Ngày nay hoàn cảnh sống ở thế gian này rất không tốt, rất không bình thường. Từ trước, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam trong lúc giảng Kinh thường hay cảm khái mà nói, người hiện tại làm gì trải qua ngày tháng, ba bữa đều ăn đắng uống độc. Bạn xem, ở trong thịt có rất nhiều độc tố. Tình hình ở các nơi khác tôi không được rõ ràng lắm, nhưng ở Đài Loan, tôi nghe người nói, heo ở Đài Loan nuôi chỉ 6 tháng là giết thịt, dùng một số hóa học để nuôi. Sau khi heo ăn loại thức ăn này, thời gian rất ngắn thì lớn được rất béo, rất mập, trong loại thịt đó đều có độc tố, cho nên người ăn loại thịt này, bất cứ bệnh lạ nào cũng đều sanh ra. Gà nuôi chỉ mới 6 tuần thì lớn thiệt to, không phải tự nhiên mà trưởng thành, do con người làm ra, dùng những loại thuốc hóa học để thúc nó lớn, cho nên trong thịt hàm chứa độc tố quá nhiều, vì vậy có rất nhiều loại bệnh lạ ở thế gian này. Nửa thế kỷ trước, không hề nghe nói có nhiều bệnh lạ đến như vậy. Bệnh từ đâu mà ra vậy?
Bệnh từ miệng mà vào. Trong thức ăn chay cũng không bình thường, rau cải dùng thuốc trừ sâu, nghe nói trong gạo còn để thuốc làm bóng hạt, hạt gạo đó vừa đẹp lại lớn, nhưng ăn không bổ dưỡng. Cho nên lão sư Lý nói, Kinh Phật nói không hề sai, mỗi ngày chúng ta ăn đắng uống độc, ba bữa không phải ăn cơm, mà là phục độc, con người có thể khỏe mạnh sao? Độc nhiều quá thì phải làm sao? Dùng tâm từ bi có thể giải độc, không cần tìm thuốc giải độc, vì trong thuốc giải cũng có độc. Tâm chân thành thanh tịnh sẽ không bị ô nhiễm, tâm từ bi có thể giải độc, cho nên dùng nội công của chính chúng ta, không nên cầu bên ngoài. Tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi thì thân thể của bạn có lý nào mà không khỏe mạnh chứ? Nhất định sẽ khỏe mạnh!
Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời làm cho chúng ta xem, Ngài không chỉ nói qua, mà Ngài làm cho chúng ta xem. Tổ sư đại đức nhiều đời cũng làm cho chúng ta xem. Ở đạo tràng nhỏ này của chúng ta, cư sĩ Lý Mộc Nguyên cùng tôi, hai người cũng đang làm. Chúng ta sâu sắc tin tưởng, nỗ lực thể nghiệm đến được "cảnh tùy tâm chuyển". Thân thể là thuộc về cảnh giới, thân thể là tùy tâm chuyển. Không nên bị cảnh giới bên ngoài chuyển, không nên bị mấy câu nói của người khác thì chuyển đổi, vậy thì thiệt thòi của bạn thật lớn.
Bố thí mới có thể được tâm thanh tịnh, bố thí mới có thể được thiền định, mới có thể được trí tuệ. Bố thí nói đến cứu cánh chính là buông xả, đem tự tư tự lợi của chính mình hoàn toàn buông xả. Buông xả không phải là không làm việc gì, sau khi buông xả thì phải đề khởi, đề khởi cái gì? Lợi ích tất cả chúng sanh, vì tất cả chúng sanh mà phục vụ. Vì tất cả chúng sanh phục vụ có mệt hay không? Xin nói với các vị, không hề mệt, vì chính mình mới bị mệt, vì chúng sanh không thể mệt. Vì chúng sanh, không vì chính mình. Ai mệt vậy? Có chính mình thì bị mệt, có chính mình thì có phiền não, thì sẽ có bệnh, thì sẽ chết. Nếu không có chính mình thì ai mệt, ai phiền não, ai bị bệnh, ai chết? Không có! Phàm - thánh chính ngay ở một niệm này.
Một niệm này chuyển đổi lại thì siêu phàm nhập thánh. Ý niệm chuyển đổi lại thì tâm luân hồi chuyển biến thành tâm Bồ Đề. Giáo học của Phật pháp không gì khác, chính là giúp cho chúng ta, làm cho chúng ta tường tận chân tướng sự thật, làm một việc mà chuyển biến đến 180 độ, có lợi ích chân thật đối với chúng ta, chân thật có chỗ tốt, làm một môn học vô cùng hữu dụng. Tất cả giáo học của thế gian đều không thể so sánh được giáo học của Phật pháp, lợi ích này quá thù thắng, quá to lớn. Bạn học rồi, lập tức liền có thể dùng được, liền có thể ứng dụng.
Bố thí là việc mà đạo tràng của chúng ta đang làm, các đồng tu biết rõ, học được rồi. Chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày, ở trong đạo tràng này, ở trong gia đình bạn, ở ngay trong công việc của bạn, thậm chí ở trong đối nhân xử thế tiếp vật đều có thể dùng được. Đời sống của chúng ta chính là Bồ Tát hạnh, khởi tâm động niệm của chúng ta chính là tâm Bồ Đề. Không chỉ có thể đoạn san tham, mà ý niệm san tham đều không có, đây là một Bồ Tát chân thật tu bố thí Ba La Mật.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trích Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 135)
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.