Pháp sư

[TẬP 32]: Không Khởi Tâm, Không Động Niệm, Không Phân Biệt, Không Chấp Trước


 

Xin mở cuốn Khoa Chú quyển trung, trang một trăm ba mươi mốt, xin xem kinh văn:

            Khước hậu quá nhất bách thất thập kiếp, đương đắc thành Phật, hiệu viết Vô Tướng Như Lai, kiếp danh An Lạc, thế giới danh Tịnh Trụ, kỳ Phật thọ mạng bất khả kế kiếp.

卻後過一百七十劫。當得成佛。號曰無相如來。劫名安樂。世界名淨住。其佛壽命不可計劫。

Quá một trăm bảy mươi kiếp sau, ông ấy sẽ được thành Phật hiệu là Vô Tướng Như Lai, kiếp tên là An Lạc, thế giới tên là Tịnh Trụ, thọ mạng của Ðức Phật đó đến số kiếp không thể tính đếm được.

            Đây là lời đức Thế Tôn nói cho chúng ta biết, Chủ Mạng quỷ vương trong thời gian rất dài đã dùng thân phận đại quỷ vương để giúp đỡ hết thảy chúng sanh đang chịu khổ nạn. Phần trước nói việc Ngài tu nhân, làm nhân thiện thì nhất định sẽ cảm được quả báo thiện, Phật nói cho chúng ta một trăm bảy mươi kiếp về sau thì Ngài sẽ thị hiện thành Phật, danh hiệu là Vô Tướng Như Lai. Thời đại đó cũng có danh hiệu, giống như thời đại đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện, tên của kiếp này gọi là Hiền Kiếp. Thời đại đó gọi là An Lạc, từ tên này [liền biết] thời đại lúc đức Phật ấy ra đời vô cùng tốt đẹp. Danh xưng của thế giới, hiện nay thế giới của chúng ta gọi là Sa Bà, Sa Bà là tiếng Phạn, nghĩa là Kham Nhẫn, người trên thế gian này rất khổ [mà] họ có thể nhẫn chịu được [nên thế giới này được gọi là] thế giới Kham Nhẫn. Thế giới của Vô Tướng Như Lai gọi là Tịnh Trụ, chúng ta coi hai chữ Tịnh Trụ này, rất giống với thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, hơn nữa thọ mạng cũng là vô lượng thọ.

Đoạn khai thị này của Thế Tôn khơi gợi cho chúng ta rất nhiều, phía trước đã báo cáo với chư vị xong, rất nhiều quỷ vương trong ác đạo đều là chư Phật Như Lai ứng hóa ở trong ấy, cũng có rất nhiều pháp thân đại sĩ tu hành ở đó. Giống như phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa có nói nên dùng thân gì để được độ thì Ngài sẽ hiện thân đó. Lại nữa hiện thân thuyết pháp thì duyên phần đối với những chúng sanh này nhất định phải chín muồi, nhà Phật thường nói ‘Phật chẳng độ người vô duyên’.  Thế nên chúng ta trong thế gian này, chẳng phải chỉ có đời này mà thôi, nhiều kiếp trong quá khứ đến nay, chúng ta đối với hết thảy chúng sanh chẳng thể không kết duyên. Duyên thì có thiện duyên, có ác duyên, có duyên nhiễm, có duyên tịnh, nếu trong Phật pháp thì còn có pháp duyên, hết thảy đều là duyên, có duyên mới được độ, chẳng có duyên thì chẳng độ nổi, cho dù duyên đã kết là ác duyên cũng được. Như Chủ Mạng quỷ vương, họ hiện thân trong tam ác đạo, độ chúng sanh trong ác đạo, đó là ác duyên của những chúng sanh này đã chín muồi, họ đọa vào ác đạo, Bồ Tát cũng chẳng chê bỏ, cũng vào ác đạo thị hiện thân cùng loại với họ, để khuyên họ nên quay đầu, khuyên họ đoạn ác tu thiện. Chúng ta phải hiểu rõ những Sự, Lý này, phải biết là sự việc như thế nào, cũng nên biết hiện nay chúng ta phải làm như thế nào.

Tuy nhiên, trên nguyên tắc thì chỉ là vấn đề của một chữ Duyên.  Đối với hết thảy chúng sanh thì kết pháp duyên là thù thắng nhất. Trong pháp duyên chẳng có phiền não, cho nên đối với mình, đối với người đều giảm bớt chướng ngại. Cho dù duyên này là thiện duyên, chư vị phải biết, thiện cũng có thể biến thành ác, trong ngạn ngữ gọi là “vui quá sanh ra buồn”, thương đến cùng thì sanh ra giận hờn. Chư vị phải biết ác sẽ chẳng biến thành thiện, hận thù rất khó biến thành thương yêu, nhưng thương biến thành ghét rất dễ dàng. Cho nên thế giới này là thế giới cực khổ, học Phật là học làm một người minh bạch. Chúng ta là người hiểu rõ ràng, rành rẽ thì chúng ta kết tịnh duyên với chúng sanh, duyên thanh tịnh nghĩa là buông xả cả thiện và ác. Buông xả chẳng phải xả trên Sự, mà phải xả trong Tâm, trên Sự thì khi gặp chuyện thiện ác, chẳng tránh khỏi phải tiếp xúc, phải qua lại, như vậy thì sẽ kết duyên thiện ác; [khi ấy] tâm địa thanh tịnh, mảy trần chẳng nhiễm, thiện duyên cũng trở thành tịnh duyên, ác duyên cũng là tịnh duyên, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Nếu trong hết thảy cảnh giới, bất luận là hoàn cảnh vật chất, hoàn cảnh nhân sự, nếu chúng ta sanh tâm, khởi tâm động niệm có tốt-xấu, có lấy-bỏ thì duyên ấy sẽ thành duyên nhiễm trước, quả báo của duyên nhiễm trước rất khổ. Khi tiếp xúc hết thảy hoàn cảnh nhân sự, nếu tự mình thật sự làm được “không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước”, thì cảnh giới thiện ác gì cũng là tịnh duyên, trong Tịnh tông chúng ta gọi là Tịnh nghiệp. Quả báo của Tịnh nghiệp, niệm Phật là nhất định cầu sanh Tịnh Độ, nếu không biết niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì quả báo của Tịnh nghiệp hơn phân nửa là ở cõi trời Sắc Giới, vì ở trời Dục Giới còn có nhiễm trước, trời Sắc Giới thì nhiễm trước nhẹ hơn, không được vãng sanh thì cũng sanh lên cõi trời, do đó chúng ta phải hiểu đạo lý này, thiện thì nhất định có thiện quả.

Không những Chủ Mạng quỷ vương tương lai sẽ thành Phật, chúng ta biết hết thảy chúng sanh tương lai đều sẽ thành Phật. Đây là lời đức Phật nói trong kinh rất rõ ràng, ‘Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh’, vì có Phật tánh nên đương nhiên sẽ thành Phật, chỉ là thành Phật sớm hay trễ mà thôi. Do đó chư Phật Như Lai xem hết thày chúng sanh đều là chư Phật. Ngày nay chúng ta học Phật, muốn công phu đắc lực thì trước hết phải đổi quan niệm này trở lại, điểm này vô cùng quan trọng! Tuyệt đối phải xem hết thảy chúng sanh là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai; khi bạn có thể giác ngộ được như vậy, có cách suy nghĩ, cách nhìn như vậy thì bạn sẽ gần gũi với Phật. Tại sao vậy? Đó là cách nhìn của Phật, cách suy nghĩ của Phật. Cách nhìn, cách nghĩ này tuyệt đối là sự thật, chẳng phải nói mình nên quán như vậy, đó là sự thật, chúng sanh mê hoặc chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật. Chúng ta muốn thành Phật, thành Phật nhanh chóng, con đường tắt để thành Phật chẳng có gì khác hơn là chuyển quan niệm này trở lại, thế nên đối với hết thảy chúng sanh có thể tận hết lòng hiếu kính, có thể cung kính tuyệt đối, tại sao vậy?  Họ là chư Phật, đó là tu hành, chúng ta nói [đây là phương pháp] tu hành ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng nhất, đích thật là con đường tắt.

Trong đời này tự mình nên nghĩ thử xem, nên tự hỏi, đời này tôi đến thế gian này để làm gì? Vì sao tôi phải đến đây? Đời này được thân người có ý nghĩa gì? Có giá trị gì? Người có thể thường thường phản tỉnh như vậy thì đã giác ngộ rồi! Chẳng đến nỗi mê trong vọng tưởng, chấp trước, chẳng đến nỗi lạc mất trong ngũ dục lục trần. Những người không học Phật, rất ít người có ý thức này, [trong số những] người học Phật có được bao nhiêu người tỉnh ngộ? Sau khi thật sự tỉnh ngộ, đi tìm câu trả lời trong đó, khi có câu trả lời thì tâm tình của bạn trong đời này sẽ rất yên định. Tại sao vậy? Bạn làm người bất luận là thời gian dài ngắn, thời gian dài ngắn tức là thọ mạng dài ngắn; bạn đều có mục tiêu, có phương hướng, đời này bạn sanh sống rất có ý nghĩa, rất có giá trị.

