Pháp sư

[TẬP 27]: Tu Hành Trọng Yếu Nhất Nhất Là Sửa Đổi Hành Vi Lầm Lạc Của Mình.


Chư vị đồng học!

Xin xem tiếp tiểu đoạn thứ ba, [sách Yếu Giải viết]: “Nhân dân biểu nhân duyên sanh pháp, Thanh Văn biểu tức Không, Bồ Tát biểu tức Giả, Phật biểu tức Trung, viên dung vô ngại dã” (Nhân dân biểu thị các pháp do nhân duyên sanh, Thanh Văn tức là Không, Bồ Tát tức là Giả, Phật tức là Trung; viên dung vô ngại vậy). Đoạn này rất trọng yếu. Trong cảnh giới Như Lai, chẳng những chúng sanh bình đẳng, không chỉ hữu tình chúng sanh mà vô tình báo độ[5] cũng là bình đẳng. Vì thế, gọi chung là “Nhất Chân pháp giới”. Trong Nhất Chân pháp giới có Phật, có Bồ Tát, có chúng sanh hay chăng? Không có! Nếu vẫn còn phân biệt, chấp trước ấy thì đâu phải là Nhất Chân! Trong Nhất Chân có tịnh độ, uế độ hay chăng? Có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm hay chăng? Thảy đều chẳng có thì mới gọi là Nhất Chân! Đấy mới là chân tướng sự thật. Tâm hiện, thức biến, phải chú tâm thấu hiểu, quán sát lý này thì quý vị mới có thể hiểu được chân tướng.

Đối với thế giới Hoa Tạng và thế giới Cực Lạc, trong kinh đức Phật thường nói “duy Phật nhất nhân cư Tịnh Độ” (chỉ mình đức Phật ở Tịnh Độ). “Chỉ một mình đức Phật” không có nghĩa là chỉ có một người, đừng hiểu lầm như vậy! Người đạt đến Phật quả viên mãn rốt ráo rất nhiều, chỗ của những vị Phật quả viên mãn rốt ráo ở gọi là Nhất Chân pháp giới thực sự. Chỗ Đẳng Giác Bồ Tát ở là Tương Tự Nhất Chân pháp giới, không phải là chân thật. Vì sao? Họ vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa đoạn sạch, đạo lý là đây. Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng, bốn mươi mốt đẳng cấp ấy do đâu mà có? Quý vị hãy nghĩ xem: Vô minh phiền não chưa đoạn hết. Bốn mươi mốt phẩm vô minh, cứ phá một phẩm liền thăng lên một cấp, duyên do là như vậy! Nhưng quý vị phải hiểu, Vô Minh, Trần Sa, Kiến Tư phiền não tánh Không, trong Chân Như tự tánh vốn không có!

Khởi Tín Luận nói rất hay: “Bổn giác vốn có, bất giác vốn không”. Vô minh là bất giác, phân biệt, chấp trước đều là bất giác, bất giác vốn không! Trong ấy há có giai cấp? Trong ấy há nào có Phật, há có chúng sanh? Trong cảnh giới ấy, không có Phật, không có chúng sanh, đó là Đệ Nhất Nghĩa. Phải rơi vào Đệ Nhị Nghĩa mới có Phật, có chúng sanh; trong Đệ Nhất Nghĩa không có. Trong Đệ Nhị Nghĩa có Thường Tịch Quang, có Thật Báo Độ, có Đồng Cư độ; trong Đệ Nhất Nghĩa không có. Đấy mới là chân tướng, Thật Tướng của các pháp. Nếu có những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước như vậy thì đều là tướng hư vọng! Kinh Kim Cang dạy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (Phàm những gì có tướng đều là hư vọng). Nghĩa là sao? Chúng sanh trong chín pháp giới, kể cả Đẳng Giác Bồ Tát, trong những cảnh giới của họ, tất cả những gì có tướng thì đều là hư vọng.

Nơi Thật Tế Lý địa của Như Lai, phàm những gì có tướng đều là Thật Tướng, kỳ diệu thay! Tuyệt diệu ở chỗ Thật Tướng và vọng tướng (tướng hư vọng) dung hợp thành một, chẳng thể phân ra. Vọng tướng không còn, Thật Tướng cũng không còn. Thật Tướng giống như thân người, vọng tướng giống như bóng người khi ánh nắng chiếu vào thân. Quý vị nghĩ xem: Bóng và thân có tách rời nhau được chăng? Không tách rời được! Có trở ngại nhau hay chăng? Không trở ngại! Thân ta chẳng trở ngại bóng, bóng chẳng trở ngại thân, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Quý vị phải giác! Nếu bất giác thì bất giác là bậy rồi, là coi cái bóng như chính mình, quên mất chính mình. Đó là gì? Chúng sanh trong chín pháp giới cùng mắc phải căn bệnh này. Chân thân của chúng ta là thanh tịnh Pháp Thân, tứ thánh, lục phàm, y báo, chánh báo trang nghiêm đều là bóng; kinh Kim Cang đã chẳng nói rất hay đó ư? Như mộng, huyễn, bọt, bóng!

Y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là mộng, huyễn, bọt, bóng, là tương tự Thật Tướng trong Nhất Chân pháp giới, phải là quả vị Như Lai thì mới là Thật Tướng chân thật. Phải hiểu đạo lý này! Nếu quý vị chẳng hiểu, học tập tu hành sẽ không có phương hướng, chẳng có mục tiêu, rốt cuộc chẳng có kết quả. Nếu quý vị hiểu được, thấy rõ, thì ta có phương hướng, ta có mục tiêu, tương lai ta sẽ chứng nhập cảnh giới ấy, đó là cảnh giới Phật. Chẳng cần biết quý vị chứng đắc cảnh giới ấy sâu hay cạn, chứng đắc rộng, chứng đắc hẹp, [cảnh giới ấy] sẽ giúp ích rất lớn trong việc nâng cao phẩm vị khi cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong tương lai. Bởi thế, nhất định phải hiểu y báo, chánh báo trang nghiêm là mộng, huyễn, bọt, bóng, do đâu mà có? Do từ

vọng tưởng của chúng ta biến hiện ra!

Ở đây, nói nhân dân là “nhân duyên sanh pháp”, “nhân duyên sanh pháp” (pháp được sanh bởi nhân duyên) là gì? Nói cách khác, mọi người sẽ dễ hiểu hơn: Nhân dân là nhân quả báo ứng, điều này mọi người hiểu được. Pháp do nhân duyên sanh là nhân quả báo ứng, không gì chẳng sanh từ tâm tưởng. Tâm quý vị nghĩ điều lành, được quả báo lành, y báo, chánh báo trang nghiêm đều lành. Tâm quý vị nghĩ chuyện chẳng lành, y báo, chánh báo đều bất thiện. Chẳng phải do ai khác tạo ra cho mình gánh chịu, mà là tự mình tạo, tự mình gánh chịu. Không hiểu lẽ “tự làm, tự chịu”, đổ thừa người khác, oán trời, trách người: “Lão trời già không công bằng, khiến tôi phải khổ đến thế này, đối đãi tốt với người khác như thế, xử tệ với tôi dường này!” Chẳng hiểu người khác tốt lành là do thiện tâm, thiện nghiệp của người ấy biến ra, những điều xấu của chính mình do tâm bất thiện, nghiệp bất thiện của mình biến ra, chẳng liên can đến ai cả! Bởi thế, người thực sự giác ngộ, thấu hiểu, sẽ sửa đổi quan niệm lầm lạc ấy, chẳng oán trời, chẳng trách người, biết chuyện đó chẳng ăn nhập đến ai, đúng là “tự làm, tự chịu”. Đó là chân tướng sự thật.

Trong thế giới Cực Lạc có nhân dân, nhân dân là những người đới nghiệp vãng sanh trong Phàm Thánh Đồng Cư Độ, sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thật ra, họ vẫn thuộc trong cảnh giới nhân thiên, thù thắng ở chỗ nào? Điều thực sự thù thắng chẳng thể nghĩ bàn là được bổn nguyện oai thần của A Di Đà Phật gia trì. Được trí huệ phước báo của A Di Đà Phật gia trì, nâng cao [cảnh giới, phẩm vị] lên, chẳng do chính họ tu chứng. Điều thù thắng nhất của Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là chỗ này!

“Thanh Văn tức là Không”: Thanh Văn là nói về Phương Tiện Hữu Dư độ, cảnh giới cao, biết vạn pháp đều là Không: “Nhất thiết vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” (Hết thảy pháp vô sở hữu, rốt ráo không, bất khả đắc). Bởi thế, tâm họ định. Dẫu có định, công phu định vẫn chưa đủ, vì sao? Chưa khai trí huệ. Vì thế, đức Phật bảo họ trụ vào Thiên Chân Niết Bàn, Chân là Chân Không. Trụ Thiên Chân Niết Bàn chỉ có tự thọ dụng, không có tha thọ dụng. Tự thọ dụng là chẳng được tự tại, chẳng viên mãn nơi thanh tịnh tịch diệt.

Trong kinh, đức Phật dạy: A La Hán trụ Thiên Chân Niết Bàn lâu nhất là hai vạn đại kiếp, nghĩa là họ ở trong cảnh giới ấy lâu đến như thế bèn hồi đầu, bèn giác ngộ, giác ngộ hồi đầu! Bích Chi Phật thông minh hơn, Bích Chi Phật cũng trụ Thiên Chân Niết Bàn, thời hạn dài nhất là một vạn đại kiếp, một vạn kiếp bèn hồi đầu, Thanh Văn tối đa hai vạn kiếp mới hồi đầu. Chúng ta thường gọi “hồi đầu” là “hồi Tiểu hướng Đại”; họ không còn mong nghỉ ngơi nữa, thời gian nghỉ ngơi đã đủ rồi, lại phải nỗ lực cầu học. Thiên Chân Niết Bàn của Thanh Văn giống như lúc ta nghỉ học. Ví như đi học đến lúc tốt nghiệp Trung Học, tốt nghiệp rồi không học nữa, tạm ngừng học. Ngừng học độ mấy năm, biết là chưa được, vẫn phải học, lại thi vào Đại Học. Đại Học giống như Đại Thừa.

“Bồ Tát tức là Giả”, chữ “tức” ở đây có nghĩa là “hết thảy”. Một thứ Không, hết thảy đều Không. Một thứ giả thì hết thảy đều giả. Bồ Tát biết y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là giả tướng; giả tướng ấy chẳng trở ngại Chân Không. Vì thế, tâm trụ vào Chân Không, trong giả tướng, Bồ Tát có thể giáo hóa chúng sanh, giáo hóa không chướng ngại. Chúng ta hiện đang là phàm phu, nếu chúng ta giáo hóa chúng sanh sẽ gây ra chướng ngại cho tâm thanh tịnh của chính mình, tâm chẳng được thanh tịnh. Nếu là Bồ Tát thì chẳng có chướng ngại; suốt ngày từ sáng đến tối bận bịu phục vụ hết thảy chúng sanh, nhưng quyết định chẳng chướng ngại cái tâm thanh tịnh của chính mình, quyết định chẳng chướng ngại công phu tu hành của chính mình. Bồ Tát tu lục độ vạn hạnh. Người niệm Phật chúng ta tu nhất tâm bất loạn, tâm chẳng điên đảo, đó là Niệm Phật tam-muội. Bất luận làm việc gì, bất luận bận bịu đến thế nào đi nữa, tâm chẳng điên đảo, nhất tâm bất loạn.

Tâm của Bồ Tát vĩnh viễn định, chẳng bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển. Phàm phu chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài bèn bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, rất đáng thương! Bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển là gặp phải cảnh giới bèn lập tức dấy lên phản ứng, chẳng có công năng Thiền Định. Vì thế, có thể nói là từ lúc sanh ra cho đến hiện tại, ý niệm ngày đêm không hề gián đoạn, niệm trước vừa diệt, niệm sau liền sanh, tốc độ rất nhanh, quyết định chẳng có hai niệm nào giống nhau. Ý niệm nhanh hơn thời gian, thời gian tính bằng phút, bằng giây; theo như kinh Phật nói, ý niệm của chúng ta khởi lên, diệt mất trong một phần vạn giây. Nói cách khác, trong khoảng thời gian chừng một giây, ý niệm của chúng ta đã một vạn lần sanh diệt. Đấy là những điều được nói trong kinh Nhân Vương. Tôi đã thưa cùng các vị đồng học rồi, đấy chưa phải là chân thật, chỉ là đức Phật phương tiện nói. Nói phương tiện mà đã phi thường lắm rồi! Vì sao?

Theo kinh Nhân Vương, có bao nhiêu ý niệm sanh diệt trong một giây? Hai mươi mốt vạn sáu ngàn niệm, hai mươi mốt vạn sáu ngàn niệm sanh diệt đấy nhé! Bản thân ta không tự biết, điều không biết đó được gọi là “thô tâm đại ý”. Một niệm sanh khởi chính là hiện ra tướng trạng giống như chúng ta xem phim: Tấm ảnh vừa lọt vào ống kính của máy chiếu phim thì tấm ảnh đó bèn được rọi lên màn bạc. Màn bạc là hư không, là thế giới, chúng sanh sanh trong đó thoáng một cái rồi diệt mất. Diệt rồi lại lập tức sanh: Tấm ảnh thứ hai hiện ra, tốc độ rất nhanh. Chúng ta thấy dường như là thực sự có [một cảnh tượng đang diễn biến liên tục], chứ thật ra là từng tấm phim riêng rẽ, hình ảnh trong mỗi tấm lại khác nhau, tuyệt đối chẳng có hai tấm ảnh nào giống nhau! Đó là tướng “tương tục” (tiếp nối).

Kinh Kim Cang nói: “Như lộ, diệc như điển”, Lộ (露) là sương móc. Lộ ví như tướng tương tục, Điển (電: chớp) ví như chân tướng. Mỗi một tấm phim được chiếu lên là chân tướng, bao nhiêu tấm tiếp nối nhau là tướng tương tục. Vì sao hình ảnh trong mỗi tấm không giống nhau? Các ý niệm của chúng ta không giống nhau. Kinh Phật giảng ý niệm là “thức”, chỉ là do thức biến hiện. Mỗi niệm khác nhau biến hiện tướng trạng cảnh giới khác nhau. Bồ Tát đã giác ngộ, Ngài có thể hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Công đức là gì? Công đức là bất biến, chẳng chuyển theo cảnh giới bên ngoài. Đó là công đức. Chuyển theo cảnh giới bên ngoài thì chẳng có công đức, mà là phiền não, vì quý vị lệ thuộc vào cảnh giới bên ngoài. Người học Phật nói đến “công phu”, vậy công phu là gì? Là chẳng chuyển theo cảnh giới bên ngoài, ấy là Định; hiểu rõ rệt rành rẽ cảnh giới bên ngoài, hiểu thấu suốt thì là Huệ. Định Huệ cùng học cân bằng, cùng vận dụng Định và Huệ thì chẳng thể nghĩ bàn. Cảnh giới ấy sâu lắm.

Vì sao Bồ Tát luôn độ chúng sanh, Tiểu Thừa trụ Niết Bàn rất tự tại, sao Bồ Tát chẳng trụ Niết Bàn? Bồ Tát trụ trong Niết Bàn, nhưng Niết Bàn ấy lại chẳng trở ngại việc độ chúng sanh, tuyệt diệu! Niết Bàn là như như bất động, thanh tịnh tịch diệt. Bởi vậy, Niết Bàn chứng bởi Đại Thừa Bồ Tát gọi là Vô Trụ Niết Bàn, nơi quả địa Như Lai cũng giống như vậy. Thế nào là Vô Trụ Niết Bàn? Chẳng trụ vào sanh tử, chẳng trụ vào hai bên. Nói cách khác, chẳng trụ vào Niết Bàn bèn có sanh tử, chẳng trụ sanh tử chính là Niết Bàn. Nếu nói Niết Bàn lẫn sanh tử hai bên đều trụ cả, đều chiếu cố cả hai thì hai bên không xung đột, hai bên không mâu thuẫn, hai bên viên dung, hai bên tự tại, viên dung vô ngại! Bởi thế, đạt đến địa vị Bồ Tát thì thực hiện được điều đó, bởi Không - Giả - Trung hoàn toàn dung hợp, vừa là Không, vừa là Giả, vừa là Trung.

Do trong cảnh giới phàm phu, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước hết sức nghiêm trọng, Không - Giả - Trung chẳng thể viên dung, Không chẳng phải là Giả, Giả chẳng phải là Trung! Trí huệ chân chánh hiện tiền, biết chúng là một, một mà ba, ba nhưng một; giống như cái nắp của chén trà, chúng ta hãy quan sát như sau: Nếu lật ngửa lên nó bị lõm xuống; lật ngược lại, nó bèn lồi lên. Người chẳng liễu giải chân tướng sự thật, chỉ đứng tại một bên [để nhìn sự việc] ắt sẽ đôi co. Kẻ này nói: “Tôi thấy nó lõm xuống”, người kia bảo: “Tôi thấy nó lồi lên”. Hai người cãi cọ, tri kiến khác nhau, chẳng thấy chân tướng sự thật. Nếu lật nó lại thì mới hoảng nhiên đại ngộ: Lõm vốn là lồi, lồi vốn là lõm, là một, chứ không phải hai.

Phật, Bồ Tát thông minh ở chỗ nào? Mặt nào cũng thấy cả. Phàm phu và Tiểu Thừa chỉ thấy được một bên, vì thế, có chấp trước. Vì chỉ thấy một bên nên nếu quý vị nói cái này lõm xuống, họ chẳng tin: “Rõ ràng là nó lồi lên, sao anh lại nói lõm xuống?” Người thấy bên kia bèn nói: “Rõ ràng là nó lõm xuống, sao anh bảo nó lồi lên?” Tranh luận chẳng thôi! Họ không thấy mọi mặt, thấy mọi mặt là trí huệ viên mãn. Đức Phật dạy chúng ta đối với pháp giới, hư không, thế giới, chúng sanh, vi trần phải nhìn mọi mặt, có như thế mới viên dung vô ngại.

 

6.3.1.2.3. Bảo trì đức thủy (nước tám công đức trong ao báu)

 

      Lại xem tiếp đoạn kế là “bảo trì đức thủy” (nước tám công đức trong ao báu), chúng ta đọc kinh văn một lượt. Trong đoạn này không trích đoạn sách Yếu Giải.

     

      Hựu Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ, hữu thất bảo trì, bát công đức thủy sung mãn kỳ trung. Trì để thuần dĩ kim sa bố địa, tứ biên giai đạo, kim, ngân, lưu ly, pha lê hiệp thành.

      又舍利弗。極樂國土。有七寶池。八功德水。充滿其中。池底純以金沙布地。四邊階道。金銀琉璃。玻璃合成。

      (Lại này Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, nước tám công đức đầy ắp trong ấy. Đáy ao thuần dùng cát vàng trải đất. Bốn phía là bậc lên, lối đi, dùng vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành).

 

      Trong đoạn này, vàng là một thứ, bạc là một thứ, lưu ly là một thứ, pha lê là một thứ, ở đây nói đến bốn thứ. Nay chúng ta gọi Lưu Ly là Phỉ Thúy (Jadeite), tức một thứ ngọc màu xanh lá cây; Pha Lê nay gọi là thủy tinh. Trước kia, chưa chế ra pha lê (crystal), pha lê được cổ nhân nói đến cũng như pha lê trong kinh Phật, đều là thủy tinh, là một chất tìm thấy trong thiên nhiên, hoàn toàn trong suốt. Hiện tại, chúng ta biết thủy tinh được chế thành rất nhiều thứ, thường thấy nhất là tròng mắt kiếng. Mắt kiếng thủy tinh bảo vệ tròng mắt. Lại xem tiếp đoạn dưới:

 

      Thượng hữu lâu các.

      上有樓閣。

      (Phía trên có lầu gác).

 

      Ý nói phía trên bờ ao bảy báu, “lại có lầu gác”, những lầu gác ấy…

     

      Diệc dĩ kim, ngân, lưu ly, pha lê.

      亦以金。銀。琉璃。玻璃。

      (Cũng dùng vàng, bạc, lưu ly, pha lê).

 

      Lại còn thêm:

 

      Xa cừ, xích châu, mã não, nhi nghiêm sức chi.

      硨磲。赤珠。瑪瑙。而嚴飾之。

      (Xa cừ, xích châu, mã não để trang hoàng).

     

      Đấy là bảy báu, nói đến bảy báu là chỉ những thứ đó.

 

      Trì trung liên hoa.

      池中蓮華。

      (Hoa sen trong ao).

 

      Trong ao sen báu ấy lại có hoa sen.

 

      Đại như xa luân, thanh sắc thanh quang, hoàng sắc hoàng quang, xích sắc xích quang, bạch sắc bạch quang, vi diệu hương khiết.

      大如車輪。青色青光。黃色黃光。赤色赤光。白色白光。微妙香潔。

      (To như bánh xe, màu xanh ánh sáng xanh, màu vàng ánh sáng vàng, màu đỏ ánh sáng đỏ, màu trắng ánh sáng trắng, vi diệu thơm sạch).

 

      Đến đây là một đoạn. Chúng ta nói đến nước tám công đức trong ao báu, đã đọc qua kinh văn rồi. Nghĩa thú trọng yếu trong đoạn này là “không có cái khổ lão - tử”. Dưới đây, chúng tôi chia thành hai tiểu đoạn “thượng minh trụ xứ, thử tiết minh sanh xứ” (đoạn trên nói về trụ xứ, tiết này nói về chỗ để vãng sanh). Các cây báu, lan can báu được nói trong phần trên chính là “địa lợi chi lạc”, tức là hoàn cảnh cư trú như hàng cây bảy báu v.v... Còn ao báu, nước tám công đức là nói đến “sanh xứ” (chỗ hóa sanh) của chúng ta khi vãng sanh thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc chẳng giống với thế gian của chúng ta. Trong thế giới chúng ta là thai sanh, thai sanh rất khổ. Tây Phương Cực Lạc thế giới là hóa sanh, hóa sanh là biến hóa.

      “Thử độ Đồng Cư thị hữu lậu Hoặc nghiệp sở cảm” (Đồng Cư trong cõi này (Sa Bà) là do Hoặc nghiệp hữu lậu cảm vời). “Thử độ” tức là thế gian, là quả địa cầu của chúng ta, địa cầu này là Phàm Thánh Đồng Cư độ. Cõi này do đâu mà có? Trong kinh, đức Phật dạy “do Hoặc nghiệp hữu lậu”. Lậu là tên khác của phiền não. Hữu Lậu là có phiền não, có tập khí. Chỉ cần quý vị có phiền não, tập khí, quý vị không có cách chi thoát khỏi luân hồi lục đạo được. Lục đạo luân hồi do Hoặc nghiệp hữu lậu cảm thành. Chúng ta thấy trong kinh luận, đức Phật giảng như thế rất nhiều lần, đúng là vô số lần, ngàn kinh muôn luận đều giảng cho chúng ta biết chân tướng sự thật này.

Lục đạo do Kiến Tư phiền não biến hiện. Bởi thế, đức Phật nói chỉ cần buông Kiến Tư phiền não xuống được thì lục đạo luân hồi chẳng còn nữa. Trong Chứng Đạo Ca, Vĩnh Gia đại sư có viết rất hay: “Mộng lý minh minh hữu lục thú” (Trong mộng rành rành phân sáu nẻo), “lục thú” chính là lục đạo. “Giác hậu không không vô đại thiên” (tỉnh rồi, ba cõi rỗng toang hoang). Lục đạo luân hồi chẳng thật, nó là cảnh giới trong mộng, do mê hoặc, điên đảo biến hiện, nhưng quý vị chẳng biết đấy là mộng, nên phải chịu đựng trong giấc mộng đó. Bởi thế, quý vị tạo thiện nghiệp sẽ hưởng phước trong mộng, có lạc thọ; tạo ác nghiệp thì thọ tội trong mộng, có khổ thọ. Quý vị chẳng tỉnh giấc mộng ấy. Đến lúc nào mới tỉnh? Khi nào đoạn được nghiệp nhân lục đạo, quả sẽ không còn nữa. Nghiệp nhân chính là Kiến Tư phiền não.

Trong Kiến Tư phiền não có một thứ là Thân Kiến: Chấp trước thân này là Ta. Quý vị suy nghĩ xem: Lục đạo chúng sanh có ai không vì chính thân mình hay không? Hành thiện cũng vì cái thân này, tạo ác cũng vì cái thân này, tưởng thân này là Ta, đó là sự lầm lạc thứ nhất. Bởi vậy, tôi thường khuyên lơn các đồng học: Nếu chúng ta thực sự mong được giác ngộ, mong được thấu hiểu, thấu suốt, thì phải dụng công nơi đâu? Đầu tiên là phải bỏ được ý niệm tự tư tự lợi mới hòng vào được cửa. Quan niệm tự tư tự lợi sai lầm, hành vi sai lầm ấy nếu chẳng thể triệt để buông xuống được, dù quý vị có duyên phận tốt tới đâu đi nữa, quý vị vẫn chẳng thể vào được cửa nhà Phật. “Cửa nhà Phật” nghĩa là gì? Chẳng thể tiến nhập cảnh giới Phật được!

Lục đạo phàm phu đáng thương! Từ vô lượng kiếp đến nay lăn lóc trong luân hồi, thời gian trong ba đường thiện ngắn ngủi, thời gian trong ba đường ác dài lâu. Quý vị nói xem vì lẽ nào vậy? Vì tự tư tự lợi. Tự tư tự lợi làm hại quý vị, khiến quý vị đời đời kiếp kiếp phải chịu khổ báo trong tam đồ. Đức Phật đúng là từ bi đến cùng cực, đem toàn bộ chân tướng sự thật, nhân quả trước sau giảng rõ ràng, minh bạch cho chúng ta, hiềm rằng chẳng ngộ! Thế nào là ngộ? Buông tự tư tự lợi xuống thì người ấy liền giác ngộ! Buông tự tư tự lợi xuống không được, không thể giác ngộ. Nghiêm trang như tượng, nói đến nỗi hoa trời rơi lả tả, nhưng không buông tự tư tự lợi xuống được, vẫn chưa thực sự giác ngộ! Kinh giáo gọi kẻ đó là “thế trí biện thông”, chẳng phải trí huệ chân thật. Kẻ trí huệ chân thật thay đổi quan niệm, đó là tu hành! Sửa đổi quan niệm lầm lạc cho đúng, khởi tâm động niệm là tâm gì? Tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi; khởi tâm động niệm trong cuộc sống thường nhật toàn là những tâm ấy.

Trong những tâm ấy không có tự tư tự lợi, trông thấy chúng sanh khổ sở bèn muốn giúp họ, toàn tâm toàn lực xả kỷ vì người. Quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng phải giống như thế hay sao? Vứt bỏ cuộc sống an vui, giàu có của chính mình, vứt bỏ địa vị xã hội, vứt bỏ hết thảy quyền thế, dùng thân thể, dùng trí huệ của Ngài để giúp hết thảy chúng sanh giác ngộ, giúp hết thảy chúng sanh đoạn ác tu thiện, giúp hết thảy chúng sanh lìa khổ được vui, giúp hết thảy chúng sanh chuyển phàm thành thánh. Những việc Ngài thị hiện suốt ngày từ sáng đến tối là vì người khác diễn nói, hy sinh, phụng hiến, không có chút nào tự tư tự lợi. Hành vi luôn lợi ích xã hội, lợi ích hết thảy chúng sanh. Có vậy Phật mới có thể nhập cảnh giới Phật. Cảnh giới Phật chính là cảnh giới của tánh đức chính mình, minh tâm kiến tánh.

Sở dĩ phàm phu, Quyền Tiểu tu hành bao kiếp chẳng thể khế nhập, nguyên nhân vì đâu? Chưa buông tự tư tự lợi xuống được. Đấy chẳng phải chuyện dễ! Nói chung, chúng ta căn tánh hạ liệt rất sâu, phiền não tập khí quá nặng, há dễ dàng buông xuống được ư? Phật gặp những chúng sanh như vậy thì làm sao? Không khuyên kẻ ấy buông xuống, vì sao? Không có cách chi hết, không thực hiện được! Khuyên họ làm gì? Khuyên họ tạo thiện nghiệp, chớ tạo ác nghiệp, Phật giáo hóa chúng sanh tu Ngũ Giới, Thập Thiện, mục đích chẳng nhằm dạy họ thoát luân hồi, mục đích là ngăn ngừa khỏi bị đọa trong ba ác đạo. Do tư tưởng, ngôn ngữ, hành vi của quý vị chẳng lành; chẳng lành thì quý vị sẽ chiêu cảm khổ báo trong tam đồ, rất đáng thương, rất thê thảm! Quý vị có thể đoạn ác tu thiện, quý vị trì Ngũ Giới, tu Thập Thiện thì đời sau sẽ hưởng phước báo trời - người. Quý vị chẳng thể buông tự tư tự lợi xuống được, quý vị chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi, [nên đành phải] giúp cho quý vị hưởng phước báo trời - người. Đức Phật giáo hóa chúng sanh đúng là ứng cơ thuyết pháp (thuyết pháp ứng theo căn cơ), căn cơ quý vị như thế nào, nguyện vọng như thế nào, Phật đều thỏa mãn quý vị. Đấy là nói [về những điểm mà] thế giới Sa Bà của chúng ta khác với Tây Phương Cực Lạc thế giới.

“Bỉ độ nãi vô lậu tịnh nghiệp sở thành, hựu vị A Di Đà Phật nguyện hạnh chi sở trang nghiêm” (Cõi kia do tịnh nghiệp vô lậu cảm thành, lại được trang nghiêm bằng nguyện hạnh của A Di Đà Phật). Câu “được trang nghiêm” có nghĩa là gia trì. Bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, công đức tu hành trong vô lượng kiếp của A Di Đà Phật gia trì chúng ta. Quý vị muốn tu vô lậu tịnh nghiệp thì quý vị phải cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, không thể chẳng hiểu đạo lý này. Lại thưa cùng quý vị: Trong tâm quý vị còn oán hận kẻ nào đó, vẫn còn có kẻ nào ta thấy gai mắt, sẽ chẳng đến được thế giới Cực Lạc. Vì sao? Tâm thái ấy chính là Lậu nghiêm trọng, chưa phải là Vô Lậu, mà là Hữu Lậu. Hữu Lậu tu Tịnh nghiệp thì nghiệp ấy cũng chẳng tịnh, cũng biến thành Hoặc nghiệp. Bởi thế, muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sao không nhìn vào những bà cụ già niệm Phật, lúc vãng sanh rất tự tại dường ấy? Quý vị phải chú tâm quan sát họ, lúc họ còn sống có oán hận ai chăng? Không có! Vì sao? Đều một nét bút sổ toẹt cả rồi! Tôi muốn sanh về thế giới Cực Lạc; đợi khi tôi thành Phật, tôi sẽ trở về độ mấy người. Đó là một điều kiện hết sức quan trọng để được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Tu hành trọng yếu nhất là phải sửa đổi những hành vi lầm lạc. Còn có một ai chẳng vừa ý, có chuyện gì chẳng khoan khoái thì đều là những thứ chướng ngại vãng sanh, tâm mình chưa thanh tịnh. Điều ấy giải thích vì sao vãng sanh khó, một vạn người niệm Phật chỉ có một, hai người được vãng sanh; đạo lý là đây. Nếu quý vị chưa chuyển được phiền não thì dùng một câu A Di Đà Phật đè xuống, đè chặt cho nó khỏi khởi tác dụng. Nếu trông vào vận may thì lúc lâm chung, trong hơi thở cuối cùng, không đè giữ được phiền não, nó bộc phát ra; bộc phát rồi bèn đọa tam đồ.

Vì vậy, bình thời phải dùng công phu để chuyển biến nó, ta không oán hận nữa, càng tăng thêm từ bi. Người ta đem tâm oán hận mình, mình dùng tâm từ bi đối đãi họ, ta dùng tâm cảm ơn đối xử với họ. Nếu quý vị hỏi: Kẻ ấy đối với ta có ân gì vậy? Thành tựu Nhẫn Nhục Ba La Mật cho ta, đó là ân. Thành tựu Trì Giới Ba La Mật cho ta. Vì sao nói thành tựu Trì Giới? Ta đối với kẻ ấy chẳng báo thù, đó là Trì Giới, giới chẳng sát sanh, chẳng có ý niệm báo thù. Chẳng có ý niệm sân khuể là Nhẫn Nhục. Chẳng có ý niệm báo thù là không sát sanh, chẳng sát là Trì Giới. Thành tựu sáu Ba La Mật cho quý vị, đấy chẳng phải là ân huệ thì là gì? Phiền não tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay từ đây được hóa giải, niệm Phật như vậy sẽ chẳng chướng ngại vãng sanh, mới thực sự cảm được A Di Đà Phật tiếp dẫn lúc lâm chung. Bởi thế, nếu có một chuyện trong thế gian nào mình không buông xuống được thì đều là phiền phức cả!

Nếu quả thật thân tâm, thế giới, hết thảy đều buông xuống được, phiền não, tập khí chẳng khởi hiện hành, người ấy niệm Phật vãng sanh hết sức bình an, ổn thỏa, thích đáng, lúc lâm chung Phật đến tiếp dẫn. Vì thế, thế giới Cực Lạc hoàn toàn do vô lậu tịnh nghiệp tạo thành. Vô lậu là chuyển biến được phiền não, tập khí, câu này rất trọng yếu. Đới nghiệp vãng sanh chỉ có thể mang theo những chủng tử tập khí trong A Lại Da thức, chứ chẳng thể mang theo những nghiệp hiện hành. Hiện hành là gì? Trong hiện tại vẫn thường phát tác, đó gọi là “hiện hành”, những nghiệp ấy không mang theo được! Chúng ta mỗi ngày từ sáng đến tối sanh sống, làm việc, xử sự, đãi người, tiếp vật đều là tu hành, sửa đổi hết những chứng bệnh, tập khí từ trước. Trước kia, ta hận người, nay ta yêu thương người; trước kia mình chán ghét người, nay mình có thể giúp đỡ họ. Bây giờ đã đến giờ rồi.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa