Pháp sư

[TẬP 46]: Tại Sao Đọa Tam Ác Đạo?


 

          Xin mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang sáu mươi lăm, xin xem kinh văn:

          Sanh nhân thiên trung, thọ thắng diệu lạc, thị nhân quyến thuộc như hữu phước lực, dĩ sanh nhân thiên thọ thắng diệu lạc giả, tức thừa tư công đức chuyển tăng thánh nhân, thọ vô lượng lạc.

生人天中。受勝妙樂。是人眷屬如有福力。已生人天受勝妙樂者。即承斯功德轉增聖因。受無量樂。

Sanh trong cõi trời cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.  Nếu quyến thuộc của người đó có phước lực, đã được sanh vào cõi trời, cõi người và hưởng thọ sự vui thù thắng vi diệu rồi, thì sẽ nhờ công đức này mà nhân Thánh tăng trưởng, hưởng vô lượng sự vui.

          Trong chú giải vừa mở đầu liền nói ‘đã sanh vào cõi thiện, tăng ích công huân, chưa thoát khổ luân, sớm sanh Tịnh Độ’, giống như ý nghĩa của đoạn kinh này. Đây là nói rõ nếu quyến thuộc trong nhà lúc còn sống làm việc thiện, tu phước, đời sau còn được thân người. Nếu sức mạnh của thiện hạnh, phước đức ấy rất lớn thì họ có thể sanh lên trời hưởng phước cõi trời. Quyến thuộc vì người đó cúng dường hình tượng Địa Tạng Bồ Tát, tu học noi theo phương pháp dạy trong kinh điển, để siêu độ cho họ, vun bồi phước đức cho họ, họ có thể thành tựu công đức như vậy. Kinh này nói rất rõ ràng ‘Quyến thuộc người đó, nếu có phước lực’, làm theo phương pháp này là tu phước, tu học như vậy họ có thể được lợi ích hay không? Có thể được lợi ích, tăng thêm phước báo của họ. Ở đây nói ‘Nhờ vào công đức đó chuyển tăng nhân Thánh’, nhân Thánh là cơ duyên gặp Phật pháp, trong lúc họ thọ phước báo cõi người hoặc cõi trời họ có duyên gặp Phật pháp, đương nhiên chúng ta có thể thấy việc này là do oai thần của Địa Tạng Bồ Tát gia trì làm cho họ có thể tiếp nhận Phật pháp, tín ngưỡng và hiểu rõ Phật pháp, y giáo tu hành, được vậy thì quả báo của họ sẽ rất thù thắng, ‘thọ vô lượng niềm vui’.  ‘Vô lượng niềm vui’ là một tiêu chuẩn, đến lúc nào mới thật sự được vô lượng niềm vui? Tổng quy về pháp môn Tịnh Độ mới thật sự được vô lượng niềm vui, vả lại trong thời gian rất ngắn liền có thể đạt được, cổ đức thường nói ‘Phật pháp thành tựu ngay trong đời này’, chẳng cần phải đợi tới đời sau.

          Do đó có thể biết, pháp môn này thật sự đúng như đại sư Thiện Đạo đã dạy, Ngài nói ‘chín phẩm vãng sanh đều do gặp duyên chẳng giống nhau’. Từ lời dạy của Ngài chúng ta có thể hiểu được sau khi con người chết đi thác sanh vào cõi nào cũng là do gặp duyên khác nhau, quý bạn nghĩ coi đúng không? Trong đời này nếu chúng ta gặp ác duyên, hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất đều không tốt, trong tâm phiền muộn, bồn chồn, thường khởi tham sân si mạn thì sẽ đọa tam ác đạo.  Tại sao đọa tam ác đạo? Vì gặp duyên chẳng giống nhau. Nếu trong đời này bạn gặp được thiện tri thức, gia đình êm ấm, học trường tốt, gặp thầy giáo tốt, bạn bè tốt thì bạn nhất định có tâm thiện, hành vi thiện, bạn nhất định sẽ ở trong tam thiện đạo, do vậy mới biết ‘duyên’ rất quan trọng.  Trong Phật pháp gọi là duyên, hiện nay người trong thế gian gọi là cơ hội, tuy ngôn từ khác nhau nhưng ý nghĩa đều giống nhau. Do đó trong sách xưa chúng ta đọc thấy chuyện ‘Mẹ ngài Mạnh Tử ba lần dời chỗ ở’, việc này rất có đạo lý. Mẹ ngài Mạnh Tử dọn nhà ba lần, chư vị nên biết hiện nay dọn nhà rất bình thường, nhất là ở ngoại quốc, dân tộc du mục thường xuyên dọn nhà, còn Trung Quốc thời xưa dọn nhà chẳng dễ, [phần đông người ta] đều cư trú mãi ở một địa phương, bao nhiêu đời cũng ở một chỗ, ở trong ngôi nhà xưa, làm gì có việc thường thường dọn nhà? Tại sao mẹ Mạnh Tử phải dọn nhà ba lần? Đều vì con cái, vì hoàn cảnh sinh hoạt của con nhỏ, nơi đó duyên không tốt thì phải dọn nhà, chọn lựa nơi nào người hàng xóm đều là người thiện, người tốt, để cho con nhỏ sinh hoạt trong hoàn cảnh tốt đẹp, từ nhỏ đứa con có thể huân tập những sự tốt lành. Lý do Mạnh Tử có thể trở thành thánh nhân là nhờ được mẹ dạy dỗ, được mẹ săn sóc chu đáo. Hiện nay chúng ta thấy rất nhiều gia đình con cái chẳng thuận thảo, con cái chẳng nghe lời, nguyên nhân là gì? Con cái tiếp xúc với những đám bạn xấu, hoàn cảnh sinh sống không tốt, nguyên nhân này rất lớn.

          Đời này chúng ta học Phật, nếu muốn thành tựu thì chúng ta phải chọn một hoàn cảnh tốt đẹp [thuận tiện] cho sự học Phật. Đây cũng là lý do chúng tôi muốn xây làng Di Đà, xây Niệm Phật Đường, chẳng qua là muốn tạo dựng một hoàn cảnh tu hành tốt đẹp. Mọi người đều biết Tây Phương Cực Lạc thế giới, tại sao [những người ở đó] có thể thành tựu nhanh chóng? Vì hoàn cảnh tu học tốt đẹp, cõi nước chư Phật ở mười phương cũng không thể so sánh với thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc là nơi ‘chư thượng thiện nhân tụ hợp tại một chỗ’, bạn nói hoàn cảnh này tốt biết mấy? Cổ đại đức giải thích chữ thượng thiện, thượng thiện là chỉ những người nào? Là chỉ Đẳng Giác Bồ Tát. Thập Địa Bồ Tát đã rất ‘thiện’, còn thêm chữ ‘thượng’, ‘thượng thiện’ là Đẳng Giác Bồ Tát. Do đó có thể biết Bồ Tát ở Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là Đẳng Giác Bồ Tát. Ở trong hoàn cảnh này tu học thì làm sao bạn không thành Phật cho được? Đây là nơi mười phương cõi nước chư Phật cũng không thể sánh bằng, đạo lý là như vậy. Khi chúng ta chọn hoàn cảnh tu học, tại sao lại chọn thế giới Cực Lạc? Tại sao chư Phật Như Lai đều khuyên chúng ta chọn thế giới Cực Lạc? Đạo lý là như vậy. Hoàn cảnh tu học ở mười phương cõi nước chư Phật tuy là tốt, nhưng làm sao tìm được nhiều Đẳng Giác Bồ Tát ở chung một chỗ như vậy, không thể nào tìm được. Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều có, vả lại tu học đều thành tựu theo thứ lớp, phải từ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng dần dần nâng cao lên. Cho dù Tây Phương Cực Lạc thế giới hạ hạ phẩm vãng sanh, khi sanh tới đó đều làm A Duy Việt Trí Bồ Tát, đây là lời đức Phật A Di Đà nói trong bốn mươi tám lời nguyện của Ngài. Câu này là bổn nguyện công đức của Phật A Di Đà, nguyện của Ngài đều đã thành hiện thực, Ngài đã thành Phật. Sanh tới Tây Phương Cực Lạc thế giới liền làm A Duy Việt Trí Bồ Tát, đây là pháp khó tin, ai tin nổi việc này? Đây là lời đức Phật nói. Phật chẳng thể nào vọng ngữ, lời Phật nói tuyệt đối là chân thật, chúng ta phải nên tin sâu chẳng nghi, cho nên chúng ta phải lựa chọn hoàn cảnh tu học [tốt đẹp nhất ở cõi Cực Lạc]. Câu này tuy không nói rõ nhưng đã bao gồm ý nghĩa ‘chuyển tăng nhân thánh, thọ nhận vô lượng niềm vui’ trong đó. Xin xem tiếp kinh văn:

 

          Thị nhân cánh năng tam thất nhật trung, nhất tâm chiêm lễ Địa Tạng hình tượng, niệm kỳ danh tự mãn ư vạn biến, đương đắc Bồ Tát hiện vô biên thân, cụ cáo thị nhân quyến thuộc sanh giới.

是人更能三七日中。一心瞻禮地藏形像。念其名字滿於萬遍。當得菩薩現無邊身。具告是人眷屬生界。

Nếu người đó lại có thể trong hai mươi mốt ngày nhất tâm chiêm lễ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng và niệm danh hiệu của Ngài đủ một vạn biến, thì sẽ được Bồ Tát hiện thân vô biên, nói cho người đó cõi giới mà quyến thuộc của họ đã sanh về.

Phía trước nói thời gian tu hành là một ngày cho tới bảy ngày, chẳng thoái tâm ban đầu. Chỗ này tăng thêm một bậc ‘có thể trong vòng ba tuần’, chữ quan trọng then chốt nhất trong sự tu hành là ở chỗ nhất tâm, hai chữ này rất quan trọng! Nếu là loạn tâm, tạp tâm thì hiệu quả sẽ không được vậy, chỉ có thể được một chút phước báo, do đó trong kinh nói nhất tâm, nhất lễ, nhất chiêm, chữ này rất quan trọng. Ở đây nói rõ hơn đoạn trước, ‘nhất tâm chiêm lễ hình tượng Địa Tạng, niệm danh hiệu ngài, đủ một vạn lần’. Chữ ‘vạn’ ở đây không phải là con số, chữ này tiêu biểu ý viên mãn, rốt ráo. Viên mãn nghĩa là trong ba tuần, hai mươi mốt ngày bạn dốc hết sức niệm, thật ra nói niệm cũng chẳng phải là niệm bao nhiêu danh hiệu, quan trọng là niệm được tương ứng, vậy mới quan trọng! Niệm được nhiều nhưng nếu không tương ứng thì cũng như người xưa nói ‘hét bể cổ họng cũng uổng công!’. Do đó quan trọng nhất là phải tương ứng, ‘một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật’, quan trọng là ở chỗ tương ứng. Như thế nào mới là tương ứng? Lúc niệm Địa Tạng Bồ Tát, tâm là tâm của Địa Tạng Bồ Tát. Tâm Địa Tạng Bồ Tát là tâm gì? Độ thoát hết thảy chúng sanh khổ nạn trong pháp giới, hiếu kính hết thảy chúng sanh trong pháp giới, đó là tâm Địa Tạng.

Tâm chúng ta tương ứng với tâm của Địa Tạng Bồ Tát, hạnh cũng phải tương ứng. Hạnh là hành vi, thật sự là cống hiến thân tâm để phục vụ hết thảy chúng sanh, tạo tăng thượng duyên cho mọi chúng sanh được độ, đó là hạnh. Tùy lúc tùy chỗ tận tâm tận lực khuyến hóa hết thảy chúng sanh, giúp cho hết thảy chúng sanh hiểu rõ trạng huống trong thập pháp giới, đặc biệt là trong sáu nẻo luân hồi. Chúng ta phải nói cho họ biết rõ tình huống trong sáu nẻo luân hồi, để họ biết lựa chọn. Không những phải nói cho họ nghe, mà còn phải làm khuôn mẫu cho họ thấy, giúp họ giác ngộ. Nếu bạn chỉ nói mà làm không nổi, người ta nghe cũng không tin. Bạn phải làm cho bằng được thì người ta nhìn thấy mới có thể tiếp nhận, tin tưởng, học tập, đó là hạnh tương ứng. Tâm hạnh tương ứng thì gọi là ‘niệm’, nhất tâm xưng niệm, do đó chư Phật, Bồ Tát chẳng có niệm thứ nhì, chỉ có [một niệm] là giúp đỡ chúng sanh, đây là điều chúng ta phải nên học tập. Nhất tâm, chân thành tới mức cùng cực, người xưa có câu ‘thành thì linh’, linh nghĩa là cảm ứng, chân thành tới cùng cực thì cảm ứng vô cùng rõ ràng, cho nên bạn có thể cảm ứng được Địa Tạng Bồ Tát hiện thân, nói cho bạn biết thân quyến của bạn hiện nay sanh tới cõi nào, không phải bạn đang quan tâm tới họ sao? Vì quan tâm muốn biết thân quyến ở nơi nào, bạn mới nhất tâm tu học pháp môn này, Bồ Tát chẳng  làm bạn thất vọng, Ngài sẽ hiện thân thuyết pháp cho bạn.

Nhất tâm, trong chú giải có nói về Sự Nhất Tâm và Lý Nhất Tâm, bạn có thể chuyên tâm lễ lạy, lễ lạy hình tượng Địa Tạng Bồ Tát, chuyên tâm niệm thánh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, đó là Sự Nhất Tâm. Đó cũng là nguyên tắc mà chúng ta thường nói ‘không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn’. Đoạn sau nói ‘khế nhập như hư không vô biên’, đây là Lý Nhất Tâm. Đây là nói tương ứng với Chân Như tự tánh là Lý Nhất Tâm, hoặc nói tương ứng với Nhất Chân thì là Lý Nhất Tâm. Chân tâm chính là pháp giới, chính là Chân Như, chính là tự tánh. Tâm tánh rộng lớn như hư không, chẳng có biên giới, khế nhập cảnh giới này là đã siêu việt thập pháp giới. Thập pháp giới còn có biên giới, còn có phạm vi, do đó siêu việt thập pháp giới là Lý Nhất Tâm. Cảnh giới này rất khó hiểu, chẳng dễ gì đạt được. Trong những kinh thông thường đức Phật nói để chúng ta hiểu được, phải niệm tới lúc phiền não dứt hết, phá được Phiền Não Chướng, phá luôn Sở Tri Chướng, đó là Lý Nhất Tâm. Phiền não chướng rất rộng, [bao gồm] Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não. Trần Sa và Vô Minh thuộc về Sở Tri Chướng, Kiến Tư là Phiền Não Chướng. Chư vị cũng hiểu rất rõ ràng, chúng ta có khả năng đoạn dứt hay không? Khởi tâm động niệm vẫn còn nhân ngã thị phi, chúng ta bị phiền não trói buộc chẳng có khả năng dứt trừ. Nhưng chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức đều cho chúng ta biết phiền não đều là hư vọng, chẳng phải thật. Đã là hư vọng thì nhất định có thể dứt trừ. Tự tánh chân tâm là sẵn có, vì là sẵn có nên nhất định có thể chứng được. Làm sao dứt trừ phiền não, chứng được Chân Như đều ở trong vòng một niệm, một niệm này nhất định phải do chính người đó hạ công phu, ai cũng chẳng thể giúp được. Do đó những gì đức Phật có thể giúp cho chúng ta chỉ là nói rõ ràng những chân tướng sự thật này cho chúng ta biết, dạy rõ những kinh nghiệm phương pháp mà Ngài đã dùng để dứt trừ phiền não, chứng nhập tự tánh cho chúng ta tham khảo, Ngài chỉ có thể làm tới mức này, còn những chuyện khác thì Ngài không thể giúp được.

Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này, đây là lời chân thật.  Người thật sự có thể giúp chúng ta là chính mình, đúng như câu nói ‘tự mình ngộ, tự mình tu, tự mình chứng’, chẳng kêu bạn phải nương nhờ người khác. Chúng ta nghe Phật, Bồ Tát, nghe tổ sư đại đức giảng kinh thuyết pháp, tự mình giác ngộ rồi, sau khi giác ngộ thì chính mình sẽ chịu tu, tu cái gì? Tu chỉnh hết thảy sự sai lầm. Bấy lâu nay khi đối người, đối sự, đối vật chúng ta nghĩ sai, thấy sai, nói sai, làm sai nên mới tạo nghiệp, sai lầm tức là tạo nghiệp, chiêu cảm khổ báo trong tam đồ lục đạo, đó là phàm phu. Đúng là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, những gì chúng ta làm đều là như vậy. Trong đời này chúng ta gặp nhân duyên thù thắng, hiếm có, khó gặp, có thật sự hiểu rõ thì chúng ta mới sanh lòng cảm ân, mới biết tri ân báo ân. Ân đức của Phật pháp đối với chúng ta quá lớn! Nếu đời này không gặp được, bạn làm sao có cơ hội thoát ly luân hồi? Chẳng có cơ hội, chắc chắn bạn sẽ tạo nghiệp tiếp tục.  Cho nên có duyên gặp được [Phật pháp] mới tỉnh ngộ, sau khi tỉnh ngộ thì phải chân tu, tu cái gì? Tuyệt đối không tạo nghiệp. Không những không tạo ác nghiệp, nói với chư vị biết, thiện nghiệp cũng không tạo luôn. Mọi người phải hiểu câu này, nếu nói thiện nghiệp cũng không tạo thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh, thuyết pháp có phải là thiện nghiệp hay không? Độ chúng sanh có phải là việc tốt hay không? Nếu chuyện tốt cũng không làm thì đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn rồi, chẳng cần phải giảng kinh thuyết pháp nữa.

Phật, Bồ Tát vẫn thị hiện những việc đoạn ác, tu thiện cho người ta coi, cả hai thứ thiện ác Ngài cũng không tạo. Không làm ác thì chúng ta dễ hiểu, còn không làm thiện nghĩa là gì? Ngài làm hết thảy pháp thiện nhưng tuyệt đối không khởi lên ý niệm mong cầu quả báo thiện, như vậy gọi là không tạo nghiệp thiện, nhất định không mong cầu thiện quả. Người thế gian trồng thiện nhân muốn được thiện quả, tại sao họ tu thiện? Vì mong có thiện quả nên họ mới chịu tu thiện. Phật, Bồ Tát đã giác ngộ thật sự nên không cầu thiện quả. Đó gọi là không suy nghĩ ác, không suy nghĩ thiện, cắt đứt cả thiện lẫn ác, đó mới là người tu hành thật sự. Bạn hãy quan sát kỹ càng họ thật sự được đại tự tại. Chỉ có cắt đứt cả thiện lẫn ác thì mới được tự tại. Nếu vẫn còn mong cầu thiện quả thì sẽ không tự tại, quả báo của họ ở tại nhân thiên; nhân thiên có thiện quả, chẳng thể thoát lìa Tam Giới, chẳng thể thoát mười pháp giới. Vì chẳng dứt cái niệm mong cầu thiện quả này, đây là điều chúng ta phải hiểu rõ. Nếu chúng ta cắt đứt ý niệm về quả báo thiện phước trong thế gian thì bạn chắc chắn sẽ thoát khỏi Tam Giới, bạn mới có thể siêu việt thập pháp giới.

Nếu trong đời sống hằng ngày có thể dụng công như vậy, không những chắc chắn vãng sanh, vả lại nhất định sẽ vãng sanh tới Thật Báo Độ, không tới Đồng Cư Độ và Phương Tiện Độ. Có bao nhiêu người niệm Phật cầu vãng sanh, mong cầu Tây Phương Cực Lạc thế giới, mong gặp A Di Đà Phật, họ có tâm này. Chúng ta thường nói đới nghiệp vãng sanh, khi vãng sanh Cực Lạc là sanh về Đồng Cư Độ, Phương Tiện Độ.  Cõi Đồng Cư và Phương Tiện ở thế giới Cực Lạc khác với mười phương thế giới, giống như cõi Thật Báo, đây là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, cho nên chư Phật nói đây là pháp khó tin. Chúng ta hiểu đạo lý và chân tướng sự thật này thì nhất định phải cầu tương ứng, làm thế nào mới tương ứng? Bạn hãy tự suy nghĩ, bạn có thể suy nghĩ được, một niệm tương ứng thì một niệm Phật.

Do đó trên mặt sự tướng có cần mỗi ngày lễ lạy Địa Tạng Bồ Tát hay không? Cần chứ, rất cần. Cần xưng niệm hay không? Cần chứ.  Chúng ta chuyên tu Tịnh tông, mỗi ngày lễ Phật A Di Đà, xưng niệm A Di Đà Phật thì cũng được. Nếu chúng ta kính ngưỡng Địa Tạng Bồ Tát thì có thể thỉnh một tượng Địa Tạng Bồ Tát thờ ở một bên tượng A Di Đà Phật, chúng ta xưng niệm A Di Đà Phật thì đã bao gồm Địa Tạng Bồ Tát trong đó; chúng ta lễ Phật A Di Đà thì cũng bao gồm Địa Tạng Bồ Tát ở trong đó, như vậy dễ đạt được nhất tâm. Chẳng cần phải niệm bao nhiêu tiếng A Di Đà Phật, lại niệm thêm bao nhiêu tiếng Địa Tạng Bồ Tát, rồi lại niệm bao nhiêu tiếng Quán Âm Bồ Tát, như vậy thì sẽ phân tâm. Do đó chúng ta thờ Tây Phương Tam Thánh, niệm một câu A Di Đà Phật thì đã niệm hết thảy, như vậy thì dễ nhiếp tâm hơn. Đoạn này nói về việc tưởng nhớ người nhà quyến thuộc quá vãng, thậm chí những vị chưa từng gặp mặt, hoặc lúc nhỏ đã gặp mặt, khi lớn lên dần dần quên mất, thường tưởng nhớ người nhà không biết họ đang ở cõi nào thì dùng phương pháp tu học như trên, Bồ Tát sẽ nói cho bạn biết, trong lúc cảm ứng sẽ nói cho bạn biết người nhà của bạn hiện nay đang ở cõi nào?  Chữ ‘sanh giới’ nghĩa là cõi nào. Xin xem tiếp kinh văn:

Hoặc ư mộng trung, Bồ Tát hiện đại thần lực thân lãnh thị nhân, ư chư thế giới kiến chư quyến thuộc.

或於夢中。菩薩現大神力親領是人。於諸世界見諸眷屬

Hoặc trong giấc mộng, Bồ Tát hiện đại thần lực, đích thân dắt người đó đến các thế giới để thấy hàng quyến thuộc của mình.

Cảm ứng này rất rõ ràng, hoặc trong mộng bạn thấy Bồ Tát, Bồ Tát dắt bạn đi tới các thế giới bạn sẽ thấy được người nhà quá vãng của bạn. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong Chú giải: ‘thượng thị hiển cơ hiển ứng cố ư xưng lễ chi tế, hiện thân cáo tri kỳ giới’ (trên đây hiển thị cảm ứng rõ ràng, nhờ xưng niệm lễ bái nên [Bồ Tát[ hiện thân cho biết [người nhà quá vãng] sanh tới cõi nào), đây là câu kết luận cho đoạn trên. Hiển cảm hiển ứng, rất rõ ràng giống như cô Bà La Môn nói ở đoạn trước, cảm ứng vô cùng rõ ràng, tuy Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật chẳng hiện thân, nhưng có âm thanh nói cho cô biết mẹ cô hiện đang ở cõi nào. Như vậy là rất rõ ràng. ‘Quyến thuộc minh cơ minh ứng, cố ư mộng trung tương cáo’ (Quyến thuộc cảm ứng âm thầm, nên [Bồ Tát] hiện trong mộng cho biết), đoạn này nói [Bồ Tát hiện] trong mộng. Rất nhiều người trong mộng thấy Phật, Bồ Tát đến chỉ dạy, việc này chúng ta thường gặp, thường nghe nói, còn hiển cảm hiển ứng khá ít, minh cảm minh ứng nhiều hơn. Phía sau Ngài nêu một thí dụ, việc này “giống như chuyện người cõi trời hiện ra trong mộng như trong luật Thiện Kiến[1] đã nói, đấy chính là giấc mộng chân thật”, giấc mộng này chẳng phải từ vọng tưởng biến hiện ra, thông thường khi phàm phu nằm mộng đều là do vọng tưởng trong ý thức biến hiện ra. Còn mộng này thật sự là Phật, Bồ Tát hoặc thiện thần cảm ứng hiện ra cảnh trong mộng như vậy, mộng như vậy mới đáng tin.

Phía sau Ngài nói ba câu rất hay, ‘nhiên tu liễu tri thiện ác phàm thánh chi sự vô phi thị mộng’ (sau đó nên biết những chuyện thiện ác phàm thánh chẳng qua cũng là mộng), đây là lời đức Phật dạy chúng ta trong kinh Kim Cang ‘hết thảy pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng’.  Chúng ta hiện nay sanh sống trong thế giới này, bạn hãy quan sát kỹ càng nó cũng là cảnh trong mộng. Nói tới hôm qua, hôm qua đã đi mất, hôm qua vĩnh viễn sẽ chẳng trở lại, chuyện ngày hôm qua rõ ràng cũng chỉ là cảnh trong mộng. Nói tới hôm nay, hôm nay lại biến thành quá khứ nữa rồi, chúng ta sống một trăm năm, mỗi ngày đều ở trong mộng, có thứ nào là chân thật? Trong mộng đừng tạo nghiệp thì kể như bạn cũng giác ngộ rồi. Chẳng có việc gì là thật cả, vậy thì so đo tính toán làm chi! Tại sao ở trong cảnh mộng không làm việc tốt? Làm thêm một chuyện thiện, tích lũy công đức, thì sau này bạn còn tiếp tục có giấc mộng đẹp. Nếu tạo tội nghiệp thì sau này giấc mộng của bạn sẽ toàn là ác mộng. Nếu bạn không muốn ác mộng, chỉ muốn mộng đẹp thì bạn phải làm việc tốt. Biết niệm niệm đều ở trong mộng, mỗi ngày đều ở trong mộng thì chúng ta mới thật sự khâm phục đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khâm phục tới năm vóc sát đất, lời Ngài nói đều là sự thật, ‘mộng huyễn bọt bóng’, ‘như sương cũng như điện chớp’, có phải thật sự tồn tại hay chăng? Chẳng phải! [Tất cả đều biến đổi] trong từng sát-na.

Tối hôm qua trong buổi giảng kinh Hoa Nghiêm, tổng kết đoạn kinh Đâu Suất Thiên Vương, quy kết về niệm Phật, chư vị nên lắng lòng tìm hiểu. Người học Phật chúng ta nhất định phải hiểu nguyên lý, nguyên tắc trong đó, nhất định phải thâm giải ý thú. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật nói hết thảy pháp, bao gồm pháp thế gian, xuất thế gian, hư không pháp giới ‘duy tâm hiện’. Tướng hiện nay của chúng ta, tướng này từ đâu đến? Do tâm hiện. Tâm hiện tướng, hết thảy những tạo tác trong tướng là thức, ‘duy thức biến’, thức đang tạo tác, tâm hiện tướng. Nói cho chư vị biết tướng là vọng tướng, thức cũng là vọng thức, đều chẳng phải thật. Do đó tướng đưọc hiện và thức được biến ấy, trong Bách Pháp đều thuộc về pháp hữu vi, pháp hữu vi đều là giả, đều là mộng huyễn bọt bóng. Cái có thể hiện tướng là thật, chân như vô vi.  Chúng ta trong giả tướng, vọng thức giác ngộ xong, có thể tương ứng với Chân Như Vô Vi, vọng thức tới tiếp dẫn hết thảy chúng sanh, giúp hết thảy chúng sanh giác ngộ, đó là Bồ Tát hạnh.

Bồ Tát nói chuyện, Bồ Tát sinh hoạt, khởi tâm động niệm, hết thảy tạo tác đều nhằm giác ngộ chúng sanh. Tuy giác ngộ chúng sanh, chẳng có mảy may mong cầu, chỉ cần có một ý niệm mong cầu thì liền không tương ứng với tự tánh. Ngày nay chúng ta khuyên người cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới có phải là mong cầu hay không? Tương ứng với tự tánh hay không? Chẳng tương ứng. Tuy chẳng tương ứng, nhưng đang đi trên con đường tương ứng với tự tánh, cùng phương hướng này, cùng mục tiêu này, dần dần tới gần minh tâm kiến tánh. Đến Cực Lạc thế giới để làm gì? Để minh tâm kiến tánh, hoàn cảnh tu học ở nơi đó tốt đẹp, đạo lý là như vậy, đây gọi là đới nghiệp vãng sanh, đới nghiệp vãng sanh Cực Lạc thế giới là tốt nhất! Thù thắng nhất! Sau khi hiểu rõ rồi chúng ta mới không hoài nghi, mới chết lòng trọn ý tu học pháp môn này, đối với hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian đều không mong cầu, đều buông xuống, chỉ cầu sanh Tịnh Độ, chỉ cầu gặp A Di Đà Phật, đó gọi là đới nghiệp. Đây là việc phàm phu chúng ta trong một đời này chắc chắn có thể thành tựu, khẳng định không luống uổng. Sanh tới Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi mới buông xả ý niệm mong cầu này sạch sành sanh, lúc đó mới rốt ráo thành Phật đạo.

Các đồng tu học Phật hiện nay, việc khó xả nhất là tâm cầu nguyện. Những sở cầu, sở nguyện đều là hư vọng, họ mong cầu phú quý, phước đức hiện tiền; nói thật ra những thứ này đều có thể đạt được nếu bạn biết đạo lý nhân quả. Bạn muốn được thiện quả thì phải tu thiện nhân; nếu tâm hạnh của bạn không thiện thì chắc chắn sẽ không được thiện quả, đây là cầu phước báo trong lục đạo, chẳng rốt ráo. Nhưng đại đa số con người chỉ nhìn việc trước mắt, chẳng có nhãn quang lâu dài rộng lớn; chỉ có người thật sự giác ngộ mới thật sự phát tâm thoát ra khỏi sáu nẻo luân hồi, tâm đó là tâm thuần thiện. Mong cầu vãng sanh, mong cầu thoát ra khỏi sáu nẻo luân hồi, niệm niệm vẫn còn tạo nghiệp thì nguyện vọng này của bạn vĩnh viễn sẽ không đạt được. Tại sao vậy?  Vì những gì bạn làm trái nghịch với tâm nguyện của bạn, trái nghịch thì bạn làm sao mãn nguyện được? Muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thế giới Cực Lạc là thế giới như thế nào? Trong kinh nói rất rõ ràng, rất rành rẽ, đó là thế giới Phổ Hiền Bồ Tát, chẳng phải Bồ Tát thông thường. Nói cách khác, hạnh của Bồ Tát thông thường không thể vãng sanh thế giới Cực Lạc, muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc thì phải tu hạnh Phổ Hiền. Kinh Vô Lượng Thọ giảng vô cùng rõ ràng, kinh Hoa Nghiêm cũng giảng rõ ràng như vậy. Có lẽ bạn đồng tu sẽ hỏi chúng tôi thấy rất nhiều bà cụ, ông cụ niệm Phật vài năm liền được vãng sanh, đó là thật chứ chẳng giả. Lúc lâm chung họ nói với những người xung quanh ‘A Di Đà Phật tới tiếp dẫn tôi, tôi đi theo Ngài’, đó là thật chẳng phải giả. Chúng ta hãy hỏi ‘Họ có tu hạnh Phổ Hiền hay không?’ Có chứ! Niệm cuối cùng là niệm của hạnh Phổ Hiền thì chắc chắn được sanh, đạo lý là như vậy.

Hạnh Phổ Hiền là gì? Là tâm thanh tịnh và tâm bình đẳng; tâm thanh tịnh là Phổ, tâm bình đẳng là Phổ. Tâm bạn không thanh tịnh, không bình đẳng thì có giới hạn, có giới hạn thì sẽ không bình đẳng.  Nói cách khác bạn vẫn còn phân biệt, vẫn còn chấp trước thì không phải hạnh Phổ Hiền. Chúng ta bố thí, cúng dường, chiêm lễ, xưng danh đều là tu hành, đều là những việc mọi người làm hằng ngày, nhưng nếu bạn có phân biệt, có chấp trước thì đó không phải là hạnh Phổ Hiền, chỉ có thể nói là hạnh Bồ Tát chứ không phải là hạnh Phổ Hiền. Trong hạnh Phổ Hiền không có phân biệt, không có chấp trước. Xa lìa hết thảy phân biệt chấp trước thì một lần chiêm lễ là hạnh Phổ Hiền, bố thí cúng dường cũng là hạnh Phổ Hiền, thậm chí nói chúng ta mặc áo ăn cơm cũng là hạnh Phổ Hiền. Khởi lên phân biệt chấp trước thì không phải là hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền tương ứng với pháp giới, chẳng có giới hạn, thường thì chúng ta nói công đức đó lớn nhất, chẳng thể nghĩ bàn. Niệm niệm đều tương ứng với hư không pháp giới, đó thuộc về Lý Nhất Tâm.  Phàm là người vãng sanh, niệm sau cùng nhất định sẽ không có hết thảy phân biệt chấp trước rồi mới ra đi. Nếu niệm sau cùng còn phân biệt chấp trước thì họ sẽ đọa lạc. Chúng ta làm sao có thể bảo đảm niệm sau cùng của mình không có phân biệt chấp trước? Việc này quá khó, quá khó.

Do đó tu hành là sửa đổi tư tưởng, kiến giải, hành vi sai lầm của chúng ta, nhất định phải trong đời sống hằng ngày của chúng ta xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, công phu đắc lực rồi thì tự mình mới thật sự nắm chắc việc vãng sanh. Trong đời sống sinh hoạt thường ngày, bất luận là đời sống vật chất hay đời sống tinh thần, có cũng được, không có cũng được. Có cũng không phân biệt, không chấp trước, không có cũng đừng phân biệt đừng chấp trước thì bạn sẽ được tự tại. Không có thì muốn cho có, khi có rồi lại sợ mất đi, lo được lo mất, vậy thì một ngày bạn niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, mỗi ngày lạy mười vạn lạy cũng chưa chắc thoát ra khỏi sáu nẻo luân hồi. Nguyên nhân là gì? Sáu nẻo luân hồi là do chấp trước tạo thành, nếu bạn vẫn còn chấp trước nặng nề như vậy thì làm sao có thể thoát được? Thập pháp giới là do phân biệt tạo thành, chỉ cần có phân biệt, có chấp trước thì bạn sẽ không có cách chi thoát ra khỏi sáu nẻo và thập pháp giới, những gì bạn tu chẳng phải là hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền nói một cách đơn giản cho quý vị đồng tu nghĩa là đối với hết thảy pháp đều không sanh tâm phân biệt, không sanh tâm chấp trước thì bất luận bạn tu pháp gì cũng là hạnh Phổ Hiền, lúc nảy có nói mặc áo ăn cơm cũng là hạnh Phổ Hiền, điểm này rất quan trọng!

Nếu hết thảy đều không phân biệt, không chấp trước thì bạn sẽ chuyển được cảnh giới, sẽ không bị cảnh giới chuyển. Năm mươi ấm ma nói trong kinh Lăng Nghiêm, bất cứ loại ấm ma nào cũng không thể bén sát thân bạn. Bạn sẽ hỏi tại sao không bén sát thân bạn được? Vì bạn chẳng có thân thì [ấm ma] bén sát vào cái gì? Nếu bạn có thân thì nó mới có thể bén sát vào được. Rõ ràng là có tấm thân này, tại sao lại nói không có thân? Có tức là không, [nghĩa là] bạn có thân này, nhưng bạn không chấp trước thân này là thân nên thân này không tồn tại. Tại sao oán gia chủ nợ tìm được thân của bạn? Bạn chấp trước vật này là thân của bạn thì oán gia trái chủ sẽ tìm được; nếu bạn không chấp trước thân này thì họ không nhìn thấy bạn, không tìm thấy bạn. Vì chấp trước thân này là ‘tôi’, nên họ nhìn thấy, tìm bạn báo thù. Nếu bạn không chấp trước vật này là thân của bạn thì họ tìm không thấy bạn, [bạn chẳng hiện hữu] chẳng có. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, yêu ma quỷ quái gì cũng không thể bén sát thân bạn được. Vậy thì bạn ở đâu? Tận hư không trọn khắp pháp giới đều là bạn, yêu ma quỷ quái cũng không lìa khỏi hư không pháp giới, bạn bao gồm họ, họ không thể bao gồm bạn. Bất luận họ phá phách như thế nào, đó chỉ là một chút bịnh nhẹ thôi, giống như thân thể bạn có chỗ nào đau ngứa, gãi gãi một chút là xong, không thể bị tổn hại. Nếu bạn có phân biệt chấp trước thì phiền phức sẽ lớn lắm.

Cho nên nói lời chân thật với bạn, con người sẽ không sanh bịnh.  Bịnh từ đâu đến? Bịnh đến từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Con người cũng không suy già, [vậy thì] tại sao lại già? Vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên mới già. Con người cũng không chết, [vậy thì] tại sao lại chết? Vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên bạn mới chết. Lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tất cả [bịnh, già, chết] đều không có! Trong hư không pháp giới, đối với hết thảy chúng sanh có duyên, trong kinh nói tùy loại hóa thân, tùy theo căn cơ mà thuyết pháp, bạn coi như vậy tự tại biết bao! Tùy loại hóa thân, hiện tướng cũng như vô tướng, không có thân cũng như có thân, có và không có là một chứ chẳng phải hai. Thuyết pháp là để giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, tuy tận tâm tận lực giúp đỡ họ nhưng dường như có dường như không. Trong kinh Kim Cang đức Phật nói ‘độ vô lượng vô biên chúng sanh nhưng thật ra không có chúng sanh được độ’. Do đó bạn gây phiền phức cho Phật cũng không được, thật là không có chúng sanh được độ. Bạn muốn hủy báng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đức Phật Thích Ca nói suốt đời Ngài chưa từng nói một câu nói, nếu bạn nói đức Phật thuyết pháp là bạn báng Phật, bạn làm sao phê bình Ngài? Ngài chẳng nói một câu, chẳng nói một chữ, ‘nói tức là không nói, không nói mà nói’, nói và không nói là một chứ chẳng phải hai, bạn hãy lắng lòng tìm hiểu ý tứ này, thật là cao minh. Nếu nói người ta dựa vào đó mới có thể hủy báng chúng ta, thì chúng ta sai rồi. Nếu họ không nói thì họ làm sao sai được? Có nói là có lỗi, không nói thì không lỗi, quý bạn hãy lắng lòng suy nghĩ về ý này.  Họ ‘làm nhưng không làm, không làm mà làm’.

Thế gian này chúng ta có giảng kinh thuyết pháp, đức Phật nói với chúng ta Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng có giảng kinh thuyết pháp, nếu bạn thật sự tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, bạn nghe đức Phật A Di Đà giảng kinh gì, giảng pháp gì? Chẳng có. Giảng kinh thuyết pháp là đối với phàm phu chúng ta nói, Tây Phương Cực Lạc thế giới có giảng kinh thuyết pháp hay không? Không có. Không giảng tức là giảng, giảng tức là không giảng, đó là thuyết pháp thật sự, bạn nghe thật sự. Trong kinh nói không sai, lục trần cũng thuyết pháp, sáu trần có nói không?  Không có, đó là tiêu biểu pháp, bạn nhìn sắc tướng, tai nghe âm thanh liền khai ngộ, càng ngộ càng sâu, càng ngộ càng rộng, chẳng có ai nói từng câu, từng câu dài dòng cho bạn nghe, chẳng cần phiền phức như vậy! [Nếu nói vậy thì là] coi thường thế giới Cực Lạc quá đỗi. Mỗi ngày cúng dường mười phương chư Phật, trong lúc cúng dường bạn liền ngộ được diệu pháp, thật ra cảnh giới này kinh Hoa Nghiêm đã hiển thị quá rõ ràng, do đó lúc bạn mở kinh Hoa Nghiêm ra vô cùng hoan hỷ, chỉ cần bạn đọc và hiểu ý nghĩa trong đó thì bạn sẽ hoan hỷ không cùng tận.  Đâu cần phải nói chi dài dòng? Chỗ nào cũng là tiêu biểu pháp, tiêu biểu pháp tức là thuyết pháp. Tại sao đức Phật không trực tiếp thuyết pháp cho chúng ta, nói tên của những quỷ thần, các vị thiên vương, cứ nói trực tiếp đi. Những vị đó đều là chư Phật, Bồ Tát, Pháp Thân đại sĩ, tại sao không nói vị Đẳng Giác Bồ Tát này, vị Pháp Vân Địa Bồ Tát kia, tại sao không nói như vậy? Nếu nói như vậy thì mệt chết được.

Đức Phật dùng những tạp thần, dùng chư thiên, thiên vương để tiêu biểu pháp, [những vị này đều] sống động, dạy bạn khi thấy hết thảy vạn vật thì liền biết đó là cảnh giới Hoa Nghiêm. Thấy cây cối, thần cây, thấy nước, thần nước hết thảy đều là cảnh giới Hoa Nghiêm. Cảnh giới Hoa Nghiêm ở đâu? Những gì lục căn chúng ta tiếp xúc đến đều là [cảnh giới Hoa Nghiêm]. Nhìn thấy hết thảy chúng sanh đều là Pháp Thân đại sĩ, đều là những vị tạp thần. Thấy những vị lãnh đạo các tầng lớp trong xã hội đều là các vị thiên vương, nhân vương, do đó kinh này biến thành rất sống động. Thì ra kinh Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm chính là xã hội của chúng ta, bạn nói con người sống trong hoàn cảnh này, một hạt bụi một cọng lông, một hạt cát một giọt nước, chẳng có gì không phải là cảnh giới Hoa Nghiêm, con người sinh hoạt trong đó làm sao không vui sướng cho đuợc? Làm sao không hoan hỷ cho được? Hoàn cảnh xung quanh đều là chư Phật Như Lai, đều là Pháp Thân đại sĩ. Nếu bạn hiểu được thì cõi này chính là [cảnh giới Hoa Nghiêm]; nếu bạn không hiểu thì hãy tới thế giới Cực Lạc, tới đó để huân tập, để hun đúc. Nếu hiểu được thì tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là Cực Lạc thế giới, đều là Hoa Tạng thế giới.

Chúng ta có thể khế nhập vào tầng này thì bạn mới thật sự cảm được ân đức của chư Phật, mới biết lời đại sư Thiện Đạo đã nói tới tuyệt mức rồi, [Ngài nói] ‘gặp duyên chẳng giống nhau’, chúng ta gặp được duyên này quá thù thắng, vô cùng thù thắng. Đúng như câu Bành Tế Thanh đã nói ‘một ngày hiếm có khó gặp được trong vô lượng kiếp qua’, chúng ta đã gặp được ngày này. Bạn làm thế nào mới có thể khế nhập?  Bạn phải chân tu, sau khi hiểu rõ rồi phải buông xuống, buông xuống hết thảy thân tâm thế giới, chẳng mong cầu gì hết. Chẳng cầu thì tự tánh sẽ hiện tiền, bản tánh sẽ hiện tiền. Nếu cầu thì một niệm mong cầu ấy chính là chướng ngại của tự tánh. Đây là chân tướng sự thật, đích thật là mộng huyễn bọt bóng, chúng ta nằm mộng hằng ngày, liên tục từng sát na nối tiếp nhau. Câu cuối trong chú giải rất hay, hàng thứ hai trang sáu mươi bảy bắt đầu từ chính giữa, ‘cố viết như mộng cần gia, không danh hoặc tuyệt. Hồi quán thế gian giai mộng trung sự. Duy đại giác lãng nhiên xưng đại mộng giác nhĩ’ (cho nên nói: Trong mộng càng thêm siêng gắng, danh từ (tức ngôn ngữ) rỗng không, phiền não dứt bặt, nhìn lại thế gian đều là chuyện trong mộng. Chỉ có đại giác rành rành  nên gọi [đại giác] là sự giác ngộ trong giấc mộng lớn vậy [2]). Cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát là đại giác lãng nhiên, từ trong giấc mộng lớn tỉnh ngộ trở lại, đây là chư Phật, Bồ Tát. Tốt lắm, xin mời xem tiếp đoạn kinh sau:

 

Cánh năng mỗi nhật niệm Bồ Tát danh thiên biến, chí ư thiên nhật.

更能每日念菩薩名千遍。至於千日。

Nếu người đó lại có thể mỗi ngày đều niệm danh hiệu Bồ Tát một ngàn biến, luôn đến một ngàn ngày.

Đây là nói về việc tu nhân, thời gian dài hơn, phía trước nói một ngày tới bảy ngày, sau đó nói ba tuần. Tới đoạn này thời gian dài hơn, một ngàn ngày, là ba năm, ba năm không gián đoạn, đủ thấy tâm bền bĩ và nghị lực của người đó. Ba năm không gián đoạn, tức là mỗi ngày bạn có định khóa, định khóa tuy không nhiều, nhưng một ngày cũng không thiếu, đây là sự liên tục nói trong kinh, phù hợp yêu cầu tịnh niệm tương tục. Tới giờ thì nhất định phải làm công khóa, niệm một ngàn danh hiệu Bồ Tát, thời gian này cũng không dài lắm, phải có tâm bền bỉ, suốt ba năm không gián đoạn.

 

Thị nhân đương đắc Bồ Tát khiển sở tại thổ địa quỷ thần chung thân vệ hộ.

是人當得菩薩遣所在土地鬼神終身衛護。

Thì người đó sẽ được Bồ Tát sai các quỷ thần và thổ địa sở tại hộ vệ trọn đời.

Bồ Tát phái thần hộ pháp bảo hộ bạn, thật ra là vì bạn tu trì có công phu, những quỷ thần này kính trọng ngưỡng mộ bạn, Địa Tạng Bồ Tát hoan hỷ, cảm được quỷ thần hộ vệ. Đây đều là quả báo, bạn được quỷ thần hộ vệ.

 

Hiện thế y thực phong ích, vô chư tật khổ, nãi chí hoạnh sự, bất nhập kỳ môn, hà huống cập thân.

現世衣食豐溢。無諸疾苦。乃至橫事。不入其門。何況及身。

Hiện đời y phục thức ăn dư dật, không có các thứ bịnh khổ, cho đến các hoạnh sự còn không hề vào đến cửa, huống nữa là đến nơi thân.

Chúng ta coi đoạn kinh này, đây là những gì hoàn cảnh sinh hoạt trước mắt chúng ta cần đến. Hiện nay thế gian này có tai nạn, tai nạn quá nhiều chúng ta không thể nào dự liệu được, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu đều có thể gặp, chúng ta làm sao đối phó? Lúc trước thầy Lý dạy chúng ta chỉ có cách duy nhất là nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Do đó trong tai nạn lớn lao bạn vẫn có thể được bình yên, y phục thức ăn của bạn không thiếu thốn, phải tu như thế nào? Phải tu bố thí, đừng sợ chúng ta bố thí hết sạch thì chẳng còn gì để ăn, chẳng có mặc thì phải làm sao?  Bạn bố thí hết sạch, bạn chẳng có ăn chẳng có mặc thì Phật, Bồ Tát sẽ gởi đồ ăn, đồ mặc tới cho bạn, bạn phải có lòng tin như vậy. Nếu tới lúc đó Phật, Bồ Tát không đem tới thì làm sao? Nghiệp chướng của mình quá nặng, nỗ lực cố gắng nhất tâm niệm Phật, tuyệt đối không oán trời, trách người, cảm ứng đạo giao. ‘Không có các tật bịnh, khổ đau’. Tật là bịnh, bạn sẽ không bị bịnh tật, sẽ không bị khổ nạn. ‘Hoạnh sự’ là tai họa, thiên tai nhân họa, những sự việc không thể đoán trước được, bạn sẽ không gặp phải những sự việc này. Những tai biến này ‘không hề đến cửa huống chi là đến thân’, nghĩa là nơi bạn cư trú sẽ chẳng xảy ra những chuyện này, đương nhiên thân bạn sẽ không bị những tai nạn này.  Nghĩ tới điều này thì bạn sẽ niệm Phật, niệm Bồ Tát rất thiết tha, hiện giờ đích thật có thể dứt trừ nghiệp chướng, miễn trừ hết thảy tai nạn, tiêu tai miễn nạn, đây là phương pháp tu học duy nhất.

Niệm A Di Đà Phật rất tốt, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát cũng tốt, niệm Địa Tạng Bồ Tát cũng tốt, [nhưng] phải nhất tâm xưng niệm. Ghi nhớ tâm hạnh tương ứng, cảm ứng sẽ thù thắng. Nếu miệng niệm mà tâm không tương ứng, vẫn còn làm những chuyện tổn hại người ta lợi ích cho mình, tổn hại chúng sanh, tổn hại xã hội, bạn niệm như thế nào đi nữa cũng uổng công, tại sao vậy? Vì chẳng tương ứng. Nhất định phải ghi nhớ [lời dạy] trong kinh này, nguyên tắc nói ở đoạn trước, mỗi ngày xưng niệm một ngàn tiếng trong vòng một ngàn ngày, không thể rời khỏi nguyên tắc này, đó chính là ‘nhất tâm xưng niệm’. Trong nhất tâm nhất định không có xen tạp, không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước thì mới gọi là nhất tâm. Vả lại phải biết cách niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát, đây là một bài tập trong lớp, bài học trong lớp, sau khi học xong phải áp dụng vào đời sống thì mới có ích lợi. Không thể nói tôi ở trong chùa niệm Phật nhất tâm được một tiếng đồng hồ, nửa tiếng đồng hồ, niệm xong bước ra ngoài lại làm chuyện thị phi nhân ngã, chuyện tham sân si mạn, vậy thì không được. Phải giữ được nhất tâm suốt ngày; tôi đối sự, đãi người, tiếp vật đều thành tâm, thành ý, đều đem lại lợi ích cho chúng sanh, lợi ích cho người khác, đó mới là tu hành chân thật, mới gọi là biết dụng công thật sự, mới có cảm ứng đạo giao.  Tuyệt đối không phải là hối lộ Phật, Bồ Tát, mỗi ngày đều nghĩ nhớ tới các Ngài, làm theo phương pháp này, các Ngài sẽ bảo hựu cho tôi được thăng quan, phát tài. Còn đối với oan gia, tôi hy vọng người đó chết sớm, bạn khởi ý niệm như vậy thì sai rồi, hoàn toàn không đúng. Phải tu như thế nào? Phải khởi tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi đối sự, đãi người, tiếp vật. Niệm Phật, tâm của mình phải giống tâm Phật, nguyện của mình giống nguyện của Phật, hạnh giống hạnh của Phật, áp dụng vào đời sống hằng ngày. Sáng mai niệm, sợ ngày mai quên mất, ngày mai niệm thêm một lần nữa. Mỗi ngày đều làm vậy, làm suốt ba năm thì bạn sẽ quen, bạn sẽ làm mãi mãi, do đó mới được thiện thần ủng hộ, Phật, Bồ Tát hộ niệm.

 

Thị nhân tất cánh đắc Bồ Tát ma đảnh thọ ký.

是人畢竟得菩薩摩頂授記。

Người đó rốt ráo sẽ được Bồ Tát xoa đảnh thọ ký cho.

          Đây là được quả báo cứu cánh viên mãn. Ở đây chữ Bồ Tát là Địa Tạng Bồ Tát, nhất định sẽ được Địa Tạng Bồ Tát xoa đảnh thọ ký cho bạn, bạn tu nhân chân thật thì quả báo đương nhiên sẽ thù thắng. Phật, Bồ Tát dạy bạn làm thế nào tu nhân chứng quả, đó là xoa đảnh thọ ký.  Xem tiếp đoạn sau, đây là đoạn thứ tư, ‘thành độ sanh chứng quả’. Kinh văn càng về sau càng thù thắng, càng gần tới kết thúc, càng tỏ rõ Phật, Bồ Tát từ bi. Chúng ta hãy lắng lòng quan sát, coi Bồ Tát đau lòng rát miệng khuyên chúng ta.

 

          Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai thế hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, dục phát quảng đại từ tâm, cứu độ nhất thiết chúng sanh giả, dục tu Vô Thượng Bồ Đề giả, dục xuất ly Tam Giới giả.

復次觀世音菩薩。若未來世有善男子善女人。欲發廣大慈心。救度一切眾生者。欲修無上菩提者。欲出離三界者。

Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào muốn phát lòng từ rộng lớn để cứu độ tất cả chúng sanh, muốn tu Đạo Bồ Đề Vô Thượng, muốn ra khỏi Tam Giới.

Trước hết nói rõ điều kiện, đây là những hạng người nào? Đây là người rất phi thường, đích thật là Bồ Tát. ‘Thiện nam tử, thiện nữ nhân’, chữ thiện này nhất định phải đầy đủ Tịnh Nghiệp Tam Phước mới là thiện, không phải là thiện thông thường [của người thế gian]. Người thiện trong thế gian không có tâm lượng lớn như vậy, người thiện Nhị Thừa cũng không có tâm lượng này, đây là thiện của Bồ Tát Đại Thừa.  Họ phát tâm từ bi rộng lớn, bốn chữ ‘quảng đại từ tâm’ bao gồm mười một điều trong Tịnh Nghiệp Tam Phước. Sau đó nói cụ thể, ‘cứu độ hết thảy chúng sanh’, ‘hết thảy’ nghĩa là tận hư không, trọn khắp pháp giới, chẳng hạn định ở một địa phương nào, Ngài phát tâm rộng lớn ‘chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’ trong tứ hoằng thệ nguyện. ‘Muốn tu đạo Bồ Đề vô thượng’, đây là nguyện ‘Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành’ trong tứ hoằng thệ nguyện. ‘Muốn thoát ra khỏi Tam Giới’ chính là ‘phiền não vô biên thệ nguyện đoạn’, như vậy thì bạn mới thoát ra khỏi Tam Giới, đó mới là thật sự giác ngộ.

Lời chú thích trong chú giải rất hay ‘thử thị đại Bồ Tát tâm, tập hạnh Bát Nhã Ba La Mật, cố năng phát khởi độ nhân chi tâm. Nhiên từ bi bổn cụ, tích giả ngã nhân cố phân bỉ thử. Kim tri đồng thể cố phát đẳng tâm’ (Đó là tâm to lớn của Bồ Tát, tập hạnh Bát Nhã Ba La Mật, cho nên có thể khởi tâm độ người. Từ bi vốn đầy đủ, lúc trước còn phân chia mình và người nên còn đối đãi. Nay biết hết thảy đều cùng chung một thể nên khởi tâm bình đẳng), chúng ta có phát tâm này chưa? Nếu chưa thì hãy mau phát tâm này, tuy phát tâm nhưng trong đời sống thường ngày vẫn còn khi có khi không thì tâm ấy không khẩn thiết, không chân thật, cho nên công phu tu học không đắc lực, không thể chuyển cảnh giới thì cũng như không thật sự phát tâm, do đó phát tâm nhất định phải chân thật. Tâm chân thật nhất định phải ‘trụ chân thật huệ’, ở đây nói ‘tập hạnh Bát Nhã Ba La Mật’, trong kinh Vô Lượng Thọ gọi là trụ chân thật huệ, tâm của bạn mới có thể phát được, do đó ‘từ bi vốn đầy đủ’. Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi đều là những gì tự tánh chúng ta vốn đầy đủ, vốn đã có, cùng hết thảy chư Phật Như Lai không hai, không khác.

Tại sao bây giờ bạn không có tâm này? Vì bạn chấp vào Ta và Người (nhân ngã), kinh Kim Cang nói về bốn tướng ‘ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng’. Bốn tướng này trên thật tế chính là vì bạn trong cảnh giới khởi lên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn sai ở chỗ này. Bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên bạn chia ranh giới, cho rằng có ta có người, tâm từ bi của bạn không thể khơi dậy. Chẳng những không thể khởi tâm từ bi, tâm chân thành cũng không khởi được, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác đều hoàn toàn không thể khởi lên, tánh đức vốn sẵn có không thể khởi tác dụng. [Nếu vậy thì] cái gì khởi tác dụng? Phiền não, vọng tưởng khởi tác dụng, đời sống của bạn làm sao yên ổn được? Dĩ nhiên là sẽ không yên ổn, không dễ chịu.  Nếu trí huệ đức năng vốn sẵn có trong tánh đức của bạn khởi tác dụng thì đời sống của bạn sẽ yên ổn, sẽ vui sướng, bạn sẽ sống đời sống của Phật, Bồ Tát. Trong các buổi giảng chúng tôi thường nói bạn sẽ sống một cuộc đời có trí huệ cao độ, người đời nay gọi là đời sống có nghệ thuật cao, thật ra người thế gian nói về đời sống có nghệ thuật chỉ là có danh vô thật. Giống như người thế gian nói về ‘chân thiện mỹ’, chân thiện mỹ của người thế gian cũng có danh vô thật, chỉ có Phật, Bồ Tát mới thật, đời sống các Ngài mới thật sự chân thiện mỹ. Do đó nhất định phải phát tâm này, phải phát tâm độ hết thảy chúng sanh, xả mình vì người.

Chúng ta thờ Phật, chúng ta dùng đèn, [hương, và nước] để cúng Phật, đèn tượng trưng cho ý nghĩa thiêu đốt chính mình chiếu soi kẻ khác. Đèn đời xưa đều là đèn dầu, dầu đốt một thời gian thì cạn dần, phát ra ánh sáng chiếu soi kẻ khác, đèn cầy còn sáng hơn nữa. Do đó khi nhìn thấy đèn, bạn liền biết hy sinh chính mình để thành tựu kẻ khác, nếu không thì bạn cúng đèn cũng uổng công. Còn hương tiêu biểu Ngũ Phần Pháp Thân: Giới, Định, Huệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến.  Nước tiêu biểu thanh tịnh, bình đẳng. Những vật này đều nhằm nhắc nhở bạn khi nhìn thấy đèn, hương, nước thì bạn phải biết tu học như thế nào, chứ Phật, Bồ Tát đâu cần những thứ này làm chi! [Đèn, hương, và nước] chẳng qua là để giúp chúng ta, làm tăng thượng duyên cho chúng ta tự độ mà thôi.

Câu cuối trong chú giải nói về việc thoát ly Tam Giới, chúng ta hãy đọc: ‘Xuất ly Tam Giới giả, tức Viên Giáo Sơ Tín chí Thất Tín, Kiến Tư tiên khử, trường biệt Tam Giới khổ luân dã’ (Người thoát ra khỏi Tam Giới là Bồ Tát Viên Giáo Sơ Tín đến Thất Tín, đã đoạn dứt Kiến Tư phiền não, vĩnh viễn xa lìa nỗi khổ trong Tam Giới). Đây là lời nhắc nhở chúng ta, Bồ Tát Sơ Tín trong Viên Giáo đã đoạn hết tám mươi tám phẩm Kiến Tư Hoặc trong Tam Giới, công phu đoạn phiền não của Bồ Tát Sơ Tín tương đương với quả vị Sơ Quả của Tiểu Thừa. Chúng ta biết quả vị Sơ Tín nhập dòng Thánh, nghĩa là nhập vào cảnh giới thánh nhân, chẳng còn là phàm phu. Tuy Bồ Tát Sơ Tín chưa thoát ra khỏi Tam Giới, vẫn ở trong hai cõi Trời, Người tu hành, chắc chắn không đọa vào ba cõi ác, họ bảo đảm không đọa tam đồ. Tại sao không đọa tam đồ? Vì họ không tạo ác nghiệp của tam đồ nữa, đã đoạn nghiệp nhân sanh vào cõi ác. Nói cách khác họ chẳng còn vì chính mình nữa. Trong Kiến Hoặc tuy nói có tám mươi tám phẩm, nhưng quy nạp chẳng ra ngoài năm loại. Thứ nhất là Thân Kiến, họ không chấp trước cái thân này là Ta, phần trước có nói yêu ma quỷ quái sẽ không thể bén sát vào thân họ được, họ biết thân này không phải là Ta. Cách nói thông thường của chúng ta, thân là đồ vật mà ta có cũng giống như ta có quần áo vậy, quần áo này của ta chứ không phải là ta, xả bỏ rất dễ, bỏ cái cũ để đổi lấy cái mới. Họ biết thân chẳng phải ta, thân là vật của ta, do đó trong mười pháp giới thọ thân, xả thân rất dễ, họ chẳng chấp trước. Thân này hư rồi bèn đổi một thân khác, cũng như không thích quần áo này đổi quần áo khác, không nhất định phải đợi mặc cũ rách rồi mới đổi, có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Đây là nói sanh tử rất tự tại, không chấp trước mảy may.

Phàm phu mê hoặc, họ cho rằng thân này là ta nên họ rất khó xả, rất khó buông bỏ, cứ thương tiếc không chịu buông bỏ thân này. Giống như mấy đứa con nít, chúng nó rất tham trước mặc quần áo đẹp, kêu nó thay quần áo khác thì nó la khóc um sùm không chịu thay, nó cũng giống như chúng ta [không chịu xả bỏ thân này vậy]. Cho nên hiểu rõ chân tướng sự thật rồi thì xả thân thọ thân chẳng khó khăn gì cả, chẳng sợ hãi, vậy thì sau khi thay đổi họ được thân tốt hơn, trang nghiêm hơn.  Nếu tham luyến, chấp trước, không chịu buông xả thân này, thì ngược lại càng đổi càng xấu, mất đi thân người, đổi thân ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, lý do đều vì chẳng buông bỏ tham sân si. Đức Phật dạy chúng ta tu hành phải dồn sức vào những việc này, dứt trừ tâm tham, tâm sân giận.  Đoạn được tâm tham thì không đọa ngạ quỷ, đoạn tâm sân giận thì không đọa địa ngục, đoạn tâm ngu si thì không đọa súc sanh, vĩnh viễn xa lìa tam ác đạo. Xin xem tiếp:

 

Thị chư nhân đẳng kiến Địa Tạng hình tượng cập văn danh giả, chí tâm quy y.

是諸人等見地藏形像及聞名者。至心歸依。

Những người đó thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng cùng nghe danh hiệu, rồi chí tâm quy y.

Đây là phương pháp tu hành. Trong câu này quan trọng nhất là ở chỗ chí tâm. Quy nghĩa là trở về, Y nghĩa là nương tựa, chân tâm quay về noi theo kinh Địa Tạng Bổn Nguyện mà tu hành, đó gọi là quy y Địa Tạng Bồ Tát. Nếu bạn không chịu tu hành noi theo kinh giáo thì không gọi là quy y, bạn chẳng quay về, bạn không làm theo, y là phải làm theo. Những gì trong kinh dạy, chúng ta phải làm cho được, những gì kinh dạy không được làm thì chúng ta nhất định không làm, y giáo phụng hành mới kể là quy y, làm với tâm chân thành thì bạn ‘chí tâm quy y’, công đức này rất lớn, quá lớn, phải quay lại từ trong tâm. Câu sau nêu lên những sự tướng:

 

Hoặc dĩ hương hoa, y phục, bảo bối, ẩm thực cúng dường chiêm lễ.

或以香華。衣服。寶貝。飲食供養瞻禮。

Hoặc đem hương hoa, y phục, vật báu, đồ ăn thức uống để cúng dường chiêm lễ.

Hương hoa tiêu biểu cho ý nghĩa gì chúng ta phải hiểu rõ, ‘hương’ là giới hương, phải trì giới, phải tuân giữ pháp luật. ‘Hoa’ tiêu biểu Lục Độ, ‘y’ tiêu biểu Nhẫn Nhục. ‘Vật báu’ là vật người thế gian trân quý, tiêu biểu tài vật; ‘ẩm thực’ để nuôi dưỡng sanh mạng, chẳng thể thiếu.  Dùng những thứ này để cúng dường chiêm lễ, cúng trước hình tượng Bồ Tát, đây là việc làm trong mỗi khóa tụng niệm hằng ngày. Ứng dụng vào sinh hoạt nghĩa là phải cứu giúp hết thảy chúng sanh, đặc biệt là những chúng sanh đang chịu khổ nạn, chúng ta làm sao dùng hương để cúng dường cho họ? Dạy họ tuân giữ pháp luật, dạy họ giữ giới, vậy nghĩa là dùng hương để cúng dường chúng sanh. Làm thế nào dùng hoa để cúng dường? Dạy họ bố thí, dạy họ làm nhân thiện mới được quả thiện, dạy họ xử sự đãi người tiếp vật phải nhẫn nại, phải nhẫn nhịn, đó là bố thí cúng dường. Dạy họ học Phật, quy y Tam Bảo, tiếp nhận lý luận, phương pháp của Phật dạy để tu hành, đó là cúng dường của báu. Lúc họ bị khổ nạn, chúng ta chăm sóc đời sống vật chất cho họ là ẩm thực cúng dường. Chúng ta phải đem những bài tập trong lớp học ứng dụng vào đời sống thì mới gọi là tu hành. Nếu nói chỉ làm ở trong chùa hoặc chỉ làm trong gia đình mình, mỗi ngày đều cúng dường Phật, Bồ Tát như vậy, chiêm lễ xưng danh, bạn có thể cứu độ hết thảy chúng sanh hay sao?  Bạn có thể chứng Vô Thượng Bồ Đề hay sao? Bạn có thể thoát ly Tam Giới hay sao? Không thể được.

Cho nên chúng ta trong khóa tụng sáng tối, bất luận là ở trong chùa hay là trong phòng thờ Phật ở nhà, bạn phải hiểu ý nghĩa của khóa tụng sáng tối, tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, khóa tụng buổi sáng là nhắc mình phải làm, phải thực hiện [những lời dạy của Phật], vậy thì cây hương bạn đốt buổi sáng không uổng phí. Đốt cây hương này là nhắc mình hôm nay xử sự, đối người, tiếp vật phải đúng như pháp, như pháp nghĩa là giữ giới, và cũng khuyên người khác tuân giữ pháp luật, giữ quy củ. Khuyên người ta trồng thiện nhân, đoạn ác tu thiện, đó là ‘cúng hoa’, thì hoa đó mới không uổng phí. Do đó những sự tiêu biểu pháp này đều nhắc nhở chính mình, tự mình phải làm, phải khuyên người khác làm.  Khóa tụng buổi tối phản tỉnh,  kiểm điểm, thành tích của mình hôm nay ra sao? Mình có làm được hay không? Có sốt sắng làm không? Tự mình thỏa mãn thành tích của mình hay không? Nếu tự mình cảm thấy không thỏa mãn thì phải sám hối, phải sửa lỗi, ngày mai làm tốt hơn hôm nay, đó gọi là tu hành; khóa tụng sáng tối này của bạn thành tựu công đức chân thật, chẳng phải chỉ làm trên hình thức. Ngày nay người ta tu hành chỉ có hình thức, chẳng có thật tế, do đó họ không thể thành công. Câu cuối cùng:

 

Thị thiện nam nữ đẳng sở nguyện tốc thành, vĩnh vô chướng ngại.

是善男女等所願速成。永無障礙。

Thì điều nguyện cầu của các thiện nam thiện nữ đó sẽ chóng được thành tựu, vĩnh viễn không bị chướng ngại.

‘Sở nguyện’ là ba nguyện nói ở phần trước, nguyện độ chúng sanh, nguyện thành Phật đạo, nguyện thoát ra khỏi Tam Giới, lục đạo đều có thể thành tựu. Chúng ta phải ghi nhớ, hiểu rõ việc này.

Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây thôi.

 

[1] Luật Thiện Kiến là gọi tắt của bộ luật Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa (tức là bộ chú giải về Luật Tứ Phần) do ngài Giác Âm (Buddhaghosa) biên soạn, do ngài Tăng Già Bạt Đà La (Sanghabhadra) dịch sang tiếng Hán, được đánh số 1462 trong tập 24 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh.

[2] Ý nói: Tất cả đều là huyễn, chỉ có giác ngộ là chân thật. Do từ trong huyễn cảnh có thể siêng tu, dứt bặt đối đãi để đạt đến giác ngộ, cho nên sự giác ngộ ấy có thể gọi là từ trong giấc mộng lớn mà giác ngộ vậy.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.