Có phải chúng ta có thể dùng ác ý để đối đãi với họ không? Không thể được, chúng ta dùng ác ý đối với họ thì chúng ta chính mình liền tạo ác. Vì sao họ có thể tạo ác? Họ mê hoặc, vô tri, trên Kinh Phật thường hay nói họ là "kẻ đáng thương"
. Chúng ta có thể thương xót họ vì họ vô tri, đó không phải là bổn tánh của họ. Bổn tánh của họ là lương thiện. Đạo lý này ngay nhà Nho cũng hiểu được.
Khổng Lão Phu Tử nói: "Nhân chi sơ, tánh bổn thiện, tánh tương cận, tập tương viễn". Nhà Phật nói bổn tánh của tất cả chúng sanh hoàn toàn giống nhau. Bổn tánh của chúng sanh hữu tình gọi là Phật tánh, bổn tánh của chúng sanh vô tình gọi là pháp tánh. Pháp tánh cùng Phật tánh là một tánh, là thuần thiện không ác. Vì sao họ có thể làm ác? Mê mất đi bổn tánh của họ. Con người này thật đáng thương! Chúng ta lân mẫn còn không thể đến kịp, làm sao có thể oán hận họ chứ? Bạn là một người minh bạch, giác ngộ, cho nên họ oán hận bạn thì được, tình có thể tha thứ vì họ vô tri. Bạn là một người sáng suốt mà lại muốn dùng ác ý đối với họ thì bạn sai rồi, như vậy bạn cũng mê hoặc, điên đảo rồi. Cho nên, người tu hành từ chỗ nào mà khởi tu? Quyết định mỗi niệm tương ưng với “Thập Thiện Nghiệp Đạo". Đối với oán thân trái chủ cũng là như vậy. Họ hủy báng chúng ta, nhục mạ chúng ta, hãm hại chúng ta, chúng ta biết được họ mê mất tự tánh, có thể tha thứ cho họ, chắc chắn sẽ không trách cứ nơi họ. Đây là bồi dưỡng đức hạnh của chính mình. Nếu như nói là lấy ân báo ân, lấy oán báo oán thì đây là người thế gian, không phải là Phật pháp. Phật pháp là chân giác ngộ, triệt để giác ngộ, Phật pháp chỉ có hóa giải tất cả oán kết, dùng phương pháp hòa bình, phương pháp của trí tuệ, nhà Phật gọi là "phương tiện khéo léo" để hóa giải. Một đời này không thể hóa giải thì vẫn còn đời sau, vô lượng kiếp thì tất cả ân oán này mới có thể hóa giải hết.
Thích Ca Mâu Ni Phật là đại Thánh nhân, Phật quả cứu cánh viên mãn. Bạn xem ngày nay trên thế giới, người phê bình Thích Ca Mâu Ni Phật, người nhục mạ Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật tuy là không còn, chúng ta tạo hình tượng của Thích Ca Mâu Ni Phật, nhưng vẫn có người ác ý đem hình tượng này phá hoại. Thích Ca Mâu Ni Phật mà còn có nhiều người hiểu lầm, hủy báng, hãm hại Ngài như vậy, chúng ta có đáng kể gì đâu! Nghĩ lại lão sư của chúng ta cũng là như vậy, lão sư có thể nhẫn chịu, ta phải học lão sư, ta cũng phải có thể nhẫn chịu, tâm bình khí hòa mà tiếp nhận, huống hồ ở trong đây nhân quả tuần hoàn, nhân quả tiếp nối. Bạn tạo ra nhân thiện thì nhất định có được quả báo thiện, bạn tạo ra nhân ác thì nhất định có được quả báo ác. Vì sao chúng ta gặp phải nhiều gian nan khổ sở đến như vậy? Vì trong đời quá khứ tạo ra hành vi bất thiện, nên ngay đời này cảm được quả báo. Nếu đã chân thật tường tận thì bạn liền rất hoan hỉ, nghịch đến thuận tiếp, vĩnh viễn sống ngay trong thế giới cảm ân, trong tâm không hề có chút oán hận, trong miệng không có một câu oán trách. Bạn đối với oan gia trái chủ đều dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm từ bi, xem thấy họ có khổ có nạn, bạn giúp đỡ họ vô điều kiện, không cần phải tính toán. “Họ đối với ta không tốt, họ hại ta. Họ có nạn, đáng đời! Ta không giúp họ”. Vậy thì sai rồi! Việc này là chính chúng ta đang tạo ác hạnh, không phải là đang tích trực đức hạnh.
Cho nên tích trực đức hạnh, không luận đối với bất cứ người nào, không luận đối với vật gì, thậm chí là độc xà mãnh thú, chúng ta đều dùng tâm chân thành, từ bi để đối đãi, quyết không tổn hại. Chúng ta bắt đầu làm từ chỗ nào? Trong nhà của bạn thường có bọ nhảy trùng kiến, tuyệt đối không tổn hại chúng, bắt đầu làm từ chỗ này. Chúng vào trong nhà chúng ta nhiễu loạn, chúng ta tưởng tượng ngày trước khi chúng ta làm kiến, chúng ta nhiễu loạn chúng, hôm nay chúng đến nhiễu loạn thì cái nợ này chúng ta chẳng phải đã trả xong rồi hay sao? Dùng tâm chân thành từ bi để đối đãi chúng, dần dần những động vật nhỏ này liền sẽ bị cảm động, chúng liền sẽ dọn nhà, dọn ra khỏi phòng của bạn, sẽ không vào trong phòng của bạn để nhiễu loạn nữa. Bạn không nên sát hại, thậm chí không nên trục xuất chúng, thì tâm của bạn mới chân thật đạt đến thanh tịnh bình đẳng từ bi. Ta không hại chúng, nhưng ta đuổi chúng đi thì đã có lỗi với chúng rồi. Vì sao phải đuổi chúng đi? Chúng tự đi được rồi, chúng ta không nên đuổi chúng đi, xem chúng như bạn bè, xem như thiện tri thức. Năm xưa, Đại Sư Ấn Quang chính là như vậy mà tu hành. Trong liêu phòng của Ngài có bọ nhảy, mùa đông có những loại côn trùng này. Thị giả của Ngài muốn thanh trừ giúp Ngài, nhưng Đại Sư Ấn Quang ngăn lại và nói: “Không cần, cứ để chúng sống ở đây”. Ấn Tổ nói rất hay: “Trong phòng chúng ta có những loài này, nói rõ đức hạnh của ta chưa đủ”. Người chân thật có đức hạnh, những động vật nhỏ này cũng biết tri ân báo ân, chúng cũng tôn kính người có đức hạnh, tự nhiên chúng liền sẽ rời khỏi. Chúng ta xem thấy ở trong truyền ký của Đại Sư Ấn Quang, Ấn Tổ 70 tuổi về sau, nơi ở của Ngài không tìm được những động vật nhỏ này. Khi người khác ở thì có, nhưng khi Đại Sư Ngài dọn vào ở thì đều không còn, những động vật nhỏ này đều dọn nhà đi, thuật ngữ trong nhà Phật chúng ta gọi là "thiên đơn", chúng thảy đều dọn nhà đi hết. Điều này chúng ta phải học tập. Đây là Đại Sư Ấn Quang dạy chúng ta, tâm từ bi có thể cảm động những động vật nhỏ này. Làm gì có lý nào mà không cảm động được người chứ? Thời gian phải dài, "ở vô lượng kiếp", chúng ta phải nỗ lực mà làm. Phải hiểu được hóa địch thành bạn. Cổ đức chúng ta thường nói "nhân giả vô địch", nhân là một người nhân từ. Trong tâm người nhân từ chắc chắn không có oan gia đối đầu. Trong tâm còn có đó là oan gia của ta, còn có người đối đầu với ta thì ta không có nhân từ. Thánh Hiền thế xuất thế gian đều dạy chúng ta từ ngay những chỗ này mà tích trực đức hạnh. Chúng ta phải chăm chỉ mà làm. Người mà ngay trong một đời hành vi đều có thể tương ưng với đạo đức, cho dù không học Phật, không hiểu được Tây Phương Tịnh Độ, đời sau họ nhất định sanh thiên, họ đi hưởng thiên phước. Đây chính là trồng nhân thiện nhất định có quả thiện.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trích PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 197)
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không