Pháp sư

[TẬP 16]: Phật Chẳng Độ Kẻ Vô Duyên.


Chư vị đồng học!

      Xin hãy xem đoạn thứ ba của phần Thông Tự.

 

      Cập Thích Đề Hoàn Nhân đẳng, vô lượng chư thiên đại chúng câu.

      及釋提桓因等。無量諸天大眾俱。

      (Và Thích Đề Hoàn Nhân v.v… Vô lượng chư thiên đại chúng cùng nhóm họp).

 

      “Thích Đề Hoàn Nhân” (Śakro Devānām Indrah) là tiếng Phạn, có nghĩa là Năng Vi Chủ. Trí huệ, đức hạnh của ông ta đều trọn đủ để lãnh đạo chúng sanh, tên ông ta có nghĩa như vậy. Ông ta là chúa trời Đao Lợi (Trayastrimśa), ta gọi là Đao Lợi thiên vương. Vị được dân gian Trung Quốc gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế chính là ông ta.

       “Đẳng, vô lượng chư thiên đại chúng câu”: “Đẳng” (等) là vân vân, phía dưới ông ta có Tứ Vương Thiên (Cātummahārājika), phía trên là các trời Dạ Ma (Yāma), Đâu Suất (Tushita), Hóa Lạc (Nirmānarati), Tha Hóa Tự Tại (Parinirmita-vaśavartin), lên trên nữa lại có Sắc Giới (Rūpadhātu), Vô Sắc Giới (Ārūpyadhātu) “vô lượng chư thiên”, lấy ông ta làm đại diện. Chư thiên nhiều như thế, vì sao lại chỉ lấy ông ta làm đại biểu. Điều này cũng có đạo lý. Thứ nhất là ông ta cách loài người chúng ta không xa lắm. Nếu nói những tầng trời cao hơn, như Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, trong thế gian này rất nhiều người không biết, họ cách xa chúng ta quá, chẳng hiểu được! Mọi người đều biết Đao Lợi thiên chúa, đều rất ngưỡng mộ Đao Lợi thiên chúa. Mức độ nổi danh của Đao Lợi thiên chúa rất cao, duyên rất thù thắng. Bởi thế, lấy ông ta làm đại biểu, đó là một ý nghĩa.

      Thứ hai, ông ta là hộ pháp rất đắc lực của đức Thế Tôn. Đương nhiên, chư thiên đều là hộ pháp, Phật pháp cũng chẳng trái nghịch tình cảm của con người, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức; người thế gian đều tôn kính Đao Lợi thiên chúa, đều phụng thờ Ngọc Hoàng thượng đế, cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật hằng thuận chúng sanh, lấy Đế Thích làm đại biểu. “Biểu nhất thiết tôn giáo chi sĩ ưng tu” (Biểu thị hết thảy những người thuộc hết thảy tôn giáo đều nên tu). Ở đây, Đế Thích biểu thị pháp: Mục tiêu giáo học của tất cả hết thảy tôn giáo là Thiên Đường; nay Thích Đề Hoàn Nhân cũng tham dự pháp hội này, tiếp nhận lời Thích Ca Mâu Ni Phật răn dạy, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Quý vị muốn đến Thiên Đường, nhưng Thiên Chúa của quý vị nay đang niệm Phật, quý vị cũng phải cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Vì thế, năm xưa khi tôi mới học Phật, trong số bạn bè có không ít tín đồ Cơ Đốc, chúng tôi đều là bạn bè rất thân. Sau khi tôi học Phật, tôi khuyên họ nỗ lực chiếu theo kinh điển Cơ Đốc để tu học cho tốt; tôi chẳng khuyên họ học Phật. Do vậy, có rất nhiều người ngạc nhiên: “Sao ông lại dạy như vậy?” Tôi nói: “Đao Lợi thiên chúa thường lễ thỉnh Phật, Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp trên thiên cung. Hiện thời, người kia chẳng có duyên với Phật, tôi có khuyên ông ta cũng chẳng tin. Khi ông ta sanh lên trời rồi, ông ta thấy Thiên Chúa và rất nhiều thiên chúng nghe kinh nghe pháp!” Đi đường vòng như thế chẳng hề gì, vẫn là cùng một chuyện mà! Do vậy, tôi chẳng khuyên những người đó học Phật, làm như vậy không hay, không hợp lý. Khi khuyên họ học Phật là [khuyên họ] phản giáo, điều ấy có ảnh hưởng không tốt đối với xã hội. Khuyên họ tích cực tu học, thực sự sanh lên Thiên Đường, Phật cũng đang giảng kinh thuyết pháp trên thiên đường!

Nếu chúng ta thực sự vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong thiên cung có rất nhiều bằng hữu, chúng ta có thể tùy thời đến tụ hội với họ. Họ chẳng tự tại, chúng ta tự tại. Giống như trong thế gian hiện tại này, có rất nhiều người ra ngoại quốc chẳng dễ dàng, có kẻ không có hộ chiếu (passport), có kẻ có hộ chiếu nhưng không được chấp thuận. Chúng tôi có rất nhiều hộ chiếu, xin phép rất thuận tiện, đến đâu cũng được; ai không đến đây gặp tôi được, tôi bèn đến đó gặp họ. Chúng ta về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chư thiên đến thế giới Cực Lạc chẳng dễ dàng, nhưng người của thế giới Cực Lạc đến bất cứ tầng trời nào đều rất thuận lợi. Chúng ta có thể thường chiếu cố kẻ ấy, thường xuyên gặp họ, hàn huyên chuyện cũ, thật là sung sướng.

Thứ ba là “đại chúng, biểu nhất thiết chúng sanh dục ly khổ, đắc cứu cánh lạc giả, ưng đương tu” (đại chúng: biểu thị hết thảy chúng sanh muốn lìa khổ để đạt được sự vui rốt ráo thì phải nên tu). Phạm vi của “đại chúng” rất rộng, chẳng những là hết thảy loài người, mà trong ấy còn gồm cả loài súc sanh, loài ngạ quỷ, loài địa ngục, thảy đều gộp cả trong ấy, hết thảy chúng sanh trong lục đạo. Nếu quý vị thực sự muốn lìa khổ, đạt được sự vui rốt ráo, trừ pháp môn này ra, các pháp môn khác chẳng thể thành công dễ dàng. Pháp môn này thực sự giúp quý vị một đời thành tựu. Bởi thế, đoạn kinh văn này là “phàm chúng khuyến tu” (khuyên các phàm phu nên tu), hoằng hộ (hoằng truyền, gìn giữ), “hoằng hộ thử kinh, sướng Phật bổn hoài” (hoằng truyền, gìn giữ kinh này, thỏa thích bản hoài của Phật).

Việc hoằng hộ này bất luận người tại gia hay xuất gia ai nấy đều nên làm. Sao gọi là Hoằng? Tự mình y giáo tu hành là Hoằng, tôi làm như vậy cho anh coi, bởi thế, Hoằng và Hộ không thể tách rời nhau. Thiên chức của bọn đệ tử Phật chúng ta là hoằng hộ chánh pháp, trong thời kỳ Mạt Pháp bèn hoằng hộ pháp môn Tịnh Độ. Đấy là thiên chức của chúng ta. Nói đến “hoằng hộ” lại khiến tôi liên tưởng đến người Trung Quốc, thiên chức của quý vị phải là hoằng hộ truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc; đó là thiên chức của quý vị.

Quý vị là người quốc gia nào, là người thuộc dân tộc nào, hoặc tín ngưỡng một tôn giáo nào đó, thiên chức của quý vị là phải thực hiện sứ mạng hoằng hộ dân tộc, quốc gia, tôn giáo đó. Nếu quý vị chẳng thể làm trọn sứ mạng hoằng hộ, thì truyền thống đạo đức, văn hóa sẽ bị suy vong! Suy đến cùng cực bèn diệt vong! Sao quý vị chẳng có lỗi với tổ tông? Sao chẳng mắc lỗi với những người đời trước? Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm khẳng định pháp nào cũng bình đẳng, không có cao, thấp. Văn hóa của mỗi quốc gia đều hay, truyền thống của mỗi một dân tộc đều hay, mỗi một tôn giáo đều hay, đều cần có người hoằng dương rực rỡ, rộng lớn.

Hiện tại, ở Trung Quốc rất bất hạnh, phát sanh cơn bệnh dịch SARS, rốt cuộc là Trung Y giỏi hay Tây Y giỏi? Lời ông Đặng Tiểu Bình nói rất có lý: “Chẳng cần biết là mèo trắng hay mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo giỏi”. Dùng câu đó để nói, chẳng cần biết Trung Y hay Tây Y, thứ y học nào chữa lành bệnh nhân thì nền y học đó giỏi. Sao lại tranh cãi lôi thôi trong lúc này? Tranh cãi lôi thôi sẽ hỏng chuyện, bao nhiêu người chết oan uổng! Đối với những người chết oan uổng ấy, quý vị không phải gánh trách nhiệm nhân quả ư? Đối với thế gian, quý vị chẳng chịu trách nhiệm pháp luật, nhưng quý vị chịu trách nhiệm nhân quả. Quý vị có cảm thấy lương tâm cắn rứt hay không? Nếu quý vị không có lương tâm, đương nhiên chẳng cảm thấy lương tâm cắn rứt, không có lương tâm mà! Nhưng quý vị chẳng thoát khỏi nhân quả báo ứng đâu nhé!

Lúc này chớ nên tranh chấp, cứu người khẩn yếu hơn! Cứu một mạng người hơn tạo phù-đồ (tháp) bảy tầng, công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn. Nếu quý vị không cẩn thận, lơ đãng, hại một mạng người, tương lai phải đền mạng. Người Trung Quốc tin tưởng nhân quả, tin vào luân hồi báo ứng. Nay người Tây phương cũng dần dần giác ngộ, có không ít người rất tích cực nghiên cứu sự việc này.

Nếu như bây giờ nói hết thảy đều lấy khoa học làm căn cứ, chẳng hợp khoa học bèn chẳng tin, khoa học đến nay có được bao nhiêu năm lịch sử? Tính cho cùng thì không quá ba trăm năm, ba trăm năm trước đó người ta sống ra sao? Chưa có khoa học họ sống làm sao? Ba trăm năm trước kia có ôn dịch, chẳng phải là không có ôn dịch, trong lịch sử Trung Quốc có ghi chép. Y dược, phương pháp cứu người thời đó đều chẳng có căn cứ khoa học!

Chúng tôi hoàn toàn chẳng phản đối khoa học, chúng tôi tôn trọng khoa học; nhưng vẫn còn có rất nhiều điều mà khoa học hiện tại không thấu suốt, chưa phát hiện được. Y dược Trung Quốc được phát minh rất sớm, tối thiểu có lịch sử năm ngàn năm, chỉ riêng năm ngàn năm kinh nghiệm đã chẳng thể coi thường. Khoa học có thể lật đổ nó hay chăng? Nếu như khoa học tiêu diệt, hủy sạch mọi thứ vốn sẵn có như những thứ truyền thống ưu tú nhất của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, khoa học vạn năng, thì kết quả tối hậu của khoa học là gì? Nhà khoa học sẽ tự nói “thế giới đến ngày tàn!”

Người Trung Quốc đáng thương! Vô cùng đáng thương! Trước kia, tôi cùng tiên sinh Hồ Thu Vân trò chuyện, hết sức cảm khái. Từ cuối đời nhà Thanh trở đi, người Trung Quốc chôn vùi lòng tự tin dân tộc, Trung Quốc có tai nạn vì đâu? Là vì lý do đó. Hiện tại, ôn dịch gây chết người, rất nhiều người bị chết. Nguyên nhân vì đâu? Chẳng tin vào y dược Trung Quốc; vì nguyên nhân nào? Chôn vùi lòng tự tin dân tộc, chẳng tin tưởng vào bất cứ thứ gì do tổ tông truyền lại. Nếu nói theo nhân quả, họ đáng phải nhận lãnh kết quả ấy. Đó là đại bất hiếu! Tổ tông nào chẳng yêu thương con cháu, truyền lại những thứ tốt nhất cho đời sau, quý vị không tin tưởng thì không còn cách nào hết! Quý vị cứ muốn vứt sạch, cứ muốn tiêu diệt đi, tội ấy nặng lắm!

Bởi vậy, nói đến rốt ráo là vấn đề giáo dục của Trung Quốc. Trong thiên Học Ký [của sách Lễ Ký] có hai câu rất hay: “Kiến quốc, quân dân, giáo học vi tiên” (xây dựng đất nước, cai trị dân chúng, đều lấy giáo dục làm đầu). Giáo dục triết học Trung Quốc, quan niệm giáo dục từ thời Hán Vũ Đế[6] chế định chính sách giáo dục cho đến đời Mãn Thanh chẳng thay đổi. Trước kia, chúng tôi học lịch sử, đối với việc này chúng tôi cảm thấy rất lạ lùng. Mỗi một triều đại đều có những chuyện hưng khởi, thay đổi, cớ sao giáo dục vẫn chẳng biến động? Người Mông Cổ vào làm chủ Trung Quốc chẳng biến cải, người Mãn Thanh vào làm chủ Trung Quốc cũng không thay đổi. Chúng ta chú ý xem kỹ, cổ thánh tiên hiền Trung Quốc, đặc biệt là Nho gia, trong bách gia chư tử, Hán Vũ Đế chọn giáo học Nho gia làm giáo dục truyền thống của quốc gia. Nho giáo dạy chúng ta điều gì? Châu phu tử, tức Châu Hy đời Tống lập ra trường học tư, bản yết thị ở thư viện hang Bạch Lộc là cương lãnh, tổng cương lãnh, tổng nguyên tắc giảng dạy của Nho gia, đơn giản dễ hiểu. Giáo dục Trung Quốc mấy ngàn năm chẳng lìa khỏi chuẩn mực sau đây:

a) “Phụ tử hữu thân” (cha con thương yêu nhau). Điều ấy có sai lầm chăng? Nay chẳng còn nữa, cha chẳng từ, con chẳng hiếu. Trước kia tiếp nhận giáo dục Nho gia, cha từ, con hiếu, gia đình hòa thuận, yên vui.

b) “Quân thần hữu nghĩa” (vua tôi có nghĩa), nay vua hoài nghi bầy tôi, bầy tôi chẳng trung với vua. “Vua” là người lãnh đạo một đoàn thể, “bầy tôi” là người được lãnh đạo, bằng mặt không bằng lòng, tốt gì đâu?

c) “Phu thê hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín” (Chồng vợ có nhiệm vụ sai khác trong gia đình và xã hội, lớn nhỏ có tôn ty trật tự, bạn bè giữ chữ Tín), nguyên tắc ấy có gì không tốt?

Đấy là năm điều dạy người ở Trung Quốc từ cổ đến nay, có thể nói là bắt nguồn thời Nghiêu - Thuấn! Bắt nguồn từ thời Nghiêu - Thuấn thì trong lịch sử Trung Quốc, phỏng chừng hơn bốn ngàn năm trước, giáo dục Trung Quốc dạy như vậy đó. Dạy chúng ta phương pháp tư duy thông thường: “Bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện, đốc hành” (Học rộng, hỏi kỹ, suy nghĩ cẩn thận, làm sáng tỏ, dốc sức thực hành). Phương pháp này có thích hợp cho hiện tại hay không? Xử sự, đãi người, tiếp vật, cương lãnh đều rất đơn giản, “ngôn trung tín, hành đốc kính” (lời lẽ trung tín, việc làm dốc hết lòng thành kính), quý vị nghĩ có tốt hay không? Ngôn ngữ phải chân thành, người hiện tại hay bịp người. Toàn là nói dối, nói đâm thọc, ác khẩu, nói thêu dệt. Đại khái, [người hiện thời cho rằng] giáo học Trung Quốc từ cổ đến nay chẳng phù hợp khoa học, hiếu - đễ - trung - tín chẳng phù hợp khoa học, người với người tôn trọng nhau, kính yêu nhau chẳng hợp khoa học! Khoa học hoàn toàn chống trái những điều đó thì thế giới này sẽ biến thành thế giới gì? “Xử sự, chánh kỳ nghĩa, bất mưu kỳ lợi” (Xử sự, phải đúng với đạo nghĩa, chẳng mưu cầu lợi lộc), điều này chắc chắn chẳng hợp khoa học; khoa học nói lợi - hại, Nho gia nói đạo nghĩa, cốt sao hợp đạo nghĩa, chẳng cần biết đến lợi - hại.

Bởi thế, cổ thánh tiên hiền có thể bỏ mình vì người, đối đãi người “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn, chớ làm cho người khác). Giáo huấn như vậy có sai lầm hay chăng? Phải nên làm gì? Đúng là khoa học dạy chúng ta phải cạnh tranh, đấu tranh, chiến tranh, vĩnh viễn tranh đấu, đấu tranh suốt đời, đến chết vẫn tranh giành chẳng thôi, sống trong đau khổ. Giáo dục của Nho, Phật, thánh hiền dạy ta sống trong hoan lạc, sống trong an ninh; nhưng bây giờ nói đến an ninh chẳng có ai hiểu được, vì sao? Từ trước đến giờ, họ chưa từng sống an ninh, từ trước đến giờ, họ chưa biết thế nào là niềm vui thiên luân[7], chưa hề có, chưa hề thấy qua, chưa hề nghe đến. Họ toàn thấy, nghe tranh giành, đấu tranh, chiến tranh, vĩnh viễn phải chiến thắng hết thảy, không chiến thắng là thất bại, biết làm sao được!

Bởi thế, nay chúng ta nói đến hộ pháp, quả thật chẳng phải dễ! Trong thời đại này, giáo huấn của thánh hiền, truyền thống đạo đức văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều bị băng hoại toàn bộ. Do vậy, rất nhiều tiên đoán từ xưa của Tây phương, trong Thánh Kinh cũng có nói, ngay cả Cổ Lan Kinh (Koran[8]) cũng nói đến ngày tận thế. Kinh Cổ Lan lại còn dạy tín đồ phải tin vào một vị Chúa thật (chân chúa), phải tin vào ngày tận thế.

Trong thời đại này, chúng ta phải hướng về đâu? Quý vị phải thực sự giác ngộ, phải nhớ kỹ những giáo huấn của Ấn Quang đại sư, Ngài chỉ cho chúng ta một sanh lộ: Đạo tràng quy mô nhỏ, ít người cùng tu, chẳng phan duyên, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Nếu có cơ duyên bèn dạy mấy tên học trò, truyền lại đạo của thánh hiền. Không cần nhiều học trò, có được một người là được rồi, có thể truyền được rồi. Quý vị hãy nghĩ lúc Thiền tông vừa truyền đến Trung Quốc, Đạt Ma Tổ Sư đến Trung Quốc, truyền cho một mình Huệ Khả. Sau đó Đạo Tín, Tăng Xán đều là đời đời đơn truyền, đến Lục Tổ Huệ Năng đại sư, duyên chín muồi, phước báo của chúng sanh hiện tiền, bởi thế, Thiền Tông mới hưng vượng mạnh mẽ. Chỉ cần ngọn lửa đèn ấy chẳng tắt, chỉ cần một tia ánh sáng, duy trì giềng mối đạo chẳng để nó suy đọa, sau này nhất định có ngày phát dương quang đại. Đấy là chuyện chúng ta phải làm trong hiện tại.

Nhưng trong công tác ấy, tự mình nhất định phải hiểu có chủ và khách. Chủ là gì? Chủ là tự cầu sanh Tịnh Độ. Truyền đạo, truyền pháp phải dựa theo duyên phận! Chẳng có duyên phận thì quý vị có muốn làm cũng chẳng thành công. Phải có duyên phận, chúng sanh có phước báo, được oai thần của chư Phật gia trì, tự mình thành tâm thành ý, chẳng có chút lòng riêng tư nào, đấy chẳng phải là chuyện dễ dàng! Nhưng bất luận như thế nào, trước hết phải thành tựu chính mình, đấy là điều kiện tiên quyết bậc nhất.

Trong thời kỳ Mạt Pháp, chướng duyên rất nhiều, bởi thế, đạo tràng nhỏ ít người, chướng ngại bèn ít. Đạo tràng của chúng ta, sau khi dựng xong giảng đường, tôi bảo mọi người: “Làm đến đây là thôi!” Chúng tôi hy vọng làm được điều Ấn Quang đại sư giáo huấn, chúng tôi y giáo phụng hành. Mười người, hai mươi người hằng ngày chắc thật niệm Phật, học kinh giáo, giải hạnh tương ứng. Chúng ta có Học Hội ở Bố Lý Tư Bản (Brisbane), Học Hội chúng ta cũng phải làm gương, tuân thủ lời pháp sư Ấn Quang giáo huấn, mong rằng chúng thường trụ chẳng quá hai mươi người. Chúng ta có thể tổ chức Phật thất, giúp đỡ những người ngoài đạo tràng chân chánh phát tâm đến tu học. Vẫn chiếu theo phương pháp trước kia, một năm tổ chức bốn lần hoạt động là Phật thất. Hoạt động Phật thất của chúng ta kể cả người trong nhà không quá bốn mươi tám người, bốn mươi tám người ứng với bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, gồm cả người trong nhà. Nếu trong nhà có hai mươi người, chúng ta chỉ tiếp nhận hai mươi tám người bên ngoài. Nếu trong nhà có ba mươi người, chúng ta chỉ có thể tiếp nhận mười tám người ngoài, nỗ lực tu tập!

Trong studio, chúng ta không ngừng mời mọc những vị thầy giỏi dạy cho chúng ta một vài lớp. Những lớp ấy chúng ta không bắt buộc phải học, vì sao? Sau khi chúng ta thâu hình bèn phát lên mạng Internet, lưu thông trên đài truyền hình vệ tinh, thực hiện hoạt động giáo dục xã hội. Đó là chúng ta hoằng hộ chánh pháp, hoằng hộ mối đạo của Nho, Phật, thánh hiền giáo huấn, chúng ta làm công tác ấy, hy vọng cái tâm mình sẽ nhờ đó mà định, sẽ có thành tựu thực sự. Chúng tôi dùng cách đó để báo ân Phật, báo ân cha mẹ, báo ân tổ tông, báo ân hết thảy chúng sanh, phải thực hiện bằng hành động, phải đạt được thành tích mới được, chứ chẳng phải là miệng nói xuông. Miệng nói xuông là giả, nào phải là thật. Bởi thế, hôm nay trông thấy hai chữ Hoằng Hộ, tôi vô cùng cảm xúc sâu xa!

Trong đoạn cuối cùng này, có một điều “vô vấn tự thuyết” (không ai hỏi tự nói). “Từ mẫn thâm thiết, cấp độ chúng cố, nghĩa lý huyền bí nan tín, vô nhân khải thỉnh” (lòng từ mẫn sâu đậm, thiết tha, vì gấp độ chúng sanh, nghĩa lý u huyền, kín mật, không có người khải thỉnh). Bộ kinh này không ai hỏi, tự đức Thích Ca Mâu Ni Phật nói ra. Tình hình này không nhiều, đức Thế Tôn giảng kinh hơn quá nửa là vì có người nêu câu hỏi, ở đây đức Phật tự nói. Nói thật ra, pháp môn này không có ai có khả năng để hỏi cả. Đức Phật thấy trong đại chúng khi ấy có rất nhiều người căn cơ chín muồi, chín muồi là có thể tin được, có thể tiếp nhận được, họ sẽ được lợi ích. Trong pháp Đại Thừa thường nói: “Phật chẳng độ kẻ vô duyên”.

Như trong cơn dịch SARS lần này, có rất nhiều vị thầy lang rất giỏi, tâm rất từ bi, muốn giúp đỡ, nhưng người ta không tin, ấy là vô duyên. Trông thấy người bệnh chết, mà không có cách gì cứu được. Hữu duyên là gì? Tin tưởng, bằng lòng hợp tác với mình, để cho mình cứu. Tôi nghe nói ở Bắc Kinh có ông đạo diễn họ Tạ, tên là Tạ Phi, bị mắc bệnh SARS. Thầy lang họ Lưu ở Bắc Kinh bốc thuốc cho ông Tạ, hết mười tám đồng nhân dân tệ[9], ông Tạ lành bệnh, được xuất viện. Đưa vào bệnh viện cũng là lúc gặp hồi nguy ngập, chữa theo Tây y phải gắn ống này nọ, rất phiền phức. Chuyện được tiến hành cũng là nhờ một bạn đồng hành của ông ta, cũng là một Phật giáo đồ, tức là cư sĩ Lăng Tư, van nài bệnh viện, xin bệnh viện cho ông Tạ thử dùng thuốc Bắc trong thời gian ba ngày. Hay quá! Vị thầy lang trong bệnh viện đó thật đại từ đại bi đáp ứng. Ông Tạ bèn uống thuốc Bắc, ba ngày sau kiểm tra lại, đã khỏe, đã bình thường, bèn cho về, chỉ tốn mười tám đồng nhân dân tệ mà thôi!

Chuyện đó nhà Phật gọi là hữu duyên, Phật độ người hữu duyên. Nếu quý vị chẳng tin tưởng, chẳng hợp tác, không có cách gì hết! Đối với hết thảy chúng sanh, đức Phật cũng giống như thế. Sở dĩ, Thích Ca Mâu Ni Phật trông thấy học trò Ngài trong thế gian này có người tin tưởng được, có người hiểu được, có người hành được, chẳng đợi người khác hỏi, bèn tự mình nói ra! “Lòng từ mẫn sâu đậm, thiết tha, gấp độ chúng sanh”. Pháp môn này dạy quý vị thành Phật trong một đời, khó tin nhất. Chẳng những người bình thường không tin, Tiểu Thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát rất nhiều vị chẳng tin tưởng pháp môn này. Vậy thì cũng tốt thôi! Quý vị cứ từ từ đi theo con đường dài xa, quý vị mất vô lượng kiếp, ba đại A-tăng-kỳ kiếp, cứ đi thong thả! Pháp môn này một đời viên mãn, hữu hiệu phi thường, phương pháp đơn giản, dễ dàng, “nghĩa lý u huyền, kín mật, khó tin”, đạo lý, lý luận rất sâu, rất huyền! Nếu chờ Phật đem những sự việc này giảng thật rõ thì quý vị mới tin nổi, quý vị chẳng có thọ mạng dài như thế đâu!

Trong các kinh Phật, có một bộ kinh nhỏ tên là Tiễn Dụ Kinh (kinh thí dụ mũi tên) để tỷ dụ việc này. Một người trúng phải tên độc, thời cổ đối với khoảng cách xa người ta dùng cung tên [tấn công]. Ông ta trúng phải tên độc, độc ngấm rất sâu. Nay có thầy thuốc cho uống thuốc giải, rịt thuốc vào [vết thương] sẽ ngay lập tức lành mạnh. Nếu ông ta chẳng tin tưởng, cứ muốn biết chất độc ấy là gì? Dùng thuốc gì để giải? Đến lúc hiểu rõ những lý luận ấy thì chất độc đã phát tác mất rồi, mạng còn đâu nữa? Bởi thế, lúc ấy điều gì cũng không buồn hỏi, cứ tin là dùng ngay, sẽ hữu hiệu, bèn được lành. Quý vị khỏe rồi mới lại nghiên cứu thì được, vì quý vị có thời gian. Còn trong lúc đó, lúc tánh mạng nguy cấp mà vẫn đòi nghiên cứu, chẳng phải là tự kiếm cái chết ư?

Ở đây, đức Phật dạy chúng ta tin vào thiện tri thức, đối với họ ta phải có tín tâm. Quý vị không tin tưởng họ, dù họ có đại trí huệ, có đại năng lực cũng giúp không nổi! Đức Phật có trí huệ rốt ráo viên mãn, đức năng viên mãn, chúng ta tin tưởng hay không? Chẳng tin tưởng thì không có cách gì hết! Ai có thể tin? Những người thiện căn sâu dày. Trong đời quá khứ đã gieo thiện căn sẽ tin được, hiểu được. Nói thật ra, tín tâm của chúng ta đối với Phật pháp cũng phụ thuộc vào thời gian vun bồi, trưởng dưỡng mà có. Lúc thoạt đầu, bước vào cửa Phật bán tín bán nghi, nhưng vị thầy giỏi khéo kiên trì dẫn dụ, bởi thế, thái độ dạy học của thầy là mấu

chốt quan trọng trong sự tiếp dẫn học sinh.

Đối với học trò, tâm thầy thực sự yêu thương, từ ái, quan tâm, tôn trọng, khiến cho kẻ làm học trò chẳng nhẫn tâm xa lìa thầy. Dạy Phật pháp cho tôi, là hai vị thầy, người đầu tiên là Chương Gia đại sư, người sau là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lúc đó, tôi vẫn còn đang đi làm, chỉ có ngày Chủ Nhật mới đến gặp thầy, mỗi Chủ Nhật đến một lần. Nếu Chủ Nhật ấy có việc không đến được, qua mấy ngày sau, Chương Gia đại sư gọi điện thoại cho tôi: “Sao ông không đến? Không khỏe hay sao?” Ngài an ủi, thăm hỏi tôi. Quý vị nghĩ xem: Trong tình hình đó, chẳng thể không đến, chuyện gì cũng mặc kệ, đến gặp thầy cái đã. Ngài đối với tôi quan tâm, thực sự yêu thương, che chở, khiến chúng tôi nghĩ đến Tứ Nhiếp Pháp do đức Thế Tôn đã dạy.

Chúng tôi thân cận đại sư, đại sư dạy chúng tôi bố thí pháp. Quan tâm, yêu thương che chở như thế đối với chúng tôi là bố thí vô úy, khiến chúng tôi lúc tiếp xúc Ngài, cảm thấy hết sức an toàn, hết sức hoan hỷ, [đó là] nhiếp thọ chúng sanh. Chúng tôi phát sanh lòng tin đối với lời Ngài răn dạy, Ngài đối với mình tốt như thế, quan tâm như thế, những gì Ngài dạy mình nhất định là tối hảo. Khởi lòng tin đối với thầy, nhất định làm theo lời thầy răn dạy, dù chẳng làm được một trăm phần trăm, ít ra cũng làm năm, sáu chục phần trăm. Năm sáu chục phần trăm cũng rất hữu ích rồi.

Do vậy, trong nhiều năm, bản thân chúng tôi sống, xử sự, đãi người, tiếp vật, đều tuân thủ lời thầy giáo huấn. Thầy dạy tôi một nguyên tắc chung “đời người khổ đau, ngắn ngủi”, đời người khổ, thọ mạng lại ngắn, nhất định phải “đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, không tranh chấp cùng người, không mong cầu chuyện gì”. Thầy chỉ dạy chúng tôi tổng cương lãnh, tổng nguyên tắc như thế. Bởi thế, gặp ai tranh chấp, tôi nhường; một đời học nhường nhịn, học chịu thiệt thòi, vì sao? Chịu thiệt thòi là phước, chúng ta có thể tiếp nhận, thực sự chịu lép là phước. Cứ mỗi lần nhường nhịn, mỗi một lần chịu lép, sau đấy đều rất thù thắng, bất cứ phương diện nào đều tốt hơn, cảnh giới ngày càng tốt hơn; do vậy, đối với giáo huấn của thầy, của Phật, Bồ Tát càng thêm tin tưởng.

Lúc tôi mới học Phật, thưa cùng quý vị là bán tín bán nghi, lời thầy răn dạy tôi chỉ thực hành được năm sáu chục phần trăm là khá lắm rồi! Học sinh như vậy chẳng dễ kiếm lắm đâu! Nay tôi đối với giáo huấn của thầy, kinh giáo của Phật, Bồ Tát tin tưởng một trăm phần trăm, phụng hành một trăm phần trăm. Theo thời gian tu học, tín tâm kiên định, tri giải thâm nhập, đạt lợi ích chân thật, pháp hỷ sung mãn!

Tâm Kinh nói “chiếu kiến Ngũ Uẩn, độ nhất thiết khổ ách” (soi thấy Ngũ Uẩn đều không, độ hết thảy khổ ách); tuy tôi chưa nhập được cảnh giới này, mới mon men, gần kề mà thôi. Đấy là ân đức của thầy, Phật, Bồ Tát giáo huấn, công lao của hộ pháp. Được khéo che chở như thế trong những lúc gian nan khốn khổ tột bậc, các vị ấy ra tay giúp đỡ, khiến cho tôi cảm thấy ấm áp, chẳng đến nỗi thoái đọa, đó là ân đức hộ pháp. Con đường Bồ Đề xa lắm, chẳng gần gũi gì! Quan trọng nhất là phải chịu đựng được thử thách, chịu đựng được gian nan, phải như cổ nhân nói: “Càng vấp ngã, càng hăng hái”, càng tiếp tục gắng công thì đạo nghiệp mới có thể thành tựu. Người thế gian tranh giành danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, rất tốt! Ta chẳng cần những thứ đó. Bởi thế, chúng ta chẳng xung đột với họ, họ cần cái ta không cần, ta cần cái họ không cần. Ta cần đạo đức nhân nghĩa, họ không cần. Ta chẳng cần danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, họ cần. Bởi thế, chúng ta đối xử hòa thuận với nhau, chẳng xung đột quyền lợi. Đọc đến đoạn này, hết sức cảm thán. A! Nay đã hết giờ rồi!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa