Ấm ma chính là ngũ ấm. "Sắc-thọ-tưởng-hành-thức" chính là ngũ ấm. Bạn có thể gạt bỏ đi được không? Ngũ ấm là gì? Ngũ ấm là nói cái thân của chúng ta, thân thể này của chúng ta, vật chất này là "sắc", do bốn đại hòa hợp, đây là nói sắc pháp; bộ phận của tinh thần là "thọ, tưởng, hành, thức". Đây gọi là ngũ ấm, ngày nay gọi là động vật, Phật pháp gọi là thân của chúng sanh hữu tình. Căn thân là năm ấm hòa hợp, cũng gọi là năm uẩn hòa hợp. Cái thứ này chính là dày vò.
Trước khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, Lão Tử đã giảng qua: "Sở dĩ ta có đại hoạn vì ta có thân". Ông biết được cái thân này không phải là thứ tốt, thân là họa hoạn, đây chính là ma (ý nghĩa của ngũ ấm ma). Khi Phật pháp chưa đến Trung Quốc, Lão Tử đã nhận biết tường tận cái thân này là ma chướng. Làm thế nào có thể bài trừ? "Vô ngã" thì liền rời khỏi. Đến lúc nào bạn có thể làm đến vô ngã? Vô tư vô ngã thì giải thoát. Giải thoát thì thân này còn hay không? Còn, thân tuy còn mà không khổ, không còn bị cái khổ dày vò. Đây gọi là giải thoát, là ly. "Ly" không phải đem cái thân này hủy diệt, tuy là thân vẫn còn nhưng lìa khỏi tất cả dày vò.
Hai loại này là phiền não ma. Loại thứ ba là tử ma. Loại thứ tư là thiên ma. Thiên ma là gì? Dụ hoặc bên ngoài thì gọi là thiên ma. Mê hoặc của năm dục sáu trần, những thứ này toàn là hư vọng, trong là căn thân, thế giới bên ngoài là hư vọng. Viễn ly bằng cách nào? Không chấp trước thì viễn ly, dùng lời nói hiện tại để nói, không nên để nó ở trong tâm thì viễn ly rồi.
Viễn ly không phải ly ở trên sự, ly ở trên sự thì sai rồi. Lúc trước khi tôi mới học Phật, lão sư liền dạy tôi nhìn thấu, buông xả. Tôi cũng thường nói có người hiểu sai ý nghĩa này. Có một đồng tu đại lục viết thư gởi cho tôi, ông nói ông buông xả rồi, công việc cũng buông xả, không có thu nhập, hiện tại đến ăn cơm cũng thành vấn đề. Ông hỏi tôi: “Phải làm sao?”. Đây là do ông hiểu sai ý nghĩa. Tôi không có dạy bạn đem nhà buông xả, không có bảo bạn đem vợ và con cái buông xả, cũng không có dạy bạn buông xả đi công việc. Những việc này không thể buông xả. Cho nên học Phật mà hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa của lời nói này rồi, cho rằng buông xả thì tất cả đều không cần. Đây là chiêu cảm đến rất nhiều chướng nạn, rước lấy sự hủy báng của người khác: “Học Phật học mê rồi!”. Chân thật là học mê, chân thật là học sai rồi! Phật dạy chúng ta buông xả là buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này.
Bạn xem, ở trên Kinh Phật dạy chúng ta "hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng", chúng ta không cần cha mẹ, cũng không cần lão sư, chúng ta buông xả rồi. Thích Ca Mâu Ni Phật việc gì cũng đều buông xả, Ngài hà tất còn phải giảng Kinh nói pháp 49 năm? Ngài cũng cần phải buông xả, Ngài không cần phải giảng. Cho nên phải nên biết, trên sự nhất định phải chiếu theo như lý như pháp mà làm, ý niệm không hợp lý thì phải buông xả, tư tưởng không hợp lý thì phải buông xả; phân biệt, chấp trước không hợp lý phải buông xả. Phật dạy bạn buông xả những thứ này. Cho nên bạn phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận, bạn mới không đến nỗi học sai. Học sai thì sẽ tu sai. Sau khi buông xả không phải đạt được tự tại an vui, mà đạt được rất nhiều phiền não, vậy thì cũng sai rồi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 198)
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không