PHẨM THỨ 8: CÁC VUA DIÊM LA VÀ QUYẾN THUỘC TÁN THÁN
閻羅王眾讚歎品第八
Xin mở cuốn Khoa Chú, quyển trung, trang số chín mươi mốt, hàng thứ hai đếm ngược lại, Diêm La Vương Chúng Tán Thán phẩm đệ bát, xin xem kinh văn:
Nhĩ thời Thiết Vi sơn nội hữu vô lượng quỷ vương, dữ Diêm La thiên tử câu nghệ Ðao Lợi lai đáo Phật sở.
爾時鐵圍山內有無量鬼王。與閻羅天子俱詣忉利來到佛所。
Lúc đó, trong núi Thiết Vi có vô lượng quỷ vương cùng với Diêm La thiên tử đồng lên cung trời Ðao Lợi, đến chỗ của Ðức Phật.
Chúng ta coi trước đoạn này, bộ kinh này nói rất cặn kẽ về tình huống trong lục đạo. Tương truyền thế gian có mười điện Diêm Vương, đích thật có việc này. Lúc trước tôi ở Ðài Bắc, tổng cán sự của Tổng Hội Phật Ðà Giáo Dục Cơ Kim, cư sĩ Giản Phong Văn nói với tôi, lúc ông tĩnh tọa, trong thiền định ông nhìn thấy rất nhiều lần, ông nói với tôi vua Diêm La trong cõi quỷ, thoạt nhìn thì ông này không cao lắm, đại khái chỉ cao ba bộ, nhìn thấy rất rõ ràng. Còn chúng sanh trong quỷ đạo, rất nhiều người đích thân tiếp xúc đến, đặc biệt là ở y viện, các bác sĩ, y tá trong nhà thương, họ rất tin những chuyện này vì rất nhiều người đã từng gặp qua. Ở Ðài Bắc có một tổng y viện Vinh Dân, trước kia tôi có vài bạn đồng học phục vụ ở đó, họ nói với tôi họ đích thân từng trải qua. Họ nói nếu thấy Ðại Quỷ Vô Thường xuất hiện ở trước cửa phòng bịnh, trong tập tục Trung Quốc họ gọi là Bạch Vô Thường, Hắc Vô Thường; nếu gặp được, nhìn thấy ở phòng nào, thì người bịnh ở phòng đó nhiều nhất là ba ngày sẽ mất. Cho nên chúng ta nói đến chuyện quỷ thần trong nhà Phật, hầu như họ đều tin tưởng, chẳng nghi ngờ gì hết. Chúng ta đối với lời dạy của đức Phật, trong kinh Ðại Thừa đức Phật nói với chúng ta ‘Như Lai là người nói lời chân thật, lời thật thà, chẳng vọng ngữ, chẳng nói dối’, những gì được nói đều là chân tướng sự thật. Tuy là chân tướng sự thật, nhưng cũng không ra ngoài nguyên tắc này, những tướng này cũng không chân thật, cũng giống như cõi người chúng ta. Những hiện tượng hiện tiền của chúng ta cũng không chân thật, trong kinh nói ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Hết thảy pháp hữu vi như mộng huyễn, bọt, bóng’. Nhưng những hiện tượng này tồn tại, có tướng không tánh, chẳng có tự tánh, cho nên nói nó không tịch. Nhưng những hiện tượng này, nếu bạn không hiểu rõ, không rành rẽ, bạn khởi phân biệt chấp trước trong ấy thì bạn phải chịu khổ nạn, đây là điều nhất định không thể tránh khỏi. Nếu bạn hiểu rõ, rành rẽ, đối với những hiện tượng này không khởi phân biệt, không khởi chấp trước thì những hiện tượng này sẽ không chướng ngại, giống như kinh Hoa Nghiêm có nói ‘Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại’, bạn sẽ được đại tự tại trong đời sống. Nghĩa thú chân chánh của lời Phật dạy là ở chỗ này.
‘Nhĩ thời’ là lúc giảng xong phẩm Lợi Ích Cho Kẻ Còn Người Mất. Vì phẩm trước giảng về việc nên làm thế nào để kỷ niệm, giúp đỡ người qua đời, làm thế nào để siêu độ họ, có lợi ích chân thật cho người mất, bất luận họ đọa lạc vào cõi nào cũng có lợi ích. Cho dù sanh đến cõi trời, cõi người hưởng phước, sự siêu bạt này cũng có thể tăng thêm phước báo của họ, trong ác đạo có thể giúp họ siêu sanh. Từ địa ngục có thể siêu sanh đến cõi ngạ quỷ, lợi ích này đã rất lớn rồi, nếu có thể siêu sanh đến cõi người, cõi trời, thì phước đức đó càng lớn. Thế nên quan hệ giữa các vua Diêm La và chuyện này rất mật thiết, họ nghe xong vô cùng cảm động, đến tán thán. ‘Thiết Vi sơn nội’ phía trước đã nói, đây là nơi người thế gian chúng ta nói chỗ của Âm Tào Địa Phủ. Núi Thiết Vi thật sự là ở đâu, con người chúng ta chẳng nhìn thấy, những chỗ Thiết Vi, Tu Di, biển lớn nói trong kinh đều là nơi mắt thịt chúng ta chẳng nhìn thấy. Vừa nghe hình như không thể nghĩ bàn, trên thực tế khoa học gia ngày nay đã chứng minh cho chúng ta, đây là vì thời gian, không gian khác nhau. Không gian chúng ta đang cư trú hiện nay gọi là không gian ba chiều. Khoa học gia đã phát hiện không gian bốn chiều, nhưng phần đông chúng ta vẫn không cảm nhận, tiếp xúc được. Còn những không gian có duy thứ cao hơn thì chẳng phải là chỗ phàm phu chúng ta có thể hiểu được. Thế nên trạng huống trong lục đạo chính là thời gian, không gian khác nhau [mà thôi].
Ở đây có ‘vô lượng quỷ vương’, những quỷ vương này đều dưới quyền cai quản của vua Diêm La. Họ đều đến cung trời Đao Lợi, ‘lai đáo Phật sở’, đây là cùng Địa Tạng Bồ Tát đến để tham dự pháp hội này. Từ chỗ này chúng ta có thể hiểu được đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong hội ở cung trời Đao Lợi này, đây là hội cuối cùng, pháp hội cuối cùng trước khi Ngài nhập niết bàn. Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, pháp hội lần thứ nhất là ở Bồ Đề Trường, trong thiền định, tức là pháp hội Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm được giảng trong định, phàm phu chúng ta chỉ thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở dưới cây Bồ Đề tĩnh tọa, chẳng biết Ngài ở nơi đó khai diễn pháp hội lớn, trang nghiêm như vậy. Hội cuối cùng ở cung trời Đao Lợi, hội này cũng thù thắng vô cùng, trạng huống thù thắng nói thật ra chẳng thua hội kinh Hoa Nghiêm, chúng ta nhìn thấy trong phẩm tựa mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đều đến tham dự; bạn nghĩ xem hội này lớn biết mấy, đây cũng là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Họ đến chỗ của Phật. Sau đây nêu lên danh xưng của các vị quỷ vương, tổng cộng nêu lên ba mươi bốn vị:
Sở vị: Ác Ðộc Quỷ Vương, Ða Ác Quỷ Vương, Ðại Tranh Quỷ Vương, Bạch Hổ Quỷ Vương, Huyết Hổ Quỷ Vương, Xích Hổ Quỷ Vương, Tán Ương Quỷ Vương, Phi Thân Quỷ Vương, Ðiển Quang Quỷ Vương, Lang Nha Quỷ Vương, Thiên Nhãn Quỷ Vương, Ðạm Thú Quỷ Vương, Phụ Thạch Quỷ Vương, Chủ Hao Quỷ Vương, Chủ Họa Quỷ Vương, Chủ Thực Quỷ Vương, Chủ Tài Quỷ Vương, Chủ Súc Quỷ Vương, Chủ Cầm Quỷ Vương, Chủ Thú Quỷ Vương, Chủ Mỵ Quỷ Vương, Chủ Sản Quỷ Vương, Chủ Mạng Quỷ Vương, Chủ Tật Quỷ Vương, Chủ Hiểm Quỷ Vương, Tam Mục Quỷ Vương, Tứ Mục Quỷ Vương, Ngũ Mục Quỷ Vương, Kỳ Lợi Thất Vương, Ðại Kỳ Lợi Thất Vương, Kỳ Lợi Xoa Vương, Ðại Kỳ Lợi Xoa Vương, A Na Tra Vương, Ðại A Na Tra Vương.
所謂惡毒鬼王。多惡鬼王。大諍鬼王。白虎鬼王。血虎鬼王。赤虎鬼王。散殃鬼王。飛身鬼王。電光鬼王。狼牙鬼王。千眼鬼王。噉獸鬼王。負石鬼王。主耗鬼王。主禍鬼王。主食鬼王。主財鬼王。主畜鬼王。主禽鬼王。主獸鬼王。主魅鬼王。主產鬼王。主命鬼王。主疾鬼王。主險鬼王。三目鬼王。四目鬼王。五目鬼王。祁利失王。大祁利失王。祁利叉王。大祁利叉王。阿那吒王。大阿那吒王。
Ðó là: Ác Ðộc Quỷ Vương, Ða Ác Quỷ Vương, Ðại Tranh Quỷ Vương, Bạch Hổ Quỷ Vương, Huyết Hổ Quỷ Vương, Xích Hổ Quỷ Vương, Tán Ương Quỷ Vương, Phi Thân Quỷ Vương, Ðiển Quang Quỷ Vương, Lang Nha Quỷ Vương, Thiên Nhãn Quỷ Vương, Ðạm Thú Quỷ Vương, Phụ Thạch Quỷ Vương, Chủ Hao Quỷ Vương, Chủ Họa Quỷ Vương, Chủ Thực Quỷ Vương, Chủ Tài Quỷ Vương, Chủ Súc Quỷ Vương, Chủ Cầm Quỷ Vương, Chủ Thú Quỷ Vương, Chủ Mỵ Quỷ Vương, Chủ Sản Quỷ Vương, Chủ Mạng Quỷ Vương, Chủ Tật Quỷ Vương, Chủ Hiểm Quỷ Vương, Tam Mục Quỷ Vương, Tứ Mục Quỷ Vương, Ngũ Mục Quỷ Vương, Kỳ Lợi Thất Vương, Ðại Kỳ Lợi Thất Vương, Kỳ Lợi Xoa Vương, Ðại Kỳ Lợi Xoa Vương, A Na Tra Vương, Ðại A Na Tra Vương.
Tổng cộng nêu ra ba mươi bốn vị, đây chỉ là nói sơ lược. Ba mươi bốn quỷ vương này, chư vị phải biết đó là ba mươi bốn loại, số lượng trong mỗi loại chẳng biết là bao nhiêu. Giống như trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy những tạp thần chúng vậy, số lượng trong mỗi loại trong kinh Hoa Nghiêm đều nói vô lượng, ở đây cũng vậy. Trong các loại quỷ vương, đặt Ác Độc Quỷ Vương đầu tiên, trong chú giải cũng nói rất rõ ràng ‘Ác Độc là thủ lãnh của các quỷ vương nên được đặt đầu tiên’, đây là thủ lãnh của hết thảy quỷ vương. Ý nghĩa tượng trưng ở đây là ‘thập ác tam độc, vừa ác vừa độc’, danh xưng được lập từ đây. Những vị này có thể tham dự pháp hội của đức Phật nhất định chẳng phải thật là ngạ quỷ đạo, thật sự chúng sanh trong cõi ngạ quỷ chẳng có phước đức lớn như vậy để tham dự pháp hội nơi cung trời Đao Lợi. Những vị này giống như các vị trong hội kinh Hoa Nghiêm, đều là chư Phật Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ ứng hóa, như câu ‘Nên dùng thân quỷ thần để độ được thì hiện thân quỷ thần để độ’. Phương pháp độ chúng sanh cũng chẳng giống nhau, nên dùng phương pháp ác độc để độ thì Ngài sẽ dùng phương pháp ác độc. Thế nên đức Phật giáo hóa chúng sanh có hai môn: Chiết phục và nhiếp thọ; thật ra người thế gian chúng ta thường nói thi ân và ra oai, cũng cùng một đạo lý, hoàn toàn phải coi căn tánh của chúng sanh. Chúng ta không thể dùng phương pháp giáo hóa sai lầm, lúc cần dùng oai thì phải dùng oai, lúc nên dùng lòng từ nhiếp thọ thì phải dùng lòng từ. Trong kinh Phật gọi là ‘ái ngữ’, ái ngữ không nhất định phải là lời nói dễ nghe, mà là gì? Thật sự là lời nói thương mến bảo hộ chúng sanh, khi bạn trách móc, dạy dỗ, chửi mắng, bạn thật sự thương mến bảo hộ, bạn trừng phạt kẻ ấy cũng là thương mến bảo hộ kẻ ấy. Lục đạo chúng sanh tạo tác những tội nghiệp này, làm sao mới tiêu trừ được? Phải dùng những phương pháp ác độc này để tiêu trừ nghiệp chướng của họ, Bồ Tát thị hiện trong cõi quỷ, cõi địa ngục cũng là đại từ đại bi, giúp đỡ những chúng sanh tạo nghiệp này nhanh chóng tiêu trừ nghiệp chướng.
Trong chú giải, pháp sư Thanh Liên nói rất rõ ràng, Ngài nói ở hàng cuối: ‘Những vị quỷ vương đó đều là những Bồ Tát không thể nghĩ bàn, đại quyền ứng hóa, dùng ác công phá ác, dùng độc đối trị độc’. Đại sư Thiên Thai giảng kinh Pháp Hoa, giảng đến tánh ác và tu ác; pháp sư Thanh Liên là học giả Thiên Thai nên ở trong chú giải Ngài dùng giáo nghĩa Thiên Thai rất nhiều; đây tức là dùng độc công phá độc, dùng phương pháp này. Giáo học nhà Nho nói với chúng ta một người thầy tốt, người thầy dạy dỗ học sinh khéo léo nhất định phải hiểu cơ hội giáo dục, trong Phật pháp gọi là khế cơ, khế cơ nhất định phải nhận biết [thời] ‘cơ’, phải vận dụng khéo léo thời cơ này. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy người học chân chánh chỉ thấy có một mình ta là học trò thôi, ngoài chính mình ra chẳng có ai không phải là thiện tri thức, chẳng có ai không phải là Phật, Bồ Tát cả. Nhà Nho dạy người ta ‘Trong ba người cùng đi, phải có một người là thầy mình’, ba người này: Một là mình, thứ hai là người nói thiện, thứ ba là người nói ác. Ác Độc quỷ vương ở đây đại biểu cho người ác, họ đều là thầy của mình. Sự thị hiện của họ làm cho chúng ta hiểu về thiện ác, làm cho chúng ta biết dứt ác, tu thiện, hiểu rõ thiện nhân thiện quả, ác nhân ác báo, làm mọi thứ thị hiện để giáo hóa chúng sanh. Thế nên trong năm mươi ba lần tham vấn, chúng ta thấy Thắng Nhiệt Bà La Môn, Cam Lộ Hỏa Vương rất rõ ràng, đặc biệt là phương pháp dạy dỗ chúng sanh của Cam Lộ Hỏa Vương, đó chính là [phương pháp] ác độc.
Vị thứ hai là Đa Ác Quỷ Vương đích thật là như vậy, nhưng tâm địa vô cùng từ bi. Dùng phương pháp [ác độc] để chiết phục chúng sanh, làm cho họ quay đầu hướng thiện. Căn tánh chúng sanh chẳng tương đồng, thủ đoạn giáo hóa của Bồ Tát chẳng giống nhau. Từ trong đó chúng ta giác ngộ, tỉnh ngộ thì đó là đại thiện tri thức. Do đó trong hết thảy cảnh duyên, chúng ta dùng tâm chân thành tiếp xúc, dùng tâm cung kính tiếp xúc, tổ Ấn Quang dạy ‘Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích’. Họ thị hiện như thế nào, chúng ta học tập như thế nào? Trong ấy đạt được đại lợi ích, trong ấy sanh trí huệ chân thật.
Thứ ba Đại Tranh Quỷ Vương, ‘Tranh’ tức là đấu tranh. Thế Tôn nói với chúng ta, trong thời đại hiện nay, năm lần năm trăm năm sau [khi đức Phật nhập niết bàn] là thời đấu tranh kiên cố, bất luận là y theo sự tính toán của người Trung Quốc hoặc của người Tây phương, đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ đến nay đã hơn năm lần năm trăm năm. Năm lần năm trăm năm tức là hai ngàn năm trăm năm, bất luận là dùng cách tính nào, thời đại hiện nay đều là thời đại đấu tranh kiên cố. Nếu bạn hỏi có đạo tràng nào không đấu tranh, đó thật là rất kỳ lạ, vậy thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni không phải nói sai rồi sao? Do đó chúng ta thấy trong thế gian hiện nay đấu tranh, trong cửa Phật cũng đấu tranh, chẳng có lúc nào, chỗ nào không có đấu tranh. Có bao nhiêu người từ trong sự đấu tranh có thể giác ngộ, tỉnh ngộ, thật sự giác ngộ thì sẽ tu nhẫn nhịn, họ có thể tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, có thể thành tựu Thiền Định Ba La Mật. Đấu tranh đến cuối cùng thì mọi người tỉnh ngộ trở lại, đấu tranh chẳng phải là biện pháp, đấu tranh quá khổ. Nhưng nếu không trải qua sự đấu tranh đau khổ như vậy thì họ sẽ chẳng giác ngộ, khi bạn nói Phật pháp, thiện pháp với họ, họ sẽ chẳng nghe được. Những người này, những chuyện này chúng ta đều đích thân thể nghiệm rồi, không trải qua những giai đoạn này không được, [phải trải qua] thì họ mới quay về. Do đó Phật, Bồ Tát bèn thị hiện cảnh giới này, làm cho bạn nếm hết sự khổ thì bạn mới quay đầu trở lại được.
Ba vị thứ tư, năm, sáu này Bạch Hổ, Huyết Hổ, Xích Hổ Quỷ Vương, ba loại này chúng ta đều gọi là lão hổ, quỷ vương có đầu hổ thân người. Hổ là mãnh thú, đó là ‘mãnh mà có oai, mạn mà nhiều bạo lực’, kiêu mạn, bạo lực. Phần đông các quỷ vương đều ở trong cõi người tu hành có phước báo, càng là quỷ vương lớn thì phước báo càng lớn. Tại sao tu phước lớn mà lại rơi vào cõi quỷ? Trong kinh luận đức Phật dạy chúng ta về nghiệp nhân quả báo của mười pháp giới, [sanh vào] cõi quỷ là vì tâm tham, cõi địa ngục là vì tâm sân giận, ngạo mạn là một loại sân khuể. Cho nên khi bạn tu phước báo to lớn, nếu không đoạn dứt tham và sân giận thì quả báo tương lai sẽ làm quỷ vương. Quỷ vương của cõi ngạ quỷ, của cõi địa ngục, sẽ sanh làm những vị này.
Thứ bảy Tán Ương Quỷ Vương, ‘Ương’ tức là tai ương, người hiện đại chúng ta gọi là các loại ôn dịch. Người thế gian tạo ra tội nghiệp cực nặng, quỷ thần nơi đó trước hết tạo ra rất nhiều tai biến, những việc này đều là cảm ứng. Họ khởi tâm động niệm chẳng cảm ứng đến thiên thần, cảm ứng đến Phật, Bồ Tát, mà cảm ứng đến yêu ma quỷ quái, bạn coi như vậy thì làm sao được! Nếu nói cảm ứng đạo giao với thiên thần thì đó là thập thiện nghiệp đạo, tứ vô lượng tâm. Trong buổi giảng chúng ta dùng phương pháp khoa học hiện đại để nói, những làn sóng tư tưởng khi chúng ta khởi tâm động niệm còn nhanh hơn làn sóng điện; sóng điện, sóng ánh sáng chẳng thể sánh bằng làn sóng tư tưởng của chúng ta. Khi chúng ta khởi tâm động niệm, một niệm này vừa khơi dậy thì liền biến trọn hư không pháp giới; nói thật ra tốc độ của sóng điện và sóng ánh sáng còn rất có hạn, một giây chỉ đi được ba mươi vạn kilo mét, chẳng nhanh lắm. Còn một niệm của chúng ta vừa khởi lên, trong sát-na liền biến trọn pháp giới, nên mới có thể khởi cảm ứng đạo giao cùng hết thảy chúng sanh. Chúng ta khởi lên một niệm gì? Khởi lên một niệm tham, sân, si, mạn, tự tư tự lợi, hại người lợi mình. Một niệm này cảm ứng đến ai? Cảm ứng đến ngạ quỷ, địa ngục, một niệm này vừa khởi lên thì những quỷ thần này liền đến. Họ đến chẳng đem đến chuyện tốt cho bạn, mà đem đến tai nạn vô cùng đáng sợ.
Chúng ta coi tên của những quỷ vương này có thể hiểu được, những tai biến trên thế gian hiện nay của chúng ta, những hiện tượng chẳng bình thường, tại sao trước kia chẳng có? Những gì chúng ta thấy trong lịch sử, người đời trước khởi tâm động niệm đều nhân từ, đôn hậu, tuy cũng có những người có tâm hại người lợi mình nhưng chỉ là số ít trong xã hội, phần lớn người ta đều có tâm nhân từ, đôn hậu, đều an phận mình. Nói cách khác cảm ứng với thiên thần thì nhiều, cảm ứng với quỷ thần thì ít. Thế nên hiện tượng đó là quốc thái dân an, xã hội an định, nhân dân đều có thể an cư lạc nghiệp.
Tâm người thời nay khác với thời xưa, tâm người thời đại này nhiều ác niệm, cảm ứng với quỷ thần nhiều, cảm ứng với thiên thần ít, quá ít, đây là nguyên nhân chư Phật, Bồ Tát không thể cứu vớt, đều quy về những nghiệp chúng ta đã tạo. Ðức Phật nói trong cộng nghiệp có biệt nghiệp, chúng ta hiểu được đạo lý này, trong thời đại này chúng ta hiểu rõ, chúng ta rành rẽ thì nhất định phải đoạn dứt ác, phải tu thiện, không thể nhìn thấy người ta tạo ác [rồi nói] hình như chẳng có quả báo. Nếu bạn rất bình tĩnh, lắng lòng quan sát thì bạn sẽ cảm thấy quả báo vô cùng dễ sợ. Không những quả báo đáng sợ, hoa báo cũng đáng sợ. Cho nên Tán Ương Quỷ Vương cảnh tỉnh chúng ta, cảnh cáo, cảnh giác chúng ta, hiện tượng này tức là các loại tai biến. Phàm hết thảy những hiện tượng không bình thường, trong bản Chú giải có nêu Đông Nhạc Kinh, Đông Nhạc Kinh là kinh của Đạo Giáo, nói: ‘Chúng sanh trong thế gian chẳng tin nhân duyên thiện ác quả báo, chẳng kính thiên địa, chẳng hiếu thuận cha mẹ, chẳng tôn kính sư trưởng, hiếp đáp thần lý, lưng quay ra trước, mặt quay ra sau, miệng nói có nhưng tâm không’, tạo những nghiệp này. Đây chính là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay. Do đó những quỷ vương này hoành hành chẳng ai ngăn cản, họ cảm ứng với nghiệp lực của những chúng sanh nói trên.
Phi Thân Quỷ Vương đây là một loại phi hành Dạ Xoa. Ðiện Quang Quỷ Vương mắt giống như điện chớp, hình dáng vô cùng hung ác, vừa nhìn thấy liền sợ hãi. Lang Nha Quỷ Vương răng của họ giống như chó sói vậy. Thiên Nhãn Quỷ Vương trong chú giải pháp sư Thanh Liên giải thích rất thú vị: Quán Thế Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn, thiên nhãn của Ngài ở trên tay, còn thiên nhãn của quỷ vương này không biết ở đâu? Cũng không nhất định là có thiên nhãn. Giống như thiên thủ thiên nhãn của Quán Thế Âm Bồ Tát là tiêu biểu pháp, chúng ta phải hiểu ý nghĩa này. Nhãn quang của Ngài vô cùng bén nhạy, vật cực kỳ nhỏ bé Ngài cũng có thể quán sát rõ ràng, cho nên gọi là thiên nhãn. Ðạm Thú Quỷ Vương chuyên môn ăn những động vật nhỏ, [giống như câu nói kẻ] mạnh ăn hiếp yếu, chúng ta thấy sư tử, hổ báo đều thuộc loại này. Những quỷ vương này thị hiện trên thế gian ắt cũng dùng thân của sư tử, hổ báo, chuyên môn ăn những loài súc sanh, nó phải thọ các nghiệp báo này. Những súc sanh này trong đời quá khứ cũng tạo ác nghiệp trong cõi người nên mới đọa vào loài súc sanh, trong cõi súc sanh chúng còn nghiệp dư, phải chịu quỷ vương sát hại; những quỷ vương này hại chúng, đây cũng là quả báo của chúng. Kinh Phật nói về chúng sanh trong lục đạo, chịu tam đồ khổ báo; tam đồ, súc sanh tức là huyết đồ. Súc sanh rất ít khi chết tốt lành, đều là ăn nuốt lẫn nhau, đều là đổ máu mà chết, cho nên ‘huyết đồ’ là súc sanh. ‘Ðao đồ’ là ngạ quỷ, đao là thí dụ, giống như có người cầm dao lúc nào cũng muốn giết họ, họ rất sợ hãi; quỷ sợ hãi, sống trong sự lo sợ, thân tâm chẳng yên ổn, đây là trạng huống của phần lớn cõi ngạ quỷ. Ðịa ngục gọi là ‘Hỏa đồ’, địa ngục Hàn Băng cũng là một màn lửa, địa ngục chẳng xa lìa lửa, đó gọi là Tam Ðồ.
Phụ Thạch Quỷ Vương tức là những quỷ vác gạch, vác cát, lấp sông, lấp biển. Quỷ vương chuyên môn bắt những tiểu quỷ này, dùng những tiểu quỷ này để lấp sông lấp biển, đặc biệt là những lúc nước sông tràn ngập, lụt lội, đê gần bị vỡ, những quỷ vương này bèn bắt những tiểu quỷ lấp những lỗ vỡ trên đê. Ðương nhiên họ tìm được đều là những kẻ tạo nghiệp báo này, nếu bạn chẳng tạo nghiệp này thì bạn chẳng nhìn thấy những quỷ vương này, cũng chẳng gặp họ. Phàm những gì bạn gặp thì đó là nghiệp hoặc của bạn. Ðừng nói là gặp, nếu chẳng có nghiệp này thì ngay cả nằm mộng bạn cũng chẳng thấy. Nhưng dưới một trạng huống nào đó bạn có thể nhìn thấy, [ví như] trong định, trong định có thể thấy thì đó chẳng phải là nghiệp lực. Nếu chẳng phải là trong định nhìn thấy những quỷ thần này thì nhất định có liên quan đến nghiệp lực của mình.
Thứ mười bốn, mười lăm Chủ Hao Quỷ Vương, Chủ Họa Quỷ Vương hai loại này khá gần gũi. ‘Hao’ nghĩa là tổn hao, tổn hao của cải. ‘Họa’ là tai họa. Trong chú giải có nêu vài câu trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, những câu này đều là thật. ‘Thiên địa có Ty Quá thần’ (thần cai quản việc lỗi lầm), ‘Ty’ là cai quản, điều tra, ghi chép, đích thật là có việc này. Trong đó có thiên thần, có quỷ thần, ‘địa’ tức là nói quỷ thần; thiên thần, quỷ thần thường đến nhân gian điều tra, quan sát. ‘Y nhân sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt nhân toán’ (Dựa theo con người phạm tội nặng hay nhẹ mà định đoạt số mạng người ấy); ‘toán’ tức là số, thọ mạng là số, phước lộc bạn hưởng trong đời cũng là số, do đó khi bạn thật sự hiểu rõ, thông suốt thì đích thật như sách đã nói ‘Một miếng ăn, miếng uống đều đã định sẵn’. Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói rất thấu đáo, có Lý có Sự, những sự nhân quả báo ứng nói trong Liễu Phàm Tứ Huấn còn rõ ràng hơn Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên chỉ nói về một số điều mục, phân tích đạo lý còn Liễu Phàm Tứ Huấn nói rõ ràng hơn, bạn có thể coi cả hai rồi so sánh. Chúng ta sẽ hiểu trong đời này, người thế gian nói bạn có bao nhiêu của cải đều đã định sẵn trong vận mạng của bạn; nếu trong vận mạng chẳng có thì dù bạn dùng hết mọi cách cũng chẳng đạt được; những gì trong mạng có thì bạn không cần phải mong cầu, đúng lúc thì nó sẽ tự nhiên mang đến. Thế nên người xưa nói ‘quân tử vui làm người quân tử, tiểu nhân oan uổng làm người tiểu nhân’, quân tử hiểu đạo lý này nên chẳng mong cầu gì cả. Trong mạng có sẵn thì một phần cũng chẳng thiếu, hà tất phải mong cầu?
Ông Viên Liễu Phàm được thiền sư Vân Cốc khai thị một phen xong, nên ông đã giác ngộ, buông bỏ hết thảy, mỗi ngày tĩnh tọa, dưỡng thân tâm của mình, chẳng có một vọng niệm. Thiền sư Vân Cốc rất khâm phục ông, ông ngồi suốt ba ngày ba đêm trong thiền đường chẳng có một vọng niệm. Thiền sư khen ngợi ông, nói công phu của ông rất khá. Ông Liễu Phàm nói lý do ông không khởi vọng niệm vì ông biết khởi vọng niệm chẳng làm được gì, chẳng ích gì, nên ông không khởi vọng niệm nữa. Vận mạng của ông đã được Khổng tiên sinh đoán chẳng sai mảy may, mỗi năm đi thi, thi đậu hạng mấy đều đoán trúng, mỗi năm được bao nhiêu tiền lương cũng đoán không sai, thế nên ông tin tưởng [vận mạng an bày] chẳng khởi vọng tưởng nữa. Sau khi nói rõ nguyên nhân, thiền sư Vân Cốc cười và nói: “Tôi cứ tưởng ông là thánh nhân, nhưng ông thật ra vẫn là phàm phu”, đúng là một phàm phu tiêu chuẩn. Sau đó thiền sư Vân Cốc dạy ông [phương pháp] sửa đổi vận mạng, mỗi một miếng ăn, miếng uống của ông đều do đời trước định sẵn. Làm thế nào định? Ðều do chính mình tạo ra, ông đã học được đạo lý này nơi thiền sư Vân Cốc.
Của cải giàu có trong mạng của bạn từ đâu đến? Là từ bố thí tài vật mà có. Ðời quá khứ bố thí tài vật nhiều thì đời này bạn được của cải rất nhiều, nếu bạn bố thí ít thì bạn được ít. Cho dù trong đời này dùng những thủ đoạn không chính đáng để đạt được thì cũng là những gì có sẵn trong vận mạng của bạn. Nếu trong mạng bạn chẳng có thì dùng thủ đoạn gì bạn cũng chẳng đạt được, vậy thì bạn cưỡng cầu làm chi? Dùng thủ đoạn không chánh đáng để hiện nay phát tài, thí dụ của cải trong mạng của bạn có thể dùng tám mươi năm, bạn có tám mươi năm mạng lộc, khi bạn dùng thủ đoạn không chính đáng liền phát tài tức khắc, đây là hoạnh tài, thí dụ khi bạn bốn mươi tuổi thì đạt được hết những của cải trong bốn mươi năm sau của bạn, phía sau chẳng còn nữa. Nếu bạn đạt được như vậy, khi hưởng dùng hết thì thọ mạng của bạn cũng sẽ hết luôn. Ðây là như ngạn ngữ có nói ‘lộc tận người mất’. Bạn vốn còn thọ mạng, tuổi thọ vẫn còn nhưng lộc đã hết, bạn đã hưởng hết lộc thì phước của bạn cũng hết, đây là một loại. Còn có một loại người khác, họ rất tiếc phước, cũng chịu tu phước, khi thọ mạng của họ đã hết, thọ mạng hết nhưng phước của họ vẫn còn dư, trong trường hợp này thì họ sẽ kéo dài tuổi thọ. Thí dụ nói họ có phước lộc sáu mươi năm, nhưng trong sáu mươi năm này họ chẳng hưởng hết, vẫn còn phước dư nên tuổi thọ của họ có thể sẽ kéo dài mười năm, hai mươi năm, hưởng hết họ mới ra đi. Chúng ta phải biết đạo lý này, phải hiểu những chân tướng sự thật này.
Do đó nếu bạn muốn giàu có thì phải tu bố thí tài vật, càng bố thí thì càng được nhiều; nếu bạn muốn thông minh trí huệ thì phải tu bố thí pháp; nếu bạn muốn khỏe mạnh sống lâu thì phải tu bố thí vô úy. Quả báo bạn muốn có, quả ắt phải có nhân, nếu không tu nhân thì làm sao có quả báo? Do đó người thế gian chẳng hiểu đạo lý này, tạo hết thảy tội nghiệp, cướp đoạt tài sản của người khác làm của mình, thủ đoạn phương pháp cướp đoạt nhiều vô lượng vô biên, đều làm tổn người lợi mình, cứ cho rằng mình thông minh, tài giỏi, thật ra thì hoàn toàn tính sai cả! Ðâu biết rằng thiên địa quỷ thần nhìn thấy rõ ràng. Làm ác thì ắt giảm phước, tổn thọ, đây chính là những vị Chủ Hao, Chủ Họa quỷ thần. Ðây tức là như đoạn sau có nói: ‘Dựa theo con người phạm tội nặng hay nhẹ mà định đoạt số mạng người ấy. Số mạng bị kém đi thì nghèo cùng, hao tổn, gặp nhiều chuyện lo lắng, hoạn nạn, ai cũng ghét bỏ, mắc phải tai ương tù tội, sự vui sướng, tốt lành tránh xa, thường gặp vận xấu’[1]. Những chuyện nói trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên chính là những chuyện này.
Vị thứ mười sáu Chủ Thực Quỷ Vương, tập tục trong dân gian gọi là Thần Ngũ Cốc, hay là phần nhiều gọi là Táo Thần (ông Táo, thần bếp) chính là vị này, chuyên môn cai quản việc ăn uống trong dân gian, ông chuyên cai quản việc này. Cũng thuộc về những gì mà phần đông chúng ta gọi là phước báo, phước báo này nặng về việc ăn uống, đây là việc trong đời sống hằng ngày bất cứ người nào cũng chẳng thiếu. Sự ăn uống trong nhà Phật có lễ tiết. Trước khi ăn phải dùng tâm thanh tịnh, cung kính để cúng dường, đây là sự chí kính đối với loại quỷ thần, hy vọng họ có thể gia trì, bảo hựu. Nếu chúng ta ăn uống chẳng điều độ, chẳng biết lễ tiết thì những vị Chủ Thực Thần này sẽ chẳng hoan hỷ. Nếu lại chà đạp lương thực thì tội lỗi này rất nặng. Phải biết trên thế gian này có rất nhiều địa phương bị đói khát, chúng ta có đồ ăn uống, có nghĩ đến những người bị đói khát hay không? Nếu mỗi khi ăn uống đều có thể nghĩ đến thì đó là tâm từ bi tỏ lộ, đây tức là tích lũy công đức. Có tâm niệm này rồi, khi gặp những tai nạn này thì bạn nhất định sẽ cứu giúp, giúp đỡ, đừng coi thường chuyện này. Thánh hiền thế gian và xuất thế gian đều nói với chúng ta, dạy chúng ta phải ngăn chặn sai lầm ngay từ đầu mới có thể tránh khỏi hết thảy tai họa. ‘Vi tiệm’, vi là nhỏ nhiệm, tiệm nghĩa là chậm chạp, những việc nhỏ này mà bạn chẳng phòng bị thì dần dần sẽ biến thành tai họa lớn. Cho nên phải giữ tiểu lễ, phải phòng ngừa những lỗi nhỏ, nếu không phòng ngừa lỗi lầm nhỏ thì dần dần sẽ biến thành tai họa lớn, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Cổ thánh tiền hiền nói về chữ ‘vi’ (tinh tế, mầu nhiệm, nhỏ, ẩn dấu), ‘vi’ nghĩa là khởi tâm động niệm, phải phòng ngừa từ chỗ này. Phàm những chuyện không lợi cho chúng sanh, chẳng lợi cho xã hội, thì một niệm (niệm đầu) ấy không được khởi, nếu khởi một niệm ấy thì tuyệt đối sẽ có hại cho mình. Niệm niệm đều có thể vì chúng sanh, vì xã hội thì nhất định sẽ có lợi ích.
Tuy trước mắt bạn chẳng nhìn thấy sự lợi ích này, quỷ thần đã nhìn thấy rất rõ ràng, đã ghi chép rất rành rẽ, tích tiểu thiện sẽ thành đại thiện, tích tiểu công thì thành đại công, tích lũy càng sâu dầy, tích lũy càng nhiều thì ngay đời này sẽ thọ báo, chẳng cần đợi đến đời sau. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn chúng ta thấy, sau khi ông Viên Liễu Phàm hiểu rõ đạo lý, cả nhà đều tu tích công đức, ông được quả báo ngay hiện đời. Trong mạng ông chẳng có công danh, công danh lúc trước tức là thi đậu học vị tiến sĩ, học vị cao nhất này trong mạng ông vốn chẳng có, trong mạng ông chỉ có tú tài; sau này ông đậu cử nhân, đậu tiến sĩ đều do đời này tu được. Trong mạng chỉ sống tới năm mươi ba tuổi, ông sống đến bảy mươi mấy tuổi, ông chẳng cầu trường thọ; trong mạng chẳng có con cái, ông lại được hai người con trai ngoan. Ðây đều do mạng hiện đời chuyển trở lại, ông tu tích nhiều, đây là gương tốt, mô phạm cho chúng ta. Cho nên người thế gian, thường thường người nghèo khốn còn có thể tu phước, còn vui làm phước, còn người giàu có lại sơ ý bỏ qua, chẳng biết tu phước, chúng tôi đã thấy rất nhiều. Người càng có tiền lại càng keo kiệt, càng chẳng dám xả, khi họ xài tiền thì nhất định phải có lợi cho họ, những gì chẳng đem lại lợi ích hiện tiền cho họ thì họ chẳng chịu xài, họ rất coi trọng danh lợi. Người như vậy hưởng phước hết rồi thì chẳng còn phước dư, đời sau phải chịu tai ương, trừng phạt.
Vị thứ mười bảy Chủ Tài Quỷ Vương, người thế gian gọi là Thần Tài. Chủ Tài Quỷ Vương tức là Thần Tài. Lời giải thích trong cuốn Chú giải rất hay: Trong phủ của Đông Nhạc Đại Đế có Chủ Tài Án Chủ [là người chịu trách nhiệm quản lý tài chánh][2], Nhạc Phủ chỉ đại đế Ðông Nhạc, thật ra Ngũ Nhạc là đại quỷ vương, địa vị của ông chỉ thấp hơn vua Diêm La, vua Diêm La giống như vua một nước. Khu vực quản lý bởi Ngũ Nhạc rất lớn, quản lý rất nhiều tỉnh, cao hơn địa vị của tỉnh trưởng. Hình như đại đế Ðông Nhạc cai quản sáu, bảy tỉnh, ông có khu vực cai quản lớn như vậy. Trước kia Chương Thái Viêm đã từng làm phán quan cho đại đế Ðông Nhạc, chức vị phán quan rất lớn, tương đương với chức bí thư trưởng của chúng ta, do đó đối với sự việc trong quỷ đạo ông nói với người ta rất nhiều, rất chi tiết. Dưới ông ta (tức đại đế Đông Nhạc) có vị quỷ vương quản trị tài chánh, trong [phủ] Đông Nhạc gọi vị ấy là Chủ Tài Án Chủ, Chủ Tài Án Chủ tức là Chủ Tài Quỷ Vương, người thế gian chúng ta xưng là Thần Tài, Thần Tài này có lớn, có nhỏ.
Sau đây có hai câu chúng ta phải ghi nhớ, ‘có của cải mà không chịu bố thí thì quỷ đứng nhìn, ganh ghét’. Bạn có tiền mà không chịu bố thí, quỷ cũng ghen ghét bạn, phiền phức này sẽ rất lớn! Quỷ sẽ thường tìm bạn, gây rắc rối cho bạn. Thái thượng cấm ngặt việc cướp đoạt tài vật của người khác[3], đây là việc chúng ta đặc biệt phải chú ý đến, cướp đoạt vật của người khác, tội ấy sẽ cực nặng, cực lớn. Nếu chúng ta bình tĩnh, lắng lòng để quan sát, chẳng cần phải đợi đến quả báo đời sau, ngay đời này họ cũng sẽ chịu quả báo, ác báo, trong xã hội ngày nay có rất nhiều chuyện này. Chúng ta hãy xem cổ phiếu trên thế gian, cổ phiếu là gì? Cổ phiếu chính là cờ bạc, đều là cướp đoạt tài vật của người khác. [Có nhiều người] kiếm nhiều tiền từ việc chơi cổ phiếu, lúc cổ phiếu tuột giá thì họ liền nhảy lầu tự tử, nhà tan người mất, quả báo trước mắt. Những chuyện như vậy xảy ra rất nhiều, đây là thủ đoạn chẳng chánh đáng. Những gì họ đạt được, lúc nảy chúng ta đã nói qua đều là những gì trong mạng họ có sẵn, những gì chẳng có trong mạng thì tuyệt đối chẳng đạt được. Vật cướp đoạt người khác cũng là vật có sẵn trong mạng, giống như hưởng thọ sớm hơn mà thôi, tổn hại kẻ khác, tạo tội nghiệp. Sau khi hưởng phước báo của mình sớm hơn, cũng là tạo tội nghiệp. Thế nên chúng ta nhất định phải hiểu tài vật gì cũng có chủ của nó, những tài vật bất nghĩa dứt khoát không thể lấy, sau khi lấy xong thì nhất định sẽ bị tai nạn, chắc chắn sẽ không có lợi ích.
Phía sau có Chủ Súc Quỷ Vương, ‘Súc’ là súc sanh, là những con vật nuôi trong nhà. Những gia súc này cũng có quỷ thần giám sát, chúng ta đối xử với những súc sanh này cũng phải có lễ, súc sanh thông tánh người. Hôm qua cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với chúng ta ở Quang Minh Sơn có nuôi chó, [người ta] thả rất nhiều chó ở đó, họ quan sát thấy những súc sanh này có linh tánh. Khi chó gặp những người ưa thích chó, thương yêu chó thì nó sẽ ngoắc đuôi và tỏ vẻ rất thân thiết. Khi chó gặp những người ăn thịt chó, hay giết chó thì từ đằng xa nó đã tru lên, tỏ vẻ rất hung dữ đối với họ, chó có thể cảm biết được. Không những chỉ có loại súc sanh này mà thôi, hết thảy các loài chúng sanh nếu bạn không hại chúng thì chúng sẽ tuyệt chẳng bao giờ hại bạn.
Chúng ta xem truyện ký của pháp sư Ấn Quang, đó là sự thật, tuyệt chẳng có tơ hào khoa trương. Sau khi pháp sư Ấn Quang bảy mươi tuổi, những loại muỗi mòng, bọ chét đều chẳng phá khuấy Ngài nữa. Căn phòng ấy đích thật thường có ruồi, muỗi, kiến, sau khi pháp sư Ấn Quang dọn đến phòng ấy trú thì những côn trùng này đều dọn nhà đi hết. Tại sao vậy? Cả đời pháp sư Ấn Quang chẳng làm tổn thương đến các động vật nhỏ. Trước kia căn phòng này đã có những loại côn trùng này, những thị giả và tín đồ của Ngài muốn dẹp, đuổi chúng đi, lão pháp sư nói: ‘Không cần, hãy lưu chúng ở lại đó’. Tại sao? ‘Vì đức hạnh của tôi không đủ, lưu chúng nó lại để cảnh sách tôi, nhắc nhở tôi’, do đó nên mọi người đều không động đến chúng. Một thời gian sau những động vật nhỏ này đều bị cảm hóa. Ðây là một thí dụ rất tốt, đại sư có thể làm được, tại sao chúng ta làm không được? Phải thường sanh tâm xấu hổ, phải hướng về pháp sư Ấn Quang mà học tập.
Thứ mười chín, hai mươi là Chủ Cầm Quỷ Vương, Chủ Thú Quỷ Vương, đây là nói về cầm thú, mỗi loại cầm thú đều có quỷ vương của loại ấy. Trong đó cũng có nói, đại sư Thiên Thai nói về mười hai con giáp trong Ngũ Hành[4], mười hai con giáp đều là cầm thú, đều thuộc về loại này. Những quỷ vương này đều là Bồ Tát, Pháp Thân đại sĩ hóa thân. Thứ hai mươi mốt Chủ Mỵ Quỷ Vương, phần đông chúng ta gọi ‘Mỵ’ là yêu quái, là thuộc loại này. Người thế gian thường nói loại chúng sanh này năm tháng lâu ngày liền biến thành yêu quái, thành yêu tinh. Ở Trung Quốc rất nhiều thần cây, những cây lâu năm, cây ngàn năm đều có những quái vật này[5]. Họ là gì? Trong Phật pháp chúng ta gọi là thần cây. Lâu đời rồi thì họ dần dần thông linh, họ có thể biến hóa, họ cũng tu hành, họ tu phương pháp gì thì chúng ta không biết. Trong sự tưởng tượng của chúng ta thì đại khái chắc cũng giống như nhân đạo, có rất nhiều pháp môn tu hành. Họ tu hành chẳng lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên biến thành những loại quỷ mỵ này. Nếu lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sẽ tương ứng với Phật đạo, sự khác biệt giữa Phật đạo và hết thảy đạo trong thế gian là ở chỗ này. Cho nên dù họ tu hành có được thần thông, được trí huệ thì cũng chẳng thoát ra khỏi tam giới, lục đạo là vì họ chẳng thể lìa khỏi phân biệt, chấp trước.
Vị sau đó là Chủ Sản Quỷ Vương, ‘Sản’ là sanh sản; ở đây nói rất rõ ràng, đón rước, giúp đỡ khi sanh sản. Loại quỷ vương này rất được dân gian tôn trọng, hình như ở thành phố Ðài Bắc có một miếu của Bảo Sanh Ðại Ðế, chúng tôi chưa đi vào nhưng đã đi ngang qua cửa, nhìn thấy tấm biển ngạch ghi Bảo Sanh Ðại Ðế, là thuộc loại quỷ vương này. Hơn phân nửa những quỷ vương này là thân phận phụ nữ. Thứ hai mươi ba là Chủ Mạng Quỷ Vương, đây là trong kinh Phật nói “Tỳ Sa Môn, chủ hộ mạng người trong bốn thiên hạ”. Tỳ Sa Môn là Bắc Phương Thiên Vương, một vị trong tứ đại thiên vương, đây là đức Phật phó chúc cho họ phải bảo hộ mạng người trong bốn thiên hạ. Thứ hai mươi bốn là Chủ Tật Quỷ Vương, ‘Tật’ là bịnh tật, phàm khi con người sanh bịnh thì vị quỷ vương này sẽ hiện ra. Nói thật ra khi sanh bịnh, người bịnh và bác sĩ đều có duyên phận với nhau. Cho nên khi sanh bịnh, quan trọng nhất là tâm địa phải thanh tịnh, từ bi, thành kính thì bạn sẽ cảm được sự giúp đỡ của Chủ Tật Quỷ Vương. Khi bạn gặp thầy thuốc, thầy thuốc ra toa cho bạn, ghi những thuốc men này cho bạn, ghi phương pháp chữa trị thường đều có quỷ thần ở đó giúp đỡ. Nếu tâm địa của bạn chẳng thanh tịnh, rất nhiều vọng tưởng, đặc biệt là tư tưởng tà ác thì quỷ vương này cũng sẽ gây phiền phức cho bạn, bịnh này của bạn sẽ [làm cho bạn] rất khổ, chúng ta phải hiểu đạo lý này.
Vị thứ hai mươi lăm là Chủ Hiểm Quỷ Vương, đây là nói về núi cao, biển lớn, những nơi nguy hiểm này là khu vực do họ cai quản. Hiện nay có nhiều người thích leo núi, cũng có nhiều người thích ra biển, đây đều là việc dễ gặp phải hiểm nạn, vô cùng nguy hiểm. Phải biết đây đều là những nơi có quỷ thần cai quản, chúng ta cũng có cơ hội đi đến những nơi này, ngày nay gọi là đi du lịch. Do đó kinh Ðịa Tạng nói trước khi chúng ta đi du lịch, tốt nhất là một tuần trước khi đi nên niệm kinh Ðịa Tạng, niệm danh hiệu Ðịa Tạng Bồ Tát đủ một vạn biến thì chuyến đi của bạn sẽ được thiện thần bảo hựu, được bình yên. Tại sao niệm kinh này, niệm danh hiệu Ðịa Tạng Bồ Tát thì được bình yên? Quan hệ giữa những quỷ thần này với Ðịa Tạng Bồ Tát vô cùng mật thiết, khi bạn có thể tôn kính Ðịa Tạng Bồ Tát, tu học theo pháp môn Ðịa Tạng thì họ nhìn thấy sẽ sanh tâm hoan hỷ, lễ kính đối với bạn cho nên ở những chỗ nguy hiểm này đều có thể tránh khỏi tai nạn, hung hiểm.
Phía sau nói Tam Mục Quỷ Vương, Tứ Mục Quỷ Vương, Ngũ Mục Quỷ Vương, đây là nói dựa trên hình trạng của họ, họ có ba con mắt, có bốn mắt, năm mắt. Kỳ Lợi Thất Vương, trong bản Chú giải có nói ý nghĩa danh từ này chưa được phiên dịch rõ ràng, nhưng trong kinh Kim Quang Minh có dịch là Đại Lực Thiên, cũng có khi dịch là Hỏa Thần. Đối với [ý nghĩa danh xưng của] loại quỷ thần này, có thể tham khảo trong bản chú giải ấy. Năm xưa đức Phật giảng kinh tại Ấn Ðộ, thời gian giảng kinh tại lưu vực sông Hằng tương đối dài, Phật nhắc đến những quỷ thần này, nói Kỳ Lợi Thất Vương ở phía bắc sông Hằng, chắc là nói đến những quỷ thần tại Ấn Độ, [Kỳ Lợi Thất] là tên chung của những thần thuộc khu vực đó, tức những vùng ở phía Nam và Bắc sông Hằng. A Na Tra Vương, người Trung Quốc chúng ta gọi là Na Tra, là [danh xưng chung] của những vị ở giữa thiên thần và quỷ thần, đại khái họ do Tứ Vương Thiên cai quản. Tứ Vương Thiên có thể gọi là thiên thần, cũng có thể gọi là quỷ thần, họ là thủ lãnh của quỷ thần, do Ðao Lợi Thiên Chủ cai quản, họ chịu sự cai quản của Ðao Lợi Thiên Chủ. Do đó nói thật ra, Ngài cũng là Ðại Quỷ Vương, Tứ Thiên Vương là thủ lãnh của các quỷ vương. Xem tiếp đoạn kinh sau:
Như thị đẳng đại quỷ vương, các các dữ bách thiên chư tiểu quỷ vương, tận cư Diêm Phù Ðề, các hữu sở chấp các hữu sở chủ.
如是等大鬼王。各各與百千諸小鬼王。盡居閻浮提。各有所執各有所主。
Những vị Ðại Quỷ Vương như thế, mỗi vị cùng với trăm ngàn tiểu quỷ vương, toàn cư ngụ ở cõi Diêm Phù Ðề, ai nấy đều có chức trách, đều có phần chủ trị riêng.
Ðây là nói về tổ chức của xã hội trong cõi quỷ, tình trạng của tổ chức này tương tợ với cõi người. Nói thật ra tình hình này trong lục đạo ở thế giới Sa Bà, thế giới của chư Phật ở nơi khác đại khái đều giống nhau, đó là vì người có cùng một tâm, tâm có cùng một lý, xét từ kết cấu thì đại khái đều giống nhau. Mỗi vị quỷ vương này đều có chức trách riêng của họ, ‘các hữu sở chấp’ tức là sự cai quản, chức trách của họ, ‘sở chủ’ tức là phạm vi cai quản của họ, những sự vật do họ cai quản.
Thị chư quỷ vương dữ Diêm La thiên tử, thừa Phật oai thần cập Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát lực, câu nghệ Ðao Lợi tại nhất diện lập.
是諸鬼王與閻羅天子。承佛威神及地藏菩薩摩訶薩力。俱詣忉利在一面立。
Các Quỷ Vương đó cùng với Diêm La thiên tử nương oai thần của đức Phật và oai lực của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát cùng đến cung trời Ðao Lợi và đứng qua một phía.
Ðoạn này nói rõ họ làm sao có thể tham gia pháp hội ở cung trời Ðao Lợi. Ðây là nhờ oai thần của Phật gia trì, Ðịa Tạng Bồ Tát giáo huấn lúc thường ngày, vì duyên cớ này nên họ mới cùng với Ðịa Tạng Bồ Tát đến cung trời Ðao Lợi để tham gia pháp hội của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong pháp hội ‘nhất diện lập’, trong pháp hội có chỗ ngồi của họ. Ðây là giới thiệu nhân vật, đoạn sau đây nói về các hoạt động của họ trong pháp hội:
Nhĩ thời Diêm La thiên tử hồ quỵ hiệp chưởng.
爾時閻羅天子胡跪合掌。
Lúc đó Diêm La thiên tử quỳ gối chắp tay.
Ðây là chí kính.
Bạch Phật ngôn: ‘Thế Tôn, ngã đẳng kim giả dữ chư quỷ vương, thừa Phật oai thần cập Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát lực, phương đắc nghệ thử Ðao Lợi đại hội, diệc thị ngã đẳng hoạch thiện lợi cố. Ngã kim hữu tiểu nghi sự cảm vấn Thế Tôn, duy nguyện Thế Tôn từ bi tuyên thuyết’.
白佛言。世尊。我等今者與諸鬼王。承佛威神及地藏菩薩摩訶薩力。方得詣此忉利大會。亦是我等獲善利故。我今有小疑事敢問世尊。唯願世尊慈悲宣說。
Bạch với đức Phật: ‘Thưa Thế Tôn, nay chúng con cùng các vị Quỷ Vương nương nhờ oai thần của đức Phật và oai lực của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát mới được đến đại hội nơi cung trời Ðao Lợi này, mà cũng là chúng con được thiện lợi vậy. Nay con có chút việc nghi ngờ, xin hỏi Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn từ bi tuyên thuyết’.
Ðây là hoạt động quan trọng của họ trong pháp hội: Đến thỉnh pháp. Ngã đẳng, phạm vi của chữ ‘đẳng’ rất rộng, có thể nói tận hư không, trọn khắp pháp giới hết thảy ‘Chủ’ của các cõi U Minh. Trong kinh Hoa Nghiêm xưng họ là ‘Thế Chủ’ thế gian chủ, Diêm La và quỷ vương cũng là một loại Thế Chủ, số lượng cũng vô lượng vô biên. Pháp hội Hoa Nghiêm xứng tánh, pháp hội Ðịa Tạng cũng xứng tánh, trong kinh này chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng. Dùng cách nói hiện nay thì xứng tánh nghĩa là đột phá hết thảy thời gian, không gian, những gì pháp hội này hiển thị chính là Nhất Chân pháp giới, pháp giới bình đẳng, cùng với Hoa Nghiêm không hai không khác. Ðược Phật lực của đức Phật gia trì, oai thần của Ðịa Tạng Bồ Tát gia trì nên họ mới có cơ hội tham gia pháp hội này. Phía dưới nói ‘diệc thị ngã đẳng hoạch thiện lợi cố’, khi được tham gia pháp hội này họ hoan hỷ vô cùng, họ được đại thiện, được lợi ích to lớn. Nhưng sau khi nghe xong, họ có nghi vấn, cho nên ‘cảm vấn Thế Tôn’, hy vọng Thế Tôn khai đạo cho họ, phá tan nghi hoặc của họ. Họ đến đây là để thỉnh pháp.
Phật cáo Diêm La thiên tử: ‘Tứ nhữ sở vấn, ngô vị nhữ thuyết’.
佛告閻羅天子恣汝所問吾為汝說。
Ðức Phật bảo Diêm La thiên tử: ‘Cho phép ông hỏi, Ta sẽ vì ông mà nói rõ’.
Thế Tôn vô cùng từ bi, nói với những vua Diêm La này, quý vị có câu hỏi gì thì nêu ra, tùy ý quý vị hỏi gì thì đức Phật sẽ trả lời hết. Trong Phật pháp quan trọng nhất là phá mê sanh tín, có nghi vấn thì phải hỏi; nếu có nghi vấn mà không hỏi thì sẽ sanh ra rất nhiều chướng ngại trong sự tu học. Chúng ta nói tu học, chư vị phải biết tu học tức là đời sống hiện thực của chúng ta, tu hành và đời sống là chung một việc, dứt khoát không phải là hai việc. Hiện nay có một số người cứ coi tu học và đời sống thành hai việc [riêng rẽ], vậy là hoàn toàn sai lầm. Do đó trong đời sống họ không thể cải thiện, họ chẳng đạt được lợi ích, chẳng được tốt đẹp, chính là vì quan niệm sai lầm này sanh ra.
Thị thời Diêm La thiên tử chiêm lễ Thế Tôn, cập hồi thị Ðịa Tạng Bồ Tát.
是時閻羅天子瞻禮世尊。及迴視地藏菩薩。
Lúc đó, Diêm La thiên tử chiêm lễ đức Thế Tôn và ngoái nhìn Bồ Tát Ðịa Tạng.
Ðây là lễ tiết, chỗ này chúng ta cũng phải học theo. Những người này là tùy tùng, cùng đi với Ðịa Tạng Bồ Tát đến đại hội này. Họ thỉnh giáo đức Thế Tôn, nhất định không thể quên thầy của họ, Ðịa Tạng Bồ Tát là thầy của họ, cũng phải thăm thầy, chào hỏi thầy, xin thầy gia trì.
Nhi bạch Phật ngôn:
而白佛言。
Rồi bạch Phật rằng:
Rồi mới nói.
‘Thế Tôn, ngã quán Ðịa Tạng Bồ Tát, tại lục đạo trung bách thiên phương tiện nhi độ tội khổ chúng sanh bất từ bì quyện, thị đại Bồ Tát hữu như thị bất khả tư nghị thần thông chi sự.
世尊我觀地藏菩薩。在六道中百千方便而度罪苦眾生不辭疲倦。是大菩薩有如是不可思議神通之事。
“Bạch Thế Tôn, con xem xét Bồ Tát Ðịa Tạng ở trong sáu đường dùng trăm ngàn phương chước để cứu độ những chúng sanh mắc phải tội khổ, chẳng từ mệt nhọc. Vị đại Bồ Tát này có những sự thần thông bất khả tư nghì như thế.
Ðây là lời khen ngợi trước. Từ bi thần lực của Ðịa Tạng Bồ Tát, các vua Diêm La nhận biết Ðịa Tạng Bồ Tát rất rõ ràng, đối với từ bi, oai đức của Ðịa Tạng Bồ Tát đã vô cùng kính ngưỡng từ lâu. Lời nói của Ngài hoàn toàn là sự thật, Ðịa Tạng Bồ Tát ở trong lục đạo, đặc biệt là ở trong ba đường ác, chúng sanh ở nơi nào chịu nạn khổ nhất thì Ðịa Tạng Bồ Tát nhất định sẽ đến nơi đó, nhất định sẽ không bỏ rơi chúng sanh. Phương pháp giáo hóa chúng sanh của Ngài vô lượng vô biên, trong kinh này chỉ nói sơ lược, chỉ nói một nguyên tắc, cương lãnh, chúng ta từ trong bộ kinh này lắng lòng mà tìm hiểu, đâu phải chỉ có trăm ngàn phương tiện thôi đâu? Ðộ hóa những chúng sanh khổ nhất này vĩnh viễn chẳng mệt mỏi, cũng giống như Phổ Hiền Bồ Tát, hết đời vị lai chẳng mệt mỏi, chẳng chán chường. Câu cuối cùng là lời tán thán Bồ Tát ‘hữu như thị bất khả tư nghì thần thông chi sự’.
Nhiên chư chúng sanh thoát hoạch tội báo, vị cửu chi gian hựu đọa ác đạo.
然諸眾生脫獲罪報。未久之間又墮惡道。
Nhưng các chúng sanh vừa được thoát khỏi tội báo, chẳng bao lâu lại đọa vào ác đạo nữa.
Ðây chính là chỗ vua Diêm La có nghi vấn, là chuyện họ không thể hiểu, nên họ nói ra. Những chúng sanh này thoát khỏi ác đạo, ‘tội báo’ tức là tam ác đạo, ‘thoát’ là thoát ly, ‘hoạch’ được thoát lìa tội báo. Nhưng ‘vị cửu chi gian, hựu đọa ác đạo’, vị cửu nghĩa là rất ngắn tạm. Trong chú giải có nêu lên một thí dụ, nêu Ðịa Ngục Ðẳng Hoạt trong địa ngục, Ðẳng Hoạt là một trong tám đại địa ngục. Thọ mạng trong địa ngục này giống như thọ mạng của Tứ Ðại Vương thiên, năm chục năm ở cõi người là một ngày trong địa ngục, người này lìa khỏi địa ngục rồi đến cõi người, ở cõi người lại tạo tội nghiệp, cho dù sống được một trăm tuổi, sau khi chết đi lại quay trở về địa ngục, xem lại ở địa ngục mới trải qua hai ngày; một trăm năm ở cõi người chỉ bằng hai ngày ở địa ngục, họ đi rồi tại sao qua hai ngày liền trở về? Việc như vậy quá nhiều, quá nhiều. Phần đông những cõi ngạ quỷ, quý vị đều biết, một ngày ở cõi quỷ bằng một tháng ở cõi người, người ta sống một năm thì ở cõi ngạ quỷ mới có mười hai ngày.
Cho nên họ thấy những người này tiếp nhận sự dạy dỗ của Ðịa Tạng Bồ Tát, Ðịa Tạng Bồ Tát khổ lòng mỏi miệng khuyên nhủ, [nếu] họ chịu giác ngộ, quay về, khi khởi lên một niệm quay về thì họ có thể thoát khỏi ác đạo, cho dù ở trong địa ngục A Tỳ cũng chẳng ngoại lệ. Chỉ cần bạn khởi một niệm hướng thiện, một niệm ấy liền siêu việt, cho nên chúng ta đừng coi thường một niệm này. Người thế gian chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Ðộ cũng là một niệm này, một niệm lúc lâm chung nếu bạn niệm A Di Ðà Phật, bạn nghĩ về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì với một niệm ấy liền vãng sanh. Lúc bình thường dạy chúng ta niệm Phật là huấn luyện, là sợ lúc lâm chung quên mất một niệm ấy, một niệm đó sai lầm thì sẽ hỏng hết. [Niệm Phật lúc] bình thường ví như luyện binh, một niệm cuối cùng lúc lâm chung là giao chiến, khi bạn tắt thở, bạn sanh vào cõi nào là dựa trên một niệm lúc lâm chung này, do đó chúng ta phải coi trọng một niệm này. Làm sao mới thật sự nắm chắc để cho một niệm này không bị mất? Nhất định phải biết tu phước. Người có phước báo, phước báo chân chánh không có nghĩa là hiện giờ có của cải, có địa vị, không phải vậy, phước báo đó là giả. Thật sự có phước báo thì lúc lâm chung không bị bịnh khổ, dự biết thời giờ đã đến, biết lúc nào mình ra đi, chẳng sanh bịnh, [đầu óc] sáng suốt rõ ràng, đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, vô cùng tự tại, người như vậy gọi là người có phước báo to lớn. Tại sao nói phước báo của người đó to lớn? Vì họ vĩnh viễn thoát ly luân hồi, sẽ chẳng tạo nghiệp lục đạo nữa. Nếu họ trở lại cõi người, trở vào lục đạo thì họ [dùng thân phận] Bồ Tát, chẳng phải phàm phu nữa. Họ đến thế gian tùy loại hóa thân, giống như những quỷ vương Diêm La cũng hóa thân đến, họ đến để cứu khổ cứu nạn, giúp đỡ những chúng sanh đang chịu khổ nạn, tuyệt đối chẳng tạo nghiệp thọ báo. Như vậy gọi là có phước báo to lớn, đó là phước báo thật sự, chúng ta nhất định phải thấy rõ ràng, rành rẽ. Thế nên [chúng ta] không nên mong cầu những phước báo hữu lậu của thế gian, chúng ta phải tu phước báo vô lậu, như vậy mới là một người thật sự có trí huệ, thật sự hiểu rõ, trong nhà Phật gọi là người chân chánh giác ngộ. Ðây là hiện tượng họ nhìn thấy nên thưa hỏi đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thật ra những chuyện này, đâu phải là họ chẳng biết, như vậy gọi là đã biết mà cứ hỏi, hỏi để đức Phật nói ra cho mọi người đều tin tưởng. Nếu Bồ Tát nói ra, quỷ vương nói ra, lòng tin của mọi người cũng chẳng đủ nên phải thỉnh Phật giảng nói. Do đó cách hỏi này thuộc về ‘Cách hỏi để lợi lạc hữu tình’, không phải là họ không biết, họ hỏi thay chúng sanh, chúng ta nhất định phải học việc này. Muốn Phật pháp được hoằng dương rộng rãi, muốn Phật pháp trụ lâu dài trong thế gian thì nhất định phải biết nêu câu hỏi thay cho chúng sanh.
Thế Tôn, thị Ðịa Tạng Bồ Tát ký hữu như thị bất khả tư nghị thần lực, vân hà chúng sanh nhi bất y chỉ thiện đạo vĩnh thủ giải thoát, duy nguyện Thế Tôn vị ngã giải thuyết.
世尊。是地藏菩薩既有如是不可思議神力。云何眾生而不依止善道永取解脫。唯願世尊為我解說。
Bạch Thế Tôn, Bồ Tát Ðịa Tạng đã có thần lực bất khả tư nghì như thế, cớ sao chúng sanh chẳng chịu nương về thiện đạo để được giải thoát mãi mãi? Cúi xin Thế Tôn dạy rõ việc đó cho chúng con.
Ðây đích thật là nghi hoặc lớn lao của chúng ta, các Ngài rất từ bi nêu câu hỏi thay chúng ta. Trí huệ, từ bi, thần thông, đạo lực của Ðịa Tạng Bồ Tát cùng chư Phật Như Lai chẳng khác gì, điều này chúng ta phải biết. Số học trò của Ðịa Tạng Bồ Tát đã thành Phật rồi không thể tính biết được, chẳng có cách chi tính nổi, vị thầy này còn trụ ở địa vị Bồ Tát, đây là từ bi đến cùng cực. Tại sao cứ trụ ở địa vị Bồ Tát, chẳng dùng địa vị của Phật để độ chúng sanh? Ðiểm này mọi người nhất định phải biết, Phật là sư đạo, pháp thế gian và xuất thế gian nhất định phải tôn sư trọng đạo. Cho nên ‘chỉ nghe nói [học trò] đến học chứ chưa bao giờ nghe ông thầy đi dạy’, chỉ có bạn đi đến đâu cầu học, chẳng nói thầy giáo đến để dạy cho bạn, chẳng có đạo lý đó. Nói cách khác, dùng thân phận của Phật để độ chúng sanh có nhiều việc bất tiện, không thể chủ động đi giáo hóa chúng sanh, cũng không thể nói là không có người mời đức Phật bèn nói, nhất định phải có người thỉnh, nhất định phải để cho người ta tôn trọng pháp, tôn trọng học thuật thì thầy giáo mới có thể dạy. Thân phận Bồ Tát thì không giống vậy, Bồ Tát là thân phận bạn đồng học, bạn lớp đàn anh nên giống như trong kinh Vô Lượng Thọ có nói ‘làm người bạn không mời’, đó là Bồ Tát. Phật thì không thể, cho nên Phật phải thoái lui đến địa vị Bồ Tát thì mới có thể rộng độ chúng sanh.
Trí huệ, thần thông, đạo lực của Ðịa Tạng Bồ Tát đích thật chẳng khác gì với chư Như Lai, tại sao những chúng sanh này không nghe lời? Không tuân theo lời dạy của Bồ Tát ‘vĩnh thủ giải thoát’. Nói thật ra chúng ta thấy những tôn giáo khác trên thế gian, cho đến thấy Nhất Quán Ðạo [6], kinh điển của Nhất Quán Ðạo, trong đó cũng khuyên người niệm A Di Ðà Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để được giải thoát vĩnh viễn, ở trong đó cũng có khuyên người niệm Quán Thế Âm Bồ Tát hòng tiêu tai miễn nạn, tại sao người ta không chịu nghe theo? Chúng ta nói một cách chung chung là nghiệp chướng tập khí quá nặng, cũng nghĩa là tham, sân, si, vọng tưởng quá nặng, chẳng buông xuống nổi. Bên trong có phiền não tập khí [tích lũy] từ vô thỉ kiếp đến nay, bên ngoài lại bị dụ dỗ bởi ngũ dục lục trần, hiện nay trong ngũ dục lục trần lại cộng thêm yêu ma quỷ quái, sức mạnh càng tăng thêm. Thế nên vừa thoát ra khỏi địa ngục sanh đến cõi người chưa được bao lâu lại bị mê hoặc, lại tạo tội nghiệp, rồi đọa lạc trở lại. Chẳng phải là Ðịa Tạng Bồ Tát không có năng lực này, mà vì chúng sanh không chịu nghe lời, chẳng thể y giáo phụng hành, nên mới chuốc lấy những khổ nạn này.
Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây thôi.
[1] Y nhân sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt nhân toán. Toán giảm tắc bần hao, đa phùng ưu hoạn, nhân giai ác chi, hình họa tùy chi, cát khánh tị chi, ác tinh tai chi.
[2] Nhạc Phủ hữu Chủ Tài Án Chủ giả.
[3] Nhiên thái thượng vưu cấm hoạnh thủ nhân tài giả.
[4] Sở dĩ nói như vậy là vì trong Dịch Học, người ta gán mỗi con giáp tương ứng với một hành, chẳng hạn Tý, Sửu thuộc Thổ, Ngọ, Mùi thuộc Thủy vân vân…
[5] Trong bài giảng nào đó, Hòa Thượng có nói thật ra cây không có thần, mà do thần chấp trước, nương gá vào cây, coi đó như là cung điện của chính mình nên gọi là thần cây.
[6] Một giáo phái có nguồn gốc từ Trung Quốc Đại Lục, hiện nay là một giáo phái rất phát triển ở Đài Loan. Danh xưng Nhất Quán Đạo có từ năm 1886, đời Thanh Đức Tông, khởi thủy từ vùng Sơn Đông, sau đó được truyền đi nhiều nơi. Nhất Quán Đạo dung hợp năm tôn giáo: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên Chúa giáo, và Hồi giáo. Vị thần chính được tôn thờ gọi là Minh Minh Thượng Đế. Họ thường tiếp xúc với các loại quỷ thần bằng cách phù loan. Các buổi lễ tiếp đón tín đồ mới đều được diễn ra trong vòng bí mật, họ thường bắt tín đồ không được tiết lộ những gì họ đã tuyên thệ!.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Giải.
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thời gian: Tháng 5 năm 1998.
AMTB: 14-012-0001 - 14-012-0051.
Việt dịch: Một nhóm Diệu Âm Cư Sĩ.