Pháp sư

[TẬP 48]: Xuất Gia Cần Có Thiện Căn


 

          Xin mở cuốn Khoa Chú quyển Hạ, trang bảy mươi sáu, xin xem kinh văn:        

          Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai thế hữu chư nhân đẳng, y thực bất túc cầu giả quai nguyện, hoặc đa bịnh tật, hoặc đa hung suy, gia trạch bất an, quyến thuộc phân tán, hoặc chư hoạnh sự đa lai ngỗ thân, thùy mộng chi gian đa hữu kinh bố. Như thị nhân đẳng văn Địa Tạng danh, kiến Địa Tạng hình, chí tâm cung kính niệm mãn vạn biến, thị chư bất như ý sự tiệm tiệm tiêu diệt, tức đắc an lạc, y thực phong dật, nãi chí ư thùy mộng trung tất giai an lạc.

復次觀世音菩薩。若未來世有諸人等。衣食不足求者乖願。或多病疾。或多凶衰。家宅不安。眷屬分散。或諸橫事多來忤身。睡夢之間多有驚怖。如是人等聞地藏名見地藏形。至心恭敬念滿萬遍。是諸不如意事漸漸消滅。即得安樂。衣食豐溢。乃至於睡夢中悉皆安樂。

Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có những người nào ăn mặc không đủ, cầu gì cũng trái nguyện, hoặc nhiều bịnh tật, hoặc nhiều sự hung suy, nhà cửa không yên ổn, quyến thuộc bị phân tán, hoặc các hoạnh sự cứ xảy đến làm thiệt thân, khi ngủ thường mộng thấy điều kinh sợ; những người như thế, khi nghe danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, thấy hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, mà chí tâm cung kính niệm đủ một vạn biến, thì những sự không như ý sẽ tiêu sạch lần lần, liền được an vui, đồ ăn mặc dư dật, cho đến trong giấc mộng thảy đều an vui.

          Đến đây là hết một đoạn, đoạn này nói về việc chuyển nghiệp báo ác, thậm chí những điều mong cầu đều đạt được. Trong kinh đức Phật dạy chúng ta như vậy, có phải thật sự có thể thỏa mãn hết những điều mong cầu hay không? Có hiệu quả hay không? Vấn đề này phải coi chúng ta tồn tâm như thế nào?  Nếu đối với Phật pháp tương đối khế nhập, chúng ta có thể tin lời Phật dạy, đạo lý này là như thế nào?  Nguyên lý là ‘cảnh tùy tâm chuyển’, nghĩa là tâm chúng ta có thể chuyển cảnh giới, chứ không để cảnh giới chuyển tâm. Vẫn là nguyên tắc này, nếu chúng ta thật sự có thể đạt đến trình độ tâm chuyển cảnh giới thì đâu có chuyện gì không thỏa mãn như ý? Chúng ta coi kinh văn ‘Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát’, kêu tên Bồ Tát Quán Thế Âm để bắt đầu một đoạn khai thị. ‘Nhược vị lai thế’ (Nếu ở đời vị lai), những lời trong phẩm kinh này đều là lời đức Phật dạy cho chúng sanh đời vị lai, không những giao phó việc cứu độ chúng sanh khổ nạn cho Địa Tạng Bồ Tát mà còn giao phó cho Quán Thế Âm Bồ Tát nữa. ‘Hữu chư nhân đẳng, y thực bất túc, cầu giả quai nguyện’, thế giới ngày nay tai nạn dồn dập, có thể nói là mỗi ngày đều xảy ra tai nạn, chúng ta phải biết nguyên nhân xảy ra tai nạn là gì, đó chính là những ác nghiệp tích lũy từ vô thỉ kiếp đến nay tạo thành. Cách giải thích này tuy đúng sự thật, nhưng người trong thế gian không thể tiếp nhận, không thể tin tưởng. Thời xưa nhờ có những lời răn dạy truyền trao từ nhiều đời trước nên vẫn còn người tin tưởng. Ngày nay con người phế bỏ hết những lời răn dạy của cổ đức, cho rằng sáng kiến, cách suy nghĩ, cách làm của người hiện đại mới đúng, ngược ngạo cho rằng những lời răn dạy của cổ thánh tiên hiền đều lỗi thời, chẳng thích hợp với thời đại, nên phải phế bỏ hết. Những trào lưu mới mẻ này, cách suy nghĩ, cách làm mới mẻ này có kết quả như thế nào? Đây là điều đáng cho chúng ta suy tư, xem xét kỹ lưỡng.

          Con người hiện đại không tin lục đạo luân hồi, chẳng tin nhân quả báo ứng, nhưng những chuyện báo ứng thật sự bày trước mắt, họ không thể không hứng chịu, họ vẫn phải hứng chịu. ‘Quần áo thức ăn chẳng đủ’ là việc đau khổ nhất trong thế gian. Lần này chúng ta phát khởi việc cứu trợ tai nạn ở vùng Đông Bắc, hiện nay đã tới mùa đông, thời tiết vùng Đông Bắc rất lạnh, đặc biệt là năm nay quá lạnh. Tôi nghe nói ở Đài Loan có một đoàn đi du lịch, cũng do đồng tu Phật giáo chúng ta tổ chức đi Trung Quốc đại lục du lịch ngắm cảnh, khi tới Thượng Hải họ cảm thấy quá lạnh, chịu không nổi bèn đi về. Thời tiết miền bắc còn lạnh gấp mấy lần Thượng Hải, mấy người này chịu không nổi thời tiết ở Thượng Hải, vậy thì những đồng bào cư trú ở vùng Đông Bắc phải làm sao đây? Chúng tôi gởi tặng mười vạn bộ áo ấm, bên đó gọi điện cho tôi nói hiện nay đã phát ra hơn một vạn bộ, tôi kêu họ vừa làm xong thì gởi đi tặng liền, đừng đợi tới lúc làm xong hết mới gởi đi, may được bao nhiêu liền gởi đi bấy nhiêu; những người nhận được áo ấm rất vui mừng, chúng tôi mua toàn đồ mới, chẳng mua đồ cũ để đi cứu trợ. Những vị đồng tu đem đồ đi cứu trợ tại những vùng bị tai ương này, lúc trở về họ đều khóc lên khóc xuống, tại sao vậy? Họ thấy người dân ở đó bị nạn quá đau khổ, chẳng có thức ăn, đang trong tình trạng đói khát, vậy thì phải làm sao? Áo quần thì có rồi nhưng chẳng có lương thực. Tôi hỏi có thể mua được lương thực hay không? Có thể mua được, hiện nay vùng Đông Bắc Trung Quốc cấm xuất khẩu lương thực, có thể bán ở trong nước, vả lại giá cả cũng không mắc mỏ; họ nói với tôi hiện nay vùng bị tai họa lấy bắp làm thức ăn chính, hiện nay giá mỗi cân là bốn cắc, bốn cắc tiền Trung Quốc. Tết âm lịch gần tới rồi, chúng tôi gởi thêm một số bột mì, tôi nói với họ việc cứu trợ rất gấp rút, cần thiết. Họ thương lượng với tôi, hỏi có thể giảm áo ấm để mua lương thực hay không? Tôi nói áo ấm cũng vẫn cứ làm, làm nhanh lên, lương thực vẫn phải mua, nếu thiếu tiền thì chúng tôi sẽ tìm cách, việc cứu trợ rất gấp rút, quan trọng.

          Chúng ta đều biết nguyên nhân của tai nạn là gì, chúng ta hiểu rõ, nhưng nói ra người ta không tin, người ta không thể tiếp nhận. Cho nên đọc đoạn kinh văn này, cứ cho rằng niệm vài danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát liền được độ, liền được cứu, làm gì có chuyện như vậy? Ai chịu tin?  Ngày nay chúng ta phát tâm đi cứu trợ, đây là trị ngọn chứ chẳng trị gốc.  Lời dạy của đức Phật là nhằm trị gốc, cứu tế từ căn bản. Đoạn trước nói về tai nạn, những tai nạn này xảy ra trước mắt chúng ta, chúng ta nhìn thấy tận mắt, nghe đến tận tai. Tật bịnh hung suy, ‘nhà cửa chẳng yên, quyến thuộc phân tán’, có nhiều người rời khỏi vùng bị tai nạn để đi nơi khác trốn tránh;  ‘hoạnh sự’ nghĩa là tai nạn ngoài ý muốn; ‘trong lúc nằm mộng bị kinh hoàng sợ hãi’, đây là việc chúng ta có thể tưởng tượng được. Trong chú giải pháp sư Thanh Liên cũng nói rất rõ ràng, rất rành mạch, trong chú giải hàng thứ tư đếm ngược lên, câu cuối cùng, ngài nói những tai nạn này ‘đều do đời trước tham lam bỏn xẻn nên đời này mới bị họa hoạn như vậy’. Do đó đức Phật dạy chúng ta đời này có được thân người, được thân người gọi là Dẫn Nghiệp, đời quá khứ đã tu ngũ giới thập thiện, nhờ vào nhân duyên này dẫn dắt chúng ta đầu thai ở cõi người, được thân người. Tuy được thân người, mỗi người giàu sang, nghèo hèn khác nhau, họa phước gặp được trong đời này khác nhau, đây là vì nguyên do gì? Đó là Mãn Nghiệp. Pháp Tướng Duy Thức nói rất rõ ràng, rất chi tiết, Mãn Nghiệp là những thiện nghiệp và ác nghiệp đã tạo trong đời trước; đời trước tạo thiện nghiệp thì đời này được phước báo, áo quần thức ăn đầy đủ, các sự mong cầu đều được toại nguyện. Nếu đời trước tạo ác nghiệp thì sẽ bị thiếu thốn quần áo thức ăn, các sự mong cầu đều không mãn nguyện, thường gặp phải những sự khốn khổ, gian truân này.

          Nhưng chuyện này là chuyện đã tạo đời trước, ngày nay hối hận cũng không kịp nữa, nếu không nhờ đức Phật dạy thì chúng ta làm sao biết được nghiệp nhân quả báo của những chuyện này? Nếu không hiểu rõ nghiệp nhân quả báo [khi gặp những tai họa này] rồi than trời trách người, cho rằng ông Trời không công bình, mọi người trên thế gian đều có lỗi với mình, khởi tâm oán hận xong lại tạo ác nghiệp, làm sao ác nghiệp có thể chuyển đổi khổ báo? Không thể nào được. Do đó Thế Tôn dạy chúng ta ‘như thị nhân đẳng’, những người gặp phải tai nạn nên giác ngộ, ‘nghe danh hiệu Địa Tạng, nhìn thấy hình tượng Địa Tạng Bồ Tát’, trong kinh này chúng tôi đã nói rất nhiều, Địa Tạng tiêu biểu cho cái gì?  Tiêu biểu hiếu kính, nghe tới danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, nhìn thấy hình tượng Địa Tạng Bồ Tát thì phải khởi lên tâm hiếu kính, tôn sư, như vậy mới có thể chuyển nghiệp báo, sửa đổi tâm lý thì có thể chuyển nghiệp báo. Hiếu kính là nguồn cội của hết thảy thiện pháp, nhà Phật nói tới ba thiện căn ‘không tham, không sân, không si’ đều lấy hiếu kính làm cơ sở. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật dạy chúng ta câu thứ nhất là ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết hại, tu thập thiện nghiệp’, bốn câu này đều là những lời dạy trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, kinh này nói thật ra đều giảng về bốn câu trên. Chúng ta nghe tới danh hiệu Địa Tạng, nhìn thấy hình tượng Địa Tạng Bồ Tát thì lời dạy của đức Phật tự nhiên khởi lên trong tâm ta. Khi ý niệm chuyển đổi thì cảnh giới sẽ chuyển dần dần, việc này rất quan trọng. Mọi người gặp tai nạn, chúng ta dốc hết tâm sức để cứu trợ, đây chỉ là việc nhất thời. Nhưng người đời thấy chúng ta làm việc cứu trợ có thể khởi tâm cảm kích, quên đi lời dạy của đức Phật. Sự cứu trợ của chúng ta chỉ là nhất thời, chẳng ăn nhằm gì cả, lời Phật dạy mới là căn bản, vĩnh viễn giải quyết [vấn đề], ân đức ấy lớn bao nhiêu, có mấy ai thấu hiểu được? Có bao nhiêu người biết đến ân đức này?

          Ở nơi bị tai nạn, chúng ta cũng hưởng ứng lời kêu gọi của đồng bào đang gặp tai nạn, họ nói rất nhiều trường học bị cuốn trôi trong cơn bão lụt này, chúng tôi muốn xây mười trường trung học, hai mươi trường tiểu học, giúp cho các học sinh có chỗ đi học trở lại. Những trường trung học chúng tôi xây đều gọi là Từ Quang, họ đồng ý cho chúng tôi đặt tên trường. Chúng tôi uống nước nhớ nguồn, chính mình có thể hiểu được đạo lý này là nhờ lời dạy của thầy tôi, chúng tôi niệm niệm chẳng quên ân đức của thầy giáo. Sự nghiệp cả đời của thầy tôi là ở Thư Viện Từ Quang, thầy lập nên thư viện tên là Từ Quang. Ngày nay chúng tôi xây trường học ở Đại Lục đặt tên trường là Từ Quang để kỷ niệm thầy Lý.  Chúng tôi đặt tên trường tiểu học là Hiếu Liêm, đây là làm tỏa rạng bổn nguyện của Địa Tạng Bồ Tát, vì Địa Tạng Bồ Tát tiêu biểu cho hiếu đạo.  Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện là hiếu kinh trong nhà Phật, Phật pháp được xây dựng từ chỗ này. Giáo dục tiểu học là giáo dục cơ sở, thời xưa ở Trung Quốc chữ Hiếu Liêm là tên gọi Tú Tài. Ý nghĩa này rất sâu, hy vọng vun bồi tâm hiếu kính của học trò từ nhỏ, vun bồi tâm liêm khiết. Liêm khiết nghĩa là không tham, không tham là một trong ba thiện căn. Con người có thể không tham thì tự nhiên sẽ kéo theo không sân, không si, vì tham không được nên mới nổi sân khuể, nếu tham được thì họ làm sao có tâm sân khuể được? Cho nên ý nghĩa liêm khiết ở Trung Quốc bao gồm ý nghĩa của ba thiện căn trong Phật pháp, chúng tôi dùng ý này để đặt tên cho trường tiểu học.

          Chúng tôi hy vọng các bạn đồng tu nào có khả năng thì hãy ủng hộ việc này, đợt thứ nhất chúng ta xây mười trường trung học, hai mươi trường tiểu học, đợt đầu xây ở miền Bắc. Chúng ta tu học mấy chục năm qua cũng nhờ ơn hộ trì của Hàn Quán Trưởng, bà là người quê ở Đại Liên, cho nên ba mươi trường này xây ở miền Bắc cũng là để đáp ơn hộ pháp của bà. Đức Phật dạy chúng ta tri ân báo ân, chúng tôi hy vọng đem tinh thần này phổ biến làm cho nó tỏa rạng rộng lớn, không những tương lai có thể giúp đỡ các khu vực ở Trung Quốc, chúng tôi cũng muốn giúp đỡ hết thảy những người đang chịu khổ nạn trên toàn thế giới. Khả năng của chúng ta có hạn, chỉ cần mình làm với tâm chân thành thì chắc chắn sẽ được Phật, Bồ Tát giúp đỡ, sức mạnh của con người làm không nổi, còn Phật, Bồ Tát có sức làm việc này, đúng như lời ông Lý Mộc Nguyên thường nói ‘Chúng ta không có phước báo, A Di Đà Phật có phước báo, chúng ta không có khả năng, A Di Đà Phật có khả năng’, chúng ta dùng tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi để tu học thì tự nhiên sẽ được cảm ứng.

          Lời dạy chúng ta tu học trong đoạn này quan trọng nhất là câu ‘chí tâm cung kính’, pháp sư Thanh Liên chú giải rất hay, chúng ta hãy cùng nhau đọc ‘chí tâm cung kính, triệt đáo nguyên để dã’ (chí tâm cung kính là đạt tới cội nguồn), từ đây chúng ta mới biết hàm nghĩa sâu rộng của bốn chữ này. ‘Triệt đáo nguyên để’, nguyên để là gì? Là chân tâm, là tự tánh. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy chúng ta ‘hư không pháp giới y chánh trang nghiêm duy tâm sở hiện’, do đó tâm là cội nguồn của hết thảy vạn pháp trong hư không pháp giới, ‘chí tâm cung kính’ sẽ đạt đến cội nguồn này. Chí tâm là chân thành tới cùng cực, tại sao phải dùng câu này? Câu này là năng cảm (vật có thể cảm), cảm ứng đạo giao, tiêu trừ hết thảy tai nạn là việc được ứng, chúng ta có cảm liền có ứng, là Phật, Bồ Tát ứng. Phật, Bồ Tát có khả năng gì để ứng? Lại còn cảm ứng xứng tánh, như vậy mới đúng như lý, trên lý mới nói được thông suốt.  Nếu chẳng có lý luận này chúng ta nghe xong cũng sẽ ngờ vực như cũ, không thể tiếp nhận dễ dàng.

          Tiếp theo là nói làm thế nào mới được chí tâm ‘văn danh bất hoặc ư danh, kiến tướng bất trước tướng, minh khế chân thật trung cơ, phương viết chí tâm’ (Nghe danh mà chẳng bị danh mê hoặc, thấy tướng mà chẳng chấp vào tướng, ngầm khế hợp nền tảng chân thật thì mới gọi là chí tâm), câu này rất hay. Do đó có thể biết, người trong thế gian gặp tai nạn, dù đọc kinh này, nghe danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, thấy hình tượng Địa Tạng Bồ Tát, kêu cứu Phật, Bồ Tát bảo hựu cũng chưa chắc được nên việc, chưa chắc sẽ có hiệu quả. Đạo lý là gì? Chẳng làm đến mức chí tâm. Nghe danh rồi mê hoặc vào danh, thấy tướng rồi chấp vào tướng cản trở việc cảm ứng, nên cảnh giới khổ nạn vẫn không thể chuyển đổi. Nhưng con người muốn làm được tới mức này, nói thật ra dùng ngôn ngữ hiện nay mà nói, phải có tu dưỡng kha khá, thuật ngữ trong Phật pháp gọi là ‘chẳng phải phàm phu’, tại sao vậy? Trí huệ của họ đã mở mang, chỉ có trí huệ chân thật thì mới nghe danh nhưng không mê hoặc vào danh, không những không mê hoặc trên danh hiệu của Phật, Bồ Tát, mà hết thảy danh tướng trong thế gian đều chẳng mê hoặc. Một danh không mê, hết thảy danh đều không mê, một tướng không chấp thì hết thảy tướng đều không chấp. Chư vị phải biết khi tới cảnh giới này thì nghiệp sẽ tiêu hết, sẽ chuyển được cảnh, có mấy ai làm nổi? Do đó nhiều người đọc kinh này cảm thấy kinh không linh, cảm thấy kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói rất hay, nhưng trên sự thật thì dùng không được, chẳng thấy hiệu quả, đạo lý là như vậy. Chẳng phải là lời Phật nói không có hiệu quả mà là chúng ta không hiểu ý Phật, nhờ tổ sư đại đức giải thích nên chúng ta mới hiểu được một chút.

          Có thật sự là hiểu rõ triệt để hay không? Vẫn còn thắc mắc, cho nên sau đó mới dạy bạn ‘niệm mãn vạn biến’.  Niệm mãn vạn biến nghĩa là gì? Huân tu nhiều lần, hy vọng bạn có thể ngộ nhập vào cảnh giới này.  Nói cho bạn một lần, hai lần đâu có kết quả gì, bạn vẫn còn mê hoặc.  Cho nên phải thường đọc kinh, thường giảng, tốt nhất là phải thường giảng, hiệu quả của sự giảng kinh thù thắng hơn đọc kinh. Chính tôi là một kẻ phàm phu, là một người có căn tánh hạng trung, chẳng phải thượng căn lợi trí, ngày nay trong Phật pháp có được một chút lợi ích chẳng nhờ gì khác ngoài việc mỗi ngày đều giảng kinh. Mỗi một lần giảng đối với tôi là [cơ hội được] huân tu qua một lần, tôi giảng hết bốn mươi năm, mỗi ngày trong bốn mươi năm đều huân tu chẳng gián đoạn nên mới có được một chút hiệu quả, do đó tôi cảm thấy giảng kinh thù thắng hơn đọc kinh, thấu hiểu sâu sắc được câu ‘giáo học tương trưởng’ (dạy và học giúp ích lẫn nhau), hiểu thấu vì sao Bồ Tát nhiệt tâm giáo hóa chúng sanh? Chẳng qua là vì lợi ích cho chính mình. Bạn không nhiệt thành giáo hóa chúng sanh, nói cách khác bạn chẳng có cách gì tự lợi, tự lợi tuyệt đối được xây dựng trên sự lợi tha. Không những Giải Môn như vậy, Hạnh và Chứng cũng đều như vậy. Mình thấy người ta bị khổ nạn, không thể dốc hết tâm lực để giúp họ thì tai nạn của mình cũng sẽ không chuyển đổi được. Nói cách khác bạn nhiệt tâm giúp đỡ kẻ khác là bạn giúp đỡ chính mình, tai nạn của chính bạn được tiêu trừ. Cho nên thật sự tiêu tai miễn nạn là nhiệt tâm, dốc hết tâm lực để giúp đỡ người khác. Nếu bạn không chịu làm thật sự, dù Giải và Ngộ của bạn có viên mãn cách mấy thì tai nạn của bạn cũng tránh không nổi, quý vị hãy suy nghĩ kỹ càng đạo lý này. Cho nên ý nghĩa của câu ‘chí tâm cung kính, niệm mãn vạn biến’ rất sâu rộng, lời Phật nói chân thật chẳng hư dối.

          Đoạn kế tiếp nói về quả báo, ‘thị chư bất như ý sự’, ‘những sự chẳng như ý’ là như các thí dụ nêu trên: Quần áo, thức ăn chẳng đủ, những điều mong cầu không được toại nguyện, tật bịnh, hung suy, bất an, quyến thuộc phân ly, v. v. ‘tiệm tiệm tiêu diệt’ (dần dần tiêu diệt). Ý nghĩa của chữ ‘dần dần’ này rất sâu rộng, dựa trên mức độ dụng tâm của bạn, dựa trên thời gian huân tu dài ngắn, thì tai nạn này kéo dài hay ngắn mới tiêu trừ dứt, hoàn toàn phải coi chính mình [dụng tâm và huân tu như thế nào]. Nếu tự mình có thể đốn ngộ, có thể dũng mãnh tinh tấn tu học, trong thời gian ngắn liền có thể đạt được hiệu quả, lúc đó tai nạn này có thể tiêu trừ. ‘Tức đắc an lạc, y thực phong dật’ (liền được an vui, áo quần thức ăn phong phú), phong là phong túc (đầy đủ), ‘dật’ là tăng gia, không những mình đủ dùng mà còn dư để giúp đỡ người khác. ‘Nãi chí ư thùy mộng trung tất giai an lạc’ (Thậm chí trong lúc nằm mộng đều được an vui), trong giấc ngủ hết thảy ác mộng đều không còn, thân tâm an ổn, chuyển họa thành phước. Trong khoa đề [1] ghi ‘tu thiện tiêu diệt an lạc’, câu này đối với người hiện đại cần phải thêm vài chữ mới được, nếu không thì người đọc sẽ hiểu lầm tu thiện sẽ tiêu diệt hết an vui; [phải ghi thêm vài chữ như vầy] ‘tu thiện tiêu diệt những sự bất như ý, liền được an vui’, ý nghĩa như vậy mới viên mãn, sẽ không đến nổi hiểu lầm. Lời dạy trong đoạn kinh này là nhu cầu hết sức cấp bách, hết sức cần thiết đối với người hiện đại, chúng ta nên sốt sắng nỗ lực làm theo. Ngày nay chúng ta thấy người khác bị tai nạn, không chừng ngày mai chúng ta sẽ gặp tai nạn. Nếu chúng ta không quan tâm kẻ khác, đến lúc chúng ta gặp tai nạn thì ai sẽ quan tâm lo lắng cho chúng ta? Nếu chúng ta không chịu giúp đỡ người khác, lúc chúng ta bị nạn thì ai sẽ giúp chúng ta? Phải hiểu nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai. Chúng ta hy vọng lúc mình gặp nạn liền có người đến giúp đỡ, đến an ủi thì khi chúng ta thấy người ta bị nạn, chúng ta hãy an ủi, giúp đỡ người ta, làm vậy thì mình mới có thể có được quả báo này. Xem tiếp đoạn kinh văn sau:

Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai thế hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, hoặc nhân trị sanh, hoặc nhân công tư, hoặc nhân sanh tử, hoặc nhân cấp sự, nhập sơn lâm trung quá độ hà hải, nãi cập đại thủy hoặc kinh hiểm đạo.

復次觀世音菩薩。若未來世有善男子善女人。或因治生。或因公私。或因生死。或因急事。入山林中過渡河海。乃及大水或經險道。

Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có người thiện nam thiện nữ nào, hoặc vì việc làm ăn sinh sống, hoặc vì việc công việc tư, hoặc vì sự sanh sự tử, hoặc vì việc khẩn cấp, mà phải vào rừng lên núi, qua sông vượt biển, cho đến gặp nước lớn hoặc đi ngang hiểm đạo.

          Ngày nay chúng ta gọi những việc nói trong đoạn này là du lịch bình an. Người hiện nay đi du ngoạn, du lịch dùng phương tiện giao thông khác với người thời xưa, nhưng thật ra cơ hội gặp tai nạn chẳng khác gì thuở xưa. Đề mục [cho đoạn này] trong Khoa Phán ghi là ‘An thủy lục hiểm đạo’, nghĩa là lúc đi du lịch đường bộ hay đường thủy ở những nơi nguy hiểm đều được bình an.  Chư vị nên lưu ý coi trong kinh văn thì có thể tìm ra, đoạn trước đức Phật gọi Quán Thế Âm Bồ Tát ‘Nhược vị lai thế hữu chư nhân đẳng’ (Nếu trong đời vị lai có những người), bạn coi đoạn này ‘nhược vị lai thế, hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân’ (nếu trong đời vị lai có người thiện nam người thiện nữ), bạn chú ý kỹ trong mỗi đoạn kinh, nếu là ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’ thì cơ hội gặp tai nạn ít; khi không có chữ thiện như trong câu ‘hữu chư nhân đẳng, y thực bất túc’ (có những người quần áo lương thực chẳng đủ).  Nếu thật sự là người làm việc thiện thì những chuyện gặp tai nạn này rất ít; do đó chúng ta phải lưu ý mỗi chữ mỗi câu trong kinh.

          Chỗ này nói thiện nam tử, thiện nữ nhân, phía trước đã nói với chư vị về chữ thiện này, tối thiểu cũng phải làm được điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước ‘hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu thập thiện nghiệp’ thì đức Phật mới gọi người đó là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Quả báo của thiện nam tử, thiện nữ nhân, chư vị hãy đọc kỹ Liễu Phàm Tứ Huấn thì sẽ rõ, ông Liễu Phàm đích thật đã làm được bốn câu này, đây là gương tốt cho chúng ta. Đây là nói người đó phải đi xa, đi xa đương nhiên là có công việc, ‘hoặc nhân trị sanh’, ‘trị sanh’ nghĩa là làm những việc để [duy trì] đời sống, vì đời sống mình, đời sống gia đình mình nên phải ra ngoài mưu sinh. ‘Hoặc nhân công tư’, công là việc của công chúng, tư là việc riêng của tư nhân như đi thăm quyến thuộc, thăm bạn bè. Việc công thí dụ như người làm quan trong triều đình, hay nhân viên của những công ty hiện nay đi công tác. ‘Hoặc nhân sanh tử’, ‘tử’ là việc ma chay, ‘sanh’ là khi trong nhà sanh con cái, đây là việc vui mừng, họ phải về thăm. Hoặc nhân cấp sự’, khi có chuyện cấp bách, trên đây là những nguyên nhân phải đi xa nhà.  Hiện nay còn đi du lịch tham quan, việc này không thuộc những việc kể trên. ‘Nhập sơn lâm trung’ nghĩa là bạn đi ngang những vùng rừng núi; hoặc đi ngang sông ngang biển lớn, ‘đại thủy’ thí dụ như hồ, chằm. ‘Hoặc kinh hiểm đạo’ (hoặc đi ngang đường hiểm), đường hiểm bao gồm những chỗ có mãnh thú, rắn độc, hoặc có kẻ cướp bóc, đây là thuộc về hiểm đạo. Đời xưa trên đất liền có hiểm đạo, sông biển cũng có nguy hiểm, thí dụ những nơi có hải tặc, nếu bạn gặp phải cũng rất phiền phức. Hiện nay giao thông thuận tiện, nhanh chóng hơn thời xưa, nói thật ra đi du lịch thoải mái hơn đời xưa quá nhiều, nhưng những tai nạn giao thông chúng ta cũng thường nghe đến, làm sao có thể bảo đảm đi du lịch được bình yên, có thể nói là ai đi du lịch cũng đều mong muốn được bình yên.  Ở đây Thế Tôn dạy phương pháp tu học cho chúng ta, xin xem kinh văn:

 

          Thị nhân tiên đương niệm Địa Tạng Bồ Tát danh vạn biến.

是人先當念地藏菩薩名萬遍。

          Người đó trước hết nên niệm danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát một vạn biến.

          Thiện nam tử, thiện nữ nhân, niệm cách nào? Phải chí tâm xưng niệm, thành tâm thành ý niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát. Chú giải của pháp sư Thanh Liên nói, chúng ta hãy đọc chú giải ‘Thử hiển xưng danh chi ích’ (Điều này tỏ rõ lợi ích của việc xưng danh), Thế Tôn dạy chúng ta ‘thị nhân, thông chỉ cửu giới’ (chữ ‘người đó’ chỉ chung cho chín pháp giới), chẳng phải chỉ riêng cõi người chúng ta, chín pháp giới bao gồm cả Bồ Tát ở trong đó. Sau đó nói ‘Dĩ Sơ Địa Bồ Tát thượng bất miễn hổ lang chi nạn’ (Bởi lẽ, Sơ Địa Bồ Tát còn không thể tránh khỏi nạn cọp, sói), huống chi là những [chúng sanh trong cõi khác] dưới Bồ Tát. Chúng ta phải biết việc này. Vì sao bạn lại gặp phải những tai nạn này? Thế pháp, Phật pháp dạy cho chúng ta biết ‘một miếng ăn, một miếng uống không gì chẳng do tiền định’, đời trước bạn chẳng kết oán với cọp, sói, sư tử, khi gặp bạn chúng nó sẽ chẳng thèm đếm xỉa tới bạn, nó sẽ không làm hại bạn. Khi nó hại bạn thì đời trước chắc chắn là bạn đã kết oán với nó. Dù bạn là Sơ Địa Bồ Tát, bạn gặp kẻ thù thì họ cũng chẳng tha cho bạn, chúng ta phải biết việc này, cho nên oan gia nên cởi mở chứ đừng kết. Trong Cao Tăng Truyện chúng ta thấy An Thế Cao, nói thật ra Ngài cũng là thị hiện, Ngài rốt cuộc là người như thế nào chúng ta không thể biết, Ngài tới Trung Quốc trả mạng hai lần, việc này được ghi rất rõ trong truyện ký của Ngài. Đúng là thiếu nợ mạng thì chắc chắn phải đền mạng, thiếu tiền nhất định phải đền tiền, chẳng có cách nào khác, nhân quả thông ba đời, nếu nói người nào đó chiếm tiện nghi, người nào chịu thiệt thòi [đều không đúng], chẳng có chuyện này. Nói chiếm tiện nghi, nói chịu thiệt thòi là cách nhìn của người thế gian, họ chỉ nhìn thấy một khoảng thời gian trong hiện tại, chẳng thấy nhân quả trước đó và sau này, nếu thấy được nhân quả trước sau thì mới biết chân tướng sự thật.

          Nếu chúng ta gặp chuyện người ta chiếm tiện nghi của mình, chúng ta chỉ cười cười rồi thôi chứ đừng để nó trong bụng. Chúng ta bị gạt hay chịu thiệt thòi cũng không sao hết, tất cả hãy nghĩ là chúng ta trả nợ, chúng ta đã trả món nợ này xong rồi, đã trả dứt. Bất luận gặp phải những chuyện oan ức như thế nào đi nữa cũng phải nghĩ là mình trả nợ, tuyệt đối không oán trời trách người. Tự mình có tu giỏi tới đâu, có làm được bao nhiêu chuyện tốt, khi bị người ta vu oan, vu báng, thậm chí bị người ta hãm hại đều không sao hết, phải biết những chuyện này đều có nghiệp nhân quả báo. Sơ Địa Bồ Tát còn không tránh khỏi những ác báo này, chúng ta là hạng người nào [mà muốn tránh được]? Cho nên khi gặp những quả báo ác liệt này xảy ra thì phải bình tĩnh chịu đựng, không oán trời không trách người. Khi tai nạn xảy ra xong rồi thì tai nạn tiêu hết, đúng như câu nói ‘mưa tạnh trời quang đãng’. Tai họa xảy ra xong thì phước báo hiện lên. Nếu trong lúc này lại hoài nghi rằng mình đã làm chuyện tốt suốt cả đời mà còn gặp quả báo như vậy, trong tâm khởi oán hận thì tai nạn của bạn sẽ không tiêu hết, phước báo sẽ không hiện ra, chúng ta dứt khoát phải biết rõ, phải hiểu rõ đạo lý này. Nhất định phải tin tưởng lời dạy của Phật, Bồ Tát, y giáo phụng hành, sốt sắng phản tỉnh kiểm điểm, không thể cho rằng cái gì cũng là người khác sai lầm, nghĩ vậy là lỗi lầm lớn nhất của người tu hành. Người tu hành thật sự bất cứ lúc nào cũng thường kiểm điểm, [phải nghĩ] hết thảy đều là lỗi của mình, người khác không có lỗi gì hết, lỗi đều là lỗi của mình. Cứ sốt sắng nỗ lực sám hối, sửa sai đổi mới, thì đường Bồ Đề mới thuận buồm xuôi gíó, mới giảm bớt chướng nạn.

          Lời của đại sư Huệ Năng dạy chúng ta rất có lý ‘nếu là người thật sự tu đạo sẽ không thấy lỗi thế gian’, người thường không thể nào nói ra được câu này. Nói cách khác, nếu còn nhìn thấy lỗi lầm của thế gian, thấy mình không có lỗi lầm, người khác có lỗi lầm thì sự tu học của bạn sẽ gian nan, bạn sẽ có chướng ngại. Đến khi nào bạn thật sự có thể không thấy lỗi thế gian, chỉ thấy lỗi của mình thì bạn mới có tiến bộ, thật sự tiêu nghiệp chướng, chuyển họa thành phước. Cho dù chẳng may bị mất mạng, bị người ta hãm hại hoặc bị người ta giết thì cũng là chuyển họa thành phước, tại sao vậy? Bạn chắc chắn sẽ được sanh tới cõi lành, bạn xả thân này để đổi thân khác, đổi hoàn cảnh khác sẽ tốt hơn gấp nhiều lần hoàn cảnh và thân bây giờ. Dù cho không thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì chắc chắn cũng sanh lên trời hưởng phước trời. Giả sử gặp tai nạn, khởi lên tâm oán hận thì tai nạn không thể tránh khỏi, vả lại còn đọa vào ba đường ác, bạn coi [quả báo] sai khác bao lớn? Chúng ta phải hiểu rõ Lý và Sự này cho thật rành rẽ. Thập pháp giới bày trước mắt chúng ta, người có trí huệ biết lựa chọn đi đường nào, sẽ chọn đường tốt, chỉ có những kẻ vô tri cứ cho là mình tài giỏi, họ không biết lựa chọn, sẽ đọa lạc vào ác đạo. Chúng ta có thể hiểu được những sự lý này, đây là lời dạy của Phật, Bồ Tát, tổ sư, đại đức. Ân đức này quá lớn, quá lớn. Nếu chúng ta không gặp được Phật pháp thì làm sao biết được! Khi gặp những tai nạn này thì tâm chúng ta làm sao bình lặng được? Ngày nay chúng ta có thể bình tâm tịnh khí quán sát thế gian đều nhờ tiếp nhận được lời dạy của đức Phật, do đó nói thật ra ân đức của Phật, Bồ Tát, của Tam Bảo siêu việt ân đức của cha mẹ. Sau đây là lợi ích mà bạn có được:

 

Sở quá thổ địa quỷ thần vệ hộ, hành trụ tọa ngọa vĩnh bảo an lạc. Nãi chí phùng ư hổ lang sư tử, nhất thiết độc hại bất năng tổn chi.

所過土地鬼神衛護。行住坐臥永保安樂。乃至逢於虎狼師子。一切毒害不能損之。

          Thì đi qua nơi nào cũng có các vị quỷ thần hộ vệ, đi đứng nằm ngồi mãi mãi được an lạc, cho đến dẫu gặp cọp, sói, sư tử... cùng tất cả mọi thứ độc hại, đều không thể làm thương tổn đến được.

Lúc bình thường bạn có thể dứt ác tu thiện, bạn là thiện nam tử, thiện nữ nhân, lúc bạn đi du lịch, có thể niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát một vạn lần, rồi tu thêm pháp môn Địa Tạng. Tu thêm là tu như thế nào?  Hiếu thân tôn sư, đoạn ác tu thiện, tăng thêm lòng thương xót, từ bi cứu trợ hết thảy chúng sanh, đó chính là tu thêm pháp môn Địa Tạng Bồ Tát.  Trong lúc bạn đi du lịch, bạn có thể được thiên địa quỷ thần bảo hựu, chỗ bạn ở đều có thể yên ổn, dù gặp tai nạn, bạn cũng không bị tổn hại.  Ở đây Thế Tôn dạy chúng ta, đây chỉ là nêu thí dụ để nói, thật ra y theo lời dạy trong kinh điển để tu học sẽ được lợi ích vô lượng vô biên, làm sao nói hết được? Nói tới đây tổng cộng đã nêu ra mười thí dụ, sau đó đức Phật tổng kết lại ‘tổng thuyết lợi ích vô tận’.

         

Phật cáo Quán Thế Âm Bồ Tát: ‘Thị Địa Tạng Bồ Tát ư Diêm Phù Đề hữu đại nhân duyên’.

佛告觀世音菩薩。是地藏菩薩於閻浮提有大因緣。

          Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: ‘Bồ Tát Địa Tạng có đại nhân duyên với cõi Diêm Phù Đề’.

Diêm Phù Đề là chỉ địa cầu chúng ta, nói thật ra đây là lời đức Thế Tôn đặc biệt vì chúng ta nhấn mạnh Địa Tạng Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát đối với tận hư không trọn khắp pháp giới hết thảy chúng sanh đều có hạnh nguyện to lớn, không chỉ hạn chế ở địa phương này mà thôi; đức Phật đặc biệt nhấn mạnh cho chúng ta biết.

 

          Nhược thuyết ư chư chúng sanh kiến văn lợi ích đẳng sự, bách thiên kiếp trung thuyết bất năng tận.

若說於諸眾生見聞利益等事。百千劫中說不能盡。

          Nếu nói về những việc lợi ích nhờ được thấy, được nghe của chư chúng sanh, thì trong cả trăm ngàn kiếp cũng không thể nói hết được.

Đây là thật, tuyệt chẳng phải là vài thí dụ nêu ở phần trên, thật là lợi ích nói chẳng cùng tận. ‘Kiến văn lợi ích’ nhìn thấy hình tượng Địa Tạng Bồ Tát, nghe đến danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, lợi ích quá nhiều, quá lớn, nói một trăm kiếp, một ngàn kiếp cũng nói không hết. Trong phần chú thích có nêu Địa Tạng Thập Luân Kinh, Địa Tạng Bồ Tát có ba bộ kinh, ngoài kinh này ra còn có Thập Luân Kinh, Ngài nêu vài câu trong Thập Luân Kinh, chúng ta hãy đọc phần chú thích: ‘Thử kết’, kết nghĩa là tổng kết, ‘Địa Tạng thiên hướng Diêm Phù Đề chi ý’ (ý nói Địa Tạng hướng về Diêm Phù Đề), đây là lúc Thế Tôn thuyết pháp đặc biệt nhấn mạnh, kinh Thập Luân nói ‘quy kính Địa Tạng giả, sở cầu giai mãn túc, cụ túc thí công đức, bi mẫn chư chúng sanh.  Giả sử bách kiếp trung tán thuyết kỳ công đức, do thượng bất năng tận, cố giai đương cúng dường’ (người quy kính Địa Tạng, những việc mong cầu đều được thỏa mãn, đầy đủ công đức bố thí, thương xót chúng sanh. Giả sử khen ngợi công đức ấy trong suốt trăm kiếp cũng không hết, do đó phải nên cúng dường). Đây là nói công đức bố thí của Địa Tạng Bồ Tát, thương xót hết thảy chúng sanh. Người quy kính Địa Tạng nhất định phải làm theo hạnh của ngài Địa Tạng, nếu không thể tận tâm tận lực làm theo Địa Tạng Bồ Tát thì không gọi là thật sự quy kính. Thật sự quy kính thì nhất định phải làm cho bằng được, điểm này rất quan trọng, không thể nói tôi cung kính trong miệng, mỗi ngày lễ lạy Địa Tạng Bồ Tát, khi thấy chúng sanh đang chịu khổ nạn thì cứ mặc nhiên, vậy là sai rồi. Dù cho mình không có khả năng, không thể giúp đỡ người ta thì cũng phải tụng kinh, chấp trì danh hiệu, dùng công đức ấy chí tâm hồi hướng, tối thiểu thì bạn phải làm được tới mức này, đó là người thật sự không có khả năng giúp đỡ. Nếu có khả năng thì nhất định phải tận tâm tận lực, bạn có mười phần sức lực nhưng bạn chỉ tận dụng chín phần thì cũng không viên mãn, làm tới viên mãn thì mới thật sự là tu học Địa Tạng pháp môn, mới là thật sự quy kính Địa Tạng Bồ Tát. Xin xem tiếp kinh văn:

           

          Thị cố Quán Thế Âm! Nhữ dĩ thần lực lưu bố thị kinh, lịnh Sa Bà thế giới chúng sanh, bách thiên vạn kiếp vĩnh thọ an lạc.

是故觀世音。汝以神力流布是經。令娑婆世界眾生。百千萬劫永受安樂。

          Vì thế, này Quán Thế Âm! Ông hãy dùng thần lực mà lưu bố kinh này, làm cho chúng sanh ở thế giới Sa Bà trong trăm ngàn vạn kiếp luôn được hưởng sự an lạc.

Đây là lời đức Thế Tôn khuyên Quán Thế Âm Bồ Tát phải lưu thông tuyên nói kinh này. ‘Lưu bố’ nghĩa là diễn nói, lưu thông bộ kinh này, muốn lưu thông thì chính bạn phải tu học, chính mình nhất định phải làm được. Nếu bạn làm không được, bạn lưu thông cũng có công đức nhưng chuyển họa thành phước thì hơi khó khăn, chẳng nhanh chóng cho lắm. Nếu chính bạn quả thật có thể y giáo phụng hành thì chuyển cảnh giới rất nhanh. Hiện nay lưu thông bằng cách in kinh là phương pháp hay nhất, thời xưa lưu thông rất khó khăn, thời xưa phải chép kinh chứ chẳng có phương tiện ấn loát. Chúng ta coi những bài ghi chép bằng văn tự thời xưa, có một số trưởng giả giàu có chép kinh, họ mướn một số thư sinh chép kinh, chép một bộ, chép mười bộ, rất ít người có khả năng có thể chép một trăm bộ. Hơn phân nửa kinh chép xong rồi đem tới chùa miếu cúng dường, trong chùa có lầu chứa kinh, cung phụng ở đó cho người ta đọc tụng, cũng có người tới đó để sao chép, người xưa chép kinh vì thời xưa việc ấn loát không phát triển, rất khó khăn. Vào những năm đầu thời Dân Quốc vẫn còn người chép kinh, hiện nay thì ít rồi, kỹ thuật ấn loát phát triển cho nên công đức làm việc lưu thông kinh điển ngày càng thuận tiện. Giống như cuốn chú giải này, pháp sư Thanh Liên là người triều vua Khang Hy, vào thời đó đã dùng phương pháp khắc ván để ấn loát, bản khắc gỗ phải khắc từng chữ từng chữ.  Nếu bạn tới Kim Lăng Khắc Kinh Xứ ở Nam Kinh, bạn coi sách xỏ chỉ vẫn dùng từng tờ giấy mà in, hoàn toàn dùng sức người, dùng giấy Mao Biên để in. Một người làm việc suốt ngày [có thể in bao nhiêu cuốn?], tôi từng đi tham quan, tôi hỏi: ‘Ông có thể in bao nhiêu cuốn?’  Họ nói có thể in khoảng tám cuốn, tám cuốn đó chẳng dầy bằng cuốn này. Sách xỏ chỉ, chư vị cũng biết, mỗi ngày có thể in tám cuốn, đâu tiện lợi bằng máy móc ấn loát bây giờ. Hiện nay chúng ta in sách lưu thông có thể dùng con số một vạn cuốn làm tiêu chuẩn, mỗi lần in tối thiểu là một vạn cuốn, thuận tiện hơn thời xưa quá nhiều. Ngày nay giảng thuyết có thể lưu lại băng ghi âm, băng thâu hình, có thể làm ra CD, đây là việc lưu thông [kinh điển trong] thế gian.

          Đức Phật dặn ngài Quán Thế Âm Bồ Tát lưu thông, chúng ta nghe xong càng phải nỗ lực; lời dạy trong kinh này đích thật có thể vãn hồi kiếp vận trong chín ngàn năm đời Mạt pháp, việc này vô cùng quan trọng! Chín ngàn năm đời Mạt pháp, chúng ta đọc trong kinh này, sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ, Ngài giao phó sứ mạng hoằng pháp lợi sanh cho Địa Tạng Bồ Tát, ý này nói rõ trong đời Mạt pháp, dùng phương pháp này có thể cứu vãn kiếp vận, độ hết thảy chúng sanh, làm cho chúng sanh chẳng đến nổi phải bị đọa ác đạo. ‘Lịnh Sa Bà thế giới chúng sanh, bách thiên kiếp vĩnh thọ an lạc’ (làm cho chúng sanh trong thế giới Sa Bà vĩnh viễn thọ yên vui suốt trăm ngàn kiếp), đây là hiệu quả của việc lưu thông truyền bá kinh này. Hoằng pháp lợi sanh quan trọng nhất là phải khế cơ, khế lý, kinh này là lời dạy từ chân như tự tánh của đức Thế Tôn lưu lộ, không những là Đại Thừa, chúng ta hãy quan sát kỹ lưỡng, đó đích thật là Đại Thừa trong Đại Thừa. Chẳng khác gì với Hoa Nghiêm, Vô Lượng Thọ, thật ra là một thể, đây là khế lý. Cảnh giới và phương pháp tu học nói trong kinh vô cùng khế hợp với căn cơ chúng sanh thời Mạt pháp, do đó ngày nay chúng ta tu học bộ kinh nào, cả đời chúng ta chuyên hoằng dương kinh nào thì chúng ta có thể hiểu rõ rồi.

          Đoạn này là văn Trường Hàng, trong phần sau phẩm này có phần Trùng Tụng. Trùng tụng có hai ý nghĩa, thứ nhất là lúc đức Phật giảng kinh thuyết pháp, có người tới trước, có người tới sau, chẳng giống như trong trường học đúng giờ thì học sinh đều vào lớp. Phật giảng kinh không giống như lên lớp, có người tới sớm, có người tới trễ. Người tới sớm thì phần đầu nghe được trọn vẹn, người tới sau thì phần đầu chẳng nghe được. Nếu là phần khai thị rất quan trọng thì đức Phật sẽ không phụ kẻ tới sau, Ngài nói đơn giản và tóm tắt những ý đã nói phía trước thêm một lần nữa, để cho những người tới sau nghe. Ý nghĩa thứ hai là kệ tụng dễ nhớ hơn, phần trước nói rất nhiều, sợ người nghe không nhớ hết nên dùng kệ tụng để lập lại, tiện lợi cho đại chúng ghi nhớ, nếu không nhớ thì bạn không thực hành được. Cho nên đối với lời dạy của đức Phật, chúng ta thường đọc tụng là để học thuộc lời dạy này, trong đời sống hằng ngày khi khởi tâm động niệm sẽ nhớ tới lời đức Phật dạy, [chúng ta sẽ biết] có nên khởi lên ý niệm này, câu nói này, có nên làm việc này hay không. Hết thảy dùng kinh giáo làm tiêu chuẩn, đó gọi là tu hành đúng như pháp, y giáo phụng hành. Dụng ý của kệ tụng là như vậy. Xin xem kinh văn:

         

          Nhĩ thời Thế Tôn nhi thuyết kệ ngôn:

          ‘Ngô quán Địa Tạng oai thần lực. 

Hằng Hà sa kiếp thuyết nan tận.

          Kiến văn chiêm lễ nhất niệm gian. 

Lợi ích nhân thiên vô lượng sự.

爾時世尊而說偈言。

吾觀地藏威神力

恒河沙劫說難盡

見聞瞻禮一念間

利益人天無量事

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

‘Ta xem Địa Tạng sức oai thần,

Hằng hà sa kiếp nói chẳng cùng.

Thấy, nghe, một niệm chiêm ngưỡng lễ,

Lợi ích trời, người vô lượng sự. 

Đây là bài thứ nhất, bài thứ nhất là tán thán chung, tán thán oai thần công đức của Địa Tạng Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn. ‘Ngô quán’, ‘ngô’ là lời Thế Tôn tự xưng, đây là đức Phật nhìn bằng Phật nhãn chứ chẳng phải mắt thường. Những gì đức Phật thấy được, thấy oai thần lực của Địa Tạng Bồ Tát, oai đức thần thông giúp đỡ hết thảy chúng sanh đang chịu khổ nạn trong trọn khắp hư không pháp giới. Chúng sanh trong thế gian hiện nay gặp rất nhiều tai nạn, Địa Tạng Bồ Tát có cứu giúp hay không? Oai thần lực của Địa Tạng Bồ Tát hiện ra như thế nào?  Chúng ta phải biết oai thần lực của Địa Tạng Bồ Tát đích thực bày ra trước mắt chúng ta, nhưng chúng ta không nhìn thấy. Chúng ta không hiểu, không tin, không thể phụng hành, chúng ta đã bỏ lỡ lời dạy của Ngài rồi. Oai thần lực của Ngài là gì? Tức là ‘ba kinh Địa Tạng, là những đạo lý nói trong kinh, những phương pháp và hiệu quả dạy trong kinh, đó chính là Địa Tạng oai thần lực. Hết thảy chúng sanh, phía trước pháp sư Thanh Liên nói nếu chúng sanh trong chín pháp giới có thể đọc tụng, ức niệm, y giáo phụng hành, chẳng có ai không được lợi ích.  ‘Hằng hà sa kiếp cũng nói không hết’, đây là lời Phật nói, Phật nói cũng nói không hết, phía trước nói trăm ngàn muôn kiếp, Hằng hà sa kiếp cũng nói không hết.

‘Thấy, nghe, một niệm chiêm ngưỡng lễ, Lợi ích trời, người vô lượng sự’, đây là một thí dụ, bạn thấy tượng Địa Tạng Bồ Tát, nghe đến danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, dù chỉ là trong vòng một niệm, một niệm này có lợi ích hay không? Có chứ, trong A Lại Da Thức đã gieo hạt giống. Nhưng lợi ích đó hiện nay không thể khởi lên, không thể trở thành hiện thực. Hạt giống kim cang đã gieo xuống, không nhất định là đời sau, kiếp sau gặp được duyên này, [khi nào] bạn có thể tin, có thể hiểu, có thể hành thì lợi ích ấy sẽ trở thành hiện thực. Giống như câu chuyện đức Phật kể trong kinh Pháp Hoa: Nhiều kiếp số lâu xa về trước có một tiều phu đang đi chẻ củi trong rừng, gặp một con cọp muốn ăn thịt ông, ông chạy trốn và leo lên một cây cao, lúc sợ hãi cùng cực ông kêu lên một câu ‘Nam mô Phật’, đây là chuyện lâu xa nhiều kiếp về trước. Lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện, ông này được sanh làm người, gặp Phật pháp, muốn xin đức Phật đi xuất gia, đức Phật Thích Ca hỏi những vị đại đệ tử của Ngài rằng ông này có thể xuất gia hay không?  Xuất gia cần phải có thiện căn. Các vị đệ tử của Phật đều là A La Hán, đều có thần thông, có thể quán sát năm trăm đời trước, mọi người đều nói ông này chẳng thể xuất gia, trong năm trăm đời trước ông chẳng có trồng thiện căn, chẳng có duyên với Phật. [Sau đó] đức Phật mới nói ông này vô lượng kiếp trước đã niệm một câu ‘Nam mô Phật’, nhờ nhân duyên niệm một câu ‘Nam mô Phật’ này, nên đời này có thể xuất gia, chẳng lâu sau ông chứng quả A La Hán. Đây chính là ‘lợi ích nhân thiên vô lượng sự’. Do đó người thế gian tuy hiện nay vẫn phải chịu đựng tai nạn to lớn, Phật, Bồ Tát thật sự có tâm từ bi giúp họ có thể nhìn thấy tượng Phật, nghe danh hiệu Phật, Bồ Tát, gieo thiện căn cho họ, sau này chắc chắn sẽ được độ. Nếu họ có thiện căn, giống như phía trước nói thiện nam tử, thiện nữ nhân, vậy thì rất dễ được độ, rất có thể trong đời này họ có thể tiêu tai miễn nạn, có thể niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ. Vãng sanh Tịnh Độ tức là đi làm Phật, việc này thù thắng hơn so với bất cứ việc gì. Xin xem bài kệ thứ nhì, bài kệ thứ nhì là ‘chuyển suy tướng’:

 

          Nhược nam nhược nữ nhược long thần. 

Báo tận ứng đương đọa ác đạo.

          Chí tâm quy y Đại Sĩ thân. 

Thọ mạng chuyển tăng trừ tội chướng.

若男若女若龍神

報盡應當墮惡道

至心歸依大士身

壽命轉增除罪障

Hoặc nam, hoặc nữ, hoặc rồng, thần, 

Báo tận sẽ sa vào đường ác, 

Chí tâm quy y thân Đại Sĩ, 

Thọ mạng chuyển tăng, tội chướng trừ.

Câu thứ nhất nói rõ chúng sanh trong chín pháp giới, phạm vi này vô cùng rộng lớn, người nam người nữ ở cõi người, long thần ở cõi trời, đây là chỉ chung hết thảy chúng sanh trong lục đạo. ‘Báo tận sẽ sa vào đường ác’, đời này thọ mạng đã hết, đã tạo một số ác nghiệp nên họ phải đọa ác đạo. ‘Chí tâm quy y thân Đại Sĩ’, quan trọng ở bốn chữ ‘chí tâm quy y’. Dùng tâm chân thành, ‘quy’ nghĩa là quay đầu lại, đoạn dứt hết thảy ác là ‘quy’, tu hết thảy thiện là ‘y’, noi theo lời dạy của Bồ Tát để tu hết thảy điều thiện. Quy y chẳng phải là mời một vị pháp sư, ở trước tượng Phật, Bồ Tát xá vài cái, đọc kệ quy y cho bạn, cấp cho bạn một giấy chứng minh quy y thì kể là bạn đã quy y rồi. Làm gì có chuyện tiện nghi như vậy? Chúng ta phải hiểu đạo lý này. Nói thật ra quy y nghĩa là ‘quay về là bến bờ’, bạn thật sự quay trở lại, tu hành noi theo lời dạy. Ý niệm trong tâm của bạn đã chuyển biến, cảnh giới cũng chuyển đổi, cảnh tùy tâm chuyển. Thọ mạng có thể kéo dài, tội nghiệp tiêu trừ, chuyển họa thành phước. Bài kệ này chuyển suy tướng. Phía sau còn ba bài kệ, đây là ‘tụng thị sanh giới’.

 

Thiếu thất phụ mẫu ân ái giả.

Vị tri hồn thần tại hà xứ,

Huynh đệ tỷ muội cập chư thân,

Sanh trưởng dĩ lai giai bất thức.

少失父母恩愛者

未知魂神在何趣

兄弟姊妹及諸親

生長以來皆不識

Trẻ thơ sớm mất tình phụ mẫu,

Chẳng rõ thần hồn lạc nơi đâu,

Anh em chị em cùng thân thuộc,

Sanh trưởng đến nay chẳng biết nhau.

Bài này nói rõ về những người bạn tưởng nhớ, người nhà quyến thuộc đã qua đời lúc bạn còn nhỏ tuổi, lúc trưởng thành bạn thường nghĩ nhớ đến họ, chẳng biết hình dáng, dung mạo của họ, nhưng có tình thương sâu đậm đối với họ nên bạn thường nghĩ nhớ tới họ, từ việc này mới biết lòng người còn nhân hậu, còn đạo nghĩa. Hiện nay tương đối ít có người nghĩ như vậy, phần đông chỉ tham đắm hưởng thọ trước mắt, những ân tình này đều quên ráo trọi, đúng như câu nói ‘vong ân phụ nghĩa’. Tội nghiệp của việc vong ân phụ nghĩa, quả báo ở tại ba đường ác, hơn phân nửa là ở cõi súc sanh. Đây là việc tri ân báo ân những chúng sanh có ân tình sâu đậm. Bài kệ tiếp theo là dạy họ phương pháp tu học:

 

Hoặc tố hoặc họa Đại Sĩ thân.

或塑或畫大士身

Hoặc nặn hoặc vẽ hình Đại Sĩ.

Hoặc đúc hình tượng Địa Tạng Bồ Tát, hoặc là vẽ hình tượng Địa Tạng Bồ Tát. Đây là chữ ‘họa’ (vẽ).

 

Bi luyến chiêm lễ bất tạm xả.

悲戀瞻禮不暫捨

Cảm thương chiêm lễ chẳng muốn rời,

Sau khi vẽ hoặc đúc nặn hình tượng Bồ Tát, bạn cúng dường hình tượng ấy, mỗi ngày lễ lạy, chiêm ngưỡng liên tục chẳng gián đoạn.

 

Tam thất nhật trung niệm kỳ danh.

Bồ Tát đương hiện vô biên thể.

三七日中念其名

菩薩當現無邊體

Hăm mốt ngày luôn niệm danh hiệu,

Bồ Tát ắt hiện thân vô biên,

Chân thành cảm thì Phật, Bồ Tát sẽ ứng, kinh nói rõ trong vòng ba tuần, hai mươi mốt ngày, chí thành tu trì thì nhất định sẽ được Bồ Tát cảm ứng. Nếu trong vòng ba tuần Bồ Tát không hiện thân thì đó là vì thành ý của bạn không đủ. Trong sách xưa chúng ta thường thấy, thời xưa tế lễ, chư vị đọc trong Luận ngữ cũng thấy câu ‘tế thần như thần hiện diện’, thần cũng xưng là quỷ thần, quỷ thần là chỉ những ai? Chỉ tổ tiên của mình. Khi cúng tế tổ tiên, người chủ trì việc tế lễ thời xưa gọi là Tế Công, người đó phải tu trai giới, trai giới ba ngày. Căn phòng của Tế Công giống như căn phòng bế quan trong nhà Phật vậy, kể như là bế quan ba ngày, trai giới mộc dục. Trong ba ngày không tiếp xúc với bất cứ người nào, thức ăn uống được người nhà của họ cung cấp, ba ngày này họ làm gì? Ba ngày này họ chuyên nghĩ tưởng về cử chỉ, động tác, lời ăn tiếng nói, tiếng cười của tổ tiên, chuyên nghĩ nhớ tổ tiên, lúc tế lễ có thể mời tổ tiên tới. Lúc tế lễ, có lúc dường như nhìn thấy hình dáng của tổ tiên, nghe tiếng ho của tổ tiên, đó là cảm ứng. Nếu người đó không chí thành thì làm sao có cảm ứng? Trong Cổ Lễ, lúc cúng tế phải trai giới ba ngày, trong kinh này nói ba tuần. Trong thời gian này chí tâm chiêm lễ, thì làm sao không có cảm ứng được? Do đó Bồ Tát nhất định sẽ hiện thân. Chúng sanh có cảm thì chắc chắn Phật, Bồ Tát sẽ ứng. Khi Ngài hiện thân sẽ nói với bạn:

 

Thị kỳ quyến thuộc sở sanh giới.

示其眷屬所生界

Chỉ rành quyến thuộc ở nơi nao.

Nói cho bạn biết, người nhà quyến thuộc mà bạn tưởng nhớ ấy hiện nay ở đâu? Trong thập pháp giới, hiện nay họ đang ở pháp giới nào?

 

Túng đọa ác thú tầm xuất ly.

縱墮惡趣尋出離

Dầu sa ác thú cũng ra mau.

Dù họ đọa vào ác đạo, người nhà quyến thuộc có thể làm những chuyện nói trên, hồi hướng công đức tu hành cho họ, cảm ứng Địa Tạng Bồ Tát hiện thân, thì họ sẽ được thoát khỏi ác đạo. Đây là đạo lý như thế nào, chư vị có thể hiểu được không? Chúng ta đừng nói phạm vi quá lớn, chỉ nói chân tình giữa người với người. Một người mất đi, trên thế gian còn có người tưởng nhớ người mất, tưởng nhớ trong một thời gian dài, thì người mất đó chẳng luống uổng cuộc đời của họ. Nếu sau khi bạn mất đi chẳng có ai nhớ đến thì bạn đã uổng phí cuộc đời. Bạn có thể làm cho người ta tưởng nhớ, rốt cuộc cũng có chỗ nào đó đáng được người ta tưởng nhớ, nếu bạn không dùng chân tâm để đối xử với người ta thì người ta làm sao tưởng nhớ bạn được? Không bao giờ. Do đó tích lũy công đức rất quan trọng. Người nhà thân quyến, bạn đối với con cái, anh em chị em không thương mến, không chăm sóc thì họ sẽ không tưởng nhớ bạn. Hiện nay chúng tôi thấy trên báo nói có rất nhiều thanh thiếu niên, khi có người hỏi cha của em, [thì em sẽ nói] ‘tôi không thương cha tôi, tôi ghét mẹ tôi’, con cái ăn nói như vậy thì làm sao được? Đây là vấn đề to lớn của xã hội, trên báo chí chúng ta thường thấy những chuyện này. Tại sao con cái lại chán ghét cha mẹ như vậy? Vì các bậc cha mẹ không chăm sóc con cái, họ cứ bận rộn sự nghiệp, công việc làm ăn của mình, có rất nhiều bậc cha mẹ giao con cái cho người giúp việc trong nhà chăm sóc. Những đứa con này sẽ thương mến người giúp việc, chán ghét cha mẹ, không thương cha mẹ, vì người giúp việc trong nhà chăm sóc [chứ cha mẹ không chăm sóc con cái]. Đây là việc đáng cho chúng ta phản tỉnh sâu xa. Cho nên con người sống trên thế gian, đối người, đối với hết thảy chúng sanh phải thí ân đức, tại sao Phật, Bồ Tát có thể làm cho mọi người tôn kính? Vì các Ngài bố thí công đức, bố thí ân đức.  Cho nên có con cái hiếu thuận, tưởng nhớ cha mẹ, tu phước cho cha mẹ, y giáo phụng hành, như cô Bà La Môn, cô Quang Mục nói trong phần trước, dù người nhà đọa địa ngục cũng có thể thoát khỏi, phía trước đã nói ‘dẫu sa ác thú cũng ra mau’.

 

Nhược năng bất thoái thị sơ tâm,

Tức hoạch ma đảnh thọ thánh ký.

若能不退是初心

即獲摩頂受聖記

Nếu được sơ tâm chẳng thoái thất,

Liền đặng xoa đảnh, thọ Thánh ký.

Điều này rất tốt! Trong vòng ba tuần bạn ‘cảm thương chiêm lễ chẳng muốn rời’, nếu có thể duy trì vĩnh viễn thì bạn có thể thành Phật ngay trong đời này. Đây là lý do gì? Chân thành cung kính tới cùng cực, tâm này rất quý, tâm này cảm động chư Phật, Bồ Tát. Nếu tâm này vĩnh viễn không thoái lui, y giáo tu hành thì đâu lẽ nào không chứng quả? Do đó câu này là nói ‘hiện báo thọ ký’, cả người sống lẫn kẻ mất đều có lợi.  Bồ Tát tới xoa đảnh thọ ký cho bạn, thọ ký có nghĩa là lời đoán trước, nói cho bạn biết tới lúc nào bạn sẽ chứng quả, bạn sẽ đạt được thành tựu như thế nào, trong sự tu học Phật pháp, đây là một đại sự nhân duyên.  Cho nên chúng tôi cũng hy vọng các bạn đồng tu thật sự phát tâm chuyên tu, chuyên hoằng bộ kinh này, nhưng phải ghi nhớ, cuối cùng phải quy kết về Cực Lạc thì mới viên mãn, nếu không thì chỉ được phước báo nhân thiên mà thôi. Đương nhiên được phước báo nhân thiên là bước đầu, trước hết làm cho họ được phước báo nhân thiên, sau đó mới khuyên họ niệm Phật cầu sanh tịnh độ, như vậy mới thật sự là đại viên mãn.

          Như vậy tốt lắm, hôm nay chúng tôi giảng đến đây.

 

[1] Khoa đề chính là tên gọi của từng tiểu mục. Thường thì chú giải kinh, chư tổ chia kinh thành nhiều tiểu đoạn (gọi là phân khoa hay khoa phán). Tên gọi của một khoa đó gọi là Khoa đề.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.