Pháp sư

[TẬP 20]: Có Thành Tựu Hay Không Do Thành Kính.


 Chư vị đồng học!

      Chúng ta coi tiếp tiểu tiết thứ nhất trong đoạn lớn thứ nhất của phần Chánh Tông. Chúng ta đọc qua một lượt, tiểu đoạn thứ nhất là: “Tín nguyện trì danh, nhất kinh yếu chỉ, tín nguyện vi Huệ hạnh, trì danh vi Phước hạnh; đắc sanh dữ phủ, toàn do tín nguyện chi hữu vô” (Tín nguyện trì danh là tông chỉ trọng yếu chỉ của kinh này, tín nguyện là hạnh thuộc về Huệ, trì danh là hạnh thuộc về Phước. Được vãng sanh hay không, hoàn toàn do có tín nguyện hay không). Lần trước, chúng tôi đã giảng đến chỗ này, hãy xem tiếp đoạn dưới đây:

      “Phẩm vị cao hạ, toàn do trì danh chi thâm thiển, tín nguyện vi tiền đạo, trì danh vi chánh tu” (Phẩm vị cao hay thấp, hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn. Tín nguyện để dẫn đường, trì danh là cách tu hành chánh yếu). Chúng tôi sẽ giảng đoạn này. Tín - Nguyện - Hạnh có thứ tự, đặc biệt là đối với hàng Sơ Học. Trước hết, chúng ta phải phát khởi được tín tâm, tín tâm thực sự chẳng dễ dàng. Trong phần trước, chúng tôi đã nói khá nhiều, không điều nào chẳng nhằm khiến cho chúng ta phát khởi tín tâm đối với Phật pháp, liễu giải chân tướng của nhân sanh và vũ trụ. Hiện nay, khoa học đã chứng thực, nhưng nói thật ra, chỉ chứng thực ở một mức độ hết sức hữu hạn. Đối với sự tướng, lý luận ở một mức độ sâu hơn, khoa học chẳng có cách nào để giải thích được cả.

Ví như nói đến sự trang nghiêm nơi y báo, chánh báo của mười pháp giới, khoa học không có cách nào giải thích được. Các nhà khoa học biết trong vũ trụ này tồn tại những chiều không gian (spatial dimensions) khác biệt; sự trang nghiêm nơi y báo, chánh báo của mười pháp giới chính là tình trạng thuộc về những chiều không gian khác biệt, khoa học không có cách nào hiểu được. Thù thắng hơn cảnh giới của chúng ta là thiên đạo. Trong thiên đạo có Dục Giới thiên, có Sắc Giới thiên, có Vô Sắc Giới thiên. Ngoài lục đạo lại còn có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật; dưới đó lại có ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Trong súc sanh lại phức tạp hơn nữa! Hiểu biết của chúng ta hết sức hữu hạn! Bởi thế, theo nhận định của Phật pháp, tri thức khoa học nói trắng ra, thật hết sức hữu hạn, thật nhỏ nhoi, chẳng đáng để nói tới!

      Một nhà khoa học chân chánh sẽ có thái độ rất rõ ràng, điều gì ông ta chứng thực được bèn tin tưởng, điều gì chẳng thể chứng thực, chẳng dám nói là không có. Vì sao? Khoa học kỹ thuật vẫn còn đang tiến bộ không ngừng. Trong quá khứ, các nhà khoa học tưởng những gì họ đã phát hiện là chân lý; chẳng ngờ không lâu sau, các nhà khoa học lớp sau lại có những phát hiện mới, phải thay đổi những định luật. Tình trạng như thế rất nhiều! Bởi vậy, nhà khoa học thông minh trong hiện tại luôn nói những chân lý được phát hiện chỉ là tạm thời, nói như vậy rất thông minh. Sau này lại có những phát hiện mới, những phát hiện mới vượt trỗi hơn [những phát hiện cũ]. Những điều uyên áo, kỳ diệu trong vũ trụ không có giới hạn, sâu không đáy, rộng vô biên, còn đang đợi con người từ từ phát hiện ra. Dùng kỹ thuật khoa học và phương pháp cơ giới thì những gì quý vị nghiên cứu được vẫn là hữu hạn. Kinh Phật nói họ dùng “nhất thời” để nghiên cứu; hiện tại [khoa học] vẫn chưa tách rời “nhất thời”, nên [những sự phát hiện] có hạn chế.

      Theo Phật pháp, “nhất thời” chỉ có thể duyên A Lại Da Thức, chứ không thể duyên Chân Như tự tánh. Bởi vậy, đối với Chân Như tự tánh, đức Phật chỉ nói gọn một câu “chẳng thể nghĩ bàn”. Chẳng thể nghĩ là chẳng thể dùng cái tâm ý thức để hiểu rõ nó; chẳng thể bàn là chẳng thể dùng ngôn ngữ để trình bày rõ rệt được. Đối với chân tướng của sự thật, ngôn ngữ chỉ có năng lực hữu hạn, không diễn tả được nổi. Năng lực tư duy cũng hữu hạn, quý vị tư duy, suy nghĩ cũng có mức giới hạn tột cùng. Cái giới hạn tột cùng nằm trong A Lại Da Thức. Chân Như bổn tánh chẳng phải là A Lại Da thức nên [cái tâm ý thức của] quý vị duyên không được. Bởi vậy, trong lúc ấy, tất cả hết thảy phương pháp khoa học đều vô tác dụng.

      Điều này do tiên sinh Phương Đông Mỹ nói với tôi. Do vì trước kia, tôi ở Đài Loan, pháp sư Đạo An chủ trì Phật Giáo Hội. Khóa Đại Chuyên Phật Học Giảng Tòa do hội Phật giáo Trung Quốc tổ chức, mời tôi đảm nhiệm vai trò tổng chủ giảng. Tôi rất mong mở lớp Nhân Minh trong khóa giảng ấy. Nhân Minh[2] là la-tập (logic), thuộc biện chứng pháp, cũng thuộc vào phương pháp khoa học. Chúng tôi rất hy vọng mời được tiên sinh Phương Đông Mỹ đến giảng môn học này. Tôi đến tìm cụ, Phương tiên sinh nói: “Phật pháp giảng đến một mức độ cao thì môn này vô dụng. Nhân Minh, biện chứng pháp lẫn la-tập thảy đều vô ích”. Không sai! Cụ nói chẳng sai chút nào. Trong Phật pháp ở trình độ cao, đúng là chúng vô dụng. Giảng những môn đó cho ai? Cho hàng sơ học. Với sơ cấp, trung cấp còn có ích, chứ với cao cấp, chúng trở thành vô dụng. Họ vượt khỏi rồi, những môn ấy đều thuộc về phương pháp luận của khoa học. Vì thế, sau này chúng tôi không mở lớp đó.

      Phật pháp cao cấp dùng gì? Dùng Thiền Định, dùng tâm thanh tịnh. Thiền có nghĩa là “tịnh lự”, Tịnh là Chỉ, Lự là Quán. Bởi vậy, Thiền còn gọi là Chỉ Quán. Chỉ là buông xuống, Quán là thấy thấu suốt. Buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, quý vị sẽ thấy được chân tướng sự thật. Tất cả phương pháp luận thế gian hay xuất thế gian đều chẳng lìa khỏi ý thức. Nguyên nhân thực sự vì sao bản chú giải Lăng Nghiêm Chánh Mạch của Giao Quang đại sư có mặt cũng là vì đạo lý này. Kinh Lăng Nghiêm do tôn giả Bát Lạt Mật Đế truyền sang Trung Quốc vào cuối đời Võ Tắc Thiên. Kinh Lăng Nghiêm phiên dịch xong nhằm thời vua Đường Trung Tông. Kinh được phiên dịch xong, tất cả chú sớ, giảng giải đều dùng nguyên lý, nguyên tắc Tam Chỉ Tam Quán của tông Thiên Thai để giải thích.

      Giao Quang đại sư là người đời Minh, đồng thời với Liên Trì đại sư. Ngài cho rằng cách suy nghĩ trên (tức là cách dùng Tam Chỉ Tam Quán để giải thích kinh Lăng Nghiêm) chẳng phải là chỉ thú của kinh Lăng Nghiêm ; bởi lẽ, Tam Chỉ Tam Quán là dùng Ý thức, chẳng lìa khỏi tâm ý thức. Bởi vậy, lão nhân gia chủ trương ứng dụng giáo nghĩa “xả Thức dùng Căn” của chính kinh Lăng Nghiêm, hoàn toàn chẳng dùng đến thức thứ sáu là Ý Thức. Dùng gì? Dùng căn tánh của lục căn. Cách giảng này chính xác, chứng minh được. Ngài Giao Quang cũng là người niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đại khái, thọ mạng Ngài đã hết, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, Ngài thấy A Di Đà Phật, thưa cùng A Di Đà Phật: “Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh trọng yếu trong Đại Thừa Phật pháp, điều hết sức đáng tiếc là từ cổ đến nay, rất nhiều người chú giải bộ kinh này đều chẳng nắm được chỉ thú chân chánh”. Ngài muốn viết một bộ chú giải mới, “xin A Di Đà Phật cho phép con nay tạm thời chẳng vãng sanh, đợi khi con chú giải bộ kinh này xong xuôi, sẽ vãng sanh thế giới Cực Lạc”. A Di Đà Phật chấp thuận, Phật liền rời đi. Câu chuyện này được ghi trong Lời Tựa của sách Lăng Nghiêm Chánh Mạch, chúng tôi tin tưởng Giao Quang đại sư chẳng dối người, chẳng bịa ra câu chuyện ấy.

      Xả Thức dùng Căn, nói thật chẳng sai, nhưng khó quá, không ai có thể tu được! Dùng phương pháp Tam Chỉ Tam Quán, người căn tánh trung hay thượng làm được, vẫn còn có thể tu học được. Nếu bỏ Thức dùng Căn thì giống như Thiền tông, người thượng thượng căn mới hành được; chẳng phải thượng thượng căn sẽ chẳng có phần. Kinh Lăng Nghiêm giảng chân tướng của nhân sanh và vũ trụ; bởi vậy, nó là một bộ kinh rất nổi danh trong Phật môn. Từ cổ, tổ sư đại đức thường nói: “Kinh Lăng Nghiêm khai trí huệ, thành Phật là kinh Pháp Hoa”, hai câu nói ấy, những người học Phật đều biết. Kinh Lăng Nghiêm khai trí huệ, vì sao nói thành Phật là kinh Pháp Hoa?

      Bởi lẽ, trong quá khứ, trong rất nhiều kinh, đức Phật đều nói Nhất Xiển Đề chẳng thể thành Phật. Nhất Xiển Đề (Icchantika) là gì? Nhất Xiển Đề dịch nghĩa sang tiếng Hán là “người không có thiện căn”, hoặc dịch là “người đoạn thiện căn”. Không có thiện căn làm sao thành Phật được? Đấy là điều đức Phật thường nói! Nhưng trong hội Pháp Hoa, đức Phật lại nói Nhất Xiển Đề cũng có Phật tánh, Nhất Xiển Đề cũng có thể thành Phật, tức là “không một ai chẳng thể thành Phật”. Ý nghĩa này tương ứng với câu kinh Hoa Nghiêm: “Tình và vô tình đều viên mãn Chủng Trí”.

Kẻ ngũ nghịch thập ác, tạo tội ác cùng cực trong thế gian đều có Phật tánh, chẳng thể nói kẻ ấy tội ác lớn cùng cực, chẳng thể thành Phật được! Chẳng có đạo lý ấy! Kẻ ấy có Phật tánh, nếu kẻ ấy gặp duyên cũng thành Phật. Thiện Đạo đại sư nói tuyệt diệu: “Tổng tại ngộ duyên bất đồng” (Đều do gặp duyên khác nhau). Kẻ ấy chưa gặp duyên bèn tạo tội nghiệp, phải chịu quả báo, quả báo cũng có ngày xong. Khi nào xong hết quả báo? Không nhất định, nghĩa là sao? Nếu kẻ ấy giác ngộ thì tội báo đó tiêu diệt; nếu kẻ ấy chẳng giác ngộ thì vẫn còn tội báo phải thọ. Giống hệt như nằm mộng, gặp ác mộng khổ ghê lắm, nhưng nếu tỉnh giấc, mộng ấy không còn nữa. Khi nào kẻ ấy tỉnh mộng? Tỉnh mộng rất nhanh thì thọ tội rất ngắn, lìa khổ rất nhanh. Nếu tỉnh mộng chậm, thọ tội lâu dài.

      Bởi vậy, người phạm tội đại cực ác, đọa A Tỳ địa ngục, lúc nào sẽ thoát ra? Không nhất định! Tùy thuộc lúc nào người ấy giác ngộ, lúc nào sám hối, hồi đầu, tự mình thực sự biết mình lầm. Do một niệm sám hối ấy, Phật tánh bột khởi. Vì thế, trong kinh giáo, Phật thường chỉ dạy chúng ta đừng coi thường kẻ ác, vì sao? Không chừng kẻ ấy thành Phật trước chúng ta, ta phải làm đệ tử kẻ ấy, rất có khả năng! Sức mạnh của sám hối chẳng thể nghĩ bàn! Thực sự biết sai, thực sự hồi đầu, ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Lãng tử hồi đầu kim bất hoán” (lãng tử quay đầu, vàng chẳng đổi). Bởi vậy, tín nguyện trọng yếu hơn bất cứ điều gì.

      Chúng tôi hết sức kính ngưỡng Giao Quang đại sư, tán thán Ngài là một vị đại thiện tri thức. Pháp sư Viên Anh suốt đời nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm. Qua truyện ký viết về Ngài, chúng ta thấy năm hai mươi lăm tuổi, Ngài hết sức thích thú kinh Lăng Nghiêm, lập chí chuyên dốc công nghiên cứu, đến năm bảy mươi lăm tuổi, hoàn thành Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, nay rất phổ biến. Chúng tôi xem kỹ bản ấy, hơn sáu phần mười lý luận trong ấy dựa theo sách Lăng Nghiêm Chánh Mạch, cho thấy Ngài chịu ảnh hưởng sách Lăng Nghiêm Chánh Mạch rất sâu. Nay chúng ta học Lăng Nghiêm, học theo sách Giảng Nghĩa của pháp sư Viên Anh. Tốt! Ngài là người cận đại, văn tự khá đơn giản, rõ ràng; Giao Quang đại sư là người đời Minh, văn tự đúng là sâu hơn.

Nhất là trong thời hiện tại, chúng ta coi thường văn học cổ Trung Quốc, không có căn bản Hán học, đọc những tác phẩm của cổ nhân khá khó khăn. Học kinh Lăng Nghiêm hãy nên bắt đầu bằng sách Giảng Nghĩa của pháp sư Viên Anh, sau đấy mới đọc chú giải của cổ nhân. Quý vị phải có cơ sở trước rồi quý vị đọc chú giải của ngài Giao Quang, ngài Trường Thủy. Kinh Lăng Nghiêm được chú giải rất nhiều, những chú giải trứ danh có tới hai mươi, ba mươi loại. Kinh Lăng Nghiêm khai trí huệ! Nhưng những vị đại gia, thiện tri thức ấy cuối cùng đều cầu sanh Tịnh Độ. Giao Quang đại sư vãng sanh Tịnh Độ. Quý vị thấy Tam Cầu Đường của Viên Anh Pháp Sư: “Cầu phước, cầu huệ, cầu sanh Tịnh Độ”. Bậc thực sự có trí huệ, có kiến địa, chẳng một ai không cầu sanh Tịnh Độ.

      Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta đọc được rất nhiều về Tây Phương Cực Lạc thế giới từ kinh Vô Lượng Thọ. Trong quá khứ, chúng tôi đã giảng mười lần bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Giảng lần này ở Tân Gia Ba là lần thứ mười một, vẫn chưa giảng xong. Cứ cách một, hai tháng, chúng tôi lại phải qua Tân Gia Ba giảng tiếp. Lần này, chúng tôi chẳng bị hạn chế thời gian, có thể nói tường tận, các đồng tu bên ấy thích nghe, người đến nghe giảng ước chừng một hai ngàn người. Kinh Vô Lượng Thọ cho chúng ta biết bốn cõi, ba bậc, chín phẩm, phẩm vị trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do đâu hình thành phẩm vị cao - thấp? Ngẫu Ích đại sư nói: “Toàn do trì danh chi thâm thiển” (Hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn). Ngài nói vậy có lý chăng? Có đạo lý! Còn như bốn cõi, ba bậc, chín phẩm, Thiện Đạo đại sư bảo là “tổng tại ngộ duyên bất đồng” (đều do gặp duyên bất đồng), Ngẫu Ích đại sư bảo “hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn”. Lời hai vị đại sư nói chẳng hề mâu thuẫn, mà có thể bổ túc lẫn nhau. Trì danh sâu hay cạn cũng chính là nói quý vị niệm Phật có biết niệm hay không? Đúng là gặp duyên bất đồng. Vì sao? Nếu quý vị gặp được thiện tri thức chân chánh, dạy cho quý vị phương pháp chẳng giống nhau. Duyên trọng yếu nhất là thầy! Quý vị học với ai? Công phu tu hành của người đó như thế nào? Kế đó là đồng học. Đồng học cũng là duyên hết sức trọng yếu. Bạn đạo đồng tham khích lệ, thiết tha giùi mài lẫn nhau. Kế đến là hoàn cảnh học tập. Những điều đó đều là gặp duyên bất đồng.

      Trong hoàn cảnh thì đại hoàn cảnh là quả địa cầu chúng ta đang sống, hoàn cảnh kế đó là khu vực chúng ta đang sanh sống, hoàn cảnh nhỏ hơn nữa là đạo tràng. Thiện duyên giúp ích cho chúng ta tu học. Duyên bất thiện thường dẫn dụ, phát khởi những tập khí phiền não trong A Lại Da Thức của chúng ta, những duyên ấy là bất thiện! Thiện duyên là gì? Những gì có thể hóa giải phiền não tập khí, tăng trưởng đạo tâm, tăng trưởng Tín - Nguyện - Hạnh, đó là duyên thù thắng. Bởi vậy, hết thảy duyên đều thù thắng, hết thảy đều đạt được, đấy chẳng phải là chuyện dễ dàng! Chúng tôi thấy rất nhiều người lúc mới học rất giỏi, học chừng đâu mười mấy năm sau, thậm chí hai mươi năm sau, ba mươi năm sau, gặp phải chướng duyên, bèn buông bỏ, chẳng còn học pháp môn này nữa, xoay sang pháp môn khác. Những người như vậy rất nhiều, trong nước lẫn ngoài nước thấy rất nhiều, há chẳng phải là gặp duyên bất đồng ư?

      Hoàn cảnh căn bản nhất là sư thừa, anh không có sư thừa, hoặc chẳng gặp được thầy giỏi, chẳng có lòng tin đối với thầy, trí huệ chẳng khai, làm việc theo cảm tình, chẳng chống đỡ nổi dụ dẫn, mê hoặc, nhà Phật gọi những điều đó là “ma chướng”, anh gặp phải ma chướng. Nhìn từ nhân quả, chúng ta hiểu rõ ma chướng có nghĩa là trong đời đời kiếp kiếp quá khứ có lầm lỗi, toàn là mình chướng ngại người ta, đời này mình tu đạo, lại gặp phải người ta đến chướng ngại mình, oan oan  tương

báo mãi không xong!

      Vì vậy, thiện căn chân chánh dù là pháp thế gian hay xuất thế gian đều kiến lập trên cơ sở hiếu đạo. Thiện căn chân chánh là hiếu đạo. Việc này khó lắm! Một đời chúng tôi gặp rất nhiều chướng ngại, thử thách rất nhiều, bị đả kích rất nhiều, vẫn có tín tâm, vẫn có nguyện tâm, vẫn chẳng lui sụt, vẫn có thể tinh tấn nỗ lực, là do nguyên nhân nào? Do thực sự có chút cơ sở lúc nhỏ. Cơ sở ấy chẳng phải là khi học tiểu học, mà là khi học ở trường tư, lúc nào? Lúc sáu, bảy tuổi, được “bén rễ” trong khoảng thời gian đó, thầy dạy học trò hiếu thuận cha mẹ, cha mẹ dạy con cái tôn sư trọng đạo, có căn cơ từ đó. Nếu bây giờ tôi chẳng tôn kính thầy, chẳng xem trọng đạo nghiệp, tôi cảm thấy mình có lỗi với cha mẹ, chẳng dám! Đấy là như cổ nhân Trung Quốc thường nói: “Thiếu thành nhược thiên tánh, tập quán thành tự nhiên”(Lúc nhỏ tập thành bẩm tánh, theo thói quen trở thành tự nhiên): Giáo dục lúc nhỏ ảnh hưởng cả một đời! Một đời tôi có được một chút thành tựu đều là do lúc nhỏ, lúc đó học đâu chừng hai năm, còn sống ở quê nhà. Sau này học ở trường, sự giáo dục trong trường dạy những điều này rất ít!

      Bởi thế Ấn Quang đại sư nói rất hay: “Thành tựu dữ phủ, tại ư thành kính” (Có thành tựu hay không là do thành kính [hay không]). Chân thành, cung kính, “một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Nếu chẳng thành, chẳng kính, chẳng đáng bàn tới nữa! Nói cách khác, chẳng thành tựu gì! Bởi thế, chúng tôi có thể chịu đựng được đả kích, chịu đựng được thử thách; người khác tranh, chúng tôi nhường, người khác chửi chúng tôi, sỉ nhục chúng tôi, chúng tôi quyết chẳng đáp trả. Người khác đánh chúng tôi, chúng tôi nhất định không đánh trả. Kinh luận dạy chúng ta: “Chẳng những không có tâm oán hận mà còn phải có tâm cảm ơn”. Cảm cái ơn gì? Ơn tiêu nghiệp chướng. Họ hủy báng tôi, nhục mạ tôi, vì sao họ chẳng hủy báng người khác, chẳng nhục mạ người khác, chỉ tìm tôi? Nếu tôi có thần thông, tôi sẽ biết chuyện trong đời quá khứ, rất có thể trong quá khứ tôi đã đối xử với kẻ ấy như vậy, ngày nay họ đối với tôi như vậy là đền trả. Lần lượt đền trả, người hiểu biết cứ tiếp nhận sẽ hóa giải được. Đời sau, đời kế, gặp nhau nữa bèn thành bạn tốt, báo đền xong rồi!

      Chẳng nên tranh, chẳng nên có chút lòng oán hận. Có một chút tâm oán hận, oan kết ấy vĩnh viễn tồn tại, sẽ biến thành gì? Oan oan tương báo chẳng xong, vậy là không được rồi! Đời đời cả hai bên đều đau khổ, đó là sai lầm vô cùng. Người giác ngộ, người hiểu biết chẳng tạo chuyện tồi tệ ấy. Vì vậy, giữ gìn cõi lòng mình thanh tịnh, quyết định chẳng mê, quyết định chẳng loạn, quyết định chẳng điên đảo, vĩnh viễn trong tình trạng trong lặng, tỉnh thức, chúng ta chịu đựng quả báo. Chịu đựng quả báo, nghiệp chướng bèn tiêu! Nghiệp chướng tiêu rồi, phước huệ liền hiện tiền. Pháp thế gian hay xuất thế gian chẳng ra ngoài lệ đó. Bởi vậy, công phu trì danh sâu hay cạn vẫn cần phải có trí huệ, vẫn cần có thiện tri thức chỉ dạy. Trong đây, để có thể tránh được hết thảy chướng nạn thì điều trọng yếu nhất là phải nhờ vào trí huệ, phải nhờ vào công phu định lực, phải nhờ vào nhẫn nhục. Thực sự học theo người tu đạo thời cổ, làm một người có học vấn, vĩnh viễn tuân giữ “không tranh cùng người, không cầu nơi sự”.

      Vì thế, pháp sư Ấn Quang dạy con người hiện tại chúng ta: Nếu các đồng học chí đồng đạo hợp cùng tu một chỗ, số người chẳng được quá hai mươi người, đạo tràng theo quy mô nhỏ. Tại Trung Quốc, trước kia chúng tôi nói ở am tranh rất tốt. Cuộc sống rất đơn giản, ít người! Chẳng cần hóa duyên, chẳng phải lôi kéo tín đồ, chẳng cần phải làm pháp hội, không làm kinh sám Phật sự, Phật thất suốt năm, đả Phật thất theo cách thông thường[3], Phật thất suốt năm! Nỗ lực tu! Nếu thực sự có thể tu học theo đúng phương pháp ấy của Ấn Quang đại sư, tôi tin tưởng sâu xa rằng trong vòng từ ba năm đến năm năm, hai mươi người ấy thảy đều vãng sanh.

      Nếu quý vị nghe lời đó mà run sợ là không được rồi! Trong vòng từ ba năm đến năm năm phải chết ư? Thôi đi! Không tu nữa! Vậy là không có cách gì hết! Vì sao? Mục đích của quý vị chẳng phải là cầu vãng sanh ư? Thế giới Cực Lạc tốt như vậy, ở đây khổ nạn quá chừng, bên kia không có khổ nạn. Do đây biết rằng: Quý vị chỉ nói cái miệng là vãng sanh; chứ thật ra, tâm quý vị tham sống sợ chết, chẳng thể thành tựu nổi! Cụ Lý nói một vạn người tu, thực sự chỉ có hai ba người vãng sanh rất có lý! Hai ba người đó thực sự muốn đi, còn đại đa số miệng nói muốn vãng sanh, nhưng mong sống ở đây đến một trăm tuổi, hai trăm tuổi, họ không muốn đi, không còn cách nào nữa cả!

      Nói tóm lại, những chuyện như thế vẫn là gặp duyên bất đồng, chẳng gặp được thiện tri thức chân chánh, chẳng được nghe lời chỉ dạy chân chánh, tự mình vẫn mê chứ không giác, đối với duyên thế gian vẫn tham luyến rất sâu, nên công phu niệm Phật chẳng đắc lực! Bởi thế, người chân chánh tu hành trong hiện tại, chí đồng đạo hợp, đồng tham đạo hữu tìm được hai ba người, nói thật ra là rất khó! Tìm đâu được hai mươi người? Tìm không ra! Nói thật đó!

      Thích Ca Mâu Ni Phật đầu tiên độ năm vị tỳ-kheo tại vườn Lộc Dã, kể cả chính Ngài là sáu người. Sáu người đồng tâm đồng đức có thể lập giáo, chí đồng đạo hợp. Bởi thế, trong quá khứ tôi đã từng nói: Vào thập niên bảy mươi, pháp sư Tẩy Trần ở Hương Cảng đến Đài Loan tìm tôi, cùng tôi thảo luận cách nào hưng vượng Phật giáo. Tôi bảo pháp sư: “Muốn hưng vượng Phật giáo thì phải có người chân chánh phát tâm, chân tâm cầu đạo”. Tôi nói: Bao nhiêu người? Năm người là được rồi! Thích Ca Mâu Ni Phật năm người lập giáo. Nay có được năm người thì có thể hưng giáo; nhưng năm người ấy hành trì nhất định phải học theo Thích Ca Mâu Ni Phật, phải thực hành chế độ khất thực. Ngày nay ngủ dưới gốc cây, chúng ta chẳng cần phải cất đạo tràng nào; tôi nói năm người đó du hóa nhân gian. Lúc ấy tôi đề nghị: “Chúng ta ở trong một cái lều tranh nhỏ, mỗi một người sống một lều, năm người thôi!”

      Những cái lều hiện tại, quý vị thấy lều cắm trại của đồng tử quân (hướng đạo sinh hay thiếu sinh quân) hết sức gọn nhẹ, mỗi một cái lều (tôi đã hỏi rồi) dùng được ba năm. Năm người sống vây quanh dưới gốc cây, là một Tăng đoàn nhỏ. Ngày ăn một bữa, đi khất thực. Chúng tôi làm như vậy, nhất định có thể xin được một bát cơm. Mỗi ngày một bát cơm là được rồi, trở về năm người chúng ta cùng nghiên cứu kinh giáo, niệm Phật. Tăng đoàn như thế nhất định có thể hưng vượng Phật giáo. Lúc ấy, pháp sư rất có hứng thú, tôi nói: “Thầy về Hương Cảng trù bị. Lúc nào trù bị sẵn sàng, tìm được năm người, tôi nhất định đến tham gia”. Sư trở về bên đó, dần dần bặt tin tức, tìm đâu ra năm người chịu đựng khổ sở, thực sự có thể buông xuống được? Chẳng dễ đâu!

      Bởi thế, hiện thời chúng tôi có một đạo tràng nhỏ như thế này, đạo tràng nhỏ này cũng là gặp duyên bất đồng. Hàn Quán Trưởng sáng lập Hoa Tạng Đồ Thư Quán, bản thân tôi thì suốt đời chẳng có ý niệm tạo dựng đạo tràng. Hoa Tạng Đồ Thư Quán do bà ta lập, chúng xuất gia ở Đồ Thư Quán cũng do bà ta tuyển chọn. Thâu được nhiều vị xuất gia như thế xong, bà ta bèn tịch. Bà ta tịch rồi, tôi chẳng thể không coi sóc. Nếu tôi chẳng coi sóc là có lỗi với bà ta. Thành tựu của tôi chính là thành tựu của bà ta, tôi thất bại chính là bà ta thất bại; mọi người đều hiểu như vậy. Bà ta hộ trì tôi suốt ba mươi năm, tôi mới có thành tựu như ngày nay, mở được một chút trí huệ, có nhận biết đôi chút đối với Phật pháp. Chúng tôi cảm cái ơn của bà ta, nay ở đây kiến lập được đạo tràng thế này, đạo tràng được lập to lớn như thế này cũng là quá vượt phận; nhưng so với đạo tràng của bà ta, đạo tràng chúng tôi vẫn là đạo tràng nhỏ. Bởi thế, hết thảy kiến thiết làm đến đây là thôi, chúng tôi hạ quyết tâm nghiên cứu kinh, niệm Phật!

      Kinh Vô Lượng Thọ và Di Đà Yếu Giải là nguyên tắc chỉ đạo trọng yếu nhất của chúng ta. Vì thế, hai câu tiếp đó: “Tín nguyện vi tiền đạo, trì danh vi chánh tu” (Tín nguyện để dẫn đường, trì danh là phương cách tu hành chánh yếu). Chánh tu không phải là giảng kinh, chánh tu là niệm Phật. Giảng kinh giúp cho chúng ta tin sâu, nguyện thiết, khiến cho chúng ta có nhận thức chánh xác đối với y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới, cũng như y báo và chánh báo của thế giới Sa Bà chúng ta đang sống và mười pháp giới khắp hư không pháp giới. Tuyển chọn ổn thỏa nhất là tuyển chọn Tây Phương Tịnh Độ. Nếu quý vị chẳng thể nhận biết, trong tâm có nghi hoặc: Còn có pháp môn nào tốt hơn pháp môn này, còn có thế giới nào lý tưởng hơn thế giới Cực Lạc, tâm sẽ chẳng thể buông xuống được! Quý vị phải hiểu rõ, phải minh bạch, chết sạch tấm lòng mong ngóng, khiêm hư sát đất tu hành pháp môn này.

      Tiếp đó là: “Trì danh thời, tâm như Phật, nguyện như Phật, giải như Phật, tắc nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật” (Lúc trì danh, tâm như Phật, nguyện như Phật, giải như Phật, hành như Phật, thì một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật). Đó gọi là Niệm Phật, đó gọi là Trì Danh. Trì Danh tuyệt đối chẳng phải là “miệng có, tâm không”. Tâm quý vị có phải là tâm Phật hay chăng? Phật có tâm gì? Mười năm trước, chúng tôi đã nêu rõ: “Chân thành tâm, thanh tịnh tâm, bình đẳng tâm, chánh giác tâm, từ bi tâm”. Chúng ta có những tâm ấy hay không? Những tâm ấy là tâm Phật. Tuy những thứ đó là tâm Phật, nhưng tâm A Di Đà Phật còn thù thắng hơn nữa. Thù thắng ở chỗ nào? Thù thắng ở nơi bốn mươi tám nguyện. Bốn mươi tám nguyện tổng kết: Niệm niệm vì cứu độ hết thảy chúng sanh. Cứu độ bằng cách nào? Niệm niệm giúp cho hết thảy chúng sanh cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đấy là tâm A Di Đà Phật.

      “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” là tâm của hết thảy chư Phật, chúng ta có hay không? Nếu chẳng có cái tâm ấy, niệm Phật chẳng tương ứng! Bởi thế, quý vị công phu chẳng đắc lực, suốt ngày vẫn suy nghĩ bậy bạ, tâm chẳng thanh tịnh, ngu si, chẳng có trí huệ, tự tư, tự lợi, chẳng từ bi, cái ải đầu tiên không vượt qua được. Niệm Phật như thế chỉ là một loại thiện căn, chẳng thể dễ dàng vãng sanh trong một đời. Bởi vậy, đầu tiên là “tâm phải như Phật”. Nay đã hết giờ rồi, buổi học hôm nay giảng đến đây thôi!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa