Xin hãy xem tiếp:
Giai thị đại A La Hán, chúng sở tri thức.
皆是大阿羅漢。眾所知識。
(Đều là các vị đại A La Hán, được mọi người quen biết).
“Giai thị” nghĩa là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người ấy “đều là”. Chúng ta nghe nói như vậy, biết rõ họ đều chẳng phải là người tầm thường. A La Hán vốn là danh xưng của quả vị Tiểu Thừa, quả vị tối cao trong Tiểu Thừa gọi là A La Hán. A là Vô, La Hán là Học; bởi thế, A La Hán dịch sang tiếng Hán là Vô Học. Vô Học nghĩa là như nay chúng ta nói “đã tốt nghiệp”. Công khóa tu học của anh thảy đều viên mãn cả rồi, chẳng còn gì để học nữa, thì gọi là tốt nghiệp nơi pháp Tiểu Thừa. Nay ở đây, kinh chép là “đại A La Hán”, chỉ rõ họ chẳng phải là Tiểu Thừa, mà là Đại Thừa. Địa vị Vô Học trong Đại Thừa là Thập Địa, tức là địa vị Pháp Vân Địa thứ mười trong mười Địa. Nói cách khác, một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị đây, học vị thấp nhất là Pháp Vân Địa Bồ Tát, địa vị cao lắm!
Kinh Nhân Vương chia Bồ Tát thành năm bậc, đều dùng chữ Nhẫn để gọi, cao nhất là Tịch Diệt Nhẫn. Pháp Vân Địa Bồ Tát là Tịch Diệt Nhẫn. Thấp hơn một bậc là Vô Sanh Pháp Nhẫn, Vô Sanh Pháp Nhẫn ai nấy đều nghe quen, trong kinh nhắc đến rất nhiều. Trong kệ Hồi Hướng cũng thường nói đến, còn Tịch Diệt Nhẫn ít nghe đến hơn. Tịch Diệt Nhẫn cao hơn Vô Sanh Pháp Nhẫn. Trong bài kệ Hồi Hướng của Tịnh tông, chúng ta thường niệm: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”, thường niệm hoài! Ngộ Vô Sanh tức là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vô Sanh Pháp Nhẫn là Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa, ba địa vị này chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Địa thứ mười, Đẳng Giác, Diệu Giác (Diệu Giác là quả vị Như Lai), ba địa vị này là Tịch Diệt Nhẫn, thanh tịnh tịch diệt. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền” (Sanh diệt đã diệt rồi, tịch diệt hiện tiền), nói về cảnh giới này, đây là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn! Như vậy, quý vị mới hiểu thân phận rốt ráo của những vị đó. Trên sân khấu, họ đóng những vai khác nhau, chứ sự thật đều là Phật, Bồ Tát Tịch Diệt Nhẫn.
Đã nói đến A La Hán thì cũng phải giới thiệu đơn giản như thế này:
Trong danh từ A La Hán bao gồm ba ý nghĩa:
1) Thứ nhất là Ứng Cúng. Phước huệ viên mãn, trong Tiểu Thừa là tiểu viên mãn, trong Đại Thừa là đại viên mãn. Ngài xứng đáng tiếp nhận đại chúng cúng dường, cho nên gọi là Ứng Cúng. Vì sao? Ngài thực sự là ruộng phước cho hết thảy chúng sanh, cúng dường Ngài có phước báo, gieo phước điền! Phước báo rốt cuộc ở tại đâu? Ta gieo phước ấy, ta được những gì? Con người hiện thời khởi tâm động niệm chẳng lìa khỏi tánh thực dụng, đúng là rất thực dụng, không giả chút nào! Vị A La Hán đó có trí huệ, có đạo đức, có năng lực, chúng ta cúng dường Ngài, phục vụ Ngài, chúng ta không có trí huệ, chẳng có phước báo, Ngài trụ trong thế gian này, hoặc bất luận trụ trong thế giới nào, Ngài luôn mang thiện tâm thiện ý giáo hóa chúng sanh, dạy những gì? Dạy làm sao tu phước, dạy làm sao tu huệ. Quý vị nói xem hạng người như vậy ta có nên cung kính cúng dường hay chăng? Chúng ta cung kính cúng dường có phải là được phước báo hay chăng? Thực sự được phước báo.
Trong sự nghiệp của Ngài, ta có một phần duyên trong đó. Cúng dường bất luận là bao nhiêu, thành tâm, thành ý, đó là pháp bình đẳng. Cúng dường bao nhiêu không bàn đến, thành tâm thành ý cúng dường, tận tâm tận lực cúng dường, quý vị đạt được phước huệ trọn phần. Tận tâm tận lực cúng dường, thành tâm thành ý cúng dường, quý vị đạt phước huệ chân thật. Quý vị ức niệm Ngài, quan sát Ngài, thường xuyên nghĩ đến Ngài, tự nhiên ta sẽ sanh trí huệ, sanh phước đức. Chúng ta học Phật, thử hỏi có phải là chúng ta thường nghĩ đến Thích Ca Mâu Ni Phật, hoặc thường nghĩ đến A Di Đà Phật, thường xuyên quán sát Thích Ca, Di Đà. Các Ngài chẳng ở đây, ta quan sát bằng cách nào? Trong kinh điển giới thiệu rất rõ ràng, đọc tụng kinh điển là quan sát những hành vi của các Ngài.
Ngài đối với hết thảy mọi người, đối với hết thảy chúng sanh - hết thảy chúng sanh ở đây bao gồm cả hoàn cảnh tự nhiên, thực vật, khoáng vật. Hiện tượng tự nhiên đều do các duyên hòa hợp mà sanh; bởi thế, đều gọi là “chúng sanh”. Quán sát Ngài đối đãi thiên địa quỷ thần bằng cái tâm gì, thái độ như thế nào, hành vi ra sao? Chúng ta phải học tập theo đó. Bởi lẽ, tấm lòng, thái độ, cách làm của Ngài đều là thuần chánh, chánh chứ không tà, giác chứ không mê, tịnh chứ chẳng nhiễm, thuần tịnh, thuần chánh, thuần giác. Quý vị tụng kinh, hằng ngày niệm kinh, miệng có, tâm không, chẳng thể đạt được lợi ích. Quý vị xem chẳng phải là cổ đức thường dạy chúng ta: “Tụng kinh phải tùy văn nhập quán” đó sao? Dõi theo kinh văn, khiến cho kinh văn và tâm mình dung hợp thành một thể, thì gọi là “tùy văn nhập quán”,thực sự biến thành của mình thì mới thực sự được lợi ích.
Nếu kinh vẫn là kinh của Thích Ca Mâu Ni Phật, tư tưởng kiến giải của chính mình vẫn là phiền não tập khí thì có ích gì? Đọc kinh kiểu đó chỉ là tốt lành ngoài miệng mà thôi, tâm hạnh chẳng hề thay đổi, chẳng dung nhập, chẳng khế nhập. Bởi thế, quý vị chẳng thể khế nhập cảnh giới nói trong kinh luận. Quý vị chẳng hấp thụ được một tí xíu xiu chất bổ nơi kinh luận! Kinh ấy chỉ niệm xuông; thời gian, tinh lực đều lãng phí hết. Nói dễ nghe hơn một chút là “một phen thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo”, gieo hạt giống vào A Lại Da Thức mà thôi, hiện tại chẳng khởi tác dụng. Nói như vậy cũng là thật, chẳng giả đâu! Do vậy, có đọc vẫn hơn tốt hơn không đọc. Bất luận quý vị hữu tâm hay vô tâm, trong A Lại Da thức đều được gieo hạt giống. Hữu tâm, có ý thức đọc thì sức của chủng tử ấy mạnh hơn một chút. Vô tâm, vô ý, bất đắc dĩ miễn cưỡng tiếp nhận thì sức của chủng tử ấy rất yếu mỏng. Bố thí, cúng dường là tu phước! A La Hán là Ứng Cúng.
Trước lúc chứng A La Hán thì ôm bát khất thực, bởi thế trong nhà Phật gọi Khất Sĩ; tỳ-kheo xưng là Khất Sĩ (chữ tỳ-kheo có ba ý nghĩa); chứng A La Hán rồi, chẳng gọi là Khất Sĩ nữa, mà gọi là Ứng Cúng. Khất là khất thực, người Trung Quốc gọi là “khất cái” (ăn mày), nhưng họ chẳng phải là Cái mà là Sĩ. Sĩ là gì? Là người đọc sách ở Trung Quốc. Tỳ-kheo có đạo đức, có học vấn, nên gọi là Sĩ.
2) Ý nghĩa thứ hai, A La Hán có nghĩa là Sát Tặc (giết giặc). Trong quá khứ, trước kia tôi ở Đài Loan, đã từng có một vị linh mục Thiên Chúa giáo cũng thường xem kinh Phật. Có lần, ông ta hỏi tôi: “Sao A La Hán vẫn còn bất thiện như thế? Ông ta còn sát tặc! Phật giáo các ông nói chẳng sát sanh, sao ông ta lại giết giặc?” Đó là đọc theo văn tự, chẳng hiểu rõ ý nghĩa bên trong. “Tặc” ở đây không phải là người, mà là gì? Là phiền não, ví phiền não như kẻ giặc. Bởi lẽ, nếu chúng ta gặp phải giặc, tài vật sẽ bị chúng nó cướp hết, tổn thất tài vật.
Phật nói con người có phiền não (Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, Vô Minh phiền não) chướng ngại pháp tài công đức nơi tự tánh, khác nào bị kẻ trộm đoạt đi, chẳng dùng được, chẳng thọ dụng được. Bởi thế, ví phiền não như giặc, Sát Tặc là đoạn phiền não, là chuyển biến phiền não, có nghĩa như vậy, chứ chẳng phải là thực sự giết người! Phật, Bồ Tát dầu gặp kẻ trộm vặt hay cường đạo đến uy hiếp, cướp đoạt, các Ngài vẫn gật gù, cười mỉm, hoan hỷ, sung sướng, chắc chắn chẳng so đo, lẽ đâu giết nó! Bởi thế, Tặc ở đây là phiền não. Tại nhân địa (khi còn tu nhân), tức là nơi tỳ-kheo thì xưng là Phá Ác, tức là đoạn ác tu thiện.
3) Thứ ba, A La Hán có nghĩa là Vô Sanh. Tiểu Thừa A La Hán chẳng còn thọ sanh trong luân hồi lục đạo, đã dứt sanh tử trong luân hồi lục đạo. Họ có vào luân hồi lục đạo là thừa nguyện tái lai, chứ chẳng vì nghiệp lực, bởi thế gọi là Vô Sanh. Nơi nhân địa, tỳ-kheo xuất gia gọi là Bố Ma. Một người thực sự phát tâm xuất gia, Ma Vương đau đầu, cảm thấy hoảng sợ, vì sao? Ma Vương ái dục hết sức nặng, mà cũng hết sức chấp trước. Hắn thống trị thế gian này, tất cả hết thảy người, hết thảy chúng sanh trong thế gian hắn đều cho là quyến thuộc của mình. Nay quyến thuộc đó phát tâm xuất gia, muốn lìa khỏi hắn, muốn vượt khỏi tam giới lục đạo, hắn rất bực bội, cho nên hoảng hốt. Đó là ý nghĩa thứ ba.
Nay chúng ta hiểu Đại A La Hán, Đại A La Hán Vô Sanh, phải nhanh chóng đoạn hết vô minh, bốn mươi mốt phẩm vô minh chỉ còn hai phẩm chưa đoạn, thực sự vô sanh. Sát Tặc cũng là đoạn phiền não, đoạn sạch Trần Sa phiền não, đoạn sạch Kiến Tư phiền não, Vô Minh phiền não cũng sẽ phải đoạn sạch. Trí huệ, năng lực, tướng hảo giống như Phật quả, chẳng kém Như Lai cho mấy, hết sức gần, Bởi thế, Ngẫu Ích đại sư lại bảo chúng ta: Các vị ấy đều là Pháp Thân đại sĩ, thị hiện thân phận Thanh Văn để vì chúng ta chứng minh pháp môn Tịnh Độ trì danh niệm Phật này chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế, gọi là Đại.
Những vị ấy gần bên đức Phật, mỗi cá nhân đều thị hiện có năng lực thù thắng, nay chúng ta gọi là “chuyên trường” (sở trường). Mỗi cá nhân đều có sở trường thù thắng, được đại chúng trong xã hội biết đến, cũng như nay ta nói “mức độ nổi danh rất cao”. Những vị ấy hằng ngày theo Phật, học tập theo Phật, người thế gian trông thấy như vậy sẽ chịu ảnh hưởng của họ: Nhất định là Phật rất có đạo đức, rất có học vấn; nếu không, những vị kia sao lại học với Ngài? Bởi thế, các vị ấy là Ảnh Hưởng Chúng của hết thảy đại chúng. Giúp Phật giáo hóa chúng sanh, đó là “chúng sở tri thức”. “Chúng” là đại chúng trong xã hội. Đại chúng trong xã hội đều hay biết, mức độ nổi danh rất cao, ai nấy đều nhận biết (“tri thức”). Hoặc có thể nói: Tri là nghe tiếng, Thức là từng gặp mặt. Hiểu ở mức độ sâu hơn, Tri là biết người ấy, cũng như đã từng gặp gỡ người ấy; Thức là gì? Thức là khá hiểu rõ, biết rõ người ấy. Tiếp đó, kinh nêu danh hiệu các bậc Thượng Thủ.
6.1.1.6.3.2. Nêu tên chúng Thanh Văn thượng thủ
Trưởng lão Xá Lợi Phất.
長老舍利弗。
Tổng cộng gồm mười sáu vị. Ngẫu Ích đại sư chia thành sáu loại lớn:
1) Loại thứ nhất là đạo đức, trí huệ, tài năng, “đức huệ tài năng” là loại thứ nhất.
2) Loại thứ hai tương phản sít sao, “ngu muội độn căn”. Ngu muội độn căn chỉ có một vị, trong mười sáu vị chỉ có một vị, khi nào giảng đến, tôi sẽ giới thiệu cùng quý vị.
3) Loại thứ ba là “hiển thị nhân quả”. Hiển (顯) là tỏ rõ, Thị (示) là trình bày. Quá khứ gieo nhân, hiện tại chịu quả báo.
4) Loại thứ tư hoàn toàn tương phản, “thiện tàng dưỡng hối” (khéo giấu công phu tu dưỡng). Các vị này thực sự có đạo đức, có học vấn, có năng lực, nhưng chẳng tỏ lộ. Quý vị thấy họ tựa hồ tầm thường, nhìn chẳng ra đâu. Người Trung Quốc thường nói những người như vậy là “thâm tàng bất lộ”; nhưng Ngẫu Ích đại sư dùng nhóm chữ ấy rất hay, thâm tàng bất lộ không bằng “thiện tàng dưỡng hối”.
5) Loại thứ năm là “thế pháp phương tiện”, tức là tùy thuận thế gian, hành pháp phương tiện.
6) Cuối cùng là “tinh tấn phá chướng”, dũng mãnh, tinh tấn phá nghiệp chướng.
Chia thành sáu loại, nay chúng tôi giới thiệu từng vị một.
Vị thứ nhất là Xá Lợi Phất (Śāriputra), “trưởng lão Xá Lợi Phất”. Trong Phật pháp, Ngài đức cao trọng vọng, lại còn cao tuổi. Tuổi tác trẻ quá chẳng thể xưng là “trưởng lão”, nói chung phải có tuổi một chút. Trong quá khứ phải từ bốn mươi tuổi trở lên. Người bốn mươi tuổi trở lên, có đạo đức, có học vấn mới xưng là Trưởng Lão. Phật môn cũng chẳng ngoại lệ, nhà Phật tính theo thời gian xuất gia. Quý vị xuất gia đã lâu, có đạo đức, có học vấn, mọi người tôn xưng là Trưởng Lão. Trong các đồng học, ngài Xá Lợi Phất đại diện cho trí huệ bậc nhất. Nếu nói theo cách bây giờ, Ngài là một triết gia.
Trong xã hội đương thời, vị này đức cao trọng vọng, mọi người đều biết Xá Lợi Phất trí huệ trác tuyệt, biện tài vô ngại, suốt cả đời chưa từng gặp đối thủ. Thử nghĩ con người như thế theo học với Thích Ca Mâu Ni Phật, suốt đời chẳng lìa khỏi Thích Ca Mâu Ni Phật, ở sát bên Thích Ca Mâu Ni Phật thì Thích Ca Mâu Ni Phật là người như thế nào mà có thể khiến cho Xá Lợi Phất tâm phục, khẩu phục, biểu hiện ra hành động như thế? Tất nhiên Thích Ca Mâu Ni Phật đáng để chúng ta tôn kính, đáng để chúng ta học theo. Quý vị nhìn vào Xá Lợi Phất thì hiểu Ngài giúp Phật giáo hóa chúng sanh. Chúng tôi đọc trong kinh thấy Thích Ca Mâu Ni Phật nói Xá Lợi Phất là cổ Phật tái lai, đã thành Phật từ bao nhiêu kiếp trước. Nay Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật tại nơi đây, Ngài cũng đến, thị hiện thân phận Thanh Văn, giúp Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa. Vị thứ hai là:
Ma Ha Mục Kiền Liên.
摩訶目犍連。
Ma Ha (Mahā) là tiếng Phạn có nghĩa là Lớn. Đương thời, tôn giả Mục Liên (Maudgalyāyana) cũng rất nổi danh, được biết đến rất nhiều. Sở trường của Ngài là “thần thông đệ nhất”, cũng giống như nay ta nói Ngài là nhà khoa học. Thần thông của các nhà khoa học hiện nay thực sự chẳng thể so sánh với ngài Mục Kiền Liên. Thiên nhãn của ngài Mục Kiền Liên thấy được tam thiên đại thiên thế giới, thấy được thế giới nhỏ li ty. Khoa học gia hiện tại phát minh ra những khí cụ: Viễn vọng kính có thể thấy được rất xa, kính hiển vi thấy được thế giới vi sinh vật; nhưng các nhà khoa học sáng chế rất nhiều khí cụ, lợi dụng những khí cụ đó để quan sát, chứ ngài Mục Liên không cần đến chúng. Ngài thị hiện thần thông biến huyễn khiến cho người ta tôn kính. Hai vị tôn giả này đều là đạo đức, trí huệ, tài nghệ vượt trỗi hơn người, trong tất cả các đồng học, nói theo cách chúng ta hiện thời, hai ngài là bậc nhân tài kiệt xuất. Vị thứ ba là:
Ma Ha Ca Diếp.
摩訶迦葉。
Vị này cũng thị hiện rất nhiều tài nghệ. Ma Ha dịch là Đại, Đại Ca Diếp (Mahā-Kāśyapa). Ngài có năm trăm đồ chúng (đệ tử), sau đều quy y Thích Ca Mâu Ni Phật, toàn bộ biến thành Thường Tùy Chúng của Phật. Danh hiệu Ca Diếp có nghĩa là Ẩm Quang (uống ánh sáng); trên thân Ngài có ánh sáng vàng, ánh sáng vàng ròng từ đâu có? (Bởi thế Ngài cũng là thị hiện nhân quả). Trong quá khứ, Ngài dùng vàng ròng tu bổ tượng Phật. Tượng Phật cũ rồi, tượng Phật thếp vàng, nhưng vàng thếp bị rớt mất, chẳng còn trang nghiêm nữa. Ngài phát tâm thếp vàng, bởi thế, cảm được quả đời đời kiếp kiếp thân có ánh sáng vàng ròng. nhục nhãn phàm phu không thấy được sự việc này, chứ nói thật ra, hoàn toàn không khó thấy, người tu Định đều có thể thấy. Tâm địa thanh tịnh thì quý vị sẽ thấy thân của mỗi cá nhân đều có ánh sáng vàng ròng, màu sắc chẳng giống nhau, lớn nhỏ khác nhau. Từ màu sắc của ánh sáng có thể biết được tình trạng sức khỏe, đó là điều người hiện thời rất quan tâm. Rất nhiều người luyện Khí Công có chút thành tựu, thấy được khí của người khác, nhà Phật chúng ta gọi là Quang, họ gọi là Khí.
Khi trước tôi ở Mỹ Quốc, ở Gia Nã Đại, từng gặp những người có công năng đặc dị từ Trung Quốc đến. Họ là bậc thầy Khí Công, bọn họ dạy Khí Công ở đó. Họ đều có thể thấy được, thấy người nào trên thân có quang minh hoàng kim là tốt nhất. Ánh sáng vàng, ánh sáng trắng, ánh sáng đỏ, ánh sáng lam, ánh sáng màu tro, rất nhiều thứ. Thầy Khí Công cũng trị bệnh cho người ta, họ trị bệnh bằng cách nhìn màu của Khí, tìm ra bộ vị mắc bệnh, sau đó mới trị liệu, cũng có hiệu quả kha khá. Bởi thế, người theo học rất nhiều. Giống như họ thấy được, người tu Định cũng thấy được.
Tôn giả Ca Diếp là kim quang, quang minh màu vàng ròng, Ngài là vị Đầu Đà đệ nhất. Đầu Đà (Dhuta) là khổ hạnh, khổ hạnh Tăng. Ngài Ma Ha Ca Diếp nhà cửa giàu có, xuất thân là con cháu gia đình giàu có mà có thể tu khổ hạnh, thật hiếm có, đáng quý! Nếu xuất thân từ gia đình bần cùng mà tu khổ hạnh thì nói trắng ra chẳng khiến mấy ai chú ý. Ngài xuất thân từ gia đình phú quý, lại muốn tu khổ hạnh, đại chúng trong xã hội rất chú ý. Vì sao Ngài sống cuộc đời như thế? Trong phương thức sanh hoạt ấy nhất định có đạo lý, nếu không, sao Ngài lại vứt bỏ phú quý, buông bỏ hết thảy hưởng thụ, đi tu khổ hạnh? Tu khổ hạnh, tham, sân, si, mạn, danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần thảy đều thực sự buông xuống. Buông xuống liền được đại tự tại! Thích Ca Mâu Ni Phật “niêm hoa vi tiếu” (cầm cành hoa giơ lên mỉm cười), đại chúng trong pháp hội khi ấy đều cảm thấy hoang mang, chẳng biết Thích Ca Mâu Ni Phật ngụ ý gì?
Thật ra, chư vị phải hiểu các Ngài đều diễn tuồng. Một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị ấy, đừng nói chi khác, chỉ đơn giản là Thường Tùy Chúng của đức Thế Tôn, đều là đại A La Hán, lẽ đâu chẳng biết! Đương nhiên là biết! Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đều là cổ Phật tái lai, ngài Ca Diếp cũng là cổ Phật tái lai. Vai kịch cuối cùng giao cho Ngài diễn, dành cho ngài Ma Ha Ca Diếp biểu diễn. Bởi thế, ngài Ca Diếp thấy động tác ấy của đức Thích Ca Mâu Ni Phật bèn mỉm cười, Thích Ca Mâu Ni Phật giao cành hoa cho tôn giả, nói: “Ta có Niết Bàn diệu tâm, Ca Diếp hiểu được ý ấy, bèn giao cho ông ta”. Ngài trở thành Sơ Tổ Thiền Tông. Câu chuyện này có chép trong kinh điển.
Bởi vậy, Ngài “khổ hạnh thanh cao”, Thiền tâm là chân tâm, mọi
người chúng ta thấy Ngài rất khổ, cuộc sống rất khổ. Thật ra, Ngài sướng ta không hiểu nổi. Ngài ở trong cảnh giới Thiền, chúng ta sống trong ngũ dục lục trần, khổ lắm! Các Ngài thấy đó là khổ. Ta thấy các Ngài khổ, các Ngài thấy ta khổ. Ta cho mình rất vui, ta chẳng hiểu được niềm vui của các Ngài. Niềm vui Thiền Duyệt, đừng nói chúng ta không thể hiểu tí xíu gì về niềm vui Thiền Duyệt, ngay cả niềm vui đọc sách chúng ta cũng chưa thể hiểu nổi. Khổng lão phu tử nói “học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ” (học rồi làm theo, cũng chẳng vui ư), nay chúng ta “học rồi làm theo, chẳng khổ lắm ư?” Khổ quá chừng, vui ở chỗ nào? Bởi thế, đừng nói là cảnh giới của Phật, Bồ Tát; cảnh giới của Khổng lão phu tử đã có mấy ai hiểu nổi? Trong lịch sử Trung Quốc, người thực sự hiểu được niềm vui đọc sách chẳng có mấy ai! Hiểu được niềm vui đọc sách đều là thánh hiền. Hiểu được niềm vui Thiền Duyệt là cảnh giới của Bồ Tát, đâu phải cảnh giới phàm nhân!
Tối cao là “sanh diệt đã diệt, tịch diệt là vui”, là sở chứng thuộc quả vị Như Lai. Từ Cửu Địa Bồ Tát trở về trước đều không có cách chi hiểu được. Vì thế, trong pháp tánh có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, là chuyện thật, chứ không phải giả. Thường là bất sanh, bất diệt, vĩnh hằng bất biến. Lạc là niềm vui thực sự, quyết định chẳng khổ. Ngã là chủ tể, là tự tại. Tịnh là thanh tịnh, mảy trần chẳng nhiễm. Trong tự tánh vốn sẵn có [những đức năng] như thế, đức Phật gọi là “tứ tịnh đức”, [tức là] bốn thứ đức lớn thanh tịnh, hết thảy chúng sanh ai nấy đều có đủ.
Vì sao bốn tịnh đức của quý vị chẳng hiện tiền? Vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc. Lìa vọng tưởng, chấp trước là Thiền Định rất sâu. Bởi thế, Thiền Định chẳng phải là “diện bích” (nhìn vào vách), Thiền Định diện bích chẳng khởi tác dụng. Thiền Định là sống động, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, đi, đứng, nằm, ngồi thảy đều là Thiền, vì hết thảy chúng sanh thị hiện mọi thứ, giáo hóa đủ cách. Tâm kẻ ấy là tâm thanh tịnh, chẳng hề khởi tâm, động niệm; phân biệt, chấp trước, thảy đều chẳng có. Vì sao họ làm được như vậy? Tánh đức tự nhiên lưu lộ, pháp vốn là như vậy, người ấy vốn sẵn là như vậy.
Vì vậy, nếu quý vị hỏi vì sao những mẫu nước kết tinh của tiến sĩ Giang Bổn Thắng lại có những biến hóa như thế? Nó vốn sẵn là như thế, chắc chắn chẳng hề có mảy may vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nào, nhất định chẳng có; nhưng nước có năng lực, năng lực ấy là bản năng (năng lực sẵn có) có thể phản ứng thuận theo hoàn cảnh bên ngoài. Do phản ứng nên tạo thành biến hóa. Tình hình, năng lượng bên ngoài thiên biến vạn hóa, nước cũng phản ứng biến hóa theo. Bởi vậy, chắc chắn chẳng có hai kết tinh giống nhau. Điều này cho thấy hết thảy chúng sanh chẳng có hai người có cùng ý niệm, vì ý niệm sanh diệt trong từng sát-na. Trong một đời này, đời đời kiếp kiếp, chắc chắn quý vị chẳng có hai ý niệm nào hoàn toàn tương đồng! Từ phản ứng kết tinh của vật chất, quý vị có thể chứng minh được điều đó. Lại xem tiếp vị thứ tư:
Ma Ha Ca Chiên Diên.
摩訶迦旃延。
Đây cũng là bậc đức huệ, tài năng, luận nghị bậc nhất. Ca Chiên Diên (Katyayana) là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Hán, thì cổ nhân có vị dịch là Văn Sức. Văn (文) là văn thái (phong cách văn chương), Sức (飾) là bóng bảy. Nói theo ngôn từ hiện thời, Ngài là nhà văn học, cũng là vị rất nổi danh trong xã hội đương thời, luận nghị bậc nhất. Luận nghị, có thể nói theo cách bây giờ là bình luận gia. Muốn trở thành một bình luận gia, nhất định phải biết nhiều thấy rộng, học rộng nghe nhiều thì mới làm được. Ngài có học vấn cao thâm, thực sự có trí huệ, học thức phong phú, mới có thể thành một bình luận gia hạng nhất được, luận nghị bậc nhất. Nay đã hết giờ rồi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa