Xin mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang ba, xin xem kinh văn:
Nhĩ thời Phật cáo Ðịa Tạng Bồ Tát: ‘Ngô kim ư Ðao Lợi thiên cung nhất thiết chúng hội, thuyết Diêm Phù Ðề bố thí, giảo lượng công đức khinh trọng, nhữ đương đế thính, ngô vị nhữ thuyết’.
爾時佛告地藏菩薩。吾今於忉利天宮一切眾會。說閻浮提布施。校量功德輕重。汝當諦聽。吾為汝說。
Bấy giờ, Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: ‘Nay Ta ở trong toàn thể chúng hội nơi cung trời Ðao Lợi này, giảng về sự so sánh công đức khinh trọng của việc bố thí ở Diêm Phù Ðề. Ông phải lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói’.
Ðoạn trước có nói Ðịa Tạng Bồ Tát thỉnh giáo đức Thế Tôn, chúng sanh trong lục đạo tu phước, tu phước chẳng giống nhau, quả báo cũng chẳng giống nhau, xin đức Phật giảng rõ chân tướng sự thật này cho chúng ta biết, đoạn kinh này là lời Thế Tôn giảng giải. Chữ ‘Nhĩ thời’ trong kinh văn là lúc Ðịa Tạng Bồ Tát thưa hỏi về việc này. Thế Tôn nói với Ðịa Tạng Bồ Tát, ‘ngô’ là lời đức Phật tự xưng, hôm nay tại cung trời Ðao Lợi, trong tất cả chúng hội, ‘nhất thiết chúng hội’ bao gồm đại chúng trong mười pháp giới, hội này vô cùng thù thắng, hy hữu. Trong phẩm Tự chúng ta đã thấy mười phương hết thảy chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát, đương nhiên trong đó bao gồm chúng sanh trong chín pháp giới, do đó trong hội này trên thực tế cùng với hải hội Hoa Nghiêm chẳng hai chẳng khác, bất quá hội này là mở tại cung trời Ðao Lợi, kỳ thật đã phá vỡ thời gian và không gian. Chúng ta nhìn thấy lục đạo chúng sanh trong tận hư không, trọn khắp pháp giới tham dự pháp hội này, cũng giống như tình huống trong kinh Hoa Nghiêm, đều là chư Phật, Bồ Tát ứng hóa trong lục đạo, ứng hóa trong ác đạo, dùng thân phận của những quỷ vương này tham dự đại hội, do đó hết thảy đại chúng trong hội vô cùng hy hữu. ‘Thuyết Diêm Phù Ðề bố thí, giảo lượng công đức khinh trọng’, đây là đáp ứng lời thỉnh cầu của Ðịa Tạng Bồ Tát, Diêm Phù Ðề tức là địa cầu của chúng ta, những người trên địa cầu tu phước được quả báo nặng nhẹ. Hai câu cuối cùng này đặc biệt căn dặn Ðịa Tạng Bồ Tát, trên thực tế là dặn dò mọi người chúng ta, ‘nhữ đương đế thính’, đế thính là nghe cho kỹ, ‘ngô vị nhữ thuyết’, sau đó là Thế Tôn thuyết pháp cho chúng ta. Xin xem kinh văn:
Ðịa Tạng bạch Phật ngôn: ‘Ngã nghi thị sự, nguyện nhạo dục văn’.
地藏白佛言。我疑是事。願樂欲聞。
Bồ Tát Ðịa Tạng bạch Phật rằng: ‘Con đang hoài nghi việc ấy, nên rất muốn được nghe’.
Thật ra nói Ðịa Tạng Bồ Tát hoàn toàn là thay thế chúng ta, Ngài nói ‘Ðối với sự việc này con rất hoài nghi, vô cùng hoan hỷ mong Thế Tôn vì chúng con mà giảng chân tướng sự thật này. Pháp sư Thanh Liên trong chú giải đã nói với chúng ta vài câu, những câu này đều là tình hình trong đời sống hiện thật, chúng ta hãy đọc phần chú giải ‘Những người ở Diêm Phù Ðề có thể bố thí, nhất định sẽ sanh lên trời’. Thật sự tu bố thí, bố thí đúng lý đúng pháp, bố thí là phước, khi tu phước có phước báo lớn thì kẻ ấy sanh lên trời để hưởng phước. Cho nên Thế Tôn giảng về công đức khinh trọng của việc bố thí ở tại cõi trời, tại sao không nói ở cõi người mà nói ở cõi trời? Ðây là chỉ rõ ý nghĩa này cho chúng ta. Nói ‘hãy lắng nghe, nghiệp của sự bố thí là nguồn gốc của các hạnh’, hai câu này là cương lãnh, nói tổng quát. ‘Tài vật vô thường, năm nhà[1] tranh đoạt, kẻ phàm ngu keo kiệt, chẳng có tâm xả’, đây là nói về tình trạng của con người trong thế gian, xã hội trước mắt càng nhiều hơn nữa, chẳng từ chối bất cứ thủ đoạn gì để cướp lấy tài vật, làm vậy sẽ tạo tội nghiệp. ‘Làm cho vợ con dòm chừng nhau’, đây là gia đình bất hòa, ‘anh em bất hòa, quyến thuộc trái ngược xa lìa, bạn thân tách lìa’, đây đều là những tình trạng hiện thực trong xã hội chúng ta. Rốt cuộc là do nguyên nhân gì tạo thành? Hiện nay tình trạng này quá bình thường, quá nhiều rồi. Ở Trung Quốc, ở ngoại quốc hầu như những gì sáu căn chúng ta tiếp xúc đến đều là cảnh giới này, chúng ta phải hiểu nghiệp nhân quả báo này, vậy thì phải lắng nghe lời khai thị sau đây của Thế Tôn. Xin xem kinh văn:
Phật cáo Ðịa Tạng Bồ Tát: ‘Nam Diêm Phù Ðề hữu chư quốc vương, tể phụ đại thần, đại trưởng giả, đại Sát Lợi, đại Bà La Môn đẳng.
佛告地藏菩薩。南閻浮提有諸國王。宰輔大臣。大長者。大剎利。大婆羅門等。
Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: ‘Ở cõi Nam Diêm Phù Ðề, có các Quốc Vương, hàng Tể Phụ, Ðại Thần, Ðại Trưởng Giả, Ðại Sát Lợi, Ðại Bà La Môn v.v...
Những người này đều là những người có địa vị, có tài sản, có thể bố thí trong xã hội.
Nhược ngộ tối hạ bần cùng, nãi chí lung tàn âm á, lung si vô mục, như thị chủng chủng bất hoàn cụ giả.
若遇最下貧窮。乃至癃殘瘖瘂。聾癡無目。如是種種不完具者。
Gặp những kẻ bần cùng thấp kém nhất, cả đến những kẻ gù lưng, tàn phế, ngọng, câm, điếc, ngu si, không mắt, những người không được vẹn toàn như thế;
Ðây là những đối tượng được bố thí. Trong Phật pháp gọi là phước điền (ruộng phước), phước điền có ba loại, loại này là ‘bi điền’, là những người đáng thương nhất trong thế gian. Những người này chẳng tu phước trong đời trước, tuy được thân người, cuộc sống vô cùng khốn khổ, những người có khả năng như chúng ta nhìn thấy những chúng sanh này phải nên dùng tâm đại từ bi tận tâm tận lực để giúp đỡ họ. Nghiệp nhân quả báo, pháp sư Thanh Liên cũng có đề cập sơ lược trong chú giải. Câu cuối cùng thầy trích dẫn lời trong kinh ‘Muốn biết nhân đời trước, những gì đời này thọ nhận chính là nó. Muốn biết quả đời sau, những gì đời này làm chính là nó.’ (Quý vị coi trong chú giải có ghi ‘quả đời sau’ không, sửa lại thành ‘Muốn biết nhân đời trước, những gì đời này thọ nhận chính là nó. Muốn biết quả đời sau, những gì đời này làm chính là nó.’ mới đúng. Ở đây có một chữ sai, phải sửa lại). Phước báo cũng giống như bóng, như tiếng vang, không thể không biết. Trồng phước thì được phước như bóng theo hình, phải hiểu đạo lý này. Sau đó là lời Thế Tôn dạy chúng ta, phải dùng tâm niệm, thái độ như thế nào để tu bố thí.
Thị đại quốc vương đẳng.
是大國王等。
Khi các Ðại Quốc Vương đó.
Chữ ‘đẳng’, phía trước đã nói về tể tướng, đại thần, trưởng giả, Sát Lợi, Bà La Môn, tức là nói về những người trong xã hội có địa vị, có của cải, có khả năng nên tu bố thí. Trong kinh đức Phật thường nói có phước báo thì nên chia sẻ với hết thảy chúng sanh, phước báo ấy sẽ lớn, phước báo đó sẽ vĩnh viễn hưởng chẳng hết. Nếu tham lam, keo kiệt chỉ dành riêng mình hưởng thọ, cho dù phước báo của bạn rất lớn, đời này bạn thọ dụng hết rồi thì đời sau sẽ chẳng còn phước nữa. Nếu chẳng có phước báo thì họ sẽ đi đâu? Chúng ta hiểu rất rõ ràng, rất rành rẽ, nếu không đi đến ác đạo, ở cõi người cũng sẽ nghèo hèn, các căn chẳng đầy đủ, cũng sẽ phải đọa lạc vào tầng lớp này. Do đó chúng ta hiểu đạo lý, hiểu chân tướng sự thật này thì phải nên tu phước. Người giàu sang có thể tu phước, người nghèo hèn cũng có thể tu phước, vả lại tương lai được quả báo cũng sẽ bình đẳng, chỉ cần tận tâm tận lực tu phước thì sẽ viên mãn.
Dục bố thí thời.
欲布施時。
Lúc muốn bố thí.
Lúc bố thí, nói thật ra nói bố thí là hết thảy thời, hết thảy nơi, không thể gián đoạn, quan trọng là bạn dùng tâm gì để giúp đỡ người ta.
Nhược năng cụ đại từ bi, hạ tâm hàm tiếu, thân thủ biến bố thí, hoặc sử nhân thí, nhuyễn ngôn úy dụ.
若能具大慈悲。下心含笑。親手遍布施。或使人施。軟言慰喻。
Nếu có thể đủ lòng đại từ bi, mỉm cười hạ mình, tự tay bố thí cùng khắp hoặc sai bảo người khác bố thí, lại dùng lời ôn hòa, dịu dàng an ủi;
Sự bố thí này thù thắng nhất, có tâm từ bi thật sự. ‘Ðại từ bi’ là tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, đối với hết thảy chúng sanh đều có tâm yêu mến giống nhau, vậy gọi là đại từ bi. ‘Hạ tâm’ là khiêm hư, tôn trọng người, chẳng có tập khí ngạo mạn, càng không thể có thái độ ngạo mạn. ‘Mỉm cười hạ mình, tự tay bố thí cùng khắp, đích thân làm việc này’. Nếu lúc nhân duyên chẳng đầy đủ, tự mình chẳng có cách đích thân đến chỗ đó để bố thí, vậy thì phải phái người đi, phái người đi thay mình, phái người đi cũng phải chỉ họ tâm niệm và thái độ khi bố thí, ‘dùng lời dịu dàng, ôn hòa an ủi’, dùng sắc mặt hòa nhã, lời nói trìu mến để an ủi những người mà mình bố thí, giúp đỡ. Họ đều đang sinh sống trong hoàn cảnh khốn khổ, mình phải an ủi họ.
Thị quốc vương đẳng, sở hoạch phước lợi, như bố thí bách Hằng hà sa Phật công đức chi lợi.
是國王等。所獲福利。如布施百恒河沙佛功德之利。
Thì các Quốc Vương đó sẽ được phước lợi bằng phước lợi của công đức cúng dường cho một trăm Hằng hà sa chư Phật.
Mọi người đều biết công đức bố thí cúng dường chư Phật lớn nhất, mọi người đều thích cúng dường Phật mà quên mất những người nghèo hèn này. Phía sau nói về những người bị tàn phế trong xã hội, phước báo có được do sự bố thí cho họ cùng với bố thí [cúng dường] chư Phật chẳng có sai khác. Chúng ta bố thí cho chư Phật Như Lai là dùng lòng cung kính, kiền thành đến cùng cực, phải dùng thái độ và tâm niệm ấy mà bố thí cho những người nghèo hèn này, phước báo ấy đều giống nhau. Tại sao vậy? Vì bạn dùng tâm bình đẳng, phước bạn được sẽ bình đẳng, thật sự là cảnh tùy tâm chuyển. Do đó nếu chư vị muốn chân chánh học Phật, muốn thật sự làm Phật ngay trong đời này, không phải là không làm được, lời đức Phật trong kinh dạy chúng ta là lời thật chứ chẳng giả, nhất định phải coi hết thảy chúng sanh như cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai.
Chúng sanh có người giàu sang, chúng ta biết họ đời trước có tu phước, là cha mẹ đời trước của chúng ta. Chúng sanh có người nghèo hèn, chúng ta cũng biết họ đời trước chẳng có tu phước, họ cũng là cha mẹ đời trước của chúng ta. Chúng ta dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng để hiếu thuận, bố thí cúng dường là hiếu dưỡng cha mẹ, là phụng sự chư Phật. Cho nên Phật dạy chúng ta, hết thảy chúng sanh có quan hệ gì với chúng ta? Là cha mẹ đời quá khứ, là chư Phật vị lai. Nếu chúng ta dùng tâm này để xem hết thảy mọi người, hết thảy chúng sanh thì thời gian bạn thành Phật sẽ rút ngắn rất nhanh. Nếu bạn niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thế giới thì đời này chắc chắn sẽ vãng sanh. Nói cách khác bạn niệm Phật tại sao không thể vãng sanh thành Phật? Vì bạn coi thường chúng sanh, dùng thái độ cống cao ngã mạn nên bỏ qua cơ hội tự mình vãng sanh bất thoái thành Phật ngay trong đời này. Không phải là chư Phật, Bồ Tát không giúp đỡ bạn, mà là bạn bỏ qua cơ hội trước mắt, việc này rất đáng cho chúng ta phản tỉnh, đáng cho chúng ta kiểm điểm. Nếu trên những việc này thật sự đã giác ngộ, hiểu rõ rồi, lộ trình Bồ Tát đạo của chúng ta sẽ thuận buồm xuôi gió, làm sao có chướng ngại cho được!
Bất cứ người nào cũng vậy, chỉ cần đầy đủ thái độ này, chẳng phải nói là coi hết thảy chúng sanh ‘cũng như’ cha mẹ đời quá khứ của mình, chư Phật vị lai, ‘coi như’ thì tâm địa của bạn cũng chưa thanh tịnh; nói một cách khác, bạn hãy suy nghĩ kỹ đi, bạn vẫn còn một chút ngạo mạn chưa dứt. Nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật này, đời quá khứ của chúng ta, quá khứ còn có đời quá khứ trước đó, quá khứ vô thỉ, vô lượng vô biên kiếp đến nay có quan hệ thân thích với chúng sanh này. Quan hệ thân thích tại sao lại không tốt đẹp? Hơn phân nữa là vì keo kiệt, tạo ra rất nhiều tội nghiệp, trong tâm nhìn thấy những tài sản này bèn khởi tâm tham, sân, si, mạn, tạo ra rất nhiều ác nghiệp, thọ những quả báo trước mắt này. Ngày nay chúng ta may mắn gặp được Phật pháp, gặp được Ðại Thừa, đức Phật giảng giải rõ ràng những chân tướng sự thật này cho chúng ta, giúp chúng ta giác ngộ. Sau khi giác ngộ trong tâm chúng ta có sự thay đổi rất lớn.
Ngày nay chúng ta đề xướng xây dựng làng Di Ðà, hoan nghinh các bạn đồng tu đến đây cùng tu, tất cả những người phục vụ tại làng Di Ðà từ lớn tới nhỏ đều coi các vị đồng tu như là cha mẹ, như bậc trưởng bối, chư Phật Như Lai, chúng ta dùng tâm chân thành, hiếu thuận để cúng dường đại chúng, phước báo này cũng giống như lời nói trong kinh này ‘giống như công đức lợi ích khi bố thí Hằng hà sa chư Phật’, cơ duyên vô cùng khó được, hy hữu khó gặp. Ðời này chúng ta có dịp gặp mặt tại Tân Gia Ba này là một điều vô cùng may mắn! Càng nghĩ thì càng thấy việc này vô cùng khó được, càng nghĩ càng cảm thấy chẳng thể nghĩ bàn. Thật sự hiểu rõ, thật sự giác ngộ thì tự nhiên sẽ dốc hết sức lực để cống hiến cho sự nghiệp to lớn này, sự nghiệp to lớn này chính là cúng dường cha mẹ, cúng dường chư Phật. Xin xem tiếp kinh văn:
Hà dĩ cố.
何以故。
Tại sao vậy?
Thế Tôn giải thích đạo lý này cho chúng ta.
Duyên thị quốc vương đẳng, ư thị tối bần tiện bối, cập bất hoàn cụ giả phát đại từ tâm.
緣是國王等。於是最貧賤輩。及不完具者發大慈心。
Bởi các Quốc Vương đó đã phát tâm đại từ bi đối với những kẻ bần cùng thấp kém nhất cùng những người khuyết tật kia.
Ðây là một điều kiện quan trọng nhất, vì người tu bố thí phát tâm đại từ bi, tâm đại từ bi giống với tâm Phật. Nhà Phật lược nói từ bi có bốn thứ, người thế gian chỉ có ‘ái duyên từ bi’, nếu họ thương mến bạn thì đối với bạn từ bi; khi họ không thương bạn thì sẽ chẳng từ bi với bạn. Từ bi là thương mến, quan tâm, toàn tâm toàn lực giúp đỡ bạn, một khi họ không thương bạn thì sẽ không từ bi. Người thế gian có trí huệ, có phước đức to lớn, họ có ‘chúng sanh duyên từ bi’, họ hiểu được thương chính mình và cũng thương người nhà, thương người nhà thì họ cũng mến quốc gia, thương dân tộc, thậm chí thương mến hết thảy chúng sanh trên thế giới, tâm lượng người này sẽ rất lớn. Người có tâm lượng lớn, đại đa số trong xã hội đều thuộc những người ở tầng lớp lãnh đạo, họ có tâm thương yêu rộng lớn, phạm vi họ bố thí cúng dường phục vụ cũng sẽ rất lớn.
Lúc đến quả vị Bồ Tát, Bồ Tát đã giác ngộ, tâm từ bi của Bồ Tát gọi là ‘pháp duyên từ bi’. Giống như chúng ta vừa nói, chúng ta coi hết thảy chúng sanh như cha mẹ đời quá khứ của chính mình, vị lai chư Phật, chúng ta tu hiếu kính, tu cúng dường như vậy thuộc về pháp duyên từ bi, pháp duyên vẫn còn có điều kiện. Tâm đại từ bi của quả địa Như Lai chẳng có điều kiện gì cả, tuyệt đối chẳng có phân biệt, chẳng chấp trước, hoàn toàn là tự nhiên, trong Phật pháp gọi là ‘pháp nhĩ như thị’ (pháp đương nhiên là như vậy), như vậy mới gọi là ‘đại từ bi’, phước báo ấy mới vô lượng vô biên, tuyệt chẳng phải chúng sanh duyên, pháp duyên có thể so sánh được. Người này phát tâm đại từ bi, giống như Phật. Ngày nay chúng ta phải học Phật, phải tu phước báo to lớn, khi bạn hiểu đạo lý này, hiểu sự thật này thì bạn sẽ làm được. Người có tiền, có của cải bố thí, họ bố thí nhiều, còn chúng ta không có của cải, chẳng có khả năng, mỗi tháng tôi chỉ kiếm được hai ngàn đồng, nếu tôi có thể bố thí hết hai ngàn đồng thì công đức của tôi sẽ viên mãn. Người ta mỗi tháng kiếm được mấy chục vạn, mấy trăm vạn, họ bố thí vài vạn thì công đức của họ không viên mãn, tại sao? Ðó là chỉ một phần nhỏ trong số mà khả năng của người đó có thể bố thí. Phước báo tôi nhỏ nhưng tôi đã đem hết toàn bộ để bố thí, tính tỷ lệ thì sự cúng dường của tôi là một trăm phần trăm, tâm cũng một trăm phần trăm, trên Sự cũng là một trăm phần trăm, quả báo có được cũng là một trăm phần trăm, như vậy thì Phật pháp mới gọi là pháp bình đẳng. Tuyệt đối chẳng phải người có thế lực, có của cải mới có thể tu bố thí, còn người nghèo hèn thì không thể bố thí, nếu vậy thì người nghèo sẽ mãi mãi nghèo hoài sao? Giàu sang cũng không phải đời đời kiếp kiếp đều giàu sang? Lẽ nào như vậy! Do đó chúng ta mới thật sự hiểu được lời của đức Phật dạy, thường thường thì người nghèo hèn đời sau sẽ giàu xụ, đời này người giàu sang đến đời sau đều giàu bớt đi, đều giảm xuống, tại sao? Lúc hưởng giàu sang, rất khó bố thí đến mức viên mãn, đạo lý là như vậy, do đó mới gọi là thiên đạo công bình, người nghèo hèn có thể tu đại phước báo.
Trong kinh đức Phật cũng đã từng nêu thí dụ cho chúng ta biết, hình như ở đây không có kể câu chuyện này, trong kinh Tiểu Thừa có nói. Có một người đi ăn xin, đây là một người nghèo hèn đến cùng cực, người ta cho bà một xu, đây là số tiền rất ít. Người ăn xin này gặp lúc đức Phật đang đi trì bát, nghĩ đến thân thế vô cùng thê thảm, đời quá khứ không có tu phước báo, khi nhìn thấy đức Phật đang trì bát bèn cung kính đem một đồng xu này cúng dường đức Phật. Người ăn xin này là một người đàn bà, bảy ngày sau bà chết mất, vì đã trồng phước này nên đời sau bà sanh vào một nhà trưởng giả giàu sang để hưởng phước, sau khi trưởng thành bà làm hoàng hậu. Ðem một xu cúng dường đức Phật được phước báo lớn như vậy, đây là điều mà phần đông người ta rất khó tin nổi. Tại sao lại được phước báo lớn như vậy? Tâm bà phát là tâm đại từ bi, tâm chân thành cung kính, phước là do chỗ này mà sanh ra; chẳng phải từ một đồng xu, một xu đáng giá bao nhiêu? [Phước báo có được] là do nơi tâm bà.
Quốc vương có của cải nhiều, bố thí cho nhân dân, nuôi nấng dân chúng, dạy dỗ dân chúng, nếu không dùng tâm đại từ bi, khiêm nhường hạ mình thì phước báo của vua sẽ không hoàn hảo. Ðời này làm vua, đời sau sẽ làm đại thần, đời sau nữa chức quan sẽ càng ngày càng nhỏ, sẽ càng đi xuống. Tuy trên mặt của cải bố thí được nhiều, nhưng tâm chẳng thanh tịnh, chẳng từ bi. Cho nên từ mức đại từ bi giảm xuống thành pháp duyên từ bi, chúng sanh duyên từ bi, ái duyên từ bi, đó là từng đời không bằng đời trước. Ðức Phật trong kinh nói đạo lý này với chúng ta rất nhiều, nói rất rõ ràng, chúng ta phải hiểu kỹ lưỡng, phải ghi nhớ trong mọi lúc, mọi chỗ, khi xử sự, đãi người, tiếp vật, phải nhớ lời đức Phật dạy chúng ta đều là thật, nên phải dùng tâm khiêm hạ, cung kính đối xử với hết thảy người, dốc hết sức giúp đỡ mọi người. Giúp mọi người chính là giúp cha mẹ mình, giúp đỡ chư Phật Như Lai, vậy thì bạn coi tâm này của chúng ta sẽ vui vẻ, sung sướng bao nhiêu! Quả báo và phước lợi lớn nhỏ hoàn toàn dựa trên sự dụng tâm của bạn, chẳng dựa trên vật bạn bố thí nhiều hay ít, mà dựa trên tâm của bạn. Sau đó là nói đến quả báo.
Thị cố phước lợi.
是故福利。
Cho nên được phước lợi.
Phước mà họ có được, lợi ích họ đạt được.
Hữu như thử báo.
有如此報。
Quả báo như thế.
Đây là như thí dụ ở phía trước, quả báo của kẻ ấy được bằng với bố thí Hằng hà sa số chư Phật Như Lai. Do đó có thể biết, chúng ta muốn bố thí một trăm Hằng hà sa số chư Phật Như Lai, làm sao có được cơ hội như vậy, bạn làm sao có thể tu nổi phước báo này? Nhưng có phước báo giống như vậy, khi bạn có thể khởi tâm đại từ bi, như Phật đã nói, đích thật là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai, bạn dùng tâm chân thành cung kính này để bố thí cúng dường những người nghèo hèn, hạ tiện thì bạn sẽ được phước, đây là bố thí bằng với bố thí Hằng hà sa số chư Phật Như Lai. Cát sông Hằng rất mịn, giống như bột mì vậy, sông Hằng còn dài hơn Trường Giang ở Trung Quốc, bạn nghĩ coi trong đó có bao nhiêu cát? Khi đức Phật nói tới con số lớn thông thường đều dùng Hằng hà sa để thí dụ, cát trong một sông Hằng đã rất nhiều thì số cát trong một trăm sông Hằng chẳng có cách nào nói hết. Phía trước trong câu chuyện đức Phật có kể một bà cụ nghèo dùng tâm chân thành cung kính cúng dường một đồng xu cho Phật, đời sau có quả báo được làm hoàng hậu. Bạn có thể cúng dường bố thí một trăm Hằng hà sa số chư Phật Như Lai thì quả báo đó bao lớn? Chẳng có cách chi diễn tả được. Đức Phật nói những lời này, thật ra chẳng phải là thiện xảo phương tiện để dạy chúng ta chăm sóc người nghèo hèn, người già nghèo khổ, đức Phật chẳng có ý như vậy. Lời Phật nói đều chân thật, chẳng có mảy may giả dối, sự thật là như vậy. Phàm phu chúng ta mê mất tự tánh, chẳng thấy được chân tướng của vũ trụ nhân sanh, cho nên ở khắp nơi xung quanh chúng ta đều là phước điền, chúng ta không biết trồng phước mà còn tạo tội nghiệp, đúng như lời Phật thường nói trong kinh ‘[chúng ta là] những người đáng thương xót’, phước điền ở xung quanh nhưng bạn không biết trồng phước, còn tạo nghiệp, bạn coi đáng thương biết bao!
Bồ Tát hạnh là như thế nào? Người nào biết tu phước đều là Bồ Tát, người biết bố thí, cúng dường đều là Bồ Tát. Trong đời sống chúng ta bố thí, cúng dường, trong công việc làm của chúng ta cũng bố thí cúng dường, bất luận bạn làm ngành nghề gì, ngành của tôi, việc làm của tôi phục vụ cho xã hội đại chúng, là phục vụ cho chúng sanh, chỉ cần bạn có một tâm niệm, thái độ như vậy thì là bố thí cúng dường. [Tôi làm] nghề này là vì giúp cho tôi kiếm tiền, giúp cho gia đình tôi, vì con cháu của tôi, [nếu nghĩ vậy thì] bạn đã bỏ sót, uổng phí phước điền này rồi. Bạn hãy xem, cùng làm một công việc chỉ có một ý niệm sai khác, khởi một niệm riêng tư thì là phàm phu tạo nghiệp, khởi một niệm vì chúng sanh, vì xã hội thì đó là Bồ Tát, là Phật, chỉ sai khác trong vòng một niệm. Đổi ý niệm này trở lại thì siêu phàm nhập thánh, phước lợi của bạn đạt được sẽ vô lượng vô biên, giống như quả vị của chư Phật Như Lai. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Tỳ Lô Xá Na Phật, trong kinh Vô Lượng Thọ chúng ta thấy A Di Đà Phật, những phước lợi mà các Ngài có được thì chúng ta cũng có được, các Ngài biết tu, nếu chúng ta biết những chân tướng sự thật này thì chúng ta cũng biết tu, phước lợi cũng sẽ bằng với chư Phật Như Lai.
Bách thiên sanh trung thường đắc thất bảo cụ túc, hà huống y thực thọ dụng.
百千生中常得七寶具足。何況衣食受用。
Trong trăm ngàn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ thọ dụng như y phục, đồ ăn thức uống.
Phước báo này không phải là một đời, một chỗ, đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn hưởng không hết, chỉ coi ý niệm của bạn có thể chuyển đổi trở lại hay không. Người có phước báo, trí huệ đã mở mang, đúng như câu nói ‘phước tới thì tâm linh’, phước báo hiện ra thì tâm tư cũng linh mẫn, trí huệ sẽ hiện ra, Phật dạy chúng ta phước huệ song tu. Nói thật ra huệ chính là giác ngộ, chính là hiểu rõ, một khi hiểu rồi, hiểu rõ chân tướng sự thật thì trí huệ sẽ mở mang. Biết vì hết thảy chúng sanh là đúng đắn, là việc nên làm, vì chính mình là sai lầm, là việc không nên làm, [hiểu vậy] là trí huệ của bạn đã mở mang. Từ đây về sau khi khởi tâm động niệm, niệm niệm đều vì chúng sanh, vì xã hội, vì nhân dân, chẳng còn một tơ hào tâm riêng tư, đó là trí huệ của bạn đã mở mang. Trong đời sống hằng ngày, từ sáng đến tối, từ mồng một tết tới ba mươi tháng Chạp, chẳng có gì là chẳng cống hiến, chẳng có gì là chẳng bố thí cúng dường, phước báo này của bạn bao lớn. Các vị hãy tự xem chú giải của pháp sư Thanh Liên, Ngài chú giải rất hay, đều trích dẫn từ kinh điển. Xin xem tiếp kinh văn:
Phục thứ Địa Tạng! Nhược vị lai thế hữu chư quốc vương, chí Bà La Môn đẳng.
復次地藏。若未來世有諸國王。至婆羅門等。
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có các Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v...
Đây là nói về các người có thể bố thí.
Ngộ Phật tháp tự, hoặc Phật hình tượng nãi chí Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật tượng, cung tự doanh biện, cúng dường bố thí.
遇佛塔寺。或佛形像乃至菩薩.聲聞.辟支佛像。躬自營辦。供養布施。
Gặp chùa tháp thờ Phật, hoặc hình tượng Phật, cho đến tượng Bồ Tát, Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật, bèn đích thân thu xếp sửa sang, cúng dường, bố thí.
Phần trước nói về bố thí những người bần khổ, đây là ‘bi điền’. Đoạn thứ hai nói về bố thí tháp tự, thánh tượng, đây là ‘kính điền’. Trước hết nói về người có thể bố thí, thí dụ nói thật ra việc tu phước này là ai nấy đều có thể làm, chỉ cần có tâm chân thành, cung kính để tu bố thí, quả báo cũng sẽ giống như trong kinh đã nói. Ở đây chúng ta nhất định phải hiểu chân tướng sự thật, ngày nay chúng ta xây tháp, xây chùa, đúc hình tượng Phật, tương lai được quả báo sẽ giống như lời nói trong kinh hay không? Đương nhiên sẽ giống, nhưng duyên bố thí phải đầy đủ thì mới giống, nếu duyên chẳng đầy đủ thì bạn sẽ không được phước báo nói trong kinh. Phần trước nói phước báo lớn như vậy là dùng tâm từ bi của Phật mà làm, việc này dễ làm được. Ngày nay bố thí tháp tự của Phật, bố thí đạo tràng của Phật, trước tiên bạn phải quan sát chỗ đó thật sự có ‘đạo’ hay không? Xây đạo tràng, tôi đã từng nói với các bạn đồng tu, từ xưa đến nay không phải nói xây đạo tràng [xong rồi] đi khắp nơi tìm người tu hành, không phải vậy. Đó là phan duyên chẳng được phước. Phải tu như thế nào? Nhìn thấy có người thật sự tu đạo thì bạn xây đạo tràng cho họ, phước báo như vậy mới lớn. Dùng khả năng của bạn để giúp họ, thành tựu cho họ, đó là phước báo chân thật.
Ngày nay chúng ta đích thật thấy có một số đạo tràng không đúng như pháp, hầu như nơi đâu cũng có đạo tràng không đúng pháp, đạo tràng được xây cho thật huy hoàng, tráng lệ, nhưng trong đó không làm việc đạo, chỉ có vài người ở trong đó hưởng phước, ở trong đó tạo nghiệp, vậy thì chúng ta bố thí cúng dường là giúp cho họ tạo nghiệp, bạn còn có phước hay sao? Họ tạo nghiệp là do bạn giúp họ, khi họ đọa lạc thì bạn cũng phải liên lụy. Đến lúc đó bạn lại hủy báng Tam Bảo, [bạn nói] ‘Trong kinh Địa Tạng nói rõ ràng rằng bố thí tháp tự, đúc hình tượng được phước nhưng tôi [làm xong lại] bị ác báo, lời Phật nói không linh’, do đó bạn báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, tạo tội nghiệp nặng thêm, [đến nỗi] đọa địa ngục A Tỳ. Phật chẳng nói sai, mà vì bạn hiểu sai ý nghĩa, đây là việc chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng. Phần trước nói về bố thí cho người nghèo hèn chẳng có vấn đề, phần này nói về bố thí tháp tự có vấn đề, phải [bố thí cho nơi] thật sự có người tu đạo [thì mới không có vấn đề]. Làm thế nào để bố thí cúng dường đúng như lý như pháp? [Thí dụ] ở chỗ này có hai ba người tu hành, xây cho họ một túp lều tranh nhỏ là được rồi, người ít không cần phải có chỗ rộng lớn; nói một cách khác, đạo tràng lớn hay nhỏ, hình thức phải thích hợp với sự làm việc đạo của họ, như vậy là đúng như pháp. Nếu vượt trội hơn, [thí dụ] nơi đó chỉ có vài người tu hành lại đi xây một đạo tràng rất lớn, vậy thì sẽ có lỗi. Tại sao? Đạo tràng lớn như vậy nếu trong đó chỉ có năm, sáu người ở, thời gian quét dọn mỗi ngày còn không đủ, không phải là bạn làm cho người ta mệt tới chết hay sao, họ có thời gian ở đâu nữa mà tu hành? Chúng tôi đã thấy đạo tràng rất lớn, rất trang nghiêm, khi hỏi ở đó có bao nhiêu vị? Họ nói có năm, sáu người. Làm sao có thể quét dọn? Có nhiều gian nhà phải đóng kín lại, vì chẳng có thời gian quét dọn, một năm chỉ mở mấy lần để làm pháp sự, tìm vài tín đồ giúp đỡ dọn dẹp, lúc thường ngày thì chẳng dùng tới. Như vậy thì không đúng như pháp.
Cho nên trong thời đại, giai đoạn hiện nay, việc tu phước nào trong nhà Phật quan trọng? Huấn luyện, đào tạo nhân tài hoằng pháp. Trước kia có thể bố thí tháp tự, cúng dường tượng Phật có đại phước báo, vì xã hội đại chúng đều có nhận thức về Phật pháp, đều hiểu rõ, đều có tâm cung kính, vậy thì phước báo mới lớn. Tu phước trong nhà Phật, chúng ta phải nhận thức rõ ràng, thời xưa Phật pháp có thể tuyên dương, mở rộng phổ biến vì xã hội đại chúng đều có nhận thức về Phật pháp, đều biết tôn kính, sự cung kính này vượt trội hơn phần đông những người trong thế gian. Nói thật ra tín đồ cung kính Phật, Bồ Tát còn hơn cha mẹ, hơn những người tôn trưởng, nguyên nhân là do vua chúa thời xưa đề xướng, vua hết lòng học tập, Phật, Bồ Tát là thầy của vua, người dân tôn kính nhà vua thì đương nhiên phải tôn kính thầy của vua, có thể có tâm cung kính này thì được phước. Thay đổi tâm tôn kính Phật, Bồ Tát thành cung kính xã hội đại chúng, tôn kính hết thảy chúng sanh, đó là học theo Phật, Bồ Tát, do đó phước báo của sự tu phước này mới lớn. Hiện nay Phật pháp đã suy thoái, đặc biệt là hai trăm năm gần đây, nền giáo dục Phật Đà đã biến thành tôn giáo, xã hội đại chúng coi Phật pháp là mê tín, nhìn thấy chùa miếu đều là mê cung, thấy hình tượng Phật, Bồ Tát là ngẫu tượng. Nói một cách khác chẳng có tâm cung kính gì hết, không những chẳng có tâm cung kính, còn giúp họ tạo nghiệp. Do đó có thể biết, ngày nay xây tháp tự, tạo tượng Phật, xã hội đại chúng cho rằng bạn đề xướng mê tín, thì làm sao tu phước được? Xã hội đại chúng phải hiểu Phật pháp là gì, phải hiểu rõ Phật pháp đích thật có ích lợi cho chúng ta, lúc đó khi bạn cúng dường tháp tự, đúc tượng Phật thì mới có công đức. Làm việc này bạn có thể có phước hay không thì phải coi phản ứng của xã hội đại chúng, coi nhận thức của xã hội đại chúng, mọi người nghĩ thử coi có lý hay không? Do đó muốn thật sự tu phước thì phải lay tỉnh xã hội đại chúng.
Tháp là nơi giữ xá lợi của đức Phật. Đây là kỷ niệm, niệm niệm đều chẳng quên ân đức của Phật, [tháp] dạy cho người ta tri ân báo ân, là có ý nghĩa như vậy. Xây chùa (Tự), chùa là gì? Phía trước đã nói với quý vị, ‘Tự’ là cơ cấu làm việc. Làm việc gì? Làm việc giáo dục Phật Đà, việc dạy học của Phật. Nếu chỗ này không làm việc giáo dục Phật Đà, chẳng làm việc dạy học của Phật thì không thể gọi là ‘Tự’. Đúc tạo hình tượng của Phật, Bồ Tát có hai ý nghĩa: Thứ nhất là quay về cội nguồn báo ân (phản bổn báo thỉ), thứ hai là nhìn thấy thánh hiền mong sao cho bằng (kiến hiền tư tề). Nhìn thấy tượng Phật, Bồ Tát, thấy Quán Âm Bồ Tát thì lập tức phải nghĩ mình phải khởi tâm đại từ đại bi đối với hết thảy chúng sanh, mình phải học Quán Âm, phải học theo Quán Âm Bồ Tát. Khi người ta nhìn thấy tượng Quán Âm Bồ Tát có thể sanh lên ý niệm này hay không? Nếu có thể sanh lên ý niệm này thì phước báo bạn tạo tượng sẽ rất lớn, nếu không thể khởi lên ý niệm này thì phước bạn tạo sẽ rất nhỏ.
Nhìn thấy hình tượng Địa Tạng Bồ Tát lập tức nghĩ mình phải hiếu thuận cha mẹ, phụng sự sư trưởng, liền nghĩ đến lời dạy trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, dùng hình tượng này nhắc nhở chúng ta. Nếu không hiểu được ý nghĩa này, khi nhìn thấy ‘thần tượng’ của Địa Tạng Bồ Tát, đi đến đó thắp nhang, đi bố thí, cúng dường, cầu Phật, Bồ Tát gia bị, che chở thăng quan, phát tài, vậy là sai rồi, đó là mê tín! Hoàn toàn sai lầm. Vậy thì bạn làm sao được phước nổi? Do đó có thể biết, tu phước trong nhà Phật nhất định phải hiểu rõ Phật pháp, thật sự thấu hiểu. Ai giải thích cho xã hội đại chúng? Phải có một số đại đức xuất gia, tại gia thật sự hiểu rõ, đi giảng kinh thuyết pháp trong xã hội đem những đạo lý, chân tướng sự thật này giảng rõ ràng, rành rẽ để cho xã hội đại chúng không đến nỗi hiểu lầm, hiểu sai, sau đó bạn bố thí cúng dường mới có phước. Đây là việc mà chúng ta hiện nay nhất định phải nói rõ ràng, giảng rành rẽ, không thể hiểu lầm. Trong Phật pháp tuyệt đối chẳng có mê tín, nhưng những hình tượng hiện nay đích thật có quá nhiều mê tín.
Do đó có thể biết, người thật sự giác ngộ, hiểu rõ thì sự suy nghĩ, cách nhìn của họ sẽ khác với người khác, những gì họ làm đối với xã hội, đối với nhân dân, đối với đại chúng tuyệt đối có lợi ích chân thật. Phật pháp là giáo dục, Phật pháp là sự dạy học, dạy người ta dứt ác tu thiện, dạy người ta phá mê khai ngộ, kết quả của sự dạy học trong Phật pháp là giúp cho người ta lìa khổ, hưởng vui, đây là sự giáo dục tốt nhất trong thế gian. Sau khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, kết hợp thành một thể với truyền thống sẵn có của Trung Quốc, biến thành văn hóa Trung Quốc, ngày nay chúng ta nói Đại Thừa Phật pháp chẳng còn là của Ấn Độ, đã dung hợp, hợp nhất với văn hóa truyền thống của Trung Quốc, chẳng thể tách rời nữa, cũng giống như sữa hòa với nước. Ngày nay trên khắp thế giới, khi nói tới Phật pháp là nói tới Phật pháp Trung Quốc, chẳng phải là Phật pháp Ấn Độ, Phật pháp Ấn Độ đã mất từ lâu rồi, Phật pháp hoàn toàn dời đến Trung Quốc.
Hậu nhân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vào thế kỷ thứ mười lúc Hồi Giáo chinh phục Ấn Độ, bộ tộc này đã tỵ nạn sang Tây Tạng, sau đó định cư ở Hậu Tạng, chẳng trở về Ấn Độ nữa. Vào thế kỷ thứ mười một họ lại di dân đến Trung Quốc, đã ở Trung Quốc hết một ngàn năm, một ngàn năm sau thì đương nhiên trở thành người Trung Quốc, làm sao có thể nói là người Ấn Độ nữa? Ngày nay chúng ta ở nước ngoài hết mười, hai mươi năm, người ngoại quốc đã thừa nhận chúng ta là công dân của họ, bộ tộc Thích Ca đã ở Trung Quốc hết một ngàn năm, chúng ta vẫn không coi họ là người Trung Quốc hay sao? Do đó toàn bộ đã di dân đến Trung Quốc. Ngày nay nói đến Phật pháp thì phải nói đến Phật pháp ở Trung Quốc, Đại Thừa ở Trung Quốc, hiện nay Phật pháp ở Ấn Độ mới được phục hưng dần dần, là từ Trung Quốc truyền trở lại. Tương lai người Ấn Độ học Phật pháp là học Phật pháp từ Trung Quốc, chúng ta phải hiểu sự thật này.
Đại Thừa Phật pháp có thể cứu vãn thế giới, có thể giúp cho nhân loại thế kỷ hai mươi mốt được hạnh phúc, hòa bình, phồn vinh, hưng vượng. Do đó chúng ta phải mở rộng tâm lượng, chăm sóc cho mình và cũng phải chăm sóc cho kẻ khác, mình và người không hai, thì mới đạt được cả thế giới hòa bình ổn định vĩnh viễn. Nếu chúng ta có tâm riêng tư, có cái nhìn sai lạc thì sẽ không có cách chi làm nổi. Thật sự làm được thương người như thương mình, thương thế giới này giống như nhà mình vậy thì mới đạt được thế giới hòa bình, phồn vinh, hưng vượng. Xin xem tiếp đoạn kinh sau đây:
Thị quốc vương đẳng đương đắc tam kiếp vi Đế Thích thân, thọ thắng diệu lạc.
是國王等當得三劫為帝釋身。受勝妙樂。
Thì các Quốc Vương đó sẽ được trong ba kiếp làm thân Ðế Thích, thọ hưởng sự vui sướng thù thắng, vi diệu.
Đây là nói về phước báo có được từ sự bố thí. Ba kiếp là ba tiểu kiếp, cũng rất khó được, phước báo này đã rất lớn rồi! ‘Ba kiếp đều làm Đế Thích’, người Trung Quốc gọi là Ngọc Hoàng đại đế, Ngài đến cung trời Đao Lợi làm thiên vương. Cho nên có rất nhiều người đọc đoạn kinh này xong rồi u mê, đi khắp nơi xây tháp, xây chùa, đúc tượng Phật, cầu mong đời sau có thể sanh làm vua ở cõi trời Đao Lợi, có thể làm được không? Vậy thì phải đánh rất nhiều dấu hỏi. Mọi người hãy suy nghĩ kỹ về đoạn tôi vừa nói, ngày nay trong nhà Phật tu phước, đề xướng giáo dục Phật Đà, đây mới thật sự là tu phước, thật sự có những người nhiệt tâm làm công tác này, chúng ta giúp họ xây dựng đạo tràng, hoằng dương Phật pháp. Chúng ta phải nhận rõ từ bản thân đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các đệ tử của Ngài, kể cả những đệ tử xuất gia, tại gia chúng ta ngày nay. Đặc biệt là người xuất gia, họ đích thật là thân phận gì, chúng ta phải xác định vị trí, khẳng định [vai trò] cho họ, họ là người làm công tác giáo dục xã hội, đây là thân phận của họ, việc họ làm là giáo dục xã hội. Vả lại việc họ làm đều là giáo dục thiện nguyện, giảng kinh thuyết pháp tức là dạy học, phần đông người dạy trong trường học còn tính giờ, lãnh tiền lương. Còn những người Phật tử xuất gia, giảng kinh thuyết pháp cho đại chúng chẳng có lương bổng, chẳng có tính tiền từng giờ, chẳng mong cầu gì cả, cho nên đây là việc giáo dục xã hội thiện nguyện. Nếu chúng ta dùng nhãn quan này để xem xét thì bạn sẽ thật sự khởi tâm cung kính đối với những người làm công tác giáo dục xã hội này, tại sao vậy? Người khác làm không nổi, nói theo cách thông thường thì họ thật sự hy sinh, cống hiến. Lúc đi học rất cực khổ, sau khi học xong phục vụ cho xã hội cũng rất cực khổ, cả đời vĩnh viễn sống cuộc đời cực khổ, làm gương mẫu cho đại chúng trong xã hội, giúp cho mọi người giác ngộ.
Đương nhiên trong Phật môn cũng có rồng rắn lẫn lộn, có người xuất gia thật sự phát tâm, làm học trò tốt của đức Phật. Cũng có những người mượn chiêu bài của Phật để làm chuyện gian dối, lường gạt tín đồ, tham hưởng cúng dường. Có những người này chứ không phải là không có. Người tu phước chúng ta phải có huệ nhãn, phải nhìn rõ ràng, nếu gặp những người tham hưởng cúng dường, lường gạt chúng sanh, những người xuất gia không xứng đáng này, chúng ta cũng không cần phải trách mắng, chúng ta chỉ không cúng dường họ, không giúp họ tạo nghiệp, vậy là được rồi. Hy vọng họ có thể quay đầu, con người làm sao không có lỗi lầm cho được, người xưa thường nói “Con người chẳng phải là thánh hiền, ai chẳng có lỗi lầm, có lỗi mà có thể sửa lỗi chẳng có việc thiện nào lớn hơn”. Cho nên chúng ta cúng dường họ, phải khuyên họ, nhắc họ, hy vọng họ sớm quay đầu. Khi họ quay về, có thể tu phước, có thể dùng thân thể trí huệ của mình, thật sự làm công tác giáo dục xã hội thiện nguyện, đây là việc bố thí to lớn, dùng hết thân tâm để cống hiến cho xã hội, cống hiến cho nhân dân, cống hiến cho chúng sanh.
Ở Bắc Kinh tôi nhìn thấy chiêu bài rất lớn, hàng trên là câu ‘Phục vụ cho nhân dân’, Phật giáo thật sự phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho hết thảy chúng sanh, tuyệt đối chẳng có tâm riêng tư, tuyệt chẳng có mảy may muốn được đền đáp, đó gọi là Phật, Bồ Tát. Nếu trong lúc phục vụ vẫn còn tâm muốn chiếm hữu, tham muốn hưởng thọ thì đó là phàm phu chứ chẳng phải là Phật, Bồ Tát. Hy vọng người học Phật chúng ta phải thấu hiểu nghĩa thú trong kinh Phật, trong kinh thường nói ‘thâm giải nghĩa thú’, bạn hiểu cạn cợt không được, phải hiểu cho sâu. Quả báo nói trong kinh, đức Phật đích thật chẳng giả dối tí nào, quả báo có được nói bạn làm thiên vương ba kiếp, lại dùng thân thiên vương để tiếp tục tu bố thí, nhà Phật gọi là ‘xả đắc’, quả báo bạn có được cũng xả luôn. Xả cách nào? Chia sẻ phước báo với chúng sanh, chẳng hưởng riêng một mình, hưởng chung với đại chúng thì phước báo đó đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn chẳng hưởng hết. Xin xem đoạn kinh kế tiếp:
Nhược năng dĩ thử bố thí phước lợi, hồi hướng pháp giới, thị đại quốc vương đẳng ư thập kiếp trung thường vi Đại Phạm thiên vương.
若能以此布施福利。迴向法界。是大國王等於十劫中常為大梵天王。
Nếu có thể đem phước lợi bố thí này hồi hướng cho Pháp Giới, thì các Ðại Quốc Vương đó, trong mười kiếp thường được làm vị Ðại Phạm thiên vương.
Việc bố thí cũng giống vậy, chẳng tăng thêm, bố thí bao nhiêu đó nhưng tâm không giống nhau thì phước báo sẽ khác nhau, phước của sự bố thí tùy tâm lượng mà thay đổi. Nếu có thể chính mình không hưởng những phước báo có được do sự bố thí, chịu đem phước báo của sự bố thí, phước báo của sự tu hành cho hết thảy chúng sanh trong tận hư không, trọn khắp pháp giới hưởng thọ, tự mình hoàn toàn xả bỏ, vậy thì có phải phước báo của bạn hoàn toàn mất hết hay chăng? Chẳng phải vậy, trái lại phước báo còn lớn hơn nữa! Phía trước nói đến ba tiểu kiếp, đoạn này nói mười đại kiếp. ‘Thường vi Đại Phạm thiên vương’, làm sao có thể bỏ hết phước báo của bạn? Không xả hết được, càng xả thì càng nhiều, càng bố thí thì phước báo càng lớn. Phải thật sự hiểu đạo lý này, thật sự hiểu chân tướng sự thật này thì họ mới chịu làm, vui vẻ làm, tuyệt đối không hà tiện, dốc hết tâm lực mà làm, chẳng lưu giữ mảy may. Họ hiểu được đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật, biết cách làm này mới đúng, phải nên làm. Đoạn này pháp sư Thanh Liên chú giải rất nhiều, rất cặn kẽ, nói rõ tại sao phải hồi hướng, chư vị có thể coi và hiểu, chúng tôi không nói nhiều nữa. Xem tiếp kinh văn:
Phục thứ Địa Tạng! Nhược vị lai thế hữu chư quốc vương, chí Bà La Môn đẳng.
復次地藏。若未來世有諸國王。至婆羅門等。
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có các Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v...
Câu này là nói về những người có thể bố thí. Chữ ‘đẳng’ bao gồm mọi người chúng ta.
Ngộ tiên Phật tháp miếu, hoặc chí kinh tượng hủy hoại phá lạc, nãi năng phát tâm tu bổ.
遇先佛塔廟。或至經像毀壞破落。乃能發心修補。
Gặp tháp miếu của chư Phật thuở trước, hoặc cả kinh điển, hình tượng bị hủy hoại, rách nát, liền có thể phát tâm tu bổ lại.
Đoạn này dạy chúng ta tu bổ chùa miếu, tháp tượng cũ, công đức vượt trội hơn xây mới. Đạo lý này là như thế nào? Lý vô cùng sâu rộng, chúng ta dùng cách nói hiện nay thì đạo tràng cũ có nguồn gốc lịch sử, có bối cảnh văn hóa. Trong đó có ba ý nghĩa, thứ nhất ‘tiêu biểu người thù thắng’, quá khứ có rất nhiều người tu hành chứng quả ở nơi đó, chúng ta bước vô đạo tràng này, thật sự sẽ tự nhiên khởi lên ý niệm “nhớ đến thánh hiền thì nghĩ mình phải học theo quý Ngài”, khởi lên tâm niệm này, sức mạnh này rất lớn. Giống như ngày nay chúng ta đến chùa Đông Lâm ở Lô Sơn, lập tức liền nghĩ đến năm xưa đại sư Huệ Viễn ở đó niệm Phật, ở đó thành tựu thì tâm tôn kính, tâm bắt chước học theo lập tức khởi lên. Đạo tràng mới xây dựng không có sức mạnh này, do đó công đức tu bổ đạo tràng cũ vượt hơn đạo tràng mới. Thứ nhì ‘làm cho người ta tin tưởng’, đạo tràng này có nguồn gốc xa xưa, nhiều đời tiếp nối truyền mãi không ngừng, vì người ta đến thăm viếng đạo tràng mới xây dựng, không khởi lên lòng tin vững chắc bằng khi tới những đạo tràng cũ. Thứ ba là ‘vì muốn báo ân’, báo đáp ân đức của tổ sư đại đức, phải duy trì bảo vệ đạo tràng của tổ sư, đại đức. Ngày nay chúng ta đến đạo tràng ở núi Linh Nham, Tô Châu sẽ nhớ đến đức hạnh của đại sư Ấn Quang, đây là đạo lý nhất định. Các đệ tử hải ngoại, chỉ cần có cơ duyên liền ra sức, ra tiền khôi phục lại đạo tràng của tổ sư, hầu báo đáp ân đức của tổ sư. Đây là lý do tu bổ đạo tràng cũ có công đức hơn xây dựng đạo tràng mới.
‘Ngộ tiên Phật tháp miếu’ [nghĩa là] đạo tràng của tổ sư. ‘Hoặc chí kinh tượng’, kinh thư, kinh sách cũ có giá trị cao. Kinh sách cũ đã được truyền qua bao nhiêu đời, bạn hãy nghĩ đời trước có bao nhiêu người đã đọc qua, ngày nay truyền đến tay chúng ta, đọc xong chúng ta còn phải truyền đến đời sau, niềm ân tình chứa đựng trong đó sâu đậm biết bao? Đây là lý do tu bổ kinh sách cũ vượt trội hơn in kinh sách mới. Trong đó ẩn chứa ân đức, cảm tình mà sách mới in không thể nào có; sách cũ có niềm ân tình này nên phải tu bổ những sách cũ này. Nhưng những sách vở ấn loát ngày nay không dễ tu bổ, đây đích thật là quan niệm của người phương Tây, những gì cũ đều không coi trọng, đều phế bỏ. Sách cổ của Trung Quốc ngày xưa có thể tu bổ, giấy dùng cho sách đóng bằng chỉ rất mềm, giấy dùng phổ biến nhất ở Trung Quốc đại lục là giấy Mao Biên. Giấy ngày nay chúng ta dùng làm sách là giấy Đạo Lâm, giấy này có thể giữ được bao lâu? Đại khái có thể giữ được một trăm năm, hơn một trăm năm sau thì giấy này sẽ biến thành tro, thành bột, bạn thấy giấy này coi rất đẹp nhưng chẳng chịu nổi sự khảo nghiệm của thời gian. Giấy Mao Biên của Trung Quốc, bạn trông thấy nó rất quê mùa, vàng khè, mềm mỏng, chẳng đẹp bằng giấy ngoại quốc, giấy Mao Biên có thể giữ được năm trăm năm. Tốt hơn nữa là giấy Liên Sử, không biết ngày nay sách đóng bằng chỉ ở Trung Quốc có dùng giấy Liên Sử không, giấy Liên Sử mềm vô cùng, trước kia vào năm đầu Dân Quốc, Tần Già Tạng in ở Hiệp Đồng, Thượng Hải dùng giấy Liên Sử. Lúc trước sách tốt đều dùng giấy Liên Sử, giấy Liên Sử rất mềm, có thể giữ được một ngàn năm, nếu bị hư thì có thể bồi[2] lại. Cho nên đích thật có thể giữ được mấy ngàn năm cũng không sao. Đây là chỗ khác nhau giữa văn hóa Trung Quốc và ngoại quốc, đồ ngoại quốc hào nhoáng nhưng không bền, đồ Trung Quốc không hào nhoáng nhưng bền bỉ. Tu bổ kinh cũ, tượng Phật cũ, những tượng Phật cũ này đã có bao nhiêu người lễ bái, bao nhiêu người cúng dường, [đó là] ‘hủy hoại phá lạc, nãi năng phát tâm tu bổ’. Cho nên chúng ta phải có một quan niệm đúng đắn, đừng tưởng rằng công đức tu bổ tượng Phật cũ không lớn, đúc tượng mới thì công đức lớn. Kiến trúc mới thì lộng lẫy, vô cùng đẹp đẽ, chứ chẳng biết tu bổ đồ cổ có công đức lớn hơn rất nhiều! Thật ra thì không có cách gì để diễn tả cho hết được. Xin xem tiếp kinh văn:
Thị quốc vương đẳng, hoặc tự doanh biện, hoặc khuyến tha nhân, nãi chí bách thiên nhân đẳng bố thí kết duyên.
是國王等。或自營辦。或勸他人。乃至百千人等布施結緣。
Các Quốc Vương đó, hoặc tự mình lo liệu sửa sang, hoặc khuyến hóa người khác, thậm chí cả trăm ngàn người cùng bố thí để kết [Pháp] duyên.
Đây là nói về những đạo tràng chùa chiền cũ, hình tượng Phật, Bồ Tát cũ, kinh điển cũ, sau khi bạn gặp liền phát tâm tu bổ. Tự mình bạn có khả năng làm thì rất tốt! Công đức của bạn viên mãn; nếu một mình không có khả năng thì khuyên bạn bè mọi người cùng nhau làm, cho đến khuyên một trăm người, ngàn người, tập hợp sức mạnh của quần chúng, bạn đề xướng nói rõ chân tướng sự thật, lợi ích này cho mọi người. Nhưng tu bổ đạo tràng cũ thì nhất định phải lễ thỉnh pháp sư tới chủ trì, nếu ở đó đã có pháp sư thì phải mời pháp sư hoằng pháp lợi sanh. Việc này lúc trước ở đây tôi thường khuyến khích thính chúng, thính chúng thường nói chẳng có pháp sư đến đây giảng kinh thuyết pháp, Phật pháp khó nghe. Tôi nói với mọi người: Không phải là không có pháp sư đến giảng kinh thuyết pháp, mà là vì quý vị không thích nghe Phật pháp. Họ nghe xong cũng không hiểu. Mọi người đều không hiểu. Tôi ở đây giảng kinh thuyết pháp, người nghe nhiều như vậy, tại sao lại nói người nghe không thích nghe Phật pháp? Tôi giải thích: Quý vị nghe tôi giảng, tôi đã giảng hết bao nhiêu năm rồi? Giảng Phật pháp, trên giảng đài trui luyện bao lâu mới có thành tựu như ngày nay, quý vị đến hưởng thọ quả báo, quý vị đến hưởng thọ thành tựu. Lúc tôi mới tập giảng cũng vấp lên vấp xuống, quý vị chịu nghe không? Bạn không thích nghe, thì pháp sư giảng kinh sẽ nản chí, sẽ không tiếp tục giảng nữa?
Bạn phải biết đào tạo pháp sư giống như trồng cây vậy, bạn phải chịu trồng cây thì tương lai mới có trái cây, mới có gặt hái được. Việc này đã được nói qua rất nhiều lần nên ở đây các vị đồng tu dần dần đều hiểu được. Người mới bắt đầu học thì làm sao có thể giảng cho hay được? Giảng không hay thì [chúng ta] cũng phải mỗi ngày đi nghe, giảng hay rồi thì không nghe cũng không sao. Người mới bắt đầu học giảng kinh cần có người đến ủng hộ, cần người khuyến khích, nếu mọi người đều không chịu nghe thì lòng tin của họ sẽ hoàn toàn mất hết. Cho nên tôi nói ưa thích nghe kinh nghĩa là sao? Là ưa thích nghe những người mới học giảng kinh, tuyệt đối không vắng mặt, làm cho những vị pháp sư mới học giảng kinh này có được lòng tin ‘đại khái chắc mình giảng cũng không tệ, người đến nghe không ít’, đồng thời các vị thính chúng [vô hình trung] tạo áp lực cho họ phải giảng mỗi ngày, họ mới có thể học được, họ mới gắng sức, nỗ lực tu học. Tại sao vậy? Nếu họ không gắng sức thì họ không còn thể diện, nhất định phải chuẩn bị cho thật chu đáo, cho dù giảng không hay nhưng cũng giảng được hết buổi. Cho nên thính chúng là người giám học, là thầy giáo, đốc thúc họ, cứ như vậy trải qua ba năm, năm năm, trên giảng đài họ mới có thể giảng được, mới giảng được đúng như pháp. Thật sự giảng cho hay thì tối thiểu phải có mười năm kinh nghiệm, mười năm liên tục không gián đoạn. Cho dù không thể giảng mỗi ngày, mỗi tuần không thể ít hơn ba lần, phải duy trì như vậy suốt mười năm liên tục thì bạn mới có kinh nghiệm trên giảng đài, đúng như câu nói ‘Vừa mở cuốn kinh thì tâm nghĩ gì, tay liền làm ngay được, trái phải gì cũng hợp với cội nguồn’[3]. Nếu không có nơi chốn để tập luyện, cho dù bạn học biết [cách giảng] rồi cũng không dùng được, ba tháng, nửa năm không giảng thì sẽ quên mất.
Do đó đặc điểm của lớp đào tạo giảng sư của chúng ta, học sinh mỗi tuần tối thiểu phải lên giảng đài một lần, đây là các người sơ học. Sau khi bạn giảng một lần, giảng đến lần thứ hai thì hy vọng mỗi tuần có thể giảng hai buổi, vì khi bạn giảng qua một lần, có cơ sở xong phải nỗ lực mỗi tuần giảng hai buổi; đến lần thứ ba thì hy vọng bạn mỗi tuần có thể giảng ba buổi; nói một cách khác, đến lúc giảng lần thứ tư thì mỗi tuần bạn có thể giảng được bốn buổi, được vậy thì bạn mới có thể học thành công, nếu không thì bạn không thể thành tựu. Do đó chúng ta xây đạo tràng mới cũng tốt, tu bổ đạo tràng cũ cũng tốt, nhất định phải thỉnh pháp sư giảng kinh, đương nhiên nếu vị pháp sư đó giảng không hay, giảng không hay mình cũng tới nghe, mỗi ngày mình đều tới nghe, mình còn mời một số người khác đến nghe; làm cho pháp sư không giảng thì không được, buộc pháp sư phải gắng sức, buộc pháp sư phải tu học, không những buộc pháp sư phải nghiên cứu giáo lý, vả lại còn buộc pháp sư phải làm gương mẫu cho chúng ta, ép cho pháp sư phải tu hành, vậy thì công đức của bạn sẽ rất lớn. Tương lai những vị pháp sư này thành tựu, ở khắp mọi nơi trên thế giới giảng kinh thuyết pháp phổ độ chúng sanh, đó đều là công đức của bạn. Họ làm sao thành tựu được? Là do bạn giúp họ thành tựu.
Lúc tôi còn trẻ, năm hai mươi sáu tuổi tôi học Phật, trong thời gian này tôi theo học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam mười năm. Trên giảng đài tôi chưa từng gián đoạn giữa chừng, hầu như mỗi ngày đều có giảng, cơ hội này là do cư sĩ Hàn Anh giúp tôi tạo thành, bà hiểu được, biết được đây là một việc tốt. Bà chẳng có tài lực, chẳng thể xây cho tôi một đạo tràng. Lúc đó vì phát tâm giảng kinh, đáng tiếc là chẳng có nơi cư trú, đến quải đơn ở chùa thì phải đi làm việc kinh sám Phật sự, đạo tràng nào cũng hoan nghinh bạn, còn nếu bạn đến đạo tràng để giảng kinh thì chẳng có đạo tràng nào hoan nghinh bạn, tôi chẳng có lối thoát. Bà giúp tôi, cho tôi cư trú ở nhà của bà, tôi ở nhà bà hết mười bảy năm, bà dành cho tôi một phòng trên lầu. Đi đâu giảng kinh? [Còn phải lo việc] mướn phòng, mượn chỗ. Bạn bè của bà rất nhiều, bà mượn văn phòng của bạn bè, buổi tối người làm việc đều về nhà nên mượn văn phòng của họ để giảng, do đó nơi chốn giảng kinh phải thường thay đổi, đại khái mỗi nơi giảng được hai ba tháng rồi phải đổi chỗ khác. Thính chúng có khoảng năm, sáu chục người, lúc nhiều nhất có tới hơn một trăm người, cứ như vậy tiếp tục chẳng gián đoạn trong vòng mấy chục năm. Trong đó có một thời gian chừng ba bốn năm, một ngày giảng ba lần, sáng chiều tối đều giảng. Lúc đó tôi còn nhớ, mỗi tuần giảng hơn ba mươi mấy giờ, tôi chịu khó, thích giảng, vui vẻ giảng, tôi có cơ hội luyện tập. Dần dần thính chúng nhiều hơn, tập hợp sức mạnh của đại chúng lại để mua một tầng lầu ở Đài Bắc, mua một căn chung cư, đó chính là thư viện Hoa Tạng Cảnh Mỹ ở Đài Bắc.
Lúc mới mua, căn nhà này rất nhỏ, người ở Đài Loan tính bằng ‘bình’[4], căn này rộng năm mươi bình, ở đây thì tính bằng mét vuông, một ngàn năm trăm mét vuông, một đạo tràng nhỏ như vậy, đại khái lớn hơn phòng này khoảng một phần ba, chỉ có một chỗ nhỏ xíu như vậy. Sau đó từ từ mở rộng ra, mua căn kế bên, ngày nay đạo tràng này mở rộng gần ba trăm bình, gần một vạn thước, hiện nay có quy mô như vậy cũng chỉ là một đạo tràng trong chung cư, mấy chục năm nay cũng vẫn như vậy. Sự giảng kinh ở nước ngoài cũng do bà lo liệu, giúp cho tôi đi giảng khắp nơi trên thế giới, bà đi kết duyên, đi tìm thính chúng, tìm nơi làm giảng đường, cho nên ngày nay chúng ta có được thành tựu như vậy thì công đức của Hàn Quán Trưởng suốt ba mươi năm hộ trì không thể không nhắc đến. Ngày nay trong giảng đường chúng ta, ở đối diện giảng đài tại sao phải treo tấm hình của bà? Là để cảm ân, thờ lúc bà mất cũng như bà còn sống, giống như bà đang ở tại hiện trường nghe kinh vậy, bà nhìn thấy cũng hoan hỷ. Chúng ta dùng tâm báo ân để thuyết pháp, dùng tâm báo ân để dạy học, nếu chúng ta không nỗ lực, không gắng sức, không tu trì cho tốt, không hoằng pháp lợi sanh cho hoàn hảo thì có lỗi đối với họ; cho nên chúng ta ở trong đạo tràng, trong giảng đường, Niệm Phật Đường, nếu là đạo tràng của tôi thì sẽ treo hình của thầy tôi, hình của các vị hộ pháp. Đạo tràng Cư Sĩ Lâm không phải là đạo tràng của tôi cho nên mỗi lần chúng tôi giảng kinh, tôi đều hồi hướng cho bà, quý vị niệm kệ hồi hướng của quý vị, tôi niệm kệ hồi hướng của tôi, [kệ của tôi] khác với quý vị, tôi hồi hướng cho thầy tôi, hồi hướng cho hộ pháp, đức Phật dạy chúng ta ‘Tri ân Báo ân’’. Đoạn kinh sau đây nói về phước báo của việc bố thí:
Thị quốc vương đẳng, bách thiên sanh trung thường vi Chuyển Luân vương thân. Như thị tha nhân đồng bố thí giả, bách thiên sanh trung thường vi tiểu quốc vương thân.
是國王等。百千生中常為轉輪王身。如是他人同布施者。百千生中常為小國王身。
Thì các vị Quốc Vương đó trong trăm ngàn đời thường được làm thân Chuyển Luân Vương. Còn những người cùng chung làm việc bố thí đó, trong trăm ngàn đời thường được làm thân Tiểu Quốc Vương.
Người đứng ra hướng dẫn [mọi người] tu bố thí được phước báo lớn nhất, những người làm theo đều kết duyên này, tương lai quả báo sẽ tụ hợp với nhau. Thân phận tiểu quốc vương là những ‘Chư Hầu’ thời xưa, đại quốc vương cũng giống như chức tổng thống ngày nay, tiểu quốc vương cũng giống như chức bộ trưởng, tỉnh trưởng, quận trưởng ngày nay. Do đó có thể biết [người trong] một quốc gia, một chánh thể, từ trên tới dưới đều có duyên phận, chẳng phải ngẫu nhiên, cùng một sự việc tu phước báo to lớn như vậy. Trong chú giải nói rất hay, đều là ý nghĩa nói trong kinh điển, chúng ta hãy đọc đoạn chú giải này[5]. ‘Quốc vương đẳng hành thí’ (Làm hạnh bố thí giống như quốc vương). Ý nghĩa của sự bố thí rất rộng, phục vụ cho quần chúng chính là bố thí, thật sự dùng tâm từ bi, tâm thanh tịnh, cung kính phục vụ cho xã hội đại chúng, phục vụ cho nhân dân, phước báo này rất lớn! ‘Tự hiệp thượng thăng’, thượng thăng, họ đáng lẽ phải sanh lên trời, ‘hà phục báo vi nhân vương dã’, tại sao quả báo của họ là Chuyển Luân Thánh Vương? Tại sao họ chẳng sanh lên trời?
Phần sau trích dẫn [kinh điển], kinh Ngũ Đạo Tội Phước nói ‘người giàu sang phú quý, quốc vương trưởng giả đều [được giàu sang do] sự lễ bái Tam Bảo mà ra’. Đây là nói rõ cả toàn thế giới đều không ngoại lệ, không những người lãnh đạo chính trị, những người lãnh đạo trong bất cứ ngành nghề nào đều [đã từng] lễ bái Tam Bảo mà có [quả báo như vậy], đây là nói rõ nghiệp nhân của họ. ‘Những người giàu có, của cải vô hạn do sự bố thí mà ra’, trong xã hội hiện nay chúng ta có thể thấy, trên thế giới đích thật có rất nhiều người giàu sang, của cải mấy chục ức, mấy trăm ức Mỹ kim, họ làm sao có của cải nhiều như vậy? Là do đời trước làm việc bố thí to lớn mà được. Nhưng những người này chắc đời trước chỉ tu phước chứ không tu huệ, đời này giàu sang không biết tu phước tiếp tục, cho dù có tu phước, làm một chút sự nghiệp tạo phước lợi cho xã hội, đem lại cho xã hội rất ít, tỷ lệ số này so với của cải của họ còn rất ít, chẳng thấm vào đâu, đây là vì họ chẳng có trí huệ, họ chỉ tu phước mà không tu huệ. Nếu họ có trí huệ thì sẽ hoàn toàn khác hẳn, họ có thể lấy của cải của họ giúp cho một quốc gia, một vùng, tương lai họ sẽ làm vua nước đó, nhất định sẽ làm người lãnh đạo vùng đó, phước báo họ tu rất lớn. ‘Do đó mới biết nếu chẳng tu bố thí trong Phật pháp thì rốt cuộc sẽ chẳng đạt được quả báo thù thắng như vậy’, chẳng được phước báo lớn như vậy. Phước báo lớn ấy chắc chắn có được từ sự bố thí. Chỉ cần bạn có thể tu học đúng lý, đúng pháp thì chắc chắn sẽ được quả báo thù thắng.
Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây thôi.
[1] năm nhà: Vua, giặc cướp, lửa, nước, và kẻ ác. (năm thứ này có thể đoạt mất tài sản của ta bất cứ lúc nào).
[2] “bồi” tức là dán chồng một mảnh giấy ra sau, làm cho các mảnh rách được liên kết lại, không bị rách nát nữa, dặm sửa những nét chữ, nét vẽ bị mất.
[3] (Triển khai kinh bổn, đắc tâm ứng thủ, tả hữu phùng nguyên), câu này ngụ ý: Khi pháp sư đã hiểu thông suốt một bộ kinh, dẫu gặp một câu kinh nào chưa hề nghiên cứu đến trong một bộ kinh, vừa đọc liền hiểu rõ ý chỉ, có thể giảng thông suốt, tâm nghĩ sao miệng liền nói ra không cần phải tra cứu tài liệu, hoặc tìm tòi cách giải thích, cứ thao thao nói ra mà không sai ý chỉ của kinh.
[4] một bình bằng 36 nhật xích, tương ứng với khoảng 3.3 mét vuông.
[5] Nguyên văn đoạn chú giải: “Làm hạnh bố thí giống như quốc vương, lẽ ra phải được sanh lên trời, sao lại hưởng báo là vua trong loài người? Theo như kinh Ngũ Đạo Tội Phước dạy, những kẻ giàu sang trong loài người, quốc vương, trưởng giả, đều do lễ bái, phụng sự Tam Bảo mà ra. Do vậy biết: Nếu chẳng tu hành bố thí trong Phật pháp sẽ trọn chẳng thể đạt được quả báo ấy”.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.