Chư vị đồng học!
Xin hãy xem tiếp phần sau:
Tại Xá Vệ Quốc, Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên.
在舍衛國,祇樹給孤獨園。
(Trong nước Xá Vệ, vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ Đà).
Xá Vệ (Srāvastī) là dịch âm tiếng Phạn, dịch nghĩa là Văn Vật, “thử vân Văn Vật” (ở đây kêu là Văn Vật). Văn Vật có hai nghĩa:
1) “Văn” ngụ ý ở nơi ấy có rất nhiều người đa văn, nói theo cách bây giờ là có rất nhiều người thấy nhiều biết rộng, có học vấn, có đạo đức, có kiến thức. Nói cách khác, nói như cách chúng ta hiện thường nói, khu vực ấy trình độ văn hóa rất cao. Chữ “Văn” biểu thị ý nghĩa này.
2) “Vật” là sản vật phong phú.
Nói như bây giờ thì Vật là văn minh vật chất, Văn là văn minh tinh thần, đều thù thắng phi thường. Đó là địa phương tốt, rất khó có được.
Xá Vệ vốn là danh xưng của một thành thị, thành thị ấy rất nổi danh, nên dùng tên thành thị ấy để đặt tên cho quốc gia. Giống như trong xã hội hiện tại, chúng ta lấy Bắc Kinh đại diện cho Trung Quốc, lấy Washington DC đại diện cho Mỹ Quốc, ý nghĩa giống như vậy.
Kỳ Đà cũng là tiếng Phạn, Tu Đạt Đa cũng là tiếng Phạn; đó là tên của hai người. Kỳ Đà (Jeta) là tiếng Phạn, Tu Đạt Đa (Sudatta) cũng là tiếng Phạn, đây là tên của hai người. Kỳ Đà là thái tử, Tu Đạt Đa là đại thần, trưởng giả. Hai người này bố thí một khu đất, dâng cho Phật kiến lập đạo tràng tại đó để giáo hóa chúng sanh. Câu chuyện này không cần giảng, trong Kinh Luật Dị Tướng có ghi, trong Pháp Uyển Châu Lâm cũng có, rất nhiều chú giải kinh A Di Đà của các vị pháp sư cũng giảng rất tường tận, ở đây chúng tôi lược đi không nói.
Tu Đạt Đa dùng vàng ròng trải đất để mua hoa viên của thái tử Kỳ Đà, thái tử Kỳ Đà thấy ông ta làm như vậy, bị cảm động. Chàng hỏi: “Thích Ca Mâu Ni Phật là hạng người nào mà ông tôn trọng đến thế? Hy sinh lớn lao như vậy?” Vườn hoa của Thái Tử đẹp vô cùng, Tu Đạt Đa đòi mua lại, Thái Tử cười giỡn: “Nhà ông giàu có, vàng ròng rất nhiều, ông đem vàng ròng trải kín chỗ này, tôi sẽ bán cho ông!” Tu Đạt Đa làm thật, Kỳ Đà cảm động nói: “Hai người mình chung sức, chúng ta cùng cúng Phật”. Tu Đạt Đa không chịu, nói: “Công đức là một mình tôi làm”.
- Tốt lắm! Vậy cũng tốt! Đất này ông trải vàng ròng, tôi bán đất cho ông; hoa cỏ trong vườn này là của tôi, ông không có cách nào dát vàng được. Tốt! Đất bán cho ông, tôi phá sạch toàn bộ hoa cỏ cây cối đi!
Tu Đạt Đa hết cách: “Tốt! Tốt! Hai người hợp tác”. Bởi thế gọi là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên (Jetavane Anāthapindikassa Ārāma, vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ Đà).
“Cấp Cô Độc” (Anathapindika) là Tu Đạt Đa. Người đương thời trong thành thị đó tặng cho ông ta danh xưng ấy, bởi ông thường bố thí người cô độc, già cả; nói như bây giờ, trưởng giả Tu Đạt Đa rất thích làm công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ người cô khổ và người già cả. Kẻ không nơi nương dựa ông đều chiếu cố, bởi thế được tặng danh hiệu Cấp Cô Độc. Đạo tràng ấy gọi là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên vì Kỳ Đà là thái tử, đặt tên chàng ta lên trước. Câu chuyện “hoàng kim bố địa” (vàng ròng phủ đất) chỉ có vậy mà thôi!
Hai người bọn họ cúng dường nơi ấy để Phật giáo hóa chúng sanh, Thích Ca Mâu Ni Phật có tiếp nhận hay chăng? Đức Phật hoan hỷ tiếp nhận. Nhưng ở đây, chúng ta phải quan sát tỉ mỉ cho rõ, đức Phật tiếp nhận sự cúng dường của họ là tiếp nhận quyền sử dụng, chứ nhất định không tiếp nhận quyền sở hữu. Nếu nói vườn hoa này của tôi cúng dường Thích Ca Mâu Ni Phật, quyền sở hữu đều giao cho Thích Ca Mâu Ni Phật, thì Thích Ca Mâu Ni Phật xuất gia, bây giờ lại có một cái nhà, chẳng phải là “hồi gia” (trở về nhà) ư? Quý vị nghĩ có phải đúng như vậy hay chăng? Cả một đời Thích Ca Mâu Ni Phật tiếp nhận quốc vương, đại thần, cư sĩ, trưởng giả cúng dường, thảy đều là quyền sử dụng, quyết định chẳng có quyền sở hữu, nhất định phải hiểu điều này! Tâm địa vĩnh viễn thanh tịnh, chắc chắn không khởi tâm tham, nhất định chẳng có phân biệt, chấp trước. Hành vi của lão nhân gia làm gương cho những người đời sau như chúng ta. Chúng ta phải nhớ rõ, nếu coi quyền sở hữu tài sản là của chúng ta thì trật rồi, quý vị hồi gia mất rồi!
Người chân chánh tu đạo chẳng hề tham luyến mảy may gì trong thế gian này. Bởi thế, nay chúng ta kiến lập đạo tràng, nhất định phải thành lập một nhóm đại biểu về mặt pháp lý. Tài sản ấy chẳng thuộc quyền tư hữu của một cá nhân nào cả, những người ấy hợp thành Đổng Sự Hội (hội đồng quản trị). Đổng Sự Hội có thể thỉnh người tại gia hay xuất gia đảm nhiệm, người ấy có quyền xử lý tài vật, nhân sự trong đạo tràng, ủy thác người chân chánh hữu tu hữu học, đức cao trọng vọng, dù là pháp sư hay là cư sĩ đều được cả. Ủy thác cho người ấy, tức là mời người đó, Đổng Sự Hội thỉnh người đó trụ trì, mời người ấy lãnh trách nhiệm làm người quản lý đạo tràng. Người ấy đến quản lý, đến phụ trách việc dạy dỗ, thực hiện sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.
“Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên” là người giữ chủ quyền đạo tràng ấy, tức là thái tử Kỳ Đà và trưởng giả Cấp Cô Độc, họ giống như Đổng Sự Hội, mời mọc (trong nhà Phật gọi là “lễ thỉnh”) Thích Ca Mâu Ni Phật và các học trò của Ngài đến thường trụ nơi đó, đến đó tu hành, giảng kinh, thuyết pháp. Đương nhiên dân chúng nơi ấy đến nghe kinh, người đến học tập hết sức đông đảo. Trong kinh điển thường nói là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, nên lại phải nêu tên vài vị thượng thủ. Trên thực tế, nêu tên những vị thượng thủ nhằm biểu thị pháp nghĩa nên phần đầu của các một bộ kinh không hoàn toàn giống nhau. Lấy vài người đại biểu cho nội dung của pháp môn ấy, nhằm dụng ý này. Bởi thế, chẳng thể tùy tiện nêu tên, chúng ta phải chú ý học tập điều này.
Người tu đạo, người giác ngộ chắc chắn chẳng vướng mắc danh văn, lợi dưỡng, thiền sư Trung Phong đã làm gương cho chúng ta. Từ truyện ký của Ngài, chúng ta đã thấy: Chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu là một ngôi phạm sát[15] bậc nhất, nay chúng ta gọi là một ngôi chùa to, thỉnh Ngài làm phương trượng trụ trì, Ngài từ tạ không làm. Vì sao? Nhằm răn dạy hậu học tránh xa danh văn, lợi dưỡng, đa sự chẳng bằng thiểu sự, thiểu sự chẳng bằng vô sự! Cả một đời Thích Ca Mâu Ni Phật theo đuổi công tác giáo huấn, là gương mẫu cho chúng ta. Người xuất gia làm gì cho xã hội? Người sống trong cõi đời chẳng thể không làm gì, đều phải cống hiến đôi chút cho xã hội và đại chúng. Sự cống hiến là sự nghiệp cả đời mình theo đuổi, mọi người vì mình, mình vì mọi người. Người xuất gia tiếp nhận sự cúng dường của mọi người trong xã hội, chúng ta đền đáp bằng cách nào? Trước hết, phải hiểu rõ người xuất gia đảm nhiệm vai trò gì trong xã hội?
Chúng ta cứ nhìn kỹ đức Thích Ca Mâu Ni Phật là biết ngay, suốt đời dạy dỗ. Dạy dỗ là giáo dục. Bốn mươi chín năm giảng kinh thuyết pháp, giảng kinh hơn ba trăm hội. Hơn ba trăm hội đó nói theo ngôn ngữ bây giờ là thực hiện các hoạt động; thực hiện các hoạt động quy mô lớn nhỏ, trường kỳ, đoản kỳ hơn ba trăm lần. Giống như chúng ta hiện nay thực hiện các khóa giảng Phật học, mở lớp bồi dưỡng huấn luyện ngắn hạn, lập học viện trường kỳ; cũng có lúc nhận lời các nơi khác mời đến giảng kinh ngắn hạn, các hoạt động giảng diễn như vậy; hơn ba trăm hội của đức Thế Tôn giống như vậy đó. Hằng ngày theo đuổi công tác giảng dạy, giáo hóa chúng sanh, sự nghiệp ấy là sự nghiệp gì? Nói như hiện tại là giáo dục xã hội. Đối tượng được giáo hóa chẳng phân biệt quốc gia, chẳng phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng, người đến chẳng cự tuyệt, người đi không níu kéo, đó là điều người hiện tại gọi là “giáo dục xã hội văn hóa đa nguyên”. Chúng ta phải hiểu rõ, phải thấy minh bạch. Thích Ca Mâu Ni Phật cả một đời không làm những pháp hội như hiện tại, không hề có! Siêu độ? Không có! Vì người chết tụng kinh? Không có!
Chúng ta phải chú ý quan sát, những pháp hội siêu độ giống như hiện tại là do người đời sau lưu truyền, chứ chẳng phải do đức Phật lưu truyền. Đối với lịch sử chúng ta phải hiểu, phải thấu suốt, đừng lầm lẫn phương hướng, mục tiêu. Đức Phật dạy dỗ chúng ta nhằm mục đích gì? Mục đích là dạy chúng ta giác ngộ. Thành Phật là thành tựu giác ngộ rốt ráo viên mãn, giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm, đó là Phật. Vườn rừng, đạo tràng, thế nào là đạo, phải hiểu cho rõ! Cái Đạo nói bởi Nho gia Trung Quốc là luân lý đạo đức; cái Đạo nói trong nhà Phật là luân lý giác ngộ, phương pháp giác ngộ, cảnh giới giác ngộ, đó là Đạo, là con đường Đạo. Con đường chuyển phàm thành thánh, con đường phá mê khai ngộ, con đường đoạn ác tu thiện, đó là con đường Đạo! Những nơi chốn chỉ dạy những điều ấy được gọi là “đạo tràng”. Giới thiệu cùng quý vị đoạn đầu tiên như thế.
6.2.1.6. Đại chúng cùng nghe (Chúng Thành Tựu)
6.2.1.6.1. Thuyết minh thính chúng
Đoạn thứ hai là “đại chúng đồng văn” (đại chúng cùng nghe). Từ “dữ chư đại tỳ-kheo Tăng, thiên nhị bách ngũ thập nhân câu, giai thị đại A La Hán chúng sở tri thức” (và các đại tỳ-kheo tăng, một ngàn hai trăm năm mươi người câu hội, đều là đại A La Hán, được mọi người hay biết) cho đến “cập Thích Đề Hoàn Nhân đẳng, vô lượng chư thiên đại chúng câu” (và Thích Đề Hoàn Nhân v.v… vô lượng chư thiên đại chúng cùng nhóm). Đó là đoạn thứ hai nói về “đại chúng đồng văn”. Đối với đoạn này, tôi viết: “Vị hậu học thị phạm, thiện tự thủ sư” (vì hậu học nêu khuôn phép, khéo giữ phép tắc làm thầy). “Thủ” là “thủ pháp” (tuân thủ phép tắc), Sư là pháp sư. Những vị ấy đều là gương mẫu, làm mô phạm cho đại chúng, chúng ta phải học theo các Ngài.
Kinh văn ghi rất rõ “đại tỳ-kheo tăng”. Tỳ-kheo là Tiểu Thừa, trước đó thêm chữ Đại, ý nói chẳng phải Tiểu Thừa, mà là Đại Thừa tỳ-kheo, học tập pháp Đại Thừa. Đây là các đệ tử thường theo học với Thích Ca Mâu Ni Phật, trường kỳ theo học với thầy. Thầy đi đến đâu họ theo đến đấy, theo suốt đời! Bởi thế, họ là một đoàn thể khá quy mô, một đoàn thể giáo học, một đoàn thể hoạt động giáo dục xã hội, tổng số là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, lược đi con số năm người lẻ, chỉ lấy số chẵn, thành một ngàn hai trăm năm mươi người, chứ trên thực tế là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người. Trong chú giải kinh A Di Đà đã nhắc đến rồi, đã giới thiệu rất tường tận rồi.
Lại xem tiếp, những người ấy “giai thị đại A La Hán, chúng sở tri thức”. Thật là bất phàm! Thế nào là A La Hán (Arhat)? A dịch là Vô, La Hán là học hỏi; bởi thế A La Hán dịch sang tiếng Trung Quốc là Vô Học. Vô Học nghĩa là gì? Giống như nay chúng ta đã tốt nghiệp rồi, họ đã viên mãn các học phần (credits) rồi, tốt nghiệp rồi. Tốt nghiệp là vô học (không còn học nữa). Bậc Vô Học Tiểu Thừa tu viên mãn pháp Tứ Đế, gọi là A La Hán, đắc Chánh Giác. A La Hán là danh xưng học vị (degree); [các vị đại tỳ-kheo ấy] đã đạt học vị A La Hán, họ thực sự thành tựu Chánh Giác. Có nghĩa là tư tưởng, kiến giải, ngôn hạnh của họ đều không lầm lỗi, đoạn sạch Kiến Tư phiền não. Kinh luận thường nói tám mươi tám phẩm: Tu Đà Hoàn đoạn sạch tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc phiền não trong tam giới. Tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc thuộc tam giới cửu địa cũng đoạn sạch, Kiến Tư phiền não đoạn sạch thì chứng quả A La Hán.
Nói cách khác, họ chẳng có cái nhân luân hồi trong lục đạo nữa; do nhân không còn nên siêu việt luân hồi lục đạo. Nếu họ muốn trở lại luân hồi trong lục đạo nhằm giáo hóa chúng sanh thì đó là “thừa nguyện tái lai” (nương theo bổn nguyện trở lại). Chúng sanh có cảm, họ bèn có ứng, nương theo nguyện mà đến, chẳng do nghiệp lực. Phàm phu trong sáu đường không ra khỏi luân hồi lục đạo là vì nghiệp lực. Nghiệp lực là gì? Là Kiến Tư phiền não. Kiến Tư phiền não chẳng đoạn, làm sao quý vị thoát khỏi luân hồi lục đạo được! Quý vị phải từ đó quán sát, suy nghĩ thì mới biết là khó, rất ư là khó! Bởi thế, chúng ta chẳng thể không cảm tạ A Di Đà Phật. Nếu A Di Đà Phật chẳng mở ra cho chúng ta pháp môn đới nghiệp vãng sanh này, nhất định chúng ta chẳng thể thành tựu trong một đời này được!
Mỗi một vị đồng học nghe rồi phải tự phản tỉnh, quý vị đã đoạn được vọng tưởng, tạp niệm hay chưa? Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, cho đến lúc đêm ngủ, quý vị chưa hề đoạn vọng tưởng. Đêm ngủ bèn nằm mộng, mộng do đâu mà có? Do vọng tưởng biến hiện ra. Quý vị không đoạn sạch vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không ra khỏi luân hồi lục đạo được! May sao có pháp môn đới nghiệp vãng sanh này. Trong kinh, đức Phật nói rất rõ rệt: Pháp môn này là pháp khó tin. Khó tin mà tin được, thế là quý vị phước đức khôn sánh, trí huệ khôn sánh. Quý vị có thể chọn lựa pháp môn này, chết sạch lòng mong ngóng, so đo, khiêm hư sát đất tu học, trong một đời sẽ siêu việt lục đạo, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, Tiểu Thừa A La Hán chẳng thể sánh bằng quý vị. Quý vị thù thắng hơn họ rất nhiều!
Đại Thừa A La Hán chỉ những ai? Tốt nghiệp Đại Thừa rồi, không học nữa. Thưa cùng quý vị, đó là Pháp Vân Địa Bồ Tát, tức là Thập Địa Bồ Tát, tốt nghiệp rồi. Đại A La Hán tức là Pháp Vân Địa Bồ Tát. Ở đây, đức Phật bảo những vị này “đều là đại A La Hán”, chẳng phải là Tiểu Thừa. Chẳng phải là Tiểu Thừa nghĩa là sao? Họ đến đóng tuồng, sắm vai Tiểu Thừa. Ở đây, họ diễn vai Tiểu Thừa, chứ trên thực tế họ là đại A La Hán. Trong số ấy, có không ít vị sẽ sớm thành Phật, chẳng hạn như các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, ai nấy đều biết, họ là Cổ Phật Tái Lai.
Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí đều là Cổ Phật Tái Lai, nhưng làm chúng Bồ Tát [trong kinh này]. Còn ở đây, [các vị Thập Địa Bồ Tát] thị hiện làm chúng Thanh Văn. Một đức Phật xuất thế, ngàn đức Phật ủng hộ, đều nhằm làm gương cho chúng ta. Còn chúng ta thì nếu kẻ nào thành tựu, rất nhiều kẻ khác muốn đả kích, ghen ghét, phá hoại, chướng ngại, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, đấy là mê! Người giác ngộ thấy kẻ khác thành tựu thì mọi người giúp đỡ, ủng hộ kẻ ấy. Giống như diễn tuồng, anh đóng vai chánh, tôi thay anh đóng vai phụ, không ai chẳng hoan hỷ, đề cao anh. Tuồng hát đó diễn hay, nhằm mục đích gì? Để giáo hóa hết thảy chúng sanh, giúp hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ.
Bởi thế, cổ đại đức thường nói: “Nhược yếu Phật pháp hưng, duy hữu Tăng tán Tăng” (Nếu muốn Phật pháp hưng khởi thì chỉ có Tăng khen ngợi Tăng). Người xuất gia khen ngợi lẫn nhau thì Phật pháp hưng vượng. Nếu hủy báng lẫn nhau, khen mình, chê người, Phật pháp bèn diệt mất. Phật pháp hưng vượng sẽ có lợi cho chúng sanh, có lợi cho mình; Phật pháp diệt mất, mình chẳng được lợi gì, chúng sanh cũng chẳng lợi gì. Do vậy ta biết: Cát, hung, họa, phước đều chỉ trong một niệm của ta. Pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều là đạo lý này. Một nhà hưng vượng, quý vị thấy người trong nhà đó hòa thuận, khen ngợi lẫn nhau, vui sướng, gia đình ấy hưng vượng. Nếu gia đình ấy ngờ vực, dò xét lẫn nhau, không tin tưởng nhau, mỗi cá nhân đều thấy khuyết điểm của đối phương, trọn chẳng nói tới ưu điểm của đối phương, không lâu sau, gia đình ấy sẽ bại vong, đó là điều chắc chắn!
Đoàn thể, công ty, hãng tiệm, cho đến quốc gia, đều không ra ngoài lệ ấy. Quốc gia làm thế nào để hưng vượng? Thế giới phải làm sao mới được hòa bình? Thánh nhân thấy rất rõ ràng, giảng rất thấu triệt. Nếu ta thực sự giác ngộ, hiểu rõ, y giáo phụng hành, bắt đầu từ trong gia đình, “gia hòa, vạn sự hưng”. Trong đoàn thể nhỏ của chúng ta, tứ chúng đồng tu ở cùng một chỗ, khen ngợi lẫn nhau thì đạo tràng ấy sẽ hưng vượng. Chứ ngờ vực, ghen ghét, chướng ngại lẫn nhau thì đạo tràng ấy chẳng có tương lai. Đạo lý, chân tướng sự thật ấy đều là nhân quả báo ứng, chẳng thể không hiểu rõ, chẳng thể không kiêng dè!
Người chết đi có đời sau, có kiếp sau, chẳng phải chết là hết. Nếu chết đi, mọi việc đều xong thì sao? Chẳng cần phải học Phật nữa. Chính vì chết đi vẫn còn có đời sau, sau đời sau còn có đời sau khác nữa, một đời này mình không tu cho tốt, chết đi không làm gì được, phiền phức rất lớn. Người thông minh, cổ nhân gọi là “tiền hậu nhãn nhân” (“Tiền hậu nhãn” tức là biết nghĩ đến tương lai, biết nghĩ đến mai sau), suy nghĩ nhiều về chuyện quá khứ, tương lai, nghĩ đến đời đời kiếp kiếp, nghĩ đến xã hội đại chúng, con người ấy là người hiểu rõ, là người giác ngộ. Nếu chỉ vì mình, chẳng biết vì người khác thì là kẻ hồ đồ, là điên đảo, mê hoặc. Bởi vậy, những người kề cận Phật, kể cả tại gia cư sĩ, trong số ấy có những vị cổ Phật tái lai, đại Bồ Tát thị hiện, biểu hiện bề ngoài giống phàm phu, phàm nhân, thật ra là thánh nhân.
6.2.1.6.2. Biện định thính chúng duyên do
6.2.1.6.2.1. Biện định duyên do và vai trò của Thanh Văn Chúng
Chúng tôi thấy [sách Yếu Giải] nêu lên ba điều chánh yếu: “Thanh Văn cư thủ, xuất thế gian tướng cố, thường tùy tùng cố, Phật pháp lại Tăng truyền cố” (Thanh Văn đứng đầu [trong thính chúng] vì là tướng xuất thế gian, vì thường theo hầu Phật, vì Phật pháp phải nhờ vào Tăng để truyền). Đó là lý do đặt hàng Tiểu Thừa vào vị trí đầu tiên, bởi hình tướng của họ là hình tướng xuất gia, Bồ Tát không nhất thiết mang hình tướng xuất gia, phần đông mang hình tướng tại gia. Bồ Tát không nhất quyết thường theo Phật; Thanh Văn thường phải theo Phật. Vì sao? Còn chưa tốt nghiệp, tỳ-kheo là học trò chưa tốt nghiệp; chưa tốt nghiệp đương nhiên hằng ngày phải theo thầy. Bồ Tát tốt nghiệp rồi nên có thể tách khỏi thầy. Bởi thế, những học sinh ấy là học sinh còn đang theo học, vẫn chưa tốt nghiệp.
Thuở ấy, đức Phật dạy học không có trường sở cố định, trường học đặt tại đâu? Trong rừng, bên sông, bên khe nhỏ, chẳng có phòng ốc, chẳng có hết thảy trang bị, điều này chúng ta đều biết rất rõ. Các Ngài sanh sống và ngủ dưới gốc cây, ăn một bữa trưa, chẳng có phòng nhà, thiết bị gì cũng không có, sống ngoài thiên nhiên. Trong quá khứ, chúng tôi có đọc cuốn “Âm thanh hoang dã”, do người Mỹ viết về thổ dân Úc châu. Hiện thời, thổ dân châu Úc vẫn còn, bọn họ ở chính giữa nước Úc, thuộc khu vực sa mạc, thiết bị gì cũng chẳng có, giống như cuộc sống của Thích Ca Mâu Ni Phật thời Ngài tại thế, ngủ dưới gốc cây. Họ ăn toàn những thứ mọc hoang, giống như những người du mục đi đây đó kiếm ăn, chẳng ở chỗ nào nhất định. Họ cũng chẳng có y phục để mặc, thân thể khỏe mạnh, không hề ưu lự, không có gì vướng mắc, không có phiền não, tâm linh cảm ứng. Phương thức sanh sống của đức Phật lúc tại thế cũng giống như thế đó.
Sau này, đạo đức, học vấn, sự giáo hóa của đức Thế Tôn được đế vương, đại thần biết đến. Họ nghe rồi đều sanh tâm hoan hỷ, rất mong mỏi đức Thế Tôn đến sống và dạy dỗ trong đất nước của họ. Đức Thế Tôn tùy duyên, chẳng cố chấp tí nào, địa phương nào mời, Ngài liền đến nơi đó. Nhờ vậy, tiếp xúc xã hội rộng lớn, khuếch đại hiệu quả giáo dục, đúng là lợi ích hết thảy chúng sanh. Bồ Tát phân tán đến các nơi giáo hóa chúng sanh. Cũng có lúc Phật phái Thanh Văn đi; rất nhiều địa phương thỉnh, đức Phật chẳng thể đến hết mọi nơi được, bèn phái học trò đi. Dạy một thời gian bèn quay về, thay phiên, luân lưu dạy học, rất nhiều phen như thế.
Có những vị Bồ Tát, Thanh Văn có duyên rất sâu đậm với người nơi đó, nói cách khác, là thời gian dạy học ở nơi ấy rất dài, họ là những học trò hết sức ưu tú. Mỗi năm, đức Phật an cư kết hạ ba tháng. Trong ba tháng ấy, tất cả học sinh đi dạy bên ngoài đều phải quay về, đều phải về bên đức Phật, tiếp nhận tái giáo dục. An cư mùa Hạ là tái giáo dục, nêu gương tốt nhất cho chúng ta. Vì sao? Xã hội vĩnh viễn tiến bộ; nếu chính mình không tiến bộ, ắt sẽ thụt lùi, sẽ bị đào thải. Do đây, quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật suy nghĩ rất châu đáo! Quý vị ở bên ngoài giáo hóa người khác, mỗi năm lại quay về học ba tháng để tự nâng cao trình độ của mình.
Như hiện nay chúng ta biết, trong nước, ngoài nước rất nhiều viên chức, nhân viên kỹ thuật thuộc các công ty lớn mỗi năm đều có thời gian cố định được tái huấn luyện. Nếu họ chẳng được tái giáo dục, sẽ chẳng theo kịp tiến bộ kỹ thuật. Lúc tôi ở Mỹ quốc, có những đồng tu làm việc trong các công ty, mỗi năm độ chừng từ hai đến ba lượt đi tái huấn luyện. Thời gian mỗi lần khoảng chừng từ một tuần đến hai tuần, để nâng cao năng lực, kỹ thuật, học thức của chính mình. Nếu chẳng đi dự huấn luyện, quý vị lập tức bị đào thải, khoa học kỹ thuật mới lạ mỗi tháng, mỗi ngày, chúng ta phải đón đầu trước. Ba ngàn năm trước Thích Ca Mâu Ni Phật đã thành lập chế độ ấy, mỗi năm có ba tháng tấn tu giáo dục, tái giáo dục, đó gọi là An Cư mùa Hạ.
Người xuất gia, “Phật pháp lại Tăng truyền cố” (Phật pháp phải dựa vào Tăng để truyền), câu này rất quan trọng. Trách nhiệm của người xuất gia là truyền thừa giáo học của Như Lai. Nền giáo học xã hội đa nguyên văn hóa chẳng thể gián đoạn nửa chừng, chẳng những phải truyền từ đời này sang đời khác, mà còn phải khuếch trương rộng lớn; nhất là trong xã hội hiện thời, [giáo học Phật pháp] càng cần thiết cấp bách. Bởi thế người xuất gia phải biết thân phận của chính mình, biết sứ mạng, chức trách của chính mình. Tăng là một đoàn thể, chẳng phải là danh xưng cá nhân. Phần sau có một bản biểu giải. “Tăng-già” (Sangha), chúng ta gọi là Tăng, tỉnh lược âm cuối, có nghĩa là Hòa Hợp Chúng, nay ta gọi Chúng là “đoàn thể”. Đoàn thể ấy được tôn kính nhất trong tất cả hết
thảy đoàn thể thế gian, vì sao? Người trong đoàn thể ấy hòa hợp.
Hòa hợp có Lý, có Sự. Lý là “đồng chứng nhất tâm bất loạn vô thượng Bồ Đề”, đấy là Tịnh Độ tông của chúng ta. Mọi người chúng ta cùng ở một chỗ, mỗi cá nhân đều có cùng một mục tiêu, một phương hướng, tức là đều muốn chứng đắc Nhất Tâm Bất Loạn. Chứng đắc Nhất Tâm Bất Loạn thì mới thực sự nắm được điều kiện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề! Về Lý, chúng ta cùng vì mục tiêu ấy.
Về Sự, chúng ta cùng sanh hoạt chung, cùng sanh hoạt chung là Sự. Phật dạy chúng ta sáu điều kiện nhất định phải tuân thủ:
1) Thứ nhất là Kiến Hòa Đồng Giải, chúng ta phải nhất trí cách nghĩ, cách nhìn, nhất trí như thế nào? Hết thảy đều chiếu theo kinh điển.
2) Giới Hòa Đồng Tu: Giới là Giới Luật, chúng ta nhất định phải tuân thủ những quy định sanh hoạt.
3) Thân Hòa Đồng Trụ: Chúng ta sống trong tăng đoàn, đối xử hòa thuận với nhau.
4) Khẩu Hòa Vô Tránh: Chẳng tranh luận với nhau, bất luận ý kiến gì thảy đều quy nạp vào A Di Đà Phật.
5) Ý Hòa Đồng Duyệt: Tâm địa chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi.
6) Lợi Hòa Đồng Quân: Chúng ta sống bình đẳng, không sai biệt, mười phương cúng dường đều bình đẳng thọ dụng.
Cuối cùng còn có một điều nữa là Đồng Yết-ma. Yết-ma (kárma) là tiếng Phạn, nói theo cách bây giờ là Hội Nghị. Việc gì mọi người cũng phải cùng nhau họp lại thương lượng, chẳng cá nhân nào độc đoán, độc tài cả, chẳng được như vậy. Bởi thế, Tăng đoàn thực sự phù hợp với những điều người hiện tại nói là “dân chủ, tự do, cởi mở”. Người hiện thời nói “dân chủ, tự do, cởi mở”, ba ngàn năm trước Tăng đoàn của Thích Ca Mâu Ni Phật đã tự do, dân chủ, cởi mở. Bởi thế, Phật pháp phải nhờ vào Tăng đoàn để duy trì, để truyền thừa, để phát dương quang đại.
Hôm nay hết giờ rồi, chúng tôi giảng đến đây thôi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa