Pháp sư

[TẬP 14]: Phật Pháp Trọng Thực Chất, Chẳng Trọng Hình Thức.


Chư vị đồng học!

Chúng ta xem tiếp vị thứ mười trong mười sáu vị tôn giả:

 

La Hầu La.

睺羅。

 

Tôn giả La Hầu La (Rāhula) “mật hạnh bậc nhất”, Ngài là nhà thực hành, là con của Thích Ca Mâu Ni Phật. Danh tự này là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Hán là Phú Chướng, tên nghe không hay, có chướng ngại! Ở phần trên, trong bài Hương Tán có niệm câu “Tích nhật Da Thâu miễn nạn tiêu tai chướng” (Xưa bà Da Thâu thoát nạn tiêu tai chướng), Da Thâu Đà La là mẹ La Hầu La, Thích Ca Mâu Ni Phật là cha. Ngài mắc phải nạn gì? Mẹ Ngài mang thai sáu năm mới sanh ra Ngài. Người thông thường chỉ ở trong thai mười tháng, La Hầu La sáu năm. Do duyên cớ gì? Quả báo đấy! Đời trước gây nhân chẳng lành, đời này phải chịu nỗi khổ thai ngục. So với người thông thường Ngài phải chịu khổ nhiều gấp bội, người ta thông thường mười tháng, Ngài phải chịu sáu năm, hơn bảy mươi tháng, dài gấp bảy lần mọi người. Vì nguyên nhân gì? Trong kinh luận nêu nhiều lẽ, trong Kinh Luật Dị Tướng và Pháp Uyển Châu Lâm đều có ghi chép.

Theo một thuyết, cũng là theo kinh nói, trong đời quá khứ, ngài La Hầu La từng bít hang chuột, bít hang chuột sáu ngày, con chuột không chui ra khỏi hang được. Hành vi ác dữ cảm lấy quả báo như thế, ở trong bụng mẹ cũng chẳng ra được. [Ngài La Hầu La] lên chín tuổi, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy Xá Lợi Phất và Mục Kiện Liên độ cho La Hầu La xuất gia, Phật môn bắt đầu có sa-di, La Hầu La là vị đầu tiên. Trẻ nít ham chơi, người khác thấy La Hầu La hằng ngày chơi đùa, Thích Ca Mâu Ni Phật biết trong chơi đùa có tu hành, “mật hạnh bậc nhất”. Ngài tu Giới - Định - Huệ chẳng để lộ ra bóng dáng, người khác không thấy. Trước kia, Chương Gia đại sư bảo tôi điều này: “Phật pháp trọng thực chất, chẳng trọng hình thức”. Tôi nghe Chương Gia đại sư nói như vậy là lần thứ nhất. Lần thứ hai, tại Tân Gia Ba gặp tổng thống Nạp Đan (Sellapan Rama Nathan), ông ta cũng nói như thế. Lúc ấy, tôi rất kinh ngạc, ông ta nói giống hệt như Chương Gia đại sư: Phật giáo trọng thực chất, chứ không trọng hình thức. Đúng là người tầm thường chẳng thể nói được như vậy. Vị thứ mười một là:

 

Kiều Phạm Ba Đề.

梵波提。

 

Là bậc “được trời cúng dường bậc nhất”, nay ta gọi Ngài là nhà tôn giáo. Ngài cũng là “hiển thị nhân quả”, làm gương cho chúng ta thấy. Kiều Phạm Ba Đề (Gavāmpati) là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Hán là Ngưu Ty (trâu nhơi). Miệng Ngài suốt ngày từ sáng đến tối nhóp nhép, giống như trâu đang nhơi, Ngài vướng tập khí ấy. Rốt cuộc là vì nguyên nhân gì? Đức Phật đã giảng rất rõ: Trong đời quá khứ, tôn giả làm sa-di, trông thấy lão hòa thượng đang niệm kinh, tuổi đã già lụn, răng cỏ rụng mất nhiều, niệm chẳng rõ tiếng, chú sa-di ở bên cạnh chê cười: “Lão hòa thượng! Ông niệm kinh giống trâu nhơi quá!” Vị lão hòa thượng ấy lập tức kêu chú sa-di sám hối, bảo: “Ta đã chứng quả A La Hán, do khẩu nghiệp ấy, tương lai ngươi sẽ bị đọa địa ngục”. Chú sa-di nghe xong hết sức hoảng sợ, kinh hoàng, lập tức sám hối. Dù sám hối, do dư báo, vẫn bị đọa vào súc sanh đạo, năm trăm đời làm thân trâu. Vì vậy, tập khí rất sâu.

Trước kia châm chích người khác, ngỡ là chẳng có chuyện gì, đâu biết là quả báo nghiêm trọng. Phật, Bồ Tát thị hiện cho chúng ta thấy, đó là quả báo của ác khẩu, chẳng phải là vọng ngữ (nói dối), lưỡng thiệt (nói đôi chiều), ỷ ngữ (nói thêu dệt). Quả báo của ác khẩu là như thế. Những nghiệp khác: vọng ngữ là lừa dối người, lưỡng thiệt là khêu dậy thị phi, đáng tội rồi! Còn ở đây bất quá là gì? Ôm lòng làm khổ người khác, châm chích người khác, chẳng gây thương hại lớn cho lắm mà phải đọa làm thân trâu năm trăm đời!

Đời này tuy xuất gia học Phật, chứng đắc quả A La Hán, nhưng tập khí vẫn còn. Thích Ca Mâu Ni Phật bảo Ngài hằng ngày phải khất thực trên cõi trời, vì sao? Để người khác khỏi trông thấy Ngài như thế, lại chê cười Ngài, lại mắc phải quả báo đó, chẳng phải là hại người ư? Làm thế nào đây? Lên trời, lên đó ứng cúng. Chư thiên có thần thông, biết Ngài là đại A La Hán, sẽ tôn kính Ngài, chẳng dám chê cười. Bởi thế, mỗi ngày Ngài lên trời khất thực, chẳng ở trong nhân gian, được trời cúng dường bậc nhất. Sau tên Ngài, tôi viết “nhà tôn giáo” vì Ngài chẳng phải là kẻ tầm thường. Vị thứ mười hai là:

 

Tân Đầu Lô Phả La Đọa.

頭盧頗羅墮。

 

Tôn giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa (Pindola Bharadvaja), danh hiệu của Ngài dịch thành Bất Động. Ngài cũng có nhân duyên đặc biệt. Sau khi đức Phật nhập diệt, chúng ta biết rất nhiều vị đệ tử cũng trước sau nhập Niết Bàn; chỉ có vị tôn giả này tuân lời Thích Ca Mâu Ni Phật răn dạy, chẳng thể nhập Niết Bàn. Vì thế, vị tôn giả này vẫn còn hiện hữu trên thế gian. Phật giữ Ngài lại trong thế gian nhằm ý gì? Dạy Ngài làm phước điền cho chúng sanh thời Mạt Pháp, “ứng mạt thế cúng, vi nhân thiên phước điền” (nhận đời mạt cúng dường, làm ruộng phước cho trời người).

Vị tôn giả này sống lâu trong thế gian. Chúng ta muốn cúng dường Tam Bảo, cũng học đòi cổ nhân làm đại hội Vô Già một lần. Vô Già đại hội là thuật ngữ chuyên dụng trong Phật học, tức là bình đẳng cúng dường cho người xuất gia, hay “trai tăng”. Nhà Phật thường nói Thiên Tăng Trai (cúng trai tăng một ngàn vị), ngày nay chúng ta mời một ngàn vị xuất gia đến ăn cơm, cúng dường cơm chay, vật cúng dường hoàn toàn bình đẳng, đó là Vô Già đại hội. Nhất định có thánh hiền tăng đến thọ cúng (nhận cúng dường), người cúng cơm có phước, thực sự gieo phước điền. Tôn giả Tân Đầu Lô thường đến ứng cúng, ở đâu có người tu phước, Ngài bèn đến ứng cúng. Ngài dùng thân biến hóa mà đến, quý vị nhìn không ra đâu, chẳng khác gì người xuất gia thông thường. Trai chủ cúng cơm trong tâm thành kính, thành kính là Cảm, tôn giả bèn Ứng, cảm ứng đạo giao. Nếu cúng Trai Tăng chẳng có thành ý, Ngài chẳng đến, phải có thành ý! Tu phước, ta cúng Trai Tăng là vì cầu phước báo, cầu trí huệ, mong cầu chư Phật, Bồ Tát âm thầm gia trì. Vị thứ mười ba là:

 

Ca Lưu Đà Di.

留陀夷。

 

“Giáo hóa bậc nhất”, nay ta gọi Ngài là nhà giáo dục. Ca Lưu Đà Di

(Kaludayin) dịch là Hắc Quang. Ngài còn là sứ giả của Thích Ca Mâu Ni Phật, có trí huệ, có phương tiện thiện xảo, đầy đủ những điều kiện ấy mới có năng lực giáo hóa chúng sanh. Giáo hóa chúng sanh quan trọng nhất là lấy thân mình làm gương, ngôn hạnh, oai nghi thảy đều có thể cảm hóa chúng sanh. Công tác quan trọng nhất của đệ tử nhà Phật là gì? Cũng có rất nhiều người đã từng nghe nói qua! Chính là lấy hoằng pháp làm gia vụ, sự việc lớn nhất trong nhà Phật là giáo hóa chúng sanh. Thích Ca Mâu Ni Phật làm gương cho chúng ta, giảng kinh hơn ba trăm hội, hoằng pháp bốn mươi chín năm, làm cho chúng ta thấy. Lúc nào mới ra giảng kinh? Trước hết phải tu đức hạnh, lại phải thành tựu học vấn. Cổ nhân Trung Quốc thường nói là “phẩm học kiêm ưu” (đạo đức lẫn học vấn đều cao), Phẩm (品) là đức hạnh, vừa có đạo đức vừa có học vấn thì mới có thể tự hành dạy người. Tôn giả nêu tấm gương tốt cho chúng ta. Tiếp đó là vị thứ mười bốn:

 

Ma Ha Kiếp Tân Na.

訶劫賓那。

 

Danh hiệu vị này dịch nghĩa sang tiếng Hán là Phòng Tú (sao Phòng)[4] hay Tinh Tú. Tôn giả Ma Ha Kiếp Tân Na (Mahākapphina) là bậc “tri tinh tú đệ nhất”, nói như bây giờ Ngài là nhà thiên văn học, cũng là một loại khoa học gia.

 

Bạc Câu La.

拘羅。

 

Tôn giả Bạc Câu La (Vakkula), Bạc Câu La dịch nghĩa sang tiếng Hán là Thiện Dung. Thiện Dung là tướng mạo đẹp đẽ, tướng mạo Ngài tốt đẹp phi thường, vẻ mặt khiến người thoạt trông thấy liền sanh tâm vui thích, “thọ mạng đệ nhất”, nhân lành, quả lành. Trong kinh luận Đại Thừa, Tiểu Thừa Phật giáo thường dạy chúng ta: Sở cầu của hết thảy chúng sanh dẫu nhiều, nhưng quy nạp lại thì không ngoài ba loại lớn, thứ nhất là giàu có, thứ hai là thông minh trí huệ, thứ ba là mạnh khỏe sống lâu. Quý vị nghĩ xem có ai không mong cầu ba thứ này? Ba thứ này đều là quả báo. Quả ắt có nhân, nhân quả phải tương ứng. Ngạn ngữ thường nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (Trong nhà Phật, có cầu ắt ứng). Chúng ta hãy nghĩ xem trong nhà Phật, vì sao có cầu ắt ứng? Cầu chỗ khác không được, cầu trong nhà Phật bèn được. Vì sao? Phật biết nhân quả, nhân như thế nào, được quả như thế đó, đức Phật hiểu rõ.

Nói chung, nhân là tu Bố Thí. Đức Phật dạy con người phước huệ song tu. Trong phước huệ song tu, đặt phước lên đầu. Nhà Phật thường nói: “Tu Huệ bất tu Phước, La Hán thác không bát” (Tu Huệ chẳng tu Phước, La Hán ôm bát rỗng). Anh tu Huệ, chứng đắc quả A La Hán, nhưng chẳng tu Phước, đi khất thực chẳng được ai cúng dường, ngày ngày đói meo. Trái lại là “tu Phước bất tu Huệ, đại tượng quải anh lạc” (tu Phước chẳng tu Huệ, voi to đeo anh lạc). Phước báo rất lớn, nhưng chẳng có trí huệ, đời sau đọa trong đường súc sanh, đầu thai làm thân voi lớn. Con voi lớn ấy có phước báo, được vua nuôi. Quốc vương muốn ra ngoài, cưỡi con voi lớn đó, khắp thân voi phủ đầy anh lạc, châu báu, châu tỏa ánh sáng chói lòa, có phước nhưng không trí huệ! Bởi thế, đức Phật dạy nếu ai phước huệ song tu thì quả báo của quý vị sẽ vừa có trí huệ vừa có phước báo. Nếu cả hai thứ đều chẳng tu, người ấy tất nhiên đời đời kiếp kiếp bần cùng, hạ tiện. Chúng ta phải tin tưởng lời Phật, lời Ngài trọng yếu hơn bất cứ gì khác.

Hiện nay rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đang nghiên cứu, khám phá cách làm giàu. Chúng tôi trông thấy cảm khái vạn phần, quan sát cặn kẽ coi họ dạy, họ học những gì? Toàn là đổ công sức nơi duyên, chẳng có nhân! Ví như quản lý công thương, mọi kỹ thuật cho đến các mối quan hệ, họ căn cứ theo số liệu thống kê. Trên thế giới có bao nhiêu đại tài chủ, họ khởi đầu từ đâu? Kinh doanh như thế nào? Làm sao kiếm được nhiều tiền như thế? Nghiên cứu những thứ đó, muốn học đòi, muốn bắt chước theo. Chuyên gia, giáo sư giảng rành rẽ từng điều, nhưng chúng ta đứng bên cạnh nghe ngóng, bản thân họ chẳng phát tài, thậm chí cuộc sống của họ còn khá khó khăn. Cả đời dạy trong trường đại học, lúc về hưu (dạy khá thì được phong danh hiệu Giáo Sư), được các công ty mời mọc làm cố vấn, chẳng làm tài chủ! Anh hiểu được con đường làm giàu như thế, sao anh không phát tài? Bởi thế, chúng ta đứng ngoài thấy rất rõ, những điều họ học, họ dạy toàn là duyên, chẳng có nhân gì cả!

Giống như thế nào? Giống như chúng ta canh tác, trồng trọt. Đối với kỹ thuật trồng trọt, có thể nói là họ nghiên cứu rất kỹ, phân tích đất đai, thành phần nước, phân bón, khí hậu, ánh nắng, không khí, với những điều ấy họ đều nghiên cứu rất kỹ lưỡng, khuyết điểm của họ là gì? Họ không có hạt giống. Là những chuyên gia, nhưng không có hạt giống thì không trồng được gì hết! Hạt giống là gì? Trong mạng của quý vị phải có của cải. Trong mạng của quý vị chẳng có của cải, dù kỹ thuật, phương pháp hay đến đâu đi nữa, cũng chẳng thể phát tài! Trong mạng thực sự có của, chẳng cần hiểu phương pháp gì, bất luận làm cách nào, tài nguyên vẫn cuồn cuộn đổ tới.

Sự thật ấy chỉ có đức Phật biết rõ, đức Phật nói rất minh bạch. Trong mạng của quý vị có tiền của, trong bói toán gọi trường hợp này là “tài khố” (kho của cải), của cải ấy từ đâu mà có? Do bố thí mà có! Trong quá khứ, quý vị tu Tài Bố Thí rất nhiều, nên “tài khố” trong mạng quý vị phong phú, rất lớn. Bất luận làm nghề gì cũng đều phát tài. Trong quá khứ tiếc của, chẳng chịu bố thí, trong đời này kho đụn trống rỗng, học nghề khéo gì vẫn chẳng thể phát tài. Tối đa là học xong khóa học, tốt nghiệp rồi bèn vào công ty giúp người ta kiếm tiền, làm nhân viên cho người ta, chính mình chẳng phải là ông chủ!

Thông minh trí huệ do bố thí pháp, khỏe mạnh sống lâu do bố thí vô úy. Tôn giả Bạc Câu La thọ mạng bậc nhất, chúng ta thấy như vậy, biết là trong quá khứ, tôn giả đời đời kiếp kiếp bố thí vô úy rất nhiều. Ngài là thiện nhân, đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn, trông thấy hết thảy chúng sanh mắc phải tai nạn, Ngài vui vẻ ra tay giúp đỡ, do vậy, được quả báo trường thọ. Vị cuối cùng là:

 

A Nậu Lâu Đà.

耨樓馱。

 

Danh hiệu này dịch thành Vô Bần, đây cũng là hiển thị nhân quả. A Nậu Lâu Đà (Aniruddha) cũng là trong đời kiếp quá khứ lâu xa về trước, từng bố thí cúng dường một vị Bích Chi Phật. Bích Chi Phật đi khất thực, Ngài cung kính cúng dường. Ngài được phước báo dài nhiều kiếp (chẳng thể tính số năm, phải dùng số kiếp để tính). Bao kiếp chẳng chịu quả báo bần cùng. Duyên phận tốt đẹp, gặp Bích Chi Phật, tự mình có thể cung kính cúng dường, được phước báo ấy. Ngài cũng là em họ của Thích Ca Mâu Ni Phật, lúc nghe kinh pháp thường ngủ gật, tinh thần chẳng tỉnh táo, bị Thích Ca Mâu Ni Phật quở trách. Đức Phật mắng Ngài giống như loài ốc, loài nghêu, ngủ một giấc là ngủ cả ngàn năm, chẳng nghe được danh hiệu Phật.

Ngài A Nậu Lâu Đà rất buồn bực, sau khi bị Phật quở, thật dũng mãnh, tinh tấn, suốt bảy ngày bảy đêm không ngủ, bị mù mắt vì dụng công quá độ. Thích Ca Mâu Ni Phật thương xót, dạy Ngài tu một pháp môn, Ngài tu thành công. Tu thành công rồi, mở được Thiên Nhãn, trong Tăng đoàn được xưng là “bán đầu thiên nhãn”. Ngài nhìn chẳng cần tròng mắt, nửa đầu đều là mắt, đều thấy được, thấy phía trên, thấy khắp bốn phía, thấy cả đằng sau, “bán đầu thiên nhãn” đấy! Trong các vị A La Hán, Ngài là bậc “thiên nhãn đệ nhất, phước đức khốn học” (thiên nhãn bậc nhất, phước đức, nhọc nhằn học hành).

Trong kinh Phật dạy chúng ta, Thiên Nhãn của Tiểu Thừa A La Hán thấy được một tiểu thiên thế giới, thông thường, mọi A La Hán có thể thấy được một tiểu thiên thế giới. Tiểu thiên thế giới bao lớn? Nếu nói như cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, chúng ta biết một thế giới là một Ngân Hà Hệ (Milky Way, Galaxy). A La Hán thấy được một ngàn Ngân Hà Hệ chẳng cần dùng đến máy móc. Tất cả hết thảy tinh cầu trong một ngàn Ngân Hà Hệ đó, muôn hình muôn sắc, Ngài đều thấy rõ ràng, rành mạch; nhưng thiên nhãn do ngài A Nậu Lâu Đà tu thành có năng lực thù thắng, thấy được một đại thiên thế giới, tức là một tam thiên đại thiên thế giới. Thế giới Sa Bà này của đức Thích Ca Mâu Ni Phật đối với Ngài cũng chẳng có vấn đề, toàn thể thế giới Sa Bà, trên đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, dưới đến A Tỳ địa ngục, Ngài đều thấy rất rõ, đều hiểu rõ, “thiên nhãn đệ nhất” mà!

      Sau đó, chúng ta tổng kết phần nói về những vị ấy, từ ngữ “thử đẳng đại chúng” (các đại chúng này) chỉ tất cả những vị thường tùy của đức Thế Tôn, gồm một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, “bổn thị Pháp Thân đại sĩ” (vốn là Pháp Thân đại sĩ). Trong phần trên chúng tôi đã nói, những vị ấy là “đại A La Hán, chúng sở tri thức” (đại A La Hán, được mọi người hay biết). Đại A La Hán là tôn hiệu của Pháp Vân Địa Bồ Tát, chẳng phải là danh hiệu của người tầm thường. Thất Địa Bồ Tát, Bát Địa Bồ Tát, Cửu Địa Bồ Tát đều chẳng thể xưng [là Đại A La Hán]. Pháp Vân Địa Bồ Tát là Pháp Thân đại sĩ! Huống hồ trong số đó, lại có không ít vị là cổ Phật tái lai, “tác thị Thanh Văn” (thị hiện làm Thanh Văn), họ đến nơi này để thị hiện, chẳng thực sự  là  Tiểu  Thừa  A  La  Hán, Thanh Văn là Tiểu Thừa!

      Giống như diễn tuồng trên sân khấu, Ngài được phân công diễn vai Tiểu Thừa A La Hán, chứ trên thực tế đã sớm thành Phật. Nay trên sân khấu đóng vai Tiểu Thừa A La Hán, hoặc là quốc vương, đại thần, hoặc là trưởng giả, cư sĩ; thế gian này là một sân khấu lớn. Diễn xuất nhằm mục đích “chứng thử bất tư nghị pháp”, tức là chứng minh [pháp chẳng thể nghĩ bàn này] cho đại chúng! Trong câu “thử bất tư nghị pháp”, chữ “thử” chỉ kinh A Di Đà. Kinh A Di Đà thực sự là pháp môn chẳng thể nghĩ bàn, chỉ dạy hết thảy chúng sanh đới nghiệp vãng sanh, thân cận Phật Di Đà, viên thành Phật đạo trong một đời, chẳng cần đợi đến kiếp sau, một đời bèn viên mãn, mà cũng chẳng cần phải nói ba đại A-tăng-kỳ  kiếp, vô lượng kiếp gì cả, không cần đến! Một đời thành tựu, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới vô lượng thọ.

      Đến thế giới Cực Lạc thành Phật, thành một vị Phật viên mãn rốt ráo, chẳng cần phải mất một thời gian rất dài. Kinh Quán Vô Lượng Thọ cho biết: Vãng sanh Hạ Hạ Phẩm trong Phàm Thánh Đồng Cư Độ, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới chứng đắc quả Phật viên mãn cũng chỉ mất mười hai kiếp thôi! Quý vị hãy nghĩ nhé! So với ba A-tăng-kỳ kiếp, vô lượng A-tăng-kỳ kiếp thì mười hai kiếp chẳng phải là quá ngắn hay sao? Mà đó là gì vậy? Vãng sanh Hạ Hạ Phẩm đấy nhé! Nếu Thượng Thượng Phẩm vãng sanh trong Thật Báo Trang Nghiêm Độ, vừa về đó bèn “hoa khai kiến Phật, ngộ Vô Sanh”, lập tức thành tựu, trở thành Vô Sanh Nhẫn Bồ Tát. Vô Sanh Nhẫn Bồ Tát là Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa, thực sự chứng đắc! Trước khi chứng đắc thì sao? Khi chưa chứng đắc thì thọ dụng, thần thông, đạo lực của quý vị cũng chẳng kém Thất Địa, Bát Địa Bồ Tát cho mấy. Khi đức Phật giới thiệu cùng chúng ta bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật đã nói: “Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát”. A Duy Việt Trí Bồ Tát là Thất Địa Bồ Tát, từ Thất Địa trở lên; bởi thế, pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn! Các vị ấy đến chứng minh cho Thích Ca Mâu Ni Phật, những gì Phật dạy họ đều thị hiện, đều biến thành sự thật.

      “Tùng Phật chuyển luân, quảng lợi nhân thiên” (theo đức Phật chuyển pháp luân, lợi ích rộng khắp trời người). “Chuyển luân” là giáo hóa chúng sanh, giúp đức Phật thực hiện công tác giáo dục trong xã hội đa nguyên văn hóa. “Quảng lợi” là lợi ích rộng lớn, bố thí, cúng dường đại chúng trời người. Chúng ta tu bố thí, cúng dường thì chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát cũng tu bố thí cúng dường tại đây. Phước trí như biển trọn khắp pháp giới, hư không giới. Trong kinh nói “quảng lợi nhân thiên”, tức là đem pháp môn Trì Danh Niệm Phật này giới thiệu cùng đại chúng trời người. Người thiện căn chín muồi sẽ thành tựu trong một đời này. Họ hiểu rõ, họ giác ngộ, buông xuống vạn duyên, nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật.

      “Kim văn Tịnh Độ nhiếp thọ công đức” (nay nghe công đức nhiếp thọ của Tịnh Độ), nghĩa là đối với bộ kinh này, “tín thọ phụng hành, thật nãi dĩ thân tác tắc, khuyến ngô nhân thâm tín mạc nghi dã” (tin nhận phụng hành, thực sự lấy bản thân làm gương, khuyên chúng ta tin tưởng sâu xa, đừng nghi ngờ). Ở đây, mười sáu vị tôn giả khuyên dạy chúng ta, vì đại chúng thực nghiệm. Chớ cậy mình rất thông minh, ta chẳng cần phải học pháp môn này, ta có thể học pháp môn khác cao sâu hơn pháp môn này. Quý vị có thông minh, trí huệ bằng ngài Xá Lợi Phất hay không? Thần thông, năng lực có sánh bằng ngài Mục Kiền Liên hay không? Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đều chắc thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, quý vị hãy suy nghĩ kỹ đi!

      Nếu quý vị nói tôi không có thiện căn, tôi tội nghiệp sâu nặng, tôi chẳng có năng lực, hãy xem ngài Châu Lợi Bàn Đà Già, so với Ngài thì sao? Ta thấy ngài Châu Lợi Bàn Đà Già đâu được như mình, thế mà ngài Châu Lợi Bàn Đà Già niệm A Di Đà Phật bèn thành công; sao quý vị chẳng thể tu được? Mười sáu vị tôn giả, ai nấy đều có sở trường, giáo hóa các căn tánh bất đồng trong thế gian này, nêu gương mẫu rất khéo cho mọi người. Chỉ cần quý vị tin được, tiếp nhận được, y giáo phụng hành, chẳng có ai không thành công! Pháp môn này gọi là “vạn người tu, vạn người đến”, chẳng sót một ai hết!

      Hiện tại, vì sao niệm Phật chẳng dễ dàng như vậy? Giống như thầy Lý thường hay nói: “Một vạn người niệm Phật, thực sự vãng sanh cũng chẳng qua hai ba người mà thôi!” Do nguyên nhân nào? Hai ba người đó tin nhận phụng hành, còn những người niệm Phật kia, hơn chín ngàn chín trăm chín mươi bảy người kia, chẳng chịu tin nhận phụng hành! Họ chỉ niệm Phật miệng có, tâm không, không buông xuống phiền não tập khí thế gian, đối với danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần thế gian vẫn tham ái, vẫn lưu luyến, vậy thì không có cách chi hết! Trong Phật pháp thường nói “Phật chẳng thể độ kẻ vô duyên”, bọn họ là người vô duyên, vậy thì không có cách chi hết! Thực sự tin tưởng, thực sự tiếp nhận, thực sự phụng hành, buông xuống vạn duyên, buông thân tâm thế giới xuống, nhất tâm nhất ý chuyên cầu Tịnh Độ, chẳng một ai không được vãng sanh! A! Nay đã hết giờ rồi!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa