậy? Như vậy là không hợp lý. Không có lễ kính thì làm sao có tán thán? Tán thán mà không có lễ kính, chúng ta biết được đó là giả dối, chẳng phải thật. Cúng dường mà không có lễ kính thì đó là nịnh hót, tâng bốc, bợ đỡ. Cho nên hiếu kính là căn bản, cơ sở, trong thế pháp và Phật pháp muốn có thành tựu thật sự thì phải bắt đầu thực hiện từ chỗ này. Làm thế nào mới thật sự làm được hiếu kính? Phải hiểu thấu lý luận trong kinh điển, được vậy thì bạn mới hiểu rõ hiếu kính là tánh đức, là cơ sở của tánh đức, bộ kinh này chính là kinh mở mang tánh đức của chúng ta.
Do đó trong hạnh nguyện Phổ Hiền, trước hết là lễ kính, xưng tán rồi mới tới cúng dường. Cúng dường Bồ Tát dùng ‘hương hoa, y phục, thức ăn, thức uống, đồ trân ngoạn’, những ý nghĩa tiêu biểu pháp này đã được nói ở phía trước. Thời đại hiện nay của chúng ta đúng là nhiều tai nạn, không những chúng sanh có nghiệp chướng sâu nặng, chính mình cũng có nghiệp chướng sâu nặng. Chúng ta nên nghĩ coi làm thế nào để giúp mình, giúp người khác, mình tu học thuận tiện như thế nào thì cũng nên tạo ra sự thuận tiện cho người khác. Nên biết Phật pháp không có nhất định, trong kinh thường dạy chúng ta nguyên tắc “tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp”, ‘tùy’ nghĩa là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, nếu bạn không ‘thuận’ không ‘tùy’ thì không những chẳng thể độ chúng sanh mà cũng chẳng thể độ chính mình. Tại sao không thể độ chính mình? Không thể ‘tùy’ nghĩa là chấp trước, tức là phân biệt chấp trước, không thể phá trừ tâm chấp trước thì không thể ra khỏi lục đạo, chúng ta phải hiểu đạo lý này, do đó phải biết tùy thuận. Chướng duyên trong thế gian đích thật là rất nhiều, yêu ma quỷ quái, ma chướng hữu hình hoặc vô hình, vô hình là từ quỷ thần, hữu hình là từ hết thảy người, sự, vật. Ma chướng hình thành như thế nào? Ðều là những ác nghiệp mình đã tạo từ vô lượng kiếp tới nay, ác nghiệp sẽ tạo thành chướng ngại, thiện nghiệp cũng tạo thành chướng ngại, thiện nghiệp là ái duyên. Chúng tôi thường nghe các bạn đồng tu nói: ‘Phật dạy chúng ta phải xả, phải buông xuống, nhưng tôi không buông xuống con cháu được’. Ðó là gì? Ái duyên. Buông không nổi oán hận của oán gia đối đầu, buông không nổi ý niệm báo thù, không buông nổi ái duyên, tất cả đều trở thành chướng ngại. Ðây là những nghiệp đã tạo đời trước hoặc đời này, chúng ta phải biết, phải hiểu rõ, phải giác ngộ.
Như thế nào mới thật sự giác ngộ? Biết ‘phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng’, kinh Kim Cang dạy ‘Ta, người, chúng sanh, thọ giả đều là giả, đều chẳng thể được’. Cho nên nếu bạn có trí huệ Bát Nhã, biết được vạn vật đều không [thật có], nhân quả chẳng không, biết hết thảy pháp hữu vi đều là mộng, huyễn, bọt, bóng thì tâm bạn sẽ thanh tịnh. Ðối với hết thảy pháp đều không lấy, không bỏ thì ma đối với bạn không khởi tác dụng gì được hết, ma không thể chướng ngại bạn. Lúc đó là lúc bạn có thể chuyển cảnh giới, không bị cảnh giới chuyển như kinh Lăng Nghiêm nói ‘nhược năng chuyển cảnh tắc đồng Như Lai’ (nếu có thể chuyển cảnh thì giống như Như Lai), như vậy mới thật sự là vĩnh viễn xa lìa ma não. Do đó có thể biết vĩnh viễn xa lìa ma não chẳng phải đi tới đâu cũng trốn tránh, trốn tránh không nổi đâu; vĩnh viễn xa lìa ma não là nhìn thấu chân tướng sự thật, biết tất cả đều là giả, đều là không, đều là một giấc mộng. Dẫu cho những tà ma, ngoại đạo vô hình cũng không thể nào bén mảng tới ngoại biên (bờ mé bên ngoài) của bạn được, tại sao không bén mảng được? Vì bạn không có biên[1], bạn có biên thì nó mới bén tới gần được. Vì bạn không có biên, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Bạn có cái Ta thì bạn sẽ bị hại, nếu không có Ta thì ai bị hại? Vô ngã thì sẽ không bị hại. Vì sao hết thảy chúng sanh phải thọ nhận chướng ngại này? Vì có cái Ngã, có cái Ta. Oán gia đối đầu muốn báo thù, họ sẽ nói ‘mày ở đâu tao cũng tìm cho ra để báo thù.’ Nếu bạn không còn tồn tại nữa, bạn chẳng còn cái Ngã, cái Ta nữa thì họ sẽ tìm không ra bạn.
Lúc trước khi lão hòa thượng Ðạo Nguyên truyền giới, Ngài kể một câu chuyện, Ngài nói thời xưa có một vị thiền sư tôi không nhớ tên. Công phu thiền định của thiền sư rất khá, sau khi nhập định tâm cảnh đều không. Thọ mạng của Ngài đã đến, vua Diêm La phái hai tên tiểu quỷ đến bắt Ngài, vì Ngài nhập định tâm cảnh đều không nên tiểu quỷ tìm không ra. Quỷ hỏi người ta thiền sư đi đâu rồi? Thiền sư ngồi ở đó nhưng quỷ tìm không thấy. Vì trong khi nhập định, ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng đều chẳng còn. Có người nói vật thiền sư thích nhất chính là cái bình bát của Ngài, tiểu quỷ biết được nên gõ vào bình bát, vừa gõ thì thiền sư xuất định, lúc đó liền bị quỷ bắt. Ðó là vì thiền sư còn một chút chấp trước nên bị người ta bắt đi. Do đó hễ có ưa thích, [bất kể ưa thích] gì đều là phiền phức, nói cách khác, bạn chẳng thoát khỏi con mắt của tiểu quỷ, bất cứ lúc nào nó cũng có thể bắt bạn đi được. Ðó là không triệt để buông xuống, chúng ta nên biết đức Phật nói với chúng ta ngay cả Phật pháp cũng không thật, kinh Kim Cang có câu ‘Pháp còn phải xả huống hồ là phi pháp’. Phật pháp cũng không thể chấp trước, huống chi là pháp thế gian, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Pháp thế gian và xuất thế gian đều không giữ trong tâm, tôi dùng nó, tôi không chấp trước nó, tôi cũng không phân biệt nó, để cho tâm này vĩnh viễn được thanh tịnh, bố thí cúng dường mới thật sự được phước, phước vô lượng vô biên, phước này xứng tánh. Nếu còn phân biệt chấp trước thì phước đó không xứng tánh, trong kinh gọi là ‘phước báo hữu lậu’, biến thành phước báo hữu lậu trong tam giới.
Trong sự tu học, các bạn đồng tu hãy nghĩ coi nếu không phải mỗi ngày đều hợp lại nghiên cứu, mỗi ngày đều thảo luận, huân tập, nghiệp chướng tập khí của chúng ta rất nặng, vừa quay đầu liền mê. Cho nên đạo tràng thời xưa tốt lắm, tốt ở chỗ huân tập lâu dài. Mỗi ngày đều giảng kinh, thời gian giảng kinh dài. Hiện nay chúng ta giảng kinh mỗi ngày hai giờ, so với người xưa là đã giảm bớt. Nếu y theo tiêu chuẩn của đức Phật, trong kinh Nhân Vương nói ‘hai thời giảng kinh’ đây là thời gian họ học tập, nghiên cứu, thảo luận, hạ công phu trên Giáo, Lý, Hạnh, Quả, ‘hai thời’ tương đương tám giờ đồng hồ của chúng ta. Kinh Phật nói hai thời là nói Ấn Ðộ thời xưa, mỗi ngày sáng tối chia thành sáu thời, ngày ba thời, đêm ba thời, mỗi thời bằng bốn giờ đồng hồ chúng ta hiện nay, hai thời tức là tám giờ đồng hồ. Cho nên thuở đức Phật còn tại thế, người tu hành theo đức Phật làm sao không chứng quả? Mỗi ngày tám giờ đồng hồ thảo luận kinh giáo, họ còn công phu đâu nữa mà khởi vọng tưởng? Ngày nay chúng ta chỉ bằng một phần tư của họ, chỉ học hai giờ đồng hồ. Nói thật ra là không đủ, tối thiểu phải có bốn giờ đồng hồ, mỗi ngày dành ra bốn giờ sốt sắng nghiên cứu thảo luận, tối thiểu cũng nên có bốn giờ đồng hồ niệm Phật, đây là ít tới mức không thể ít hơn nữa. Việc tu hành, ngày nay chúng ta hiểu rõ chỉ có pháp môn Niệm Phật là đáng tin cậy, các pháp môn khác trên mặt Lý thì đều bình đẳng, chẳng sai khác, nhưng trên mặt Sự thì rất khó khăn! Chẳng dễ dàng. Nói cách khác chẳng hợp với căn cơ của chúng ta, nghiệp chướng chúng ta quá nặng, chỉ có cách niệm Phật đới nghiệp vãng sanh thì chúng ta mới có thể làm được. Chỉ cần thật sự làm thì chẳng có ai không thành tựu.
Tối hôm trước tôi tới Hồng Các dùng cơm, nghe nói việc buôn bán của họ hiện nay rất tệ, tôi đi thăm họ, hiện nay [kinh tế] tương đối không tốt lắm. Ở đó thấy một CD nói về một người tù bị xử tử vãng sanh, chúng tôi đem vài CD về và nói với Lý hội trưởng, ông Lý nói ông cũng biết về việc này. Sau khi người tử tù này chết đi, ông Lý có lo hậu sự cho ông ta. Tôi hỏi có phải là ông Lý nói chuyện trong CD đó không, ông Lý nói không phải, mà do một cư sĩ họ Tô nói, nghe nói cư sĩ Tô hiện nay cũng hồi đầu chuyên tâm niệm Phật, vì ông đã nhìn thấy tận mắt sự kiện này. Cho nên cư sĩ Lý đã độ được không ít người trong tù được vãng sanh thật sự. Cư sĩ Tô quen biết với người này, chăm sóc cho kẻ tử tù này, dặn dò ông ta ba chuyện. Thứ nhất là lúc bị xử tử phải niệm Phật lớn tiếng, ông kia đồng ý và nói ‘Ðược, tôi sẽ làm’. Thứ nhì lúc ông mất đi phải có tướng lành, không được chảy máu từ bảy lỗ trên thân mình, vì đây là bị xử treo cổ, ông kia nói ‘Ðược, tôi sẽ làm’. Thứ ba ông phải lưu lại xá lợi cho chúng tôi làm chứng. ‘Ðược, tôi đồng ý’. Kết quả là khi ông ta chết đều thực hiện được ba chuyện này. Sau khi ông bị treo cổ, sắc mặt của ông rất đẹp, coi cũng giống như người thường, khác hẳn với những người bị xử tử theo kiểu này, sau khi thiêu thật sự có xá lợi.
Cho nên có bạn đồng tu hỏi: ‘Có phải là ông đó tự biết?’ Không phải vậy, do nguyện hạnh, họ có nguyện lực thì có thể làm được. Ngay một người tử tội cũng có thoại tướng như vậy, ông ta thật sự đã vãng sanh, niệm cuối cùng của ông trong lúc ông ra đi là niệm A Di Ðà Phật, chẳng có tí gì hư giả. Ông biết trước ngày nào thọ hình và niệm Phật mà ra đi. Trong kinh nói, ý niệm cuối cùng là một câu Phật hiệu thì nhất định sẽ vãng sanh. Trước khi chết tạo tội nghiệp gì, phạm sai lầm gì, nếu trước khi chết bạn có thể hối cãi, sám hối vãng sanh, trong kinh Phật nói chuyện này đã xảy ra rồi. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói vua A Xà Thế tạo tội ngũ nghịch, lâm chung sám hối, trong kinh A Xà Thế Vương Tử, đức Phật nói với chúng ta vua vãng sanh được Thượng Phẩm Trung Sanh. Chúng ta đọc xong vô cùng kinh ngạc, vua tạo tội nặng như vậy, tội đọa A Tỳ địa ngục, chúng ta cứ nghĩ chắc vua vãng sanh Hạ phẩm mà thôi, vãng sanh về ba phẩm Hạ chúng ta cảm thấy cũng rất bình thường, chẳng biết là vua vãng sanh về Thượng phẩm Trung sanh, từ chuyện này [chúng ta mới biết] sức mạnh của sự sám hối chẳng thể nghĩ bàn. Ðây là nhờ vua gặp được thiện tri thức thật sự dạy cho vua, thiện căn phước đức của vua đời trước hiện ra, sau khi nghe xong khởi lên tâm sám hối chân thật. Ðây là việc chúng ta phải nên học tập, tu hành chân thật thì sẽ được cảm ứng chân thật. Ðây là việc cúng dường, phải từ tâm hiếu kính sanh khởi, lễ vật dùng để cúng dường đều là tiêu biểu pháp. Sau đó:
Dĩ tịnh thủy an đại sĩ tiền,
Nhất nhật nhất dạ cầu phục chi.
以淨水安大士前
一日一夜求服之
Bày chén nước trong trước Đại Sĩ,
Cách một ngày sau bưng lấy uống.
Phía trước đã nói qua, đây là cầu cảm ứng. ‘Tịnh thủy’ là do Bồ Tát oai thần gia trì, bạn cúng một ngày một đêm, bạn sốt sắng nỗ lực tu học đúng như pháp thì mới được cảm ứng. Phía sau còn hai đoạn:
Phát ân trọng tâm, thận ngũ tân,
Tửu nhục tà dâm cập vọng ngữ,
Tam thất nhật nội vật sát hại
Chí tâm tư niệm Đại Sĩ danh.
發殷重心慎五辛
酒肉邪淫及妄語
三七日內勿殺害
至心思念大士名
Sanh lòng trân trọng, cữ ngũ tân,
Rượu, thịt, tà dâm, cùng vọng ngữ.
Hăm mốt ngày liền chớ sát sanh,
Chí tâm nhớ tưởng Đại Sĩ danh.
Ðây là nói bạn chuyên tu, khắc kỳ cầu chứng (định kỳ hạn, cầu được chứng nghiệm), phải tu pháp này ba tuần hai mươi mốt ngày, trong thời gian này phải phát tâm ân cần tôn trọng, cữ ngũ tân. Phía trước trong chú giải có nói về ngũ tân, nơi đây lược bớt, nơi đây trích dẫn kinh Lăng Nghiêm để nói tại sao phải cữ ngũ tân, câu cuối trong hàng thứ nhất trong chú giải ‘Lăng Nghiêm vân, thục thực phát dâm, sanh đạm tăng khuể’ (Kinh Lăng Nghiêm dạy nếu ăn [ngũ tân] chín thì sanh lòng dâm, ăn sống thì tăng thêm sân giận), đây là lời đức Phật dạy cho người sơ học, tại sao? Những thứ này có chướng ngại cho cơ thể, là đạo lý như vậy. Nếu chúng ta muốn giảm bớt chướng ngại, thì đối với thức ăn không thể không lựa chọn. Nhưng phải biết năm xưa lúc Thế Tôn còn tại thế các Ngài đi trì bình khất thực, khi khất thực người ta cho cái gì thì ăn cái đó, tuyệt đối không có phân biệt chấp trước. Lúc bạn đi trì bình những người cúng dường này chưa chắc đều là người học Phật, chưa chắc đã hiểu Phật pháp, cho nên họ cúng dường món gì thì ăn món đó. Nhưng khi thật sự tu hành thì chúng ta không thể không lưu ý. Ngày nay người trong thế gian nói tới việc ăn uống chỉ chú trọng vệ sinh, ‘sinh’ là sinh lý [2], cữ ngũ tân là bảo vệ sinh lý, không những là sinh lý mà còn là tánh tình, chỉ có người chú trọng việc bảo vệ sinh lý chứ [những người chú trọng] bảo vệ tánh tình thì không nhiều. Người chú trọng vệ sinh thì rất nhiều, rất phổ biến, còn người biết bảo vệ tánh tình thì rất ít. Tính chất của ngũ tân không tốt, sẽ ảnh hưởng tâm tình của chúng ta, ăn chín thì nó sẽ giúp cho hormone, sẽ dẫn tới việc xung động tình dục, phát dâm, đây là nói khi ăn chín; khi ăn sống thì dễ sanh hỏa từ gan, ưa nóng nảy, là vì lý do này. Tại sao đức Phật dạy không được ăn năm thứ này, đạo lý là như vậy. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói ‘Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại’, năm thứ này có trở ngại hay không? Năm thứ này cũng chẳng trở ngại, nhưng vì công phu của bạn chưa đủ, công phu chưa tới thì nó sẽ gây trở ngại cho bạn, nếu bạn có công phu thật sự thì nó sẽ chẳng gây trở ngại; đây là điều chúng ta phải biết, phải cữ ngũ tân.
Sau đó nói tới ‘tửu nhục (rượu thịt) là chất tanh hôi (huân tinh), đây là giải thích việc ăn chay. ‘Tà dâm cập vọng ngữ’, câu này là nói về mười nghiệp thiện, nhất định phải đoạn dứt mười nghiệp ác, tu mười nghiệp thiện, trong vòng ba tuần, hai mươi mốt ngày trì giới niệm Phật, ở đây nói niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát. Nói cách khác ngày nay gọi là đả Địa Tạng thất, thời gian Địa Tạng thất kéo dài ba tuần, hai mươi mốt ngày, chuyên trì danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát. Chữ then chốt quan trọng ở đây là ‘chí tâm tư niệm’, chẳng phải niệm bằng miệng, tâm phải chân thành tới cùng cực. Niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, danh hiệu tương ứng với đức hạnh thì bạn niệm sẽ được tương ứng. Niệm danh hiệu liền nghĩ tới đức hạnh, chẳng phải là niệm suông câu danh hiệu này, phải nghĩ tới hành nghị của Địa Tạng Bồ Tát, lòng từ bi của Ngài, lời dạy của Ngài. Nghe danh hiệu Bồ Tát, bạn phải nhắc nhở chính mình, nhìn thấy hình tượng cũng phải nghĩ tới, chúng ta phải y giáo phụng hành, như vậy mới tương ứng. Cổ đức dạy ‘một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật’, bạn phải niệm tới tương ứng. Nếu khi niệm danh hiệu của Bồ Tát mà cứ khởi vọng tưởng như cũ, vẫn tạo tội nghiệp như cũ thì niệm để làm chi? Ngày xưa Hàn Sơn Thập Đắc chê cười những vị tăng ở chùa Quốc Thanh rằng ‘hét bể cổ họng cũng uổng công’, vì sao vậy? Vì không tương ứng. Phải niệm tới tương ứng! Từ danh hiệu nhất định phải nghĩ tới Giáo - Lý - Hạnh - Quả, đó là chánh niệm, cho nên khi niệm danh hiệu này, trong đó có đầy đủ Tín - Giải - Hành - Chứng, bạn nghĩ coi công đức này bao lớn. Nếu niệm câu danh hiệu này chẳng liên quan gì tới Tín - Giải - Hành - Chứng thì ‘hét bể cổ họng cũng uổng công’. Bất luận tu học pháp môn nào chúng ta cũng phải hiểu rõ nguyên lý này. Đoạn kế tiếp nói về quả báo:
Tức ư mộng trung kiến vô biên,
即於夢中見無邊
Trong mộng ắt thấy thân vô biên,
‘Vô biên’ tức là vô biên thân của Địa Tạng Bồ Tát, đây là hóa thân, vô biên là nói số nhiều, vô lượng vô biên. Chúng sanh có cảm thì Phật, Bồ Tát sẽ ứng, trong mộng bạn sẽ thấy hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát, Ngài sẽ xoa đảnh và thọ ký cho bạn.
Giác lai tiện đắc lợi căn nhĩ,
覺來便得利根耳
Thức giấc nhĩ căn liền lanh lợi,
Cảm ứng đạo giao, sau khi tỉnh giấc bạn sẽ thông minh, căn tánh sẽ lanh lợi, những gì bạn mong cầu đều được cảm ứng.
Ứng thị kinh giáo lịch nhĩ văn,
應是經教歷耳聞
Đại Thừa kinh giáo nghe qua tai,
Sau này khi bạn đọc kinh, nghe giảng kinh.
Thiên vạn sanh trung vĩnh bất vong.
千萬生中永不忘
Suốt ngàn vạn đời mãi chẳng quên.
Câu nào cũng có thể ghi nhớ thuộc lòng, y giáo phụng hành. Cho nên phía trước chữ then chốt cho việc tu học là ‘chí tâm tư niệm’, quan trọng ở tại bốn chữ này. Ngày nay chúng ta noi theo phương pháp này tu học tại sao không có hiệu quả? Vì chẳng làm được bốn chữ này, ngày nay chúng ta chỉ làm trên hình thức, đả một Địa Tạng thất, cũng rất có nề nếp nhưng thật ra trong tâm suy nghĩ lung tung, chẳng có thành tâm cho nên những gì mong cầu đều không tương ứng. Đừng nói đả ba thất không tương ứng, ba mươi thất cũng không tương ứng, trong kinh chẳng nói sai nhưng chúng ta làm sai rồi. Nếu tương ứng thì nói thật ra người xưa trai giới tế lễ ba ngày liền có cảm ứng, lẽ nào hai mươi mốt ngày không cảm ứng sao?
Dĩ thị Đại Sĩ bất tư nghị,
Năng sử tư nhân hoạch thử huệ.
以是大士不思議
能使斯人獲此慧
Chính nhờ Đại Sĩ bất tư nghì,
Thầm giúp người kia được trí huệ.
Đây là oai thần chẳng thể nghĩ bàn của Địa Tạng Bồ Tát gia trì, thật ra cũng là chính mình chí tâm nên cảm được, phía trước đã nói với chư vị chân thành tới cùng cực thì tánh đức tỏ rõ nên mới có hiệu quả như vậy, trên mặt Lý có thể giải thích rất thông suốt. Đây là phương pháp cầu trí huệ.
Xin xem kinh văn, Khoa Chú quyển Hạ trang tám mươi lăm, hàng thứ ba:
Bần cùng chúng sanh cập tật bịnh,
Gia trạch hung suy quyến thuộc ly,
Thùy mộng chi trung tất bất an,
Cầu giả quai vi vô xứng toại.
貧窮眾生及疾病
家宅凶衰眷屬離
睡夢之中悉不安
求者乖違無稱遂
Chúng sanh nghèo khổ lại bịnh tật,
Nhà cửa hung suy, quyến thuộc lìa,
Ngủ mê mộng mị không an giấc,
Cầu chi cũng hỏng, chẳng toại lòng.
Đoạn này là bài kệ nói về các tai nạn. Lời kệ này chính là những gì chúng ta thường gặp hiện nay, cho nên đọc xong phẩm kinh này chúng ta sẽ cảm xúc vô cùng sâu đậm, chữ nào câu nào cũng nói về tình trạng hiện nay của chúng ta, Phật, Bồ Tát dạy chúng ta phương pháp tu học, làm thế nào thay đổi hoàn cảnh sinh hoạt, chuyển đổi nghiệp chướng của chúng ta. Do đó trong phẩm này chúng ta thấy lòng từ bi vô hạn của đức Thế Tôn, sau phần văn trường hàng đã nói rõ xong còn dùng kệ tụng lập lại chẳng qua là nhằm tạo cho chúng ta ấn tượng sâu đậm. Bài kệ này nói về sự thật của tai nạn, hiện nay người nghèo khổ trong thế gian này nhiều, người giàu sang chỉ là thiểu số, chúng ta phải thường nghĩ đến những chúng sanh khổ nạn này. Tật bịnh của họ không chỉ giới hạn trên thân thể, tâm tình của họ không yên, trí huệ chưa mở mang, đó là tâm bịnh, còn nghiêm trọng hơn thân bịnh. Thân bịnh cần phải có thuốc men để chữa trị, để điều dưỡng, tâm bịnh cần Phật pháp; Phật pháp có thể giúp chúng ta phá mê khai ngộ. Phật dạy ‘hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, câu này là chân lý, một câu này đã nói toạc ra nguyên do cội rễ của y báo chánh báo trang nghiêm trong hư không pháp giới, một câu nói toạc chân tướng sự thật ‘hết thảy từ tâm tưởng sanh’. Tâm thiện, ý tưởng thiện thì cảnh giới sẽ tốt lành, tâm mê hoặc, tư tưởng tà ác thì hoàn cảnh sẽ xấu ác, đây là lời Phật nói trạng huống chân thật cho chúng ta biết, đó là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Thật sự hiểu rõ giác ngộ thì họ sẽ sửa đổi từ trong tâm địa, bỏ sạch hết những ác niệm từ trước, vun bồi thành một tâm thuần thiện, là tâm hoàn toàn đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sanh, cảnh giới trước mắt của chúng ta sẽ từ từ thay đổi và trở thành tốt đẹp, vả lại tốc độ thay đổi sẽ rất nhanh chóng, sau đó những điều mong cầu đều được mãn nguyện. Bài kệ sau đây dạy chúng ta phương pháp tu hành:
Chí tâm chiêm lễ Địa Tạng tượng,
至心瞻禮地藏像
Chí tâm chiêm lễ tượng Địa Tạng,
Quan trọng là ở chỗ ‘chí tâm’. ‘Chiêm lễ tượng Địa Tạng’ là tu lòng hiếu kính, thật sự noi gương học theo tâm đại hiếu đại kính của Địa Tạng Bồ Tát.
Nhất thiết ác sự giai tiêu diệt,
一切惡事皆消滅
Tất cả việc ác thảy tiêu trừ,
Đây là việc tâm chuyển cảnh giới, sẽ không bị cảnh giới chuyển nữa.
Chí ư mộng trung tận đắc an,
至於夢中盡得安
Cho đến mộng mị đều an ổn,
Bạn ngủ được yên giấc.
Y thực phong nhiêu thần quỷ hộ,
衣食豐饒神鬼護
Quỷ thần ủng hộ, dư ăn mặc,
Những nguyện vọng của bạn đều có thể toại nguyện. Then chốt của sự tu hành là noi gương Địa Tạng Bồ Tát, học theo tâm đại hiếu đại kính của Ngài, hiếu thuận hết thảy chúng sanh, tôn kính hết thảy chúng sanh. Chúng sanh bao gồm hết thảy người, sự, vật, làm được vậy mới có thể mau chóng chuyển đổi được. Chú giải trang tám mươi sáu hàng thứ nhất ghi ‘quần áo thức ăn dồi dào phong túc’, chỗ này có một chữ in sai, ‘y phong phong túc’ chữ ‘phong’ thứ nhất phải sửa thành chữ ‘thực’ (thức ăn). Chúng ta coi bài kệ tiếp theo:
Dục nhập sơn lâm cập độ hải
Độc ác cầm thú cập ác nhân
Ác thần ác quỷ tinh ác phong
Nhất thiết chư nạn chư khổ não.
欲入山林及渡海
毒惡禽獸及惡人
惡神惡鬼并惡風
一切諸難諸苦惱
Muốn vào núi rừng, qua sông biển,
Cầm thú độc dữ cùng người ác,
Ác thần, ác quỷ, với ác phong,
Hết thảy tai nạn, mọi khổ não.
Đây là phần trùng tụng nói tới các tai nạn thường gặp khi đi du lịch. Khi bạn đi ngang vùng rừng núi, những nơi có rắn độc, thú dữ, đạo tặc thường ẩn núp. ‘Và khi đi ngang biển’, đi ngang biển sóng lớn chập chùng, thời xưa ghe thuyền gì cũng không lớn. Sau đó nói tới ‘ác thần, ác quỷ và ác phong’, ác phong là nói khi đi ngang biển dễ gặp những tai nạn này. ‘Ác thần ác quỷ’, chuyện này cũng có thật, lần trước cư sĩ Lôi ở đây đã kể nhiều câu chuyện mà ông đích thân trải qua. Tại sao lại gặp phải những ác quỷ này? Tại sao người khác không gặp? Do đó mới biết trong định luật nhân quả vẫn là ‘một miếng ăn, một miếng uống đều là tiền định’, đời trước những ác thần ác quỷ này chẳng có ác duyên gì với ông ta thì họ sẽ không tới gây phiền phức; họ tới là vì đời trước hoặc đời này bạn đã xúc phạm đến họ, bạn có chuyện xích mích với họ nên họ tìm bạn gây phiền phức. Nếu chính mình không có tu trì, không có đức hạnh, họ sẽ không tôn trọng bạn nên dễ gặp những chuyện này, những chuyện này đều là chuyện có thật. Ở đây đức Phật dạy chúng ta phương pháp tu hành:
Đản đương chiêm lễ cập cúng dường,
Địa Tạng Bồ Tát Đại Sĩ tượng,
Như thị sơn lâm đại hải trung,
Ứng thị chư ác giai tiêu diệt.
但當瞻禮及供養
地藏菩薩大士像
如是山林大海中
應是諸惡皆消滅
Chỉ cần chiêm lễ cùng cúng dường,
Địa Tạng Bồ Tát Đại Sĩ tượng,
Núi rừng biển cả dẫu có vào,
Tất cả sự ác đều tiêu sạch.
Phần văn trường hàng nói rất rõ ràng, trước khi du lịch, chúng ta đọc kinh Địa Tạng, niệm đủ một vạn danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát; tu học phải ‘chí tâm xưng niệm’, bốn chữ này vô cùng trọng yếu! Chân tâm xưng niệm, suy nghĩ về công đức của Bồ Tát, noi gương theo hành nghị của Bồ Tát, không những quỷ thần không não hại bạn mà còn bảo vệ, hộ trì bạn nữa. Tại sao vậy? Vì họ tôn kính bạn. Đây là việc mà hiện nay chúng ta thường thấy, thường ra ngoài du lịch thì nên biết. Sau cùng là phần tổng kết:
Quán Âm chí tâm thính ngô thuyết,
Địa Tạng vô tận bất tư nghị,
Bách thiên vạn kiếp thuyết bất châu,
Quảng tuyên Đại Sĩ như thị lực.
觀音至心聽吾說
地藏無盡不思議
百千萬劫說不周
廣宣大士如是力
Quán Âm hãy lắng nghe Ta nói,
Địa Tạng vô tận không nghĩ bàn,
Trăm ngàn muôn kiếp chẳng kể xiết,
Rộng tuyên Đại Sĩ sức như vậy!
Trong Khoa Phán [3] có ghi ‘Kết tụng phổ cáo lưu bố’ (Kệ tụng kết thúc lưu truyền rộng rãi). Thế Tôn khuyến khích Quán Thế Âm Bồ Tát lưu thông bộ kinh này, đương nhiên Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ đi khắp nơi giới thiệu hành nghị của Địa Tạng Bồ Tát, tại sao vậy? Nếu không có cơ sở của Địa Tạng Bồ Tát, thì lòng từ bi của Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ không có nơi nương tựa, lòng từ bi này từ đâu mà có? Từ hiếu đạo tỏa rạng rộng ra. Sự tạo dựng hình tượng trong Phật pháp Đại Thừa ở Trung Quốc rất có lý, dùng bốn Đại Bồ Tát để tiêu biểu pháp, do đó Đại Thừa phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu học từ Địa Tạng, Địa là tâm địa, chúng ta gọi là xây dựng tâm lý, vun bồi tâm lý là căn bản. Ngày nay khoa học kỹ thuật trong thế gian ngày càng tân tiến, các thành phố lớn xây dựng cao ốc, những nhà lầu cao trên một trăm tầng ở các thành phố lớn đều có. Nhưng tại sao xã hội không thể an định? Tại sao đời sống không có hạnh phúc? Là vì sơ sót việc xây dựng tâm lý, chẳng có tâm lý lành mạnh, con người tùy thuận phiền não tập khí của chính mình, mọi người đều tranh danh đoạt lợi. Mạnh Tử nói ‘Nếu trên dưới đều cùng nhau tranh lợi thì quốc gia sẽ lâm vào nguy cơ!’, chúng ta hãy coi thế giới hiện nay, đúng như câu nói trên của Mạnh Tử, nhiều người không tin? Nếu không tin thì phải đợi đến cuối thế kỷ mới tính, đây là điều chúng ta thường lo sợ. Muốn tiêu tai miễn nạn thì phải nhờ xây dựng tâm lý, mỗi người đều biết hiếu đạo, tin chắc hiếu đạo, đều dùng tâm hiếu kính để đối xử với mọi người, dùng tâm đại từ đại bi giúp đỡ hết thảy chúng sanh thì tai nạn trong thế gian sẽ được hóa giải, sẽ biến thành mây khói ngay lập tức.
Cho nên chúng ta biết Địa Tạng Bồ Tát, pháp môn Địa Tạng là cội rễ, tôi đã từng nói qua rất nhiều lần. Phật pháp chẳng có gì khác ngoài một chữ ‘Hiếu’. Văn tự Trung Quốc nói thật ra đã hiển rõ pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Trong văn tự Trung Quốc, chữ Hiếu này được tạo thành bằng cách ‘hội ý’, chúng ta hãy phân tách ý nghĩa của chữ này. Trong chữ Hiếu bao gồm những ý nghĩa gì? Tận hư không trọn khắp pháp giới là một thể, đây là hàm ý của chữ Hiếu. Phần trên của chữ Hiếu (孝) là chữ ‘Lão’ (老), phần dưới là chữ ‘Tử’ (子), chữ Lão là đời trước, Tử là đời sau, đời trước còn có đời trước nữa, quá khứ vô thỉ. Đời sau còn có đời sau nữa, vị lai vô chung, vô thỉ vô chung này hợp thành một thể gọi là Hiếu. Trong kinh Phật thường nói hư không và pháp giới là một thể, Phật dạy chúng ta tâm lượng phải ‘bao trùm hư không, lượng lớn nhiều như cát’ đó là ý nghĩa của chữ Hiếu. ‘Dọc cùng ba đời, ngang suốt mười phương’ cũng là ý nghĩa của Hiếu, chữ Hiếu này bao gồm ý nghĩa chẳng thể nghĩ bàn! Sự tu học trong nhà Phật bắt đầu từ đạo hiếu, cuối cùng đến thành Phật, đạo hiếu làm tròn rồi gọi là thành Phật, Đẳng Giác Bồ Tát còn một phẩm Sanh Tướng vô minh chưa trừ nên đạo hiếu còn thiếu sót một phần. Ai có thể làm tròn hiếu đạo tới mức viên mãn rốt ráo? Chư Phật Như Lai mới làm tròn hiếu đạo.
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, Ngài giao phó trọng trách giáo hóa chúng sanh cho Địa Tạng Bồ Tát, đạo lý là ở chỗ này. Ai là Địa Tạng Bồ Tát? Ai hiểu được hiếu đạo, có thể tu đạo hiếu, ai có thể phát triển tuyên dương hiếu đạo thì người đó chính là Địa Tạng Bồ Tát. Địa Tạng Bồ Tát rất nhiều! Trong kinh chúng ta đọc thấy ‘Đại Sĩ vô biên thân’, vô lượng vô biên đều là Địa Tạng Bồ Tát. Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi là hiếu hạnh của Địa Tạng Bồ Tát tỏa rạng rộng lớn. Chúng ta nói về tâm hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng, hiếu thuận hết thảy chúng sanh, tôn kính hết thảy chúng sanh, thì tâm đó sẽ biến thành Quán Thế Âm Bồ Tát. Hiếu kính phải dựa vào lý tánh, không thể dựa vào cảm tình, tâm đó là Văn Thù Bồ Tát. Văn Thù tiêu biểu trí huệ, cho nên chúng ta sinh hoạt, xử sự, đãi người, tiếp vật phải dùng lý trí chứ đừng dùng cảm tình, cảm tình là mê, tình là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tình tạo tội nghiệp. Tình thức biến hiện ra sáu nẻo, ba đường ác, trí huệ biến hiện ra Tứ Thánh pháp giới, Nhất Chân pháp giới, đó là sự sai khác giữa Tình và Trí. Người thế gian chúng ta thường nói phải có lý tánh, phải có lý trí, không thể dùng cảm tình làm việc, Văn Thù Bồ Tát dạy chúng ta những điều này. Phổ Hiền Bồ Tát thực hiện ba điều: Hiếu thân tôn sư, đại từ đại bi, và thể hiện trí huệ trong đời sống, đó chính là Phổ Hiền Bồ Tát. Đây là đặc sắc của Phật pháp ở Trung Quốc, dùng bốn đại Bồ Tát coi như là bốn cột trụ của giáo học Đại Thừa Phật pháp, làm thành một cung điện đẹp đẽ huy hoàng, bốn cột trụ này thiếu một cũng không được, chúng ta phải biết bắt đầu học Phật pháp từ chỗ nào.
Thế Tôn dặn dò Quán Thế Âm Bồ Tát lưu thông [kinh này] cũng là dạy chúng ta, đặc biệt là thời Mạt pháp, tại sao vậy? Những việc nói trong kinh đều là sự thật trước mắt chúng ta, chúng ta không có biện pháp giải quyết, phải nhờ những người giác ngộ trong nhóm chúng ta tuyên dương giải thích cho hết thảy đại chúng. Không những chúng ta phải giải thích rõ ràng, chính mình phải làm cho bằng được, tiêu trừ nghiệp chướng tai nạn của mình, sau đó chúng ta mới có thể giúp đỡ người khác, những gì chúng ta nói mới có y cứ thật sự. Khi tai nạn xảy ra, chúng ta sẽ may mắn tránh được, chúng ta làm sao tránh được? Vì chúng ta tu học đúng theo lời dạy. Những chuyện tà ma quỷ quái nhập vào người thường xảy ra, người học Phật chúng ta gọi là bị ma dựa, ma dựa là gì? Tức là tà mị nhập vào người. Hầu như nơi nào chúng tôi cũng đều gặp, chúng ta có bị hay không? Cũng có, nhưng chẳng nghiêm trọng lắm. Rất nhiều bạn đồng tu buổi tối ngủ thường bị quỷ đè, rất nhiều người có kinh nghiệm này. Hồi trước tôi cũng thường bị quỷ đè, [lúc đó] trong tâm biết rõ ràng nhưng không nhúc nhích gì được, sau khi học Phật thì không còn nữa. Lúc trước thầy Lý nói, chúng ta gọi đó là ma dựa, trong kinh Phật cũng có nói tới chuyện này. Lúc vận khí con người suy thoái thì quỷ lấn hiếp con người, còn lúc vận khí con người rất hưng vượng thì quỷ không dám lại gần, lúc bạn gặp vận suy thì quỷ sẽ lấn hiếp bạn, quỷ sẽ tới đè bạn. Từ những chuyện này chúng ta biết được đó là chuyện có thật, chẳng phải giả. Hiện nay ở Trung Quốc có [những người có khả năng đặc biệt], tại ngoại quốc, chẳng hạn như ở Mỹ cũng có, người Trung Quốc gọi là gọi là công năng đặc biệt kỳ lạ, ở Mỹ chúng tôi cũng từng gặp, họ có con mắt thứ ba, họ có thể nhìn thấy những chuyện kỳ quái này, mắt thịt của người thường chúng ta không thấy, họ thấy được. Họ có thể thấy những quỷ quái này nhập vào thân người, họ có khả năng nhìn thấy, họ cũng có thể thấy những nội tạng trong thân thể người bị bịnh.
Trước kia tôi ở Miami đã gặp vài người Mỹ, Miami là một nơi rất kỳ quái, rất nhiều người kỳ lạ cư trú ở đó. Lúc ấy người tiếp đãi chúng tôi là cư sĩ Tăng Hiến Vĩ, ông ta ở đó thành lập một Niệm Phật Xã và mời tôi đến giảng kinh. Cư sĩ Tăng đã học Thiền, cũng đã theo học Mật với các vị Lạt Ma, ông rất háo kỳ ưa thích những chuyện này nên ông thường tiếp xúc nhiều người như vậy. Chúng tôi thường nghe ông ta kể những chuyện này, tất cả đều là chuyện thật. Sợ không? Không cần phải sợ, sợ cũng không giúp được gì, không thể nói bạn sợ thì họ không tới, càng sợ thì họ càng làm dữ, vậy thì sợ làm chi. Nếu bạn không sợ thì họ không dọa bạn được, họ dùng hết chiêu thức dọa dẫm [mà bạn không sợ] thì tự nhiên họ sẽ bỏ đi. Nếu bạn sợ thật sự, họ cảm thấy rất có hiệu quả, thì họ sẽ khống chế bạn, nếu bạn không sợ họ, không đếm xỉa tới họ thì họ không có cách gì khống chế bạn. Đặc biệt là chúng ta tu tâm thanh tịnh, cảnh giới cao nhất là vô ngã, đúng như kinh Kim Cang có dạy ‘phá được bốn tướng’, hết thảy yêu ma quỷ quái đều không có, không bén tới được. Chúng ta hiểu được đạo lý này, biết những sự thật này, biết tự mình nên tu học như thế nào, thành tựu công đức chân thật, thành tựu chính mình, lợi ích chúng sanh.
Quỷ thần, Ma Vương cũng vậy, lúc họ không có cách gì quấy nhiễu bạn thì họ sẽ quay lại quy y hộ pháp, chúng ta coi Ma Vương Ba Tuần làm hộ pháp cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Họ muốn phá hoại Phật pháp, thật ra là vì tỳ-kheo thời Mạt pháp chẳng thể y giáo phụng hành, họ đến gây phiền phức. Người thật sự có tu, có học thì họ cũng sẽ tôn kính hộ trì, Ma cũng hộ pháp. Đây chính là điều nói trong kinh Phật ‘hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh’, Ma cũng có Phật tánh, Mạnh Tử có nói ‘con người ai cũng có lòng trắc ẩn’, nói như vậy rất có đạo lý. Người có xấu ác tới đâu khi nhìn người ta chịu khổ đôi lúc cũng sẽ sanh tâm thương hại, sẽ thông cảm với người đó, người ác còn có thể sanh tâm ấy huống chi là người thiện? Cho nên tự hành có thể cảm hóa hết thảy người ác, ác quỷ ác thần đều sẽ được cảm hóa. Chúng ta coi đoạn kinh tiếp theo:
Địa Tạng danh tự nhân nhược văn,
Nãi chí kiến tượng chiêm lễ giả,
Hương hoa y phục ẩm thực phụng,
Cúng dường bách thiên thọ diệu lạc,
Nhược năng dĩ thử hồi pháp giới,
Tất cánh thành Phật siêu sanh tử.
地藏名字人若聞
乃至見像瞻禮者
香華衣服飲食奉
供養百千受妙樂
若能以此迴法界
畢竟成佛超生死
Như người nghe đến Địa Tạng danh,
Thậm chí thấy hình cùng chiêm lễ,
Hương hoa, thực phẩm, và y phục,
Cúng dường trăm ngàn hưởng diệu lạc.
Nếu đem hồi hướng khắp pháp giới,
Rốt ráo thành Phật, thoát sanh tử.
Chúng ta đọc đoạn kinh này mới biết công đức tạo tượng thù thắng chẳng thể nghĩ bàn, nguyên nhân ở chỗ nào? Làm cho hết thảy chúng sanh có cơ duyên nghe danh hiệu, nhìn thấy hình tượng, bạn tạo cho họ có cơ hội này, cho nên công đức ấy rất thù thắng. Nhưng trong đó có một việc chúng ta nhất định phải biết, lúc Phật pháp thịnh hành thì mới có công đức thù thắng, tại sao vậy? Mọi người nhận biết, nghe tới danh hiệu Địa Tạng, nhìn thấy hình tượng Địa Tạng sẽ sanh tâm hiếu thuận cha mẹ, tâm tôn sư trọng đạo, tâm học theo hạnh nguyện của Bồ Tát khởi lên, đây là danh hiệu hình tượng khơi gợi thiện niệm của chúng sanh, công đức đó quá thù thắng. Nếu Phật pháp suy thoái chẳng có người tuyên dương, mọi người đều coi hình tượng của Phật, Bồ Tát là ngẫu tượng, cho là mê tín, không thể nói là không có công đức, nhưng công đức này hiện nay sẽ không đạt được, hiện nay đạt được gì? Làm cho hết thảy chúng sanh tạo nghiệp, làm cho xã hội đại chúng nghĩ rằng quý vị đề xướng mê tín, quý vị sùng bái ngẫu tượng. Tuy tạo tội nghiệp nhưng những hình tượng này một phen lọt vào nhãn căn, danh hiệu lọt vào nhĩ căn sẽ vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo, công đức là ở chỗ này. Nhưng những tội nghiệp mà họ tạo, họ phải chịu quả báo hay không? Họ phải chịu quả báo, quả báo của tội nghiệp ở ba đường ác, sau khi chịu hết quả báo, khi họ thoát ra khỏi ba đường ác rồi gặp được thiện duyên, lúc đó thiện căn chín muồi, nhờ nhân duyên đó mới được độ, chúng ta phải hiểu những đạo lý này.
Lúc nào là lúc thích hợp nhất để tạo dựng tượng Phật? Mọi người đều biết sau khi kinh giáo được tuyên dương phổ biến thì đúc nặn hình tượng Phật, Bồ Tát sẽ đem lại chánh tri chánh kiến cho người ta, công đức đó vô lượng vô biên. Do đó chúng ta có nghĩa vụ phải làm cơ hội giáo dục, việc này trọng yếu phi thường! Hiện nay ở các nơi trên thế giới, hết thảy những kiến trúc Phật giáo, bất luận là cổ đại hay hiện đại hơn phân nửa đều biến thành những nơi cho người ta tham quan du lịch, người đi du lịch thường tới đó. Ở những chỗ đó nếu có thiện tri thức bất luận là xuất gia hay tại gia giới thiệu đơn giản ý nghĩa tiêu biểu pháp của hình tượng Phật, Bồ Tát [cho những người đi du lịch nghe], đó là cơ hội giáo dục. Họ đến tham quan đạo tràng, trong đạo tràng có thờ những hình tượng Phật, Bồ Tát, giới thiệu từng vị cho họ biết, mỗi vị tượng trưng ý nghĩa gì, làm vậy cũng như giảng một bài học cho người đi du lịch, làm cho họ không đến nỗi hiểu lầm Phật pháp. Nói cho họ biết đó tuyệt đối không phải là thờ cúng ngẫu tượng. Hết thảy những thiết trí trưng bày trong nhà Phật đều chứa đựng ý nghĩa giáo học sâu sắc trong đó. Chúng ta nói về những vật dùng để cúng như hương, hoa, tràng phan, bảo cái đều có ý nghĩa tiêu biểu pháp. Dùng danh từ giáo dục hiện nay mà nói thì đó gọi là giáo cụ, công cụ giáo học. Để khi sáu căn chúng ta tiếp xúc tới liền nghĩ về ý nghĩa của vật đó, nghĩ mình nên học tập như thế nào, dùng những vật này để nhắc nhở chúng ta từng giờ từng phút, vì sợ chúng ta quên mất, sợ chúng ta lại mê hoặc trong đời sống hằng ngày, dùng những phương pháp nghệ thuật này làm cho chúng ta vừa vui mừng vừa nhắc nhở chúng ta. Đây là sự dạy học có trình độ nghệ thuật cao độ, chẳng phải là mê tín. Mê tín là quý vị hiểu lầm, hiểu sai, tại sao quý vị lại hiểu lầm? Tại sao hiểu sai? Vì chẳng có ai giải thích rõ cho quý vị, do đó sự hiểu lầm của đại chúng trong xã hội là điều có thể tha thứ. Lỗi lầm là lỗi của chúng ta, chúng ta là đệ tử Phật trong số những người xuất gia và tại gia, chúng ta chẳng làm tròn trách nhiệm, chẳng giải thích việc này rõ ràng cho xã hội đại chúng. Vì sao nghe danh hiệu, nhìn thấy hình tượng sẽ được lợi ích, họ được lợi ích bao lớn chúng ta đều phải hiểu rõ ràng, rành rẽ.
Hai câu cuối này rất hay, ‘Nếu có thể dùng [công đức đó] để hồi hướng pháp giới’, làm thế nào hồi hướng pháp giới? Nói thật ra thì chỉ là mở rộng tâm lượng mà thôi. Chúng sanh trong thế gian niệm niệm đều vì lợi ích của chính mình do đó mâu thuẫn xung đột với xã hội và với chúng sanh sẽ vĩnh viễn không thể tránh miễn. Nếu bạn mở rộng tâm lượng thì vấn đề này sẽ được giải quyết. Chúng ta hãy nêu một thí dụ, từ thí dụ này chư vị hãy suy nghĩ cặn kẽ, chúng ta cư trú ở nhà mình dù không ra đường cũng thường có xung đột với hàng xóm, thân thích, bạn bè. Lúc bỏ quê nhà đi đến nơi khác sinh sống, gặp được một người cùng xứ sở, bạn gặp một người đồng hương thì sẽ cảm thấy rất thân thích, khác hẳn với lúc ở quê nhà. Lúc còn ở quê nhà thì bạn có xích mích, còn khi xa quê, xa nhà thì cảm thấy thân thích, phạm vi này lớn thêm một chút, đây là người cùng quê với mình. Nếu ra nước ngoài gặp một người cùng xứ sở của mình thì tâm trạng đó sẽ càng khác hơn nữa, người đó không chỉ là người cùng làng, cùng tỉnh, mà là cùng một quốc gia, [tâm trạng] ấy sẽ khác thêm một chút nữa. Nếu tâm lượng của bạn mở rộng và coi tận hư không trọn hết pháp giới đều là một nhà, khi bạn gặp bất cứ một chúng sanh từ một cõi Phật nào bạn đều cảm thấy thân thiết, ý nghĩa của hồi hướng pháp giới là ở chỗ này. Cho nên sự hiểu lầm nhỏ, xích mích nhỏ đều được hóa giải hết. Chỗ vĩ đại của đức Phật là Ngài coi tận hư không trọn khắp pháp giới đều là nhà mình, người nhà hiểu lầm chứ Ngài chẳng có hiểu lầm người nhà, đó là thật chứ chẳng giả. Tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là nhà mình thì cũng chưa thân thiết. Tận hư không trọn khắp pháp giới là chính mình, đó mới là lời chân thật, muôn vàn chính xác, chẳng có gì hư giả.
Y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là thân tướng của chính mình, đó là thân gì? Đó là pháp thân. Lúc nào chúng ta mới chứng được thanh tịnh pháp thân? Đến ngày nào bạn đột nhiên giác ngộ, và thấy tận hư không trọn khắp pháp giới đều là chính mình, bạn sẽ chứng được pháp thân thanh tịnh. Lúc bạn chứng được pháp thân thanh tịnh, thân hiện nay của bạn là thân nghiệp báo, thân nghiệp báo này liền chuyển biến thành báo thân viên mãn. Viên mãn báo thân là gì? Trí huệ hiện tiền, viên mãn báo thân là trí huệ thân, bạn sinh sống trong trí huệ chân thật, chúng tôi thường nói bạn sẽ sinh sống trong đời sống có trí huệ cao tột, thân đó chính là báo thân. Bạn sẽ dùng lòng thương yêu của bạn để giúp đỡ hết thảy chúng sanh, đó là hóa thân, thiên vạn ức hóa thân; bạn thấy chúng sanh có căn tánh khác nhau, chủng tộc khác nhau, nguyện vọng khác nhau, bạn sẽ dùng nhiều phương pháp khác nhau để thỏa mãn họ, chăm sóc họ, đem lợi ích cho họ, đó chính là trăm ngàn ức hóa thân.
Phẩm này tới đây là chấm dứt, những gì nói trong phẩm này hoàn toàn là chân tướng sự thật, đều là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta hiện nay. Những lý luận phương pháp mà đức Phật dạy chúng ta, cũng chính là điều chúng ta vô cùng cần thiết, ngày nay chúng ta sinh sống trong hoàn cảnh này, mỗi ngày đều trầy da tróc vảy nghĩ không ra phương pháp giải quyết, nơi đây đức Phật đều nói hết ra cho chúng ta biết, Ngài từ bi tới cùng cực. Chín ngàn năm đời Mạt pháp chỉ có pháp môn này có thể cứu độ chúng sanh, đây là thật chứ chẳng giả. Dùng pháp này làm cơ sở, cơ sở thật sự, lúc khai kinh chúng tôi đã nói với chư vị, phước thứ nhất trong Tam Phước dạy trong Quán Kinh, kinh này dạy đầy đủ mười một câu trong phước thứ nhất của Tam Phước. Pháp môn Tịnh tông dùng phước này làm cơ sở, dùng cơ sở này để niệm Phật cầu vãng sanh, nhất định sẽ được sanh Tịnh Độ, vả lại có thể khẳng định vãng sanh Thượng Bối, chắc chắn là Bậc Thượng trong ba bậc vãng sanh. Tách khỏi cơ sở này thì vãng sanh sẽ không chắc chắn, lúc đó phải coi cơ duyên, người thế gian gọi là coi vận may, bạn có thể may mắn gặp được bạn tốt hay không? Cơ duyên chẳng phải có được một cách ngẫu nhiên, vẫn phải nhờ thiện căn phước đức đời trước chín muồi, gặp được duyên mới hữu dụng, đến lúc lâm chung mới có thể tin, có thể nguyện, có thể hành, thì người đó mới có thể hối cãi. Nếu có thể vun bồi cơ sở từ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện này, thì cơ sở của bạn mới kiên cố, chắc thật. Cho nên ‘Nếu có thể dùng công đức ấy để hồi hướng pháp giới, ắt sẽ thành Phật vượt thoát sanh tử’, chúng ta có thể tiếp nhận câu này, có thể tin tưởng, và có thể khẳng định.
Thị cố Quán Âm nhữ đương tri.
Phổ cáo Hằng sa chư quốc độ.
是故觀音汝當知
普告恒沙諸國土
Vì thế, Quán Âm, ông hãy nên,
Bảo khắp Hằng sa các cõi nước!
Chúng ta kính mến Quán Thế Âm Bồ Tát thì phải nên noi gương, học theo Ngài, Ngài đối với cõi nước nhiều như cát sông Hằng đều phổ biến tuyên dương Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh, chúng ta nên học theo và tuyên dương. Đặc biệt là chú giải của pháp sư Thanh Liên hay vô cùng, chúng ta học hoặc hoằng dương bộ kinh này và có cuốn chú giải này để làm tài liệu tham khảo là đủ rồi, trong đó trích dẫn kinh điển, sưu tập rất nhiều tài liệu. Lúc chúng ta khuyến cáo người ta, chúng ta có thể sưu tập những câu chuyện cảm ứng gần đây nhất mà trong kinh có nói, làm cho thính chúng tăng thêm lòng tin.
Được rồi, hôm nay chúng tôi giảng tới đây.
[1] ‘Biên’ ở đây là biên tế, tức những giới hạn, ranh giới nẩy sinh do chấp trước, phân biệt, chẳng hạn, ta, người, đúng, sai, thương, ghét, có, không, lý, sự, tánh, tướng, v.v...
Do có chấp trước nên tự đặt giới hạn, khởi tham ái, cái này là của ta, đây là nhà ta, đây là vợ con ta, đây là pháp môn của ta, đây là cảnh giới của ta, nên tà ma, ngoại đạo mới được dịp quấy nhiễu.
[2] Chữ sinh lý ở đây không có nghĩa là tình dục. Sinh lý (physiology) nghĩa là các hoạt động trong đời sống của sinh vật hoặc là cơ năng của các bộ phận trong thân thể của sinh vật.
[3] phần khoa phán của sách Khoa Chú
Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.