Chư vị đồng học!
Xin xem tiếp phần “thuyết pháp trang nghiêm”, đoạn cuối cùng là Bát Chánh Đạo.
Tám điều này trong lần trước chúng tôi đã giới thiệu danh tướng và ý nghĩa đại lược cùng quý vị; nhưng chúng ta biết tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều tương ứng với cương lãnh, nguyên tắc dạy dỗ của đức Thế Tôn, nhưng trong mỗi pháp môn bất đồng bèn có cách giải thích bất đồng, quý vị nhất định phải hiểu điều này thì sự tu học hiện tiền của chúng ta mới đạt lợi ích, mới hòng đạt được mong cầu. Ngày nay chúng tôi cùng các đồng tu học pháp môn Tịnh Độ; nay trong pháp môn Tịnh Độ, Bát Chánh Đạo được giải thích bằng cách nào? Nhất định phải biết điều này.
“Chánh Kiến”: Chúng ta thấy y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới như đức Thế Tôn đã dạy trong kinh bèn tin chắc, chẳng hoài nghi; đó là Chánh Kiến. Chánh Kiến của chúng ta chẳng do trực tiếp thấy được thế giới Tây Phương, mà là do được nghe đức Thế Tôn giới thiệu. Đối với đức Thế Tôn, chúng ta có tín tâm kiên định. Lão nhân gia tuyệt đối chẳng lừa dối chúng ta, lời lão nhân gia quyết định giống như kinh Kim Cang đã nói: “Như Lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả” (Như Lai là bậc chân ngữ, thật ngữ, như ngữ, bậc chẳng nói lừa dối). Chúng ta tin tưởng mỗi câu mỗi chữ trong lời Phật đều là chân thật. Chánh Kiến của chúng ta được kiến lập trên Tịnh Độ tam kinh, tin sâu chẳng nghi. Đó là Chánh Kiến của Tịnh Độ Tông.
Chánh Tư Duy của Tịnh Độ Tông là như Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật” (Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật), đó là Chánh Tư Duy! Để nghĩ nhớ y báo và chánh báo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, cũng phải đọc thuộc kinh điển, phải thường nghĩ tới y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới được nói trong kinh điển, phải thường nhớ tưởng! Chánh Kiến vừa nói ở trên là Tín tâm, còn ở đây là tư duy, thường xuyên nghĩ đến. Vì sao? Nếu chẳng nghĩ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ suy nghĩ loạn xạ liền! Suy nghĩ loạn xạ là nghiệp luân hồi. Trong tâm suy nghĩ bậy bạ chính là tạo nghiệp luân hồi, trong tương lai phải chịu quả báo luân hồi. Bởi vậy, chúng ta phải chuyển cái tâm luân hồi, chuyển ý niệm luân hồi, chuyển cái nghiệp luân hồi thành tịnh nghiệp Tây Phương. Chúng ta nghĩ đến thế giới Cực Lạc, nghĩ đến y báo và chánh báo trang nghiêm dạy trong kinh Vô Lượng Thọ, nghĩ đến bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, nghĩ cách thực hiện những điều đó trong cuộc sống thường nhật như thế nào, chúng ta nghĩ như vậy thì ý nghĩ ấy tốt lành!
Thế nào là Chánh Ngữ của Tịnh Độ học nhân? Chánh Ngữ là một câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, câu ấy là Chánh Ngữ của chúng ta. Bởi thế, chúng ta chào hỏi nhau đều chắp tay “A Di Đà Phật”; người ta gọi tên mình, mình đáp A Di Đà Phật. Chúng ta nhận điện thoại, cầm điện thoại lên bèn “A Di Đà Phật”, Chánh Ngữ của chúng ta là như vậy. Thời thời khắc khắc niệm niệm chẳng quên A Di Đà Phật.
Chánh Nghiệp của chúng ta là ý nghiệp tưởng A Di Đà Phật, thân nghiệp lễ bái A Di Đà Phật, khẩu nghiệp niệm A Di Đà Phật, đó là tam nghiệp của Tịnh tông.
Chánh Mạng: Tùy theo cái nghiệp báo thân của chính mình, sống được một ngày thì suốt ngày đó niệm A Di Đà Phật, y giáo phụng hành. Ba nghiệp thân - ngữ - ý diễn nói, vì người khác diễn nói; lúc lâm chung tâm chẳng điên đảo, rõ ràng rành rẽ, minh bạch, phân minh, không bị bệnh khổ, đứng mà mất, ngồi mà mất, biểu diễn cho người khác thấy, chẳng dễ dàng đâu! Con người có ai không chết? Ai nấy đều phải chết, nhưng ai ra đi tự tại, tiêu sái, rõ ràng minh bạch như thế được? Phải là người niệm Phật! Đó là vì người khác biểu diễn, vì người khác diễn nói, vô cùng có sức thuyết phục. Những chuyện ấy khoa học không thể giải thích, vì đó là siêu khoa học! Khoa học là hữu hạn, có hạn cục, có giới hạn, thế nhưng vẫn có một nền học vấn không có hạn cục, không có giới hạn mà khoa học chưa phát hiện được. Chúng ta nhất định phải biết điều này.
Thế giới tâm linh siêu việt khoa học, nói cách khác, phạm vi của khoa học chỉ thuộc nhân đạo (thế giới loài người). Nhân đạo chỉ là một pháp giới trong mười pháp giới, pháp giới này hữu hạn, chẳng có biện pháp đột phá không gian nhiều chiều, chẳng thể thích hợp cho mười pháp giới. Nhất định phải hiểu đạo lý này, nếu không hiểu, quý vị sẽ bị hạn chế trong phạm vi của lục đạo luân hồi, chẳng thể ra khỏi lục đạo luân hồi! Không ra khỏi lục đạo luân hồi thì nói cách khác: Đúng như sự thật đã được giảng trong kinh Phật, thời gian quý vị ở trong tam ác đạo dài lâu, thời gian trong ba thiện đạo ngắn ngủi.
Phật pháp nói đến giác và mê; nói đến mê tín thì nói đúng ra là mê tín tôn giáo, mê tín cổ thánh tiên hiền. Nếu chúng ta rất lắng tịnh, rất khách quan quan sát thì những niềm mê tín ấy so ra có lợi hơn nhiều so với mê tín khoa học. Vì sao? Cổ thánh tiên hiền, tôn giáo nói đến không gian nhiều chiều vượt ngoài nhân gian, nó có thật, chứ chẳng phải không có. Linh giới (thế giới tâm linh) thực sự tồn tại, hiện nay có không ít những người trong giới khoa học chấp trước cứng ngắc vào khoa học, nhưng khi tiếp xúc với những “linh môi” (Medium: Những người có khả năng giao tiếp với cõi âm[2]), họ bèn tin tưởng. Từ kinh nghiệm bản thân, [họ nhận thấy] quả đúng là có linh giới. Những nhà khoa học này cả mấy chục năm mê muội khoa học, rốt cục tin tưởng. Họ viết rất nhiều báo cáo, gần đây được in thành sách, quý vị hãy tự tìm đọc.
Ở Trung Quốc và ngoại quốc có rất nhiều người quay đầu tin tưởng, khẳng định sự tồn tại của linh giới. Chữ “linh giới” là phiếm chỉ, nói chung, chín pháp giới ngoài pháp giới của con người ra đều gọi là “linh giới”. Linh[3] có cao thấp khác nhau, trong tất cả các tôn giáo thì Phật giáo giảng rõ ràng nhất, giảng thấu triệt nhất. Chẳng những giảng chánh báo rất rõ rệt, mà ngay cả y báo cũng được giảng hết sức rõ ràng: “Y chánh trang nghiêm” (y báo, chánh báo trang nghiêm). Bởi thế, nghiệp là những gì tạo tác bởi thân - ngữ - ý. Nếu không trái nghịch kinh giáo thì là Chánh Nghiệp, trái nghịch kinh giáo là tà nghiệp, là sai lầm.
Thế nào là Chánh Mạng? Ấn Quang đại sư giảng rất hay: Nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, không hóa duyên, không làm pháp hội, không làm kinh sám Phật sự, mỗi ngày đều giống như đang tu Phật thất. Học hội và Tịnh Tông Học Viện của chúng ta thêm vào một môn công khóa nữa là giảng kinh, giải hạnh tương ứng. Đó là Chánh Mạng của chúng ta, chúng ta lấy đó làm mạng sống. Đạo tràng hiện thời không có hằng sản, không có nguồn kinh tế cố định, chúng ta không hóa duyên thì sống bằng cách nào? Chuyện này không một ai phải lo ngại cả. Tôi không quan tâm, vì sao tôi không quan tâm? Chương Gia đại sư dạy tôi: “Nhất tâm hướng về đạo, nhất tâm vì pháp, vì chúng sanh, Phật, Bồ Tát sẽ an bài cả đời này cho mình, mình không cần phải nhọc lòng”.
Hôm nay không có gì ăn, nhịn đói một ngày cũng là Phật, Bồ Tát an bài, không một chút gì phải bận lòng cả! Phật, Bồ Tát an bài cho mình chịu đói một ngày thì cái ngày nhịn đói ấy chắc chắn có cái hay, chẳng dở đâu. Huống hồ chúng ta mỗi ngày “vì người khác diễn nói” là tu bố thí, tôi đã nói điều này rất nhiều. Tuy chúng ta không có Tài Bố Thí (ngoại tài bố thí), nhưng chúng ta nội tài bố thí, mỗi ngày diễn nói cho mọi người xem. Nội tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí ngày ngày chẳng gián đoạn nên quả báo rất thù thắng, cái gì cũng không thiếu, chẳng cầu mà có.
Năm mươi năm nay đích thân chúng tôi thể nghiệm đúng thật là như vậy, tôi không hoài nghi chút nào, quyết chẳng vì cuộc sống vật chất mà sanh khởi vọng niệm, không hề có. Quý vị có tín tâm ấy hay không? Quý vị có thể tin nổi hay không? Đạo tràng có thần hộ pháp hộ trì, ngoài Phật hộ niệm ra còn được thần hộ pháp hộ trì, quý vị dốc tâm nơi đạo, hạnh nơi đạo, thần hộ pháp cũng phải chiếu cố. Nếu tâm hạnh của quý vị trái nghịch với đạo, thế nào là đạo? Đạo là những đạo lý, những phương pháp được giảng trong kinh điển, chúng ta luôn tuân thủ thì là “tâm và hạnh đều ở nơi đạo”. Nếu chúng ta không tuân thủ thì tâm và hạnh đã tách rời khỏi đạo. Tách khỏi đạo thì Phật, Bồ Tát không còn cảm ứng nữa, thần hộ pháp cũng bỏ đi luôn, chẳng còn chiếu cố nữa.
Khi nào quý vị sanh tâm sám hối: “Tôi lầm, tôi quay đầu”, Phật, Bồ Tát lại đến, thần hộ pháp cũng quay lại. Thần hộ pháp, Phật, Bồ Tát chẳng giận, tâm và hạnh của quý vị tương ứng với đạo, các Ngài bèn đến, trái nghịch với đạo, họ bèn đi. Bởi vậy, phải tương ứng mới tốt. Ngày ngày niệm kinh vì cớ gì? Cầu cho kiến giải, tư tưởng, ngôn hạnh của chính mình tương ứng với kinh điển, chẳng trái nghịch. Mục đích và dụng ý chân chánh của việc đọc tụng kinh điển là ở chỗ này. Sống như thế gọi là Chánh Mạng.
Chánh Tinh Tấn: Thâm nhập một môn, trường thời huân tu, nhất định không biếng nhác. Trước hết là thành tựu “công phu thành phiến” của chính mình. Công phu thành phiến sẽ hoàn toàn khống chế được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Đúng là những thứ ấy chưa đoạn, nhưng chúng chẳng thể phát tác. Trong nghịch cảnh và ác duyên cũng chẳng sanh phiền não, chẳng sanh tâm nóng giận. Trong thuận cảnh thiện duyên cũng chẳng khởi tham luyến, đó là công phu thành phiến, quý vị khuất phục được chúng. Phật, Bồ Tát dạy chúng ta: Công phu như vậy mới bảo đảm vãng sanh, nhưng quý vị nhất định phải giữ được công phu ấy mãi mãi, chẳng thể hờ hững, xem nhẹ được. Phải biết: Tập khí phiền não rất nặng, thời gian tích lũy tập khí phiền não rất dài. Nếu chúng ta lãng ý một chút, chúng lại bùng phát liền, rắc rối to! Bởi thế, thời thời khắc khắc đều phải đề cao cảnh giác, chẳng dám lơ là chút nào.
Đạt đến Sự Nhất Tâm sẽ hoàn toàn khống chế được chúng, chẳng cần phải tác ý nó vẫn bị khống chế. Đạt đến Lý Nhất Tâm là tốt nhất, chuyển hết những phiền não ấy thành Bồ Đề, đấy thực sự là đoạn phiền não. Cảnh giới Lý Nhất Tâm hoàn toàn tương đồng với “minh tâm kiến tánh” của Tông môn, thường gọi là “phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân”. Niệm Phật đạt đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn chính là cảnh giới này. Cảnh giới ấy không phải cá nhân nào cũng đều có thể chứng được, nhưng đối với công phu thành phiến có thể nói là nếu mỗi người chịu dụng công, tuân thủ những điều kinh điển răn dạy, y giáo phụng hành, ai cũng đều có thể đạt được công phu thành phiến.
Đạt được mức ấy thì như chúng tôi vừa nói đó, trong thuận cảnh thiện duyên chẳng khởi tham luyến, trong nghịch cảnh ác duyên chẳng sanh sân khuể, hết sức tự nhiên, chẳng phải là cố ý khống chế, cố ý đè nén! Nếu phải cố ý đè nén thì quý vị còn đang trong giai đoạn tu học, chưa đạt được công phu thành phiến. Thực sự đạt được công phu thành phiến thì chẳng cần phải tác ý, mà là tự nhiên, phản ứng rất tự nhiên, cảnh giới tốt đẹp mà! Không khó! Điều này mọi người thực sự có thể làm được. Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, chúng ta thấy những người niệm ba năm đạt được cảnh giới này rất nhiều. Vì sao người khác đạt được, mình không làm được? Do vậy, ta phải sanh tâm
hổ thẹn!
Luyện công phu tại đâu? Trong cuộc sống thường ngày, trong xử sự, đãi người, tiếp vật. Người này đối xử tốt với tôi, tôi đối xử tốt hơn; cứ hễ tôi gặp người ấy, tôi nhất định xử tốt với người ấy hơn người ấy xử tốt với tôi, tôi báo đáp người ấy, như câu nói: “Thọ nhân trích thủy chi ân, thường tư dũng tuyền vi báo” (Nhận cái ơn nhỏ bằng giọt nước của người, thường nghĩ dùng cả mạch suối để báo đáp). Thế nhưng người ấy chẳng ở trước mặt tôi, trong tâm rỗng rang, chẳng lưu lại dấu tích gì, đó là trí huệ, quyết định không tham luyến. Hễ gặp mặt bèn báo ân, tâm cảm kích tự nhiên sanh khởi. Đó mới là đúng, chẳng phải là tình thức mà là trí huệ, tâm địa vĩnh viễn thanh tịnh, bình đẳng, giác.
Cũng có những đồng học hỏi tôi, có rất nhiều người hỏi tôi, Quán Trưởng đã mất nhiều năm như vậy, sao thầy vẫn còn tưởng niệm bà ta mãi? Đúng vậy! Đấy có phải là tham luyến hay chăng? Nếu thuộc vào tình thức thì là tham luyến, nếu thuộc vào chánh trí thì là giáo học. Ở đây chúng ta dựng một Kỷ Niệm Đường kỷ niệm Quán Trưởng, đó là giáo dục, giáo dục xã hội, dạy đại chúng trong xã hội biết ân, báo ân. Trong quá khứ, bà ta đối xử tốt đối với chúng ta, chúng ta niệm niệm chẳng quên, biết ân, báo ân mà! Đấy chính là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, đặc biệt là trong xã hội hiện thời. Xã hội hiện thời “biết ân, báo ân” rất ít, toàn là vong ân phụ nghĩa. Quả báo của vong ân phụ nghĩa là tam đồ, quả báo của tri ân báo ân là nhân thiên. Làm thế nào để giúp hết thảy chúng sanh chẳng đọa tam đồ, lại còn có thể hưởng phước báo nhân thiên, công đức giáo dục ấy rất to lớn. Nếu làm được như vậy mà tâm địa vẫn giữ được thanh tịnh bình đẳng giác sẽ siêu việt lục đạo luân hồi. Những điều đó ở đây gọi là Chánh Nghiệp, Chánh Mạng; vì thế, quý vị phải hiểu ý nghĩa này.
Đối với người oán hận, kẻ oan gia đối đầu, trong tâm chớ nên có chút sân khuể, chớ nên có mảy may ý niệm báo thù. Chẳng những không có, mà còn thời thời khắc khắc phải chú ý, hễ khi nào họ gặp phải khó khăn, mình đến giúp đỡ, thường biết oan gia phải hóa giải. Túc oán quá khứ, oán kết hiện tại đều phải hóa giải hết, “oan gia nghi giải, bất nghi kết” (oan gia nên gỡ, không nên buộc). Trong lúc kẻ ấy gặp khó khăn, ta toàn tâm toàn lực giúp đỡ, mặc kệ tỵ hiềm xưa kia, oan kết bèn hóa giải. Phật pháp có vai trò gì trong thế gian? Chẳng thể không biết điều này, Phật pháp có mặt trong thế gian là để giáo hóa chúng sanh, không một mảy may nào không nhằm dạy dỗ Giác - Chánh - Tịnh, dạy dỗ Bát Chánh Đạo.
Thứ bảy là Chánh Niệm, niệm ở đâu tâm bèn ở đó, Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật” (Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật). Đó là Chánh Niệm. Trong mười hai thời chấp trì danh hiệu là Chánh Niệm. Hết thảy ngôn hạnh hoàn toàn tương ứng với những điều kinh luận dạy dỗ là Trợ Niệm. Chánh - Trợ song tu nhất định được vãng sanh, nhất định được thấy A Di Đà Phật, tương ứng với Phật.
Chánh Định: Một đời một kiếp này, ta tu hành pháp môn này, quyết định chẳng thay đổi, nương theo kinh điển này, quyết chẳng dao động, đó là Chánh Định. Bát Chánh Đạo của Tịnh Độ Tông là như thế đó!
Chúng ta lại xem tiếp câu kế: “Bát Chánh Đạo do Trạch Pháp Giác Phần”, tức là điều thứ nhất trong Thất Bồ Đề Phần, “bất y thiên tà, cố nhập Chánh Đạo” (chẳng nương theo [những kiến giải, tư tưởng, quan niệm, hành vi] lệc lạc, tà vạy, nên vào được Chánh Đạo): Chọn lựa dứt khoát pháp môn ta tu học cả đời. “Vô lậu thánh pháp” là Chánh, “năng thông Niết Bàn” (có thể thông với Niết Bàn) là Đạo, Tịnh tông thực sự là chánh đạo của mọi chánh đạo. Thế giới Cực Lạc và phương pháp vãng sanh thế giới Cực Lạc là Chánh! Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong một đời nhất định thành tựu viên mãn Vô Thượng Bồ Đề, đó là Đạo, đại đạo đấy!
“Tam thập thất phẩm, thâu pháp tuy tận” (Tuy ba mươi bảy phẩm gồm thâu trọn hết mọi pháp), ba mươi bảy môn này là đại cương, bao quát tất cả những pháp do mười phương ba đời hết thảy chư Phật đã nói, đã tu, không có pháp nào ra khỏi ba mươi bảy phẩm này; nhưng quý vị phải biết “cơ duyên bất đẳng” (cơ duyên chẳng giống nhau): Cơ (機) là cơ hội, Duyên (緣) là duyên phận; duyên phận, cơ hội của mỗi cá nhân trong từng đời chẳng giống nhau. Vì thế, “tác chủng chủng khai hợp” (tạo thành các thứ pháp môn mở rộng hay gộp lại [ba mươi bảy Đạo Phẩm này]), Khai (開) là triển khai, Hợp (合) là gộp lại. Triển khai [ba mươi bảy môn Đạo Phẩm] sẽ thành vô lượng vô biên pháp môn. Nếu quy nạp lại, gộp lại thì chẳng ngoài Giác - Chánh - Tịnh, chẳng ngoài Giới - Định - Huệ, thảy đều bao gồm trong ấy.
“Danh nghĩa bất đồng, vô bất diễn sướng” (Danh nghĩa sai khác, không gì chẳng diễn bày, giải nói thông suốt): Diễn (演) là chư Phật, Bồ Tát ngày ngày làm như vậy cho chúng ta thấy. Quý vị phải thực sự hiểu hữu tình lẫn vô tình đều là biểu diễn. Chư Phật Như Lai biểu diễn ở chánh diện, biểu diễn mặt Giác, lục đạo chúng sanh biểu diễn mặt Mê. Chúng ta ngồi dưới sân khấu xem diễn kịch, thấy rất rõ ràng: Bên Giác thì sáng sủa, bên Mê thì tối tăm; hành thiện được thiện quả, hành ác mắc ác báo, khắp pháp giới trọn hư không giới vốn là một sân khấu lớn. Chúng ta vừa là diễn viên, vừa là khán giả trong ấy. Nơi sàn diễn thông thường thì diễn viên chẳng phải là khán giả, khán giả chẳng phải là diễn viên. Chúng ta tuyệt vời lắm, tuyệt vời đến tột bậc! Vừa là diễn viên, vừa là khán giả, đã là khán giả, lại là diễn viên. Vì thế, pháp này gọi là “diệu pháp”.
Người tu hành chân chánh, người tu Giác - Chánh - Tịnh, cái gì cũng quan sát, cái gì cũng nhìn, thấy toàn thể vũ trụ đều là diễn viên. Ở trong ấy, họ thành tựu Giới - Định - Huệ, thành tựu Giác - Chánh - Tịnh, không pháp nào chẳng rõ. Mười pháp giới y báo, chánh báo trang nghiêm, tánh tướng, sự lý, nhân quả vằng vặc phân minh là Huệ. Trong Bát Nhã không gì không biết; tuy không gì chẳng biết nhưng trong tâm thanh tịnh chẳng nhiễm mảy trần, như như bất động, đó là Đại Định! Đại Định ấy là chân tâm, Huệ là chân tâm sanh khởi tác dụng. Tâm là tịch diệt, nhất định phải hiểu điều này.
Qua danh hiệu, Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy rõ: “Mâu Ni” (Muni) là thanh tịnh tịch diệt. Đối với bản thân chúng ta, nhất định phải tu thanh tịnh tịch diệt. “Diệt” là diệt phiền não, diệt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Sáu căn đối với cảnh giới sáu trần không có phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, đó chính là tướng tịch diệt. Tâm đúng là như vậy, đã thế, lại còn hết sức từ bi: Năng Nhân. Thích Ca (Śākya) là Năng Nhân: Sống động chứ không chết cứng, năng lượng và thông tin từ cảnh giới bên ngoài đưa vào bèn lập tức có phản ứng. Phản ứng ấy sanh khởi từ lý thể của Tịch Diệt, nhất định không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xen tạp trong ấy; đấy là Phật, là Pháp Thân Bồ Tát. Nếu chúng ta không liễu giải, không hiểu rõ, không minh bạch cảnh giới ấy, làm sao có thể tu được? Phải hiểu rõ, phải minh bạch, hiểu Phật, Bồ Tát là như vậy. Chúng ta phải khéo học theo, thực sự nhập pháp giới vô chướng ngại. Năng Nhân: Phổ độ hết thảy chúng sanh, nhưng quý vị thấy đó, chẳng hề trở ngại sự thanh tịnh tịch diệt của chính mình, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Nay chúng ta mới biết chướng ngại phát sanh từ đâu? Chướng ngại phát sanh từ phân biệt, vọng tưởng, chấp trước; lìa được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sự sự vô ngại.
Bởi vậy, đến cuối cùng sách Yếu Giải tổng kết: “Vô bất diễn sướng, cố linh văn giả niệm Tam Bảo, phát Bồ Đề tâm, phục diệt phiền não dã” (Không gì chẳng diễn bày thông suốt, nên khiến cho người nghe niệm Tam Bảo, phát Bồ Đề tâm, chế phục, diệt trừ phiền não). Chế phục và diệt trừ là hai giai đoạn. Trong công phu niệm Phật của chúng ta, thấy rất rõ rệt: Công phu thành phiến là chế phục, Sự nhất tâmbất loạn là chế phục, Lý nhất tâm bất loạn là diệt, phiền não bị chuyển hết, chuyển phiền não thành Bồ Đề. Phải là Lý nhất tâm mới có thể chuyển được. Do đây biết rằng: Công phu thành phiến không ra khỏi lục đạo vì nó là công phu trong lục đạo; Sự nhất tâm bất loạn siêu việt lục đạo vì thuộc về tứ thánh pháp giới, nhưng vẫn là chế phục; đến khi phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân mới chuyển, mới thực sự diệt phiền não.
Chúng ta lại xem tiếp đoạn kế đó: “Tam Bảo lược thích” (giải thích Tam Bảo một cách sơ lược). Tam Bảo nói đơn giản thì có “biệt tướng Tam Bảo”, có “nhất thể Tam Bảo”, danh tự Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng.
1) Phật có ba thân Pháp, Báo, Ứng Hóa: Pháp Thân Phật, Báo Thân Phật, Ứng Hóa Thân Phật. Đó là chuyện thường nghe nói.
2) Pháp có bốn thứ: giáo pháp, lý pháp, hành pháp, quả pháp, tức là Giáo - Lý - Hành - Quả. Quý vị phải hiểu: Mỗi một bộ kinh bất luận lớn - nhỏ như thế nào, bất luận kinh văn sâu hay cạn thế nào, thảy đều đầy đủ Giáo - Lý - Hành - Quả. Nếu một bộ kinh chẳng có đủ bốn ý nghĩa ấy, kinh ấy chẳng thể gọi là kinh Phật được! Hễ là kinh Phật thì nhất định phải có đủ bốn phần sau đây: Giáo - Lý - Hành - Quả.
3) Tăng, “Tam thừa thánh hiền”: Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, Bồ Tát thừa. Trong ấy có hiền, có thánh, thánh khác với hiền. Trong địa vị Bồ Tát, hiền nhân là từ Sơ Trụ Bồ Tát đến Thập Hồi Hướng, thánh nhân là từ Sơ Địa cho đến Đẳng Giác, tam hiền thập thánh[4], đó là hiền thánh nơi địa vị Bồ Tát. Hiền thánh trong Tiểu Thừa: Tứ Quả là Thánh, Tứ Hướng là Hiền. Sơ Quả Hướng là Hiền, Tu Đà Hoàn tính là Thánh. Nhị Quả Hướng là Hiền, Tư Đà Hoàn là Thánh. Trong mỗi một tầng cấp của Tam Hiền, Hiền Thánh lại khác nhau! Hiền là còn đang trong địa vị tu học, Thánh là đã chứng quả. Giống như chúng ta đi học trong nhà trường vậy! Quý vị còn đi học chưa tốt nghiệp, đang còn học là Hiền, học xong, tốt nghiệp là Thánh, lấy được học vị rồi thì là Thánh. Giống như quy chế trong các trường đại học hiện tại trong thế gian, còn đang học trong đại học là Hiền, ngày nào đó quý vị lấy được bằng Học Sĩ (Cử Nhân) bèn thành Thánh, tiểu thánh! Tiếp tục học theo ban Thạc Sĩ (Cao Học), sinh viên ban Thạc Sĩ là Hiền, sinh viên đều là Hiền. Tốt nghiệp chương trình Thạc Sĩ, giành được học vị Thạc Sĩ (Master) gọi là Thánh, trung thánh. Nếu học tiếp theo chương trình Tiến Sĩ thì sinh viên của ban Tiến Sĩ là Hiền, tốt nghiệp Tiến Sĩ, lấy được học vị Tiến Sĩ là thượng thánh. Thượng - trung - hạ, tam thừa hiền thánh giống như vậy đó.
Trong Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng đại sư của Thiền Tông vào đời Đường chẳng nói đến Phật - Pháp - Tăng, Sư nói đến Giác - Chánh - Tịnh. Lúc tôi mới đọc Đàn Kinh, tôi cứ suy nghĩ vì sao Ngài lại nói như thế? Ai cũng nói là Phật - Pháp - Tăng Tam Bảo, sao Ngài lại nói Giác - Chánh - Tịnh? Nhất định phải có duyên cớ. Rất có khả năng là vào đời Đường, đối với khái niệm Phật - Pháp - Tăng người ta khá hồ đồ, chỉ biết danh hiệu, chẳng biết ý nghĩa được bao hàm trong danh từ. Nói cách khác, chưa thọ dụng được. Lục Tổ đại sư có trí huệ, đại từ, đại bi, Ngài đem ý nghĩa của Tam Bảo chỉ rõ ra, khiến cho chúng ta dễ hiểu hòng thọ dụng được. Ngài truyền trao Tam Quy, chẳng nói là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, Ngài không làm vậy! Lúc Ngài truyền trao Tam Quy bèn nói “quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh”.Ngài truyền trao như vậy, quý vị đọc Đàn Kinh sẽ thấy, rồi mới giải thích: “Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh”.
Bởi thế, nếu với Phật - Pháp - Tăng Tam Bảo, chúng tôi thêm vào mấy chữ nữa, mọi người càng nhận hiểu rõ ràng. Thế nào là Phật? Giác chứ không mê là Phật. Thế nào là Pháp? Chánh chứ không tà là Pháp. Thế nào là Tăng? Tịnh chứ không nhiễm là Tăng. Giải thích như vậy mọi người đều hiểu rõ rệt, chẳng còn nói Phật Giáo là mê tín nữa! Nếu không, người ta chẳng hiểu rõ ý nghĩa này, quý vị nói đến Phật, người ta nghĩ đến tượng Phật bằng đất nặn hay gỗ khắc thành; quý vị nói đến Pháp, người ta nghĩ đến kinh điển; quý vị nói đến Tăng, người ta tưởng là người xuất gia. Nói cách khác, hoàn toàn chấp vào tướng, chỉ chấp vào tướng chẳng biết đến ý nghĩa! Bởi thế, xã hội đại chúng đâm ra hiểu lầm Phật giáo là mê tín!
Lục Tổ đại sư thuyết pháp như vậy thì quan niệm sai lầm ấy lập tức bị hóa giải. Như vậy, người ta hỏi quý vị Phật giáo là gì, quý vị cứ đem lời của Lục Tổ đại sư bảo với họ: Phật giáo là giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ không nhiễm. Lấy mười hai chữ ấy để giới thiệu Phật giáo một cách đơn giản cho người ta, chánh pháp đấy! Đó là thường thức, đó là học vấn đấy! A! Bây giờ đã hết giờ rồi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa