Pháp sư

[TẬP 41]: Chịu Thiệt Thòi Là Phước.


Chư vị đồng học!

Phần trên chúng tôi giảng đến “Tây Phương Tịnh Độ, Ngũ Nghịch Thập Ác thập niệm thành tựu, đới nghiệp vãng sanh, cư Hạ Hạ phẩm giả, giai đắc tam Bất Thoái dã” (Tây Phương Tịnh Độ, kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác mười niệm thành tựu, đới nghiệp vãng sanh, thuộc vào Hạ Hạ phẩm, đều đắc ba thứ Bất Thoái). Câu này thuyết minh vãng sanh thành tựu thù thắng, thuyết minh công đức lực dụng chẳng thể nghĩ bàn của kinh này, “thử điểm thị viên chứng thắng dị, tức thử kinh bất tư nghị đích lực dụng” (điều này hiển thị viên chứng thù thắng, lạ lùng, đó chính là lực dụng chẳng thể nghĩ bàn của kinh này). Chúng tôi đã giảng Ngũ Nghịch rồi, sách Yếu Giải có giảng về Ngũ Nghịch và Thập Ác. Thập Ác tương phản với Thập Thiện Nghiệp. “Thân tam”: Giết, trộm, dâm; đấy là ba điều ác do thân tạo. “Khẩu tứ”: Tức là nói về ngôn ngữ có bốn điều ác lớn:

1) Vọng ngữ: Lừa dối chúng sanh, nói lời không thành thật, không đúng với sự thật.

2) Lưỡng thiệt: Khuấy động thị phi, khiến hai bên ghét nhau. Nhỏ là giữa hai người, lớn là khích động hiềm khích giữa hai quốc gia. Hai quốc gia bất hòa sẽ phát động chiến tranh. Bởi thế, tội ác lưỡng thiệt hết sức vô cùng nghiêm trọng. Tùy theo tai hại lớn hay nhỏ, thời gian gây ảnh hưởng dài hay ngắn mà quả báo tại A Tỳ địa ngục [sẽ dài hay ngắn].

3) Ác khẩu: Nói lời thô lỗ khó nghe. Hữu ý hay vô ý đều làm tổn thương người ta, khiến cho chúng sanh kết thành oán cừu. Rất nhiều khi chính kẻ nói không biết mình đã kết mối oán cừu, không hiểu vì sao kết thành oán. Vì vậy, nói năng không phải là chuyện dễ. Khổng lão phu tử dạy học, xếp ngôn ngữ vào khoa mục thứ hai, khoa mục thứ nhất là đức hạnh, khoa mục thứ hai là ngôn ngữ. Vì thế, cổ nhân nói: “Khẩu vi họa phước chi môn” (Miệng là cái cửa dẫn đến phước hay họa); tức là nói đến ngôn ngữ, lời lẽ hiền lành, dịu dàng mang đến hạnh phúc cho quý vị; nếu như ác khẩu, lưỡng thiệt sẽ mang đến hung tai. Bởi vậy, miệng đúng là cái cửa dẫn đến phước hay họa.

4) Ỷ ngữ: Hoa ngôn xảo ngữ dẫn dụ, mê hoặc người khác, đại đa số là dẫn dụ, mê hoặc con người làm chuyện chẳng lành. Trong xã hội hiện thời, chuyện này hết sức phổ biến. Quý vị xem đó: Đối với cái mà hiện thời gọi là nghệ thuật thì nội dung biểu diễn là gì? Ca múa là gì? Tuồng tích là gì? Âm nhạc là gì? Hầu như toàn là ỷ ngữ, nội dung chẳng ngoài giết, trộm, dâm, dối. Xã hội ngày ngày dạy đại chúng như thế thì xã hội làm sao an định được?

Người Trung Quốc bàn đến hòa bình, an lạc: Nếu có thể đối đãi hòa thuận với hết thảy đại chúng, đối xử hòa thuận với thiên nhiên thì tâm liền bình. Tâm có bình thì ta mới có thể được an, nay chúng ta gọi là “cảm giác an toàn”. Thân tâm an ổn thì mới vui, người tu hành gọi là “có định”. Thân tâm không có cảm giác an toàn, người thế gian nào có vui chi? Người tu hành làm sao đắc định được! Vì sao không thể? Bốn lỗi nơi miệng chính là cội nguồn. Bởi vậy, nếu chúng ta muốn thực sự đạt đến hòa bình an lạc thì nhân tố bậc nhất của sự an lạc hòa bình là “lời lành”, khẩu nghiệp phải lành! Nhất định không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không ỷ ngữ thì xã hội mới hòng an định. Vì thế, ngàn vạn phần chẳng được vì bản thân mình mà nói mấy lời giả dối gạt gẫm người, cho là đùa chơi không can hệ gì, can hệ lớn lắm đấy! Gây tai nạn cho cả thế giới đấy! Nay muốn tiêu trừ ác nghiệp của chính mình, muốn giúp hết thảy chúng sanh khổ nạn trong thế gian được tiêu tai miễn nạn thì phải bắt đầu từ đâu? Từ “khéo giữ nghiệp miệng” mà khởi đầu là đúng. Ai nấy đều biết khéo giữ nghiệp miệng thì xã hội an định, thế giới hòa bình, nhân dân hạnh phúc.

Thực hiện từ đâu? Từ ngay chính bản thân mình, phải làm gương cho đại chúng xã hội thấy. Xã hội ngày nay dường như tất cả nghệ thuật diễn xuất tuyệt đại đa số là nội dung bất thiện; cái gì bất thiện chúng ta không xem, không nghe, không tiếp xúc. Cái gì thiện lương thì ta đến xem, thưởng thức. Giống như sinh viên phân ban âm nhạc của đại học Côn Sĩ Luân (Queensland) vào Chủ Nhật tổ chức nhạc hội quy mô lớn với hơn cả trăm người, diễn tấu âm nhạc cổ điển mời tôi, tôi cũng đến tham dự. Vì sao? Đó là sự vui thú chánh đáng, chúng ta phải đề xướng. Nội dung bất thiện, chúng ta quyết định chẳng đến dự hòng tu dưỡng đạo đức của chính mình.

Hiện tại, những người trẻ tuổi một chút định lực cũng không có, thật không hay. Theo cách giáo dục của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc thì phải tu dưỡng định lực từ nhỏ. Cái định lực ấy chẳng phải là ngồi xếp bằng tịnh tọa trong nhà Phật, mà chính là phải học tập cái tâm nhẫn nại, học tập tính ổn trọng. Tâm con người hiện tại thô phù, bộp chộp, chẳng phải là điều hay. Cái tâm nhẫn nại để nghe nhìn bài giảng trong một giờ không có. Hiện tại cái tâm kiên nhẫn lâu nhất không quá nửa giờ, nhất định phải có những trò biểu diễn phụ thêm thì quý vị mới có hứng thú. Nếu chỉ nghe giảng đơn điệu, khô khan vô vị, quý vị nghe không vô; bởi thế, phải có động tác, phải có biểu diễn. Điều này khiến chúng tôi nghĩ đến việc dạy học pháp xuất thế gian trong đời trước, chứ không cần nói đến cách dạy học trong nhà Phật, [học trò] hết sức cung kính lắng nghe, mỗi một buổi học tối thiểu là hai tiếng đồng hồ.

Trước kia, trường tư dạy học, mỗi buổi học phải từ hai đến ba tiếng đồng hồ, giữa chừng không có giờ nghỉ. Sáng sớm liền vào học, đến lúc tan học gần đến giờ ăn trưa, khoảng chừng ba tiếng đồng hồ, thầy trò ở cùng một chỗ. Đó là sao? Vun đắp cái tâm nhẫn nại, vun quén định lực. Nay chúng ta giảng kinh trong giảng đường cũng là lên lớp, mỗi buổi học là hai tiếng đồng hồ, giữa chừng phải nghỉ mười phút để mọi người giãn gân giãn cốt. Dạy học suốt một tiếng đồng hồ như thế, có rất nhiều người bảo tôi: “Người trẻ tuổi không kham nổi buổi học kéo dài một giờ như vậy, nghe giảng suốt một tiếng đồng hồ không chịu nổi!” Không sai! Đúng là nghe không nổi. Vì sao vậy? Vì nghe không hiểu. Giống như ăn món gì đó chẳng thưởng thức được mùi vị. Nếu nghe mà hiểu được, nếm được mùi vị, sẽ không bỏ được. Đừng nói là mỗi buổi học một giờ, dù giảng đến bốn giờ, người ấy cũng chẳng buông lung một phút nào. Vì sao? Nghe rất thú vị. Trong Phật pháp gọi là “pháp vị”, Nho gia gọi là “bất diệc duyệt hồ?” (cũng chẳng vui sao?); nhà Phật gọi là “pháp hỷ sung mãn”, nghe giảng thực sự nhập cảnh giới.

Lúc tôi còn bé đang học tiểu học, trong xã hội vẫn còn có lệ kể sách. Những đứa trẻ chúng tôi thường đến nghe, càng nghe càng thú vị, quên mất thời gian. Có lúc quên cả giờ cơm, càng nghe càng thấm thía. Nay nghệ thuật này còn tồn tại rất ít, may ra ở Trung Quốc Đại Lục hãy còn, chứ ở Đài Loan không còn nữa. Tại ngoại quốc đương nhiên càng tìm không ra. Đó là một loại nghệ thuật giáo dục xã hội, nội dung quá nửa là những chuyện lịch sử. Chúng tôi thích nghe kể nhất là Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tận Trung Thuyết Nhạc tức là truyện kể về Nhạc Phi, vị anh hùng dân tộc trong lịch sử. Nội dung là trung hiếu tiết nghĩa. Bởi vậy, trong quá khứ có rất nhiều người dân chẳng được giáo dục, nhưng họ thông hiểu đạo lý làm người, học từ đâu ra? Học từ nghệ thuật diễn xuất ấy. Đó là giáo dục đấy! Giáo dục ẩn trong trò vui, gần như trong mấy ngàn năm ở Trung Quốc cách giáo dục ấy rất có hiệu quả; nói đúng ra, [nghệ thuật kể sách ấy] rất đáng đề xướng. Như thế thì ngôn ngữ quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác, phải học nhé! Nếu khẩu nghiệp nặng thì mức độ nhẹ là ngục Bạt Thiệt (kéo lưỡi), mức độ nặng là A Tỳ địa ngục, chẳng tầm thường đâu!

“Ý tam ác”: Tham, sân, si. Keo kiệt, tham lam, nóng giận, ngu si. Đó là Thập Ác. Thập Ác là “cực trọng chi tội, vi đọa địa ngục tam đồ chi nhân” (tội hết sức nặng, là cái nhân của tam đồ địa ngục). Vì vậy, nay chúng ta phải chú tâm quan sát, con người rất ít ai tự biết rõ mình; thấy lỗi người khác, chứ không thấy lỗi mình, đó là ngu si. Chẳng thấy lỗi mình, làm sao tự đổi lỗi sửa mới cho được? Tu hành chẳng có gì khác, tu hành là sửa lỗi, Tu là sửa đổi, Hành là hành vi lầm lỗi. Sửa đổi cho đúng những hành vi lầm lạc thì gọi là Tu Hành. Thân chúng ta tạo Thập Ác, đấy chính là hành vi bất thiện, quý vị sửa đổi những lỗi đó, thân không giết, không sát sanh. Chẳng những không sát sanh, mà còn phải yêu thương, che chở hết thảy chúng sanh, càng tích cực yêu thương, che chở chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh. Đó là thiện nghiệp, thiện hạnh.

Không trộm cắp: Giới kinh nhà Phật giảng cái tội trộm cắp hết sức vi tế, rất thấu triệt. “Đạo” (盜: trộm cắp) là không cho mà lấy. Phàm là vật có chủ, tài vật có chủ, không được chủ nhân đồng ý ta cứ tự động xài, hoặc dời động đều không được. Quý vị dời, cất, chủ nhân tìm không ra. Vì thế phải luôn tính chuyện thuận tiện cho người khác. Phật pháp dạy không trộm cắp được đại phú, không giết được trường thọ, mạnh khỏe sống lâu. Không giết, không dâm sẽ đạt được tướng hảo, quang minh, dung mạo đoan chánh, nay chúng ta gọi là “tươi tắn, rạng rỡ, dung mạo tươi sáng, rạng ngời!” Chúng sanh trông thấy quý vị bèn tôn trọng, kính yêu, quả báo hết sức thù thắng.

Quả báo của không vọng ngữ là thành tín, lời nói của quý vị được người khác tin tưởng. Nói năng được đại chúng tín nhiệm, giáo hóa được thành tựu, có thành tích khả quan. Nếu không, quý vị chẳng có đức hạnh, dẫu có lòng tốt, dẫu có ý tốt dạy người đến mấy, người ta chẳng tin tưởng, gây nên rất nhiều vấn đề, khó khăn lắm! Thiện tâm, thiện ý giúp đỡ người khác, người khác chẳng bằng lòng tiếp nhận. Nguyên nhân là gì? Do nghiệp nhân vọng ngữ.

Lưỡng thiệt càng đáng sợ hơn, khiến người ta chẳng dám tiếp xúc quý vị. Vì sao? Sợ bị làm hại. Quý vị có cái tập khí ấy thì có lúc hữu ý tổn thương người, có lúc vô ý, vô ý cũng hại người. Lưỡng thiệt rất đáng sợ. Hiền thánh, thiện tri thức dạy chúng ta phải “kính nhi viễn chi” những con người như vậy để khỏi bị hại. Gặp phải người tổn hại mình, con người có hai thứ phản ứng khác nhau:

1) Nếu không giác ngộ kha khá, chắc chắn sẽ ôm lòng hận thù, đợi

thời cơ trả đũa. Trong lịch sử Trung Quốc, những chuyện như vậy rất nhiều. Lịch sử là tấm gương: Oan oan tương báo khổ không thể kể nổi!

2) Người giác ngộ thì phản ứng tốt hơn. Người thực sự giác ngộ có phản ứng như sau: Họ nghe mình nói, nếu quả thật có lỗi, họ bèn sửa đổi. Nếu không thì càng cố gắng. Người ấy chẳng oán hận quý vị mà còn cảm kích. Vì sao? Quý vị nói ra khiến họ tích cực phản tỉnh, quả nhiên mình có những sai lầm đó, tự mình không thấy được, nay nhờ quý vị nói ra, tự mình sửa đổi cho tốt hơn. Nếu quý vị nói lời giả dối, không chân thật, tức là vọng ngữ thì người giác ngộ nghe xong cũng chẳng trách móc quý vị, mà càng gắng sức chẳng phạm vào lỗi đó. Đó là phản ứng của người giác ngộ, của bậc thiện nhân!

Thế nhưng quý vị phải biết: Trong xã hội này, người giác ngộ thì ít, thiện nhân ít, người mê nhiều, người không giác ngộ nhiều, chuyện này phiền phức lắm! Nói những lời vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu với người mê, người không giác ngộ sẽ tạo thành oan gia đối đầu, rất phiền toái, phải chịu quả báo trong đời mai sau.

Như vậy, chúng ta tu hành là chuyển mười ác nghiệp thành mười thiện nghiệp, đối với người khác tuyệt chẳng vọng ngữ, mà nói lời thành thật, tâm và miệng như một, nói gì quyết phải làm đó. Chẳng được nghĩ con người trong xã hội hiện tại đều là lừa dối, có ai nói thật với người khác đâu? Lập luận như vậy, thoạt nghe tưởng là đúng, nhưng thật ra là sai. Người khác đều nói lời không thật, nhưng nếu quý vị hiểu rõ nhân quả ba đời, quý vị biết kẻ đó tạo những nghiệp gì, tương lai đi vào con đường nào? Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh! Nếu quý vị cũng bắt chước họ, giống như họ, trong tương lai quý vị nhất định phải đi vào ba ác đạo, lầm lạc mất rồi!

Dẫu mọi người đều vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, ỷ ngữ hết cả, ta vẫn nhất định không làm theo. Vì sao? Ta chẳng mong mỏi đi vào ba ác đạo. Ta hy vọng trong tương lai vẫn được thiện quả mang thân trời người thì ta chẳng được vọng ngữ, chẳng được lưỡng thiệt; ác khẩu, ỷ ngữ đều không được. Nếu quý vị muốn cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì lại càng không được [làm những điều đó]. Vì sao? Tây Phương Cực Lạc thế giới “giai thị chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (đều là thượng thiện nhân cùng nhóm lại một chỗ). Đức Phật dạy chúng ta như vậy, muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới phải tu Thập Thiện Nghiệp thượng phẩm. Trung phẩm Thập Thiện là nhân đạo. Thượng phẩm Thập Thiện là thiên đạo. Nói cách khác, chúng ta muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì tiêu chuẩn thấp nhất là thiên đạo. Như vậy, há có thể giết, trộm, dâm được ư? Há có thể vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ ư? Chẳng thể được! Quyết định chẳng thể được! Trong ý niệm chẳng thể có tham, sân, si, phải buông xuống, nhất định phải biết hết thảy tất cả thế gian, xuất thế gian đều là mộng, huyễn, bọt, bóng. Người khác muốn thì ta cứ nhịn, cứ nhường. Nhường nhịn (nhẫn nhượng) là lúc mới vừa học, học đến giai đoạn thành thục sẽ nhường, vui vẻ nhường, không còn phải nhẫn nữa. Lúc mới học phải nhẫn, dần dần không còn nhẫn nữa. Nhẫn là có lúc thấy rất khó chịu, nhưng nhường lâu ngày sẽ vui vẻ làm!

Đức Phật dạy chúng ta trong mỗi niệm đều phải có tâm bố thí, cúng dường. Điều đó rất hay, bố thí cúng dường được đại phước báo. Người khác lừa mình, mình hoan hỷ. Vì sao? Kẻ đó gạt mình lấy của, là mình Tài Cúng Dường cho hắn. Không có chút áo não chi hết! Hắn xâm chiếm mình, mình cũng rất vui vẻ, mình bố thí cúng dường cho hắn, hành đạo Bồ Tát mà! Nhất định phải nhớ kỹ: Đừng nói Phật pháp, ngay trong thế gian pháp, nếu trong mạng quý vị nhất định có thì dẫu có bỏ cũng bỏ chẳng được. Trong mạng không có, có muốn ôm giữ cũng không được!

Bởi vậy, đối với của cải, người có trí huệ biết cách tán tài, trong Phật pháp gọi [tán tài] là “quảng tu cúng dường” (rộng tu cúng dường). Dùng cái tâm chân thành, cung kính để cúng dường, không một mảy keo tiếc, dứt keo tham! Chúng ta học được điều gì, nhất định phải thực hiện điều đó trong cuộc sống thường nhật thì mới thực sự được thọ dụng, thường sanh lòng hoan hỷ. Tâm bình khí hòa, tâm an lý đắc, môn học vấn ấy thực sự hữu dụng, mang lại hạnh phúc chân thật viên mãn cho cả một đời ta. Nếu không học Phật, trong xã hội hiện tại người bất thiện nhiều, chúng ta giao tiếp với họ bị thiệt thòi, ngày ngày uất ức. Hằng ngày bực bội thì điều tổn thất đầu tiên là thân thể bị tổn hoại đến nỗi thành bệnh.

Chúng tôi thấy thổ dân Úc châu, theo như tường thuật của một nữ bác sĩ người Mỹ, bà ta sống cùng với họ trong một thời gian, [nhận thấy] những lời họ nói rất có lý. Bà ta thấy cách họ trị bệnh, trong quan niệm của thổ dân, mỗi tế bào trên thân người đều có sanh mạng. Đúng đấy! Mỗi một người đều có rất nhiều sanh mạng chúng sanh cùng sống trên một thân thể. Trong số thổ dân có một người đi đường vô ý, té xuống vách núi, té từ vách núi cao hơn hai mươi mét xuống, chân dập nát, gãy xương. Chẳng dễ gì cứu anh ta lên được. Cứu lên xong, họ bèn đặt anh ta nằm ngửa, xương gãy hết sức nghiêm trọng, đầu xương gãy đã lòi ra. Toàn thân đẫm máu. Thầy lang của thổ dân đặt anh chàng nằm thẳng ra xong, bèn chữa trị. Cách chữa trị như thế nào?

Giống như xoa bóp vậy, nhưng xoa bóp từ từ, tay không chạm đến thân người bệnh, cái chân bị thương vẫn còn cách tay thầy thuốc rất xa. Xoa bóp nhưng không đụng đến thân người bệnh. Vừa xoa bóp, vừa trò chuyện, lúc nói, âm thanh ngữ điệu hết sức dễ nghe, giống như đang ca hát. Bà bác sĩ hỏi ông ta làm như vậy nghĩa là sao? Thầy lang bảo ông ta đang trò chuyện với đầu xương bị tổn thương, trò chuyện với những tế bào ở bộ phận bị thương, hy vọng chúng nó sẽ hợp tác, khôi phục bình thường. Thần kỳ sao! Thực sự hữu hiệu! Ông ta làm như vậy độ ba bốn tiếng đồng hồ sau, đầu xương thực sự co lại, tự động lành lại.

Sau đó, thầy lang mới lấy cao trét lên vết thương. Dùng phương pháp của xứ đó: Lá cây và còn có thứ chi đó, chế thành cao dường như rất đậm đặc, bôi trét lên vết thương. Họ không có bông băng, cũng chẳng có kim khâu, cũng chẳng có thuốc sát trùng, cái gì cũng không có! Mọi người an ủi anh chàng bị thương, đến hôm sau anh ta hoàn toàn khỏe hẳn, có thể đi được! Bà bác sĩ thấy vậy sững sờ, đúng là một kỳ tích! Hỏi ông lang nguyên do? Ông ta bảo: “Mỗi một tế bào và xương, lúc té bị thọ thương, chúng bị chấn động, kinh hoàng; nay dùng cách ca hát để vỗ về chúng, khôi phục sự ổn định, bình tịnh của chúng thì chúng sẽ trở thành bình thường”, đúng là thẳng thừng, đơn giản chẳng thể nghĩ bàn!

Bởi thế, bà bác sĩ rất cảm khái. Y học Tây Phương hoàn toàn tương phản với cách trị liệu tự nhiên này. Thổ dân dùng phương pháp tự nhiên, tự nhiên khôi phục. Xương gãy nghiêm trọng như vậy mà đến hôm sau bèn bình phục. Điều này cho thấy vũ trụ sống động hoạt bát; cách nói ấy hoàn toàn giống với kinh Lăng Nghiêm: “Nhất thiết nhân quả, thế giới, vi trần, nhân tâm thành Thể” (Hết thảy nhân quả, thế giới, vi trần, do tâm mà thành Thể). Tâm là kiến văn giác tri. Bởi vậy, mỗi tế bào đều có thể thấy, nghe, hay, biết. Dùng lời lẽ tốt đẹp an ủi nó, vui vẻ giúp đỡ nó, nó cũng hợp tác với quý vị, nên tự nhiên khôi phục! Vì thế ngữ điệu của thầy lang rất thư thả, nhu hòa giống như đang ca hát.

Chúng tôi nghe sự kiện này, chúng tôi tin tưởng. Vì sao? Trong kinh đức Phật thường giảng. Chúng ta đọc thấy rất nhiều, nhưng chưa từng thấy, chưa từng thí nghiệm. Giống như thổ dân Úc châu nói, cách trị bệnh của họ là thí nghiệm, đúng là giống như kinh Phật dạy. Những thí nghiệm nghiên cứu của tiến sĩ Giang Bổn Thắng tại Nhật Bản cũng giống như kinh Phật nói. Ngày hôm qua chúng tôi liên lạc, mồng Hai tháng Tám ông ta sẽ đến Bố Lý Tư Bản (Brisbane). Trước đó, có thể vào cuối tháng Bảy ông ta đến Mặc Nhĩ Bổn (Melbourne), đến Mặc Nhĩ Bổn tiện hơn, chúng tôi mời ông ta đến đó.

      Đó là thiện ý, thiện tâm, thiện hạnh, chắc chắn có chỗ hay. Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc dạy chúng ta: “Ngật khuy thị phước” (Chịu thiệt thòi là phước), quý vị chẳng chịu thiệt thì một chút phước báo cũng không có. Chịu thua thiệt lớn, sẽ có phước báo lớn. Chịu thiệt thòi nhỏ, có phước báo nhỏ. Con người hiện tại chẳng tin điều này, người hiện tại cho là mê tín, quan niệm ấy sai lạc sao! Nhất định phải làm gì? Phải cạnh tranh, phải tranh đấu, tranh đấu đến cuối cùng là hai bên cùng thua thiệt, thương tổn, họa hại thay! Quý vị chẳng biết con đường cầu phước, chỉ biết đến cái thân này, chẳng biết có đời sau.

      Trong thế gian này, ngay đến cái thân chúng ta cũng chẳng được coi rất quan trọng. Vì sao? Chúng ta muốn chết đi bèn được thăng lên, càng thăng lên càng tốt. Chúng ta có được về thế giới Cực Lạc hay không hoàn toàn do quyết tâm, do ý chí, do tâm hạnh, đó là ba điều kiện. Quý vị có quyết tâm, có chí nguyện, có hành vi, nhà Phật gọi là Tín - Nguyện - Hạnh, hạnh ấy là thiện hạnh. Kinh Di Đà Tiểu Bổn chú trọng chấp trì danh hiệu; chấp trì danh hiệu thì phải hiểu ý nghĩa của danh hiệu. Trong Hệ Niệm Pháp Sự, thiền sư Trung Phong khai thị rất rõ ràng: Tín là quyết định chẳng hoài nghi, Nguyện phải tương ứng với bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật. Trong Pháp Sự, Ngài giảng Hạnh rất rõ ràng, rất minh bạch là chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, tâm chẳng điên đảo. Lão nhân gia lại nêu cả lời của Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy trong kinh Lăng Nghiêm: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai” (Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, chẳng nhọc phương tiện, tâm được tự khai). Đó là chân hạnh!

Bởi vậy, cơ sở của tu hành là Thập Thiện Nghiệp Đạo, không có Thập Thiện Nghiệp Đạo thì cũng như quý vị tu hành không có cội rễ! Trong thế gian này, ngay cả thổ dân Úc châu cũng hiểu rõ điều đó; chúng ta đến thế gian này giống như lữ du, đến ngắm cảnh, thời gian rất ngắn ngủi, tạm bợ, sẽ phải lìa khỏi nơi đây rất mau. Quyết định chẳng được mảy may lưu luyến hết thảy mọi thứ trong thế gian này. Hễ có chút lưu luyến, quý vị sẽ chẳng thể lìa thoát nơi đây; phải hiểu đạo lý ấy. Ở nơi này, chúng ta dựng được một đạo tràng, xây cất rất tráng lệ, vàng ngọc choáng lộn, cũng chớ nên lưu luyến. Vì sao? Nếu lưu luyến, mai sau chết đi, quý vị chẳng thể lìa khỏi chỗ này. Quý vị lưu luyến nó, chẳng thể bỏ được nó. Trong đạo tràng này chẳng có nam nữ giao phối thì làm thế nào bây giờ? Trong đạo tràng có chuột, có gián, có ruồi nhặng, có kiến. Úi chà! Quý vị bèn đầu thai vào những loài động vật đó, cho rằng nơi này là nhà mình, như vậy là ngu si đấy nhé!

Nếu quý vị có thể lìa bỏ cái đạo tràng này, đến ở trong thiên đường, nơi ấy thù thắng hơn chỗ này nhiều lắm! Thiên đường cũng chẳng được lưu luyến, quý vị vẫn phải vượt lên chỗ thù thắng hơn nữa. Hễ lưu luyến là xong, chẳng được có chút mảy may tham luyến nào! Đối với hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật, quyết định chẳng được có chút mảy may lưu luyến gì. Lời Phật thường giảng ta phải ghi nhớ: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng), “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh” (hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng). Có năng lực, có phước báo, toàn tâm toàn lực giúp đỡ những chúng sanh cần thiết, nhất định phải bỏ mình vì người, hy sinh dâng hiến. Người thế gian hay nói “hy sinh dâng hiến” dường như có ý gắng chịu thống khổ trong ấy, người giác ngộ không giống vậy, họ vui thích cúng dường. Vì sao? Đây là cơ hội tu phước, cơ hội tu huệ, phước huệ song tu. Đạt đến địa vị Như Lai thì phước huệ mới thực sự viên mãn rốt ráo, không miễn cưỡng tu mà là hoan hỷ tu.

Tiểu đoạn thứ tư kế tiếp đó là: “Thập Lục Quán Kinh, Hạ Phẩm Vãng Sanh Chương vân” (Thập Lục Quán Kinh, chương Hạ Phẩm Vãng Sanh nói), phép Quán cuối cùng trong Thập Lục Quán Kinh là: “Ngũ Nghịch Thập Ác, như thử ngu nhân, lâm chung ngộ thiện tri thức khuyến linh niệm Phật, như thị chí tâm, linh thanh bất tuyệt, cụ túc thập niệm, tức đắc vãng sanh Cực Lạc thế giới” (Ngũ Nghịch, Thập Ác, kẻ ngu như thế, lâm chung gặp thiện tri thức khuyên niệm Phật, liền chí tâm [niệm Phật] như thế khiến cho tiếng niệm không dứt. Đầy đủ mười niệm liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc). “Tuy cư Hạ Hạ Phẩm, giai dữ Bổ Xứ Bồ Tát câu, tức đắc viên chứng tam Bất Thoái, nhất sanh thành Phật” (Tuy thuộc Hạ Hạ Phẩm, nhưng đều cùng ở chung với Bổ Xứ Bồ Tát, liền chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái, thành Phật trong một đời). Câu cuối cùng này hết sức trọng yếu, là câu khai thị tinh yếu, đẹp đẽ nhất của Ngẫu Ích đại sư trong phần này. Trong phần trước, tôi đã trình bày cùng quý vị điều này: Một đời tạo Ngũ Nghịch, Thập Ác, lúc lâm chung, gặp được thiện tri thức khuyên dạy niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, kẻ ấy vừa nghe bèn hoan hỷ, liền tiếp nhận, liền sám hối nghiệp chướng, bèn thực sự được vãng sanh. Ở trên, tôi đã thưa cùng quý vị rồi: Kẻ ấy chẳng tầm thường, trong đời quá khứ đã tu học Tịnh Tông, tu hết sức giỏi, có thiện căn hết sức sâu dầy. Đáng tiếc là trong một đời này bị mê, không gặp được thiện tri thức, mê suốt cả đời; nhưng chủng tử thiện căn đời trước trong A Lại Da Thức của kẻ đó hết sức mạnh. Bởi thế, trong lúc lâm chung,  gặp được  thiện duyên  khích động  thiện căn  ấy, thiện  căn phát

hiện, lập tức khởi tác dụng.

Nếu trong đời quá khứ không có thiện căn và phước đức ấy sẽ không xong! Người không có thiện căn, phước đức, nhân duyên, quý vị sẽ thường thấy bị hôn mê trong lúc lâm chung. Người bị hôn mê là xong rồi! Dẫu đời này tu giỏi đến đâu đi nữa, lúc lâm chung mà bị mê là hỏng, đầu óc không sáng suốt, lúc ấy sẽ lưu chuyển theo nghiệp. Chúng ta trợ niệm cho họ chỉ có thể nói là trợ niệm tốt hơn không trợ niệm mà thôi, đó là điều chắc chắn. Có thể trợ niệm cho người ấy vãng sanh được hay không? Không dễ dàng gì, đúng là trợ niệm có thể giúp cho người ấy được vãng sanh, người ấy sẽ thực sự được vãng sanh nếu thiện căn và phước đức của người ấy hiện tiền. Nhờ vào sự trợ niệm để dẫn phát thiện căn và phước đức của người ấy, khiến người ấy phát nguyện vãng sanh niệm Phật cùng mọi người, bèn thành công. Nếu bản thân người ấy không có ý niệm gì thì người khác trợ niệm sẽ giúp người chết đó giảm nhẹ tội nghiệp, giảm nhẹ sự đau khổ, nhưng chẳng thể vãng sanh. Vãng sanh nhất định phải do tự mình phát nguyện, người khác không có cách nào gia trì cho quý vị được. Nếu người khác có biện pháp gia trì cho mình, thì chúng ta khỏi cần phải niệm Phật nữa, A Di Đà Phật đại từ đại bi đã sớm tiếp độ chúng ta đi rồi.

Trong kinh giáo thường nói: “Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt” (Tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ không sai biệt). Quý vị phải hiểu đạo lý này. “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh” (Hết thảy pháp sanh từ tâm tưởng), chẳng phải là tâm tưởng người khác, mà là tâm tưởng của chính ta. Trong tâm mình không có ý niệm ấy, không có cách nghĩ ấy thì một tí ti phương cách gì cũng không có. Chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật này, phải thấu hiểu. Ngàn vạn phần chẳng được bỏ lỡ đời này, phải thực sự buông xuống, phải thực sự tu thiện, đoạn ác, hy vọng ngay trong đời này chẳng còn bỏ lỡ cơ hội nữa. Nhất định phải nắm lấy cơ hội này. Cái gì cũng có thể buông xuống được cả, ngay cả thân thể cũng không lưu luyến, huống chi vật ngoài thân? Quý vị buông xuống được thì đâu còn chướng ngại gì gây chướng ngại vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới! A! Bây giờ đã hết giờ rồi!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa