Pháp sư

[TẬP 43]: Thiện Tài Tu Pháp Môn Nào?


 Chư vị đồng học!

      Xin xem tiếp tiết thứ hai của đoạn thứ hai “nhất sanh thành Phật” (thành Phật trong một đời) [trong sách Yếu Giải]:

      “Kinh vân: Di Đà Niết Bàn, Quán Âm tức bổ Phật vị, hiệu Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, quốc danh Chúng Bảo Phổ Tập Trang Nghiêm, kỳ Phật diệt hậu, Đại Thế Chí Bồ Tát tức bổ Phật vị, hiệu Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai” (Kinh dạy: Đức Phật Di Đà nhập Niết Bàn, ngài Quán Âm liền kế tục thành Phật, hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, cõi nước tên Chúng Bảo Phổ Tập Trang Nghiêm. Sau khi đức Phật ấy diệt độ, Đại Thế Chí Bồ Tát liền kế tục làm Phật, hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai). Đoạn kinh này thuyết minh Tây Phương Cực Lạc thế giới quả thật thù thắng khôn sánh, không giống với các cõi Phật phương khác. Thông thường, các cõi Phật khác sau khi Phật diệt độ nói chung sẽ có một khoảng thời gian [không có Phật], thời gian ấy dài hay ngắn không giống nhau. Nói chung, sẽ giống như trong thế giới Sa Bà của chúng ta, sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, Bổ Xứ Bồ Tát nay đang ở trên trời Đâu Suất; thọ mạng trên cõi trời Đâu Suất hết rồi, Ngài mới đến thị hiện thành Phật trong thế gian này. Thọ mạng trong cõi trời Đâu Suất rất dài. Chúng ta biết một ngày trên trời Đâu Suất bằng bốn trăm năm trong nhân gian. Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta: Một ngày trên trời Đao Lợi bằng một trăm năm dưới trần, thọ mạng của Đao Lợi Thiên là một ngàn năm. Dạ Ma Thiên nhiều gấp bội: Một ngày trên Dạ Ma Thiên bằng hai trăm năm trong nhân gian; thọ mạng là hai ngàn năm. Trời Đâu Suất lại tăng gấp bội: Một ngày trên Đâu Suất bằng bốn trăm năm trong nhân gian; thọ mạng là bốn ngàn năm.

      Chư vị cứ tính ra là biết ngay: Một ngày bằng bốn trăm năm, mỗi năm lại có ba trăm sáu mươi lăm ngày mà [thọ mạng] lại có đến bốn ngàn năm lận; vì thế, trong kinh Di Lặc Hạ Sanh nói: Đại khái nếu tính theo năm tháng trong nhân gian thì thọ mạng cõi trời Đâu Suất là năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm. Sau năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, Di Lặc Bồ Tát mới từ cõi trời Đâu Suất giáng sanh thị hiện thành Phật trong nhân gian. Đâu Suất Thiên là Tri Túc Thiên, là nơi cư trụ của Bổ Xứ Bồ Tát. Vì vậy, nói thật ra, thời gian có Phật trong thế gian này của chúng ta rất ít, thời gian không có Phật rất dài. Quý vị thấy pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm, phải năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau, Di Lặc Bồ Tát mới giáng sanh; trong đêm tối dài dằng dặc ấy, chúng sanh đau khổ thay!

      Thế nhưng, Phật, Bồ Tát hết sức từ bi, sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, Di Lặc Phật chưa xuất sanh, trong khoảng thời gian đó làm thế nào đây? Chúng ta thấy trong kinh Địa Tạng, Thích Ca Mâu Ni Phật đã ủy thác Địa Tạng Bồ Tát thay Phật giáo hóa chúng sanh. Sứ mạng của Địa Tạng Bồ Tát rất lớn, trong một thời gian dài dằng dặc như vậy phải giúp đỡ chúng sanh khốn khổ, hoạn nạn. Chúng ta thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới khác xa thế giới của mình: A Di Đà Phật thị hiện nhập bát Niết Bàn, Quán Âm Bồ Tát lập tức thị hiện thành Phật. Quán Âm Bồ Tát thành Phật, thế giới ấy không gọi là Cực Lạc nữa, mà đổi thành thế giới Chúng Bảo Phổ Tập Trang Nghiêm. Quán Âm Bồ Tát có đức hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai. Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta tiên đoán sự kiện trong vô lượng kiếp sau. A Di Đà Phật vô lượng thọ, mà A Di Đà thành Phật đến nay mới chỉ mười kiếp; nói cách khác, Ngài mới thành Phật chưa lâu. Thế giới Cực Lạc hết sức thù thắng!

      Quán Âm Bồ Tát thị hiện thành Phật, hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai. Sau khi lão nhân gia nhập diệt, Đại Thế Chí Bồ Tát lại thị hiện thành Phật tiếp theo liền. Lúc đó, chẳng gọi là Đại Thế Chí Bồ Tát, mà gọi là Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai. Thật đấy! Công đức bảo vương của Bồ Tát thù thắng khôn sánh, quý vị thấy Ngài tu tập, tích lũy công đức trong vô lượng kiếp lần vô lượng kiếp, thị hiện gương sáng cho chúng ta thấy. Cớ sao chúng ta không thể tích cực đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức? Tuy Pháp Thân Bồ Tát đã chứng đắc tâm tánh đến mức cùng cực, Ngài vẫn vì hết thảy chúng sanh thị hiện tu đức, từ bi đến mức độ cùng cực; dạy dỗ chúng ta, làm gương cho chúng ta thấy. Nếu chúng ta không giác ngộ, chẳng thể lãnh hội, làm sao xứng đáng với Phật, Bồ Tát đã vì chúng ta thị hiện, diễn nói?

      Đoạn tiếp theo [trong sách Yếu Giải] là: “Phục thứ, Thích Ca nhất đại thời giáo” (Lại nữa, trong giáo pháp suốt một đời của đức Phật Thích Ca), ý nói Phật Thích Ca Mâu Ni bốn mươi chín năm giảng kinh thuyết pháp, “duy Hoa Nghiêm minh nhất sanh viên mãn, nhi nhất sanh viên mãn chi nhân, tắc mạt hậu Phổ Hiền Hạnh trung, thập đại nguyện vương, đạo quy Cực Lạc. Thả dĩ thử khuyến tấn Hoa Tạng hải chúng, tư chi, tư chi” (chỉ riêng mình kinh Hoa Nghiêm giảng rõ cái lẽ viên mãn trong một đời, nhưng đến cuối cùng cái nhân viên mãn trong một đời lại nằm ngay trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Lại còn dùng những điều đó để khuyên lơn, khích lệ đại chúng đông như biển trong thế giới Hoa Tạng. Hãy nghĩ đi, xét đi). Tôi đã từng nhiều lần thưa cùng các đồng học rồi, phải suy nghĩ kỹ càng, chúng ta không phải là thượng căn, không phải lợi căn, nói miễn cưỡng thì là căn tánh bậc trung. Nói thật ra, Phật, Bồ Tát gia trì thọ mạng cho tôi. Nếu tôi không có thọ mạng, có thể nói là cả một đời này tôi chẳng có thành tựu gì cả. Vì sao?

Khi xưa, tôi theo thầy Lý, thầy Lý đau lòng rát miệng khuyên tôi tu học pháp môn Tịnh Độ, thậm chí còn nói: “Anh thấy từ xưa đến nay không ít tổ sư đại đức, đức hạnh, đạo đức, học vấn của các Ngài, chúng ta thực sự không thể sánh bằng”. Đúng là như vậy! “Chúng ta không thể viết ra sách Yếu Giải như Ngẫu Ích đại sư, cũng không thể viết bộ Sớ Sao như Liên Trì đại sư. Họ là những bậc đại trí huệ, đại đức hạnh nhưng đều niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ”, thầy Lý nêu những thí dụ như vậy. “Nếu pháp môn này không đúng, các vị tổ sư đại đức, đại thiện tri thức nhiều ngần ấy đều đi lầm đường”, thầy Lý bảo:“Chúng ta cũng lầm một phen đâu có sao!” Nói những lời như vậy để khuyên tôi, tôi rất cảm kích, nhưng vẫn không chết sạch lòng mong ngóng, khiêm hư dốc lòng nơi pháp môn này. Tôi chết sạch lòng mong ngóng, khiêm hư dốc lòng học pháp môn này là vào năm Dân Quốc 60 (1971) khi giảng kinh Hoa Nghiêm tại Đài Bắc. Lúc ấy tôi cũng thường ra ngoại quốc, vì vậy giảng kinh Hoa Nghiêm ở Đài Bắc cứ gián đoạn hoài, tôi nhớ phải giảng gián đoạn như vậy chừng đâu mười mấy năm mà chỉ mới giảng được một nửa kinh, vẫn chưa giảng hoàn tất. Hàn Quán Trưởng vãng sanh rồi mà kinh Hoa Nghiêm vẫn còn giảng dang dở.

      Mỗi lần về lại Đài Loan, tôi lại tiếp tục giảng kinh Hoa Nghiêm. Có một ngày tôi đột nhiên nghĩ Thiện Tài đồng tử tu pháp môn nào? Do tôi giảng kinh Hoa Nghiêm ở Đài Loan là giảng đồng thời hai bản Bát Thập và Tứ Thập. Mỗi tuần giảng ba lần, hai lần giảng Bát Thập Hoa Nghiêm, một lần giảng Tứ Thập Hoa Nghiêm. Cả hai bản đều giảng nửa chừng rồi ngưng. Chú tâm tra cứu kinh, chú tâm xem đọc, thật là bất phàm! Thiện Tài đồng tử tu pháp môn Niệm Phật. Thầy của Thiện Tài đồng tử là Văn Thù Bồ Tát cũng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Ngài phát nguyện gần như hoàn toàn giống với Văn Thù Bồ Tát. Văn Thù và Phổ Hiền đều cầu sanh Tịnh Độ. Thiện Tài là học trò đắc ý của ngài Văn Thù. Nếu học trò đắc ý chẳng thể kế thừa nguyện vọng của thầy thì chẳng phải là đệ tử truyền pháp!

Lại xem kỹ: Thiện Tài đồng tử đi tham phỏng, gặp được vị [thiện tri thức] đầu tiên là tỳ-kheo Cát Tường Vân (bản Bát Thập Hoa Nghiêm ghi là Đức Vân, bản Tứ Thập dịch là Cát Tường Vân) dạy Ngài pháp môn Niệm Phật. Nay ta gọi phương thức mà bản thân tỳ-kheo Cát Tường Vân tu hành là Ban Châu tam-muội, niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ. Vị thiện tri thức đầu tiên mang ý nghĩa biểu pháp rất sâu, cổ nhân thường nói “tiên nhập vi chủ” (học pháp nào đầu tiên, pháp ấy là chủ). Pháp môn thứ nhất của Thiện Tài đồng tử là niệm Phật, tiên nhập vi chủ mà! Lại xem đến cuối cùng, vị thiện tri thức thứ năm mươi ba, tức vị cuối cùng, là Phổ Hiền Bồ Tát: Mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Tôi hiểu rõ: Tỳ-kheo Cát Tường Vân khởi đầu, Phổ Hiền Bồ Tát kết thúc, từ đầu đến cuối Thiện Tài tu pháp môn nào? Tu pháp môn Niệm Phật! Lúc đó, tôi mới chết sạch lòng mong ngóng, so đo, khiêm hư sát đất, không còn nghi hoặc nữa, chẳng còn do dự nữa, tôi đã hiểu rõ rồi. Huống chi Văn Thù và Phổ Hiền khuyên dạy bốn mươi địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng, những hải chúng (đại chúng đông nhiều như biển cả) trong thế giới Hoa Tạng này, ai nấy đều cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chúng ta hãy nghĩ xem: Trang nghiêm đến mức độ nào?

      Lại xem thấy Tỳ Lô Giá Na Như Lai (đều là thị hiện cho chúng ta thấy), Tỳ Lô Giá Na Như Lai hoan hỷ, không nói: “Văn Thù! Phổ Hiền! Sao các ông đem đại chúng của ta đi hết vậy? Mọi người trong đạo tràng của ta đều mang qua thế giới Cực Lạc thì đạo tràng này biến thành cái gì đây? Chắc chắn trong thế gian của ta sẽ nẩy sanh hiểu lầm. Đừng có nói là các ông đem toàn bộ mọi người đi, dù chỉ đem một, hai người đi, ta cũng không chấp thuận!” Trong đạo tràng này, nhất là những người thông minh lanh lợi, dụng công tu hành, nếu quý vị đem đi hết mà không được lão hòa thượng của tự viện đồng ý là lôi thôi liền!

      Trong thế giới Hoa Tạng, chúng tôi tin Văn Thù, Phổ Hiền nhất định phải được Tỳ Lô Giá Na Phật đồng ý. Tỳ Lô Giá Na Phật chấp thuận: “Tốt lắm! Mọi người đều đi được”. Vì sao? Đến thế giới Cực Lạc thành Phật nhanh chóng, so với Hoa Tạng nhanh hơn nhiều lắm, rút ngắn thời gian. Tỳ Lô Giá Na Phật chẳng có tư tâm, Phật Phật đạo đồng, chư Phật chỉ có một nguyện vọng là hy vọng mọi người mau chóng thành Phật; nhanh nhất thì không gì hơn là đến thế giới Cực Lạc thân cận A Di Đà Phật. Bởi vậy, Văn Thù, Phổ Hiền suất lãnh các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi địa vị vãng sanh Cực Lạc thế giới, Tỳ Lô Giá Na Phật hoan hỷ! Chúng ta phải hiểu đạo lý này. Nếu chúng ta biết đạo tràng khác có vị thiện tri thức chân chánh, tôi không bằng vị ấy, các đồng học muốn đến thân cận vị ấy, tôi hoan hỷ, quý vị thân cận vị đó là đúng, không sai lầm chút nào!

      Trước kia, tôi giảng kinh ở Đài Loan có những đồng học là sinh viên đại học, nghe tôi giảng hai ba năm, đến bảo tôi: “Thưa pháp sư! Con muốn qua Đài Trung thân cận thầy Lý”. Tốt lắm! Những vị ấy thông minh, tôi học từ thầy Lý. Các anh thân cận thầy tôi chính là điều tôi cầu không được. Nếu thực sự có duyên phận thì phải thân cận vị thiện tri thức hạng nhất. Vị thiện tri thức bậc nhất trong các cõi Phật được hết thảy chư Phật công nhận là A Di Đà Phật. Quang minh tôn quý nhất, vua trong các Phật mà! Bởi vậy, chỉ cần quý vị phát tâm thân cận A Di Đà Phật, cầu sanh thế giới Cực Lạc thì tất cả hết thảy chư Phật đều vỗ tay: “Ngươi thật thông minh! Ngươi chọn lựa đúng!” Những lời tôi thưa cùng quý vị ở đây câu nào cũng đều chân thật. Do vậy, đối với những lời khai thị trong đoạn này, chúng ta càng phải suy nghĩ cặn kẽ.

      Đoạn tiếp theo là: “Ngẫu Công thán viết” (Ngẫu Công than rằng), Ngẫu Ích đại sư than thở, “Ta hồ! Phàm phu lệ đăng Bổ Xứ, kỳ xướng cực đàm, bất khả trắc độ” (Ôi chao! Phàm phu được liệt vào ngôi Bổ Xứ, là một xướng xuất hiếm lạ, một bàn luận cùng tột chẳng thể suy lường được!). Trước hết, chúng tôi nói về câu này. Ngẫu Ích đại sư chú giải kinh, viết đến đây, tự mình hết sức cảm thán: Rành rành là phàm phu, một phẩm phiền não chưa đoạn, đới nghiệp vãng sanh đến cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, đương nhiên “liệt vào ngôi Bổ Xứ”. Kẻ ấy không thực sự là Bổ Xứ, chỉ ở cùng một chỗ với Bổ Xứ Bồ Tát. Không phải là Bổ Xứ Bồ Tát sẽ chẳng thể ở chung một chỗ được, kẻ kia là phàm phu vì sao lại có thể ở cùng một chỗ với Bổ Xứ Bồ Tát? Ở cùng một chỗ với Bổ Xứ Bồ Tát là gần bằng Bổ Xứ, là không khác Bổ Xứ cho mấy. “Kỳ xướng cực đàm” (một xướng xuất hiếm lạ, một bàn luận cùng tột), “Kỳ” (奇) ở đây là “hy kỳ” (希奇: hiếm lạ), chưa từng nghe đến, chưa hề thấy qua, nhưng thế giới Cực Lạc lại có chuyện như vậy đấy! “Đàm” (談) là bàn kinh giảng đạo đến mức cùng  tột. Ngẫu  Ích  đại  sư  tán  thán: Thật  sự  có  chuyện  này,

không giả đâu!

      “Hoa Nghiêm sở bẩm, khước tại thử kinh (chư Phật sở thuyết đệ nhất kinh, Bồ Tát tu hành đệ nhất pháp môn)” (Những điều riêng mình kinh Hoa Nghiêm có (kinh bậc nhất của chư Phật đã nói, pháp môn tu hành bậc nhất của Bồ Tát) hoàn toàn được nêu lên trong kinh này). Câu trong ngoặc đơn là do tôi viết. Đối với câu này tôi cũng hiểu đôi chút. Chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm, đọc đến cuối cùng “thập đại nguyện vương đạo quy Cực Lạc” (mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc), tức là quy về kinh Vô Lượng Thọ. Cổ nhân gọi kinh Vô Lượng Thọ là Hoa Nghiêm bản trung. Trong ba kinh Tịnh Độ, kinh Vô Lượng Thọ là kinh bậc nhất. Nếu chúng ta dùng ba phần Tự Phần, Chánh Tông Phần, Lưu Thông Phần của kinh điển để nói thì kinh Vô Lượng Thọ là phần Chánh Tông của Tịnh Độ; kinh A Di Đà là Lưu Thông Phần. Trong kinh này, đức Thế Tôn bốn lượt khuyên chúng ta hãy phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, thật chẳng thể nghĩ bàn! Cổ nhân thường nói một mà hai, hai nhưng ba, ba nhưng bốn, bốn lượt khuyên dạy vãng sanh. Chỗ quy túc cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm là quy hướng thế giới Cực Lạc. Kinh Di Đà là Hoa Nghiêm tiểu bổn, kinh Vô Lượng Thọ là đại bổn của kinh A Di Đà. Cư sĩ Vương Long Thư hội tập kinh Vô Lượng Thọ cũng đặt tên là Đại A Di Đà Kinh, ông đặt tựa đề kinh như thế. Bởi vậy, đây chính là kinh bậc nhất do chư Phật nói, là pháp môn bậc nhất để các Bồ Tát tu.

      “Nhi thiên hạ cổ kim, tín tiển[1], nghi đa, dư duy hữu phẫu tâm lịch huyết nhi dĩ” (nhưng thiên hạ xưa nay, tin ít, nghi nhiều, tôi chỉ đành mổ tim vẩy máu mà thôi). Đây là lời cảm khái đau lòng buốt óc của Ngẫu Ích đại sư. Thiên hạ xưa nay, người tin tưởng ít ỏi, kẻ hoài nghi đông đảo, Ngẫu Ích đại sư viết đến đây, nghĩ đến đây, đúng là đau lòng đến cùng cực! Rõ ràng là trong một đời có thể thoát luân hồi viên thành Phật đạo, chẳng phải đợi đến đời thứ hai, chỉ một đời mà thôi! Một đời viên mãn; bởi lẽ, quý vị vãng sanh là ra đi khi đang còn sống, chẳng phải chết rồi mới đi. Bởi thế, tôi thường nói pháp môn này gọi là “pháp môn không chết”, thực sự không chết. Quý vị thấy đó: Lúc thời tiết nhân duyên chín muồi, người vãng sanh thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, từ tạ mọi người: “Phật đến rồi, tôi theo Ngài về thế giới Cực Lạc”. Nói rồi bèn đi, đi ngay trong lúc sống. Đi rồi thì sao? Không cần đến cái đãy da thối này nữa, vứt bỏ, triệt để buông xuống, đi qua thế giới Cực Lạc đổi lấy thân khác.

      Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là liên hoa hóa sanh, hoa sen ấy do chính mình trồng, chẳng phải do ai khác trồng! Tất cả hết thảy chúng sanh chỉ cần thực sự phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, trong ao sen bảy báu nơi thế giới Cực Lạc sẽ mọc lên một búp sen. Quý vị tín nguyện kiên định, niệm Phật rất siêng, hoa sen trong ao ấy ngày càng to dần, càng tăng trưởng. Lúc quý vị hết tuổi thọ, A Di Đà Phật cầm hoa sen ấy đến tiếp dẫn quý vị. Hoa sen ấy của chính quý vị, chứ không phải của ai khác, trên hoa còn có đề tên, chắc chắn không lầm lẫn được. Quý vị vào trong hoa sen, chẳng phải là một đứa bé con dần dần lớn lên, mà là thân tướng giống hệt như Phật. Tây Phương thế giới là pháp giới bình đẳng, bỏ nhục thân, đạt được thân gì? Được thân vàng ròng sắc tía giồi mài sáng bóng, trong bốn mươi tám nguyện [của A Di Đà Phật] có lời nguyện này. Tướng hảo, quang minh [của mỗi chúng sanh trong thế giới Cực Lạc] không khác gì A Di Đà Phật và Bổ Xứ Bồ Tát, thực sự bình đẳng.

Đó là vì trong quá khứ, lúc A Di Đà Phật đang tu đạo Bồ Tát trong khi tu nhân, đọc trong kinh Vô Lượng Thọ chúng ta sẽ thấy đoạn lịch sử ấy, Ngài đã từng tham phỏng hai trăm mười ức cõi Phật. “Hai trăm mười ức” biểu thị pháp chứ không phải là một con số; trong Mật Tông, hai trăm mười ức biểu thị ý nghĩa viên mãn, hàm nghĩa “khắp pháp giới hư không giới, hết thảy các cõi Phật, không sót một cõi nào”, Ngài đều đến tham học hết. Đối với ưu điểm và những chỗ hay của mỗi một thế giới Ngài liền học lấy; những khuyết điểm Ngài đều bỏ đi. Vì thế, sự thành tựu nơi thế giới Cực Lạc chính là do kết hợp tất cả những ưu điểm trong hết thảy cõi Phật khắp pháp giới hư không giới, không có khuyết điểm, cõi ấy được kiến tạo như vậy. Sự kiện này là một sự khải thị rất lớn cho chúng ta! A Di Đà Phật kiến lập Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải là đóng cửa mày mò tự chế, cũng chẳng phải ở riệt trong nhà nghĩ cách; không phải vậy, mà là sở đắc từ sự tham học. Đấy là học vấn chân chánh, học vấn thực sự!

Chắc chắn Ngài trông thấy thế giới Sa Bà (chắc chắn Ngài đã từng đến thế giới Sa Bà của chúng ta), thấy hết thảy chúng sanh tướng mạo khác biệt. Tướng mạo đẹp thì phiền não hiện tiền, phiền não gì vậy? Ngạo mạn! Tướng mạo không đẹp, phiền não cũng hiện tiền, phiền não gì vậy? Mặc cảm tự ty rất nặng! Những điều này chúng ta đều biết rất rõ. A Di Đà Phật biết điều này, nên tất cả hết thảy những ai vãng sanh về thế giới Cực Lạc tuyệt đối chẳng nẩy sanh phiền não, vì sao? Tướng mạo mọi người giống hệt nhau, không một ai đẹp hơn ai, cũng không ai có khuyết điểm, thảy đều giống hệt như nhau, thể chất giống hệt, cao - thấp giống hệt, gầy - béo giống hệt, tướng hảo như nhau.

      Nói như vậy thì chúng ta lại có vấn đề, vấn đề gì vậy? Nếu ta muốn tìm một người nào đó, ta biết ai là ai đây? Toàn bộ giống hệt nhau. [Nếu thắc mắc vớ vẩn] như vậy là chúng ta lo xa quá đấy, vì sao? Chúng ta không có trí huệ, không có huệ nhãn, không có thần thông; nhưng người ở Tây Phương Cực Lạc thế giới ai nấy đều có thần thông nên nhất định chẳng nhận lầm người. Tất cả mọi người tướng mạo giống hệt A Di Đà Phật, nhất định quý vị chẳng thể nhận lầm. Tuy tướng mạo của mỗi cá nhân vãng sanh cũng giống hệt nhau, quý vị vẫn chẳng nhận lầm, chẳng thể nghĩ bàn! Bởi vậy, đọc đến đoạn này, hãy nên phát nguyện! Trong kinh này đức Phật lại khuyên chúng ta nên phát nguyện lần nữa, phải nên vãng sanh cõi nước kia.

Lại xem tiếp đoạn dưới: “Hạnh Nguyện Phẩm vân” (Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói), tức là trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm có đoạn chép: “Thị nhân dục lâm mạng chung thời, nhất thiết chư căn, tất giai bại hoại, dĩ trí thân thuộc, oai thế, tượng, mã, trân bảo đẳng, tất giai tán diệt” (lúc người ấy sắp mạng chung, hết thảy các căn thảy đều bại hoại, cho đến thân thuộc, oai thế, voi, ngựa, các món quý báu v.v... thảy đều tan diệt). Chúng tôi giảng đoạn này trước. Đoạn này nói lên điều gì? Lúc thọ mạng con người đã hết, lúc lâm chung, “nhất thiết chư căn, tất giai bại hoại” (hết thảy các căn thảy đều bại hoại), tức là không khởi tác dụng nữa. “Chư căn” như là mắt v.v.., người chết rồi mắt không thể thấy nữa, tai không thể nghe được nữa, mũi không hô hấp, lưỡi cũng chẳng thể động, thân thể cũng chẳng thể cử động. Đó là “nhất thiết chư căn, tất giai bại hoại” (hết thảy các căn thảy đều bại hoại), không khởi tác dụng, sáu căn mất đi năng lực. Thân thể của chính mình là như vậy đó.

Còn những vật ngoài thân của quý vị như “thân thuộc”, tức là người nhà, quyến thuộc của mình, mình phải chia lìa. “Oai thế” là địa vị, quyền lực. Dẫu cho địa vị, quyền lực đạt đến cùng cực, làm đến quốc vương; lúc ấy có làm vua cũng không được nữa, thọ mạng đã hết, ngôi vua cũng vứt đi, quyền lực cũng buông xuôi. “Tượng, mã” (voi, ngựa) là công cụ giao thông sử dụng trong thời cổ. Công cụ giao thông hiện tại gồm xe hơi, du thuyền, thậm chí tư gia có máy bay, cái gì cũng không mang theo được, không mang theo cái gì được hết! “Trân bảo” là của cải; hết thảy các món quý báu do quý vị góp, không mang theo được gì! “Giai tất tán diệt” (thảy đều tan diệt), không cầm gì theo được, thuộc về người khác hết, quý vị phải giác ngộ điều này! Trong kinh luận, đức Phật thường cảnh tỉnh chúng ta: “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” (Muôn thứ không mang được, chỉ mỗi nghiệp theo thân). Quý vị phải hiểu rõ ràng, minh bạch: Tất cả hết thảy những vật ngoài thân chắc chắn không phải là của chính mình. Bản thân ta cái gì cũng không có, ngay đến cái thân này cũng không có, thân thể cũng phải bại hoại.

Vì vậy, trong thế gian này, kinh Bát Nhã giảng rất rõ: “Nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” (Hết thảy pháp không có sở hữu, rốt ráo không, chẳng thể được). Đó là chân tướng sự thật. Nếu quý vị cho là hữu sở đắc, vẫn muốn giành lấy thì quý vị lầm rồi! Quý vị có giành lấy, trong tương lai cũng không mang theo được, lại còn tạo thêm vô lượng vô biên nghiệp chướng. Trong thế gian có mấy ai giác ngộ? Có mấy ai thực sự hiểu rõ? Người giác ngộ buông bỏ toàn bộ pháp thế gian, ngay cả thân mình cũng không màng, quyết định chẳng lưu luyến.

“Duy hữu nguyện vương, bất tương xả ly, nhất thiết thời trung, dẫn đạo kỳ tiền, nhất sát-na gian tức đắc vãng sanh Cực Lạc thế giới” (Chỉ có nguyện vương chẳng hề lìa bỏ, trong hết thảy thời, nó thường dẫn đường đằng trước. Trong khoảng sát-na liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc). Nói về điều gì? Nói về cái quý vị mang theo được. Cái mang theo được là thiện nghiệp, ác nghiệp, tịnh nghiệp, ba thứ nghiệp này đi theo quý vị. Người thực sự giác ngộ đoạn trừ ác nghiệp, tuy vẫn tu thiện nghiệp nhưng quyết không chấp trước. Do không chấp trước nên biến thành tịnh nghiệp; nếu chấp trước liền biến thành thiện nghiệp. Chấp trước thì quả báo là ba thiện báo; không chấp trước thì quý vị phải hồi hướng cầu sanh về Tịnh Độ, quả báo của quý vị sẽ là vượt thoát tam giới, vượt thoát mười pháp giới, thù thắng khôn sánh!

Mười đại nguyện vương dạy chúng ta điều gì? Quý vị phải biết:

1) Thứ nhất là dạy chúng ta cung kính “lễ kính chư Phật”.

2) Thứ hai dạy chúng ta xưng tán, tức là khen ngợi điều lành, quyết định chẳng ăn nói sai trái. Thấy bất cứ sai trái gì cũng trọn chẳng rêu rao, hòng bồi dưỡng thiện tâm, thiện ý và thiện hạnh của chính mình, miệng không lầm lỗi, “xưng tán Như Lai”!

3) Thứ ba dạy chúng ta bố thí cúng dường “quảng tu cúng dường”.

4) Thứ tư dạy chúng ta “sám hối nghiệp chướng”, phải biết sám hối nghiệp chướng của chính mình.

5) Thứ năm là dạy chúng ta “tùy hỷ công đức”, tùy hỷ công đức hết sức trọng yếu! Hết thảy chúng sanh đều có tâm ghen ghét, tùy hỷ công đức nhằm phá trừ ghen ghét. Trông thấy chỗ hay của người khác, ta không ôm lòng ghen ghét chút nào, mà tùy tâm, tùy lực giúp đỡ người ta, thành tựu cho người ta. Đó là tùy hỷ công đức. Người ta có công đức nhiều lớn, mình tùy hỷ thì công đức cũng lớn như người ta vậy, công đức của người ta hoàn toàn chẳng bị giảm thiểu. Cũng giống như người khác có một cây nến đã thắp rồi, mình có một cây nến chưa thắp, người ta dùng cây nến ấy thắp sáng cho mình, quang minh nơi cây nến của người ta không tổn thất mảy may. Cây nến của mình được thắp xong, ánh sáng chiếu rọi lẫn nhau, tùy hỷ công đức là như vậy đó!

6) Thứ sáu, “thỉnh chuyển pháp luân”.

7) Thứ bảy, “thỉnh Phật trụ thế”.

Thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế không vì chính mình, mà nhằm lợi ích chúng sanh. Quý vị gặp được thiện tri thức, chúng sanh không biết, ta biết. Ta biết thì ta thay họ thỉnh, thay mặt cho chúng sanh trong khu vực ấy, thay cho chúng sanh khắp cả thế gian lễ thỉnh thiện tri thức hãy vì chúng ta giảng kinh, thuyết pháp. Nhân duyên chín muồi, chúng ta phải thỉnh thiện tri thức trụ lâu dài trong khu vực của chúng ta. Thiện tri thức ở lâu dài nơi ấy thì người ở nơi ấy có phước. Chân thiện tri thức được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ, Ngài sống tại nơi này, mọi người chẳng lẽ không được hưởng lây ư? Không phải là ai nấy đều có phước hay sao? Phải là người có trí huệ chân chánh, phước báo chân chánh thì mới biết khải thỉnh.

Trong thực tế, mười điều nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát chỉ gồm bảy điều, bảy điều trên đây chính là các nguyện [của Phổ Hiền Bồ Tát]. So với trước kia, hiện thời thỉnh chuyển pháp luân thuận tiện hơn. Nay chúng ta có thể lợi dụng những kỹ thuật khoa học cao cấp, lợi dụng mạng thông tin quốc tế (Internet), lợi dụng truyền hình vệ tinh (satellite TV) thỉnh pháp sư, thỉnh thiện tri thức giảng kinh, thuyết pháp. Chúng ta đưa CD, băng thâu hình lên Internet, phát trên truyền hình vệ tinh hòng lợi ích chúng sanh toàn thế giới. Làm như vậy chính là gì? Đều thuộc về thỉnh chuyển pháp luân và thỉnh Phật trụ thế. Hiện tại, hai nguyện trên có thể gộp thành một, hai nguyện gộp thành một, thật chẳng thể nghĩ bàn!

Ba điều nguyện sau đó đều thuộc về hồi hướng, “thường tùy Phật học” là hồi hướng Bồ Đề, “hằng thuận chúng sanh” là hồi hướng chúng sanh, “phổ giai hồi hướng” là hồi hướng pháp giới và hồi hướng pháp tánh. Do vậy, ba điều nguyện cuối này thuộc về hồi hướng viên mãn, đính kèm theo. Mười đại nguyện này dẫn dắt quý vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Bây giờ đã hết giờ rồi!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa