Chư vị đồng học!
Xin xem tiếp đoạn lớn thứ hai của kinh A Di Đà trong Hệ Niệm Pháp Sự, tức phần Chánh Tông. Đoạn lớn này là một bộ phận trọng yếu nhất của kinh A Di Đà; được chia thành ba đoạn vừa (trung đoạn):
1) Đoạn thứ nhất là “quảng trần bỉ độ y chánh diệu quả dĩ khải tín” (trình bày rộng rãi về diệu quả y báo và chánh báo của cõi kia để khơi gợi lòng tin).
2) Đoạn thứ hai là “đặc khuyến chúng sanh ưng cầu vãng sanh dĩ phát nguyện” (đặc biệt khuyên chúng sanh nên phát nguyện cầu vãng sanh).
3) Đoạn thứ ba là “chánh thị hành giả chấp trì danh hiệu dĩ lập hạnh” (dạy hành giả chấp trì danh hiệu để lập hạnh).
Phần Chánh Tông cũng là ba đoạn tương ứng với Tín, Nguyện, Hạnh. Cả ba đoạn này đều khá dài; nay chúng ta học tập một đoạn.
6.3.1. Rộng bày diệu quả y báo, chánh báo để khởi tín
Xin hãy xem kinh văn từ:
Xá Lợi Phất! Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc?”
舍利弗。彼土何故名為極樂。
(Xá Lợi Phất! Cõi ấy vì sao có tên là Cực Lạc?)
Đấy là đoạn bắt đầu cho đến:
Chư Bồ Tát chúng diệc phục như thị. Xá Lợi Phất! Bỉ Phật quốc
độ, thành tựu như thị công đức trang nghiêm.
諸菩薩眾亦復如是。舍利弗。彼佛國土。成就如是功德莊嚴。
(Các vị Bồ Tát cũng giống như vậy. Này Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật ấy thành tựu công đức trang nghiêm như thế đó).
Chúng ta lại phải chia [đoạn lớn này] thành những tiểu đoạn để nghiên cứu, học tập.
6.3.1.1. Minh định tông chỉ: Tín nguyện trì danh
Tiểu đoạn thứ nhất là “Tín nguyện trì danh, nhất kinh yếu chỉ, tín nguyện vi Huệ hạnh, trì danh vi Phước hạnh” (Tín nguyện trì danh là tông chỉ trọng yếu của kinh, tín nguyện là hạnh thuộc về Huệ, trì danh là hạnh thuộc về Phước). Học tập kinh này, trước hết phải nhận biết chính xác mới hòng nhận thức chính xác, hiểu rõ ràng. Ở phần trên, tôi đã báo cáo cùng quý vị sự thù thắng của bản kinh này, mười phương chư Phật cùng tán thán! “Tuyệt đối viên dung, siêu tình ly kiến, chẳng thể nghĩ bàn”. Tông chỉ trọng yếu của bản kinh này là giềng mối để ta học tập, trong nhà Phật nói: Cương lãnh tu hành, tổng nguyên tắc tu hành chính là “tín nguyện trì danh” hay Tín - Nguyện - Hạnh. Tín - Nguyện là Huệ, tức là thiện căn như đã nói ở phần trên. Trì Danh là phước! Người chịu niệm Phật là có phước. Không thể niệm Phật là vì sao? Vì bạc phước! Đúng là có không ít người, dạy họ niệm một câu Phật hiệu sáu chữ “Nam-mô A Di Đà Phật”, thậm chí đơn giản hơn một chút là bốn chữ A Di Đà Phật, họ cũng chẳng thể niệm được.
Nếu chẳng nghiên cứu, thảo luận kinh điển thì chúng tôi chẳng nói; nhưng nếu nghiên cứu, thảo luận kinh điển, tự bản thân chúng ta phải hiểu rõ, phải biết rõ tướng trạng ấy là tướng trạng bạc phước; ta thường nói là “không có phước báo”. Trong mười hai thời, chấp trì danh hiệu; đó là phước báo thù thắng khôn sánh, phước báo hiếm có trong thế gian. Chúng ta thấy có rất nhiều người nghèo khổ, suốt ngày miệng chẳng lìa A Di Đà Phật, tay chẳng lìa xâu chuỗi, một ngày niệm mười vạn tiếng. Niệm rất siêng năng, nhanh lẹ! Tôi nghe nói trước khi vãng sanh độ hai, ba tháng, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ mỗi ngày niệm Phật mười sáu vạn câu. Ngài là một vị Kim Cang Thượng Sư bên Mật Tông, lúc lâm chung nhất tâm niệm Phật, nêu khuôn phép, làm gương cho chúng ta, chúng ta phải biết như thế. Đấy là Ngài đại từ đại bi thị hiện.
Các vị hãy chú tâm suy nghĩ, có phước báo thế gian, xuất thế gian nào lớn bằng phước báo niệm Phật hay chăng? Quý vị tìm không ra. Ai là người có phước báo? Nếu chú tâm quan sát, đó là người “tay chẳng lìa xâu chuỗi, miệng chẳng lìa Phật hiệu”. Người như vậy phước báo lớn nhất. Vì sao biết? Người ấy trong một đời này sẽ sanh về thế giới Cực Lạc làm Phật, ai sánh bằng người ấy được? Đừng nói là trong nhân gian không ai sánh bằng, Đại Phạm Thiên Vương, Ma Hê Thủ La Thiên Vương trên trời cũng không có cách gì sánh bằng được! Đại Phạm Thiên Vương, Ma Hê Thủ La Thiên Vương còn là phàm phu trong sáu đường, chưa ra khỏi lục đạo, chẳng niệm Phật! Người ấy chịu niệm Phật, vãng sanh ngay trong một đời này; thực sự hiểu rõ, thực sự minh bạch, thực sự giác ngộ, quyết định tu tập pháp này. Trong thế gian này, dù có cho họ vinh hoa, cho họ hưởng thụ thế nào, người ấy đều chẳng thích thú. Hứng thú, chí hướng của người ấy là sống qua ngày tháng, thật thà niệm Phật! Đấy phải là người chân chánh giác ngộ, triệt để giác ngộ thì mới có thể làm được như vậy!
Thế gian đã loạn quá, cụ Lý Bỉnh Nam nói rất hay: “Dù Phật, Bồ Tát, thần tiên đến cũng cứu không được!” Dù chúng ta có tâm đại từ bi, nói trắng ra là tâm có thừa nhưng sức chẳng đủ, trong tình huống ấy, chúng ta phải làm như thế nào? Dốc lòng trì danh niệm Phật, quyết định vãng sanh bất thoái thành Phật! Bởi thế, trong thế gian này thọ mạng dài - ngắn không cần đếm xỉa tới, hết thảy đều tùy duyên. Buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, tự độ, độ người. Chính mình đã thành tựu, người khác trông thấy, học tập theo, mình bèn hóa độ người khác. Nay đối với pháp môn này, chúng ta có tín nguyện kiên định như thế; há chẳng phải là từ xưa đến nay có rất nhiều người niệm Phật thành tựu, nêu gương cho ta thấy, đó gọi là “chứng truyền”; [tức là] họ chứng minh, chứng minh sự việc này là thật, chẳng giả. Chúng ta thấy rõ ràng, nghe minh bạch, mới bèn kiên định tín nguyện, mới buông xuống vạn duyên, chuyên tu, chuyên hoằng. Chuyên tu và chuyên hoằng chỉ là một việc, chẳng phải hai; chuyên tu là chuyên hoằng, chuyên hoằng chính là chuyên tu. Phải nhớ kỹ, phải hiểu rõ cương lãnh này. Tiếp theo đây, tôi trích lục mấy câu hết sức trọng yếu, đều là những câu trích từ sách Yếu Giải.
“Đắc sanh dữ phủ, toàn do tín nguyện chi hữu vô. Phẩm vị cao hạ, toàn do trì danh chi thâm thiển” (Được vãng sanh hay không, hoàn toàn là do tín nguyện có hay không? Phẩm vị cao hay thấp, hoàn toàn là do trì danh sâu hay cạn). Có được vãng sanh hay không do tín nguyện quyết định, tín nguyện có nghĩa rất sâu. Quý vị thực sự tin tưởng, thực sự phát nguyện, tự nhiên quý vị rất lãnh đạm đối với thế gian này. Thấy thế gian này như thế nào? Coi như một cuộc lữ du, nơi này như lữ điếm (quán trọ), như lữ quán. Tốt cũng được, không tốt cũng xong, ở đôi ba ngày rồi đi. Chỗ này chẳng mảy may liên quan gì đến ta, nó có chủ nhân, ta là khách đi đến. Tự nhiên quý vị có ý tưởng ấy; bởi thế, đối với hết thảy mọi sự trong thế gian này, quý vị tuyệt đối chẳng để tâm.
Có rất nhiều người trong cõi đời niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, suốt đời niệm Phật rốt cuộc chẳng thể vãng sanh, là vì nguyên nhân nào? Quý vị nói họ chẳng tin ư? Họ rất tin tưởng, tin rất kiền thành. Quý vị nói họ chẳng có nguyện ư? Suốt ngày miệng cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới; vì sao chẳng đến được? Vì xen tạp! Xen tạp duyên cõi đời, chẳng buông xuống được! Trong tâm kẻ ấy vướng mắc, đến lúc lâm chung vướng mắc chẳng dứt, bị chúng lôi lại! Duyên do là như vậy. Khi xưa, thầy Lý rất cảm khái nói: “Một vạn người niệm Phật, thực sự được vãng sanh chỉ có hai, ba người mà thôi!” Trong một vạn người mà chỉ có hai, ba người, chín ngàn chín trăm chín mươi bảy người kia chẳng được vãng sanh.
Chúng ta phải hiểu nguyên nhân vì sao chẳng được vãng sanh, đó là vì tâm có vướng mắc. Vì sao tâm họ có vướng mắc? Chẳng thực sự tin, nguyện chẳng chân, hành chẳng hết sức, luống uổng một đời, chỉ tăng cường được chủng tử tịnh nghiệp trong A Lại Da Thức, đến khi nào lại gặp được duyên phận để tiếp nhận tu tập thật rất khó nói! Chắc chắn là có lần sau, nhưng thời gian lần sau ấy dài hay ngắn, khó nói lắm. Có kẻ lui sụt, bèn lui sụt mấy đời, thậm chí có kẻ lui sụt bèn lui sụt cả mấy kiếp, đáng sợ lắm! Nếu quý vị hỏi là do nguyên nhân gì ư? Thiện Đạo đại sư nói rất rõ: “Gặp duyên bất đồng”. Phải biết: Được làm thân người, nghe Phật pháp, gặp được pháp môn Tịnh Độ, đúng là trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ, là một ngày khó gặp gỡ từ vô lượng kiếp đến nay.
Mọi người chúng ta cũng là đối với một ngày khó gặp trong vô lượng kiếp mà ngày hôm nay chúng ta được gặp. Gặp được mà chẳng biết quý tiếc, chẳng biết sốt sắng nỗ lực tu tập, đáng tiếc lắm! Đối với cơ hội, người thế gian thường nói là “hễ bỏ lỡ là xong luôn”, chẳng biết năm nào, tháng nào, ngày nào mới gặp lại. Phàm những người có thành tựu xuất thế gian hay thành công trong thế gian, chẳng có bí quyết mầu nhiệm chi khác, chỉ là nhận biết cơ hội, chụp lấy cơ hội bèn thành tựu. Người chẳng nhận biết cơ hội, hoặc nhận biết cơ hội nhưng không chịu chụp lấy, đều thất bại! Chẳng thể buông duyên trong cõi đời (thế duyên) xuống được! “Buông xuống” không có nghĩa là mặc kệ, chẳng quan tâm tới. Quý vị thấy điều gì phải quan tâm cứ quan tâm, nhưng đồng thời lại buông xuống, tuyệt diệu như thế đó! Đấy là gì? Là trí huệ. Người thế gian nếu đã quan tâm bèn bận lòng, chẳng buông xuống được. Vì nguyên nhân nào? Vì tình chấp, do họ có tình chấp.
Sao Phật, Bồ Tát vừa quan tâm, vừa chiếu cố, lại buông xuống được? Các Ngài có trí huệ, trí huệ chân thật, hoàn toàn chuyển tình chấp thành trí huệ, ta thường nói là “trí huệ viên mãn rốt ráo”. Phương tiện thiện xảo thù thắng diệu tuyệt, nói theo kiểu bây giờ là “thủ đoạn khéo léo cao độ”. Trong nhà Phật gọi thủ đoạn khéo léo cao độ là “phương tiện thiện xảo”. Trong tâm chẳng vướng mắc mảy may dấu vết nào thì gọi là “buông xuống”. Lại đại từ đại bi phổ độ chúng sanh, dù phổ độ chúng sanh nhưng tâm chẳng có mảy may nhiễm trước, đấy là diệu dụng của tánh đức.
Đức Phật thường dạy chúng ta: Loại diệu dụng trí huệ ấy chẳng phải chỉ riêng một cá nhân nào có, mà hết thảy chúng sanh ai nấy đều sẵn có. Trọn chẳng phải chỉ mình Phật, Bồ Tát mới có, không phải vậy! Vì sao nay các Ngài có, chúng ta không có? Các Ngài giác, chúng ta còn mê. Giác chẳng có chướng ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Mê thì nơi nào cũng thành chướng, chốn chốn đều là chướng ngại. Chúng ta cam bề chịu mê, mê mất tự tánh. Chân tướng sự thật ấy chúng ta chẳng thể không biết. Nay Phật, Bồ Tát giúp chúng ta, giúp điều gì? Phá mê khai ngộ! Chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ Tát đều coi giúp hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ là công đức bậc nhất, không gì có thể thù thắng hơn được, không gì tốt hơn được nữa. Đó là lợi ích chân thật rốt ráo viên mãn, là sư đạo (đạo làm thầy).
Trong kinh Phật dạy “sư ân siêu quá phụ mẫu” (ơn thầy vượt trỗi ơn cha mẹ), vị thầy vừa nói đó chẳng phải là những thầy giáo thông thường trong thế gian. Trong tâm mục của người Trung Quốc, thường xem những vị thầy trong thế gian như cha mẹ. Ân đức của thầy lớn như ân đức của cha mẹ, tương đương, bằng với ân cha mẹ; nhưng trong Phật pháp, những vị thầy vừa nói trên đây chính là chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ Tát, ân đức các Ngài vượt trỗi ân đức cha mẹ; vì sao? Ân đức cha mẹ đối với chúng ta là ân đức một đời; nhưng chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ Tát có ân đức vĩnh hằng đối với chúng ta, đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn chiếu cố, vĩnh viễn quan tâm. Chỉ cần ta có một chút giác ngộ, các Ngài chẳng lìa bỏ, liền nhanh chóng đến giúp đỡ, mong mỏi một điểm giác ngộ ấy được khuếch đại, trở thành sâu đậm hơn. Ân đức
ấy cả thế gian lẫn xuất thế gian không có gì sánh bằng được!
Do đây biết rằng: Nói trên mặt hiện thực, công đức lợi ích thù thắng bậc nhất là gì? Là giúp cho chúng ta TIN pháp môn này, nguyện sanh Tịnh Độ. Đấy là đức bậc nhất, là đại sự bậc nhất của hết thảy Như Lai độ chúng sanh. Chúng sanh căn tánh chưa chín muồi thì không có cách nào hết. Chưa chín muồi thì Phật, Bồ Tát giới thiệu các pháp môn khác. Quý vị phải biết: Giới thiệu các pháp môn khác cho quý vị là chuyện bất đắc dĩ! Bởi vậy, Thiện Đạo đại sư nói một câu mà chúng tôi cho khắc thành ấn chương. Ngài nói: “Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải” (Sở dĩ Như Lai xuất hiện trong thế gian chỉ nhằm để nói biển bổn nguyện Di Đà). Câu nói này thật hay. Hết thảy chư Phật Như Lai, hết thảy Pháp Thân Bồ Tát thị hiện trong chín pháp giới của hết thảy cõi nước trọn khắp pháp giới hư không là vì lẽ nào? Vì thành thực nói cùng quý vị, vì giúp cho quý vị tin có Tây Phương Cực Lạc thế giới, tin có A Di Đà Phật tiếp dẫn chúng sanh, tin chính mình có duyên vãng sanh cõi Phật. Giúp cho quý vị tin tưởng sự việc ấy, giúp cho quý vị phát nguyện, giúp cho quý vị niệm Phật!
Do đây biết rằng: Chư Phật Như Lai hóa độ chúng sanh chỉ có một môn là pháp môn Tịnh Độ, một môn như vậy. Nếu đối với một môn này, quý vị có chướng ngại, chẳng thể tiếp nhận, có nghi hoặc, có hứng thú khác thì Phật luôn hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, đức Phật tuyệt đối chẳng miễn cưỡng. Thiện căn, phước đức, nhân duyên của quý vị chưa chín muồi, miễn cưỡng cũng vô ích! Chẳng những miễn cưỡng vô tác dụng, mà phải nói thật là: Miễn cưỡng còn tạo thành chướng ngại bất lợi. Chẳng miễn cưỡng, quý vị thích học điều gì, bèn dạy quý vị học điều đó. Thích Thiền dạy Thiền, thích Mật dạy Mật, thích Giáo dạy Giáo, thích Giới Luật bèn dạy Giới Luật, thích môn gì, dạy môn đó. Do đây biết rằng: Tất cả hết thảy pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn là phụ; pháp môn cốt lõi, pháp môn chủ chốt của hết thảy pháp môn là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.
Bởi thế, quý vị thấy trong kinh Vô Lượng Thọ, Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán A Di Đà Phật. Thích Ca Mâu Ni tán thán là thay mặt cho mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai tán thán A Di Đà Phật “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (tôn quý nhất trong các quang minh, là vua của các Phật), tán thán đến cùng cực. Chúng ta nghe hết thảy chư Phật tán thán A Di Đà Phật như thế mà vẫn còn nghi hoặc, chẳng thể hạ quyết tâm, vẫn chẳng thể buông xuống muôn duyên, đấy chẳng phải là nghiệp chướng sâu nặng thì là gì vậy? Nghiệp chướng sâu
nặng đấy!
Kinh Bát Nhã giảng thế gian rất rõ ràng: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (phàm tất cả hình tướng đều là hư vọng), “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh” (hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng). Người thông minh, người có trí huệ phải lắng tịnh, phải chú tâm quán sát, nhìn thấu suốt thế giới. Vì sao nói là hư vọng, là mộng, huyễn, bọt, bóng? Lời Phật nói là chân thật, Phật giảng cho chúng ta biết chân tướng của vũ trụ. Từ kinh điển Đại Thừa, chúng ta thường đọc thấy cảnh giới của Như Lai, của Pháp Thân Bồ Tát, các Ngài thấy mười phương các cõi Phật như ở ngay trước mắt. Mười phương các cõi Phật ở tại đâu? Ở ngay trước mắt, chẳng xa cách gì!
Chẳng phải giống như chúng ta hiện nay đối trước màn ảnh máy truyền hình, chúng ta có thể nghe họ nói, nhưng họ chẳng nghe thấy chúng ta nói, chúng ta có câu hỏi gì cũng không hỏi họ được. Trong cảnh giới của các Ngài, quý vị thấy mười phương chư Phật. Mười phương chư Phật không đến đây, quý vị cũng không đi qua đó, nhưng ở ngay trước mặt, có thể nắm tay, có thể trò chuyện! Điều đó nói lên điều gì? Cho thấy trong Nhất Chân pháp giới không có không gian, ta muốn thấy Phật quá khứ, chư Phật cũng như đang ở ngay trước mặt; chúng ta muốn thấy Phật vị lai, vẫn là như ở ngay trước mặt. Trong cảnh giới ấy, chẳng có không gian, chẳng có thời gian, nên gọi là Nhất Chân. Nếu có quá khứ, hiện tại, vị lai thì là ba chẳng phải một; có xa - gần thì là hai, cũng chẳng phải một. Chẳng có hai, ba, nên gọi là Nhất Chân Pháp Giới.
Hiện tại, các nhà khoa học dùng Toán Học suy tính bèn nhận thấy “chẳng có thời gian, chẳng có không gian” là điều hoàn toàn có khả năng. Trong một điều kiện nào đó, thời gian và không gian hoàn toàn tiêu mất, đấy chính là điều kinh Phật thường nói, thường gọi là “chân tướng sự thật”. Ngoài ra, họ còn phát hiện Hữu từ Vô biến hiện ra, trong Vô sanh Hữu. Thật ra, kinh Bát Nhã đã giảng đạo lý này quá nhiều lần rồi: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”. Sắc là Hữu, Không là Vô, Hữu do đâu mà có? Từ Vô sanh Hữu. Bởi thế, cái Vô ấy chẳng thể nói là cái gì cũng đều không có! Cái gì nó cũng có, lại còn hết sức viên mãn. Đó là gì vậy? Là tự tánh! Kinh Phật gọi là “pháp nhĩ như thị” (pháp vốn là như vậy), đó là đức năng của tự tánh, chúng ta thường nói “tự tánh vạn đức vạn năng”.
Thật ra, ai cũng biết nói “vạn đức, vạn năng”, nhưng không ai thực sự hiểu được ý nghĩa. Thế nào là vạn đức, vạn năng? Vốn chẳng có, cái gì cũng không có, lại có thể biến hiện hư không, biến hiện thế giới, biến hiện vạn vật, đó là vạn đức vạn năng. Kinh Hoa Nghiêm gọi cái có khả năng, có khả năng hiện ấy là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Thức vẫn là tự tánh. Do vậy, Chân Như bổn tánh là vạn đức vạn năng, có khả năng hiện, có khả năng biến. Chân Như bổn tánh cái gì cũng không có, nhưng có thể hiện ra vạn pháp, biến hiện toàn thể vũ trụ.
Hiện thời, các nhà khoa học cũng khẳng định, họ nói toàn thể vũ trụ lúc chưa biến hiện thì giống như thế nào? Toàn thể vũ trụ co rút, đậm đặc, cô đặc lại thành một lạp tử rất bé. Bé đến mức độ nào? Các nhà khoa học nói bé đến mức nhổ một sợi tóc, đem sợi tóc đó cắt ngang; nơi mặt cắt ngang đó, ta có thể xếp khít những lạp tử bé tí. Mỗi lạp tử bé tí ấy là vũ trụ co rút lại. Nơi mặt cắt ngang của một sợi tóc ấy, có thể xếp được bao nhiêu hạt nhỏ ấy? Họ nói sau con số một trăm vạn, phải thêm ba chữ Ức, tức là một trăm vạn ức ức ức; hết sức nhỏ bé! Mỗi một lạp tử bé tí ấy có thể biến thành đại thế giới. Phương pháp tính toán của họ là dùng số thập phân. Sau dấu phẩy có ba mươi ba con số zéro, lạp tử nhỏ bé như vậy đó lại biến hiện thành thế giới lớn như thế đó.
Trong kinh đức Phật dạy tự tánh không lớn hay nhỏ; phát hiện khoa học nói trên đã chứng minh kinh Hoa Nghiêm. Ở phần trên tôi đã nói qua, trong vi trần có thế giới, Phổ Hiền Bồ Tát có thể vào được. Vi trần ấy nhỏ đến đâu chúng ta chẳng có cách gì tưởng tượng được, kính hiển vi hiện thời chưa thấy được. Mặt cắt ngang của sợi tóc chứa được một trăm vạn ức ức ức lạp tử bé xíu như thế, xếp theo hàng ngang, xếp kín mặt cắt ngang của một sợi tóc. Các nhà khoa học nói những thứ ấy sau một cơn bùng nổ lớn (Big Bang) sẽ biến thành thế giới.
Thế giới này, tức thế giới chúng ta đang cảm nhận đây, biến hiện ra như thế nào? Hiện thời, các nhà khoa học cũng phát hiện thế giới này chẳng phải là tiến hóa (phát triển từ từ), họ gọi là “nhất thời đốn hiện”, [tức là] đột nhiên hiện ra. Cách giải thích ấy rất gần gũi kinh Hoa Nghiêm. Rất giống! Hãy nhớ những gì đức Phật thường dạy chúng ta, bốn câu kệ trong kinh Kim Cang là:
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ, diệc như điển,
Ưng tác như thị quán.
(Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, cũng như chớp,
Phải thường quán như vậy!)
Chúng ta thấy những điều các nhà khoa học nói giống như kinh Hoa Nghiêm đã nói, đúng là nhất thời đốn hiện! Cái “nhất thời” ấy là lúc nào? Nhất thời đó là “đương hạ” (ngay trong lúc ấy). Chẳng phải là quá khứ. Không có quá khứ mà cũng không có vị lai; ấy chính là “đương hạ”. Việc này rất khó hiểu. Trước hết, chúng tôi dùng huyễn đăng phiến[1] [để tỷ dụ]. Trong quá khứ, ở Hoa Tạng Đồ Thư Quán hình như có ba cái máy chiếu huyễn đăng phiến (slide projector). Lúc ấy, chúng tôi có khoảng chừng sáu, bảy ngàn tờ, rất có thể có đến cả vạn tờ huyễn đăng phiến; rất nhiều lúc chúng tôi dùng chúng trong giảng dạy.
Huyễn đăng phiến là một tấm phim trong suốt, chúng tôi bỏ vào máy, liền thấy hiện hình toàn bộ trên màn chiếu, nhất thời đốn hiện! Chẳng có trước - sau, chẳng có xa - gần, thời gian, không gian đều chẳng có, nhất thời đốn hiện một trang. Trang thứ hai đặt lên rồi, trang đầu tiên biến mất ngay, trang thứ hai lại nhất thời đốn hiện! Quý vị hãy nghĩ kỹ lời tôi vừa nói đó, hãy nghĩ đến cảnh giới ấy. Máy chiếu huyễn đăng phiến chạy bằng điện, quý vị ấn nút một cái bèn đổi được một trang, trang thứ ba đưa lên thì trang thứ hai bèn mất, trang thứ ba nhất thời đốn hiện. Mỗi trang đều nhất thời đốn hiện. Hiện tượng ấy, chúng ta nghĩ kỹ xem, có phải là như đức Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Ngay nơi đây sanh ra, cũng từ nơi đây diệt mất) chăng? Huyễn đăng phiến chiếu nhanh chậm tùy ý chúng ta. Nếu ta thấy ảnh đó nhìn rất đẹp, xem hai ba phút mới đổi qua trang khác; ảnh không đẹp thì chừng mấy giây liền đổi qua trang khác, đều là nhất thời đốn hiện.
Sau đó, chúng ta lại tăng tốc độ nhanh hơn, khi tăng tốc, quý vị sẽ thấy những tấm phim trở thành điện ảnh. Trong quá khứ ở Hoa Tạng, chúng tôi có một cái máy chiếu phim tám ly (8mm); hình như có một máy chiếu phim, hai máy quay phim, ra bên ngoài quay phim rồi đem về chiếu lại. Toàn bộ thiết bị chúng tôi đều có. Lúc đó, chúng tôi tự chiếu, tự mình cắt ghép phim rồi chiếu cho mọi người xem. Máy chiếu phim tám ly có hai tốc độ: Tốc độ chậm thì một giây chiếu được mười tám tấm ảnh; tốc độ nhanh một giây chiếu được hai mươi bốn tấm. Quý vị tưởng tượng xem: Những hình ảnh hiện trên màn bạc, mỗi một tấm (vì tốc độ chiếu nhanh) lọt vào ống kính lúc nó mở ra, bèn nhất thời đốn hiện, lập tức hiện hình, rồi ống kính đóng lại, biến mất. Chiếu qua tấm thứ hai có phải là tấm thứ nhất “tùy xứ diệt tận” hay không? Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận, chẳng phải là hiện tượng đó hay sao? Đấy là chân tướng vũ trụ. Bởi thế, nhất thời đốn hiện là hiện tiền, chẳng phải là quá khứ, cũng chẳng phải là vị lai.
Thế giới được cảm nhận bởi sáu căn của chúng ta trong hiện tại cũng giống như các nhà khoa học nói, nhưng dùng phim gì? Tấm phim rất nhỏ, trong mặt cắt ngang của một sợi tóc có thể xếp kín một trăm vạn ức ức ức, tốc độ chiếu rất nhanh, đại khái là một ức vạn phần của một giây, chẳng phải là một phần hai mươi bốn giây, mà là một phần vạn ức giây, thế giới hiện tiền của chúng ta là như vậy đó! Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận! Bởi thế, kinh Kim Cang nói: “Như lộ diệc như điển” (như sương cũng như chớp), “điển” (電) là “thiểm điển” (閃電: ánh chớp), ví cho cái gì rất nhanh (thật ra, tốc độ của tia chớp còn chậm rất nhiều). Rất nhanh! Làm sao phàm phu chúng ta biết được? Đức Phật nói: Phải là Bát Địa Bồ Tát mới thấy được chân tướng của những hiện tượng ấy !
Các nhà khoa học hiện thời chẳng thể thấy được, chỉ từ Toán Học mà tính toán ra, chứ không thấy. Nếu thấy được, phải là Bát Địa Bồ Tát. Cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, nếu quý vị thực sự thấu hiểu chân tướng của sự thật, há còn tham luyến thế giới này chăng? Há còn khởi tâm động niệm nơi thế giới này chăng? Thật đấy! Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều đoạn hết. Vì sao thế giới này biến hóa nhiều như thế? Những biến hóa ấy đều do năng lượng của vọng tưởng, chấp trước, phân biệt; những thứ đó khiến cho tất cả hết thảy hiện tượng phát sanh phản ứng. Biến hóa là do đạo lý như vậy. Trong Nhất Chân pháp giới vì sao chẳng có những phản ứng đó? Trong Nhất Chân Pháp Giới, chư Phật, Bồ Tát đều đã giác ngộ, thảy đều không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vì thế, cảnh giới của họ vĩnh hằng bất biến, chân thật viên mãn, chẳng có một chút khuyết hãm nào; đạo lý là đây!
Chúng ta hy vọng khoa học không ngừng phát triển, sẽ chứng thực hết thảy mọi điều kinh Phật đã nói. Họ chứng thực được, nhưng họ chẳng nhập cảnh giới. Vì sao chẳng nhập cảnh giới? Do chẳng đoạn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Đoạn được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước rồi, quý vị liền khế nhập cảnh giới, mới thấy được chân tướng sự thật. Bởi vậy, kiến lập tín tâm không dễ! Tín tâm kiến lập, nguyện tâm kiến lập, hành tâm kiến lập, triệt để liễu giải chân tướng sự thật, sẽ giải quyết được vấn đề. Nếu quý vị chẳng triệt để liễu giải chân tướng sự thật ấy, chẳng đoạn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước được, sẽ có chướng ngại. A! Nay đã đến giờ rồi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa