“Nam Mô A Di Đà Phật”. Ở mọi lúc vào mọi nơi, một câu Phật hiệu này không thể gián đoạn. Trong miệng không niệm thì không hề gì, thế nhưng ở trong tâm phải thật có thì chúng ta mới quyết định được sanh. Trong miệng một ngày từ sáng đến tối “A Di Đà Phật”, thế nhưng trong tâm không có, vậy thì chúng ta không thể đi, người xưa gọi là "miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công". Vì vậy, trong tâm phải thật có.
“A Di Đà Phật” là gì? Trong tâm của bạn không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là “A Di Đà Phật”. A Di Đà Phật, câu nói này là dịch âm từ tiếng Phạn của Ấn Độ xưa. Nếu như trên mặt chữ mà phiên dịch, thì "A" dịch là vô, "Di Đà" dịch là lượng, "Phật" dịch là trí tuệ, giác ngộ. Ý nghĩa là vô lượng trí tuệ, vô lượng giác ngộ. Trong tâm này của chúng ta có A Di Đà Phật chính là trụ vô lượng trí, vô lượng giác, đó không phải là chân thật huệ hay sao? Không biết được cái gì là trí huệ, cái gì là giác ngộ cũng không có quan hệ gì, chỉ cần trong tâm của bạn không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì đây chính là trí tuệ, là giác ngộ. Trong tâm vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không có trí huệ, không có giác ngộ, cho nên niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật” cũng không ích gì. Do đây có thể biết niệm Phật phải niệm bằng cách nào. Đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước niệm tiêu hết, hay nói cách khác, dùng một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” thay thế vô lượng vô biên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đây chính là diệu pháp của niệm Phật. Niệm đến vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình không sanh, thì công phu niệm Phật của bạn có lực rồi. Ngay trong hai đến sáu thời, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra thì không có bất cứ thứ gì, đây gọi là công phu thành khối. Công phu thành khối thì được đới nghiệp vãng sanh, thế nhưng bạn tuyệt nhiên chưa khai trí tuệ. Đới nghiệp vãng sanh, bạn chắc chắn được sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc cõi Phàm Thánh Đồng Cư.
Tây Phương Tịnh Độ rất thù thắng, rất đặc biệt. Bạn không cần e ngại là cõi Phàm Thánh Đồng Cư địa vị này rất thấp. Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu cho chúng ta thế giới này rất đặc biệt; tuy giống như các thế giới chư Phật khác cũng có bốn cõi là cõi Phàm Thánh, cõi Phương Tiện, cõi Thật Báo, cõi Tịch Quang, thế nhưng bốn cõi của thế giới phương khác không cùng chung nhau, ở ngay giữa có ngăn ngại, còn bốn cõi của Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì ở cùng nhau, sanh vào bất cứ cõi nào thì đồng thời ba cõi khác đều đạt được. Cho nên, cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm vãng sanh cũng không hề gì, khi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn ngày ngày thấy A Di Đà Phật, ngày ngày nhìn thấy Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí, các Ngài trụ ở cõi Thường Tịch Quang. Người của cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm vãng sanh có thể cùng với Bồ Tát của Thường Tịch Quang sinh hoạt, ngày ngày gặp mặt. Việc này thế giới phương khác không có, hư không pháp giới chỉ riêng Tây Phương Tịnh Độ là có. Việc này rất đặc biệt, cho nên pháp môn này đặc biệt, một tu tất cả tu, một chứng tất cả chứng. Cơ hội này trăm ngàn muôn kiếp mới được gặp, cư sĩ Bàng Tế Thanh nói "vô lượng kiếp đến nay hi hữu khó gặp". Chúng ta tuy đã gặp được nhưng lại không chịu nỗ lực, còn tùy thuận tập khí phiền não của chính mình, bạn mới biết được cái nghiệp chướng này nặng cỡ nào. Trăm ngàn muôn kiếp bạn mới gặp được một lần, bạn lại không biết trân trọng, một hơi thở không vào thì hối hận không kịp. Thánh nhân thế xuất thế gian đều nhắc nhở chúng ta là mạng người vô thường, chúng ta có thể bảo chứng ở thế gian này sống được bao lâu? Người thật thông minh, người thật giác ngộ thì biết, họ chắc chắn trân trọng cơ duyên này, chắc chắn không để lỡ qua. Khi đã lỡ qua, nếu muốn gặp lại thì phải vô lượng kiếp lại vô lượng kiếp, nhất định không thể nào đời sau lập tức lại gặp được, làm gì có việc dễ dàng như vậy? Đặc biệt là người học Phật hiện tiền chúng ta, ở cửa Phật tu được chút phước nhỏ, nếu như đời sau không đọa ba đường, khi đến nhân gian này phước báo nhất định lớn hơn so với đời này, vừa hưởng phước liền rơi vào trong danh vọng lợi dưỡng, cho nên khi phước hưởng hết rồi thì tội báo liền hiện tiền, lập tức đọa ba đường. Nhất định là như vậy. Sự việc này bạn bình lặng mà quán sát thì rất là rõ ràng. Giống như trên Kinh Địa Tạng đã nói, từ trong địa ngục vừa mới ra, hưởng một chút phước báo lại tác oai tác phước, sau khi chết rồi lập tức lại trở vào. Bồ Tát Địa Tạng xem thấy thở dài, không dễ gì giáo hóa được bạn, bạn mới đi ra, đánh một vòng lại trở vào rồi. Chúng sanh khó độ! Cho nên Bồ Tát rất cảm khái: "Chúng sanh Diêm Phù Đề cang cường khó độ!". Đây là sự thật. Cang cường khó độ, không chịu tiếp nhận, xem địa ngục là quê hương (đọa địa ngục là trở về quê hương), nhân thiên hai cõi là chốn du lịch, là đến để nghỉ hè, không được mấy ngày thì trở về quê hương rồi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trích PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 192)
Chủ giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không