Pháp sư

[TẬP 109]: Trì Giới Tu Định, Thọ Trì Kinh Giáo Đại Thừa.


Chư vị đồng học!

Xin xem tiếp phần Tăng Bảo Tán trong thời thứ ba của Hệ Niệm Pháp Sự, chúng tôi đọc kinh văn một lượt:

 

Tăng Bảo bất tư nghị,

Thân phi tam sự vân y,

Phù bôi quá hải sát-na thời,

Phó cảm ứng quần cơ,

Kham tác nhân thiên công đức chủ,

Kiên trì giới hạnh vô vi,

Ngã kim khể thủ nguyện dao tri,

Chấn tích trượng đề huề.

僧寶不思議。

身披三事雲衣。

浮盃過海剎那時。

赴感應群機。

堪作人天功德主。

堅持戒行無違。

我今稽首願遙知。

振錫杖提攜。

(Tăng Bảo chẳng nghĩ bàn,

Chén nổi vượt biển trong khoảnh khắc,

Cảm ứng mọi căn cơ,

Đáng làm trời người công đức chủ,

Giới hạnh giữ vững chẳng trái nghịch,

Con nay đảnh lễ nguyện xa hay,

Rung tích trượng đề huề).

 

Đoạn tán tụng gây ấn tượng sâu đậm nhất cho chúng ta. Bởi lẽ, hiện nay về mặt hình tướng mà nói thì chúng ta ở vào địa vị Tăng Bảo, nhưng chúng ta có đáng gọi là Tăng Bảo hay chăng? Chúng ta có thường phản tỉnh như thế hay không? Cổ nhân nói rất hay:

Thí chủ nhất lạp mễ,

Đại như Tu Di Sơn,

Kim sanh bất liễu đạo,

Phi mao, đới giác hoàn.

(Một hạt gạo thí chủ,

To như núi Tu Di,

Đời này không liễu đạo,

      Đeo lông, đội sừng đền).

      Chúng ta có thực sự nghĩ đến điều này hay không? Đã phát tâm xuất gia, phải khéo lo liệu sự nghiệp xuất gia. Sự nghiệp của người xuất gia là gì? Bài tán tụng này đã nói rõ ràng. Chúng ta phải tự vấn, chúng ta đã làm được hay chưa?

      Trong buổi giảng trước, tôi đã thưa cùng quý vị đại ý của chữ Tăng rồi, Tăng là một đoàn thể hòa hợp. Từ bốn người trở lên gọi là Tăng, tức Tăng đoàn. Lúc chúng ta quy y Tam Bảo, đọc lời thệ nguyện “quy y Tăng, chúng trung tôn”. “Chúng” (眾) là đoàn thể, Tăng cũng là đoàn thể, trong thế gian, đoàn thể ấy đáng được mọi người tôn kính nhất trong tất cả các đoàn thể trên thế gian. Tôn (尊) nghĩa là tôn kính. Vì sao đáng được người khác tôn kính? Vì là một đoàn thể hòa hợp, tuân thủ giáo huấn Lục Hòa Kính của Thích Ca Mâu Ni Phật. “Kiến hòa đồng giải” trong Lục Hòa Kính tôi đã trình bày rồi. “Giới hòa đồng tu”: Giới Luật quan trọng lắm! Mức độ thấp nhất phải thực hiện là Sa Di Luật Nghi: Mười giới, hai mươi bốn oai nghi. Chúng ta cùng ở với nhau một chỗ phải nương theo đại chúng, dựa vào đại chúng, khích lệ lẫn nhau, cảnh tỉnh và sách tấn lẫn nhau. Thấy đồng học không đúng pháp, tiêu chuẩn đúng pháp hay không đúng pháp chính là mười giới, hai mươi bốn oai nghi.

      Trong thực tại, cũng có chỗ không làm được vì hoàn cảnh và hình thức thực tiễn bức bách nên không có cách gì làm được. Chẳng hạn như giới điều “bất trì kim tiền” (không được giữ vàng, tiền), trong hoàn cảnh hiện thời không thể giữ được. Quý vị ra khỏi cửa, người hiện thời ra khỏi cửa chẳng mang tiền theo là không xong; nếu ở trong quốc gia Phật giáo thì được. Như ở Thái Lan, Miến Điện, Tư Lý Lan Kha (Sri Lanka, Tích Lan) là những quốc gia Phật giáo, người xuất gia không cần mang theo một đồng tiền nào, vì sao? Quý vị gặp khó khăn gì, người chung quanh đều giúp đỡ, đều cúng dường, không cần phải bận tâm. Trừ những quốc gia đó ra, đại chúng trong xã hội không bằng lòng cúng dường quý vị. Quý vị đi xe phải mua vé, không có tiền, chẳng ai đem một tấm vé nào cúng dường quý vị cả, bắt buộc quý vị không mang theo tiền cũng chẳng được. Nếu muốn thực sự thực hiện rất thanh tịnh, rất viên mãn thì bất đắc dĩ cũng có biện pháp này: Khi quý vị ra khỏi cửa có tại gia cư sĩ tháp tùng. Trên thân quý vị quả thật không mang tiền, lúc cần phải dùng tiền, người ấy sẽ giúp đỡ quý vị, như vậy là được. Vào thời cổ, Giới kinh cũng cho phép [làm như vậy]. Làm được rất thanh tịnh như vậy thì cũng là chuyện nên làm. Người xuất gia tốt nhất không nên hành động một mình, hành động nhất định phải là từ hai hay ba người trở lên. Như vậy mới là đúng pháp, tránh được điều tiếng, đức Phật nghĩ rất chu đáo!

      Do vậy, chúng ta trông thấy hai chữ Tăng Bảo bèn sanh tâm hổ thẹn. Hổ thẹn có ích gì đâu? Khẩn yếu nhất là sửa lỗi, đổi mới, phải nỗ lực thực hiện tiêu chuẩn ấy. Ta hy vọng sớm có ngày làm được, tu hành trong thế gian hiện nay chẳng phải là chuyện dễ dàng. Vì nguyên nhân nào? Ngoại duyên bất hảo! Phật pháp nhân duyên sanh, đạo tràng thời cổ đều là thập phương đạo tràng, không có vấn đề gì! Chỉ cần quý vị là người xuất gia, bất cứ đạo tràng ở nơi đâu cũng có thể quải đơn[1] được, đều có thể ở cùng tu hành, sinh hoạt với đại chúng. Hiện nay rất nhiều đạo tràng là tử tôn miếu[2], quý vị không dính dáng gì với họ, họ sẽ không tiếp đãi quý vị, còn không đãi được quý vị một bữa cơm nữa kia! Quý vị phải rất thân thuộc với chúng thường trụ, là bè bạn mới được, nhân tình Phật sự[3] mà! Đạo tràng thực sự tu hành đúng lý đúng pháp rất hiếm! Tại Trung Quốc hay ở ngoại quốc đều như thế cả! Do vậy, đúng pháp không thấy thì tự nhiên “không đúng pháp” biến thành “đúng pháp”, chuyện này hết sức rất đáng buồn!

Do vậy, trước kia, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ thường nói: Thời cổ, trong Phật môn tu hành thành tựu theo thứ tự thuận, tỳ-kheo là số một, tu hành, khai ngộ, chứng quả, vãng sanh đông nhất. Kế đến là tỳ-kheo-ni, rồi đến tại gia Ưu-bà-tắc, cuối cùng là Ưu-bà-di. Hiện nay là thời Mạt Pháp, điên đảo hết! Đúng là điên đảo, nay tu hành khai ngộ, chứng quả không có. Người thực sự niệm Phật vãng sanh, Ngũ Giới, Thập Thiện tu hành vẫn còn khá, người niệm Phật vãng sanh đông nhất là tại gia Ưu-bà-di, kế đó là tại gia Ưu-bà-tắc, rồi đến nữ chúng xuất gia, cuối cùng mới là nam chúng xuất gia. Nay chúng ta thấy chúng xuất gia nam nữ gần như không dễ gì thành tựu.

Trong mấy chục năm nay, chúng tôi không bị những tập tục ấy ô nhiễm, vẫn có thể tu hành nơi đạo y như cũ là do nguyên nhân nào? Tôi đã thưa cùng các đồng học rồi đó, do có quan hệ sư thừa, được đắc lực nhờ thầy dạy dỗ. Sau khi rời khỏi thầy, được đắc lực nơi kinh giáo, không có ngày nào tách lìa kinh giáo, kinh giáo là nơi quy y chân chánh. Tôi học Phật năm mươi hai năm, giảng kinh bốn mươi lăm năm. Trong mấy chục năm ấy trải qua rất nhiều sóng gió, tai nạn mà không bị ảnh hưởng là vì nguyên nhân nào? Quý vị phải biết: Thực sự muốn thành tựu thì phải học tập. Những gì tôi đã trải qua ai biết tôi đã lâu thì đều biết: Mỗi lần khốn đốn, mỗi lần bị đả kích là tiêu nghiệp chướng, tăng phước huệ, nâng cao cảnh giới, quyết định chẳng thuận theo phiền não, quyết định chẳng oán hận người khác. Nếu có những ý niệm ấy dấy lên thì sẽ bị phiền phức rất lớn, oan oan tương báo chẳng xong! Thánh hiền thế gian hay xuất thế gian đều dạy chúng ta “oan gia nghi giải, bất nghi kết” (oan gia nên cởi, chớ nên buộc).

Cởi gỡ oán kết chẳng ở nơi đối phương mà ở nơi tâm mình. Trong tâm mình có oán kết thì phải hóa giải; dùng chân thành, cung kính, thanh tịnh, bình đẳng đãi người thì tự mình mới có tiến bộ, mới có thể thành tựu đạo nghiệp, quyết định chớ nên oán trời hận người, vĩnh viễn ghi nhớ lời Ngẫu Ích đại sư răn dạy: “Cảnh duyên phi hảo xú, hảo xú tại ư tâm” (cảnh duyên không tốt xấu; tốt xấu tại nơi tâm). “Cảnh” là hoàn cảnh vật chất, “duyên” là hoàn cảnh nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau). Trong hoàn cảnh vật chất lẫn hoàn cảnh nhân sự không có thiện hay ác, không có đúng hay sai, mà là bình đẳng, thanh tịnh. Đúng - sai, thiện - ác từ đâu có? Từ trong tâm của chính mình. Do vậy, phải hóa giải đúng - sai, thiện - ác ở ngay trong tâm mình, đấy mới thực sự là người tu đạo, thực sự thành tựu Tăng Bảo. Người khác không trì giới, nhưng chính mình phải trì. Trì giới cũng không phải là chuyện dễ dàng, thấp nhất là Thập Thiện, Ngũ Giới. Hàng tại gia lẫn chúng xuất gia đều có thể học tập Sa Di Luật Nghi.

Trì giới tu định, thọ trì kinh giáo Đại Thừa, đức Phật dạy chúng ta: “Thọ trì đọc tụng, vì người khác diễn nói”. “Diễn” là làm, thực hiện được mọi thứ chúng ta đã học. Làm cho đại chúng trong xã hội trông thấy thì gọi là Diễn, tức diễn tuồng, biểu diễn. Ngoài việc thực hiện ra, có ai đến hỏi thì phải giải thích cho người ta nghe, đó là “nói”. Đây chính là bổn phận sự nghiệp của người xuất gia, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nêu gương cho chúng ta thấy. Suốt một đời, sau khi thị hiện đại triệt đại ngộ, lão nhân gia bắt đầu giáo hóa chúng sanh, giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm. Hơn ba trăm hội ấy, trước kia gọi là Hội, nay gọi là “hoạt động”; nói cách khác, Thích Ca Mâu Ni Phật thực hiện những hoạt động quy mô lớn, quy mô nhỏ (hoạt động dạy học), thực hiện hơn ba trăm lần.

Nay học viện của chúng ta ở nơi đây, một năm tổ chức bốn lần hoạt động, mỗi lần là mười thất, tức bảy mươi ngày, Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi một quý làm một lần. Thuật ngữ trước kia gọi là Hội, nay chúng ta gọi là “hoạt động”. Những hoạt động của chúng ta ở đây là mở Phật học giảng tòa, giải - hạnh cùng tiến. Về mặt tu hành, chúng ta niệm Phật, chấp trì danh hiệu. Về giải môn (học hiểu giáo lý, giáo nghĩa), chúng ta mở những lớp chuyên tu, chuyên hoằng, thâm nhập một môn, thành tựu Giới - Định - Huệ của chính mình. Không tạp tu, nhất định chẳng ham cao chuộng xa! Thật thà, chất phác, công đức ấy thực sự chẳng thể nghĩ bàn! Ảnh hưởng càng rộng, thời gian càng dài, càng chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế, nói chung phải phát tâm, nêu gương tốt cho những người tu học Phật pháp.

Hiện tại, trong xã hội có rất nhiều người hiểu lầm Phật pháp nghiêm trọng, do nguyên nhân nào? Do [Phật giáo đồ] không nêu gương tốt, chứ không phải là Phật pháp chẳng tốt. Họ không tu mà giương chiêu bài Phật pháp, tư tưởng và ngôn hạnh hoàn toàn trái nghịch Phật pháp. Người không thâm nhập nghiên cứu Phật pháp, trông thấy những hình tướng ấy sẽ hủy báng toàn bộ Phật pháp, tội quý vị nặng lắm! Nếu tu tập tốt đẹp, khiến cho đại chúng trong xã hội trông thấy bèn hoan hỷ tán thán. Họ khen ngợi quý vị bèn khen ngợi toàn thể Phật pháp thì công đức của quý vị lớn lắm! Vì thế, “Tăng Bảo bất tư nghị” (Tăng Bảo chẳng thể nghĩ bàn). Nay ta có thể hiểu sự chẳng thể nghĩ bàn ấy theo nghĩa kép: Làm đúng pháp, công đức chẳng thể nghĩ bàn; làm không đúng pháp, tội báo chẳng thể nghĩ bàn!

“Thân phi tam sự vân y” (Thân khoác áo mây tam sự): Câu này nói đến áo Ca Sa, tượng trưng cho người xuất gia. “Tam y” là y năm điều[4], y bảy điều và y từ chín điều cho đến hai mươi lăm điều thì gọi là Đại Y (y Tăng Già Lê), tức là đại lễ phục của nhà Phật. Y bảy điều là lễ phục thường, phổ thông. Y năm điều là y mặc để làm việc. Lúc đức Thế Tôn còn tại thế, toàn bộ tài sản ngoài ba y một bát còn có một cái ngọa cụ[5]. Ngọa cụ dùng để làm gì? Đêm ngủ trải phía dưới. Còn cái để đắp là ba y. Do đức Phật xuất hiện tại Ấn Độ, Ấn Độ thuộc vùng nhiệt đới, ba y là đủ rồi. Phật pháp sau khi truyền đến Trung Quốc, Trung Quốc là ôn đới, càng đi về phương Bắc càng gần với hàn đới, nên có Xuân, Hạ, Thu, Đông, ba y ở Trung Quốc không có cách gì giữ ấm được. Phật pháp quả thật trọng thực chất chứ không trọng hình thức, vĩnh viễn là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Do vậy, Phật pháp truyền đến Trung Quốc, người Trung Quốc vẫn mặc y phục của chính mình, còn ba y khoác ra ngoài y phục.

Quý vị thấy cái áo chúng ta đang mặc gọi là Hải Thanh[6], Hải Thanh là y phục của Trung Quốc. Y phục người xuất gia hiện đang mặc là trang phục của bá tánh thường mặc thời Minh. Chúng ta ăn mặc giống đời Minh. Hải Thanh là lễ phục, áo thụng, tay rộng, đấy chính là lễ phục thời Hán. Phật giáo truyền vào Trung Quốc vào thời Hán, người xuất gia khác với tại gia ở chỗ nào? Cổ áo và cổ tay áo của lễ phục người tại gia thêu hoa. Quý vị thấy trên sân khấu biểu diễn như khi hát Bình Kịch[7] hoặc Côn Khúc[8] của Trung Quốc, họ ăn mặc lòe loẹt, diêm dúa, những thứ lễ phục ấy chính là hải thanh, nhưng có thêu hoa văn. Nếu làm quan, áo của họ có thêu hoa văn để làm gì? Thể hiện thứ bậc: Màu sắc của hoa văn thể hiện thân phận của họ. Người xuất gia để trơn hoàn toàn không có hoa văn, sai biệt ở chỗ này. Dân chúng bá tánh cổ áo cũng thêu một chút hoa văn, nhưng hoa văn rất đơn giản, người xuất gia thứ gì cũng đều không thêu.

Vì thế, ba y của chúng ta đắp trên thân có màu cà phê. Chỉ khi nào làm lễ hoặc lúc tham gia các hoạt động (pháp hội), hoạt động là giảng kinh thì phải mặc, phải đắp y. Nghe kinh cũng phải đắp y nhằm biểu thị sự cung kính. Tại gia cư sĩ nếu thọ Bồ Tát giới cũng phải đắp y. [Người thọ] Bồ Tát giới đắp mạn y. Mạn y (y trơn) không có điều nào, tại gia cư sĩ Bồ Tát chúng [đắp y như vậy]. “Vân” (mây) là tỷ dụ, y ấy quả thật là một miếng vải, không giống như y phục của Trung Quốc có cổ, có tay, y không có gì hết, chỉ là một miếng vải, mở ra quả thật giống một áng mây. “Thân phi tam sự[9] vân y” (thân khoác áo mây tam sự) chính là tướng xuất gia.

“Phù bôi quá hải sát-na thời” (Chén nổi vượt biển trong khoảnh khắc): Đây là một câu chuyện xưa. Vào thời đại Nam Bắc Triều, có một vị xuất gia sống nhằm thời Đông Tấn, tức hòa thượng Bôi Độ, trong Cao Tăng Truyện có chép, mà Thần Tăng Truyện cũng chép [tiểu truyện của vị này]. Ngài quả thật hiển hiện thần thông, vượt biển không ngồi thuyền mà dùng một cái chén, đạp lên chén vượt biển. Giống như Đạt Ma Tổ Sư dùng một cành lau để vượt sông, đều là thị hiện Thần Túc Thông. Chúng ta biết người có Thần Túc Thông, trong Tiểu Thừa tối thiểu phải từ Tam Quả trở lên. A Na Hàm, A La Hán mới có năng lực ấy. Quý vị muốn tra khảo tư liệu thì trong Cao Tăng Truyện và Thần Tăng Truyện đều có, có những loại Sơn Chí cũng có chép. Ngài viên tịch vào thời Đông Tấn, cũng tức là thời đại Nam Bắc Triều, nhằm năm 426 sau Tây lịch, tôi không nhớ niên hiệu vua nào[10]. Tôi chỉ nhớ năm Tây lịch, theo Tây lịch [Sư viên tịch] nhằm tháng Chín năm 426, Sư qua đời. Nay ở Nam Kinh, có một chỗ gọi là Phúc Châu Sơn (núi lật thuyền) thuộc Nam Kinh, Ngài được chôn ở nơi đó. Ngài từng qua lại rất nhiều tỉnh của Trung Quốc, du hóa khắp nơi hơn bốn mươi năm, người theo học rất đông, là một vị cao tăng bất phàm thời ấy.

Chúng ta thấy hành trì của Ngài như thế, biết Ngài giới hạnh thanh cao; do vậy, trong phần tán Tăng Bảo lấy Ngài làm thí dụ. Tại Thanh Sơn thuộc Cửu Long, Hương Cảng có ngôi chùa Thanh Sơn, hòa thượng Bôi Độ đã từng sống ở đó. Câu “phù bôi quá hải sát-na thời” phải chăng là nói Ngài hiện thần thông nơi ấy? Bởi lẽ Cửu Long đối diện núi Đại Dự, đến Hương Cảng phải vượt biển[11], Ngài hiển lộ thần thông nơi đấy hay không, chúng ta không biết; nhưng quả thật có chuyện ấy. Lúc chúng tôi đến thăm Thanh Sơn Tự, cổ tích vẫn còn, đó là lần thứ nhất tôi đến Hương Cảng giảng kinh vào năm 1977, đến viếng đạo tràng cũ của hòa thượng Bôi Độ. Hiện tại, trong mấy năm qua, Hương Cảng phát triển hết sức nhanh; năm 1977 chỗ ấy còn hoang sơ, làng quê, không ai đến. Chúng tôi nhớ phải đi rất xa mới đến được. Nay đã xây xa lộ cao tốc, trước kia đến đó phải mất chừng hai tiếng rưỡi, nay hình như nửa giờ đã tới nơi, xa lộ cao tốc mà! Nêu tên Ngài ở đây để làm gương về Tăng Bảo cho chúng ta.

      “Phó cảm ứng quần cơ”: “Cảm” (感) là tín đồ lễ thỉnh, tín đồ thỉnh pháp sư giảng kinh thuyết pháp, Ngài không cự tuyệt. Bổn phận của người xuất gia là ở chỗ này. Thích Ca Mâu Ni Phật cả một đời giảng kinh, thuyết pháp, “phó cảm ứng quần cơ”. Đức Thế Tôn làm như thế, dấu chân in khắp Ấn Độ, nơi nào thỉnh Ngài bèn đến nơi đó, du hóa nhân gian; nhưng tại Trung Quốc có rất nhiều tổ sư đại đức không ra khỏi cửa, trụ trong núi, hễ trụ rồi bèn mấy chục năm không xuống núi, không giống như Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện, có trái nghịch lời đức Thế Tôn giáo huấn hay không? Thưa cùng quý vị, không trái nghịch! Đây chính là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Người Trung Quốc, xã hội Trung Quốc đối với sư đạo (đạo tôn kính thầy) hết sức tôn trọng: “Chỉ văn lai học, vị văn vãng giáo” (Chỉ nghe có chuyện học trò tới chỗ thầy xin học, chưa nghe có chuyện thầy phải đến chỗ học trò để dạy). Không giống như Đại Thừa Bồ Tát trong Phật pháp làm bạn không thỉnh (bất thỉnh chi hữu), quý vị không thỉnh tôi vẫn đến. Người Hoa đối với sư đạo hết sức tôn trọng, vì thế người xuất gia nếu muốn thành tựu [người khác] thì trước hết [chính mình] phải ở yên.

Ở Trung Quốc có hai hạng người du hóa: Một là đạo nghiệp của chính mình chưa thành tựu, bèn đi tham học nhằm thành tựu Định - Huệ cho chính mình. Sau đấy mới có thể giáo hóa chúng sanh, giống như năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử vậy. Tham học xong, trở về, sẽ chọn lấy một nơi hữu duyên để ở lại, ở nơi ấy rồi có thể cả đời không ra khỏi cửa. Giống như Sơ Tổ Huệ Viễn đại sư của Tịnh Độ Tông, lúc xuất gia theo học với pháp sư Đạo An. Ngài Đạo An là thầy thế độ cho Tổ, cũng là thầy truyền pháp. Pháp sư Đạo An viên tịch rồi, Tổ bèn chọn Lô Sơn ở Giang Tây, dựng Niệm Phật Đường tại Lô Sơn, chiêu tập những người chí đồng đạo hợp đều là những người thích niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đều buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật chuyên cầu vãng sanh, gồm một trăm hai mươi ba người, lấy Hổ Khê làm giới hạn, chẳng ra khỏi giới hạn ấy. Suốt đời không xuống núi, tâm định, chẳng tiếp xúc với bên ngoài. Có tín đồ đến nơi ấy triều bái thì được, thỉnh giáo cũng được, nhưng không thỉnh được pháp sư ra khỏi cửa, không hề có!

      Sau này, tổ sư đại đức các tông phái ở Trung Quốc hầu như đều giống như vậy. Các Ngài trụ trong một đạo tràng, tâm định, dạy học tại nơi đó. Quý vị muốn học theo ai thì đến đạo tràng của vị ấy mà học, hình thành tổ đình của các tông phái. Như các Ngài Đỗ Thuận, Vân Hoa, Hiền Thủ, Thanh Lương thuộc tông Hoa Nghiêm. Ngài Thanh Lương trụ tại núi Ngũ Đài, chuyên môn học tập kinh Hoa Nghiêm, giảng giải Hoa Nghiêm, chú giải Hoa Nghiêm, y theo kinh Hoa Nghiêm mà tu hành. Trong thiên hạ, ai thích học Hoa Nghiêm thì đến núi Ngũ Đài để học. Ngũ Đài Sơn giống như đại học Hoa Nghiêm, biến thành một tông phái chuyên biệt. Muốn học Pháp Hoa thì đến núi Thiên Thai thuộc tỉnh Chiết Giang; Trí Giả đại sư giáo hóa nơi đó. Muốn học Pháp Tướng Duy Thức thì đến chùa Đại Từ Ân ở Trường An gặp pháp sư Khuy Cơ. Muốn học Giới Luật, hãy đến chỗ Đạo Tuyên Luật Sư ở Chung Nam Sơn. Những vị ấy trụ tại những đạo tràng đó, ở trong núi sâu, không ra ngoài.

      Dường như hòa thượng Bôi Độ không có đạo tràng nhất định, chỗ nào lễ thỉnh, Ngài bèn đến nơi đó, trụ ở đó mấy năm, suốt đời du hóa. Vì thế, Ngài không thể trở thành một vị tổ sư; nhưng hành trì rất giống với Thích Ca Mâu Ni Phật, kết pháp duyên rộng rãi cùng chúng sanh. Tuy vậy, tổ đình là một nét đặc sắc của Trung Quốc, là một nét đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc, có cái hay là người thực sự có thể tự thành tựu thì cũng có thể thành tựu người khác. Vì sao? Tâm người ấy định. Tam Học Giới - Định - Huệ đồng thời thành tựu, đúng là “Tam Học đẳng vận” (sử dụng Tam Học bình đẳng), dễ thành tựu. Nếu du hóa bên ngoài mà chính mình không có Định - Huệ rất sâu sẽ không dễ dàng, vì sao? Du hóa tiếp xúc rất nhiều, mà những chuyện tiếp xúc ấy là gì? Là dụ hoặc (dụ dỗ, mê hoặc). Quý vị có vượt qua được dụ hoặc hay không? Sáu căn tiếp xúc ngũ dục lục trần có thể chẳng động tâm hay không? Nếu vẫn còn động tâm thì rất nguy hiểm!

      Phật pháp truyền đến Trung Quốc sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ một ngàn năm, một ngàn năm Chánh Pháp đã hết, bước vào thời Tượng Pháp! Do vậy, những tổ sư đại đức biết sức dụ hoặc của thời Mạt Pháp càng lớn hơn nữa. Sức dụ hoặc hiện thời so với thời Tấn (hòa thượng Bôi Độ là người đời nhà Tấn) lớn gấp cả mấy trăm lần, thậm chí hơn cả ngàn lần, sức dụ hoặc quá lớn. Vì thế, người tu hành trước kia, đừng nói chi là người tu hành, người chỉ đọc sách không thôi tâm họ đều định, người nào nghề nấy; không như hiện tại, tâm người hiện tại bồng bột, bộp chộp, có thể nói là một tí định lực cũng không có. Một trận sóng gió bé tẹo cũng không chống đỡ nổi, mừng, giận, buồn, vui nổi lên đùng đùng. Quý vị muốn thường đến mọi nơi giảng kinh, tiếp xúc người, sự, vật khác nhau thì phải có công phu kha khá. Nếu ứng phó không được, sẽ chẳng thể không đọa lạc. Giảng kinh có công đức hay không? Không có! Trước kia thầy Lý dạy chúng tôi như thế này: “Kết quả giảng kinh là gì? Là phước đức, là phước báo hữu lậu trong tam giới”; thế nhưng quý vị phải giảng rất đúng pháp. Nếu như quý vị giảng không đúng pháp, miệng nói thao thao, giảng theo tri kiến của chính mình thì lại là tạo nghiệp! Đúng như câu nói: “Thác hạ nhất cá tự chuyển ngữ, đọa ngũ bách thế dã hồ thân” (Chuyển ngữ trót giảng lầm một chữ, đọa làm thân cáo năm trăm năm). Làm cho đại chúng lầm lạc, tội lỗi chẳng nhẹ!

      Đúng quy củ thì nay chúng ta giảng kinh, chính mình không có bản lãnh. Vì sao? Quý vị chưa ngộ (ngộ nhập), chưa khai ngộ, đại triệt đại ngộ rồi mới có thể giảng được. Đại triệt là gì? Minh tâm kiến tánh! Chư Phật Như Lai, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác giảng kinh, thuyết pháp đều là tự tánh lưu lộ. Chúng ta chưa kiến tánh bèn lưu lộ những gì? Tuôn ra những phiền não, tuôn ra những tập khí. Giảng bằng cách nào đây? Xưa kia, các vị đại đức không khai ngộ chẳng thể giảng kinh, không kiến tánh chẳng thể soạn chú giải. Vì thế, những bản chú giải cổ đều là chánh tri chánh kiến, không sai lầm. Họ không minh tâm kiến tánh sẽ không thể soạn chú giải; không giống như hiện thời, hiện tại dân chủ mở rộng, ngôn luận tự do, xuất bản tự do, nhiễu loạn sự thấy nghe [của người học Phật].

Vì thế, lúc thầy còn sống đã dạy chúng tôi: “Chúng ta đọc kinh, xem chú giải của cổ nhân, nhất định lấy chú giải cổ làm chủ. Chú giải cổ không hiểu thì xem chú giải của người hiện tại để bổ trợ. Nhất định phải lấy chú giải của cổ nhân làm căn bản, từ bản chú giải cổ mà ngộ nhập”. Chúng ta chưa thể đại triệt đại ngộ thì có tiểu ngộ, tích tụ tiểu ngộ thành đại ngộ. Có được mấy lần đại ngộ, tuy chưa triệt ngộ, nhưng chúng ta có thể dùng ngôn ngữ hiện đại để diễn đạt chú giải của cổ nhân. Làm như vậy sẽ không sai, đấy là điều hiện nay chúng ta có thể làm được. Khi còn tại thế, thầy dạy chúng tôi phát tâm giảng kinh phải tuân theo phương châm và nguyên tắc này, mấy chục năm qua chúng tôi luôn tuân thủ.

      Nói cách khác, giảng chú giải của cổ nhân, đem tâm đắc tu hành của chính mình dâng cho mọi người tham khảo. Chính mình thực sự kiến tánh, khế nhập cảnh giới thì được, lúc ấy quý vị có thể giảng; chưa khế nhập cảnh giới thì không được. Do vậy, “phó cảm ứng quần cơ” không phải là chuyện người bình thường có thể làm được, mà phải là Pháp Thân Bồ Tát. Mức độ thấp nhất cũng phải như thầy Lý đã nói trước kia là Tam Quả La Hán, tức A Na Hàm, phải có bản lãnh ấy! Tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc đoạn hết, tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc gần như đoạn được một nửa, thực sự có thể giữ cho chính mình không bị lui sụt, như vậy thì mới có thể làm được. Nếu không, nhất định phải theo thiện tri thức ở trong núi, nhất định phải theo một vị thầy giỏi.

      Phật giáo Nhật Bản do Trung Quốc truyền qua, Nhật Bản cũng có một tổ đình Phật giáo rất nổi tiếng là núi Tỷ Duệ[12], người Nhật gọi núi này là “mẹ của Phật giáo”. Gần như tất cả những vị sáng lập các tông phái của Nhật Bản, những vị cao tăng đại đức đều xuất thân từ núi này. Chúng tôi đến đó thăm, hỏi chuyện mấy vị trụ trì nơi đó, trong quá khứ những tổ sư đại đức tu hành ở trên núi này bao lâu? Họ bảo tôi: “Tối thiểu là mười sáu năm, không có ai ít hơn mười sáu năm!” Người tu hành ở đó lâu hơn mười sáu năm rất nhiều. Mười sáu năm không xuống núi, chẳng thể không có thành tựu. Thường chạy rong bên ngoài, chẳng thể thành tựu được. Trước kia, thầy Lý cũng khuyên chúng tôi ở lại một chỗ, tôi bị hoàn cảnh bức bách, chính mình không có đạo tràng, bèn phải “phó cảm ứng quần cơ”. Nơi nào thỉnh bèn đến nơi đó, cho nên cũng phải sống cuộc đời “chu du liệt quốc”. Đúng là đến tuổi già mới có được chút phước báo, kiến lập đạo tràng ở nơi này. Dựng đạo tràng ở đây, tôi không muốn xuống núi, lấy Đồ Văn Ba (Toowoomba) làm giới hạn, hoàn toàn định lại.

      Thế nhưng thời cuộc hiện thời không cho phép, thế giới này tai nạn quá nhiều, chúng sanh quá khổ. Nếu là những chuyện đa nguyên văn hóa, đoàn kết các sắc dân, đoàn kết tôn giáo, hòa bình thế giới, vì những chuyện ấy tôi vẫn phải bỏ chút sức yếu mỏng. Nếu không phải vì những chuyện ấy, tôi không xuống núi. Những chuyện ấy nay vẫn không có người thay thế; nếu có ai thay thế, tôi hoan hỷ vô lượng, tôi sẽ chẳng xuống núi, tối thiểu là phải nêu gương [ở yên tu học trên núi] mấy năm cho người khác thấy. Vì thế, chúng tôi đọc đến câu “phó cảm ứng quần cơ” này, thấy quả thật chẳng phải là chuyện rất dễ dàng.

      Thế nhưng hiện thời là thời đại động loạn, muốn giúp đỡ thế giới khôi phục lại trật tự bình thường khó khăn quá! Nay chúng tôi biết là chuyện không thể làm mà vẫn cứ làm, dâng hiến một chút tâm lực của mình, bất luận đến nơi đâu cũng là vì chuyện này. Nay chúng ta có viễn trình giáo học (telecourse), có Internet, có truyền hình vệ tinh; tuy thế, ngẫu nhiên có những lúc chính mình phải đến nơi mới tạo ra hiệu quả ảnh hưởng, giúp cho bọn họ kiến lập tín tâm, giúp bọn họ tỉnh ngộ. A! Bây giờ đến giờ rồi!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa