Pháp âm

[Khai Thị]: Mỗi Giờ Khắc Đều Tự Hỏi Chính Mình.


 

Ngày nay chúng ta là những người quyết tâm tu tập, mỗi giờ khắc đều tự hỏi mình. Vì sao lại thường nổi lên tập khí phiền não ? Ta nhìn nhận việc phát tác đó ra sao ?

Nên xem nó như một thứ bệnh. Khi phiền não nổi lên ,ta nói: sao ta lại phát bệnh nữa rồi ? Dùng phương pháp nào để trị liệu ?

Một câu A Di Đà Phật là trị lành. A Di Đà Phật là viên thuốc vạn năng để trị bệnh chúng ta, đấy gọi là phục phiền não. Như sách Viên Trung Sao đã viết: “Sức mạnh của nhất niệm có sức đập tan mê mờ. Nó có thể điều phục được phiền não”.

Chánh niệm khi lâm chung, khi lâm chung chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoài một niệm này, không nhớ nghĩ đến điều gì nữa. Luyện tập hàng ngày thì lúc lâm chung tự nhiên thấy được Phật A Di Đà, những niệm khác không còn nữa, lúc đó nhất định quí vị sẽ vãng sanh.

Sự nhất tâm, như Di Đà Sớ Sao nói: “Nghe danh hiệu Phật, thường ức niệm, để tâm theo đuổi, mỗi chữ rõ ràng, liên tục từ câu trước đến câu sau. Trong mọi hành động, chỉ một niệm ấy thôi, không có niệm khác, không để phiền não tham sân si quấy nhiễu, đó mới chỉ làm được sự, vẫn chưa triệt ngộ về lý, mới chỉ có sức mạnh niềm tin, vì chưa thấy đạo nên gọi là sự nhất tâm”.

Đại sư Liên Trì lấy gì để ví sự nhất tâm ? Ngài nói với chúng ta có sự có lý, có lý nhất định có sự, sự hiển lộ nên có thể thấy, lý thì cao siêu khó định hình. Chúng ta có thể thực hiện được lý nhất tâm, tuy nói là có thể nhưng cũng không dễ. Phương pháp thực hiện thế nào ? Làm sao để tu tập ?

Đoạn này trong Sớ Sao đã nói rất rõ: “Nghe danh hiệu Phật”. Quí vị nghe danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, thường nghĩ thường niệm, luôn luôn nghĩ đến, trong lòng quí vị danh hiệu Phật này luôn luôn bám chặt, miệng thường niệm, khởi tâm động niệm không nghĩ đến thứ gì khác, chỉ nghĩ đến câu danh hiệu Phật, mỗi chữ đều rõ ràng, liên tục từ câu trước đến câu sau.

Lão pháp sư Ấn Quang đã vì chúng ta thị hiện, để dạy pháp môn niệm Phật. Ngài niệm Phật, bất luận là bốn chữ hay sáu chữ, đều niệm rất rõ ràng, nghe rất tinh tường, không ngắt quãng giữa câu trước câu sau, ngài còn nhớ mười niệm, biết rằng câu niệm Phật của mình là câu thứ bao nhiêu trong mười niệm, đó là gì ?

Là nhiếp tâm. Ba câu tiếp theo là công phu, đi đứng nằm ngồi là nói mọi lúc, mọi nơi chỉ nhớ một niệm, không có niệm khác, đó mới là người tu niệm Phật thật sự.

Nếu ta quá bận rộn, không thể chuyên tâm niệm Phật, mỗi tuần nên chọn một ngày, một tuần một ngày không được thì một tháng dành một ngày, hai mươi bốn giờ phải thực sự thâm nhập bốn câu: “Thường nhớ thường niệm, mỗi chữ rõ ràng, câu trước câu sau, không để gián đoạn”.

Dành một ngày trong một tháng để làm đến nơi đến chốn, thì tâm thanh tịnh sẽ hiện tiền, không thể nghĩ bàn. Đừng nên coi thường một tháng chỉ có một ngày, một năm tu mười hai ngày, hiệu quả của nó rất thù thắng. Phải buông bỏ, đó là tăng thượng duyên, không thể không thực hiện. Vì sao vậy ?

Sẽ tránh được tất cả những nhiễu loạn, không bị phiền não tham sân si quấy nhiễu. Đây chính là việc chúng ta buông bỏ tâm tham lam, năm đại phiền não là tham sân si mạn nghi phải buông bỏ.

Gặp thuận cảnh không tham, gặp nghịch cảnh không sân, cảnh duyên trước mặt ta nhận thức rõ ràng minh bạch, không si mê, lẫn lộn.

Khiêm tốn, đó là đức tính rất tuyệt vời, cần phải học, không những thay đổi tập khí ngạo mạn của mình, mà cùng lúc giáo hoá những người khác, tự hành hóa tha. Đối nhân xử thế tiếp vật, lúc nào cũng kính nể người khác, tự mình phải khiêm tốn.

Đoạn nghi tức là tin một cách chắc chắn, không nghi ngờ. Với bản thân, đầu tiên là tin ta vốn là Phật. Trong kinh Đại thừa, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói điều này, tôi tiếp nhận, tôi thừa nhận, tôi biết tôi vốn là một vị Phật, tôi vốn là vô lượng giác. Hiện tại không giác ngộ là bởi vọng tưởng phân biệt chấp trước, nên không thể chứng đắc.

Câu nói này là lời đức Thế tôn nói trong kinh Hoa nghiêm. Tôi vốn đã là một vị Phật, bây giờ khẳng định một câu, nhất định tôi sẽ thấy được bản lai diện mục của tôi, tôi phải thành Phật. Vốn không phải Phật, quí vị muốn thành Phật thì hơi khó ! Nhưng vốn là một vị Phật, muốn làm Phật sẽ đơn giản hơn nhiều.

Tổ tiên của chúng ta hướng dẫn cho ta rằng bản tính vốn thiện. Kinh Đại thừa nói: Con người vốn là Phật. Vì thế tất cả những tập khí đó, tất cả những thứ bất thiện, chúng ta đều buông bỏ hết, buông bỏ là đúng rồi.

Phương thức tu tập như thế, về sự thì ổn nhưng vẫn chưa triệt ngộ về lý, chưa đại triệt đại ngộ về lý. Về sự, việc gì cũng có thể làm được, làm rất đúng pháp.

Về lý, chưa thể triệt ngộ nhưng quí vị đã là người khá rồi. Vì sao vậy ? Vì quí vị đã đến chỗ tin sâu sắc, không phải chân tín thì không làm được. Chưa thể tin sâu sắc mà làm theo phương pháp này, cứ tiếp tục làm thêm năm bảy năm thì sẽ phát hiện. Vì sao vậy ? Vì nó tương thông với nhất tâm, nó là con đường dẫn về tự tánh, càng đi càng đến gần, chỉ cần quí vị không đi đường vòng, cứ thẳng đường mà đi, thì quí vị sẽ đến nơi.

Nhưng trước hết phải có chân tín, sau đó mới nghĩ đến thế giới Cực lạc. Tâm nguyện này rất tuyệt vời, có niềm tin chắc chắn, có nguyện lực chắc chắn, như lời dạy của Đại sư Ngẫu Ích, thì quí vị chắc chắn sẽ vãng sanh.

Sanh về thế giới Cực lạc phẩm vị cao thấp, là do côngphu niệm Phật của quí vị sâu hay cạn. Có được vãng sanh hay không chắc chắn là ở chỗ có niềm tin và nguyện lực sâu sắc hay không.

Phải nhớ rằng người có niềm tin, sức nguyện sâu sắc, thì không để tâm đến thế giới này, buông bỏ hết, có cũng tốt, không có cũng không sao. Không quan tâm, không để ý đến tất cả những thứ trên thế giới này. Có, cũng không cần vứt bỏ; không, cũng không cần cầu. Tuỳ duyên với tất cả thì quí vị sẽ an vui, không cần phải tạo tác. Không có mong cầu là tạo tác, có muốn bỏ đi cũng là tạo tác.

Chỉ cần tâm ta thanh tịnh, thì có và không cũng chẳng sao, đều không có sự cản trở, tất cả đều không làm trở ngại tâm thanh tịnh, tuyệt đối không làm nổi lên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, là được rồi, đấy gọi là công phu.

Từ đó cho thấy, tâm thanh tịnh là thứ không cần phải bàn cãi, mọi lúc, mọi nơi đều tu được, thiên đường tu cũng được, địa ngục tu cũng được. Chỉ cần quí vị hiểu được điều này và không ngại tu tập, luôn luôn nhắc nhở mình câu: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, thì rất dễ buông bỏ, không còn sai lầm nữa.

Lúc đó công phu của ta sẽ được đắc lực, vì có tín lực, sẽ thành tựu nguyện lực, không kiến tánh, nhưng chưa thấy tánh, chưa thấy đạo nên chưa thấy tánh, cho nên mới gọi là sự nhất tâm.

Từ đó cho thấy, kiến tánh mới được gọi là lý nhất tâm. Cho nên chúng ta không thể coi thường một bà già, một người như thế có niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn hay không ? Không dám nói là không thể, song không nhiều, nhưng sẽ có, vì sao vậy ?

Từ sự nhất tâm, những người đó nâng cao lên đó là lý nhất tâm.

Quí vị cho họ là những người hồ đồ, không biết gì, quí vị hỏi gì họ cũng chỉ đáp A Di Đà Phật, họ không có niệm thứ hai, công phu không ai sánh bằng.

“Tiềm thông Phật trí, ám hợp đạo diệu”, quí vị không nên xem thường họ, cổ đức thường nói không thể sánh được với những người đó, những người thông minh tài trí chưa chắc đã sánh kịp, vì trong tâm người đó không có tạp niệm, không có vọng tưởng.

Những người như thế trong Phật pháp gọi là Thánh hiền, không phải phàm phu. Phàm phu có vọng tưởng, có chấp trước, có tập khí,Thánh nhân không có. Mục đích học Phật của chúng ta là muốn thành Phật, thành Bồ tát, thành Thánh, thành Hiền.

Nam Mô A Di Đà Phật!
H.T. TỊNH KHÔNG !
(Những Lời Khai Thị Của Hòa Thượng Tịnh Không)