Chư vị đồng học!
Xin xem tiếp đoạn Tín Nguyện Trì Danh trong cuốn A Di Đà Kinh Nghiên Tập Báo Cáo, chúng tôi giảng đến: “Trì danh thời, tâm như Phật, nguyện như Phật, giải như Phật, tắc nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật” (Lúc trì danh, tâm như Phật, nguyện như Phật, giải như Phật, hành như Phật, thì một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật).
Ở trên, tôi đã thưa cùng quý vị, tâm chúng ta vốn là tâm Phật, đáng buồn là bản thân chúng ta mê mất nên mới luân lạc làm phàm phu, luân lạc trong lục đạo bao kiếp chẳng thể xuất ly, càng mê càng lún sâu, càng hãm càng khổ trong ấy. Nếu trong một đời này, chúng ta chẳng nghe đến Phật pháp, làm sao hiểu được chuyện ấy? Chẳng biết chân tướng sự thật ấy, làm sao có thể quay đầu? Đấy là một vận hên lớn nhất trong đời này, là duyên phận thù thắng khôn sánh, được nghe Phật pháp, được nghe Đại Thừa, được nghe pháp môn Tịnh Độ, đấy chẳng phải là chuyện dễ dàng gì!
Bao nhiêu Bồ Tát, Thanh Văn trong thế gian này muốn được nghe pháp môn này, nhưng chẳng có cơ hội. Chính như đức Thế Tôn đã nói trong kinh Vô Lượng Thọ, mỗi một vị đồng học chúng ta trong vô lượng kiếp đến nay đã kết pháp duyên rất sâu dầy với A Di Đà Phật, nên trong một đời này mới có cơ hội gặp gỡ. Kết pháp duyên rất sâu, nhưng vì sao vẫn chẳng thể vãng sanh? Pháp duyên dù sâu vẫn chưa đủ, trong kinh, đức Thế Tôn đã dạy chúng ta: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên để sanh về cõi ấy). Chữ “thiểu”(ít) thông cả ba câu, tức là chẳng thể ít thiện căn, ít phước đức, ít nhân duyên. Nói cách khác, thiện căn phải nhiều, phước đức phải nhiều, nhân duyên phải nhiều thì một đời này nhất định được vãng sanh. Ba điều kiện ấy thiếu một điều không được, đều thành chướng ngại!
Chúng ta làm thế nào để đầy đủ cả ba điều kiện trên trong một đời này? Câu hỏi này rất hợp lý. Thật ra, có đủ ba điều kiện ấy hay không, tự mình biết, thiện tri thức biết, thậm chí quỷ thần cũng biết. Nói chung, quỷ thần có Ngũ Thông, họ có thể thấy được. Chuyện đó không quan trọng, quan trọng nhất là chính mình. Chính mình làm sao biết? Tổ sư đại đức thường nói: Quý vị có chân tín hay không? Chân tín đã có thì tư tưởng, kiến giải, hành vi tự nhiên khác rất nhiều so với lúc chưa gặp Phật pháp! Lòng tin chân thành mà!
Quý vị có thực sự nguyện được sanh về thế giới Cực Lạc hay không? Nếu thực sự nguyện sanh thế giới Cực Lạc, hết thảy người, sự, vật trong thế gian này, quý vị tự nhiên buông xuống hết. Nếu quý vị không buông được, chỉ cần một sự chưa buông được, cái nguyện của quý vị chẳng chân thật. Có chân tín, chân nguyện, lại phải coi quý vị có chân hạnh hay không! Nếu quý vị thực sự niệm Phật, coi niệm Phật là chuyện quan trọng nhất trong một đời này, biến niệm Phật thành chuyện quan trọng nhất trong suốt một ngày từ sáng đến tối. Việc xảy đến phải làm, đành để Phật hiệu xuống, chuyên tâm làm việc. Lúc xong việc, buông công việc xuống, Phật hiệu lại dấy lên, thực sự niệm!
Tịnh Tông Học Viện chúng ta đề xướng kinh giáo; kinh giáo là chuyện chúng ta làm kèm thêm, chẳng phải là quy củ chánh yếu, chỉ là phụ thuộc! Phải phân định chủ - khách rõ ràng; bởi lẽ, kinh giáo không phải là chuyện ai cũng có thể học được, chính mình phải hiểu rõ điều này, muôn vàn chẳng được điên đảo! Vãng sanh là chuyện lớn! Chúng ta học kinh giáo ở đây là do chính mình có đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên kinh giáo nên quý vị học được. Chẳng hoài nghi kinh giáo, hiểu được kinh giáo thì có hai điều kiện trọng yếu: Một là ký ức, hai là giải ngộ. Quý vị thực sự nhớ được kinh giáo là trí nhớ tốt. Trước kia, thầy Lý bảo chúng tôi: “Nghe pháp sư giảng kinh, nghe xong, anh nhắc lại một lần, anh có khả năng giảng được tối thiểu sáu phần. Anh có năng lực ấy thì có thể học kinh giáo được. Không có năng lực ấy thì tùy hỷ. Vì sao? Không có năng lực thì đừng miễn cưỡng quá phận, học chẳng thành công!”
Khi xưa, lúc tôi cầu học ở Đài Trung, tôi quen biết pháp sư Huệ Nhẫn là một người rất thông minh. Nếu vị này thực sự khéo học, trong tương lai sẽ trở thành một nhân tài giảng kinh hoằng pháp. Tôi giới thiệu ông ta đến Đài Trung, thầy Lý gặp mặt cũng rất hoan hỷ. Ông ta lớn hơn tôi chừng năm tuổi, cùng tuổi với Hàn Quán Trưởng, xuất gia từ nhỏ, chưa từng học kinh giáo, nghe tôi giảng kinh hết sức hoan hỷ. Tôi nói: “Chúng ta cùng đến học với nhau”. Đến Đài Trung, tôi học Lăng Nghiêm với thầy Lý, khi đó thầy Lý đang giảng kinh Lăng Nghiêm. Chúng tôi học từ đầu, còn ông ta thầy dạy được một nửa mới đến học, tôi khuyên ông học một bộ kinh nhỏ, đừng học Lăng Nghiêm. Lăng Nghiêm lớn quá! Tôi bảo ông ta: “Tôi đã nghe thầy Lý giảng hơn ba mươi bộ kinh nhỏ”. Nói cách khác, tôi đã có hơn ba mươi bộ kinh nhỏ làm cơ sở, hễ nghe qua bộ nào một lần tôi đều có thể giảng được.
Tôi từng bảo các vị đồng học tôi có khả năng phúc giảng lại chín mươi lăm phần trăm, tôi có khả năng ấy. Có trí nhớ như vậy, cũng như có khả năng hiểu. Tôi khuyên ông ta nên học dần dần từ những kinh nhỏ, theo học từng bộ; ông ta chẳng vui lắm, nghĩ tôi coi thường ông ta: “Ông học Lăng Nghiêm, sao tôi không thể học được?” Vậy là hết cách, chịu thôi! Đương nhiên, căn tánh của mỗi người không giống nhau, cũng có thể ông ta có căn tánh cao hơn tôi, tôi chẳng bằng được ổng. Tôi từ những bộ kinh nhỏ tiến lên dần dần, ổng vừa bắt đầu đã học ngay kinh lớn, thật bất phàm!
Pháp sư Huệ Nhẫn hết sức dụng công, ngày đêm chẳng gián đoạn nghe thầy giảng kinh, đọc chú giải của cổ nhân, tìm kiếm tài liệu tham khảo, mỗi tối đều học đến hai, ba giờ sáng. Tôi thấy ông ta thật dũng mãnh, tinh tấn, được khoảng mười tháng, thân thể suy sụp. Có một buổi tối đang xem kinh, bỗng thấy tối đen, không thấy gì nữa cả. Đến hôm sau, Sư bảo tôi vì dụng công quá độ, không có cách nào nữa, đành phải rời Đài Trung lên Đài Bắc. Ông ta xuất gia từ nhỏ, xướng niệm hết sức hay. Khi đó, trong số những pháp sư trẻ tuổi giỏi xướng tụng, ông cũng là người có hạng. Do giỏi dùng pháp khí, ông đi làm pháp hội, làm kinh sám Phật sự. Làm độ hai năm, dành dụm được không ít tiền, mua một ký nhi viện (nhà giữ trẻ) ở vùng Mộc San thuộc Đài Bắc. Người ta muốn bán ký nhi viện ấy, ông ta liền mua ngay, lập một tiểu đạo tràng, gọi là Pháp Tạng Liên Xã. Đến Đài Trung bảo tôi: “Nay tôi có đạo tràng, thỉnh thầy lên Đài Bắc giảng kinh”. Tôi nói: “Tốt lắm! Chúng ta là bạn bè cũ mà!”
Lúc ấy, ông ta bảo tôi: “Tôi hối hận không nghe lời ông. Nếu tôi bắt đầu từ những kinh nhỏ, học dần dần từng bộ, há cũng chẳng thành công ư?” Đúng vậy! Khi đó, tôi đã đề nghị, khuyên chỉ ông ta lời hay, tuyệt đối chẳng coi thường ông ta. Học tập pháp thế gian hay xuất thế gian đều có thứ tự, từ cạn đến sâu, từ bộ nhỏ sang bộ lớn mới không mất sức vì dụng công quá độ. Vị pháp sư ấy hình như mấy năm trước, độ chừng bốn năm năm trước đã vãng sanh tại Hương Cảng. Về sau, ông ta qua Hương Cảng, chúng tôi rất ít qua lại với nhau.
Bởi thế, học kinh giáo phải có điều kiện học kinh giáo. Mục đích trọng yếu nhất của việc học kinh giáo là tự mình đoạn nghi sanh tín. Tôi đề xuất “tâm, nguyện, giải, hạnh”, vì sao chúng ta chẳng được như Phật? Chúng ta chẳng thể lý giải thấu triệt. Nếu quả thật lý giải thấu triệt khá, tức là đối với chân tướng của nhân sanh vũ trụ, chân tướng của nghiệp nhân quả báo có trình độ lý giải kha khá sẽ đoạn nghi hoặc rồi, chẳng còn vấn đề gì nữa! Khi trước, tôi thường nói: “Các đồng học niệm Phật, quý vị gặp tôi nêu lên rất nhiều câu hỏi, tôi dùng một câu chung để đáp, câu gì vậy? Chẳng thật thà!” Nếu quả thật quý vị thật thà niệm, há còn vấn đề gì nữa ư? Vấn đề gì cũng chẳng có! Đó là lời thật. Vì sao chẳng thật thà? Vọng tưởng quá nhiều, phân biệt, chấp trước quá nhiều; bởi vậy, quý vị không chắc thật. Vì sao vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nhiều đến thế? Vì chưa hiểu rõ chân tướng sự thật.
Do vậy, chúng ta học kinh giáo nhằm mục đích gì? Mục đích chủ yếu nhất là giúp chính mình đoạn nghi sanh tín, chân chánh chắc thật niệm Phật, tự mình được thọ dụng, tự mình có thành tựu! Tôi chẳng giúp chúng sanh hay sao? Quý vị đã giúp, nhưng chính mình không hiểu. Tôi giúp như thế nào? Quý vị đã là tấm gương niệm Phật tốt nhất cho người khác nhìn vào. Người hữu duyên trông thấy hành vi, ngôn ngữ quý vị, kẻ ấy sẽ cảm động, giác ngộ. Người vô duyên nhìn chẳng ra, người hữu duyên nhìn ra: Đây là người chân chánh niệm Phật!
Bởi vậy, tự hành chính là hóa tha, chúng tôi thường nói bất luận tại gia hay xuất gia, đệ tử Phật môn niệm niệm, thời thời, chốn chốn đều phải là gương tốt cho hết thảy đại chúng trong xã hội. Làm người phải là một con người tốt, làm gương tốt cho hết thảy mọi người. Những đồng học tại gia, gia đình mình phải là gương tốt cho mọi gia đình khác trong xã hội, là gia đình mô phạm. Trong đạo tràng này, nhất định phải biến đạo tràng này thành gương tốt cho hết thảy các đạo tràng. Chớ cầu ai hết, phải cầu chính mình; người khác làm gì chẳng ăn nhập gì đến mình! Nhất là trong thời đại hiện tại, dân chủ, tự do, cởi mở, mỗi cá nhân có tự do ngôn luận, được tự do xuất bản. Bởi thế, phải dốc lòng nhớ kỹ giáo huấn chân thật của các cổ đức, ta đối xử với người, quyết định chẳng thể nói lỗi lầm của người khác. Nói lỗi lầm của người khác, gây thị phi, kết oan cừu, tự mình đã sai mất rồi!
Cổ đức dạy chúng ta: “Tịnh tọa thường tư kỷ quá” (Tịnh tọa thường nghĩ đến lỗi mình). Tự mình phản tỉnh, kiểm điểm, sám hối, sửa đổi cho tốt hơn, “nhàn đàm mạc luận nhân phi” (chuyện gẫu đừng bàn luận khuyết điểm của người khác), chẳng những không nên nói mà hết thảy những điều bất thiện của người khác đừng ghim vào lòng. Quý vị để tâm là sai rồi. Tôi thường hay nói như vầy: “Để tâm đến hết thảy những chuyện bất thiện của người khác, tâm quý vị biến thành cái thùng rác!” Chuyên môn thâu thập những thứ phế thải của người ta, tâm ta biến thành thùng rác, tâm hỏng mất rồi, chẳng còn là tâm Phật nữa, tâm mình làm sao biến thành tâm Phật được? Quý vị chuyên môn thâu thập mọi ngôn luận, mọi đức hạnh của chư Phật Như Lai, tâm không còn chứa đựng những thứ gì khác, chỉ toàn trang hoàng bằng những thứ tốt đẹp của chư Phật Như Lai. Đọc tụng kinh điển, tư duy ý nghĩa kinh, nghiên cứu làm sao để thực hiện những giáo huấn trong kinh vào cuộc sống, áp dụng vào công việc, áp dụng vào xử sự, đãi người, tiếp vật. Đấy là tâm Phật.
Tâm giống Phật, nguyện như Phật, Phật nguyện gì? Nói chung, các nguyện của mười phương tam thế hết thảy chư Phật dẫu rất nhiều, nhưng quy nạp lại, không ngoài bốn nguyện lớn, đức Thế Tôn gọi là Tứ Hoằng Thệ Nguyện; quy nạp lại, chẳng ngoài bốn nguyện lớn! Bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, nếu quý vị quy nạp lại cũng chẳng ngoài bốn đại nguyện ấy. Chúng tôi thường nói bốn đại nguyện ấy thực sự chỉ gồm một nguyện, chỉ có một điều thôi: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Những chúng sanh nào? Chúng sanh trong chín pháp giới, ai chưa chứng đắc Phật quả đều là chúng sanh. “Độ” (度) có nghĩa là gì? Nói theo ngôn ngữ hiện tại, độ là giúp đỡ, thành tựu cho người ấy. Chư Phật Như Lai chỉ có một nguyện ấy, giúp đỡ hết thảy chúng sanh, chẳng riêng gì loài người mà là chúng sanh trong chín pháp giới. Trong đó bao gồm ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, bao gồm cả yêu ma quỷ quái, họ đều là chúng sanh. Quý vị phải giúp họ thành Phật. Vì sao họ lại biến thành ra như thế? Mê mất tự tánh, do vậy mới biến thành ra như thế.
Phật đã giác ngộ, đã hoàn toàn hiểu rành hết thảy chân tướng. Hết thảy chúng sanh có quan hệ gì với mình? Quan hệ rất mật thiết! Trong kinh điển Đại Thừa chúng ta thường đọc thấy “tự - tha bất nhị”. Tôi và anh về hình dáng chẳng giống nhau, nhưng Phật tánh giống hệt như nhau, cùng một Phật tánh. Bởi thế, trong kinh điển Đại Thừa, đức Phật đã nói bao nhiêu lần: “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất Pháp Thân” (Mười phương tam thế Phật cùng chung một Pháp Thân). Mười phương tam thế Phật bao gồm cả anh lẫn tôi, loài người chúng ta, thậm chí tất cả chúng sanh trong lục đạo, ngạ quỷ, địa ngục, hết thảy chúng sanh đều là vị lai Phật. Nói tam thế là quá khứ Phật, hiện tại Phật, vị lai Phật; vị lai Phật là hết thảy chúng sanh hiện tiền, cùng chung một Pháp Thân, “một tâm, một trí huệ”. Chúng ta thường nói một tâm một đức, chẳng sai chút nào.
Chúng sanh mê mất tự tánh, chẳng biết chân tướng sự thật, khởi
vọng tưởng, phân biệt, chấp trước trong hết thảy cảnh giới. Từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, lại khởi tham - sân - si - mạn. Mê mất tự tánh, càng đi càng xa. Mê quá lâu, càng mê sâu hơn, chẳng biết mối quan hệ giữa mình và chúng sanh, chẳng những ta cùng hết thảy hữu tình chúng sanh là một thể, mà với vô tình chúng sanh (như cây cối, hoa cỏ, núi, sông, đại địa), toàn thể vũ trụ đều là Pháp Thân thanh tịnh của chính mình. Ai biết? Pháp Thân Bồ Tát biết, họ chứng đắc được. Chứng đắc là hiểu rõ, chẳng còn nghi hoặc. Bởi thế, họ chủ động giúp hết thảy chúng sanh vô điều kiện. Tự mình giúp chính mình, tự mình thành tựu chính mình! Sự nhận biết ấy trong Phật pháp gọi là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”. Hiểu rõ ràng quan hệ giữa hết thảy người, sự, và vật trong vũ trụ, hiểu minh bạch; đến lúc đó, nguyện của người ấy tự nhiên giống hệt như nguyện của Phật.
Quý vị muốn độ chúng sanh thì độ bằng cách nào? Phải biết chúng sanh đang mê, chính mình khai ngộ rồi, giác ngộ rồi, làm thế nào khiến cho chúng sanh hồi đầu, giúp họ thành tựu bằng cách nào? Ba điều nguyện sau chính là phương pháp: “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Quý vị phải cho họ thấy đoạn phiền não như thế nào, họ thấy rồi sẽ giác ngộ, sẽ hiểu rõ: Phải làm như thế nào! Bồ Tát sơ học thì chư Phật Như Lai vì kẻ ấy thị hiện, có đức Phật nào chẳng thị hiện trì giới trong chín pháp giới? Trì giới để làm gì? Để đoạn phiền não! Trì giới là phương pháp, đoạn phiền não là mục đích. Nhân Giới đắc Định, Định khuất phục được phiền não. Nhân Định khai Huệ, Huệ chuyển được phiền não, chuyển phiền não thành Bồ Đề. Đấy là công khóa tu hành thứ nhất, tức đức hạnh! Giáo học thế gian lẫn xuất thế gian đều lấy đức hạnh làm đầu. Quý vị muốn giúp đỡ hết thảy chúng sanh, bọn họ là chúng sanh đang điên đảo, mê hoặc, là chúng sanh mê mất tự tánh. Quý vị muốn giúp đỡ họ, điều trước tiên là phải thành tựu đức hạnh của chính mình. Nay chúng ta chẳng phải là Phật, Bồ Tát tái lai; chúng ta xác thực là phàm phu. Phàm phu thì càng phải làm! Vì sao? Độ chính mình, đoạn phiền não là thành tựu đức hạnh của chính mình.
Điều này tôi phải học mất năm mươi năm, chẳng phải trong thời gian ngắn. Thoạt đầu, Chương Gia đại sư dạy tôi, quả thật lão nhân gia dùng trí huệ chân thật, thiện xảo phương tiện khiến tôi thay đổi quan niệm, tiếp nhận Giới học. Tôi vốn nẩy sanh quan niệm sai lầm nghiêm trọng đối với Giới học, hết sức ưa thích kinh luận, nhưng đối với Giới Luật rất coi nhẹ, chẳng buồn để mắt đến. Chương Gia đại sư lao tâm khổ tứ khiến tôi giác ngộ. Giới Luật chẳng phải là những khuôn mẫu sanh hoạt thế gian như ta thường tưởng; nó chính là ranh giới phân chia phàm - thánh, là khuôn mẫu sinh sống của thánh nhân, chẳng phải của phàm nhân. Vì vậy, nó vĩnh hằng bất biến, siêu việt không gian lẫn thời gian. Chúng ta phải hiểu đạo lý này!
Thông thường, Đại Thừa Phật pháp thường nói hai mươi sáu món phiền não, tức hai mươi sáu loại. Phiền não vô lượng vô biên; vì để dạy dỗ cho thuận tiện, đức Thế Tôn quy nạp thành hai mươi sáu loại. Trong hai mươi sáu loại này, lại chia thành hai loại lớn: Thứ nhất là Căn Bản phiền não, thứ hai là Tùy phiền não. Căn Bản phiền não sáu điều, Tùy phiền não hai mươi điều. Trong Tùy phiền não lại chia thành Đại Tùy phiền não, Trung Tùy phiền não và Tiểu Tùy phiền não. Nếu đoạn được hai mươi sáu loại phiền não này thì mọi phiền não đều đoạn sạch, khởi công từ đó. Đặc biệt là căn bản phiền não; sáu điều căn bản phiền não cũng là sáu loại lớn: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Trong ác kiến lại chia thành năm loại lớn: thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Bởi thế, trong sáu món phiền não, ác kiến lại chia ra thành năm thứ, trên thực tế thành ra mười điều. Mười điều đó chia thành Kiến phiền não và Tư phiền não, gọi chung là Kiến Tư phiền não.
Đức Phật bảo luân hồi lục đạo là do năm món tham, sân, si, mạn, nghi trong Kiến Tư phiền não biến hiện. Nếu quý vị thực sự đoạn được Kiến Tư phiền não, sẽ không còn luân hồi lục đạo nữa. Kiến Tư phiền não chưa đoạn, vĩnh viễn ở trong lục đạo luân hồi, lục đạo do đâu mà có? Do Kiến Tư phiền não biến hiện thành. Quý vị muốn vượt thoát lục đạo, đức Phật dạy rất đơn giản: Quý vị phải bỏ hết những thứ có khả năng biến hiện ra luân hồi lục đạo thì lục đạo luân hồi sẽ chẳng còn nữa! Ai làm được? A La Hán làm được. A La Hán đoạn Kiến Tư phiền não, vượt thoát lục đạo luân hồi.
Trong Chứng Đạo Ca của Vĩnh Gia đại sư có mấy câu:
Mộng lý minh minh hữu lục thú,
Giác hậu không không vô đại thiên.
(Trong mộng rành rành phân sáu nẻo,
Giác rồi ba cõi rỗng toang hoang).
A La Hán giác ngộ rồi, hễ giác ngộ thì sáu nẻo không còn nữa, sáu nẻo trống rỗng không còn tam thiên đại thiên thế giới. Chúng tôi nói thế giới Sa Bà là một đại thiên thế giới, tức là lục đạo luân hồi. Trong kinh giáo, Phật thường giảng về tam thiên đại thiên thế giới rất rõ ràng: Trong kinh Phật gọi tinh cầu mà chúng ta đang sống đây là Nam Thiệm Bộ Châu (Jambudvīpa). Tinh cầu này di chuyển trong hư không, xoay chuyển quanh núi Tu Di (Sumeru). Núi Tu Di là trung tâm. Thái dương, mặt trăng, rất nhiều tinh cầu đều xoay quanh eo (khoảng giữa) núi Tu Di. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ giảng rất có lý. Quý vị thấy đó: Chẳng phải là Thái Dương hệ (solar system) chuyển động trong Ngân Hà Hệ đó ư?
Hoàng lão cư sĩ gọi trung tâm của Ngân Hà Hệ là núi Tu Di. Núi Tu Di chẳng ở trên địa cầu, cũng chẳng thuộc Thái Dương hệ. Thiên văn học cổ truyền Trung Quốc gọi trung tâm của Ngân Hà Hệ là Hoàng Cực. Hoàng Cực là núi Tu Di. Chúng ta biết Hoàng Đạo là quỹ đạo của chín đại hành tinh[4] xoay quanh mặt trời, chúng ta gọi quỹ đạo ấy là Hoàng Đạo. Trước kia, người ta không biết địa cầu xoay quanh mặt trời, ngỡ địa cầu là trung tâm, trông thấy các hành tinh (mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao) có quỹ đạo nên gọi là Hoàng Đạo. Lúc các hành tinh xoay quanh địa cầu, họ phát hiện ra Nam Cực và Bắc Cực, hoàn toàn lấy địa cầu làm bản vị. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ bảo trên thực tế, Phật đã dạy trong kinh, nếu quý vị chú tâm quan sát, tư duy, sẽ thấy núi Tu Di chính là trung tâm của Ngân Hà Hệ.
Hiện nay có người nói trung tâm của Ngân Hà Hệ là lỗ đen (black hole), có năng lượng rất lớn, ngay cả ánh sáng chiếu đến lỗ đen cũng bị nuốt mất. Đến bên nó, chịu ảnh hưởng bởi dẫn lực (sức hấp dẫn, sức hút), ánh sáng đều bị co rút lại. Năng lượng lớn như thế đó. Một Ngân Hà Hệ như vậy là một đơn vị thế giới, một ngàn đơn vị thế giới gọi là một tiểu thiên thế giới. Ở ngay thiên đỉnh của một đơn vị thế giới (Ngân Hà Hệ) là Sơ Thiền Thiên; một Ngân Hà Hệ chỉ có một Sơ Thiền Thiên. Như vậy, một ngàn đơn vị thế giới, tức là một ngàn Ngân Hà Hệ, là một tiểu thiên thế giới. Ở ngay thiên đỉnh của một tiểu thiên thế giới chính là Nhị Thiền Thiên. Một tiểu thiên thế giới chỉ có một Nhị Thiền Thiên. Tiếp đó, lấy tiểu thiên thế giới làm đơn vị, hợp một ngàn tiểu thiên thế giới thành một trung thiên thế giới, trên thiên đỉnh của trung thiên thế giới là Tam Thiền Thiên. Rồi lại dùng trung thiên thế giới làm đơn vị, gộp một ngàn trung thiên thế giới lại, gọi là một đại thiên thế giới, một đại thiên thế giới chỉ có một Tứ Thiền Thiên.
Vì vậy, lục đạo là thế giới Sa Bà, thế giới Sa Bà là một tứ thiên hạ, một ngàn Tam Thiền Thiên, một ngàn nhân một ngàn, thành một trăm vạn Nhị Thiền thiên, lại nhân cho một ngàn, thành mười ức Sơ Thiền Thiên. Vậy thì nếu coi một Ngân Hà Hệ là đơn vị thế giới, phạm vi sẽ rất lớn. Chúng ta độ chúng sanh, tối thiểu phải phát nguyện độ một cõi như vậy. Sa Bà thế giới là bổn quốc, quý vị phải có tâm lượng lớn như thế. Quý vị phải dùng tâm lượng ấy đối với hết thảy chúng sanh. Nếu ai đối với chúng sanh thấy chẳng thuận mắt, tức là có thành kiến đối với kẻ ấy, người ấy chẳng phải là học Phật, chẳng đoạn được phiền não. Làm sao đoạn được phiền não? Quý vị còn học pháp môn nào nữa? Nguyện chẳng phải là chuyện dễ! Nay đã hết giờ rồi!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa