Xin mở cuốn Khoa Chú quyển trung, trang một trăm ba mươi tám:
Hựu ư quá khứ hữu Phật xuất thế, hiệu Ba Đầu Ma Thắng Như Lai. Nhược hữu nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh lịch ư nhĩ căn, thị nhân đương đắc thiên phản sanh ư Lục Dục thiên trung, hà huống chí tâm xưng niệm.
又於過去有佛出世。號波頭摩勝如來。若有男子女人。聞是佛名歷於耳根。是人當得千返生於六欲天中。何況志心稱念。
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Ba Ðầu Ma Thắng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật này thoáng qua tai, người đó sẽ được một ngàn lần sanh trong Lục Dục thiên, huống chi là chí tâm xưng niệm.
Đây là lời Địa Tạng Bồ Tát giảng về đức hiệu của vị Phật thứ ba cho chúng ta, thời gian [lúc đức Phật này ra đời] còn lâu xa hơn hai vị trước. Danh hiệu của đức Phật này là Ba Đầu Ma Thắng Như Lai. ‘Ba Đầu Ma’ là Phạn ngữ, nghĩa là hoa sen màu đỏ. Trong kinh đức Phật nói, thông thường nói hoa sen bốn màu, trên thực tế hoa sen không phải chỉ có bốn màu thôi đâu, bốn màu có thể nói là bốn màu chánh, nếu pha trộn bốn màu này với nhau thì sẽ biến thành vô lượng, vô số màu sắc. Kinh nói trong các màu sắc thì màu đỏ đẹp nhất, đương nhiên đây là dựa trên tập quán của chúng sanh, Phật pháp là pháp bình đẳng, nhưng chúng sanh ưa thích màu đỏ, đại khái thời cổ Ấn Độ cũng vậy, người Trung Quốc cũng thích màu đỏ, nhưng người ngoại quốc không nhất định sẽ thích màu đỏ, do đó màu nào đẹp nhất rất khó nói, hoàn toàn dựa trên sự ưa thích của chúng sanh. Đây là vì thời xưa ở Ấn Độ và Trung Quốc đều thích hoa sen màu đỏ.
Giả sử nói có người nam, người nữ nghe đến danh hiệu này, vừa nghe lọt vào tai thì liền có quả báo thù thắng như vậy, tu nhân được quả, chúng ta có thể tin tưởng hay không? Do đó mấu chốt vẫn chú trọng ở chữ Văn, ‘văn thị Phật danh, lịch ư nhĩ căn’, tám chữ này rất quan trọng. ‘Văn’ không phải là chúng ta nghe người ta niệm Phật, chúng ta nghe xong, làm gì có lợi ích thù thắng như vậy! Sự nghe danh hiệu này thông thường chỉ có thể nói ‘Một phen lọt vào tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo’, công đức đó đích thật cũng rất thù thắng. Nhưng muốn được một ngàn lần sanh về cõi trời Lục Dục hưởng phước báo, đây là chuyện không thể có được; chỉ là gieo một hạt giống thành Phật trong A Lại Da thức mà thôi, cũng giống như câu ‘Xưng niệm một câu Nam Mô Phật thì đều đã thành Phật đạo’ nói trong kinh Pháp Hoa, là có ý nghĩa như vậy.
Nếu chữ ‘Văn’ này là một trong ba Huệ, thì quả báo này sẽ hiện lên, nghe danh hiểu nghĩa, chẳng phải là không hiểu nghĩa. Hoa sen đỏ có thể giải thích cho nghĩa này, hoa sen mọc trong bùn nhơ nhưng không nhiễm, họ từ chỗ này giác ngộ trở lại, tự mình sống trong hồng trần, trong lục đạo, đặc biệt là trong Dục Giới, có thể không nhiễm ngũ dục lục trần, thì công đức ấy sẽ lớn. Nếu có thể buông xuống hết ngũ dục lục trần thì quả báo của họ sẽ không chỉ ở trời Dục Giới mà thôi, họ sẽ chứng quả, sự ham muốn trong thế gian đã bớt, đã giảm nhẹ, chẳng phân biệt chấp trước như trước, cho nên họ có thể từ cõi người siêu sanh đến cõi trời, đạo lý là như vậy. ‘Lịch ư nhĩ căn’ nghĩa là họ ghi trong tâm, nghe đến danh hiệu này thì trong tâm họ có giác ngộ được đôi chút.
Lời ghi trong chú giải rất hay, hàng thứ hai trang một trăm ba mươi chín, chúng ta đọc đoạn này: “Nêu tỏ người nghe được danh hiệu, tuy sanh cõi trời Dục Giới”[1] , tuy là sanh đến cõi trời Dục Giới, “thật sự chẳng chấp trước ngũ dục lục trần thô hèn”[2], đối với ngũ dục lục trần thô tục, họ đã không còn chấp trước, có thể buông xuống; “Do hiểu rằng Tánh của lìa sự nghe vốn là không, nên sanh lên cõi trời cũng tịch tịnh. Do cõi trời Không Xứ chính là giả, nên quyền biến thị hiện thân trời để độ kẻ thật sự sanh lòng tham chấp ngũ dục”[3], vừa nghe liền khai ngộ, khai ngộ xong họ đích thật có khả năng siêu việt, nhưng lòng từ bi của họ rất nặng, họ còn lưu lại cõi Dục Giới, độ những chúng sanh còn đang tham trước hưởng thọ ngũ dục. Trời Dục Giới vẫn còn ngũ dục lục trần, chẳng qua là lợt lạt hơn cõi người mà thôi. Sáu cõi trời Dục Giới càng lên cao càng lợt. Đoạn cuối trong chú giải rất hay ‘Hoa sen Phật có ngàn cánh, tiêu biểu cho ngàn pháp minh môn, cho nên gọi là thiên phản’, ‘thiên phản’ cũng không phải thật là một ngàn lần, không nên nghĩ thật sự [là một ngàn lần], đây là tiêu biểu pháp. Chỗ này tiêu biểu pháp, chúng ta phải hiểu, chỗ nào cũng là tiêu biểu pháp. Nghe pháp quan trọng ở chỗ ngộ nhập, nếu không thể ngộ nhập, thì bạn không được lợi ích, ngộ nhập thì mới có lợi ích thật sự. Cho nên niệm danh hiệu Phật, không thể không hiểu ý nghĩa của danh hiệu Phật, đặc biệt là công đức của danh hiệu A Di Đà Phật không thể nghĩ bàn, tại sao không thể nghĩ bàn? Không thể nghĩ bàn ở chỗ nào? Bạn phải hiểu rõ ràng, rành rẽ, có thể giải thích được thì sau đó bạn mới thật sự có thể cảm nhận được, khế nhập vào cảnh giới. Đoạn cuối nói ‘hà huống chí tâm xưng niệm’, chí tâm xưng niệm hồi hướng Tịnh Độ chắc chắn sẽ được vãng sanh, đây là việc chúng ta nhất định phải biết. Chí tâm nghĩa là nhất tâm xưng niệm, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước hoàn toàn hết sạch, dẫu chưa đoạn hết nhưng cũng rất lợt lạt, tới lúc đó mới có thể chí tâm xưng niệm. ‘Chí’ nghĩa là chuyên chí. Xin xem tiếp:
Hựu ư quá khứ bất khả thuyết, bất khả thuyết a-tăng-kỳ kiếp.
又於過去不可說。不可說阿僧祇劫。
Lại bất khả thuyết, bất khả thuyết a-tăng-kỳ kiếp về thuở quá khứ.
Ở đây dùng con số này, con số này thật quá lớn.
Hữu Phật xuất thế, hiệu Sư Tử Hống Như Lai. Nhược hữu nam tử nữ nhân văn thị Phật danh, nhất niệm quy y, thị nhân đắc ngộ vô lượng chư Phật, ma đảnh thọ ký.
有佛出世。號師子吼如來。若有男子女人聞是佛名。一念歸依。是人得遇無量諸佛。摩頂授記。
Có đức Phật ra đời hiệu là Sư Tử Hống Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật này mà nhất niệm quy y, người ấy sẽ được gặp vô lượng chư Phật xoa đảnh thọ ký cho.
Sư Tử Hống là dùng thí dụ để đặt danh hiệu, thí dụ oai đức của Phật thuyết pháp. Phật thuyết pháp mỗi phương diện đều đầy đủ, Lý Sự đều viên dung; khi đức Phật thuyết pháp, hết thảy tà ma, ngoại đạo trong thế gian đều bị khuất phục, không thể tranh biện được, cho nên ví như Sư Tử Hống, [tức là] dùng trạng huống lúc đức Phật thuyết pháp để lập danh hiệu. Sau đó nói về quả báo của ‘nhất niệm quy y’, ‘nam tử nữ nhân văn thị Phật danh’, nghe được danh hiệu của Phật thì nghĩ đến oai đức khi đức Phật thuyết pháp, cho nên là ‘nhất niệm quy y’. Từ hết thảy tà tri tà kiến quay về, nương dựa vào chánh tri chánh kiến của đức Phật, lời giáo huấn của Phật là chánh tri chánh kiến, như vậy thì sẽ tương ứng, sẽ là đệ tử chân chánh của Phật. Chúng ta biết nhà Phật thường nói ‘Trong cửa nhà Phật chẳng xả một ai’. Lời Phật nói nhất định chẳng dối, chỉ cần tâm hạnh của bạn tương ứng thì sẽ được chư Phật Như Lai gia bị, che chở, được chư Phật Như Lai gia trì, đó là ý nghĩa của ‘ma đảnh thọ ký’. Tâm của bạn tương ứng với tâm Phật, hạnh của bạn tương ứng với hạnh của Phật, lẽ nào không được chư Phật Như Lai gia trì! Tại sao Phật phải gia trì cho bạn? Mục đích là rộng độ chúng hữu tình, hôm nay bạn phát tâm giúp Phật rộng độ hữu tình, đức Phật đương nhiên sẽ gia trì cho bạn, nếu bạn khởi tâm động niệm gì cũng chỉ lo cho bản thân của mình, Phật dù muốn gia trì cũng không được, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Độ chúng sanh phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ kinh Địa Tạng này là tốt nhất, kinh Địa Tạng đích thật có thể độ chúng sanh trong chín ngàn năm đời Mạt pháp. Mạt pháp kéo dài một vạn năm, đã trải qua một ngàn năm rồi, sau này còn chín ngàn năm nữa, thật sự có thể độ. Nội dung của kinh này dạy rõ về nhân quả, nếu có thể y giáo phụng hành thì nhất định sẽ được hết thảy chư Phật xoa đảnh thọ ký. Xem tiếp vị Phật thứ năm:
Hựu ư quá khứ hữu Phật xuất thế, hiệu Câu Lưu Tôn Phật. Nhược hữu nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh chí tâm chiêm lễ, hoặc phục tán thán, thị nhân ư Hiền Kiếp thiên Phật hội trung, vi đại Phạm Vương đắc thọ thượng ký.
又於過去有佛出世。號拘留孫佛。若有男子女人。聞是佛名志心瞻禮。或復讚歎。是人於賢劫千佛會中。為大梵王得授上記。
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Câu Lưu Tôn Phật. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật này mà chí tâm chiêm lễ hoặc lại tán thán, người ấy nơi pháp hội của một ngàn đức Phật trong thời Hiền Kiếp sẽ làm vị Ðại Phạm Vương, được thọ thượng ký.
Câu Lưu Tôn Phật có phải là Phật trong Hiền Kiếp này của chúng ta hay không? Trong phần chú thích có nói, chẳng phải là Hiền Kiếp mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với chúng ta, trong chú giải nói: ‘Đó không phải là Hiền Kiếp thứ chín, lúc đức Phật ra đời trong kiếp giảm đến sáu vạn tuổi’. Sau đó lại nói ‘Căn cứ theo kinh Vạn Phật Danh có vô lượng Thất Phật’. Lời này giải thích rất hay, có rất nhiều Phật, Bồ Tát có cùng danh hiệu, tên kiếp cũng giống nhau, tên thế giới cũng giống nhau, do đó khẳng định chẳng phải vị Câu Lưu Tôn Phật trong Hiền Kiếp của chúng ta. Nếu là Câu Lưu Tôn Phật của Hiền Kiếp chúng ta thì phải được đặt ở phía trước, vì Ngài cách chúng ta gần nhất, cách sắp xếp ở đây là càng trở về sau thì càng cách xa chúng ta. ‘Câu Lưu Tôn’ là Phạn ngữ, nghĩa là ‘Sở Ứng Đoạn’, hoặc ‘Tác Dụng Trang Nghiêm’, thật ra tên thứ nhất tốt nhất. Vật gì bạn phải nên đoạn? Phải nên đoạn phiền não, nên đoạn sanh tử, cho nên danh hiệu của Ngài được đặt ra từ chỗ này, cũng như Phật pháp thường gọi ‘Đoạn Đức’. Pháp Đại Thừa thường nói phải nên đoạn Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh. Đoạn Kiến Tư thì chứng Tiểu Thừa A La Hán, ra khỏi lục đạo; đoạn thêm Trần Sa, phá một phẩm Vô Minh sẽ ra khỏi thập pháp giới, đến Nhất Chân pháp giới. Trong Nhất Chân pháp giới còn bốn mươi phẩm Vô Minh, đoạn hết bốn mươi phẩm Vô Minh này thì chứng được quả vị viên mãn cứu cánh, ý nghĩa này trong Phạn ngữ gọi là Câu Lưu Tôn. Do đó danh hiệu [nhắc nhở chúng ta khi] nghe đến danh hiệu này thì tự mình biết phải đoạn phiền não, phải hết lòng học tập.
Đoạn phiền não ở đâu? Ngay ở trong cảnh duyên, và cũng là trong đời sống, cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự, trong hoàn cảnh vật chất có cảnh thuận, có cảnh nghịch; trong hoàn cảnh nhân sự có duyên thiện, có duyên ác, trong duyên thiện, cảnh thuận chẳng sanh tham ái, trong duyên ác, cảnh nghịch chẳng sanh sân khuể thì bạn đã đoạn dứt phiền não. Trong duyên thiện, cảnh thuận còn sanh tâm hoan hỷ thì là phiền não, trong duyên ác, nghịch cảnh cảm thấy không vui, sanh tâm sân khuể, thì phiền não của bạn đã hiện lên. Do đó đoạn phiền não ở đâu? Đoạn ngay trong đời sống hằng ngày khi tiếp xúc với hết thảy người, sự, vật. Người thật sự biết đoạn phiền não đối với hết thảy người, sự, vật thường giữ một tâm niệm cảm ân, nếu chẳng có những cảnh giới này hiện ra thì phiền não của bạn làm sao có thể đoạn dứt! Mỗi ngày ở trong hoàn cảnh này đoạn sân khuể trước, xong mới đoạn tham ái. Sân khuể vô cùng nghiêm trọng, trong hết thảy kinh luận đức Phật nói với chúng ta ‘Một niệm sân tâm khởi, trăm vạn cửa chướng ngại mở ra’, trong tâm có một tí xíu chẳng vừa ý thì toàn bộ công đức của bạn đều bị mất hết, ‘lửa [sân] thiêu trụi rừng công đức’, đây là việc chúng ta không thể không biết, không thể không cảnh giác. Ai hủy hết công đức của bạn? Là do chính bạn hủy hết công đức của mình, tuyệt chẳng thể oán trời trách người, bất cứ sức lực bên ngoài nào cũng chẳng thể hủy diệt công đức của bạn được. Ác duyên, nghịch cảnh bên ngoài hiện lên thì bạn phải nhận chịu, đâu có cách chi khác! Tâm bạn bị cảnh giới chuyển; lỗi là ở tại chính mình. Phật dạy chúng ta tu hành là luyện công phu ngay tại những lúc này, luyện đến mức tâm chẳng bị ngoại cảnh chuyển, chính mình trong cảnh giới [thuận hay nghịch đều] có thể làm chủ được thì công đức của bạn đã thành tựu, công đức của bạn có thể giữ gìn, do đó Nhẫn Nhục Ba La Mật thì sẽ thành công.
Trong kinh Kim Cang Bát Nhã, đức Phật nói rõ cho chúng ta, Bố Thí Ba La Mật là tích lũy công đức, phải nhờ Bố Thí, Trì Giới. Có thể giữ gìn Nhẫn Nhục Ba La Mật làm cho công đức của bạn không bị phá hoại, không bị mất. Nếu bạn không thể nhẫn thì công đức Bố Thí, Trì Giới của bạn hoàn toàn bị phá hủy mất. Sau khi bị phá mất bạn còn gì? Còn phước đức. Còn phước đức không sao, tánh tình bạn có nóng nảy hơn nữa, tánh tình có xấu đến đâu thì bạn vẫn còn phước báo, tương lai sẽ sanh đến đâu? Kinh Hoa Nghiêm nói tương lai sanh đến cõi A Tu La hưởng phước, chúng sanh ở cõi A Tu La tánh tình rất nóng nảy, tâm đố kỵ, sân khuể rất nặng, họ có phước, cho nên A Tu La có phước báo lớn đều là nhờ tu được trong cửa Phật, chỉ vì chẳng chống nổi sự dụ hoặc từ cảnh giới bên ngoài nên thường sanh phiền não. Ở chỗ này chúng ta nhất định phải học Phật, Bồ Tát, trong hết thảy cảnh duyên phải tu những gì? Tu ‘như như chẳng động’, tu ‘chẳng chấp vào tướng’ thì bạn sẽ thành công. Hai câu trong kinh Kim Cang là tổng cương lãnh tu hành, là bí quyết tu hành của Đại Thừa Bồ Tát từ sơ phát tâm đến khi thành Phật. Bên ngoài chẳng trước tướng, bên trong không động tâm, có thể hòa quang đồng trần, thành tựu đạo nghiệp của mình, và cũng độ hóa hết thảy chúng sanh. Độ chúng sanh, trong kinh đã nói chẳng phải vài vạn lần thôi đâu, đức Phật dạy chúng ta ‘Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói’, Ngài đã nói câu này hết bao nhiêu lần? Trong kinh Kim Cang, vỏn vẹn chỉ có năm ngàn chữ mà đã lập đi lập lại câu này hết mười mấy lần, số lần lập lại càng nhiều thì câu nói đó càng quan trọng!
‘Thọ trì’ là chúng ta thọ nhận lời dạy của đức Phật, phải hết lòng mà làm, đó gọi là thọ trì. ‘Đọc tụng’ là mỗi ngày đều ôn lại kinh điển, mỗi ngày đều nghe Phật giáo huấn, đọc kinh qua một lần tức là nghe đức Phật dạy chúng ta một lần, mỗi ngày đều phải đọc, mỗi ngày đều phải tiếp nhận sự giáo huấn của đức Phật, nếu một ngày bạn không đọc thì sẽ quên mất. Nói thật ra mỗi ngày đọc tụng mà chúng ta còn phạm lỗi lầm, nếu không đọc thì chịu sao nổi! Tại sao mỗi ngày đọc tụng mà vẫn còn phạm lỗi? Nguyên nhân trong đó thứ nhất là chẳng chịu nổi sự dụ hoặc của cảnh giới bên ngoài, thứ hai là phiền não tập khí của mình quá nặng, chẳng thể đè nén cho nên mỗi ngày đọc tụng Đại Thừa mà vẫn tạo tội nghiệp. Vậy thì phải làm sao? Không sợ tạo tội nghiệp, phải tăng thêm công phu, nếu không gắng lên thì chắc chắn sẽ đọa lạc. Làm sao tăng thêm công phu? Nhất định phải có chánh tín, chánh giải, chánh hạnh; những gì đức Phật dạy, chúng ta phải nỗ lực làm cho bằng được, đó là chân tu, làm chân thật! Phải bắt đầu từ đâu? Phía trước chúng ta đã nói qua, trong Quán Kinh đức Phật dạy chúng ta bắt đầu từ Tam Phước, bộ kinh Địa Tạng này chính là lời thuyết minh cho Tam Phước. Mười một câu trong Tam Phước chính là cương lãnh của kinh Địa Tạng, những gì nói trong kinh Địa Tạng đều chẳng rời khỏi mười một câu này, bạn phải biết cách thực hiện mười một câu này, phải đọc thuộc kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Kinh này nói rất rõ nghiệp nhân quả báo, đặc biệt là nghiệp Ngũ Nghịch, Thập Ác, chúng ta dứt khoát không thể phạm, phạm thì chắc chắn phải đọa ác đạo, một khi đã đọa ác đạo rồi muốn thoát ra rất khó, khó vô cùng, chúng ta nhất định phải biết việc này.
Học Phật chẳng có gì khác ngoài việc khắc phục sự khó khăn của mình mà thôi. Giáo học nhà Nho cũng nói về việc này, ‘khắc kỷ phục lễ’, khắc phục phiền não của mình, khắc phục tập khí của mình mới gọi là tu hành chân chánh. Nói thật ra tu hành chân chánh chẳng phải nói bạn một ngày đọc bao nhiêu cuốn kinh, mỗi ngày đọc mười cuốn kinh Vô Lượng Thọ có ích lợi gì đâu? Vẫn còn tạo tội nghiệp. Chẳng phải nói mỗi ngày bạn niệm bao nhiêu tiếng Phật hiệu, người xưa nói mỗi ngày niệm mười vạn Phật hiệu, hét bể cổ họng cũng uổng công. Thật sự tu hành, công phu đắc lực là ở tại một niệm quay về, chuyển tâm luân hồi trở lại thành tâm Bồ Đề. Nói cách khác lúc chúng ta chưa học Phật thì sống cuộc đời lục đạo luân hồi, sau khi học Phật thì sống cuộc đời của chư Phật, Bồ Tát, vậy mới đúng. Chư Phật, Bồ Tát trong các cảnh duyên có hoan hỷ không? Chư Phật, Bồ Tát trong hết thảy cảnh giới có buồn rầu hay không? Chẳng có! Tuyệt đối chẳng có. Nhưng chúng ta trong kinh điển thấy chư Phật, Bồ Tát thị hiện có khi cũng hoan hỷ, cũng có phiền não, đó là gì? Đó là thủ đoạn giáo hóa chúng sanh, chẳng phải thật, giống như câu nói của Vĩnh Gia ‘Phân biệt cũng chẳng phải ý’, Ngài đang biểu diễn, biểu diễn trên khán đài, biểu diễn cho người dưới khán đài coi, chẳng phải là thật sự có hoan hỷ, thật có phiền não. Những sự biểu diễn đó giúp cho chúng sanh giác ngộ, trong tâm đích thật mảy trần chẳng nhiễm, đích thật ngoài chẳng trước tướng, trong chẳng động tâm. Niệm niệm thị hiện thân này trên thế gian là vì ai? Vì hết thảy chúng sanh, tuyệt đối chẳng phải vì mình, tuyệt chẳng phải vì cái thân này của mình, đó là tư tưởng của Bồ Tát, hành vi của Bồ Tát, chúng ta phải nên học theo. Do đó chúng ta muốn học Phật, đoạn dứt hết thảy phiền não, đoạn dứt hết thảy tập khí, bạn phải bắt đầu làm từ chỗ này.
Người thế gian vô tri, Phật, Bồ Tát dùng tâm chân thành đến cùng cực, thanh tịnh, từ bi cùng cực để đối đãi chúng sanh; chúng sanh mê hoặc, vô tri, không những không lãnh hội, tiếp nhận, mà còn muốn chà đạp Phật, Bồ Tát. Giống như trong kinh thường nói, hủy báng, sỉ nhục thậm chí hãm hại Phật, Bồ Tát; [lúc đó] Phật, Bồ Tát có khởi tâm động niệm hay không? Chẳng có. Các Ngài tại sao chẳng khởi tâm động niệm? Các Ngài hiểu rõ ràng, rành rẽ về quá khứ, hiện tại, vị lai của người đó; nghiệp chướng, tập khí của chúng sanh đó từ vô lượng kiếp đến nay khởi lên thì đâu còn cách chi khác. Tuy là từ bi giáo hóa nhưng họ vẫn không giác ngộ, đây là như trong kinh đức Phật thường hay cảm thán [gọi họ là] ‘những người đáng thương xót’. Họ tạo những nhân ác như báng Phật, báng Pháp, báng Tăng thì chắc chắn phải đọa địa ngục, bạn nói có đáng thương hay không? Chúng ta hãy hỏi những người ấy có được cứu hay không? Vẫn có thể được cứu, chỉ cần họ còn chưa tắt thở và họ chịu quay về thì vẫn còn cứu được, nếu họ không chịu quay về thì không cứu nổi, cho nên [quan trọng là] phải biết quay về.
Như trong kinh A Xà Thế Vương có nói vua tạo tội Ngũ Nghịch Thập Ác nhưng lúc lâm chung có thể quay về, có thể giác ngộ, thật sự sám hối, cho nên vua niệm Phật vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, phẩm vị cũng rất cao, Thượng phẩm Trung sanh. Vì sao vua chẳng được Thượng phẩm Thượng sanh? Sám hối còn chưa đến mức rốt ráo. Cho nên tạo tội nghiệp cực nặng, lâm chung niệm Phật vãng sanh thuộc về sám hối vãng sanh, phẩm vị cao thấp phải coi công đức sám hối của người đó, nếu là sám hối rốt ráo viên mãn thì đương nhiên sẽ được Thượng phẩm Thượng sanh. Công phu sám hối của vua A Xà Thế tương đối rất tốt, thật sự là phần đông những người tạo tội chẳng làm nổi. Nhưng chỉ cần được vãng sanh, Phàm Thánh Đồng Cư độ Hạ Hạ Phẩm vãng sanh cũng là thành tựu thật sự. Do đó chúng ta phải khuyên những chúng sanh tạo tội nặng phải biết quay về, ăn năn sám hối, sửa lỗi. Chúng ta thấy trong lịch sử có rất nhiều sự tích thị hiện của chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát như vậy.
Vào thời quá khứ tại Ấn Độ, Thiên Thân Bồ Tát đã từng hủy báng Tam Bảo. Lúc đầu Ngài học Tiểu Thừa, Ngài viết ra năm trăm bộ luận về pháp Tiểu Thừa, Ngài là người thông minh tuyệt đỉnh; ‘Luận’ là chú giải của hết thảy kinh điển; Ngài viết [năm trăm bộ luận] hủy báng Đại Thừa. Anh của Ngài là Vô Trụ[4] Bồ Tát học Đại Thừa, anh Ngài có thiện xảo phương tiện hướng dẫn Ngài tiến vào Đại Thừa, sau khi học Đại Thừa mới biết mình đã phạm tội nghiệp to lớn nên Ngài hết sức hối hận. Vì dùng ngôn ngữ hủy báng cho nên Ngài muốn cắt đứt lưỡi trước Phật xin sám hối; dùng tay viết văn chương nên Ngài muốn chặt tay xin sám hối. Anh Ngài nói: “Không cần làm vậy, trước kia em dùng lưỡi để hủy báng Đại Thừa thì tại sao bây giờ không dùng lưỡi ấy để tán thán Đại Thừa? Trước kia dùng tay viết văn hủy báng Đại Thừa thì tại sao không dùng bàn tay ấy để viết văn tán thán Đại Thừa?” Từ đó Ngài giác ngộ và soạn năm trăm bộ luận [tán thán] Đại Thừa, trong lịch sử xưng Ngài là ‘Thiên Bộ Luận Sư’, do đó có thể thấy trong cửa nhà Phật quay về là bến bờ. Những chuyện giống như vậy hầu như đời nào cũng có.
Chúng ta coi vị tổ sư gần thời đại chúng ta nhất là đại sư Ấn Quang, chư vị kiếm cuốn ‘Ấn Quang Đại Sư Hành Nghiệp Ký’, tức là truyện ký của đại sư Ấn Quang, trong ‘Toàn Tập’ có, mỗi người trong quý vị đều có một bộ ‘Toàn Tập’. Bạn coi truyện ký của đại sư Ấn Quang, lão nhân gia lúc trẻ tuổi hủy báng Tam Bảo, Ngài đọc sách của Khổng Tử, coi Nho gia là chánh thống, Phật pháp là bàng môn. Sau này khi tiếp xúc Phật pháp mới biết mình đã tạo tội nghiệp, lúc trước đã sai lầm. Ngài có thể sám hối, quay về, xuất gia tu hành, hoằng dương Phật pháp, tẩy trừ tội nghiệp hủy báng Tam Bảo lúc còn trẻ. Sau này chúng ta biết Ngài là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai, nói cách khác, những việc Ngài làm cả đời đều là biểu diễn, diễn kịch cho chúng ta coi. Đó chẳng phải là thật, Ngài diễn cho chúng ta coi, Ngài biết đời này chúng ta rất dễ phạm tội hủy báng Tam Bảo, rất nhiều người phạm, lão nhân gia làm một gương mẫu cho chúng ta xem. Phạm những tội nặng này vẫn có thể được độ, chúng ta coi trong lịch sử, truyện ký thấy có rất nhiều. Quan trọng nhất là phải quay về, quan trọng là phải đoạn phiền não, đoạn dứt tập khí, phải coi trọng việc này, phải mang việc này vào trong đời sống sanh hoạt của chúng ta, coi nó như là một việc lớn phải làm, được vậy thì đời này chúng ta tu học mới mong thành tựu. [Nếu được vậy thì] khi chúng ta giúp đỡ chúng sanh tu học Phật pháp mới nói được là có [chút ít] công đức, nếu không thì bạn giúp đỡ hết thảy chúng sanh tu học Phật pháp đều là phước đức. Phước đức khác công đức, trong Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ nói rất hay: ‘Phước đức không thể giúp con người liễu sanh tử, xuất tam giới, người dù có phước đức to lớn cách mấy thì cũng chỉ sanh lên cõi trời hưởng phước mà thôi, chẳng thể thoát khỏi tam giới, [chỉ có] công đức mới có thể thoát tam giới’. Chúng ta phải phân biệt công đức và phước đức cho rõ ràng. Dùng tâm thanh tịnh tu hết thảy thiện pháp, đoạn hết thảy điều ác là công đức, dùng tâm tạp nhiễm để đoạn ác tu thiện là phước đức, quan trọng là ở chỗ này.
Một người nghe danh, ‘chí tâm chiêm lễ’ tức là thọ trì, nếu không thọ trì thì không thể gọi là chí tâm chiêm lễ. Có thể có chiêm lễ, nhưng không có chí tâm. Đây là chân tâm, tâm chân thành chiêm lễ. ‘Hoặc phục tán thán’, tán thán là lợi tha, tự hành hóa tha. ‘Thị nhân ư Hiền Kiếp thiên Phật hội trung vi đại Phạm Vương’ (Người ấy trong hội ngàn Phật ở Hiền Kiếp làm đại Phạm Thiên Vương), phước báo làm đến Đại Phạm Thiên Vương rất lớn, tại sao vậy? Người ấy có thể đoạn ác tu thiện. Đương nhiên cùng một đạo lý với đoạn trước, trên thực tế nói người này là Bồ Tát chân chánh, Bồ Tát [khác với] phàm phu ở tại một niệm mà thôi, một niệm chuyển trở lại thì thành Bồ Tát, chuyển không được thì là phàm phu. Phật, Bồ Tát và phàm phu chỉ khác nhau ở trên quan niệm mà thôi. Một niệm chuyển trở lại thì người đó là Bồ Tát, tại sao Bồ Tát lại đi làm Đại Phạm Thiên Vương? Dùng thân phận Đại Phạm Thiên Vương để giúp đỡ những người cõi trời đoạn phiền não, phiền não tập khí của người trời chưa đoạn hết cho nên chẳng thoát ra khỏi tam giới. Nếu họ có thể đoạn dứt, lại hiện thân thuyết pháp giúp kẻ khác đoạn dứt, cho nên ‘đắc thọ thượng ký’, ‘thượng ký’ là thọ ký thành Phật. Trong chú giải của pháp sư Thanh Liên có trích dẫn kinh điển, trong đó có rất nhiều công án có thể xem, rất đáng tham khảo. Chúng ta xem tiếp vị Phật thứ sáu:
Hựu ư quá khứ hữu Phật xuất thế, hiệu Tỳ Bà Thi, nhược hữu nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh vĩnh bất đọa ác thú, thường sanh nhân thiên thọ thắng diệu lạc.
又於過去有佛出世。號毘婆尸。若有男子女人。聞是佛名永不墮惡道。常生人天受勝妙樂。
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi Phật. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật này, thì vĩnh viễn không đọa vào ác đạo, thường được sanh vào chốn trời, người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
‘Tỳ Bà Thi’ là Phạn ngữ dịch âm, ý nghĩa là ‘Thắng Quán’, Thắng là thù thắng, Quán là quán sát. Phàm phu chúng ta đối với hết thảy vạn vật thường nhìn thấy thiên lệch, coi sai lạc, nói cách khác là không thù thắng. Thù thắng ở đây là đối với hết thảy chân tướng của chư pháp nhìn thấy rõ ràng, rành rẽ, cái nhìn như vậy gọi là Thắng Quán. Mọi người nghe cách nói này xong sẽ cảm thấy rất mơ hồ, chúng ta không thể học tập. Nói thật ra quán tức là quan niệm của bạn. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, quán như thế nào mới thật sự là thù thắng quán, đại sư Giao Quang trong chú giải dạy chúng ta ‘xả Thức dùng Căn’, đó thật sự là thắng quán, Danh phù hợp với Thật. Nói thì không sai nhưng phàm phu chúng ta không làm nổi, phàm phu dùng thức thứ sáu - Ý Thức, xả Thức dùng Căn thì chẳng dùng Ý thức. Căn là tánh ở trong Căn, và cũng là nói chúng ta dùng Tánh Thấy để nhìn sự vật, quán như vậy mới thù thắng. Chư vị phải biết trong hội Lăng Nghiêm, đức Phật dạy chúng ta rất rõ ràng, pháp môn tu của Quán Thế Âm Bồ Tát chính là pháp này ‘Nghe trở lại tự tánh, tánh thành đạo vô thượng’, Quán Âm Bồ Tát nêu ra báo cáo tu học, Ngài làm thế nào để tu hành thành công? Chính là dùng Tánh trong Căn, Tánh trong Căn là chân tâm. Nói cách khác dùng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm. Dùng tánh Thấy để thấy Sắc (nhìn sự vật), thấy Sắc chẳng phải là Sắc trần, chúng ta dùng Nhãn Thức để thấy Sắc là sắc trần, trần là nhiễm ô; Nếu dùng tánh Thấy để nhìn sắc thì sẽ thấy tánh của sắc. Trong Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh. Khả năng của họ lớn, còn khả năng của chúng ta vô cùng kém cỏi. Dùng tánh nghe để nghe tánh của âm thanh, dùng tánh ngửi để ngửi tánh của hương, dùng tánh nếm để thưởng thức tánh của vị, [đó là ] minh tâm kiến tánh. Chúng ta rất hèn tệ, sáu căn chúng ta tiếp xúc sáu cảnh giới bên ngoài đều là sáu thứ ô nhiễm, người ta khi sáu căn tiếp xúc sáu [cảnh giới] bên ngoài liền kiến tánh, do đó sau khi kiến tánh mới nói ‘nơi nơi đều là đạo, trái phải đều về nguồn’, đó là việc đương nhiên vì những gì sáu căn tiếp xúc đến đều là chân như bản tánh, kiến tánh thành Phật.
Người kiến tánh là người như thế nào? Nói cho chư vị biết đó là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, cho nên chúng ta mới biết hai mươi lăm vị Bồ Tát trong kinh Lăng Nghiêm đều là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Đây là điều chúng ta thấy trong kinh Lăng Nghiêm, chương Hai Mươi Lăm Viên Thông. [Mỗi vị trong] hai mươi lăm vị Bồ Tát đều tự thuật mình dùng phương pháp gì để tu hành chứng quả, họ làm một đại biểu. Số hai mươi lăm này là hai mươi lăm loại lớn, số lượng trong mỗi loại rất nhiều, rất nhiều, tất cả tượng trưng cho tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, quy nạp vô lượng pháp môn thành hai mươi lăm loại, chẳng phải chỉ có hai mươi lăm pháp môn mà thôi, bạn phải hiểu đạo lý này. Hai mươi lăm vị này đều là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, thân phận Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện trong hội giảng kinh Lăng Nghiêm là Sơ Trụ Bồ Tát; thị hiện trong kinh Hoa Nghiêm, tương lai chư vị đọc đến đoạn năm mươi ba lần tham vấn [sẽ biết], là Thất Hồi Hướng; trong phẩm Phổ Môn, kinh Pháp Hoa, địa vị của Ngài là Đẳng Giác Bồ Tát, cho nên trong hội kinh nào Ngài sẽ thị hiện thân phận [thích hợp].
Ở đây chúng ta nói trở lại [vấn đề, chúng ta] phải bắt đầu từ đâu? Trên thực tế mỗi người chúng ta dùng sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, một niệm đầu tiên là tánh Thấy nhìn thấy, khi chúng ta vừa mở mắt nhìn cảnh giới bên ngoài, còn chưa khởi tâm động niệm, lúc còn chưa phân biệt chấp trước gọi là một niệm thứ nhất, một niệm này [là] Phật tri, Phật kiến, một niệm này là kiến tánh (tánh Thấy). Nhưng phàm phu không có khả năng duy trì, tới niệm thứ hai bèn khởi phân biệt chấp trước, niệm thứ hai bèn rơi vào trong Ý Thức, nếu bạn có thể duy trì một niệm thứ nhất thì không phải bạn đã thành Phật rồi sao? Chẳng có phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, mắt mở ra nhìn thấy rõ ràng, rành rẽ, lúc đó là tánh Thấy nhìn thấy sắc tánh, cái Thấy của bạn lúc đó mới chân thật, sắc bên ngoài cũng chân thật, chư vị biết đó là Nhất Chân pháp giới. Nhưng niệm thứ hai khởi lên thì đã có phân biệt, có chấp trước, có vọng tưởng; phân biệt, chấp trước khởi lên ngay lập tức. Từ chỗ này chúng ta hiểu được, khi sáu căn chư Phật, Bồ Tát tiếp xúc cảnh giới sáu trần rốt cuộc khác với chúng ta ở chỗ nào? Tại sao các Ngài [thấy] Nhất Chân pháp giới? Vì rời khỏi hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì thời gian, không gian là một chứ chẳng phải hai, chẳng có quá khứ, hiện tại, vị lai, chẳng có mười phương, là cảnh giới như vậy. Lúc niệm thứ hai khởi lên thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước khởi lên bèn biến Nhất Chân pháp giới có vô lượng vô biên chướng ngại. Chẳng phải chỉ có mười pháp giới mà thôi, mười pháp giới là nói về những điểm khác nhau chính yếu, mười nói thật ra không phải là con số, mười tượng trưng cho vô tận, vô lượng, đạo lý là như vậy.
Đại Thừa Phật pháp nói đến tu hành, tu hành là tu quán, không phải chỉ có Tông Môn mới tu quán, Giáo Hạ cũng tu quán, [thường gọi là] Chỉ Quán. Do đó tu quán trong Phật pháp cũng là một tổng cương lãnh, thuật ngữ trong cửa Phật gọi là ‘Đại đà ra ni môn’, là tổng cương lãnh. Không tu quán nên mới dạy bạn thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đới nghiệp vãng sanh, tu quán thì sẽ không đới nghiệp. Mỗi niệm của bạn đều thanh tịnh, bình đẳng, giác, đây là việc mà nhà Phật thường nói ‘một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng, niệm niệm Phật’, tương ứng với gì? Với thanh tịnh, bình đẳng, giác. Thanh tịnh thì không chấp trước, chẳng có chấp trước; bình đẳng thì không có phân biệt. Không phân biệt thì sẽ bình đẳng, không chấp trước thì sẽ thanh tịnh, chẳng có vọng tưởng thì sẽ giác. Thanh tịnh, bình đẳng, giác nghĩa là đoạn dứt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, có thể tương ứng với những điều này thì đương nhiên bạn đã thành Phật. Phật chính là thanh tịnh, bình đẳng, giác. Thanh tịnh, bình đẳng, giác chính là tự tánh của chúng ta. Do đó một niệm khởi lên thì sẽ hư hết, tốc độ của nó còn nhanh hơn ánh sáng, nhanh hơn điện không biết gấp bao nhiêu lần, nhanh chóng biến mất, biến đổi mau lẹ. Chúng ta hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này thì mới thật sự hiểu được câu đức Phật trong kinh Đại Thừa thường nói ‘Chúng sanh và Phật chẳng cách xa mảy may, chỉ ở tại một niệm mà thôi’[5].
Cách nhìn của chúng ta, sự tiếp xúc của sáu căn và cảnh giới sáu trần của chúng ta là tiếp xúc sai lầm; sự tiếp xúc của chư Phật, Bồ Tát là tiếp xúc chính xác; các Ngài tiếp xúc đại giác, chúng ta tiếp xúc mê tà. Việc này đức Phật đã nói rõ ràng, nói rành rẽ rồi, chuyển biến là ở nơi chính mình, Phật, Bồ Tát chẳng có cách gì giúp chúng ta chuyển biến. Chúng ta biết cách chuyển biến, chịu chuyển biến thì Phật, Bồ Tát nhìn thấy hoan hỷ. Nếu chúng ta không biết chuyển biến, không chịu chuyển biến thì Phật, Bồ Tát cũng không làm sao được. Đây là nói về ý nghĩa của ‘Thắng Quán’ của đức Phật Tỳ Bà Thi.
Phần cuối trong chú giải trích dẫn một bài kệ trong ‘Đại Trang Nghiêm Luận’, trên hàng cuối của trang một trăm bốn mươi hai, chúng ta phải ghi nhớ bốn câu trong bài kệ này. ‘Vô bịnh đệ nhất lợi’ (Chẳng có bịnh là lợi ích hạng nhất), lợi là lợi ích, lợi ích chân thật là gì? Là chẳng có bịnh. ‘Tri túc đệ nhất phú’ (Biết đủ là giàu có hạng nhất), người thế gian theo đuổi giàu có, giàu có là gì? Biết đủ là giàu có. Thời xưa đức Phật và đệ tử chỉ có ba y, một bình bát, mỗi ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây, đó là giàu có nhất, [vì họ] biết đủ. ‘Thiện hữu đệ nhất thân’ (Bạn tốt là người thân hạng nhất), chư Phật, Bồ Tát là bạn tốt của chúng ta. ‘Niết Bàn đệ nhất lạc’ (Niết Bàn là niềm vui hạng nhất), phía trước có nói về Niết Bàn, pháp sư Huyền Trang dịch nghĩa chữ Niết Bàn rất hay, nghĩa là ‘Viên tịch’, công đức viên mãn, thanh tịnh tịch diệt, đó là niềm vui hạng nhất. Hai câu cuối ‘Thử nãi thọ tức bất thọ, vô thọ tức thọ dã’ (Đó là: thọ là không thọ, không thọ là thọ vậy), ý vị của hai câu này rất dài, ý nghĩa rất sâu sắc. Chúng ta hiểu đạo lý này, quả thật có thể quay về, có thể giác ngộ, có thể hết lòng nỗ lực học tập, đó là nói ‘Nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh, vĩnh bất đọa ác đạo’, đương nhiên họ sẽ chẳng đọa ác đạo. ‘Thường sanh nhân thiên, thọ thắng diệu lạc’, ‘thắng diệu lạc’ chính là những gì bốn câu kệ trên diễn tả, tuyệt đối chẳng phải niềm vui của ngũ dục lục trần trong thế gian, chẳng phải niềm vui của tiếng tăm, lợi dưỡng thế gian, nếu bạn xem những thứ này là niềm vui thì sai lầm quá đỗi. Niềm vui (Lạc) này trong Phật pháp gọi là Hoại Khổ, chẳng phải chân lạc (niềm vui chân thật). Thắng diệu lạc là chân lạc, bài kệ nói trên chính là ‘thọ thắng diệu lạc’, Ngài nói ‘thọ tức bất thọ, vô thọ tức thọ’, như vậy mới thật sự là thắng diệu lạc, tương ứng với nhân hạnh Thắng Quán nói phía trên, thắng quán mới được thắng diệu lạc. Chúng ta xem tiếp vị thứ bảy:
Hựu ư quá khứ vô lượng vô số Hằng hà sa kiếp, hữu Phật xuất thế, hiệu Bảo Thắng Như Lai, nhược hữu nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh tất cánh bất đọa ác đạo, thường tại thiên thượng thọ thắng diệu lạc.
又於過去無量無數恒河沙劫。有佛出世號寶勝如來。若有男子女人。聞是佛名畢竟不墮惡道。常在天上受勝妙樂。
Lại vô lượng vô số Hằng hà sa kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Thắng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật này, thì sẽ không bao giờ bị đọa vào ác đạo, mà thường ở trên cõi trời, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
Bảo Thắng Như Lai, ‘Bảo’ nghĩa là trân bảo, người thế gian chúng ta coi trọng bảy thứ báu, đây là thất bảo thường được nói tới trong kinh Phật. Người xưa coi trọng, mong muốn có được; người hiện nay cũng coi trọng, cũng hy vọng có được. Vật báu tượng trưng cho sự giàu có của bạn, có thể làm cho đời sống vật chất của bạn được phong phú, chẳng thiếu thốn. Trong Phật pháp cũng có vật báu. Đối với chữ Bảo ở đây, trong sách chú giải nói đến bốn thứ báu Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, đó là bốn thứ báu xuất thế gian, và cũng là những món báu mọi người đều hy vọng đạt được. Đây là cách dùng vật chất làm tỷ dụ để nói. Trên thực tế thì nên nói Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Trong Tam Bảo mới có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Rời khỏi Tam Bảo thì đi đâu tìm được Thường, Lạc, Ngã, Tịnh? Tìm không ra. Tam Bảo, mọi người đều biết Phật, Pháp, Tăng, nhưng người biết rõ ý nghĩa thật sự của Tam Bảo không nhiều, cho nên chúng ta thấy rất nhiều người quy y Tam Bảo, có phải họ thật sự đã quy y hay không? Họ chẳng có quy y, chỉ làm một hình thức, hình thức ấy trống rỗng, là giả, chỉ là hình thức, chẳng có thật chất. Tại sao? Vì họ chẳng hiểu ý nghĩa của Tam Bảo, chẳng rõ Tam Bảo, cho nên họ cũng chẳng được Tam Bảo. Người đã thọ giới đều biết Giới có Giới Thể, họ chẳng được Giới Thể. Tam quy cũng là giới, cùng một ý nghĩa, họ chẳng được Giới Thể. Giới Thể là gì? Là Tự Tánh.
Lục Tổ đại sư Huệ Năng trong Đàn Kinh giảng về Tam Bảo rất hay: Phật Bảo là Tự Tánh Giác, Pháp Bảo là Tự Tánh Chánh, Tăng Bảo là Tự Tánh Tịnh. Lúc chúng ta thọ tam quy có đạt được Tự Tánh Giác, Chánh, Tịnh hay không? Nếu lúc bạn thọ Tam Quy đạt được thì bạn đã quy y thật sự, ‘quy y’ nói trong kinh là việc này, chẳng phải là nói trên hình thức. Quy nghĩa là quay về, từ chỗ nào quay về? Từ chỗ mê, tà, nhiễm lúc trước. Y là gì? Nương theo Tự Tánh Giác, Chánh, Tịnh, đó là thật sự quy y, một niệm này đã quay về, đó thật sự là đệ tử Phật. Nếu chẳng xả bỏ mê, tà, nhiễm, chẳng nương theo Giác, Chánh, Tịnh thì sự quy y đó là mạo danh, nói dễ nghe một chút, như tông Thiên Thai nói trong Lục Tức, đây là Danh Tự Quy Y. Danh Tự Quy Y nghĩa là gì? Có danh không thật, một chút tác dụng gì cũng chẳng có. Muốn thật sự có thể hữu dụng, mức tối thiểu bạn cũng phải là Quán Hạnh Quy Y, nếu chúng ta tu học không thể khế nhập vào địa vị Quán Hạnh, chỉ ở địa vị Danh Tự thì sẽ luống uổng. Nói thật ra địa vị Danh Tự rất dễ tạo tội nghiệp, rất dễ đọa ba đường ác; khi đến địa vị Quán Hạnh, khi công phu quán hạnh được đắc lực thì có thể được phước báo nhân thiên, sẽ chẳng đọa tam đồ. Nếu vào địa vị Tương Tự thì bạn sẽ thành công, trên Bồ Tát đạo bạn tu hành chứng quả rồi. Tương Tự vị là quả vị gì? Nếu dùng quả vị nói trong kinh Hoa Nghiêm, địa vị Tương Tự chính là Thập Tín Bồ Tát, bạn đã chuyển phàm thành thánh. Phần chứng tam quy tức là quả vị Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên.
Công đức quy y không thể nghĩ bàn, bạn phải thật sự quy y, trong kinh Phật nói bạn chân chánh quy y thì có ba mươi sáu vị thần hộ pháp ngày đêm hộ vệ bạn, đây là việc đương nhiên. Tại sao họ phải bảo hộ bạn? Vì tôn kính bạn, khâm phục bạn, ngưỡng mộ bạn, chẳng phải có ai phái họ đến bảo hộ bạn mà họ tự động bảo hộ bạn. Đó mới gọi là Tam Bảo. Tự Tánh Giác, Chánh, Tịnh mới là Tam Bảo, đây là tổng nguyên tắc, tổng cương lãnh để tu hành chứng quả trong nhà Phật. Vừa vào cửa Phật, vào lớp đầu tiên liền truyền thọ tổng cương lãnh của việc tu hành chứng quả cho bạn, đó gọi là truyền thọ Tam Quy, làm cho bạn trong đời này, đời đời kiếp kiếp đều hướng về phương hướng này, nỗ lực tiến đến mục tiêu này, bạn mới có thể thành Bồ Tát, thành Phật. Nền giáo học trong Phật pháp thật sự là tốt đẹp đến cùng cực! Chân thật viên mãn, vừa mở đầu liền chỉ rõ ràng, chỉ rành rẽ con đường này.
Nhưng hiện nay [việc quy y] chúng ta thường thấy là quy y một vị pháp sư nào đó, như vậy là hỏng hết. Thói tệ quy y một pháp sư nào đó đã bắt đầu từ lâu rồi, trong trước tác của đại sư Ngẫu Ích chúng ta thấy được. Đại sư Ngẫu Ích là người cuối triều Minh, lúc đó Ngài đã nêu ra sự hiểu lầm của việc quy y. Cho nên có thể biết vào thời đại đó, cách chúng ta năm trăm năm, năm trăm năm trước đã có việc quy y một pháp sư nào đó rồi, chẳng phải quy y Tam Bảo. “Đây là sư phụ của tôi, vị kia không phải sư phụ của tôi”, nghĩ như vậy là phá hòa hợp tăng. Tăng đoàn là một gia đình hòa hợp, những đệ tử quy y trong đó có phân biệt, chấp trước đây là sư phụ của tôi, đây là đạo tràng của sư phụ tôi nên tôi phải ủng hộ, còn kia chẳng phải nên tôi bài xích, làm vậy là đã phá hòa hợp tăng. Mọi người đều biết việc phá hòa hợp tăng là tạo tội nghiệp đọa Vô Gián địa ngục; nói cách khác khi bạn chưa quy y thì còn chưa tạo tội nghiệp, sau khi quy y lại tạo nên tội nghiệp này, đến cuối cùng quy đến chỗ nào? Quy đến A Tỳ địa ngục, như vậy có oan uổng không? Sai lầm quá đỗi.
Tại sao lại sanh ra sự sai lầm này? Do một niệm mê tình, một niệm tự tư, tạo thành sai lầm to lớn này. Sự sai lầm này từ từ lan rộng ra, làm cho nhiều người đối với ý nghĩa chân chánh của sự quy y mê mất, không những có ảnh hưởng rộng lớn, mà thời gian ảnh hưởng cũng dài, từng đời truyền mãi về sau, chúng ta cứ tưởng như vậy là đúng, ai có thể phát hiện được sự sai lầm này? Nếu chúng ta không đọc Lục Tổ Đàn Kinh, nếu không đọc những trước tác của đại sư Ngẫu Ích thì làm sao chúng ta biết được? Đàn Kinh khơi gợi cho chúng ta, khi Lục Tổ truyền quy y, Ngài chẳng nói ‘Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng’, Ngài chẳng giải thích như vậy. Ngài nói ‘Quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh’. Năm xưa lúc tôi đọc kinh này đã đem lại sự khơi gợi rất lớn cho tôi, tại sao Ngài lại nói như vậy? Ngài là người đời Đường, cách chúng ta hơn một ngàn ba trăm năm, chắc chắn lúc đó mọi người đã hiểu lầm Tam Bảo, mê trong Phật, Pháp, Tăng, chẳng biết ý nghĩa thật sự của Phật, Pháp, Tăng, cho nên Ngài mới nói ‘Quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh’, sau đó nói ‘Phật nghĩa là Giác, Pháp nghĩa là Chánh, Tăng nghĩa là Tịnh’ Ngài nói như vậy. Ngài nói như vậy là vì người thời đó chắn chắn đã hiểu sai ý nghĩa chân chánh của Phật, Pháp, Tăng rồi cho nên Huệ Năng đại sư truyền thọ Tam Quy mới dùng cách nói [như trên], nhằm thức tỉnh mọi người, việc này rất có lý.
Muốn tu hành chứng quả trong nhà Phật, việc thứ nhất là phải xả bỏ cái ‘Tôi’, xả bỏ cái ‘Tư’, bạn chấp trước có một cái ‘Tôi’, tất cả đều vì tôi, chấp trước có một ý niệm [riêng] ‘Tư’, thì đó là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, chẳng phải là Phật pháp. Phật có nghĩa là Giác, Phật pháp là pháp giác ngộ, khi bạn có một niệm riêng tư xen lẫn trong ấy, đó là ‘Mê pháp’, là pháp mê hoặc điên đảo, chẳng phải là Phật pháp. Ngày nay chúng ta coi pháp Mê Nhiễm thành Phật pháp thì bạn tu học trong Phật pháp có thành tựu gì không? Chúng ta không thể không biết đạo lý này. Do đó Giác, Chánh, Tịnh là của báu, là của báu thù thắng nhất trong các của báu, Tam Bảo thuộc về tự tánh, chẳng ở bên ngoài, cũng chẳng ở tại người khác.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chẳng dạy chúng ta phải quy y Ngài, thời xưa dạy chúng ta quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, chẳng có nói quy y Ngài, mọi người đều hiểu Tự Tánh Giác, Chánh, Tịnh là Tam Bảo, gọi là Tự Tánh Tam Bảo. Nhưng đối với Hình Tướng Tam Bảo chúng ta cũng phải tôn trọng, tại sao vậy? Nếu chẳng có Hình Tướng Tam Bảo thì làm sao bạn biết Tự Tánh Tam Bảo, nhất định phải dùng Hình Tướng Tam Bảo thường thường khơi gợi bạn, hướng dẫn bạn, làm cho bạn luôn luôn hướng về Tự Tánh Tam Bảo, do đó hình tướng có thể khởi tác dụng lớn như vậy. Chúng ta nhìn thấy tượng Phật, nghe đến danh hiệu Phật lập tức liền quay trở về Tự Tánh Giác; khi nhìn thấy kinh sách, thấy Pháp bảo liền quay về Tự Tánh Chánh; khi nhìn thấy hình tượng người xuất gia thì liền biết quay về Tự Tánh Tịnh, do đó công đức của hình tướng là vô lượng vô biên. Hình tướng thức tỉnh chúng ta từng giờ, từng phút, nếu không có những hình tướng ấy thì rất dễ quên, [một khi quên thì sẽ] mê hoặc, điên đảo, tạo nghiệp, và phải chịu khổ báo tiếp tục, đó mới là chân chánh Tam Bảo, chân thật Tam Bảo. ‘Nếu có kẻ nam người nữ nghe được danh hiệu Phật’, nghe danh hiệu tức là quy y, nghe danh liền quay về, nhất định sẽ không đọa ác đạo. Hành vi của họ có thể tương ứng với Tự Tánh Giác, Chánh, Tịnh thì làm sao họ đọa ác đạo được? Cho dù đã tạo nhân ác đạo, nhưng đã đoạn dứt duyên của ác đạo nên sẽ không đọa ác đạo nữa. ‘Thường ở tại cõi trời hưởng thọ niềm vui thù thắng vi diệu’, câu này có cùng ý nghĩa với câu ‘thường sanh nhân thiên, thọ thắng diệu lạc’ phía trên. Xin xem tiếp vị thứ tám:
Hựu ư quá khứ hữu Phật xuất thế, hiệu Bảo Tướng Như Lai. Nhược hữu nam tử nữ nhân văn thị Phật danh, sanh cung kính tâm, thị nhân bất cửu đắc A La Hán quả.
又於過去有佛出世。號寶相如來。若有男子女人聞是佛名。生恭敬心。是人不久得阿羅漢果。
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tướng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này bèn sanh lòng cung kính, thì người ấy không bao lâu sẽ đắc quả A La Hán.
Phía trước có đức Phật Bảo Thắng, ở đây nói đức Phật Bảo Tướng, ý nghĩa của Bảo Thắng rộng, Bảo Tướng hoàn toàn từ hình tướng mà nói. Nhưng khi nói tới Tướng, chúng ta liền nghĩ đến Tánh, tại sao? Tướng là tánh biến hiện ra, tánh là chủ tể năng hiện năng biến, tướng là cái được hiện, được biến. Chúng ta từ chỗ cạn cợt nhất để nói, đức Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Nghe đến danh hiệu Phật chúng ta có thể hiểu đến Bảo Tướng. Bảo tướng của Phật từ đâu tới? Do tu nhân nên có được quả báo này. Người người ai cũng hy vọng có tướng tốt, đều hy vọng tướng mạo trang nghiêm, tốt đẹp, phải biết đây là quả báo. Dung mạo là quả báo, thể chất cũng là quả báo, thân thể bạn khỏe mạnh, sống lâu là quả báo, dung mạo tốt xấu cũng là quả báo. Tu nhân gì thì được quả đó, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp đều thuộc về quả, tu nhân gì [mới được quả như vậy]? cư sĩ Giang Vị Nông trong Kim Cang Kinh Giảng Ký trích dẫn một số kinh điển, [chúng ta] có thể tham khảo. Nếu bạn tìm trong nguyên văn của bản kinh này, hay tra Đại Tạng Kinh thì quá phiền phức. Kim Cang Kinh Giảng Ký rất phổ biến, ai nấy đều có, chư vị hãy coi thử.
Thí dụ tướng lưỡi rộng dài của đức Phật là một tướng tốt, phải tu nhân gì mới được? Đời đời kiếp kiếp chẳng nói dối. Cho nên nếu bạn thật sự tu nhân thiện thì bạn mới được quả báo thiện, được bảo tướng thiện; nếu không tu nhân thiện thì tướng mạo của bạn sẽ không viên mãn. Trên thế gian này cũng có một số người có tướng tốt, tướng có phước, bạn hãy quan sát kỹ lưỡng, họ có phước tướng, bảo tướng, trong bảo tướng có chân, có thiện, có mỹ; trong phước tướng có mỹ chứ chẳng có chân, chẳng có thiện. Cho nên khi tiếp xúc với những người này, hiện nay chúng ta gọi là từ trường, lúc bạn tiếp xúc với họ, từ trường ấy sẽ không thoải mái, sẽ không vui vẻ cho lắm, đó là vì họ chỉ có mỹ, chứ chẳng có chân, chẳng có thiện.
Nếu chúng ta tiếp xúc với một người tu hành, họ chẳng có địa vị, chẳng giàu sang, chẳng có nhiều của cải, họ chỉ là một người rất bình thường, rất bình dân, họ cũng chẳng đẹp, nhưng họ có chân tâm, họ lương thiện, lúc chúng ta tiếp xúc với họ, từ trường đó sẽ khác, cảm thấy rất thoải mái, đó gọi là bảo tướng, quý vị hãy thí nghiệm thì dần dần sẽ hiểu. Chúng ta đọc đến danh hiệu Bảo Tướng Như Lai này, lập tức phải biết tu nhân chứng quả, tức là tiêu biểu cho sự trồng thiện nhân được thiện quả, tiêu biểu cho ý nghĩa này. Bạn nghe danh hiệu này liền có thể đoạn ác tu thiện, ác tức là phiền não tập khí, bạn có thể đoạn Kiến Tư phiền não, có thể đoạn thập ác, có thể tu thập thiện, đây là nền tảng cho bạn tu hành chứng quả.
Phần cuối của đoạn kinh nói ‘Nếu có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này bèn sanh lòng cung kính, thì người ấy không bao lâu sẽ đắc quả A La Hán’. Trong chú giải có một đoạn chúng ta hãy đọc thử, trang một trăm bốn mươi bốn đếm ngược lại hàng thứ hai, coi từ câu cuối cùng. Ngài nói “Đem quả vị trong Tạng Giáo so sánh với quả vị trong Viên giáo”[6], Tạng Giáo là Tiểu Thừa, Viên Giáo là Đại Thừa viên mãn, so sánh những vị thứ, đoạn chứng của họ được quả vị Sơ Tín đến Thất Tín, đây là quả vị Viên Giáo, Viên Giáo Sơ Tín Bồ Tát đến Thất Tín Bồ Tát. “Đã tùy ý đoạn dứt hết Tam Giới Kiến Tư [phiền não], tương đương với Tứ Quả A La Hán trong Tạng Giáo”[7]. Từ đó có thể biết trong đoạn kinh này nói đắc A La Hán quả, chẳng phải thật sự là A La Hán Tiểu Thừa, mà là gì? Là quả vị Đại Thừa Sơ Tín đến Thất Tín Bồ Tát, ý nghĩa là ở chỗ này.
Vì Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh là kinh Đại Thừa, chẳng phải kinh Tiểu Thừa, tại sao lại chứng quả vị Tiểu Thừa? Là dùng quả vị Tiểu Thừa để thí dụ thứ lớp đoạn phiền não của họ, đã đoạn Kiến Tư phiền não thì mới có thể đạt được Bảo Tướng trang nghiêm. Cho nên chúng ta nhìn người, tâm họ thanh tịnh thì họ có tướng thanh tịnh, tâm họ từ bi thì họ có tướng từ bi. Nếu họ rất hung ác thì họ có tướng hung ác, bạn hãy quan sát kỹ lưỡng, đúng như câu nói ‘sự chân thành ở bên trong, hiển rõ bên ngoài’, tướng mạo chính là sự biểu hiện của tâm lý, tánh tình của bạn, từ tướng trạng có thể biết tâm lý, tư tưởng của một con người, biết được cá tính của bạn. Do đó đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức là tu nhân chứng quả. Đoạn sau nói về vị thứ chín:
Hựu ư quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, hữu Phật xuất thế, hiệu Ca Sa Tràng Như Lai. Nhược hữu nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh giả siêu nhất bách đại kiếp sanh tử chi tội.
又於過去無量阿僧祇劫。有佛出世。號袈裟幢如來。若有男子女人。聞是佛名者超一百大劫生死之罪。
Lại vô lượng vô số kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Ca Sa Tràng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật này, thì sẽ siêu thoát tội sanh tử trong một trăm đại kiếp.
Đây là Ca Sa Tràng Như Lai, Ca Sa nghĩa là gì? Trong chú giải nói “Ở đây, hồng danh của đức Phật được lập bằng cách nêu bày cái tướng trên phương diện trang nghiêm để phô bày rõ rệt tánh đức của Ngài.”[8], sau đó trích dẫn Tâm Địa Quán Kinh nói Ca Sa tức là tướng bảo tràng của Như Lai. Trước hết phải hiểu ý nghĩa của Ca Sa, Ca Sa là tiếng Phạn, đó chẳng phải là một cái đơn thuần, mà là một cái hỗn tạp, phàm những gì hỗn tạp đều gọi là Ca Sa. Cho nên khi trì bát[9], bát cơm đó gọi là Ca Sa Phạn, tại sao vậy? Cơm và thức ăn của nhiều nhà cúng dường đều trộn lẫn trong đó. Y của chúng ta tại sao được gọi là Ca Sa? Rất nhiều màu sắc trộn lẫn nhau rồi được nhuộm, nên màu đó không phải là màu chánh. Màu chánh là năm màu đỏ, vàng, lam, trắng, đen, màu đen cũng là màu chánh. Đệ tử Phật không mặc áo màu chánh, y này gọi là Y Ca Sa, năm thứ màu sắc trộn lẫn nhau rồi nhuộm thành màu này nên gọi là Ca Sa, Ca Sa là nói từ phương diện màu sắc.
Thời quá khứ, nói tới vật liệu làm y của Phật cũng lấy từ vật liệu hỗn tạp. Thời xưa xin được một chén cơm thì dễ, mọi người cúng dường dễ dàng. Thời xưa vật chất, tài nguyên thiếu thốn, vải đều phải dệt bằng tay, cho nên có được một chiếc áo tương đối chẳng dễ. Làm sao mới có được một chiếc Y? Quần áo của những người tại gia đã cũ, đã rách, đã bỏ đi, chẳng dùng được nữa, người xuất gia lượm những áo rách này. Nhưng chư vị phải biết, áo người Ấn Độ là cả một miếng vải lớn quấn trên mình, khi họ mặc cũ rồi, rách rồi, bỏ đi, xong người xuất gia lượm về, trong đó có những chỗ còn dùng được, cắt bỏ đi những chỗ rách, cứ như vậy cắt những khúc vải lành từ nhiều miếng áo rách rồi ghép những miếng vải này thành một chiếc y, do đó y này cũng gọi là Ca Sa. Vì các khúc vải khác nhau, màu sắc khác nhau cho nên sau khi ghép lại nhuộm màu thành y Ca Sa. Từ đây có thể biết ý nghĩa thật sự của Ca Sa là tùy duyên chứ chẳng chấp tướng, quần áo, ăn uống, chỗ ở đều tùy duyên, tuyệt đối chẳng kén chọn. Lúc đức Phật còn tại thế, quần áo, thức ăn, chỗ ở trong sanh hoạt thường ngày đều vô tâm, vô tâm tức là không có tâm phân biệt, không có tâm chấp trước, mọi người cúng dường cái gì cũng được, hết thảy đều dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng để đối xử, như vậy mới đúng.
Tràng có nghĩa là cao hiển (rõ rệt), đây là thể hiện ý nghĩa về mặt pháp. Thái độ trong sanh hoạt của nhà Phật, nói rõ với hết thảy chúng sanh trong thế gian, đây là tự hành dạy người, dạy mọi người trong sanh hoạt đừng nên chấp trước quá mức, đừng nên tham muốn, hưởng thọ quá mức, khi bạn có thể hết thảy đều tùy duyên thì tâm bạn sẽ thanh tịnh, vô cùng tự tại, trong đó thật sự sung sướng. Nếu đòi hỏi yêu cầu quá mức thì sẽ khổ lắm, đời sống của họ sẽ là đời sống rất khổ, dù giàu sang cũng là khổ. Cho nên người biết đủ, hết thảy đều không yêu cầu đòi hỏi, hết thảy đều tùy duyên, dù nghèo hèn thì họ cũng vui sướng, đời sống của họ sẽ là đời sống sung sướng. Từ điểm này có thể biết khổ hay vui đều ở tại một niệm, hết thảy đều tùy duyên thì làm sao không tự tại? Làm sao không vui sướng?
Cho nên dụng ý của chiếc Ca Sa này rất sâu sắc. Nhưng hiện nay dù [một vị xuất gia] đắp Ca Sa đi khắp mọi nẻo đường người ta cũng không biết, không hiểu ý nghĩa này, người đời xưa hiểu được, vừa nhìn thấy Ca Sa thì họ liền giác ngộ, họ có thể đè nén hết thảy tâm tham nhiễm trong thế gian, đều có thể đè nén xuống. Người hiện nay không biết, không hiểu, đây là vì Phật pháp được hoằng dương quá ít, người thế gian hiểu lầm rất lớn đối với Phật pháp. Việc này chính là việc mà đệ tử Phật trong thời đại ngày nay phải nên nỗ lực, tận hết tâm lực để tuyên dương Phật pháp, làm cho xã hội đại chúng đối với nền giáo dục của đức Phật có một sự thấu hiểu chính xác, khẳng định trở lại, đây là bổn phận, công tác của chúng ta. Khi chúng ta làm hoàn hảo việc này thì cuộc đời của chúng ta mới có ý nghĩa, mới có giá trị. Cho nên công đức ‘nghe đến danh hiệu của đức Phật này thì sẽ siêu thoát tội sanh tử trong một trăm đại kiếp’, trong đó bao hàm ý nghĩa tự hành hóa tha, công đức vô lượng. Vị Phật sau cùng:
Hựu ư quá khứ hữu Phật xuất thế, hiệu Đại Thông Sơn Vương Như Lai. Nhược hữu nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh giả thị nhân đắc ngộ Hằng hà sa Phật, quảng vi thuyết pháp tất thành Bồ Đề.
又於過去有佛出世。號大通山王如來。若有男子女人。聞是佛名者是人得遇恒河沙佛。廣為說法必成菩提。
Lại về thuở quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Ðại Thông Sơn Vương Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật này, thì người ấy sẽ được gặp Hằng hà sa chư Phật quảng thuyết giáo pháp cho và tất thành Ðạo Bồ Ðề.
Sơn Vương tức là núi Tu Di, trong một thế giới, một vùng, núi Tu Di được gọi là Diệu Cao Sơn, Tu Di là tiếng Phạn, ngọn núi cao nhất trong vùng đó được gọi là núi Tu Di, núi Tu Di của vùng đó. Ở thế gian này, núi cao nhất trong thế giới này được gọi là núi Tu Di. Thế nên Tu Di chẳng phải chỉ một núi nào cố định, phải coi phạm vi của nó. Nếu nói về thế giới Sa Bà, núi Tu Di ở thế giới Sa Bà rất cao, đó là núi cao nhất trong thế giới Sa Bà. Thông thường thì địa cầu chúng ta gọi là châu Diêm Phù Đề, ngọn núi cao nhất trên địa cầu là núi Tu Di của châu Diêm Phù Đề. Sơn Vương là chỉ ngọn núi cao nhất. Đại Thông hình dung sơn vương, vị sơn vương này cao lớn, ‘thông’ là thí dụ, nếu từ ý nghĩa tiêu biểu pháp mà nói về ‘đại’ và ‘thông’, trang một trăm bốn mươi sáu trong cuốn chú giải, từ giữa hàng thứ ba có nói ‘Đại Thông là nhân Bát Nhã, Sơn Vương là quả báo thân, bốn trí cứu cánh trang nghiêm’, đây là nói từ sự tiêu biểu pháp.
Trong kinh đức Phật nói núi Tu Di do bốn thứ báu hợp thành, dùng tứ bảo ví cho tứ trí, tứ trí là ‘Đại Viên Cảnh Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quán Sát Trí, Thành Sở Tác Trí’. Tứ Trí hợp thành Bát Nhã, ý tứ này đã tỏ rõ ‘chuyển tám thức thành bốn trí’ rất rõ ràng, bốn trí là núi Tu Di, bốn trí ấy vừa Đại vừa Thông, vừa Vô Chướng Ngại. Thành tựu bốn trí Bồ Đề ấy thì bốn trí Bồ Đề chính là Bát Nhã Ba La Mật Đa. Sơn Vương là quả báo, ví cho báo thân của Phật, chúng ta hiểu ba thân của Phật tức là một thân, một thân cũng tức là ba thân. Kinh Hoa Nghiêm nói Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân là một, một mà là ba, ba mà là một, ý tứ này rất sâu rất rộng. Từ đó có thể biết đức hiệu của một vị Phật nói về sự tu nhân chứng quả, nhân là tu tứ trí, quả nhất định sẽ là chứng Báo Thân. Vì Báo Thân Phật là do trí huệ thành tựu, Pháp Thân là tự tánh vốn có đủ, Báo Thân là do trí huệ tu thành, cho nên ‘nếu có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật này’, thì sẽ ‘được gặp Hằng hà sa chư Phật, quảng thuyết giáo pháp cho’, tương ứng với ý nghĩa này.
Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây thôi.
[1] ‘Biểu văn danh giả, tuy sanh Dục thiên’
[2] ‘thật bất trước thô tệ ngũ trần’
[3] ‘Dĩ giải ly văn tánh bổn không, sanh thiên diệc tịch. Dĩ không xứ tức giả, quyền thị thiên thân dĩ độ thật sanh trước dục chi giả’
[4] Vô Trụ là cách dịch khác của danh hiệu phổ biến hơn là Vô Trước (Asanga) Bồ Tát.
Cũng như ngài Thiên Thân thường được biết dưới danh hiệu phổ biến hơn là Thế Thân Bồ Tát.
[5] (Sanh Phật bất cách hào đoan, tựu tại nhất niệm chi gian).
[6] ‘Kim ước Tạng Giáo dĩ đối Viên Vị’
[7] ‘Tam Giới Kiến Tư nhậm vận đoạn tận, dữ Tạng Giáo đệ Tứ Quả A La Hán tề’
[8] ‘Thử ước trang nghiêm tiêu tướng, dĩ chương Phật đức hồng danh’
[9] “trì bát” còn gọi là “thác bát” nghĩa là ôm bình bát đi khất thực. ‘Bát’ (patta, phiên âm là Bát đa la, dịch nghĩa là ứng lượng khí (dụng cụ chứa đựng vừa đủ). Ngày xưa các vị tăng đi khất thực chỉ được đi tới bảy nhà mà thôi, nếu đi hết bảy nhà mà vẫn chưa đủ thì phải trở về.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.