Pháp âm

[Khai Thị]: Dáng Vẻ Của Buông Xả Là Gì?


 

Buông xả tất cả chấp trước, buông xả từ chỗ nào? Trước buông xả từ vật ngoài thân. Đây là từ trước Đại Sư Chương Gia dạy tôi, dạy tôi nhìn thấu, buông xả. Trước tiên buông xả vật ngoài thân, điều này tương đối dễ dàng. Sau đó tiến thêm một bước, ngay cái thân này cũng có thể buông xả, cũng không còn chấp trước. Thân buông xả, dáng vẻ của buông xả là gì? Không xem trọng bảo dưỡng cái thân thể này, thân thể càng khỏe mạnh. Rất nhiều người yêu tiếc cái thân thể này, ngày ngày tẩm bổ, bổ ra cả thân bệnh. Hoàn toàn không để tâm, ăn uống đi đứng người ta cho chúng ta ăn thứ gì thì ăn thứ đó, chắc chắn không có lựa chọn, tùy duyên, cái gì cũng đều tốt, quyết không để trong lòng, cái tâm này khỏe mạnh. Tâm khỏe mạnh thì thân khỏe mạnh. Do đây có thể biết, khỏe mạnh, sống lâu đích thực không quan tâm đến dinh dưỡng gì. Những thứ đó đều là gạt người, bạn khổ cực kiếm được tiền đều bị người gạt lấy đi, toàn là giả, không phải là thật. Bạn muốn tẩm bổ thì thế nào? 

Làm nhiều việc tốt, đây là chân thật tẩm bổ, chính mình đời sống thanh tịnh, tiết kiệm. Bạn xem Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời, nửa ngày ăn một bữa, mỗi ngày đi khất thực, cho thứ gì ăn thứ đó, khoẻ mạnh sống lâu, tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì thân liền thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh liền thanh tịnh. Nói hoàn cảnh thanh tịnh thì các vị không khó thể hội, chính là chúng ta ngày nay nói không khí từ trường. Người thân tâm thanh tịnh, ngồi ở nơi này, ở nơi đây đặc biệt dễ chịu. Cho dù họ không nói, chúng ta ngồi với họ nửa giờ đồng hồ, một giờ đồng hồ, cũng hoan hỉ không thể diễn tả được. Kinh nghiệm này là ngày trước tôi thân cận Đại Sư Chương Gia, Đại Sư Chương Gia ngôn ngữ rất ít, tôi rất hoan hỉ cùng ngồi với Ngài, không nói câu nào. Ngồi hai giờ đồng hồ, vô cùng hoan hỉ, pháp hỉ sung mãn. Cái không khí đó không như nhau. Cho nên khi Đại Sư Ngài ở đời, tôi mỗi tuần lễ nhất định sẽ tìm Ngài ngồi hai giờ đồng hồ. Về sau Đại Sư Ngài vãng sanh, tôi thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, từ trường của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam không thể sánh với Đại Sư Chương Gia. Đây là tôi lần đầu thân cận vị chân thiện tri thức, thật là khiến người ngưỡng mộ, khiến người yêu thương, lão nhân vô cùng từ bi, bình bị dễ gần. Rất nhiều người không dám gặp Ngài, cho rằng Ngài là Phật sống, thân phận địa vị quá cao, rất nhiều pháp sư đều không dám thân cận Ngài. Kỳ thật con người Ngài thật tốt, thật từ bi, không chút cao giá nào. Đây là người đắc đạo, chân thành thanh tịnh bình đẳng, cho nên khi bạn ở chung với Ngài, bạn cảm nhận phong khí của Ngài, cảm nhận từ trường của Ngài hoàn toàn khác với người thông thường.

Đời sống vật chất người thế gian luôn là muốn được quá nhiều, phân biệt, chấp trước kiên cố rất khó buông xả. Trong tự viện người xuất gia chúng ta, tự viện hiện tại không có sản nghiệp, tự viện ngày trước có sản nghiệp, các cư sĩ bố thí tự viện rất ít bố thí tiền tài, mà bố thí cái gì? Đất đai, bất động sản cho chùa, tự viện đem những bất động sản này cho người nông dân thuê trồng trọt lấy tô, cho nên nguồn kinh tế của tự viện là cố định. Đây là nhà Phật thường nói: “Pháp luân vị chuyển thực luân tiên”, đời sống không có ổn định thì lòng người bất an, làm sao họ có thể làm đạo? Trước tiên đời sống phải ổn định, người mới có thể làm đạo. Cho nên đạo tràng có núi, có đất đai, có thể thâu tô, kinh tế tự viện có thu nhập cố định, cho nên trong tự viện không có Kinh sám Phật sự, rất ít pháp hội, quyết không nịnh bợ tín đồ. Cho nên tín đồ đến tự viện, thấy người xuất gia, người xuất gia ngó cũng không thèm ngó họ, nhìn cũng không hề nhìn, người xuất gia tâm liền định. Ai ra tiếp đãi? 

Thầy tri khách tiếp đãi, không phải thầy tri khách thì không người nào ngó đến. Đạo tràng có đạo phong.

Xã hội hiện tại biến đổi, tự viện đã không có sản nghiệp, phải nhờ vào cái gì? Nhờ vào tín đồ, người xuất gia ngày ngày phải động não, nghĩ cách làm pháp hội, làm cái gì đó, cho nên “Hòa thượng không làm trò, cư sĩ không đến lạy”. Mục đích là gì? Mục đích chính là làm kinh tế, tìm thu nhập, đạo tâm không còn. Việc này thật đáng tiếc. Ở trong hoàn cảnh này, chúng ta phải an phận giữ mình thành thật tu hành. Không làm những thứ này có thể sống được hay không? Vẫn cứ có thể sống, vào lúc này bạn phải có lòng tin kiên định đối với Phật, phải tin Phật.

Khi Thế Tôn ở đời có nói qua, Thế Tôn trụ thế thọ mạng là một trăm tuổi, Ngài 80 tuổi thì đi rồi. Phật nói phước báo 20 năm sau cùng của Ngài để cho người xuất gia trên toàn thế giới mãi đến pháp vận của Ngài hết (mười ngàn năm) vẫn còn dư thừa. Phật có phước báo lớn như vậy, chúng ta còn lo lắng gì chứ? An tâm làm đạo, tự nhiên có cúng dường, đây là phước báo của Phật. Thứ hai, Vi Đà Bồ Tát là thần hộ pháp, Ngài phát tâm muốn hộ trì hiện kiếp thiên Phật xuất thế, pháp của hiền kiếp thiên Phật Ngài hộ. Vậy chúng ta là đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật, người y giáo tu hành lạnh chết rồi, đói chết rồi, Vi Đà Bồ Tát phải làm sao? Chiếu theo pháp luật đến chế tài cách chức để điều tra. Tôi nói với mọi người đều là lời chân thật. Cho nên, bạn tin tưởng phước báo của Phật, bạn tin tưởng hộ trì của thần hộ pháp, không cần phải bận tâm gì, trong khạp gạo không còn gạo, đến lúc nấu cơm tự nhiên có người mang đến. 

Bạn cũng không cần đi hỏi người nào, bạn cũng không cần đi nói với họ ở chỗ tôi không còn gạo, chỗ của tôi không có ăn, đó là bạn cầu người. Quyết không cầu người, Phật Bồ Tát đến chăm sóc. Một chút tín tâm này đều không có thì gọi là tin Phật gì chứ?


Nam Mô A Di Đà Phật!
Trích PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 226)
Chủ giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không