Xin mở cuốn Khoa Chú quyển trung, trang một trăm bốn mươi sáu, xin xem kinh văn:
Hựu ư quá khứ hữu Tịnh Nguyệt Phật, Sơn Vương Phật, Trí Thắng Phật, Tịnh Danh Vương Phật, Trí Thành Tựu Phật, Vô Thượng Phật, Diệu Thanh Phật, Mãn Nguyệt Phật, Nguyệt Diện Phật, hữu như thị đẳng bất khả thuyết Phật.
又於過去有淨月佛。山王佛。。淨名王佛。智成就佛。無上佛。妙聲佛。滿月佛。月面佛。有如是等不可說佛。
Lại về thuở quá khứ có đức Tịnh Nguyệt Phật, đức Sơn Vương Phật, đức Trí Thắng Phật, đức Tịnh Danh Vương Phật, đức Trí Thành Tựu Phật, đức Vô Thượng Phật, đức Diệu Thanh Phật, đức Mãn Nguyệt Phật, đức Nguyệt Diện Phật, và bất khả thuyết đức Phật như thế.
Ở đây Địa Tạng Bồ Tát giới thiệu cho chúng ta mười vị Phật xong, lại nói tiếp chín vị. Sau cùng nói với chúng ta như lời Ngài nói về số những vị Phật này đều là vô lượng vô biên, chẳng thể bàn. Đây là để dạy cho chúng ta phải xưng niệm danh hiệu chư Phật, công đức của danh hiệu chẳng thể nghĩ bàn. Thông thường chúng ta chỉ khen ngợi riêng đức Phật A Di Đà, công đức của danh hiệu Di Đà chẳng thể nghĩ bàn, thật ra đức hiệu của mỗi vị Phật đều chẳng thể nghĩ bàn, chẳng khác gì đức Phật A Di Đà, đó mới thật sự làm nổi bật điều mà Phật pháp thường nói ‘pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp’, cho nên xưng niệm bất cứ danh hiệu của một vị Phật nào đều có thành tựu như nhau. Thế Tôn trong những danh hiệu này, đặc biệt giới thiệu A Di Đà Phật cho chúng ta, nguyên nhân này là ở chỗ nào? Nhà Phật thường nói ‘Phật chẳng độ người vô duyên’, tuy trên Lý là bình đẳng, nhưng trên Sự thì vẫn có sai khác, sai khác ở duyên phận, cũng giống như lời đại sư Thiện Đạo ‘đều vì gặp duyên sai khác’, do đó sự thành tựu của chúng ta sẽ không giống nhau. Lại nữa, A Di Đà Phật có duyên phận đặc biệt với chúng ta, trong các Bồ Tát thì Quán Thế Âm Bồ Tát, trong các vị Phật thì đức Phật A Di Đà [là hai vị] có duyên phận sâu đậm phi thường đối với thế giới Sa Bà chúng ta. Có duyên phận vả lại có duyên rất sâu đậm thì cảm ứng sẽ rất nhanh, vô cùng nhanh chóng và sâu đậm, đây là nguyên nhân đức Thế Tôn đặc biệt giới thiệu cho chúng ta.
Pháp sư Thanh Liên có chú giải danh hiệu của chín vị Phật này, chư vị có thể tham khảo. Nói tóm tắt Tịnh Nguyệt Phật, Tịnh nghĩa là thanh tịnh, Nguyệt là ánh trăng, ánh trăng thanh tịnh ban đêm, chẳng có ai không ưa thích, đặc biệt là hiện nay chúng ta gần đến Trung Thu, ánh trăng trung thu hiện ra đặc biệt thanh tịnh, giống như câu nói tiết Thu trong lành. Thí dụ như pháp thân Phật quang minh chiếu khắp, kinh Hoa Nghiêm nói danh hiệu của pháp thân Phật gọi là Tỳ Lô Giá Na, đây là Phạn ngữ, ý nghĩa là ‘Biến Nhất Thiết Xứ’ (Biến trọn hết khắp mọi nơi), pháp thân đích thật là biến khắp hết thảy nơi chốn. Từ đó có thể biết tận hư không, trọn khắp pháp giới cùng một pháp thân, đây là như trong kinh luận thường nói ‘thập phương tam thế Phật, có cùng một pháp thân’. Nếu bạn có thể hiểu rõ cùng một pháp thân thì sau đó mới biết trọn hư không, khắp pháp giới đều là chính mình, là một cái thể hoàn chỉnh, cảnh giới này trong Đại Thừa pháp gọi là Viên Mãn đại giác, họ đích thật hiểu rõ, nhận biết hư không pháp giới đều là chính mình, thiên địa vạn vật đều là chính mình, là tướng phần của chính mình, pháp thân, pháp giới là bản thể của chính mình. Quang minh chiếu khắp chính là trí huệ chiếu khắp, tâm thức biến khắp rộng lớn, tác dụng rộng khắp, sau khi nhập vào cảnh giới này trong hư không pháp giới, trong pháp giới có quá khứ, có vị lai chẳng nơi nào không hiện thân, đều là tùy loại hiện thân, đạo lý là ở chỗ này. Chú giải chỗ này cũng rất hay, chú giải ghi ‘tùng chân tùy ứng’ (từ Chân Thân ‘Pháp Thân’ mà hiện ra Ứng Thân), ‘chân’ là Pháp Thân, ‘ứng’ tức là Báo Thân và Ứng Hóa Thân; chân thân chẳng có hình tướng, chẳng phải là vật chất, Ứng Hóa Thân có hình tướng, Báo Thân cũng kể là Ứng Thân. Chúng ta nói phạm vi rộng thêm một chút, từ Thể khởi Dụng, Báo Thân là tự thọ dụng, cùng thọ dụng với Địa Thượng Bồ Tát, Ứng Hóa Thân là vì chúng sanh ở Phàm Thánh Đồng Cư Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ, là vì tha thọ dụng, cho nên Ứng Hóa Thân hoàn toàn là tha thọ dụng, chẳng phải là tự thọ dụng, tự thọ dụng là Báo Thân. Thế nhưng Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân là một mà ba, ba mà là một. Câu cuối nói rất hay đó là ba thân một thể, ‘Tịnh Nguyệt’ thí dụ cho ba thân một thể.
Vị thứ hai Sơn Vương Phật, Sơn Vương hình dung Báo Thân của Phật như núi lớn, vương nghĩa là lớn nhất, chúng ta thường gọi núi lớn nhất trong các núi là Tu Di Sơn Vương. Thông thường là nói về Báo Thân của Phật, trong kệ tán Phật chúng ta tán thán A Di Đà Phật ‘A Di Đà Phật thân kim sắc, tướng hảo quang minh vô đẳng luân’, quý vị hãy nghĩ về cảnh giới này ‘Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di’, bạn hãy nghĩ coi thân này bao lớn, Bạch Hào là hai sợi lông chính giữa hai chân mày quấn tròn vào nhau, bao lớn? Lớn bằng năm ngọn núi Tu Di vậy, bạn hãy nghĩ thân tướng của vị Phật này bao lớn? Địa cầu chúng ta chẳng dung chứa nổi, cho nên trong pháp tướng trang nghiêm của đức Phật thì địa cầu chỉ là một sợi lông mày mà thôi, đức Phật có thể hiện thân tướng lớn như vậy nên xưng là Sơn Vương Phật. Đây là lời tán thán Phật, cũng tỏ rõ thần thông, năng lực của Phật rất thù thắng, có thể hiện thân lớn như vậy.
Vị thứ ba Trí Thắng Phật, Trí là hết thảy chủng trí. Trong Phật pháp có ba thứ trí, ‘Nhất Thiết Trí’, trong chú giải trích dẫn ‘Đại Phẩm Bát Nhã’, ‘Tát Bà Nhã’ tức là Nhất Thiết Trí, Nhất Thiết Trí là trí huệ của người Nhị Thừa, Thanh Văn, Duyên Giác chứng được. Nhất Thiết Trí là gì? Biết Không, vạn pháp đều là không. Người Tiểu Thừa hiểu đạo lý này, họ nhận biết được, do đó họ trụ ở Thiên Chân Niết Bàn, họ trụ Không. Đây là Lý của hết thảy pháp, đó chẳng phải là Sự, mà là Lý. Lý là không. Chư vị nhất định phải hiểu rõ cái Không này chẳng phải là tánh Không, họ hiểu rõ lý của vạn sự vạn pháp là Không, hết thảy pháp đều do nhân duyên sanh khởi, trọn chẳng thể được, do đó người Nhị Thừa tâm địa rất thanh tịnh vì họ biết chân tướng của hết thảy pháp, chân tướng trên mặt Lý. ‘Đạo Chủng Trí là Bồ Tát Trí’, Đạo là lý luận, Chủng là ‘chủng chủng’ (đủ mọi thứ), là nói trên mặt Sự, do đó Bồ Tát tiến bộ hơn Nhị Thừa rất nhiều. Lý Sự của người Nhị Thừa chẳng thể viên dung, cũng như trong kinh Hoa Nghiêm có nói, Lý Sự của họ có chướng ngại, Lý Sự có chướng ngại thì đương nhiên Sự Sự cũng có chướng ngại, họ trong cảnh giới này, Lý của người Nhị Thừa chẳng có chướng ngại, nhưng Lý hợp với Sự thì có chướng ngại. Trí huệ của Bồ Tát thì cao hơn, Lý và Sự đều có thể viên dung, có thể Lý Sự vô ngại. Trong pháp giới Tứ vô ngại họ đạt được ba thứ ‘Lý vô ngại, Sự vô ngại, Lý Sự vô ngại’, đây là Đạo Chủng Trí, Chủng là chủng chủng (đủ mọi thứ). ‘Nhất Thiết Chủng Trí’, đã viên mãn chứng được hết ‘Tứ vô ngại’, không những Lý Sự vô ngại, Sự Sự đều vô ngại, do đó mới gọi là Nhất Thiết Chủng Trí. Nhất thiết tức là Nhất Thiết Trí nói ở trên, ‘Chủng Trí’ tức là Đạo Chủng Trí mà Bồ Tát chứng được, ‘Nhất Thiết Trí’ và ‘Đạo Chủng Trí’ chẳng hai, có thể dung hòa với nhau nên gọi là ‘Nhất Thiết Chủng Trí’. Nhất Thiết Chủng Trí là nơi Như Lai chứng được trên quả địa, Trí này rất thù thắng, vượt trội Nhị Thừa, Bồ Tát, cho nên xưng là Trí Thắng Phật.
Vị thứ tư Tịnh Danh Vương Phật, Tịnh là thanh tịnh, Vương là thí dụ tự tại. Thời xưa chỉ có nhà vua mới có thể phát ra hiệu lịnh, hết thảy nhân dân đều phải nghe theo, người phải nghe theo kẻ khác không được tự do, người phát ra mệnh lệnh tự do, cho nên xưng là Vương. Trong kinh Phật, chữ Vương có nghĩa là tự do, tự tại, có thể tự làm chủ. Tịnh Danh là thanh tịnh, đã đoạn phiền não, liễu thoát sanh tử nên được thanh tịnh. Siêu việt lục đạo luân hồi, siêu việt thập pháp giới. Trong kinh nói ‘ngũ trụ, nhị tử tịnh tận’, viên mãn thanh tịnh; ngũ trụ là phiền não, nhị tử là hai thứ sanh tử, đó là ‘Phần Đoạn sanh tử, Biến Dị [1]sanh tử’. Phần Đoạn sanh tử là nói từ trên Tướng, nếu chúng ta nói một cách tổng quát, thô thiển một chút thì mọi người đều có thể hiểu, thân thể này của chúng ta từ khi sanh ra đến khi chết đi là một giai đoạn, giai đoạn này gọi là Phần Đoạn sanh tử, nói như vậy thì mọi người dễ hiểu. Thật ra Phần Đoạn sanh tử đâu phải chỉ nói về cả đời người, chư vị hãy suy nghĩ, cứ kể một năm là một giai đoạn, một năm trôi qua, một năm này kể như đã chết đi (tử), năm tới kể như sanh. Lại quán sát cặn kẽ hơn nữa, mỗi tháng đều có sanh tử, mỗi ngày đều có sanh tử, hiện tượng này thuộc về Phần Đoạn sanh tử. Phần Đoạn sanh tử nói đến cùng cực là sát-na sanh diệt, sát-na sanh diệt là Phần Đoạn sanh tử, đây là nói trên mặt Tướng.
Biến Dị sanh tử chẳng nói từ Tướng, nói thật ra Biến Dị chẳng có sanh tử, vậy thì tại sao lại gọi là Biến Dị sanh tử? Biến Dị có khổ, sanh tử có nghĩa là khổ. Chúng ta dùng Pháp Thân đại sĩ của kinh Hoa Nghiêm để nói, họ đã hết Phần Đoạn sanh tử, giống những người vãng sanh về thế giới Cực Lạc, ai nấy đều vô lượng thọ, người nào cũng được thân kim cang bất hoại, nhưng họ còn Biến Dị sanh tử. Từ đâu nhìn thấy có Biến Dị sanh tử? Bốn cõi, ba bậc, chín phẩm đều là Biến Dị. Bạn từ Hạ Phẩm chuyển lên Trung Phẩm, từ Trung Phẩm chuyển lên Thượng Phẩm, như vậy gọi là Biến Dị, cảnh giới của bạn không ngừng nâng cao lên. Hoa Tạng thế giới nói trong kinh Hoa Nghiêm, những Pháp Thân đại sĩ này chẳng còn Phần Đoạn sanh tử nhưng trong kinh có nói họ vẫn còn bốn mươi mốt địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác mỗi lần tăng lên một địa vị là một lần Biến Dị. Sự Biến Dị này đòi hỏi họ dụng công tu hành, sự tu hành đó gọi là sanh tử, tu rất khổ, họ phải tu hành, phải dụng công mới có thể nâng cao cảnh giới của mình, cho nên Biến Dị đích thật chẳng phải sanh tử. Vì họ phải nâng cao cảnh giới của họ nên họ phải hết lòng nỗ lực tu học, tu học là một việc khó nhọc, chúng ta thí dụ như sanh tử. Cho nên cả hai thứ sanh tử này đều đoạn dứt, đó là địa vị gì? Quả vị Như Lai, Phật quả trong Viên Giáo. Làm sao biết được? Đẳng Giác Bồ Tát còn một phẩm Sanh Tướng Vô Minh chưa phá, cho nên vẫn còn một lần Biến Dị sanh tử, đến quả vị Như Lai thì hoàn toàn không còn nữa. Cho nên danh hiệu Tịnh Danh Vương Phật, chúng ta sẽ thấy đó là quả vị Phật cứu cánh viên mãn trong Viên Giáo mới xứng với danh hiệu này.
Vị thứ năm Trí Thành Tựu Phật, ý nghĩa của danh hiệu này là đem lại lợi ích cho chúng sanh, giống như danh hiệu Tịnh Danh Vương Phật hoàn toàn xây dựng từ ‘tự lợi, đoạn phiền não, đoạn và chứng’. Trí Thành Tựu là nói từ việc độ hóa chúng sanh. Trí là trí huệ, hai trí Quyền và Thật, trong kinh Bát Nhã nói đến Bát Nhã Vô Tri, Vô Tri là Căn Bản Trí, tại sao nói trí đó Vô Tri? Nó không khởi tác dụng, chẳng có tác dụng. Chẳng khởi tác dụng thì tại sao gọi đó là Căn Bản Trí? Vô Tri chính là Căn Bản Trí, Vô Tri chẳng có nghĩa là không có trí huệ, nếu thấy trong kinh nói Bát Nhã Vô Tri rồi cho rằng đó là hoàn toàn không có trí huệ thì bạn đã hiểu sai rồi. Vô Tri nghĩa là thật sự có trí huệ, trí huệ chẳng khởi tác dụng, là có ý nghĩa như vậy. Người đó đối với vạn sự vạn pháp Tánh, Tướng, Lý, Sự, Nhân, Quả chẳng có gì là không rõ ràng, chẳng có gì là không hiểu rõ, nhưng cảnh giới của họ là ‘như như chẳng động’, chúng ta thường gọi là không dấy khởi tâm niệm, không phân biệt, không chấp trước, trong trạng thái như vậy thì gọi là Vô Tri. Lúc họ khởi tác dụng, khởi tác dụng gì? Giáo hóa chúng sanh, giải đáp câu hỏi của chúng sanh, đến lúc đó mới tỏ rõ vô sở bất tri (chẳng có gì là không biết), cho nên vô sở bất tri gọi là Quyền Trí, trong Phật pháp thường gọi là thiện xảo phương tiện. Thiện xảo phương tiện thuộc về sự ứng dụng của trí huệ, lúc ứng dụng thì chẳng có gì là không biết, do đó vô sở bất tri chính là biểu hiện của Vô Tri, chúng ta phải hiểu rõ hai câu này trong kinh Bát Nhã, tuyệt đối không thể hiểu lầm. Cho nên Vô Tri là tự thọ dụng[2], Vô Sở Bất Tri là tha thọ dụng (sự thọ dụng của kẻ khác).
Chư Phật, Bồ Tát trong mười pháp giới, trong sáu nẻo giáo hóa hết thảy chúng sanh, bất luận hiện thân tướng gì, điểm này chúng ta phải ghi nhớ, Phật chẳng có thân tướng, Pháp Thân chẳng có thân tướng, thân tướng đều là tùy loại mà hiện. Không những Ứng Hóa Thân là tùy loại mà hiện, Báo Thân cũng tùy loại mà hiện. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta nhìn thấy được Báo Thân Phật, Tỳ Lô Xá Na Phật. Ở Cực Lạc thế giới nhìn thấy A Di Đà Phật, Báo Thân cũng tùy loại mà hiện. Tỳ Lô Xá Na Phật ở tại Hoa Tạng thế giới, độ bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ; A Di Đà Phật ở tại Tây Phương Cực Lạc thế giới độ những Bồ Tát ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm, từ điểm này chúng ta có thể nhận biết Báo Thân cũng là tùy loại mà hiện, chữ ‘loại’ ở đây là chỉ Pháp Thân Đại Sĩ. Đức Phật nói với chúng ta có vô lượng vô biên thế giới, chư Phật Như Lai vô lượng vô biên, từ danh hiệu Phật mà xem thì chúng ta biết được có nhiều Phật như vậy. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyên giới thiệu danh hiệu của mười phương chư Phật cho chúng ta, chư vị có lẽ đã đọc qua kinh Vạn Phật Danh, Thế Tôn tùy tiện nói với chúng ta bèn nói ra trên một vạn hai ngàn danh hiệu Phật, danh hiệu của chư Phật trong hư không pháp giới nói chẳng hết, cho dù đức Phật Thích Ca Mâu Ni mỗi ngày nói với chúng ta, nói cả kiếp cũng nói chẳng hết. Nói rõ Báo Thân của Phật không phải chỉ có một, tùy theo trạng huống khác biệt ở mỗi thế giới, vì Pháp Thân Đại Sĩ mà hiện. Nếu hiện cho những phàm phu ở Phương Tiện Độ, Đồng Cư Độ thì là Ứng Hóa Thân. Đây là Trí Thành Tựu Như Lai.
Vô Thượng Phật, Vô Thượng là danh xưng tôn trọng đến cùng cực. Những lời ghi trong chú giải rất hay “Kẻ có cái để đoạn gọi là Hữu Thượng Sĩ, đã không có gì để đoạn thì gọi là Vô Thượng vậy”[3], cách giải thích này rất viên mãn. Đẳng Giác Bồ Tát còn có sở đoạn, vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh để đoạn, nên gọi là Thượng Sĩ, không thể gọi là Vô Thượng, Ngài vẫn còn chỗ để đoạn. Đến quả vị Như Lai thì không còn gì để đoạn nữa, những gì phải đoạn đều đã đoạn sạch, chẳng còn chỗ để đoạn nên gọi là Vô Thượng, do đó Vô Thượng cũng là tôn xưng của quả vị Phật cứu cánh.
Diệu Thanh Phật, Diệu Thanh là tán thán âm thanh của Phật vi diệu, viên mãn, ‘Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp, chúng sanh tùy loại đều được hiểu’, đó gọi là vi diệu, âm thanh của Phật thuyết pháp vui tai nên gọi là mỹ diệu. Sự mỹ diệu, vi diệu này từ đâu mà có? Từ tâm tánh tự nhiên tuôn chảy ra, điểm này chúng ta phải hiểu, phải ghi nhớ, phải học tập. Tâm địa của bạn chân thành thì lời nói của bạn sẽ chân thành, tâm bạn thanh tịnh thì dung mạo, âm thanh của bạn sẽ thanh tịnh. Do đó có thể biết người xưa thường nói ‘lòng thành ở bên trong biểu lộ ra hình tướng bên ngoài’[4], câu này là thật chẳng giả. Tâm của bạn vi diệu thì tướng mạo, âm thanh của bạn cũng vi diệu; tâm bạn chân thiện mỹ thì dung mạo, âm thanh bạn sẽ hiện ra chân, thiện, mỹ; âm thanh, dung mạo là biểu lộ bên ngoài, đó là tự tánh tỏ lộ, nếu bạn muốn có tướng tốt thì tâm của bạn phải tốt, nếu tâm không tốt mà muốn có tướng tốt, chẳng có đạo lý như vậy, có sửa đổi cách mấy cũng uổng công!
Trong kinh đức Phật thường nói ‘tướng tùy tâm chuyển’, không những thân thể, dung mạo chúng ta tùy tâm chuyển, mà núi sông, đại địa nơi chúng ta nương nhờ để sinh sống cũng chuyển theo tâm của mình. Cho nên tâm tốt thì không những tướng mạo tốt, tướng tốt là có phước, người đó có tướng phước đức, chỗ người đó ở cũng có phước, ‘phước địa thì người có phước ở, người có phước cư trú ở nơi phước địa’[5], ngay cả đất cũng có phước nữa. Đất làm sao có phước? Đất cũng chuyển theo tâm. Nếu tâm tà vạy, ác độc thì tướng của người đó cũng tà ác, núi sông đại địa chỗ họ cư trú cũng tà ác, đạo lý này rất đáng cho chúng ta suy nghĩ sâu xa. Rất nhiều người nói hiện nay địa cầu đã bị bịnh rồi, trạng thái sanh hoạt hoàn cảnh thay đổi quá lớn thì làm sao nó không bịnh cho được? Làm sao bất bình thường như vậy? Bạn hãy suy nghĩ về những đạo lý mà đức Phật đã dạy, tâm tánh con người chẳng bình thường. Đặc biệt là những năm gần đây, chúng ta thường đi du lịch khắp nơi trên thế giới, chúng ta tiếp xúc đến một số người, sự, vật, phát hiện tâm người chao động không yên, ngay cả một sự kích thích rất nhỏ cũng chẳng chịu nổi, vừa gặp một chuyện gì không hợp ý thì liền nổi giận, như vậy là chẳng bình thường. Do đó âm thanh, dung mạo, thể chất của họ có nhiều bịnh, chẳng bình thường. Lại ảnh hưởng tới hoàn cảnh cư trú của họ, hoàn cảnh cũng chẳng bình thường, chúng tôi đã báo cáo tường tận đạo lý của việc này cho quý vị ở đoạn trước. Dùng cách nói của các nhà khoa học thì nguyên lý của nó là làn sóng; tà tri, tà kiến, tà hạnh có làn sóng rất xấu, những làn sóng này ảnh hưởng thế giới vật chất, ảnh hưởng đến sự thay đổi của địa cầu, thậm chí ảnh hưởng đến sự vận hành của địa cầu trong không gian, ảnh hưởng đến quỹ đạo, tốc độ, do đó sanh ra những biến hóa rất lớn trên địa cầu. Khoa học gia còn chưa phát hiện được những quan hệ liên đới này, nhưng trong kinh đức Phật đã nói rất rõ ràng, thấu suốt rồi, ‘tướng chuyển theo tâm, cảnh chuyển theo tâm’.
Ngày nay có nhiều người phát hiện trạng thái [địa cầu] bị tàn phá nghiêm trọng nên cực lực đề xướng gia tăng ý thức bảo vệ môi sinh, có thể thâu được kết quả hay không? Chúng ta hãy đứng ở một bên bình tĩnh quan sát, sẽ không thâu được kết quả. Nguyên nhân ở tại chỗ nào? Họ chỉ trị triệu chứng chứ không trị gốc bịnh, họ không biết sự biến đổi của hoàn cảnh tự nhiên, nguyên nhân căn bản là ở nơi tâm con người, họ chẳng biết điều này. Muốn thật sự làm việc bảo vệ môi sinh cho tốt đẹp, trước hết phải bảo vệ tâm thanh tịnh, tâm chân thành, từ bi của mình, như vậy mới có hiệu quả, mới là trị gốc bịnh. Trị cả gốc lẫn ngọn thì hiệu quả sẽ rất lớn, rất nhanh chóng; đáng tiếc là hiện nay các nhà khoa học không biết nguyên nhân căn bản. Đây là vì người hiện đại đam mê khoa học kỹ thuật, đam mê kinh tế của cải, sanh ra cái nhìn sai lệch, tạo thành hiện tượng môi sinh bất bình thường. Nhưng đức Phật nói rất hay, trong cộng nghiệp còn có biệt nghiệp, nên chúng ta muốn cứu chính mình cũng còn biện pháp, tuy là cứu vãn chính mình cũng phải có tâm nguyện chân thành giúp đỡ người khác, phải làm thật sự, còn việc làm được bao nhiêu thì đừng quan tâm đến. Tai nạn bức bách ở trước mắt, chúng ta cũng phải noi gương những người có tâm từ bi sâu nặng thời xưa, đã biết rõ không thể làm được nhưng vẫn cứ làm. Chẳng lo lắng cho mình, phải vì hết thảy chúng sanh, vì lợi ích, hạnh phúc của chúng sanh, hy sinh tánh mạng của mình cũng chẳng tiếc. Chúng ta vừa nói về hai loại sanh tử đều chẳng phải thật, không thể tham sống sợ chết, dốc hết tâm sức phục vụ chúng sanh, tạo phước lợi cho chúng sanh, tự nhiên sẽ cảm được chư Phật Như Lai gia trì, chư Bồ Tát thiện thần ủng hộ, vấn đề là chúng ta có chịu phát tâm hay không?
Nói thật ra, chẳng phải vì chúng ta có trí huệ, năng lực hay không, đó là thứ yếu, khi bạn có thể phát tâm chân thật, nếu trí huệ không đủ thì Phật, Bồ Tát sẽ gia trì, khả năng không đủ thì có một số thần hộ pháp sẽ giúp bạn. Nếu mọi người không tin, hãy nhìn cư sĩ Lý Mộc Nguyên ở Cư Sĩ Lâm thì sẽ hiểu rõ. Cư sĩ Lý là loại người này, không đủ trí huệ khả năng nhưng ông có thể phát tâm chân thật, ông được chư Phật, Bồ Tát hộ niệm, được long thiên, thiện thần ủng hộ, nên mới có thể làm được ‘tâm tưởng sự thành’. Nhà Phật thường nói ‘Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt có cảm ứng’, ở đây chúng ta đã nhìn thấy. Tâm nguyện này của bạn là tâm thiện, chẳng tự tư, mà vì Phật pháp thường trụ nơi thế gian, vì giúp chúng sanh liễu sanh tử, vượt thoát tam giới, đắc độ thành Phật, tâm nguyện này chẳng khác [tâm nguyện] của chư Phật Như Lai, cho nên phát tâm nguyện này mới có thể cảm động chư Phật, Bồ Tát, có cùng tâm cùng nguyện, đồng giải, đồng hạnh với chư Phật, Bồ Tát, thì tự nhiên [các Ngài] sẽ gia trì. Làn sóng của tâm bạn, nguyện của bạn, tư tưởng của bạn, tần số của làn sóng này giống như tần số sóng của chư Phật thì sẽ tiếp nối được, đây là đạo lý của việc Phật lực gia trì, cho nên mới giúp bạn được tâm tưởng sự thành.
Vị thứ tám là Mãn Nguyệt Phật, vị thứ chín là Nguyệt Diện Phật, ý nghĩa của chữ Nguyệt Diện và Mãn Nguyệt giống nhau, trong chú giải cũng nói đại ý hai vị Phật này giống nhau. Mãn Nguyệt, người Trung Quốc gọi là trăng ngày rằm, trong thiên văn gọi là ‘Vọng’, Sóc Vọng, trăng ngày rằm gọi là Mãn Nguyệt. Trong kinh Phật chúng ta thường thấy, trong kệ tán Phật có câu ‘Gương mặt Phật thanh tịnh như trăng rằm’. Có người hỏi tôi: ‘Pháp sư, mặt Phật tròn xoe có gì đẹp đâu?’Họ không hiểu được ý nghĩa chân chánh của câu này, cho nên ‘nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa’ vô cùng quan trọng. Mãn Nguyệt ví cho cái gì? Ví cho sự không khiếm khuyết, bạn nhìn thấy tướng tốt của Phật, bạn chẳng tìm ra một tí khuyết điểm gì cả, chứ không phải gương mặt của Phật tròn xoe, nghĩ vậy thì bạn hoàn toàn nghĩ sai rồi, cách giải thích này gọi là ‘nhìn chữ đoán ra ý nghĩa, ba đời chư Phật cũng kêu oan uổng’. Phật chẳng có ý này, mãn là ví cho ý nghĩa viên mãn, chẳng có khiếm khuyết, đây là điều chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Nhìn chữ đoán nghĩa thì sẽ hiểu sai, hiểu sai nên chẳng muốn học Phật nữa, vì học Phật thì tương lai sẽ thành Phật, sẽ biến thành [gương mặt tròn xoe] rất khó coi, họ chẳng học Phật nữa. Do đó phải hiểu rõ ý nghĩa chân thật của nó, chữ này có nghĩa là viên mãn, chẳng khiếm khuyết. Tại sao Phật là viên mãn? Tại sao không khiếm khuyết?
Đức Phật đã chứng được tự tánh viên mãn, cho nên [những gì Ngài] biểu lộ ra ngoài đều viên mãn, kinh này trong đoạn mở đầu liền nói với chúng ta về ‘Đại Viên Mãn’, đây là việc chúng ta phải ghi nhớ. Kinh văn này ở chỗ nào? Chúng ta hãy tìm xem, trong cuốn Khoa Chú, quyển thượng, trang mười ba, câu mở đầu: “Bấy giờ, Như Lai mỉm cười, phóng ra trăm ngàn vạn ức vầng mây sáng rỡ lớn”[6], câu này là nói tóm tắt. Sau đó, nói với chúng ta mười loại, ý nghĩa tiêu biểu pháp của ‘mười’ giống như chữ ‘mười’ trong kinh Hoa Nghiêm. ‘Viên mãn, từ bi, trí huệ, Bát Nhã, Tam Muội, kiết tường, phước đức, công đức, quy y, tán thán’, đây là vô tận pháp môn, bao gồm cả những việc li ti trong đời sống chúng ta, chẳng có một thứ nào không đẹp đẽ, chẳng có thứ nào bị khiếm khuyết, vậy mới gọi là viên mãn. Ngày nay chúng ta nói bao quát, đời sống, công việc của chúng ta, mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với bên ngoài, tiếp xúc hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật, đều là chân, thiện, mỹ, huệ đến mức viên mãn, như vậy mới được gọi là đại viên mãn. Cũng giống như trong kinh có nói mười thứ viên mãn. Mười thứ này trong từng ly từng tí của đời sống chúng ta, bất cứ một chút nào cũng đầy đủ, viên mãn, như vậy mới được gọi là trăng tròn, mới gọi là không có khiếm khuyết. Đức Phật đã làm được, Bồ Tát tuy cũng làm nhưng chẳng rốt ráo bằng Phật. Nói cách khác mức viên mãn của Bồ Tát cũng chưa thể gọi là đại viên mãn, đây là việc chúng ta phải học. Chúng ta đối với đời sống, sinh hoạt của Phật, Bồ Tát có thể nói là rất hâm mộ, vô cùng mong mỏi, có thể làm được không? [Dĩ nhiên là] có thể. Phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ trong tâm. Nói cách khác bạn có thể đem mười thứ viên mãn này thực hiện trong tâm của bạn là được.
Tịnh Tông Học Hội chúng ta cũng đề ra mười điều, ngay trong hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, chúng ta đề ra nguyên tắc ‘Giữ tâm niệm’, trong đời sống hằng ngày chúng ta dùng tâm gì? ‘Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi’, chúng ta phải dùng tâm này. Nếu chúng ta khởi tâm động niệm trái nghịch với năm điều này thì hãy mau sửa đổi trở lại, [đó gọi là] tu tâm. Đó gọi là tu từ căn bản, phải dụng công từ chỗ này. Lúc tiếp xúc với quảng đại quần chúng trong đời sống hằng ngày, và cũng là tu từ trên Sự, tu từ trên Tướng, chúng ta nắm vững ‘Nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên’, nắm vững bốn nguyên tắc này, và dùng ‘niệm Phật’ làm chỗ quy y rốt ráo, đại quy y trong ‘vầng mây sáng rỡ’, đại quy y của chúng ta là ‘niệm Phật’. Như vậy mới có thể cải thiện đời sống của chúng ta, nâng cao đời sống phàm phu của chúng ta lên đến đời sống của chư Phật, Bồ Tát, chẳng nói phải sửa đổi cách thức sinh sống của chúng ta, chư vị nhất định phải hiểu rõ điểm này, tuyệt đối chẳng nói chúng ta phát tài, thăng quan, nếu bạn nghĩ như vậy thì sai rồi. Nghèo hèn thì vẫn sống đời sống nghèo hèn, giàu sang thì vẫn sống đời sống giàu sang, như vậy thì rốt cuộc là thay đổi ở chỗ nào? Thay đổi trong tâm, thay đổi trên quan niệm, sau khi thay đổi rồi thì cách suy nghĩ, cách nhìn hoàn toàn khác hẳn với phần đông người ta, bạn thật sự hiểu được sang hèn chẳng hai, giàu nghèo chẳng hai, thậm chí Phật và chúng sanh chẳng hai, Lý Sự chẳng hai, Tánh và Tướng chẳng hai, bạn nhập vào pháp môn Bất Nhị. Nhập vào pháp môn Bất Nhị là cảnh giới gì? Trong kinh Hoa Nghiêm gọi là Nhất Chân pháp giới, Nhất Chân pháp giới là đời sống của chư Phật Như Lai.
Bồ Tát thị hiện nơi cõi người chúng ta, không phải Bồ Tát nào cũng thị hiện làm người giàu sang. Có rất nhiều Phật, Bồ Tát thị hiện làm người ăn mày, làm người làm công, các Ngài nhập Bất Nhị pháp môn, các Ngài hết sức tự tại. Trong lịch sử Phật giáo được ghi lại, phần đông chư vị đều biết Hàn Sơn, Thập Đắc là Văn Thù, Phổ Hiền Bồ Tát hóa sanh đến. Họ sống cuộc đời ra sao? Đời sống như thế nào? Căn cứ theo sách vở thì [họ sống] lôi thôi, lếch thếch, điên điên, khùng khùng, đồ vật dơ dáy gì cũng ăn, chẳng để ý tới vệ sinh. Phần đông chúng ta coi đó là người ăn mày, [nhưng] họ lại sống cuộc đời Phật, Bồ Tát, họ sống cuộc đời nơi Nhất Chân pháp giới.
Vào những năm đầu Dân Quốc, có lẽ chư vị đồng tu đều biết vị Phật sống Kim Sơn, danh hiệu của Ngài là Diệu Thiện, giống tên của lão hòa thượng ở Phổ Đà Sơn hiện nay, pháp sư Diệu Thiện, người ta tôn xưng Ngài là Phật sống Kim Sơn, Ngài trụ ở chùa Kim Sơn, Trấn Giang. [Thoạt nhìn thì] Ngài cũng điên điên khùng khùng, quanh năm suốt tháng chỉ mặc một chiếc áo khoác rách rưới, cả đời chưa từng tắm rửa. Thật là kỳ lạ, mùa hạ Ngài cũng không cảm thấy nóng, mùa đông cũng không cảm thấy lạnh, chỉ mặc một chiếc áo, [tài sản] đồ vật gì cũng chẳng có, Ngài sống rất thong dong, tự tại. Truyện ký có ghi, tôi coi trong cuốn Truyện Phật sống Kim Sơn do pháp sư Lạc Quán ở Đài Loan viết lúc trước. Ở Đài Loan có hai cuốn sách kể những câu chuyện của Ngài, một cuốn do pháp sư Chử Vân viết, còn cuốn kia do pháp sư Lạc Quán viết. Cuốn của pháp sư Chử Vân không đáng tin mấy vì pháp sư Chử Vân chưa từng gặp [Phật sống chùa Kim Sơn], đều nghe người khác kể lại, pháp sư Chử Vân cũng chịu khó đi tìm, xin người ta kể lại chuyện [của Phật sống Kim Sơn] rồi chép lại thành sách. Còn pháp sư Lạc Quán đã từng cư trú cùng một chỗ với pháp sư Diệu Thiện, do đó cuốn do pháp sư Lạc Quán viết đáng tin hơn.
Pháp sư Lạc Quán nói người này là một người rất đặc biệt, ngày nay chúng ta gọi là người có công năng đặc biệt khác thường. Những thức ăn Ngài ăn rất kỳ lạ, những vật dơ bẩn gì Ngài cũng ăn, rác rưới người ta liệng thì Ngài lấy ăn, [tuy vậy] Ngài chẳng sanh bịnh, người ta cúng dường tiền bạc cho Ngài, Ngài cũng nuốt tiền bạc vô bụng hết trơn. Chúng ta cũng biết giấy tiền rất dơ, vì có bao nhiêu tay người sờ mó vào, [tiền bạc gì đến tay] Ngài đều nuốt vào bụng hết. Cả đời Ngài chẳng tắm rửa, cũng chẳng thay quần áo, nhưng trên thân Ngài có mùi thơm. Có một lần các tín đồ ép Ngài đi tắm một lần, thật là hiếm có. [Ngài nói:] “Được rồi, quý vị ép buộc thì tôi phải tắm thôi”. Nước Ngài tắm có thể trị bịnh, những bịnh kỳ quái trị [bằng thuốc men] không hết nhưng vừa uống nước của Ngài tắm xong là bịnh hết liền, rất giống với chuyện kể trong Tế Công Truyện. Các Ngài sống đời sống trong Nhất Chân pháp giới chứ chẳng phải đời sống của phàm phu, tâm địa các Ngài thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Nói thật ra chúng ta ba ngày không tắm thì cả mình bức rức khó chịu, cả đời Ngài không tắm cũng tự tại như vậy, còn chúng ta một tuần không tắm là trên mình có mùi hôi, người khác chẳng dám đến gần [còn Ngài thì khác], trên mình lại có mùi thơm. Do đó thân thể của Ngài khác với chúng ta, bạn sẽ hỏi tại sao lại không giống nhau? Vì tâm không giống nhau, thân thể là vật chất, ‘hiện tướng’ gần với chúng ta nhất, tướng tùy tâm chuyển.
Cho nên mọi người hiểu được đạo lý này, chúng ta hiểu sự thật này [mới biết] tu tâm rất quan trọng. Tâm tốt thì tướng tốt, tâm tốt thì thân thể sẽ khỏe mạnh. Có tâm vì chúng sanh, vì xã hội thì rất tốt, vì chính mình thì sẽ không tốt. Đây là lời chư Phật xót lòng rát miệng, dùng muôn vạn lời nói để dạy dỗ chúng ta, chúng ta phải lắng lòng hiểu rõ, phải có thể y giáo phụng hành. Tu hành chẳng có gì khác ngoài việc có một tâm tốt, có một tâm chân thành. Kinh Vô Lượng Thọ ghi cương lãnh và mục đích của sự tu hành trong đề kinh “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác”. Noi theo cương lãnh và mục đích này là được, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác tức là tâm Phật. Phía trước chữ Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác, chúng ta thêm chữ Chân Thành, phía sau thêm chữ Từ Bi, như vậy rất tốt. Sợ có một số người mê hoặc, cho rằng tâm mình rất thanh tịnh, rất bình đẳng, rất giác rồi, [nhưng] chẳng có tâm từ bi, vẫn còn tự tư tự lợi. Vẫn còn vì mình thì thanh tịnh, bình đẳng, giác chẳng còn nữa! Bạn cứ cho mình có, đó là giả chứ chẳng phải thật. Thật sự thanh tịnh, bình đẳng, giác thì nhất định sẽ vô cùng từ bi, ngày nay chúng ta gọi là tâm thương mến, đối với hết thảy người, hết thảy vật, hết thảy sự đều có tâm thương mến rốt ráo, tâm thương mến này chính là Từ Bi. Hai chữ Bác Ái phát xuất từ kinh Vô Lượng Thọ, bác ái là tâm thương yêu bình đẳng, thương yêu thanh tịnh, chúng ta có thể dùng tâm thương yêu đối đãi với hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật thì chúng ta sẽ sống đời sống của Phật, Bồ Tát, bạn mới đạt được viên mãn. Sau cùng tổng kết ‘có bất khả thuyết đức Phật như thế’, giống như chư Phật Như Lai nói phía trước, vô lượng vô biên nói chẳng cùng tận. Xin xem tiếp kinh văn:
Thế Tôn.
世尊。
Bạch đức Thế Tôn:
Đây là Địa Tạng Bồ Tát xưng Phật Thích Ca Mâu Ni, xưng là Thế Tôn.
Hiện tại vị lai nhất thiết chúng sanh,
現在未來一切眾生。
Hết thảy chúng sanh trong thời hiện tại và vị lai,
‘Hiện tại’ là lúc pháp hội đương diễn ra, ‘vị lai’ là bao gồm thời gian chúng ta hiện nay, lúc đó họ gọi thời mạt pháp của chúng ta là vị lai. Nói ‘hiện tại vị lai, hết thảy chúng sanh’, tám chữ này bao gồm hết thảy chúng sanh và chúng ta trong đó.
Nhược thiên nhược nhân, nhược nam nhược nữ.
若天若人。若男若女。
Hoặc trời hoặc người, hoặc nam hoặc nữ.
Hai câu này bao gồm hết thảy chúng sanh trong lục đạo.
Đản niệm đắc nhất Phật danh hiệu, công đức vô lượng, hà huống đa danh.
但念得一佛名號。功德無量。何況多名。
Chỉ niệm được danh hiệu của một đức Phật thôi, thì sẽ được vô lượng công đức, huống là niệm được nhiều danh hiệu.
Đây là duyên phận, nếu có cơ duyên gặp được Phật pháp, trong đời này bạn có thể niệm một câu danh hiệu, công đức đã chẳng thể nghĩ bàn. Giống như trong kinh Pháp Hoa, đức Phật có nói: ‘Vừa xưng Nam Mô Phật, đều đã thành Phật đạo’. Đó là trong cả đời chỉ niệm một câu, chỉ niệm một tiếng Nam Mô Phật, nhiều đời nhiều kiếp về sau, một câu Phật hiệu này khởi tác dụng có thể gặp Phật, tu hành, chứng quả. Đây là hạt giống của một câu Phật hiệu, gieo trong A Lại Da Thức, gọi là hạt giống Kim Cang, vĩnh viễn chẳng hư hoại, lúc nào gặp duyên hiện lên, nhân duyên của mỗi người chẳng giống nhau. Tuy nói nhân duyên chẳng giống nhau, trong đó vẫn có một nguyên lý, nguyên lý đó là háo thiện, háo đức. Trong nhà Phật gọi là thiện căn, người có thiện căn dễ gặp cơ hội này. Thiện cảm ứng cùng thiện, ác cảm ứng cùng ác, bạn sẽ gặp được thiện duyên, gặp được cơ hội này, huống chi trong nhà Phật thường nói ‘Trong cửa nhà Phật chẳng xả một ai’. Bạn có thiện căn, Phật, Bồ Tát thường thường quan sát bạn, chăm sóc cho bạn, khi thiện căn của bạn chín muồi thì Phật, Bồ Tát sẽ đến giúp bạn, là đạo lý như vậy.
Bạn niệm nhiều Phật hiệu thì thiện căn của bạn càng sâu đậm, tương lai cơ hội bạn được độ sẽ nhiều hơn. Nếu nói vậy thì có phải chúng ta nên niệm nhiều danh hiệu Phật không? Mỗi ngày lạy Vạn Phật Sám không? Những nơi khác thì tôi không rành lắm, còn ở Đài Loan, mỗi lần tết đến, mỗi đạo tràng, chùa chiền đều có cúng Vạn Phật Sám. Có ích lợi hay không? Đương nhiên có ích lợi, ích lợi là như nói ở phía trước. Ở chỗ này chúng ta phải hiểu, Thế Tôn đặc biệt khuyến khích chúng ta, người có thiện căn chín muồi chuyên niệm A Di Đà Phật, còn người lạy Vạn Phật Sám là những ai? Là những người vừa mới tiếp xúc Phật pháp, là người sơ học, đối với Phật pháp vẫn chưa biết gì, thoạt có thoạt không, lòng tin trôi nổi chẳng định, chẳng có cội gốc, những người như vậy thì để cho họ niệm vài tiếng Phật hiệu sẽ có ích lợi cho họ. Người đã có lòng tin, đã hiểu thì chẳng cần phải rớ vào phiền phức này, chỉ niệm A Di Đà Phật. Danh hiệu A Di Đà Phật gọi là danh hiệu của chư Phật, trong kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà chẳng thường nói danh hiệu chư Phật, danh hiệu chư Phật tức là A Di Đà Phật. Ý nghĩa này là nói bạn niệm một câu A Di Đà Phật thì cũng giống như niệm hết thảy danh hiệu của mười phương ba đời chư Phật, là danh hiệu chung của hết thảy chư Phật, công đức ấy sẽ chẳng thể nghĩ bàn. Do đó khi chúng ta đọc đến đoạn này, đừng nghĩ rằng chúng ta hiện nay niệm A Di Đà Phật là không đúng, chỉ niệm một vị Phật, phải mau niệm vạn Phật, vậy thì bạn đã phá hoại công phu của bạn rồi.
Cho nên Địa Tạng Bồ Tát ở đây rát lòng mỏi miệng là để độ chúng sanh tạo tội nghiệp cực nặng, bình thường không thể tiếp xúc đến Phật pháp, chẳng có tín ngưỡng, là dạy riêng cho họ. Chúng ta coi hết kinh, mục đích Địa Tạng Bồ Tát độ họ đều là giúp họ sanh đến cõi trời, cõi người, chẳng phải độ họ thành Phật, tại sao? Họ còn một đoạn rất xa nữa mới có thể thành Phật, có thể từ tam ác đạo sanh đến cõi người đã là một thành tựu rất lớn rồi. Lại từ cõi trời ra công ra sức, sau khi sanh đến cõi trời rồi mới khuyên họ niệm Phật, khuyên họ chuyên tu Tịnh Độ phát nguyện vãng sanh, công đức sẽ viên mãn. Ở đây Bồ Tát khuyến khích chúng ta, giống như Đại Thế Chí Bồ Tát dạy trong kinh Lăng Nghiêm: “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật”. Chúng ta niệm A Di Đà Phật là ‘hiện giờ tương lai’ nhất định thấy Phật, ở đây Ngài dạy hết thảy đại chúng trời người là ‘tương lai’ nhất định thấy Phật, hiện nay có khó khăn [trở ngại], tương lai nhất định sẽ thấy Phật.
Thị chúng sanh đẳng.
是眾生等。
Những chúng sanh đó.
Đây là chỉ những chúng sanh niệm danh hiệu Phật.
Sanh thời tử thời, tự đắc đại lợi chung bất đọa ác đạo.
生時死時。自得大利終不墮惡道。
Lúc sanh lúc tử đều được lợi ích lớn lao, cuối cùng không phải đọa vào ác đạo.
Rất nhiều bạn đồng tu đọc đến đoạn này chưa chắc không hoài nghi, trên thế gian làm gì có chuyện tiện nghi như vậy! Cả thân đầy dẫy tội nghiệp, chỉ niệm vài danh hiệu Phật liền có thể không đọa ác đạo sao? Người niệm Phật rất nhiều, nhưng người xưa thường nói “Người vãng sanh được rất ít”, người niệm Phật đọa ác đạo cũng rất nhiều? Ngạn ngữ thường nói ‘Trước cửa địa ngục có rất nhiều Tăng lữ’. Bạn nói những vị Tăng đó không lẽ cả đời chưa từng niệm Phật sao? Không biết là họ đã niệm bao nhiêu tiếng Phật hiệu rồi, tại sao vẫn còn đọa địa ngục? Đó không phải hoàn toàn trái ngược với việc nói ở đây ‘vĩnh viễn không đọa ác đạo’ hay sao? Mấu chốt quan trọng là ở tại chữ niệm, miệng niệm thì không được, chẳng dùng được. Bạn coi chữ niệm này, chữ này viết theo lối ‘Hội Ý’, văn tự Trung Quốc rất có trí huệ, bạn hãy coi ý nghĩa của chữ ‘Niệm’ là gì? [Chữ niệm gồm hai chữ] ‘Kim’ và ‘Tâm’ gộp lại. ‘Kim’ nghĩa là hiện nay, hiện nay trong tâm bạn thật sự có Phật, trong miệng niệm Phật, trong tâm không có Phật thì đâu có ích lợi gì? Đó là như người xưa thường nói ‘Hét bể cổ họng cũng luống công’, niệm được nhiều đến bao nhiêu cũng uổng công. Trong tâm bạn phải thật sự có Phật thì sẽ khởi tác dụng, thật sự ‘Lúc sanh lúc tử đều được lợi ích lớn lao’, chắc chắn không đọa ác đạo, trong tâm bạn thật sự có chứ không phải chỉ có trong miệng. Niệm trong miệng thì đó là nói ‘vừa lọt vào tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo’, hiện tại không đạt được lợi ích, đáng đọa địa ngục thì vẫn phải đọa địa ngục, chẳng được lợi ích. Nếu trong tâm bạn thật sự có [Phật] thì hiện tại bạn sẽ được lợi ích.
Do đó có thể biết, chữ ‘Niệm’ chẳng phải là miệng niệm, mà là trong tâm bạn thật sự có. Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta ‘Nhớ Phật niệm Phật’ cũng cùng ý nghĩa này, ‘Nhớ’ là thường thường nghĩ đến, thường thường tư duy, ‘Niệm’ là như phần đông chúng ta gọi là mong nhớ, trong tâm thường thường nhớ nghĩ đến Phật. Nghĩ đến tướng hảo của Phật, nghĩ đến công đức của Phật, cách tồn tâm của Phật, có thể nghĩ tưởng như vậy thì đương nhiên bạn sẽ có thể hết lòng hết dạ học theo đức Phật, có thể học theo một phần, hai phần thì đó là lợi ích lớn lao, sẽ chẳng đọa địa ngục. Sự hành trì của Phật biểu lộ ra ngoài chính là Sáu Ba La Mật, Phật thích bố thí, còn chúng ta thích tham lam, chúng ta niệm Phật là niệm Thí. Nhà Phật có Lục Niệm Pháp, pháp Lục Niệm dạy chúng ta cách giữ tâm niệm, thường giữ tâm bố thí. ‘Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thiên, niệm Giới, niệm Thí’ đó là niệm Phật thật sự. Do đó mọi người muôn vàn xin đừng hiểu lầm niệm Phật là chỉ dùng miệng niệm còn tâm chẳng làm theo, miệng niệm Di Đà còn trong tâm vẫn lưu luyến thế giới Sa Bà, vẫn còn tình chấp sâu nặng, như vậy là vô cùng sai lầm! Xem tiếp kinh văn:
Nhược hữu lâm mạng chung nhân, gia trung quyến thuộc nãi chí nhất nhân, vị thị bịnh nhân cao thanh niệm nhất Phật danh. Thị mạng chung nhân trừ ngũ Vô Gián tội, dư nghiệp báo đẳng tất đắc tiêu diệt.
若有臨命終人。家中眷屬乃至一人。為是病人高聲念一佛名。是命終人除五無間罪。餘業報等悉得銷滅。
Như có người nào sắp mạng chung, hàng quyến thuộc trong nhà dù chỉ một người, vì người bịnh đó mà cất cao tiếng niệm một danh hiệu Phật, thì người sắp chết đó, trừ năm tội Vô Gián, còn các nghiệp báo khác đều được tiêu tan.
Đây là lợi ích của sự niệm Phật lúc lâm chung. ‘Gia trung quyến thuộc’, chẳng có người tin Phật, nếu gặp được một người tin Phật nhắc họ niệm danh hiệu của một đức Phật, sau khi người bịnh nghe danh hiệu Phật này xong phải giác ngộ, phải sám hối thì mới trừ được năm tội Vô Gián. Nếu người bịnh này nghe xong danh hiệu Phật, chẳng có cảm giác, chẳng có ý muốn sám hối, tại sao? Lúc còn sanh tiền họ chẳng tin tưởng Phật pháp, chẳng chịu niệm Phật, thì đó là ‘một phen lọt vào tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo’, lợi ích của họ là ở chỗ này. Nếu họ tạo năm tội Vô Gián thì phải đọa địa ngục Vô Gián hay không? Hay là vẫn phải bị đọa lạc? Niệm Phật đối với họ có lợi ích hay không? Có lợi ích lớn lao, lợi ích lớn lao này chẳng khởi lên trong đời này, đó là sau khi họ thọ tội nghiệp trong địa ngục xong xuôi, lại gặp được pháp duyên thù thắng này khởi tác dụng, cho nên lợi ích đó là ở tương lai. Nếu người này là người học Phật, hiểu Phật pháp, tạo tội cực nặng, lúc lâm chung có người nhắc họ, trải qua sự nhắc nhở ấy họ bèn hối hận, họ thật sự sanh tâm xấu hổ, tâm sám hối, dứt ác tu thiện; lúc họ nằm trên giường bịnh sắp chết thì làm sao dứt ác tu thiện? Dứt ác chính là thiện, một niệm sám hối đó là thiện, đích thật có thể trừ năm tội Vô Gián. Nếu sức mạnh của sự sám hối mạnh mẽ thì họ có thể sanh lên cõi trời, có thể giúp cho họ sanh lên trời Đao Lợi, có thể sanh đến cõi người hưởng phước. Chúng ta phải hiểu rõ những Sự và Lý này cho rành rẽ thì khi đọc xong mới không đến nỗi nghi ngờ, đích thật có hiệu quả như vậy. Nếu là tội nghiệp rất nhẹ thì tội nghiệp sẽ tiêu trừ, tiêu trừ xong thì chắc chắn sanh đến cõi trời, cõi người.
Trong chú giải của pháp sư Thanh Liên, trong đoạn này Ngài chú thích rất nhiều, còn trích dẫn một số công án, nhân duyên, ở đây chúng ta nhắc sơ lược, đặc biệt nhấn mạnh. Mọi người xem trang một trăm năm mươi, hàng thứ nhất, “Đọc cuốn Thập Nghi Luận[7] của Ngài Thiên Thai”, cuốn này là trước tác của đại sư Trí Giả có ghi “Sơ phát tâm Bồ Tát chưa chứng Vô Sanh Nhẫn, phải thường chẳng lìa Phật”, câu này vô cùng quan trọng! Trong truyện ký tương truyền đại sư Trí Giả là Thích Ca Mâu Ni Phật tái lai, [vậy thì] câu này cũng như lời đức Phật Thích Ca đích thân nói vậy. Sơ tâm Bồ Tát là Bồ Tát vừa mới phát tâm, thường chỉ Bồ Tát Đại Thừa thuộc địa vị Thập Tín, từ Sơ Tín đến Thập Tín đều gọi là Sơ Tâm Bồ Tát. ‘Vị đắc Vô Sanh Nhẫn’ tức là chưa chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, câu này thật ra là nói Bồ Tát thuộc địa vị Tam Hiền trong Biệt Giáo, trong Biệt Giáo địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng đều chưa đạt Vô Sanh Pháp Nhẫn, ở những địa vị này phải thường thân cận đức Phật. Sự khai thị này của đại sư Thiên Thai tức là khuyên chúng ta nhất định phải cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, thân cận A Di Đà Phật thì chúng ta mới có thể không thoái chuyển, mới có thể giữ được thường tinh tấn.
Do đó có thể biết thật sự muốn tu học được thành công, chúng ta phước mỏng sanh vào thời gian trước và sau khi đức Phật ra đời, sanh sau thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sanh ra khi đức Phật Di Lặc còn chưa ra đời nên chúng ta chẳng thấy được Phật. May thay thế gian còn đệ tử của Phật, chúng ta có thể thân cận những vị thiện tri thức này. Thiện tri thức, thầy tốt chỉ có thể gặp chứ không thể mong cầu, khi có duyên gặp được thì phải thường đừng rời khỏi, việc này vô cùng quan trọng. Trừ phi là bạn đã khai ngộ, đã chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn thì [việc thân cận thiện tri thức] không quan trọng nữa. Như trong Lục Tổ Đàn Kinh, chúng ta thấy khi đại sư Vĩnh Gia tới gặp Lục Tổ, Lục Tổ ấn chứng cho Ngài, ấn chứng xong thì Ngài lập tức ra đi, Lục Tổ lưu Ngài ở lại một ngày, Ngài lưu lại đạo tràng Tào Khê một đêm, chuyện này gọi là ‘một đêm giác ngộ’, Ngài có thể làm được.
Chúng ta lại xem tiếp những người khác, có rất nhiều người thân cận đại sư Huệ Năng cả mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, có người thân cận cả đời, mãi đến khi đại sư viên tịch mới rời khỏi đạo tràng, đây chẳng phải là người bình thường, cũng là người đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Tại sao có những người kiến tánh xong lại gấp rút rời khỏi? Đó là thị hiện cho chúng ta thấy [họ] có khả năng độ hóa chúng sanh, việc giáo hóa chúng sanh quan trọng hơn. Còn một số [ở lại thì họ] thị hiện cho chúng ta thấy, khuyên chúng ta phải thường thân cận thiện tri thức, họ đã đại triệt đại ngộ rồi còn phải thân cận [thiện tri thức], huống chi chúng ta là kẻ chưa kiến tánh? Cho nên hai sự thị hiện này nói lên hai ý nghĩa. Hai ý nghĩa này phải coi duyên phận, nếu bạn có duyên phận độ chúng sanh thì bạn nên đi độ chúng sanh; nếu bạn không có duyên phận này thì không thể rời khỏi thầy giáo, ở một bên thầy giáo để giúp đỡ những kẻ hậu học, còn có những người vừa mới đến học, giúp đỡ thầy giáo có nghĩa là làm người giúp thầy dạy học, chẳng rời khỏi thầy giáo. Do đó hai sự thị hiện này có hai ý nghĩa như vậy.
Câu sau là lời trong Đại Trí Độ Luận, câu này nói rất hay, “phàm phu còn bị trói buộc có tâm đại bi, nguyện sanh đến đời ác trược để cứu khổ chúng sanh, chẳng có chuyện như vậy”[8], lời này là lời của Phật nói. Phàm phu còn bị trói buộc, chưa đoạn phiền não, bạn vẫn còn Kiến Tư phiền não, nói cách khác bạn vẫn còn thị - phi, nhân - ngã, tham - sân - si - mạn. Trong cảnh giới này tuy có tâm từ bi to lớn, phát nguyện sanh vào đời ác ngũ trược để cứu độ hết thảy chúng sanh đang chịu khổ nạn, được không? Không được, chẳng có chuyện như vậy, chẳng lẽ nào như vậy. Bạn độ chính mình còn không được thì làm sao độ người khác? Chúng tôi đã từng gặp có một số người xuất gia phát tâm, họ chẳng cầu sanh Tịnh Độ, họ phát tâm: “Đời sau tôi còn muốn làm pháp sư, sẽ đến nơi đây để độ chúng sanh”. Chúng ta quán sát kỹ càng vị pháp sư này, tiếng tăm lợi dưỡng còn chưa buông xuống nổi, vẫn còn tranh đoạt quyền lợi, đó chính là như lời Đại Trí Độ Luận đã nói, họ hy vọng đời sau còn sanh đến cõi này làm pháp sư, [nhưng] đời sau họ có thể sanh đến cõi người không? Không chắc lắm. Thật sự đời sau không mất thân người, chúng ta căn cứ vào lời Phật dạy trong kinh điển, tối thiểu ngũ giới thập thiện của bạn phải làm đến tám mươi phần trăm thì đời sau bạn mới có thể được thân người, chẳng đánh mất thân người. Nếu ngũ giới thập thiện của bạn chỉ đạt đến sáu mươi phần trăm thì chẳng đáng tin cậy. Bạn tự suy nghĩ coi, ngũ giới thập thiện của bạn đạt đến tiêu chuẩn tám mươi điểm thì đời sau mới mong được thân người. Nếu ngũ giới thập thiện của bạn đạt đến hơn chín mươi điểm, thì bạn mới nắm chắc không mất thân người. Đây là điều chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng, rành rẽ.
Nếu tự mình không có khả năng này, mình đích thật là một phàm phu đầy dẫy nghiệp chướng sanh tử, thì phải ghi nhớ lời dạy của đại sư, phần chú thích hàng thứ hai, câu cuối cùng nói đến ‘tự buông bỏ những gì mình đã học cả đời, chuyên tìm giáo môn Tịnh Độ, hơn mười năm nay, chưa từng tạm rời bỏ’, đây tức là mong cầu tự độ. Đây là một người học Phật, những gì cả đời học rộng nghe nhiều, đến lúc bấy giờ thật sự giác ngộ, chân chánh hiểu rõ, biết những pháp môn mà bạn đã tu học, đến giờ phút lâm chung đều chẳng dùng được, bạn phải giác ngộ sớm, hãy buông bỏ hết những gì bạn đã học, chuyên tu Tịnh Độ, cầu nguyện vãng sanh. Hôm nay ở Tân Gia Ba có nhân duyên hy hữu, xét về không gian thì cả thế giới chỉ có một chỗ này, xét về thời gian thì cả mấy trăm năm mới có một cơ hội này, xây dựng làng Di Đà, Niệm Phật Đường, cơ hội này vô cùng hy hữu, khó gặp gỡ. Có thể xây dựng đạo tràng này ở đây, bạn phải thật sự giác ngộ, vạn duyên buông xuống, bước vào Niệm Phật Đường này phải thật thà niệm Phật, thì bạn sẽ thành Phật. Niệm Phật Đường ở đây là nơi bảo đảm cho phàm phu thành Phật ngay trong một đời này, nhân duyên hy hữu này chẳng phải là ai trong đời đều có thể gặp được đâu. Chúng ta giảng kinh thuyết pháp là để nói công đức, lợi ích này cho rõ ràng, cho rành rẽ, khuyên mọi người buông bỏ lục đạo, buông bỏ thập pháp giới để đi làm Phật, mục đích của sự giảng kinh, thuyết pháp là như vậy, là khuyên người làm Phật. Xin xem đoạn kinh tiếp theo:
Thị ngũ Vô Gián tội tuy chí cực trọng, động kinh ức kiếp liễu bất đắc xuất, thừa tư lâm mạng chung thời, tha nhân vị kỳ xưng niệm Phật danh, ư thị tội trung diệc tiệm tiêu diệt.
是五無間罪雖至極重。動經億劫了不得出。承斯臨命終時。他人為其稱念佛名。於是罪中亦漸銷滅。
Năm tội Vô Gián kia dầu rất nặng nề, trải qua ức kiếp không được ra khỏi, nhưng nhờ lúc lâm chung được người khác vì mình mà xưng niệm danh hiệu của Phật, cho nên những tội đó cũng lần lần tiêu sạch.
Chú giải cho đoạn này rất hay, vừa mở đầu liền nói ‘nghi vấn’, mọi người nghe xong câu này sẽ thắc mắc ‘tội nặng Vô Gián, làm sao một người xưng một danh hiệu Phật liền tiêu diệt được?’, đích thật làm cho người ta rất hoài nghi. Từ khi chúng tôi bắt đầu giảng bộ kinh này cho đến nay, chư vị có thể hiểu do tâm niệm của bạn đã chuyển đổi thì tội sẽ tiêu. Nếu tâm niệm không đổi thì [chỉ được] như câu ‘vừa lọt vào tai thì vĩnh viễn làm hạt giống đạo’. Trong chú giải trang một trăm năm mươi mốt, hàng thứ nhất, câu cuối cùng trong kinh Hoa Nghiêm có nói. Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Nếu nghe danh hiệu của Như Lai và nghe thuyết pháp không sanh lòng tin và hiểu thì vẫn có thể gieo được hạt giống [thành Phật trong tương lai]’[9], lợi ích là ở chỗ này. Nói cách khác, vẫn phải đọa, khi thiện tri thức nhắc nhở bạn, bạn phải tự giác ngộ, phải quay trở lại, giác ngộ ngay lúc đó thì cùng với thiện tri thức nhất tâm xưng niệm, đó là sám hối thật sự. Tâm niệm cuối cùng của bạn là Phật, chẳng có gì khác, vạn duyên buông xuống, nhất tâm xưng niệm, như vậy mới được! Như vậy mới tiêu tội được. Nếu xưng niệm đức Phật A Di Đà, khuyên họ vãng sanh, dù trong đời này đã tạo tội nghiệp ngũ Vô Gián cũng có thể vãng sanh, đây là việc thiện to lớn. Tại sao tạo tội nghiệp cực nặng trong đời này, lúc lâm chung niệm A Di Đà Phật có thể vãng sanh? Trong kinh đức Phật thường nói, sau khi người ta chết đi đầu thai, đi thọ sanh là do nghiệp lực làm chủ. Nghiệp lực trong đời bạn làm gồm có thiện nghiệp và ác nghiệp, nghiệp nào làm chủ tể và dẫn bạn đi đầu thai? Nghiệp nào nặng thì nghiệp đó sẽ dẫn đi. Trong A Lại Da Thức của bạn có vô lượng vô biên nghiệp lực, nghiệp nào mạnh nhất thì sẽ dẫn bạn đi đầu thai. Nếu trong giờ phút vô cùng quan trọng này, sức mạnh bạn niệm A Di Đà Phật mạnh nhất, vậy thì không phải bạn sẽ sanh đến Cực Lạc thế giới rồi sao! Là đạo lý như vậy. Nếu lúc thiện tri thức, bạn bè đến trợ niệm, giúp bạn niệm Phật, bạn lại không chịu nghe theo, bạn vẫn còn tham luyến sự hưởng thọ ở thế gian, vẫn chẳng buông xả hết ân và oán, vậy thì không có cách chi hết, bạn vẫn phải sanh vào ác đạo mà thôi.
Sau khi người ta chết rồi sanh đến cõi nào là do một niệm cuối cùng quyết định, ai có thể nắm chắc được tâm niệm cuối cùng ấy? Đích thật không ai nắm chắc được, do đó khi con người sắp mất là một việc trọng đại [việc ấy sẽ quyết định] bạn sanh đến cõi nào sau khi mất. Bạn ra đi như thế nào? Đây là một việc trọng đại. Do đó đức Phật dạy chúng ta, cả đời chúng ta phải tu thiện, tu phước, phải tích lũy công đức, làm những việc tốt này là để làm gì? Để khi lâm chung có chút ít phước báo, phước báo này chính là lúc lâm chung đầu óc có thể tỉnh táo, chẳng mê muội, chẳng lầm lẩn, lúc lâm chung có thiện tri thức giúp đỡ, đó là phước báo to lớn. Nếu người chẳng có phước báo thì khi lâm chung sẽ mê hoặc điên đảo, đầu óc chẳng tỉnh táo, vậy thì rất phiền phức! Dù gặp được thiện tri thức cũng không giúp gì được, đầu óc họ không tỉnh táo, mê hoặc điên đảo thì nhất định sẽ đọa ác đạo. Do đó việc này phải có điều kiện, diệt tội là thật chứ chẳng phải giả, họ nhất định phải có đầy đủ ba điều kiện, nếu có đủ ba điều này thì mới được, chẳng khác gì lời nói trong kinh.
Điều kiện thứ nhất là đầu óc tỉnh táo, không mê man.
Thứ hai là gặp được bạn lành nhắc nhở, khuyên nhủ họ.
Thứ ba là khi được bạn lành nhắc nhở, họ lập tức có thể sám hối, có thể nghe theo bạn lành, buông xuống hết thảy để niệm Phật cầu vãng sanh. Họ phải có đủ ba điều kiện này.
Nếu khi bạn lành nhắc họ, họ chẳng thèm nghe hoặc còn bán tín bán nghi thì không được; vậy thì họ chẳng được lợi ích ngay lúc đó, chỉ như câu nói ‘Một phen lọt vào tai thì vĩnh viễn thành hạt giống đạo’, lợi ích sẽ được trong đời sau; đời này vẫn phải trôi lăn theo nghiệp, đây là chuyện rất đáng sợ. Giờ phút ấy mỗi người trong chúng ta ai cũng phải trải qua, ai cũng không tránh khỏi, do đó người thông minh trong đời này phải mưu tính cho giây phút lâm chung ấy. Chúng ta chịu đựng một chút khổ nạn khi còn sống chẳng sao cả, thời gian đó rất ngắn ngủi, nếu giây phút [lâm chung] ấy có chi sai sót thì bạn sẽ đọa vào ác đạo, thì thời gian chịu khổ sẽ dài đăng đẳng, chúng ta nhất định phải cân nhắc rõ ràng, phải cảnh giác cao độ, phải hết lòng, nỗ lực dứt ác, làm lành, tích lũy công đức. Việc thiện là gì? Việc ác là gì? Công là gì? Đức là gì? Phải hiểu rõ ràng, rành rẽ, muôn vàn xin đừng tưởng lầm tạo tội nghiệp như là công đức, như vậy thì bạn chắc chắn sẽ đọa địa ngục. Đây là việc chúng ta dứt khoát phải hiểu rõ ràng, rành mạch thì mới được độ thoát ngay trong đời này, mới chẳng uổng phí cuộc đời này.
Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây thôi.
[1] Biến Dị nghĩa là thay đổi, biến đổi, đổi khác.
[2] Tự thọ dụng là nói về bản thể của trí ấy, tuy là “Vô tri” nhưng không phải là không hay biết gì, biết nhưng không chấp trước, không vướng mắc nên biết mà như không biết, tâm tánh vắng lặng, như như bất động. Đấy là bản thể thường hằng (thường được diễn tả bằng chữ Tịch) nên gọi là Tự Thọ Dụng. Từ bản thể Tịch ấy, không gì chẳng biết, tùy duyên biến hiện, nên gọi là Tha Thọ Dụng (cho người khác được hưởng dụng), chẳng hạn khi có người đến hỏi, từ Nhất Thiết Chủng Trí đức Phật sẽ trả lời không cần phải vận dụng suy nghĩ, chỉ là từ bản thể lưu lộ ra câu trả lời khiến cho người hỏi được hiểu đạo, phá mê khai ngộ nên người ấy được thọ dụng tác dụng huyền diệu nơi tự tánh của đức Phật, vì thế gọi là Tha Thọ Dụng.
[3] ‘sở hữu đoạn giả danh hữu thượng sĩ, ký vô sở đoạn danh vô thượng hỹ’.
[4] thành ư trung nhi hình ư ngoại.
[5] phước địa phước nhân cư, phước nhân cư phước địa
[6] ‘Thị thời Như Lai hàm tiếu, phóng bách thiên vạn ức đại quang minh vân’.
[7] thường được gọi là Tịnh Độ Thập Nghi Luận
[8] ‘cụ phược phàm phu, hữu đại bi tâm, nguyện sanh ác thế cứu khổ chúng sanh, vô hữu thị xứ’
[9] “Hoa Nghiêm Kinh vân, thiết văn Như Lai danh, cập dữ sở thuyết pháp bất sanh tín giải diệc năng thành chủng”.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.