2.Kệ Giác Hải
Chư vị đồng học!
Xin xem tiếp bốn câu kệ:
Giác hải hư không khởi,
Sa Bà nghiệp lãng lưu,
Nhược nhân đăng bỉ ngạn,
Cực Lạc hữu quy châu.
覺海虛空起。
娑婆業浪流。
若人登彼岸。
極樂有歸舟。
(Biển giác khởi hư không,
Sa Bà sóng nghiệp trào,
Ai muốn lên bến giác,
Cực Lạc sẵn thuyền về).
Nội dung bốn câu kệ này hết sức phong phú. Hai câu đầu thuyết minh khởi nguyên của vũ trụ và sanh mạng; đó là hiện tượng do đã mê mà có. Hai câu sau dạy chúng ta phương pháp “quay đầu là bờ” (hồi đầu thị ngạn).
Vì sao chúng ta mê mất tự tánh? Vì “giác hải hư không khởi!” Biển Giác vốn chẳng có hư không, biển Giác là tánh hải, trong kinh luận thường gọi “tâm tánh” là biển Giác. Vì vậy, quý vị phải nhớ kỹ chỗ này, tự tánh bản giác. Trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát dạy chúng ta: “Bản giác vốn có, bất giác vốn không!” Bản giác là tự tánh, tự tánh là bản giác; [nghĩa là] nó vốn là giác, cũng chưa hề bị mê hoặc. Nay chúng ta nói “mê mất tự tánh” chỉ là tùy thuận phàm phu mà nói, thật ra, tự tánh là chân tánh, chân tánh sao mê được? Nếu mê, làm sao có thể gọi là chân?
Trong Hệ Niệm Pháp Sự, Trung Phong đại sư khai thị điều này rất minh bạch. Tuy lời khai thị không nhiều, nhưng nói rất rõ, chỉ là mê và ngộ. Mê và ngộ cũng chẳng phải là thật, càng nói càng u huyền. “Hư không”: Trước hết phải có hư không rồi mới có thế giới. Có thế giới rồi mới có chúng sanh. Nói có trước - sau, nhưng trên thực tế là sanh khởi, chỉ do tâm hiện, hiện khởi hết sức nhanh!
Hiện tại, các nhà khoa học cũng nói như thế. “Nhất thời đốn hiện” (nhanh chóng hiện cùng lúc), chẳng có thứ tự trước - sau. Thật ra, quý vị không có cách nào để nói thứ tự trước - sau được cả, tốc độ của nó phải là một phần ức vạn phần của một giây, làm sao quý vị phát hiện thứ tự trước sau cho được? Bởi thế, kinh Đại Thừa thường nói là “nhất thời đốn hiện”. Trong hội Lăng Nghiêm, đức Phật cũng nói đến việc này: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (do ngay nơi đó mà hiện ra, cũng từ nơi đó mà diệt hết). “Đương xứ” là gì? Là hiện tiền, chẳng có xa - gần. Không có xa - gần là không có không gian, không có trước - sau là không có thời gian. Thời gian, không gian đều là tình chấp (chấp trước trong tình thức) của phàm phu, chẳng phải là sự thật! Rốt cuộc, thế nào là sự thật? Là mê - ngộ! Ở đây nói đến giác, là giác bị mê[8]. Mê là mê cái gì? Mê chân vậy! Trong kinh Phật hình dung rất ý vị, nhất niệm bất giác là mê; thời gian một niệm rất ngắn.
Trong kinh Nhân Vương, đức Phật đã nói [về một niệm]; rất nhiều các đồng học đã từng niệm kinh Nhân Vương rồi! Trong quá khứ, chúng tôi ở Đài Loan, dường như năm nào Đài Loan cũng đều mở pháp hội Nhân Vương để cầu phước cho quốc gia. Trong kinh Nhân Vương, đức Phật giảng một cái khảy tay là sáu mươi sát-na, tức là một sát-na bằng 1/60 của khoảng thời gian khảy ngón tay. Mỗi một sát-na có chín trăm lần sanh diệt, mỗi một lần sanh diệt là một niệm. Nếu tính theo giây, thì một lần khảy ngón tay rất nhanh, một giây khảy được bốn lần, bốn nhân sáu mươi nhân chín trăm[9] ước chừng hai mươi vạntám ngàn, tức là trong một giây có hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần sanh diệt. Trong một giây có hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần sanh diệt, quý vị làm sao có thể nhận biết được? Nhất niệm bất giác thì một niệm ấy là hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần sanh diệt trong một giây. Điều tôi vừa thưa cùng quý vị ấy chỉ là Như Lai nói phương tiện, chẳng phải là nói chân thật. Đó là nói phương tiện, chứ quý vị không có cách gì nhận biết tốc độ quá nhanh như thế; nói thật ra, còn nhanh hơn tốc độ vừa nói đó nữa!
Đừng nói chi khác, hiện tại chúng ta biết tốc độ ánh sáng nhanh nhất, tốc độ sóng điện từ (electromagnetic wave) chẳng kém tốc độ ánh sáng mấy, một giây đi được ba mươi vạn cây số. Ánh sáng đi một cây số chỉ mất một phần ba mươi vạn giây; trong một phần ba mươi vạn giây, ánh sáng đi được một cây số. Nếu chúng ta [lần lượt tính thời gian] ánh sáng đi được một mét, đi được một centimetre, một milimetre, thì trong một phần ức vạn của một giây, trong tình huống như thế, ánh sáng bất động. Do đấy, chúng ta mới thấu hiểu điều được nói trong kinh Phật “thanh tịnh tịch diệt tướng”, đó là cảnh giới sở chứng của bậc Bát Địa trở lên. Quý vị nghĩ xem: Công phu định lực ấy thật sâu! Trong đại định ấy, chẳng có ánh sáng nữa; ánh sáng bất động. Đấy là biển Giác. Nếu động một cái, hễ động là rắc rối liền: Không gian xa - gần, thời gian trước - sau liền từ đó sanh khởi. Đó gọi là thế giới; Thế là thời gian, Giới là không gian, thời gian và không gian cùng phát sanh. Thế nhưng quý vị phải hiểu đó là huyễn tướng, kinh Kim Cang giảng rất hay: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như điển, ưng tác như thị quán” (Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế). Quý vị phải thực sự thấy rõ ràng, thấy minh bạch, nhìn ra chân tướng sự thật.
Những gì ta thấy trong hiện tại là huyễn tướng, là tướng tiếp nối liên tục hư huyễn. Cho rằng tướng tiếp nối hư huyễn là chân thật, khởi lên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. A! Đó là “Sa Bà nghiệp lãng lưu”. “Nghiệp lãng lưu” (sóng nghiệp trào dâng) là gì? Là lục đạo luân hồi! Hãy xem hoàn cảnh chúng ta đang sống: Thế giới Sa Bà, tam đồ lục đạo là cảnh giới biến hiện từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Huyễn tướng giống hệt như nằm mộng, nhưng giấc mộng ấy là ác mộng, đã ác mộng lại còn chẳng tỉnh, cứ tiếp diễn hoài, khổ quá! Ngày ngày gặp ác mộng, niệm niệm trong ác mộng, vô lượng kiếp đến nay vẫn chẳng tỉnh ra, càng mê sâu hơn, càng hãm trong cái khổ!
Phải nói thật, nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ, người thời cổ thiện căn so với chúng ta sâu dầy hơn nhiều. Vì sao vậy? Vọng tưởng chẳng nhiều bằng người hiện tại, dễ dạy hơn! Phật, Bồ Tát ứng hóa trong thế gian này giáo hóa dễ dàng, vừa thị hiện, thực sự có không ít người quay đầu. Hiện tại, Phật, Bồ Tát ứng hiện trong thế gian này có nhiều chăng? Hết sức nhiều. Chúng sanh dễ độ chăng? Chẳng dễ độ! Họ chẳng thể hồi đầu! Xác thực là họ chẳng thể hiểu rõ chân tướng sự thật. Họ cứ tưởng những gì họ nghĩ, họ thấy đều tuyệt đối chính xác, cho những gì Phật nói đều là mê tín, lẽ đâu có đạo lý ấy, lẽ đâu có những chuyện ấy! Họ nói Phật mê tín, bảo Phật giáo chẳng phù hợp hiện thực.
Kính thưa cùng quý vị dăm câu: Bọn họ theo chủ nghĩa lý tưởng, chẳng thiết thực. Họ nói những lời lẽ rất dễ nghe, chứ thật ra khó lắm, thực sự chẳng dễ dàng! Hãy quay đầu, kẻo lầm, Phật giảng tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn. “Chư pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ” (Các pháp bình đẳng, chẳng có cao thấp), Phật nói như thế đấy; nhưng đối với căn tánh của con người hiện tại, trừ Tịnh Độ ra, không có pháp nào thành tựu được cả! Đừng nói tu hành chứng quả phải hiểu rõ chân tướng sự thật, quý vị nghiên cứu kinh giáo mà không hiểu rõ chân tướng sự thật thì cũng vô ích, không chuyển cảnh giới được!
Đó là lời chân thật, cũng chính là lời Trung Phong quốc sư đã giảng. Vọng tưởng, tập khí, phiền não từ vô thỉ kiếp đến nay quý vị chưa buông xuống được. Đây là lời thành thật: Nếu quý vị có thể buông xuống được thì chẳng thành vấn đề, pháp môn nào cũng tu thành tựu cả! Nếu không buông xuống được, sẽ chẳng thể thành tựu. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, không có pháp nào đới nghiệp thành tựu, chỉ có tiêu nghiệp mới thành tựu. Quý vị thấy kinh luận Đại, Tiểu Thừa thường nói: Kiến, Tư phiền não tiêu rồi bèn chứng quả A La Hán; Trần Sa phiền não tiêu bèn chứng quả vị Bồ Tát. Vô minh phiền não cũng tiêu sẽ thành Phật, chẳng có đới nghiệp. Bây giờ quý vị hãy xem kỹ nhé, tôi thường nói: Khoan nói tới Kiến Tư phiền não! Kiến phiền não trong Kiến Tư phiền não là thô nhất, đức Phật nói nó gồm tám mươi tám phẩm, nếu quý vị có năng lực tiêu trừ được nó thì mới chứng Tu Đà Hoàn, [Tu Đà Hoàn] là Sơ Quả của Tiểu Thừa. Quý vị cứ nghĩ thử xem! Do vậy, trong thời kỳ Mạt Pháp, rất khó vậy!
Một ngàn năm thứ nhất sau khi đức Phật diệt độ là thời kỳ Chánh Pháp, Phật tử nghiêm trì giới luật, dùng phương pháp Trì Giới chứng được Tứ Quả, Tứ Hướng của Tiểu Thừa. Hết một ngàn năm ấy, tiến vào thời kỳ Tượng Pháp, trì giới chẳng thể chứng quả, căn tánh con người chẳng được như trước. Phật giáo hóa chúng sanh phải thay đổi phương pháp, tu Định. Thiền Định thành tựu trong thời Tượng Pháp, Tượng Pháp dài một ngàn năm. Sau một ngàn năm ấy, căn tánh của chúng sanh tệ hơn thời Tượng Pháp rất nhiều. Nói cách khác, tu Định chẳng thể khai ngộ, gần đây nhất là như Đàm Hư đại sư thường nói. Sách Ảnh Trần Hồi Ức Lục là tự truyện của Ngài, tôi đã đọc qua. Tôi chẳng có duyên phận với cụ Đàm, chưa từng được gặp mặt. Năm 1977, tôi giảng kinh tại Hương Cảng, trụ nơi đạo tràng của Ngài, tức Trung Hoa Phật Giáo Đồ Thư Quán ở đường Giới Hạn thuộc khu Cửu Long do lão nhân gia sáng lập. Trong Đồ Thư Quán ấy, Ngài có một căn phòng nhỏ, lúc tôi giảng kinh ở đó, ngụ tại căn phòng của lão nhân gia. Tôi giảng kinh ở Đồ Thư Quán ấy không ít lần, coi như rất có duyên phận.
Lão nhân gia từng nói: “Trong thời kỳ Mạt Pháp, người tham Thiền khai ngộ chưa từng thấy được một người”. Chẳng những chưa từng thấy mà cũng chưa từng nghe nói đến nữa. Đó là lời lão hòa thượng nói. Ngài từng gặp người tham Thiền đắc định, nghe nói lại càng nhiều hơn, tham Thiền đắc Định nhưng chưa khai ngộ. Nghe lời này chúng ta phải hiểu rõ: Tham Thiền đắc Định chưa khai ngộ thì chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi, tương lai sẽ đi về đâu? Người đắc Thiền Định sanh thiên. Tùy theo công phu Thiền Định sâu hay cạn! Định lực cạn chẳng thoát được Dục Giới. Chúng ta biết từ tầng trời thứ ba của Dục Giới trở lên, Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại, [muốn sanh lên] bốn tầng trời này đều phải tu Thiền Định. Công phu Thiền Định sâu - cạn bất đồng, quý vị sanh trong tầng trời nào? Nói thật ra, ngay cả những mức Thiền Định đó mà còn chưa có ai thành tựu cả! Chân chánh thành tựu Thiền Định chẳng sanh trong Dục Giới, mà sanh vào Sắc Giới. Tứ Thiền, Bát Định sanh trong Sắc Giới hay Vô Sắc Giới, nhưng vẫn chưa thoát luân hồi lục đạo!
Thiền Định nhất định phải đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, mới siêu thoát luân hồi; cụ Đàm nói (Ngài vãng sanh khi đã hơn chín mươi tuổi) suốt một đời Ngài chưa từng gặp được một ai [tham Thiền được đại triệt đại ngộ]. Quý vị thấy đó, khó khăn quá! Bởi thế, thời Mạt Pháp chỉ có Tịnh Độ thành tựu. Trong kinh Đại Tập, đức Phật dạy: “Thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu”. Niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đới nghiệp vãng sanh, nhưng cổ đức giảng rất nhiều về đới nghiệp: Đới nghiệp là mang theo chủng tử của nghiệp, chẳng phải là mang theo tập khí. Câu nói này hết sức trọng yếu! Đới nghiệp là mang theo nghiệp cũ, chứ không phải vác theo nghiệp mới. Điều này rất phiền phức đấy nhé! Chúng ta ngày ngày tạo nghiệp nên niệm Phật chẳng bảo đảm vãng sanh. Ai đảm bảo vãng sanh? Người chẳng tạo nghiệp mới! Người chẳng tạo nghiệp mới, chưa đoạn chủng tử của nghiệp và tập khí, nhưng làm thế nào chẳng tạo nghiệp?
Trong đề mục pháp sự này, Trung Phong quốc sư đã chỉ rõ “hệ niệm”, nhất tâm hệ niệm A Di Đà Phật. Trong ý niệm của chúng ta từ sáng đến tối, ngày đêm chẳng ngưng dứt, chỉ có một niệm A Di Đà Phật, ngoài ý niệm A Di Đà Phật ra, niệm gì cũng chẳng có. Đấy nào phải là chuyện dễ! Thành Phật lẽ nào dễ dàng? [Tu tập] như vậy là dễ dàng nhất rồi! So với tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp môn này dễ dàng nhất. Phương pháp này có nghĩa là bất luận niệm nào cũng đều gọi là vọng niệm cả. Bất luận ý niệm gì, hễ ý niệm khởi lên bèn quy về A Di Đà Phật hết. Đó là điều cổ nhân thường nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Niệm là mê, niệm gì cũng là mê, đều là vọng tưởng cả!
Quý vị phải chuyển cho nhanh, chẳng để cho vọng niệm tiếp nối; niệm vừa mới khởi lên thì niệm thứ nhất vừa khởi, niệm thứ hai bèn là A Di Đà Phật. Cốt sao quý vị vừa phát hiện thì ngay lập tức chuyển niệm đó thành A Di Đà Phật. Hệ niệm giống như dùng dây cột chặt, cột chặt vào A Di Đà Phật. Nếu quý vị thực sự làm được điều này, thì xin chúc mừng quý vị, quý vị sẽ sanh về thế giới Cực Lạc làm Phật ngay trong một đời này.
Quý vị hãy nghĩ đến câu chuyện pháp sư Đàm Hư thường kể: Thầy của Ngài là pháp sư Đế Nhàn, người đệ tử làm thợ vá nồi của pháp sư [Đế Nhàn] chẳng phải là nhất tâm hệ niệm đó ư? Lão hòa thượng dạy ông ta một phương pháp, ông ta thực sự làm theo! Lão hòa thượng dạy ông ta một phương pháp chẳng khó, chỗ khó khăn là trì cho bền, thực sự làm! Chỉ đơn giản như thế này: “Một câu Nam Mô A Di Đà Phật niệm mệt bèn nghỉ, nghỉ xong lại tiếp tục niệm”. Thực sự làm như vậy chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn. Niệm thấy mệt chẳng hề gì, cứ nghỉ ngơi cho khỏe xong, tinh thần sung túc lại tiếp tục niệm. Thân, tâm, thế giới, hết thảy buông xuống hết, không nghĩ đến cái gì hết. Ông ta niệm hơn ba năm, bèn đứng mà tịch. Pháp sư Đế Nhàn tán thán, bội phục ông ta thực sự thành công. Sư khen ngợi: “Phương trượng trụ trì các đạo tràng tùng lâm trong thiên hạ chẳng bằng được ông ta, những pháp sư thuyết giáo giảng kinh cũng chẳng bằng được ông ta!” Vì sao thành công? Ông ta thực sự làm được hệ niệm pháp sự!
Hai câu tiếp đó là “Nhược nhân đăng bỉ ngạn, Cực Lạc hữu quy châu” (Ai muốn lên bến giác, Cực Lạc sẵn thuyền về). Trong thời đại Mạt Pháp chỉ có một biện pháp, đức Phật dạy chúng ta, ngoài biện pháp ấy ra, chẳng có biện pháp thứ hai. Bởi thế, Ấn Quang đại sư xuất hiện trong thế gian dạy những người tu hành chúng ta liễu sanh tử, thoát tam giới. Lão nhân gia dạy chúng ta ở chùa nhỏ, những đồng học cùng tu không quá hai mươi người, có một cái Niệm Phật Đường nho nhỏ là đủ rồi. Trong Niệm Phật Đường chẳng cần phải trần thiết tráng lệ, không cần thiết làm như thế! Chỉ cần thờ một bức tượng A Di Đà Phật, hoặc thờ Tây Phương Tam Thánh là được rồi, sạch sẽ, thanh tịnh, vì sao? Nhất tâm hệ niệm. Thấy Phật, Bồ Tát quá nhiều sẽ bị phân tâm. Tất cả hết thảy chư Phật Như Lai đều được đại diện bằng A Di Đà Phật, dùng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đại diện cho hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát. Toàn bộ đều được niệm đến, mười phương ba đời chẳng sót vị nào. Tâm định, chẳng tán loạn, tập trung ý chí tinh thần, chẳng lãng phí chút thời gian nào.
“Bỉ ngạn” (bờ kia) là bờ Giác. Nay chúng ta đang ở bến mê, chư Phật, Bồ Tát ở bến Giác. Giờ đây chúng ta muốn phá mê khai ngộ, muốn bỏ mê về với giác thì thế giới Cực Lạc có biện pháp. “Châu” (舟: thuyền) là công cụ chuyên chở. “Quy châu”, Quy (歸) là quay đầu, thế giới Cực Lạc có chiếc thuyền đưa chúng ta quay đầu. “Quy châu” chính là pháp sự này; quý vị nương theo pháp sự này giống như có chiếc thuyền để nương về vậy. Quý vị ngồi vững vàng, chắc chắn trên chiếc thuyền ấy sẽ phản vọng quy chân, phản mê quy ngộ, trở vào trong Giác Hải. “Cực Lạc hữu quy châu” [nghĩa là như vậy đó!]
Bởi thế, bốn câu kệ này chỉ có hai mươi chữ, nhưng ý nghĩa rộng sâu vô tận. Chỉ có “phản vọng quy chân, phá mê khai giác” là chân. Đó gọi là Phật pháp, Phật pháp chân chánh. Bốn câu kệ này phơi bày toàn bộ tông chỉ của Tam Thời Hệ Niệm. Vì sao chúng ta phải nương theo pháp sự này mà tu hành? Đã nói rồi, phương pháp này là phương pháp để một đời bất thoái thành Phật.
3. Kỳ đảo văn
Tiếp đó, chúng ta thấy có một đoạn văn. Đoạn văn này có thể gọi là văn kỳ đảo (cầu nguyện), mở đầu là bốn câu kệ:
Pháp vương lợi vật,
Bi trí hồng thâm,
Phổ biến thập phương.
Minh dương mị cách.
法王利物。
悲智洪深。
普遍十方。
冥陽靡隔。
(Pháp vương lợi vật,
Bi trí rộng sâu,
Trọn khắp mười phương,
Âm, dương chẳng cách).
“Pháp vương” là Như Lai, ở đây chỉ A Di Đà Phật, Tỳ Lô Giá Na Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật. Sao nói là ba vị Phật? Tỳ Lô Giá Na là Pháp Thân Phật, A Di Đà Phật là Báo Thân Phật, Thích Ca Mâu Ni là Ứng Thân Phật. Pháp, Báo, Ứng, ba thân một mà ba, ba nhưng một, toàn là Tự Tánh Phật.
“Lợi vật”: Chữ “vật” (物) chỉ chín pháp giới chúng sanh. Đại sư chẳng nói “lợi nhân”, nếu “lợi người” thì chỉ nói đến loài người, chẳng bao gồm các đường khác; bởi thế nói là “lợi vật”. Chữ “vật” có ý nghĩa như “chúng sanh”, phạm vi hết sức rộng lớn. Chúng sanh là các hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi. Bởi thế, chữ “chúng sanh” bao quát; như nay ta nói bao gồm động vật, thực vật, khoáng vật, bao gồm tất cả hết thảy hiện tượng tự nhiên. Vì sao vậy? Chúng đều là do các duyên hòa hợp mà sanh khởi. Vì sao ở đây chẳng nói “pháp vương lợi ích chúng sanh”? Bởi mỗi câu chỉ có năm chữ, dùng chữ “vật” hợp cách hơn. Chư Phật Như Lai lợi ích hết thảy chúng sanh, Vật là hết thảy chúng sanh, bao gồm cả hữu tình lẫn vô tình.
“Bi trí hồng thâm”: Chư Phật Như Lai dùng gì để lợi ích chúng sanh? Đại bi, đại trí. “Hồng” (洪) là lớn, chúng ta thường nói bi trí rộng sâu không ngằn mé. “Hồng” là rộng, sâu, giống như biển cả. Phật dùng bi trí như thế ấy. Có trí mà không có bi, không có tâm từ bi thì chẳng thể lợi ích chúng sanh. Có tâm từ bi nhưng thiếu trí huệ cũng chẳng thể lợi ích chúng sanh. Bi trí là tánh đức, trong tự tánh vốn sẵn đủ đức năng. Chúng sanh mê mất tự tánh, tức là mê mất trí huệ rộng lớn, sâu thẳm, mê mất tâm từ bi. Do mê tâm từ bi bèn biến thành tự tư tự lợi, mê mất trí huệ nơi tự tánh, người thế gian chúng ta gọi [sự mê mất ấy] là “ngu si, hồ đồ”. Ngu si hồ đồ là mê mất Bát Nhã trong tự tánh. Tự tư tự lợi là mê mất tâm từ bi trong tự tánh. Phật, Bồ Tát ứng hóa trong thế gian giúp chúng ta phá mê khai ngộ. Ngộ điều gì? Ngộ tự tánh vốn sẵn có trí huệ Bát Nhã, ngộ tự tánh vốn sẵn có đại từ đại bi, chúng ta và chư Phật Như Lai chẳng khác gì nhau.
“Phổ biến thập phương, minh dương mị cách”: “Mị cách” là không chướng ngại, “thập phương” là mười pháp giới. Mười pháp giới là nói toàn thể, “minh dương” (cõi âm và nhân gian) là nói đến cảnh giới hiện tiền. Nay chúng ta thuộc dương gian, chúng ta muốn giúp đỡ hết thảy chúng sanh trong ba đường ác. Đối với những người nhà, quyến thuộc, bằng hữu đã mất của chúng ta, chúng ta chịu cảnh âm dương cách biệt; nhưng âm gian hay dương cảnh chẳng thể chướng ngại chư Phật, Bồ Tát . “Mị” (靡) là không, “mị cách” là chẳng cách trở.
Pháp sự này được cử hành nhất định phải có người phát khởi, hoặc chính chúng ta chủ động phát khởi, như tại học viện chúng ta, mỗi Chủ Nhật đều cử hành một lần, tức là do học viện chủ động phát khởi. Nói chung đều là có người khải thỉnh, bởi thế, trong kinh văn có câu:
Kim mông trai chủ.
今蒙齋主。
(Nay nhờ trai chủ).
“Trai chủ” là người phát khởi. Phát khởi nhất định phải hữu sự, tức là nhất định vì việc gì đó mà toan đặc biệt hồi hướng. Nhưng đặc biệt hồi hướng thì quý vị phải hiểu như trong kinh Địa Tạng đã giảng rất rành rẽ. Người tu hành pháp này là tự lợi, trong bảy phần công đức, bản thân người tu pháp hưởng sáu phần, vong linh chỉ được hưởng một phần, một phần bảy kia hồi hướng về đâu chúng ta phải hiểu. Nếu chẳng phải để siêu độ họ thì mọi người chúng ta đã chẳng tu pháp sự này! Chúng ta tu pháp sự này thực sự được lợi ích thì lợi ích ấy là do họ mà có, họ được hưởng một phần lợi ích. Nếu chúng ta tu pháp sự này mà người tu học hiểu thấu, thực sự hiểu rõ sanh tử là việc lớn và hiểu rõ tầm quan trọng của việc cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới; nếu thực sự thấu hiểu, chúng ta nhất định hạ quyết tâm, một đời này chẳng thể không sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thì những vong nhân được ta siêu độ sẽ được hưởng lợi ích rất lớn.
Chúng ta chiếu theo phương pháp này tu học, đạt được bao nhiêu lợi ích thì những vong linh chỉ được hưởng được một phần bảy. Chúng ta được lợi ích nhiều thì họ hưởng được nhiều, chúng ta được ít, họ hưởng được ít. Nếu chúng ta chỉ làm pháp sự xuông ngoài miệng, qua quít tắc trách thì sẽ chẳng được lợi ích gì, vong linh cũng chẳng được hưởng gì. Phải hiểu đạo lý này! Thời cổ cũng có những pháp sự siêu độ, hiện thời [pháp sự] phổ biến nhất ai nấy đều biết là Lương Hoàng Sám. Lương Hoàng chính là Lương Võ Đế. Lương Võ Đế thỉnh ngài Bảo Chí Công siêu độ cho phi tử nhà vua. Vợ ông ta đọa trong ác đạo, ngài Bảo Chí Công là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tu pháp sự ấy, vợ ông ta lìa khỏi ác đạo, sanh lên trời Đao Lợi.
Sớm hơn nữa, chúng tôi đọc trong An Thế Cao Truyện Ký thấy vào thời xa xưa kia, nhằm đời Hậu Hán, khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc chưa lâu, ngài An Thế Cao siêu độ bạn đồng học, tức long vương hồ Củng Đình. Siêu độ bằng cách nào? Long vương đem toàn bộ những thứ tín đồ cúng dường cho y ta quyên tặng hết, ngài An Thế Cao vì hắn ta dựng một ngôi chùa thờ Phật ở Nam Xương, dùng tiền của long vương để dựng chùa, dùng ngôi chùa ấy để thực hiện sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Nhờ công đức ấy, long vương lập tức thoát thân súc sanh, sanh lên trời Đao Lợi thật nhanh, thật hữu hiệu. Bởi thế, long vương là trai chủ, Lương Võ Đế là trai chủ của Lương Hoàng Bảo Sám, nhằm siêu độ thân thuộc, bằng hữu của họ.
Đặc thỉnh sơn tăng đăng tọa.
特請山僧登座。
(Riêng thỉnh sơn tăng lên tòa).
Đặc biệt lễ thỉnh, “sơn tăng” (ông sư sống trong núi) là khiêm hư, khiêm xưng.
Y bằng giáo pháp.
依憑教法。
(Nhờ vào giáo pháp).
Căn cứ, nương tựa, nhờ vào phương pháp của đại sư Trung Phong đã biên soạn.
Tác Tam Thời Hệ Niệm Phật sự.
作三時繫念佛事。
(Làm Phật sự Tam Thời Hệ Niệm).
Phật sự Tam Thời Hệ Niệm vốn do Trung Phong thiền sư biên tập.
Nãi nhĩ vong linh, tao thử thắng duyên.
迺爾亡靈。遭此勝緣。
(Vong linh các ngươi, gặp duyên thù thắng này).
Những vong linh các ngươi – dù chỉ nhằm siêu độ một người, thì những người đến nghe ké rất nhiều, không ai chẳng hưởng lợi ích. Bây giờ hết giờ rồi, buổi học sau chúng tôi sẽ tiếp tục giảng từ đoạn này, giảng từ đoạn “nãi nhĩ vong linh”. Hôm nay giảng đến đây thôi.
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Nam Mô A Di Đà Phật!