Pháp âm

[Khai Thị]: Chuyện Trò Năm Mới - Tết Nhâm Dần.


 

1. Niệm Phật an ổn, đức dày giữ phước
2. Người thân quyến thuộc, cùng thành Phật đạo
3. Tin Phật niệm Phật, tập thành thói quen

Thưa các Đạo tràng, các hội Niệm Phật, quý Thầy Cô, quý Liên hữu trong và ngoài nước của tông Tịnh Độ:
Nam-mô A-di-đà Phật!
Nam-mô A-di-đà Phật! 
Nam-mô A-di-đà Phật!

Thời gian như tên bắn, ngày tháng tợ thoi đưa, thoáng chốc trong nháy mắt, lại thêm một mùa xuân mới nữa, một năm cũ đã qua đi, một năm mới đã đến. Hôm nay là ngày đầu năm mới, chính là ngày nhà nhà đoàn viên, người người vui vẻ đoàn tụ, ấm áp thuận hòa, nơi nơi đầy ắp không khí vui vẻ. Trước tiên, thuận theo phong tục, xin chúc Tết mọi người, cầu chúc mọi người:
Năm mới hạnh phúc, toàn thể gia đình vui vẻ, hiện đời an lạc, tương lai tất cả đều vãng sanh Cực Lạc.

Cổ nhân nói: “Kế hoạch trong một ngày, bắt đầu từ sáng sớm”; còn quan niệm của người niệm Phật là: “Cuộc sống trong một ngày, bắt đầu từ niệm Phật”. Bởi vì sinh hoạt trong một ngày, nếu như bắt đầu từ niệm Phật, thì ngày đó khẳng định là ở chung với Phật, bầu bạn với Phật, đi đứng cùng với Phật, làm việc và nghỉ ngơi cùng với Phật. Được sự bảo hộ của đức Phật A-di-đà, khiến cho chúng ta bình an, khiến chúng ta tăng phước huệ, tiêu nghiệp chướng, gặp dữ hóa lành, gặp nạn thành may, để chúng ta có thể viên mãn ý nguyện thiện lành, tương xứng với thân phận của chúng ta.
Cổ nhân lại nói: “Kế hoạch trong một năm, bắt đầu từ mùa xuân”, hôm nay là ngày đầu tiên của một năm 365 ngày, việc phải làm trước tiên của chúng ta cũng là bắt đầu từ niệm Phật, hy vọng trong một năm này, cho đến hết năm này sang năm khác, mọi người đều được thân tâm an lạc, quyến thuộc hòa thuận, gia đình mỹ mãn, sự nghiệp phát triển; đồng thời, xã hội hài hòa, quốc gia yên ổn, thế giới hòa bình. Hy vọng mọi người tin Phật niệm Phật, khiến cho tình hình dịch bệnh nhanh chóng tiêu trừ, người bị nhiễm bệnh sớm ngày hồi phục, người qua đời được vãng sanh Cực Lạc.

Do tình hình dịch bệnh gần đây lại có xu hướng tăng cao, hy vọng quý Liên hữu, một mặt phối hợp với quy định của Chính phủ, mặt khác, tận dụng những ngày nghỉ Tết hiếm có, tranh thủ ở nhà tĩnh tâm niệm Phật, huân tập giáo nghĩa, giảm thiểu ra bên ngoài.
Trong dịp khai xuân này, xin nêu lên ba điều, mong quý Liên hữu chúng ta cùng nhau cố gắng: 1. Niệm Phật an ổn, đức dày giữ phước, 2. Người thân quyến thuộc, cùng thành Phật đạo, 3. Tin Phật niệm Phật, tập thành thói quen. 

Trước tiên:
Điều thứ nhất: Niệm Phật an ổn, đức dày giữ phước

Năm nay là năm Nhâm Dần, cầm tinh con Hổ, chữ Hổ của con Hổ có phát âm (Hán) giống với ‘phước’ của phước khí (có phước), phước báo, phước đức, vì thế, liễn xuân năm nay, tôi viết bốn chữ là “đức dày giữ phước” , còn câu đối xuân là:

Năm Cọp niệm Phật thêm tinh tấn
Năm Dần an khang càng tăng thọ.

Tôi xin giải thích giản lược về bức đối liễn này. Năm nay là năm Hổ, tuổi Dần, con Hổ là động vật dũng mãnh nhất, được xưng là vua của bách thú. Chúng ta hiểu được ý nghĩa năm Hổ mà niệm Phật càng thêm tinh tấn, khiến cho tình hình dịch bệnh không ngừng kéo dài sẽ được tiêu trừ, người hoảng sợ bất an sẽ chuyển thành an ổn, không nhiễm bệnh mà được kéo dài tuổi thọ, không bệnh khổ mà được khỏe mạnh.
Tai họa là một loại cộng nghiệp (nghiệp chung), thế nhưng, người hành thiện tích đức, hoặc là người chí thành niệm Phật, thì sẽ thoát khỏi cộng nghiệp này, chuyển thành bất cộng nghiệp chỉ chính mình mới có. Hiện tại tình hình dịch bệnh vẫn lan tràn ở các quốc gia trên thế giới, đây là cộng nghiệp của chúng sanh; tuy thế, nếu niệm Phật thì được Phật gia hộ, tiêu trừ nghiệp chướng, chuyển cộng nghiệp thành bất cộng nghiệp, đây gọi là “nơi có niệm Phật, dịch bệnh chẳng vào được”. Có thể nói, niệm Phật chính là niệm phước, phước của phước đức. Niệm Phật, Phật ở bên cạnh; niệm Phật được Phật gia hộ, vì thế, niệm Phật có thể tiêu trừ dịch bệnh, niệm Phật có thể chuyển họa thành phúc, như kinh Vô Lượng Thọ đã nói:
Chỗ Phật đi đến, thành ấp xóm làng đều được giáo hóa.
Thiên hạ hòa thuận, trời trong trăng sáng, mưa gió đúng mùa, tai họa chẳng có.

Tiếp theo, bốn chữ “Đức dày giữ phước”, cũng xin giải thích sơ lược. “Đức dày giữ phước” và “Hòa khí đem đến may mắn” (hòa khí trí tường) là đối liễn dân gian thường sử dụng, đối liễn này rất hay, hiển bày đạo lý nhân quả, đối với việc tu thân dưỡng tánh và hành thiện tích đức, có thể nói là lời gọn mà ý đủ.

“Đức dày giữ phước” nghĩa là vật như thế nào, thì dùng vật phù hợp với nó để chứa, như nước dùng chén chứa, cơm dùng bát chứa, còn phước thì phải dùng đức hạnh để chứa đựng. Đức là nhân, phước là quả, một người đức hạnh càng tốt, phước báo càng cao.

Đức là gì? “Đức” chính là cứu người giúp đời, sửa lỗi hướng thiện. Nghĩa là đối với bên ngoài thì giúp đỡ người khác, lợi ích cho muôn vật; đối với bản thân thì phản tỉnh sửa lỗi, một lòng hướng thiện. Người có thể giúp người lợi vật, sửa lỗi hành thiện, thì nhất định sẽ mang lại phước báo cho bản thân, cũng sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Nói theo phương diện của tông Tịnh Độ, thì đức dày thật sự của thế gian và xuất thế gian, không có đức nào hơn niệm Phật, niệm Phật đơn giản lại thù thắng, chỉ cần “tin nhận Di-đà cứu độ, chuyên xưng Di-đà Phật danh” thì có thể đạt được công đức vô thượng. Như kinh Vô Lượng Thọ đã nói:
Nếu có người nào nghe được danh hiệu của đức Phật A-di-đà, hoan hỷ vui mừng, cho đến một niệm;

Nên biết người này được lợi ích lớn, đầy đủ công đức vô thượng.

Vì vậy, hy vọng quý Liên hữu một lòng niệm Phật, đồng thời tùy phần, tùy duyên, tùy sức, mà cứu người giúp đời, sửa lỗi hướng thiện.

“Hòa khí đem đến may mắn”, hòa hợp sẽ mang lại sự đoàn kết, thành công, phát tài, bình an. Giống như cổ nhân đã nói: “Cha con hòa hợp thì gia đình không lui sụt, anh em hòa hợp thì gia đình không chia rẽ”; lại nói: “Lấy hòa hợp làm điều quý”, “hòa hợp sinh của cải”, “gia đình hòa hợp mọi sự hưng thịnh, quốc gia hòa hợp đưa đến thái bình”.

Đối với một người tu hành, hòa rất quan trọng, thân thể bất hòa thì thân thể sẽ sinh bệnh; tâm linh bất hòa thì tâm linh sẽ phiền não. Nói rộng ra: Gia đình bất hòa, thì gia đình không thể an lạc; xã hội bất hòa, thì xã hội không thể yên ổn; quốc gia bất hòa, thì quốc gia không thể cường thịnh; thế giới bất hòa, thì thế giới sẽ có chiến tranh. Có thể thấy, quan trọng nhất là “hòa”.

Người xuất gia còn được gọi là ‘hòa thượng’, nghĩa là “lấy hòa làm thượng (trọng)”. Đây là sáu thái độ sinh hoạt, được đức Thế Tôn chế định, Tăng đoàn phải cùng tuân theo, gọi là ‘lục hòa kính’, tức là:

1. Thân hòa đồng trụ, là thân thể hòa bình, cùng ở chung;
2. Khẩu hòa vô tránh, là nói lời hòa hợp không tranh cãi;
3. Ý hòa đồng duyệt, là tâm ý hòa nhã, vui vẻ;
4. Giới hòa đồng tu, là giới luật cùng nhau tuân giữ;
5. Kiến hòa đồng giải, là kiến giải hoàn toàn thống nhất;
6. Lợi hòa đồng quân, là vật chất phân phối đồng đều.

Tăng đoàn nhờ vào việc thực hành lục hòa kính, nên có thể duy trì sự hài hòa giữa người và việc, giúp cho Tăng đoàn hòa hợp, an lạc, thanh tịnh; Tăng chúng đều có thể an tâm hành đạo, thân an đạo thịnh.
Có câu nói: “Nhất thời không có mặt, cũng như người chết”, nghĩa là, đối với một người tu hành, phải thời thời quán chiếu, thường giữ gìn tâm linh luôn lý trí, bình tĩnh, nghĩa là đối với mọi việc đều đặt trên lý tính, chứ không hành xử theo cảm tính, thường ôn hòa không kích động.

Trên đây là điều thứ nhất: Niệm Phật an ổn, đức dày giữ phước. 

Tiếp theo:

Điều thứ hai: Người thân quyến thuộc, cùng thành Phật đạo

Mỗi dịp sang năm mới, chúng ta càng cảm nhận vô thường. Nên nói “thiên hạ không ai chẳng rời yến tiệc, thế gian chẳng kẻ không xa người thân”, “khúc ca cuối đời đều là mộng, hết thảy phồn hoa hóa hư không”, qua kì nghỉ Tết, sau buổi đoàn viên ngắn ngủi giữa những người thân thuộc, rốt cuộc cũng phải chia tay nhau, cùng ước hẹn sang năm lại gặp, rồi sau đó, ai nấy rời đi, trở về chỗ ở của mình. 
Nên biết, vạn sự vạn vật đều là vô thường, không phải là vĩnh hằng. Dù náo nhiệt như thế nào đi nữa, cuối cùng lại quay về vắng lặng; rực rỡ như thế nào đi nữa, cuối cùng lại trở về bình thường. Náo nhiệt, phồn hoa của bên ngoài, hay xúc động, mừng rỡ trong tâm, thảy đều là giả tướng của nhân duyên hòa hợp, không phải là thật sự vĩnh hằng bất biến. Như kinh Vô Lượng Thọ đã nói:

Ái dục vinh hoa, không thể còn mãi, đều phải biệt ly, không đáng ưa thích.
Người ở thế gian, sống trong ái dục, sống chết một mình, đến đi riêng lẻ;
Luân hồi tự đi, khổ vui tự tạo, thân tự gánh lấy, không ai thay thế.

Đoạn văn kinh này đã nói lên tình trạng thật sự của sáu nẻo luân hồi, trong sáu nẻo luân hồi này, chúng ta đều cô độc mà đến, cũng cô độc mà đi, mặc dù hiện tại có bạn bè, nhưng tương lai không bằng hữu. Kinh Địa Tạng nói: “Chí thân như cha với con, thì đường đi cũng khác, dù có gặp nhau, cũng không thể nào chịu khổ thay nhau”. 
Mỗi người chúng ta trong thế gian này đều theo nghiệp lưu chuyển, đều bị nghiệp đã tạo từ đời quá khứ, dẫn dắt chịu quả báo. Hoặc là sanh trong cõi người, hoặc là cõi súc sanh, hoặc là cõi ngạ quỷ, hoặc là cõi địa ngục; cho nên thế gian này là nơi chúng ta lưu chuyển tạo nghiệp rồi chịu khổ, không phải là cố hương an lạc của chúng ta, chúng ta muốn được về quê nhà trường cửu, an lạc, đoàn tụ, thì người người cần phải niệm Phật, người người vãng sanh Cực Lạc; thế giới Cực Lạc mới là quê hương thật sự của chúng ta, cũng là nơi mà người thân quyến thuộc của chúng ta vĩnh viễn đoàn tụ cùng nhau, hơn nữa, còn là Tịnh Độ mà chúng ta cùng thành Phật đạo, cùng độ khắp chúng sanh. 

Có 3 bài kệ nói rằng:

Người trong thế gian
Hết thảy luyến ái
Hết thảy truy cầu
Một khi lâm chung
Rốt cuộc còn gì
Có gì của ta?
Quyến thuộc thế gian
Duyên hết thì lìa
Muốn đoàn tụ mãi
Nên kết Phật duyên
Cùng niệm Di-đà
Cùng sanh Tịnh Độ.

Nguyện khắp hữu tình đều niệm Phật
Lâm chung vãng sanh Cực Lạc bang
Người thân, quyến thuộc mãi đoàn viên
Ánh sáng, thọ mạng đồng như Phật.

Ba câu kệ này, có thể nói là thật tướng của đời người, cũng là mục tiêu của đời người.

Trên đây là điều thứ hai: Người thân quyến thuộc, cùng thành Phật đạo. Tiếp theo:

Điều thứ ba: Tin Phật niệm Phật, tập thành thói quen

Vừa mới nói, quan niệm của người niệm Phật là: “Cuộc sống trong một ngày, bắt đầu từ niệm Phật”. Thế nào là cuộc sống trong một ngày, bắt đầu từ niệm Phật? Buổi sáng, sau khi thức dậy, có thể ngồi trên giường tĩnh tọa niệm Phật; hoặc sau khi đánh răng rửa mặt, lên Phật đường dâng hương, sau đó tĩnh tọa niệm Phật tại Phật đường; hoặc tìm một chỗ tương đối thoáng đãng mà tĩnh tọa niệm Phật.

Tôi thường nhấn mạnh, buổi sáng có ba điều tịnh (tĩnh): Nghĩa là tinh thần yên tĩnh, không khí thanh tịnh, hoàn cảnh an tĩnh. Tôi cũng thường đề nghị mọi người nên cố gắng thực hành phương thức tĩnh tọa niệm Phật, vì thân thể không động, thì tâm dễ tịch tĩnh; dùng thân tâm tịch tĩnh để trì niệm vạn đức hồng danh Di-đà, nhất là nuôi dưỡng thành thói quen, cảm nhận sâu sắc sự an lạc, tĩnh tại. Ngồi lâu rồi, có thể ra bên ngoài để hít thở không khí trong lành, cũng để điều tiết thân thể sau thời gian khá dài tĩnh tọa, nhưng vẫn niệm Phật như cũ, không rời câu Phật hiệu. Đi, đứng, nằm, ngồi, đều là một câu Phật hiệu, niệm niệm không rời, đây gọi là tịnh niệm liên tục. Đương nhiên, nếu không thể ngồi, thì cũng có thể vừa kinh hành vừa niệm Phật, vừa lạy Phật vừa niệm Phật, hoặc có thể điều chỉnh sao cho phù hợp giữa kinh hành, lạy Phật và tĩnh tọa.

Ngoài ra, trong một ngày, nếu có thời gian, đều có thể lặp lại như vậy, như thế sẽ tập thành thói quen chuyên niệm Phật, phù hợp với bản nguyện của đức Phật A-di-đà. Càng niệm Phật, càng cảm nhận sâu sắc lòng từ bi vô lượng của đức Phật A-di-đà; càng niệm Phật, càng thấu tỏ được pháp hỷ cứu độ của đức Phật A-di-đà; càng cảm nhận được sự từ bi, càng được pháp hỷ, thì càng muốn niệm Phật. 

Chúng ta là phàm phu tội ác trong sanh tử, trong tâm đầy dẫy tham sân si vọng tưởng tạp niệm, nếu không niệm Phật thì liền niệm nghiệp, tức là niệm tham sân si và vọng tưởng tạp niệm. Hẳn nhiên, sự vãng sanh của chúng ta hoàn toàn nương vào tâm từ bi, nguyện lực và sức công đức của đức Phật A-di-đà; mà bi tâm, nguyện lực, sức công đức của đức Phật A-di-đà đều nằm trọn trong câu danh hiệu Di-đà, chỉ cần chuyên xưng danh hiệu Ngài, liền nhận được sự gia trì và cứu độ từ nguyện lực của Ngài. Nếu chúng ta có thể nuôi dưỡng thành thói quen niệm Phật, thì sẽ ít khổ ít não, ngày càng hoan hỷ hơn.

Ngoài ra, cũng nên lấy bốn chữ “A-di-đà Phật” tập thành thói quen khi chào hỏi, chúc phúc. Những cụm từ như: Xin chào, tạm biệt, cảm ơn, xin lỗi, chúc mừng, chúc phúc, đồng tình, v.v., tất cả đều nên mở đầu bằng xưng niệm: “A-di-đà Phật! A-di-đà Phật!”; có điện thoại gọi đến, cầm máy lên, không nên nói: “A lô!”, mà nên thay bằng: “A-di-đà Phật!”; kết thúc cuộc nói chuyện, cũng niệm một câu “A-di-đà Phật”, rồi mới tắt điện thoại.

Đến cũng “A-di-đà Phật”, đi cũng “A-di-đà Phật”, tốt cũng “A-di-đà Phật”, không tốt cũng “A-di-đà Phật”; tất cả mọi việc đều nên dùng một câu “A-di-đà Phật” để biểu đạt.

Đạo tràng thuộc Tông Tịnh Độ là nơi chuyên tu niệm Phật, lấy danh hiệu đức Phật A-di-đà làm cội nguồn của tông Tịnh Độ, lấy chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà làm mạng sống của tông Tịnh Độ, một câu A-di-đà Phật là cốt tủy trong cốt tủy, là cội nguồn trong cội nguồn của tông Tịnh Độ, không luận là gặp mặt chào hỏi, hoặc đi đứng nằm ngồi, đều nhất hướng chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà, niệm niệm không bỏ, đây gọi là:

Trong tất cả lời nói, Phật hiệu cát tường nhất;
Trong tất cả chư Phật, Di-đà tôn quý nhất;
Trong tất cả các pháp, niệm Phật thù thắng nhất.

Câu vạn đức hồng danh “Nam-mô A-di-đà Phật”, là khi đức Phật A-di-đà còn trong nhân địa tu hành, Ngài đã trải qua năm kiếp tư duy, mới phát ra 48 đại nguyện; lại phải trải qua triệu tải vĩnh kiếp vun bồi, tích lũy vô lượng đức hạnh của Bồ-tát, nguyện và hạnh thảy đều viên mãn rồi, vạn đức hồng danh mới được thành tựu, đây là cùng tột của chân lý, là kết tinh của công đức. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tán thán đức Phật A-di-đà, đồng thời, Ngài cũng khen ngợi người niệm Phật:
Ánh sáng, oai thần của đức Phật A-di-đà là tối tôn, đệ nhất, không gì có thể bì kịp, ánh sáng của chư Phật đều không thể sánh bằng.

Đức Phật A-di-đà là vua trong các đức Phật, ánh sáng của Ngài là tôn quý nhất.

Danh hiệu đức Phật A-di-đà là danh hiệu có công đức vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.

Ánh sáng của đức Phật A-di-đà chiếu khắp mười phương thế giới, nhiếp thủ không bỏ chúng sanh niệm Phật.

A-di-đà Phật là vạn đức hồng danh, một khi tai nghe được thì vĩnh viễn đã có hạt giống làm Phật.

Thà nguyện sinh về địa ngục, mà được nghe danh hiệu Phật; chẳng nguyện sinh về cõi trời, mà không được nghe danh hiệu Phật.

Nếu người tâm tán loạn, đi vào trong tháp miếu, vừa xưng “Nam-mô Phật”, đều đã thành Phật đạo.

Nếu người tạo nhiều tội, phải đọa vào địa ngục, vừa nghe danh Di-đà, lửa dữ hóa mát mẻ.

Niệm Phật một tiếng, diệt tội Hằng sa; lễ Phật một lạy, phước tăng vô lượng. 

Ở trên là trích dẫn sơ lược 9 đoạn văn kinh, đây là những lời tán thán của đức Phật Thích-ca Mâu-ni dành cho đức Phật A-di-đà, đồng thời, cũng khen ngợi người niệm Phật.

“A-di-đà Phật” là vạn đức hồng danh, niệm bốn chữ “A-di-đà Phật” làm thành lời nói tiêu biểu, là điều tốt nhất để mang lại cho đôi bên sự thanh tịnh, cát tường, bình an, tiêu tai, thoát nạn, tăng phước, tăng huệ; còn nói những lời khác của thế tục, như “Xin chào”, hoặc “Chúc may mắn”, tuy đã là dùng những lời lẽ tốt đẹp để chào hỏi nhau, nhưng cũng chỉ là chào hỏi mà thôi, chẳng thể đem điều tốt đẹp đến cho người, cũng không thể giúp cho họ may mắn, chỉ có niệm Phật mới có thể mang lại sự cát tường, cho nên nói: “Đi đứng nằm ngồi thường niệm Phật, Xuân Hạ Thu Đông mãi cát tường”. Đại sư Thiện Đạo nói: “Hạng phỉ báng chánh pháp và hạng xiển-đề làm mười điều ác, hồi tâm niệm Phật, tội đều tiêu”, “Kiếm bén tức là danh hiệu Phật A-di-đà, một tiếng xưng niệm, tội đều trừ”.

Cho nên nói là: “Một khi tai nghe được thì vĩnh viễn đã có hạt giống làm Phật”, “Thà nguyện sinh về địa ngục, mà được nghe danh hiệu Phật; chẳng nguyện sinh về cõi trời, mà không được nghe danh hiệu Phật”. 

Vì vậy, chúng ta nên đem việc niệm Phật làm thành ngôn ngữ thông dụng để chào hỏi nhau, mới là chân thành muốn tốt cho người khác, mới là đem đến lợi ích thật sự cho họ, cả hai bên đều bình an cát tường, đôi bên đều tiêu nghiệp chướng, tăng phước tăng huệ. Hơn nữa:

Nơi không thanh tịnh, niệm Phật sẽ mang tới sự thanh tịnh;
Nơi không may mắn, niệm Phật sẽ mang tới sự may mắn;
Nơi không bình an, niệm Phật sẽ mang tới sự bình an;
Nơi thường bị tai nạn, niệm Phật sẽ tiêu tai thoát nạn;
Bản thân phước mỏng huệ kém, niệm Phật sẽ tăng phước tăng huệ.
Ở trên là điểm thứ 3: Tin Phật niệm Phật, tập thành thói quen.

Trong ngày xuân, mọi người không ra ngoài dạo chơi, không du lịch ngoạn cảnh, mà lại lên Đạo tràng, nơi mà đối với một người bình thường sẽ cảm thấy niệm Phật rất cô độc, vắng vẻ, buồn chán; hoặc là không đi ra ngoài, tận dụng những ngày nghỉ Xuân khó có này, để ở nhà tĩnh tâm niệm Phật, học tập pháp nghĩa, có thể nói, trên mặt ý nghĩa, công đức còn thù thắng hơn so với một người bình thường đi chùa thắp hương, cúng Phật, lạy Phật. Người niệm Phật là người rất có thiện căn và phước đức, vì thế, mong mọi người hết sức trân quý nhân duyên thù thắng này, tin nhận sự cứu độ của đức Phật A-di-đà, tập thành thói quen niệm Phật, đem cuộc sống đặt trong việc niệm Phật. Đây chính là đi đứng nằm ngồi, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu cũng đều niệm Phật, hình thành thói quen: Niệm Phật chính là cuộc sống, cuộc sống chính là niệm Phật; niệm Phật trở thành thành sinh hoạt, sinh hoạt trở thành niệm Phật.
Sau cùng, kính chúc mọi người: Niệm Phật an lạc, năm mới hạnh phúc, mỗi năm đều vui vẻ, được sanh Cực Lạc.

Nam-mô A-di-đà Phật
Nam-mô A-di-đà Phật
Nam-mô A-di-đà Phật!

Nguyên tác: Pháp sư Huệ Tịnh
Chuyển ngữ: Ban phiên dịch Tịnh Độ

Pháp Sư Huệ Tịnh - 慧淨法師- Dharma Master Huijing
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
--------------------------
(CHIA SẺ PHÁP LÀ CÁCH CÚNG DƯỜNG TỐI THƯỢNG)