Chư vị đồng học!
Chúng ta cũng đọc qua đoạn kinh văn tiếp theo đó một lần:
Xá Lợi Phất! Chúng sanh văn giả, ưng đương phát nguyện, nguyện sanh bỉ quốc.
舍利弗。眾生聞者。應當發願。願生彼國。
(Này Xá Lợi Phất! Chúng sanh nghe nói, hãy nên phát nguyện, nguyện sanh về cõi ấy).
Hai câu này rất quan trọng.
Sở dĩ giả hà? Đắc dữ như thị chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ.
所以者何。得與如是諸上善人。俱會一處。
(Vì sao vậy? Được cùng với các thượng thiện nhân như vậy cùng nhóm họp một chỗ).
Đoạn này nói cho chúng ta biết về các thượng thiện nhân. Từ ngữ “chư thượng thiện nhân” chỉ các Đẳng Giác Bồ Tát, tức những bậc Nhất Sanh Bổ Xứ. Nhất Sanh Bổ Xứ mới là Thượng Thiện Nhân! Nói bao quát là “đầy đủ công đức tăng thượng, duyên thù thắng”, duyên ấy rất thù thắng, nhân sự hoàn cảnh tốt đẹp, được sự vui “nhân hòa”. Thế giới Cực Lạc đúng là thiên thời, địa lợi, nhân hòa không khuyết hãm mảy may nào. Bởi vậy, đức Thế Tôn khuyên chúng ta: “Ưng đương phát nguyện, nguyện sanh bỉ quốc” (Hãy nên phát nguyện, nguyện sanh về cõi ấy). Quý vị nghĩ lời nói ấy đúng hay sai? Khắp mười phương thế giới, tìm không ra hoàn cảnh nào thù thắng đến như thế, trọn đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nếu thực sự chịu phát nguyện vãng sanh, sẽ vĩnh viễn thoát khỏi nỗi khổ luân hồi lục đạo trong thế giới Sa Bà. Nếu quý vị chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, lại chẳng thể chứng đắc minh tâm kiến tánh, ắt phải chịu cái khổ luân hồi trong lục đạo. Quý vị kết ác duyên với hết thảy chúng sanh, oan oan tương báo, đời đời kiếp kiếp chẳng xong, càng nghĩ càng đáng sợ!
Lại xem tiếp đoạn thứ hai [trong sách Yếu Giải]: “Đới nghiệp vãng
sanh hoành xuất tam giới, Đồng Cư hoành cụ tứ độ, khai hiển tứ giáo pháp luân” (Đới nghiệp vãng sanh là thoát khỏi tam giới theo chiều ngang, cõi Đồng Cư theo chiều ngang có đủ bốn cõi, khai hiển tứ giáo pháp luân). Trước hết, chúng tôi nói dăm câu: Trong một đời này, chúng ta có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc đúng là do đới nghiệp vãng sanh. Nếu chẳng đới nghiệp thì về căn bản, chúng ta chẳng có cơ hội vãng sanh! Đới nghiệp vãng sanh là thoát khỏi tam giới theo chiều ngang (hoành xuất tam giới). Quý vị phải biết: Mọi cách tu hành khác chẳng phải là “hoành xuất”, mà là “thụ xuất” (thoát ra theo chiều dọc). Nếu quý vị muốn vượt thoát lục đạo luân hồi, phải đi qua Tứ Vương Thiên, Đao Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, thoát khỏi Dục Giới như vậy, lên đến Sắc Giới. Trong Sắc Giới phải trải qua Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, tất cả mười tám tầng trời, lại phải vượt qua bốn tầng Không Thiên để thoát khỏi luân hồi lục đạo, nên gọi là “thụ xuất”. Trong tứ thánh pháp giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật là “thụ xuất”. Còn người đới nghiệp vãng sanh thì sao? Hoành siêu! Chẳng cần phải đi theo con đường trên, chúng ta từ nhân đạo vượt ngang ra, nên gọi là “hoành xuất tam giới”, chẳng phải là “thụ xuất”, thoát ra từ nhân đạo.
Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng thực sự chẳng thể nghĩ bàn! Cõi Đồng Cư có đủ cả bốn cõi [Tịnh Độ] theo chiều ngang. Chúng ta về đó đương nhiên là về Phàm Thánh Đồng Cư độ, đới nghiệp mà! Bốn cõi [Tịnh Độ] trong thế giới chư Phật ở mười phương không ở cùng một chỗ, Thích Ca Mâu Ni Phật có Thật Báo Độ, nhưng Thật Báo Độ ấy chẳng ở trên địa cầu chúng ta, chẳng ở cùng một nơi. Ngài có Phương Tiện Hữu Dư Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ thuộc tứ thánh pháp giới, còn Thật Báo Độ là Nhất Chân pháp giới, không ở cùng một chỗ. Giống như các trường học trong thế gian này: Tiểu học, trung học, đại học tách rời nhau. Tiểu học là tiểu học, trung học là trung học, đại học là đại học, không ở cùng một chỗ. Tây Phương Cực Lạc thế giới rất đặc biệt, đại học, trung học, tiểu học, viện nghiên cứu cùng dạy trong một phòng học, rất đặc biệt; bởi thế, nó là pháp khó tin! Chúng ta đến đó là học trò tiểu học, nhưng cùng học chung một lớp với chúng ta có những sinh viên đại học, có nghiên cứu sinh, có sinh viên thuộc ban Tiến Sĩ, chúng ta gặp khó khăn gì họ bèn giúp cho, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn! Vì vậy, sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ giống như sanh vào Phương Tiện Độ, vì sao? A La Hán là đồng học của mình, cùng học chung với mình trong một phòng học; giống như sanh vào Thật Báo Độ, vì ở chung một chỗ với Bồ Tát, giống như sanh vào Thường Tịch Quang Độ, vì sao? Chư Phật Như Lai cũng ở chung một chỗ với mình!
“Khai hiển tứ giáo pháp luân”, ý nói: Chúng ta đến đó tiếp nhận sự giáo dục viên mãn. Tứ giáo là Giáo, Lý, Hạnh, Quả. Ngẫu Ích đại sư thuộc tông Thiên Thai, Ngài học giáo lý Thiên Thai. Trong tông Thiên Thai, Tứ Giáo là Tạng, Thông, Biệt, Viên. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới được hưởng nền giáo dục viên mãn, một chính là bốn, bốn chính là một. Thầy dạy cao minh, đồng học cao minh, đồng học đều là Đẳng Giác Bồ Tát, là các thượng thiện nhân.
“Chúng sanh viên tịnh tứ độ”: “Chúng sanh” chính là chúng ta; chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, đến nơi ấy tâm thanh tịnh, bốn cõi Tịnh Độ đều thanh tịnh. “Viên” là viên mãn, [“viên tịnh tứ độ” ] là bốn cõi thanh tịnh viên mãn, cũng có nghĩa là tâm thanh tịnh đều tương ứng với bốn thứ Tịnh Độ. “Viên kiến tam thân, viên chứng tam Bất Thoái” (Thấy trọn ba thân, chứng trọn ba thứ Bất Thoái): Ở đây, phải chú ý đến ba chữ “viên”. Vì sao? Chỉ có Tây Phương Cực Lạc thế giới là hết thảy viên mãn. Lúc ở những thế giới phương khác, dẫu có thể thấy, có thể nghe, nhưng không viên mãn! Chỉ riêng ở Tây Phương Cực Lạc thế giới, hết thảy đều viên mãn, đó là do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì. Tam thân: Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân. Ba Bất Thoái là Vị Bất Thoái, Hạnh Bất Thoái, và Niệm Bất Thoái. Ba thứ Bất Thoái này chúng tôi chừa lại để giới thiệu trong phần sau.
“Nhân dân giai nhất sanh thành Phật” (nhân dân đều thành Phật trong một đời): Hãy chú trọng chữ “giai”. “Giai” có nghĩa là phàm những ai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới đều không có ngoại lệ, ai nấy đều thành Phật trong một đời. Thời gian một đời có khác biệt, có người sớm một chút, có kẻ chậm một chút, vì nguyên nhân nào vậy? Nguyên nhân chẳng ở bên ngoài, mà ở ngay nơi mình. Nếu quý vị siêng gắng tu hành, sẽ sớm có ngày thành Phật, vượt lên trước. Nếu quý vị biếng nhác, giải đãi, tán loạn một chút, thời gian để thành Phật của quý vị phải dài hơn. Đây chẳng phải là do thầy, chẳng phải do đồng học, chẳng phải do hoàn cảnh tu học, mà là vì chính mình dụng công siêng năng hay lười nhác. Muốn siêng học thì tốt nhất phải tập thành ngay từ bây giờ, nuôi dưỡng thành thói quen, thói quen ấy có thể mang sang thế giới Cực Lạc. Nói cách khác, đến thế giới Cực Lạc thời gian để thành tựu của quý vị sẽ rút ngắn lại.
“Như thị đẳng thắng dị siêu tuyệt” (Sự thù thắng, lạ lùng vượt trội không còn gì hơn được nữa như thế đó): Thù thắng, lạ lùng là khác với mọi thế giới. Chẳng những vượt trỗi, mà còn siêu tuyệt (vượt trội mọi thứ, không gì hơn được nữa), “toàn tại thử nhị khoa điểm thị, tu đế nghiên chi” (hoàn toàn được trình bày trong hai khoa này, phải nên nghiên cứu kỹ càng): Sự thù thắng trang nghiêm siêu tuyệt khôn sánh của thế giới Cực Lạc nằm ở trong hai đoạn kinh văn này: Y báo mầu nhiệm và chánh báo mầu nhiệm, tức là hai đoạn kinh văn này tường thuật sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo. Ngẫu Ích đại sư đặc biệt dặn dò chúng ta phải tích cực nghiên cứu, chẳng được coi thường.
Trong phần trên đã nói tới Bất Thoái. Bất Thoái có ba loại:
1) Vị Bất Thoái “nhập thánh lưu, bất đọa phàm địa” (nhập dòng thánh, chẳng đọa xuống địa vị phàm phu).
Hạng người nào vậy? Tiểu Thừa Sơ Quả, bậc Sơ Trụ của Biệt Giáo, bậc Sơ Tín trong Viên Giáo (tức là Sơ Tín Vị Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm), bọn họ đắc Vị Bất Thoái. Những địa vị này là địa vị thánh nhân, quyết định chẳng thoái chuyển làm phàm phu nữa. Các Ngài đoạn hết tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, kiến giải chính xác, chẳng phải là tà tri tà kiến. Để thuận tiện cho việc giảng dạy, đức Phật gộp tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc thành năm loại lớn: Thứ nhất là Thân Kiến, thứ hai là Biên Kiến, thứ ba là Giới Thủ Kiến, thứ tư là Kiến Thủ Kiến, thứ năm là Tà Kiến. Nói chung đều là kiến giải sai lầm, cách thấy sai lầm, đối với vũ trụ, đối với nhân sinh, đối với hết thảy vạn pháp đều nhìn sai lầm. Những cách nhìn sai lầm ấy họ đều buông xuống được, có cách nhìn chính xác, chẳng còn thoái đọa làm phàm phu.
Phàm phu có cách nhìn sai lầm, cách nghĩ cũng sai lầm; nhưng phàm phu thì sao? Phàm phu chấp chặt cách nghĩ và cách nhìn của mình là chính xác, nghĩ người khác đều trật, bởi thế, họ vĩnh viễn là phàm phu. Con người phải biết sai mới thay đổi được; chẳng biết lỗi mình thì làm sao sửa? Kẻ ấy luôn nghĩ mình đúng, người khác sai, Phật, Bồ Tát có nói cũng cho là sai, là mê tín; vậy là không có cách nào hết. Lúc nào biết sai, lúc ấy mới sửa đổi được. Trong Phật pháp nói đến tu hành thì sửa đổi cho đúng những lầm lạc là tu hành, chẳng phải là chuyện dễ dàng! Sơ Quả và Sơ Tín Bồ Tát thuộc Viên Giáo, dẫu chưa thoát tam giới, chưa vượt khỏi luân hồi lục đạo, nhưng quyết định chẳng đọa ba ác đạo. Như Sơ Quả Tiểu Thừa chứng đắc Sơ Quả, bảy lần sanh vào cõi người hay cõi trời mới chứng A La Hán, bèn thoát tam giới. Các Ngài tu hành chẳng gián đoạn giữa chừng, chứng quả, đạt Vị Bất Thoái.
2) Loại thứ hai là “Hạnh Bất Thoái, hằng độ sanh”. “Hằng” (恆) là vĩnh viễn, tâm nguyện độ sanh chẳng bị thoái chuyển, chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, các Ngài chẳng đọa Nhị Thừa. Vì sao? Bậc Nhị Thừa là A La Hán, Bích Chi Phật không độ chúng sanh. Quý vị phải hiểu: Không phải các Ngài không độ sanh, các Ngài cũng độ sanh, nhưng không chủ động! Chúng sanh tìm đến Ngài, lạy Ngài làm thầy, học đạo với Ngài, Ngài tiếp nhận, nhưng Ngài chẳng đi tìm người khác, “không độ chúng sanh” có nghĩa là như vậy. Chẳng giống với Bồ Tát, Bồ Tát đến tìm ta, nhưng lúc Bồ Tát đến tìm ta, Ngài xem xét cơ duyên, xem duyên có chín muồi hay chưa? Chín muồi là gì? Lúc tìm đến quý vị, nếu quý vị có thể tin tưởng, tiếp nhận thì Bồ Tát bèn đến. Nếu thiện căn, phước đức, nhân duyên của quý vị chưa chín muồi, Ngài đến tìm ta, ta chẳng thể tiếp nhận! Quý vị chẳng thể hiểu thấu thì lúc ấy Bồ Tát chẳng đến tìm quý vị!
Đấy chính là điều nhà Phật thường nói: “Phật bất độ vô duyên chi nhân” (Phật chẳng độ kẻ vô duyên). Ở đây, “vô duyên” không phải thực sự là không có duyên gì, mà có nghĩa là duyên chưa chín muồi. Lúc chưa chín muồi, các Ngài không đến; duyên chín muồi bèn đến. Lúc chín muồi thì các Ngài giảng, quý vị tin được, hiểu được, lại còn có thể phụng hành, duyên chín muồi rồi mà! Do Bồ Tát tìm chúng sanh để độ nên trong kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy có câu: “Vị chúng sanh tác bất thỉnh chi hữu” (Vì chúng sanh làm người bạn chẳng mời). Chúng sanh không mời, Ngài cũng đến; không giống như A La Hán, Bích Chi Phật, chúng sanh phải mời mới đến; không mời, họ chẳng đến.
Bồ Tát không mời cũng đến nên là đại từ đại bi. Đó là những vị nào? Đó là bậc Bồ Tát trong Thông Giáo (trong Tạng Giáo không có Bồ Tát, trong Thông Giáo có Bồ Tát), bậc Thập Hồi Hướng trong Biệt Giáo, Thập Tín trong Viên Giáo. Vì vậy, Thập Tín Bồ Tát của Viên Giáo là Hạnh Bất Thoái, đáng quý vô cùng. Bậc Thập Tín của Viên Giáo đắc hai thứ Bất Thoái: Vị Bất Thoái và Hạnh Bất Thoái. Trong Tiểu giáo chỉ có một thứ là Vị Bất Thoái, chứ Hạnh vẫn còn thoái chuyển. Đấy là chỗ thù thắng của Viên Giáo; bởi thế, chư Phật, Bồ Tát tán thán Viên Giáo đến tột bậc, [căn tánh Viên Giáo] là căn tánh viên đốn. Hạng người ấy có tâm từ bi, có tâm trí huệ, niệm niệm chẳng xả chúng sanh, lúc nào cũng chịu giúp đỡ chúng sanh.
3) Loại thứ ba là Niệm Bất Thoái. Thế nào là Niệm Bất Thoái? “Tâm tâm lưu nhập biển Tát-bà-nhã”.
Câu này chẳng dễ hiểu cho lắm. Biển Tát-bà-nhã là gì? Biển Tát-bà-nhã (Sarvajña) chính là Nhất Thiết Chủng Trí thường được Đại Thừa nói đến, nhưng vẫn chưa dễ hiểu. Chúng tôi nói một cách dễ hiểu hơn là: Quý vị niệm niệm tương ứng với trí huệ Bát Nhã sẵn có nơi tự tánh. Tôi nói cách này mọi người đều hiểu, nó có ý nghĩa như vậy đó! Niệm niệm tương ứng với trí huệ chân thật sẵn có nơi tự tánh không dễ dàng đâu! Phàm phu làm không được. Phàm phu niệm niệm sanh phiền não. Niệm niệm tương ứng với trí huệ Bát Nhã sẵn có nơi tự tánh là hạng người nào? [Phải là] người minh tâm kiến tánh; không minh tâm kiến tánh sẽ không thể làm được. Bởi thế, bậc đương cơ của Niệm Bất Thoái chính là Sơ Trụ của Viên Giáo, Sơ Địa của Biệt Giáo. Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, minh tâm kiến tánh. Nhà Thiền nói: “Đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, đấy chính là Niệm Bất Thoái.
Niệm niệm tương ứng với trí huệ quyết định chẳng sanh phiền não, chuyển phiền não thành Bồ Đề, thực sự chuyển biến được, đó là bậc Sơ Trụ của Viên Giáo. Trong Tông Môn gọi là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”; trong Giáo gọi là “đại khai viên giải”, trong pháp môn Niệm Phật gọi là “Lý nhất tâm bất loạn”. Lý nhất tâm bất loạn chính là Sơ Địa trong Biệt Giáo hoặc Sơ Trụ trong Viên Giáo. Biệt Giáo hay Viên Giáo tùy thuộc vào căn tánh của chính quý vị; nếu quý vị quả thật là căn tánh viên đốn thì quý vị nhập cảnh giới của bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo; nếu quý vị không phải là căn tánh viên đốn thì là Sơ Địa của Biệt Giáo, tùy theo căn tánh bất đồng của từng người mà nói.
Biệt Giáo khác với Viên Giáo ở chỗ nào? Viên Giáo biến hết thảy thành rộng lớn, viên dung vô ngại; nhưng Biệt Giáo vẫn còn tính toán dè dặt, còn có chấp trước. Nói cách khác, tâm lượng chưa rộng mở, chưa được viên dung, còn chấp vào phương hướng, đường lối của mình. Viên giáo đáng quý, viên dung tự tại; còn Biệt giáo không viên dung, không được tự tại như Viên Giáo Bồ Tát. Căn tánh được vun trồng từ vô lượng kiếp, chẳng phải là trong một đời một kiếp. Bởi vậy, chúng tôi thường nói: Có người thiên tánh rất hoạt bát, có người thiên tánh rất cẩn thận, câu nệ. Câu nệ, cẩn thận là Tiểu Giáo hay Biệt Giáo; người hoạt bát rất có thể là Viên Giáo. Từ chỗ này có thể nhận biết phảng phất đôi chút hình dạng của Tạng, Thông, Biệt, Viên. Do vậy, có thể thấy được trọn vẹn ba thứ Bất Thoái.
Thấy trọn vẹn ba thân thì thấy ở đâu? Thấy ba thân ngay trên cái thân hiện tại của chúng ta. Mọi người chúng ta đều tưởng cái thân hiện tại chính là thân mình, thân ấy là thân nghiệp báo! Do nghiệp thiện hay ác đã tạo trong đời quá khứ chiêu tập, cảm được báo ứng, thì gọi là “thân nghiệp báo”. Nếu quý vị thực sự giác ngộ thì thân này là Pháp Thân, vì sao? Nó do các pháp sanh ra. Phật quy nạp các pháp lại, quy nạp đến mức đơn giản nhất là Ngũ Ấm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Có gì chẳng phải là pháp? Nói rộng ra một chút là mười hai Xứ và mười tám Giới. Mười tám Giới là sáu Căn, sáu Trần, sáu Thức, hoàn toàn thuộc trong thân thể, chẳng tách rời khỏi thân. Thân ấy do các pháp tụ tập sanh ra, thân ấy chính là Pháp Thân.
Pháp Thân này cùng pháp giới bên ngoài là một, không phải hai. Nếu nói Pháp Thân này và pháp giới bên ngoài là hai chứ không phải một thì quý vị chưa chứng đắc. Sau khi chứng đắc, quý vị sẽ hoàn toàn hiểu rõ thân mình là tiểu vũ trụ, pháp giới bên ngoài là đại vũ trụ. Tiểu vũ trụ và đại vũ trụ là một, chứ không phải hai, tương dung, tương tức (dung nhập lẫn nhau, tiểu vũ trụ chính là đại vũ trụ, đại vũ trụ chính là tiểu vũ trụ), chẳng tách rời. Vì thế, đại vũ trụ bên ngoài chuyển theo tiểu vũ trụ bên trong, cảnh chuyển theo tâm! Đoạn hết vọng tưởng, trí huệ sẽ hiện tiền, thân này là Báo Thân. Báo Thân là thân trí huệ; nhục thể (cái thân xác thịt) trong thế gian là Ứng Hóa Thân, chẳng khác gì so với chư Phật và Pháp Thân Bồ Tát, xác thực là bậc thừa nguyện tái lai (nương theo bổn nguyện tái sanh). Vì sao? Trong thế gian này, quý vị vì người khác diễn nói, chẳng vì chính mình; nếu vẫn vì chính mình thì là phàm phu. Phải không vì chính mình; cái gì mới đúng là chính mình? Toàn thể vũ trụ là chính mình, hết thảy chúng sanh là chính mình, hư không pháp giới là chính mình, Tiểu Ngã và Đại Ngã hợp thành một. Đó là “nhập pháp giới”.
Tiểu Ngã chẳng hợp được thành một với Đại Ngã bên ngoài là chưa nhập pháp giới. Thế nào là “nhập pháp giới”? Quý vị hãy suy nghĩ từ đây. Lúc tôi giảng kinh đã nói khá nhiều lần: Tâm và hư không pháp giới dung hợp thành một thể, thân và vô lượng vô biên cõi nước cùng chúng sanh [trong vô lượng vô biên cõi nước ấy] hợp thành một thể, đó là nhập pháp giới, thực sự dung hợp. Lúc Tiểu Ngã và Đại Ngã hợp nhất, quý vị hãy nghĩ xem: Có còn sanh tử hay chăng? Không có! Cầu sanh tử trọn chẳng thể được, sanh tử không còn nữa! Niết Bàn cũng không có, phiền não không có, trí huệ cũng không có; vì chúng đều là đối lập với nhau [nên cái này không có thì cái kia cũng không có]. Thực sự nhập pháp môn Bất Nhị, Bất Nhị gọi là Nhất Chân, không pháp nào chẳng phải là Nhất Chân, khi đó là Niệm Bất Thoái!
Bộ kinh điển Tịnh Độ này (tức kinh A Di Đà) bị không ít người coi thường vì kích thước quá nhỏ, chỉ là một tập sách nhỏ mỏng tanh. Nếu quý vị đọc rất quen thì chỉ cần năm phút là đọc xong, nhưng trong đây có những đạo lý lớn lao, đạo lý viên mãn rốt ráo, Thật Tướng viên mãn rốt ráo nhiều ngần ấy, nào ai biết? Thực sự chẳng thể nghĩ bàn! Bởi vậy, kinh nói tường tận, nói rộng, giảng tỉ mỉ chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Hiện tại chúng tôi đang giảng một bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, từ lúc mới bắt đầu đến nay đã mất hơn hai ngàn giờ, nhưng mới giảng đến cuốn thứ mười hai! Kinh ấy tổng cộng chín mươi sáu cuốn; vì vậy, tôi tính hà tiện nhất thì cũng phải mất bảy năm mới có thể giảng xong. Tối thiểu phải mất bảy năm, mỗi ngày giảng suốt bốn tiếng đồng hồ.
Cảnh giới, nội dung của kinh Hoa Nghiêm và kinh A Di Đà hoàn toàn tương đồng, một đằng là giảng kỹ, một đằng nói đại lược. Văn tự có rộng - hẹp sai khác, nhưng đạo lý và cảnh giới hoàn toàn tương đồng. Bởi vậy, trong quá khứ tôi từng bảo các đồng học: “Nếu muốn giảng kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà cho hay thì quý vị phải thông kinh Hoa Nghiêm. Chẳng thông kinh Hoa Nghiêm, quý vị giảng hai bộ kinh trên đây sẽ không viên mãn”. Bởi vậy, cổ nhân nói ba bộ kinh này là một bộ kinh, [chỉ là] Đại Bổn, Trung Bổn, Tiểu Bổn của cùng một bộ kinh. Thuyết này hết sức hợp lý.
Xem tiếp đến đoạn dưới, chính là đoạn văn của ngài Ngẫu Ích viết trong sách Yếu Giải: “Tây Phương Tịnh Độ, Ngũ Nghịch Thập Ác thập niệm thành tựu, đới nghiệp vãng sanh, cư Hạ Hạ phẩm giả, giai đắc tam Bất Thoái dã” (Tây Phương Tịnh Độ, kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác mười niệm thành tựu, đới nghiệp vãng sanh, thuộc vào Hạ Hạ Phẩm, đều đắc ba thứ Bất Thoái). Lạ lùng thật! Kinh nói Ngũ Nghịch Thập Ác là những kẻ tội nghiệp nặng nhất trong thế gian, họ có thể vãng sanh hay chăng? Có thể! Lúc lâm chung niệm mười tiếng A Di Đà Phật bèn vãng sanh vẫn được hay sao? Dễ dàng quá vậy? Nhưng quý vị hãy nghĩ coi: Lúc lâm chung, mười tiếng niệm A Di Đà Phật có niệm ra được hay không? Nói về mặt Lý chắc chắn là được, lâm chung một niệm bèn vãng sanh. Vấn đề là lúc lâm chung có niệm được hay không? Quý vị có bảo đảm hay không? Quý vị cứ xét kỹ thì thấy: Lúc lâm chung, có mấy ai được tỉnh táo, sáng suốt? Đó là điều kiện đầu tiên.
Nếu lâm chung hôn mê là xong rồi! Lâm chung hôn mê thì trợ niệm cũng không nhờ vả được. Trợ niệm nhằm toàn tâm toàn lực cảnh tỉnh chúng ta. Phải làm sao mới được vãng sanh? Người sắp chết nghe người khác trợ niệm, đột nhiên giác ngộ, buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm A Di Đà Phật, như vậy thì mới có thể vãng sanh. Nếu lúc lâm chung vẫn còn có sự tình vướng mắc trong dạ, vẫn còn chuyện gì đó chưa buông xuống được, khó buông xuống được nhất chính là thân tình, ân oán, những chuyện này khó buông xuống nhất. Thân tình không buông xuống được, ân oán không buông xuống được, lập tức đọa tam đồ. Lúc mạng chung, nghe một tiếng Phật hiệu mà cái gì cũng đều buông xuống hết thì có thể nói là do thiện căn tu Tịnh Độ trong đời đời kiếp kiếp thuộc quá khứ của người ấy phát hiện trong lúc ấy; người ấy cũng chẳng phải là kẻ tầm thường! Người tầm thường dễ gì may mắn như thế? Bởi vậy, chẳng thể cầu may nơi chuyện này được. Lâm chung một niệm hay mười niệm vãng sanh chính là do thiện căn tu hành trong quá khứ hiện hữu. Trong một đời này không gặp được duyên thì dẫu có thiện căn nhưng thiện căn chẳng thể hiện tiền, chẳng dẫn khởi lên được. [Thiện căn phát khởi thì] lúc lâm chung gặp được thiện tri thức khuyên kẻ ấy niệm Phật, kẻ ấy vừa nghe liền hoan hỷ, vừa nghe liền tin tưởng.
Trước kia, tiên sinh Châu Quảng Đại vãng sanh tại Hoa Thịnh Đốn (Washington), Hoa Kỳ. Ông ta cả đời chưa tiếp xúc Phật giáo, lúc lâm chung cũng hết sức đau khổ, hình như ông ta cũng bị ung thư. Hội Phật Giáo Hoa Thịnh Đốn có những đồng tu quen biết với vợ ông ta, ông ta có tiệm bánh mì. Lúc đó, bà vợ ông không biết làm sao, đem tình hình thống khổ của ông kể với những đồng học thuộc hội Phật giáo tại Hoa Thịnh Đốn. Lúc ấy, tôi còn làm hội trưởng danh nghĩa của hội, có đồng học gọi điện thoại cho tôi, tôi đang sống ở Dallas; tôi nói quý vị phải nhanh chóng trợ niệm, khai thị cho ông ta. Hết sức hy hữu là cư sĩ Cung Chấn Hoa đến khai thị cho ông ta. Cung cư sĩ khéo nói, vừa khai thị là ông ta bèn tiếp nhận, quả nhiên tin tưởng, bèn niệm Phật theo. Vừa niệm Phật, ông ta bèn bảo vợ: “Tôi không còn đau đớn nữa!”, ngay lập tức không còn đau đớn nữa. Ông ta bảo người nhà: “Mọi người đều vì tôi mà niệm Phật đi”. Ông ta kêu người nhà, bà vợ cho đến những đứa bé trong nhà ai nấy đều niệm Phật, niệm ba ngày ông ta được vãng sanh.
Lúc lâm chung mới học Phật, niệm ba ngày được vãng sanh, chẳng thể nghĩ bàn! Đúng là buông xuống được, hạng người như vậy hết sức hiếm có! Tuy ông ta bệnh tật rất đau đớn, nhưng thần trí sáng suốt, đó là điều kiện đầu tiên. Điều kiện trọng yếu nhất là phải sáng suốt, không mê hoặc chút nào. Thứ hai là gặp được thiện tri thức chân chánh khuyên dạy mình, vừa nghe bèn có thể tin, hiểu, phát nguyện, cùng mọi người niệm Phật sẽ thực sự được vãng sanh. Hình như cư sĩ Cung Chấn Hoa cũng đã vãng sanh mấy năm trước rồi!
Ngay cả kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác, lúc lâm chung đầu óc rất sáng suốt, không mê hoặc, một đời tạo tội nghiệp cực nặng, vì sao lâm chung vẫn được vãng sanh? Trong đời đời kiếp kiếp quá khứ từng tu pháp môn Niệm Phật, thiện căn hết sức sâu dầy, trong đời này chẳng gặp được thiện duyên, toàn gặp ác duyên mới bèn tạo ác, đó là mê hoặc nhất thời. Lúc lâm chung gặp được thiện duyên, thiện căn trong A Lại Da thức bèn dẫn khởi, đạo lý là như vậy; tuyệt đối chẳng thể nói kẻ ấy không có thiện căn. Không có thiện căn thì một chút biện pháp gì cũng không có. Trong A Lại Da Thức có thiện căn từ những đời trước, lúc lâm chung thiện căn ấy được bạn lành dẫn khởi, bèn phát ra, mười niệm thành tựu, đới nghiệp vãng sanh. Đấy chính là nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám đại nguyện của A Di Đà Phật.
Tiếp theo là một câu quan trọng: “Cư Hạ Hạ Phẩm giả, giai đắc tam Bất Thoái” (Người thuộc Hạ Hạ Phẩm đều đắc ba thứ Bất Thoái). Câu này trọng yếu hơn bất cứ gì khác! Quý vị nghĩ xem, trong ba thứ Bất Thoái, người đắc Niệm Bất Thoái là hạng người nào? Là Pháp Thân Bồ Tát, chẳng phải Bồ Tát tầm thường mà là Pháp Thân Bồ Tát! Chúng ta là Hạ Hạ Phẩm vãng sanh, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới đều đắc ba thứ Bất Thoái. Đắc ba thứ Bất Thoái chính là A Duy Việt Trí Bồ Tát (Bất Thoái Chuyển Bồ Tát). Chuyện tốt như vậy tìm đâu ra được? Tìm không ra! Chỉ Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có. Đó gọi là “ngoại trừ một mình nhà này”. Nếu quý vị không thèm đến đó, quý vị có bản lãnh gì để đoạn phiền não? Có bản lãnh nào để minh tâm kiến tánh? Tự mình hãy cân nhắc hết sức cẩn thận đi!
Ngũ Nghịch là gì? Thập Ác là gì? Cũng cần phải giới thiệu đơn giản vậy. Nghịch là phản nghịch. Tội ác lớn nhất, hoàn toàn trái nghịch tự tánh, gồm có năm điều:
1) Thứ nhất là làm thân Phật chảy máu.
Phật phước báo vô cùng lớn, quý vị có muốn giết Phật, muốn hại Phật, cũng giết không được, Ngài có phước báo quá lớn! Nhưng quý vị có ác tâm, rất có khả năng quý vị ngẫu nhiên làm rách da Phật một chút, chảy chút máu. Như Đề Bà Đạt Đa biết Thích Ca Mâu Ni Phật mỗi ngày khất thực đi theo đường nào. Trên đường đức Phật đi, có một chỗ có vách đá cheo leo, Đề Bà Đạt Đa liền ở trên vách đá ấy quăng xuống một khối đá lớn. Thích Ca Mâu Ni Phật đi khất thực bước ngang qua đó; Đề Bà đẩy khối đá xuống mong đè chết Phật. Nhưng đức Thế Tôn có thần hộ pháp; lúc đó thần hộ pháp (như Vi Đà Bồ Tát là thần hộ pháp) dùng chày Kim Cang đỡ lấy khối đá đang lăn xuống. Khối đá bị chặn lại liền bị vỡ nát, mảnh vụn văng vào chân đức Thế Tôn, tróc một chút da, chảy một tí máu. Làm thân Phật chảy máu, ôm lòng hại Phật!
Đức Phật là đạo sư của ba cõi, là mắt của trời người, quý vị hại Phật chẳng phải là gây tội cùng Phật, [mà là khiến cho] hết thảy chúng sanh chẳng được đức Phật giáo hóa, kết thành tội là ở chỗ này! Do đó, tội ấy rất nặng: Chẳng phải quý vị hại một người mà là hại hết thảy chúng sanh. Hết thảy chúng sanh phải nhờ đức Phật dạy dỗ mà quý vị lại sát hại, quá sức rồi!
2) Thứ hai là giết A La Hán.
A La Hán là bậc đắc đạo, là người lành, cũng là vị thầy tốt, thiện tri thức, trụ trong thế gian này giáo hóa chúng sanh. Dẫu chẳng giáo hóa chúng sanh, Ngài trụ tại địa phương nào, nơi ấy có phước. Ngài là bậc trí huệ chân chánh, phước đức chân chánh. Ngài trụ tại địa phương nào, nơi ấy không mắc nạn. Nay chúng ta hiểu đạo lý sau đây rất rõ ràng, minh bạch: A La Hán trụ tại địa phương nào, từ trường nơi ấy đều biến đổi. Quý vị muốn hại A La Hán cũng là hại hết thảy chúng sanh trong địa phương ấy, toan sát hại người có trí huệ chân chánh, có phước đức chân chánh khiến cho mọi người ở địa phương ấy không còn phước, không còn trí nữa.
3) Thứ ba là giết cha, thứ tư là giết mẹ.
Cha mẹ có ơn dưỡng dục, chẳng biết báo ân, lại còn giết cha mẹ. Đó là tội nghịch. Tội Ngũ Nghịch chắc chắn đọa địa ngục A Tỳ.
4) Tội nghịch cuối cùng là phá hòa hợp Tăng.
Tội phá hoại đạo tràng chánh pháp rất nặng, là nhân của địa ngục Vô Gián, quyết định đọa vào Vô Gián địa ngục. Kinh Địa Tạng giảng rất rõ. Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo cũng giảng rất rõ, quyết chẳng được làm chuyện này. Đoàn thể Phật giáo không đúng pháp ta còn không được phá hoại, nếu là đạo tràng đúng pháp lại càng không thể được. Đạo tràng không đúng pháp là nhân quả của họ, không cần đến chúng ta phê bình, chẳng thể tùy tiện nói, vì sao vậy?
Phật, Tổ răn dạy chúng ta: “Nếu muốn cho Phật pháp hưng thịnh thì Tăng phải khen ngợi Tăng”. Khen ngợi lẫn nhau Phật giáo bèn hưng thịnh. Họ không đúng pháp, Phật dạy chúng ta “mặc tẫn”, tức là không đếm xỉa tới họ, cũng chẳng nói với họ. Kẻ ấy có nhân quả báo ứng của hắn, ta có nhân quả báo ứng của ta, như vậy là được! Quyết định chẳng tạo khẩu nghiệp, quyết định chẳng báng Tam Bảo. Nói “báng Tam Bảo” là vì tuy kẻ ấy làm chuyện chẳng đúng pháp, ta báng kẻ ấy, người khác đối với Phật giáo bèn vơ đũa cả nắm, tạo sự hiểu lầm rất lớn. Như vậy là ta có trách nhiệm, có nhân quả. Vì thế, phải hiểu đạo lý này. Hiểu rõ đạo lý này sẽ hiểu chính mình phải nên làm gì, thế nào là đúng pháp, làm sao mới là tu hành, thế nào mới là tích lũy công đức, không thể không biết. Nay đã đến giờ rồi, chúng tôi giảng đến đây thôi!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa