Pháp âm

[Khai Thị]: Phật Nói: Giàu Có Khó Học Đạo, Nghèo Cùng Khó Học Đạo


 

Ở trong Phật pháp thường nói: “Phật không độ người không có duyên”. Chúng sanh không có duyên, Phật Bồ Tát độ không nổi. Phật độ chúng sanh cũng giống như ở thế gian này của chúng ta vậy. Phật Bồ Tát độ người ở trong thế gian này của chúng ta, người đó cũng phải có duyên với Ngài, không có duyên Ngài cũng không độ nổi. Không có duyên tức là không nghe theo lời chỉ dạy, không tin tưởng, đối với họ thì Phật Bồ Tát cũng đành chịu thôi. Độ chúng sanh ở trong địa ngục cũng như vậy. Xin thưa thêm với quí vị đồng tu, chúng sanh ở trong địa ngục, cơ hội được độ ít hơn so với nhân gian chúng ta. Bạn muốn hỏi đạo lý gì vậy?

Phật đã từng nói ở trong kinh rằng: “Giàu có khó học đạo, nghèo cùng khó học đạo”. Người giàu có hằng ngày hưởng lạc, bạn bảo họ đến đây để nghe kinh niệm Phật, họ chịu không nổi, họ sẽ không đến. Người nghèo cùng mỗi ngày ba bữa ăn còn chẳng đủ no, bạn bảo họ đến đây để nghe kinh hai giờ đồng hồ, họ đứng ngồi không yên, họ suy nghĩ không biết ngày mai làm sao có cơm để ăn. Cho nên, cơ duyên được độ nhiều nhất là những gia đình bậc trung, đời sống tạm ổn, không quá giàu có, cũng không phải quá bần tiện. Quí vị thử nhìn thật kỹ người đến Phật đường chúng ta để nghe kinh, để niệm Phật, đều chẳng phải là những người này hay sao?

Dùng ví dụ này để xem lục đạo, cõi trời cũng giống như nhà giàu có, Phật độ chúng sanh ở cõi trời không dễ đâu! Người được độ rất ít. Độ chúng sanh ở ba đường ác cũng khó! Ba đường ác cũng giống như nhà bần tiện vậy, đặc biệt là địa ngục, khổ nạn quá nhiều rồi, rất khó quay đầu. Phật Bồ Tát gặp được họ, chỉ dạy cho họ, nhưng họ thật không dễ gì tiếp nhận. Ở trong ác đạo, những chúng sanh nào có thể được độ vậy? Thưa với quí vị, vẫn là người thiện căn phước đức sâu dày. Tôi muốn hỏi bạn, thiện căn phước đức sâu dày tại sao bị đọa địa ngục? Đọa địa ngục là nhất thời hồ đồ, sai chỉ một niệm, tạo nên ác nghiệp địa ngục, đã tạo nghiệp ngũ nghịch thập ác, nhưng thiện căn của họ quả thật rất dày. Người này đọa vào địa ngục, Bồ Tát Địa Tạng giúp họ tương đối dễ dàng thôi. Bồ Tát chỉ dạy, họ thật sự sám hối ngay, thật sự quay đầu, thật sự giác ngộ rồi, thì một niệm cũng có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc.

Cho nên pháp môn Tịnh-độ thù thắng, không thể nghĩ bàn. Cửu giới chúng sanh, từ Bồ Tát cho đến tận địa ngục A Tỳ, chúng sanh chín pháp giới đều bình đẳng được độ. Pháp môn này hy hữu, tám mươi bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, khiến tất cả chúng sanh bình đẳng được độ. Ngoài pháp môn này ra không tìm được pháp môn thứ hai nào nữa. Chúng ta cần hiểu rõ sự thật này. Gặp được pháp môn này thật không dễ dàng. Gặp được nhất định phải nắm lấy cho thật chắc.

Khi nào chúng ta vãng sanh về thế giới Cực Lạc vậy? Càng sớm càng tốt, còn chờ đợi gì nữa chứ! Thế giới này quá khổ rồi! Thế nhưng vẫn xả không được, muốn chịu khổ thêm chút nữa, khổ vẫn chưa ngán hay sao? Vãng sanh càng sớm càng tốt. Nhất định phải dụng công, nhất định phải nỗ lực.

Đây là chỗ khác nhau giữa nguyện thứ hai và nguyện thứ nhất, chứng tỏ “Ngũ thừa bình đẳng tề nhập báo thổ”. Đây là câu mà ở trong kinh Phật thường hay nói. Chúng ta thuận theo ý của câu này, hay nói cách khác, chúng sanh trong chín pháp giới bình đẳng vãng sanh bất thối thành Phật. Cách nói này mọi người nhận thức sẽ càng rõ ràng hơn. Chín pháp giới bao gồm ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, đều bình đẳng vãng sanh bất thối thành Phật. Nhưng nhất định nhân duyên phải đầy đủ. Nhân là thiện căn từ vô lượng kiếp, chỉ vì trong đời này nhất thời hồ đồ. Chữ “Nhất thời” này xin thưa với quí vị, không phải thường ngày, là khi sắp mạng chung nhất thời hồ đồ, một niệm cuối cùng vẫn là tham sân si, người này liền đọa ba đường ác. Có vãng sanh được hay không quyết định là ở một niệm sau cùng là có niệm A Di Đà Phật không. Một niệm sau cùng mà niệm A Di Đà Phật, thì người này chắc chắn được vãng sanh. Cho nên phàm là người vãng sanh, không có ai mà không đại thiện, đại phước; thiện phước mới được vãng sanh. Một niệm sau cùng niệm A Di Đà Phật là đại thiện, đại phước báo, họ đến thế giới Cực Lạc để làm Phật rồi.

Nam Mô A Di Đà Phật!
TRÍCH PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 105)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