Pháp sư

[TẬP 23]: Tử Sanh Đại Sự


 Chư vị đồng học!

      Xin xem tiếp phần “Y báo diệu” (y báo mầu nhiệm), chúng ta đọc kinh văn tới câu này:

 

      Kỳ quốc chúng sanh, vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc. Cố danh

Cực Lạc.

      其國眾生。無有眾苦。但受諸樂。故名極樂。

      (Chúng sanh cõi ấy không có các nỗi khổ, chỉ hưởng các niềm vui, nên cõi ấy có tên là Cực Lạc).

 

      Tiết trước, chúng tôi đã giảng “vô chúng khổ”, đã nói đến Khổ Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ. Trong Khổ Khổ, giảng tám thứ khổ: sanh, lão, bệnh, tử, cầu chẳng được, thương yêu chia lìa, chán ghét phải gặp gỡ, năm Ấm lẫy lừng. Tám thứ phiền não ấy bức bách thân tâm, nói theo kiểu bây giờ là “thân thể chịu áp lực rất lớn, tâm tình chịu áp lực rất lớn”. Ở phần trên, chúng tôi đã giảng đến Sanh, tức Sanh Khổ. Thật ra, chúng tôi nói Sanh Khổ vẫn chưa xong. Trước hết, nói đến việc thọ sanh hay đầu thai, đầu thai (sanh vào thai mẹ) thì có bốn duyên: Báo Ân, Báo Oán, Trả Nợ, Đòi Nợ.

      Con người, thật ra là hết thảy động vật, xả thân thọ sanh trong lục đạo, nói chung chẳng ngoài bốn duyên. Chúng ta liễu giải chân tướng của sự thật ấy, nhất định phải nhớ cho thật kỹ: Nhất định đừng để thiếu nợ, nhất định chẳng nên kết oán. Hai việc ấy trọng yếu hơn bất cứ gì khác. Trong một đời này, chúng ta gặp được thánh nhân giáo huấn nên hiểu biết. Nếu trong một đời này, chúng ta chẳng gặp được thánh nhân giáo huấn sẽ chẳng hiểu, chẳng biết, chẳng thể liễu giải đạo lý ấy, chẳng liễu giải chân tướng sự thật; thử hỏi có kết oán cừu với chúng sanh hay chăng? Chắc chắn là có! Có thiếu nợ hay chăng? Chắc chắn là có! Thiếu nợ người những gì? Chiếm tiện nghi của người ta, đó là thiếu nợ. Thiếu nợ thì phải trả nợ, kết oán phải bị báo đền, oan oan tương báo mãi chẳng thôi. Sự tình ấy đáng sợ, đáng hoảng hốt hơn bất cứ chuyện gì khác.

      Con người chẳng biết chịu lép! Chịu lép là có phước, nói như vậy chẳng sai chút nào! Vì sao chịu lép là phước? Chịu lép thì nghiệp chướng từ trước bèn tiêu, tu như thế nào? Tu hành: Hành (行) là hành vi, hành vi sai lầm; Tu (修) là sửa cho đúng, sửa đổi cho đúng những hành vi sai lầm thì gọi là “tu hành”. Từ trước đến nay, chúng ta chẳng chịu thiệt; ý niệm ấy, hành vi ấy là sai lầm. Nói chung, khi chúng ta bị thiệt thòi, bị lừa gạt, bèn oán hận, bèn mong báo thù. Hễ tâm niệm ấy khởi lên thì chủng tử bèn gieo vào A Lại Da Thức, tương lai gặp duyên, chủng tử ấy sẽ khởi hiện hành rất phiền phức, rất đáng sợ!

      Phải làm sao chân chánh giác ngộ, thực sự hiểu thấu suốt giống như Phật! Trong một đời này, nhất định chẳng kết oán cừu với người khác. Mình bị thiệt thòi chuyện chi, bị người khác lừa gạt điều gì, bị người khác hãm hại như thế nào, trong tâm cảm thấy như không chuyện gì xảy ra, nhất định chẳng để tâm, đó gọi là “tu hành”. Chẳng có tâm oán hận, chẳng có tâm báo thù. Sửa đổi như thế; đời sau lúc gặp lại sẽ thành bạn bè tốt. Giải được oán kết rồi, hóa giải rồi thì đó chính là phước. Người bị thiệt thòi trong tương lai nhất định có phước báo. Chẳng chịu thiệt thòi, ôm hận trong lòng, niệm niệm chẳng quên, sau này gặp lại nhau, báo thù, oan oan tương báo. Báo thù như vậy chẳng phải là đôi bên đều đau khổ  ư? Đó là họa, đâu phải phước! Đời đời kiếp kiếp, oan oan tương báo không xong, quý vị nói xem: Chẳng phải là rất khổ ư?

      Oan gia đối đầu phải là hai bên, nếu một bên đã giác ngộ sẽ bèn hóa giải. Chúng ta chẳng cần đợi người khác giác ngộ, tự mình hãy giác ngộ; hễ tự mình giác ngộ sẽ hóa giải. Cam lòng chịu thiệt, cam lòng bị lừa gạt, nhất tâm nhất ý tích cực nỗ lực tu học, học tập, nỗ lực niệm Phật, quyết định trong một đời này sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi, trí huệ mở mang, đức năng, thần thông hiện tiền, thả chiếc bè Từ, lại trở vào chín pháp giới giúp đỡ chúng sanh hữu duyên trong quá khứ. Duyên gì vậy? Chính là những kẻ ân, oán, đền nợ, đòi nợ, họ có những duyên ấy cùng ta, chúng ta giúp đỡ họ, độ họ.

      Hãy nhớ kỹ “Phật chẳng độ kẻ vô duyên”, chỉ cần có duyên là quý vị đều có thể dùng trí huệ, phương tiện thiện xảo giúp đỡ họ phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh. Phải hiểu đạo lý này, phải liễu giải chân tướng sự thật. Thành tựu người khác chính là thành tựu đức hạnh, trí huệ, thần thông, phước báo của chính mình. Chướng ngại, ngăn trở người khác, dù hữu ý hay vô ý gây thương tổn người khác, ngạn ngữ gọi là “tổn người, lợi mình”. Nhất định chớ nên tổn người lợi mình! Nếu quý vị vị kỷ[6], một đời này thọ mạng rất ngắn, có thể hưởng nhiều lợi ích, thụ hưởng lâu dài ư? Nhưng tội báo trong tam đồ, trong địa ngục, chẳng biết phải chịu khổ như thế gấp trăm, gấp ngàn, gấp vạn lần, cớ gì cứ phải làm những chuyện như thế?

      Trước kia, thầy Lý có kể cho chúng tôi một câu chuyện, thuộc loại chuyện ngụ ngôn, thầy kể đâu chừng mấy lần. Bởi vậy, chúng tôi có ấn tượng rất sâu. Thầy kể chuyện một gã thầy lang bất tài giết người. Chẳng phải là cố ý, nhưng y thuật không cao minh nên chẩn đoán sai lầm, dùng trật thuốc! Phàm ai để cho thầy lang chữa bệnh, bệnh nhẹ không sao, còn bệnh nặng mời gã đến, trị một cái là chết, làm chết chẳng ít người! Đến lúc chính gã chết, tiểu quỷ bắt đi, giải đến chỗ vua Diêm La. Gã ta đến trước điện Diêm La, thấy trong điện Diêm La có không ít người, đều là những người bị gã làm chết. Vua Diêm La phán đày gã thầy  lang  xuống

tầng địa ngục thứ mười tám, gã tâu cùng vua Diêm La:

- Oan uổng! Tôi đâu cố ý hại người! Vì tôi y thuật không cao minh, dùng sai thuốc, tôi chẳng cố ý giết hại họ!

- Chẳng phải cố ý, nhưng mạng người nhiều như thế, mi phải gánh chịu. Trước hết đọa địa ngục, từ địa ngục trở ra lại phải đền mạng. Hữu ý thì hữu ý đền mạng, vô ý thì vô ý đền mạng, vô ý là ngộ sát. Chẳng tránh khỏi nhân quả, cổ nhân nói đúng đấy, chẳng giả đâu; nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai, tống hắn xuống địa ngục tầng thứ mười tám!

Xuống đến địa ngục vẫn kêu oan, chẳng cam lòng, chạy loạn lên trong địa ngục. Gây náo loạn như thế, chợt nghe phía dưới có người nói: “Lão huynh! Ông đừng chạy lung tung như thế. Ông vừa cất bước, tro bụi đều rớt đầy xuống người tôi!” Ông ta nghĩ: “Mình đã ở tầng địa ngục thứ mười tám, sao còn có tầng địa ngục thứ mười chín?” Bèn hỏi: “Lão huynh làm gì vậy?”

- Tôi dạy học! Thầy thuốc dở làm chết người đọa tầng địa ngục thứ mười tám. Thầy dạy dở đọa tầng địa ngục thứ mười chín, tức là anh dạy học, dạy lầm con em người ta còn nặng tội hơn thầy thuốc dở làm chết người.

Nhưng quý vị phải biết: Một vị thầy giỏi có công đức cả pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian không gì sánh bằng được. Ở Trung Quốc, quý vị thấy có ai sánh bằng Khổng lão phu tử hay chăng? Ngài có công đức gì? Dạy học! Ông thầy tốt chẳng dạy lầm con em người ta. Quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thầy tốt, tuyệt đối chẳng dạy người lầm lạc, dạy suốt bốn mươi chín năm. Bởi thế, công đức dạy học của đức Phật là bậc nhất trong mọi pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian. Dạy học phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả, giống như thầy thuốc vậy. Dạy học vụng về phải đọa tầng địa ngục thứ mười chín! Đó là ngụ ngôn, chưa chắc là sự thật, nhưng quý vị phải hiểu, như chúng ta mới vừa đọc trong kinh, tôn giả Châu Lợi Bàn Đà Già đời xưa kia là Tam Tạng pháp sư: Tuy không dạy sai lầm, nhưng vì tiếc pháp, dạy cho người ta, chỉ dạy một nửa, nửa sau không dạy. Vì sao? Sợ người trong tương lai hơn mình, đấy là gì? Tâm ghen ghét, tiếc pháp! Đọa địa ngục, tội báo địa ngục mãn rồi, được ra, tuy được làm thân người, nhưng ngu si! Tiếc pháp mắc quả báo ngu si như thế, chúng ta phải hiểu việc ấy.

Ở Trung Quốc, công án “dã hồ” (chồn hoang) trong Thiền Tông rất nhiều người biết. Con chồn hoang ấy trong năm trăm năm trước là một pháp sư giảng kinh, thuyết pháp, nói sai một câu, tức là nói câu chuyển ngữ sai một chữ. Nói sai một chữ thôi, bị quả báo đọa làm thân chồn hoang năm trăm năm, được Bách Trượng đại sư cứu vớt. Nếu chẳng gặp ngài Bách Trượng, vẫn phải thọ tội trong đường súc sanh; nghĩa là gì? Dạy học chẳng thể không cẩn thận.

Biết thì nói biết, không biết nói không biết, chẳng được miễn cưỡng không biết nói biết, chẳng được thể diện hão. Người ta đến hỏi mình, mình không biết cảm thấy quê quá, phải dùng đại điều gì đó để đáp cho xuông, làm vậy rất đáng sợ! Nếu quý vị dạy điều gì sai lầm, hãy nghĩ đến chuyện con chồn hoang trong nhà Thiền, hãy nghĩ đến Châu Lợi Bàn Đà Già, mình sẽ gặp phải quả báo. Nếu nói người ta đến hỏi mình, cái gì mình cũng không biết thì làm cách nào đây? Niệm A Di Đà Phật là xong. A Di Đà Phật là vô thượng pháp môn, quyết định chẳng hại người, quyết định chẳng dối người. Khuyên mọi người cầu sanh Tịnh Độ, thù thắng hơn bất cứ gì khác. Sao chúng ta không làm như vậy? Các đại đức, thiện tri thức xưa kia làm như vậy không ít; bất luận quý vị hỏi các Ngài điều gì, các Ngài đều niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Ngoại trừ một câu A Di Đà Phật ra, chẳng có câu thứ hai nào hết. Các Ngài tự mình tu hành thành công, dạy hết thảy chúng sanh cũng thành công, đạo lý ấy hết sức sâu xa.

Chúng tôi giảng pháp nhiều năm, nói thật ra, cũng nêu lên vô lượng vô biên Phật pháp, nhưng đến cuối cùng đều quy vào một câu A Di Đà Phật. Quý vị nêu lên một câu A Di Đà Phật, đấy chính là vô thượng pháp bảo. Vạn pháp quy nhất, nhất là gì? Nhất chính là một câu danh hiệu, vạn đức hồng danh. Nhất quy về đâu? Quy về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, được oai thần và bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Tu học trong hoàn cảnh ấy, một đời chứng đắc quả Phật rốt ráo viên mãn chẳng thể nghĩ bàn! Đúng là như trong kinh nói: “Vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc” (không có các khổ, chỉ hưởng các vui) nên thế giới ấy tên là Cực Lạc, quyết định chẳng sai!

Bởi vậy, chúng ta phải hiểu rõ nhân duyên của việc đầu thai, giữa con người với nhau không tránh khỏi bốn duyên ấy. Sanh là khổ, phần trên đã giảng rồi, chúng tôi đã nói rồi, [quý vị] quên rồi! Trong kinh đức Phật giảng rất rõ ràng, quý vị đầu thai thì đầu thai là mê hoặc; nếu quý vị hiểu rất rõ ràng, rất tỉnh táo, sẽ chẳng đầu thai nữa. Hữu tình đến đầu thai, đến thọ sanh trong lục đạo do nguyên nhân nào? Trong kinh Phật nói là vì dâm dục. Hết thảy chúng sanh (chỉ lục đạo chúng sanh) đều lấy dâm dục làm tánh mạng chánh, đều đến đầu thai như thế. Nếu lúc đầu thai, quý vị mang thân nữ, tức là quý vị thích thân nữ bèn mang thân nữ; nếu thích thân nam, bèn mang thân nam. Bởi  vậy, chẳng  đoạn  tình  dục,

chẳng thể không đầu thai.

Do đó, chẳng đoạn tình dục, chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi. Vì vậy, giới luật tại gia, đặt Sát làm đầu, chẳng sát sanh, chứ không phải tà dâm; còn trong giới luật xuất gia, chẳng dâm là điều đầu tiên. Vì sao? Xuất gia muốn liễu sanh tử, muốn thoát tam giới, chẳng đoạn dâm dục sẽ chẳng thể thoát tam giới được. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật nói rất tường tận: Dục là cội gốc của luân hồi lục đạo; chẳng nhổ tận rễ, làm sao ly khai lục đạo được? Bởi vậy, quý vị đầu thai, sau khi đầu thai, nằm trong bụng mẹ, đức Phật gọi mười tháng hoài thai ấy là “thai ngục”, trong bụng mẹ chịu nỗi khổ giống như trong địa ngục. Khi mẹ uống một chén nước lạnh, quý vị cảm thấy như đang ở trong địa ngục Hàn Băng. Mẹ ăn thứ gì nóng, cảm thấy như đang ở trong Đại Hỏa địa ngục, khổ chẳng thể nói nổi, “thai ngục” là như vậy! Bởi thế, mười tháng hoài thai, quên sạch sành sanh những ký ức thuộc đời trước, rất khổ! Chúng ta phải tin vào sự kiện này.

Trong quá khứ, tôi có một người bạn già, đứa con của ông ta độ chừng mười mấy tuổi, rất khờ khạo. Ông ta bảo tôi: “Đứa nhỏ này hồi bé hết sức thông minh, lên ba bốn tuổi mắc phải một trận bệnh nặng. Lành bệnh rồi, thông minh, ký ức đâu mất hết!” Một trận bệnh nặng trong thế gian còn có thể khiến ký ức bị mất, mất sạch thông minh, trí huệ. Thời gian mười tháng rất dài, ở trong thai, tất cả hết thảy ký ức đời trước đều quên sạch hết, đẻ ra không biết gì hết. Trong kinh Phật nói: Thai nhi nằm trong bụng mẹ cứ mỗi bảy ngày lại biến hóa, đức Phật giảng sự biến hóa cách mỗi bảy ngày rất tường tận, đó là “khổ chẳng thể nói nổi”. Bởi vậy, đứa nhỏ sanh ra, âm thanh thứ nhất là gì? Quý vị có chú ý chăng? Âm thanh thứ nhất là “khổ a!” Sanh ra là khổ, khổ suốt đời, đó là Sanh Khổ!

Có một số nhỏ trẻ sanh ra còn nhớ được chuyện đời trước là do nguyên nhân gì? Trong kinh, đức Phật gọi tình trạng đó là “đoạt thai”. Lúc mẹ nó hoài thai chẳng phải là hoài thai nó, mà là mang thần thức của người khác. Kẻ ấy đến đòi nợ, nhưng không thiếu nợ nhiều lắm. Người mẹ mang thai phải thọ tội, phải chịu tội hoài thai mười tháng, thân thể chẳng được thong dong. Vừa sanh ra liền chết, tức là thần thức ly khai liền, vì sao? Hai bên chỉ có quan hệ đến đó mà thôi; nhưng kẻ khác có duyên đối với gia đình đó, khi thần thức kẻ kia vừa ly khai, thần thức kẻ này bèn dựa ngay vào thân thể đó. Nói cách khác là thay đổi thần thức, trong nhà Phật gọi chuyện ấy là “đoạt thai”. Lúc hoài thai chẳng phải kẻ này, lúc sanh ra kẻ này mới đến. Vì thế, cái gì nó cũng hiểu rõ, chẳng quên một mảy sự tình đời trước; nhưng hiện thời biến thành một đứa trẻ nhỏ. Cũng có lúc đứa trẻ [mới sanh ra đã] nói được, mọi người chẳng chấp thuận, cho nó là quái vật. Bị quở như vậy chẳng dám nói nữa, nhưng hiểu rành rẽ, minh bạch. Đoạt thai chỉ là một số ít, nhưng không phải chẳng có. Người đoạt thai như vậy không có Sanh Khổ, không phải ở trong thai mười tháng, chẳng chịu nỗi khổ thai ngục; nhưng đó chỉ là thiểu số, hết sức là ít!

Hễ có sanh thì nhất định có lão, cho nên con người phải giác ngộ. Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta thị hiện: Ngài có giác tánh rất cao, hết sức linh mẫn, linh hoạt mẫn tiệp. Tuy mình chưa già, nhưng trông thấy người già, trông thấy nỗi khổ của người già cả, lập tức nghĩ trong tương lai mình có bị già hay không? Già rồi có giống như người kia hay không? Cảm thấy rất hoảng sợ. Người sống trong thế gian sống nhờ vào ngũ cốc và các món lương thực, chẳng thể không sanh bệnh. Dẫu tự mình chưa sanh bệnh, nhưng thấy người khác mắc bệnh khổ sở mọi bề như thế liền giác ngộ. Những tướng ấy (sanh, lão, bệnh, tử) không một cá nhân nào có thể tránh khỏi được.

Sanh - lão - bệnh - tử là tướng bày ra trước mắt ta mỗi ngày, vây bủa ta khắp bốn phía, thời thời khắc khắc cảnh cáo chúng ta, nhưng quý vị có nhận biết hay không? Trong Phật pháp nói người thiện căn sâu dầy rất dễ nhận biết. Nhận biết rồi, liền nghĩ cách giải quyết vấn đề như thế nào? Tất cả hết thảy phương pháp thế gian đều chẳng thể giải quyết được chuyện này! Thích Ca Mâu Ni Phật vứt bỏ ngôi vua, vứt bỏ sự hưởng thụ vinh hoa, phú quý, đi tu, đi xuất gia, để giải quyết vấn đề “tử sanh đại sự” ấy.

Chư vị đồng tu phải nghe cho kỹ! Tôi chẳng nói “sanh tử” mà nói là “tử sanh”. Sanh tử là từ sanh đến tử đã xong, tử sanh không có ý nghĩa như vậy. Chết rồi, cách mấy ngày lại sanh ở chỗ nào đó. Tử sanh vĩnh viễn tuần hoàn, vĩnh viễn chẳng gián đoạn. Đấy là luân hồi, chuyện này rất rắc rối. Nếu tử lẫn sanh đều chẳng có thì tốt quá, không còn có chuyện gì nữa. Tử rồi lại sanh, sanh rồi lại tử, tử rồi lại sanh, phiền phức quá! Trong kinh, đức Phật nói lục đạo chúng sanh nhọc nhằn sanh tử, đều là chân tướng sự thật. Chúng ta có bao giờ nghĩ đến sanh - lão - bệnh - tử hay chăng? Sanh Khổ có nhân là dục ái, phải trừ dục ái, phải đoạn cái nhân sanh tử. Đó là điều đức Phật dạy.

Suy lão, ngạn ngữ cổ Trung Quốc nói rất hay: “Ưu năng sử nhân lão” (Lo buồn lo khiến con người già cỗi). Một con người trong đời ưu lự quá nhiều, vướng mắc quá nhiều, buông không được, rất dễ dàng suy lão. Ưu tư khiến con người già cỗi! Lại nói: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”, những câu như vậy đều rất có lý. Nhiều chứng bệnh, đa phần là vì tham ăn, tham uống, ăn bậy bạ. Gần đây nhất, có nhiều báo cáo cho thấy virus gây bệnh SARS do đâu mà có? Không ít người nói do từ động vật hoang dã. Ở phía Nam Trung Quốc, người ta thích ăn thịt động vật hoang dã (“dã vị”). Hiện tại, người ta truy tìm căn nguyên bệnh SARS, nghi ngờ bệnh này hình như truyền từ các món dã vị. Đấy đều là truy tầm trên sự tướng biểu hiện, thực sự đã chứng minh “họa tùng khẩu nhập”, tham ăn! Phật dạy chúng ta: Nguyên nhân chân chánh chẳng ngoài nhân quả nghiệp báo; nói như vậy mới là thực sự thấu triệt, mới giải thích minh bạch được.

Như trong kinh nói, lục đạo phàm phu trong tâm chẳng buông Kiến Tư phiền não xuống được, liền phải thọ nghiệp báo. Thiện nghiệp thì được thiện quả nơi ba đường lành; ác nghiệp thì nhất định phải thọ báo nơi ba đường ác. Nhưng đối với hết thảy chúng sanh, ta chẳng tìm được người nào thuần thiện không ác, tìm không ra; cũng chẳng tìm được một ai thuần ác vô thiện. Hạnh nghiệp của hết thảy chúng sanh là thiện - ác lẫn lộn, mỗi một chúng sanh vừa có thiện vừa có ác, nhưng có nặng - nhẹ, nhiều - ít, lớn - nhỏ chẳng giống nhau. Vì thế, sau khi thọ sanh, quả báo chẳng giống nhau. Thiện nhiều, ác ít, trong đời này sẽ hưởng phước báo nhiều, tai nạn ít. Nếu ác nhiều, thiện ít, một đời này phải gặp lắm đổ vỡ; nhưng vì có chút điều thiện, nên cũng có những thời gian ngắn rất bình tịnh. Nói chung, chẳng ngoài nhân quả báo ứng, quý vị phải thực sự hiểu được đạo lý này, liễu giải chân tướng sự thật này, mới hòng bổ cứu trong một đời này, tức là có thể xoay chuyển quả báo và vận mạng.

Thiền sư Vân Cốc dạy Viên Liễu Phàm điều này. Tiên sinh Liễu Phàm là người đọc sách, có trí huệ, vừa nghe bèn hiểu rõ, lại chịu làm theo. Đổi lỗi, hướng lành hết sức tích cực, thực sự thay đổi quả báo, thay đổi rất nhanh, thay đổi rất hữu hiệu. Cuốn sách thứ nhất tôi đọc khi học Phật là Liễu Phàm Tứ Huấn do lão cư sĩ Châu Kính Trụ tặng. Khi tôi có được cuốn sách nhỏ đó, xem từ đầu đến cuối hơn ba mươi lần, hết sức cảm động; vì tôi lúc trẻ tuổi đã phạm những tật giống như tiên sinh Viên Liễu Phàm, nhưng bất luận trí huệ hay phước báo của tôi đều chẳng bằng tiên sinh Liễu Phàm, cuộc sống của tôi còn đáng thương hơn nữa, càng khổ hơn nữa! Có một phương pháp thay đổi vận mạng như thế thì tốt quá, như gặp được vật quý báu nhất, tiếp nhận lời thầy răn dạy, tiếp thọ thiện tri thức chỉ dạy.

Tôi quen biết lão cư sĩ Châu Kính Trụ, hình như cụ đã sáu mươi tám tuổi, tôi mới hai mươi sáu. Lão cư sĩ hết sức yêu thương, che chở bọn người trẻ tuổi chúng tôi, nhất là thấy ai đọc thiện thư liền nẩy lòng ưa thích, có thể y giáo phụng hành thì cụ bèn đặc biệt yêu mến người ấy. Đúng là xem như con của chính mình vậy. Cụ dạy chúng tôi phải biết nhân quả báo ứng, dạy chúng tôi phải biết sửa lỗi làm lành, “chớ làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Chúng tôi tiếp thọ sự giáo huấn từ bi, thiện ý của cụ, được thật nhiều lợi ích, có dịp chuyển được sanh - lão - bệnh - tử của cả một đời mình. Đúng là giảm chậm sự lão hóa, chẳng phải là không già, nhưng là giảm chậm, giống như kéo dài thời gian vậy. Điều này về sau học Phật, mới dần dần hiểu ra đạo lý, đó chính là như cổ nhân nói “ưu lự khiến con người già cỗi”. Đối với hết thảy sự trong thế gian tôi xem nhẹ hơn, chẳng còn bận lòng nữa.

Từ nhỏ hiếu học, thích đọc sách, lúc tuổi trẻ sống rất khổ, thâu nhập ít ỏi. Vì thế, những người tuổi trẻ thường tìm đến những nơi ăn chơi, chúng tôi tuyệt đối chẳng dám la cà, gần gũi. Nguyên nhân gì? Chẳng có tiền bạc. Bởi thế, tuổi trẻ sanh trong nhà giàu có chưa phải là chuyện tốt. Người gia cảnh bần cùng chẳng dám đến những nơi ăn chơi, suy nghĩ cuộc sống tương lai của mình sẽ ra sao? Nếu chẳng phát phẫn, chẳng nỗ lực, chẳng gắng học hành giỏi giang, sau này sẽ ra sao? Bởi thế chúng tôi có quan niệm khác với những người tuổi trẻ. Khi họ rảnh rỗi, thường đến những nơi ăn chơi vui thú, tôi gần gũi những vị thầy nổi tiếng. Tôi đi đến đâu? Đến thư viện, tiệm sách, đấy là những nơi tôi la cà.

Không có tiền mua sách thì đến tiệm đọc sách. Ở tiệm sách có lúc giở sách ra, đọc cả một hai tiếng. Xem xong, đặt trả sách lên giá, đi qua tiệm khác xem sách. Người thời đó rất tử tế, tôi thường ghé tiệm sách, chủ tiệm quen mặt, có lúc còn giới thiệu sách hay cho chúng tôi xem. Chúng tôi muốn mua, không có tiền, không sao cả! Cứ lấy trước, khi nào có tiền trả sau. Chủ tiệm tin tôi, hễ lúc nào tôi có tiền sẽ mau mắn đem đến trả, có tín nhiệm. Hầu như mấy tiệm sách ở Đài Bắc, tôi đến mua sách đều có thể ghi nợ, có tín nhiệm mà! Vì tâm địa thanh tịnh, chẳng bị ngũ dục lục trần ô nhiễm, con người chẳng dễ bị suy lão. Sống cuộc đời đơn giản, chẳng ăn quà vặt (không có tiền ăn!), sống quy củ, ít đổ bệnh.

Sau khi học Phật, phải hai ba chục năm mới hiểu ra, hết thảy chúng sanh vốn đều chẳng sanh chẳng diệt. Chẳng riêng gì chư Phật, Bồ Tát, mà tất cả hết thảy chúng sanh đều chẳng sanh chẳng diệt. Chết giống như thay một bộ y phục. Tôi thường nói là thân thể này đã già rồi, đã dùng không ít năm, dùng cũ mèm rồi, chẳng tái sử dụng được nữa, phải thay đổi, càng thay càng tốt, càng đổi càng thù thắng. Đó chẳng phải là chết, chỉ thay đổi thân thể mà thôi, giống như quần áo mặc  cũ, mặc  rách

rồi, không cần đến nữa, bỏ đi, đổi lấy bộ mới.

Trong sanh - lão - bệnh - tử, phải hiểu rõ, thấu hiểu lý sự thì chính mình mới làm chủ được! Nếu chẳng hiểu rõ lý, chẳng minh bạch sự tướng thì đối với bốn sự việc này, ta rất sợ sệt, ta suy nghĩ không thích đáng, xử sự chẳng thích đáng, càng rắc rối to! A! Bây giờ đã hết giờ rồi.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa