Chư vị đồng học!
Chúng tôi lại giảng tiếp về “nguyện đồng Phật”, chẳng thể giảng quá nhiều, chỉ đơn giản giảng Tứ Hoằng Thệ Nguyện.
Phải hiểu chánh xác Tứ Hoằng Thệ Nguyện, phải phát nguyện, phải thực hiện, phải làm được những nguyện đó. Bởi lẽ, đoạn được Kiến Tư phiền não bèn vượt khỏi lục đạo, thoát ly biển khổ Sa Bà. Niệm Phật là một pháp môn nhanh chóng, ổn thỏa, thích đáng, dễ dàng, đơn giản, lại thành tựu thù thắng khôn sánh. Bởi vậy, trong kinh này, đức Thế Tôn bốn lần khuyên chúng ta cầu sanh Tịnh Độ, một rồi hai, hai rồi ba, ba rồi bốn lần khuyên, buốt lòng rát miệng như thế, tất cả chúng ta phải nhớ kỹ. Bởi vậy, chẳng thể không đoạn phiền não, chẳng thể không học pháp môn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, nay chúng ta chỉ học một môn, học đến mức áp dụng được, chuyên tu Tịnh nghiệp. Pháp sư Ấn Quang thường dùng bốn chữ “chuyên tu Tịnh nghiệp” để khích lệ, khuyến tấn học nhân.
Đối với các kinh luận khác, tôi đã có nói rồi, quý vị tu Tịnh nghiệp thì phải nắm cho chắc, có nghĩa là nắm chắc vãng sanh. Nếu quý vị còn có nhiều thời gian thì nghiên cứu các kinh giáo khác chẳng trở ngại gì, có thể học được. Nếu chưa nắm chắc Tịnh nghiệp, quý vị hãy nghĩ xem có nên buông xuống, chuyên tu hay không? Rất nhiều kinh luận mình chưa học đến thì làm thế nào đây? Về Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ học sau, còn trong thế gian này, ta không quan tâm đến chúng; vì sao vậy? Ta là hạng căn tánh trung hạ, ta không có năng lực ấy!
Nếu quý vị thực sự đủ sức, đủ điều kiện như vậy thì được! Quý vị học những điều đó để làm gì? Để giúp đỡ người khác. Trong thế gian này có những người không thuộc căn cơ Tịnh Độ, họ chẳng thể tiếp nhận kinh giáo Tịnh Độ. Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, trong một đời Ngài, đức Phật giảng rất nhiều kinh luận, rất phong phú! Bất luận ai tìm đến, đức Phật đều có khả năng dạy hết, đúng như vậy. Chúng ta không có năng lực như Phật, tốt nhất là ngoan ngoãn nghe lời, thâm nhập một môn. Thực sự thông được một môn; thế nào là thông? Ngộ nhập môn ấy, khai ngộ, đại triệt, đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Trong Tông môn gọi là “minh tâm kiến tánh”, Giáo Hạ gọi là “đại khai viên giải”, pháp môn Niệm Phật gọi là “nhất tâm bất loạn”. Danh từ khác nhau, nhưng cảnh giới hoàn toàn tương đồng, đều là minh tâm kiến tánh, đều cùng một cảnh giới. Đến lúc ấy, cái gì cũng thông. Bởi thế, nói: “Một kinh thông, hết thảy kinh thông”. Quý vị thông suốt toàn bộ, chẳng có gì quý vị chẳng thể giảng được!
Đến lúc đó, tôi có cần phải giảng hết thảy các kinh nữa hay không? Rất có thể. Hết thảy các kinh là để tiếp dẫn các căn cơ bất đồng, nhưng tự mình thì chuyên tu Tịnh Độ. Quý vị chẳng tin tưởng ư? Quý vị hãy nhìn vào Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát! Văn Thù, Phổ Hiền giáo hóa hết thảy chúng sanh, pháp môn gì cũng nói, nhưng như quý vị thấy trong kinh Hoa Nghiêm đó, chính họ phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Tự mình nêu gương cho chúng ta thấy, hòng bảo với đại chúng: “Bất luận các ngươi tu học pháp môn nào, rốt cuộc quay về Tịnh Độ là bậc nhất; bất luận tu học pháp môn nào, phải đem công đức tu học của mình hồi hướng cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều vãng sanh”.
Chúng ta thấy trong khoa phán của Vô Lượng Thọ Kinh, pháp sư Từ Châu phán định đoạn cuối của phẩm Tam Bối Vãng Sanh (Ba Bậc Vãng Sanh) là “nhất tâm tam bối”, nghĩa là đoạn kinh ấy nói về những người tu các pháp môn Đại Thừa khác, chẳng phải là chuyên tu Tịnh tông. Bất luận tu theo tông phái Đại Thừa Phật pháp nào, Hiển giáo, Mật giáo, đến cuối cùng đem công đức đã tu học hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ, thì đều được vãng sanh cả. Pháp môn rộng lớn thay! Trọn chẳng nhắc tới A Di Đà Phật, chẳng tu pháp môn Tịnh Độ, quý vị chẳng thể vãng sanh ư? Không phải vậy! Bất luận quý vị tu học pháp môn nào, chỉ cần quý vị tu có thành tựu; thành tựu điều gì? Đoạn được phiền não, mở mang trí huệ, có đại nguyện độ chúng sanh, [Phật] đều nhất loạt hoan nghênh. Pháp môn rộng lớn thay! Nói rõ hơn, bản kinh ấy giảng về bốn mươi tám đại nguyện của A Di Đà Phật.
Chúng tôi thành lập Tịnh Tông Học Hội, đặc biệt lấy chương thứ sáu “phát đại thệ nguyện” của kinh Vô Lượng Thọ làm kinh văn để đọc tụng trong khóa sáng, nhằm dụng ý gì? Nguyện như Phật! Dụng ý là đây! Kinh văn để tụng vào khóa chiều chọn từ phẩm ba mươi hai đến phẩm ba mươi bảy của kinh Vô Lượng Thọ nhằm dụng ý gì? Hành như Phật. Từ phẩm ba mươi hai đến phẩm ba mươi bảy là Như Lai hạnh, nội dung những phẩm ấy quý vị đều đã biết cả rồi: Ngũ Giới, Thập Thiện, chẳng giảng quá cao, quá huyền, quá diệu, rất chất phác, thành thật. Đấy là ưu điểm của kinh Vô Lượng Thọ, đặc biệt là bản hội tập, càng đọc, càng thích thú.
Lão cư sĩ Hạ Liên Cư là bậc tái lai, chẳng phải người tầm thường! Không phải là tôi nói như vậy, một người có công năng đặc dị ở Mại A Mật (Miami), Mỹ quốc, nói như thế đó. Trong Phật pháp, ta thường nói là có thần thông, người Hoa gọi là “công năng đặc dị”. Vị ấy không phải là người Hoa, mà là người Mỹ, chưa hề gặp mặt cụ Hạ, trông thấy ảnh cụ Hạ, liền bảo với mọi người: “Vị này thân thể trong suốt”. Chúng ta chỉ cần nghe nói “thân thể trong suốt” thì hiểu có nghĩa là gì? Phiền não đoạn sạch rồi. Phiền não thuộc về vô minh, chẳng trong suốt. Thân thể trong suốt, tức phiền não đoạn sạch. Phiền não đoạn sạch, há phải người tầm thường ư? A La Hán đoạn sạch Kiến Tư phiền não, nhưng chưa đoạn Trần Sa và Vô Minh. Nói cách khác, thân A La Hán trong suốt một phần, chẳng trong suốt hoàn toàn. Mức độ trong suốt của Bồ Tát phải cao hơn A La Hán, đạt đến quả địa Như Lai sẽ hoàn toàn trong suốt, chúng ta thường nói là giống như thủy tinh, như lưu ly.
Hội tập chẳng phải là việc dễ dàng gì, cụ hội tập khéo như thế. Cư sĩ Vương Long Thư đời Tống là người thứ nhất soạn hội tập, cư sĩ Ngụy Mặc Thâm là người thứ hai, các bản hội tập ấy vẫn còn! Quý vị mở ba bản hội tập ra so sánh, quý vị mới thấy bản hội tập của cụ Hạ rất tuyệt, đúng là khiến cho người đời phải khen là quán chỉ[5]. Lão cư sĩ Mai Quang Hy tán thán khẳng định: “Trong kinh, Phật từng thọ ký, đến lúc Phật pháp diệt, tất cả hết thảy kinh giáo thảy đều diệt mất, kinh Vô Lượng Thọ còn lưu lại trong thế gian này hơn một trăm năm nữa. Bản diệt sau cùng chắc chắn là bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư”.
Chúng tôi tin tưởng điều này! Nếu quý vị hỏi vì sao tôi tin tưởng?
Tôi có số liệu thống kê để làm căn cứ. Trong mười mấy năm qua, bất luận quốc nội hay quốc ngoại, chưa có ai chẳng yêu thích bản kinh này, cho thấy bản này rất khế cơ! Khế lý, khế cơ, bản này đương nhiên trường tồn trong thế gian, đó là đạo lý! Bởi thế, chúng tôi hữu duyên được giảng kỹ càng bản này một lần nữa để lưu lại cho hậu học tham khảo. Vì vậy, chúng tôi dùng bốn mươi tám nguyện làm khóa sáng, dùng một đoạn kinh lớn đức Phật giảng rất tường tận về Ngũ Giới, Thập Thiện làm khóa tối. Khóa sáng là cảnh tỉnh chính mình: Ngày hôm nay tâm nguyện chúng ta phải giống như Phật. Khóa tối là để phản tỉnh, phải sám hối, những gì Phật dạy ta làm, ta có làm được không? Những gì Phật dạy chúng ta đừng làm, chúng ta có vi phạm hay không? Phải phản tỉnh, phải kiểm điểm, sửa lỗi, đổi mới.
Trước khi Hành, nhất định phải Giải, chữ Giải (解) ở đây hiểu theo nghĩa rộng, tức là liễu giải chân tướng của nhân sanh và vũ trụ, liễu giải hết thảy người, sự, vật, giống như trí huệ của Phật, hiểu rõ mọi thứ, thấu hiểu mọi thứ, đối với mọi thứ chẳng mê hoặc; xử sự, đãi người, tiếp vật chẳng sai lầm. Có như vậy thì mới có thể thực sự diễn nói cho người khác. Chúng ta thường nghe cổ đức nói: “Nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật; niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Một niệm ấy tương ứng với gì? Tương ứng tâm, nguyện, giải, hạnh của Phật. Nếu quý vị chẳng biết rõ, chẳng hiểu rõ tâm, nguyện, giải, hạnh của Phật thì làm sao tương ứng được? Muốn hiểu rõ, muốn thấu hiểu thì phải nương vào lời dạy. Bởi thế, khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, Ngài theo đuổi việc dạy học suốt bốn mươi chín năm. Dạy điều gì? Vẫn dạy chẳng ngoài những điều “tâm như Phật tâm, nguyện như Phật nguyện, giải như Phật giải, hành như Phật hành”, dạy những điều như thế.
Chớ lấy tri kiến của mình làm tiêu chuẩn, chớ lấy cách nghĩ, cách làm, cách nhìn của mình làm tiêu chuẩn. Vì sao? Chúng ta là phàm phu, thành kiến sai lầm; tư tưởng, kiến giải chẳng chánh xác. Những điều Phật dạy trong kinh thật ra cũng là phương tiện nói, vẫn chưa phải là nói chân thật. Phật nói: Đợi đến khi nào quý vị chứng đắc quả A La Hán rồi, tức là khi đoạn được Kiến Tư phiền não rồi, quý vị mới có thể tin vào ý nghĩ, cách nghĩ, cách nhìn của chính mình, đức Phật nói phương tiện như thế. Bây giờ đừng nói chi quả A La Hán, ngay Sơ Quả Tu Đà Hoàn ta cũng chẳng có phần, vì sao? Tu Đà Hoàn đã đoạn hết Kiến phiền não, thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến, thực sự đoạn sạch. Kiến giải như Phật, nhưng suy tưởng vẫn chưa giống hệt như Phật. Kiến giải như Phật, chứng Tiểu Thừa Sơ Quả, trong kinh Hoa Nghiêm của Đại Thừa gọi [địa vị ấy] là Sơ Tín Vị Bồ Tát. Ngay địa vị ấy chúng ta còn chưa đạt được, làm sao có thể tin vào chính mình được?
Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán là bốn quả Tiểu Thừa, quý vị thấy đối với ba quả đầu, đức Phật chẳng nói: “Các ngươi có thể tin vào suy nghĩ của chính mình!” Nói cách khác, đều chưa thể tin vào suy nghĩ của chính mình. Tôi thường hay nói: “Phải buông xuống thành kiến, vứt bỏ cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm của chính mình, tùy thuận sự giáo huấn của đức Phật”. Trong cách nghĩ, cách nhìn đối với vũ trụ, đối với hết thảy con người, sự vật, chúng ta phải coi đức Phật nghĩ như thế nào thì học theo như thế đó. Phật thấy như thế nào, ta phải học theo thế ấy. Như vậy là đúng! Dù đã chứng quả A La Hán, Tiểu Thừa thoát khỏi lục đạo, nhưng chưa ra khỏi mười pháp giới; dẫu mình là chánh giác, nhưng còn kém Bồ Tát rất xa, Bồ Tát là chánh đẳng chánh giác. Bởi vậy, tốt nhất vẫn là tiếp tục không ngừng tùy thuận lời Phật răn dạy, sẽ chẳng sai, chúng ta sẽ sớm có một ngày thành Vô Thượng Đạo.
Lời giáo huấn chân thật của chư Phật Như Lai là khuyên chúng ta niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ; như Thiện Đạo đại sư đã nói: “Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải” (Sở dĩ Như Lai xuất hiện trong thế gian chỉ nhằm nói ra biển bổn nguyện của Phật Di Đà). Chúng ta phải nhớ kỹ, đấy mới là giáo huấn chân thật bậc nhất. Tùy thuận lời giáo huấn của đức Phật là tương ứng, đấy mới là “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”.
“Cố kinh vân: Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (Bởi thế, kinh dạy: “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”). Mười hai chữ ấy nằm trong kinh văn của chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm. Nhớ Phật, niệm Phật là nhớ gì, niệm gì? Phải biết điều này! Nhớ tâm - nguyện - giải - hạnh của Phật, niệm tâm - nguyện - giải - hạnh của Phật. Đó gọi là “thực sự niệm Phật”, chẳng phải là nghĩ đến tướng hảo hay danh hiệu Phật. Tướng hảo và danh hiệu là phương tiện. Chẳng thể buông bỏ phương tiện, do phương tiện mà nhập chân thật, chân thật là tâm - nguyện - giải - hạnh.
Chúng ta nghĩ đến tướng hảo của Phật, trông thấy tượng Phật có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, trông thấy tượng Phật bèn nghĩ đến tâm - nguyện - giải - hạnh của Phật. Niệm một câu danh hiệu A Di Đà Phật phải nghĩ đến thực chất của danh hiệu Phật. Thực chất của danh hiệu Phật là gì? Phật tâm, Phật nguyện, Phật giải, Phật hạnh! Ta tự mình niệm một câu Phật hiệu, hoặc nghe người khác niệm một câu Phật hiệu, lập tức nhắc nhở, đánh thức chính mình, phải giữ tâm mình sao cho tâm giống hệt như Phật, nguyện giống hệt như Phật, giải giống hệt như Phật (giải là trí huệ), hạnh giống hệt như Phật (hạnh là đức hạnh). Một câu Phật hiệu chứa đựng thật viên mãn tâm - nguyện - giải - hạnh của Phật, không thiếu sót chút nào.
Nếu chúng ta lại hỏi: “Có tài liệu tham khảo nào để chúng ta học tập tâm - nguyện - giải - hạnh của Phật hay không?” Có chứ! Đơn giản nhất là kinh A Di Đà. Đó là tâm - nguyện - giải - hạnh của Phật. Tỉ mỉ hơn chút nữa là kinh Vô Lượng Thọ, tỉ mỉ hơn chút nữa là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh. Cổ đức nói Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh là đại bổn của kinh A Di Đà; nay chúng ta niệm kinh A Di Đà chính là niệm tiểu bổn kinh Hoa Nghiêm. Vô Lượng Thọ kinh là trung bổn. Ba kinh này giảng những điều rộng lược khác nhau. Kinh A Di Đà nói lược, nói rất đơn giản, rất thiết yếu, nói lược. Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh nói rộng, nói rất chi tiết. Toàn kinh giảng điều gì? Giảng Phật tâm, Phật nguyện, Phật giải, Phật hạnh. Quý vị nghĩ xem có phải như vậy hay không? Hiểu được đạo lý này, quý vị sẽ hiểu vì sao chúng tôi coi trọng nghiên cứu kinh giáo và nghiên cứu giáo lý đến thế! Chẳng có gì khác cả, chúng ta học Phật tâm, Phật nguyện, Phật giải, Phật hạnh. Đó là niệm Phật, đó là nhớ Phật.
Sau câu “ức Phật, niệm Phật” là Quả: “Hiện tiền, tương lai, tất định kiến Phật”. Hiện tiền là hiện tại, tương lai là sau khi vãng sanh; hiện tiền là lúc ta chưa vãng sanh. “Tất định”: Chúng ta thấy ngữ khí câu này rất khẳng định, người ấy lúc lâm chung thấy Phật đến tiếp dẫn, nói với người bên cạnh: “Tôi thấy A Di Đà Phật rồi!” Đó là hiện tiền thấy Phật. Kẻ ấy được thấy, chúng ta cùng ở trong phòng bệnh, chẳng ai thấy cả mà kẻ ấy thấy được. Chuyện này chẳng phải giả, là thật đấy!
Vào lúc ấy, người bình thường sẽ trông thấy người nhà thân quyến, bảo mọi người chung quanh: “Tôi thấy ông X. đến, ổng đứng ngoài cửa”. Những người được nhắc đến ấy đều là người nhà, thân quyến của kẻ ấy, đều đã chết rồi, lúc ấy kẻ sắp chết trông thấy. Đó có phải là người nhà, thân quyến của kẻ ấy hay chăng? Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện giảng rõ sự tình này: Chẳng phải là người nhà, quyến thuộc của kẻ ấy, mà là ai vậy? Là oán thân trái chủ. Oán thân trái chủ biến hiện ra hình dạng người nhà, quyến thuộc đến để làm gì? Đến kéo kẻ ấy đi, kéo kẻ ấy đi tính sổ, trong kinh Địa Tạng, đức Phật dạy như vậy.
Người niệm Phật phải đặc biệt cẩn thận, người lâm chung nói những
câu ấy, phải đặc biệt cảnh tỉnh kẻ ấy: “Đừng quan tâm đến! Bất luận thấy ai cũng đừng quan tâm đến, cứ nhất tâm niệm Phật. Ông (bà) thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn thì ông (bà) có thể theo Ngài; ngoại trừ A Di Đà Phật ra, Phật, Bồ Tát nào khác đến cũng chẳng được theo. Trong số đó chỉ có Quán Âm, Thế Chí, A Di Đà Phật, đó là Tây Phương Tam Thánh; còn tất cả Phật, Bồ Tát khác, ông (bà) trông thấy đều chẳng được theo. Vì sao? Ma có thể giả mạo đấy!”
Ma giả mạo Phật, Bồ Tát, giả mạo người nhà, quyến thuộc đều chẳng phạm pháp, nhưng nó chẳng thể giả mạo Bổn Tôn. Chúng ta tu Tịnh Độ, Tây Phương Tam Thánh là Bổn Tôn của chúng ta. Yêu ma quỷ quái chẳng thể giả mạo Bổn Tôn, giả mạo Bổn Tôn, thần Hộ Pháp bèn trừng phạt nó, nó chẳng dám làm vậy. Nó giả mạo Phật, Bồ Tát khác, hộ pháp thần chẳng can thiệp, nhất định chẳng được giả mạo Bổn Tôn. Bởi thế, mọi người đừng sợ hãi: Lúc lâm chung gặp A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, cứ an tâm đi theo, đó là thật, chẳng giả đâu! “Hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”.
6.3.1.2. Y Báo diệu nghiêm
6.3.1.2.1. Tổng thuyết y báo diệu nghiêm
Chúng ta xem tiếp đoạn dưới, giảng về sự mầu nhiệm của Y Báo. Đoạn kinh văn này tiếp theo đoạn Tự Phần ở trên, trước hết là:
Xá Lợi Phất! Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc?
舍利弗。彼土何故名為極樂。
(Này Xá Lợi Phất! Cõi ấy vì sao tên là Cực Lạc?)
Còn đây là câu giải đáp:
Kỳ quốc chúng sanh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc.
其國眾生。無有眾苦。但受諸樂。故名極樂。
(Chúng sanh cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng các sự vui, nên tên là Cực Lạc).
Vì sao thế giới ấy có tên là thế giới Cực Lạc? Câu này giải thích: Chúng sanh sống trong thế giới ấy gồm có trời, người, Thanh Văn, Bồ Tát, không có ba ác đạo, Tây Phương Cực Lạc thế giới không có ba ác đạo. Cư dân nơi đó không khổ, không khổ là lạc; vì vậy thế giới ấy tên là Cực Lạc.
Dưới đoạn này, chúng tôi thuyết minh đơn giản “tổng thuyết, vô chúng khổ, thọ chư lạc” (nói chung, không có các khổ, hưởng các sự vui). Các khổ rất ư là nhiều, trong kinh Đại Thừa, đức Phật nói có vô lượng khổ; lại nói đến tám vạn bốn ngàn nỗi khổ. Tám vạn bốn ngàn chẳng phải là nói tùy tiện, quý vị hãy tra trong Phật Học Từ Điển, hoặc tra Giáo Thừa Pháp Số, [những sách ấy] sẽ thực sự liệt kê từng điều cho quý vị thấy tám vạn bốn ngàn sự khổ! Trong nền giáo học nhà Phật, tất cả hết thảy sự khổ quy nạp thành ba loại lớn, thường được nói đến rất nhiều trong khi dạy dỗ. Đại Thừa Phật pháp cũng thường gọi ba loại lớn ấy là Tam Khổ, tức là ba loại khổ lớn: Thứ nhất là Khổ Khổ, thứ hai là Hoại Khổ, thứ ba là Hành Khổ. Trong các từ ngữ này, chữ thứ nhất là động từ, chữ thứ hai là danh từ. Như Khổ Khổ, chữ đầu là động từ, chữ sau là danh từ.
Gì gọi là Khổ? Nói chung là “phiền não bức bách thân tâm” (nay ta gọi là “áp lực”), thân chịu áp lực, tinh thần chịu áp lực. Thân thể có áp lực, chẳng tự tại, rất đau khổ, nỗi khổ ấy nói mãi chẳng tận. Phật lại chia [Khổ Khổ] thành tám loại lớn. Vì thế, Khổ Khổ cũng gọi là Bát Khổ, tức là tám thứ Khổ Khổ. Khổ Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ gọi là Tam Khổ; đó là ba loại lớn. So Bát Khổ với Tam Khổ thì Tam là ba loại lớn, còn Bát [là những sự khổ nói chi tiết hơn], thuộc về một loại trong ba loại [khổ lớn]. Bát Khổ thuộc về Khổ Khổ, tám cái khổ nào vậy? “Sanh khổ, tử khổ, bệnh khổ, lão khổ” là bốn loại lớn; “Cầu bất đắc khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội ngộ khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ” (khổ vì cầu chẳng được, khổ vì yêu thương biệt ly, khổ vì chán ghét mà cứ phải gặp gỡ, khổ vì năm ấm lừng lẫy) là bốn loại lớn nữa, gộp thành tám loại, gọi là Bát Khổ. Khổ được định nghĩa như sau: “Phiền não bức bách thân tâm”.
Chúng ta thấy hết thảy chúng sanh đều chẳng thể tránh khỏi tám loại khổ lớn ấy như đức Thế Tôn đã nói. Đã ở trong lục đạo thì phải chịu đựng hết. Đúng là người người bình đẳng. Đừng nói là đế vương, ngay cả thiên vương – thiên ở đây là Dục Giới. Sắc Giới thiên không có Khổ Khổ, nhưng có Hoại Khổ, có Hành Khổ – trong Dục Giới thiên, Khổ Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ thảy đều đầy đủ. Đúng là khổ chẳng thể nói nổi!
Cái ải Sanh Khổ chúng ta đã trải qua, khổ đến mức nào nay đã quên hết rồi. Trong kinh đức Phật đã giảng, chúng ta phải chú tâm tư duy quán sát mới hiểu được đôi chút. Chúng tôi lấy con người làm thí dụ, tất cả hết thảy hữu tình chúng sanh chẳng ra ngoài lệ ấy. Quý vị sanh vào thế gian này là vì có duyên với cha mẹ; không có duyên chẳng thể biến thành người cùng một nhà. Đức Phật nói những duyên nào? Duyên rất phức tạp! Đức Phật giảng kinh quả thật có phương tiện thiện xảo, Ngài đem những thứ duyên phức tạp đó quy nạp thành bốn loại lớn, rất dễ nói. Thứ nhất là báo ân, thứ hai là báo oán, thứ ba là đòi nợ, thứ tư là trả nợ. Người cùng một nhà chẳng ra ngoài bốn mối quan hệ này. Nếu chẳng có bốn mối quan hệ ấy, chẳng thể trở thành người một nhà!
Trong một đời quý vị, quý vị quen biết bất cứ ai, bất luận nhân vật nào cũng đều là bốn mối duyên ấy. Bốn mối duyên ấy sâu, cạn, dầy, mỏng khác nhau. Duyên sâu, duyên dầy sẽ biến thành người một nhà. Người duyên cạn, duyên mỏng hơn một chút biến thành thân thích, bằng hữu. Cạn hơn nữa, mỏng hơn nữa, sẽ biến thành những người quen thân. Thậm chí, ngay cả những người ta gặp trên đường, cười với họ, gật đầu chào nhau là duyên rất cạn. Phải có duyên! Không có duyên, họ chẳng chào quý vị. Thậm chí, người ta bất ngờ gặp ngoài đường, vốn chẳng quen biết, người ta thấy mình ngứa mắt, trừng mắt một cái cũng là duyên, nhưng duyên ấy rất cạn, cũng có thể là những người ấy cả đời ta chỉ gặp một lần. Cổ nhân thường nói: “Hữu duyên thiên lý lai tương ngộ, vô duyên đối duyện bất tương phùng” (Hữu duyên ngàn dặm gặp nhau, vô duyên đối diện nhìn nhau chẳng màng).
Vì thế, Phật, Bồ Tát, thiện tri thức thường chỉ dạy chúng ta phải kết thiện duyên cùng người khác, phải kết pháp duyên, điều này rất có lý. Đã hiểu bốn mối quan hệ giữa người với người, nếu ai trong quá khứ chịu ơn mình, họ sẽ đối xử hết sức tốt với ta. Lúc ta gặp gian nan, khốn khổ gì, kẻ ấy chẳng tiếc nuối mảy may, toàn tâm toàn lực giúp mình, báo ân mà! Còn báo oán thì kẻ ấy thấy mình hoàn toàn gai mắt, thường hay lăng nhục, hủy báng, dối trá, thậm chí làm thương tổn mình, báo oán đấy! Kẻ đến lừa đảo tài vật, trộm cắp của cải của mình đều là đòi nợ. Ai đến giúp quý vị kiếm tiền, giúp cuộc sống quý vị được giàu có, dư dật, là trả nợ vậy!
Chú tâm quan sát, tùy thuận lời đức Phật răn dạy, ai báo ân thì hy vọng đôi bên chúng ta ân đức càng sâu, chẳng những càng sâu thêm mà còn phải giác ngộ, chúng ta đền đáp bằng cách nào? Phải giúp cho kẻ ấy giác ngộ. Với kẻ báo oán, muốn hóa giải oán thì phải có trí huệ, phải có phương tiện thiện xảo. Phương pháp không nhất định, cốt sao vận dụng hết sức thích đáng, oán ấy sẽ hóa giải; nhưng nguyên tắc, cương lãnh quan trọng nhất để hóa giải oán kết là nhẫn nhục, nhường nhịn.
Cổ nhân thường dạy chúng ta nghịch cảnh xảy đến phải thuận chịu, ta vĩnh viễn gìn giữ tấm lòng nhân từ, lòng khoan dung, tha thứ, lòng báo ân. Người ta đến lừa dối hay đến báo oán là có ân gì với mình? Hóa giải oán kết là ân. Huống hồ chẳng cần biết những kẻ ấy có lý hay vô lý, họ đến lừa dối, hủy báng, khinh nhục mình, không phải là quý vị chẳng có khả năng báo thù, quý vị có năng lực ấy, nhưng không báo thù, đó chính là đức hạnh, chính là giác ngộ. Trong tâm không oán hận, hiểu rõ ràng, minh bạch, sổ nợ của mình với họ đến đây thanh toán xong. Vui mừng, cũng như tôi ghi sổ nợ trong quá khứ: Tôi lừa dối anh, trong đời này, anh cũng lừa dối tôi, có đi, có lại là huề, rất vui mừng, xóa nợ rồi!
Ân ở chỗ nào? Thành tựu Nhẫn Nhục Ba La Mật cho mình, Nhẫn Nhục Ba La Mật được hiển thị vào lúc nào? Trong những lúc ấy, quý vị thấy có Nhẫn Nhục Ba La Mật hay chăng? Có Bát Nhã Ba La Mật hay chăng? Có Thiền Định Ba La Mật hay chăng? Có Trì Giới Ba La Mật hay chăng? Có Bố Thí Ba La Mật hay chăng? Nhẫn một điều là tu trọn sáu Ba La Mật. Người ta giúp mình, thành tựu “lục độ đều tu” cho mình, quả là việc tốt, chứ không phải việc xấu! Bởi vậy, quý vị phải hiểu đạo lý ấy, tự mình thực sự thọ dụng, sao chẳng cảm ơn?
Nếu quý vị chẳng tiếp nhận sự răn dạy của thánh hiền, do thói quen, nhất định chúng ta sẽ làm sao? Ôm lòng sân hận, nay ta chẳng có năng lực thì trong tương lai sẽ báo thù, nếu ta có năng lực sẽ phản kháng ngay trong hiện tại. Nhất định là như vậy! Thế thì oan oan tương báo đến bao giờ xong? Chẳng phải chỉ một đời này đâu! Một đời này lầm lỗi nhỏ nhặt, đời sau càng nghiêm trọng hơn, cứ mỗi một đời lại càng nghiêm trọng hơn; hai bên cùng đau khổ, lầm lạc quá! Bởi thế, phải có trí huệ cao độ, phải thực sự nhẫn nhục, hóa giải oán kết, đôi bên cùng có lợi. Chỉ có bậc thánh hiền mới dạy chúng ta như thế, còn những kẻ tầm thường chẳng thể. Vậy thì bốn mối duyên ấy chúng ta phải hiểu biết rõ ràng. “Sanh” chính là đến thọ sanh. Sanh vẫn chưa giảng xong, bây giờ đã hết giờ rồi. A! Ngày mai chúng tôi giảng tiếp.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa