Xin mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang mười bảy, lần trước đã nói qua đoạn kinh này, chúng ta đọc lại một lần:
Phục thứ Ðịa Tạng! Nhược vị lai thế trung, hữu chư quốc vương cập Bà La Môn đẳng, năng tác như thị bố thí, hoạch phước vô lượng, cánh năng hồi hướng bất vấn đa thiểu, tất cánh thành Phật. Hà huống Thích Phạm Chuyển Luân chi báo.
復次地藏。若未來世中。有諸國王及婆羅門等。能作 如是布施。獲福無量。更能迴向不問多少。畢竟成佛。何況釋梵轉輪之報。
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn v.v..., có thể làm những việc bố thí như thế, sẽ được vô lượng phước lành. Nếu có thể đem hồi hướng, thì không kể là nhiều hay ít, rốt ráo đều sẽ thành Phật; huống gì là những quả báo Thích, Phạm, Chuyển Luân.
Phía trước đã báo cáo tường tận rồi, trong đoạn này quan trọng nhất là tâm lượng, ngạn ngữ Trung Quốc có nói ‘[tâm] lượng lớn thì phước lớn’. Tại sao lại trồng phước nhỏ, bố thí ít có thể được phước báo lớn như vậy? Ðây là điều người mới học Phật như chúng ta nghe lời dạy trong kinh sẽ không khỏi hoài nghi. Sự hoài nghi này đều [là vì chúng ta] dùng nhân tình thế gian để đo lường, chứ không biết việc này nhân tình chẳng thể tưởng tượng nổi. Lý luận trong đó là vì xứng tánh, chỉ cần xứng tánh thì dù bố thí rất ít, thật sự như một sợi lông, một hạt bụi nhỏ xíu, công đức đó cũng bằng tận hư không, trọn khắp pháp giới. Phật pháp thù thắng ở chỗ này, chỗ khó [hiểu trong] Phật pháp cũng ở tại chỗ này, khó ở chỗ phàm phu vĩnh viễn không thể mở rộng tâm lượng, tâm lượng vẫn còn nhỏ, tâm lượng nhỏ thì dù có bố thí cho nhiều đi nữa, phước báo cũng có hạn; nếu có tâm lượng lớn, bố thí nhỏ nhoi thì phước báo cũng không thể nghĩ bàn, [chúng ta] phải lắng lòng thể hội đạo lý này. Trong chú giải có vài câu, trang mười bảy, hàng thứ ba đếm ngược lại, coi từ chính giữa, tôi đọc cho mọi người nghe ‘Nhược bất vị tự cầu nhân thiên phước báo’ (nếu không tự cầu phước báo nhân thiên), nhược là giả thiết, giả sử chúng ta nhất định chẳng vì cầu phước báo nhân thiên cho mình, mục đích của sự bố thí là gì? ‘Ðều hồi hướng cho pháp giới chúng sanh’, chỉ hy vọng hết thảy chúng sanh được phước, được lợi ích, tuyệt đối chẳng nghĩ đến mình, vậy thì phước báo của sự bố thí này sẽ rất lớn. Do đó ‘Tắc bất vấn thí chi đa thiểu, tất cánh thành Phật’ (nên không hỏi bố thí bao nhiêu, rốt cuộc sẽ thành Phật). Dùng bốn chữ ‘tất cánh thành Phật’ để hình dung phước báo đó bao lớn, vì phước báo thế gian và xuất thế gian chẳng có gì lớn hơn việc thành Phật, nói đến thành Phật thì phước báo đó đạt tới mức rốt ráo viên mãn. Chúng ta phải hiểu đạo lý này thì chúng ta sẽ không hoài nghi nữa. Sau cùng đức Phật tóm tắt lại:
Thị cố Ðịa Tạng phổ khuyến chúng sanh đương tri thị học.
是故地藏普勸眾生當如是學。
Vì thế, này Ðịa Tạng, ông nên khuyến hóa chúng sanh đều phải học theo như thế.
Câu này tổng kết đoạn trước, vì đoạn trên nói về duyên cố, trồng thiện nhân được thiện quả, quả báo thù thắng như vậy thì ai mà không mong cầu? Tại sao chúng sanh cầu không được? Phương pháp tu học của chúng sanh không đúng như lý, không đúng như pháp, cho nên được phước có hạn, tu học đúng như lý, như pháp thì sẽ được phước vô lượng vô biên. Nhưng [muốn biết] lý luận và phương pháp thì nhất định phải đi sâu vào Kinh Tạng, nếu không đọc kinh, không nghiên cứu giáo lý thì làm sao bạn hiểu được lý luận này? Làm sao biết được phương pháp này? Cho nên chư Phật, Bồ Tát, chư tổ sư đại đức xưa nay thường khuyến khích chúng ta ‘không thể không đọc kinh điển’, đạo lý là ở chỗ này. Xem tiếp đoạn sau, thứ hai là ‘Nam nữ thí phước’, xin xem kinh văn:
Phục thứ Ðịa Tạng!
復次地藏。
Lại nữa, này Ðịa Tạng!
Lại gọi Ðịa Tạng Bồ Tát thêm một lần nữa.
Vị lai thế trung nhược thiện nam tử thiện nữ nhân, ư Phật pháp trung chủng thiểu thiện căn, mao phát sa trần đẳng hứa, sở thọ phước lợi bất khả vi dụ.
未來世中若善男子善女人。於佛法中種少善根。毛髮沙塵等許。所受福利不可為喻。
Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào ở trong Phật Pháp mà gieo trồng chút ít thiện căn chừng bằng mảy lông, sợi tóc, hạt cát, hạt bụi, thì phước lợi được thọ hưởng sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.
Ðoạn kinh này cũng thường làm cho đại chúng khởi nghi hoặc, có nhiều người tự cho rằng mình ở trong nhà Phật trồng phước tu thiện rất nhiều rồi, nhưng tại sao không được phước? Trong lịch sử Trung Quốc nổi tiếng nhất là Lương Võ Ðế, Lương Võ Ðế cả đời tu bố thí có ai sánh bằng? Lúc đó ông dùng quyền lực, oai thế của một ông vua để hộ trì Phật pháp, xây dựng chùa chiền, trong lịch sử ghi đến bốn trăm tám chục ngôi chùa. Thường thì nhà Phật chúng ta thường nói xây một ngôi tháp, đúc một tượng Phật thì được phước báo chẳng thể nghĩ bàn rồi, huống chi ông vua đã xây bốn trăm tám mươi ngôi chùa! Bạn có thể tính số tượng Phật ông đã đúc là bao nhiêu chăng? Không thể nói mỗi chùa chỉ cúng một tượng Phật thôi đâu, vậy thì ông tạo bao nhiêu tượng Phật, tượng Bồ Tát. Bố thí cúng dường người xuất gia, ông rất thích [giúp cho] người ta xuất gia, khi có người xuất gia thì ông nhất định sẽ bố thí cúng dường, trong sách ghi [ông cúng dường] mấy trăm ngàn người, phước báo đó bao lớn! Phước báo thì nhất định là có, nghiệp lực của ông chẳng thể chuyển đổi trở lại, vì lý do gì? Tâm lượng không lớn, chẳng có trí huệ, đây là việc mà nhà Phật thường nói ‘chỉ tu phước, chứ không tu huệ’, ông chỉ tu tài thí, hình như cũng có pháp thí, nhưng vẫn thiếu trí huệ, [vì] tâm lượng chẳng lớn.
Do đó lúc tổ sư Ðạt Ma gặp vua, dùng cách nói hiện nay gọi thái độ của vua là ‘đáng được kiêu ngạo’. Vua làm nhiều chuyện tốt trong nhà Phật như vậy rất đáng kiêu ngạo, hãnh diện về những việc mình đã làm nên hỏi tổ sư Ðạt Ma: ‘Công đức của tôi như vậy lớn không?’, tổ sư Ðạt Ma đáp: ‘Chẳng có công đức’. Lời tổ sư Ðạt Ma nói là lời chân thật, tại sao chẳng có công đức? Khi bạn có thái độ kiêu mạn thì công đức liền mất, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Bố thí thật sự là có công đức, nhưng khi kiêu mạn khởi lên thì mất hết, chẳng còn công đức nữa, kiêu mạn là lửa thiêu rừng công đức. Tổ sư Ðạt Ma là một người bất phàm, nói chuyện với Lương Võ Ðế không hợp lắm nên Lương Võ Ðế không hộ trì Ngài, do đó sau khi rời khỏi, Ngài phải đến chùa Thiếu Lâm ngồi nhìn vách, chẳng có ai biết, một vị tổ sư đại đức như vậy đến Trung Quốc, chẳng có ai nhận biết, chẳng ai hộ trì. Ngồi nhìn vách hết chín năm, kể ra cũng khá, cũng đợi được tới lúc truyền pháp cho Ngài Huệ Khả. Nếu năm xưa Lương Võ Ðế chịu hộ trì Ngài thì Thiền tông sẽ phát triển sớm hơn, chẳng cần phải đợi đến đời thứ sáu là đời Ngài Huệ Năng, đã phát triển sớm hơn rồi. Chẳng có ai nhận biết, đây là vì không có huệ nhãn, Lương Võ Ðế không nhận ra, cơ hội thật sự trồng phước báo to lớn bị luống qua, chẳng thể hộ trì tổ sư Ðạt Ma, đã bỏ lỡ cơ duyên. Quan trọng ở chỗ khiêm tốn, cung kính, tâm lượng rộng lớn, đây đều là biểu hiện của trí huệ. Cho nên từ thái độ của Lương Võ Ðế mà nhìn, ông ta chẳng có trí huệ, tâm lượng quá nhỏ, tuy làm rất nhiều việc bố thí, nhưng được phước không lớn, nguyên nhân là ở chỗ này.
Trong câu kinh này có chữ quan trọng, mọi người phải nhìn rõ ràng, chữ Thiện. Chứ không nói ‘Nhược nam tử, nữ nhân, ư Phật pháp trung, chủng thiểu thiện căn’, [mà phải] là ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’, thiện là chữ quan trọng. Tiêu chuẩn của thiện là gì? Tịnh Nghiệp Tam Phước trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy rất rõ ràng, tiêu chuẩn của thiện trong thế gian nhất định phải làm được bốn câu ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát hại, tu mười thiện nghiệp’, người như vậy mới gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân, cho nên Phật pháp nói đến thiện là có tiêu chuẩn hẳn hòi. Nếu chỉ nói nam tử, nữ nhân mà không có chữ thiện, thì người thông thường chúng ta cũng có phần, nếu thêm chữ thiện thì chúng ta phải nghĩ coi mình có đủ tiêu chuẩn này không. Nhưng kinh này là kinh Ðại Thừa, không những là kinh Ðại Thừa, chúng ta quan sát kỹ từ đầu tới cuối, có thể nói kinh này là đại kinh liễu nghĩa Nhất Thừa; nói một cách khác, tiêu chuẩn của thiện phải nâng cao, nâng cao thêm một tầng là thiện Nhị Thừa, tức là Thanh Văn, Duyên Giác, người Trung Quốc gọi là La Hán, Bích Chi Phật. ‘Thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi’, đây là thiện Nhị Thừa, chúng ta làm được ba câu này chưa? Còn phải nâng cao hơn, kinh này là kinh Ðại Thừa, tiêu chuẩn thiện Ðại Thừa còn phải thêm bốn câu ‘Phát Bồ Ðề Tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại Thừa’, đây là tự lợi. Tự lợi xong rồi lợi người, đây là Bồ Tát Ðại Thừa, lợi người là ‘khuyến tấn hành giả’, đây mới là khuyến hóa hết thảy chúng sanh, thiện nam tử, thiện nữ nhân là tiêu chuẩn này. Nói cách khác mười một câu trong Tịnh Nghiệp Tam Phước đều làm được hết, vậy thì còn vấn đề gì nữa? Chúng ta vừa nói [tâm] lượng lớn thì phước lớn, người phát Bồ Ðề tâm, phát Bồ Ðề tâm thì lượng sẽ lớn, Bồ Ðề tâm tuyệt chẳng có tâm vì mình, chẳng có tự tư tự lợi; tự tư tự lợi là mê hoặc, là tâm luân hồi, tâm phàm phu. Niệm niệm vì hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới, đó là Bồ Ðề tâm.
Do đó người như vậy trong Phật pháp ‘trồng thiện căn ít ỏi’, ít tới mức độ nào? ‘Mao phát sa trần’, mao là lông trên thân chúng ta, thí dụ ít; ‘phát’ là tóc trên đầu, một cọng tóc. Một hạt cát, một hạt bụi, đây là hình dung bạn trồng thiện căn ít, ít đến cùng cực. Tuy ít như vậy, phước bạn có, lợi ích đạt được chẳng thể so sánh được, chẳng có cách gì nói ra được, Phật cũng nói không hết. Cho nên mọi người phải biết Tam Bảo là phước điền hạng nhất trong thập pháp giới. Nhưng Phật pháp truyền đến nay đã trải qua ba ngàn năm nên chẳng tránh khỏi bị biến chất. Chúng ta coi thế giới hiện nay, bất luận hàng hóa gì, lúc vừa mới ra thị trường thì tốt nhất, chiêu bài được làm cho sáng rỡ, hai ba năm sau liền bị biến chất, đồ giả mạo cũng nhiều, tuyệt đối chẳng bằng lần đầu tiên; Phật pháp đã truyền hết ba ngàn năm làm sao không biến chất được! Rất khó tránh được. Ðặc biệt là nhằm thời Mạt pháp, như kinh Lăng Nghiêm đã nói thời đại chúng ta hiện nay ‘tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng’, trên hình thức là một đạo tràng nhà Phật, nhưng trên thực chất thì chưa chắc. Do đó bạn muốn trồng phước trong nhà Phật thì phải nhìn rõ cái ‘tràng’ này có ‘đạo’ không? Có người thật sự tu hành trong đó hay không? Nếu không thì bạn trồng phước sai chỗ, bạn nhận lầm phước điền. Bạn trồng xong tương lai chẳng được phước, bạn không thể trách Phật nói sai, Phật chẳng nói sai, mà vì bạn thô tâm sơ ý, tưởng lầm hàng giả là hàng thật, phải trách chính bạn, chính bạn sơ ý thô tâm chẳng biết hàng thật, bạn mắc lừa, bị thiệt thòi rồi.
Nhưng muốn thật sự có thể nhận biết sự việc cũng chẳng phải là chuyện đơn giản, bạn phải có trí huệ, phải có kiến thức, trí huệ và kiến thức từ đâu mà có? Từ ‘Ðọc tụng Ðại Thừa, khuyến tấn hành giả’, đó là ‘vì người diễn nói’, vì người diễn nói có lợi ích rất lớn, đúng như câu ‘nương theo giáo học mà trưởng thành’, nếu chẳng thông qua giáo học, khai trí huệ là chuyện vô cùng khó khăn. Nếu bạn thật sự phát tâm dạy học, nhiệt tâm dạy học, cơ hội khai trí huệ sẽ rất nhiều, nếu bạn không theo đuổi việc giáo học thì cơ hội này sẽ ít. Trong quá trình giáo học, lúc bạn chuẩn bị, sưu tập tài liệu tham khảo, sẽ thường giúp bạn giác ngộ, nếu bạn không làm việc giáo học thì sẽ không tìm những tài liệu này. Trong quá trình giáo học bạn có dịp tiếp xúc với người làm giáo học, khi trả lời câu hỏi coi họ hỏi vấn đề gì đều thường giúp mình giác ngộ, do đó trong sư đạo thường có câu ‘sư tư đạo hiệp’, thầy giáo dạy học trò, học trò trợ giúp thầy giáo khai trí huệ, giúp trí huệ thầy, giúp đức hạnh của thầy, tạo cơ hội cho thầy, đó mới gọi là giáo học giúp nhau phát triển, cả hai bên đều có tiến triển, tăng trưởng lẫn nhau, [chúng ta] phải hiểu đạo lý này. Trong chú giải đoạn này có trích dẫn kinh luận, nêu ra rất nhiều thí dụ, trong những thí dụ này quan trọng nhất là phải có tâm chân thành, tâm cung kính, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi, chư vị hãy ghi nhớ mười chữ này, dùng tâm này để bố thí cúng dường tu phước thì quả báo sẽ giống như đã nói trong kinh. Tâm thanh tịnh chẳng ô nhiễm, tâm bình đẳng chẳng phân biệt, tâm chẳng ô nhiễm, chẳng phân biệt thì sẽ bao trùm hư không, lượng gồm thâu thế giới nhiều như cát, do đó họ sẽ được phước lớn. Xem tiếp đoạn kinh sau đây:
Phục thứ Ðịa Tạng! Vị lai thế trung nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, ngộ Phật hình tượng, Bồ Tát hình tượng, Bích Chi Phật hình tượng, Chuyển Luân Vương hình tượng, bố thí cúng dường đắc vô lượng phước, thường tại nhân thiên thọ thắng diệu lạc.
復次地藏。未來世中若有善男子善女人。遇佛形像。菩薩形像。辟支佛形像。轉輪王形像。布施供養得無量福。常在人天受勝妙樂。
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ Tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường, thì sẽ được vô lượng phước báo, thường ở cõi người, cõi trời, hưởng sự vui thù thắng, vi diệu.
Kinh Ðịa Tạng được lưu thông rất rộng rãi, rất phổ biến, có lẽ mỗi đồng tu học Phật đều đã từng tụng qua bộ kinh này, thấy phước báo của sự bố thí cúng dường nói trong kinh cho nên rất thích tạo tượng Phật, Bồ Tát. Phước báo của sự tạo tượng rất lớn, kinh nói [người ấy] thường ở cõi trời, cõi người, sẽ chẳng đọa tam ác đạo, có bao nhiêu người mỗi ngày niệm Phật nhưng vẫn đọa tam ác đạo. Chư vị có thể coi đoạn tổng kết cuối cùng trong cuốn Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao do pháp sư Quán Ðảnh soạn. Lúc tôi học bộ kinh này, tôi coi đoạn này vô cùng thắc mắc nên đi hỏi thầy Lý, tôi nói coi xong không hiểu. [Trong Sớ Sao] Ngài nói người niệm Phật có một trăm loại quả báo, thứ nhất là ‘niệm Phật đọa A Tỳ địa ngục’, tôi thật không hiểu. Phước báo của sự niệm Phật rất lớn, tại sao lại đọa địa ngục A Tỳ được? Ðây là chuyện không thể nào xảy ra. Thầy Lý nghe tôi hỏi xong bèn nói: ‘Câu hỏi này rất hay, vấn đề này rất quan trọng, tôi không nói cho ông nghe [liền bây giờ], đợi đến lúc giảng kinh sẽ nói cho mọi người cùng nghe’. Tại sao họ làm vậy còn đọa địa ngục? Nguyên nhân là dùng tâm địa ngục để tu phước, nên vẫn phải đọa địa ngục. Tâm địa ngục là tâm gì? Tham, sân, si. Họ bố thí cúng dường hình tượng Phật, Bồ Tát để làm gì? Vì thấy lợi ích của việc này quá lớn, giống như làm ăn buôn bán vậy, đây là [đổi] vốn một, [để được] lời cả vạn, chuyện này không thể không làm; họ dùng tâm như vậy, họ chẳng có tâm thiện. ‘Thiện nam tử, thiện nữ nhân’, họ quên mất chữ thiện này. Dùng tâm tham, sân, si, dùng tâm buôn bán tham lời, vậy thì làm sao được!
Ở Cư Sĩ Lâm chúng ta, cư sĩ Lý nói với tôi, lúc trước Cư Sĩ Lâm có một số Ðổng Sự quản lý đạo tràng này, họ chẳng hiểu Phật pháp, họ quản lý đạo tràng này giống như quản lý một công ty, cửa hàng, đạo tràng này mỗi năm phải thâu nhập bao nhiêu tiền, làm sao để số tiền này sanh lời, làm sao để cho nó làm ra nhiều tiền hơn, mục đích là ở chỗ này, họ chẳng nghĩ đến làm việc đạo, cho nên đạo tràng này tích lũy rất nhiều tiền. Khi cư sĩ Lý nắm quyền, ông đem số tiền đó xài hết, có nhiều người biết được rất không hài lòng, trong ánh mắt của họ thì cư sĩ Lý là một người con phá hoại gia sản, nhưng khi nhìn thấy đạo tràng ngày nay hưng vượng như vậy, tôi tin tưởng họ cũng sẽ dần dần tỉnh ngộ. Hết thảy [số tiền người ta] cúng dường là để cho bạn làm việc đạo, mỗi ngày Cư Sĩ Lâm cúng dường miễn phí ba bữa ăn cho đại chúng, có ai dám làm? Chẳng ai dám làm việc này. Cánh cửa này vừa mở ra, về sau làm thế nào thu xếp? Làm sao có nhiều tiền để cúng dường như vậy? Do đó nếu bạn không có trí huệ thì không được, nếu bạn không có lòng tin thì bạn sẽ không dám làm.
Cư sĩ Lý có trí huệ, có lòng tin, lúc khai trương tới nay chưa hề phải mua gạo, mua cải, mua dầu, mọi người biết Cư Sĩ Lâm làm chuyện tốt này, hiện nay trên thế giới [Cư Sĩ Lâm] là chỗ đầu tiên làm việc này, chẳng có chỗ thứ hai [nào như vậy]. Ba bữa ăn mỗi ngày, suốt một năm chẳng thiếu ngày nào hết, bất luận bạn tin Phật hay không, khi bạn đến đây thì có thể dùng một bữa ăn tự dọn, tôi nghe nói còn có người dẫn cả nhà tới ăn, cho nên những người ở gần Cư Sĩ Lâm, trong nhà có thể khỏi cần bếp núc, tuy nhiên đến đó ăn thì phải ăn chay, bạn thích ăn chay thì bạn cứ tới, nếu bạn không thể ăn chay thì không có cách chi. Rất nhiều bạn đồng tu tự động đem gạo, đem dầu, đem rau cải, đem đồ ăn đến [Cư Sĩ Lâm nhiều đến nổi] chất cao như núi, ăn chẳng hết. Ăn không hết lại sợ hư nên phải đem cho viện dưỡng lão, cô nhi viện, phải lấy xe chở đi cho vì ăn chẳng hết. Ðồ ăn ở đó rất ngon, tôi đã ăn qua vài lần, có lúc họ còn nấu cho tôi vài món đặc biệt, tôi nói khỏi cần, chỉ đem vài món ở dưới [phòng ăn Cư Sĩ Lâm] cho tôi ăn thử, tôi ăn cảm thấy rất ngon. Bố thí cúng dường thật thì phước báo ấy rất lớn. Chẳng như nhiều người hằng ngày đều phải tính toán, so đo từng chút, làm vậy thì được bao nhiêu lợi ích? Càng bố thí càng có nhiều, bạn thí tài, thì sẽ giàu sang, thí pháp thì có nhiều pháp. Cho nên đạo tràng Cư Sĩ Lâm, ngày nay mọi người tới tham quan, bạn coi chỗ đó hưng vượng, người hưng vượng, tài sản cũng hưng vượng, tại sao có thể hưng vượng như vậy? Là do bố thí, trồng phước mà ra.
Cư sĩ Lý có tâm lượng to lớn, muốn xây làng Di Ðà, người cư trú ở trong làng Di Ðà chỉ cần có một điều kiện, đó là ‘chịu niệm Phật’. Chỉ cần kẻ ấy chịu niệm Phật, thì chẳng cần bất kỳ một điều kiện nào khác, chẳng nhận một xu nào cả, [làng Di Ðà] sẽ nuôi bạn tới già, cúng dường bốn món cần thiết, tốt hơn chánh sách phước lợi của bất cứ chính phủ, quốc gia nào trên thế giới hiện nay. Bất cứ quốc gia nào chăm sóc người già đều chẳng bằng Cư Sĩ Lâm. Ðối với người già dưỡng lão, phước lợi của người già là hạng nhất trên thế giới. Người ngoại quốc chỉ cần lấy được quyền cư trú hợp pháp ở Tân Gia Ba [thì sẽ được cư trú ở làng Di Ðà]; đệ tử Phật tuyệt đối phải tuân giữ pháp luật, tuyệt đối không thể phạm pháp, ai có thể cư trú hợp pháp thì làng Di Ðà sẽ nuôi người đó tới già. Bạn cư trú ở đó thân tâm yên ổn, có thể bảo đảm bạn vãng sanh, một khi ở đó thì tương lai nhất định sẽ thành Phật, đó là đạo tràng hạng nhất trên thế giới. Tối hôm qua ông Lý bàn với tôi phải lập Phật Học Viện, đã làm đơn xin chính phủ, hoạch định của ông ta là lớp dự bị một năm, lớp chánh thức ba năm, lớp nghiên cứu ba năm, thời gian theo học là bảy năm, học sinh tới đó học hoàn toàn miễn phí, thức ăn quần áo, nơi ăn chốn ở đều do Phật Học Viện cúng dường, chẳng thâu một xu [của học sinh]; trên thế giới ai dám lập ra Phật Học Viện như vậy? Trường nào cũng phải thâu học phí, phải trả tiền ăn uống, còn Phật Học Viện này chẳng thâu tiền gì hết, trên thế gian này hiếm hoi nhất! Ở nơi đạo tràng như vậy, bạn tu một chút phước thì đó là thật sự trồng ruộng phước.
Do đó khi chúng ta quan sát một đạo tràng, thứ nhất là phải coi đạo tràng đó có đạo phong, có học phong, [những người ở] đạo tràng đó học những gì, tu những gì, có sốt sắng học tập, sốt sắng tu trì hay không? Nếu mọi người trong đạo tràng này đều sốt sắng học tập, nỗ lực tu trì thì đó là đạo tràng đúng như pháp; tu phước ở đạo tràng này mới có được quả báo tương ứng với lời nói trong kinh. Có hoàn toàn tương ứng hay không, tương ứng một cách viên mãn không? Không hẳn. Tại vì sao? Phải xét coi bạn là ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’ hay không? Phước điền thật sự không sai, nếu bạn dùng tâm ‘một vốn vạn lời’ đến đó trồng phước, phước bạn được sẽ nhỏ, chẳng tương ứng với lời đức Phật dạy trong kinh, bạn chắc chắn sẽ được phước, nhưng phước không lớn. Nếu bạn thật sự phát tâm Bồ Ðề, chẳng vì chính mình mà vì chúng sanh, vì Phật pháp thường trụ thế gian, quyết chẳng vì lợi ích của mình, vậy thì được phước sẽ giống như lời nói trong kinh. Thế nên việc trồng phước, thứ nhất phải là phước điền chân thật. Thứ hai là bạn phải có thiện tâm chân chánh, thì phước báo đó mới viên mãn. Cho nên phía sau, trong chú giải có ghi ‘Chư Phật, Bồ Tát, … dạy cho người thoát khổ, là Kính Ðiền của chúng sanh’, ở đây nói về ‘Kính Ðiền’ và ‘Ân Ðiền’, các bạn đồng tu hãy tự coi chú giải.
Trong chú giải có vài câu rất quan trọng, tôi đọc qua một lượt, trang hai mươi, hàng thứ hai, xem từ câu thứ hai, ‘Ðại Luận nói’, Ðại Luận tức là Ðại Trí Ðộ Luận, trong Ðại Trí Ðộ Luận có một đoạn ‘tài là nhân duyên của ác tâm’, tại sao? Tài vật luôn luôn làm cho người ta khởi tâm tham, tham là một trong tam độc, vô lượng vô biên phiền não đều sanh từ chỗ này, do đó tham là đầu mối của tâm ác. Thường nên xả bỏ, một người thông minh, có trí huệ, biết họa hại của tham, cho nên họ có thể thường xả, có thể buông xuống tâm tham. ‘Huống chi bố thí được phước lớn, mà không bố thí’, có lẽ nào như vậy? Tham là họa hại, Thí thì được phước lớn. Bạn bố thí, xa lìa họa hại, còn được phước lợi, người có trí huệ sao không làm cho được? ‘Xan tham là tướng hung, sanh ra lo sợ’, keo kiệt là bạn có mà không chịu bố thí, không chịu làm việc tốt, đây là tướng hung, tướng suy thoái, đem đến cho người những sự âu sầu, lo lắng, sợ hãi. Người có tiền lo sợ của cải của mình mất hết, mỗi ngày đều lo được lo mất, tâm lo lắng nặng trĩu. Tôi thường nghe người ta nói các ông chủ lớn trong thương trường, nếu mỗi đêm không uống thuốc an thần thì không thể ngủ, nguyên nhân là gì? Lo lắng quá sức, vậy không phải là ‘tiền tài’ đã hại họ rồi sao? Uống thuốc an thần nhiều quá, lẽ nào không bị bịnh ung thư sao? Nó khởi tác dụng phụ, thật là tướng hung, suy thoái, lời Phật nói chẳng sai. ‘Tẩy chi dĩ thí thủy, tắc vi sanh phước lợi’ (dùng nước bố thí để tẩy thì sẽ sanh ra phước lợi), đây là một bài kệ, trong đó có hai bài kệ. Dùng phương pháp gì để tẩy bỏ sự lo lắng, sợ sệt? Dùng bố thí, bố thí có thể đem đại phước đại lợi cho bạn, do đó được phước vô lượng, tại sao không chịu bố thí?
Không chịu bố thí vì không biết lợi ích của sự bố thí, cho nên họ không chịu bố thí. Khi biết lợi ích của sự bố thí thì bạn sẽ thích bố thí, thường bố thí, tận tâm tận lực bố thí, phước báo chẳng cùng tận. Hiện tượng này, trong các đoàn thể chư vị hãy coi Cư Sĩ Lâm, coi Tịnh Tông Học Hội, sự thật bày trước mắt bạn; còn về cá nhân thì các bạn có thể coi cư sĩ Lý Mộc Nguyên, bạn cũng có thể coi tôi. Khi tôi học Phật liền học bố thí, ngày đầu tiên đại sư Chương Gia gặp tôi liền dạy tôi tu bố thí; tôi cũng thật sự nghe theo lời Ngài dạy, Ngài có trí huệ, Ngài thấy tôi không có phước báo vả lại đoản mạng, Ngài thương xót tôi nên dạy tôi tu bố thí. Ngày nay tôi có một chút phước báo, đó là nhờ tôi tu bố thí trong đời này mà được, chẳng liên quan đến đời trước. Ngày nay chúng ta hiểu Phật pháp, hiểu được một chút về nhân quả. Ðời quá khứ chắc tôi tu huệ chứ chẳng tu phước, [nên đời này tôi] có một chút trí huệ, khi thầy nói xong, tôi vừa nghe liền hiểu; [sự sinh sống trong] đời này vô cùng gian khổ, chúng tôi đã sống qua những ngày tháng rất khổ sở, quý vị có nằm mộng cũng không nghĩ tới.
Hôm qua ở Cư Sĩ Lâm, thầy Vĩnh nói với tôi, thầy đi Ðại Lục và có dịp đến viếng căn phòng của pháp sư Ấn Quang, ban đêm chẳng có đèn, khi coi sách, viết lách ở tại bàn đặt kế cửa sổ, dùng ánh sáng bên ngoài, thầy coi xong rất cảm động. Ngày nay chúng ta có nhiều thiết bị để chiếu sáng mà còn chê lên chê xuống, ngày nay phước báo hưởng thọ vật chất của con người quá lớn. Tôi nói với thầy, lúc nhỏ chúng tôi đi học, lúc học trung học ở tại Quý Châu, vào thời kỳ kháng chiến, học ban đêm phải thắp đèn dầu, ánh sáng của cây đèn dầu còn nhỏ hơn cây đèn cầy. [Nếu muốn sáng như] một cây đèn cầy, phải thắp cây đèn dầu có năm tim đèn, thắp hết năm tim đèn mới sáng bằng ngọn đèn cầy; cây đèn dầu lúc đó chúng tôi dùng dầu đồng, độ sáng chỉ bằng một phần năm của đèn cầy, chúng tôi dùng đèn dầu để coi sách như vậy, quý vị không thể nào nghĩ nổi. Con người ngày nay có phước nhưng không chịu đọc sách, ngày xưa chúng tôi nghèo như vậy mà lại thích đọc sách. Phía sau là một bài kệ trong Ðại Trí Ðộ Luận, chúng ta hãy đọc thử, hàng cuối trong chú giải, ‘Ðại Luận nói: ‘Người tu bố thí, danh vang khắp mười phương, người có trí đều kính mến, khi nhập chúng chẳng lo sợ, mạng chung sanh lên trời, lâu dần ắt được Niết Bàn’, lời Phật nói là lời chân thật. Phật dạy Bồ Tát cách sinh hoạt, Sáu Ba La Mật chính là sinh hoạt của Bồ Tát, điều thứ nhất chính là Bố Thí, bố thí tức là buông xả, buông xuống, lúc đó bạn sẽ được mát mẻ, được tự tại, sẽ mở mang trí huệ. Người không chịu bố thí, tâm nhãn rất nhỏ, tâm niệm luôn vì mình, người như vậy làm sao mở mang trí huệ cho được, không thể nào được. Xin coi đoạn kinh kế tiếp:
Nhược năng hồi hướng pháp giới, thị nhân phước lợi bất khả vi dụ.
若能迴向法界。是人福利不可為喻。
Như có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì phước lợi của người ấy sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.
Chúng ta coi chú thích cho đoạn này trước, chú thích chỉ có ba hàng, ‘Ðại Luận chép: Trong hai thứ bố thí mà Phật nói’, hai thứ bố thí là tài thí và pháp thí, ‘pháp thí hạng nhất, vì quả báo của việc tài thí có hạn, còn [quả báo của] pháp thí là vô lượng. Tài thí được quả báo ở cõi Dục Giới, pháp thí được quả báo trong Tam giới, và ngoài Tam giới’, đây là trích dẫn lời nói trong Ðại Trí Ðộ Luận. Sau đó còn nói ‘Nếu không cầu danh tiếng, tài lợi thế lực’ bạn bố thí không cầu danh, cũng không cầu tài, cầu lợi, quyền lợi, địa vị, bạn không cầu gì hết. ‘Chỉ vì học Phật đạo’, Phật đạo là gì? Trí huệ chân thật, giải thoát chân thật, chỉ vì đoạn phiền não, chỉ vì đoạn dứt lo âu, được thanh tịnh, tự tại, sung sướng, đó là Phật đạo. ‘Hoằng đại từ bi tâm, độ các thứ khổ của sanh, lão, bịnh, tử, đó gọi là thanh tịnh pháp thí’, như vậy thì đúng như lý như pháp. Chúng ta dùng tâm thanh tịnh, dùng tâm chẳng mong cầu để giúp đỡ hết thảy chúng sanh, đặc biệt là hết thảy chúng sanh đang chịu khổ nạn, đó là thanh tịnh pháp thí.
Trong pháp thí bao gồm cả tài thí, chúng ta ra tiền, ra sức là tài thí, chúng ta tồn tâm là pháp thí, chẳng có một mảy may mong cầu, tham vọng. Nghĩ đến chúng sanh khổ, giúp đỡ hết thảy chúng sanh là nghĩa vụ chúng ta phải làm. Khi giúp những người này dứt khoát không có tâm thiên lệch, bố thí một cách bình đẳng, thanh tịnh. Do đó tôi thường khuyên các bạn đồng tu, tầm mắt phải xa và lớn, còn [đối với] sự hoằng truyền của Phật pháp và lợi ích chúng sanh, mức độ tối thỉểu là chúng ta phải lấy chúng sanh trên toàn thế giới làm đối tượng, chẳng [hạn chế ở tại] một khu vực nào, bạn nhất định phải mở rộng tâm lượng. Nếu chỉ là một khu vực, khu vực đó tốt, còn khu vực khác nghèo hèn, lạc hậu, thì thế giới này vĩnh viễn sẽ chẳng được hòa bình, cho nên phải nghĩ đến toàn diện, giáo học và nâng cao toàn diện, làm cho hết thảy chúng sanh đều được phá mê khai ngộ, xã hội mới đạt được an định, thế giới mới đạt được hòa bình vĩnh viễn. Tuy trong đời quá khứ hết thảy chúng sanh trồng nhân chẳng giống nhau, duyên đời này không giống nhau, [chỉ cần] giác ngộ là được, có thể chăm sóc lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, miễn trừ hết thảy tranh chấp, tránh khỏi hết thảy tai họa.
Chúng ta coi phần chú thích kế tiếp, ‘Nếu không như vậy, thì là pháp giao dịch trong thương trường’, đây là nói bạn không có tâm đại từ bi, tại sao bạn đến cửa Phật để bố thí? Nghe nói trong cửa Phật ‘bố thí một thì sẽ được quả báo hàng vạn’, sự trao đổi này tốt lắm, có sự mua bán nào vốn một mà lời hàng vạn? Bố thí trong cửa Phật là ‘bố thí một được quả báo hàng vạn’, hãy mau đến đó bố thí, nếu có ý niệm này thì đó là đổi chác trong thương trường. [Mục đích] là mua chác, trao đổi, tâm cầu lợi thiết tha, tìm đúng chỗ rồi, vốn một lời hàng vạn, có thể lời to; tâm đó tuyệt đối là sai lầm, chẳng tương ứng. Sau đó lại nói ‘Lại nữa này Bồ Tát, biết thật tướng của chư pháp, như Niết Bàn chẳng tận’, Bồ Tát có trí huệ, hiểu rõ chân tướng của hết thảy pháp trong thế gian và xuất thế gian. Niết Bàn là Phạn ngữ, ý nghĩa là ‘không sanh, không diệt’. Không sanh không diệt là thật chứ chẳng giả. Phàm những gì có sanh có diệt đều là giả, chẳng phải thật. ‘Phước đức nhập thật tướng của chư pháp cũng chẳng cùng tận’, làm sao nhập? Tương ứng với chư pháp thật tướng. Làm sao mới tương ứng? Tâm tương ứng, tâm niệm bạn dấy khởi lúc bố thí tương ứng với chư pháp thật tướng. Hiện tượng tương ứng là gì? Thanh tịnh không ô nhiễm, thanh tịnh bình đẳng, tuy bố thí nhưng không nhiễm trước bố thí. Bố thí là tướng, phàm những gì có tướng đều là hư vọng’. Do đó bất luận tu bố thí như thế nào, nói thật ra Phật pháp nói hết thảy pháp đều là bố thí, bố thí bao trùm hết thảy Phật pháp. Phật dạy người không ngoài ba loại tài thí, pháp thí, và vô úy thí; cho nên những gì chúng ta tu học trong đời sống hằng ngày đều chẳng vượt ra khỏi ba loại này. Có thể dùng tâm thanh tịnh, tâm chân thành để phục vụ hết thảy chúng sanh, phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân thì đó là bố thí; phải có tâm bố thí, chỉ có phục vụ chứ không mong cầu ích lợi. Thế nên Phật, Bồ Tát là người có trí huệ làm công tác nghĩa vụ giáo dục, học trò của đức Phật cũng như vậy, đây là sự giáo học trí huệ, giáo học nghĩa vụ, cho nên được phước chẳng thể nghĩ bàn, như vậy sẽ nhập chư pháp thật tướng. ‘Do đó phước lợi chẳng thể ví dụ’, đây là phước báo chân thật, lợi ích chân thật, chẳng có cách gì ví dụ nổi.
‘Hồi hướng pháp giới’, hồi hướng tức là phục vụ, gần đây [trong lúc] giảng kinh Hoa Nghiêm vào đoạn [nói đến các] quỷ vương, thiên vương đại biểu Thập Hồi Hướng. Thập Trụ, Thập Hạnh nói trong Ðại Kinh thành tựu khả năng trí huệ của chính mình, sau khi trí huệ đức năng thành tựu thì phải phục vụ đại chúng, vì đại chúng phục vụ thì gọi là hồi hướng, hồi tự hướng tha, đem trí huệ đức năng cống hiến cho xã hội, cống hiến cho hết thảy chúng sanh, đó gọi là hồi hướng. Pháp giới là phạm vi, phạm vi này quá lớn, quá lớn! Chẳng phải là một quốc gia, một tinh cầu, mà là tận hư không, trọn khắp pháp giới, tâm lượng này bao lớn. Do đó phước đức, lợi ích của nó sẽ vô lượng vô biên, cùng quả vị chư Phật Như Lai không hai, không khác. Ðoạn này nói phước bạn được khi tạo tượng Phật, tạo hình tượng Bồ Tát, tạo tượng Chuyển Luân Thánh Vương. Xin xem đoạn kế tiếp:
Phục thứ Ðịa Tạng! Vị lai thế trung nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, ngộ Ðại Thừa kinh điển, hoặc thính văn nhất kệ nhất cú phát ân trọng tâm, tán thán cung kính, bố thí cúng dường, thị nhân hoạch đại quả báo vô lượng vô biên.
復次地藏。未來世中若有善男子善女人。遇大乘經典。或聽聞一偈一句發殷重心。讚歎恭敬。布施供養。是人獲大果報無量無邊。
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp kinh điển Ðại Thừa, hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu kinh, rồi phát tâm ân cần trân trọng, cung kính ngợi khen, bố thí cúng dường, thì người ấy sẽ được đại quả báo vô lượng vô biên.
Ðoạn trước nói về người có thể bố thí, có thể tu phước, ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’. Ðoạn sau nói họ tu phước, được phước, đây là khi gặp kinh điển Ðại Thừa, hoặc là ‘nghe một câu một kệ’, chỉ gặp được chút pháp Ðại Thừa, nhưng sau khi nghe xong họ có thể phát tâm, phát tâm chân thành, ‘ân trọng’ tức là chân thành, ưa thích tán thán, cung kính bố thí cúng dường, đây là những gì họ tu. Chư vị ở đây chắc chắn phải chú ý đến, thứ nhất nói họ là ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’, người có đủ thiện căn phước đức, chẳng phải là người thường, tức là đoạn trước nói họ hoàn toàn làm được Tịnh Nghiệp Tam Phước dạy trong Quán Kinh, họ là người như vậy. Gặp được kinh điển Ðại Thừa dù chỉ một câu một kệ, họ hiểu sâu nghĩa thú, trong kinh Kim Cang đức Phật dạy ‘hiểu sâu nghĩa thú’, một câu một kệ tuy ít, hiểu sâu nghĩa thú thì chẳng ít; nói một cách khác họ nghe xong và hiểu rõ ràng, rành rẽ.
Vào đời Ðường, đại sư Huệ Năng trong Thiền tông là một người làm công cực khổ, Ngài bán củi kiếm sống, trong xã hội ngày nay không có người làm nghề này nữa. Trước thời kháng chiến, lúc kháng chiến vừa mở đầu, đại khái khoảng sáu mươi năm trước, tôi ở Phước Kiến, đời sống lúc đó còn có rất nhiều ‘cu li’, bán củi, bán nước, chẳng có nước máy, [nên người ta] gánh nước từ bờ sông, từ giếng đi bán, một gánh nước lúc đó là ba bản đồng, bằng một xu, lúc đó dùng bản đồng. Người bán củi, đốn củi trên núi gánh xuống thành thị bán, rất cực khổ, Ngài Huệ Năng bán củi sinh sống. Bán củi xong, đem tiền về, lúc đó nghe một người đang tụng kinh Kim Cang, [người đó] tụng kinh trong phòng, Ngài đứng ở kế cửa sổ lắng nghe. Thời xưa cửa sổ không có cửa kiếng, nếu có kiếng thì bên ngoài nghe không được, lúc đó cửa sổ dùng giấy dán bít lại, mùa đông cũng dán giấy, mùa đông thường dán hai lớp giấy. Cửa sổ dán bằng giấy cho nên bên trong nói chuyện, bên ngoài có thể nghe được. Ngài ngẫu nhiên nghe được vài câu, nghe đến câu ‘Không nên trụ ở đâu mà sanh tâm ấy’ (Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm) trong kinh Kim Cang, Ngài bèn ngộ nhập.
Nếu bạn hỏi, Ngài làm sao có thể ngộ nhập? Ngài là thiện nam tử, người niệm kinh hằng ngày cũng chẳng ngộ nhập vì người đó chẳng phải là thiện nam tử. Kẻ chẳng phải là thiện nam tử niệm kinh cho thiện nam tử nghe, nên thiện nam tử khai ngộ. Chư vị thử nghĩ xem, Tịnh Nghiệp Tam Phước dạy trong Quán Kinh, bạn coi kỹ xem ngài Huệ Năng có làm được chăng? Ngài đã làm được. Ngài thật sự đã hiếu dưỡng cha mẹ, Ngài bán củi mua gạo về nhà cúng dường mẹ. Tuy Ngài chẳng đi học, chúng ta không thấy Ngài phụng sự sư trưởng, nhưng sau này khi Ngài đến Hoàng Mai, chúng ta thấy [Ngài đã làm được], thật sự đã hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng. Từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp vô cùng rõ ràng. Ngài chẳng có học nhưng đều đã làm trọn, đó là thiện căn phước đức trong đời quá khứ cho nên ngẫu nhiên được nghe người ta đọc kinh, [đó là] cơ duyên, là duyên phận. Duyên phận này làm cho Ngài trở thành một vị Tổ Sư. Nếu lúc Ngài bán củi chẳng nghe được người ta đọc kinh thì sẽ phải bán củi vĩnh viễn, làm sao có thể nghe đến Phật pháp? Vừa nghe được một lần, nghe được một câu một kệ, nghe xong Ngài thật sự hiểu được, thật sự nghe rõ ràng, nên Ngài liền phát tâm ân trọng, Ngài liền tán thán, cung kính, thật sự muốn học, thật sự đi hỏi ‘cuốn sách ông niệm đó là sách gì?’, ông đó niệm kinh. ‘[Kinh này] từ đâu mà có?’. ‘Từ Hoàng Mai tới’, nghe xong Ngài liền muốn đi [đến Hoàng Mai] để học hỏi.
Việc cúng dường nói ở đây, bốn chữ ‘bố thí cúng dường’ là pháp cúng dường, quan trọng nhất trong pháp cúng dường là ‘y giáo tu hành cúng dường’. Phải giải thích bố thí như thế nào? Bố thí là bỏ hết thảy những điều sai trái từ trước, đó chính là bố thí, noi theo Phật pháp mà tu học chính là ‘cúng dường’, sự bố thí này chẳng dính dáng tới tiền tài, cúng dường cũng chẳng liên quan đến phẩm vật. Bỏ hư vọng, học chân thật, xả vọng chính là bố thí, học chân là cúng dường, người như vậy sẽ ‘có được quả báo to lớn, vô lượng vô biên’. Chú giải nói rõ cho chúng ta, trích Khởi Tín Luận, giải thích Ðại Thừa, Thể của kinh Ðại Thừa lớn, Tướng lớn, Dụng lớn, do đó công đức vô lượng vô biên. Chúng ta lật cuốn chú giải tới trang hai mưoi hai, đoạn cuối này rất quan trọng, chúng ta coi từ hàng thứ nhất, hãy đọc qua một lần, câu thứ hai hàng đầu ‘Kim tức văn thị chương cú, tín tâm thanh tịnh, tắc sanh thật tướng pháp nhãn’ (Nay nghe được lời này, khởi lòng tin, khởi tâm thanh tịnh, ắt sanh thật tướng pháp nhãn) đây là nói lý luận y cứ của một câu một kệ được vô lượng phước. Làm sao có thể như vậy được? Ðạo lý là ở chỗ này. Giống như kinh Kim Cang có nói ‘lòng tin thanh tịnh ắt sanh thật tướng’, sanh thật tướng nghĩa là gì? Minh tâm kiến tánh, phước báo và lợi ích ấy có gì sánh bằng? Phước báo họ được là minh tâm kiến tánh. ‘Tức sử nhất kệ nhất cú, diệc phục tăng tiến Bồ Ðề’, (Dù chỉ là một câu một kệ, cũng tăng tiến Bồ Ðề), từ sự tích của Lục Tổ Huệ Năng chúng ta nhìn thấy vô cùng rõ ràng, có thể chứng thật cho lời đức Phật dạy trong kinh là chân thật, chẳng hư dối.
Thời đại ngày nay của chúng ta, tu pháp bố thí tiện lợi hơn ngày xưa rất nhiều, nhưng phước chúng ta được không bằng người xưa, vì dụng tâm chẳng bằng người xưa. Người xưa chân thành cung kính, người hiện nay khởi tâm động niệm còn tâm riêng tư, chưa xả chính mình, do đó phước của sự bố thí chẳng giống như kinh đã nói, đạo lý là như vậy. Ngày nay quan trọng nhất là chúng ta xả hết thảy hư vọng chẳng chân thật, Thiện Ðạo đại sư dạy chúng ta ‘Hết thảy đều phải làm từ tâm chân thật’, câu này rất quan trọng! Hết thảy đều dùng tâm chân thật làm cơ sở, khởi đầu từ tâm chân thật mới đúng, chẳng có mảy may hư vọng, chẳng dối mình, chẳng gạt người, niệm niệm đều chân thật, bất luận là tu pháp môn gì, bất luận tu bố thí gì, đều được phước chẳng thể nghĩ bàn. Ðoạn sau cùng này trích một đoạn trong lời dạy của đức Phật, nói rõ một câu một kệ được vô lượng phước, chúng ta coi hàng thứ hai trong phần chú thích, trang hai mươi hai, hàng thứ hai bắt đầu từ câu cuối cùng.
‘Phật cáo A Nan: Nhược hữu tùng tha văn nhất tứ cú kệ’ (Ðức Phật nói với Ngài A Nan, nếu có người nghe được bốn câu kệ), đây là giả thuyết, nếu nói có duyên nghe người ta tụng kinh hoặc giảng kinh, thời gian rất ngắn, chỉ nghe người ta nói bốn câu kệ. ‘Hoặc thư chi trúc bạch’ (Hoặc viết trên tre hay trên vải), thời xưa chẳng có giấy, thời xưa ở Trung Quốc dùng thẻ tre, viết chữ trên thẻ tre, nếu quý vị đến Cố Cung Bảo Tàng Viện tham quan [thì sẽ thấy] những điển tịch trước triều Hán vẫn còn viết trên thẻ tre. Bạch là một miếng vải dệt bằng tơ, lúc đó chẳng có giấy, cũng được viết trên những miếng tơ này, hiện nay gọi là sách, thư tịch. ‘Sở hữu danh tự ư nhược can kiếp, thủ bỉ hòa thượng A Xà Lê đẳng, hà đảm kiên thượng hoặc bối phụ đảnh đới. Thường tương nhất thiết âm nhạc chi cụ, cúng dường thị sư, thượng bất năng cụ báo sư ân’ (Hết thảy danh tự trong bao nhiêu đó kiếp, đem hòa thượng, A Xà Lê cõng trên vai, hoặc đội trên đỉnh đầu. Thường dùng những nhạc cụ cúng dường thầy cũng chẳng thể báo đền ân thầy), câu này nói về tri ân báo ân. Bạn làm sao khai ngộ? Vì người khác truyền thọ cho bạn một câu một kệ, cho bạn cơ hội này, bạn có thiện căn, sau khi nghe xong có thể giải sâu nghĩa thú, bạn khai ngộ, bạn thành Phật rồi. Người truyền trao cho bạn một câu một kệ là thầy của bạn, là ân sư của bạn, ân đức đó bao lớn? Ðức Phật nêu một thí dụ, chúng ta coi thí dụ này, báo đáp chẳng cùng tận. Thí dụ nói bạn cõng thầy trên vai, hoặc cõng trên lưng, hoặc trên đỉnh đầu, dùng hết thảy những nhạc khí để cúng dường cũng báo đáp không hết, đây là một người thật sự tri ân báo ân.
Sau đó nói ‘Nhược ư hòa thượng sở, khởi bất kính tâm, hằng thuyết ư quá, ngã thuyết ngu si, cực thọ đa khổ. Ư đương lai thế tất đọa ác đạo’ (Nếu đối với hòa thượng, khởi tâm bất kính, luôn kể lỗi thầy, ta nói kẻ ấy ngu si, sẽ chịu nhiều sự khổ cùng cực. Trong đời tương lai, ắt đọa ác đạo), vị thầy này có ân đối với bạn, bạn đối với thầy chẳng có tâm cung kính, còn thường nói đến lỗi của thầy. Thầy có lỗi hay không? Rất khó nói. Tại sao rất khó nói? Có lỗi hay không là ở chỗ bạn khởi tâm động niệm, nếu bạn dùng tâm phiền não nhìn thầy, [sẽ thấy] lỗi của thầy vô lượng vô biên, nếu dùng tâm thanh tịnh nhìn thầy [sẽ thấy] thầy đích thật chẳng có lỗi. Đại sư Ngẫu Ích nói rất hay: Cảnh duyên chẳng có tốt ác, chẳng có đẹp xấu, cảnh là gì? Là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự, hết thảy người, hết thảy vật, nói cho chư vị biết chẳng có thiện cũng chẳng có ác, chẳng có đẹp chẳng có xấu, thiện ác, đẹp xấu là ở tại nơi tâm mình. Tâm bạn thiện thì nhìn hết thảy người đều là người thiện, thấy hết thảy pháp đều là thiện pháp; nếu tâm bạn ác thì nhìn hết thảy người đều là người ác, thấy hết thảy pháp đều là ác pháp. Lời của đại sư Ngẫu Ích nói rất đúng. Cũng giống như lời nói gió động, phan động trong Ðàn Kinh, đại sư Huệ Năng thấy được, chẳng phải gió động cũng chẳng phải phan động, mà là tâm bạn đang động. Một câu nói liền nói toạc chân tướng sự thật ra. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy chư Phật, Bồ tát thị hiện biểu diễn, biểu diễn trên Tích Tướng[1] năm mươi ba lần tham vấn có thiện có ác, trong đó còn có sát, đạo, dâm vọng, Thiện Tài đồng tử vẫn tới tham phỏng. Sát, đạo, dâm là ba độc phiền não [thường được đề cập] trong Phật pháp, Bồ Tát thị hiện, Thiện Tài tham học được vô lượng công đức. Ngài làm sao đạt được? Nếu chúng ta tiếp xúc những thứ này thì nhất định sẽ đọa A Tỳ địa ngục, tại sao người ta tiếp xúc có thể thành vô thượng đạo? Vì dùng tâm chẳng giống nhau. Chúng ta dùng tâm gì? Bồ Tát dùng tâm gì? Cho nên đoạn này rất quan trọng. Sau đó nói tiếp ‘Thị cố ngã giáo nhữ đẳng thường hành cung kính tôn trọng chi tâm, ái trọng Tam Bảo thậm thâm chi pháp, tất hoạch vô lượng vô biên chi đại quả hỹ’ (Do đó Ta dạy các ông thường giữ tâm cung kính tôn trọng, trân trọng yêu tiếc pháp thậm thâm của Tam Bảo, ắt sẽ gặt được vô lượng vô biên quả báo vậy), chỗ này trích dẫn lời đức Phật dạy. Câu sau cùng:
Nhược năng hồi hướng pháp giới, kỳ phước bất khả vi dụ.
若能迴向法界。其福不可為喻。
Nếu có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì phước báo này sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.
Phần chú thích nói, chú giải trích dẫn Phó Pháp Tạng Kinh, lời Phật nói ‘Pháp thị chúng sanh chân thiện tri thức, tác đại lợi ích, tế chư khổ não’ (Pháp là chân thiện tri thức của chúng sanh, làm lợi ích lớn lao, tế độ các khổ não), có thể giúp hết thảy chúng sanh vượt qua hết thảy khổ nạn, nhất định phải nương vào Phật pháp, cho nên Phật pháp mới là chân thiện tri thức của chúng sanh. Trong Phật pháp đặc biệt là pháp Ðại Thừa, pháp ngày nay chúng ta tu học là phần thù thắng, tinh hoa nhất trong Ðại Thừa, bao gồm Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh. Chúng ta có được lợi ích, chúng ta tuân giữ giáo giới của đức Phật, phải nên giới thiệu rộng rãi lợi ích này cho hết thảy chúng sanh, giới thiệu cho hết thảy chúng sanh. Ðó là gì? Hồi hướng pháp giới, chẳng hưởng riêng mình, phải nên làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, nhất định không sợ gian khổ, sốt sắng nỗ lực mà làm. Sống một ngày thì làm một ngày, làm đến hết đời này phải làm việc này cho tốt đẹp, đó gọi là công đức viên mãn. Không sợ gian khổ, không thể tham hưởng thọ ngũ dục lục trần trong thế gian, lãng phí mạng sống quý báu của mình. Nếu Bồ Tát tham hưởng thọ, trong đó có thể được tự lợi, không thể lợi người, điểm quý báu của Phật pháp là ở chỗ lợi người. Muốn lợi người thì nhất định phải buông bỏ sự yên vui của mình. Lúc trước thầy Lý nói với tôi đâu có ai mà không thích ở túp lều trên núi? Ðó là sự hưởng thọ cá nhân, hưởng thọ niềm vui đại tự nhiên, tiêu dao sơn thủy, niềm vui hạng nhất trong đời người. Nhưng không thể đem lại lợi ích cho chúng sanh, chỉ có thể tự lợi, chẳng thể lợi người. Phật, Bồ Tát, [và những] người đắc đạo minh tâm kiến tánh đích thật có thể hưởng thọ vì họ đạt được đại tự tại. Nhưng họ buông bỏ sự hưởng thọ của mình, chẳng từ lao nhọc mỗi ngày giáo hóa chúng sanh, đi vào đô thị, thôn trang chỉ cần có người chịu nghe, chịu tiếp nhận, đúng như câu ‘Trong cửa nhà Phật không xả một ai’, các Ngài đều hoan hỷ, sẵn sàng giải thích, thuyết giảng tường tận cho người.
Cả đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm chẳng gián đoạn, mỗi ngày đều phục vụ cho mọi người, giảng giải cho đại chúng, mãi cho đến già cũng chưa từng buông bỏ công việc giảng kinh thuyết pháp dạy dỗ chúng sanh, rất đáng cho người đời sau chúng ta tôn kính, đáng cho người đời sau bắt chước. Chúng ta có khi nào nghe, coi trong kinh thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi nghỉ mát ở chỗ nào đó chăng? Chưa từng thấy qua. Ngày nay dù công việc rất gian khổ, mỗi ngày đều phải làm việc, [con người] vẫn tìm thời gian đi nghỉ mát, chưa bao giờ nghe đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi nghỉ mát cả. Cũng chẳng nghe một ngàn hai trăm năm mươi người [đệ tử của Phật] đi nghỉ mát, chưa hề nghe tới. Ở đây chúng ta lập Phật Học Viện, nghe nói còn có nghỉ Hè, nghỉ mùa Ðông, còn nghỉ học, do đó những điểm này chúng ta phải nghĩ tới. Tương lai lập Phật Học Viện nhất định phải nghỉ hè, phải tùy thuận thế gian, vì trường học trong thế gian đều nghỉ hè. Nhưng khi chúng ta nghỉ hè thì phải làm sao? Phải làm gì? Hy vọng mọi người học theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đi khắp nơi giảng kinh thuyết pháp để nghỉ mát, đem những điều bạn đã học trong khóa học này tìm một chỗ để giảng kinh trong dịp nghỉ hè, làm vậy thì dịp nghỉ hè này bạn chẳng luống qua, lợi dụng khoảng thời gian này kết pháp duyên với hết thảy chúng sanh. Nếu các bạn có ý này, tôi có thể sắp xếp cho các bạn, mời nhiều chỗ ở nước ngoài gởi thiệp mời các bạn, nghỉ hè một tháng thì giảng kinh một tháng, nghỉ hè hai tháng thì giảng kinh hai tháng, chẳng luống qua. Không thể nghỉ hè rồi đi du ngoạn sơn thủy, vậy thì sai rồi! Nếu nghỉ hè như vậy, những gì bạn học được trong học kỳ này đều mất hết, bạn làm sao tiến bộ được? Tiến bộ là niệm niệm đều cần cù gắng sức, chẳng buông bỏ, phải hiểu đạo lý này.
Xin xem đoạn kinh tiếp theo, đoạn này nói về phước báo bố thí, tu bổ kinh điển, tháp tự. Phần chú thích nói trên còn một đoạn, trang hai mươi hai, hàng thứ năm, đoạn sau, chúng ta hãy đọc, đoạn này rất quan trọng! ‘Thị cố trí giả, dục đắc vô thượng an ổn khoái lạc, ưng đương chí tâm cần thính kinh pháp’ (Do đó những người có trí huệ muốn được niềm vui sướng yên ổn vô thượng thì phải nên chí tâm, siêng năng nghe kinh pháp), câu này tóm lại một đoạn trong Phật Thuyết Kiên Ý Kinh, đoạn này chúng ta phải đem ra lưu thông, in ra để phổ biến rộng rãi. Ðoạn này ở trang hai mươi ba, hàng thứ ba, mọi người hãy ghi nhớ. Phật Thuyết Kiên Ý Kinh, đoạn kinh văn này ‘Phật cáo A Nan: Kỳ hữu hảo tâm thiện ý chi nhân, văn Phật minh pháp, nhất tâm nhi thính năng nhất nhật khả, bất năng nhất nhật, bán nhật khả, bất năng bán nhật, nhất thời khả’ (Ðức Phật bảo Ngài A Nan nếu có người hảo tâm có thiện ý nghe Phật hiểu pháp, hết lòng mà nghe thì có thể nghe một ngày, không thể nghe một ngày thì nghe nửa ngày, không thể nghe nửa ngày thì nghe một thời cũng được), một thời ở đây là chỉ một thời của cổ Ấn Ðộ, tức là bốn giờ ngày nay, ngày đêm chia ra sáu thời, một thời tương đương với bốn giờ hiện nay. ‘Bất năng nhất thời, bán thời khả’ (không thể nghe một thời thì nghe nửa thời cũng được), bán thời tức là hai giờ ngày nay. ‘Bất năng bán thời tu du khả’ (không thể nghe bán thời thì nghe một lát cũng được), nếu bạn không rảnh nghe hai giờ thì nghe mấy phút cũng được. ‘Kỳ phước bất khả lượng’ (phước ấy chẳng thể tính đếm). Chúng ta đổi một chữ ở phần dưới, [tức là] ‘kỳ phước bất khả lượng’ (phước ấy không tính đếm được) thành ‘kỳ phước bất khả hạn’ (phước ấy không có giới hạn). Dùng chữ ‘giới hạn’ thì dễ hiểu hơn. Phía trước đoạn kinh văn [vừa dẫn trên đây trong chú giải] có ghi một chữ văn, ý nói đoạn văn vừa dẫn trên đây là kinh văn [trích từ Phật Thuyết Kiên Ý Kinh]. Tiếp theo ‘thị cố trí giả dục đắc vô thượng an ổn khoái lạc, ưng đương chí tâm cần thính kinh pháp’ (do đó những người có trí huệ muốn được niềm vui sướng yên ổn vô thượng thì phải nên chí tâm, siêng năng nghe kinh pháp). Chúng ta dùng đoạn kinh này để khuyên người ta hãy thường nghe kinh, cho nên đoạn kinh này rất quan trọng! Quý vị hãy đánh máy đoạn này ra thành một bài ngắn, có thể dùng để khuyên người ta đến nghe kinh. Xin xem tiếp:
Phục thứ Ðịa Tạng! Nhược vị lai thế trung.
復次地藏。若未來世中。
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai.
Trong kinh nói ‘vị lai thế trung’ tức là thời đại hiện nay của chúng ta.
Hữu thiện nam tử thiện nữ nhân.
有善男子善女人。
Như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào.
[Người] có đầy đủ điều kiện của chữ ‘thiện’ này vô cùng hy hữu, vô cùng hiếm có.
Ngộ Phật tháp tự Ðại Thừa kinh điển, tân giả bố thí cúng dường, chiêm lễ tán thán, cung kính hiệp chưởng. Nhược ngộ cố giả, hoặc hủy hoại giả, tu bổ doanh lý, hoặc độc phát tâm, hoặc khuyến đa nhân đồng cộng phát tâm.
遇佛塔寺大乘經典。新者布施供養。瞻禮讚歎。恭敬合掌。若遇故者。或毀壞者。修補營理。或獨發心。或勸多人同共發心。
Gặp chùa tháp thờ Phật và kinh điển Ðại Thừa, nếu còn mới thì bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng, lễ lạy, khen ngợi, chắp tay cung kính; nếu đã cũ kỹ hoặc hư hoại thì sửa sang tu bổ, hoặc riêng mình phát tâm, hoặc khuyên nhiều người khác cùng phát tâm.
Ðoạn này nói về việc tu phước. Ý nghĩa của chữ Tự phần trước đã nói qua, nếu dùng cách nói hiện nay thì Tự nghĩa là một cơ cấu vĩnh cữu, chẳng phải là một thiết bị tạm thời, mà là vĩnh viễn. Ngày xưa cơ cấu làm việc của nhà vua gọi là Tự, cơ cấu làm việc của quan chức từ Tể tướng trở xuống thì gọi là Bộ, thường có thể thay đổi, có thể phế trừ, có thể xây dựng sửa đổi mới lại. Cơ cấu làm việc của nhà vua vĩnh viễn chẳng thay đổi. Ở Trung Quốc từ triều Hán đến triều Thanh có thể nói đều chẳng thay đổi, cho nên Tự là một cơ cấu làm việc lâu dài, chúng ta phải hiểu nghĩa của chữ Tự. Nhưng ngày nay khi mọi người thấy Tự, ngay cả cách suy nghĩ cũng không đúng, Tự thường đại diện cho mê tín, đại diện quỷ thần, vừa nghe chữ Tự và Miếu bèn nối liền thành ‘chùa miếu’, trong đó cúng quỷ thần, làm việc mê tín, đây là một sai lầm rất lớn. Tự ngày xưa là cơ cấu làm việc giáo dục của Phật giáo, giáo dục Phật giáo phải làm việc vĩnh viễn, không thể phế trừ, đình chỉ, không thể tạm ngưng cho nên gọi là Tự. Nhưng ngày nay nhiều người hiểu sai chữ này, cho nên chúng ta phải đổi một danh xưng mới, lão cư sĩ Hạ Liên Cư đề xướng đừng dùng danh từ tự viện, am đường nữa, hãy dùng Học Hội, chữ Học Hội này là do cụ Hạ đề xướng. Ngày nay chúng ta dùng tên Tịnh Tông Học Hội, chúng ta không dùng tên Tịnh Tông Tự, không dùng tên Di Ðà Tự mà dùng Tịnh Tông Học Hội, làm cho người ta nghe đến danh xưng này liền cảm thấy mới mẻ, chẳng bị hiểu lầm, ý kiến này rất hay. Chúng ta đọc sách của cụ nên tuân theo ý của cụ, chúng ta thành lập Tịnh Tông Học Hội.
Tháp Phật là nơi cúng dường xá lợi của Phật, Tự là nơi tuyên dương truyền bá Phật giáo. ‘Ðại Thừa kinh điển’ là pháp bảo quan trọng nhất trong nền giáo dục Phật Ðà, phần trước có nói đây là chân thiện tri thức của chúng sanh. ‘[Tháp Tự] mới thì bố thí cúng dường, chiêm lễ tán thán, cung kính chắp tay’, khi gặp chùa tháp mới xây, ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta tạo ra những kinh luận này dễ dàng, nhưng nhất định phải làm cho đẹp đẽ, trang trọng, làm cho người ta thấy liền sanh tâm hoan hỷ, sanh tâm cung kính tán thán, cho nên kinh sách không thể in một cách sơ sài. Nếu in một cách sơ sài thì người ta nhìn thấy không sanh hoan hỷ, đó là lỗi của chúng ta. Kinh điển nhất định phải in cho hoàn hảo, ráng hết sức in cho đẹp. Lần này chúng ta in bộ kinh này, chư vị nhìn thấy đều sanh tâm hoan hỷ. Bản in này không dễ tìm, ở Ðài Loan bản in này đã được in đi in lại rất nhiều lần nên chữ đều bị mờ, bản in tôi dùng là bản cũ, nét chữ đã bị phai mờ, cho nên tôi phải đi kiếm bản gốc.
Lần trước khi đến Hương Cảng, tôi đã lưu ý đi tìm, cũng nhờ Phật, Bồ Tát gia trì, khi đến thư viện Trung Hoa Phật Giáo tôi tìm được một bản, đây là bản in đầu tiên ở Hương Cảng, pháp sư Húc Lãng in, bản in này rất cũ rồi, giấy đã phai màu. Một lần khác tôi đi thăm pháp sư Giác Quang, pháp sư Giác Quang gọi điện thoại tìm tôi, chúng tôi gặp mặt và đến chỗ của thầy dùng cơm, trong tủ sách của thầy có một cuốn, cuốn này đều cùng một bản in nhưng được giữ kỹ hơn bản in của pháp sư Thường Hoài. Thầy để trong tủ sách rất sạch sẽ, chúng tôi đem về hai cuốn này, phía trước là hình trắng đen, chẳng phải hình màu, khi tới Ðài Loan chúng tôi đi tìm hình có màu, bản in của chúng ta hiện nay so với những bản cũ tốt hơn nhiều, đẹp hơn những bản gốc. Chúng tôi tặng mười cuốn cho pháp sư Thường Hoài, và mười cuốn cho pháp sư Giác Quang, chúng tôi lấy một cuốn sau đó tặng cho họ mười cuốn, tặng cho họ cuốn kinh đẹp hơn cuốn của họ cho chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi làm như vậy, về sau khi có chỗ nào tặng cho họ sách tốt, sách đẹp, họ sẽ đem cho chúng tôi, họ biết cho chúng tôi chẳng mất mát mà còn có báo đền. Chúng tôi đã in hai vạn cuốn, nghe nói hiện nay rất nhiều người ở Ðài Loan thấy bản in này đẹp như vậy, họ cũng muốn in, phát tâm như vậy rất tốt! In cho thật nhiều, bản in của chúng tôi để tại xưởng in Thế Hoa ở Ðài Bắc, giữ nguyên bản ở đó nên [sau này ai muốn in] khỏi phải trả tiền làm bản gốc, ai thích in đều có thể lấy bản đó đi in, như vậy thì giá vốn sẽ thấp hơn. [Kinh sách] mới chúng ta nhất định phải làm cho thật đẹp, thật trang nghiêm, khi người ta thấy liền sanh tâm hoan hỷ, [mới sanh tâm] ‘bố thí cúng dường, chiêm lễ tán thán, cung kính chắp tay’. Do đó nếu kinh sách in không đẹp thì sẽ chẳng được. Ðây là điều mà Phật dạy chúng ta ở chỗ này, phải dốc hết sức làm cho được hoàn hảo.
‘Nếu gặp [kinh sách] cũ, hoặc bị hư hoại’, chữ Cố nghĩa là cũ, sách cũ có giá trị cao. Cao ở chỗ nào? Thứ nhất là sách đó đã lưu truyền rất lâu, đã có rất nhiều người đọc qua, năm tháng lâu đời chứng tỏ kinh này là kinh chân thật. Nếu là giả, ngụy tạo thì đã bị đào thải sớm rồi, cho nên nó có giá trị lịch sử. Lại được rất nhiều cao tăng đại đức đọc qua, nếu dùng cách nói hiện nay thì từ trường của nó rất khác thường, đồ mới như thế nào cũng không bằng đồ cũ, chư vị phải biết, nó có giá trị kỷ niệm, có sức lôi cuốn rất mạnh mẽ. Nhưng đồ vật truyền lâu đời thì sẽ bị hư hao, hiện nay tôi còn cỡ ba mươi, bốn mươi cuốn sách đời Minh, tính sơ sơ cũng đã sáu trăm năm, giấy rất mỏng manh, giòn rụm, khi lật cứ sợ nó bị rách, do đó những sách này tôi làm sao đọc được? Tôi chụp (photocopy) lại, tôi đọc bản copy, còn sách gốc thì giữ nguyên, không thường mở ra. Ở đây không thuận tiện cho lắm, ở Ðài Loan thì tiện hơn, nếu ở Ðài Loan thì tôi sẽ đem đi ‘bồi’ lại, giống như trang hoàng bức họa vậy, bên trong lót một miếng giấy bông, lót lớp giấy này thì sách có thể bảo tồn ít nhất một ngàn năm. Vì hiện nay những sách này hơn phân nửa là in bằng giấy Mao Biên, chẳng phải giấy tốt lắm, chỉ là giấy Mao Biên thường. Giấy Mao Biên chỉ giữ được năm trăm năm cho nên hiện nay nhất định phải tu bổ. Tu bổ nghĩa là phải bồi, sau đó đóng (xỏ chỉ) lại, làm như vậy có thể giữ được thêm một ngàn năm, sách này đã trở thành đồ cổ rồi. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, đừng cho rằng đồ cũ rách thì nên liệng bỏ, cũ rách vẫn có giá trị. Thật sự là người trong nghề, người biết [giá trị] món hàng, [khi tới] Cố Cung Bảo Tàng Viện ở Ðài Loan, không phải là người sành điệu thì thích coi cái gì? Coi đồ ngọc đời Minh, Thanh, ngọc ấy vô cùng đẹp đẽ. Còn người sành điệu thì coi cái gì? Coi đồ đồng đời Hạ, Thương, Châu, [những đồ ấy là] đồng hư sắt vụn, đồ đạt không hoàn hảo, nhiều khi chỉ là một miếng vụn, [nhưng đó lại là] báu vật vô giá. Làm sao sánh bằng những đồ bằng vàng bạc, ngọc ngà đời Minh, Thanh? Không sánh bằng, [nhưng nó có] giá trị lịch sử, do đó [chúng ta] phải hiểu đạo lý này.
Sách cũ chúng ta phải tu bổ, tháp tự cũ chúng ta cũng phải tu bổ, trên phương diện này thì chúng ta thua xa người Nhật. Khi tôi đi Nhật tham quan, tham học, đối với việc người Nhật bảo tồn tháp tự, tu bổ đồ cổ, tôi khâm phục năm vóc sát đất. Những thứ này họ đã học được từ Trung Quốc, sau khi học xong vẫn giữ gìn mãi cho đến ngày nay; họ có thể giữ gìn lâu như vậy sao? Mỗi năm họ đều tu bổ, cây cột này bị mối mục rồi, họ dùng gỗ giống hệt, vật liệu giống hệt, hình thức giống hệt để làm cây cột khác thay thế. Do đó khi bạn đi Nhật sẽ thấy chùa miếu trang nghiêm, [phỏng theo] mô thức đời nhà Hán. Học sinh người Nhật du học đến Trung Quốc vào đời Ðường nhiều nhất, họ học các lối kiến trúc cổ đại, Trung Quốc có rất nhiều phi diêm (mái cong vút), phi diêm thuộc đời nhà Minh; đời Hán, Ðường còn chưa có phi diêm, do đó khi đi Nhật bạn sẽ thấy được rất nhiều kiến trúc đời Hán, Ðường, hoàn toàn giống với những gì ghi trong sách cổ Trung Quốc. Hiện nay chúng ta đọc Lễ Ký, coi không hiểu rất nhiều cách thức sinh hoạt thời đại đó, nhưng khi tới Nhật bèn hiểu ngay, những thứ đó chính là cách sinh hoạt của người Nhật. [Còn về] y phục, người Nhật mặc hòa phục, quần áo người Nhật gọi là hòa phục, hay Ngô phục, nói Ngô phục thì bạn sẽ có ấn tượng, Ngô là Giang Tô, phục trang của thời đại Ngô Việt, truyền qua tới ngày nay người Nhật vẫn còn mặc, vẫn giống y như vậy, người Nhật bảo tồn văn hóa cổ đại của Trung Quốc. Cách thức tu bổ tháp tự của họ đích thật đáng cho chúng ta học tập, nhất định phải dùng vật liệu gốc, dùng cách thức thời xưa để tạo ra vật mới [giống hệt như vậy]. [Họ giữ được] giống hệt thời xưa, bảo tồn được vô cùng hoàn chỉnh, đây là việc chúng ta tới đó tham quan không thể không khâm phục.
Người Nhật có thể hấp thụ văn hóa kỹ thuật tân tiến nhất của Tây phương, lại có thể bảo tồn những vật cố hữu, chẳng phế bỏ, đây là chỗ họ cao minh hơn người Trung Quốc. Thậm chí đối với một con đường cũ xưa, họ cũng không phá bỏ con đường xưa, khi mở đường mới họ mở ở kế bên con đường cũ, bảo tồn con đường cũ. Ðường cũ dùng gạch trải đường, có xe ngựa dành cho khách du lịch tới coi, ngồi xe ngựa rất thích thú. Lúc tôi đi tham quan Nhật khoảng hơn hai mươi năm trước, tôi có ấn tượng rất sâu đậm. Nói thật ra ở Trung Quốc có thể khôi phục vài cổ thành, hôm kia nhân dịp tết Trung Thu quý vị đến Ðường Thành để hội họp, ở Hong Kong có một chỗ gọi là Tống Thành. Nói thật ra nếu Trung Quốc có thể khôi phục diện mạo của Khai Phong trở về đời Tống, khôi phục diện mạo của Tây An trở về quy mô đời Ðường, một thành phố đời Ðường, một cái đời Tống, người ở đó có thể khỏi làm việc gì cả, chỉ bán đồ ăn cho khách du lịch là có thể kiếm lời, người trên toàn thế giới sẽ đến đó tham quan. Có ai không muốn đi tới đó coi thử? Coi đời sống của người đời Ðường, đời Tống, quần áo trang sức hoàn toàn khôi phục trở về thời xưa, dụng cụ cũng thuộc đời xưa, [thu hút mọi người] đến đó du lịch, họ sẽ tiếp đãi du khách, thu hút người trên toàn thế giới đến đó du lịch, đây là một chuyện tốt. Khi tôi đi Nhật tham quan bèn nghĩ đến chuyện này, bạn đừng tưởng là không có thu nhập, thu nhập sẽ rất khả quan, rất khá. Bạn bán đồ lưu niệm, mượn cơ hội này để tuyên dương văn hóa Trung Quốc, lợi ích vô lượng vô biên. Khi ở Mỹ tôi có tham quan một thành phố [của người] Ðan Mạch, thành phố đó chẳng lớn, người Âu Châu di dân tới đó. Cách thức sinh hoạt, kiến trúc của Ðan Mạch ở đó, hoàn toàn là cách sinh hoạt đời xưa của người Ðan Mạch, đi tới chỗ đó cũng giống như bạn đi tới Ðan Mạch vậy, rất có ý nghĩa, rất thú vị. Ðường phố ở đó có xe ngựa. Ðây là việc bảo tồn văn hóa cổ, có giá trị, có ý nghĩa. Ðoạn này dạy chúng ta làm thế nào để tu bổ, khôi phục tháp tự xưa, điển tịch, kinh điển đời xưa, [chúng ta] phải nên coi trọng.
Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây thôi.
[1] Bổn và Tích là hai khái niệm của kinh Pháp Hoa, Bổn là quả địa thật sự, còn Tích là sự biến hiện trong phương diện hóa độ. Xin dùng một thí dụ minh họa như sau: Quán Thế Âm Bồ Tát là một vị cổ Phật có hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì bi tâm độ sanh, Ngài thị hiện thân Bồ Tát để phụ trợ Phật Thích Ca giáo hóa chúng sanh trong cõi Sa Bà, thị hiện tu nhân trong cõi Sa Bà, vãng sanh qua Cực Lạc để làm pháp vương tử phù tá đức Phật Di Đà. Như vậy, Bổn của Quán Thế Âm Bồ Tát là Chánh Pháp Minh Như Lai, còn Tích là thân Quán Thế Âm Bồ Tát. Tích tướng chính là những sự hóa hiện, hình tướng nơi Tích. Chẳng hạn, Bà Tu Mật Đa nữ có bổn địa là Bồ Tát, nhưng Ngài thị hiện thân dâm nữ nhằm hóa độ khách làng chơi, hoặc bổn địa của Phú Lâu Na là Bồ Tát, nhưng Ngài lại thị hiện thân Thanh Văn, đúng như kinh Pháp Hoa đã dạy: “Nội bí Bồ Tát hạnh, ngoại thị hiện Thanh Văn”.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.