Pháp sư

[TẬP 35]: Niệm Phật Diệt Tội


 

          Xin mở cuốn Khoa Chú quyển trung, trang một trăm năm mươi mốt, xin xem kinh văn:       

          Hà huống chúng sanh tự xưng tự niệm, hoạch phước vô lượng diệt vô lượng tội.

何況眾生自稱自念。獲福無量滅無量罪。

          Huống hồ chúng sanh tự xưng tự niệm sẽ được vô lượng phước báo, diệt trừ vô lượng nghiệp tội.

          Kinh văn giảng tới chỗ này nói đến việc niệm Phật diệt tội, chúng ta phải hiểu cặn kẽ lời đức Phật dạy trong kinh, tuyệt đối không thể sơ ý, chỉ coi và hiểu trên mặt chữ thì sai rồi. Thật ra trong phần đầu của kinh này, Thế Tôn đã nêu ra hai chuyện cô Bà La Môn và cô Quang Mục, mẹ của hai vị này đều tạo tội cực nặng, đọa vào địa ngục, may nhờ có người con hiếu thảo giúp họ. Dùng phương pháp gì để giúp đỡ? Ðức Phật đều dạy họ dùng pháp môn Niệm Phật. Có phải cứ niệm như chúng ta thường ngày niệm qua loa bèn có thể diệt tội hay chăng? Bèn có thể giúp cho họ được thoát ra khỏi địa ngục? Không thể được, niệm qua loa chắc chắn không thể nào giúp được. Phải niệm Phật như thế nào mới thật sự có hiệu quả? Phải niệm giống như cô Bà La Môn, cô Quang Mục thì mới được.

          Cho nên khi chúng ta trợ niệm, nếu trợ niệm bằng miệng mà không có tâm thì không có hiệu quả! Nếu trong lúc trợ niệm mà người trợ niệm có thể đạt được công phu thành phiến, có thể đạt được nhất tâm bất loạn, thì người đó sẽ được siêu độ, đạo lý là như vậy, chúng ta phải hiểu cặn kẽ. Nếu người này không tạo nghiệp, không đọa lạc thì tâm người trợ niệm sẽ không thành khẩn như vậy, nhưng vì thấy người đó tạo tội, đọa lạc, nên dùng tâm hết sức thành khẩn để niệm Phật hồi hướng cho người mất, [nhờ niệm Phật] giúp họ nên nâng cao cảnh giới của mình, mình vốn là một phàm phu đã trở thành một vị Bồ Tát. Bạn làm sao có thể trở thành Bồ Tát? Do người tạo tội giúp cho bạn, tạo tăng thượng duyên cho bạn; bạn nghĩ thử coi nếu mẹ của cô Bà La Môn và cô Quang Mục không tạo tội nghiệp, không đọa lạc, thì hai cô ấy làm sao thành tựu được? Họ không lẽ nào thành tựu được hết. Thế nên cái duyên làm cho họ thành tựu là do người tạo tội nghiệp giúp họ, giúp họ siêu phàm nhập thánh, bạn coi công đức ấy bao lớn!

          Ðại Từ Bồ Tát nói [phước đức] khi bạn khuyên hai người niệm Phật vãng sanh còn lớn hơn công phu tu hành của bạn nữa. Vì sao hai người đó có thể vãng sanh, vì sao có thể thành Phật? Là do bạn khuyên họ đấy. Nếu bạn khuyên một vạn người, mười vạn người nhưng họ niệm Phật không thể vãng sanh thì bạn cũng chẳng có cách gì, bạn sẽ không đạt được lợi ích gì cả. [Nếu] họ thật sự thành Phật, tại sao họ có thể thành Phật? Là vì bạn giúp họ thành Phật, họ thật sự thành Phật thì công đức của bạn mới lớn, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Tuyệt đối không thể nói bạn khuyên bao nhiêu người niệm Phật, hiệu quả của việc này không lớn, [chỉ khi nào những] người được bạn khuyên thật sự niệm Phật, thật sự vãng sanh, nếu bạn khuyên được mười mấy người vãng sanh, Ðại Từ Bồ Tát nói phước đức của bạn sẽ là vô lượng vô biên. Nếu bạn khuyên được đến một trăm người, một ngàn người thì bạn thật sự là Bồ Tát tái lai. Cho nên trong việc này chúng ta phải nhận định rõ ràng, tuyệt đối chẳng phải chúng ta xây đạo tràng, ở đây có mấy ngàn người, mấy vạn người niệm Phật, không thể dựa vào con số đó mà tính được. Phải thật sự đạt được nhất tâm, thật sự đạt được công phu thành phiến, thật sự được vãng sanh, phải dùng việc này làm tiêu chuẩn. Kinh này cũng nói về tiêu chuẩn này, nếu bạn dùng tiêu chuẩn này thì chúng ta sẽ không nghi ngờ công đức lợi ích nói trong kinh, sẽ biết đó là thật.

          Cô Bà La Môn, cô Quang Mục đều vì mẹ của mình, thành tâm thành ý niệm Phật hồi hướng cho mẹ. Cùng một đạo lý ấy, nếu chúng ta rất xa lạ đối với người lâm chung, chẳng quen biết họ, khi gặp cơ duyên này, tâm trạng và thái độ trợ niệm cũng phải coi họ là người thân, dùng tâm hết sức chân thành để niệm, thì kẻ còn người mất đều được lợi, chính chúng ta được lợi, họ cũng được lợi. Nếu chỉ làm qua loa cho xong chuyện thì cả hai bên đều chẳng được lợi ích thật sự, lợi ích đó cũng như việc đã nói cho mọi người ở đoạn trước ‘một phen lọt vào tai thì vĩnh viễn thành hạt giống đạo’. Nghiệp báo hiện tiền chẳng thể chuyển trở lại, đây là việc chúng ta có thể thâu nhận từ kinh Ðịa Tạng. Khi biết dụng ý trong lời dạy của đức Phật, hiểu rõ chân tướng sự thật, phần đông những việc siêu độ này có hiệu quả hay không thì phải coi người chủ trì việc siêu độ này có tâm chân thành, cung kính hay không; nếu thật sự có lòng chân thành, coi người mất như là cha mẹ ruột của mình, coi như người thân nhất của mình, dùng tâm trạng, thái độ này để siêu độ thì mới có lợi ích. Nếu coi họ như người lạ, chẳng liên quan gì với mình, thì lợi ích rất nhỏ, đạo lý là như vậy. Cùng làm một chuyện giống nhau nhưng hiệu quả không đồng đều, đây là việc chúng ta nhất định phải biết.

          Ðoạn kinh ‘Hà huống chúng sanh, tự xưng tự niệm’, đây là tu cho mình, chẳng phải tu giùm người khác, [chúng ta phải] làm việc này lúc nào? Phải làm lúc thân thể mình còn khỏe mạnh, cường tráng, phải tu phước cho mình, tích lũy công đức cho mình, việc này quan trọng nhất.  Con người đến thế gian này để làm gì? Tại sao phải đến? Có mấy ai đã suy nghĩ về vấn đề này? Chắc có người đã suy nghĩ rồi, nhưng chúng ta phải hỏi có bao nhiêu người suy nghĩ kỹ càng? Vậy thì càng ít nữa, ai suy nghĩ kỹ càng về vấn đề này thì người ấy sẽ giác ngộ. Thế gian có chẳng ít người thông minh, đặc biệt là những nhà triết học, nhà tôn giáo suy nghĩ về vấn đề này tương đối nhiều hơn, họ có câu trả lời hay không? Rốt cuộc cũng chẳng có câu trả lời nào hợp tình hợp lý hết.  Chính vì lý do này nên đức Phật phải thị hiện ở thế gian, giúp những người thông minh này giải đáp vấn đề, cho họ câu trả lời chính xác.

          Đức Phật nói với chúng ta con người sanh tới thế gian này là để ‘báo đền nghiệp báo’ mà thôi; nghiệp bạn đã tạo trong đời quá khứ, bạn tạo nghiệp thiện thì bạn đến đây hưởng phước, bạn tạo nghiệp ác thì bạn đến đây để nhận chịu quả báo, đây là lời đức Phật nói cho chúng ta biết, đây là chân tướng sự thật của chúng sanh trong lục đạo xả thân, thọ thân.  Chân tướng này không hay ho gì, nhân duyên quả báo dây dưa chẳng dứt, đời đời kiếp kiếp cứ vẫn làm những chuyện này, cho nên trong kinh đức Phật nói ‘sanh tử bì lao’ (sanh tử mệt mỏi), ‘người đáng thương xót’, thật sự là người đáng thương. Người thông minh nghĩ về vấn đề này thì tại sao vẫn còn đến? Ðến để làm gì? Có ý nghĩa gì không? Có giá trị gì không? Cảm động chư Phật, Bồ Tát thị hiện trong cõi người để giải đáp những vấn đề này cho chúng ta, thật sự giác ngộ bốn vấn đề này thì sẽ giải quyết vấn đề một cách rốt ráo. Người giác ngộ biết lợi dụng cái thân nghiệp báo này của mình, chúng ta phải làm việc to lớn là siêu phàm nhập thánh, giải quyết triệt để cho đời sống con người, như vậy mới có ý nghĩa, mới có giá trị.

          Muốn hiểu rõ vấn đề này thì trước tiên phải hiểu rõ chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh, kinh Ðịa Tạng nói rõ chân tướng của lục đạo luân hồi, nói cho chúng ta về sự thật trong cõi địa ngục, ngạ quỷ, về nghiệp nhân quả báo, lý - sự, tánh - tướng đều nói rõ, sau khi hiểu rõ thì chúng ta sẽ có biện pháp vượt thoát, đây là việc lớn nhất trong đời chúng ta, có thể nói là bạn học Phật có được thành tựu thật sự. Trong vô lượng pháp môn, kinh Ðịa Tạng đề xướng pháp môn Niệm Phật, chỉ có pháp môn này là có hiệu quả nhất, ổn thỏa thích đáng nhất, nhanh chóng nhất, thuận tiện nhất, vấn đề là chúng ta phải niệm thật sự. Thật sự niệm là trong mọi lúc, mọi nơi, trong tâm phải có Phật, như vậy mới là niệm thật sự; niệm thật sự không nhất định phải niệm nơi miệng. Tâm như tâm của Phật, tâm Phật là như thế nào? Kinh Kim Cang dạy cho chúng ta rất hay ‘vô trụ sanh tâm’ (chẳng trụ ở đâu để sanh tâm ấy), đó chính là tâm Phật, vô trụ nghĩa là tâm thanh tịnh, mảy trần chẳng nhiễm. Đại sư Huệ Năng nói ‘bổn lai vô nhất vật’ (từ trước đến giờ chẳng có một vật), đó là vô trụ. Sanh tâm nghĩa là sanh tâm đại từ bi, quan tâm, thương yêu hết thảy chúng sanh, giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, đó là sanh tâm. ‘Sanh tâm’ và ‘vô trụ’ cùng lúc, trong đó chẳng có phân biệt, chẳng có giới hạn, ‘vô trụ’ chẳng gây trở ngại ‘sanh tâm’, ‘sanh tâm’ chẳng gây trở ngại ‘vô trụ’, đây là câu ‘Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại’ trong kinh Hoa Nghiêm. Chỗ phiền phức của phàm phu chúng ta là ‘sanh tâm’ liền gây trở ngại cho ‘vô trụ’, ‘vô trụ’ chắc chắn sẽ trở ngại ‘sanh tâm’. Khi chúng ta quan tâm người khác, tâm liền không thanh tịnh, muốn tâm được thanh tịnh thì tuyệt đối chẳng thể quan tâm, không thể để ý, lo lắng cho chuyện của kẻ khác, đó là phàm phu, hai thứ này không thể hợp thành một. Việc chúng ta phải học chính là việc này, hai thứ này là một chứ chẳng phải hai, quan tâm cũng thanh tịnh, thật sự làm được lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, đây là việc chúng ta phải hết lòng học tập.

          Công việc làm được rất viên mãn, trong tâm sạch sẽ, trống rỗng, mảy trần chẳng nhiễm, tại sao vậy? Vì chúng ta triệt để hiểu được câu ‘phàm những gì có tướng đều là hư vọng’. Kinh Kim Cang dạy ‘hết thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng’  Hiện tượng này làm sao có thể hiện ra? Kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng ‘duy tâm hiện, duy thức biến’, cả tâm lẫn thức đều là chính mình, lìa ra ngoài tâm thức, chẳng có một pháp nào có thể được. Khi đã thấu triệt lý này thì bạn sẽ có thể ‘trụ trong trần thế nhưng không nhiễm’, mới có thể khế nhập vào ‘sự sự vô ngại’.  Việc này cần phải có công phu, phải rèn luyện trong đời sống hằng ngày, lúc rèn luyện sẽ [gồm cả hai công phu] tiến lên và thụt lùi, lúc tiến lên là rèn luyện, nếu phát hiện tự mình vẫn còn nhiễm trước, thì phải mau lui trở lại, lui đến đâu? Lui đến vô trụ. Khi tâm định trở lại rồi mới thử coi, thử xong nếu không thành công thì phải lui về, dần dần từ chỗ này tìm cầu tiến bộ, phương pháp Bồ Tát tu hành viên mãn trong ba A-tăng-kỳ kiếp chính là phương pháp này. Ðến lúc thật sự có thể nắm chắc, duy trì tâm thanh tịnh mà chẳng bị ô nhiễm, thì bạn mới có thể buông tay đi giúp đỡ hết thảy chúng sanh, thông thường đây là cảnh giới gì? Quả vị Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên. Nói cách khác, Bồ Tát trong mười pháp giới đều chưa được, đều phải thường chăm sóc cho tâm thanh tịnh của mình. Giúp đỡ người khác tuyệt đối chẳng đánh mất thanh tịnh, bình đẳng, giác. Nói cách khác thanh tịnh, bình đẳng, giác là nơi nương dựa của chúng ta, là ranh giới cuối cùng của chúng ta. Một khi phát hiện không thanh tịnh, không bình đẳng thì phải quay trở lại cho nhanh, điểm này vô cùng quan trọng. Nếu tự mình không có khả năng này thì hãy thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để thân cận đức Phật A Di Ðà, rồi quay trở lại để giúp đỡ hết thảy chúng sanh cũng chưa trễ, đây là sự lựa chọn đúng đắn.

          Cho nên ở đây khuyến khích chúng ta, thừa dịp thân thể mình còn khỏe mạnh, cường tráng, thì ‘tự xưng tự niệm’, xưng tức là niệm bằng miệng, niệm là trong tâm có Phật, trong tâm thật sự có Phật thì gọi là niệm, niệm là niệm bằng tâm, xưng nghĩa là xưng danh, là niệm từ miệng, xưng và niệm khác nhau. Xưng tương ứng với niệm thì sẽ có lợi ích, nếu xưng chẳng tương ứng với niệm, đó chính là như câu thường nói ‘có miệng không có tâm’, có xưng nhưng không có niệm. Miệng niệm A Di Ðà Phật, nhưng trong tâm suy nghĩ lung tung, thì là có xưng không có niệm, như vậy không được. Xưng niệm hợp thành một chính là tâm miệng hợp thành một, nên ‘hoạch phước vô lượng, diệt tội vô lượng’[1], công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn. Công đức của danh hiệu là ở chỗ nào? Trong toàn bộ kinh văn, danh hiệu chính là tựa đề. Kinh Vô Lượng Thọ trong năm bản dịch gốc của người xưa có một bản gọi là ‘Ðại A Di Ðà Kinh’, cho nên danh hiệu Phật A Di Ðà này là đề mục của kinh, công đức của danh hiệu là những gì được nói trong toàn bộ kinh. Niệm danh hiệu này thì trong tâm phải nghĩ tới lời dạy trong kinh, đạo lý đức Phật dạy chúng ta, lời giáo huấn của đức Phật cho chúng ta, dạy chúng ta sinh sống, xử sự, đãi người, tiếp vật như thế nào, một câu danh hiệu liền nhớ lại hết tất cả, được vậy thì mới dùng được. Nếu chỉ niệm một câu danh hiệu này, chẳng liên quan gì đến đời sống, ngôn hạnh của chúng ta, vậy thì danh hiệu này chẳng dùng được, giống như lời người xưa ‘hét bể cổ họng cũng uổng công’. Việc niệm Phật, đại đức thời xưa thường nói phải tương ứng, ‘một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật’, tương ứng với cái gì? Tương ứng với ý của kinh, bạn niệm một câu A Di Ðà Phật này tương ứng với nghĩa lý trong kinh A Di Ðà, trong kinh Vô Lượng Thọ, đó gọi là niệm Phật thật sự, do đó họ thật sự được phước, thật sự diệt tội, phước báo thiệt là vô lượng.

          Ở chỗ này chẳng có một tí gì khoa trương, câu nào câu nấy đều là lời chân thật. Chúng ta đọc xong, nghe xong còn không tin được là do chính mình chẳng biết niệm, bạn niệm chẳng tương ứng nổi. Nếu tương ứng rồi, khi bạn nhìn thấy lời dạy trong kinh này thì bạn liền tin tưởng, bạn sẽ chẳng hoài nghi nữa. Trong vô lượng pháp môn thì pháp môn này đặc biệt thù thắng, tại sao vậy? Pháp môn này là pháp môn viên mãn, vừa xưng danh hiệu Phật thì vô lượng vô biên công đức đều ở trong đó, chẳng có mảy may thiếu sót; học pháp môn khác thì tuy là công đức đương nhiên sẽ lớn, trong đó vẫn còn thiếu sót, không thể bao gồm hoàn chỉnh như vậy. Vừa xưng một danh hiệu Phật thì bao gồm viên mãn rốt ráo.

          Trong giảng đường của chúng ta, các vị đồng tu đáng lẽ đều có nhận thức tương đối sâu đậm, nói sơ lược thì ý nghĩa của danh hiệu là Vô Lượng Thọ Kinh, nói rộng ra tức là hết thảy pháp mà đức Phật đã thuyết giảng trong bốn mươi chín năm, chẳng có một câu nào vượt ra ngoài phạm vi của danh hiệu, không những chỉ là những gì đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy trong bốn mươi chín năm, nếu chúng ta dẫn dụ, suy rộng, có thể nói vô lượng vô biên pháp tạng do mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã nói cũng chẳng có một câu nào lìa khỏi A Di Ðà Phật, từ đó mới biết công đức của danh hiệu A Di Ðà Phật không thể nghĩ bàn. Chúng ta niệm cũng phải cầu giải (cầu hiểu rõ), nếu chỉ niệm mà không muốn hiểu rõ thì cũng tốt, thì cũng khó được, cảnh giới của chúng ta sẽ nâng cao rất chậm. Nếu khi bạn niệm mà có thể giải thì sẽ nâng cao cảnh giới của mình rất nhanh chóng. Nâng cao cảnh giới của mình trong kinh gọi là phẩm vị, kinh Hoa Nghiêm nói về những cấp bậc của Bồ Tát, từ Thập Tín nâng lên Thập Trụ, từ Thập Trụ nâng lên Thập Hạnh, từ Thập Hạnh nâng lên Thập Hồi Hướng, phải hiểu rõ triệt để thì mới nâng cao được.

          Nâng cao phẩm vị, nói cho chư vị biết đó cũng chính là nâng cao đời sống của chúng ta, do đó lợi ích của Phật pháp tuyệt đối chẳng nói chỉ là ở đời sau, mà ngay bây giờ, ngay trước mắt bèn có được lợi ích, nâng cao phẩm chất của đời sống chúng ta, đời sống nói ở đây tức là đời sống tinh thần. Ðời sống tinh thần được nâng cao, nói thêm với quý vị, đời sống vật chất cũng sẽ được nâng cao. Ðời sống vật chất, thử hỏi có phải những gì bạn có sẽ càng thêm phong phú? Lời này nói chẳng sai, phong phú chẳng dựa trên số lượng. Bạn làm việc ở chỗ đó, mỗi tháng lãnh được ba ngàn đồng thì vẫn là ba ngàn đồng, chẳng phải nói vừa học Phật thì liền kiếm được sáu ngàn đồng, chẳng có ý nghĩa này, bạn vẫn lãnh được bao nhiêu đó tiền. Vậy thì phong phú ở chỗ nào? Lúc nãy tôi nói phong phú là nói về phẩm chất. Nói cách khác, giá trị của ba ngàn đồng lúc trước khác với hiện nay, bạn thọ dụng được khác nhau, rất ít người hiểu được đạo lý này.

          Chúng ta nêu lên một thí dụ rất cạn cợt, chúng ta ăn cơm cũng có mấy món ăn này, khi cảnh giới của bạn chưa nâng cao thì mùi vị của những món ăn này rất bình thường, nhưng khi cảnh giới nâng cao rồi thì bạn nhìn thấy những món ăn này sẽ phóng ánh sáng, màu sắc là thất bảo, khẩu vị bạn thưởng thức được là mùi vị vi diệu, người khác chẳng nếm thấy được, [mùi vị] sẽ khác nhau vì [bản] chất của nó đã thay đổi. Tại sao lại thay đổi? Cảnh chuyển tùy theo tâm. Lời tôi nói với quý vị là lời chân thật, những món ăn này phóng ánh sáng, bạn nếm được mùi vị vi diệu, rất khác với lúc bạn chưa nâng cảnh giới, cho nên chất bổ dưỡng cho thân thể của bạn cũng khác nhau, tinh thần của bạn sung mãn, dung mạo tươi sáng, cảnh giới phải nâng cao thì mới được như vậy. Khi chúng ta cùng bày ra mấy món ăn, có phàm phu, Bồ Tát, có Phật cùng ăn thì mùi vị [của thức ăn] mỗi người nếm được sẽ khác nhau, bạn đừng tưởng là [món ăn] của các Ngài giống [món ăn] của chúng ta, vậy là sai rồi!  Mùi vị của mỗi người cảm nhận được đều chẳng giống nhau, phàm phu còn do nghiệp lực, còn Phật, Bồ Tát chẳng do nghiệp lực, chúng ta phải hiểu rõ việc này.

          Từ đó mới biết Phật pháp thù thắng, vi diệu, chân thật, chẳng phải chỉ có một mình tôi nói, diện mạo của bạn có thể thay đổi, thân thể có thể thay đổi, núi sông đất đai, đời sống chỗ ở đều có thể thay đổi. Sự thay đổi này là do tâm thay đổi, hy vọng mọi người suy nghĩ cặn kẽ ý nghĩa này, chỉ có pháp này là pháp chân thật. Trong kinh nói đến Nhất Chân pháp giới, Tây Phương gọi là Cực Lạc thế giới, Cực Lạc thế giới bao lớn? Cũng là tận hư không, trọn khắp pháp giới. Phàm phu chúng ta nhìn thấy hoàn cảnh của chúng ta là một mảnh đất bùn lầy, sỏi đá, đây là cảnh giới mà mắt thịt phàm phu chúng ta nhìn thấy. Nếu người ở Tây Phương Cực Lạc thế giới đến nơi này của chúng ta, họ nhìn thấy [nơi này] cũng là lưu ly, bảy báu, họ đi đến bất kỳ nơi nào đều nhìn thấy lưu ly, bảy báu, tại sao vậy? Cảnh ấy chuyển tùy theo tâm họ. Giả sử phàm phu chúng ta cũng có thể đến Cực Lạc thế giới tham quan, chúng ta đến Cực Lạc thế giới nhìn thấy mặt đất cũng giống hệt như mặt đất ở địa cầu chúng ta, cũng là bùn lầy, sỏi đá. Đây là đạo lý gì? Tâm chúng ta biến hiện ra, tâm của họ biến hiện ra chẳng giống tâm chúng ta. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa ở thế gian này, nơi Ngài cư trú là tịnh độ, trong kinh cũng đã nói, đức Phật Thích Ca Mâu Ni dùng thần lực của Ngài biến hiện cảnh giới mà Ngài tự thọ dụng cho mọi người thấy, [cảnh giới đó] cũng giống như Cực Lạc thế giới, Hoa Tạng thế giới, còn phàm phu [chúng ta] chẳng nhìn thấy.

          Ðạo lý này nếu dùng cách nói của khoa học gia ngày nay thì đó là duy thứ [2] thời gian, không gian chẳng giống nhau. Ngày nay chúng ta ở trong không gian ba chiều, khoa học gia chứng minh đích thật có không gian bốn chiều, năm chiều, thậm chí đến không gian mười một chiều, việc này đã được chứng minh. Không biết còn có bao nhiêu việc chưa phát hiện, chưa chứng minh được. Khả năng của Phật, Bồ Tát hoàn toàn đột phá các thời gian, không gian này, hết thảy không gian các Ngài đều nhìn thấy, Ngài nhìn thấy Ngài tự thọ dụng, cũng nhìn thấy hết thảy chúng sanh thọ dụng, các Ngài có khả năng này. Ngài dùng phương pháp gì để đột phá? Hiện nay khoa học gia đang nghiên cứu vấn đề này, người thật sự có thể đột phá có thể trở về quá khứ, cũng có thể đi vào tương lai một cách tự tại, trên Lý thì khoa học gia đã khẳng định, biết được ‘quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại cùng lúc’, họ hiểu Lý này. Tồn tại cùng lúc, chúng ta làm sao đi về quá khứ? Làm sao đi đến tương lai? Chúng ta không làm nổi, nguyên nhân là chúng ta không biết thời gian và không gian hình thành như thế nào, tức là không cùng pháp giới, nhà Phật chúng ta gọi là pháp giới chứ không gọi là ‘thời gian, không gian’, mười pháp giới chỉ là nói sơ lược, nói kỹ thì là vô lượng pháp giới. Tại sao nói là vô lượng pháp giới? Pháp giới của mỗi người đều khác nhau, chúng ta cùng nhìn một người, cùng nhìn một đóa hoa, cùng nhìn một sự việc, có người nhìn xong thì ưa thích, có người lại chán ghét, đó chính là pháp giới chẳng giống nhau. Trình độ mỗi người ưa thích cũng khác nhau, pháp giới cũng là không giống nhau, không thể thật sự tìm được hai người có cùng cách nhìn đối với một sự việc, chẳng bao giờ tìm được hai người như vậy. 

          Phật nói khi nào hai người có cách nhìn hoàn toàn giống nhau?  Khi thành Phật, Phật Phật đạo đồng. Còn Ðẳng Giác Bồ Tát, hai vị Ðẳng Giác Bồ Tát cùng nhìn một việc vẫn còn có chỗ khác nhau, sự giác ngộ của các Ngài còn chưa viên mãn, tâm của các Ngài còn chưa đạt đến mức thuần tịnh. Ðẳng Giác Bồ Tát vẫn còn một phần Sanh Tướng Vô Minh chưa phá, cách nhìn của họ vẫn chưa thể hoàn toàn giống nhau, chúng ta nói có thể đạt đến chín mươi mấy phần trăm giống nhau, chứ chẳng đạt đến một trăm phần trăm. Do đó có thể biết, sự hình thành của pháp giới, hình thành của duy thứ không gian, thời gian, đức Phật nói rất có lý, [đó là do] vọng tưởng, phân biệt, chấp trước từ nơi này sanh ra.  Làm sao có thể phá được? Ðoạn dứt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sẽ phá được, lúc đó có thể nhìn thấy vô lượng vô biên pháp giới sai khác. Do đó điều đức Phật dạy chúng ta chẳng có gì khác ngoài việc phá vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà thôi; sau khi phá được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì cảnh giới ấy sẽ là cảnh giới nơi quả địa của Như Lai. Ngày nay chúng ta nâng cao, không ngừng nâng cao cảnh giới, đây là mục tiêu của chúng ta, trong kinh thường gọi mục tiêu này là “A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề”. Phá xong chấp trước thì là Chánh Giác, sau đó phá phân biệt thì là Chánh Ðẳng Chánh Giác, phá thêm vọng tưởng nữa thì là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác trong Phạn ngữ gọi là “A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề”. Do đó phải không ngừng nâng cao cảnh giới của mình, [đối với chúng ta thì xưng niệm là] phương pháp duy nhất để nâng cao cảnh giới, xưng niệm phải tương ứng, nếu xưng niệm không tương ứng thì tuyệt đối sẽ không nâng cao được, chỉ trồng được hạt giống Phật trong A Lại Da Thức mà thôi, tương lai mới có thể dùng được, hiện nay không dùng được và cũng không thể diệt tội. Khi chư vị hiểu thấu đáo những Sự Lý này xong, [rồi mới biết] câu nào câu nấy trong kinh Phật đều là chân thật, một tí gì cũng không quá đáng. Quyển Trung đến đây là hết, chúng ta xem tiếp quyển Hạ:

          Giảo Lượng Bố Thí Công Ðức Duyên phẩm đệ thập.

 

 

PHẨM THỨ 10: NHÂN DUYÊN VÀ SO SÁNH CÔNG ÐỨC BỐ THÍ

校量布施功德緣品第十

 

          Lúc trước pháp sư Thánh Nhất ở núi Ðại Dự, Hương Cảng, vào năm một ngàn chín trăm tám mươi, nhận lời mời của lão pháp sư Nhân Ðức giảng kinh Ðịa Tạng ở Cửu Hoa Sơn. Thầy vừa viết Giảng Ký vừa giảng kinh, khi về đến Hương Cảng thầy thuật lại tình hình ở đó và đem cuốn Giảng Ký cho tôi coi, tôi đã viết một bài tựa cho thầy. Thầy nói phẩm trước (phẩm thứ chín) là Phật Bảo, phẩm thứ mười ‘Nhân duyên và so sánh công đức bố thí’ là Pháp Bảo; cách nhìn này vô cùng chính xác, quy nạp phần cuối của kinh này thành Tam Bảo, vô cùng quý báu, người xưa viết chú giải chẳng nói như vậy, thế nên tôi vô cùng tán thành cách nói này của pháp sư Thánh Nhất, quy kết về Tam Bảo. Trong Pháp Bảo, nói thật ra chính là phương pháp tu hành, tổng cương lãnh của phương pháp tu hành trong Phật pháp Ðại Thừa là dạy chúng ta ‘bố thí, kết duyên’, dùng phương pháp này có thể thành Vô Thượng Ðạo. Phía trước chúng tôi đã nói qua, tu học Phật pháp nâng cao cảnh giới của chính mình, quan trọng nhất là phải phá trừ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vả lại bố thí chính là phương pháp hay nhất. Bố thí là ‘xả’, xả chấp trước, phân biệt, vọng tưởng mất hết, không những trên lý luận, quan niệm như vậy, trên thực tế cũng phải làm như vậy, nếu bạn không thật sự làm trên Sự, chỉ nói suông trên Lý thì không được, vậy thì không thể nâng cao cảnh giới của mình được, nói thật ra cũng không có cách gì đoạn dứt phiền não, nhất định phải hạ thủ công phu trên Sự. Ðức Phật dạy chúng ta hai chữ ‘Xả-Ðắc’. Bạn phải hiểu hai chữ này thật sâu, tại sao? Vì càng xả thì càng đắc (được), đây là định luật nhân quả.

          Cơn bão kinh tế lần này, [đây là tình trạng] kinh tế suy thoái, chư vị thấy rất rõ ràng, hầu như mỗi người đều chịu ảnh hưởng, chúng ta quán sát kỹ mới thấy Cư Sĩ Lâm chẳng bị ảnh hưởng, không những chẳng bị ảnh hưởng, nguồn thâu nhập của Cư Sĩ Lâm còn tăng lên. Nói theo cách thông thường thì mọi người đều bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn, đương nhiên sự bố thí cúng dường tương đối sẽ giảm bớt, đây là lẽ đương nhiên. Vậy thì tại sao nguồn thâu nhập của Cư Sĩ Lâm không giảm bớt mà ngược lại còn tăng lên, đạo lý là ở chỗ nào? Là do bố thí.  Cư Sĩ Lâm bố thí nhiều, bố thí lớn lao. Trong lúc khó khăn như vậy, sự bố thí của Cư Sĩ Lâm chỉ tăng lên chứ không giảm bớt, cho nên thâu nhập cũng tăng lên chứ không giảm bớt. Việc này chứng minh lời Phật dạy chẳng sai, càng bố thí tài vật thì càng giàu có, bạn không ngại bố thí thì càng thí càng nhiều, chúng ta đã chứng minh tại Cư Sĩ Lâm trong vòng một năm gần đây. Nếu bạn không bố thí thì sẽ không có, nguồn thâu nhập của phần đông đạo tràng đều giảm bớt, tại sao vậy? Khi thấy kinh tế tiêu điều, chúng ta phải tiết kiệm tiêu xài, phải bố thí ít lại. Bố thí ít thì nguồn thâu nhập của bạn sẽ ít, quả báo sẽ ít. Ông Lý Mộc Nguyên ở Cư Sĩ Lâm có trí huệ, thâu nhập ít cũng phải bố thí nhiều, ông ấy chẳng sợ bố thí làm cho Cư Sĩ Lâm hết sạch sành sanh, ông chẳng sợ, bạn thấy nguồn thâu nhập của Cư Sĩ Lâm cứ cuồn cuộn chảy vô. [Việc này] chứng minh lời Phật dạy ‘thí tài thì được giàu sang, thí pháp thì được thông minh trí huệ, thí vô úy thì được khỏe mạnh, sống lâu’, nếu bạn không chịu bố thí thì làm sao được? Bạn làm sao được [những quả báo này]? Sau khi bố thí sẽ có quả báo, khi có quả báo lại sợ bạn khởi tâm tham, việc này rất phiền phức, do đó đức Phật dạy chúng ta ‘xả đắc’. Ý nghĩa sâu thêm một tầng của ‘xả đắc’ là những gì bạn đắc được thì hãy mau xả hết, chẳng nên lưu lại. Nếu bạn thí, bạn không chịu xả những gì bạn được vậy thì hỏng hết, bạn lại mê, lại đọa lạc. Cứ thí mãi mãi, càng thí càng có nhiều, càng thí càng được nhiều.

          Bạn hãy coi chư Phật Như Lai, chúng ta phải lắng lòng tìm hiểu hai bộ kinh chúng tôi giảng gần đây, đức Phật A Di Ðà đại bố thí, nên phước báo của Ngài lớn,  thành tựu được Cực Lạc thế giới, Cực Lạc thế giới thành tựu rồi, Ngài không tự thọ dụng, Ngài cúng dường những người tu học niệm Phật ở mười phương thế giới, đây là việc bố thí lớn lao của đức Phật A Di Ðà. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật Tỳ Lô Giá Na đại bố thí, xây dựng Hoa Tạng thế giới, tiếp dẫn mười phương hết thảy những người tu học Ðại Thừa, cho họ hưởng thọ, tự Ngài chẳng hưởng thọ, làm gương tốt nhất cho chúng ta. Nếu chúng ta từ việc bố thí được quả báo phong phú, thịnh vượng, tự mình muốn hưởng thọ thì sẽ khởi tâm tham, mê trở lại. Do đó đức Phật dạy chúng ta ‘xả đắc’, cứ xả những gì bạn có được, xả xong thì nó liền trở lại, trở lại thì xả nữa.  Cũng như nước vậy, nước là chất sống động, lưu chuyển mãi, nhất định đừng để nó đọng lại một chỗ. Khi bạn hiểu đạo lý này, hiểu sự thật này, thì bạn dám xả, bạn hiểu được càng xả càng được, cuồn cuộn đến không ngừng, đây là như ngạn ngữ thường nói ‘Trong mạng của bạn có thì bạn nhất định sẽ có, nếu trong mạng của bạn không có thì mong cầu cũng chẳng được, giữ cũng giữ không được’, gần đây chúng ta đều đã thấy rõ.  Có nhiều người dùng hết cạn tâm tư để được giàu xụ, gom góp tài sản được ức vạn, khi cơn bão kinh tế vừa tới liền xụp đổ, có nhiều người nhảy lầu tự tử, trong mạng không có thì muốn giữ cũng giữ không được.  Nếu những người này thông minh giống ông Lý Mộc Nguyên, đem tài sản của mình đi làm việc từ thiện thì sẽ không thể lường được! Họ làm sao thất bại được!

          Do đó những đồng tu học Phật, đặc biệt là những đồng tu tại gia, bất luận làm nghề nào, bạn đã học Phật thì phải xây dựng một quan niệm đúng đắn, mình phục vụ cho xã hội, phục vụ cho chúng sanh, bất luận làm nghề gì cũng vì xã hội, vì chúng sanh. Bạn dùng thái độ phục vụ để làm việc, bạn sẽ làm được vô cùng hưng vượng, bạn sẽ có thành tựu thù thắng, sự nghiệp của bạn càng làm càng phát đạt, càng phát đạt thì phải giúp đỡ người khác, càng phải giúp đỡ xã hội. Ðời sống của chính mình thì tiết kiệm là tốt, nhất định sẽ khỏe mạnh, sống lâu, không thể hưởng phước. Nếu mình giàu có, mỗi ngày đều tẩm bổ, sự tẩm bổ như vậy làm cho thân thể của bạn hư hết, thân thể khỏe mạnh thì chẳng cần tẩm bổ, một khi tẩm bổ thì sẽ sanh bịnh, càng tẩm bổ thì bịnh càng nhiều, đến cuối cùng không có thuốc chữa.

Chúng ta quán sát cặn kẽ cổ thánh tiên hiền, họ đã làm gương tốt cho chúng ta, làm cho chúng ta biết phải học tập như thế nào. Phật pháp nói lợi ích thế gian và xuất thế gian thù thắng nhất, to lớn nhất, chẳng gì sánh bằng bố thí, do đó đức Phật xếp Bố Thí vào hàng đầu trong các Bồ Tát hạnh. Bồ Tát hạnh có sáu nguyên tắc, trong sáu Ba La Mật thì Bố Thí được xếp hàng đầu, trong kinh này cũng đặc biệt nêu lên, giáo huấn chúng ta. Trong hết thảy kinh điển Ðại Thừa, nếu bạn lưu ý một chút thì sẽ thấy Thế Tôn giảng về Bố Thí nhiều nhất, trong đó có lý chứ chẳng phải không, xin xem tiếp kinh văn:

 

          Nhĩ thời Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, thừa Phật oai thần tùng tọa nhi khởi, hồ quỵ hiệp chưởng.

爾時地藏菩薩摩訶薩。承佛威神從座而起。胡跪合掌

          Lúc đó Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát nương oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay.

          ‘Nhĩ thời’ là nói về thời gian, đoạn trước Ðịa Tạng Bồ Tát nói rõ về công đức lợi ích của sự niệm Phật, là thời gian sau khi nói xong.  Không những phải hiểu niệm Phật mà còn phải biết cách niệm. Trong đoạn kinh này chúng ta phải coi trọng bốn chữ ‘thừa Phật oai thần’. Ðây là Bồ Tát dạy cho người đời sau phải nên khiêm tốn, phải kính trọng.  Tuy mình đã nhập vào cảnh giới này cũng chẳng dám nói mình có khả năng, có thể giảng kinh thuyết pháp cho đại chúng, chỉ nói nhờ oai thần của Phật nên mới có thể làm nổi, nếu không có Phật gia trì thì tự mình chẳng làm nổi, có ý khiêm tốn, kính trọng, đây là việc chúng ta phải học tập.

          Phiền não, tập khí của phàm phu trong lục đạo sâu nặng, đức Phật dạy chúng ta căn bản phiền não gồm có sáu thứ: Tham, sân, si, mạn, sau đó còn có nghi, ác kiến; mạn là kiêu mạn, hết thảy chúng sanh đều có đầy đủ tập khí ngạo mạn. Có ai không ngạo mạn đâu? [Ai cũng nói] tôi, [đều nghĩ] tôi giỏi hơn người khác, đây chính là tâm ngạo mạn. Chư vị đã học Pháp Tướng Duy Thức thì sẽ biết Mạt Na Thức, có bốn thứ phiền não thường đi theo, ngạo mạn, cho dù nghèo hèn đến cùng cực, làm người ăn mày, ăn mày là kẻ nghèo hèn bậc nhất trong xã hội, kẻ nghèo chẳng có của cải, kẻ hèn chẳng có địa vị, nhưng họ rất ngạo mạn, khi thấy người giàu sang đi ngang qua trước mặt liền bĩu môi nói một câu: ‘[Mấy người đó] có tài giỏi gì đâu, chẳng qua chỉ là có mấy đồng tiền thối mà thôi’, bạn xem! Cũng vẫn ngạo mạn. Phiền não này không thể không đoạn, nếu không đoạn thì sẽ gây chướng ngại rất lớn cho sự tu học của chúng ta.

Chúng ta thấy trong kinh văn, Ðịa Tạng Bồ Tát là người như thế nào, Ngài tự nguyện ở địa vị Ðẳng Giác Bồ Tát, nếu muốn thành Phật thì Ngài đã thành Phật từ lâu rồi. Trong phẩm Tựa chúng ta thấy, có bao nhiêu học trò của Ngài đều đã thành Phật, thầy hiện nay còn làm Bồ Tát. Là Bồ Tát thì phải giữ bổn phận của một vị Bồ Tát, đối với Phật vẫn khiêm tốn, vẫn nói Ngài ‘thừa Phật oai thần gia trì’, đây là việc chúng ta nhất định phải học tập. Tự mình có thành tựu hơn nữa, có trí huệ, có khả năng hơn nữa cũng không thể kiêu mạn, phải từ nội tâm lưu lộ sự khiêm tốn, cung kính thì bạn mới có thể đoạn phiền não. Nếu bạn chẳng lưu ý từ việc này, cứ cho rằng mình có tài, người khác chẳng có, hiện nay người ta thường nói là ‘rất đáng kiêu ngạo’, vậy thì hỏng hết. Nói đáng kiêu ngạo nghe không hay, [mà phải nói là] đáng đọa lạc, đáng vào tam đồ, không phải là có ý này sao? Do đó chúng ta nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật. Ở đâu cũng có thể thấy những kinh văn giống như vầy, mỗi lần đọc được phải nâng cao sự giác ngộ của mình. Chúng ta hãy xem Ðịa Tạng Bồ Tát thỉnh pháp:

          Bạch Phật ngôn! Thế Tôn, ngã quán nghiệp đạo chúng sanh, giảo lượng bố thí hữu khinh hữu trọng, hữu nhất sanh thọ phước, hữu thập sanh thọ phước, hữu bách sanh thiên sanh thọ đại phước lợi giả. Thị sự vân hà, duy nguyện Thế Tôn vị ngã thuyết chi.

白佛言。世尊。我觀業道眾生。校量布施有輕有重。有一生受福。有十生受福。有百生千生受大福利者。是事云何。唯願世尊為我說之。

          Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong nghiệp đạo, so sánh về sự bố thí thì có nhẹ có nặng. Có người hưởng phước trong một đời; có người hưởng phước trong mười đời; có người hưởng phước lợi lớn trong trăm đời, ngàn đời. Những việc này là như thế nào? Cúi xin Ðức Thế Tôn chỉ dạy cho con rõ.

          Việc này đâu phải là Ðịa Tạng Bồ Tát không biết? Một người hỏi, một người đáp là để cho chúng ta nghe, làm cho chúng ta giác ngộ.  ‘Nghiệp đạo chúng sanh’ nghĩa là chúng sanh trong lục đạo, trong lục đạo chúng sanh đặc biệt chỉ người và trời, hai nẻo người và trời, trong hai nẻo này lại đặc biệt chỉ loài người. Pháp hội này ở cung trời Ðao Lợi, trời Dục Giới. ‘Giảo lượng bố thí’, giảo lượng là so sánh, cân nhắc; so sánh, cân nhắc bố thí có nhẹ có nặng. Sau đó nêu ra thí dụ. ‘Hữu nhất sanh thọ phước’, đây là nhẹ. ‘Thập sanh thọ phước’, thì nặng hơn, ‘hữu bách sanh thiên sanh thọ đại phước lợi giả’, sự bố thí này rất nặng. Ðó là vì nguyên nhân gì? Chư Phật nói rõ cho chúng ta biết. Thường thường thì bố thí có ba loại: ‘Thí tài vật, thí pháp, thí vô úy’. Tài nghĩa là tài vật, trong tài vật có phân ra hai loại nội tài và ngoại tài; ngoại tài là những vật ngoài thân; nội tài là nói về thân thể chúng ta. Thí dụ chúng ta dùng trí huệ, dùng sức lực, dùng tài khéo léo phục vụ cho xã hội đại chúng thì đó gọi là bố thí nội tài. Công đức của bố thí nội tài vượt hơn ngoại tài.  Ngày nay đạo tràng này có rất nhiều người phát tâm làm  việc thiện nguyện, những việc thiện nguyện này đều thuộc về bố thí nội tài.

          Như mỗi ngày quý vị đều thấy rõ ràng, phước báo của những người ở Cư Sĩ Lâm rất lớn. Có rất nhiều cư sĩ lớn tuổi giúp rửa rau, lặt rau, rửa chén, rửa dĩa trong phòng ăn, họ làm việc rất hết lòng, rất có trách nhiệm, làm rất sạch sẽ để cúng dường đại chúng, đây là bố thí nội tài. Hình như đời này cuộc sống rất cực khổ nhưng phước báo đời sau sẽ không tưởng tượng nổi! Phước báo này tuyệt đối chẳng thể hưởng hết trong một đời. Ðặc biệt là những người đến đây ăn cơm, những người đến dùng cơm ở Cư Sĩ Lâm thật là quá nhiều, giả sử trong những người đến đây dùng cơm có được vài người vãng sanh thành Phật, bạn nghĩ thử coi phước báo của những người ở Cư Sĩ Lâm bao lớn! Họ đã cúng dường Phật.

          Trong kinh đức Phật dạy chúng ta, dùng một bát cơm cúng dường một vị Bích Chi Phật sẽ được quả báo chín mươi mốt kiếp chẳng bị nghèo khổ, nếu như ở đây cúng dường, nếu ở đây có vài người thật sự vãng sanh bất thoái thành Phật, thì phước báo họ được sẽ vượt hơn cúng dường Bích Chi Phật. Ðối với những sự lý này, những người thông suốt hiểu rõ có thể nhìn thấy được, còn phần đông người thường thì nhìn không ra. Trong Niệm Phật Ðường, đặc biệt là niệm Phật vào ban đêm, quý vị niệm Phật ba mươi sáu giờ một tuần, những người làm việc thiện nguyện này cũng chẳng ngủ, chẳng nghỉ, vẫn có đầy đủ tinh thần để chăm sóc cho đại chúng, ban đêm cung cấp các món ăn điểm tâm, thức uống, chăm sóc rất chu đáo, làm vậy là tu phước to lớn! Cúng dường cả nội tài lẫn ngoại tài, đến làm viện thiện nguyện, đến để phục vụ, đó là nội tài bố thí, họ còn đem rất nhiều thức ăn đến cho mọi người ăn buổi tối, đó là ngoại tài bố thí. Bố thí cả nội lẫn ngoại, đó là tu phước.

          Trong kinh đức Phật dạy chúng ta, phước báo của tài thí chẳng bằng pháp thí, công đức của việc bố thí pháp quá lớn, thật là rất lớn!  Nhưng trong nhà Phật, cả ba loại bố thí tài, pháp, vô úy đều nối liền với nhau, chẳng tách riêng rẽ, đối với người thế gian thì ba thứ bố này tách riêng ra, còn trong nhà Phật thì ba thứ bố thí này nhập chung với nhau.  Trong tài thí có pháp thí, trong pháp thí có vô úy thí. Họ cúng dường mọi người, bố thí cho mọi người, hằng ngày mọi người ở đây nghiên cứu kinh điển, suy nghĩ, niệm Phật, đó là pháp, cho nên sự cúng dường bố thí này của họ là đối với pháp. Cúng dường Phật, bố thí pháp, cho nên cả hai đều đầy đủ. Sự tu học Phật pháp, khế nhập vào Phật pháp làm cho người ta có thể liễu sanh tử, thoát tam giới, đoạn phiền não, thành Phật đạo, đây là thí vô úy to lớn, vô cùng thù thắng.

          ‘Thọ phước’ tức là việc mà người thế gian chúng ta gọi là hưởng phước, đây là việc hết thảy chúng sanh đều mong muốn đạt được, có ai không muốn hưởng phước? Những người làm việc thiện nguyện coi việc làm thiện nguyện như sự hưởng phước của họ, tu phước kết hợp với hưởng phước, tu phước chính là hưởng phước, hưởng phước chính là tu phước, phước báo của họ sẽ kéo dài mãi chẳng dứt, chẳng phải chỉ có một đời mà thôi. Một người có thể hưởng phước suốt cả đời đại đa số là nhờ đời trước có tu phước, nhưng đời này một khi họ hưởng phước lại không chịu tu phước, phước báo đời này hưởng hết thì chẳng còn nữa.   Nếu phước lớn thì có thể hưởng cả đời, đến lúc chết vẫn còn phước báo; nếu phước báo kém một chút thì đến lúc già họ rất đáng thương, phước báo hưởng hết, đến lúc già không có người chăm sóc, khổ chẳng nói nổi!  Ðó là gì? Ðó là bạc phước, những việc này rất nhiều, đều thường bày ra trước mặt chúng ta. Nếu người này cả đời chẳng có bịnh khổ, chẳng có khổ lúc già, chứng tỏ phước báo của họ rất tốt, cả đời hưởng phước.  Nếu đến lúc họ chết, lúc chết có tướng lành thì họ hưởng phước không những chỉ trong một đời mà thôi, đời sau vẫn còn hưởng phước; họ ra đi rất an vui, rất tự tại, [lúc chết đầu óc] rất sáng suốt, chẳng mê hoặc, thì nhất định đời sau họ sẽ hưởng phước cõi trời, người, phước này chẳng phải chỉ có một đời mà thôi.

          Nếu mười đời, trăm đời, ngàn đời [đều hưởng phước] thì nhất định họ đã tu đại bố thí cho xã hội, cho hết thảy chúng sanh thì mới có thể hưởng phước lớn như vậy. Ðời xưa chúng ta thấy vua chúa, những gia đình trọng vọng có thể truyền nhiều đời mà gia đạo chẳng suy, đó là nhờ tổ tiên tu phước lớn, cho nên con cháu đời đời đều hưởng chẳng cùng tận. Nếu [hưởng phước cả] trăm đời, ngàn đời thì họ đã tạo phước, bố thì càng nhiều hơn nữa; [trường hợp] mười đời hưởng phước, chúng ta thấy nhiều vua chúa thời xưa, những nhà có tiếng tăm được ghi trong lịch sử.  Nhưng [những nhà hưởng phước] cả trăm đời, ngàn đời thì sẽ khác, ở Trung Quốc chúng ta chỉ thấy Khổng Lão Phu Tử, đúng là phước lớn cả trăm đời. Khổng Tử đã bố thí những gì? Dạy học, dùng tâm chân thành giáo huấn chúng sanh, bạn hãy xem Khổng Tử truyền đến nay đã trải qua bảy mươi mấy đời, con cháu của Ngài vẫn còn được người đời nay tôn kính. Tôn kính tổ tiên của họ, nghe nói con cháu của Khổng Phu Tử được người ta đối đãi một cách đặc biệt, đặc biệt đối đãi lễ độ. Khi ông Khổng Ðức Thành đến Mỹ, tiếp nhận sự tiếp đãi [nồng hậu] của người Mỹ vì họ nghe nói ông [Khổng Ðức Thành] là con cháu của Khổng Phu Tử, đây là [thí dụ cho sự] hưởng phước cả trăm đời.

          Trong nhà Phật, sự bố thí của chư Phật, Bồ Tát đều là phước báo lớn lao trăm đời, ngàn đời, vô lượng vô biên, những việc đức Phật tu là gì? Ngài cũng tu đại bố thí, bố thí pháp. Sau khi đức Phật Thích Ca thị hiện thành Phật, vì chúng sanh giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, tu bố thí pháp. Trong pháp thí có tài thí hay không? Có chứ, nhưng chẳng có ngoại tài, chỉ có nội tài. Họ cần tinh thần, cần thể lực, hao tổn tinh thần, sức lực của họ, đó là tài thí, cho nên có tài thí trong đó. Như trong kinh có nói, sau khi bạn khai ngộ, xa lìa lo sợ, điên đảo, vọng tưởng, đây là thuộc về vô úy thí. Cả đời thành tâm thành ý chuyên làm việc này, do đó họ được phước báo ‘cả trăm đời, ngàn đời, hưởng phước to lớn’. Chúng ta phải biết việc này.

          Ðối tượng của việc bố thí, trong kinh Phật gọi là ruộng phước, bố thí là trồng phước, bạn phải nhận ra cái nào là ruộng phước, phải tìm ruộng phước để trồng phước, vậy thì phước của bạn sẽ vô lượng vô biên, bạn vĩnh viễn hưởng dùng chẳng cùng tận. Thật sự hiểu rõ đạo lý này thì phải nỗ lực sốt sắng mà làm, đừng sợ cực nhọc, cũng đừng sợ mình lớn tuổi, sức lực suy yếu muốn làm một chút chuyện tốt cho xã hội nhưng không được! [Nếu nghĩ vậy] thì sẽ không được, tại sao vậy? Trong tâm người đó nghĩ là không được thì đương nhiên sẽ không được. Nếu bạn nghĩ là được thì bạn sẽ chẳng suy yếu, nếu bạn cảm thấy không được thì mỗi ngày đều nghĩ đến già, nghĩ đến bịnh, nghĩ sức lực suy yếu, Phật pháp nói tướng chuyển theo tâm thì đương nhiên bạn sẽ suy yếu. Nếu bạn có can đảm thật sự giác ngộ, [nghĩ rằng] tôi không già, tôi không bịnh, không suy yếu, kết duyên với hết thảy chúng sanh, làm việc bố thí lớn lao, vậy thì sẽ được! Không phải là không được, cũng sẽ làm được rất viên mãn, chỉ vì bạn có giác ngộ hay không, có chịu phát tâm hay không.

          Ngày nay phước điền thật sự, phước điền hạng nhất, phước điền thù thắng không chi sánh bằng là gì? Mỗi ngày chúng ta thường nghĩ đến ‘Làng Di Ðà’ ‘Niệm Phật Ðường’ đây là phước điền vô thượng, vì [đó là nơi] giúp đỡ hết thảy chúng sanh thành Phật. Tôi hiểu được đạo lý này, biết sự thật này, nhưng chẳng có duyên, sức lực của mình chẳng làm nổi cho nên chỉ thường nói [về việc này] mà thôi, đã nói hết ba mươi mấy năm rồi. Chẳng ngờ ở nơi đây gặp được Bồ Tát Lý Mộc Nguyên, ông ấy nghe rõ xong, ông ấy thật sự làm. [Nghe] ông ấy làm, tôi có vui mừng không? Không có. Tại sao không có tâm vui mừng? Tôi chỉ nghĩ nghe thì nghe tạm vậy thôi, có thật sự làm được hay không thì rất khó nói.  Nếu tôi vui mừng, nhưng ông ấy làm không nổi, thì không phải tôi sẽ thất vọng hay sao? Do đó tôi không hy vọng nên cũng sẽ không thất vọng; nếu bạn làm thành công thì rất tốt! Còn nếu không thành công, tôi vốn chẳng hy vọng [nên sẽ chẳng thất vọng] tâm chúng ta vĩnh viễn giữ được bình yên, thanh tịnh. Thế nhưng ông ấy nỗ lực làm hết lòng, chúng ta phải giúp ông ấy, giúp cho ông ấy thành tựu. Cho nên chúng tôi thí nghiệm trước, ở Cư Sĩ Lâm mở Niệm Phật Ðường để thí nghiệm; thí nghiệm xong làm cho chúng tôi có lòng tin, mọi người đều khởi lòng tin.  Nếu không thí nghiệm thì bạn sẽ chẳng có lòng tin, thì bạn sẽ rất khó làm cho được thành công. Nhờ làm thí nghiệm này, tuy thời gian thí nghiệm chẳng dài, Niệm Phật Ðường tính đến nay được thành lập chưa tới ba tháng, trong thời gian ngắn như vậy, làm cho các vị đồng tu từ trên xuống dưới, từ những vị Ðổng Sự ở Cư Sĩ Lâm, các vị lãnh đạo đến các vị đồng tu mỗi ngày đến niệm Phật, thậm chí các vị đến làm việc thiện nguyện, mọi người ai nấy đều tràn đầy lòng tin, thật là chẳng thể nghĩ bàn, đây chẳng phải là sức lực của con người mà chính là do Phật lực gia trì.

          Do đó tôi thường nói lời tôi nói là lời chân thật, Niệm Phật Ðường này có chư Phật trong đó niệm Phật, có Bồ Tát trong đó niệm Phật, còn thần hộ pháp thì quá nhiều, không kể hết. Có người nói với tôi, có người thấy thần hộ pháp đều đang xếp hàng, đó là thật chứ chẳng giả. Cho nên mỗi người bước vào Niệm Phật Ðường đều cảm nhận vô cùng đặc biệt, khí phận rất khác biệt, người ngoại quốc gọi là từ trường khác lạ. Sau khi bước vào liền sanh tâm hoan hỷ, sanh khởi lòng tin. Thí dụ [nhiều người] niệm suốt bốn mươi tám giờ, suốt hai ngày hai đêm không ngủ không nghỉ, có nhiều người nói sức lực họ làm không nổi, nhưng rốt cuộc rồi cũng làm nổi, niệm suốt hai ngày hai đêm xong nên họ tăng trưởng lòng tin, cảm thấy họ cũng khá lắm! Ðây là Phật lực gia trì, thiện căn, phước đức, nhân duyên của mình thành thục; kinh Di Ðà có nói ‘Chẳng thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy’, lại còn được chư Phật Như Lai gia trì, chúng ta phải biết việc này. Chúng ta vô cùng may mắn, lúc trước người tu hành nhiều, đạo tràng đúng pháp nhiều, Phật, Bồ Tát chăm lo săn sóc trọn khắp, hiện nay không có, chỉ còn lại một nơi, hết thảy Phật, Bồ Tát đều gia trì một người, một đạo tràng, việc này chẳng thể nghĩ bàn. Do đó nhất định phải tự mình phát tâm, phải tự mình có lòng tin, làm đúng như lý như pháp, đúng như lời nhà Phật thường nói tâm tưởng sự thành, hết thảy pháp đều do tâm tưởng sanh ra, chỉ cần những gì bạn làm là lợi ích chân thật.  Mục đích chúng ta là mong cầu chánh pháp trụ thế lâu dài, hết thảy chúng sanh đều có thể đạt được lợi ích chân thật, thì chúng ta sẽ vui vẻ hy sinh, vui vẻ cống hiến.

          Có một số đồng tu rất quan tâm cho tôi và nói ‘Pháp sư đã lớn tuổi rồi, mỗi ngày đều phải giảng kinh, ngày nào cũng không nghỉ ngơi, mệt cho thầy quá’. Tôi rất cám ơn sự quan tâm của những người này, họ khuyên tôi giảm bớt thời gian giảng kinh, mỗi ngày giảng một tiếng rưỡi thôi, đừng giảng hết hai tiếng, mỗi tuần giảng nhiều nhất là năm ngày, nghỉ ngơi hai ngày, đó là ý tốt, tôi rất cảm ơn. Nhưng bạn phải biết, nếu chúng ta giảm bớt thời gian giảng kinh nửa giờ, sợ rằng giảng bộ kinh Hoa Nghiêm này phải mất mười lăm năm, hiện nay tôi nghĩ mười năm chưa chắc đã giảng xong, nếu còn giảm bớt nửa tiếng thì sợ là phải kéo dài hai mươi năm, vậy thì sao được! Nói ra thì nghe hay lắm, mọi người đều vô lượng thọ, nhưng cũng hy vọng giảng xong bộ kinh này sớm hơn, mau hoàn thành viên mãn. Hiện nay mỗi ngày tôi giảng hai tiếng đồng hồ chẳng cảm thấy mệt, giảng được rất hoan hỷ, do đó trong tình trạng trước mắt hiện nay vẫn còn được! Có thể duy trì, chẳng cần phải giảm bớt thời gian. Ngạn ngữ thế gian cũng thường nói ‘Khi người gặp chuyện vui thì tinh thần hăng hái’, giảng kinh là chuyện vui, chuyện tốt, chẳng phải là chuyện cực nhọc. Phần đông người ta cho rằng dạy học trong trường là một chuyện cực khổ, đó có thể là chuyện cực khổ, nhưng giảng kinh là một chuyện vui sướng, chẳng giống như chuyện dạy học trong trường, đây là một chuyện vô cùng vui sướng. Nếu giảm bớt chuyện làm vui sướng này, tôi nghĩ ai cũng chẳng mong muốn, giảm bớt chuyện cực khổ thì được, chứ đừng giảm bớt chuyện vui sướng.

          Ðây là nói rõ phước điền, phước điền chân thật là đem lại lợi ích cho chúng sanh. Lúc trước tôi khuyên người ta tu phước đều là khuyên người ta phát tâm lưu truyền Phật pháp. Phương pháp lưu truyền Phật pháp là in kinh, thời quá khứ chỉ có in kinh bố thí, in kinh bố thí có đầy đủ ba thứ tài, pháp, vô úy thí, đây là việc tốt. Kế đó tôi thường khuyên người ta chăm sóc cho người bịnh khổ, một số người bịnh, những người có đời sống rất cực khổ, chúng ta bố thí cho họ, cho họ thuốc men, cứu tế người nghèo khổ. Thứ ba là tôi khuyên người ta phóng sanh, phóng sanh là vô úy thí. Ðây là những việc mà nhiều năm nay tôi giảng kinh thuyết pháp khuyên nhắc chư vị, đây thật sự là phước điền, tuyệt đối chẳng có lỗi lầm, tệ đoan. Tôi chẳng khuyên người ta xây đạo tràng, xây đạo tràng chưa chắc đã là phước điền thật sự, nếu [người ở] đạo tràng ấy chẳng tu học, chẳng hoằng dương chánh pháp thì phước điền ấy là giả, chứ chẳng phải thiệt, chúng ta trồng phước [ở những nơi] này là bị lầm rồi.  Ðạo tràng chánh pháp chẳng dễ gặp, vô cùng khó khăn mới gặp được, thật sự là có thể gặp chứ chẳng thể mong cầu, một khi gặp được đạo tràng [hoằng dương] chánh pháp chúng ta phải dốc sức để tu bố thí cúng dường, bố thí cúng dường nhất định phải đúng như pháp.

          Gần đây cư sĩ Lý tìm được một miếng đất, chúng tôi muốn xây Làng Di Ðà ở đó. Ông ấy đến hỏi tôi: ‘Cần phải xây theo lối cung điện vua chúa hay không?’ Tôi trả lời: ‘Không cần, xây theo lối cung điện tốn rất nhiều tiền, chưa chắc có thể thích hợp’. Tôi nói ‘Chúng ta xây theo kiến trúc hiện đại, bỏ hình tượng chùa miếu, chúng ta đề xướng giáo dục Phật giáo, nên dùng kiến trúc hiện đại’. Hôm qua họ đem họa đồ lại cho tôi coi, Niệm Phật Ðường có hình tròn, trên đỉnh còn có một tượng Phật, tôi kêu ông đừng làm tượng Phật, đừng để tượng Phật ở đó phơi nắng, phơi mưa, như vậy không cung kính, đừng làm tượng Phật như vậy. Dùng kiến trúc hiện đại, tốn ít tiền, sử dụng thích hợp mới quan trọng. Cốt yếu là mong thành tựu cho công phu niệm Phật của mọi người, hy vọng những người đến đây niệm Phật có thể được công phu thành phiến, được nhất tâm bất loạn. Ðược công phu thành phiến thì nhất định vãng sanh, như vậy mới thật sự là phước điền, phước điền chân thật. Phần trường học chúng tôi tiếp nhận, sửa sang một chút thì có thể làm Phật Học Viện, giải hành tương ứng, điểm này rất quan trọng! Người niệm Phật mỗi ngày phải nghe kinh, nếu không nghe giảng kinh thì niệm Phật ba ngày liền giải đãi, nghe giảng kinh là mỗi ngày khuyên nhắc, mỗi ngày khích lệ họ, chúng ta ở đó giúp họ không thoái chuyển. Mỗi ngày giảng kinh là vì việc này, giúp họ dũng mãnh tinh tấn.

          Ðây là phước điền chân thật, chúng tôi nhìn thấy vô cùng rõ ràng, rành rẽ, một xu cũng không thể lãng phí thì mới thành tựu được tấm lòng bố thí của thí chủ, không thể lãng phí [đồng tiền ấy]. Nhà Phật thường nói ‘trước cửa địa ngục nhiều tăng sĩ’, ai đọa địa ngục? Người xuất gia đọa địa ngục. Tại sao lại đọa địa ngục? Vì chẳng biết tiết kiệm, cung kính, lãng phí đồng tiền của thí chủ, trong đó tạo rất nhiều tội nghiệp, chính bạn tu trì có công phu gì? Bạn được nhất tâm hay chưa? Ðược công phu thành phiến chưa? Nếu chưa, nói một cách khác, [sanh đến được] Tây Phương Cực Lạc thế giới [hay không] vẫn còn là một dấu hỏi, bạn chưa chắc có thể sanh được. Nếu bạn không được vãng sanh, thì những sự thọ dụng này, đây là việc mà nhà Phật thường nói:

          ‘Một hạt gạo của thí chủ, lớn như núi Tu Di,

          Ðời này không liễu đạo, đội lông sừng mà trả’

          Do đó nhất định phải biết tiết kiệm, tu phước, tiếc phước, [việc gì] có thể tiết kiệm thì nhất định phải tiết kiệm, cần dùng thì phải dùng, cần dùng thì tuyệt đối không thể hà tiện.

          Hiện nay việc bố thí, trừ việc in kinh ra, phạm vi của sự bố thí pháp rộng hơn lúc trước rất nhiều. Hiện nay chúng ta có băng thâu âm, có băng thâu hình, có CD, thậm chí hiện nay chúng ta còn lợi dụng truyền hình vệ tinh, lợi dụng màng lưới điện toán quốc tế, tất cả đều thuộc về bố thí pháp. Rất nhiều người làm công việc này, họ dùng nội tài và ngoại tài tu công đức bố thí chân thật, phạm vi [của việc thí pháp] hiện nay của chúng ta rộng lớn hơn lúc trước rất nhiều. Tối hôm qua có bạn đồng tu đến nói với tôi, hiện nay chúng ta ở đây làm CD, số lượng rất lớn, các nơi trên khắp thế giới đều xin chúng tôi, chúng tôi nhờ những xưởng khác làm giùm, giá tiền rất rẻ, mỗi dĩa tốn một đồng rưỡi. Họ nói với tôi, nếu tự mình lập ra xưởng, tự mình sản xuất thì tiền vốn mỗi dĩa chỉ có nửa đồng; nói cách khác, lúc trước chúng ta tặng cho người ta một dĩa CD thì hiện nay chúng ta có thể tặng cho người ta ba dĩa. Tôi nói chuyện này rất tốt, tôi tán thành, đợi cư sĩ Lý trở về, chúng ta sẽ nghiên cứu việc tự lập xưởng để làm CD. Tu phước như vậy thì trăm đời, ngàn đời sẽ được phước lớn, chỉ cần người thật sự hiểu rõ đạo lý nhà Phật, hiểu rõ chân tướng sự thật thì mới biết tự mình tu phước như thế nào, làm sao mới có phước lợi to lớn.

          ‘Phước lợi to lớn’ nói ở đây chẳng phải là phước lợi ở cõi trời, người, phước lợi cõi trời, người chẳng lớn; vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thành Phật thành Bồ Tát thì phước lợi ấy mới lớn.  Phước lợi của chúng sanh trong lục đạo, các bạn đã đọc kinh Vô Lượng Thọ, phước lợi của chúng sanh trong lục đạo lớn nhất là Ðại Phạm thiên vương, nếu so sánh Ðại Phạm thiên vương với người Hạ Hạ phẩm vãng sanh cõi Phàm Thánh Ðồng Cư của Cực Lạc thế giới thì còn thua xa.  Phước báo của người ở Tây Phương Cực Lạc thế giới ví như Ðại Phạm thiên vương, còn phước của Ðại Phạm thiên vương ví như người nghèo ở thế gian chúng ta, không thế nào so sánh được, [phước của người vãng sanh cõi Cực Lạc] mới thật sự là đại phước lợi. Chúng ta chịu giúp người khác thành Phật thì chúng ta nắm chắc sự thành Phật của chính mình. Thật sự giúp đỡ người khác thành Phật thì nhất định phải tạo ra tăng thượng duyên cho mọi người. Chúng ta biết những người niệm Phật này có thiện căn, có phước đức, thiếu nhân duyên, cho dù có thiện căn, phước đức, nhưng thiếu nhân duyên thì đời này vẫn không thể thành tựu.  Họ ở nhà niệm Phật, họ ở các đạo tràng khác niệm Phật, bị khuấy nhiễu, tâm chẳng thể định được. Chúng tôi thường nghe đồng tu nói, ở nhà niệm Phật, con cháu trong nhà thường lại phá phách, bạn bè thường gọi điện thoại lại khuấy nhiễu nên tâm chẳng yên định được. Khi chúng ta có một Niệm Phật Ðường, trong đó không có điện thoại, chẳng gắn điện thoại, trong các phòng nghỉ ngơi hoàn toàn không có điện thoại, được vậy thì tâm bạn sẽ định, chẳng có ai đến tìm bạn, chẳng bị khuấy nhiễu.  Ðây là việc chúng ta cung cấp nhân duyên và hoàn cảnh cho họ tu học.

          Cư sĩ Lý rất gan dạ, tôi rất khâm phục ông ta; tương lai những người cư trú ở Làng Di Ðà khỏi phải trả một đồng nào cả, [nhưng cần phải có] điều kiện gì? Chịu niệm Phật, chỉ cần một điều kiện này, nam nữ già trẻ gì cũng được, chỉ cần chịu niệm Phật thì bạn có thể trú ở đó, Làng Di Ðà sẽ cúng dường bạn cả đời mãi cho đến khi bạn vãng sanh.  Ngày nay trên thế giới có bao nhiêu chánh phủ làm sự nghiệp phước lợi đều chẳng sánh bằng Làng Di Ðà. Những viện dưỡng lão, chỗ về hưu ở ngoại quốc tuy là làm được rất tốt, vẫn còn rất nhiều hạn chế, thủ tục còn rất phiền phức. Tương lai thủ tục xin ở Làng Di Dà chỉ cần một điều kiện bạn chịu niệm Phật thì bạn sẽ được nhận. Người ngoại quốc chỉ cần có được quyền cư trú hợp pháp ở Tân Gia Ba thì sẽ được nuôi cả đời, bạn không cần phải bận tâm gì hết, [Làng Di Ðà sẽ] cúng dường hết tất cả quần áo, nơi ăn chốn ở. Cư sĩ Lý muốn thiết kế đồng phục, đến trú ở Làng Di Ðà thì phải thay đổi đồng phục của Làng Di Ðà, quần áo cũ của bạn đều không dùng nữa, tứ sự cúng dường trong đời sống đều được lo lắng đầy đủ, đây là đại bố thí! Tiền từ đâu tới? Vẫn chưa biết. Cư sĩ Lý có lòng tin, chúng ta không có phước báo, đức Phật A Di Ðà có phước báo, chúng ta làm công cho đức Phật A Di Ðà thì đương nhiên Ngài sẽ chăm sóc, lòng tin được xây dựng từ chỗ này. Phật có phước báo, chúng ta phục vụ thay thế A Di Ðà Phật, ông chủ ở phía sau ủng hộ là đức Phật A Di Ðà, cho nên cần gì phải sợ? Cứ vững tâm mà làm, dốc hết tâm sức để làm, nhất định sẽ thành công, chắc chắn làm được viên mãn. Ðặc biệt là khoảng thời gian gần đây ở Cư Sĩ Lâm, chúng ta thấy càng bố thí thì càng có nhiều, chẳng phải là bố thí sẽ giảm bớt, bố thí sẽ thiếu thốn, mà là càng bố thí thì có càng nhiều, việc này đem lại lòng tin to lớn cho chúng ta. Do đó nhất định phải nhận biết phước điền một cách rõ ràng, đó là phước điền chân thật, phước điền này chắc chắn được chư Phật, Bồ Tát hộ niệm, long thiên thiện thần gia trì, che chở.

          Hiện nay đạo tràng này, cư sĩ Lý nói với tôi rất rõ ràng, chúng tôi làm một đạo tràng gương mẫu cho thế gian, làm một khuôn mẫu. Sau khi làm được thành công, hy vọng mọi người từ khắp nơi đến đây tham học, cho nên nơi đây hoan nghênh người niệm Phật từ mọi nơi trên thế giới đến đây niệm Phật, thông thường khi đến đây thì hải quan Tân Gia Ba sẽ cho bạn một tháng đến ba tháng, bạn có thể tạm trú ở đây một thời gian để niệm Phật, [sau đó] đem kinh nghiệm và cách làm ở nơi đây mang về [chỗ ở của mình]. Hy vọng tương lai khắp nơi trên toàn thế giới đều có những Niệm Phật Ðường như vậy, đều xây dựng Làng Di Ðà giống như vậy, đích thật có thể tiêu trừ tai nạn cho xã hội, cho thế gian, cho hết thảy chúng sanh, đem lại ổn định, hòa bình, hưng vượng. Cho nên sự bố thí này, sự tu phước này thật sự là trăm đời, ngàn đời được đại phước lợi.  Chúng ta vô cùng may mắn gặp được duyên này, chúng ta tu một chút tùy hỷ công đức, sự tùy hỷ công đức này chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta có thể quý tiếc duyên này thì đời này chúng ta sẽ chẳng luống uổng, đời này sẽ rất có ý nghĩa, có giá trị.

          Phật Học Viện phải tổ chức, thâu nhận học sinh, mở rộng, cách suy nghĩ này đúng đắn, vì tương lai những nơi khác xây làng Di Ðà, nhân lực của chúng ta chẳng đủ, nhất định phải đào tạo rất nhiều nhân tài, giúp các nơi xây dựng làng Di Ðà, đẩy mạnh sự hoằng dương Tịnh tông. Cho nên việc thâu nhận học sinh, cư sĩ Lý thương lượng với tôi rằng không hạn chế người Trung Quốc, các người tại gia, xuất gia ở khắp nơi trên thế giới đều được thâu nhận. Ðạo tràng chánh pháp do cư sĩ chủ trì rất nhiều, Cư Sĩ Lâm ở đây là do cư sĩ chủ trì, Tịnh Tông Học Hội ở đây cũng do cư sĩ chủ trì. Lúc trước khi tôi thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Phật Giáo Liên Xã Ðài Trung, Thư Viện Từ Quang ở Ðài Trung đều do cư sĩ chủ trì, do đó chúng ta đừng có tâm phân biệt, muôn vàn không thể cho rằng người xuất gia cao hơn người tại gia, vậy là sai rồi. Cao thấp là phải coi công phu tu hành của bạn cao thấp, chẳng ở tại hình tướng, điểm này chúng ta phải hiểu rõ.

          Việc này vào năm đầu Dân Quốc, trong lời giáo huấn của đại sư Âu Dương Cánh Vô ở Học Viện Chi Na có một bài rất dài lập đi lập lại lời dạy về việc này, thường thường người xuất gia tự cao tự đại đến cuối cùng lại phải đọa lạc, tạo rất nhiều tội nghiệp, người tại gia thường khiêm tốn trái lại có thể vãng sanh Tịnh Ðộ bất thoái thành Phật, rất đáng cho chúng ta cảnh giác. Đại sư Âu Dương đặc biệt nhấn mạnh một câu ‘Phật pháp là sư đạo’, Ngài nói ‘Phật giáo chẳng phải là tôn giáo, chẳng phải là triết học, là việc mà đời nay vô cùng cần thiết’, Ngài nói Phật pháp là sư đạo, trong sư đạo thì thầy giáo lớn nhất, đặc biệt đề xướng tôn sư trọng đạo. Thầy giáo có người tại gia, người tại gia là thầy của tôi, tôi học theo thầy, thầy là người lớn nhất. Tuyệt đối không thể nói tôi có thân phận xuất gia, thầy là thân phận tại gia, tôi phải lớn hơn thầy, vậy là sai rồi. Cư sĩ tại gia là thầy của chúng ta, chúng ta cũng gọi thầy là hòa thượng, hòa thượng là tiếng Phạn, ý nghĩa là thân giáo sư, pháp của tôi là do thầy truyền cho tôi, là do thầy dạy tôi, người này là thân giáo sư của tôi, thân giáo sư gọi là hòa thượng. Hòa thượng chẳng phân biệt nam nữ, già trẻ, chẳng phân biệt tại gia, xuất gia. A-xà-lê là thân phận thầy giáo, ngôn hạnh của Ngài có thể làm gương mẫu cho tôi, tôi phải nên học theo Ngài, cho nên A-xà-lê cũng không phân tại gia, xuất gia. Hiện nay rất nhiều Mật tông Thượng Sư A-xà-lê là người tại gia, cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chính là một vị Mật tông A-xà-lê, người xuất gia tu học theo Ngài cũng phải đảnh lễ ba lạy, nhiễu quanh bên phải ba vòng. Lúc đức Phật còn tại thế, cư sĩ Duy Ma là người tại gia, khi Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên gặp cư sĩ Duy Ma hành lễ chẳng khác khi gặp Thế Tôn, cũng là đảnh lễ ba lạy, nhiễu quanh bên phải ba vòng, hành lễ thầy trò, chẳng coi người đó là người tại gia. Chúng ta phải đổi quan niệm này trở lại, trong Phật pháp thì thầy giáo là hạng nhất, thậm chí là nữ cư sĩ tại gia, họ giảng kinh thuyết pháp, họ dạy học, chúng ta cũng phải coi họ là Phật vậy, chẳng được có một tơ hào phân biệt, không thể có tâm khinh mạn, như vậy thì chúng ta mới có thể thành tựu.

Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây thôi.

 

[1] Xưng là đọc ra tiếng tức niệm danh hiệu Phật ra tiếng, còn niệm là trong tâm thầm nghĩ.

Như vậy xưng niệm hợp thành một chính là tâm và miệng đã hợp thành một. Niệm niệm chẳng rời Phật nên mới được phước vô lượng, diệt tội vô lượng.

[2] Duy thứ nghĩa là kích thước.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.