Đây là trước hết tự mình xác định vị trí của mình, việc này rất quan trọng. Chúng ta được thân người, được nghe Phật pháp, xác định vị trí của mình ở tại đâu? Xác định vị trí ở nơi hoằng pháp lợi sanh, nhất định phải làm việc này cho hoàn hảo, tận tâm tận lực làm cho được viên mãn, [vậy thì] cuộc đời này của bạn mới có ý nghĩa, có giá trị. Xác định vị trí ở Niệm Phật Đường hướng dẫn đại chúng tu hành, vạn duyên buông xuống, chết lòng trọn ý chấp trì danh hiệu, lãnh đạo đại chúng, giúp đỡ đại chúng thật thà niệm Phật, việc này có ý nghĩa tốt đẹp vô cùng, có giá trị phi thường. Đây là nói về người xuất gia, chúng ta nêu lên ví dụ đơn giản như vậy. Nếu là người lãnh chúng, hết lòng phát tâm, lãnh chúng là chăm sóc đại chúng, phục vụ cho đại chúng, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Những [người giữ] chức vụ trụ trì trong chùa, sư đương gia, thời xưa nói họ là Bồ Tát, chẳng phải người phàm, thanh chúng (đại chúng thanh tịnh) trong đạo tràng là người phàm. Những vị Phật, Bồ Tát này đến phục vụ cho đại chúng, [các Ngài] chẳng bao giờ làm ra vẻ như những người có quyền uy, thế lực, có địa vị tác oai tác phước, làm vậy thì không tốt rồi, trái nghịch với pháp. Pháp gì? Trái nghịch với tánh đức, trái nghịch với tánh đức thì quả báo sẽ ở ba đường ác.

Cho nên những người lãnh đạo trong xã hội, bất luận là ở tầng lớp nào, nếu tương ứng với tánh đức, dùng cách nói hiện nay nghĩa là phục vụ đại chúng, thì đó là tích lũy công đức, chúng ta phải từ những chỗ này tỉnh ngộ trở lại. Ở địa vị càng cao, giống như vị chủ tịch trong tòng lâm, bạn làm trụ trì trong đạo tràng, bạn phục vụ cho cả đạo tràng. Nếu bạn dùng tâm niệm và thái độ này thì bạn tu hành, thật sự tu hành, phục vụ là tu hành. Có trở ngại cho sự dụng công của mình không? Chẳng trở ngại.  Lúc đại sư Trí Giả vãng sanh, học trò hỏi ‘Ngài vãng sanh phẩm vị gì?’   Ngài nói ‘Nếu tôi không lãnh chúng, không làm những công chuyện này, nhất tâm niệm Phật thì phẩm vị tôi rất cao. Nhưng vì lãnh chúng thường thường phải phân tâm, tinh thần không thể tập trung, cho nên chỉ được ngũ phẩm vãng sanh’. Lời này có phải là thật không?  Có thể nói là thật, cũng có thể nói là giả, chúng ta phải hiểu ý nghĩa thật sự của lời Tổ sư nói, ý tứ của lời này rất sâu. Nếu là phàm phu giữ chức vụ trụ trì, đương gia, quản lý sự vụ, hành chánh trong đạo tràng, đích thật đối với phẩm vị vãng sanh của mình có phương hại, nhưng tiêu chuẩn thấp nhất là có thể vãng sanh, phẩm vị thấp một chút chẳng sao cả, xả mình vì người, đây là đối với phàm phu Tăng mà nói. Nếu đối với thánh hiền Tăng thì lại khác, công việc, phục vụ chính là tu hành, trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy, [họ] phục vụ đại chúng, cả ngày từ sáng đến tối vô cùng bận rộn, trên Sự thì bận bịu chứ trong tâm thì thanh tịnh, tam luân thể không, mảy trần chẳng nhiễm, Tam Học Giới Định Huệ của họ đều hoàn thành cùng lúc, vậy thì họ làm sao không phải là tu hành được?

Chúng ta thấy Thiền tông Lục Tổ đại sư Huệ Năng ở Hoàng Mai, công việc làm mỗi ngày của Ngài là phục vụ đại chúng, chẻ củi, xay gạo trong nhà bếp có trì trệ công phu của Ngài không? Chẳng có! Không những không có mà còn thành thục công phu của chính mình. Người khác tu thiền định phải đến thiền đường tọa thiền, còn Ngài tu thiền định thì xay gạo là tu thiền định, chẻ củi là tu thiền định, mỗi ngày tiếp xúc với thường trụ đại chúng là tu thiền định, không có giờ phút nào chẳng ở trong thiền định, đại sư Huệ Năng có thể làm được, đâu có lý nào đại sư Trí Giả không làm được? Cho nên chúng ta liên tưởng đến những chuyện này thì biết lời nói trên của đại sư Trí Giả có hàm chứa thêm ý nghĩa trong đó, vấn đề là bạn biết học hay không? Nhưng rốt cuộc thì người giác ngộ ít, người không giác ngộ nhiều, cho nên lời nói này của đại sư Trí Giả có dụng ý rất sâu. Dụng ý này của Ngài chính là cảnh cáo những người làm công tác phục vụ, ý nghĩa của lời cảnh cáo là nói nếu cách làm của bạn không đúng như pháp, chẳng tương ứng với pháp, thì sẽ tổn hại đến chính mình; nếu tương ứng với pháp, bất luận làm công việc gì đối với sự tu trì của mình đều là thành tựu. Trong nhà Phật thì có pháp nào chẳng phải là Phật pháp? Nếu tương ứng thì pháp nào cũng vậy. Đại đức trong Tông Môn thường nói ‘tả hữu phùng nguyên, đầu đầu thị đạo’ (trái phải đều về nguồn, nơi đâu cũng là đạo), đó là thành tựu chân chánh. Do đó, truy về cội nguồn thì chính là hai chữ ‘Giác’ và ‘Mê’. Chúng ta làm thế nào trong đời sống hằng ngày, trong công việc thường thường giữ được giác mà không mê? Giác, Mê phải giữ như thế nào? Một niệm riêng tư thì mê, đây là mấu chốt, là cái nút [điều khiển], khởi một niệm háo ác thì mê rồi, vừa khởi tâm động niệm là mê rồi. Khi bạn khởi tâm động niệm có thể nhằm phục vụ hết thảy chúng sanh thì đó là giác, chẳng có [ý niệm về] mình, dốc hết tâm lực phục vụ đại chúng thì đó là giác.

Từ đây có thể biết, chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát ở trong chín pháp giới, hiện thân thuyết pháp phục vụ đại chúng. Thân phận các Ngài thị hiện, trong năm mươi ba lần tham vấn chúng ta thấy, nói theo cách nói hiện nay thì trong từng ngành từng nghề, trong ngành nghề nào các Ngài đều thị hiện, công việc gì các Ngài đều làm. Không những chẳng phương hại đến đạo nghiệp của chính mình mà mỗi ngày còn nâng cao thêm. Chúng ta thấy trong kinh [có nói] từ Thập Trụ nâng lên Thập Hạnh, từ Thập Hạnh nâng lên Hồi Hướng, từ Hồi Hướng nâng lên Thập Địa. Nói chung thì là phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ hết thảy chúng sanh, nâng cao địa vị Bồ Tát của mình, đó gọi là tu hành. Tu hành gì? Tu để bỏ hết tâm riêng tư, bỏ hết tự lợi, cho dù ở địa vị thật cao cũng là phục vụ đại chúng, chẳng phải ở đó phô trương quyền vị, tác oai tác phước, mà là phục vụ đại chúng, tức là chuyển đổi tâm niệm này trở ngược lại. Sau khi chuyển đổi tâm niệm này, [hết thảy] đều là Bồ Tát hạnh, bất luận ở chức vị gì, bất luận là làm công việc gì, chỉ cần là phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ chúng sanh, đều là sự nghiệp Bồ Tát. Một niệm vì mình thì đó là tạo nghiệp, trong kinh chúng ta thấy [những việc này], còn sự việc bên ngoài thì càng nhiều nữa. Do đó đoạn kinh này đem lại cho chúng ta khải thị rất lớn, nhất định phải biết tu thiện nhân mới được thiện quả. Thiện và Ác, một niệm vì chúng sanh là thiện, một niệm vì mình nhất định là ác, đây là việc chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải nắm chắc. Làm thế nào để xả bỏ hết ‘cái Tôi’, ‘cái riêng của Tôi’, đây là chỗ chúng ta nhập môn, bắt đầu tu hành, được vậy thì công phu của bạn mới đắc lực. Xem tiếp kinh văn, trang một trăm ba mươi hai:

 

Địa Tạng, thị đại quỷ vương kỳ sự như thị, bất khả tư nghị, sở độ thiên nhân, diệc bất khả hạn lượng.

地藏。是大鬼王其事如是。不可思議。所度天人。亦不可限量。

Này Ðịa Tạng Bồ Tát, những việc của vị Ðại Quỷ Vương đó thì không thể nghĩ bàn như thế; hàng trời, người được độ thoát cũng đến số không thể hạn lượng.

(Chữ Như Lai ở đây, chữ ‘Lai’ này là một chữ in sai, trong bản kinh của quý vị là chữ Lai hay không? Đáng lý phải là ‘kỳ sự như thị’.  Tra trong bản kinh khác coi, tra trong bản kinh Địa Tạng khác xem, tra chữ này, đáng lý phải là ‘Như thị’, thì dễ hiểu hơn. Bản của bạn thuộc loại nào? Đúng rồi, không sai! Đây là lúc chúng ta xem, đáng lý là ‘Như thị’, mọi người hãy sửa lại) Đây là lời đức Thế Tôn nói với Địa Tạng Bồ Tát, nói với Ngài ‘thị đại quỷ vương’ tức là nói về Chủ Mạng quỷ vương, nghĩa rộng là chỉ hết thảy những quỷ vương trong cõi địa ngục, ngạ quỷ đều là Phật, Bồ Tát thị hiện. Trong chú giải nói: ‘Việc này chẳng thể nghĩ bàn, ước trên Bổn mà khen Tích. Bản lai diện mục của họ vốn là Phật, Bồ Tát, là Pháp Thân đại sĩ, tướng các Ngài hiện là tướng quỷ vương, chúng ta phải biết. Cuối bản chú giải của Ngài có mấy câu chúng ta hãy đọc xem. Hai hàng chót trong bản chú giải là: “Lại nữa, hãy nên biết: Hết thảy đều là tướng huyễn vọng của phù trần[1], từ đâu sanh ra thì sẽ diệt mất ở ngay nơi đó[2]”. Hai câu này trích từ kinh Lăng Nghiêm. “Huyễn vọng gọi là Tướng, nhưng tánh của nó thật sự có bản thể là diệu giác minh [3] (mầu nhiệm, thấu hiểu cùng tột, sáng suốt)”. [Kế đó, pháp sư Thanh Liên nhận định] “Nếu hiểu rõ ý này thì các môn hóa hiện dù Quyền hay Thật của chư Thánh đều có thể hiểu được quá nửa”. Ở đây, Ngài dùng mấy câu kinh Lăng Nghiêm để tổng kết, kết thúc [đoạn này] rất hay. Đích xác là như vậy đó!

Do đó chư Phật, Bồ Tát ứng hóa tại thế gian, nói thật ra còn nhiều hơn phàm phu nữa. Phàm phu đã nhiều nhưng Phật, Bồ Tát càng nhiều hơn, hóa hiện ở xung quanh chúng ta, mỗi ngày tiếp xúc với chúng ta, đáng tiếc là chúng ta không nhận ra. Có lẽ có người sẽ hỏi ‘Tại sao Phật, Bồ Tát không nói rõ?’, nói ra thì bạn cũng chẳng tin. Khi họ nói với bạn ‘Tôi là Bồ Tát nào đó trở lại đây, tôi là vị Phật nào đó trở lại đây’, bạn có thể tin hay không? [Nếu bạn phỉ báng thì] nghiệp tạo càng nặng. Cho nên Phật giáo hóa chúng sanh có một quy tắc, tuyệt đối không tiết lộ thân phận, khi tiết lộ thân phận thì nhất định phải ra đi, không thể lộ xong rồi còn lưu lại thế gian này, phiền phức sẽ rất lớn, [sẽ khởi lên] lời yêu mị mê hoặc đại chúng. Nếu có người nói đây là vị Phật nào đó trở lại, vị Bồ Tát nào đó trở lại thì mọi người đều đến cúng dường. Yêu ma quỷ quái có thể sẽ dùng cách này để lừa gạt chúng sanh, tạo nên vô lượng vô biên tội nghiệp, mê hoặc chúng sanh, do đó người thật sẽ không lộ [hình] tướng, người lộ [hình] tướng chắc chắn không phải người thật. Nếu người đó nói họ là Phật nào đó trở lại, Bồ Tát nào đó trở lại, nói xong bèn ra đi tức khắc, thì đó mới là thật, chẳng phải giả. Nếu nói xong rồi không ra đi thì đó là giả, chẳng phải thật. Do đó nếu gặp người như vậy, bạn có thể hỏi họ ‘Người xưa nói xong thì ra đi, tại sao ông còn chưa đi?’. Phẩm này chúng ta nói đến đây thôi. 

Xin xem phẩm kế: Xưng Phật Danh Hiệu Phẩm Đệ Cửu.

 

 

PHẨM THỨ 9 : XƯNG DANH HIỆU CHƯ PHẬT

稱佛名號品第九

 

Pháp sư Thánh Nhất gọi phẩm này là Phật Bảo, ba phẩm sau cùng này, thầy tổng kết thành Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, nói vậy rất hay! Năm xưa thầy giảng ở núi Cửu Hoa, thầy gởi giảng ký của thầy đến cho tôi xem, tôi xem cách nói của thầy trong ba đoạn này, tôi rất khâm phục thầy, kết quy đến Tam Bảo mới có lợi ích chân thật. Xin xem kinh văn:

 

Nhĩ thời Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật ngôn: ‘Thế Tôn, ngã kim vị vị lai chúng sanh diễn lợi ích sự, ư sanh tử trung đắc đại lợi ích, duy nguyện Thế Tôn thính ngã thuyết chi’.

爾時地藏菩薩摩訶薩白佛言。世尊。我今為未來眾生演利益事。於生死中得大利益。唯願世尊聽我說之。

Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Ðức Phật rằng: ‘Bạch Ðức Thế Tôn! Nay con vì chúng sanh đời sau mà diễn nói về sự lợi ích, làm cho họ trong lúc sanh cùng lúc tử đều được những lợi ích lớn lao. Cúi xin Ðức Thế Tôn nghe con nói’.

Trong kinh Bồ Tát muốn nói chuyện lợi ích cho chúng ta nghe, chuyện lợi ích gì? ‘Ư sanh tử trung, đắc đại lợi ích’, đây tức là nói lợi ích của sự liễu sanh thoát tử, lợi ích này đích thật là lợi ích to lớn, đích thật là lợi ích chân thật. Làm sao có thể làm cho phàm phu, đặc biệt là chúng sanh trong thời Mạt pháp, chữ ‘vị lai’ ở đây là chỉ thời Mạt pháp, chúng sanh thời Mạt pháp so với bất kỳ thời đại nào cũng khổ hơn. Chúng ta quán sát trong lịch sử, trong đời sống hiện thực, dựa vào trí nhớ của chúng tôi, những người lớn tuổi khoảng bảy, tám mươi tuổi, nhớ lại đời sống khoảng nửa thế kỷ về trước, tuy lúc đó thời thế đã loạn rồi, nhưng tâm cảnh vẫn còn bình hòa như cũ, tuy trong thời gian chiến tranh loạn lạc, phải chạy giặc khắp nơi nhưng tâm tình của họ cũng yên ổn. Còn ngày nay tuy đời sống vật chất vô cùng phong phú, đời sống việc làm cũng an định, nhưng tâm tình của bạn chẳng yên, thật sự có thể nói là tâm ý hoảng hốt, rối loạn, nguyên nhân là gì? Nếu không tìm ra nguyên nhân này, thì bạn làm sao giải quyết vấn đề được?

Vả lại Phật pháp đích thật giải thích những nguyên nhân này rất rõ ràng, so sánh nửa thế kỷ về trước và nửa thế kỷ sau này sẽ thấy nhân tâm của con người thời ấy rất đôn hậu, tuy sánh chẳng bằng thời trước đó, đúng là lòng người mỗi đời càng sa sút, [đời sau] chẳng bằng đời trước.  Lúc chúng tôi còn nhỏ thường nghe người lớn tuổi nói ‘đời này không bằng đời trước’, nghe câu này rất quen thuộc nhưng không cảm nhận được, hiện nay nghĩ lại những câu này có cảm nhận rất sâu sắc. Lòng người thời đó tham sân si ít hơn người đời nay quá nhiều, hơn phân nửa nếu có đủ ăn, đủ mặc thì lòng họ yên rồi. Hiện nay lòng người hoảng hốt, chúng ta có thể hiểu được là vì nguyên nhân gì gây ra? Lòng tham không đáy, tham sân si mạn chẳng ngưng dứt, ngược lại còn tăng thêm mạnh mẽ, nếu những người này có lên thiên đường, sanh tới Cực Lạc thế giới thì thân tâm của họ cũng không yên ổn, đạo lý là như vậy.

Thời xưa lúc chúng tôi vừa tới Đài Loan vào năm 1949, tất cả đều mới mẻ, xa lạ, khi chúng tôi muốn đến một nơi nào đó để tìm người quen, chẳng biết đường đi, khi đi ngoài đường tùy tiện gặp người ta hỏi đường kiếm nhà. Họ rất nhiệt tâm, không những chỉ đường tường tận, nhiều khi họ còn đích thân dẫn mình đi tìm. Hiện nay không còn nữa, khi bạn hỏi họ, họ đều nói không biết, chẳng thèm đếm xỉa tới bạn. Hiện nay những gì đối với họ có lợi thì họ mới làm, còn không có lợi thì họ đều gạt qua một bên hết. Thời xưa rất ít nghe nói chuyện bỏ phế cha mẹ, không thèm chăm sóc cha mẹ già cả, còn bây giờ thì đi đâu cũng gặp chuyện này. Mức độ thời thế sa sút thật là đáng sợ! Xã hội ngày nay như thế nào?

Cho nên rất nhiều lời tiên đoán của Đông phương và Tây phương đều nói thời đại hiện nay có tai nạn to lớn; chúng ta nhìn thấy những dấu hiệu này hình như không thể không tin, những dấu hiệu, những điềm báo trước này tuyệt đối chẳng phải là một chuyện tốt. Chúng ta phải dùng cách nói của một số khoa học gia, họ nói về ‘làn sóng’, làn sóng tư tưởng. Thánh hiền thế gian và xuất thế gian rát lòng mỏi miệng dạy dỗ hết thảy chúng sanh dứt ác, tu thiện, tích lũy công đức, nền giáo dục thời xưa dùng câu ‘dập tắt tham sân si, siêng tu giới, định, huệ’ làm trung tâm; nói cách khác là giúp cho làn sóng tư tưởng của chúng ta trở nên bình hòa. Cho dù có tham sân si mạn, mức độ làn sóng dao động lên xuống không quá lớn, nó có một tiêu chuẩn, một nguyên tắc là không quá lố, mức độ dao động chỉ ở trong mức bình ổn. Ngày nay bỏ phế nền giáo dục này, dựa vào vọng tưởng của phàm phu, dùng [chiêu bài] dân chủ tự do mở rộng, đây chính là điều đức Phật đã nói trước ‘tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng’. Tà sư là gì? Cứ nói dựa trên sự hiểu biết của mình, sự hiểu biết của mình chỉ là vọng tưởng, dựa theo vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình, tạo thành thế giới đại loạn, làm cho mức dao động của làn sóng tư tưởng quá lớn, vượt hơn mức tiêu chuẩn quá xa, hiện tượng đó chính là lòng người hoảng hốt, chẳng yên ổn. Đời sống vật chất của người thời xưa thiếu thốn như vậy, sanh sống rất khổ cực nhưng họ sống rất vui sướng. Người đời nay sanh sống rất giàu sang, [vật chất] đầy đủ nhưng lòng người hoảng hốt, chẳng yên ổn, hiện tượng này thường được gọi là hời hợt, bộp chộp, xao động, nóng nảy, do nguyên nhân gì  tạo ra vậy? Đều do sóng tư tưởng tạo thành.

Chúng ta vô cùng may mắn gặp được Phật pháp, chúng ta có thể tin tưởng, có thể hiểu, còn có thể y giáo phụng hành. Tư tưởng, cách suy nghĩ, cách nhìn của chúng ta rất kề cận với tiêu chuẩn của đức Phật cho nên trong khi xã hội động loạn, thế giới động loạn, chúng ta còn bảo trì được mấy phần bình tịnh là điều vô cùng khó được. Càng học tập hết lòng, trước hết phải giác ngộ, [nghĩa là phải] tin lời dạy của đức Phật là chính xác, những gì mình nghĩ là sai lầm, phải khẳng định như vậy.  Cũng giống như lời đức Phật nói trong kinh, trước khi bạn chứng được A La Hán, dứt khoát đừng tin tưởng ý tứ của bạn, nếu bạn tin ý tứ của bạn, tự mình nghĩ làm thế nào cũng sẽ làm sai; sau khi bạn chứng được A La Hán thì có thể tin ý tứ của bạn. Tiêu chuẩn của A La Hán là gì?  Điều này quá rõ ràng rồi, A La Hán đã phá ngã chấp, vô ngã, niệm niệm đều vì hết thảy chúng sanh, chẳng còn ‘Ta’ nữa, đến lúc đó thì sự suy nghĩ của bạn mới đáng tin. Cho nên đức Phật định ra tiêu chuẩn là A La Hán, chúng ta phải hiểu ý nghĩa chân chánh của giới định này là ở chỗ nào? Nói cách khác, nếu còn ‘Ta’, nếu còn tự tư tự lợi thì cách suy nghĩ của bạn sẽ không chính xác, sẽ không đáng tin. Khi bạn thật sự làm được vô ngã, vô tư, niệm niệm đều vì xã hội, niệm niệm vì chúng sanh thì sự suy nghĩ của bạn mới đáng tin. Chúng ta vẫn còn ‘Ta’, có lúc vẫn còn tâm riêng tư thì phải làm như thế nào? Phải xả bỏ cách suy nghĩ của mình, tuân theo lời dạy của đức Phật, như vậy mới chẳng phạm lỗi lầm lớn. Pháp của đức Phật dạy chúng ta làm lợi ích cho chúng sanh, đương nhiên nếu việc đó trái nghịch với lợi ích của mình thì trong tâm chúng ta phải khắc phục. Người hiện nay gọi là hy sinh, dâng hiến, hy sinh lợi ích của chính mình, giúp cho lợi ích của đại chúng, đây là lời Phật dạy cho những chúng sanh chưa giác ngộ. Người đã giác ngộ thì chẳng cần dạy, cách suy nghĩ, cách làm của họ tự nhiên sẽ tương ứng, sẽ tương ứng với lời dạy của Phật, Bồ Tát.

Hiện nay không những người tại gia chúng ta phải hiểu đạo lý này, người xuất gia học Phật càng nên hiểu đạo lý này. Vì thân phận người xuất gia là một vị thầy, người ta gặp bạn, xưng bạn là pháp sư.  ‘Sư’ là mô phạm, là gương mẫu cho xã hội đại chúng, chúng ta lấy gì để làm gương mẫu? Lấy gì làm mô phạm? Chính là lòng vô tư. Nếu tự mình còn tâm riêng tư, người ta xưng bạn là pháp sư, bạn suy nghĩ xem bạn có cảm giác như thế nào? Không thể làm gương mẫu, làm mô phạm cho đại chúng thì khi người ta xưng bạn là ‘Sư’, bạn sẽ rất khó chịu, danh chẳng phù hợp với thật. Khi nào bạn có thể khởi tâm xấu hổ, có thể quay trở lại, sửa sai thì đó là việc tốt. Nếu vẫn ngu si mê muội như cũ, cho dù dám làm thì lẽ nào không tạo tội nghiệp cho được! Khi đảm nhận cách xưng hô này thì chúng ta đã có tội, đã tạo tội rồi. [Tội đó là] mạo xưng pháp sư, chẳng phải ‘Sư’ (thầy giáo) mà giả mạo làm ‘Sư’, khi người ta xưng bạn một tiếng ‘Sư’ thì bạn đã tạo tội một lần, xưng hai tiếng thì bạn tạo tội hai lần. Đức Phật dạy chúng ta tích lũy công đức, chúng ta lại tích lũy tội nghiệp, như vậy thì làm sao được! Do đó người xưa mới nói ‘Trước cửa địa ngục có nhiều tăng sĩ’, ai đọa địa ngục?  Người hiện nay đọa địa ngục càng nhiều nữa, người xưa đọa địa ngục ít, người tạo tội ngũ nghịch thập ác ít. Vả lại một vị tăng chẳng làm tròn trách nhiệm của mình thì sẽ chẳng tránh khỏi phải đọa lạc. Sự nghiệp to lớn của một người xuất gia, Địa Tạng Bồ Tát dạy chúng ta là phải ‘vị lai chúng sanh, diễn lợi ích sự’ (làm lợi ích cho chúng sanh đời vị lai), câu này chính là sự nghiệp của người xuất gia chúng ta. ‘Diễn’ là biểu diễn, làm ra gương tốt cho người ta coi, ‘thuyết’ là giải thích, phải vừa làm vừa nói. Ngày nay chúng ta vạch định thân phận của chúng ta, biết mình phải làm việc gì, làm việc ấy cho hoàn hảo thì đời sống này của chúng ta mới có giá trị, mới có ý nghĩa. Xin xem kinh văn, trang một trăm ba mươi bốn:

 

Phật cáo Địa Tạng Bồ Tát: ‘Nhữ kim dục hưng từ bi, cứu bạt nhất thiết tội khổ lục đạo chúng sanh, diễn bất tư nghị sự, kim chánh thị thời duy đương tốc thuyết.

佛告地藏菩薩。汝今欲興慈悲。救拔一切罪苦六道眾生。演不思議事。今正是時唯當速說。

Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: ‘Nay ông muốn khởi lòng từ bi, cứu vớt tất cả chúng sanh tội khổ trong Lục Ðạo mà diễn nói sự chẳng thể nghĩ bàn. Bây giờ chính đã phải lúc, ông nên nói ngay đi.

Địa Tạng Bồ Tát bạch với đức Phật, không những đức Phật hứa khả mà còn hối thúc nói mau. Tại sao? Đối với hết thảy chúng sanh vô cùng quan trọng! Mấy câu phía trước là lời tán thán ‘nhữ kim dục hưng từ bi’, hưng nghĩa là phát khởi, bạn khởi lòng từ bi. Vì muốn cứu giúp hết thảy chúng sanh đang chịu tội khổ trong lục đạo, đây là sự lợi ích to lớn, tuy chúng sanh tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, bất luận là đời này hoặc đời trước đã tạo tội cực nặng, chỉ cần họ còn một hơi thở, chúng ta biết họ đều còn có thể được cứu. Nếu lúc đó đầu óc họ còn tỉnh táo, khởi lên một niệm quay trở lại (sám hối) thì họ sẽ được cứu, đúng như câu nói ‘quay đầu là bến bờ’. Chúng ta đọc kinh A Xà Thế Vương Tử thấy vị vua này có địa vị, có quyền thế trên thế gian, tạo tội ngũ nghịch thập ác cực nặng, nhất định sẽ đọa địa ngục A Tỳ. Ông vua này rốt cuộc vẫn còn thiện căn, lúc cuối cùng có thể giác ngộ, biết được việc mình làm cả đời đều sai lầm, quay đầu lại nương vào lời dạy của Tam Bảo, lúc lâm chung niệm Phật vãng sanh. Phật nói với chúng ta, phẩm vị vãng sanh của vua là Thượng phẩm Trung sanh, Ngài sám hối vãng sanh. Từ việc này có thể nói tạo tội nghiệp cực nặng cũng không sợ, vẫn có thể được cứu, chỉ cần chịu quay đầu trở lại, chỉ cần chịu thật sự sám hối, sửa lỗi, đổi mới thì vẫn có thành tựu thù thắng.

Ngày nay chúng ta cũng phải học theo Địa Tạng Bồ Tát, chúng ta ở địa phương này xây đạo tràng, đạo tràng có loại tạm thời, có loại lâu dài. Loại tạm thời là mướn một chỗ, ở nơi đó giảng kinh một ngày, hai ngày, ba ngày, nơi giảng kinh tức là đạo tràng, đây là đạo tràng tạm thời.  Bất luận là tạm thời hay lâu dài, tâm bạn phát nơi đó thật sự là tâm từ bi, chân thành, thanh tịnh, từ bi, giảng kinh thuyết pháp khuyên hết thảy chúng sanh quay đầu là bến bờ, đều là công đức chẳng thể nghĩ bàn.  Người nghe rất nhiều, đương nhiên chúng ta không thể dự đoán ai cũng có thể thành tựu, đều có thể quay trở lại, đó là việc không thể làm nổi.  Trong số người nghe nhất định sẽ có vài người có duyên, khi xây một đạo tràng, bạn ở đạo tràng đó độ được một người thì đạo tràng đó cũng có vô lượng công đức. Bất luận là tạm thời hay lâu dài, có một người ở đạo tràng này nghe giảng kinh pháp, giác ngộ, có một người thật sự niệm Phật vãng sanh thì đạo tràng này có vô lượng công đức. Do đó trong kinh này, phía trước chúng ta đã đọc qua trong kinh Địa Tạng, đức Phật khuyên bạn xây đạo tràng, đúc tượng Phật, tu cúng dường đều nói công đức chẳng thể nghĩ bàn, đạo lý là như vậy. Chỉ cần có một người được độ thì công đức sẽ chẳng thể nghĩ bàn, huống chi có càng nhiều người ở nơi đó có thể giác ngộ, quay đầu trở lại, đó chính là ‘chân chánh cứu bạt nhất thiết tội khổ chúng sanh’.

Những chúng sanh tạo tội nghiệp này tương lai nhất định phải đọa ác đạo, ‘khổ’ là ác đạo, ‘tội’ là tạo tác hiện thời, tội là nhân, khổ là quả; nhân và quả đều phải cứu, nhưng nhất định phải cứu lúc họ còn sống thì mới được, lúc đó chúng ta mới có biện pháp, nếu họ đã chết rồi và đã đọa vào ác đạo thì không có cách chi, chúng ta dứt khoát chẳng cứu nổi.  Do đó khi họ đọa vào tam ác đạo, chỉ có chư Phật Như Lai, Pháp Thân đại sĩ vào ác đạo, thị hiện thân đồng loại để giúp đỡ họ, chúng ta không có khả năng này, việc mà ngày nay chúng ta có thể cứu là khi họ còn chưa tắt thở. Đây là việc lớn. Phía sau là hai câu đức Phật hối thúc Ngài ‘Kim chánh thị thời’, hiện nay đúng là lúc [phải nói ra]. ‘Duy đương tốc thuyết’, hãy nói nhanh. Ngày nay chúng ta đọc đến đoạn kinh văn này, nói thật ra cũng giống như đức Phật Thích Ca Mâu Ni hối thúc chúng ta vậy, chúng ta phải làm việc này mau lên, hiện nay đúng là lúc, cho nên hai câu này dùng cho chúng ta hiện nay vô cùng chính xác. Sau đó đức Phật nói:

 

Ngô tức Niết Bàn, sử nhữ tảo tất thị nguyện, ngô diệc vô ưu hiện tại vị lai nhất thiết chúng sanh.

吾即涅槃使汝早畢是願。吾亦無憂現在未來一切眾生。

Ta sắp sửa vào Niết Bàn rồi! Ông hãy sớm hoàn tất lời nguyện đó, thì Ta cũng không còn phải lo nghĩ gì đến tất cả chúng sanh ở hiện tại và vị lai nữa’.

Đọc câu kinh này chúng ta cảm xúc thật sâu sắc, chúng ta học Phật bắt đầu từ đâu? Bạn xem đức Phật Thích Ca Mâu Ni có tâm gì?  Trong tâm Phật chỉ có hết thảy chúng sanh hiện tại và vị lai, chẳng có ‘Ta’, đó chính là tâm Phật. Mỗi niệm đức Phật đều phục vụ cho chúng sanh, đều để cứu vớt hết thảy chúng sanh đang chịu khổ nạn. Kinh này là do đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng trước khi Ngài nhập diệt, có thể nói là lời dạy cuối cùng, sau khi giảng xong kinh này là Ngài giảng bộ kinh Niết Bàn, cho nên đây là kinh giảng ngay trước kinh Niết Bàn, có thể nói đây là lời dạy cuối cùng.

‘Ngô tức Niết Bàn’, Niết Bàn là Phạn ngữ dịch âm, thông thường dịch là diệt độ, trong Tứ Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. ‘Diệt’ tức là Niết Bàn.  Ở Trung Quốc cách dịch được dùng nhiều nhất là ‘viên tịch’, viên là viên mãn, công đức viên mãn, tịch là tịch diệt, thanh tịnh tịch diệt.  Trong Chú giải ghi là ‘Niết bàn, Huyền Trang Tam Tạng Pháp Sư dịch là viên tịch’ Huyền Trang đại sư tóm gọn lại rất hay! ‘Đức chẳng không đầy đủ gọi là Viên’, công đức viên mãn, chẳng có một tơ hào thiếu sót gọi là ‘Viên’, ‘Chướng không còn chỗ chẳng tận gọi là Tịch’, cũng rất hay, ý nghĩa rất hay! Chướng tức là Tam Chướng, Nhị Chướng, ‘Nhị Chướng’ là Phiền Não Chướng, Sở Tri Chướng. Tam Chướng là Hoặc, Nghiệp, Khổ, cả ba đều đoạn dứt hết thì gọi là ‘Tịch’. Do đó có thể biết Niết Bàn, Viên Tịch chẳng phải danh từ thay thế cho chữ ‘chết’, hiện nay mọi người đều dùng nó như là danh từ thay thế cho chữ ‘chết’.  Khi người xuất gia ‘chết’, [người ta thường nói] người nào đó viên tịch, người nào đó nhập Niết Bàn. Vậy thì có ai tương lai không nhập Niết Bàn không? Ai cũng phải nhập Niết Bàn, bất kể là học Phật hay không học Phật đều phải nhập Niết Bàn, đây là quan niệm sai lầm. Nói thật ra Niết Bàn là khi sống đã chứng được, chứ chẳng phải là từ ngữ thay thế cho chữ ‘chết’.

Ở đây nói ‘ngô tức Niết Bàn’, là trong thời gian này duyên giáo hóa chúng sanh của đức Phật đã hết, công đức viên mãn, Ngài thị hiện rời khỏi thế gian này, là tướng nhập Niết Bàn trong tám tướng thành đạo, [nhập Niết Bàn] có ý nghĩa như vậy. Khi duyên hết thì đức Phật không trụ trong cõi đời, trụ ở đời chẳng còn ý nghĩa, những người có duyên, đáng được độ đều đã được Ngài độ, những người chẳng được độ đều đã được Ngài gieo hạt giống Phật pháp, nhưng hạt giống ấy còn chưa chín muồi đương nhiên Ngài phải rời khỏi thế gian này.

‘Sử nhữ tảo tất thị nguyện’, bạn phát tâm tiếp tục làm công việc này, rất tốt! Cho nên lúc đức Phật không trụ ở đời, trước lúc Di Lặc Bồ Tát thị hiện thành Phật, khoảng giữa này là do Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa thay thế đức Phật, trong hết thảy Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát thay thế đức Phật, trong thời gian này thân phận của Ngài rất đặc biệt. Địa Tạng Bồ Tát thay mặt đức Phật là có ý nghĩa gì? Trong kinh này có nói ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng’, cương lãnh giáo học ‘Hiếu thân tôn sư’ thay thế lời dạy của đức Phật trong suốt khoảng thời gian dài này, vì lời dạy của hết thảy chư Phật Như Lai đều dựa trên căn bản ‘Hiếu thân tôn sư’. Đức Phật chẳng còn tại thế, công việc chúng ta phải làm là duy trì ủng hộ cơ sở giáo học này, chúng ta không có năng lực nâng cao giáo học này lên nhưng cơ sở này nhất định phải giữ gìn, không thể đánh mất.  Công việc này rất quan trọng, đây là tinh thần được nói rõ trong bộ kinh này.

Tin sâu nhân quả, đoạn ác tu thiện, hiếu thân tôn sư, đây là những gì kinh Địa Tạng dạy. Nếu dùng giáo nghĩa của Tịnh tông, cơ sở tu học của Tịnh tông là lời đức Phật dạy ‘Tịnh Nghiệp Tam Phước’ trong Quán Kinh, khi chưa tu pháp môn niệm Phật thì phải củng cố cơ sở này, Tịnh tông được xây dựng trên cơ sở này. Điều thứ nhất trong đó là ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng sát hại, tu thập thiện nghiệp’. Chư vị nghĩ coi bốn câu này có phải là Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện hay không, đúng vậy. Điều thứ hai ‘Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi’. Điều thứ ba ‘Phát tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả’, bảy câu trong hai câu cuối này hoàn toàn tương ứng với năm phẩm cuối của kinh Địa Tạng, từ phẩm [thứ chín] đến hết kinh, tổng cộng là mười ba phẩm. Nói một cách khác bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện chính là lời giải thích rõ ràng cho Tịnh Nghiệp Tam Phước, không những là cơ sở của Tịnh tông, mà trong Phật pháp bất luận Đại Thừa, Tiểu Thừa, bất luận Tông Môn Giáo Hạ, Hiển Giáo Mật Giáo đều được xây dựng trên cơ sở này. Lúc đức Phật không còn tại thế, chẳng có người hoằng pháp, giáo huấn, chúng ta có thể duy trì bảo hộ cơ sở này là được rồi, duy trì bảo hộ cơ sở này sẽ có thể cứu vớt hết thảy chúng sanh đang chịu tội khổ trong lục đạo. Cho nên thời Mạt pháp kiên quyết củng cố cơ sở này, khuyên người thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì sẽ thành công, đây thật sự là việc chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta muốn hoằng dương kinh luận khác, tự mình chưa khai ngộ, chưa kiến tánh sợ nói sai, rất khó được thọ dụng chân thật. Duy chỉ có kiên quyết giữ gìn cơ sở này, thật thà niệm Phật thì nhất định là chẳng sai, cho dù ngày nay chư Phật Như Lai thị hiện giáo hóa chúng sanh cũng nhất định phải làm như vậy. Cho nên chúng ta đọc đoạn kinh văn này sẽ biết trong tâm chư Phật Như Lai nghĩ việc gì, việc các Ngài làm là việc gì, chúng ta phải học tập, làm theo.

Trong chú giải của pháp sư Thanh Liên có một đoạn, chúng ta đọc thử, trang một trăm ba mươi lăm, hàng thứ tư đếm ngược từ dưới lên, chúng ta coi từ đầu ‘Thử pháp chi diệu’ (Chỗ nhiệm mầu của pháp ấy), pháp ấy chính là lời dạy trong phẩm kinh Địa Tạng Bồ Tát, pháp đó là gì? Pháp môn Xưng danh hiệu Phật tức là pháp môn Niệm Phật. Cho dù ta nhập Niết Bàn ngay, hoặc cho dù ông đã sớm hoàn tất nguyện [cứu độ chúng sanh] ấy rồi, ta vẫn không lo cho hết thảy chúng sanh trong đời hiện tại hay vị lai. Vì sao? Đã có pháp Xưng Danh này thì ai cũng chẳng bị đọa vào cảnh khổ, đều cùng tu hành để sanh vào đường trời người cho đến rốt cuộc thành Phật không còn nghi ngờ chi nữa.[4] Nói rất hay! “Hiểu được tâm Phật, rõ được ý Phật, khéo noi theo chí hướng để kế tục sự nghiệp ấy, không ai hơn được đức Từ Tôn Địa Tạng của chúng ta”.  Địa Tạng Bồ Tát thật sự hiểu được ý Phật, kế thừa nguyện vọng của Phật, chúng ta thường gọi là tiếp nối huệ mạng của Phật, Địa Tạng Bồ Tát hiểu được ý tứ này. Đức Phật không còn tại thế, Ngài Địa Tạng nhận lấy và tiếp tục [giáo hóa chúng sanh], Ngài dùng pháp môn gì? Pháp môn Xưng Danh. Do đó Thế Tôn tán thán Ngài, hối thúc Ngài nói mau lên. Sau đó là lời Địa Tạng Bồ Tát, ý nghĩa của lời nói rất sâu, Địa Tạng Bồ Tát nói ra mười danh hiệu của mười vị Phật, thứ tự của mười vị Phật này là từ vị gần đây nhất cho đến vị xa nhất, nói trên thời gian thì vị gần gũi với chúng ta nói trước, càng về sau càng xa. Xin xem kinh:

 

Địa Tạng Bồ Tát bạch Phật ngôn: ‘Thế Tôn, quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp.

地藏菩薩白佛言。世尊。過去無量阿僧祇劫。

Bồ Tát Ðịa Tạng bạch cùng Ðức Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về thuở quá khứ.

Tuy gần, đây là vị gần nhất, gần nhưng cũng không gần lắm.

 

Hữu Phật xuất thế, hiệu Vô Biên Thân Như Lai.

有佛出世。號無邊身如來。

Có đức Phật ra đời hiệu là Vô Biên Thân Như Lai.

Đây là nói ra danh hiệu của đức Phật.

 

Nhược hữu nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh tạm sanh cung kính, tức đắc siêu việt tứ thập kiếp sanh tử trọng tội. Hà huống tố họa hình tượng, cúng dường tán thán, kỳ nhân hoạch phước vô lượng vô biên.

若有男子女人。聞是佛名暫生恭敬。即得超越四十劫生死重罪。何況塑畫形像。供養讚歎。其人獲福無量無邊。

Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này mà tạm thời sanh lòng cung kính, thì liền được vượt thoát tội nặng sanh tử trong bốn mươi kiếp; huống là vẽ đắp hình tượng, cúng dường, tán thán! Người này sẽ được vô lượng vô biên phước báo.

Chúng ta đọc đoạn kinh này, nghe cách nói như vậy xong có thể tin được không? Cũng có chúng sanh y giáo phụng hành, họ có được phước như vậy không? [Đoạn kinh này] làm cho người ta rất nghi ngờ.  Chúng ta làm theo phương pháp Địa Tạng Bồ Tát dạy, quả báo chẳng được như vậy, tự mình vẫn phải gánh chịu tội nặng sanh tử, đáng đọa địa ngục thì vẫn phải đọa địa ngục, vậy thì phải giải thích lời này ra sao? Có phải Địa Tạng Bồ Tát đã nói sai rồi chăng? Địa Tạng Bồ Tát chẳng nói sai, chúng ta coi kinh văn, coi sai rồi, chúng ta nghe sai rồi. Địa Tạng Bồ Tát nói ‘Văn thị Phật danh, tạm sanh cung kính’, ý của hai câu này chúng ta chưa hiểu rõ ràng. ‘Văn’ là một trong Tam Huệ của Bồ Tát, nói một chữ thì nhất định phải bao gồm hai chữ kia ‘Văn, Tư, Tu’. Làm sao biết được? Nếu không có Tư và Tu thì làm sao có thể tạm sanh cung kính? Cung kính chính là Tư, Tu. ‘Tư’ nghĩa là trong tâm của bạn thật sự có Phật, một niệm tương ứng một niệm Phật, như vậy là tương ứng.  Cung kính chẳng phải tạo tượng Phật để ở đó xong rồi lễ lạy, cúng dường, cung kính như vậy chỉ là trên hình thức, là giả, chẳng dùng được.  Một niệm tương ứng, khi niệm tương ứng thì đương nhiên hành động cũng tương ứng, tâm hạnh cũng tương ứng, lời nói đương nhiên cũng tương ứng, ba nghiệp thân khẩu ý của bạn đều phải tương ứng. Cho dù thời gian rất ngắn, chỉ cần tương ứng, công đức sẽ chẳng thể nghĩ bàn!  Đây tức là một niệm Giác cho nên mới được lợi ích thù thắng như vậy, ‘tức đắc siêu việt tứ thập kiếp sanh tử trọng tội’.

Phật hiệu ‘Vô Biên Thân Như Lai’, trong chú giải, pháp sư Thanh Liên chú thích rất rõ ràng; đối với Phật hiệu bạn phải hiểu rõ, nếu bạn không hiểu rõ không lý giải thì làm sao tương ứng được? ‘Vô Biên Thân’ nghĩa là gì? Phần chú giải ghi ‘Ba Thân đều có ý nghĩa như vậy’, Ba Thân là Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân. Pháp Thân chính là tự tánh, Pháp Thân chẳng có hình tướng, Pháp Thân là Lý chứ chẳng phải là Sự tướng, Lý trùm khắp mọi nơi, đó là Vô Biên Thân. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Tỳ Lô Xá Na, đây là tên tiếng Phạn, nghĩa của danh từ này là ‘Biến Nhất Thiết Xứ’, đây là bản thể, lý thể. Trong kinh Hoa Nghiêm cũng được gọi là Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới chính là Pháp Thân, trong Tịnh Độ gọi là Thường Tịch Quang Tịnh Độ, Thường Tịch Quang chẳng có hình tướng. Trong bốn cõi ở Tây Phương Cực Lạc thế giới, Thường Tịch Quang chẳng có tướng, Thật Báo Độ chính là Báo Thân, Phương Tiện Độ, Đồng Cư Độ là Ứng Hóa Thân; Ứng Hóa Thân tùy loại hóa thân, chúng sanh có cảm thì lập tức liền hiện tướng, cũng hiện vô lượng vô biên. Khi bạn hiểu ý nghĩa này thì hãy hỏi đức Phật  Thích Ca Mâu Ni có nhập Niết Bàn không? Chẳng có, chẳng những trên Lý chẳng có, trên Sự cũng chẳng có, đó là sự thật.  Tại sao lại nói trên Sự cũng chẳng có? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, thay đổi một thân phận khác, chẳng dùng thân có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, Ngài chẳng dùng thân này nữa. Tại sao chẳng dùng thân này? Chúng sanh phước mỏng, cho nên đức Phật phải hiện một thân tướng khác. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở trên thế gian này có thể hiện vô lượng vô biên thân tướng, thị hiện nam nữ, già trẻ, các ngành các nghề, mỗi một vị Phật đều có thể hiện vô biên thân tướng, đặc biệt là lúc chúng sanh có tai nạn, chịu đựng nỗi khổ to lớn, tạo tội nghiệp to lớn thì tâm từ bi của chư Phật, Bồ Tát càng to lớn. Chúng ta phải nhận biết, phải hiểu rõ.

Làm sao bạn có thể nhận biết? Làm sao mới có thể tiếp xúc đến?  Bạn hãy thử xem, xem hết thảy chúng sanh như cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai, thì bạn sẽ tiếp xúc được, thì bạn sẽ cảm nhận được chư Phật, Bồ Tát đang ở trong thế giới này của chúng ta, chẳng hề rời khỏi chúng sanh đang chịu tội khổ, ngay vào lúc đó nếu chúng ta có một niệm tương ứng thì sẽ được cứu, sẽ được độ. Sau đó bạn mới hiểu quả báo nói trong kinh là thật chứ chẳng phải giả, tâm cung kính của bạn mới thật sự có thể khởi lên. Cung kính chẳng ở trên hình thức, cung kính là lý giải, hiểu rõ, giác ngộ, y giáo phụng hành, dứt khoát chẳng ở trên hình thức. Hình thức là để biểu diễn cho những người có thiện căn ít ỏi; chúng ta tạo hình tượng Phật, Bồ Tát, mỗi ngày cung kính lễ bái, cúng dường là đóng kịch, để cho những người còn chưa học Phật, còn chưa tiếp xúc đến Phật pháp coi. Họ coi xong sẽ cảm thấy rất kỳ lạ, tại sao phải làm những động tác, bày tỏ [cung kính] này trước hình tượng Phật, Bồ Tát? Khi họ đặt dấu hỏi xong sẽ đến tìm bạn, lúc đó bạn giải thích, bạn giảng giải cho họ hiểu, công đức là như vậy, đây là cơ hội giáo dục. Hiện nay thực hiện cơ hội giáo dục phải nói là có hiệu quả thù thắng hơn thời xưa. Thời xưa [những người] đến đạo tràng nhất định là người cầu pháp, đúng như câu nói ‘chẳng có việc gì thì chẳng lên điện Tam Bảo’, đặc biệt là đạo tràng nhà Phật đều được xây dựng trong núi sâu, chỗ dấu chân người ít tới. Vì giao thông chẳng thuận tiện, vô cùng khó khăn, nếu họ không có chuyện gì thì đến đó làm chi? Khi đến đạo tràng thì nhất định phải là đến cầu pháp, cho nên cơ hội giáo dục ít hơn ngày nay.

Hiện nay giao thông thuận tiện, nhanh chóng, những người đi du lịch ngắm cảnh muốn đến những chỗ [có đạo tràng] ấy để xem, để thưởng thức; những người xuất gia ở trong đạo tràng mỗi ngày sẽ có thể làm [công tác] cơ hội giáo dục. Có người ở chánh điện đốt hương, lễ lạy, làm ra những hình thức như vậy cho các du khách coi, họ chưa từng thấy, chưa từng tiếp xúc đến, cần có người giải thích cho họ hiểu. Nhờ vậy trong chuyến đi du lịch của họ sẽ vô hình trung được tiếp xúc đến Phật pháp, chẳng hay chẳng biết hạt giống Phật pháp được gieo xuống nên họ sẽ học Phật, bạn coi công đức ấy bao lớn. Do đó những đạo tràng này [có thể thực hiện] cơ hội giáo dục, tiếp dẫn quảng đại chúng sanh, thật sự là đang cứu độ hết thảy tội khổ chúng sanh, họ đang làm sự nghiệp này. Nhất định phải có tâm lượng như Phật, có tấm lòng của Phật, niệm niệm đều nghĩ đến hết thảy chúng sanh đang chịu tội khổ, tuyệt đối chẳng vì chính mình. Người đi du lịch đem nguồn thâu nhập đến cho chúng ta, nếu mục tiêu của chúng ta chỉ đặt ở chỗ này thì sai rồi, hoàn toàn sai lầm. Mục đích của chúng ta phải đặt trên việc cứu độ hết thảy chúng sanh đang chịu tội khổ, làm cho họ nhận biết Phật pháp, hiểu rõ Phật pháp, sửa đổi quan niệm của họ về vũ trụ nhân sanh, đó là việc cứu độ cho họ. Phần cúng dường của họ cho đạo tràng mới là công đức chân thật. Đây là nói về việc ‘tạm sanh cung kính’, tạm thời tức là một niệm tương ứng, một niệm ấy thật sự tương ứng thì sẽ có thể đạt được mức ‘siêu việt bốn mươi kiếp sanh tử trọng tội’.

‘Huống chi là nặn đúc hình tượng, cúng dường tán thán’. Đây là người đã bước vào cửa, đã nhập cảnh giới rồi mới chịu làm như vậy.  [Nói đến việc] tạo tượng Phật, hiện nay tạo tượng Phật rất dễ dàng, thuận tiện hơn lúc trước nhiều. Lúc trước tượng Phật đều là đồ thủ công nghệ; hiện nay làm tượng Phật có thể đúc một cái khuôn thì có thể làm ra mấy ngàn, mấy vạn tượng Phật một cách nhanh chóng, lợi dụng máy móc để làm [cho nhanh]. Lúc trước mỗi tượng Phật đều dùng sức người điêu khắc thành. Chư vị ở Trung Quốc Đại Lục, bạn thấy động Vân Cương, Đôn Hoàng đều phải trải qua mấy chục năm, mấy trăm năm mới hoàn thành. Hiện nay muốn làm thì rất thuận tiện. Nói một cách khác, người hiện đại tu phước thuận tiện hơn thời xưa, nhưng khó ở chỗ nào? Bốn chữ sau ‘cúng dường, tán thán’. Cúng dường là gì? Y giáo phụng hành, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện dạy chúng ta ‘Rộng tu cúng dường’, trong đó đặc biệt dạy chúng ta ‘Pháp cúng dường là quý nhất’. Bồ Tát nói ra bảy loại Pháp cúng dường, thứ nhất là ‘Cúng dường bằng cách y theo lời dạy tu hành’, đức Phật dạy chúng ta làm sao, chúng ta phải làm theo, như vậy mới gọi là cúng dường. Nói một cách cạn cợt, đức Phật dạy chúng ta không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, chúng ta đều có thể làm được thì gọi là cúng dường. Tán thán tức là ‘vì người diễn nói’, giới thiệu Phật pháp cho người thì gọi là tán thán. Do đó tán thán là hoằng pháp lợi sanh, cúng dường là tự mình y giáo phụng hành. Người có thể làm như vậy thì phước báo của họ đương nhiên sẽ lớn, ‘kỳ nhân hoạch phước vô lượng vô biên’. Cho nên sau khi hiểu rồi thì đọc đến kinh này chúng ta sẽ tin tưởng, sẽ chẳng còn nghi ngờ nữa. Phần đông người ta đọc kinh rất sơ ý, chỉ làm hình thức chứ chẳng có nội dung thực tế, tâm cảnh đều không tương ứng, thì họ làm sao có phước được? Khi không có phước thì họ sẽ chê bai, hủy báng kinh, nói lời Phật dạy trong kinh đều là giả, tôi làm theo chẳng có cảm ứng, tội báng Phật, báng pháp cực nặng, không những chẳng được lợi ích mà còn đọa lạc. Nói thật ra trong kinh đức Phật nói rất rõ ràng, bạn lại hiểu sai ý tứ, dùng ý tứ của bạn để giải thích kinh Phật, giải sai kinh Phật, hiểu méo mó lời của Phật dạy, lỗi đó là tại mình chứ chẳng phải tại kinh, cho nên kinh Kim Cang dạy chúng ta ‘thâm giải ý thú’, bốn chữ này rất quan trọng, phải lý giải một cách chính xác, phải hiểu sâu thì bạn mới có được thọ dụng chân thật. Coi tiếp vị thứ hai:

 

Hựu ư quá khứ Hằng hà sa kiếp, hữu Phật xuất thế, hiệu Bảo Tánh Như Lai, nhược hữu nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh nhất đàn chỉ khoảnh, phát tâm quy y, thị nhân ư vô thượng đạo vĩnh bất thoái chuyển.

又於過去恒河沙劫。有佛出世。號寶性如來。若有男子女人。聞是佛名一彈指頃。發心歸依。是人於無上道永不退轉。

Lại Hằng hà sa kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tánh Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này và trong khoảnh khắc bằng khảy móng tay liền phát tâm quy y, người đó sẽ vĩnh viễn không còn thoái chuyển nơi Ðạo Vô Thượng.

Đoạn trước có nói Vô Biên Thân Như Lai cách chúng ta vô lượng A Tăng Kỳ kiếp, Bảo Tánh Như Lai cách chúng ta số kiếp bằng số cát sông Hằng, vô cùng lâu xa. Do đó trong chú giải vừa mở đầu liền nói ‘Hằng hà sa kiếp, giác tiền cánh đa hỹ’ (Số kiếp như số cát sông Hằng, còn nhiều hơn đoạn trước), so sánh với vị Phật trước, thời gian càng lâu dài hơn. Bảo Tánh Như Lai ở đây cũng có lời giải thích đơn giản, kinh Liên Hoa Diện nói ‘chư Phật Như Lai thị chúng sanh bảo’ (Chư Phật Như Lai là vật báu của chúng sanh). Sau đó nói ‘của báu có bảy thứ’, đây là bảy thứ báu thường được nói đến trong kinh Phật. Tánh là tỷ dụ cho Pháp Thân, trong chú giải cũng có [giải thích], chư vị coi thử sẽ hiểu. Thí dụ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Pháp Thân gọi là Tứ Tịnh Đức, trong tự tánh vốn sẵn có, khi mê mất tự tánh thì bốn thứ này mất hết. Nếu bạn giác ngộ rồi, kiến tánh rồi, kiến tánh tức là tư tưởng, kiến giải, hành vi tương ứng với tự tánh, lúc ấy Tứ Đức sẽ hiện ra. Đích thật có Thường, Thường nghĩa là không sanh không diệt, trong Phật pháp thường gọi Vô Lượng Thọ nghĩa là Thường. Chữ Vô Lượng ở đây là thật sự vô lượng, chẳng phải giả, chẳng phải là hữu lượng Vô Lượng, thật sự là vô lượng. Tịnh là thanh tịnh chẳng nhiễm, cả hai bên nhiễm tịnh cũng chẳng lập. Ngã là tự tại, là chủ tể, cái gì là chủ tể? Vũ trụ là chủ tể, pháp giới là chủ tể, thật sự là chủ tể. Lạc là chân lạc, cả hai Khổ và Lạc đều chẳng có mới gọi là Lạc thật sự, đó là tuyệt đối chứ không phải là tương đối. ‘Bảo Tánh Như Lai’ là ai? Là chính mình, là Pháp thân thanh tịnh của chính mình. Phía trước Vô Biên Thân Như Lai là ba thân của chính mình, tương ứng với Phật tức là tương ứng với tự tánh ba thân. Bảo Tánh Như Lai, niệm danh hiệu của vị Phật này, một niệm tương ứng là tương ứng với tự tánh của tánh đức.

Phía sau nói ‘Nhược hữu nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh, nhất đàn chỉ khoảnh’, đây là nói thời gian rất ngắn, tỏ rõ công đức chẳng thể nghĩ bàn. ‘Phát tâm quy y’, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của hai chữ quy y, ‘quy’ nghĩa là quay về, thật sự quay về; ‘y’ nghĩa là nương dựa, nương dựa vào cái gì? Nương dựa vào Bảo Tánh Như Lai, tức là nương dựa vào tự tánh của tánh đức, một niệm này tương ứng. Sau đó nói đến lợi ích mà người ấy đạt được ‘thị nhân ư vô thượng đạo, vĩnh bất thoái chuyển’, vô thượng đạo là con đường thành Phật, phàm phu chúng ta học Phật tại sao phải trải qua vô lượng kiếp? Trong kinh gọi là ‘vô ương kiếp số’, nguyên nhân là vì thoái chuyển, nói thật ra tiến lên thì ít, thoái lui thì nhiều, chư vị thử suy nghĩ thì sẽ hiểu được. Chúng ta xoay vần trong lục đạo, cơ hội được thân người thì ít, cơ hội nghe được Phật pháp lại càng ít, khi bạn được thân người mà không có cơ hội được nghe Phật pháp thì sẽ thoái chuyển, chẳng phải chỉ là ‘một ngày nóng, mười ngày lạnh’ mà thôi. Thí dụ đời này chúng ta được thân người, được nghe Phật pháp, nếu không thể thành tựu thì nhất định sẽ xoay vần theo nghiệp, lưu chuyển theo nghiệp thì nhất định sẽ đọa tam ác đạo, tại sao vậy? Chúng ta hãy bình tĩnh, thành thật suy nghĩ thử coi, chẳng cần nghĩ về đời quá khứ, chỉ nghĩ về đời này, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói hành động tương ứng với tham sân si mạn thì là tam ác đạo, nếu tương ứng với ngũ giới thập thiện thì là cõi trời, người, mỗi ngày chúng ta có bao nhiêu tâm niệm tương ứng với ngũ giới thập thiện? Có bao nhiêu tâm niệm tương ứng với tham sân si, thập ác nghiệp? Như vậy không phải là đã rõ ràng rồi sao. Một khi rơi vào ác đạo, trong kinh này nói thời gian trong địa ngục đều là vô số kiếp. Ở cõi người mấy mươi năm ngắn ngủi được nghe Phật pháp, sau đó là vô số kiếp không được nghe Phật pháp, bạn mới biết mức độ thoái chuyển bao lớn! Sau khi nhận lãnh khổ báo trong vô số kiếp xong mới được thân người, khi được thân người chưa chắc sẽ được nghe Phật pháp trở lại, cho nên trong kinh đức Phật nói ‘Thân người khó được, Phật pháp khó nghe’ là thật chứ chẳng phải giả, thật là rất khó! Vì nguyên nhân này nên bạn học Phật muốn được thành tựu phải trải qua vô ương kiếp số.

Vô ương kiếp số bạn đạt được hiệu quả gì? Thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi thập pháp giới, chứng được quả vị Sơ Trụ Bồ Tát phải trải qua vô ương kiếp số. [Thời gian] từ Sơ Trụ Bồ Tát đến khi thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn, thông thường nói đến ba A Tăng Kỳ kiếp, con số này có thể xác định, còn con số phía trước chẳng có cách gì xác định được. Tới bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo cũng ví như bạn đi học, bạn học cấp một, bạn có thể dự định bao nhiêu năm có thể tốt nghiệp, nhập học rồi thì con số này có thể tin được. Thường thường nói thành Phật cần phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp, chư vị phải biết, chẳng phải nói chúng ta, mà là nói Sơ Trụ Bồ Tát trong Nhất Chân pháp giới đến Phật quả cứu cánh, trong đó trải qua bốn mươi mốt địa vị: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, trải qua bốn mươi mốt địa vị phải cần ba A Tăng Kỳ kiếp, quá khó! Thật là quá khó! Nhưng khi bạn có một niệm quy y, quy y phải là quy y thật, chẳng phải quy y trên hình thức.  Quy y này là nương về Bảo Tánh Như Lai, là quy y Tự Tánh, Bảo Tánh Như Lai là Tự Tánh Tam Bảo, chân chánh quy y Tự Tánh Tam Bảo thì công đức ấy sẽ rất lớn, tại sao vậy? Mỗi niệm bạn đều có thể xứng tánh thì đương nhiên sẽ chẳng thoái chuyển. Người như thế nào mới có thể làm được việc này? Sơ Trụ Bồ Tát, trong kinh chúng ta thấy, ‘Đại Thừa Khởi Tín Luận’ là cảnh giới của Sơ Trụ Bồ Tát, Kinh Kim Cang cũng là cảnh giới của Sơ Trụ Bồ Tát, họ thật sự quy y Tự Tánh Tam Bảo. Chiếu theo tiêu chuẩn của kinh Kim Cang mà nói thì “quy y Tự Tánh Tam Bảo” nghĩa là lìa bốn tướng ‘Chẳng có tướng Ngã, chẳng có tướng Người, chẳng có tướng Chúng Sanh, chẳng có tướng Thọ Giả’, đó là thật sự quy y. Nếu vẫn còn bốn tướng này thì chẳng phải quy y, bạn vẫn chưa quay về, cũng chẳng nương dựa, đây là việc chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải biết rõ.

Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây thôi.

 

[1] Trần ở đây là Lục Trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp), bản chất của Lục Trần là không thật có. Do vọng tâm còn mê, tâm tánh bị mê nhiễm che lấp, đối các cảnh liền bị mê nên gọi đó là Trần. Do tánh nhiễm mê không thật có (vì tâm ta mê chứ cảnh không làm cho tâm bị mê) nên gọi là Phù Trần. Khi đã giác thì chân tâm nhận biết các cảnh đúng với bản chất thanh tịnh của nó nên gọi là Cảnh chứ không còn là Trần nữa.

[2] “Hựu phục ưng tri, nhất thiết giai thị phù trần huyễn vọng tướng, đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”

[3] “Huyễn vọng sanh tướng kỳ tánh chân vi diệu giác minh thể”

[4] ‘Túng ngô tức nhập Niết Bàn, túng tiện nhữ tảo tất thị nguyện, ngô diệc bất ưu hiện tại vị lai nhất thiết chúng sanh hỹ. Hà dã, hữu thử xưng danh chi pháp, nhân nhân khả bất đọa khổ, tinh thú nhân thiên tu hành, chung chí thành Phật vô ngại’

Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.