NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT HỘ NIỆM VÃNG SANH TÂY PHƯƠNG
Ấn Quang Đại Sư
I. Bài kệ phát nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát
Nguyện tôi đến lúc sắp mạng chung
Trừ hết tất cả các chướng ngại
Chính mắt gặp Phật A Di Đà
Liền được vãng sanh cõi Cực Lạc
II. Đại sư Ấn Quang nói:
Thành tựu cho một chúng sanh vãng sanh tây phương, tức là thành tựu cho một chúng sanh làm Phật, cái công đức này không thể nghĩ bàn.
III. Ba yếu tố thành công của sự hộ niệm:
1. Bản thân của người vãng sanh phải hội đủ Tam Tư Lương (ba điều kiện) Tín Hạnh Nguyện, lúc bình thường phải dặn dò gia quyết chú ý những điều cần biết khi vãng sanh, Đại Sư Ngẫu Ích dạy: Có được vãng sanh toàn do tín nguyện có hay không, phẩm vị cao hay thấp đều do trì danh sâu hay cạn.
2. Con cái quyến thuộc phải phát đại hiếu tâm và từ bi ân huệ tâm, tuân theo lời Phật dạy như pháp hộ trì cha mẹ thân nhân vãng sanh tây phương, thì gọi là: Tự thoát khỏi trần lao, mới có thể thành tựu.
3. Các liên hữu chân thành hết lòng hộ niệm, thành tựu cho người khác vãng sanh, sẽ được quả báo người khác thành tựu cho mình vãng sanh. Tổ Ấn Quang nói: Khuyên bảo mọi người nên tu tịnh nghiệp, nguyện cho chúng sanh đó là bổn nguyện của Phật.
4. Nếu có thể y theo ba yếu tố như pháp hộ trì trợ niệm, thì nhất định vạn người tu vạn người đi, thành tựu cho chúng sanh vãng sanh tây phương, viên thành Phật đạo, công đức không thể nghĩ bàn. Nếu vãng sanh có chướng ngại, thì phải chân thành cầu Phật gia trì, bài trừ chướng ngại, thành tựu vãng sanh đại sự.
IV. Đại Sư Ấn Quang khai thị ba điều lúc lâm chung:
Điều thứ nhất: Phải khéo khai thị an ủi, khiến cho bịnh nhân sắp mất sanh lòng chánh tín. Tha thiết khuyên bịnh nhân, buông bỏ tất cả, nhất tâm niệm Phật, nếu có dặn dò việc gì, bảo họ mau dặn dò, dặn dò xong, bảo họ không nên lo nghĩ chuyện khác, chỉ nghĩ đến ta sắp theo Phật sanh về cõi Cực Lạc, nhất tâm chí thành niệm Phật, nhất định cảm được lòng từ bi của Phật, Ngài đích thân đến tiếp dẫn, liền được vãng sanh.
Điều thứ hai: Mọi người luân phiên niệm Phật, để hộ trì tịnh niệm cho bịnh nhân. Tâm lực của bịnh nhân yếu ớt, không thể liên tục niệm lâu dài, ngay trong lúc này phải nhờ người khác hộ niệm, mới được đắc lực. Nên biết rằng: Những người chịu giúp bịnh nhân tịnh niệm vãng sanh, cũng được quả báo người khác hộ niệm cho mình, đừng nói là chỉ vì cha mẹ mới hộ niệm như vậy, cho dù là người không quen biết cũng phải giúp họ hộ niệm, cũng là bồi dưỡng phước điền của mình, giúp cho một người thành tựu vãng sanh tịnh độ, tức là giúp cho một người thành tựu làm Phật, hộ niệm nên chia thành từng nhóm luân phiên niệm Phật, pháp khí chỉ dùng một cái khánh, niệm Phật không mau không chậm, từng chữ rõ ràng.
Điều thứ ba: Tuyệt đối không nên dời động hay khóc lóc, e sợ làm hỏng việc. Bịnh nhân lúc sắp phân chia Phàm, Thánh, Người, Quỷ, lúc đó chỉ niệm Phật cho thần thức của họ, không nên lau mình, thay quần áo, dời động, khóc lóc, để cho họ tự nhiên ngồi nằm, vì vậy có thuyết rằng: Đỉnh nóng sanh cõi Phật, nơi mắt sanh cõi trời, ngực nóng sanh cõi người, bụng nóng sanh ngạ quỷ, đầu gối đọa súc sanh, bàn chân xuống địa ngục. Lúc này mọi người nên khẩn thiết mà niệm Phật, không nên thăm dò hơi nóng của người lúc lâm chung, họ quyết định đới nghiệp vãng sanh. Trong khổ thơ có nói:
Ta thấy người khác chết, tâm ta nóng như lữa,
Không phải nóng người khác, sẽ đến lượt ta đây.
V. Đại Sư Hoằng Nhất khai thị cho người sắp mất:
1. Bịnh chưa nặng – có thể tiếp tục uống thuốc, nhưng phải niệm Phật, không nên nghĩ rằng uống thuốc sẽ lành bịnh.
2. Lúc bịnh nặng – phải buông bỏ hết tất cả, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương (nếu thọ mạng chưa hết, thì sẽ mau lành bịnh), nếu cảm thấy đau đớn, cũng không nên sanh lòng kinh hoảng, mà nghĩ rằng ta đang trả nghiệp, lúc tâm trí còn sáng suốt, phải thỉnh thiện tri thức đến thuyết pháp, khiến cho sanh lòng hoan hỷ.
3. Lúc lâm chung – không nên hỏi di chúc, không nên trò chuyện. Nếu bịnh nhân muốn lau mình, thay quần áo, thì nên y theo ý của bịnh nhân làm, bịnh nhân muốn ngồi hay nằm thì cũng tùy ý của bịnh nhân, không nên miễn cưỡng, phải thỉnh người đến hộ niệm, trong phòng bịnh nhân phải thờ một tượng Phật A Di Đà tiếp dẫn, để cho bịnh nhân trông thấy. Phải luân phiên hộ niệm, khuyên bảo bịnh nhân niệm Phật, tiếng niệm Phật không thể chói tai.
4. Lúc mạng chung – không nên khóc lóc, dời động, lau mình, thay áo, không cần rờ đỉnh đầu xem có hơi nóng hay không, tám tiếng đồng hồ sau, nếu các khớp xương đã cứng, thì nên lấy khăn thấm nước nóng đắp lên, không bao lâu sẽ mềm mại.
VI. Vãng sanh chứng nghiệm:
Thời xưa – có ghi chép trong quyển Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, Vãng Sanh Tập: đời Đường ông Trương Thiện Hòa, đời Tống ông Vương Long Thơ, ông Hoàng Dã Thiết, Pháp Sư Khả Cửu. Đến thời đại Dân Quốc Đại Sư Ấn Quang, Đại Sư Hoằng Nhất, Đại sư Đế Nhàn, cư sĩ Giang Vị Nông, cư sĩ Hồ Tùng Niên v.v…
Thời nay – Lão Hòa Thượng Quảng Khâm, Lão Pháp Sư Đạo Nguyên, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, cư sĩ Lại Tạ Diệu, cư sĩ Khưu Phiên Thử, cư sĩ Lý Tế Hoa, cư sĩ Giang Thúy Thường, cư sĩ Vu Thổ Sát, cư sĩ Lưu Lý Cúc v.v… những vị vãng sanh trong đời cận đại, có ghi chép trong quyển Vãng Sanh Lục và Nguyệt San Minh Luận.
VII. Tài liệu tham khảo hộ niệm vãng sanh
Quy Tắc và Ý Nghĩa của sự Hộ Niệm do Tuyết Lư Lão Nhân giảng, quyển Lâm Chung Tu Tri và Lâm Chung Tân Lương.
Phải thường chí thành niệm câu:
Nam mô A Di Đà Phật.
Đời này tiêu nghiệp chướng,
Lâm chung không chướng ngại,
Đồng sanh cõi Cực Lạc,
Thừa nguyện lực tái lai.
QUY TẮC VÀ Ý NGHĨA CỦA SỰ HỘ NIỆM
Do Tuyết Lư Lão Nhân giảng tại Liên Xã Đài Trung
Hộ niệm là giúp người vãng sanh. Người hộ niệm đối với phương pháp và đạo lý của vãng sanh, nhất định phải biết rõ ràng, thì bịnh nhân mới được lợi lạc. Con người lúc lâm chung, thần thức của mỗi một người khác nhau.
Những hành vi tạo tác, ngay trong lúc này đều khởi hiện hành, chủng tử trong A Lại Da Thức sẽ hiện ra ngoài.
Lúc đó hoàn toàn sẽ do nghiệp lực làm chủ, nghiệp nào lớn mạnh thì ra trước. Ác nghiệp nhiều thì sức của ác chủng tử lớn mạnh, đưa đẩy thần thức vào tam ác đạo. Nếu thiện nghệp nhiều, thì chủng tử dẫn thần thức sanh lên cõi trời hoặc đầu thai làm người. Còn như lúc bình thường có công phu niệm Phật, thì có Phật chủng tử, sức của Phật chủng tử lớn mạnh mà ra trước, thì được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Nếu như sức của Phật chủng tử nhỏ yếu chưa ra được, lúc đó phải nhờ vào người hộ niệm giúp đỡ niệm Phật, thì Phật chủng tử mới dễ dàng ra trước. Cho nên lúc bình thường phải có tu trì niệm Phật, đến khi lâm chung thì Phật chủng tử ra trước, mới có hy vọng được vãng sanh. Hộ niệm chính là giúp cho người sắp mất biết niệm Phật cầu vãng sanh.
Đệ tử Phật bất luận lúc bình thường đọc tụng bao nhiêu bộ kinh, hoặc niệm bao nhiêu thần chú, lúc sắp mạng chung, mà chủng tử bốn chữ A Di Đà Phật ra trước thì mới hữu dụng, lúc đó mới giúp được người sắp mạng chung vãng sanh Cực Lạc. Những lời này rất là quan trọng, mọi người phải luôn nhớ kỷ.
Lúc hộ niệm phải tuân theo quy tắc. Gia quyến của người sắp mất không nên làm rối loạn, không nên làm theo ý mình, không nên bày vẽ bên ngoài làm cho nhộn nhịp. Khi ban hộ niệm đến, nên chuẩn bị nước trà, ngoài ra không cần gì hết. Ban hộ niệm nhất định phải chú ý hai điều:
1. Tự mình ăn uống, không nên làm phiền gia quyến của người sắp mất.
2. Không được nhận phong bì đỏ (tiền lì xì), tuyệt đối không thể phá lệ.
Nếu như đã phá hoại quy tắc, họ không cho phong bì đỏ thì tâm sẽ không còn chân thành để hộ niệm cho người sắp lâm chung, thì sự hộ niệm cũng sẽ trở thành kiếm tiền, đây là phá hoại Phật pháp. Cũng không nhận lễ vật của người ta. Nếu tại gia cư sĩ đi hộ niệm, mà nhận tiền thù lao, tức là tạo tội nghiệp, ban hộ niệm mà nhận tiền thù lao của người ta, thì là hỏng hết. Mọi người phải học theo Tổ Ấn Quang, bằng không là phản đồ, không tuân theo quy tắc hộ niệm, tức là khi sư diệt tổ.
Phàm là những liên hữu gia nhập ban hộ niệm, đều có danh sách. Thân nhân quyến thuộc của thành viên trong ban hộ niệm, họ cũng tin Phật pháp, nếu họ có chuyện gì, chúng ta đều phải đi hộ niệm, còn như họ không tin, thì không cần đi hộ niệm, đây là phạm vi nhiệm vụ của ban hộ niệm.
Đi hộ niệm, phải chuẩn bị những thứ cần thiết sau đây: Một tượng Phật Di Đà cao 3 thước (1 mét), một cái lư hương, hai cây đèn cầy, nhang (nhang đốt không gián đoạn), một cái ly và 1 cái chén, chúng ta phải mang theo những thứ này, bất luận nhà của họ có hay không. Khi đã đến nhà của họ, việc đầu tiên là an trí tượng Phật, chủ yếu là để cho bịnh nhân có thể trông thấy tượng Phật, tượng Phật không nhất định là đóng hay treo vách tường, đặt trên bàn cũng được, cũng không nhất định đặt tại phương hướng nào, bởi vì vị trí nhà cửa của mỗi người khác nhau, thật ra mười phương không phân đông tây nam bắc, có tượng Phật nơi nào thì nơi đó là hướng tây. Niệm sáu chữ hoặc niệm bốn chữ cũng được. Nhang đèn mang theo nếu đã dùng hết thì dùng của họ, nếu như họ không có, không đốt tiếp cũng không sao. Khi vào trong nhà của họ, trước hết trưởng ban hộ niệm thỉnh tượng Phật an trí đàng hoàng, sau đó đốt nhang đèn, kế tiếp sắp xếp chỗ ngồi, rồi bắt đầu hộ niệm. Việc sắp xếp chỗ ngồi rất quan trọng, có thể khiến cho bịnh nhân yên lòng, cũng là không để cho mắt của bịnh nhân nhìn chỗ khác. Nếu bịnh tình của bịnh nhân không nguy ngập, có thể bắt đầu niệm:
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật. Nếu thấy nguy ngập liền niệm sáu chữ, nếu thấy rất nguy ngập thì trực tiếp niệm bốn chữ A Di Đà Phật. Nên biết, một tiếng A Di Đà Phật, bao gồm cả ba thừa, điều quan trọng nhất là phải khiến cho bịnh nhân nghe được tiếng Phật hiệu mà niệm theo, thì công đức vô lượng không thể nghĩ bàn.
Người hộ niệm, còn phải chú ý, trước khi vào nhà của họ, nhất định phải gặp chủ nhân, sau khi đã gặp chủ nhân rồi, thì mới vào nhà để tránh bị nghi ngờ mất đồ. Chủ nhân mời chúng ta vào nhà thì mới vào nhà. Lúc không hộ niệm thì ngồi im lặng niệm thầm trong tâm, lúc hộ niệm phải tập trung tinh thần trong câu Phật hiệu. Trong khi đang hộ niệm, những người khác không được đi ra vào làm ồn, phải giữ bầu không khí yên tĩnh, những người khác chỉ có thể ở xa mà xem, không được tự tiện vào thăm bịnh nhân, nếu để cho họ tự tiện vào thăm hỏi bịnh nhân, nói những lời dấy động tình cảm, nên biết rằng: hể bịnh nhân vừa động tình cảm thì là hỏng hết. Lúc hộ niệm phải tôn trọng quy tắc hộ niệm của ban hộ niệm. Chỉ cần là đang hộ niệm, thì những người khác không được vào thăm bịnh, làm quấy rầy bịnh nhân, khiến cho bịnh nhân dấy động tình cảm mà mất đi chánh niệm. Cũng không được để cho bịnh nhân nghe những âm thanh khác (nghe âm nhạc, nghe tiếng hát), không được nghe tiếng khóc thê thảm. Dù có người sanh ra hiểu lầm, cho là sự ngăn cấm quá nhiều, người hộ niệm phải nhịn được sự hiểu lầm như vậy. Trước khi bịnh nhân sắp lâm chung, họ muốn uống nước hoặc muốn ăn, có thể để cho bịnh nhân ăn, nhưng không được nói chuyện, chỉ niệm Phật mang thức ăn đến đút cho họ ăn, nếu như nói chuyện với họ, thì tâm lý của bịnh nhân sẽ tưởng là những âm thanh khác, lúc đó họ không thể nhất tâm.
Công phu niệm hằng ngày của mọi người, đều phải đạt đến nhất tâm bất loạn, lúc lâm chung thì càng phải nhất tâm. Người hộ niệm trong khi đang hộ niệm không được ho, không được thở dài, hoặc phát ra những âm thanh khác, khiến cho bịnh nhân nghe rồi mất đi chánh niệm. Điều này lúc bình thường ban hộ niệm phải luyện tập, phải luyện tập không còn tạp âm. Nếu không thì lúc bịnh nhân đang nhất tâm niệm Phật, đột nhiên bị một tiếng ho hoặc thở dài làm gián đoạn, khiến cho tâm bịnh nhân rối loạn, thần trí không còn tĩnh táo. Đúng ngay lúc đó mà tắt thở, đây là điều quan trọng nhất, cũng là lúc khẩn yếu nhất, thân nhân quyến thuộc sẽ cầm không được nỗi xúc động, họ sẽ tiến đến bên mình của bịnh nhân khóc lóc, lúc đó ban hộ niệm phải ngăn cản họ, bảo họ không nên khóc lóc, kêu ba! gọi má! mà phải khuyên họ nên niệm Phật, mọi người đều phải niệm Phật, nếu không thì sự hộ niệm sẽ hoài công. Sau khi bịnh nhân vừa tắt thở, linh hồn vẫn còn trong thân thể, nghiệp lực của trong A Lại Da Thức vẫn còn trong thân thể, rất khó rời khỏi. Nếu người tội nghiệp nặng mà có công phu giỏi, trong khoãnh khắc thì rời khỏi thân thể, người thông thường rất khó rời khỏi, giống như con óc muốn rời khỏi vỏ là chuyện rất khó, vì vậy phải niệm Phật, hộ niệm suốt 24 tiếng không gián đoạn, mới bảo đảm không bị nghiệp lực lôi kéo. Cổ nhân rất coi trọng điểm này. Khổng Lão Phu Tử có nói: Ba ngày sau mới đại liệm (nhập quan), ba ngày sau thì linh hồn đã rời khỏi thân thể, bậc Thánh nhân cũng biết được điều này, đại đa số người đối với việc sanh tử không hiểu rõ.
Trưởng ban hộ niệm phải bảo người nhà của người mới mất, trong 12 tiếng đồng hồ không được dời động thân thể của người mới mất, sau khi hộ niệm xong thì mới có thể dời động thân thể. Nếu các khớp xương cùi chõ đầu gối đã cứng nên dùng khăn thấm nước nóng đắp lên. Nhiệm vụ hộ niệm đến đây đã làm xong, toàn thể ban hộ niệm đọc bốn câu kệ hồi hướng, rồi hành lễ hoàn mãn. Trưởng ban hộ niệm tặng một tấm mền kinh Đà La Ni (mền Quang Minh), và một bao chu sa Quang Minh cho người vãng sanh. Toàn ban hộ niệm từ biệt chủ nhân ra về, không còn lo nghĩ gì nữa.
Tóm lại, quy tắc và ý nghĩa của sự hộ niệm, mọi người không thể không biết, Cổ đại đức của Tịnh Tông, có viết một quyển sách tựa đề [Lâm Chung Tu Tri], mọi người có thể đọc tham khảo. Nếu như có thể giúp cho một người được vãng sanh, thành tựu một vị Phật, thì công đức không thể nghĩ bàn!
(Bài giảng này có đăng trong Nguyệt San Minh Luận số 158)
Tài Liệu Tham Khảo Hộ Niệm Pháp Ngữ Khai Thị
Trích Đại Sư Ấn Quang Văn Sao tục biên quyển hạ
Pháp ngữ khai thị cho Pháp Sư Hoa Quyền đang mang bịnh. (năm Dân Quốc 21- 1932)
Con người sống trong thế gian này, đều không tránh khỏi nổi khổ của bịnh tật và chết chóc, lúc xảy ra những sự khổ này, chỉ có cách là buông bỏ vạn duyên, nhất tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật, nếu hơi thở ngắn thì niệm bốn chữ A Di Đà Phật, nhất tâm cầu Phật từ bi tiếp dẫn ông vãng sanh tây phương. Ngoại trừ một niệm này ra, trong tâm không thể có những ý niệm nào khác. Cũng không thể mong cho mau lành bịnh, cũng đừng nghĩ tưởng cầu thần cầu Phật phù hộ. Hể tâm ông có những nghĩ tưởng này, thì sẽ không tương ứng với tâm của A Di Đà Phật, vì vậy sẽ không được sức gia trì lòng từ bi của Phật. Ông nên biết rằng, trời đất cha mẹ, đều không khiến cho ông thoát khỏi sanh tử luân hồi, chỉ có A Di Đà Phật, mới có thể khiến cho ông thoát khỏi sanh tử luân hồi. Nếu ông chịu buông bỏ hết tất cả, nhất tâm niệm Phật, nếu tuổi thọ chưa hết, thì sẽ mau lành bịnh. Còn như tuổi thọ đã hết, liền được vãng sanh Tây Phương. Nhưng không thể cầu mau lành bịnh, chỉ có thể cầu mau vãng sanh. Nếu tuổi thọ đã hết, mà muốn cầu hết bịnh, thì sẽ không được vãng sanh. Còn như tuổi thọ chưa hết, lại cầu vãng sanh, thì sẽ mau lành bịnh. Vãng sanh tây phương sự lợi lạc nói không hết, so với những người sanh lên cõi trời làm thiên đế thiên vương, còn thù thắng hơn họ vô số vô lượng vạn vạn vạn vạn lần. Ông không thể có si tâm vọng tưởng sợ chết, nếu trong tâm mà sợ chết thì không được vãng sanh. Chúng ta sống trong thế gian này, giống như những con giòi trong hầm phân, như trong ngục tù không khác, vô cùng thống khổ. Vãng sanh tây phương như ra khỏi hầm phân và ngục tù, trở về quê hương thanh tịnh an lạc tiêu dao tự tại, sao lại sợ chết. Nếu trong tâm mà sợ chết, thì vĩnh viễn chịu khổ trong sanh tử luân hồi, vĩnh viễn không có ngày ra khỏi cảnh khổ. Nếu ông có thể niệm ra tiếng, thì nên niệm nhỏ tiếng. Còn như không thể niệm ra tiếng, thì chỉ niệm thầm trong tâm, tai nghe người khác niệm, trong tâm cũng niệm theo như vậy. Hai mắt nhìn tượng Phật A Di Đà (tượng Phật thờ trong phòng), trong tâm nhớ đến A Di Đà Phật. Nếu có những ý niệm khác nỗi dậy, thì liền tự trách mình: Ta muốn nhờ vào Phật lực vãng sanh tây phương, tại sao ta lại nỗi dậy những ý niệm này, phá hoại việc lớn của ta. Nếu ông chịu y theo lời tôi dạy mà niệm Phật, thì nhất định vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn thường hưởng lấy sự vui sướng, không còn thấy nghe những sự khổ nữa, thì làm gì có những sự khổ não tật bịnh như vậy hay sao. Có lúc trong tâm nỗi dậy phiền não, nên biết rằng đó là do ác nghiệp trong đời quá khứ sai khiến, muốn phá hoại ta không được vãng sanh tây phương, muốn khiến cho ta vĩnh viễn chịu khổ trong sanh tử luân hồi. Nay ta biết rõ ý của bọn chúng muốn hại ta đó, ta không thể để cho bọn chúng xoay chuyển ta. Ngoại trừ niệm Phật ra, quyết không nghĩ đên bọn chúng nữa. Như vậy thì tâm ông tương ứng với tâm Phật, ông sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh tây phương. Hãy nhớ kỷ lời tôi nói, thì ông sẽ tự mau được sự lợi lạc không gì sánh bằng!
Dặn Dò Những Điều Lúc Lâm Chung
Những lời dặn dò cho các con cháu hiếu thảo của tôi:
Bản thân tôi suốt đời niệm A Di Đà Phật, cảm thấy được sự lợi lạc rất nhiều. Nếu các con có lòng hiếu thảo với ta, thì nhất định phải giúp đỡ ta vãng sanh tây phương cực lạc thế giới, đi đến cõi đó vĩnh viễn sẽ hưởng được thanh tịnh an lạc, tự do tự tại, đây là nguyện vọng lớn nhất của suốt đời ta.
Nên biết rằng con người lúc gần tắt thở, giống như rùa sống bị lột vỏ, vô cùng đau đớn. Nếu như các con thật sự muốn ta ra đi tự tại, vã lại hy vọng có thể phù hộ cho cả gia đình, thì nhất định phải thiết thực hoàn thành tâm nguyện của ta sau đây:
1. Trong lúc bịnh tình của ta nguy ngập, tuyệt đối không được dời động thân thể của ta, không được thay quần áo, không được khóc lóc, khóc than thảm thiết. Mà phải vì ta chân thành niệm A Di Đà Phật, cầu Phật từ bi tiếp dẫn ta vãng sanh tây phương.
2. Nếu thần thức của ta hôn mê, lúc hơi thở trong tình trạng sắp tắt chưa tắt, xin đừng để cho bác sĩ chích thuốc cứu cấp, hoặc là dùng những phương pháp hô hấp khác để cứu cấp ta, để tránh tâm thần của ta bị lay động (rối loạn), sẽ làm cho ta càng có cảm giác đau đớn. Lúc đó các con nên giữ gìn yên tịnh, nhất tâm niệm Phật, mới là có lòng hiếu thảo với ta.
3. Trước khi ta sắp lâm chung, xin liên lạc gấp với liên hữu……………, thỉnh cầu họ đến hộ niệm cho ta. Điện thoại số……………………, các con đều phải nghe theo lời chỉ dẫn của liên hữu, không được làm trái nghịch.
4. Sau khi ta đã tắt thở trong 24 tiếng đồng hồ, phải niệm Phật liên tục không ngừng, mọi người trong nhà đều phải luân phiên hộ niệm, bởi vì trong lúc này đối với ta mà nói, là sự giúp đỡ rất lớn lao, chính là giúp ta duy trì tiếp tục niệm A Di Đà Phật. Còn về nghi thức tang lễ, hãy đợi sau khi hộ niệm xong, thì mới cử hành tang lễ.
5. Còn như lau mình thay quần áo, nhập liệm……….., phải đợi sau khi vãng sanh 24 tiếng đồng hồ, thì thỉnh ban nghi lễ đến làm nghi thức tang lễ. (nếu như sợ trời nóng sẽ có mùi vị khác thường, thì trong nhà nên đốt đàn hương và để nước đá).
6. Những đồ cúng trong tang lễ, khách đến phúng viếng, tất cả đều là cúng đồ chay, tuyệt đối không được sát sanh, để tránh tội nghiệp của ta tăng thêm.
7. Nghi thức tang lễ đều y theo Phật giáo, lấy niệm Phật làm chủ. Làm tang lễ nên tiết kiệm, không nên phô trương, không nên lãng phí.
8. Sau khi mất trong 49 ngày, mọi người trong nhà phải sáng tối đều phải niệm Phật, hồi hướng cho ta vãng sanh cực lạc thế giới! Làm được như vậy thì ta mới có thể thật sự được hưởng sự vui sướng, mà mọi người cũng được vô cùng cát tường quang minh.
Hy vọng từ nay về sau mọi người đều phải tin Phật, niệm Phật. Có như vậy thì các con nhất định sẽ được bình an hạnh phúc.
Đây là tâm nguyện của ta, mong các con tuân theo.
A Di Đà Phật
Ấn Quang Đại Sư