Chư vị đồng học!
Xin xem Hệ Niệm Pháp Sự, phần Bồ Tát chúng trong Tự Phần của A Di Đà Kinh:
Tinh chư Bồ Tát Ma Ha Tát, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, dữ như thị đẳng chư đại Bồ Tát.
并諸菩薩摩訶薩。文殊師利法王子。阿逸多菩薩。乾陀訶提菩薩。常精進菩薩。與如是等諸大菩薩。
(Và các vị Bồ Tát Ma Ha Tát: Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, và các vị đại Bồ Tát như thế).
6.2.1.6.4.1. Quảng thích Bồ Tát chúng
Đoạn này là Bồ Tát chúng. Trong phần trên đã giới thiệu chúng Thanh Văn gồm mười sáu vị đại A La Hán, chủ yếu là tượng trưng cho Tín. Bồ Tát chúng chỉ nêu bốn vị: Văn Thù và Di Lặc là khuyên nên nguyện, Càn Đà Ha Đề và Thường Tinh Tấn là khuyên nên hành, cùng với mười sáu vị tôn giả ở phần trên là khuyên nên tin. “Tín, Hạnh, Nguyện” là ba điều kiện trọng yếu nhất của việc niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ba điều kiện ấy thiếu một chẳng được, nhất định phải có đủ. Bởi thế, toàn bộ kinh, bất luận Tự Phần, Chánh Tông Phần hay Lưu Thông Phần, chúng ta đều thấy khuyên tin, khuyên nguyện, khuyên hành. Tuy kinh văn không dài, nhưng kết cấu chương pháp, hệ thống tư tưởng hết sức tinh vi, thâm mật, viên mãn, trọn đủ, chúng ta phải tích cực học tập kinh này.
Bồ Tát tiếng Phạn là Bồ Đề Tát Đỏa (Boddhisattva), người Trung Quốc thích nói gọn, chữ Bồ Đề tỉnh lược âm cuối, chữ Tát Đỏa cũng tỉnh lược âm cuối, nên ta gọi Bồ Đề Tát Đỏa là Bồ Tát. Ma Ha Tát (Mahasattva) là Đại Bồ Tát, Ma Ha là Đại, vị Bồ Tát lớn trong chúng Bồ Tát. Chữ Đại Bồ Tát thường chỉ bậc Bồ Tát địa thượng, tức mười một địa vị từ Sơ Địa cho đến Đẳng Giác được gọi là Đại Bồ Tát, hay gọi là Ma Ha Tát. Trước đó, có ba mươi địa vị, nếu thêm Tín Vị vào thành ra bốn mươi địa vị, tức Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng; bốn mươi địa vị này đều xưng là Bồ Tát. Bồ Tát Ma Ha Tát bao gồm các địa vị từ Sơ Tín cho đến Đẳng Giác Bồ Tát.
Tiếng Phạn Bồ Đề Tát Đỏa, lúc dịch sang tiếng Hán thì thời cổ dịch là Đại Đạo Tâm Chúng Sanh. Ngẫu Ích đại sư khi chú giải vẫn theo lối cổ dịch nên viết“đại đạo tâm thành tựu hữu tình”. Bồ Tát vẫn là hữu tình, chẳng giống như Phật, Phật hoàn toàn biến tình thành trí huệ. Trước kia, lúc tôi mới học Phật, tôi còn nhớ đã từng thỉnh giáo Chương Gia đại sư: “Bồ Tát khác với Phật như thế nào?” Chương Gia đại sư dạy tôi một tỷ dụ: Lúc đó, trong khách sảnh có treo một cái đồng hồ, vẫn phải lên dây thiều, chưa dùng điện, vẫn phải vặn dây thiều. Chúng ta đều biết – đây là kiến thức thông thường – dây thiều là một sợi dây thép cuộn lại, có tính đàn hồi, cuộn chặt nó lại, nó sẽ dần dần bung ra, sức bung ấy sẽ thúc đẩy đồng hồ chạy. Lúc nó bung ra hết, nó vẫn cuộn lại, chẳng hoàn toàn thẳng đơ. Chương Gia đại sư dùng chuyện đó làm tỷ dụ, Bồ Tát như sợi dây thiều, dù đã bung ra hết, nhưng vẫn còn một chút cuộn lại, chẳng phải là bằng phẳng hết. Dây thiều của Phật đã tháo bung ra hết, thẳng đơ rồi, Ngài đem tỷ dụ ấy nói với tôi, ngụ ý: Bồ Tát chưa một trăm phần trăm biến tình thành trí huệ.
Ví như Đẳng Giác Bồ Tát, chín mươi chín phần là Trí, vẫn còn một phần là Tình. Nhìn đâu cũng dường như đã bình rồi, nhưng nhìn kỹ vẫn còn một chút Tình, chẳng như Như Lai đã một trăm phần trăm chuyển Thức thành Trí. Bởi thế, Trí và Tình là cùng một chuyện, chẳng phải hai; lúc giác thì gọi là Trí, lúc mê thì gọi là Tình. Tình là mê tình, Trí là giác trí. Đẳng Giác Bồ Tát còn một phẩm sanh tướng vô minh tối hậu còn chưa phá, đó vẫn là Tình. Phải phá sạch một phẩm vô minh ấy thì trí huệ mới rốt ráo viên mãn.
Bởi thế, chữ Bồ Tát được dịch là “đại đạo tâm thành tựu hữu tình”. Sau này, ngài Huyền Trang chẳng dùng chữ “đại đạo tâm” để dịch, Ngài dịch là Giác Hữu Tình. Nếu gộp cả hai lối tân dịch và cựu dịch lại để hiểu, ý nghĩa càng sáng tỏ. Thế nào là đại đạo tâm? Giác ngộ là đại đạo tâm. Giác tâm là đại đạo tâm, giác chứ không mê. Huyền Trang đại sư dịch Bồ Đề Tát Đỏa thành “chúng sanh hữu tình giác ngộ”, thời cổ dịch là “đại đạo tâm thành tựu hữu tình”, hợp hai cách nói này lại, chúng ta càng hiểu rõ ý nghĩa.
Bồ Tát địa vị càng cao, trí huệ càng lớn, tình chấp càng ít. Phàm phu hoàn toàn bất giác. Phàm phu có giác ngộ, thông minh, có trí huệ, thì trong Phật pháp gọi cái giác ấy là “Tương Tự Giác”, tức chẳng phải Chân Giác, chẳng phải là Chánh Giác. Tiêu chuẩn của Chánh Giác là gì? Đoạn sạch Kiến Tư phiền não thì mới gọi là Chánh Giác, bởi thế, đối với lục đạo phàm phu chưa đoạn Kiến Tư phiền não, nếu dùng kinh Kim Cang để nói, dùng tiêu chuẩn đó để nói thì lục đạo chúng sanh có “ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng”. Chỉ cần có đủ bốn tướng ấy thì chưa giác. Dù rất thông minh, rất có trí huệ, trong nhà Phật chỉ gọi là Tương Tự Giác, chẳng phải là Chánh Giác, chỉ hơi giống thôi.
Chánh Giác nếu phá được bốn tướng, phá Tứ Kiến rồi, tâm địa người ấy chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng, thì mới gọi là Bồ Tát. Vì sao chẳng thể gọi lục đạo chúng sanh là Chánh Giác? Chỉ vì lục đạo chúng sanh có Ngã, có Ngã tức là có tư niệm, [tức là] có lòng mong lợi ích riêng tư. Nói cách khác, khởi tâm động niệm có vấn đề, nghĩ đến “lợi ích của riêng mình”, chỉ bận lòng đến lợi ích của chính mình, chẳng đoái hoài lợi ích của người khác; bởi thế, khởi tâm động niệm đều là “tổn người, lợi mình”.
Nói thật ra, người tốt hay kẻ xấu đều chỉ là mức độ khác biệt. Người tốt là ý niệm và hành vi “tổn người, lợi mình” nhẹ một chút, ít một chút; kẻ bất thiện thì ý niệm “tổn người, lợi mình” rất nặng, gây thành nhiều việc! Sai khác ở chỗ này! Chẳng giống như Bồ Tát, Bồ Tát hoàn toàn chẳng tự tư tự lợi; Ngài vào trong thế gian này để làm gì? Vào trong thế gian này để độ chúng sanh. Thế nào là độ chúng sanh? Giúp cho hết thảy chúng sanh giác ngộ. Giúp hết thảy chúng sanh giác ngộ mà nếu còn có chút tự tư tự lợi, làm sao giúp chúng sanh giác ngộ cho được? Phải hiểu đạo lý ấy! Thế gian và xuất thế gian khác biệt ở chỗ này, một niệm khác biệt vậy.
Thế nào là xuất thế gian? [Những người] vô tư, vô ngã, vì hết thảy chúng sanh phục vụ, chẳng cần biết anh mang thân phận gì, già, trẻ, nam, nữ, nghề nghiệp ra sao, đều là Bồ Tát. Nếu vẫn còn có một ý niệm tự tư tự lợi, vẫn có một niệm vị kỷ, dù quý vị có ở trong chùa miếu, có sống trong núi thẳm, sống trong một ngôi chùa quý báu (bảo sát), quý vị vẫn là thế gian, chẳng phải xuất thế gian. Chúng ta phải hiểu đạo lý này! So với Thanh Văn ở trên, Bồ Tát cao hơn nhiều lắm! Thanh Văn là “tướng” xuất thế gian, “tâm” chẳng thấy xuất thế gian. Quý vị thấy rất nhiều người xuất gia (cổ nhân thường gọi là “cổ tròn tay thụng”. Nay dùng chữ “cổ tròn tay thụng” để chỉ người xuất gia), “thân xuất, chứ tâm không xuất”. Trong tâm vẫn là nhân ngã thị phi, vẫn là tham - sân - si -mạn, niệm niệm quan tâm lợi ích của chính mình, “tâm” chẳng hề xuất! Thân tợ hồ là người xuất gia, nhưng tâm chẳng xuất.
Quá nửa Bồ Tát thị hiện tại gia, đấy là “tâm xuất, thân chẳng xuất”, cao hơn Thanh Văn nhiều! Thấy họ là hạng tại gia, có vợ con, họ có công ăn việc làm, cuộc sống chẳng khác gì người thế gian cả. Họ không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng, họ chẳng tự tư tự lợi. Họ buôn bán, họ là thương nhân, họ là thương nhân Bồ Tát. Họ là công nhân, họ là công nhân Bồ Tát. Nếu họ làm công chức, làm quan, làm quan lớn thì họ là tể quan Bồ Tát. Bất luận làm nghề gì, đều là Bồ Tát hết!
Bởi thế, quý vị thấy ở Trung Quốc tạo tượng Bồ Tát, nổi tiếng nhất là bốn vị Bồ Tát ở bốn đại danh sơn. Quý vị xem kỹ tượng bốn vị Bồ Tát, chỉ có Địa Tạng Vương Bồ Tát thị hiện tướng xuất gia, Quán Âm Bồ Tát là tướng tại gia, Văn Thù Bồ Tát cũng là tướng tại gia, Phổ Hiền Bồ Tát cũng là tướng tại gia luôn. Ấn Độ tạo tượng Bồ Tát Di Lặc cũng là tướng tại gia. Người Trung Quốc tạo tượng Di Lặc Bồ Tát theo hình dạng của hòa thượng Bố Đại, là tướng xuất gia. Vì sao tạo tượng hòa thượng Bố Đại? Hòa thượng Bố Đại là người thời Nam Tống, cùng một thời đại với Nhạc Phi. Ngài xuất hiện trong vùng Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang, là một người xuất gia, chẳng ai biết tên Ngài là gì. Mỗi ngày, Ngài quảy một cái túi vải lớn, người khác cúng dường đều bỏ vào trong túi. Bởi thế, mọi người gọi Ngài là Bố Đại hòa thượng, bèn thành tên hòa thượng Bố Đại. Nhắc đến hòa thượng Bố Đại ai nấy đều biết.
Hằng ngày du hóa bên ngoài, có ai hỏi về Phật pháp, Ngài cười hì hì, buông cái túi xuống đất, bỏ thõng hai tay. Quý vị hỏi Ngài thế nào là Phật pháp? Ngài làm như vậy cho quý vị thấy: "Buông xuống!" Phật pháp là buông xuống. Buông xuống rồi làm sao? Quảy túi vải lên, khoác trên vai bỏ đi. Ngài dạy quý vị điều gì? Trước hết, Phật pháp dạy quý vị buông xuống, buông xuống hết thảy, buông xuống xong rồi bèn giúp đỡ hết thảy chúng sanh, quý vị phải khởi lên ý niệm đó. Bởi thế mới nói buông xuống được, đưa lên được, đó là Bồ Tát. Một câu chẳng nói, ý nghĩa rất sâu, mọi vấn đề của quý vị đều được giải quyết hết!
Lúc Ngài vãng sanh, Ngài chẳng sanh bệnh, nói đi là đi; bảo với mọi người ta là Di Lặc Bồ Tát phát tâm tái lai, nói xong là đi. Ngài chẳng dối người. Lúc lâm chung, đem bản lai diện mục của chính mình nói ra; bởi thế, sau này, người Hoa hễ tạo tượng Di Lặc Bồ Tát bèn tạo giống hình tượng hòa thượng Bố Đại, duyên do là như vậy. Các địa phương, quốc gia khác trên toàn thế giới chẳng tạo tượng Di Lặc Bồ Tát giống như vậy. Tại Ung Hòa Cung[5] ở Bắc Kinh có thờ một tượng Di Lặc Bồ Tát rất cao. Lúc chúng tôi đến tham quan, [tăng sĩ ở Ung Hòa Cung kể] tượng Di Lặc Bồ Tát ấy đem từ Ấn Độ qua, tạc bằng cả một cây gỗ rất to lớn, đại khái cao chừng sáu bảy tầng lầu. Lúc chúng tôi ngắm tượng, vị phương trượng (họ gọi là Lạt-ma) bảo tôi tượng này chìm dưới đất tám thước nữa.
Bất luận Bồ Tát thị hiện tại gia hay xuất gia, nếu chú tâm quán sát, nhất định thấy rõ Ngài học Định lẫn Huệ đều bình đẳng, vận dụng cả Bi lẫn Trí, tự lợi, lợi tha. Tự lợi chính là lợi tha, chính mình thời thời khắc khắc, nơi nơi chốn chốn nêu gương tốt cho đại chúng trong xã hội, đó là “đến trong thế gian này giáo hóa chúng sanh”. Bất luận dưới thân phận nào, đều theo đuổi công tác giáo dục, giáo dục xã hội, nay chúng ta gọi là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa.
6.2.1.6.4.2. Nêu tên các vị thượng thủ trong Bồ Tát chúng
“Văn Thù Sư Lợi” (Mañjuśrī) gọi là Pháp Vương Tử, vì Phật là Pháp Vương, Bồ Tát kế thừa sự nghiệp của Như Lai, hoằng pháp lợi sanh, bởi thế gọi là Pháp Vương Tử. Văn Thù Sư Lợi là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Hán thì trong Bát Thập Hoa Nghiêm dịch là Diệu Đức, hoặc Diệu Cát Tường. Ở Trung Quốc, Ngũ Đài Sơn là đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát; trong các vị Bồ Tát, Ngài biểu thị trí huệ đệ nhất, giống như Xá Lợi Phất đại diện cho trí huệ đệ nhất trong các vị Thanh Văn. Trong kinh, danh hiệu các vị Thượng Thủ nhằm biểu thị pháp, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này! [Xá Lợi Phật và Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát] biểu thị bộ kinh này, pháp môn này và phương pháp lý luận tu học này là trí huệ đệ nhất. Trong chúng Thanh Văn lẫn chúng Bồ Tát đều kể tên bậc trí huệ đệ nhất ngay đầu tiên, dụng ý rất sâu sa.
Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư giảng: “Phi dũng mãnh thật trí, bất năng chứng giải Tịnh Độ pháp môn” (Chẳng phải là trí huệ dũng mãnh, chân thật, chẳng thể chứng hiểu pháp môn Tịnh Độ). Câu nói này rất hay, chẳng phải là trí huệ dũng mãnh, chân thật, sẽ chẳng thể thực sự chứng nhập, hiểu rõ pháp môn này; vì thế, phải lấy Văn Thù Bồ Tát để chứng minh. Trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy chính bản thân ngài Văn Thù Bồ Tát phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nhằm hiển thị [pháp môn này] thực sự chẳng thể nghĩ bàn. Trong cuốn Nghiên Tập Báo Cáo, [chúng tôi đã nhận định] Văn Thù “tượng trưng cho Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, pháp môn trong kinh A Di Đà này, tức là pháp môn Tịnh Độ chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Vị thứ hai là A Dật Đa Bồ Tát, “A Dật Đa” (Ajita) là Di Lặc Bồ Tát. Có người nói Di Lặc (Maitreya) là họ của Bồ Tát, A Dật Đa là tên. Cũng có người nói A Dật Đa là họ, Di Lặc là tên. Thật ra cái nào là tên, cái nào là họ không quan trọng, chúng ta chẳng cần phải phân biệt chấp trước. Ở Trung Quốc, chúng ta quen gọi Ngài là Di Lặc Bồ Tát; đương thời ở Ấn Độ thường gọi là A Dật Đa, gọi Ngài bằng danh hiệu ấy. A Dật Đa là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Hán là Vô Năng Thắng, ý nói Ngài từ bi không ai hơn được. Lòng từ bi của Ngài là từ bi chân thành, là từ bi thanh tịnh, là từ bi bình đẳng. Tâm từ bi quả thật trọn khắp pháp giới hư không giới; bởi thế, tại Trung Quốc Ngài còn được gọi là Từ Thị Bồ Tát, từ bi bậc nhất.
Đối với hình tượng Bố Đại hòa thượng, cổ đức có mấy câu tán thán như sau: “Sanh bình đẳng tâm, thành hỷ duyệt tướng”. Hai câu này rất hay, hai câu này dạy chúng ta: Đối với hết thảy chúng sanh, chúng ta phải sanh tâm bình đẳng, đối với hết thảy chúng sanh phải hoan hỷ, “hỷ duyệt tướng” nay gọi là tâm yêu thương, vui thích. Trong Đại Thừa Phật pháp thường nói từ bi, từ bi là hỷ ái; nhưng sự hỷ ái ấy chẳng phải là cảm tình. Vì thế, Phật pháp chẳng dùng chữ “hỷ ái” mà dùng chữ “từ bi”, sợ người đời thấy danh từ “hỷ ái” bèn hiểu lầm.
Lòng hỷ ái ấy chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, là trí huệ. Nhà Phật gọi lòng hỷ ái ấy là Từ Bi. Do đây biết rằng: Người thế gian hỷ ái chẳng chân thành toàn vẹn, chẳng đủ thanh tịnh, bình đẳng, trí huệ, chẳng có đủ những điều ấy. Bởi thế, lòng hỷ ái của họ chẳng vĩnh hằng, thường bị biến chuyển. Đối với hết thảy chúng sanh, Phật, Bồ Tát hỷ ái vĩnh hằng bất biến, nếu quý vị hỏi vì sao ư? Vì các Ngài không tự tư, không tự lợi, không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Lòng hỷ ái ấy xuất phát từ tự tánh, tương ứng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, trí huệ. Nói cách khác, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác được biến thành hiện thực. Nếu không có từ bi, làm sao gọi là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng giác” cho được? Đều trở thành danh từ trừu tượng hết! Từ “sanh bình đẳng tâm, thành hỷ duyệt tướng” trở thành hiện thực, phải hiểu điều này, phải nhận rõ điều này!
Ở đây, Bồ Tát thể hiện ý nghĩa rất sâu, ngài Di Lặc “tượng trưng cho Nhất Sanh Bổ Xứ”, điều này rất trọng yếu. Di Lặc Bồ Tát là vị Phật thứ năm trong thế giới Sa Bà của chúng ta, hiện tại Ngài là vị Phật hậu bổ của Thích Ca Mâu Ni Phật, trụ trong Đâu Suất nội viện. Trong những buổi giảng, chúng tôi cũng thường nhắc tới chuyện thành Phật; đầy đủ những điều kiện nào thì mới thành Phật? Tri túc! Người tri túc bèn thành Phật. Bởi thế, Bổ Xứ Bồ Tát cũng chẳng ở nơi nào khác, Ngài nhất định phải trụ tại Đâu Suất. Đâu Suất (Tushita) là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Hán là “Tri Túc”. Đâu Suất thiên là Tri Túc thiên. Có tri túc mới có thể thành Phật; không tri túc, chẳng thể thành Phật! Người tri túc chẳng mong cầu, người không tri túc bèn tham cầu. Quý vị thấy Di Lặc Bồ Tát tượng trưng cho ý nghĩa này rất khéo! Ở đây, Di Lặc Bồ Tát tượng trưng cho pháp gì? Tượng trưng cho pháp môn này, người tu học pháp môn này giống như Bổ Xứ Bồ Tát, tuyệt quá! Thực sự là pháp khó tin, nhưng sự thật đúng như thế đó. Bởi lẽ, quý vị tu pháp môn này, một đời thành Phật, đó chẳng gọi là Bổ Xứ, thì gọi là gì đây?
Nay Di Lặc Bồ Tát đang ở trên trời Đâu Suất, tương lai sẽ hạ sanh trong thế gian này, thị hiện thành Phật. Chúng ta tu học pháp môn này vãng sanh thế giới Cực Lạc, theo học với A Di Đà Phật trong thế giới Cực Lạc, cũng là một đời viên mãn thành Phật, chẳng cần đợi đến đời thứ hai. Bởi thế, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho chúng ta biết Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong thế giới ấy, “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (các thượng thiện nhân cùng họp một chỗ), “thượng thiện” là Đẳng Giác Bồ Tát. Phàm những ai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ta đều có thể gọi họ là Đẳng Giác Bồ Tát. Trong tương lai, người ấy đến đâu để thành Phật? Chẳng phải ở thế giới Cực Lạc, mà là ở các nơi trong khắp pháp giới, hư không giới, chỗ nào có duyên bèn đến đó thành Phật. Vì thế, tổ sư đại đức thường chỉ dạy chúng ta hãy rộng kết pháp duyên, rất trọng yếu! Pháp duyên của quý vị thù thắng thì trong tương lai nơi để quý vị thành Phật sẽ rất nhiều! Vì sao? Kinh luận thường nói: “Phật chẳng độ kẻ vô duyên”, quý vị muốn độ người hữu duyên thì quý vị phải rộng kết pháp duyên đối với hết thảy chúng sanh, không kết duyên chẳng được.
Dưới đây, lại mở ngoặc: “Trung Quốc tạo tượng, biểu bình đẳng hỷ duyệt - Cực Lạc chi ý” (Trung Quốc tạo tượng nhằm thể hiện sự bình đẳng, vui sướng, thể hiện ý nghĩa Cực Lạc). Tôi vừa mới thưa cùng quý vị, cổ đức tán thán tượng ngài Di Lặc là “sanh bình đẳng tâm, thành hỷ duyệt tướng”, thành tựu tướng hỷ duyệt. Người tu Tịnh Độ chúng ta phải giống như Di Lặc Bồ Tát, bất luận ở đâu, bất luận gặp ai, đều chắp tay cười hì hì: “A Di Đà Phật”. Người tu Tịnh Độ ấy chẳng cần phải phân biệt người khác nói năng lành hay chẳng lành, đều chẳng ăn nhằm gì hết! Họ nói lời lành, ta A Di Đà Phật; họ nói lời chẳng lành, ta cũng A Di Đà Phật. Hết thảy thị phi, thiện ác đến chỗ ta thảy đều hóa thành A Di Đà Phật, đại từ đại bi!
Hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian đều quy vào A Di Đà Phật, vạn pháp quy nhất, nhất quy Tịnh Độ. Nhà Thiền hỏi: “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?” (Vạn pháp quy nhất, cái nhất đó quy về đâu?) Chúng ta có câu trả lời: “Vạn pháp quy nhất, nhất quy Tịnh Độ”. Cái quy nhất ấy là quy vào một câu danh hiệu, danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn; chúng ta chấp trì danh hiệu, quy tâm Tịnh Độ.
Bởi thế, hai vị Bồ Tát này khuyên nên nguyện, khuyên chúng ta hãy phát nguyện, nhất định phải khẳng định, nhận biết pháp môn này là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Pháp môn này “sanh bình đẳng tâm, thành hỷ duyệt tướng”, là pháp môn Nhất Sanh Bổ Xứ, quý vị còn cầu ở đâu nữa? Bởi lẽ, [những ai] vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát! A Duy Việt Trí là chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái! Chứng ba thứ Bất Thoái là chứng đắc của Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, tuy họ chứng được, nhưng chưa viên mãn. Chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái là hạng Bồ Tát nào? Tổ sư đại đức bảo: Từ Thất Địa trở lên, chẳng phải là hạng Bồ Tát bình thường, mà là Vô Sanh Nhẫn Bồ Tát, gọi là A Duy Việt Trí. Trong A Duy Việt Trí, cũng chia thành ba phẩm thượng, trung, hạ. Hạ phẩm là Thất Địa, trung phẩm là Bát Địa, thượng phẩm là Cửu Địa; trên nữa là Như Lai quả địa. Quý vị thấy pháp môn này thù thắng như vậy đó, chẳng cần phải trải qua nhiều A-tăng-kỳ kiếp, hay ba đại A-tăng-kỳ kiếp, chẳng cần! Một đời thành tựu, chẳng cần phải trải qua năm mươi mốt địa vị, không cần! Pháp môn này là pháp môn viên đốn, là pháp môn hy hữu khôn sánh!
Vị Bồ Tát thứ ba là Càn Đà Ha Đề. Càn Đà Ha Đề (Gandhahastin) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa Trung Quốc là Bất Hưu Tức (chẳng ngơi nghỉ), dũng mãnh tinh tấn.
Vị Bồ Tát thứ tư là Thường Tinh Tấn. Quý vị thấy “Bất Hưu Tức, Thường Tinh Tấn”, hai vị Bồ Tát này tượng trưng cho hạnh môn, khuyên hãy nên hành. “Như Thiện Tài chi tham học, nhất sanh tu chứng Tịch Quang Tịnh Độ” (như Thiện Tài đi tham học, trong một đời tu chứng Tịch Quang Tịnh Độ). Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, thị hiện cho chúng ta thấy [Ngài tu học] chẳng ngơi nghỉ, luôn tinh tấn. Thiện Tài nêu gương ấy cho ta thấy, một đời viên mãn thành tựu.
Bốn vị Bồ Tát này, Ngẫu Ích đại sư bảo ngài Văn Thù là cổ Phật tái lai, ai nấy đều biết điều này. Trong quá khứ, Ngài là thầy của bảy đức Phật. Nói cách khác, bảy người học trò của Ngài nay đã đều thành Phật, Ngài là thầy của bảy vị Phật. Nay Ngài đến đây vì chúng ta chứng minh: Pháp môn này trí huệ đệ nhất, thù thắng khôn sánh, Ngài có tư cách để chứng minh điều ấy cho chúng ta.
Di Lặc Bồ Tát là Đẳng Giác hậu bổ Phật; Bất Hưu Tức, Thường Tinh Tấn đều là các Bồ Tát thuộc địa vị cao, địa vị cao tức là Pháp Vân Địa hoặc Đẳng Giác, vì chúng ta thị hiện, khuyên lơn, chỉ bảo chúng ta: Pháp môn này chẳng dễ gì gặp được! Bài Khai Kinh Kệ có câu: “Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ” (Trăm ngàn vạn ức khó gặp gỡ). Đầu đời Thanh, cư sĩ Bành Tế Thanh viết: “Vô lượng kiếp lai, hy hữu nan phùng chi nhất nhật” (Ngày gặp được pháp môn Tịnh Độ là ngày hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay). Nay chúng ta gặp được, trong ngàn vạn kiếp hy hữu khó gặp, mà chúng ta gặp được; người ta thường nói quý vị rất hên! Gặp được rồi thì sao? Phải tin tưởng, phải phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, phải dũng mãnh, tinh tấn, chẳng thể phụ bạc một đời này, phải khéo niệm Phật! Phải biến việc này thành việc quan trọng bậc nhất trong cuộc đời này, làm sao thực hiện cho tốt? Phải nhớ lời Ấn Quang đại sư.
Ấn Quang đại sư xuất hiện trong thời cận đại, rất nhiều đồng học biết Ngài là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai. Trong thời đại hiện tại, đạo tràng như thế nào sẽ thích hợp nhất để tu hành, tu tập, bảo đảm quý vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới? Ngài dạy chúng ta nguyên tắc: Đạo tràng có quy mô nhỏ, người cùng tu chẳng quá hai mươi người. Đạo tràng nhỏ, ít người, dễ duy trì cuộc sống, chẳng cần hóa duyên, chẳng phải làm pháp hội, chẳng phải làm Phật sự siêu độ, cũng chẳng truyền giới, cũng chẳng giảng kinh, công khóa mỗi ngày đều giống như Phật thất, Phật thất suốt năm. Phật thất là bảy ngày, ở đây chúng tôi đề xướng mười Phật thất, tức là bảy mươi ngày, còn “thường niên Phật thất” tức là suốt cả năm đều giống như công khóa lúc đả Phật thất. Buông xuống vạn duyên, nhất tâm cầu Tịnh Độ.
Đồng tham đạo hữu như thế chẳng dễ cầu. Đạo tràng của chúng ta chẳng thể hoàn toàn tuân theo chỉ thị của Ấn Quang đại sư, vì ở đây chúng ta thêm một buổi giảng kinh. Vì sao phải giảng kinh? Nếu chẳng hiểu rõ đạo lý Tịnh tông, chẳng nhận rõ cảnh giới, thường bị ngã lòng. Nghe kinh nhiều, hiểu rõ đạo lý, giúp quý vị buông xuống, giúp quý vị đoạn nghi sanh tín, tín nguyện kiên định, đảm bảo quý vị một đời thành tựu, đạo lý là đây. Mọi chuyện khác chúng tôi đều không làm, đạo tràng này là giảng kinh, niệm Phật, tâm vĩnh viễn định. Bây giờ hết giờ rồi!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa