Pháp sư

[TẬP 24]: Trong Cửa Phật, Chẳng Bỏ Một Ai


Chư vị đồng học!

Chúng ta coi tiếp:

 

Kỳ quốc chúng sanh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc.

      其國眾生。無有眾苦。但受諸樂。故名極樂。

(Chúng sanh cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng các sự vui, nên tên là Cực Lạc).

 

Trong Khổ Khổ, chúng tôi giới thiệu đơn giản Sanh - Lão - Bệnh - Tử, thứ năm là Cầu Bất Đắc. Hết thảy chúng sanh có ai không có dục vọng? Cá nhân nào chẳng mong cầu? Dục vọng, mong cầu, hết thảy chúng sanh đều có; nhưng dục vọng, mong cầu chẳng có giới hạn, mong cầu phần nhiều đều thất vọng, chân tướng sự thật ấy rất khổ. Dục vọng nhiều, khổ càng nhiều; mong mỏi nhiều, thất vọng càng nhiều! Người chân chánh tu đạo đối với sanh hoạt vật chất lẫn sanh hoạt tinh thần đều tùy duyên, thế nào cũng xong, chẳng mong cầu nên ít khổ. Trong tâm ít vọng niệm, ít mong cầu, chỉ cần duy trì được cuộc sống đã hết sức thỏa mãn. Người như vậy luôn luôn mạnh khỏe, sống lâu, thế mà rất ít người hiểu được!

Xưa kia, lúc Trung Quốc mới mở cửa, rất nhiều người đến thăm viếng du lịch, nhận thấy nội địa Trung Quốc bần cùng lạc hậu, nói như bây giờ là điều kiện vệ sinh, điều kiện vệ sinh gì cũng không có, thế mà dân cư sống rất lâu khỏe mạnh. Tám chín mươi tuổi vẫn là trẻ, người một trăm hai mươi, một trăm ba mươi tuổi không ít, do nguyên nhân nào? Tôi nghe nói người ngoại quốc đến đó khảo sát, tìm chẳng ra nguyên nhân. Nguyên nhân thực sự rất đơn giản, trong kinh Phật thường nói là tâm thanh tịnh, ít ham muốn, ít mong cầu. Đấy là nguyên nhân khỏe mạnh sống lâu. Biết đủ, thường vui, chẳng có những sự phiền muộn trong tâm, chẳng có điều gì phải lo lắng, mỗi ngày được no bụng đã rất đẹp dạ rồi! Bởi thế, ngạn ngữ thường nói: “Ưu lự khiến cho con người già cỗi”. Những quốc gia đã phát triển, cuộc sống người dân hết sức giàu có, nhưng thường ưu lự, chẳng tri túc, ngày đêm truy cầu hưởng thụ, theo đuổi việc nâng cao phẩm chất cuộc sống, sao không bị lão hóa? Rất dễ dàng suy lão, đạo lý là đây.

Thế gian cũng có hiền thánh, vấn đề là chưa thấy ai gặp được, chưa thấy ai gặp được thánh nhân mà có thể tiếp nhận giáo huấn, chuyện này tùy thuộc phước báo của mọi người. Thánh hiền thế gian, xuất thế gian chỉ dạy chúng ta, ta có thể cầu được, chẳng phải là không cầu được. Trong Phật pháp càng nói hay hơn: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (Trong cửa Phật, có cầu ắt ứng). Chẳng có gì không cầu được, nhưng quý vị phải hiểu đạo lý và phương pháp để cầu! Nếu mong cầu đúng lý, đúng pháp, không gì chẳng đạt được. Những gì thiền sư Vân Cốc truyền cho tiên sinh Liễu Phàm chính là đạo lý này. Tiên sinh Liễu Phàm nghiêm túc làm theo, quả nhiên có ứng nghiệm, cầu công danh được công danh, cầu con cái được con cái, chứ trong mạng ông ta không có.

Số mạng ông ta không có công danh, thời cổ gọi “công danh”, nay gọi là “học vị”, Trung Quốc vào thời cổ chẳng gọi là học vị, mà gọi là công danh. Công danh còn chia thành ba đẳng cấp: Thấp nhất là Tú Tài, nói thật ra, Tú Tài chẳng thể tính là công danh. Cao hơn Tú Tài một bậc là Cử Nhân, Cử Nhân có thể tính là công danh. Cao nhất là Tiến Sĩ. Trên thực tế, Tiến Sĩ có thể sánh với học vị Bác Sĩ[7] hiện tại. Học vị tối cao là Tiến Sĩ, thấp hơn là Cử Nhân, tương đương với Thạc Sĩ [hiện tại], Tú Tài tương đương Học Sĩ, hiện thời. Đó là ba đẳng cấp của người có học ở Trung Quốc vào thời cổ.

Liễu Phàm tiên sinh chỉ đậu Tú Tài, trong mạng không có Cử Nhân, Tiến Sĩ đương nhiên khỏi bàn tới. Quý vị thấy trong mạng ông ta không có công danh, ông ta cầu công danh, quả thật ông ta đậu Cử Nhân, đỗ Tiến Sĩ. Trong mạng không có con cái, kết quả ông ta cũng có con cái. Đúng là “trong nhà Phật, hữu cầu tất ứng”. Mạng ông ta chỉ thọ năm mươi ba tuổi, gần như kéo dài tuổi thọ hai mươi năm nữa, sống đến năm bảy mươi bốn tuổi, đúng là hữu cầu tất ứng!

Thánh nhân chẳng lừa dối người, phàm muốn cầu phải  hiểu  lý  luận,

hiểu phương pháp. Lý luận là nhân quả, gieo nhân thế nào, được quả báo thế ấy. Nay trong thế gian này, mong mỏi, dục vọng đã biến thành chuyện lớn nhất trong tư tưởng con người hiện tại, cả đời người theo đuổi phương hướng ấy, hướng theo mục tiêu ấy liều mạng truy cầu. Chẳng hiểu lý luận, chẳng biết phương pháp, cứ cậy vào phiền não tập khí, tri kiến thế tục để phán đoán, cho nên cạnh tranh! Tranh có được hay chăng? Tranh không được! Tranh không được bèn dùng thủ đoạn phi pháp, tổn người, lợi mình, xâm phạm người khác, xâm đoạt người khác nhằm thỏa mãn dục vọng của chính mình. Có lúc tợ hồ có hiệu quả, thực sự đoạt được của cải người ta, nào biết mình đoạt được rồi, hưởng thụ trong một thời gian ngắn, vẫn là vì trong mạng mình có. Nếu mạng mình không có, dẫu tranh cũng chẳng được, có đoạt cũng chẳng được. Ví dù đoạt được, chính mình chẳng thể hưởng dụng được, trong mạng không có mà! Đấy mới là cái nhân chân chánh, trong mạng đã có, cớ gì phải tranh?

Thoạt đầu, Liễu Phàm tiên sinh được Khổng tiên sinh đoán mạng, đoán mạng ông ta có của cải, mỗi năm có bao nhiêu thâu nhập nhất định. Mỗi năm ông ta thử thí nghiệm, chẳng sai chút nào, chẳng sai chạy chút mảy may nào so với lời đoán của Khổng tiên sinh. Bởi thế, ông ta tin tưởng con người có vận mạng chẳng thể miễn cưỡng. Vì thế, ý niệm cạnh tranh, tranh thủ đều buông xuống hết, cũng chẳng cầu, cũng chẳng tranh. Vì sao? Cầu không được, tranh chẳng được, trong mạng không có mà! Những vọng niệm ấy thảy đều không có, tâm định, nên mới cùng thiền sư Vân Cốc ngồi trong thiền đường ba ngày ba đêm không có một vọng niệm nào. Thiền sư Vân Cốc cảm thấy rất hy hữu, ba ngày ba đêm chẳng khởi vọng niệm, chẳng phải người tầm thường làm được như vậy, rất bội phục: “Công phu tu hành của ông khá quá!”

Tiên sinh Liễu Phàm nói:

- Chẳng phải là tôi không có vọng niệm, nhưng khởi vọng niệm cũng vô ích, chẳng làm được gì, nên tôi mặc kệ, không nghĩ tới nữa.

Thiền sư Vân Cốc hỏi:

- Tại sao?

- Mạng tôi đã được Khổng tiên sinh đoán định rồi. Những gì tôi gặp gỡ, thành tựu trong một đời này, tôi đều đã biết rõ cả rồi, đều hiểu hết rồi, khởi vọng tưởng ích gì cơ chứ?

Thiền sư Vân Cốc nghe xong bèn cười ha hả:

- Tôi vốn tưởng ông có công phu tu hành, nào ngờ là như vậy, phàm phu, phàm phu!

Bèn khai thị cho ông ta:

- Không sai! Phàm phu đúng là có vận mạng, ai cũng chẳng thoát khỏi vận mạng, vì sao? Chỉ cần ông có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, ông bèn có vận mạng. Ai không có vận mạng? Người đoạn sạch vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Thánh nhân đã vượt khỏi vận mạng.

Nói cách khác, nếu anh có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chắc chắn anh là lục đạo chúng sanh, anh đương nhiên bị câu thúc bởi mạng số trong lục đạo, động đậy chẳng được, “nhất ẩm, nhất trác, mạc phi tiền định” (một hớp uống, một miếng ăn không gì chẳng phải là tiền định). Nếu anh không hiểu đạo lý này, cứ muốn cùng người tranh đoạt, làm bậy làm bạ thì sao? Tổn hại phước báo nơi mạng. Chẳng hạn như (chúng tôi nêu thí dụ để giảng), trong mạng anh giàu có đến một triệu, trong mạng anh có như vậy, giàu có một ức, nhưng anh khởi tâm động niệm, toàn làm chuyện bất thiện, toàn làm chuyện ác, ác niệm, ác hạnh. Kết quả là một ức của cải trong mạng anh bị hao tổn, chỉ còn năm ngàn vạn. Anh kiếm được năm ngàn vạn tự cảm thấy rất phi thường, nhưng phải dùng phiền não làm như thế này như thế nọ, bị giảm bớt rồi. Nếu tạo thành ác nghiệp rất nặng, đoạt được tài sản bằng cách thương thiên hại lý, đại khái càng bị hao tổn lớn hơn nữa. Rất có khả năng một ức tiền tài của anh biến thành một ngàn vạn. Cổ nhân Trung Quốc bảo “tổn phước, tổn thọ”. Đấy là chẳng hiểu đạo lý, chẳng biết phương pháp chính xác, làm sai!

Trong mạng chẳng có của cải, người ấy phải biết tích đức, tu thiện, dùng thiện tâm, thiện hạnh đãi người, tiếp vật, có thể bỏ mình vì người. Của cải là Tài Bố Thí, dẫu tự mình chẳng có tiền của, ta vẫn có một bát cơm ăn, người ta không có gì ăn, mình xẻ nửa bát cho. Đó đều là cái nhân của giàu có. Trong mạng đã có của cải, càng chứa, càng nhiều, của cải hiện tiền, phước báo hiện tiền, trí huệ hiện tiền. Trong mạng của tiên sinh Liễu Phàm có một chút của cải, chẳng nhiều, rất ít! Thiền sư Vân Cốc dạy ông ta như vậy, ông ta hiểu rõ, hoảng nhiên đại ngộ. Mạng do đâu mà có? Do đời trước tạo, mạng do chính mình tạo, tự mình tạo thì tự mình thay đổi. Bởi thế, hiểu được đạo lý, hiểu phương pháp, vấn đề bèn được giải quyết.

Trong kinh luận, đức Phật thường dạy chúng ta rất nhiều, bố thí được giàu to. Những người giàu có trong thế gian này, của cải do đâu mà có? Do đời trước tu Tài Bố Thí; bởi vậy, trong mạng có kho tàng dư dật đến thế, bất luận làm việc gì, của cải cuồn cuộn kéo tới. Tài Bố Thí càng thí càng nhiều, nhất định chẳng được keo lẫn. Làm nhiều việc tốt, chẳng sợ bị gạt, chẳng sợ người khác dối mình. Hiện tại, rất nhiều người làm việc tốt, người xấu trong thế gian này rất nhiều, ta làm việc tốt đều bị họ lừa gạt. Chẳng sao, cứ lừa đi, trong tương lai họ sẽ phải trả nợ. Nhân quả thông ba đời, mình bị người ta gạt thì sao? Của cải mình lưu lại kiếp sau, trong đời sau, bọn chúng đền trả cho mình. Quý vị hoàn toàn chẳng bận tâm; quyết định chẳng để chuyện đó gây chướng ngại rồi chẳng dám làm việc tốt.

Ví như cứu tai ách, cứu tai nạn, chúng ta biết quả thật phải qua tay rất nhiều người lo liệu, có rất nhiều người nói phát tài nhờ tai nạn, đó là chuyện của họ, ai có nhân quả nấy. Có người nói: “Như vậy khác gì tôi giúp kẻ ấy tạo tội nghiệp đâu?” Nếu quý vị có tâm giúp kẻ ấy tạo tội nghiệp thì quý vị mắc tội báo. Ta không có tâm đó, nhưng người ta ôm lòng bất thiện, trộm tiền tài để cứu tế tai nạn, nhân quả kẻ đó phải gánh! Chúng ta phát thiện tâm, là cứu tế tai nạn. Thiện tâm, thiện hạnh ấy của quý vị không bị hao tổn một chút nào, đó là chánh lý. Nếu vì có vài kẻ thừa cơ nuốt mất tiền bạc ấy, người mắc tai nạn chẳng được hưởng, hoặc được hưởng rất ít, mà quý vị không làm thì chính mình chẳng có phước báo, đã đánh mất cơ duyên tu phước báo. Như vậy là không có trí huệ, là làm việc theo cảm tình. Người chân chánh tích đức tu phước không có tâm niệm ấy, đối với ai cũng tin tưởng, đúng như cổ nhân nói: “Nghi nhân bất dụng, dụng nhân bất nghi” (Ngờ người chẳng dùng, dùng người chẳng ngờ). Tôi tin tưởng anh, chính anh làm sai thì anh phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả!

Toàn bộ vấn đề là giáo dục, nhưng hiện tại giáo dục băng hoại, chúng ta chỉ có thể cảnh tỉnh, khuyên người tu phước. Quý vị phụ trách vấn đề cứu tế tai ương, tất cả tiền tài nằm trong tay quý vị, nếu đối với tiền tài ấy quý vị chẳng chút tư tâm, đem đi cứu tai nạn, quý vị sẽ có phước báo rất lớn, phước sau này vô cùng! Quý vị nuốt mất tiền tài cứu tế tai nạn, hậu quả chẳng thể tưởng tượng được! Kẻ ấy chẳng hiểu đạo lý đó, ngu si, chúng ta chỉ có thể cảnh tỉnh kẻ đó. Cảnh tỉnh nhưng hắn vẫn cứ làm, tương lai hắn đọa lạc ta chẳng lạ gì hết, hắn vẫn phải cảm tạ: “Đáng tiếc khi ấy, tôi không nghe lời ông, hiện thời phải chịu khổ nạn lớn lao như thế!”

Giáo dục phải bắt đầu từ lúc nhỏ, đã trưởng thành rồi thì tập khí đã dưỡng thành thói quen, quan niệm sai lầm đã ăn sâu, chẳng dễ gì cải biến. Nhưng phải nhớ kỹ: “Trong cửa Phật, chẳng bỏ một ai”, phải có lòng nhẫn nại, phải có trí huệ, phải có phương tiện thiện xảo, thành tựu chính mình, thành tựu chúng sanh. Đừng sợ! Phải tin tưởng Phật, Phật dạy chúng ta càng thí sẽ càng nhiều. Thí tài được của cải, quý vị liên tục đem của cải bố thí cho hết thảy chúng sanh khổ nạn, vĩnh viễn chẳng ngơi nghỉ. Cuộc sống của chính mình tàm tạm là được rồi, chớ mong cầu hưởng thụ quá phận, kẻo tạo oan nghiệt! Người thế gian khổ rất nhiều.

Bố thí Pháp tăng trưởng thông minh, trí huệ. Vô úy bố thí, thường hay nói ăn chay là bố thí vô úy, chẳng sát sanh! Tích cực hơn nữa thì phóng sanh, bố thí thuốc men, giúp kẻ quan quả cô độc[8], chúng sanh tàn tật đau khổ. Quý vị toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ, sẽ được quả báo gì? Mạnh khỏe, sống lâu, vô úy bố thí sẽ được sống lâu mạnh khỏe. Quý vị phải làm! Không làm là không đúng. Bởi thế, phước báo, trí huệ, khỏe mạnh sống lâu là do chính mình tu được, cầu được, chẳng phải là không cầu được. Thánh nhân hiểu đạo lý, hiểu nhân quả, muốn có quả tốt thì phải tu nhân tốt. Nếu quý vị tạo nhân sai trái, gieo đủ mọi nhân bất thiện, hậu quả sẽ rất khổ, khổ chẳng thể nói nổi! Bởi vậy, chúng tôi thấy chữ “Cầu Bất Đắc”, đúng là người thế gian cầu chẳng được, nhưng chúng ta có cầu ắt ứng.

Thứ sáu là Ái Biệt Ly (yêu thương phải chia lìa). Phạm vi sự khổ này rộng lớn phi thường. Quý vị chẳng thường được kề cận người mình yêu mến, đó là Ái Biệt Ly. Những thứ vật chất quý vị yêu thích dẫu có thừa, nhưng không hưởng thụ được; điều mình ưa thích, thường hay có biến hóa. Phàm những gì quý vị yêu, ưa thích, nhưng chẳng dễ gì đạt được, chẳng dễ gì hưởng thụ được thì đều thuộc về loại này. Nhất là sanh ly tử biệt, lúc sống rất ít khi được đoàn tụ, thậm chí những người mình rất yêu thích, tuổi trẻ mất sớm để lại người già buồn tủi, khổ lắm!

Oán Tắng Hội là oan gia đối đầu, chẳng thích gặp, chẳng thích gặp thì sao? Ngày ngày chạm mặt nhau. Khi xưa, lúc tôi mới giảng kinh, giảng đến tám nỗi khổ, tôi nêu lên thí dụ: Khi còn đi học, đa phần là nêu những thí dụ trong thời gian đi học, có rất nhiều bè bạn tốt, rất ưa thích ngày ngày ở cùng một chỗ, rồi sao? Đến khi chia lớp, học trong những lớp khác nhau. Oan gia đối đầu, người mình chán ghét nhất cứ ở gần mình suốt, thầy xếp hai đứa ghét nhau vào cùng một bàn, quý vị nói có bực hay không? Tôi nghĩ mỗi cá nhân chúng ta đều có kinh nghiệm đó, đúng là Oán Tắng Hội. Người mình chán ghét cứ gặp mặt hoài, người mình ưa thích mong gặp không gặp được. Trong nỗi khổ này có người, có sự, có vật, cảnh giới rộng lớn không ngằn mé.

Đức Phật dạy chúng ta tất cả đều là duyên, thiện duyên hay ác duyên,

chẳng ngoài bốn mối duyên quan hệ như phần trên đã nói: Báo oán, báo ân, đòi nợ, trả nợ. Làm sao lìa được nỗi khổ này? Phải giác ngộ, khổ đều do mê sanh khởi. Mê chấp, tình chấp, những thứ khổ ấy. Giác ngộ rồi trí huệ nắm quyền, trí huệ làm chủ. Bởi thế, đối với Ái nhất định chẳng tham luyến, đối với Oán tuyệt đối chẳng sân hận, hai thứ khổ đó được hóa giải. Trong Ái chẳng thể không có tình chấp. Cái Ái của lục đạo phàm phu chẳng rời khỏi tình chấp, bởi thế mới khổ. Lòng thương yêu to lớn của chư Phật, Bồ Tát là đại từ đại bi, tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng giác. Tâm ấy chẳng có tình chấp, bởi thế không khổ, chẳng thuộc vào loại này.

Chúng ta phải hiểu đạo lý này, chúng ta phải chuyển biến, hóa tình chấp thành trí huệ. Bởi vậy lòng ái của Phật, Bồ Tát là chân thành, là thanh tịnh, là bình đẳng, là trí huệ. Phật pháp sợ mọi người hiểu lầm chữ Ái này, nên gọi bằng danh từ khác là Từ Bi, hoặc chỉ nói độc một chữ là Từ. Lòng Từ ấy là Ái. Trong lòng Từ Ái ấy chẳng có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước, chỉ có chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, trí huệ. Ái tình của lũ phàm phu chúng ta chẳng bình đẳng, trong lòng ái đó chẳng chân thành, vì sao không chân thành? Lòng ái ấy biến thành luyến, thậm chí luyến như thế nào, luyến đến mức độ nào chính mình cũng chẳng biết, không tin tưởng được.

Vì thế, qua lại cùng lục đạo phàm phu, quý vị phải có trí huệ cao độ, giác ngộ cao độ. Vì sao? Lục đạo phàm phu như đứa trẻ lên ba, quý vị phải nhìn họ bằng tâm thái ấy, tánh tình họ chẳng ổn định. Vừa mới nói tôi rất thích anh, rất mến anh, chập sau lại chán ghét anh lắm. Chẳng nghiêm túc gì cả! Nếu quý vị nghiêm túc sẽ khổ đấy. Quý vị biết sao không? Họ hỷ nộ vô thường, biến hóa quá chừng, biến hóa không lường được. Họ sử dụng vọng tâm, bị chuyển theo cảnh giới, bị bên ngoài khích động, tâm tình sanh ra biến hóa. Vì vậy, chẳng ổn định! Không như chư Phật, Bồ Tát, tâm chư Phật, Bồ Tát định, chẳng bị cảnh giới bên ngoài quấy nhiễu; do vậy, lòng ái của các Ngài vĩnh hằng, từ bi vĩnh hằng.

“Từ bi là gốc, phương tiện là cửa”, thế nào là phương tiện? Rất nhiều người không hiểu. Phương (方) là phương pháp, tức là ta dùng phương pháp nào để biểu lộ; người hiện thời gọi là “biến thành hiện thực”. Quý vị có phương pháp [làm như vậy]. Tiện (便) nghĩa là gì? Tiện là tiện nghi. Nói cách khác, đó là phương pháp thích đáng nhất. Phương pháp rất nhiều, phương pháp nào đối phương thích nhất, dễ dàng tiếp nhận nhất, đó là tiện nghi. Mình có phương pháp, nhưng người ta không tiếp nhận, chẳng hoan hỷ, thì phương pháp ấy không thuận tiện. Bởi vậy, phương tiện là cửa, lòng từ bi, trí huệ, đức năng của quý vị nếu không có phương tiện thì hoàn toàn chẳng thể bày tỏ được. Từ bi là như trong các buổi giảng tôi thường nói, trong Đại Thừa Phật pháp, từ bi nhất định phải bao gồm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Từ bi? Phương tiện! Quý vị khiến cho người ta thực sự sanh tâm vui thích, khiến người ta vui vẻ tiếp nhận, y giáo phụng hành.

Do đây biết rằng, đức Thế Tôn vì chúng ta thị hiện, dạy dỗ chúng ta, nguyên tắc tối cao của phương tiện là vì người khác diễn thuyết; đặc biệt chú trọng đến diễn. Diễn là biểu diễn, quý vị phải thể hiện ra. Nói cách khác, trước hết phải thực hiện ngay trên thân mình, áp dụng ngay trong cuộc sống của chính mình, thực hiện ngay trong cách mình xử sự, đãi người, tiếp vật. Quý vị chẳng thực hiện được, há phải là phương tiện ư? Độ người trước hết phải độ mình, cứu người trước hết phải cứu mình; nói chung, chính mình phải niệm niệm đều là gương tốt cho xã hội đại chúng, phải có ý niệm đó. Hễ có ý niệm ấy sẽ tự nhiên có hành vi ấy; không có ý niệm ấy, chẳng thể khởi lên hành vi. Đấy là Phật tâm, đấy là chân tâm. Trong vọng tâm chẳng có! Vọng tâm là tự lợi, khởi tâm động niệm chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình!

Phật tâm, chân tâm nghĩ lợi ích hết thảy chúng sanh trong pháp giới hư không giới. Nếu khởi tâm động niệm được như vậy, sẽ chẳng khác gì Phật, Bồ Tát. “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Thực hiện tám chữ này ra sao? Là khởi tâm động niệm đều nghĩ đến lợi ích hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới, mình phải giúp đỡ họ như thế nào. Quý vị có được ý niệm ấy, phước báo của quý vị sẽ chẳng thể nghĩ bàn. Lại còn có những hành vi như thế thì phước báo của quý vị sẽ hiện tiền rất nhanh chóng. Tâm yêu thương trọn khắp pháp giới, thiện xảo phương tiện đầy ắp Sa Bà. Nỗi khổ Ái Biệt Ly, Oán Tắng Hội tự nhiên hóa giải. Tâm lượng càng nhỏ càng khổ, người tự tư tự lợi đáng thương nhất. Người tự tư tự lợi khổ nhất, hiện tại đã khổ, tương lai càng khổ hơn. Vì sao nói tương lai càng khổ? Hiện tại tự tư tự lợi, việc làm đều là tổn người, lợi mình, tổn người thì chẳng tránh khỏi quả báo! Đừng nói tổn người lợi mình không sao! Sau này ắt có quả báo. Anh hại người càng sâu, tương lai người ta báo đền chẳng chỉ có thế thôi đâu mà còn gấp bội, có phiền phức hay không vậy?

Bởi thế, có nên ở thế gian này hay chăng? Nói thật ra, chẳng thể ở được. Vì sao chẳng thể ở được? Vì chắc chắn chẳng thể bảo đảm tương lai gặp được Phật pháp, chẳng thể bảo đảm đời sau giác ngộ. Đời sau chẳng gặp được Phật pháp, lại hồ đồ tùy thuận phiền não, chẳng hiểu lại tạo nghiệp nhiều đến đâu nữa! Lại làm bao nhiêu chuyện lầm lỗi! Chúng ta phải hiểu rõ, phải minh bạch lẽ này: Tiền đồ càng ngày càng tệ! Một đời sau chẳng bằng được đời trước, đi lên rất khó khăn, đọa lạc đi xuống rất dễ dàng!

Trong thế gian hiện tại này, các đồng học học Phật chúng ta nếu thực sự giác ngộ một chút sẽ bèn hiểu rõ: Trong thế giới này, làm quan lớn, đại phát tài, cuộc sống tợ hồ rất khiến cho người khác hâm mộ, chết đi quá nửa đọa trong tam đồ. Rất nhiều đồng học đều hiểu đọa tam đồ là khổ! Quý vị thấy người trong thế gian hưởng thụ phước báo nhân gian, hưởng được mấy năm? Nếu quý vị chú tâm quan sát, có thểnói là họ chẳng hưởng được ngày nào cả! Sống trong địa vị cao như thế, dẫu có tài sản nhiều như thế, tâm chẳng được tự tại! Bận tâm, lo lắng quá nhiều, lo được, lo mất, một mặt phải nghĩ cách làm sao để giữ gìn, làm sao kiếm nhiều hơn một chút, thời thời khắc khắc nhọc lòng, chẳng có một ngày có thể buông xuống hết thảy để sống được một ngày thanh nhàn, chẳng bao giờ có! Vui ở chỗ nào?

Địa vị cao nhất là làm người lãnh đạo một quốc gia, bị kẻ dưới lừa dối, chẳng báo trình chân tướng sự thật, bị che giấu! Chuyện như vậy từ cổ đến nay thường có; có được bao nhiêu vị minh quân chẳng bị dối gạt đâu? Văn võ đại thần đều lừa dối vua: “Thiên hạ thái bình, rất tốt!” Nhân dân phải chịu khổ nạn to lớn đến mấy cũng không cách nào tâu lên được. Bản thân vua chẳng biết một điều gì, tự nghĩ cả đời mình là một vị thái bình thiên tử. Đâu đâu cũng tạo tội nghiệp như thế, chết đi đều có báo ứng.

Lúc tôi còn trẻ, Chương Gia đại sư dạy tôi trì giới, Ngài dạy tôi đừng dính đến chánh trị. Một quan niệm lầm, một chánh sách lầm, bao nhiêu người mắc hại! Anh phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả, có dám chắc cả đời anh không làm sai điều gì hay không? Cả một đời chẳng hại ai hay không? Có rất nhiều trường hợp vô ý tổn hại người, hữu ý càng không được, tội càng nặng hơn, đấy đâu phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy, đại sư chỉ cho tôi một con đường ra: “Đã muốn phát tâm giúp đỡ hết thảy chúng sanh khổ nạn, phục vụ hết thảy chúng sanh khổ nạn, ngài bảo tôi xuất gia tốt nhất! Hoằng pháp lợi sanh, theo đuổi việc giảng kinh thuyết pháp, làm công tác dạy dỗ, vậy là tốt! Tôi thích đọc sách, đấy cũng là điều anh ham thích”. Ngài chỉ dạy tôi như vậy, tôi đi theo con đường đó. Con đường ấy do Chương Gia đại sư thay tôi chọn lựa, tôi tin tưởng Ngài. Vì sao? Ngài hết sức thương yêu tôi. Ngài thương yêu tôi, tôi cũng

tôn kính Ngài, y giáo phụng hành. Ngài chỉ cho tôi con đường chẳng lầm.

Vậy thì hết thảy khổ nạn trong nhân gian chẳng dễ dàng lìa thoát. Nói cách khác, không có cách nào thoát được. Muốn thoát khỏi, phải ra khỏi lục đạo. Muốn thoát ly, trừ Phật pháp ra, không còn gì hết. Bao nhiêu tôn giáo trong thế gian, cảnh giới tối cao của họ là thiên đạo, Dục Giới thiên, Sắc Giới thiên, Vô Sắc Giới thiên, chẳng có cách nào vượt thoát lục đạo, nên Thích Ca Mâu Ni Phật mới xuất thế. Thích Ca Mâu Ni Phật nói lời chân thật, lão nhân gia thân tâm thanh tịnh: “Nhiều thêm một việc chẳng bằng ít đi một việc, ít đi một việc chẳng bằng vô sự”. Nếu có kẻ có thể giúp cho chúng sanh trong thế giới Sa Bà thoát ly luân hồi lục đạo, chắc chắn Ngài chẳng giáng sanh. Ngài đến đây làm chi? Chẳng có gì để làm cả! Thực sự nghĩ [chúng sanh muốn] siêu việt lục đạo luân hồi mà chẳng có biện pháp nào cả, quý vị nói xem Phật có cần phải vào thế gian này chăng? Ngài không vào không được; Ngài chẳng vào thế giới này là chẳng từ bi. Trong lục đạo, quả thật có không ít người giác ngộ, mong cầu vượt khỏi lục đạo luân hồi, đó là Cảm, Phật phải Ứng. Chúng sanh hữu Cảm, Phật bèn Ứng, bèn đến nơi đây. Phật giúp chúng ta siêu việt luân hồi, siêu việt mười pháp giới. Vì vậy, Phật đến trong thế gian này.

Đấy là Ái Biệt Ly, Oán Tắng Hội, chúng ta phải nhận biết rõ ràng, Ái chẳng được tham luyến, Oán nhất định phải hiểu cách hóa giải. Nay đã hết giờ rồi!

 

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký,

Phần 4 hết

 

[1] “Huyễn đăng phiến” (reversal film) tức là những tấm slide trong suốt, hoặc microfilm, có in những văn bản hay hình ảnh đen trắng hay có màu, ta thường dùng trong máy slide projector để chiếu lên một tấm màn cho thính chúng thấy để trình bày một vấn đề. Chúng tôi không biết tiếng Việt gọi chính xác là gì nên đành để nguyên tiếng Hán. Trong nước, thường dùng từ ngữ “phim đèn chiếu” để gọi những tấm phim này; nhưng loại máy chiếu được nói ở đây (slide projector) có thể tự động đổi qua trang khác khi ta bấm nút, không cần phải đặt từng trang lên như trong loại máy “phim đèn chiếu” thường dùng trong nước.

[2] Nhân Minh (Hetuvidyā) là một trong Ngũ Minh (Pañcavidyâ, tức năm chủng loại kiến thức cần thiết mà Bồ Tát cần phải hiểu biết. Ngũ Minh là Thanh Minh, Công Xảo Minh, Y Phương Minh, Nhân Minh và Nội Minh). Nhân Minh là môn nghiên cứu lý luận trong Phật giáo nhằm biện luận khuất phục ngoại đạo, xiển dương chánh giáo và khơi gợi tín tâm cho người nghe bằng lý luận chặt chẽ. Lý luận căn bản của Nhân Minh là mỗi vấn đề, luận thuyết đều gồm ba phần Tông. Nhân, Dụ. Tông là chủ đề lập luận, Nhân là nguyên nhân, Dụ là thí dụ để giải thích vì sao có nguyên nhân. Đây là cách lý luận căn bản. Do chú trọng đến Nhân nên gọi là Nhân Minh. Vị luận sư nổi tiếng của Nhân Minh là Trần Na (Mahādinnāga) với tác phẩm Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận được coi là người đã hệ thống và tập thành môn Nhân Minh. Pháp sư Huyền Trang rất ưa thích Nhân Minh và đã phiên dịch nhiều tác phẩm thuộc Nhân Minh.

[3] Đây là “phổ thông Phật thất” nhằm phân biệt với “tinh tấn Phật thất”. Phổ thông Phật thất niệm Phật chỉ có sáu thời, còn tinh tấn Phật thất là niệm Phật suốt 24 tiếng đồng hồ.

[4] Chín đại hành tinh là Thủy Tinh (Mercury), Kim Tinh (Venus), Địa Cầu, Hỏa Tinh (Mars), Mộc Tinh (Jupiter), Thổ Tinh (Saturn), Thiên Vương Tinh (Uranus) và Hải Vương Tinh (Neptune).

[5] Quán chỉ (觀止): Hiểu theo mặt văn tự, “quán chỉ” là đáng khen ngợi hết lời, tuyệt diệu tột bậc. “Quán chỉ” thường được dùng như một mỹ từ để khen ngợi những tác phẩm văn chương hay. Thuật ngữ “quán chỉ” xuất phát từ một câu nói của Quý Trát trong Tả Truyện: Công tử Quý Trát của nước Ngô đi sứ sang nước Lỗ, nghe nhạc Thiều xong, nức nở ca ngợi: “Quán chỉ tai! Nhược hữu tha nhạc, ngô bất cảm thính dĩ”. Câu này được chú giải là: “Nhạc Thiều đã đạt đến mức cao tột nhất trong các thứ âm nhạc, đã được thưởng thức xong ta không còn muốn nghe loại nhạc nào khác nữa!”

[6] Vị kỷ (selfish), chỉ biết nghĩ đến mình, không hề biết quan tâm, nghĩ đến lợi ích của người khác.

[7] Bác Sĩ ở đây chính là học vị Tiến Sĩ (PhD). Người Hoa không gọi bác sĩ y khoa là “bác sĩ” như người Việt mà gọi là y sinh. Người Hoa gọi ba bậc học vị hiện thời như sau: Học Sĩ (Cử Nhân, Bachelor), Thạc Sĩ (Cao Học, Master) và Bác Sĩ (Tiến Sĩ, PhD).

[8] Quan: góa vợ, quả: góa chồng, cô: không cha mẹ, độc: không con cái.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa