Pháp sư

[TẬP 114]: Nay Gặp Được Pháp Môn Niệm Phật Này Là Vô Thượng Pháp Bảo.


 

Chư vị đồng học!

      Xin xem tiếp đoạn khai thị cuối cùng của thiền sư Trung Phong. Hai câu cuối cùng là:

 

      Trực chứng A Bệ Bạt Trí, viên mãn vô thượng Bồ Đề.

      直證阿鞞跋致。圓滿無上菩提。

      (Chứng thẳng vào Bất Thoái Chuyển, viên mãn Bồ Đề vô thượng).

 

      Hai câu này chúng ta phải đặc biệt lưu ý, bởi chúng quá hy hữu! Hết thảy chư Phật xưng tán, tôn kính A Di Đà Phật, nói thật ra, chính là vì hai câu trên. Hai câu trên đây chính là điểm đặc sắc của Tây Phương Cực Lạc thế giới, mười phương các cõi Phật không có, riêng mình thế giới Cực Lạc có. Chính vì sự thật này khiến cho chúng tôi nghĩ rằng đây chính là lý do Văn Thù và Phổ Hiền trong thế giới Hoa Tạng muốn cầu sanh Tịnh Độ.

      Xưa kia, tôi đọc Hoa Nghiêm, nghĩ về vấn đề này rất lâu! Văn Thù, Phổ Hiền là tay mặt, tay trái của Tỳ Lô Giá Na Phật trong thế giới Hoa Tạng, là những vị đại sĩ phụ tá của Pháp Thân Như Lai, không phải là hạng Bồ Tát tầm thường, vì sao lại muốn cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới? Về sau, tôi nghĩ trong kinh Phật thường nói: Tu hành chứng quả phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, đức Phật nói như vậy rất nhiều lần, chứng tỏ đấy không phải là nói tỷ dụ, mà là sự thật. Ba đại A-tăng-kỳ kiếp tính từ lúc nào? Nguyên lai tính từ địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo; nói cách khác, thời gian tu hành trước khi chứng được địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo chẳng tính đến. Nếu kể từ khi chúng ta phát tâm, tu cho đến Bồ Tát pháp giới và Phật pháp giới trong mười pháp giới, nếu tính chung lại, đức Phật nói phải mất vô lượng kiếp, chứ nào phải chỉ ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Chúng tôi tin tưởng điều này, vì sao?

Nay mỗi đồng học học Phật chúng ta, nghe đến danh hiệu Phật bèn chắp tay, trông thấy tượng Phật bèn lễ bái, thiện căn như vậy không phải là ngẫu nhiên. Phải là tu tập nhiều đời nhiều kiếp, do chủng tử hàm tàng trong A Lại Da Thức hiện hành nên quý vị mới có thái độ kiền thành như thế; nhưng mà sao? Không có thành tựu. Khiến cho chúng tôi nghĩ đến trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn có nhắc đến vương tử A Xà Thế và đoàn thể nhỏ của ông ta. Khi ấy, đức Thế Tôn giảng kinh Vô Lượng Thọ, bọn họ hiện diện, nghe xong hết sức hoan hỷ, cúng Phật, trong tâm phát nguyện hy vọng tương lai tự mình thành Phật cũng giống như A Di Đà Phật, chứ không phát tâm cầu được vãng sanh, tức là chẳng sanh khởi ý niệm “vãng sanh Cực Lạc thế giới, thân cận A Di Đà Phật”. Đức Phật dạy: Mấy vị thuộc nhóm vương tử A Xà Thế trong đời quá khứ đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật. Đừng nói chi nhiều, một đức Phật thôi đã là ba A-tăng-kỳ kiếp, bốn trăm ức còn lâu đến đâu nữa! Tu hành trong thời gian lâu xa ngần ấy, nghe đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sanh tâm ngưỡng mộ, nhưng không phát tâm cầu nguyện vãng sanh!

      Nay chúng ta nghe nói đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, phát tâm muốn cầu sanh Tịnh Độ. Quý vị nghĩ xem: Công đức ấy chắc chắn vượt hơn vương tử A Xà Thế. Vương tử A Xà Thế từng cúng dường bốn trăm ức Phật, có lẽ quý vị từng cúng dường từ bốn trăm ức trở lên, năm trăm, sáu trăm, bảy trăm, tám trăm ức Phật nên thiện căn, thiện niệm ấy mới sanh khởi: “Tôi muốn cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới!” Bởi vậy, lời đức Phật giảng là chân thật, thành tựu pháp môn này là vô lượng kiếp. Chúng ta đừng tưởng ngày nay mình mới học Phật, không phải vậy, đời đời kiếp kiếp kiếp trong quá khứ vô lượng kiếp [đã học Phật], nhưng vì sao không được thành? Do nhân duyên không đủ, phiền não tập khí chưa hết, tham luyến hồng trần.

      Tôi nói như vậy quý vị hãy nên nghĩ hiểu. Vì sao? Đây chính là sự thật hiện tiền, đối với hết thảy người - sự - vật trong thế gian này, quý vị có tham luyến hay không, có buông xuống được hay không? Chính vì cái duyên này mà đời đời kiếp kiếp trong quá khứ tu Tịnh Độ không đạt thành tựu. Nếu trong một đời này vẫn còn mang niềm tham luyến ấy, vẫn không chịu buông xuống thì vẫn chẳng thể thành. Lại phải đợi nhân duyên lần nữa; nhân duyên lần nữa ấy chẳng biết nhằm đời nào, kiếp nào! Vì sao? Tương lai có thể được làm thân người hay không, quý vị có đảm bảo hay chăng? Nếu được làm thân người, có đảm bảo sanh vào chỗ có Phật pháp, có cơ hội được nghe pháp, tiếp tục tu hành hay không? Khó lắm! Rất khó, rất ư là khó!

Vì thế, nghĩ đến chỗ này khiến chúng tôi liên tưởng: Bắt đầu từ Sơ Trụ Bồ Tát của Viên Giáo phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp mới có thể thành Phật. Đức Phật dạy chúng ta: A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất, vị Bồ Tát ấy tu xong địa vị Tam Hiền; Tam Hiền là Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng. Trong A-tăng-kỳ thứ nhất phải tu viên mãn ba mươi địa vị ấy. Trong A-tăng-kỳ kiếp thứ hai, tu bảy địa vị từ Sơ Địa đến Thất Địa. A-tăng-kỳ thứ ba tu ba địa vị: Bát Địa, Cửu Địa, Thập Địa. Càng lên cao càng khó, tiến triển càng chậm! Từ chỗ này, chúng tôi suy nghĩ: Tuy đức Phật không nói nhưng chúng ta có thể tưởng tượng được, Đẳng Giác Bồ Tát muốn chứng đắc viên mãn Bồ Đề, Phật quả rốt ráo, cần phải mất bao nhiêu thời gian? Cứ tính theo phần trên, A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất, tu ba mươi địa vị. A-tăng-kỳ kiếp thứ hai tu bảy địa vị. A-tăng-kỳ kiếp thứ ba tu ba địa vị. Tối thiểu phải mất một A-tăng-kỳ kiếp thì Đẳng Giác Bồ Tát mới có thể chứng đắc Phật quả viên mãn rốt ráo, ở đây gọi là “viên mãn vô thượng Bồ Đề”.

      Do vậy, Văn Thù và Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát, các Ngài muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới vì chẳng phải mất một thời gian dài như thế, về đến Cực Lạc thế giới liền chứng đắc, lẽ nào không thích làm? Chẳng những tự mình đi nhận lấy chỗ tốt ấy, nhận lấy lợi ích ấy, mà còn hướng về tất cả bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ tuyên bố: “Các ông có muốn đi hay không? Muốn đi thì ta cùng nhau đi!” Khuyên dạy bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ đều cùng cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là cảnh tượng như thế nào? Nói thật ra là rất vĩ đại, thật chẳng thể nghĩ bàn! Từ chỗ này, chúng ta hãy chú tâm quan sát, Văn Thù, Phổ Hiền đương nhiên cầu sanh để làm gì? Hòng rút ngắn thời gian; trong thế giới Hoa Tạng cần phải mất một A-tăng-kỳ kiếp, qua nơi kia chỉ mấy ngày là chứng đắc.

      Chúng ta là hạng phàm phu sát đất, nếu tu theo những pháp môn thông thường thì quả thật phải tu vô lượng kiếp mới có thể thực sự đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa phiền não, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, vượt thoát lục đạo, mười pháp giới, sanh về thế giới Hoa Tạng, thành Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Từ lúc đó bắt đầu tu ba đại A-tăng-kỳ kiếp mới đạt đến Thập Địa, tức Pháp Vân Địa. Tu trọn ba đại A-tăng-kỳ kiếp, chứng đắc Đẳng Giác. Chúng ta hãy nghĩ xem: Đẳng Giác phải tu tối thiểu một A-tăng-kỳ kiếp, quý vị nghĩ xem thời gian ấy dài đến đâu? Dài quá! Đúng là chẳng thể nghĩ bàn!

      Nay gặp được pháp môn Niệm Phật này là vô thượng Pháp Bảo. Trong hết thảy Pháp Bảo, không có gì sánh bằng được pháp này. Một kẻ phàm phu, một phẩm phiền não còn chưa đoạn, hễ vãng sanh bèn siêu việt với một mức độ lớn, vượt qua Thanh Văn, vượt qua Duyên Giác, vượt qua Tam Hiền, vượt trỗi Thất Địa, còn gì hơn! Bởi thế, pháp môn này gọi là pháp khó tin, thực sự khó tin! Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn bằng với Thất Địa Bồ Tát, “trực chứng A Bệ Bạt Trí” (chứng ngay vào A Bệ Bạt Trí). A Bệ Bạt Trí là Thất Địa. Sự siêu việt ấy quá sức là nhanh, bởi thế, không ai có thể tin tưởng được, Thanh Văn chẳng tin tưởng, Duyên Giác chẳng tin, các vị Bồ Tát chẳng thể tin pháp môn này. Do vậy, trong kinh, đức Phật nói: “Duy hữu Phật dữ chư Phật, phương năng cứu cánh” (chỉ có Phật và chư Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo). Các Ngài thực sự hiểu rõ đến cội nguồn chuyện này là như thế nào, chỉ có Phật và chư Phật mới có thể thông hiểu rốt ráo. Đẳng Giác Bồ Tát nếu không được Phật lực gia trì thì cũng chẳng thể hiểu rõ!

      Trong một đời này, đương nhiên trong quá khứ chúng ta không chỉ gặp [pháp môn này] một lần, mà là gặp gỡ rất nhiều lần, trong một đời này lại gặp gỡ, thiện căn, phước đức hiện tiền, phải nắm chắc lấy cơ hội trong một đời này, quyết định chẳng để lỡ qua. Nắm chắc như thế nào? Thân, tâm, thế giới hết thảy buông xuống hết thì chúng ta mới có thể vãng sanh. Trong đời quá khứ đã coi thường đôi chút, nói chung là có một hai lần không buông xuống được nên không thể thành tựu. Nay đã thấu hiểu triệt để, ngoài việc này ra, những chuyện khác đều coi là vụn vặt như lông gà, vỏ củ tỏi, tùy duyên làm, không cần phải để tâm; còn chuyện này nhất định cần phải để tâm, trong mười hai thời niệm niệm tương ứng, chẳng được lầm lạc nữa, quyết tâm trong một đời này phải thành tựu, đấy mới là thực sự giác ngộ!

      Do vậy, trong thế gian này, danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, hết thảy người, sự, vật, thậm chí hết thảy pháp thế gian hay xuất thế gian thảy đều buông xuống. Thực sự học theo như Liên Trì đại sư buông bỏ triệt để, sạch sành sanh như thế đó: “Tam Tạng thập nhị bộ, nhượng cấp biệt nhân ngộ, bát vạn tứ thiên hạnh, nhiêu dữ biệt nhân hành” (Tam Tạng mười hai bộ kinh, nhường cho người khác ngộ. Tám vạn bốn ngàn hạnh dành cho người khác hành), ta đều không cần đến. Một câu A Di Đà Phật, chứng thẳng vào A Duy Việt Trí, viên mãn vô thượng Bồ Đề, ta làm chuyện ấy. Quyết định chẳng hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, chết sạch lòng mong ngóng, so đo, khiêm hư sát đất, không có một vọng niệm!

 

38. Di Đà đại tán

 

      Tiếp theo dùng Di Đà Đại Tán để tổng kết pháp hội, Đại Tán rồi hồi hướng, tam quy. Di Đà Đại Tán là bài tán chúng ta thường niệm, ý nghĩa không khó hiểu lắm, nhưng phải nêu ra ở đây, vì sợ mọi người vô ý coi thường, trong bài tán này có những ý nghĩa áo diệu.

 

      Di Đà Phật đại nguyện vương,

Từ bi hỷ xả nan lượng.

彌陀佛大願王。

慈悲喜捨難量。

(Di Đà Phật đại nguyện vương,

Từ bi hỷ xả khó lường).

 

Tôi tin rằng câu thứ nhất không khó hiểu, nhưng cảnh giới rất lớn. A Di Đà Phật bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh, phổ độ chúng sanh trong hết thảy cõi nước trọn khắp pháp giới, hư không giới. Quả địa cầu của chúng ta quá nhỏ, chỉ là một điểm tí ti trong hết thảy các cõi nước. “Từ bi hỷ xả nan lượng”: Không có cách nào đo lường được, cũng không cách gì tưởng tượng, thuyết minh được, đúng là chẳng thể nghĩ bàn.

 

Mi gian thường phóng bạch hào quang,

Độ chúng sanh Cực Lạc bang.

眉間常放白毫光。

度眾生極樂邦。

(Giữa mày thường phóng bạch hào quang,

Độ chúng sanh về Cực Lạc).

 

Phật phóng quang từ trước đến nay chưa hề gián đoạn. Từ Đại Kinh, chúng ta thấy đức Thế Tôn giới thiệu: “Quang trung hóa Phật vô số ức, hóa Bồ Tát chúng diệc vô biên” (Trong quang minh hóa vô số ức Phật, hóa các Bồ Tát cũng vô biên). Đấy chính là bạch hào giữa hai mày phóng quang. Hóa ra vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ Tát, rộng độ hết thảy chúng sanh trong pháp giới, hư không giới. Đây là nhằm thực hiện những gì đã tán thán ở phần trên: “Từ bi hỷ xả nan lượng”, hiển thị hoằng nguyện của A Di Đà Phật được thực hiện qua những sự tướng này. Trong vũ trụ này, A Di Đà Phật phân thân, hóa thân vô lượng vô biên, chỉ nhằm một chuyện: “Độ chúng sanh Cực Lạc bang” (Độ chúng sanh về Cực Lạc). Sáu chữ này nghĩa là tiếp dẫn chúng sanh, tiếp dẫn những loại chúng sanh nào? Chúng sanh căn cơ chín muồi. Thế nào là căn cơ chín muồi? Thực sự đầy đủ ba tư lương Tín - Nguyện - Hạnh; tâm là Di Đà tâm, nguyện là Di Đà nguyện, ngôn (lời lẽ) là Di Đà ngôn, hạnh là Di Đà hạnh, những người ấy đới nghiệp vãng sanh. Phiền não tập khí đoạn hay không chẳng quan trọng, cốt sao tâm - nguyện - ngôn - hạnh tương ứng, Phật bèn đến độ quý vị, đến tiếp dẫn quý vị về cõi Cực Lạc.

 

Bát đức trì trung liên cửu phẩm.

八德池中蓮九品。

(Ao bát đức sen khoe chín phẩm).

 

Đây là chỗ sanh của người niệm Phật vãng sanh, trong những phần trên tôi đã trình bày cùng quý vị rồi. Quý vị sanh trong hoa sen, đấy chính là chỗ quý vị ở, là chỗ quý vị học tập, hoa sen to chẳng thể nghĩ bàn. Hoa sen cũng là Pháp Bảo, là hoàn cảnh tu học tốt nhất của quý vị. Do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, quý vị chẳng cần phải ở trong ấy ba đại A-tăng-kỳ kiếp, vô lượng kiếp, không cần phải mất thời gian dài lâu như thế, phiền não tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay ở trong ấy đều đoạn sạch sành sanh. Nhanh chóng lắm! Nhanh chóng đến mức độ nào? Xem những gì kinh Quán Vô Lượng Thọ đã nói, quý vị sẽ hiểu rõ, chậm nhất tức thời gian dài nhất là mười hai kiếp.

Quý vị phải nhớ rõ, mười hai kiếp so với vô lượng kiếp, so với A-tăng-kỳ kiếp thì rất ngắn; mà đây là gì? Là thời gian dài nhất đối với người thuộc Hạ Hạ Phẩm, tức vãng sanh Hạ Hạ Phẩm trong Phàm Thánh Đồng Cư độ. Trước kia tôi đã tính rồi, đại khái như chúng ta không có tội nghiệp rất nặng như thế, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, đại khái phải mất bao lâu mới có thể viên mãn vô thượng Bồ Đề, hoa nở thấy Phật? Khoảng chừng bốn kiếp hay ba kiếp, đại khái là chừng đó, đúng là rất nhanh! Quý vị suy nghĩ xem: Văn Thù, Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát trong thế giới Hoa Tạng, các Ngài muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, những vị ấy nói thật ra không cần đến một kiếp (nói thông thường thì tính bằng kiếp), không cần lâu vậy đâu, quả thật phải tính bằng ngày, chỉ cần mất mấy ngày bèn viên chứng vô thượng Bồ Đề. Điều này cho thấy vì sao chúng ta phải vãng sanh!

 

      Thất bảo diệu thụ thành hàng.

      七寶妙樹成行。

      (Cây quý bảy báu thành hàng).

 

      “Diệu thụ” chính là chỗ chúng ta vui chơi, cũng là chỗ để tu hành tiêu nghiệp thành tựu Định - Huệ, nay chúng ta lên lớp tại giảng đường, còn chỗ người ta đi học là “thất bảo diệu thụ thành hàng”. Đi học ở đó, hết sức nhẹ nhàng, thong dong, hết sức tự tại. Đây chính là cái nay ta gọi là “nghệ thuật dạy học”, Tây Phương Cực Lạc thế giới phát triển nghệ thuật dạy học cao độ, gần như là vui chơi, do vui chơi mà đoạn phiền não, đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa phiền não, vô minh cũng phá, tự tánh trí huệ hiện tiền, đức năng hiện tiền, tướng hảo hiện tiền chẳng thể nghĩ bàn, thành tựu nơi cây báu thành hàng. Tiếp theo đó là hai câu tán thán:

 

      Như Lai thánh hiệu nhược tuyên dương,

      Tiếp dẫn vãng Tây Phương.

      如來聖號若宣揚。

接引往西方。

      (Như Lai thánh hiệu vừa xưng tụng,

      Tây phương tiếp dẫn vãng sanh ngay).

 

      Như Lai ở đây là hết thảy chư Phật Như Lai trong mười phương thế giới giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, “Như Lai thánh hiệu nhược tuyên dương”, bèn tiếp dẫn! Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giảng ba kinh Tịnh Độ, vì chúng ta giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, khuyên dạy chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đấy chính là “Như Lai thánh hiệu nhược tuyên dương”, tiếp dẫn! “Tiếp dẫn vãng Tây Phương”.

 

      Di Dà thánh hiệu nhược tuyên dương.

      彌陀聖號若稱揚。

      (Di Đà thánh hiệu như xưng tụng).

 

      Tức là niệm A Di Đà Phật, là chánh tu, chuyên tu Tịnh Độ! Quả báo là:

 

      Đồng nguyện vãng Tây Phương.

      同願往西方。

      (Đồng nguyện cùng về cõi Lạc Bang).

 

      Tất cả hết thảy người niệm Phật “đồng nguyện vãng Tây Phương” (cùng một nguyện sanh về Tây Phương). Ở chỗ này, chúng ta phải đặc biệt lưu ý: Chúng ta ở đây niệm Phật, nhất tâm nhất ý cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới; người ở nơi khác cũng ở nơi đó niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Người ấy và ta là oan gia đối đầu, ta nghe nói tới người ấy bèn chán ghét, trông thấy người ấy cũng chẳng thoải mái, làm cách nào đây? Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới gặp mặt nhau như thế nào đây? Chẳng lẽ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn còn căng thẳng hay sao? Vẫn còn cự lộn hay sao? Nếu như vậy thì sẽ chẳng thể vãng sanh được. Bao nhiêu người niệm Phật vì nguyên nhân này mà bỏ lỡ cơ hội vãng sanh trong một đời này! Do vậy, ở đây tôi phải đặc biệt nêu lên, quý vị chẳng thể không lưu ý! Người ta đối với mình như thế nào cũng không quan trọng, vấn đề là ta đối với người khác [như thế nào]. Do vậy, phải dốc sức sao cho tất cả hết thảy oán kết trong tâm mình được hóa giải, một câu A Di Đà Phật hóa giải được tất cả! Không có oan gia đối đầu thì mới có thể vãng sanh Tây Phương.

Ai có đối lập, ai vẫn còn cảm thấy không thoải mái, thấy người khác không vừa mắt, thì phải tự hiểu kẻ ấy không thể vãng sanh. Nhất định phải học sao cho thấy ai cũng hoan hỷ, bất cứ ai hủy báng mình, mình đều hoan hỷ, mình quyết định chẳng hủy báng họ. Ai lăng nhục mình, người ta hãm hại mình, mình cũng hoan hỷ, họ tiêu nghiệp chướng cho mình, quyết định chẳng oán hận mảy may, quyết định chẳng có ý niệm báo thù thì ta mới có thể thừa nguyện vãng sanh Tây Phương! Nếu ta vẫn còn chán ghét kẻ ấy thì một niệm chẳng tương ứng với bổn nguyện của A Di Đà Phật! Tâm, nguyện, ngôn, hạnh khác với A Di Đà Phật, không tương ứng, không vãng sanh được! “Một niệm tương ứng một niệm Phật; niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Nguyện vương của A Di Đà Phật là “từ, bi, hỷ, xả”, chúng ta có [những điều đó] hay không? Mấu chốt để vãng sanh được hay không là ở chỗ này. Bài Di Đà đại tán này mang ý nghĩa: Phải hóa giải tất cả hết thảy những oán kết trong tâm quý vị, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đường lớn Bồ Đề thông suốt không ngăn ngại! Lại xem tiếp bài kệ Hồi Hướng:

 

39. Hồi Hướng

     

      Hệ Niệm công đức thù thắng hạnh.

      繫念功德殊勝行。

      (Công đức Hệ Niệm hạnh thù thắng).

 

      Chữ “Hệ Niệm” chỉ pháp sự Tam Thời Hệ Niệm được thực hiện trong ngày hôm nay, tứ chúng đồng tu cùng nhau tu tập, công đức thù thắng khôn sánh.

 

      Vô biên thắng phước giai hồi hướng.

      無邊勝福皆回向。

      (Bao nhiêu phước thù thắng đều hồi hướng)

 

      Tất cả công đức, phước đức chúng ta đã tu hôm nay đều đem hồi hướng, hồi hướng cho ai? Hồi hướng cho hết thảy chúng sanh khổ nạn khắp pháp giới, hư không giới, đặc biệt là những chúng sanh khổ nạn trong tam đồ lục đạo.

 

      Phổ nguyện trầm nịch chư chúng sanh.

      普願沈溺諸眾生。

      (Nguyện trọn khắp các chúng sanh đang chìm đắm).

 

      Nói đến “trầm nịch” (chết chìm, chết đuối) quá nửa là chỉ tam đồ, cảnh ngộ của họ hết sức khổ sở, hy vọng bọn họ nhờ vào công đức, phước đức này, đều có thể tỉnh ngộ, sẽ theo chúng ta cùng lễ bái, nhất tâm phát nguyện, cùng sám hối, cùng cầu sanh Tịnh Độ.

     

      Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát.

      速往無量光佛剎。

      (Mau sanh cõi Phật A Di Đà).

 

      Hãy nhanh chóng, đừng do dự, chớ có chần chừ, chúng ta nhất tâm nhất ý hướng về thế giới Cực Lạc. Trọn cả đời, còn sống được bao nhiêu năm, ta chỉ có một mục tiêu, một phương hướng, tức là [vãng sanh] Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân cận A Di Đà Phật. Tiếp đó, Phật vì chúng ta ấn chứng, cầu Phật gia trì.

 

      Thập phương tam thế nhất thiết Phật, nhất thiết Bồ Tát Ma Ha Tát, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.

      十方三世一切佛。一切菩薩摩訶薩。摩訶般若波羅蜜。

      (Mười phương ba đời hết thảy Phật, hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật)

 

      “Thập phương tam thế nhất thiết Phật” là Phật Bảo, “nhất thiết Bồ Tát Ma Ha Tát” là Tăng Bảo, “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật” là Pháp Bảo. Tam Bảo! Đây là cầu nguyện Tam Bảo chứng minh cho chúng ta: Chúng con phát nguyện, chúng con hồi hướng chân thành, không mảy may hư ngụy, Tam Bảo chứng giám cho con. Cuối cùng là Tam Quy Y, Tam Thời Hệ Niệm pháp sự đến đây hoàn toàn viên mãn.

 

40. Tam Quy Y

 

      Tam Quy Y, chư vị hãy coi kinh văn Tam Quy Y, chúng ta quy y mỗi ngày, đây là quy y Tự Tánh.

 

      Tự quy y Phật.

      自歸依佛。

 

      Quy y Tự Tánh Phật.

 

      Đương nguyện chúng sanh.

      當願眾生。

      (xin nguyện chúng sanh).

 

      Bản văn Hệ Niệm Pháp Sự này của thiền sư Trung Phong nhằm “thiệu long Phật chủng” (nối tiếp hưng thịnh dòng giống Phật), còn nay chúng ta dùng Tam Quy Y là để:

 

      Thể giải đại đạo.

      體解大道。

      (Thấu hiểu đạo cả).

 

      Trong thời đại hiện thời, “thiệu long Phật chủng” quan trọng, từ ngữ này có ý nghĩa là tiếp nối huệ mạng của Phật. Phật pháp quả thật đúng là đang ở vào tình cảnh mất còn rất nguy cấp. Nếu sau này không có ai kế tục, Phật pháp sẽ bị gián đoạn. Ai có thể “thể giải đại đạo”? Thiệu long Phật chủng, đúng là khích lệ những bậc chí sĩ nhân nhân (người có chí, có lòng nhân) ân cần thiết tha mong mỏi họ sẽ phát đại tâm, kế tục huệ mạng của Phật, hy sinh bản thân mình, như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân” (Đem tấm lòng sâu xa này phục vụ trong các cõi nước nhiều như vi trần, đấy mới là báo ân Phật). Thực sự muốn báo ân Phật, muốn thiệu long Phật chủng, muốn tiếp nối huệ mạng của Phật, nhất định phải tuân theo di giáo của Ấn Quang đại sư: “Đôn luân, tận phận, nhàn tà, tồn thành; tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”, thì quý vị mới có thể thực hiện được. Đấy chính là:

 

      Phát vô thượng tâm.

      發無上心。

 

      Do đây, chúng ta biết được ý nghĩa sâu xa nơi nguyên văn của thiền sư Trung Phong. Từ câu này, chúng ta mới cảm nhận được dụng tâm của tổ sư đại đức: Hy vọng hậu nhân có thể phát tâm tiếp nối huệ mạng của Phật, thiệu long Phật chủng. Hôm nay chúng ta làm pháp sự này, chiếu theo nguyên văn là tốt, không cần phải thay đổi. Tôi xem mấy câu này bèn xúc động. “Thể giải đại đạo” không sai, mấy ai làm được? Thể giải đại đạo là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Đây là kỳ vọng chứ không nhất định phải làm cho được. “Thiệu long Phật chủng”, quý vị thực sự phát tâm nghiêm túc thực hiện thì hết thảy chư Phật hộ niệm, hết thảy Bồ Tát gia trì. Chỉ cần quý vị thực sự chịu phát tâm thì quý vị có thể chấn hưng Phật pháp.

      Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật ngự tại Lộc Dã Uyển, bắt đầu từ năm tỳ-kheo. Trong bao nhiêu năm giảng kinh, thuyết pháp, chúng tôi thường nói: “Thực sự có năm người phát tâm thiệu long Phật chủng thì sẽ có thể hưng khởi Phật giáo!” Nhưng điều kiện thấp nhất như chúng tôi thường nói là quý vị phải buông bỏ tự tư tự lợi, phải buông danh văn, lợi dưỡng xuống, quyết định chẳng cầu danh văn, lợi dưỡng, phải buông hưởng thụ ngũ dục lục trần xuống, phải buông tham - sân - si - mạn xuống thì quý vị mới có tư cách đảm đương sứ mạng thiệu long Phật chủng, mới được Tam Bảo gia trì, thiên long bát bộ thiện thần ủng hộ. Điều thứ hai:

 

      Tự quy y pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải.

      自歸依法。當願眾生。深入經藏。智慧如海。

      (Tự quy y pháp, xin nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như biển).

 

      Đây là quy y Tự Tánh Pháp Bảo. Tự Tánh Pháp Bảo ở nơi đâu? Kinh Tạng là Tự Tánh Pháp Bảo do chư Phật Như Lai chứng đắc! Do vì tự tánh của chư Phật Như Lai và tự tánh của chúng ta và tự tánh của hết thảy chúng sanh đều là một tự tánh, há chẳng nghe kinh Phật thường nói: “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất Pháp Thân” (mười phương ba đời Phật cùng chung một Pháp Thân). Mười phương ba đời Phật, trong ba đời có vị lai Phật, tất cả hết thảy chúng sanh đều là vị lai Phật, tam thế là quá khứ, hiện tại, vị lai. Mọi người chúng ta đều là vị lai Phật, cùng chung một Pháp Thân. “Nhất tâm” là một tự tánh, “nhất trí huệ” là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức trí huệ Bát Nhã sẵn có nơi tự tánh. “Lực vô úy cũng thế”: Thập Lực, Tứ Vô Úy thảy đều giống hệt như nhau.

      Do vậy, kinh tạng triển khai thành gì? Chính là Pháp Bảo sẵn có trong tự tánh của chúng ta, là Giới Định, trí huệ sẵn có nơi tự tánh nằm trong kinh tạng. Không phải học theo người khác, không bị người khác xỏ mũi lôi theo, mà là quay về với tự tánh, nhất định phải hiểu đạo lý này. Ngày nào chúng ta minh tâm kiến tánh, mở quyển kinh ra, quý vị sẽ hiểu toàn bộ. Vì sao hiểu được? Vì nó là tự tánh của quý vị. Mở quyển kinh ra chính là lôi trí huệ Bát Nhã, Tam Học Giới - Định - Huệ trong tự tánh ra. Chưa kiến tánh thì hãy khéo nhìn vào người đã kiến tánh, hãy khéo học tập theo họ. Học tập mang tánh chất giai đoạn, chứ không vĩnh cửu, hy vọng chúng ta sau khi học xong giai đoạn này sẽ có thể lấy Tam Học và Tam Bảo trong tự tánh của chính mình ra. Câu này có ý nghĩa như vậy, tức là bảo chúng ta phải đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, nhập cảnh giới Phật. Câu cuối cùng:

 

      Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại.

      自歸依僧。當願眾生。統理大眾。一切無礙。

      (Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, dắt dìu đại chúng, hết thảy không ngại).

 

      Đây là quy y Tự Tánh Tăng Bảo. Tự Tánh Tăng Bảo là gì? Lục Hòa Kính. Thanh tịnh Pháp Thân, sáu căn thanh tịnh chẳng nhiễm mảy trần là Tự Tánh Tăng Bảo. Dùng Lục Hòa Kính để đối xử hết thảy đại chúng là Tự Tánh Tăng Bảo. Trong thực tại, điều này cho thấy con người là một động vật mang tính cách xã hội, chẳng thể tồn tại độc lập ngoài quần thể, không thể được! Nhất định phải cư xử với rất nhiều người, hòa mình vào cuộc sống của cộng đồng. Cư xử với rất nhiều người, làm thế nào để hòa thuận? Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc dạy chúng ta: Hòa bình! Đối xử hòa thuận với nhau là Quả, làm thế nào để đối xử hòa thuận? Đối đãi bình đẳng. Nếu chẳng bình đẳng thì lý tưởng hòa thuận quyết định chẳng thể thực hiện được!

      Trong thế gian này từ khi có lịch sử đến nay, chưa bao giờ động loạn, ô nhiễm như lúc này, vì nguyên nhân nào? Bất bình đẳng! Gia đình bất hòa, người trong một nhà không bình đẳng, vợ chồng bất hòa, vợ chồng không bình đẳng. Công ty, hãng, tiệm bất hòa, chủ và nhân viên bất bình đẳng. Do vậy, nước này bất hòa với nước kia, tôn giáo này bất hòa với tôn giáo kia, dân tộc này bất hòa với dân tộc kia, nguyên nhân do đâu? Không biết đối đãi bình đẳng, không biết Lục Hòa Kính. Lục Hòa Kính là bình đẳng. Bình đẳng đối đãi được thực hiện bằng Lục Hòa Kính, người người đều tu Lục Hòa Kính thì thế gian và xã hội này chắc chắn an định, hòa thuận, đôi bên tôn trọng lẫn nhau, kính yêu nhau, hợp tác với nhau, đấy chính là “cùng hưởng cõi đại đồng”.

      Trong những năm qua, chúng tôi tổng kết những giáo huấn của kinh giáo Đại Thừa nêu ra mười câu gồm hai mươi chữ. “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Mười chữ này nói lên cách chúng ta dụng tâm. Tâm Phật là như vậy đó, tâm Phật là chân thành, tâm Phật là thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Chúng ta dùng những điều này để sửa đổi tâm hạnh của chính mình, tâm mình giống hệt với tâm Phật! Dùng tâm như vậy để tu bốn mươi tám nguyện, tâm chúng ta đồng Phật, nguyện chúng ta đồng Phật. Trong hết thảy kinh, đức Phật dạy chúng ta “nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”. Năm hạng mục gồm mười chữ này chính là Bồ Tát hạnh! Thấy thấu suốt là thông đạt hiểu rõ chân tướng sự thật. Buông xuống là buông hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Sống trong thế gian này tùy duyên thì tự tại lắm, quyết định không phan duyên, tự tại, tùy duyên. Cuối cùng, niệm Phật rất quan trọng, chúng ta hiểu do niệm Phật trong một đời có thể đạt được “trực chứng A Duy Việt Trí, khoái tốc viên mãn vô thượng Bồ Đề” (chứng thẳng vào A Duy Việt Trí, mau chóng viên mãn vô thượng Bồ Đề). Dùng những điều này để “thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại” (dắt dìu đại chúng, hết thảy vô ngại). “Thống lý” là hợp tác, đối xử hòa thuận với đại chúng, hợp tác lẫn nhau, bất cứ chướng ngại nào cũng không có, hiểu lầm gì cũng không có. Cuối cùng:

 

      Hòa nam thánh chúng.

      和南聖眾。

      (Kính lễ thánh chúng).

 

      “Hòa nam” (vadanam) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là “kính lễ”, hướng về hết thảy thánh chúng kính lễ. Thời xưa, mọi người đều biết ý nghĩa này, nhưng hiện tại dần dần xem thường. Nếu quý vị viết “hòa nam” chi chi đó, mọi người xem đến cảm thấy rất kỳ quái. Đại khái họ tưởng quý vị viết lộn, nhất định phải là Hòa Thượng, quý vị viết sai Hòa Thượng thành Hòa Nam, kỳ thực Hòa Nam và Hòa Thượng có ý nghĩa khác nhau. Hòa Nam là kính lễ, là một kính từ (từ ngữ thể hiện lòng tôn kính). A! Chúng tôi giảng Hệ Niệm Pháp Sự đến đây là viên mãn, cảm tạ mọi người. Tôi khẩn thiết hy vọng trong tương lai nếu quý vị làm Pháp Sự Tam Thời Hệ Niệm tốt nhất là hãy nghe băng giảng diễn này một lượt, nghe xong rồi làm pháp sự này hãy theo văn nhập quán, công đức càng thù thắng. Cảm tạ mọi người!

 

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký

Trọn Bộ

(khởi dịch ngày 26-09-2004, hoàn tất cảo bản ngày 25 tháng 06 năm 2005.

Tăng đính ngày mồng Ba tháng Hai năm 2011.

Tái giảo duyệt ngày mồng Chín tháng Ba năm 2011)

      

 

[1] Quải đơn: Đơn là một miếng gỗ dài và hẹp vừa đủ một người nằm, dùng thay cho giường trong các thiền viện hay tùng lâm. Do đó, giường của Tăng được gọi là Đơn. Khi một vị Tăng xin nhập chúng ở lại một tự viện tu tập thì gọi là Quải Đơn (treo đơn, tức kê giường), khi xin ra khỏi chúng đi qua chùa khác thì gọi là Trừu Đơn (rút đơn).

[2] Tử tôn miếu: Chùa do thầy lập ra, truyền lại như gia tài cho đồ tử, đồ tôn, người ngoài không thể nhập chúng được.

[3] Nhân tình Phật sự: Ý nói trong nhà chùa vẫn xử sự theo cảm tình riêng tư của thế gian, thân thích, quen thuộc thì đối xử nồng hậu, đối với người không quen biết bèn lợt lạt, hờ hững.

[4] Điều (條): Khi xưa Phật và chư Tăng mặc ca sa bằng vải vứt bỏ đi. Để may y thì đem những mảnh vải ấy rọc thành từng miếng, nhuộm cho tiệp màu, rồi khâu chằm thánh tấm lớn, mỗi miếng cắt dọc ấy được gọi là Điều. Sau này, chư Tăng ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn, Mông Cổ, Mãn Châu, Tây Tạng, dùng vải rọc thành từng miếng dài, khâu chằm lại thành ca-sa. Do vậy gọi là Cát Tiệt Y hoặc Phước Điền Y. Điều được tính theo chiều dọc của tấm ca-sa. Chẳng hạn y năm điều (ngũ điều y) là do đếm theo chiều dọc có năm miếng dài may ghép lại.

[5] Ngọa cụ còn gọi là Phu Cụ (sayanasana, vật dụng để trải hay lót) là những thứ thường trải để nằm. Theo luật Tứ Phần, Tăng ni không được dùng ngọa cụ làm bằng tơ tằm, lông dê hoặc những vật quý báu. Thoạt đầu, ngọa cụ chỉ làm tấm tọa cụ (tấm Ni Sư Đàn) may bằng y cũ rách kết lại, nhưng về sau ngọa cụ có thể bao gồm cả chiếu, mền, nệm. Theo luật, ngọa cụ tối thiểu phải sử dụng hơn sáu năm rồi mới được thay bằng cái mới.

[6] Hải Thanh: Một loại áo tràng tay rộng, sáu vạt, hai chúng tại gia và xuất gia Trung Quốc thường mặc khi lễ Phật; áo hậu của chư Tăng Việt Nam cũng chính là Hải Thanh. Theo từ điển Phật Quang, áo này sửa đổi từ hoàng bào của vua từ đời Tùy trở về sau. Gọi là “hải thanh” nhằm ngụ ý mênh mông sâu rộng, chứa đựng muôn vật của lòng biển, sự phóng khoáng ung dung tự tại của sóng biển. Ở Trung Quốc, hải thanh thường có hai màu chính yếu: Màu đen dành cho hai chúng tại gia và xuất gia mặc khi lễ Phật, người xuất gia đã thọ giới từ Sa Di trở lên thì đắp thêm ca-sa màu vàng hay đỏ (ta hay gọi là Y), riêng màu vàng dành cho vị pháp chủ hoặc phương trượng (tuy vậy, có dòng Thiền lại mặc ngược lại, hải thanh màu vàng, y nâu). Ngoài ra, còn có hải thanh màu xanh dương đậm gần như đen và Hải Thanh hoặc nâu, tùy theo truyền thống của từng tông phái, nhưng màu đen vẫn phổ biến nhất. Chư Tăng Triều Tiên thường mặc hải thanh màu lam hay trắng. Chư Tăng Nhật Bản cũng mặc hải thanh màu đen, nhưng thường tay áo hẹp và vạt ngắn hơn, vạt sau thường xếp nếp, và may đai sau lưng.

[7] Bình Kịch là cách người Đài Loan gọi Kinh Kịch (tuồng Bắc Kinh). Bình Kịch còn gọi là Quốc Kịch, là một loại hát tuồng nghệ thuật truyền thống của Trung Hoa, dung hợp và phát triển từ nhiều truyền thống sân khấu đã có trước đó như Huy Kịch và Hán Kịch, thậm chí vay mượn các xoang điệu nổi tiếng của lối hát Côn Khúc và Tần Xoang. Kinh Kịch hình thành dưới thời Càn Long nhà Thanh. Có thể nói dễ dãi là Kinh Kịch hoặc các loại gọi là Kịch trong sân khấu Trung Hoa giống như hát bội của Việt Nam, nhưng phức tạp hơn.

[8] Côn Khúc cũng là một loại hát tuồng đã có trước Kinh Kịch, nó xuất hiện từ thế kỷ 13 hay 14 (tức là vào cuối đời Nguyên) tại Côn Sơn (thuộc Tô Châu) nên gọi là Côn Khúc. Côn Khúc được hình thành dựa theo hình thức hát tuồng cổ nhất Trung Hoa là Nam Hý (đã có từ thời Tống) và biến cải cho phù hợp với giọng phát âm Quan Thoại của vùng Tô Châu cũng như các thể điệu dân ca, hát xướng đã có tại vùng này, cũng như được sáng tác thêm các làn điệu mới. Hiện thời trong Kinh Kịch cũng sử dụng Côn Khúc. Điểm đặc biệt của Côn Khúc là dùng địch, tiêu, sáo, kèn Tỏa Na (người Việt thường gọi là kèn bầu), đàn tỳ bà và đàn tam huyền làm nhạc khí chủ yếu, không dùng quá nhiều thanh la và trống cái, tam la, trống đơn như trong Kinh Kịch. Làn điệu Côn Khúc du dương, âm vực của các vai nữ khi hát và nói không quá cao đến nỗi nghe như mèo kêu trong Kinh Kịch.

[9] Chữ Tam Sự ở đây chỉ cho ba loại y vừa nói trên đây, y năm điều (đắp khi làm lụng, chẳng hạn Tri Khách Sư đắp y này để tiếp đón khách đến viếng thăm chùa), y bảy điều (đắp khi tụng kinh trong công khóa hằng ngày), y hai mươi lăm điều (đắp khi làm pháp hội, giảng kinh, thuyết pháp, hoặc đại cúng dường).

[10] Năm 426 nhằm các niên hiệu Thỉ Quang thứ 3 (nhà Bắc Ngụy), Huyền Thỉ 15 nhà Bắc Lương, niên hiệu Thái Bình 18 nhà Bắc Yên, Thừa Quang thứ 2 nhà Hạ, Kiến Hoằng thứ 7 nhà Tây Tần, Nguyên Gia thứ 3 nhà Lưu Tống.

[11] Vùng lãnh thổ Hong Kong gồm có ba khu vực chính: Cửu Long (nằm trên đất liền, ráp gianh vùng Tân Giới), Tân Giới (bao gồm một phần đất liền ráp gianh Cửu Long và Đại Dự) và đảo Hương Cảng. Đại Dự Sơn (Lantau Island, tức là đảo Lạn Đầu, khu này có tên hành chánh là Ly Đảo Khu) đối diện với đảo Hương Cảng. Bán đảo Cửu Long nằm trên đất liền, còn Đại Dự và Hương Cảng Đảo cùng nằm trong vịnh Victoria. Từ Cửu Long sang Hương Cảng hay từ Hương Cảng sang Đại Dự đều phải vượt biển.

[12] Núi Tỷ Duệ (Hiei) gọi là Duệ Sơn, Bắc Sầm hoặc Thiên Đài Sơn (Tendai-yama), là một rặng núi ở Đông Bắc thành phố Kinh Đô (Kyoto), thuộc khu vực Sakamoto (Bản Bổn) của thành phố Đại Tân (Otsu), gồm hai dãy núi Đại Tỷ Duệ và Tứ Minh Nhạc hợp thành. Đây là một ngọn núi thiêng của Nhật Bàn, là tổng bản sơn (tổ đình) của Thiên Đài Tông (Tendai shu, tức Thiên Thai Tông Nhật Bản). Ngôi chùa đầu tiên của tông Thiên Đài là Enryaku-ji (Diên Lịch Tự) do tổ sư Tối Trừng Truyền Giáo Đại Sư (Saichō Dengyō Daishi). Phần lớn các tổ sư các tông của Nhật Bản đều xuất thân từ tông Thiên Thai như Nhật Liên (Nichiren, sáng tổ Nhật Liên Tông), Pháp Nhiên (Honen, sáng tổ Tịnh Độ Tông), Thân Loan (Shinran, sáng tổ Tịnh Độ Chân Tông), Minh Am Vinh Tây (Myōan Eisai, sáng tổ tông Lâm Tế Nhật Bản), Đạo Nguyên Hy Huyền (Dōgen Kigen, sáng tổ tông Tào Động Nhật Bản), Nhất Biến (Ippen, sáng tổ Tịnh Độ Thời Tông), v.v...

[13] Ngũ Chủng Di Quy là tác phẩm do Trần Hoằng Mưu biên soạn vào đời Thanh, là sách để dạy trẻ nhỏ và giáo dục xã hội. Nội dung bao gồm những giáo huấn hay đẹp của tiền nhân về dưỡng tánh, tu thân, trị gia, cách làm quan, xử thế, giáo dục v.v... phân chia thành năm loại chính nên mới có tên là Ngũ Chủng Di Quy. Năm loại chính là Dưỡng Chánh Di Quy, Giáo Nữ Di Quy, Huấn Tục Di Quy, Tùng Chánh Di Quy và Tại Quan Pháp Giới Lục. Trần Hoằng Mưu (1696-1771), tự là Nhữ Tư, người huyện Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, đỗ tiến sĩ dưới thời Ung Chánh nhà Thanh, từng làm đến chức Đông Các Đại Học Sĩ kiêm Công Bộ Thượng Thư, rất được vua Càn Long coi trọng và tín nhiệm. Ông làm quan cần mẫn, chú trọng mở mang giáo dục cho các sắc dân thiểu số, chăm nom công tác thủy lợi tại Thiên Tân, Hà Nam, Giang Tây, tu bổ đê điều v.v...

[14] Đương đầu bổng hát: Bổng (棒) là cái gậy, Hát (喝) là tiếng hét. Tông Lâm Tế thường dùng gậy hay tiếng hét để khai ngộ cho hành giả. Ở đây, Hòa Thượng mượn thuật ngữ này của Thiền Tông để nhấn mạnh ý cảnh tỉnh khai ngộ rất mạnh của bốn câu này.

[15] Si Tảo Đường (摛藻堂) nằm ở Đông Bắc của Ngự Hoa Viên trong Cố Cung Bắc Kinh, được xây dựng vào thời Càn Long, chủ yếu để tàng trữ sách. Chữ Si ở đây có nghĩa là truyền bá, hoằng dương, bày vẽ, triển khai, lấy ý từ câu “si tảo như xuân hoa” (vẽ vời văn chương như hoa mùa Xuân), do vậy, “si tảo” có nghĩa là hoằng dương văn hóa. Vườn Viên Minh cũng là hoa viên của nhà Thanh, có quy mô rất to lớn. Đến thời Từ Hy Thái Hậu lại mở rộng thêm, xây cất hết sức tráng lệ.

[16] Bát quốc liên quân là lực lượng quân đội liên kết tám đại đế quốc thời đó là Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật, Nga, Ý và Áo lên đến 3 vạn người (sử ngoại quốc ghi là 45.000 người). Nguyên do là do vua Quang Tự nghe theo kế hoạch duy tân của Khang Hữu Vi toan lật đổ Từ Hy thái hậu. Âm mưu thất bại, các nước ngoại quốc giúp đỡ thầy trò Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi trốn sang Nhật. Từ Hy bèn giam lỏng vua Quang Tự tại Doanh Đài, toan phế vua, nhưng do các nước phản đối nên chưa dám hành động. Lại thêm thất bại trong cuộc chiến tranh Trung Nhật năm Giáp Ngọ (1894), đây là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa nhà Thanh và triều đình Nhật trên bán đảo Triều Tiên. Nghe lời xúi giục của Viên Thế Khải, Từ Hy quyết định tận dụng sức mạnh của giáo phái Nghĩa Hòa Đoàn (Quyền Phỉ) để chống lại ngoại quốc. Nghĩa Hòa Đoàn là một giáo phái mê tín xuất phát từ Sơn Đông, chủ trương đánh quyền, vẽ bùa niệm chú, luyện kim đan, khoe thân kim cang bất hoại, đạn bắn không lủng, thề tiêu diệt giáo dân Thiên Chúa Giáo và người ngoại quốc. Nghĩa Hòa Đoàn tiến vào Bắc Kinh tháng Sáu năm 1900, tấn công khu vực ngoại quốc, khiến họ phải ẩn nấp trong khu Đông Giao Dân Hạng (Legation Quarter) là khu vực của tòa lãnh sự các nước Âu Tây. Liên quân Thanh và Nghĩa Hòa Đoàn vây hãm khu này suốt 55 ngày, nên tòa lãnh sự các nước đánh điện cầu cứu chính phủ của họ. Bát quốc liên quân đánh tan quân Thanh và Nghĩa Hòa Đoàn, chiếm lãnh toàn bộ Bắc Kinh vào ngày 14 tháng Tám năm Canh Tý (1900) khiến Từ Hy và Quang Tự phải chạy trốn về Tây An (Thiểm Tây), phái Lý Hồng Chương điều đình. Cuối cùng, nhà Thanh buộc phải ký hòa ước bất bình đẳng Tân Sửu (tháng 7, năm 1901). Nhà Thanh phải bồ thường chiến phí, mất rất nhiều chủ quyền, phải cắt đất cho các nước Âu Tây và Nhật lập tô giới. Bát Quốc Liên Quân (nhất là quân Đức, Nga và Pháp) đã cướp bóc Tử Cấm Thành, giết người, hoặc hãm hiếp rồi dùng lưỡi lê đâm chết nạn nhân, đốt phá rất nhiều nhà thường dân, hủy hoại rất nhiều phẩm vật văn hóa quý báu như tranh vẽ, bút thiếp, sách vở, đồ cổ ngoạn.

[17] Đồng Thành phái: Chỉ trường phái của văn gia Phương Bao (11668-1749), tự Phong Cửu, hiệu Vọng Khê, là một nhà tản văn nổi tiếng đời Thanh, người huyện Đồng Thành, tỉnh An Huy. Tác phẩm của ông được in thành Phương Vọng Khê Toàn Tập.

[18] Phổ Hiền (đây là danh xưng của những vị Bồ Tát tu theo hạnh Phổ Hiền) có ba địa vị: Vị tiền (chưa chứng Đẳng Giác), đương vị (đã chứng Đẳng Giác) và vị hậu (tức đã chứng Diệu Giác). Vị Phổ Hiền Bồ Tát dạy thánh chúng trong hội Hoa Nghiêm chính là cổ Phật tái lai, thị hiện thân Đẳng Giác Bồ Tát để phụ trợ Tỳ Lô Giá Na giáo hóa bốn mươi mốt phẩm Pháp Thân Bồ Tát.

[19] Đây là một thí dụ trong kinh Pháp Hoa. Trong phẩm 7, tức phẩm Hóa Thành Dụ, đức Phật có nêu một thí dụ: Ví như một vị đạo sư (người dẫn đường) biết nơi kia có một chỗ có nhiều món báu (bảo sở) hướng dẫn mọi người đi đến chỗ đó. Đại chúng đi đường xa mỏi mệt, ngã lòng, muốn quay về. Vị đạo sư có phương tiện thiện xảo, bèn dùng thần thông hóa ra một cái thành lớn, đông đảo, sản vật phong phú, cho đại chúng vào đó ăn uống, nghỉ ngơi. Khi họ đã hết mệt, vị đạo sư bèn bảo họ: Đây chỉ là hóa thành, bảo sở đã rất gần, hãy dũng mãnh tiến lên. Cũng như vậy, đức Phật phương tiện nói ra ba thừa giống như hóa thành để đại chúng có thể tu tập dần dần. Khi họ đã chứng được ba thừa, Ngài bèn tuyên nói Nhất Phật Thừa, để họ có thể dũng mãnh tiến hướng Phật quả. Đó gọi là “khai Quyền hiển Thật, hội tam quy nhất”.

[20] Thế Chủ Diệu Nghiêm là phẩm thứ nhất trong kinh Hoa Nghiêm bản 80 cuốn. Gọi là Thế Chủ Diệu Nghiêm vì ngoài những vị đại Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, còn giới thiệu rất nhiều vị thượng thủ thuộc chư thiên, bát bộ quỷ thần, cũng như các vị thần chủ quản mọi sự trong thế giới như Hải Thần, Chủ Dạ Thần v.v..

[21] Đồng nhân là những người có cùng hạnh nguyện, cùng chí hướng với ta.

[22] Pháp Uyển Châu Lâm (còn gọi là Pháp Uyển Châu Lâm Tập) có thể coi như một bộ bách khoa toàn thư trong nhà Phật, gồm 100 quyển, do ngài Đạo Thế (?-683) biên soạn vào đời Đường, trích dẫn những hơn 400 bản kinh luận, kể cả kinh sách Nho Giáo, Đạo Giáo và Sấm Vĩ. Trong ấy có cả những trích dẫn từ những bản kinh hiện nay đã thất truyền như Bồ Tát Bổn Hạnh Kinh, Quán Phật Tam Muội Kinh hoặc các sách cổ như Tây Vực Chí, Trung Thiên Trúc Hành Ký v.v... Nội dung trình bày tư tưởng, thuật ngữ, pháp số, luật, luận, truyện...

Kinh Luật Dị Tướng gồm 50 quyển, do ngài Bảo Xướng đời Lương làm chủ biên, nội dung thâu thập những chuyện lạ lùng được nói trong kinh luận Phật giáo. Hòa Thượng Tịnh Không nói “lấy Sự làm cương mục”, nghĩa là phân chia nội dung thành những loại chính, mỗi loại ấy gọi là cương mục, chẳng hạn như Thiên Bộ, Địa Bộ, Phật Bộ, Bồ Tát Bộ... Trong mỗi bộ lại chia thành nhiều tiểu loại, chẳng hạn như Phật Bộ gồm có Phật Đà xuất gia, thành đạo, Niết Bàn, phân chia xá-lợi v.v...

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa