Pháp sư

[TẬP 45]: Việc Sanh Tử Trọng Đại


 

Xin mở cuốn Khoa Chú, quyển hạ, trang sáu mươi mốt, xin xem kinh văn:

          Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai hiện tại chư thế giới trung lục đạo chúng sanh, lâm mạng chung thời, đắc văn Ðịa Tạng Bồ Tát danh, nhất thanh lịch nhĩ căn giả, thị chư chúng sanh vĩnh bất lịch tam ác đạo khổ, hà huống lâm mạng chung thời, phụ mẫu quyến thuộc, tương thị mạng chung nhân xá trạch, tài vật, bảo bối, y phục, tố họa Ðịa Tạng hình tượng, hoặc sử bịnh nhân vị chung chi thời, nhãn nhĩ kiến văn tri đạo quyến thuộc tương xá trạch bảo bối đẳng, vị kỳ tự thân tố họa Ðịa Tạng Bồ Tát hình tượng.

復次觀世音。若未來現在諸世界中六道眾生。臨命終時。得聞地藏菩薩名。一聲歷耳根者。是諸眾生永不歷三惡道苦。何況臨命終時。父母眷屬。將是命終人舍宅。財物。寶貝。衣服。塑畫地藏形像。或使病人未終之時。眼耳見聞知道眷屬將舍宅寶貝等。為其自身塑畫地藏菩薩形像。

          Lại nữa, này Quán Thế Âm! Trong các thế giới về thuở hiện tại và vị lai, nếu những chúng sanh trong Lục Đạo lúc sắp mạng chung mà được nghe một tiếng danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng thoáng qua lỗ tai, thì các chúng sanh đó vĩnh viễn không còn phải trải qua nỗi khổ nơi Tam Ác Đạo nữa, huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng quyến thuộc đem nhà cửa, tài vật, của báu, y phục v. v... của người sắp chết đó mà đắp, vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc làm cho người bịnh lúc chưa chết, được mắt thấy tai nghe, biết rằng hàng quyến thuộc đem nhà cửa, vật báu v. v... vì mình mà đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng.

Trước hết chúng ta hãy coi đoạn này, đây là việc chuyển ác nghiệp lúc lâm chung. Việc này đã có nhiều người chú ý tới.  Ở Úc Châu có bạn đồng tu hỏi tôi, khi người lớn tuổi trong nhà lâm chung, phải giúp họ như thế nào. Đối với Phật pháp chưa chắc những vị đồng tu này đã nhận thức được sâu lắm, nhưng họ đều quan tâm tới đại sự lúc lâm chung.  Nhà Phật thường nói ‘việc sanh tử trọng đại’. Vì con người lúc lâm chung, chẳng phải nói một người khi chết đi thì hết thảy đều chấm dứt, vậy thì chẳng phải lo lắng gì hết. Nhưng thế gian này có không ít người thông minh, người có trí huệ, và những tín đồ các tôn giáo, dù họ không hiểu rõ duyên do của việc sanh tử, nhưng sự thật này vẫn tồn tại, họ có thể tin sâu không nghi, đều băn khoăn tới chuyện sau khi chết rồi mình sẽ đi đầu thai ở cõi nào, sanh tới cõi nào? Có thể giác ngộ tới mức này đã là tương đối không dễ rồi. Nếu họ có thể nhận thức rằng việc này là nhân duyên quả báo thì lúc khởi tâm động niệm hằng ngày, họ làm bất cứ việc gì cũng sẽ dè dặt một chút. Ðây cũng là việc mà đại sư Ấn Quang muốn cứu vãn thế đạo nhân tâm, tiêu trừ kiếp nạn trên thế gian, nên đã đặc biệt đề xướng giáo dục nhân duyên quả báo, đạo lý là ở chỗ này. Nếu nói với họ về đại đạo lý của vũ trụ nhân sanh, người thật sự có thể hiểu được cũng chẳng nhiều, nhưng nói về lý luận và sự thật của nhân quả báo ứng thì người thường cũng có thể hiểu được. Ðối với việc thay đổi nhân tâm, khuyên mọi người dứt ác tu thiện, tiêu trừ hết thảy tai nạn trong thế gian có thể thâu được hiệu quả tốt đẹp. Đối với quan niệm lý luận này, có thể nói kinh Ðịa Tạng có phân lượng rất nặng trong nền giáo học này. Ðây cũng là việc mà chúng ta đã nhắc tới trong phần trước, sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ, tại sao đức Phật giao phó trọng trách giáo hóa chúng sanh cho Ðịa Tạng Bồ Tát, đạo lý là như vậy.

          Kinh văn vừa mở đầu, đức Phật gọi Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm ở đây đại biểu cho chúng sanh trong lục đạo, nên gọi Quán Thế Âm Bồ Tát cũng như gọi tên của chúng ta vậy. Ðoạn kinh sau khai thị, đối với chúng ta mà nói vô cùng thân thiết, đặc biệt là khi chúng ta thấy câu ‘các thế giới vị lai và hiện tại’, chữ ‘vị lai’ được đặt ở hàng đầu, chữ ‘hiện tại’ là chỉ đại chúng hiện diện trong pháp hội lúc đó được đặt ở hàng nhì, ‘vị lai’ đặt ở hàng nhất. Từ đó có thể thấy kinh này thật ra là nhằm giảng cho chúng ta nghe. ‘Chư thế giới trung’ chẳng phải chỉ là thế giới Sa Bà mà thôi, nó chỉ rõ pháp môn Ðịa Tạng gồm tận hư không, trọn khắp pháp giới, cùng với kinh Tịnh Ðộ, kinh Hoa Nghiêm không hai không khác. Từng chi tiết nhỏ đều tỏ rõ phạm vi của pháp Ðại Thừa gồm tận hư không, trọn khắp pháp giới. Ðối tượng của Ðại Thừa là hết thảy chúng sanh trong pháp giới, chúng ta hiểu được ý nghĩa này thì tâm lượng của chúng ta mới được mở rộng, đây là chân tâm, đây là tâm lượng vốn sẵn có của chúng ta, đúng như câu ‘tâm bao trùm hư không, lượng gồm hết thế giới nhiều như cát’, hết thảy chúng sanh vốn có sẵn [tâm này], cùng chư Phật Như Lai không hai không khác. Bây giờ tại sao tâm lượng nhỏ như vậy? Tâm lượng nhỏ nên mới bị tà môn ngoại đạo gạt gẫm, nên mới có chuyện bị lừa gạt, bị thiệt thòi, tâm lượng mở rộng thì sẽ không như vậy. Chẳng có gì hư không pháp giới chẳng bao gồm, do đó mỗi chữ mỗi câu trong kinh đều có ý nghĩa sâu rộng vô hạn, chúng ta phải thấu hiểu, phải học hỏi từ đó. Cho nên đoạn này ghi ‘chư thế giới trung’, chẳng ghi là Sa Bà thế giới.

          Trong đoạn này đặc biệt nói tới ‘lục  đạo  chúng  sanh’, các  cõi nước chư Phật đều có lục đạo chúng sanh, trong đó cũng có cõi chẳng có lục đạo chúng sanh nhưng chẳng nhiều. Thí dụ như Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có lục đạo chúng sanh, đại đa số cõi nước chư Phật đều có lục đạo chúng sanh, họ  đều rất khổ, mê hoặc sâu đậm. ‘Lúc lâm chung được nghe danh hiệu Ðịa Tạng Bồ Tát’, chữ quan trọng là chữ văn (nghe), chữ văn ở đây là ‘Văn Huệ’ trong Tam Huệ của Bồ Tát, chứ không phải là tùy tiện ‘nghe’ mà được, người thế gian chúng ta đều hiểu sai chữ ‘văn’ trong câu này. Ðây là kinh Ðại Thừa, hết thảy đều phải dùng tiêu chuẩn của Bồ Tát Ðại Thừa để đo lường. Tam Huệ của Bồ Tát được xây dựng trên cơ sở Tam Học của Thanh Văn. Hiện nay nhiều người nói họ niệm kinh Ðịa Tạng, noi theo lời dạy trong kinh Ðịa Tạng mà tu hành nhưng không đạt được hiệu quả, do đó họ phỉ báng Phật, phỉ báng Pháp và nói kinh Ðịa Tạng không linh nghiệm. Họ chẳng nghĩ rằng họ đã hiểu sai chân thật nghĩa của Như Lai chứ chẳng phải kinh không linh nghiệm. Trong kinh nói tới ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’, bạn đã đạt tới tiêu chuẩn của chữ thiện này chưa? Chẳng có ai nghĩ tới. Tiêu chuẩn của thiện là gì? Là Tam Phước, chúng ta đã giảng rất rõ ràng, tiêu chuẩn ‘người thiện’ của thế gian là ‘hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp’, bạn đã làm được chưa? Nếu bạn đã làm được thì bạn là người thiện trong thế gian. Phật pháp được xây dựng trên cơ sở ‘thiện’ của thế gian, ngay cả tiêu chuẩn này bạn cũng chẳng làm nổi thì bạn học Phật chỉ là ở ngoài cửa mà thôi chứ chưa nhập môn, có tu tới đâu cũng chỉ ở ngoài cửa. Chúng ta phải hiểu đạo lý này.

          Sau khi làm được nền tảng này thì mới có thể bước vào cửa Phật.  Tiêu chuẩn vào cửa Phật là phước thứ nhì: ‘Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi’, bạn đã làm được chưa? Tam Quy, trên hình thức mọi người đã làm xong, nhưng chẳng có nội dung thì làm sao có cảm ứng? Giới kinh đã nói rõ ràng, bạn thật sự thọ trì Tam Quy thì bạn sẽ được ba mươi sáu vị thần hộ pháp ngày đêm bảo vệ, hộ trì bạn. Hôm nay bạn đã thọ Tam Quy, chẳng có vị thần hộ pháp nào cả. Khi bạn thọ ngũ giới, thọ một giới thì bạn có năm vị thần hộ pháp bảo hộ bạn, đầy đủ năm giới thì có hai mươi lăm vị thần hộ pháp ngày đêm hộ vệ. Ngày nay bạn chẳng có vị thần hộ pháp nào cả, một vị cũng chẳng có thì bạn đã thọ suông rồi. Phật giáo ngày nay, chúng ta phải hiểu rõ, mọi người phát tâm tiếp nối huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh là một sự nghiệp to tát! Bất cứ sự nghiệp nào trên thế gian cũng không sánh bằng, do đó Phật pháp chú trọng ở nơi ‘hành’ chứ không ở nơi ‘nói’, nói càng nhiều cũng chẳng dùng được, nhất định phải làm được. Ðầy đủ phước thứ hai thì ‘Văn Huệ’ mới có cơ sở. Ðây là Phật pháp sơ cấp, tu Giới Ðịnh Huệ Tam Học, do giữ Giới được Ðịnh, do Ðịnh khai Huệ, sau khi khai Huệ xong rồi thì mới có ‘Văn Huệ, Tư Huệ, Tu Huệ’. Chữ ‘đắc văn’ (được nghe) ở đây, nghe danh hiệu Ðịa Tạng Bồ Tát, vừa nghe danh liền tương ứng, tương ứng với cái gì? Tương ứng với cả bộ kinh. Tên của bộ kinh này là Ðịa Tạng Bồ Tát, nghe tới danh hiệu này thì lý luận, phương pháp, cảnh giới của cả bộ kinh đều hiện ra, được vậy thì bạn mới có thể ngộ nhập cảnh giới này.

          Do đó mới nói ‘Vừa lọt vào tai, là chư chúng sanh vĩnh viễn chẳng trải qua nỗi khổ trong tam ác đạo’, vĩnh viễn chẳng đọa tam ác đạo, đây là cảnh giới gì? Các bạn đồng tu đều hiểu rõ, các bạn đều học Giáo rồi, chứng quả Tu Ðà Hoàn thì vĩnh viễn chẳng rơi vào tam ác đạo.  Nếu không chứng quả Tu Ðà Hoàn thì sẽ không tránh miễn tam ác đạo.  Ở đây nói nghe được danh hiệu Ðịa Tạng Bồ Tát liền chứng Sơ Quả, địa vị này trong Ðại Thừa Viên Giáo chính là Bồ Tát Sơ Tín, đó không phải là siêu phàm nhập thánh mà tôi đã nói với bạn rồi sao? Nếu bạn nói làm sao người đó vừa nghe danh hiệu Bồ Tát liền có thể nhập cảnh giới này?  Chư vị hãy nghĩ về những công án của Thiền tông Trung Quốc hồi trước, không nhất định là nghe danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ Tát, không chừng khi bạn nhìn thấy một vật gì đó, nghe một âm thanh gì đó thì liền đột nhiên khai ngộ. Chúng ta thấy những chuyện này rất nhiều trong các công án Thiền tông. Chuyện đó rất khó, đó là khế nhập vào cảnh giới của tự tánh. Còn chuyện này dễ, Giáo Hạ dễ hơn Thiền tông, nhưng sự ngộ nhập của Giáo Hạ chẳng triệt để bằng Tông Môn. Tông Môn khi chưa ngộ thì chẳng có cách gì khác, nhưng một khi ngộ rồi thì sẽ kiến tánh. Còn sự ngộ nhập [khi nghe danh hiệu nói trên] thì không chắc sẽ kiến tánh. Nhưng một niệm nghĩ tới những lời dạy, những lời giáo huấn trong kinh giáo tự nhiên khởi lên trong tâm mình, ngay lúc đó liền có thể sám trừ nghiệp chướng, liền có thể phát tâm noi theo hành nghi của Ðịa Tạng Bồ Tát, liền đạt được quả vị Sơ Tín Bồ Tát. Quả vị Sơ Tín trên phương diện đoạn đức thì tương đương với quả vị Sơ Quả của Tiểu Thừa, thật sự vĩnh viễn không đọa tam ác đạo. Tuy chẳng thoát ly lục đạo luân hồi, chắc chắn sẽ không đọa tam ác đạo. Bạn sẽ hỏi tại sao không đọa tam ác đạo? Vì đã cắt đứt duyên tam ác đạo rồi. 

          Duyên tam ác đạo là gì? Tham, sân, si, mạn. Người này trong mỗi tâm niệm đều nghĩ tới Bồ Tát, niệm niệm đều học theo Bồ Tát thì những tâm tham, sân, si, mạn, nghi đều đoạn hết, thật sự đã hết. Niệm niệm đều tương ứng với thanh tịnh, bình đẳng, giác, từ bi. Người mê thì khi khởi tâm động niệm chẳng quên mình, luôn luôn nghĩ về ta, nghĩ vậy là mê, là chấp trước, chẳng buông xuống nổi. Người giác ngộ rồi thì niệm niệm đều nghĩ tới hết thảy chúng sanh. Tai nạn trong thế gian này nhiều như vậy, chúng sanh khổ như vậy, người giác ngộ khởi tâm động niệm đều nghĩ mình phải làm như thế nào để giúp đỡ chúng sanh, làm sao cứu giúp những người bị nạn. Chính mình không đủ trí huệ, không đủ khả năng, cũng chẳng có phước báo thì khởi tâm này, khởi ý niệm này chẳng phải là khởi vọng tưởng hay sao? Ðúng vậy, đó là vọng tưởng. Nếu thật tâm nghĩ về vấn đề này thì tự nhiên sẽ được Phật, Bồ Tát gia trì. Chúng ta không có trí huệ, Phật có trí huệ, chúng ta không có khả năng, Phật có khả năng, chúng ta không có phước báo, Phật có phước báo. Ðây là điều đại sư Chương Gia dạy tôi thuở trước, lão nhân gia dạy tôi phải nương nhờ Phật, Bồ Tát mới được, không thể nương nhờ người ta. Những người có đại hộ pháp, ở thế gian này làm quan lớn, giàu to, bạn nương nhờ những người đó cũng không đáng tin, nương nhờ Phật, Bồ Tát mới đáng tin. Chúng ta dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác, dùng tâm đại từ bi vì xã hội vì chúng sanh, đặc biệt là vì những chúng sanh đang chịu khổ nạn, [tâm niệm ấy] sẽ tương ứng với Ðịa Tạng Bồ Tát. Pháp thân, báo thân, và ứng hóa thân của chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát đều tận cùng hư không, trọn khắp pháp giới, nơi nào có cảm thì nơi đó có ứng, cảm ứng đạo giao chẳng sai chạy mảy may.

Chúng ta phải thông suốt hiểu rõ đại đạo lý này, từ đó tâm chúng ta mới thanh tịnh, mới có thể có cảm ứng. Chúng ta học Phật nhờ cậy vào cái gì? Nhờ vào điểm này. Chúng ta thành tựu là phước của chúng sanh; chúng ta không thể thành tựu thì chúng sanh phải chịu khổ, phải chịu tai nạn. Cho nên sự khổ nạn của hết thảy chúng sanh, lúc trước tôi thường nhắc nhở các bạn đồng tu, ai tạo ra những sự khổ nạn này?  Chính chúng ta tạo thành, chúng ta tu không tốt nên mới làm cho chúng sanh chịu khổ. Chúng ta phải gánh vác trách nhiệm này, tuyệt chẳng thể đẩy cho người khác, [nếu nói] ‘chuyện này chẳng liên quan gì tới mình’, có vị Phật, Bồ Tát nào nói chúng sanh khổ nạn không liên quan tới mình? Bạn hãy tra hết trong kinh điển cũng không có nói như vậy. Phật, Bồ Tát chẳng giống với người trong thế gian, mọi người ai cũng biết mê với giác. Người mê hoặc sẽ thoái thác trách nhiệm, người giác ngộ tuyệt đối sẽ chẳng thoái thác trách nhiệm. Cho nên ‘đoạn đức’ giống nhau, trí huệ chẳng giống nhau, trí huệ của Bồ Tát Sơ Tín lớn hơn quả vị Sơ Quả Tiểu Thừa quá nhiều, đây là việc chúng ta đáng học tập, bạn hiểu được đạo lý, chân tướng sự thật này thì bạn đọc đoạn kinh trên sẽ không khởi nghi vấn, sẽ biết đây là lời chân thật.

Phần sau nói về tu phước, có thể tu phước thì càng tốt. Ðây là nói ‘Huống chi lúc lâm chung, cha mẹ quyến thuộc’, người nhà thân quyến ‘đem nhà cửa, tài sản, của quý, y phục của người lâm chung’, đoạn này rất quan trọng! Nhất định phải dùng tài sản của người đó để tu phước, như vậy mới có công đức. Lấy tài vật của người khác để tu tích công đức, tự mình đều không được gì, những công đức có được đều là của người khác, còn mình lại mang tội, chúng ta phải hiểu việc này. Nhất định phải là tài vật của chính mình mới gọi là tịnh tài. Nếu phước báo của họ trên thế gian rất lớn, nhà cửa của họ rất lớn, đất đai rất nhiều, ở Trung Quốc đời xưa chúng ta đã biết những người như vậy, thường thường thì họ dâng hiến nhà cửa của mình ra để làm đạo tràng, chúng ta thấy có nhiều người như vậy trong lịch sử Trung Quốc. Như cư sĩ Dương Nhân Sơn thời cận đại, ông là một trưởng giả giàu có, lúc gần vãng sanh, trước khi vãng sanh ông lập di chúc, quyên tặng nhà cửa của mình làm Kim Lăng Khắc Kinh Xứ, quý vị hiện nay đi đến Kim Lăng Khắc Kinh Xứ ở Nam Kinh, đó chính là căn nhà cũ của Dương Nhân Sơn. Những tài sản này của ông không lưu lại cho con cháu ông ta, ông quyên ra để làm sự nghiệp Phật giáo, đây là một tấm gương tốt cho chúng ta. Tài sản và đồ vật quý báu của ông đều quyên ra. Bố thí quần áo, quần áo của bạn quá nhiều hãy đem cho người ta, những người khổ nạn trong thế gian rất nhiều, họ không có cơm ăn, không có quần áo mặc, tại sao không quyên ra để bố thí? Ðó gọi là tu phước chân thật. Tự mình dùng vài bộ quần áo để thay đổi là đủ rồi, có vài đôi giày để thay đổi cũng đủ rồi. Lúc trước chúng tôi thấy trên báo nói tới một người giàu, đó là một phu nhân tổng thống, bà ta có tới mấy ngàn đôi giày, còn nhiều hơn tiệm bán giày, quần áo không biết có tới mấy ngàn bộ, chúng tôi không biết vì báo không có đăng. Một người làm sao dùng cho hết! [Chúng ta phải biết] bố thí là tu phước.

Phương pháp bố thí tu phước rất nhiều, nơi đây chỉ nêu ra một thí dụ, chúng ta đọc kinh cũng không nên đọc chết cứng trên câu kinh, đó là sai lầm. Phương pháp bố thí rất nhiều, nơi đây chỉ nêu một thí dụ, ‘đúc vẽ hình tượng Ðịa Tạng’, tại sao? Việc này dễ làm nhất. Nếu kêu bạn làm giống ông Dương Nhân Sơn quyên nhà cửa để làm đạo tràng thì khó lắm. Có nhiều người nói ‘Tôi không có khả năng lớn như vậy, nhà tôi rất nhỏ’. Dù quyên tặng cũng không thể làm đạo tràng, ở đây chỉ nêu ra để làm một thí dụ. Nếu nói đắp nặn tô vẽ hình tượng Ðịa Tạng thì không khó, nếu tài lực khả năng của bạn lớn, thì bạn tô nặn hình tượng Ðịa Tạng cao lớn trang nghiêm. Nếu sức lực của bạn nhỏ thì bạn nhờ người ta vẽ một tượng Ðịa Tạng Bồ Tát, đó là việc tùy sức lực của mỗi người [mà làm việc tô vẽ, đúc nặn hình tượng Ðịa Tạng Bồ Tát]. Nhưng thời xưa thì được, chẳng có vấn đề, công đức tạo tượng rất lớn. Thời đại ngày nay tạo tượng, thử hỏi bạn có công đức hay không? Không thể phủ nhận, công đức cũng có, nhưng không rõ ràng, không được quả báo ngay bây giờ. Tại sao vậy? Vì Phật pháp hoằng dương không được rõ rệt, người niệm kinh Ðịa Tạng rất nhiều nhưng có bao nhiêu người hiểu được ý nghĩa trong kinh? Do đó có thể biết, nếu muốn hết thảy chúng sanh làm công đức chân thật trong nhà Phật, có thể có được công đức ngay trong hiện tại, thì nhất định phải có người tuyên dương, giảng giải pháp môn Ðịa Tạng cho thấu triệt, cho rõ ràng thì người ta nhìn thấy hình tượng Ðịa Tạng Bồ Tát sẽ cảm nhận một cách khác biệt.

Nếu hoàn toàn không hiểu Phật pháp, thậm chí hiểu lầm, cho rằng [hình tượng Bồ Tát là] ngẫu tượng, người thờ hình tượng Bồ Tát Ðịa Tạng cũng không cung kính, vả lại còn phê bình đó là ngẫu tượng, cho là mê tín! Chúng ta thử nghĩ xem đối với những người phê bình, những người chỉ trích [việc đúc vẽ hình tượng này] có ích lợi gì không? Cũng có ích lợi, đúng như câu ‘một phen lọt vào tai thì vĩnh viễn thành hạt giống đạo’, nhưng sự lợi ích ấy vô lượng kiếp về sau mới khởi tác dụng, hiện nay không khởi tác dụng nổi. Trong kinh đã nói rất rõ ràng, tạo tội hủy báng vẫn phải đọa địa ngục để thọ tội, đến khi thọ hết tội, hạt giống đạo này tương lai lúc gặp thiện duyên mới có thể khởi hiện hành. Do đó có thể biết công việc hoằng pháp hiện thời quan trọng hơn bất cứ việc gì khác, bất cứ sự nghiệp thế gian, xuất thế gian khác đều không quan trọng bằng sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Những bạn đồng học chúng ta đã phát tâm xuất gia, bất luận nhân duyên xuất gia của bạn là gì đều là thiện căn phước đức, nhân duyên đầy đủ, nhân duyên phát tâm có thể khỏi phải xét tới. Ðời này bạn có cơ hội tiếp xúc đến chánh pháp, có cơ hội nghe được chánh pháp, tu học chánh pháp thì quá đủ rồi. Ðây không những là việc đáng cho chúng ta hân hoan, đúng như cổ đức đã nói đây là ‘cơ hội hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp tới nay’, đời này chúng ta đã [may mắn] gặp được. Chúng ta nhất định phải coi trọng, nhất định phải phấn chấn, nỗ lực khắc phục phiền não tập khí của chính mình, được vậy thì chúng ta mới không uổng phí gặp được cơ hội này. Không thể khắc phục được phiền não tập khí của mình, tùy thuận phiền não tập khí của mình là việc vô cùng đáng tiếc, trong kinh gọi [những người như vậy] là những người đáng thương xót; ‘người đáng thương xót’ ấy không phải là chỉ người nào khác, một người trong đời này chẳng gặp được Phật pháp thì đâu có gì đáng thương? Ðã gặp được Phật pháp nhưng để cho luống uổng, người như vậy mới là đáng thương. Do đó có thể biết trong kinh nói người đáng thương là những người nào? Là những người như chúng ta, bỏ lỡ cơ hội trước mắt, không thể trong đời này khế nhập cảnh giới, nguyên nhân là chúng ta vẫn tùy thuận phiền não tập khí, chúng ta vẫn không thể khắc phục chính mình.

Sau khi Niệm Phật Ðường được xây dựng, rất nhiều bạn đồng tu đã làm gương tốt cho chúng ta, họ tự khắc phục [phiền não của] chính mình. Phiền não của mình vốn rất nặng, tập khí rất nặng, ngủ nghỉ rất nhiều, ủy mị không phấn chấn, bước vô Niệm Phật Ðường không có lòng tin, làm sao có thể ở trong đó suốt hai mươi bốn giờ, ba mươi sáu giờ đồng hồ? Sau khi vô Niệm Phật Ðường, niệm vài lần liền khắc phục phiền não tập khí của mình, đây là tấm gương rất rõ ràng. Do đó Niệm Phật Ðường đã thành tựu cho rất nhiều người, công đức của Niệm Phật Ðường vô cùng thù thắng. Người già thấy người trẻ tuổi tinh tấn như vậy, cảm thấy mình ngày tháng chẳng còn bao lâu nên họ càng tinh tấn thêm, họ được khích lệ. Còn người trẻ tuổi thấy người già đã lớn tuổi như vậy mà nhiễu Phật suốt hai mươi bốn giờ, ba mươi sáu giờ đồng hồ chẳng ngủ chẳng nghỉ, người trẻ tuổi cảm thấy xấu hổ; người già và người trẻ khích lệ và nhắc nhở lẫn nhau như vậy nên có thể đạt được hiệu quả tốt đẹp. Người niệm Phật một mình thì dễ làm biếng, dễ thuận theo phiền não tập khí, đây là lý do tại sao đại sư Mã Tổ và Bách Trượng đời Ðường xây dựng tòng lâm, mục đích là đề xướng việc cùng tu (cùng nhau tu tập), ích lợi của việc cùng tu là như vậy, đó là nương vào đại chúng, nhờ đại chúng. Từ đó trở về trước, đức Phật giảng kinh thuyết pháp, dạy đại chúng [chứ không có tu chung], tu hành là việc làm của mỗi cá nhân. Trong kinh chúng ta thấy đức Phật chưa hề hướng dẫn đại chúng tu hành, đức Phật chỉ giảng kinh thuyết pháp, tu hành là việc của từng cá nhân riêng rẽ. Thời đó mỗi cá nhân đều dụng công [tinh tấn], chẳng cần người khác đốc thúc, mỗi người đều thành tựu.

Từ Chánh pháp tới Tượng pháp, rồi từ Tượng pháp chuyển tới Mạt pháp, căn tánh con người đời này không bằng đời trước, dần dần giải đãi, làm biếng, phóng dật [hơn người đời trước], rất khó khắc phục phiền não tập khí của mình, do đó các vị Mã Tổ, Bách Trượng mới đề xướng cùng tu. Mã Tổ, mọi người hãy nghe rõ, chẳng phải là vị Mã Tổ mà dân gian cúng bái, nếu bạn hiểu như vậy thì bạn sai lầm quá đỗi.  Chữ ‘Tổ’ là tổ sư Thiền tông, họ của Ngài là họ Mã, phần đông người ta xưng Ngài là Mã Tổ, pháp danh của Ngài là thiền sư Ðạo Nhất; người ta quen xưng Ngài là Mã Tổ, chẳng phải là vị Mã Tổ[1] mà dân gian cúng tế. Thiền sư Ðạo Nhất và Bách Trượng đề xướng xây dựng tòng lâm, đề xướng cùng tu, nương nhờ đại chúng, đây là đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc. Ðặc biệt là vào thời Mạt pháp, lúc trước thầy Phương Ðông Mỹ đã nói với tôi nhiều lần rằng muốn phục hưng Phật giáo thì nhất định phải khôi phục chế độ tòng lâm, nghĩa là khôi phục chế độ cùng tu.  Ngày nay chúng ta đề xướng làng Di Ðà, làng Di Ðà chính là tòng lâm được hiện đại hóa. Trên hình thức thì khác với tòng lâm lúc trước, nhưng thực chất thì giống nhau, đây là điều nhà Phật thường gọi là tiếp nối huệ mạng của Phật, chúng ta chỉ thay đổi hình thức chứ chẳng thay đổi thực chất.

Cho nên đối với giáo học nhà Phật, chúng ta phải làm cho xã hội nhận biết phương thức giáo học của chúng ta khác với giáo học của xã hội. Tại sao khác nhau? Vì mục đích khác nhau. Giáo dục xã hội nhằm dạy kỹ năng, còn mục đích giáo dục nhà Phật nhằm mở mang trí huệ, phá mê khai ngộ, cầu chân thật trí huệ, chẳng đặt khả năng kỹ thuật ở hàng đầu, chúng ta đặt trí huệ chân thật ở hàng đầu, hoàn toàn khác nhau.  Giáo học nhà Phật ở tại Giới Ðịnh Huệ, sách giáo khoa của chúng ta cũng là Giới Ðịnh Huệ Tam Học, Ðại Tạng Kinh thường được người ta gọi là Tam Tạng, Tam Tạng là Kinh, Luật, Luận, trong đó nói về Tam Học Giới Ðịnh Huệ, hoàn toàn khác với giáo học thế gian, chúng ta phải nói rõ điều này cho người ta biết. Nếu dùng khái niệm của họ mà nói, nhà Phật chú trọng nơi giáo dục Ðức Hạnh, hiện nay giáo dục xã hội thiếu tầng này, chẳng có môn này. Nếu muốn xã hội an định, thế giới hòa bình thì phải đa nguyên hóa xã hội, muốn đạt đến mục tiêu mọi người tôn trọng lẫn nhau, kính ái lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, thì giáo dục đức hạnh vô cùng quan trọng. Ðây là một giáo dục đặc biệt, chẳng phải giáo dục phổ thông, nếu dùng khái niệm giáo dục phổ thông, chiếu theo những quy định, chương trình bắt buộc của chánh quyền, giáo dục nhà Phật sẽ không thể đạt tới mục tiêu của chính mình, đây là điều chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Giáo dục thời xưa ở Trung Quốc rất giống với giáo học trong nhà Phật, nhưng giáo học hiện đại và giáo học cổ đại Trung Quốc và giáo học nhà Phật hoàn toàn khác nhau. Chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng, và cũng phải làm cho xã hội đại chúng đều nhận biết, làm cho giáo dục nhà Phật có thể phát triển chẳng có chướng ngại trong tương lai, chúng ta sẽ đưa thành quả của chúng ta cho xã hội đại chúng coi. Chúng ta bồi dưỡng các pháp sư này, pháp sư có pháp sư xuất gia, có pháp sư tại gia, cả hai pháp sư tại gia và xuất gia đều có thể cống hiến cho xã hội. Ðây là một đoạn nói về việc tu phước.

Ðoạn sau nói về việc chuyển nghiệp, chuyển nghiệp tốt nhất là làm cho người bịnh biết người nhà của họ tu phước dùm họ, tại sao vậy?  Trong kinh luận thường nói cảnh tùy tâm chuyển, nếu người bịnh không biết người nhà giúp họ tu phước thì họ rất khó chuyển biến, chuyển rất chậm, vì họ không biết chính mình có phước, họ có tâm tự ti. Nếu biết chính mình có phước thì họ sẽ chuyển biến nhanh chóng. Trong kinh Đại Thừa thường nói ‘cảnh tùy tâm chuyển’, ‘hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, do đó chúng ta tu phước dùm họ thì nhất định phải cho họ biết, họ biết tự mình đã tu phước báo gì, biết có phước báo chân thật họ sẽ sanh tâm hoan hỷ, do đó chuyển nghiệp dễ dàng. Vì lý do này khi người bịnh sắp chết, lúc đầu óc họ còn sáng suốt, hãy nói với họ: ‘Người nhà đem tài sản của họ đi làm nhiều phước báo’.

Hiện nay chư vị có thể thấy lão cư sĩ Hồng, lúc chúng tôi đi thăm ông, lúc đó ông đang ở thời kỳ nguy cấp, cụ cũng nghĩ như vậy và sợ chẳng sống được bao lâu nữa, cụ gấp muốn lo cho xong việc quyên tặng miếng đất để cho cư sĩ Lý Mộc Nguyên làm chuyện tốt, cụ sợ gì mà mỗi ngày đều hối thúc ông ta? Cụ sợ sau khi cụ chết đi thì chuyện này không thành, mỗi ngày cụ đều gọi rất nhiều cú điện thoại [hối thúc]. Ông Lý Mộc Nguyên cũng rất nhiệt tâm, mỗi ngày phải chạy tới chạy lui nhiều lần. Tự mình biết rõ, đặc biệt là lúc ông Lý Mộc Nguyên nói về kế hoạch xây làng Di Ðà cho cụ nghe, cụ rất hoan hỷ, cụ đã làm được một chuyện tốt, nhờ vậy cụ thật sự có thể chuyển trở lại, còn chuyển nhanh chóng như vậy. Tế bào ung thư ở cổ họng của cụ có thể thay đổi, nghe nói hiện nay có thể bít lỗ hổng lại, cụ bị lủng lỗ ở cổ họng đã ba năm nay, bây giờ đã lành rồi. Cụ chuyển đổi nhanh chóng như vậy. Phước báo mà cụ đã tu được thù thắng hơn đắp vẽ hình tượng của Ðịa Tạng Bồ Tát quá nhiều, cụ có phước, có tiền bạc, và có thành ý để xây Niệm Phật Ðường. 

Hôm qua cư sĩ Lý Mộc Nguyên thương lượng với tôi, tôi đề nghị thờ một vạn tượng Phật A Di Ðà trong Niệm Phật Ðường, ông thảo luận với tôi coi một vạn tượng Phật A Di Ðà này dùng gỗ khắc hay dùng cách khắc nổi [trên tường]. Trong Niệm Phật Ðường, tại sao chúng ta thờ nhiều tượng Phật như vậy? Có hai ý nghĩa: Thứ nhất là hết thảy chư Phật Như Lai gia trì, hết thảy chư Phật Như Lai đều niệm A Di Ðà Phật, do đó khi bạn bước vào Niệm Phật Ðường, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều tiếp cận hết. Ý thứ hai là người niệm Phật chúng ta tương lai đều thành Phật, niệm A Di Ðà Phật đều làm A Di Ðà Phật, mỗi người chúng ta đều là hóa thân của A Di Ðà Phật, khi bước vào Niệm Phật Ðường, trong số các tượng Phật trong Niệm Phật Ðường có một tượng là chính mình, bạn coi như vậy thân thiết biết bao. Do đó bước vào Niệm Phật Đường thì ‘tự tha bất nhị’ (ta và người không hai), sanh Phật bất nhị, chúng sanh và Phật là một. Trong đó có ý nghĩa tiêu biểu pháp, công đức này vô cùng thù thắng, vô cùng trang nghiêm. Mỗi người bước vào Niệm Phật Ðường đều cảm thấy thân thiết, do đó những tượng Phật này phải đúc cho thật trang nghiêm. Chúng ta dùng phương thức này để phát triển đạo tràng, làm cho mọi người đều sanh tâm hoan hỷ, dốc hết tâm hết sức để hộ trì đạo tràng này, hy vọng đạo tràng này trở thành đạo tràng gương mẫu cho hết thảy đạo tràng niệm Phật trên thế giới. Hiện nay mỗi tháng nhiều người từ các địa phương ở hải ngoại phát tâm tổ chức tới đây [tu học] càng ngày càng nhiều, nơi đây tự nhiên trở thành một Niệm Phật Ðường trung tâm, cho nên có cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Sinh nhật bảy mươi chín tuổi của cụ Hồng vừa qua, chúng tôi nghe được tin mừng, Tam Bảo gia trì, làm cho lòng tin của chúng tôi càng thêm vững chắc. Chúng ta có thể nêu ra thí dụ trước mắt cho đoạn kinh văn này. Phần sau là quả báo, chư vị hãy mở xem:

 

Thị nhân nhược thị nghiệp báo hiệp thọ trọng bịnh giả, thừa tư công đức tầm tức trù dũ, thọ mạng tăng ích.

是人若是業報合受重病者。承斯功德尋即除愈。壽命增益。

            Người đó nếu do nghiệp báo phải chịu bịnh nặng, thì nhờ công đức này liền được khỏi bịnh, tuổi thọ thêm lâu dài.

Hiện nay quả báo của cụ Hồng thật sự là giống như trong kinh đã nói, nghiệp báo của cụ đáng lẽ là phải bị bịnh nặng, sau khi làm công đức này xong thì bịnh của cụ đã hết. Không những hết bịnh mà còn kéo dài tuổi thọ, không giả dối tí nào. Chú giải nói rất hay, chúng ta hãy đọc coi: ‘Hà cố tu vị bịnh nhân ư Ðịa Tạng xứ, tu cúng tố tượng’ (tại sao phải vì bịnh nhân đắp nặn, thờ tượng Địa Tạng), trước hết nêu lên câu hỏi tại sao phải làm vậy? ‘Nhằm có thể lành bịnh, trường thọ’, nguyên nhân là như vậy, có thể miễn trừ tật bịnh, có thể kéo dài tuổi thọ, phước báo. Ðược trường thọ nhưng không có phước thì cũng rất khổ. Ðược trường thọ lại có phước, vì họ tu nên có phước, cúng Phật được kéo dài tuổi thọ. Phần sau ghi ‘Chỉ Quán vân’ (sách Ma Ha Chỉ Quán viết) Chỉ Quán là giáo nghĩa Thiên Thai; ‘bố úy ác đạo, nhân mạng vô thường, nhất tức bất truy, thiên tải trường vãng’ (ác đạo đáng kinh sợ, mạng người vô thường, một hơi thở ra không hít vào được thì sẽ đi vào đó cả ngàn năm) đây là lời đức Phật cảnh cáo chúng ta, đây là chân tướng sự thật. Trong thế gian có người thật sự không sợ ác đạo, trong kinh gọi là Nhất Xiển Ðề, nghĩa là người không có thiện căn, họ không biết sự dễ sợ trong ác đạo, họ cứ vẫn tạo tội nghiệp như cũ. Ðặc biệt là những người dùng chiêu bài Phật Giáo để lừa gạt chúng sanh, cầu danh văn lợi dưỡng, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, tạo nghiệp báo địa ngục. Thọ mạng con người rất ngắn ngủi, ‘nhân mạng vô thường, nhất tức bất truy’, một hơi thở không trở lại thì đã đọa lạc rồi. ‘Thiên tải trường vãng, u đồ miên mạc’ (Đi vào đó (trụ trong đó) cả ngàn năm, đường tối tăm dài dằng dặc, mông lung), đây là hình dung ba đường ác, ba đường ác rất dễ đọa vào, rất khó thoát ra.

          Phía sau nói ‘chẳng có tư lương’, dùng cách nói hiện nay thì đó là chẳng có điều kiện để thoát ra khỏi ba đường ác. Lúc đó bạn phải làm sao đây? Sau khi đọa vào ba đường ác, muốn tu phước cũng không có duyên. Con người chúng ta ở trên thế gian này có bao nhiêu người giàu sang, bao nhiêu người có khả năng, cả đời chẳng gặp nhân duyên tu phước. Muốn tu phước nhưng chẳng có chỗ để tu phước, cứ vì ngu si chẳng nhận biết ruộng phước chân chánh, dùng tài lực của mình để hộ trì tà đạo, không những chẳng trồng phước, trái lại chiêu cảm một số ương họa, tội lỗi, chuyện này rất nhiều, chúng ta thường thấy.

Do đó mới biết, câu tiêu trừ nghiệp chướng này nói thì dễ, bắt đầu làm đích thật là không dễ, nhất định phải có huệ, có phước, chẳng có phước huệ muốn tiêu trừ nghiệp chướng cũng tiêu trừ không nổi. Nếu chúng ta bình tĩnh quan sát, đừng coi gì khác, chỉ coi những đồng tu học Phật, tức là những người chung quanh chúng ta, bạn hãy quan sát cặn kẽ.  Họ rất hy vọng tiêu nghiệp chướng, cũng rất sốt sắng nỗ lực làm việc tiêu nghiệp chướng, tự mình cho rằng tu phước là tiêu nghiệp chướng, nhưng nếu bạn quán sát kỹ những gì họ làm tương phản với mục đích của họ, muốn tiêu nghiệp chướng nhưng những gì họ làm lại tăng thêm nghiệp chướng, chứ chẳng tiêu trừ nghiệp chướng. Tại sao họ lại làm như vậy? Vì chẳng có trí huệ. Tại sao không có trí huệ? Vì đọc kinh quá ít, đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh vẫn còn mê hoặc, vẫn chưa hiểu rõ. Trong Phật pháp đâu là chánh pháp? Đâu là tà pháp? Họ chẳng có khả năng phân biệt, cứ lấy giả cho là thiệt. Ngạn ngữ thường nói ‘nhận giả chẳng nhận chân, nghe gạt chứ không nghe lời khuyên’, đó là ngu si! Người thế gian thường nói ‘xả tài tiêu tai’, họ đã xả tiền tài nhưng tai chướng tiêu không nổi, không những chẳng tiêu tai nổi mà ngược lại còn tăng thêm tai họa, ngu si tới mức như vậy, bạn nói có đáng thương hay không!

          Do đó chúng ta mới biết, đức Phật trong kinh cứ lập đi lập lại, không những chúng ta phải hiểu nghĩa, còn phải hiểu sâu nghĩa thú. Bạn hiểu cạn cợt cũng không được, phải hiểu cho sâu. Sau đó mới biết làm thế nào để tu phước, làm thế nào tích công lũy đức, làm thế nào tiêu trừ nghiệp chướng, làm thế nào nhập cảnh giới Phật. Then chốt vẫn ở câu ‘thâm giải nghĩa thú’ này. Cho nên chư Phật, Bồ Tát xuất hiện trong thế gian, sự nghiệp của họ là làm việc này cho hết thảy chúng sanh. Thế Tôn làm tấm gương tốt nhất cho chúng ta, ngài giảng kinh thuyết pháp mỗi ngày trong suốt bốn mươi chín năm, giúp cho đại chúng thâm giải ý thú.  Ðến đời sau này mới có người xuất gia bỏ việc giảng kinh để hướng dẫn đại chúng huân tu, đây cũng là biểu hiện đại từ bi. Họ có thể giảng không? Họ có thể giảng chứ chẳng phải không. Tại sao họ bỏ việc giảng kinh để hướng dẫn đại chúng tu hành? Mục đích cũng giống vậy, là giúp đại chúng mau chóng thành tựu ngay trong đời này, đạo lý là như vậy.  Ngày nay phải coi trọng cả hai việc này thì mới có hiệu quả, nếu chỉ dựa vào việc giảng kinh, không đề xướng tu hành, người ta chỉ có văn huệ, chỉ có giải ngộ. Giải ngộ không thể liễu sanh tử, chẳng thể thoát ra khỏi Tam Giới; cho dù tu phước, phước đó cũng là phước báo nhân thiên, hoặc là phước báo hữu lậu trong lục đạo. Chỉ có thể cứu nỗi khổ nhất thời, chẳng thể giải thoát, do đó nhất định phải đề xướng Hành Môn. Có Giải có Hành, Giải và Hành cùng quan trọng, tu học cả Định lẫn Huệ thì chúng sanh đời Mạt pháp mới có hiệu quả. Nếu không, chỉ có Hành không có Giải, công phu tu hành lâu nếu không đạt được hiệu quả thì họ sẽ khởi tâm ngờ vực, nghi hoặc, họ sẽ thoái chuyển vì họ không hiểu nghĩa lý. Trong đạo tràng hiện nay, Giảng Đường phải kết hợp với Niệm Phật Đường thì mới tốt. Đây là điều chúng tôi đề xướng, chúng ta tận tâm tận lực đẩy mạnh, hết lòng mà làm, chúng ta nhất định sẽ đạt được quả báo như trong kinh đã nói. Xem tiếp đoạn chót:

 

Thị nhân nhược thị nghiệp báo mạng tận, ứng hữu nhất thiết tội chướng nghiệp chướng, hiệp đọa ác thú giả, thừa tư công đức mạng chung chi hậu, tức sanh nhân thiên thọ thắng diệu lạc, nhất thiết tội chướng tất giai tiêu diệt.

是人若是業報命盡。應有一切罪障業障。合墮惡趣者。承斯功德命終之後。即生人天受勝妙樂。一切罪障悉皆銷滅

Còn nếu người đó nghiệp báo sanh mạng đã hết, đáng phải chịu tất cả tội chướng, nghiệp chướng, và đọa vào đường ác, song nhờ công đức này nên sau khi mạng chung liền được sanh vào cõi trời, cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu, tất cả tội chướng đều được tiêu trừ.

Cho nên y giáo phụng hành có hai loại quả báo khác nhau, một là lúc thọ mạng chưa hết có thể tiêu trừ nghiệp chướng, kéo dài phước thọ.  Còn thứ nhì là lúc nghiệp báo hết rồi, những tội nghiệp mà người đó đã tạo trong đời này nhất định đọa ba đường ác. Trước lúc lâm chung nếu nghe danh hiệu Phật, Bồ Tát, thấy hình tượng Phật, Bồ Tát, họ có thể sanh tâm sám hối chân thật. Chiêm lễ, phía trước đã nói rồi, trong lúc chiêm lễ sanh tâm hối hận, sanh tâm sám hối, thật sự phát tâm sửa lỗi. Nếu không thể sanh tâm sám hối thì hiệu quả của sự chiêm lễ rất yếu ớt.  Vẫn phải đọa ba đường ác, trong A Lại Da Thức được trồng một hạt giống thiện mà thôi chứ chẳng thể khởi tác dụng. Nếu lúc chiêm lễ sanh tâm hối hận, sám hối thì họ có thể chuyển nghiệp ngay lúc đó, hạt giống đó lập tức nẩy mầm, họ liền có thể thoát lìa nỗi khổ trong ba đường ác, chắc chắn được quả báo nhân thiên. Làm sao biết là họ sanh cõi trời hay cõi người? Dựa trên sức mạnh của một niệm sám hối này, nếu thành tâm khẩn thiết sám hối thì sức mạnh đó rất lớn, sức mạnh ấy có thể chuyển quả báo sanh ba đường ác trở thành sanh cõi trời. Nếu có tâm xấu hổ, sám hối nhưng không mạnh mẻ thì họ sẽ sanh cõi người. Quả báo thọ sanh đến hai cõi trời và người khác nhau rất lớn, quả báo này đều chuyển biến từ một tâm niệm. Nếu lúc lâm chung có thể nghe được pháp môn Tịnh Độ, nhất tâm khẩn thiết nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ, phước báo ấy vô cùng thù thắng. Do đó mười phương hết thảy chư Phật tán thán, hết thảy chư Phật, Bồ Tát tuyên dương pháp môn Tịnh Độ, khuyến khích hết thảy chúng sanh phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, việc này có đạo lý của nó, chỉ có pháp môn này mới có thể làm cho hết thảy chúng sanh được giải thoát rốt ráo. Nhưng then chốt vẫn ở tại câu ‘nếu không thể khắc phục phiền não tập khí của mình thì chỉ có thể kết pháp duyên với Tịnh Độ mà thôi’, đời này vẫn không thể thành tựu. Những người vãng sanh Tịnh Độ, kinh A Di Đà nói rất rõ ràng ‘chẳng thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên được sanh cõi ấy’, do đó có thể biết phải có nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên mới có thể trong đời này được vãng sanh.

          Người như thế nào mới là người nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên? Điều kiện thứ nhất là được thân người, thứ hai là nghe Phật pháp, được nghe tới kinh luận Tịnh Độ, những điều này chứng minh người đó có nhiều thiện căn. Nhiều phước đức là như thế nào? Tiếp xúc Tịnh Độ, nghe tới pháp môn này liền sanh tâm hoan hỷ, có thể tin có thể phát nguyện, có thể y giáo phụng hành, đó là nhiều phước đức. Chúng ta nghe xong, nghe xong không thể tin, tin xong không thể hiểu rõ, hiểu rõ rồi nhưng không chịu làm theo, không chịu thật sự tu hành, tu hành không thể khắc phục phiền não tập khí của mình, đó là thiếu phước đức. Tuy có thiện căn, bạn có duyên đã gặp được, nhưng phước báo của bạn rất mỏng, vẫn cứ thiếu một chút, thì đời này không thể vãng sanh, phải đợi đến đời tương lai. Đời tương lai không phải là đời sau [kế tiếp đời hiện tại], không hẳn vậy. Cơ hội kế tiếp có thể phải đợi vô lượng kiếp sau, như vậy bạn mới biết chuyện này phiền phức. Cho nên gặp được cơ hội này, người thông minh lập tức nắm chắc trong đời này, chứ không đợi tới lần sau; lần sau không biết phải đợi tới bao giờ mới gặp lại, tuyệt đối không phải là đời kế tiếp, đời thứ nhì, thứ ba, không phải vậy, lần sau có thể sẽ là bao nhiêu kiếp, bao nhiêu vạn ức năm bạn mới gặp được, chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật này.

Trong đời hiện tại, làm thế nào để nắm chắc cơ hội [vãng sanh]?  Chẳng có gì khác ngoài việc buông xuống, thật sự phải buông xuống được. Nếu không buông nổi thì làm sao? Đại sư Ấn Quang dạy cho chúng ta một phương pháp rất hay, Ngài dạy chúng ta dán một chữ Tử (chết) ở trên trán, niệm niệm đều nghĩ mình sắp chết, chết thì bạn có thể mang theo được không?  Bạn còn chuyện gì không buông xuống được?  Bạn hãy coi những người đã chết, có vật gì họ có thể mang theo được không? Do đó Tổ Ấn Quang dạy người ta thường nghĩ tới việc ‘chết’, cứ nghĩ tôi gần chết rồi, phương pháp này hay vô cùng!  Lão nhân gia làm một tấm gương cho chúng ta, trong phòng niệm Phật nhỏ của Ngài, trong phòng nghỉ của Ngài chỉ thờ một tượng A Di Đà Phật, phía sau tượng Phật viết một chữ Chết, giờ phút nào cũng nhắc nhở chính mình đối với danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian chẳng tiêm nhiễm mảy may, triệt để buông xuống, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, [nếu làm được vậy thì] chắc chắn được sanh! Tại sao người thế gian niệm Phật không thể vãng sanh? Vì không buông xuống, vẫn cứ lưu luyến [sự việc thế gian].

          Chữ ‘buông xuống’ ở đây, quý bạn cũng đừng hiểu lầm, không phải là dạy bạn hết thảy đều buông xuống trên mặt Sự, đều không làm nữa, chỉ nhất tâm niệm Phật trong Niệm Phật Đường, nếu [muốn làm được như] vậy thì cũng phải có phước báo to lớn. Ngày nay chúng ta xuất gia, ngạn ngữ thường nói ‘làm hòa thượng một ngày, đánh chuông một ngày’, đây là nói rõ bổn phận của chính mình, chúng ta sống một ngày thì làm việc một ngày, tuy làm nhưng tuyệt đối không chấp trước, đó chính là buông xuống. Tuyệt đối không lưu luyến, giữ tâm thanh tịnh, điều này rất quan trọng, chẳng nhiễm trước mảy may. Những việc hôm nay tôi nên làm, tôi đều đã làm xong, ngày mai làm nữa không? Đừng nghĩ tới nó, niệm niệm nghĩ A Di Đà Phật tới tiếp dẫn, niệm niệm mong muốn vãng sanh Cực Lạc thế giới, như vậy mới đúng. Ngày mai còn chưa vãng sanh, ngày mai làm thêm một ngày, chúng ta cũng đừng mong cầu đức Phật A Di Đà mau mau tới tiếp dẫn chúng ta, hết thảy đều tùy duyên, tùy thuận tự nhiên, hết thảy đều để cho đức Phật sắp đặt. Phật A Di Đà còn chưa tới, nghĩa là chúng ta phải làm thêm vài ngày nữa, chúng ta hãy sốt sắng, nỗ lực mà làm, niệm niệm đều tương ứng với A Di Đà Phật. Thọ mạng chưa hết thì hãy giúp thêm một số người, tận tâm tận lực giới thiệu pháp môn này cho đại chúng, hướng dẫn cho đại chúng, ngày nay việc chúng ta làm là việc này, ngoài việc này ra, hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng liên can gì với mình, như vậy mới được. Cách này tức là ‘thường dán chữ Tử (chết) trên trán mình’, chẳng phải nói dán chữ Tử trên trán thì chuyện gì cũng không làm, vậy thì hoàn toàn hiểu lầm ý của tổ sư. Dán chữ Tử này trên trán nghĩa là vạn duyên buông xuống, buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, niệm niệm đều vì chúng sanh, niệm niệm vì Phật pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, chúng ta dốc hết tâm lực để làm. Xin xem đoạn kinh kế tiếp, đây là đoạn thứ ba, ‘thị tiên vong thế giới’, đây cũng là cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn.

 

Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai thế hữu nam tử nữ nhân, hoặc nhũ bộ thời, hoặc tam tuế, ngũ tuế, thập tuế dĩ hạ, vong thất phụ mẫu nãi chí vong thất huynh đệ tỷ muội, thị nhân niên ký trưởng đại, tư ức phụ mẫu cập chư quyến thuộc, bất tri lạc tại hà xứ, sanh hà thế giới, sanh hà thiên trung.

復次觀世音菩薩。若未來世有男子女人。或乳哺時。或三歲。五歲。十歲已下。亡失父母乃及亡失兄弟姊妹。是人年既長大。思憶父母及諸眷屬。不知落在何趣。生何世界。生何天中。

Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có kẻ nam người nữ nào, hoặc lúc còn bú mớm, hoặc lúc lên ba tuổi, năm tuổi, mười tuổi trở xuống mà chết mất cha mẹ, cho đến chết mất anh em chị em, người đó khi khôn lớn thường nhớ tưởng đến cha mẹ cùng hàng quyến thuộc, song không rõ họ lạc vào chốn nào, sanh về thế giới nào, hoặc sanh trong cõi trời nào.

          Những việc này trong thế gian đều có, lúc trước thường có, hiện nay ít rồi. Người hiện nay còn có thể nghĩ tới cha mẹ, anh em chị em thật sự là chẳng nhiều, đây là vì nhân tâm và thân tình ngày càng bạc bẽo, đạo nghĩa ngày càng sa sút. Ngược lại thì hiện nay phiền não ngày càng nặng nề, tạo ác ngày càng nghiêm trọng, chỉ lo tự lợi chẳng màng kẻ khác, thậm chí không chăm sóc cho người nhà, thân quyến. Cư sĩ Lý thường nói với tôi rằng có một số người khi cha mẹ già rồi liền cho cha mẹ vô viện dưỡng lão, tháng đầu còn gởi một số tiền, viện dưỡng lão thâu nhận nuôi dưỡng người già, thí dụ lệ phí nuôi người già mỗi tháng là năm trăm đồng, tháng đầu tiên thì họ còn gởi tiền trả lệ phí. Tới tháng thứ nhì thì đợi thật lâu mới gởi tiền tới, tới tháng thứ ba thì thôi không gởi nữa, sau đó đi mất biệt, không tới nữa, chẳng tới thăm cha mẹ nữa.  Nói thật ra người như vậy hiện nay rất nhiều, ngay cả súc sanh cũng không bằng, súc sanh còn biết nuôi cha mẹ, bạn nghĩ coi thế gian này có bi thảm hay không, người già đáng thương biết mấy! Người già chẳng có khả năng làm việc, sức lực suy yếu, để dành được chút ít tiền cũng bị con cái tìm đủ mọi cách để cướp giựt, tới già có nhiều người phải nhờ chính phủ trợ giúp, có người phải nhờ xã hội cứu trợ, bi thảm biết mấy!  Đây là chuyện mà nơi đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể thấy được.

Những người già chẳng có ai nuôi dưỡng phải nương nhờ vào sự cứu trợ của những người có lòng từ trong xã hội. Những cơ quan làm việc từ thiện xã hội này có thật mà cũng có giả nữa. Thật thì đương nhiên là việc tích lũy công đức, quả báo thù thắng. Nhưng cũng có giả, giả là vì họ mượn danh nghĩa làm việc từ thiện xã hội để mong cầu danh lợi cho mình, dùng danh nghĩa làm việc từ thiện rồi đi khắp nơi quyên tiền, phân nửa tiền quyên được họ bỏ vô túi để tự hưởng thọ, còn phân nửa còn lại mới dùng để chăm sóc cho người già. Người xưa có một câu nói rất khó nghe ‘từ thiện gia, từ thiện khởi gia’ (người làm việc từ thiện, dùng việc từ thiện để xây dựng sự nghiệp của mình), câu sau là nói họ làm việc từ thiện, họ làm sao làm giàu? Nhờ đi quyên tiền, nhờ làm việc này mà xây dựng sự nghiệp. Trước mắt hiện giờ thì họ có chút hưởng thọ, quả báo sau này đều ở trong ba đường ác, vì họ không làm tròn trách nhiệm của người làm việc từ thiện. Thật sự làm việc từ thiện, cơ cấu làm việc từ thiện này rất lớn, chăm sóc cho người già phải dùng nhiều nhân công, chắc chắn phải có phí tổn cần thiết, trừ những phí tổn nhất định cần thiết này ra, những tài khoản còn lại đều phải dùng để cúng dường cho người già, như vậy mới đúng.

Chúng tôi có tham quan một làng của những người về hưu ở Úc Châu, làng này do tư nhân kinh doanh, chuyên môn chăm sóc người già, có thâu lệ phí. Chúng tôi đi quan sát, tìm hiểu, lệ phí của họ rất hợp lý, trong lệ phí đó gồm có lệ phí phục vụ, lệ phí phục vụ là gì? Là tiền trả lương cho những người làm công ở đó. Thâu bao nhiêu? Năm phần trăm.  Người già cư trú ở đó phải đóng lệ phí, mỗi tuần một trăm bảy mươi đồng là lệ phí sinh hoạt của họ, bao gồm tiền quét dọn và những lệ phí khác, tổng cộng là một trăm bảy mươi đồng. Dùng năm phần trăm của một trăm bảy mươi đồng để trả lương cho những người làm công, như vậy rất hợp lý. Cho nên tôi rất kính trọng họ, việc họ làm thật sự là sự nghiệp từ thiện. Họ chỉ nhận lấy một phần lương bổng rất thấp, chỉ tạm đủ sống, cống hiến tinh thần, khả năng của mình cho làng của người về hưu này, dốc hết tâm lực để chăm sóc cho những người già về hưu này;  không thể nói chỉ chăm sóc cho người ta rồi mình không đủ tiền sinh sống, như vậy cũng không được, họ cũng phải lo cho đời sống của họ, cho nên họ cũng nhận tiền công một cách hợp lý, vậy là đúng như pháp.  Những sự nghiệp từ thiện theo phương thức như vậy rất đáng cho chúng ta khen ngợi, đáng cho chúng ta giới thiệu và khuếch trương. Nếu không phải là cơ quan từ thiện chăm sóc cho người già, mà [dùng chiêu bài của cơ quan từ thiện] để quyên tiền thì làm vậy là tạo tội nghiệp.

Xã hội ngày nay vô cùng phức tạp, trong đó chư Phật, Bồ Tát đem lại lợi ích cho chúng sanh, cũng có yêu ma quỷ quái mượn danh nghĩa từ thiện để tìm cầu danh lợi cho mình, gây tổn hại cho chúng sanh. Chúng ta phải nhận biết rõ ràng, phải có khả năng phân biệt, do đó thế gian hiện nay vô cùng bi thảm đáng thương. Cũng còn người có đạo nghĩa, tâm địa vẫn còn đôn hậu chứ không phải chẳng có, nhưng càng ngày càng ít.  Những người biết tri ân báo ân, kinh này nói tới những người này.

Trong kinh đặc biệt nói ‘đời vị lai’, chẳng nói hiện tại mà nói đời vị lai. ‘Có người nam, người nữ, hoặc lúc bú mớm’, lúc đó là lúc nhỏ xíu, lúc còn bú đã bất hạnh sanh ra đúng lúc cha, mẹ, hoặc anh em qua đời. Hoặc lúc ‘ba tuổi, năm tuổi, mười tuổi trở xuống’, lúc đó người thân đã qua đời, lớn lên nhớ không rõ, trí nhớ rất mơ hồ. Hiện nay rất thuận tiện, hiện nay có thể chụp hình, hình màu, lại có thể thâu hình, cho nên tuy lúc còn nhỏ cha mẹ qua đời, nếu người nhà giữ được những hình ảnh, những cuộn phim này, lúc lớn lên họ vẫn có thể nhìn thấy hình dáng người đã khuất. Nếu có thể thâu âm, âm thanh và hình dáng đều có thể thâu lại thì tiện lợi hơn đời xưa quá nhiều. Khi coi tới những đoạn kinh này, chúng ta phải biết, những băng thâu hình, thâu âm đời sống gia đình, đặc biệt là sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái lúc còn nhỏ, [những việc này] rất tốt!  Đợi tới lúc người đó lớn lên quên mất hình dáng của cha mẹ, đem ra chiếu cho họ coi và nói: ‘Hồi nhỏ cha mẹ họ đã chăm sóc họ như thế nào’, nhắc họ biết hiếu đạo, ngày nay họ phải dùng thái độ như thế nào để đối xử với cha mẹ?

Chúng ta đọc kinh phải hiểu đạo lý và cách làm này. Kinh Địa Tạng dạy họ cách suy tư, suy nghĩ thì sẽ biết tình trạng của người nhà, thân quyến sau khi mất, họ phải có trí huệ, suy nghĩ nhiều rồi cũng có thể hiểu được. Hành trì cả đời của cha mẹ lúc còn sống, thiện nhân chắc chắn sẽ cảm thiện quả, ác nhân chắc chắn sẽ được ác báo, nhân quả báo ứng tơ hào chẳng sai. Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển vô cùng thuận tiện, mỗi gia đình đều có thể thu hình cuộc sống của mình. Ngày xưa chẳng có những công cụ khoa học này, người tới tuổi già thường tưởng nhớ tới cha mẹ mình, tưởng nhớ tới người nhà thân quyến, chẳng biết họ sanh tới cõi nào, ở thế giới nào? Sanh tới cõi trời nào? Người có ý tưởng như vậy đa số đều là người học Phật, đều là những tín đồ có tín ngưỡng tôn giáo nhiệt thành, thì họ mới nghĩ tưởng như vậy. Người chẳng tin tôn giáo sẽ chẳng nghĩ tới việc người nhà thân quyến thác sanh tới cõi nào? Sanh cõi trời nào? Họ sẽ chẳng nghĩ tới việc này. Chỉ có người có tín ngưỡng tôn giáo mới nghĩ như vậy. Ở ngoại quốc những người có tín ngưỡng tôn giáo đều coi trọng, lúc trước tôi đã cư trú ở Mỹ rất lâu, bậc tiểu học ở Mỹ đã coi trọng tín ngưỡng tôn giáo rồi, thầy giáo khuyên học trò lựa chọn một tôn giáo; nếu học trò không có tín ngưỡng tôn giáo thì thầy sẽ cho rằng học trò là học sinh có vấn đề. Nếu học trò có tín ngưỡng tôn giáo, bất luận là tín ngưỡng tôn giáo nào, thầy giáo đều rất vui vẻ, tôn trọng, ái hộ, giúp đỡ học trò. Người ngoại quốc vô cùng coi trọng tín ngưỡng [vì] tôn giáo có thể duy trì phẩm đức của con người, họ có thể kính thầy, đọc kinh thì tư tưởng hành vi tự nhiên sẽ dè dặt, không dám làm chuyện bậy bạ, họ coi đó là giáo dục đạo đức.  Ngược lại người đông phương thời nay lại sơ sót trong việc này. Chúng ta đọc đoạn kinh tiếp theo:

 

          Thị nhân nhược năng tố họa Địa Tạng Bồ Tát hình tượng, nãi chí văn danh, nhất chiêm nhất lễ, nhất nhật chí thất nhật mạc thoái sơ tâm, văn danh kiến hình chiêm lễ cúng dường.

是人若能塑畫地藏菩薩形像。乃至聞名。一瞻一禮。一日至七日莫退初心。聞名見形瞻禮供養。

Nếu người đó có thể đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, thậm chí nghe danh hiệu, một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, từ một ngày cho đến bảy ngày đừng thoái thất tâm nguyện ban đầu mà nghe danh hiệu, ngắm hình tượng, chiêm lễ, cúng dường.

          Đây là phương pháp đức Thế Tôn dạy chúng ta tu hành, bạn muốn biết sau khi mất người nhà thân quyến sanh tới cõi nào, thế giới nào, [dùng phương pháp này] có thể thỏa mãn nguyện vọng của bạn, Phật dạy bạn phương pháp tu hành. Câu quan trọng trong phương pháp này tức là ‘đừng thoái thất tâm ban đầu’, bốn chữ ‘mạc thoái sơ tâm’. Phương pháp tu hành có mấy loại, ‘đắp vẽ hình tượng Địa Tạng Bồ Tát’ là một loại, ‘nghe danh chiêm lễ’ là loại thứ nhì; nói cách khác pháp môn rất nhiều, chỉ nêu ra một hai mà thôi. Quan trọng nhất là ‘một ngày tới bảy ngày, đừng thoái tâm ban đầu, nghe danh thấy hình tượng, chiêm lễ cúng dường’, lập lại thêm lần nữa. Việc này trong sách xưa của Trung Quốc có ghi chép rất nhiều, người Trung Quốc coi trọng hiếu đạo, đề xướng giáo dục hiếu kính, do đó căn bản giáo dục Trung Quốc chính là dạy hiếu, dạy kính. Tư tưởng của nền giáo học này từ xưa tới cuối đời nhà Thanh chẳng hề thay đổi, có thể nói tông chỉ của nền giáo dục ở Trung Quốc là hiếu kính. Hiếu Kính được thực hiện trong việc cúng tế, cho nên trong đời sống của dân chúng đời xưa, cúng tế là một vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống.

Chúng ta đọc Cổ Lễ, trong đó quan trọng nhất, trong sáu lễ, thứ nhất là Tế Lễ, Tế Lễ cũng gọi là Cát Lễ, chữ Cát ở đây là chữ Cát trong từ ngữ “cát tường” (tốt lành), Cát Lễ tức là Tế Lễ, cúng tế. Đối tượng cúng tế của người Trung Quốc là cúng tổ tiên, kinh điển nhà Phật gọi là quỷ thần, quỷ thần là tổ tiên, chẳng phải là ai khác, là tế tổ tiên. Nếu không phải là tổ tiên của mình mà bạn cúng tế thì là nịnh hót, nịnh nọt, chẳng liên can gì tới bạn thì bạn nịnh hót họ làm gì? Cúng tế tổ tiên là việc đáng làm, là việc đương nhiên. Cúng tế quan trọng nhất là ‘cúng thần như thần hiện diện ở đó’, là ý nghĩa nói trong đoạn này. Người chủ trì việc cúng tế gọi là ‘tế công’, tức là người trai giới tế lễ, chủ trì việc cúng tế. Chữ trai nghĩa là gì? Trai giới. Ba ngày trước khi cúng tế, người chủ trì phải trai giới. Trai nghĩa là gì? Trai nghĩa là tu tâm thanh tịnh, dùng cách nói hiện nay của chúng ta, người chủ lễ phải bế quan ba ngày, trịnh trọng như vậy. Ba ngày này không tiếp khách, buông bỏ hết thảy sự việc. Ba ngày này ở trong một căn phòng nhỏ, ăn uống có người trông nom, cung cấp, cũng giống như bế quan vậy. Trong ba ngày này họ làm gì? Suy nghĩ, vì người đó cúng tế cha mẹ tổ tiên của mình, người đó nghĩ về đời sống của cha mẹ tổ tiên lúc còn sanh tiền, nhà Phật chúng ta gọi là quán tưởng, phải nghĩ tưởng để mời họ đến, được vậy thì tế lễ mới có cảm ứng. Trong ba ngày ba đêm tưởng nhớ tới âm thanh, dung mạo, nhất cử nhất động của tổ tiên lúc còn sống, đó gọi là tưởng nhớ. Do đó lúc cúng tế phảng phất nghe đến âm thanh, phảng phất nhìn thấy hình tướng thì buổi tế lễ đó mới có hiệu quả. Đâu giống như tế lễ bây giờ, đều dùng tâm loạn xạ, ngay cả khái niệm căn bản cũng không có, chỉ tới đó cúi xuống vái một hai lần cho có rồi thôi, chẳng có một chút thành ý gì hết, hoàn toàn chỉ làm lấy có thì làm sao có cảm ứng!

          Phật pháp còn coi trọng việc tế lễ này hơn người Trung Quốc, bảy ngày bảy đêm, một ngày tới bảy ngày, người Trung Quốc chỉ tế lễ ba ngày, còn Phật pháp nói bảy ngày. Do đó ‘đừng thoái tâm ban đầu, nghe danh thấy hình, chiêm lễ cúng dường’, cúng dường là tịnh tâm cúng dường, chẳng đặt nặng ở những phẩm vật, tâm cung kính tức là cúng dường. Dùng cách bình thường của chúng ta mà nói, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi là cúng dường. Do đó có thể biết, cúng dường chẳng phải là cúng những phẩm vật này, chẳng đặt nặng ở chỗ này, hình thức không quan trọng. Trên hình thức thì tận tâm tận lực làm, chẳng cần phải cầu kỳ, chẳng quá đáng, chỉ tùy phần tùy sức, tượng trưng cho tâm tôn kính, ý chân thành của chúng ta. Thật ra nếu hoàn cảnh gia đình rất thanh bần, rất nghèo túng thì cúng một ly nước là đủ rồi, tâm thành kính của chúng ta cũng có thể biểu đạt được. Nếu nhất định phải làm cho đẹp đẽ, làm ra vẻ long trọng, đi muợn tiền để mua những phẩm vật ấy thì sai rồi, tổ tiên của bạn nhất định chẳng hy vọng bạn mắc nợ, nếu chúng ta mắc nợ để cúng dường thì là chẳng cung kính, đó là đại bất kính. Tại sao vậy? Cha mẹ, tổ tiên của bạn thấy vậy sẽ lo lắng, bạn mắc nợ như vậy thì tương lai làm sao trả đây? Không mắc nợ thì khỏe khoắn, tùy khả năng của mình mà cúng dường, viên mãn rốt ráo, chúng ta phải hiểu đạo lý này, đặc biệt trong Phật pháp rất chú trọng vấn đề này. Trong hết thảy sự cúng dường, pháp cúng dường là tốt nhất, trong pháp cúng dường thì y giáo tu hành cúng dường là quý nhất, nghĩ tới lời dạy của cha mẹ tổ tiên là gì? Chúng ta có làm được chưa? Chúng ta học Phật, lời dạy của Phật, Bồ Tát chúng ta có hiểu không, có ghi nhớ không, có làm theo hay không? Đó mới là cúng dường thật sự.

‘Văn danh kiến hình’ đều là nhắc nhở, nghe đến danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, nghĩ tới những lời dạy trong kinh này, không phải chỉ nói danh hiệu này mà thôi, trong danh hiệu còn có ý nghĩa, trong ý nghĩa có Lý có Hạnh, đây chính là điều Phật pháp Đại Thừa thường nói ‘một tức là hết thảy’ (nhất tức nhất thiết), một danh hiệu có thể bao gồm hết thảy Phật pháp vào trong đó. Không chỉ là Đại Phương Quảng, danh hiệu A Di Đà Phật bao gồm hết thảy mà danh hiệu của bất cứ một vị Phật, Bồ Tát nào cũng bao gồm hết thảy, cho nên ‘nhất’ chẳng phải là ‘một’ nhất định nào, ‘nhất’ là bất cứ ‘nhất’ nào. Không những là Phật pháp, thế pháp cũng không ngoại lệ, có pháp nào không bao dung hết thảy pháp?  Pháp pháp đều viên dung, như vậy mới nói tới chỗ chân thật, chỗ cứu cánh. Như vậy chúng ta mới biết như thế nào là tu kính. Ngày nay Niệm Phật Đường chúng ta chính là tu pháp môn này. Quan trọng nhất là không thoái thất tâm ban đầu, tâm ban đầu rất quý, người xưa thường nói ‘sơ phát tâm, thành Phật còn có dư’, nhưng tại sao nhiều người đều không thành công? Vì họ chẳng giữ nổi tâm ban đầu, tâm ban đầu là chân tâm, lâu rồi thì họ sẽ mệt mỏi, sẽ giải đãi, sẽ chán ghét, tâm [ban đầu ấy sẽ] thay đổi. Dù có tu đều là trên hình thức, cái tâm chân thành đó chẳng còn nữa, nên chẳng đạt được hiệu quả. Cúng dường ở đây chúng ta phải hiểu là ‘cúng dường bằng cách tu hành y như lời dạy’. Xin xem tiếp đoạn sau, đoạn sau nói về quả báo:

         

          Thị nhân quyến thuộc, giả nhân nghiệp cố đọa ác thú giả, kế đương kiếp số.

是人眷屬。假因業故墮惡趣者。計當劫數。

          Thì quyến thuộc của người đó nếu do ác nghiệp mà bị đọa vào đường ác lẽ ra phải chịu đến nhiều số kiếp.

          ‘Thị nhân’ tức là người đã khuất, ‘giả nhân nghiệp cố’, ‘nghiệp’ là nghiệp báo mà họ đã tạo trong đời quá khứ, họ đã tạo ác nghiệp. Tạo ác nghiệp thì nhất định sẽ đọa cõi ác, chữ ‘ác thú’ là ba đường ác, thời gian đọa ác thú rất dài.

 

Thừa tư nam nữ huynh đệ tỷ muội, tố họa Địa Tạng hình tượng chiêm lễ công đức, tầm tức giải thoát.

承斯男女兄弟姊妹。塑畫地藏形像。瞻禮功德。尋即解脫。

Nay nhờ công đức đắp vẽ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng và chiêm lễ của con cái, anh em chị em, nên liền được giải thoát.

          Người nhà quyến thuộc của họ thường thường nghĩ nhớ họ, thường có thể y giáo phụng hành, hồi hướng công đức này cho họ thì họ sẽ được lợi ích, có thể nhờ đó mà thoát ra khỏi tam ác đạo. Kinh này cũng nói lúc bình thường chúng ta, đặc biệt là người học Phật, mộng thấy người nhà, mộng thấy cha mẹ hoặc thân quyến đã mất, họ tới tìm mình để làm gì? Họ nhờ bạn giúp đỡ. Sau khi bạn tỉnh dậy, tốt nhất là bạn tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ, lý do họ tới là như vậy. Người thế gian, người không học Phật, nằm mộng thấy như vậy thì làm sao? Đốt giấy tiền vàng bạc cho người mất, vì họ cần giúp đỡ. Hơn phân nửa những người đã khuất mà bạn mộng thấy đều ở cõi ngạ quỷ, nếu ở cõi súc sanh và cõi người thì họ sẽ không tìm bạn, chúng sanh ở cõi địa ngục không có khả năng thoát ra khỏi địa ngục, do đó hơn phân nửa những người đến tìm bạn đều ở cõi ngạ quỷ.

          Lúc tôi vừa học Phật, tôi có một người bạn làm chung sở, cả nhà họ đều tin Cơ Đốc Giáo. Vợ của ông này chết đi, người hàng xóm cũng là người làm chung sở và là một người học Phật, họ thường tiếp xúc nên chúng tôi rất thân. Vợ người bạn học Phật này nằm mộng liên tiếp ba lần trong một tuần, mộng thấy vợ người bạn tin Cơ Đốc Giáo đến xin tiền.  Vì trong mộng bà ấy cũng quên là người kia đã khuất nên bà nói: ‘Nếu cần tiền, chị nên xin chồng chị chứ sao lại xin tôi’. Bà kia nói ‘Chồng tôi không có tiền, xin chị giúp đỡ’. Bà này kể chuyện nằm mộng cho tôi nghe, tôi nói: ‘Họ tin Cơ Đốc Giáo nên không đốt giấy tiền vàng bạc, nên bà ấy không có tiền. Bà ấy đến tìm bà đề làm gì? Là để xin tiền, bà hãy đốt chút giấy tiền cho bà ấy’. Sau khi đốt giấy tiền vàng bạc cho bà ấy thì chẳng nằm mộng thấy bà ấy lại nữa. Đây đều là chân tướng sự thật, do đó ở cõi ngạ quỷ, đốt giấy tiền vàng bạc cũng khá hữu dụng.

          Chúng ta học Phật nên biết tốt nhất là tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ, làm vậy rất có hiệu quả. Thí dụ nếu nằm mộng thấy họ thì bạn hãy tụng một cuốn kinh Địa Tạng, hoặc niệm ba cuốn, hoặc niệm một vạn danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát hồi hướng cho họ, định số để hồi hướng cho họ. Họ đến tìm bạn, bạn giúp như vậy đích thật có thể giúp họ thoát khổ. Bạn tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ, họ được lợi ích bao nhiêu thì phải coi bạn tụng niệm có thành tâm hay không, tâm bạn càng kiền thành, càng thanh tịnh thì phước họ được càng lớn. Nếu bạn tụng kinh, niệm Phật có xen tạp, dùng tâm tạp loạn mà niệm thì họ sẽ được lợi ích rất nhỏ. Do đó càng cung kính, càng thành tâm thì phước càng lớn, phước mình tu được cũng lớn, trong kinh nói chúng ta được sáu phần bảy, họ được một phần bảy.

Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây.

[1] Mã Tổ mà dân gian thờ phụng chính là Thiên Hậu, còn gọi là Thiên Phi, hay Thiên Hậu Nguyên Quân. Do bà được dân Phước Kiến, Mân Nam, Quảng Đông thờ phụng như một vị thánh mẫu bảo hộ dân chài nên được xưng tụng là Ma Tổ 媽祖, dần dần danh hiệu này bị người Việt đọc trại thành Mã Tổ.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.