Pháp sư

[TẬP 42]: Phát Bồ Đề Tâm


 

          Xin mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang bốn mươi bốn, xin xem kinh văn:         

          Phi đản nhữ độc hộ thị nhân cố, diệc hữu Thích Phạm quyến thuộc, chư thiên quyến thuộc ủng hộ thị nhân.

非但汝獨護是人故。亦有釋梵眷屬。諸天眷屬擁護是人

          Chẳng phải chỉ riêng mình ông hộ trì người đó, mà cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Ðế Thích, và quyến thuộc của chư thiên ủng hộ người đó nữa!

          Đoạn kinh này tiếp theo đoạn trước, Kiên Lao địa thần hộ trì, cúng dường cho người chuyển đọc, tu hành y theo lý luận phương pháp của kinh này, Thế Tôn lại nói với chúng ta, không phải chỉ có địa thần hộ pháp hộ trì, ‘Thích Phạm’, Thích là thiên vương Đế Thích, chúng ta thường gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, các tôn giáo ngoại quốc gọi là Thượng Đế, Thiên Chủ, ‘Phạm’ là Đại Phạm Thiên Vương. Những thiên vương và thiên thần này, chữ quyến thuộc đều là thiên thần, chẳng có ai không ủng hộ người tu hành này. Người tu hành này là người như thế nào? Trang bốn mươi hai phía trước, hôm nay có vài vị đồng tu mới đến chưa nghe qua nên chúng ta hãy đọc một lượt hàng cuối trang bốn mươi hai: ‘Nhược vị lai thế trung, hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, cúng dường Bồ Tát, cập chuyển độc thị kinh. Đản y Địa Tạng Bổn Nguyện kinh, nhất sự tu hành giả’ (Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào cúng dường Bồ Tát cùng chuyển đọc kinh điển này, dù chỉ y theo một việc trong Kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện mà tu hành) họ chính là hạng người này. Chữ ‘vị lai thế’ tức là chỉ chúng ta ngày nay, năm xưa khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thường dùng chữ vị lai thế hay chữ mạt pháp để nói tới thời đại chúng ta ngày nay. Quan trọng là chữ thiện, ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’, chữ thiện ở đây là dùng tiêu chuẩn gì, người như thế nào mới gọi là thiện? Tiêu chuẩn đơn giản nhất là Tam Phước dạy trong Quán Kinh, trong phần tổng kết, đức Phật nói [Tam Phước] là tịnh nghiệp chánh nhân của chư Phật ba đời. Phước thứ nhất gồm có bốn câu: ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp’.  Làm được hết bốn điều này mới được gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân; đây là tiêu chuẩn thấp nhất của chữ thiện.  Nếu bốn điều này cũng không làm nổi thì không thể gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân, đây là điều chúng ta nhất định phải ghi nhớ, phải hiểu rõ. Tại sao chúng ta đọc kinh, y theo phương pháp dạy trong kinh để tu hành, kết quả không giống như kết quả nói trong kinh? Nguyên nhân là ở chỗ nào? Đều ở tại chữ thiện này, trong kinh đã nói rất rõ ràng, phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Nếu không phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân thì tu hành theo phương pháp này, quả báo sẽ thua rất xa, chẳng thù thắng như vậy, đây là việc mà chúng ta phải hiểu.

          Tối hôm qua, trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta đọc tới ‘thiên vương ở cõi Tam thập tam’ đại biểu cho Sơ Địa Bồ Tát ‘Hoan Hỷ Địa’.  Tam thập tam thiên vương chính là thiên chủ cõi trời Đao Lợi, Ngài tượng trưng cho ý nghĩa gì? Ngũ giới thập thiện. Nói cách khác, đó vẫn là phước thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, ‘hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng’, dùng tâm đại từ bi để tu mười nghiệp thiện, đó chính là Hoan Hỷ Địa. Nếu chúng ta không thể y giáo phụng hành, ngay cả tiêu chuẩn thấp nhất của thiện nam tử, thiện nữ nhân cũng không đạt được, thì chúng ta học Phật cả đời có thể nói là chỉ kết thiện duyên với Phật mà thôi, có thể thành tựu hay không? Không thể thành tựu. Thành quả cao nhất cũng chẳng qua là đời sau được phước báo nhân thiên, không thể nào liễu sanh tử, thoát luân hồi, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Trong hết thảy kinh luận đều nói tới chữ thiện này, chúng ta nhất định phải sốt sắng học theo. Phải đạt được tiêu chuẩn thiện trong kinh, quả báo nói trong kinh quá thù thắng. Tiêu chuẩn này có thể đạt được quả báo thù thắng đó hay không? Không thể. Tại sao? Thiện này của bạn vừa đạt tới tiêu chuẩn, là thiện sơ cấp, chỉ là ‘tiểu thiện’. Kinh Địa Tạng Bồ Tát là kinh Đại Thừa, không phải là Tiểu Thừa, do đó tiêu chuẩn của chữ thiện này phải nâng cao lên, phước thứ hai trong Tam Phước: ‘Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi’.  Đây là thiện của Nhị Thừa, của A La Hán, Bích Chi Phật, cao hơn chữ thiện nói ở phần trước. Họ tu hành có thể đạt được quả báo này không? Vẫn chưa được, còn thiếu một chút. Nâng cao lên nữa là thiện Đại Thừa, đó là ‘Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả’, đây là tiêu chuẩn của chữ thiện nói trong kinh này.

          Bạn dùng tâm thiện, hạnh thiện này cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, chuyển đọc kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, noi theo lý luận phương pháp của kinh này để chuyên tu, chuyên hoằng, ‘nhất sự tu hành’ là chuyên tu, chuyên hoằng, bạn mới được Kiên Lao địa thần ủng hộ, bạn mới được thiên vương, thiên thần của cõi trời Dục Giới, Sắc Giới ủng hộ.  Họ dựa vào cái gì mà ủng hộ bạn? Vì bạn là Bồ Tát, thiện nam tử, thiện nữ nhân chẳng phải là người nào khác, là Bồ Tát thì họ làm sao không ủng hộ được? Bạn làm được điều thứ nhất trong Tam Phước thì bạn chỉ là người thiện trong thế gian, những thiện thần ở trời Dục Giới sẽ bảo hộ bạn, thần thổ địa ở nơi bạn ở sẽ bảo hựu bạn. Kiên Lao địa thần là Tổng địa thần của toàn thế giới, [làm tới mức thiện thứ nhất thì] không cần Ngài, Ngài chỉ phái vài vị thổ địa là được. Nếu thiện của bạn đạt đến mức thiện của Nhị Thừa, Thanh Văn, Duyên Giác, bạn chẳng còn là phàm phu nữa, trong Tiểu Thừa bạn đã dự vào dòng thánh, bạn có thể cảm được thiên thần ủng hộ bạn, những thiên vương này tôn kính bạn, thiên thần ủng hộ bạn. Khi bạn là Bồ Tát thì thiên vương tôn kính bạn, ủng hộ bạn.

          Phía trước Kiên Lao địa thần đã nói, trong chú giải ghi lời trong kinh Kim Quang Minh, hàng thứ nhất trang bốn mươi ba trong chú giải, bắt đầu từ câu cuối cùng ‘Kiên Lao bạch với Phật’, Kiên Lao địa thần là địa thần của toàn thế giới, chẳng phải địa thần thường. ‘Khi tỳ-kheo thuyết pháp, lúc ngồi trên pháp tòa, ngày đêm tôi thường hộ vệ chẳng rời khỏi, ẩn hình dưới pháp tòa, đầu đội phía dưới chân [của tỳ-kheo thuyết pháp]’, do đó đây không phải là việc thiện nhỏ có thể cảm được. Địa vị của Kiên Lao địa thần còn cao hơn vua Diêm La; vua Diêm La chỉ thống trị một nước, một quốc gia, còn Kiên Lao địa thần cai trị toàn thế giới. Thế giới của chúng ta vẫn chưa được như thế, khi toàn thế giới thống nhất rồi, vị quốc vương khi ấy mới là Kiên Lao địa thần. Kiên Lao địa thần [núp] ở dưới chỗ ngồi của bạn, đầu đội chân của bạn, [bạn nghĩ coi] bạn có phước báo lớn hay không! Do đó thiện nam tử, thiện nữ nhân nói ở đây là sự thiện to lớn, không phải là thiện nhỏ. Thiện nhỏ cảm được vị thổ địa nhỏ, đầu đội dưới ghế của bạn, bạn đã rất vinh dự rồi. Vị thần Thổ Địa cũng như làng trưởng, thôn trưởng. Do đó chúng ta phải hiểu rõ mỗi chữ, mỗi câu trong kinh thì mới không đến nỗi hiểu lầm. Từ đây có thể biết nếu bạn không phát đại tâm thì làm sao được? Bồ Tát khác với phàm phu ở chỗ [Bồ Tát] có tâm lượng lớn. Chư vị đã tham gia rất nhiều pháp hội, Phật sự, khi niệm sớ văn vừa mở đầu liền có câu ‘tâm bao trùm hư không, lượng gồm hết thế giới nhiều như cát’, hai câu này nghĩa là gì? Chính là phát Bồ Đề tâm. Vừa phát Bồ Đề tâm xong, tâm lượng đó liền bằng hư không pháp giới, người tâm lượng nhỏ nhoi còn chưa phát Bồ Đề tâm thì tâm đó là tâm mê muội; Bồ Đề nghĩa là giác ngộ, tâm giác ngộ bao trùm tận hư không, gồm hết pháp giới. Lượng gồm hết thế giới nhiều như cát, lượng lớn phước lớn, cảm động đến chư thiên, thiên vương, thiên thần tới ủng hộ bạn, cảm động được Kiên Lao địa thần dùng đầu đội chân của bạn, cung kính bạn như vậy.

          Đoạn này trong chú giải rất quan trọng, chúng ta hãy đọc một lượt ‘sơ cú, vị bất đản nhữ địa thần độc hộ’ (Câu đầu, đức Phật nói: ‘Chẳng chỉ có riêng mình ông là vị địa thần ủng hộ người thọ trì kinh’), đây là khẩu khí của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhữ là chỉ Kiên Lao địa thần, nói người cúng dường, đọc kinh, y giáo phụng hành, không những địa thần ủng hộ kẻ ấy, ông (Kiên Lao địa thần) phát nguyện hộ trì kẻ ấy. ‘Nhược quả như thượng tu vi’ (nếu bạn có thể làm theo lời dạy ở trên), nhược nghĩa là giả sử, nếu bạn có thể y giáo phụng hành như lời dạy trong kinh, nếu dùng cách nói hiện nay thì bạn có thể thực hiện được, bạn có thể làm được, người hộ trì nhiều ‘diệc hữu Thích Phạm chư thiên quyến thuộc giai lai ủng hộ’ (cũng có quyến thuộc chư thiên Thích Phạm đến ủng hộ). Phía sau pháp sư Thanh Liên trích dẫn kinh điển để chứng minh câu này ‘như Tứ Thiên Vương bạch Phật ngôn’ (Như Tứ Thiên Vương bạch với đức Phật), đây là Tứ đại thiên vương của trời Dục Giới, ‘thị nhân nhược đắc văn thị kinh điển, năng đắc vị lai hiện tại chủng chủng vô lượng công đức. Ngã đương ẩn tế, bất hiện kỳ thân. Vị thính pháp cố, đương chí sở chỉ giảng pháp chi xứ’ (nếu người đó được nghe kinh điển này sẽ được vô lượng công đức trong hiện tại, vị lai. Vì để nghe pháp, tôi sẽ tới chỗ đang giảng pháp, ở lại đó, nhưng ẩn hình không hiện thân). Đây là nói tỳ-kheo thăng tòa giảng kinh, tứ đại thiên vương suất lãnh bát bộ quỷ thần đến nghe kinh nghe pháp, họ đến hộ trì đạo tràng. Trong đây quan trọng nhất là chúng ta phải suy nghĩ, chúng ta dựa vào cái gì mà có thể cảm động những thiên thần, những vị thần hộ pháp như vậy? Dựa vào đức hạnh của chính mình. Đức gì? Tánh đức trong tự tánh, tánh đức lưu lộ ra ngoài chính là đức hạnh, sự khởi tâm động niệm, lời nói hành động, tương ứng với những lời dạy trong kinh luận của Phật, những lời dạy trong kinh luận của Phật đều là lời từ tự tánh của Như Lai lưu lộ ra, tương ứng với kinh điển tức là tương ứng với tánh đức trong tự tánh, cho nên mới có thể cảm động đến thiên địa quỷ thần, đạo lý là như vậy.

          Sau đó lại nói ‘Đại Phạm thiên vương’, là thiên vương ở cõi trời Sắc Giới, Sơ Thiền thiên. ‘Thích Đề Hoàn Nhân’ là thiên chủ cõi trời Đao Lợi. ‘Đại Biện thiên thần, công đức tôn thiên, Tán Chi quỷ thần, đại tướng quân đẳng, nhị thập bát bộ quỷ thần đại tướng, Ma Hê Thủ La, Ma Ni Bạt Đà quỷ thần đại tướng. Quỷ Tử Mẫu cập ngũ bá quỷ tử’ (Đại Biện thiên thần, công đức tôn thiên, Tán Chi[1] quỷ thần, đại tướng quân, v.v., hai mươi tám bộ quỷ thần đại tướng, Ma Hê Thủ La, Ma Ni Bạt Đà quỷ thần đại tướng. Quỷ Tử Mẫu[2] và năm trăm quỷ con), phía sau là ‘vô lượng bách thiên vạn ức na-do-tha quỷ thần chư thiên, như thị đẳng chúng, vị thính pháp cố, tất tự ẩn tế, bất hiện kỳ thân, chí thị nhân sở chỉ giảng pháp chi xứ’ (vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha quỷ thần cõi trời, những vị này vì muốn nghe pháp nên phải tự ẩn hình, chẳng hiện ra, và đến đứng ở chỗ người đó giảng kinh). Ngày nay chúng ta tự mình tu học chẳng đạt tới trình độ này, không thể đạt tới trình độ thượng thiện, chưa chắc đã đạt được trình độ trung thiện, đây là trình độ thấp nhất, trước kia chúng tôi đã nói rất nhiều, chư vị có thể tìm những băng ghi âm này để tham khảo. Trong đó có một nguyên tắc chung, đó là phải dùng chân tâm, dùng tâm chân thành, chẳng lừa gạt chính mình, chẳng lừa gạt người khác, ‘hết thảy phải làm từ tâm chân thật’, thì bạn mới có thể đạt tới tiêu chuẩn của thiện, bạn mới là ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’ như trong kinh nói.

          Cuối cùng Ngài còn nêu ‘kinh Kim Quang Minh, viên kinh Phương Đẳng’. Câu này hàm chứa rất nhiều kinh luận, Viên nghĩa là kinh điển thuộc Viên Giáo. ‘Thiên long thần quỷ ủng hộ nhược tư.  Huống kim khai hiển tối thượng chi điển’ (Thiên long quỷ thần ủng hộ cũng như vậy, huống chi nay khai hiển kinh điển tối cao), câu này cổ đức thừa nhận kinh “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện’ là kinh điển tối cao.  Hai chữ khai hiển, giống ý nghĩa của câu ‘khai hóa hiển thị chân thật chi tế’ trong kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện này cũng khai hóa hiển thị chân thật chi tế. ‘Kỳ Phạm Thích thiên đẳng ủng hộ chi lực, hề sĩ cánh ngôn tai (Sức ủng hộ của các Phạm Thiên, Thích Đề Hoàn Nhơn đâu cần nói thêm), nói nhiều thêm làm chi, nhất định sẽ cảm được thiên vương và thiên thần cõi trời Sắc Giới và Dục Giới ủng hộ. Người phát tâm học Giáo, bất luận tại gia, xuất gia, người hoằng pháp lợi sanh, không thể không biết chân tướng sự thật này, khi bạn hiểu rõ việc này xong thì phải dốc hết sức lực, sốt sắng mà làm; nếu bạn không sốt sắng nỗ lực, chỉ làm một cách qua loa, không những có lỗi đối với người ta mà còn có lỗi đối với những quỷ thần này, chúng ta nhất định phải hiểu như vậy. Ý nghĩa đoạn kinh sau còn hay hơn nữa:

 

          Hà cố đắc như thị thánh hiền ủng hộ.

何故得如是聖賢擁護。

          Tại sao người đó lại được chư hiền thánh ủng hộ như thế?

          Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đặt ra một câu hỏi, nhắc nhở mọi người chú ý, vì nguyên nhân, lý do gì mà bạn được chư thánh hiền ủng hộ như vậy? Phật dùng hai chữ  ‘thánh hiền’ nghĩa là nói rõ những thiên vương, thiên thần, gồm cả Kiên Lao địa thần chẳng phải là phàm phu, mà là chư Phật, Bồ Tát ứng hóa trong thế gian, trong sáu cõi được họ ủng hộ tức là được chư Phật, Bồ Tát ủng hộ, làm sao bạn được như vậy?  Phần sau nói:

 

          Giai do chiêm lễ Địa Tạng hình tượng, cập chuyển độc thị bổn nguyện kinh cố.

皆由瞻禮地藏形像。及轉讀是本願經故。

          Ấy đều do chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng cùng đọc tụng Kinh Bổn Nguyện này.

          Có  phải ‘chiêm lễ’ là thờ một tượng Bồ Tát Địa Tạng, mỗi ngày vái chào, cúi đầu lạy? Mỗi ngày đọc kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện từ đầu tới cuối? Có phải làm xong thì bạn liền được lợi ích to lớn như vậy? Hãy nhớ một câu ở đoạn trên ‘chuyên tu chuyên hoằng, y giáo phụng hành’ thì mới được! Chiêm lễ chẳng phải chỉ ở trên hình thức, phải ‘nhìn thấy thánh hiền mong được bằng’, học Địa Tạng Bồ Tát, nhìn thấy hình tượng Địa Tạng Bồ Tát thì [phải nghĩ] mình phải học theo Địa Tạng Bồ Tát, phải bắt chước Ngài, dùng Địa Tạng Bồ Tát làm mô phạm, gương mẫu cho mình học Phật, chúng ta phải làm theo giống y như Ngài, đó gọi là chiêm lễ. ‘Chuyển độc’ quan trọng ở chữ chuyển, ngày nay chúng ta biết đọc chứ chẳng biết chuyển. Chuyển nghĩa là gì? Chuyển đổi cảnh giới của mình, lúc chưa biết đọc kinh thì chúng ta có rất nhiều cách suy nghĩ, nhiều cách nhìn, cách nói, cách làm, tất cả đều sai lầm! Bây giờ mở cuốn kinh này ra đọc xong mới hoát nhiên đại ngộ, hiểu rõ xong sửa đổi những sai lầm thuở trước, làm giống như [lời dạy của chư] Phật, Bồ Tát, đó gọi là chuyển. Chữ chuyển này nói đơn giản nghĩa là chuyển biến, chúng ta thường nói ‘chuyển phàm thành thánh’, đọc kinh này xong bạn biết chuyển thì công đức này rất lớn. Sự chuyển biến, thay đổi này của bạn vô cùng hiếm có, quý báu, bạn chẳng phải Tiểu Thừa, chẳng phải A La Hán, chẳng phải Bích Chi Phật, chẳng phải là Bồ Tát thông thường, mà là Địa Tạng Bồ Tát chứ không phải thường.

          Cho nên phải thường đọc kinh, mỗi ngày đọc, mỗi ngày chuyển.  Nếu bạn không đọc, bạn làm sao chuyển được? Câu ‘đọc tụng Đại Thừa’ trong Tịnh Nghiệp Tam Phước rất quan trọng, mỗi ngày phải đọc kinh, phải đọc cho thật thuộc thì khi dấy khởi tâm niệm bạn mới có thể chuyển đổi, đạo lý là ở chỗ này. Đọc kinh nhưng chẳng thể chuyển đổi cảnh giới thì cũng như không đọc. Cho nên có người biết đọc kinh, có người không biết đọc, người không biết đọc thì đọc cho Phật, Bồ Tát nghe, chẳng ăn nhằm gì tới mình, còn người biết đọc thì đọc cho chính mình nghe, chẳng ăn nhằm gì tới người khác, chắc chắn chuyển đổi cảnh giới của mình. Trong Đàn Kinh có nhắc tới chuyện thiền sư Pháp Đạt tụng kinh Pháp Hoa hết ba ngàn biến cũng chưa khai ngộ. Sau khi ngộ xong Ngài rất cảm khái và nói với đại sư Lục Tổ: ‘Lúc trước tuy mỗi ngày tụng kinh Pháp Hoa, tụng hết ba ngàn biến đều là bị Pháp Hoa chuyển, ngày nay ngộ xong mới chuyển Pháp Hoa’, như vậy gọi là chuyển độc, pháp sư Pháp Đạt làm tấm gương sáng cho chúng ta. Tới lúc nào bạn có thể ‘chuyển kinh’ mà không bị kinh chuyển? Bị kinh chuyển là kẹt cứng vào câu kinh, bạn đọc sách ‘chết cứng’, bạn chẳng thể khai ngộ. Khi bạn có thể chuyển kinh, bạn khai ngộ từ cuốn kinh này. Ngộ xong thì từng câu, từng chữ đều hết sức sống động, từng câu, từng chữ đều có vô lượng nghĩa. Bạn giải thích cho chúng sanh, giải thích dài cũng được, ngắn cũng được, giải thích sâu hay cạn đều được hết, đều tự tại. Do đó tụng kinh có phải là tu hành hay không? Chính là tu hành, người biết đọc thì là tu hành, người không biết đọc thì không phải là tu hành. Cổ đức dạy chúng ta ‘tùy văn nhập quán’, đó là tu hành, chúng ta quán tưởng thuận theo lời Phật dạy thì sẽ tương ứng, sẽ khế nhập, đó là chân tu, viên tu viên chứng.

          Ai đã làm nổi? Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm. Bạn coi Thiện Tài đồng tử nghe pháp, mỗi lần thăm hỏi một vị thiện tri thức xong thì địa vị của Ngài nâng lên một tầng. Lúc Ngài tham phỏng tỳ- kheo Đức Vân là Sơ Trụ Bồ Tát, tham phỏng tới tỳ-kheo Hải Vân là Nhị Trụ Bồ Tát, tham phỏng tỳ-kheo Diệu Trụ là Tam Trụ Bồ Tát, không ngừng nâng cao. Tới sau cùng tham phỏng Phổ Hiền Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát dùng thập đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, Ngài liền thành Phật, Ngài chứng quả vị Phật viên mãn. Tại sao Thiện Tài đồng tử có thể? Tùy văn nhập quán, tùy theo lời dạy của thiện tri thức, Ngài liền có thể khế nhập cảnh giới. Ngày nay chúng ta tu học, tu hết mấy chục năm mà vẫn còn là phàm phu, chẳng có chuyển đổi, khổ ở tại chỗ [chúng ta không thể chuyển]; niệm niệm vẫn tùy thuận theo phiền não, như vậy thì làm sao được! Tới lúc nào chúng ta có thể chuyển phiền não thành Bồ Đề, bạn có thể tùy thuận Bồ Đề, chẳng tùy thuận phiền não thì bạn sẽ thành tựu, bạn sẽ thành Phật. Do đó chữ quan trọng nhất trong đoạn kinh này là chuyển, vấn đề là bạn chuyển nổi không? Nếu có thể chuyển đọc bộ kinh này, phần sau nói quả báo của việc này.

         

          Tự nhiên tất cánh xuất ly khổ hải, chứng Niết Bàn lạc.

自然畢竟出離苦海。證涅槃樂。

          Nên tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ, chứng được Niết Bàn yên vui.

          Đây là quả báo. ‘Xuất ly khổ hải’, phía trước thêm chữ ‘tất cánh’; nếu không thêm chữ tất cánh thì chữ xuất ly khổ hải chỉ cho lục đạo luân hồi, nếu thêm chữ tất cánh thì không chỉ lục đạo luân hồi mà còn bao gồm thập pháp giới. ‘Tất cánh xuất ly khổ hải’ là siêu việt mười pháp giới, chứng đại Niết Bàn. Đây là quả vị gì? Thấp nhất là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, Biệt Giáo Sơ Địa Bồ Tát, đây là nói tiêu chuẩn thấp nhất.  Trên thực tế thì sao? Trên thực tế thì không phải là địa vị này, mà siêu việt Thập Địa mới gọi là ‘rốt ráo thoát ly khổ hải’. Cũng có nghĩa là phá hết vô minh, chứng được niềm vui đại Niết Bàn trong quả vị Như Lai của Viên Giáo.

 

          Dĩ thị chi cố, đắc đại ủng hộ.

以是之故得大擁護。

          Vì thế mà được sự ủng hộ lớn lao.

          Là đạo lý và nguyên nhân như vậy, cho nên được chư Phật Như Lai hộ niệm, thiên vương, thiên thần ủng hộ. Chúng ta phải hỏi chúng ta có thể làm được không?  Đương nhiên là có thể, nếu không thì đức Phật sẽ không nói những lời này với chúng ta. Phật nói ra nhưng chúng ta làm không nổi thì đó không phải là nói giỡn chơi, nói để dụ chúng ta hay sao? Nói vậy thì Phật cũng có lỗi. Những lời đức Phật nói đều là việc chúng ta có thể làm được, vấn đề là bạn chịu làm hay không. Nếu bạn chịu làm thì không có gì không thể làm được hết, chỉ chuyển biến từ trong một niệm. Trong đại giáo viên đốn, chỉ cần xả bỏ tâm niệm tự tư tự lợi thì bạn liền có thể làm được. Chỉ cần bạn khởi tâm động niệm đều vì hết thảy chúng sanh, chữ ‘hết thảy’ chẳng phải chỉ là một địa phương này, chẳng phải là một quốc gia, cũng chẳng phải là một thế giới, cũng chẳng phải là một cái tam thiên đại thiên thế giới, mà là hết thảy chúng sanh trong tận hư không trọn hết pháp giới. Như vậy thì bạn mới thật sự làm được ‘tâm bao trùm hư không, lượng gồm thâu thế giới nhiều như cát’, cảnh giới của bạn sẽ chuyển đổi trở lại, sẽ nhập vào cảnh giới của chư Phật Như Lai, bạn sẽ được chư Phật Như Lai gia trì,  hộ niệm, trí huệ sẽ mở mang, phiền não sẽ đoạn dứt. Làm sao đoạn phiền não? Bạn phải biết cội gốc của phiền não là gì? Cội gốc chính là ngã chấp, tự tư tự lợi, đó là cội nguồn của phiền não. Nếu ngày nay bạn không có tâm niệm tự tư tự lợi, niệm niệm đều vì chúng sanh, niệm niệm đều vì Phật pháp, vì hư không pháp giới, thì cội nguồn phiền não của bạn sẽ mất hết, vậy thì làm sao đoạn không dứt? Không đoạn nhưng tự nhiên mất hết. Phiền não mất hết thì tự tánh Bát Nhã trí huệ sẽ hiện ra.

          Các bạn mỗi ngày đều mong cầu trí huệ, nhưng không chịu phát tâm vì hết thảy chúng sanh thì trí huệ làm sao mà có? Trí huệ làm sao hiện ra nổi? Niệm niệm đều tự tư tự lợi thì đây là chướng ngại to lớn.  Không những bạn không siêu việt thập pháp giới, mà cũng không siêu việt nổi lục đạo, không những không siêu việt lục đạo, ngay cả Dục Giới cũng không siêu việt nổi, không gian sinh hoạt của bạn quá nhỏ! Bạn sinh sống rất cực khổ, rất đáng thương! Nguyên nhân là gì? Ngã chấp quá cứng chắc, phân biệt chấp trước từ vô lượng kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp đều bị nó hại. Tự bạn phải hiểu rõ, nhất định phải sáng suốt, buông xuống phân biệt chấp trước, buông xuống tự tư tự lợi thì tương lai của bạn sẽ rạng rỡ, bạn sẽ được đại tự tại, phước đức to lớn. Chúng ta đã từng nghe đức Phật nói như vậy trong kinh điển, bộ kinh này rất hay, vừa mở đầu đức Phật phóng hào quang, đức Thế Tôn nói ra mười vầng mây quang minh, đó là từ tự tánh tuôn trào ra. Trong đó có Đại Phước Đức, Đại Cát Tường, Đại Viên Mãn, chỉ cần xả bỏ một niệm tự tư thì bạn liền đạt được hết thảy. Chư Phật Bồ Tát đạt được, các Ngài chẳng có tâm riêng tư, chẳng có tư dục; phàm phu chúng ta không đạt được vì chúng ta bị tư dục chướng ngại mất. Trong kinh Phật thường nói tới Nhị Chướng, Tam Chướng; Nhị Chướng là Phiền Não Chướng, Sở Tri Chướng. Phiền Não Chướng chính là dục vọng, tự tư tự lợi, Sở Tri Chướng chính là thành kiến, sự suy tưởng của mình, cách nhìn của mình đều là Sở Tri Chướng, gây chướng ngại làm cho tánh đức của bạn không thể hiện ra. Bạn nói có đáng thương hay không!

          Trong chú giải có vài câu rất quan trọng, chúng ta hãy đọc xem, trang bốn mươi lăm hàng thứ ba đếm ngược lại, bắt đầu từ chữ thứ tư, đây là nói ‘tất cánh xuất ly khổ hải’ (nhất định thoát lìa biển khổ), khổ hải nghĩa là gì? ‘Kim chỉ nghiệp hải, khổ hữu vạn đoan’ (ở đây chỉ biển nghiệp, khổ có vạn mối), khổ hải ở đây là nghiệp hải, biển nghiệp này rất lớn, bạn tạo nghiệp, bạn tạo thiện nghiệp thì được thiện báo, tạo ác nghiệp thì có ác báo, thiện báo, ác báo đều chẳng tự tại. Nếu nói từ lục đạo, mọi người thường nghe tới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là ba đường ác, còn cõi trời, người, A Tu La là ba đường thiện, lục đạo chính là biển nghiệp. Nếu phóng lớn ra, tứ thánh pháp giới là thiện nghiệp, lục đạo đều là ác nghiệp, tất cả đều là biển nghiệp. Thập pháp giới là biển nghiệp lớn, lục đạo là một phần trong cái biển nghiệp lớn này, là nơi khổ nhất.  Thoát khỏi biển nghiệp, thoát khỏi thập pháp giới. Trong chú giải nói ‘Ký do lễ độc’ (đều do lễ, đọc), chiêm lễ, chuyển đọc. ‘Xuất ly vô nan’ (thoát ly không khó), mỗi ngày bạn chiêm ngưỡng, lễ bái tượng Địa Tạng Bồ Tát, ngưỡng mộ, tôn trọng Địa Tạng Bồ Tát, noi gương học theo Địa Tạng Bồ Tát, lại có thể đọc kinh, y giáo phụng hành thì thoát ly biển nghiệp sẽ không khó. ‘Ngôn tự nhiên, tự nhiên tất cánh’ (nói tự nhiên, thì tự nhiên rốt ráo); ‘Tắc bất gia miễn cưỡng. Thuyết tất cánh tắc đáo để bất hư’ (nói tự nhiên thì chẳng miễn cưỡng, nói rốt ráo thì đích thực chẳng hư dối), những chữ này vô cùng quan trọng.

          Cho nên tu hành nhất định phải tu tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác, thì hết thảy đều là tự nhiên. Có nguyện không mong cầu, nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ, nguyện này chẳng có mong cầu. Nguyện là chân tâm, cầu là vọng tâm, chúng ta phải hiểu sự khác biệt giữa hai chữ này; nguyện là tùy duyên, cầu là phan duyên. Tôi nêu ra một thí dụ cho mọi người dễ hiểu, chúng ta mong cầu có một Niệm Phật đường tốt, sự mong cầu này là nguyện. Tôi mong cầu từ lúc nào? Các bạn coi trong cuốn bút ký của tôi có ghi, năm một ngàn chín trăm sáu mươi mốt tôi đã mong cầu. Đây là nguyện cầu, tôi chẳng phan duyên, tôi chẳng đi khắp nơi kêu mọi người quyên góp, để xây dựng, tôi chẳng làm vậy, ba mươi năm nay tùy thuận tự nhiên. Tới đây chỉ nói khơi khơi thì họ đã thật sự làm được, đây là tùy duyên. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên và các bạn đồng tu ở đây làm thật sự, làm hết lòng, chúng tôi bất quá chỉ khởi lên một vọng tưởng mà thôi, đã khởi lên vọng tưởng ba mươi năm, chẳng hy vọng mong cầu trong đời tôi thật sự xây dựng một đạo tràng, chẳng có tâm niệm này, chẳng móng ý niệm này. Họ nghe tôi nói xong liền sốt sắng làm, đây là chuyện tốt, tôi liền thuận theo dòng nước mà đẩy thuyền. Từ điểm này chư vị có thể thấy được nguyện khác với cầu, tùy thuận tự nhiên mà thành tựu, chẳng có tơ hào miễn cưỡng thì bạn được tự tại. Nếu mỗi ngày đều mong cầu, hy vọng mau mau thành công, như vậy thì mệt chết, như vậy thì quá khổ, cái gánh nặng này quá nặng, có nguyện chẳng cầu thì chẳng có gánh nặng gì cả. Chúng sanh có phước thì chư Phật thiện thần ủng hộ, nó tự nhiên sẽ xuất hiện; nếu chúng sanh chẳng có phước báo, chúng ta có miễn cưỡng như thế nào đi nữa cũng sẽ không thành.

          Nhà Phật thường nói ‘Trong nhà Phật có cầu ắt ứng’, chữ cầu này là nguyện, nguyện là tùy duyên, chẳng phải sự mong cầu của người thế gian, mong cầu là phan duyên. Dù phan duyên được thành tựu, phiền phức rất nhiều, nó chẳng thành tựu một cách tự nhiên, thành tựu rất gượng ép, hậu quả sau đó sẽ chẳng vừa ý, chẳng lý tưởng. Rất nhiều đại đức từ xưa tới nay, từ hành nghi thị hiện độ hóa chúng sanh của họ chúng ta có thể nhìn thấy, họ chẳng gượng ép.

          Trong đời tôi chưa từng khởi lên ý niệm phải xây đạo tràng, tại sao? Vì phước của tôi rất mỏng, cả đời tôi chưa từng mở miệng quyên góp xin tiền, đây là tánh tình vốn có của tôi, ngửa tay xin tiền người ta tôi cảm thấy rất ái ngại, rất khó chịu. Vì chính bản thân tôi cũng không chịu làm thì làm sao làm cho người khác được, làm gì có đạo lý này?  Do đó đôi lúc tôi chỉ nói khơi khơi trên giảng đài mà thôi. Người nói thì không có tâm, người nghe lại có ý định như vậy, họ đã làm thật sự, làm thật hoàn hảo! Quý vị làm, tôi cũng không phản đối, cũng chẳng ngăn cản. Thư viện Hoa Tạng ở Cảnh Mỹ, Đài Bắc cũng thành tựu giống như vậy; nhiều người chẳng biết sự thành tựu của thư viện Hoa Tạng đều do thính chúng tức giận mà có được. Năm ấy trong pháp hội Nhân Vương, lúc đó trong hội thí pháp Hoa Tạng, Hàn Quán Trưởng dẫn đầu, lão pháp sư Đạo An cũng có tham dự, chúng tôi mướn và mượn đạo tràng của hội Trung Quốc Phật Giáo, mượn đạo tràng này để giảng kinh Nhân Vương trong vòng hai mươi ngày. Những pháp sư và đại đức trong hội Phật Giáo này bắt bẻ gây khó khăn cho chúng tôi, tìm đủ mọi cách để cản trở làm cho pháp hội giảng kinh không được viên mãn, vì giảng kinh này là cầu phước cho quốc gia, chúng tôi kiên quyết phải giảng cho được viên mãn, bởi vậy nên làm cho sự việc không được xuông xẻ lắm, nhưng rốt cuộc cũng giảng xong bộ kinh này. Thính chúng biết chuyện này nên rất tức giận, họ nói ‘Quý vị không chịu cho mượn thì chúng tôi tự xây đạo tràng’, sau đó mọi người hùn tiền nhau mua thư viện Cảnh Mỹ; tôi chẳng có kêu gọi họ đóng góp, đều là họ tự phát tâm, cho nên thư viện Cảnh Mỹ là do thính chúng nổi giận mà có được. Như vậy cũng tốt, [thư viện Cảnh Mỹ] là nơi giảng kinh trên hai mươi năm qua, củng cố cơ sở cho công việc hoằng pháp của chúng ta, đây là tùy duyên tự nhiên thành tựu.

          Đạo tràng thứ hai ở Đài Loan là Hội Cơ Kim Giáo Dục Phật Đà; chẳng phải do tôi tìm họ, mà là họ tìm tôi, đó là tài sản của cư sĩ Giản Phong Văn, ông ta xây căn lầu này, phát tâm tặng cho tôi một tầng để làm giảng đường. Ban đầu tôi cũng chẳng quen biết gì với ông ta, chưa từng gặp mặt, một hôm đột nhiên ông ta tới và nói muốn tặng một tầng lầu cho tôi, tầng lầu đó nhiều tiền lắm chứ chẳng rẻ gì. Ông nói xong tôi đánh dấu hỏi, nhưng cứ tạm nghe cho xong chuyện, ông có cho thì cũng tốt, không cho thì cũng tốt, chẳng để ý tới, ông ta cũng biết là tôi chẳng tin ông ta. Hai tuần sau, ông ta viết một lá thơ tới nói ông thành tâm thành ý cúng dường đạo tràng này. Lá thơ đó chẳng có hiệu quả gì trên pháp lý, chỉ là biểu lộ tấm lòng thành của ông ta mà thôi. Chúng tôi cũng vui mừng tiếp nhận, nói ‘Tốt quá, quý quá’, khen ngợi vài câu rồi thôi!  Sau đó tôi đi hoằng pháp ở Mỹ, ở Mỹ tính làm thẻ xanh cho nên lúc đó lưu lại Mỹ hết mười một tháng, đó là thời gian ở Mỹ lâu nhất. Sau khi trở về Đài Loan, căn lầu này đã xây xong, ông ta tới phi trường đón tôi, đưa cho tôi hết thảy giấy tờ chủ quyền của căn lầu này, lúc đó mới thật sự là đã cúng dường căn lầu này. Tôi hỏi ông: ‘Ông quyên căn lầu, sau này có muốn lấy lại không?’. Ông nói: ‘Không, tuyệt đối sẽ không lấy lại’. Tôi nói ‘Tốt, nếu không lấy lại thì chúng ta hãy đi làm giấy công chứng, chuyển nhượng căn lầu này biến thành Hội Cơ Kim Giáo Dục Phật Đà, căn lầu này sẽ trở thành tài sản của hội Cơ Kim Giáo Dục Phật Đà. Một ngày nào đó hội này giải tán, không hoạt động nữa thì tài sản này biến thành tài sản của quốc gia, chẳng thuộc bất cứ một người nào.  Ông ta đồng ý nên chúng tôi đã làm như vậy. Ông ta tặng cho tôi, tôi chẳng muốn nhận. Bạn hãy xem, đạo tràng này được thành lập một cách tự nhiên như vậy, [lúc ban đầu] tôi chẳng có yêu cầu mong muốn gì nơi ông ta.

          Đạo tràng ở Dallas, Mỹ quốc của chúng ta, tôi không mấy gì thích khu vực đó, Hàn Quán trưởng cũng chẳng thích, nhưng cứ được xây dựng nơi đó, là do Phật, Bồ Tát xây dựng vậy. Mọi người mang tiền tới [xây dựng đạo tràng], đến khi đạo tràng xây dựng xong thì tiền ngưng tới, chúng tôi chẳng có quyên tiền gì hết, chẳng xin người ta, đạo tràng tự nhiên thành tựu. Cho nên cả đời này chúng tôi sinh sống vô cùng thoải mái, vô cùng hạnh phúc, chẳng có áp lực gì hết, chúng tôi tuyệt đối chẳng tìm phiền phức cho mình, chẳng để cho mình sinh sống trong đau khổ. Cầu xin người ta rất khổ, phải coi nét mặt của người ta, vậy thì rất khổ. Ở ngoại quốc phải mượn tiền ngân hàng [để xây đạo tràng], bạn coi cái gánh đó nặng đến mức độ nào! Tôi [thiếu nợ] không được, nếu tôi có thiếu nợ thì ban đêm sẽ ngủ không yên. Có nhiều người rất phi thường, mang nợ đầy mình nhưng họ cũng ngủ ngon lành, tôi rất khâm phục họ.  Tôi tuyệt đối không thể làm việc mà đòi hỏi phải phụ trách, tuyệt đối không thể cầu người. Chúng tôi sống thanh bần, thân tâm yên ổn, tự tại vui vẻ, chẳng có một tí gánh nặng gì hết. Như vậy thì bạn mới có thể thoát ra khỏi biển khổ, tu hành cũng như vậy. Niệm Phật thì thật thà niệm là được, phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng cần phải nôn nóng, đừng cứ trông ngóng mỗi ngày, đừng hỏi ‘A Di Đà Phật khi nào mới tới?  [Tại sao] tôi còn chưa thấy Phật? Nếu bạn có tâm này, như vậy là có tâm mong cầu, tâm phan duyên, sợ là chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới được, tại sao vậy? Lúc bạn niệm Phật bị xen tạp, xen tạp vô vọng tưởng. Chỉ cần niệm một câu Phật hiệu này tới cùng, phát nguyện sanh Tây Phương, ngày nào vãng sanh cũng được, lúc nào đức Phật tới cũng được, đừng có phan duyên, tùy duyên mới tốt. Khi còn chưa vãng sanh, tấm thân này còn giữ lại trên thế gian thì hãy tận tâm tận lực giới thiệu pháp môn này cho chúng sanh, giải thích rõ ràng công đức lợi ích của pháp môn này cho mọi người thì rất tốt. Cứ như vậy yên tâm đợi đức Phật A Di Đà tới tiếp dẫn bạn, chẳng có nôn nóng gì hết, như vậy mới được.

          Chúng ta xem phần chú giải tiếp theo ‘Thị cố hành giả ưng đương chí tâm. Nhược chí tâm giả sở cầu tất hoạch, xuất khổ chứng lạc’ (do đó hành giả nên chí tâm, nếu chí tâm thì cầu gì đều được, thoát khổ đạt được vui sướng), mấy câu này nói thật hay. Hành giả nghĩa là người y giáo phụng hành, bạn nên tu hành như thế nào? Nên dùng chân tâm, chí tâm tức là chân tâm, bạn nên dùng chân tâm để tu. Xen tạp vọng tưởng tức là không phải chân tâm, [chúng ta ráng] đừng xen tạp vọng tưởng, chỉ cần dùng chân tâm để tu học thì nhất định sẽ có cảm ứng. ‘Sở cầu tất hoạch’, sự mong cầu này là nguyện, bạn nhất định sẽ được mãn nguyện. ‘Xuất khổ chứng lạc’, không những siêu việt lục đạo, mà còn phải siêu việt thập pháp giới, vãng sanh bất thoái thành Phật. Sanh tới Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát, công đức lợi ích thù thắng như vậy thật là hiếm hoi, khó gặp. Những câu cuối ‘thử chánh Giáo Chủ thiên cung phó chúc chi tâm’ (đó chính là tâm của Giáo Chủ phó chúc ở nơi cung trời), Giáo Chủ chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni; thiên cung là cõi trời Đao Lợi, nơi đức Phật giảng bộ kinh này. Đức Thế Tôn phó chúc sự nghiệp giáo hóa chúng sanh sau khi đức Phật diệt độ cho Địa Tạng Bồ Tát. ‘Diệc Địa Tạng u đồ hóa nhân chi niệm thiết tại chuyên hành, nhân quả bất sảng như mao phát giả’ (Cũng là ý niệm của Địa Tạng giáo hóa chúng sanh ở chốn u đồ khẩn thiết ở chỗ chuyên hành, nhân quả dẫu nhỏ như sợi tóc cũng chẳng sai), một bên là người phó thác, còn một bên là người nhận sự phó thác, Địa Tạng Bồ Tát là người nhận sự phó thác của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài vô cùng từ bi, phát nguyện làm U Minh giáo chủ. U Minh, mọi người thường nhìn hai chữ này liền nghĩ tới ngạ quỷ, địa ngục, thật ra ý nghĩa của hai chữ này rất rộng. U Minh nghĩa là vô minh, chẳng phá vô minh là ở trong U Minh, từ nghĩa này mà nói thì thập pháp giới đều là U Minh. Phật, Bồ Tát trong thập pháp giới còn chưa phá vô minh, chưa thấy pháp thân, do đó phạm vi của hai chữ U Minh này rất rộng. Địa Tạng Bồ Tát phải gánh vác sứ mạng giáo hóa chúng sanh trong thập pháp giới. ‘Vì thế nên được sự ủng hộ to lớn’, câu này là tổng kết, vì hai duyên cớ này nên ngài được chư thiên, thiên vương, thiên thần ủng hộ.

          Phẩm này giảng tới đây là chấm dứt, phẩm sau là phẩm ‘Kiến Văn Lợi Ích’, trong phần Lưu Thông đây là ‘Kiến Văn Lợi Ích Lưu Thông’.  Trong chú giải trang bốn mươi sáu, hàng thứ nhất có một đoạn giới thiệu đơn giản, giới thiệu chương này, ‘vị kiến Địa Tạng chi tượng, văn Địa Tạng chi danh, vô bất hoạch đại lợi ích. Liệt đồng Quán Âm văn danh, kiến thân, tâm niệm giả giai năng diệt khổ’ (Nói nhìn thấy tượng Địa Tạng Bồ Tát, nghe danh hiệu Địa Tạng, chẳng có ai không đạt được lợi ích to lớn. Giống như nghe danh hiệu, nhìn thấy hóa thân, tâm niệm Quán Âm đều có thể diệt khổ), ý nghĩa câu này rất sâu. Nhìn thấy hình tượng của Bồ Tát, nghe tới danh hiệu Bồ Tát thật là có thể diệt khổ hay không?  Đúng vậy, nhưng không phải ngay hiện tại, mà là trong tương lai. Hiện nay trồng nhân, như câu nói ‘Một phen lọt vào tai thì vĩnh viễn thành hạt giống đạo’, mắt bạn nhìn thấy tướng, đó là ‘một phen lọt vào mắt thì vĩnh viễn thành hạt giống đạo’, do đó lợi ích này không thể nghĩ bàn. Khi nào mới đạt được lợi ích này? Tới khi nào tâm hạnh của bạn tương ứng với tâm hạnh của Bồ Tát thì lúc đó lợi ích sẽ hiện ra. Tuy nhìn thấy hình tượng, nghe danh hiệu, nhưng tâm của bạn, hành vi của bạn chẳng tương ứng với Bồ Tát thì lợi ích đó sẽ không thể hiện ra, đạo lý là như vậy. Phía dưới nói ‘Kiến thân trí lễ, tức thân nghiệp cơ’ (Thấy thân biết lễ, đó là thân nghiệp), nhìn thấy thân Bồ Tát thì bạn biết lễ kính, đó thuộc về thân nghiệp; nghe danh bạn cũng bìết xưng niệm, bạn cũng biết niệm một câu ‘Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát’, đó là khẩu nghiệp; bạn có thể dùng thân lễ bái, dùng miệng xưng danh, đó là ý nghiệp.

          ‘Cơ cảm ký thành, minh hiển tự ứng’ (Cơ cảm đã thành, minh và hiển tự ứng), phía sau dùng thí dụ, cảm ứng đạo giao có minh ứng, có hiển ứng. Khi chúng ta nói công đức lợi ích không thể hiện ra, đó là minh ứng; còn công đức lợi ích có thể hiện ra là hiển ứng; hiển ứng là sự lễ kính, xưng danh, tâm hạnh của bạn tương ứng với Bồ Tát. Nói cách khác tương ứng với lý luận, phương pháp, cảnh giới nói trong kinh điển, sự cảm ứng này thật rõ ràng, đó là hiển ứng. Nếu chúng ta cũng lễ kính, cũng xưng danh, cũng đọc kinh nhưng tư tưởng, hành vi của chúng ta chẳng tương ứng với những gì dạy trong kinh điển, chúng ta đều chẳng thể thực hiện như lời dạy trong kinh thì cảm ứng đó gọi là minh ứng, chẳng có hiện ra rõ ràng. Cũng là nói trước mắt bạn vẫn phải chịu khổ, vẫn sẽ gặp nạn, thậm chí còn có thể đọa lạc, vẫn rơi vào lục đạo luân hồi y như cũ. Bạn không thể nói là không có cảm ứng hoặc là minh ứng, chỉ vì sức cảm ứng rất nhỏ. Nhất định là có cảm ứng nhưng không mạnh mẽ, cảm ứng này rất yếu ớt. Sức mạnh của phiền não tập khí của bạn vô cùng mạnh mẽ, do đó hiển thị chẳng thấy Phật, Bồ Tát bảo hựu cho bạn, gia trì bạn. Nếu bạn thật sự có thể y giáo phụng hành, bạn có thể làm được, sức ‘Cảm’ của bạn rất mạnh thì sức chư Phật, Bồ Tát ‘Ứng’ cũng mạnh mẽ, ngay trong hiện tại có thể chuyển nghiệp, đó là việc vô cùng rõ ràng.  Chúng ta phải hiểu đạo lý này, hiểu rõ sẽ giúp đỡ rất nhiều cho sự tu học của chúng ta.

          Kiến văn Lợi Ích phẩm đệ thập nhị.

 

 

PHẨM  THỨ 12: THẤY NGHE ĐƯỢC LỢI ÍCH

見聞利益品第十二

 

          Trong đoạn này, pháp sư Thánh Nhất ở núi Đại Dự gọi phẩm kinh này là Tăng Bảo, Ngài quy kết đoạn cuối của kinh này vào Tam Bảo, điều này cổ đại đức chưa nói qua. Pháp sư Thánh Nhất giảng kinh này lần đầu ở  Cửu Hoa Sơn, đoạn cuối quy kết vào Tam Bảo, nói hay vô cùng. Tôi rất tán thán Ngài, quy kết về Tam Bảo mới là lợi ích chân thật. Cấu trúc của bộ kinh này rất hay, phần mở đầu kinh, đức Phật phóng hào quang thành những vầng mây sáng rỡ, phần kết thúc của kinh lại phóng hào quang rực rỡ. Chúng tôi đọc qua nhiều kinh điển Đại Thừa, trong kinh nói đức Phật phóng hào quang hơn phân nửa đều chỉ phóng một lần, còn hai lần, ba lần, nhiều lần thì rất ít. Trong kinh này, phần đầu và cuối đều phóng hào quang, xin xem tiếp:

         

          Nhĩ thời Thế Tôn, tùng đảnh môn thượng phóng bách thiên vạn ức đại hào tướng quang.

爾時世尊。從頂門上放百千萬億大毫相光。

Lúc đó, từ trên đảnh môn Đức Thế Tôn phóng ra cả trăm ngàn vạn ức tướng tia sáng lớn.

          ‘Nhĩ thời’, là lúc đức Thế Tôn nói xong việc người y giáo tu hành được Kiên Lao địa thần, thiên vương và thiên thần cõi trời Dục Giới, trời Sắc Giới ủng hộ và nói rõ lý do người đó được ủng hộ, nói xong đức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng hào quang từ đỉnh đầu. Trong chú giải cũng có nói, chúng ta hãy đọc một lượt ‘Tự Nhĩ Thời chí cáo chư đại chúng, giai kinh gia sở thuật chi văn’ (Từ chữ ‘Nhĩ thời’ tới chữ ‘cáo chư đại chúng’ đều là lời các vị kết tập kinh thuật lại), chữ kinh gia là chỉ những người kết tập kinh tạng, họ thuật lại chuyện này,vì đây không phải là do đức Phật Thích Ca nói, đây là lời ghi lại tình huống lúc bấy giờ. ‘Kháp ư Địa thần hộ pháp phẩm hậu phóng quang giả, vi chứng tiền khởi hậu, lịnh chư chúng sanh đổ tướng ngộ tâm, các các tự tri nhất đoạn bất tư nghị bổn hữu chi thường quang dã’ (Ở ngay sau phẩm Địa Thần Hộ Pháp, đức Phật liền phóng quang là để chứng minh những điều đã nói trong phần trước, dẫn khởi những điều sẽ giảng trong phần sau, khiến cho chúng sanh thấy tướng liền ngộ tâm, ai nấy đều biết tới một đoạn thường quang chẳng thể nghĩ bàn mà chính mình sẵn có), đây là nói rõ dụng ý của đức Phật phóng hào quang. ‘Chứng tiền khởi hậu’, phần trước trong phẩm Thần thông trên cung trời Ðao Lợi (Đao Lợi Thiên Cung Tập Hội), trong phẩm Tựa đức Phật phóng đại quang minh vân, tiền hô hậu ứng. Dụng ý ở đây, mọi người nghe kinh cũng gần hết bộ kinh này rồi, làm cho đại chúng nhìn thấy thoại tướng này có thể khai ngộ. Ngộ cái gì? Thế Tôn nói từ đầu tới cuối đều là nói về tự tánh của chúng ta, đó chính là câu ‘ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm’. Nhưng những gì nói trong kinh này đều là tình huống trong lục đạo tam đồ, [vậy thì] lục đạo tam đồ từ đâu đến? Từ tự tánh biến hiện ra, chẳng lìa tự tánh, chúng ta phải suy sét cặn kẽ điểm này.

          ‘Đảnh môn’ là đỉnh đầu, phóng quang từ đỉnh đầu, nói rõ đây chẳng phải là hào quang bình thường, mà là phóng quang hiện thoại tướng. Trong chú giải cũng có giải thích về việc phóng quang từ đỉnh đầu, tiêu biểu ‘Nhất Thiết Chủng Trí’, giống như ý nghĩa của sự phóng quang hiện tướng lành trong hội Lăng Nghiêm. Chú giải dạy chúng ta, làm cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của tướng lành này ‘Do thử Địa Tạng diệu tượng gia danh, chiêm lễ xưng niệm nhi tiến ư cực quả giả’ (từ danh hiệu tốt đẹp và hình tượng nhiệm mầu của ngài Địa Tạng, [hành nhân] chiêm lễ xưng niệm sẽ đạt đến cực quả), làm cho chúng ta ngộ nhập vào ý tứ này.  Ở Trung Quốc, bốn đại Bồ Tát tượng trưng cho các tầng lớp trong sự tu học, bắt đầu học từ đâu? Bắt đầu từ Địa Tạng. Nếu dùng ngôn ngữ hiện đại mà nói thì Địa Tạng tượng trưng cho sự xây dựng tâm lý, nếu không dùng tâm tốt, không dùng tâm thiện, thì sẽ không biết bắt đầu tu học từ đâu. Địa là tâm địa, Tạng là bảo tàng (kho báu), bảo tạng thí dụ cho trí huệ, đức năng. Trong tâm chúng ta chứa đựng vô lượng trí huệ, đức năng, đó chính là Địa Tạng. Bạn phải thể hội được, phải mở mang trí huệ đức năng trong tự tánh. Dùng phương pháp gì để mở mang? Dùng Hiếu Kính, do đó kinh này là hiếu kinh trong nhà Phật. Làm thế nào thực hiện hiếu kính? Gần đây lúc giảng kinh chúng tôi thường nhắc nhở chúng ta phải coi hết thảy chúng sanh hữu tình như ‘cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai’, bạn phải thực hiện hiếu kính tới mức này. Hết thảy tất cả chúng sanh chính là cha mẹ của mình, chính là chư Phật tương lai. Đối với cha mẹ chính mình thì bạn biết hiếu kính, vị lai chư Phật bạn sẽ có thể tôn sư, đó là thực hiện hiếu kính. Tôi đã từng nói qua nhiều lượt, nếu nói ‘coi như’ thì cũng còn cách xa một tầng, [chúng ta phải nghĩ] họ thật sự là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai. Không thể ‘coi như’, ‘coi như’ thì xa rồi. [Chúng ta phải nghĩ họ] thật sự là mới đúng.

          Do đó tôi khuyến khích hết thảy những vị hộ pháp trong Niệm Phật Đường phải coi mỗi người niệm Phật như cha mẹ chính mình, coi như chư Phật vị lai. Nếu bạn dùng tâm này để phục vụ trong làng Di Đà, phục vụ trong Niệm Phật Đường thì bạn mới có thể cảm động được hết thảy chư Phật hộ niệm, trong kinh nói các vị thiên vương, thiên thần ở các cõi trời đều tới ủng hộ. Đó là đạo lý gì? Tâm chân thành cảm ứng được. Ở đây khác với các viện dưỡng lão. Hiện nay trong xã hội, con cái của bạn chưa chắc đã hiếu thảo với bạn, tôn kính bạn. Khi bạn tham dự vào làng Di Đà và Niệm Phật Đường thuộc Cư Sĩ Lâm ở Tân Gia Ba, mỗi người ở đó đều coi bạn như cha mẹ chính mình, như chư Phật Như Lai. Tại sao đạo tràng này lại hưng vượng như vậy? Các bạn ở đây niệm Phật vài ngày thì bạn sẽ cảm thấy khí phận ở đây chẳng giống với các đạo tràng khác, lòng người cũng khác nhau, tâm tình của họ đối xử với bạn khác nhau, đây là điểm mà các đạo tràng khác không có. Tại sao người ở đạo tràng này có thể làm được? Vì họ mỗi ngày nghe kinh, mỗi ngày nghe pháp, mỗi ngày chúng tôi đều giảng giải, mỗi ngày đều khuyên nhủ thì dần dần họ sẽ giác ngộ, họ sẽ hiểu rõ, họ sẽ chuyển đổi tâm niệm trở lại. Chúng ta dùng tâm hiếu thuận, tâm cung kính để đối đãi với hết thảy chúng sanh. Chẳng phải chỉ riêng đối với Niệm Phật Đường mà hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật, chúng ta cũng dùng tâm hiếu thuận, tâm cung kính để đối xử. Khi tâm đã chuyển đổi, tư tưởng cũng thay đổi, thì đó là tư tưởng chuyển biến, kiến giải chuyển biến, đây chính là chuyển phàm thành thánh.

          Xây một đạo tràng không khó, hiện nay mọi người đều có tiền của, khó là khó ở chỗ đi đâu tìm con hiếu, cháu hiền như vậy, bạn đi đâu tìm được? Con hiếu, cháu hiền là ai? Chư Phật Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ, họ mới chính là con hiếu, cháu hiền, rất khó tìm họ được. Có những người này hộ niệm, có những người này ủng hộ, ủng hộ chính là hộ pháp, thì đạo tràng này mới thù thắng, đạo tràng này mới có thể thành tựu cho người vãng sanh bất thoái thành Phật ngay trong một đời, cho nên đạo tràng hiếm có là ở chỗ này, khó tìm cũng là ở chỗ này. Có đạo tràng, nếu không có người giảng rõ ràng, giảng giải một cách thâm nhập thì cũng không được, không thể tương ứng. Công tác này phải nhờ các bạn đồng học, những người xuất gia phát tâm học Giáo, các bạn phải phát tâm gánh vác trách nhiệm này. Hết thảy đại chúng làm thế nào tương ứng với kinh giáo, tương ứng với chư Phật Như Lai, phải nhờ các bạn hết lòng sốt sắng giảng giải, khuyến hóa.

Xin xem đoạn kinh kế tiếp:

 

          Sở vị bạch hào tướng quang, đại bạch hào tướng quang, thụy hào tướng quang, đại thụy hào tướng quang, ngọc hào tướng quang, đại ngọc hào tướng quang, tử hào tướng quang, đại tử hào tướng quang, thanh hào tướng quang, đại thanh hào tướng quang, bích hào tướng quang, đại bích hào tướng quang, hồng hào tướng quang, đại hồng hào tướng quang, lục hào tướng quang, đại lục hào tướng quang, kim hào tướng quang, đại kim hào tướng quang, khánh vân hào tướng quang, đại khánh vân hào tướng quang, thiên luân hào quang, đại thiên luân hào quang, bảo luân hào quang, đại bảo luân hào quang, nhật luân hào quang, đại nhật luân hào quang, nguyệt luân hào quang, đại nguyệt luân hào quang, cung điện hào quang, đại cung điện hào quang, hải vân hào quang, đại hải vân hào quang.

所謂白毫相光。大白毫相光。瑞毫相光。大瑞毫相光。玉毫相光。大玉毫相光。紫毫相光。大紫毫相光。青毫相光。大青毫相光。碧毫相光。大碧毫相光。紅毫相光。大紅毫相光。綠毫相光。大綠毫相光。金毫相光。大金毫相光。慶雲毫相光。大慶雲毫相光。千輪毫光。大千輪毫光。寶輪毫光。大寶輪毫光。日輪毫光。大日輪毫光。月輪毫光。大月輪毫光。宮殿毫光。大宮殿毫光。海雲毫光。大海雲毫光。

          Như là: Tia sáng tướng màu trắng, tia sáng tướng màu trắng lớn; tia sáng tướng tốt lành, tia sáng tướng tốt lành lớn; tia sáng tướng ngọc, tia sáng tướng ngọc lớn; tia sáng tướng màu tía, tia sáng tướng màu tía lớn; tia sáng tướng màu xanh, tia sáng tướng màu xanh lớn; tia sáng tướng màu xanh biếc, tia sáng tướng màu xanh biếc lớn; tia sáng tướng màu đỏ, tia sáng tướng màu đỏ lớn; tia sáng tướng màu lục, tia sáng tướng màu lục lớn; tia sáng tướng màu vàng y, tia sáng tướng màu vàng y lớn; tia sáng tướng mây lành, tia sáng tướng mây lành lớn; tia sáng ngàn vòng tròn, tia sáng ngàn vòng tròn lớn; tia sáng vòng tròn báu, tia sáng vòng tròn báu lớn; tia sáng vầng mặt trời, tia sáng vầng mặt trời lớn; tia sáng vầng mặt trăng, tia sáng vầng mặt trăng lớn; tia sáng cung điện, tia sáng cung điện lớn; tia sáng mây biển, tia sáng mây biển lớn.

          Tổng cộng là mười sáu câu, ba mươi hai loại hào quang. Đoạn này trong chú giải chép rất tường tận, hào quang từ đỉnh môn phát ra, hào nghĩa là gì? Bạch hào. Đỉnh môn của Phật, giữa hai chân mày có hai sợi bạch hào. Bạch hào là một trong ba mươi hai tướng tốt, chúng ta thường niệm bài kệ tán Phật ‘Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di’. Báo thân của Phật rất lớn, hai sợi bạch hào của Ngài cuốn tròn vào nhau, thành ra như một hạt châu ở chính giữa hai chân mày, thật ra đó không phải là hạt châu mà là hai sợi bạch hào cuốn tròn vào nhau. Đức Phật thường phóng quang từ bạch hào. Trong chú giải nói ‘Hào tướng thị nhất, tức dụng chi thể, quang sắc bất đồng, tức thể chi dụng’ (Hào tướng là một, là thể của dụng.  Quang sắc khác nhau, là dụng của thể). Đây là nói rõ mười sáu câu đều nói về một thứ ‘một tức là nhiều, nhiều tức là một’. Kinh Hoa Nghiêm nói về pháp giới ‘lý sự vô ngại, sự sự vô ngại’. Trong chú giải chia ra thành ba mươi hai câu để nói, bai mươi hai tức là một, hào tướng quang, ‘nhiều tức là một’. Trong hào quang có rất nhiều màu sắc khác nhau, ‘một tức là nhiều’. Nói một là nói về Thể, nói nhiều là nói về Dụng, Thể tuy là một, tác dụng của nó khác nhau. Ở đây, pháp sư Thanh Liên chú giải, Ngài trích dẫn ‘Pháp Hoa Văn Cú’, dùng năm màu thí dụ cho năm nẻo, màu xanh thí dụ cho nhân quả địa ngục, màu vàng thí dụ cho nhân quả ngạ quỷ, màu đỏ thí dụ cho nhân quả súc sanh, màu trắng thí dụ cho nhân quả người, trời. Trong đó chia ra đại sắc, tiểu sắc, tiểu sắc tượng trưng Nhị Thừa, đại sắc tượng trưng Bồ Tát; phía sau còn có sắc ngắn thí dụ Bồ Tát trong Biệt Giáo, sắc dài thí dụ nhân quả của Phật, nhân quả của Phật tức là Bồ Tát trong Viên Giáo.

          ‘Chư văn khai hiệp tùy ý’ (Các đoạn kinh văn có thể hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp tùy ý), sự giải thích kinh văn có thể dùng ý hiểu được, chẳng có cách nói nhất định, giống như ý nghĩa của sự tiêu biểu pháp trong kinh Hoa Nghiêm, người nhân thấy điều nhân, người trí thấy điều trí. Tùy theo kiến địa của bạn, bạn nhìn được sâu thì sẽ giải thích được sâu; bạn nhìn được rộng thì sẽ nói được rộng. Nhưng sâu rộng cũng phải khế cơ, vì giảng kinh thuyết pháp trên giảng đài không phải là tự thọ dụng, mà vì làm lợi ích cho kẻ khác, nhất định phải quan sát căn cơ của thính chúng, họ tiếp nhận được bao nhiêu thì bạn giảng bấy nhiêu. Nếu dựa vào cảnh giới của chính mình để giảng thì thính chúng chưa chắc có thể tiếp nhận, họ không thể tiếp nhận nghĩa là thuyết pháp không khế cơ, có khế lý khế cơ thì mới là Như Lai thuyết, Bồ Tát thuyết, chúng ta phải nên học điều này. Trong đại kinh, đức Phật nói với chúng ta khế lý chẳng khế cơ thì không phải là lời đức Phật nói. Đối với hiện tượng này, đức Phật nói rất đúng, những lời nói tán dóc khế lý chẳng khế cơ. Không thể nói là bạn sai, nhưng người nghe xong không hiểu, không thể hiểu ý nghĩa, chẳng được ích lợi gì. Những lời tán dóc, nếu nói khó nghe một chút thì nó chính là lời nói vô ích. Nếu khế cơ nhưng không khế lý thì đức Phật dạy đó chính là lời của ma nói. Điểm lợi ích của lời Phật, Bồ Tát thuyết pháp là đều khế cơ và khế lý. Khế lý thì tương ứng với tánh đức, khế cơ là thích hợp với trình độ của thính chúng. Đây là việc chúng ta phải chú ý. Ý nghĩa tiêu biểu pháp này trong tông Thiên Thai, phần cuối có hai câu rất hay ‘Thử do Pháp Hoa cửu giới đồng quy, Tam Thừa hàm hội’[3], hai câu này rất hay. Cửu giới là chỉ chín pháp giới, Tam Thừa là Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác. Cũng có người nói Ngũ Thừa, Ngũ Thừa thì thêm Nhân, Thiên. Như trong Tịnh Độ Tông nói ‘Ngũ Thừa khế nhập báo độ’, đây là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn phi thường.

          Sau đây là tướng thứ nhất ‘Bạch Hào Tướng quang’, thứ nhất nói màu trắng, màu trắng là màu căn bản, cách nói này là nói thuận theo chúng sanh, chúng sanh cho rằng màu trắng là màu căn bản, đức Phật hằng thuận chúng sanh tùy hỷ công đức nên cũng nói màu trắng là màu căn bản. Tại sao vậy? Chỉ có màu trắng mới có thể hòa hợp với những màu khác, bạn vẽ trên một trang giấy trắng rất dễ dàng, muốn vẽ gì thì vẽ cái đó, nếu bạn dùng giấy màu để vẽ thì bạn sẽ cảm thấy khó khăn.  Giấy màu đỏ không thể tiếp nhận sơn màu đỏ, nhất định phải dùng màu khác với màu đỏ mới thấy được. Giấy màu xanh không thể dùng sơn màu xanh, chỉ có giấy màu trắng mới có thể dùng bất cứ sơn màu gì cũng được, cho nên dùng nó để tiêu biểu cho màu căn bản. Bạch hào của đức Phật ở chính giữa hai chân mày, đó cũng có ý nghĩa tiêu biểu pháp, hàng thứ sáu trong chú giải ghi ‘Ðại Luận vân’ (Đại Luận nói), Ðại Luận là Ðại Trí Ðộ Luận, trong Ðại Trí Ðộ Luận có nói như vầy ‘Bạch hào my gian trì, bạch quang dụ lưu ly’ (Bạch hào ở chính giữa chân mày, bạch quang ví dụ như lưu ly), câu thứ nhất nói vị trí của bạch hào ở chính giữa hai chân mày, lúc phóng quang thì nó siêu việt lưu ly. Ý nghĩa phía sau rất quan trọng, ‘tại nhân hạnh bố thí thời, thích khả tiền nhân ý, khởi tự tại nghiệp nhân duyên’ (lúc tu nhân bố thí, nếu bố thí các vật vừa ý người nhận sẽ tạo được nhân duyên các nghiệp tự tại.). Mấy câu này vô cùng quan trọng! Trong các tướng hảo của Như Lai, tu như thế nào mới được tướng bạch hào? Tu bố thí. Bố thí cái gì? [Bố thí những vật] rất vừa ý của người nhận bố thí; nói cách khác, những gì bạn bố thí chính là những gì họ cần, nhân hạnh này có thể cảm được quả báo bạch hào.

          ‘Khởi tự tại nghiệp nhân duyên’, câu này rất hay, đức Phật được đại tự tại, tại sao ngày nay chúng ta không được tự tại? Chúng ta cũng tu bố thí, kết quả của việc bố thí như thế nào? Không được đúng như ý muốn. Hoặc là bạn tu bố thí, bạn phát tâm miễn cưỡng, trong đó có ngờ vực, lo lắng. Thí dụ như việc cứu trợ tai nạn, chúng ta thấy những tai nạn ở Ðại lục, thủy tai lần này nghiêm trọng chưa từng thấy, nhiều người muốn bố thí, bố thí xong nhưng cứ đặt câu hỏi: “Không biết tiền của tôi bố thí có thể trao đến tay của người bị nạn hay không?”. Có bị người trung gian cắt xén không? Ngờ vực lo lắng rất nhiều nên không dám bố thí, muốn bố thí nhưng không dám, vậy thì bạn làm sao được tự tại!  Những chuyện giống như vậy rất nhiều. Biết đó là chuyện tốt, muốn làm nhưng không dám làm, lúc bố thí cứ suy đi nghĩ lại, lo lắng quá nhiều thì bạn sẽ được quả báo không vừa ý. Ðức Phật trong kinh thường dạy tài thí thì được giàu sang, [lý do] bạn kiếm được đồng tiền nhưng không toại ý, kiếm tiền rất vất vả là vì lúc bạn tu bố thí chẳng như ý, bạn chẳng bố thí một cách sảng khoái, bạn bố thí một cách miễn cưỡng, tương lai bạn được quả báo cũng rất nhọc nhằn, không được tự tại, là đạo lý như vậy. Tướng bạch hào của đức Phật là do bố thí rất tự tại, bố thí vừa ý, hợp ý người ta nên mới thành tựu được tướng hảo này.

          Hôm nay đã hết giờ, chúng ta giảng tới đây thôi.

 

[1] Tán Chi là một vị đại tướng trong số tám đại tướng của Tỳ Sa Môn thiên vương. Như vậy Tán Chi quỷ thần chính là Tán Chi đại tướng và các vị quỷ thần do Ngài thống lãnh.

[2] Quỷ Tử Mẫu (Ha Rị Đế, Ha Lợi Đế) là một vị thần được sùng phụng trong Mật Giáo như thần hộ pháp.

[3] Hội nghĩa là cùng gom lại một chỗ. Tức là Tam Thừa gom về Nhất Thừa, cửu giới cùng thành Phật giới nên gọi là đồng quy.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.